Tải bản đầy đủ (.pdf) (121 trang)

Những vấn đề về nông thôn trong truyện ngắn nguyễn huy thiệp (LV00911)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.18 MB, 121 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2
=== – & — ===

NGUYỄN THỊ LAN PHƯƠNG

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ NÔNG THÔN TRONG
TRUYỆN NGẮN NGUYỄN HUY THIỆP

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM

HÀ NỘI - 2013


LỜI CẢM ƠN
Để hoàn thành luận văn này, em đã nhận được sự giúp đỡ tận tình của
các thầy cô giáo Khoa Ngữ Văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, các thầy
cô công tác tại Viện Văn học Việt Nam, gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Em
xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ quý báu đó.
Đặc biệt em xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc nhất đến
thầy giáo- PGS. TS Nguyễn Đăng Điệp-người đã hết lòng giúp đỡ, chỉ bảo
tận tình để em hoàn thành tốt luận văn này.
Em xin gửi tới quí thầy cô trong Hội đồng bảo vệ lời cảm ơn chân
thành!
Do còn hạn chế về trình độ nên luận văn chắc chắn sẽ còn nhiều thiếu
sót, em rất mong nhận được sự chỉ bảo, góp ý từ phía thầy cô, đồng nghiệp
và các bạn.
Hà Nội, tháng năm 2013
Tác giả luận văn

Nguyễn Thị Lan Phương




LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan rằng số liệu và kết quả nghiên cứu trong luận văn
này là trung thực và không trùng lặp với các đề tài khác. Tôi cũng xin cam
đoan rằng mọi sự giúp đỡ cho việc thực hiện luận văn này đã được cảm ơn và
các thông tin trích dẫn trong luận văn đã được chỉ rõ nguồn gốc.
Hà Nội, tháng 12 năm 2013
Tác giả

Nguyễn Thị Lan Phương


MỤC LỤC
LỜI CẢM ƠN
LỜI CAM ĐOAN
MỞ ĐẦU ........................................................................................................ 1
1.Lý do chọn đề tài .......................................................................................... 1
2. Lịch sử vÊn ®Ò ............................................................................................. 2
3.Mục đích, đối tượng, phạm vi nghiên cứu ................................................... 7
4.Phương pháp nghiên cứu. ............................................................................. 7
5.Cấu trúc luận văn.......................................................................................... 8
CHƯƠNG 1: VẤN ĐỀ NÔNG THÔN TRONG TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM
ĐƯƠNG ĐẠI...........................................................................................................................................9
1.1.Văn xuôi viết về nông thôn Việt Nam trước thời kì đổi mới .................... 9
1.1.1.Vài nét về văn xuôi Việt Nam viết về nông thôn thời kì trước 1945 ...... 9
1.1.2.Vài nét về văn xuôi Việt Nam viết về nông thôn thời kì 1945-1975 ....... 16
1.2. Nông thôn trong truyện ngắn thời kì đổi mới .......................................... 18
1.2.1.Một cái nhìn chung về truyện ngắn thời kì đổi mới ............................... 18

1.2.2.Nông thôn trong truyện ngắn thời kì đổi mới ........................................ 22
1.3. Nguyễn Huy Thiệp- một hiện tượng văn học thời kì đổi mới ................. 24
1.3.1.Truyện ngắn trong văn nghiệp Nguyễn Huy Thiệp ................................ 24
1.3.2. Nông thôn: đề tài cũ, quan niệm mới trong truyện ngắn của Nguyễn
Huy Thiệp ........................................................................................................ 29
CHƯƠNG 2:ĐỜI SỐNG NÔNG THÔN TRONG TRUYỆN NGẮN
NGUYỄN HUY THIỆP: NHỮNG XUNG ĐỘT VÀ RẠN VỠ VĂN HÓA
......................................................................................................................... 32
2.1. Chất thơ và vẻ đẹp của nông thôn ............................................................ 32
2.2 Một đời sống nông thôn nhếch nhác, xuống cấp trầm trọng về văn hóa ....... 34


2.2.1. Cảnh sinh hoạt đời thường của con người lao động chân lấm tay bùn 34
2.2.2 Số phận của những con người thôn quê................................................. 41
2.2.2.1 Những người phụ nữ chân quê ............................................................ 42
2.2.2.2 Những lão nông, trai làng nơi thôn dã ............................................... 49
2.2.2.3 Những em thơ của xứ đồng ................................................................. 54
2.3. Môi trường tự nhiên bị hủy hoại .............................................................. 59
2.4. Sự biến mất của các giá trị văn hóa.......................................................... 61
2.4.1. Đặc trưng của văn hóa làng.................................................................. 61
2.4.2. Một nông thôn đang xuống cấp trầm trọng về văn hóa ....................... 65
2.4.3. Sự biến mất của các giá trị văn hóa trong truyện ngắn Nguyễn Huy
Thiệp................................................................................................................ 69
2.5. Sự tha hóa của con người ......................................................................... 71
CHƯƠNG 3: PHƯƠNG THỨC BIỂU HIỆN NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ
NÔNG THÔN TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN HUY THIỆP ........ 78
3.1. Miêu tả đời sống nông thôn thông qua những xung đột .......................... 78
3.2. Bút pháp “hiện thực tàn nhẫn” kết hợp với yếu tố kì ảo(1) ....................... 82
3.3. Giọng điệu ................................................................................................ 91
3.3.1. Giọng điệu chất vấn âu lo ..................................................................... 92

3.3.2. Giọng điệu trữ tình sâu lắng ................................................................. 96
3.3.3. Giọng điệu giễu nhại ............................................................................. 99
3.4. Ngôn ngữ ................................................................................................ 101
3.4.1. Ngôn ngữ thông tục, bình dân ............................................................. 103
3.4.2. Ngôn ngữ bác học ............................................................................... 104
3.4.3. Ngôn ngữ giàu chất trữ tình ................................................................ 107
KẾT LUẬN .................................................................................................. 110
TÀI LIỆU THAM KHẢO .......................................................................... 113


1

MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Bước sang thế kỷ XXI, cùng với sự phát triển và hội nhập kinh tế thế
giới, kinh tế Việt Nam cũng có những chuyển biến mau lẹ, đặc biệt là khu vực
nông thôn đang trong quá trình tiếp biến, thay đổi mạnh mẽ. Chỉ ngót mươi
năm đầu thế kỷ mới, quá trình công nghiệp hóa nông thôn diễn ra với tốc độ
chóng mặt, đời sống người dân nông thôn, những giá trị văn hóa đằng sau lũy
tre làng Việt Nam đã có những đổi thay nhanh chóng đến không ngờ, nhiều giá
trị tốt đẹp của nền văn hóa truyền thống đang đứng trước sự mai một. Vì vậy,
vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc được đặt ra như một nhu cầu bức thiết
của toàn xã hội và trên hết nó đã thu hút được đông đảo sự quan tâm của các
nhà văn. Từ mảnh đất hiện thực màu mỡ, đa chiều ấy, họ đã để lại không ít
những tác phẩm văn học viết về nông thôn sống mãi cùng thời gian.
Nổi lên trong trong văn chương đổi mới viết về nông thôn, đáng chú ý
là Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Lưu Minh Sơn, Tạ Duy Anh, Sương
Nguyệt Minh, Nguyễn Huy Thiệp…. Thể hiện một cách nhìn đa chiều về
nông thôn Việt Nam khi xã hội đang mải miết lăn bánh về phía văn minh đô
thị, tác phẩm của họ là những ký họa sinh động về những nét văn hóa làng

quê sau lũy tre làng.
Cùng với đội ngũ nhà văn đã làm mới cho nền văn học nước nhà đặc
biệt là những sáng tác viết về nông thôn trong thời kỳ đổi mới, ta phải kể đến
Nguyễn Huy Thiệp - nhà văn xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Khẳng
định tài năng của Nguyễn Huy Thiệp, Đỗ Đức Hiểu đã viết, Nguyễn Huy
Thiệp là người có công “tái tạo truyện ngắn ở Việt Nam vào những năm cuối
thế kỷ XX này và nâng nó lên một tầm cao mới: thơ ca và triết lý, nó truyền
thống và hiện đại, phương Đông và toàn nhân loại”[29;472]. Vấn đề nông
thôn là một vấn đề quan trọng, là một hiện tượng “bất nhẫn”. Hình ảnh nông
thôn Việt Nam được thể hiện đậm nét, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong nhiều
trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp. Đó là một nông thôn hiện như một
thực tại phi lí, một nông thôn đầy chất thơ nhưng cũng đầy tha hóa. Ở đó, con
người bị cuốn vào sự phức tạp xô bồ của hiện thực cuộc sống và văn hóa nông


2

thôn đang bị xuống cấp trầm trọng. Đó là tất cả những vấn đề về cuộc sống xã
hội, về nhân sinh, nhân bản, về số phận con người mà Nguyễn Huy Thiệp
muốn gửi gắm đến người đọc. Trong sâu thẳm trái tim, ông nhận thức sâu sắc
rằng: “Tâm hồn Việt Nam nằm ở nông thôn, nó trú ngụ trong những góc
khuất nhất, những căn lều lẻ loi nhất. Tại đó người ta có thể thấy cải tạo nên
văn minh, lòng nhân đạo của Việt Nam “[29;500].
Có thể nói văn xuôi Việt Nam, chưa bao giờ vấn đề nông thôn lại đươc
quan tâm thể hiện một cách chân thực, sinh động như hiện nay đặc biệt là
trong những sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp.
Trên đây chính là những gợi ý để luận văn này hướng tới đề tài: Những
vấn đề về nông thôn trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp.
2. Lịch sử vÊn ®Ò
Nhà nghiên cứu văn học Vương Trí Nhàn trong bài viết: Tưởng tượng

về Nguyễn Huy Thiệp đã khẳng định: “Nếu có một thứ “quả bóng vàng”(hay
là “cây bút vàng”) dành để tặng cho các cây bút xuất sắc hằng năm, thì trong
năm vừa qua - và cả nửa đầu năm nay nữa - người xứng đáng được giải trong
văn xuôi ta, có lẽ là Nguyễn Huy Thiệp”[29;405]. Cũng như vậy, Mai Ngữ
trong bài Cái tâm và cái tài của người viết lại nói Nguyễn Huy Thiệp xứng
đáng là “cây bút tài hoa, sớm tự khẳng định một phong cách riêng, một xu
hướng nghệ thuật riêng và một quan niệm sáng tác riêng”[29;427]. Hay Giáo
sư - nhà nghiên cứu văn học Đỗ Đức Hiểu trong bài Đi tìm Nguyễn Huy
Thiệp thì lại đánh giá cao tài năng của Nguyễn Huy Thiệp ở địa hạt truyện
ngắn: “Trong hành trình đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, tôi thấy một giọt vàng rơi
vào lòng mình, giọt vàng ròng ngời sáng. Đó là truyện ngắn của anh. Anh tái
tạo truyện ngắn ở Việt Nam vào những năm cuối thế kỷ XX này và nâng nó
lên một tầm cao mới: thơ ca và triết lý, truyền thống và hiện đại, phương
Đông và toàn nhân loại”[29;472].
Xuất hiện trên văn đàn vào giai đoạn cuối thập niên 80 của thế kỷ XX
với những tác phẩm “gây sốc” như: Tướng về hưu, Con gái thủy thần, Muối
của rừng, Những ngọn gió Húa Tát hay Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết,
Nguyễn Huy Thiệp đã trở thành một hiện tượng lạ, “hiện tượng văn học nổi


3

bật” nên đã thu hút được sự quan tâm rộng rãi của bạn đọc và các nhà nghiên
cứu trong nước, ngoài nước và đã làm nên không ít những “giông tố trong công
luận”(chữ dùng của Hoàng Ngọc Hiến). Đó cũng là lúc phê bình văn học nước
nhà nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều như: Các vị tướng nói về phim
Tướng về hưu (Lê Hà), Về truyện ngắn “Vàng lửa” của Nguyễn Huy Thiệp, về
mối quan hệ giữa văn và sử (Tạ Ngọc Liễn), Viết như thế cũng là cách bắn
súng lục vào quá khứ (Nguyễn Thúy Ái), Tôi không chúc bạn “thuận buồm
xuôi gió”(Hoàng Ngọc Hiến), Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp ( Trần Duy

Thanh), Về cái “ma lực” trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (Đông La), Đi
tìm Nguyễn Huy Thiệp (Phạm Xuân Nguyên), hay Khảo sát mười truyện ngắn
trong Những ngọn gió Hua Tát (T. N.Philimônova), Tại sao tôi dịch truyện
ngắn Nguyễn Huy Thiệp ra tiếng Anh (Greg Lockhart)….. “Tính về số lượng,
chỉ trong hơn ba năm (1987 đến 1990), số bài viết về sáng tác Nguyễn Huy
Thiệp, chủ yếu là truyện ngắn lên đến con số hàng trăm. Điều này chứng tỏ tác
phẩm của ông có vấn đề, hoặc là có sức hút kỳ lạ, hoặc là sự riết róng của nhu
cầu đối thoại ở cây bút văn chương này đã tác động mạnh mẽ đến người đọc,
cuốn hút họ vào môi trường can dự”[39;10]. Vì theo Nguyễn Đăng Điệp “đây
là khoảng thời gian ngòi bút của ông sung mãn đến độ xuất thần”. Tuy nhiên,
vì khuôn khổ có hạn nên chúng tôi chỉ xin được điểm lại những thành tựu của
các công trình nghiên cứu có ý nghĩa thiết thực với đề tài luận văn.
Trước hết ta phải kể đến những nhận định của nhà bình luận người Pháp
- Sean Tamis Rose với những nhận xét sâu sắc về sáng tác của Nguyễn Huy
Thiệp trong bài Trái tim Thiệp, tác giả viết: “Đọc các tên truyện của Nguyễn
Huy Thiệp (Những bài học nông thôn, Thương nhớ đồng quê ) người đọc thấy
ông gần như là một nhà văn của đất đai…Thiệp không muốn là một nhà văn
mang tính địa phương. Tác giả Hà Nội thích nông thôn vì nó mang trong mình
bản chất bi kịch của thân phận con người: người ta đã cày xới nhiều, thiên
nhiên bao giờ cũng sẽ là điểm cao nhất…nhưng người ta vẫn cứ cày xới”
[29;499].
Cùng với đó, khẳng định những đặc sắc nghệ thuật trong truyện ngắn
viết về nông thôn của Nguyễn Huy Thiệp, nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh


4

trong bài Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp vài cảm nghĩ lại đặc biệt chú ý đến
Những bài học nông thôn trong việc nhà văn đã sử dụng đắc địa yếu tố “tục”
“như một sức mạnh tu từ và không gì thay thế được”, từ đó tác giả đã có những

nhận xét rất sâu sắc: “Trong truyện Những bài học nông thôn, bà Lâm nói rất
tục. Nhưng thử nghĩ mà xem, câu nào cũng chứa đựng ít nhiều chân lí cả đấy.
Mà chân lí ấy thì phải diễn đạt như thế mới súc tích và nổi ý chứ. Và mới đúng
với ngôn ngữ bà lão nông dân đáo để ấy chứ. Đấy là triết lí dân gian không khô
héo xám xịt, vì nó là ngôn ngữ của sự sống, tuy lấm lám bùn đất nhưng cứ tươi
rói và giãy nẩy lên trên những trang sách” [29;463-464].
Nguyễn Thanh Sơn trong bài Đọc truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp lại có
những trăn trở, suy tư khi đánh giá cao về hệ thống nhân vật trong sáng tác của
Nguyễn Huy Thiệp đặc biệt là những con người ở thôn quê. Anh viết: “Không
phải ngẫu nhiên hai loại nhân vật chính trong các truyện ngắn của Nguyễn Huy
Thiệp lại là những nông dân và tầng lớp tiểu thị dân thành phố. Họ chính là
thành phần đông đảo nhất của tập hợp những đám đông, một loại đám đông
đang bị tha hóa dần bởi thứ văn hóa thấp kém, có sức trì kéo, bởi không khí tù
đọng, ngột ngạt của làng quê. Những con người đầy những thành kiến ngộ
nhận ấy đã đánh mất những gì làm nên niềm vui sống của cuộc đời, cuộc sống
đối với họ chỉ còn là cuộc đấu tranh sinh tồn để kiếm miếng ăn, vui lòng với
thú văn hóa lá cải dành cho họ…”[29;120].
Nguyễn Vy Khanh trong bài Nguyễn Huy Thiệp: những truyện huyền kỳ,
núi, sông và nước…lại có những phát hiện tinh tế, sắc sảo khi đánh giá về nghệ
thuật xây dựng nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp: “Trong các truyện và kịch của
Nguyễn Huy Thiệp, nhân vật là những người như chung quanh ta: thiếu phụ lái
đò về bến Tầm Xuân, cô giá dở hơi, tên tướng cướp, những người thợ xẻ, lão
đồ tể, ông thợ hớt tóc, người đẩy xe ba gác, ông tướng về hưu trơ trụi lý tưởng
chết đứng trước những tầm thường thường nhật trong gia đình: con dâu nuôi
heo với nhau thai đem ở bệnh viện về và trước những khốn cùng chốn đồng
quê hay một diễn viên quèn. Đời thường như huyền hoặc, huyền ảo; các nhân
vật như có tâm hồn trong sạch, nguyên sơ lẫn những không ngoan của người


5


thường, những khôn ngoan chín từ những khốn nhục của cuộc đời”[29;370371].
Đánh giá tác phẩm dựa trên những đặc sắc về thủ pháp nghệ thuật trong
các sáng tác Tâm hồn mẹ, Chảy đi sông ơi, Con gái thủy thần, Thái Hòa đã
thấy được sự pha trộn giữa thế giới huyền hoặc kì ảo xen lẫn với thực tại:
“Truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, cái thực luôn đi kèm cái ảo, tạo ra sự đối
lập: thực đến rợn người và ảo đến bàng hoàng kinh dị”[29;96]. Hay Mai Ngữ
khi đọc Con gái thủy thần cũng khẳng định: “mỗi dòng chữ của nhà văn đều
lấp lánh thực và hư, ảo và mộng, ước mơ và hiện thực…Ngòi bút của anh
Thiệp đúng là hiếm. Của hiếm của một tài năng đồng thời cũng là của hiếm của
một bệnh lí, sự vội vã định hình, sự bộc lộ sâu sắc cái tâm lí chủ đạo là chối bỏ
và phản kháng, lật đổ và hạ bệ mọi thần tượng”[29;427].
Nhà thơ Diệp Minh Tuyền trong bài viết Nguyễn Huy Thiệp, một tài
năng mới đã đi sâu tìm hiểu những biểu hiện về ngôn ngữ, giọng điệu trong văn
phong của Nguyễn Huy Thiệp, tác giả chú ý đến vẻ đẹp của ngôn ngữ nghệ
thuật Nguyễn Huy Thiệp, đó là “thứ ngôn ngữ Việt Nam chính xác, trong sáng,
tinh tế, giàu hình tượng, đầy cá tính. Nó có nhiều lớp từ khác nhau: một lớp từ
rất dân dã, đồng quê mà không quê mùa; một lớp từ đầy tính thị dân của người
Hà Nội đương đại; một lớp khác nữa lại phảng phất không khí cổ xưa”[29;
401-402].
Còn T.N.Philimônova – nhà nghiên cứu văn học người Nga trong bài
viết Những ngọn gió Hua Tát của Nguyễn Huy Thiệp như hình mẫu các truyền
thuyết văn học lại đánh giá cao nét đặc sắc trong việc sử dụng yếu tố dân gian
trong những sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp: “Yếu tố dân gian chiếm một vị
trí to lớn trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp… hầu như trong mỗi truyện
ngắn của anh đều hiện diện vết tích của các huyền thoại, truyền thuyết, dân
ca, tục ngữ…”[29;59].
Tìm hiểu những nét độc đáo trong bút pháp của Nguyễn Huy Thiệp,
trong bài viết Nguyễn Huy Thiệp: Những chuyện huyền kỳ, núi, sông và nước,
tác giả Nguyễn Vy Khanh đã nói: “Thương nhớ đồng quê, Nguyễn Huy Thiệp

dùng biểu tượng để nói đến xã hội đương đại của ông. Chuyện nhà quê, ô


6

nhiễm bởi đời sống mới, người tỉnh thành. Nguyễn Huy Thiệp đã dị thường
hóa cái xã hội đương đại đó”[29;386].
Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện trên văn đàn mang một âm sắc riêng nên
đã chiếm được sự tin cậy và cảm tình của đông đảo bạn đọc yêu văn học. Chất
keo làm nên bản sắc trong mỗi sáng tác của ông chính là cái lạ ở nội dung và
nghệ thuật. Khẳng định những nét đặc sắc trong phong cách nghệ thuật - cách
kể chuyện của Nguyễn Huy Thiệp, trong bài viết Đọc chút thoáng Xuân
Hương, Đào Duy Hiệp đã tinh tế nhận ra rằng: “…Có thể hiểu dụng ý nghệ
thuật của nhà văn ở đây là để Xuân Hương chìm ẩn trong không khí mờ ảo sắc
màu dân gian của tâm thức và làng quê Việt Nam xa xưa: tiếng mõ rao náo
động và đầy đe dọa, các chức việc sâu mọt trong làng, các cụ Tết Mồng Ba
tháng Ba, nước vối, bánh trôi, …bà quận chúa quyền thế nghiêng trời trắng
trợn, dung tục và sự nhọc nhằn của cái đĩ Huệ “mảnh đất cắm dùi không có”
đang bị tiếng mõ rao gợi một không khí trì đọng, buồn bã, nhốn nháo của làng
quê đối lập với cảnh thanh bần, sạch sẽ, chu đáo thấp thoáng cổ tích của Xuân
Hương càng khiến nàng trở nên đẹp đẽ, hư ảo, gần với cõi mộng….nhà văn tìm
đến những cuộc đời bình dị và thấy ở đấy những điều bình dị muôn đời để
“sống nhanh lên, có ích”. Điều ấy, với Nguyễn Huy Thiệp là hình ảnh người
phụ nữ giản dị, bao dung cùng những buổi chiều của làng quê rất đẹp và rất
buồn trong văn của anh [29;80- 86].
Trong các bài viết trên, các tác giả đều có những nhận xét hay về tác
phẩm của Nguyễn Huy Thiệp ở cả hai mặt nội dung và hình thức nghệ thuật và
đều có những phát hiện mới mẻ, độc đáo về truyện ngắn của ông đặc biệt là
một số truyện viết về nông thôn. Điều này đã khẳng định tài năng viết truyện
ngắn của Nguyễn Huy Thiệp cũng như sự yêu thích và trân trọng của bạn đọc

đối với những trang văn hấp dẫn, giản dị, mộc mạc, thấm đẫm hồn quê của
người nghệ sĩ tài hoa mà cũng lắm truân chuyên này.
Bên cạnh đó cũng có một số luận án, luận văn ít nhiều đề cập đến vấn
đề này như: Luận án Tiến sĩ Văn học: Lời văn nghệ thuật Nguyễn Huy Thiệp
của Nguyễn Văn Đông; Luận văn Thạc sĩ: Nghệ thuật truyện ngắn Nguyễn


7

Huy Thiệp của Nguyễn Thị Lan, Người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn
Huy Thiệp của Bùi Thị Đức Thiện…
Tóm lại, đã có nhiều ý kiến đánh giá về đặc sắc trong nội dung cũng
như nghệ thuật truyện ngắn của Nguy Huy Thiệp nhưng lại chưa có một công
trình nào nghiên cứu cụ thể, toàn diện về việc thể hiện những vấn đề về nông
thôn trong truyện ngắn của ông. Luận văn của chúng tôi nhằm đáp ứng nhu
cầu đó.
3. Mục đích, đối tượng, phạm vi nghiên cứu
- Mục đích: Nghiên cứu vấn đề nông thôn trong truyện ngắn của
Nguyễn Huy Thiệp, luận văn nhằm mục đích thấy được những nét độc đáo
trong cách chiếm lĩnh đời sống và thể hiện hiện đời sống thông qua hình
tượng nghệ thuật trong hình thức truyện ngắn. Từ đó làm rõ hơn một khuynh
hướng vận động của văn học Việt Nam đương đại.
- Đối tượng: Luận văn tập trung vào việc thể hiện những vấn đề nông
thôn trong truyện ngắn viết về nông thôn của Nguyễn Huy Thiệp.
- Phạm vi:
Chúng tôi tập trung vào thể loại truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp.
Và đặt sáng tác của ông trong mối tương quan với các sáng tác cùng chủ đề
của trào lưu văn học thời kì đổi mới.
Văn bản tác phẩm truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, chúng tôi khảo sát
trong cuốn: Tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Nhà xuất bản Văn hóa

thông tin, 2002.
Ngoài ra, chúng tôi còn nghiên cứu các truyện ngắn của các nhà văn
khác cùng các tài liệu nói về văn hóa dân tộc và sự thể hiện bản sắc văn hóa
dân tộc trong văn học để làm cơ sở lý luận cho đề tài này.
4. Phương pháp nghiên cứu.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ của luận văn, chúng tôi sử dụng tổng hợp các
phương pháp nghiên cứu khoa học sau:
- Phương pháp hệ thống.
- Phương pháp thống kê.
- Phương pháp so sánh đối chiếu.


8

- Phương pháp phân tích tác phẩm.
- Phương pháp lịch sử - xã hội.
- Phương pháp nghiên cứu liên ngành.
5. Cấu trúc luận văn.
Ngoài phần Mở đầu và phần Kết luận, luận văn gồm có 3 chương :
Chương 1: Vấn đề nông thôn trong truyện ngắn Việt Nam đương đại
Chương 2: Đời sống nông thôn trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệpnhững xung đột và rạn vỡ văn hóa
Chương 3: Phương thức biểu hiện vấn đề về nông thôn trong truyên
ngắn của Nguyễn Huy Thiệp


9

CHƯƠNG 1
VẤN ĐỀ NÔNG THÔN TRONG TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI
Trong tâm thức của mỗi người Việt, làng quê thật gần gũi và gắn bó.

Những hình ảnh của đất nước nông nghiệp xứ nhiệt đới gió mùa là nét độc
đáo trong tâm hồn Việt Nam được thể hiện đa dạng, phong phú trong đời
sống, trong văn học từ cổ chí kim.
1.1.Văn xuôi viết về nông thôn Việt Nam trước thời kì đổi mới
1.1.1.Vài nét về văn xuôi Việt Nam viết về nông thôn thời kì trước 1945
Một nước nông nghiệp ngàn năm, với khoảng 74% dân số sinh sống ở
nông thôn như Việt Nam thì trong tâm thức mỗi chúng ta những hình ảnh về
nông thôn luôn luôn là sự ám ảnh khôn nguôi. Hình ảnh đó, dù ở đâu hay bất
cứ khi nào vẫn luôn có sức níu kéo tâm hồn người cầm bút. Nó là chất men
cho các văn nghệ sĩ làm nên những tác phẩm viết về nông thôn có sức sống
bền lâu. Những tác phẩm văn xuôi viết về nông thôn từ xưa đến nay vẫn luôn
là một phần quan trọng trong kho tàng văn học dân tộc.
Thơ ca dân gian là điệu tâm hồn của người dân đất Việt, là sự biểu hiện toàn
vẹn, sâu sắc không gian địa - văn hóa làng quê Việt Nam. Thơ ca dân gian mang
đến cho ta cảm nhận về cái đẹp trong cuộc sống, trong thiên nhiên và trong quan
hệ ứng xử. Hình ảnh nông thôn trong văn học dân gian không ít. Trong ca dao,
dân ca, tục ngữ, hò vè… nông thôn được thể hiện sinh động ở nhiều phương
diện khác nhau. Ở đó, đời sống tình cảm của nhân dân ta biểu hiện rất dồi
dào, thắm thiết và sâu sắc.
Bước sang văn học Việt Nam trung đại, hình ảnh nông thôn được thể
hiện khá đa dạng. Mười thế kỷ văn học trung đại là sự kết tinh tinh hoa của
lối văn học mang nặng tính quy phạm, ước lệ tượng trưng. Nó cũng dành
một chỗ đứng trang trọng để miêu tả những hình ảnh nông thôn. Và hơn bao
giờ hết, những hình ảnh thân thuộc của quê hương luôn là nguồn cảm hứng
không bao giờ vơi cạn của các văn sĩ. Tình cảm đó được các nhà thơ phản ánh
vào những trang thơ đẹp như những bức tranh hữu tình. Đọc những vần thơ
của những nhà thơ từ Lý -Trần đến những năm cuối thế kỷ XIX mà tiêu biểu


10


là Nguyễn Khuyến, ta thấy rõ tình yêu quê hương của ông cha ta như sợi chỉ
đỏ xuyên suốt từ xưa đến nay, trở thành truyền thống của người Việt Nam, là
tâm hồn Việt Nam. Đến cuối thế kỷ XIX, ở lĩnh vực văn xuôi, với tác phẩm
Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Nguyễn Đình Chiểu đã dựng lên “bức tượng đài
nghệ thuật” thật bi hùng và mang vẻ đẹp hiếm có về người nông dân yêu nước
chống ngoại xâm. Đây là một bức tranh không dễ có trong văn học thời trung
đại. Từ đây, hình ảnh người nông dân đã chính thức bước vào văn đàn.
Đi qua thời đại văn học Việt Nam trung đại chịu ảnh hưởng sâu sắc của
văn học Trung Quốc, bức tranh nông thôn trong văn xuôi Việt Nam đã có
những chuyển động rõ ràng khi bước sang thời kỳ mới. Từ đầu thế kỷ XX đến
nay, văn học Việt Nam có thể chia làm ba giai đoạn: 1) giai đoạn 1: từ đầu thế
kỉ XX đến 1945; 2) giai đoạn 2:từ 1945 đến 1975; 3) giai đoạn 3 từ sau 1975
đến nay.
Từ đầu thế kỷ XX đến 1945, văn học Việt Nam trải qua hai thời kì lớn:
Thứ nhất là ba mươi năm đầu thế kỉ - được coi là giai đoạn giao thời với
những chuyển biến từ hệ hình văn học trung đại sang văn học hiện đại. Thứ
hai là thời kì từ 1932 đến 1945, đây là giai đoạn văn học Việt Nam hoàn tất
quá trình hiện đại hóa và phát triển với một tốc độ rất lớn.
Thời kì đầu thế kỷ XX đến 1932, xã hội Việt Nam có nhiều biến động,
cơ cấu xã hội thay đổi hoàn toàn. Xã hội Việt Nam đã có những chuyển biến
mạnh mẽ từ ý thức hệ phong kiến sang ý thức hệ tư sản. Về văn học, việc phổ
biến sử dụng chữ quốc ngữ đã góp phần thúc đẩy việc xây dựng và phát triển
nền văn xuôi Việt Nam. Nếu văn học trung đại Việt Nam chưa chú ý phát
triển văn xuôi, thì sang đầu thế kỷ XX, văn xuôi Việt Nam đã có những tiến
bộ rõ rệt. Do sự tiếp xúc với văn học phương Tây mà nền văn học Việt Nam
thời kì này đã xuất hiện thể loại mới: tiểu thuyết. Trong những năm từ 19001930, thể loại tiểu thuyết hiện đại đã phát triển mạnh trong phạm vi cả nước
với những tên tuổi tiêu biểu như: Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn, Hồ Biểu
Chánh, Trần Thiên Trung, Trương Duy Toản, Hoàng Ngọc Phách.. Sự xuất
hiện này được bắt nguồn từ những chuyển động thẩm mĩ dẫn đến những đổi

thay ở quan niệm sáng tác mới trong văn xuôi Việt Nam thời kì đầu thế kỉ.


11

Vào đầu thế kỉ XX, có nhiều vấn đề mới đặt ra cho người cầm bút. Đó
là một xã hội náo nhiệt, xô bồ mà đồng tiền tư sản, lối sống tư sản, đạo đức tư
sản đang dần dần chiếm vị trí quan trọng ở chốn thành thị. Trong khi đó ở
nông thôn bọn cường hào, quan lại, địa chủ cấu kết với nhau hà hiếp dân lành.
Cuộc sống của người dân nghèo vốn đã lam lũ, khốn khó nay lại càng điêu
đứng gấp bội. Hiện thực cuộc sống ngày càng đa dạng, phức tạp với biết bao
vấn đề mới lạ đập vào mắt nhà văn. Họ không thể làm ngơ, mà ngược lại cần
phải mô tả chân thật, sinh động cuộc sống xã hội đó. Ở đó, điều làm cho nhà
văn luôn trăn trở và hướng đến là: hướng thẳng vào người lao động nghèo
khổ. Đây chính là yếu tố làm cho chủ nghĩa nhân đạo trong văn học rực sáng
ở thời kì này.
Đề tài nông thôn trong văn xuôi thời kì này đã được các nhà văn quan
tâm nhiều hơn trước. Bởi cảm xúc thẩm mỹ có thay đổi, thế giới quan và nhân
sinh quan của người sáng tác đã khác trước. Lực lượng sáng tác tiểu biểu của
thời kì này là lớp nhà văn Hán học cấp tiến cùng với các nhà văn Tây học đầu
tiên còn rất trẻ đảm nhiệm. Chưa bao giờ người ta thấy chủ nghĩa nhân đạo
trong văn học thời kì này gắn liền với sự thức tỉnh về ý thức cá nhân của
người cầm bút, chưa bao giờ mà chủ nghĩa nhân đạo lại hướng tới người cần
lao sâu sắc như thế. Những tác giả tiêu biểu của thể loại truyện ngắn và tiểu
thuyết thời kì này gồm có:
Nguyễn Bá Học- một trong những nhà văn nổi tiếng đầu tiên ở Việt
Nam với những tác phẩm đã in dấu ấn đậm nét trong văn học nước nhà như:
Chuyện ông Lý Chắm, Có gan làm giàu, Câu chuyện nhà sư...Trong những
sáng tác của mình, ông đã đi vào phản ánh hiện thực xã hội thực dân nửa
phong kiến một cách sâu sắc. Đó là cuộc sống ở thành thị với những náo

nhiệt, xô bồ nhưng đầy cạm bẫy chết người. Hay đó còn là một nông thôn
ngày càng tàn tạ, vắng lặng, ngưng đọng với sự sụp đổ của Nho học, với
những người nông dân, đặc biệt là phụ nữ sống an phận thủ thường theo nề
nếp cũ.
Phạm Duy Tốn là một trong số ít người có thành tựu đầu tiên về thể
loại truyện ngắn hiện đại vào những năm đầu thế kỷ XX. Ông được xem là


12

người đầu tiên viết truyện ngắn theo khuynh hướng hiện thực với các truyện
ngắn tiêu biểu như: Nước đời lắm nỗi, Con người Sở Khanh, Bực mình,
Sống chết mặc bay,... Ông đã tập trung phơi bày thực trạng thối nát, bất công
của xã hội thực dân nửa phong kiến. Ở đó, truyện ngắn Sống chết mặc bay in
trên Tạp chí Nam Phong số 18, tháng 12-1918 được xem là tác phẩm thành
cônh nhất của ông, là bông hoa đầu mùa của thể loại truyện ngắn hiện đại
Việt Nam. Với việc sử dụng thành công các biện pháp nghệ thuật như tương
phản (đối lập), nghệ thuật tăng cấp, Phạm Duy Tốn đã tạo nên một tình huống
đầy kịch tính: cùng một thời điểm, một bên là đám đông dân chúng hộ đê
trong tình cảnh bi thảm, một bên là tên quan huyện và bọn nha lệ nhàn nhã
đánh tổ tôm. Từ đó, tác giả vừa lên án gay gắt tên quan phủ lòng lang dạ thú
vô trách nhiệm trước tính mạng và đời sống người dân, vừa bày tỏ niềm cảm
thương vô hạn trước cảnh “nghìn sầu muôn thảm” của nhân dân trong cảnh đê
vỡ, vừa khắc sâu tình trạng khẩn cấp của việc hộ đê lên đến đỉnh điểm, nhân
dân lầm than, đau khổ đến cực độ “tiếng vang dậy trời đất”.
Đó còn là Hồ Biểu Chánh- người đã mạnh dạn tiếp nhận những thành
tựu nghệ thuật của tiểu thuyết hiện đại phương Tây để tạo nên những yếu tố
mới về nghệ thuật trong sáng tác của mình. Điều đó được thể hiện qua ngôn
ngữ, nghệ thuật xây dựng nhân vật, chi tiết, cốt truyện, đề tài... Với tất cả
những cố gắng và tài năng, ông được biết đến là người viết tiểu thuyết nhiều

nhất ở Việt Nam vào những năm trước 1930. Tác phẩm của ông bao quát
nhiều mảng hiện thực khác nhau ở thành thị và nông thôn Nam Bộ trong
nhưng năm sau đại chiến thế giới lần thứ nhất, với nhiều hạng người thuộc
nhiều tầng lớp và giai cấp xã hội, tiêu biểu như: Con nhà nghèo, Khóc thầm,
Cha con nghĩa nặng...Trong tác phẩm của ông, mọi cái xấu xa của xã hội
đương thời đều được đưa ra ánh sáng. Ông lên án, phê phán, tố cáo gay gắt
những hành động phi đạo đức của những kẻ có quyền thế ức hiếp người dân
chốn thôn quê. Đồng thời bày tỏ niềm cảm thông chân thành trước cuộc sống
lầm than cơ cực, số phận bi thảm của nông dân nghèo.
Có thể thấy thời kì này, văn xuôi Việt Nam chưa có những kiệt tác
nhưng những tìm tòi trong việc đổi mới về nghệ thuật và nội dung (đặc biệt là


13

mảng văn xuôi viết về nông thôn Việt Nam) sẽ là cái lượng cần thiết cho tiến
trình hiện đại hóa văn học ở bước đầu và tạo nên những thành tựu rực rỡ cho
văn xuôi viết về nông thôn vào giai đoạn 1932-1945.
Văn học Việt Nam giai đoạn 1932- 1945 thực sự là một cuộc “cách
mạng văn học”, "cuộc biến thiên lớn nhất trong lịch sử Việt Nam từ mấy
mươi thế kỷ" (chữ của Hoài Thanh). Nền văn học đến thời kì này mới thật sự
đổi mới sâu sắc và toàn diện với sự phát triển mạnh mẽ của truyện ngắn và
tiểu thuyết. Quá trình phát triển văn học trong khoảng 15 năm diễn ra với hai
bộ phận: bộ phận văn học vô sản và bộ phận văn học tư sản, tiểu tư sản nằm
trong ý thức hệ tư sản. Ở đó, “Trong khu vực văn học thuộc ý thức hệ tư sản,
dòng văn học hiện thực phê phán là một dòng tiến bộ. Nhà văn sáng tác
không phải để nói đến mình và để cho mình thưởng thức. Họ cũng không bị
giam hãm trong quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật. Họ biết quan tâm đến đời
sống xã hội ...”[23;148]. Trong 15 năm phát triển, văn học hiện thực phê phán
đã có những đóng góp đáng kể. “Nói chung, nó đã lên án và lập hồ sơ về

nhiều mặt, một chế độ xã hội tàn nhẫn bất công”[23;148]. Việc xây dựng hình
tượng người nông dân, cuộc sống nông thôn bế tắc, ngột ngạt trong văn học
được các nhà văn đặc biệt quan tâm. Trong những năm 1930-1945, cuộc sống
của người nông dân hết sức nghèo khổ, cơ cực. Đây cũng chính là đối tượng
miêu tả chủ yếu của văn học hiện thực phê phán. Họ là những người lao động,
những người nghèo, những nạn nhân đáng bênh vực như: một anh nông dân
có con thì một đứa chết ở đồn điền cao su, một đi phu mỏ bị xe gòong đè gẫy
chân; đó là một người nuôi ngựa cho chủ, ngựa ốm thì được chăm sóc tử tế,
còn mình ốm sắp chết thì không có thuốc thang; hay đó là những em bé ăn
mày cơm không có ăn, áo không có mặc...Có thể nói, cuộc sống ở nông thôn
được nói đến nhiều và người nông dân ngày càng được đề cao, trở thành đề
tài trung tâm của văn học, phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu
xuất sắc. Vấn đề nông dân, nông thôn, cuộc sống tăm tối của người nông dân
được đặt ra trong nhiều tác phẩm rất gay gắt như: Bước đường cùng (Nguyễn
Công Hoan), Vỡ đê (Vũ Trọng Phụng), Tắt đèn (Ngô Tất Tố) hay ở giai đoạn
sau (1939-1945) có Chí Phèo, Lão Hạc của Nam Cao; Sống nhờ của Mạnh


14

Phú Tư.... Trong đó Nam Cao với các tác phẩm như: Lão Hạc, Một bữa no,
Một đám cưới, Điếu văn, Nghèo từ ngày mẹ chết, Trẻ con không được ăn
thịt chó, Trẻ con không biết đói, Dì Hảo, Đòn chồng, Đôi móng giò, Tư
cách mõ, Chí Phèo... “đã chứng tỏ là một cây bút xuất sắc của nông
thôn”[23;62]. Nhận xét về nỗi thống khổ của phận người trong những sáng tác
văn học này, nhà phê bình văn học Nguyễn Đăng Mạnh có viết: “Khi Tắt đèn
của Ngô Tất Tố và Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan ra đời tôi biết
chắc ít ai nghĩ rằng thân phận người nông dân dưới ách chế độ phong kiến
thực dân lại có thể có một nỗi khổ nào hơn nỗi khổ của chị Dậu và anh Pha.
Nhưng khi Chí Phèo ngật ngưỡng bước ra từ những trang sách của Nam Cao

thì người ta mới nhận ra rằng đây mới là hiện thân đầy đủ cho những gì gọi là
khốn khổ, tủi nhục nhất của người dân khốn cùng ở một nước thuộc địa”. Văn
học Việt Nam vốn có truyền thống nhân đạo. Tiếp thu truyền thống đó, nhiều
tác phẩm hiện thực phê phán chan chứa một lòng xót thương đối với những kẻ
khốn cùng. Các nhà văn hiện thực đã phản ánh được cuộc sống nghèo khổ của
người nông dân và bước đầu lí giải được vì sao họ rơi vào đói nghèo, tối tắm
như vậy. Ở tác phẩm Bước đường cùng (Nguyễn Công Hoan) là vấn đề tước
đoạt ruộng đất và đẩy người nông dân rơi vào cảnh tù tội. Đó là anh Pha nhân vật chính, một người hiền lãnh đã bị bọn địa chủ, cường hào quan lại
đẩy đến bước đường phá sản, “bước đường cùng”: nhà phải bán, ruộng phải
cầm, gánh hàng của vợ phải sang tay người khác, gia tài khánh kiệt, vợ chết,
con chết. Bản thân anh bị đánh chửi, cùm kẹp. Hay ở Tắt đèn, Ngô Tất Tố lại
lí giải vấn đề sưu thuế là nguyên nhân đẩy người nông dân vào bóng đêm cơ
cực. Tác phẩm đưa ta vào một hoàn cảnh náo động, cảng thẳng nhất ở làng
Đông Xá trong vụ thuế: cổng làng đóng chặt, việc đồng áng bị đình đốn, dân
làng bị dồn lại, bọn cường hào bắt đầu đốc thuế bằng gậy gộc, gông cùm,
người nông dân đầu óc căng thẳng hoặc chạy ngược chạy xuôi vay nợ, cầm
cố hoặc kêu khóc thảm thiết. Sau lũy tre làng, làng Đông Xá êm đềm lặng lẽ
bỗng trở thành một bãi chiến trường. Chọn vào một thời khắc bất bình
thường, Ngô Tất Tố đã nói lên được cái bình thường phổ biến nhất ở nông
thôn với mức độ tập trung nhất, điển hình nhất. Thuế má là một thứ tai họa


15

khủng khiếp của nông dân trước cách mạng. Trong mối tai họa đó, tác giả
xoáy sâu vào nạn thuế thân, thứ thuế hết sức dã man của chế độ thực dân
phong kiến. Và trong rất nhiều những nạn nhân của nó, tác giả muốn người
đọc chú ý đến Chị Dậu. Vì thuế, chồng chị bị đánh, chị phải bán con, bán chó,
suýt bị hãm hiếp....Chị Dậu cứ bị đẩy mãi vào “hết nạn nọ đến nạn kia” không
thoát được “khốn nạn cái thân đàn bà như nó, thật là khổ sở đủ đường”. Phản

ánh một khía cạnh khác trong nỗi khổ trăm đường của người nông dân, tác
phẩm Vỡ đê lại là chuyện những người nông dân bị đủ mọi thứ tai trời, ách
đất, lại còn phải đem sức ra giữ đê điều bảo vệ hàng nghìn mẫu ruộng của
những tên địa chủ phưỡn bụng. Cùng với đó, những tác phẩm như Con trâu,
Chồng con (Trần Tiêu), Làm lẽ, Sống nhờ (Mạnh Phú Tư), là chuyện về
chuỗi ngày nhọc nhằn, tủi nhục mà những người lao động ở nông thôn kéo lê
thê vô vọng trong gia đình và ngoài xã hội.
Trong tác phẩm của nhà văn hiện thực phê phán, nông dân đã trở thành
hình tượng nhân vật trung tâm. Các nhà văn đã làm rõ được phẩm chất tốt đẹp
của người nông dân lao động. Ở Tắt đèn, chính trong hoàn cảnh khổ cực,
cùng đường nhất, Ngô Tất Tố đã cho ta thấy rõ những đức tính đẹp đẽ của chị
Dậu như tấm lòng yêu thương chồng con tha thiết, một người phụ nữ đảm
đang tháo vát, một người thông minh sắc sảo và tiềm tàng một phẩm chất
ngoan cường. Có thể thấy, trong dòng văn học hiện thực trước cách mạng
không một nhà văn nào hiểu biết sâu sắc và biết trân trọng người nông dân lao
động như Ngô Tất Tố. Ông không những đã thấu được nỗi đau khôn cùng của
họ mà còn phát hiện ra ở những con người gọi là bé nhỏ, “tầm thường” ấy
những tình cảm đẹp đẽ, thắm thiết, những tâm hồn cao thượng đáng kính,
những bản lĩnh kiên cường, bất khuất. Khác với Ngô Tất Tố, Nam Cao trong
tác phẩm Chí Phèo lại xây dựng thành công điển hình cho người nông dân bị
tha hóa mất nhân hình, nhân tính, bị từ chối quyền làm người.
Có thể thấy, các nhà văn hiện thực đã khắc họa những bức tranh sinh hoạt,
những con người đang hoạt động khá sắc sảo, bằng khối óc quan sát tinh
tường, ngòi bút của nhà văn đã đạt tới chỗ truyền được cả “không khí” của
đời sống nông thôn vào trong tác phẩm của mình. Thành công của việc xây


16

dựng hình tượng người nông dân trong những tác phẩm viết về nông thôn là

thành công của quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh, của những nhà văn phải
hoạt động, phải xông pha, phải lăn lộn...Thành công này là thành công của
chủ nghĩa hiện thực phê phán luôn trung thành với sự thực, dũng cảm khoét
sâu vào những mâu thuẫn xã hội, phê phán không thương xót những kẻ áp
bức, bóc lột nhân dân trên tinh thần nhân đạo thiết tha đối với những người
lao động nghèo khổ. Những tác phẩm này không chỉ sắc sảo, mới lạ, ám ảnh
bởi tính vấn đề của chúng mà những điển hình như anh Pha, chị Dậu, Chí
Phèo…đã làm lu mờ khá nhiều hình tượng nông dân khác trong văn học thời
kì này.
Như vậy, thời kì 1932-1945, văn xuôi viết về nông thôn phát triển một
cách rầm rộ đã làm thay đổi hẳn bộ mặt văn đàn công khai, trở thành một hiện
tượng văn học được nhiều người quan tâm. Những sáng tác của các tác giả
văn học viết về nông thôn phản ánh nhiều khía cạnh của cuộc sống đương
thời, đi sâu vào nhiều chủ đề chiếm được cảm tình của đông đảo công chúng
của mọi thời đại.
1.1.2.Vài nét về văn xuôi Việt Nam viết về nông thôn thời kì 1945-1975
Cách mạng Tháng 8 thành công, lịch sử dân tộc Việt Nam bắt đầu bước
sang một trang mới. Sức sống của cuộc cách mạng từ năm 1945 như một cơn
gió lớn thổi sáng mát trên gương mặt đất nước, trên gương mặt con người để
làm bừng dậy một sinh khí mới mẻ, vui tươi. Đời sống nông thôn Việt Nam
đã có nhiều thay đổi lớn lao. Cuộc sống cách mạng ấy đã “giải phóng dân tộc
đồng thời giải phóng cho văn học thoát khỏi những trói buộc của quan niệm
nghệ thuật cũ”[17;10] .
Từ năm 1945-1954, văn học Việt Nam có sự chuyển mình lớn lao. Các
nhà văn viết về nhiều thể tài như: ca ngợi đất nước giải phóng, ca ngợi lãnh
tụ, ca ngợi cuộc sống mới, tố cáo tội ác của thực dân Pháp, trong đó đề tài về
nông thôn vẫn được coi là điểm nhấn quan trọng trong hành trình phát triển và
hoàn thiện nền văn học nước nhà. Tuy nhiên có điều đặc biệt là văn xuôi viết
nông thôn thời kì này hòa quyện trong văn xuôi viết về kháng chiến: “Nhìn
bao quát, ranh giới giữa văn xuôi trực tiếp viết về nông thôn với văn xuôi nói



17

chung trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954) không có sự phân biệt rõ
rệt. Nó hòa quyện vào nhau và được xác định dưới tên chung: văn xuôi kháng
chiến”[39;13]. Đối tượng miêu tả của văn học là quần chúng nhân dân. Vì đại
chúng lúc này chủ yếu là nông dân và nông dân là quân chủ lực của cách
mạng.
Sự phản ánh đời sống, con người nông thôn trong văn xuôi thời kì này
được các tác giả sử dụng ở nhiều thể loại như truyện ngắn, kí, phóng sự…
Thời kì này, ta có thể kể đến các tác phẩm và tác giả tiêu biểu gắn với đề tài
nông thôn như: Làng (Kim Lân), Con trâu (Nguyễn Văn Bổng), Thư nhà
(Hồ Phương), Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), Vỡ đất (Hoàng Văn Bổn)….Hình
ảnh người nông dân hiện lên trong các tác phẩm văn xuôi thời kì này là những
người cần cù, vượt khó, vượt khổ, nói ít làm nhiều, tuy họ kém văn hóa, còn
ngây thơ, khờ khạo nhưng rất nhạy cảm với cách mạng, hăng hái tham gia
cách mạng, tin tưởng tuyệt đối vào cách mạng và lãnh tụ.
Từ năm 1954-1975: năm 1954, cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi
bằng kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Miền Bắc hoàn
toàn được giải phóng và đi vào xây dựng xã hội chủ nghĩa. Từ đồng bằng đến
miền núi, từ núi rừng đến hải đảo xa xôi, đất nước bừng lên một sức sống mới
với sắc màu lung linh của hình sông thế núi, rực rỡ về văn hóa, ấm áp về tình
người. Sau 1954 - trong thời kì cải cách ruộng đất, nông thôn bước vào các
tác phẩm văn học với một diện mạo khác với các tác phẩm nổi bật như: tập
truyện ngắn Nông dân với địa chủ của Nguyễn Công Hoan, tiểu thuyết Bếp
đỏ lửa (Nguyễn Văn Bổng), hay tập truyện ngắn Ông lão hàng xóm (Kim
Lân)….Cùng với văn xuôi viết về nông thôn trong cải cách ruộng đất, ở
phong trào hợp tác hóa nông nghiệp và xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, văn
xuôi về đề tài nông thôn tập trung vào việc miêu tả sự lựa chọn giữa hai con

đường ra hay vào hợp tác trong thời kì đầu của phong trào hợp tác hóa nông
nghiệp, rồi tiến đến là chủ đề con người mới trong thời kì cải tiến quản lý hợp
tác xã và xây dựng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Hay đó là
những tác phẩm mang âm điệu sử thi khi viết về nông thôn trong chiến tranh
chống Mỹ như: Cái sân gạch và Vụ lúa chiêm ( Đào Vũ), Cái hom giỏ, Vợ


18

chồng ông lão chăn vịt (Vũ Thị Thường), Vụ mùa chưa gặt (Nguyễn Kiên),
Bão biển (Chu Văn), Đất làng (Nguyễn Thị Ngọc Tú), Hãy đi xa hơn nữa,
Mùa lạc (Nguyễn Khải), Cửa song (Nguyễn Minh Châu)…Bên cạnh đó, số
đông những tác phẩm văn xuôi viết về nông thôn trong văn học giải phóng
miền Nam thời kì kháng chiến chống Mỹ đã để lại dấu ấn đậm sâu trong lòng
người đọc như: Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi), Rừng U Minh
(Trần Hiếu Minh), Hòn đất (Anh Đức)…
Tóm lại, giai đoạn 1945 đến 1975, văn xuôi viết về nông thôn đã có ít
nhiều thay đổi diện mạo, chuẩn mực để thích ứng với đặc điểm của thời đại.
Trong giai đoạn này, các nhà văn viết về nông thôn đã nói một cách thấm thía
về niềm vui trong hạnh phúc. Vẻ đẹp của con người mới toàn tâm toàn ý phục
vụ lợi ích chung của phong trào cách mạng, những ước mơ đẹp đẽ của nông
thôn mới đi vào lề lối làm ăn tập thể đã trở thành hình tượng có sức hấp dẫn.
Đó là kiểu con người đứng mũi chịu sào, kiểu người vừa suy nghĩ vừa hành
động táo bạo, nhiều khó khăn thử thách, nhưng rồi thấy rõ đường đi tới cách
mạng giản dị mà cũng chân lí biết bao! Có thể thấy, ở địa hạt văn xuôi viết về
nông thôn, các nhà văn đã phần nào phản ánh được một góc của cuộc sống
cách mạng, xã hội Viêt Nam trong 30 năm chứa đầy những điều thần kì!
1.2. Nông thôn trong truyện ngắn thời kì đổi mới
1.2.1.Một cái nhìn chung về truyện ngắn thời kì đổi mới
Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ thắng lợi bằng kết thúc chiến dịch

Chiến dịch Hồ Chí Minh, non sông thu về một mối. Cuộc sống đất nước có
nhiều thay đổi. Theo đó văn học nghệ thuật có những đổi thay để phù hợp với
xu thế thời đại.
Từ năm 1975- 1985: Số lượng tạp chí và tác phẩm văn học xuất hiện
nhiều, trong đó nổi bật là sự phát triển mạnh mẽ của thể loại truyện ngắn. Ví
như, chỉ tính trong 10 năm (từ 1975 đến 1985), truyện ngắn phát triển mạnh
mẽ cả về số lượng và chất lượng. Qua “hai cuộc thi của tuần báo Văn nghệ,
Ban chấm giải nhận được 2901 truyện dự thi, đã in báo 203 truyện”[38;200].
Đó là về số lượng, còn về chất lượng, qua hai cuộc thi của tuần Báo Văn
nghệ, ta thấy xuất hiện nhiều truyện ngắn hoàn mĩ cả về nội dung lẫn hình


19

thức. Chúng ta đã chọn được khá nhiều tinh hoa: Hai người trở lại trung
đoàn, Tâm tưởng, Lời cuối trong kịch bản, Người đàn bà trên chuyến tàu
tốc hành, Bến quê, Bức tranh, Đoàn kết, Nắng… Cùng với đó, đội ngũ nhà
văn trưởng thành nhanh chóng. Bên cạnh những nhà văn lão thành như:
Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Kiên….vẫn chưa
ngừng sáng tác là sự xuất hiện của thế hệ nhà văn trẻ với trình độ được nâng
cao như: Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Mạnh Tuấn, Lê Minh Khuê, Dương
Thu Hương, ….Cùng với các nhà văn lão thành nhưng vẫn đang sung sức, lớp
nhà văn trẻ tuy không có nhiều trải nghiệm như lớp đàn anh, nhưng cũng
được thực tế rèn luyện và cũng có những thể nghiệm ít nhiều trong những
năm động loạn. Họ nhanh nhạy trong việc tiếp thu những cái mới nên tác
phẩm có nhiều tìm tòi, đột phá, mới mẻ đã làm nên những sắc màu quyến rũ ở
thể loại truyện ngắn của nước nhà. Bước vào thời đại mới, văn học tiếp thu
học hỏi nhiều cái mới, các nhà văn được tự do sáng tác, họ hướng ngòi bút
của mình đến nhiều đề tài. Các nhà văn đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật,
không né tránh sự thật: “Nhà văn có thể viết tất cả mọi chuyện: nỗi cô đơn, sự

đau khổ về thể xác và tinh thần của con người, niềm vui và sự đắng cay của
cuộc đời, sự trung thành và sự phản bội quay quắt…Truyện ngắn đã nhìn sâu
hơn vào cảnh ngộ và số phận con người…Ở một góc độ khác lại bộc lộ nhiều
triết lí nhân sinh”[38;202]. Cùng với thể tài đa dạng, phong phú, đây cũng là
thời kì văn học bắt đầu nở rộ, đa dạng về trường phái và phương pháp nghệ
thuật như: thủ pháp dòng ý thức, huyền ảo…
Từ sau năm 1986 đến nay: từ sau năm 1986, đời sống xã hội Việt Nam
có nhiều thay đổi. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12 năm 1986) đã
thổi vào nền văn nghệ nước nhà một luồng gió mới “thay đổi sâu sắc tư duy
sáng tạo của người nghệ sĩ …các văn nghệ sĩ khi xóa bỏ được “nỗi sợ hãi
treo lơ lửng” đâu đó trên đầu, đã bản lĩnh hơn trong chiếm lĩnh hiện thực bằng
nghệ thuật, đa dạng hơn trong biểu hiện và tự biểu hiện con người tác giả chủ thể thẩm mỹ…trong tác phẩm”[32;229]. Thực tế đó đã khiến văn học
nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng có nhiều chuyển biến mới: Văn học
Việt Nam hiện đại đã chuyển sang một hệ hình tư duy nghệ thuật khác. Đó là


20

từ mô hình văn học sử thi hiện đại với những chuẩn mực mang tính quy phạm
của nó chuyển sang mô hình văn học phi sử thi với sự phong phú đa dạng và
xu thế phá vỡ mọi quy phạm trước đó. Truyện ngắn không nằm ngoài quy luật
ấy. Tiếp tục những thành công của mùa đầu sau giải phóng, truyện ngắn Việt
Nam từ 1986 đến nay thực sự gặt hái được nhiều thành công không chỉ ở số
lượng mà cả chất lượng. Mật độ cuộc thi từ năm 1985 đến 2000 tăng lên
nhiều. Theo thống kê “chỉ có ba cuộc thi truyện ngắn trên báo Văn nghệ, Hội
nhà văn thành phố Hồ Chí Minh và Tạp chí Văn nghệ quân đội đã tổ chức có
gần 700 truyện ngắn dự thi. Nếu tính cả truyện ngắn đăng trên báo, tạp chí
trong năm con số sẽ lên hàng vạn”[2;98]. Hay “cuộc thi truyện ngắn 20012002 do Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức có gần 2000 tác phẩm dự thi bằng
số lượng truyện ngắn bốn năm 1978-1979, 1983-1984”[8;90]. Số liệu trên cho
thấy, mỗi lần mỗi cuộc thi được tổ chức là mỗi lần ta phát hiện những tài năng

từ cuộc sống lao động sản xuất nảy sinh. Đó cũng là dịp để ta thêm tin tưởng:
truyện ngắn Việt Nam đi lên vừa rộng, vừa sâu để tạo thế đi vững chắc trong
hành trình mới. Không chỉ đạt thành tựu rực rỡ về số lượng và chất lượng,
đây cũng là thời kì xuất hiện nhiều phong cách truyện ngắn tài hoa như:
Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Thị
Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Quang Thiều, Y Ban, Võ Thị Hảo, Dạ
Ngân, Từ Nguyên Tĩnh, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần… Trong số
những nhà văn nói trên, Nguyễn Minh Châu –“người mở đường tinh anh và
tài năng nhất”(Nguyên Ngọc) với các tác phẩm: Cỏ lau, Chiếc thuyền ngoài
xa, Phiên chợ Giát, Khách ở quê ra, Mùa trái cóc ở miền Nam…và Nguyễn
Huy Thiệp - luồng sinh khí mới trên văn đàn với các tác phẩm: Chút thoáng
Xuân Hương, Huyền thoại phố phường, Tướng về hưu, Không có vua,
Vàng lửa, Kiếm sắc, Phẩm tiết, Những bài học nông thôn, Những người
thợ xẻ, Thương nhớ đồng quê….được coi là hai nhà văn có những đóng góp
to lớn cho sự phát triển của truyện ngắn Việt Nam thời kì đổi mới. Đặc biệt
văn học thời kì này đã chứng minh sự lên ngôi của những cây bút nữ viết rất
hay về gia đình và người phụ nữ như: Nguyễn Thị Thu Huệ (Biển ấm, Huyền
thoại), Phan Thị Vàng Anh (Khi người ta trẻ), Võ Thị Hảo (Hành trang của


×