Tải bản đầy đủ (.pdf) (86 trang)

LUẬN văn vận dụng lý luận địa tô chênh lệch II của c mác vào việc thâm canh cây trồng ở phú yên

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (717.49 KB, 86 trang )

LUẬN VĂN:

Vận dụng lý luận địa tô chênh lệch II
của C.Mác vào việc thâm canh cây
trồng ở Phú Yên


MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Để thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn
minh”, trong điều kiện một nước có tới 76 % dân số sống ở nông thôn và trên 70 %
lao động làm nông nghiệp và tiến đến năm 2010 giảm lao động trong nông nghiệp
xuống còn dưới 50% trong tổng lao động xã hội, thì việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ
cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá là một nội dung
cốt lõi trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nước ta hiện nay. Nền nông
nghiệp nước ta sản xuất còn lạc hậu, mang nặng tính tự cấp, tự túc, quy mô sản xuất
nhỏ, năng suất lao động thấp, bình quân đất nông nghiệp trên lao động thuộc loại
thấp trên thế giới. Do vậy, việc thâm canh tăng năng suất cây trồng là một biện pháp
vừa cơ bản vừa cấp bách để nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất
nông nghiệp, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh hàng nông sản trên thị trường thế
giới, từng bước cải thiện đời sống nông dân và phát triển kinh tế nông thôn.
Phú Yên là tỉnh Duyên hải nam Trung bộ vừa có đồng bằng vừa có vùng núi
và vùng biển, cơ cấu kinh tế đa dạng. Song, nhìn chung nông nghiệp vẫn là ngành
chính của tỉnh, dân số chủ yếu sống ở nông thôn và làm nông nghiệp. Trong những
năm qua, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã làm cho nông nghiệp
của tỉnh có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, đến nay việc đề ra những cơ
chế, chính sách để thúc đẩy thâm canh cây trồng còn nhiều hạn chế nên năng suất
cây trồng còn thấp, công tác quy hoạch, phân vùng để phát triển trồng trọt còn nhiều
bất cập, chưa được cụ thể hoá, số diện tích chuyên canh cây trồng còn ít về diện tích
còn nhỏ về qui mô, việc áp dụng những tiến bộ khoa học - công nghệ còn gặp nhiều
khó khăn, thị trường các yếu tố đầu vào và đầu ra hàng nông sản chưa thật sự ổn


định và chứa đựng nhiều nhân tố rủi ro, vốn đầu tư trên một đơn vị diện tích đất
nông nghiệp còn thấp, đầu tư chưa cân xứng với tiềm năng đất nông nghiệp, nên
năng suất một số loại cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh chưa cao.


Nghiên cứu lý luận địa tô tư bản chủ nghĩa của Mác nói chung và địa tô chênh
lệch II nói riêng, sẽ cung cấp cho chúng ta những cơ sở lý luận đặc biệt quan trọng,
trên cơ sở đó đề ra những chủ trương, chính sách đúng đắn, lãnh đạo, chỉ đạo trong
thực tiễn phát triển cây trồng, nâng cao năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh
tế nông nghiệp của tỉnh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, từng bước cải
thiện đời sống nông dân và xây dựng nông thôn mới là vấn đề rất cấp thiết.
Với những lý do trên, qua quá trình nghiên cứu địa tô chênh lệch II của Mác
tôi chọn đề tài: "Vận dụng lý luận địa tô chênh lệch II của C.Mác vào việc thâm
canh cây trồng ở Phú Yên" để làm luận văn thạc sĩ là một việc làm có ý nghĩa thiết
thực cả về lý luận và thực tiễn ở Phú Yên hiện nay.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Việc nâng cao năng suất cây trồng trong lĩnh vực nông nghiệp, đã được Đảng
và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, điều này được thể hiện trong Văn kiện các kỳ Đại
hội Đảng toàn quốc và đã được nhiều ngành chuyên môn, các nhà khoa học quan
tâm nghiên cứu như:
PGS. TS Nguyễn Đình Kháng và TS.Vũ Văn Phúc: Một số vấn đề lý luận của
Mác và Lênin về địa tô, ruộng đất; Lê Đình Thắng: Vấn đề ruộng đất trong nông
nghiệp - Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, số 2/ 1998; Nguyễn
Điền: Sở hữu và sử dụng ruộng đất ở nước ta, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, số 2/
2000; Lê Thế Tiến: Trao đổi kinh nghiệm về chuyển đổi ruộng đất trong nông
nghiệp, Tạp chí Địa chính, số 5 + 6/1997; Nguyễn Quốc Thái: Một số vấn đề về
chính sách đất nông nghiệp ở nước ta hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế số 320
tháng 1/ 2005; TS. Lê Xuân Bá và KS Lưu Đức Khải: Tổ chức lại việc sử dụng
ruộng đất nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hoá, Tạp chí Kinh tế và dự báo
số 338, tháng 6/ 2001; TS. Phạm Thị Khanh: Đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp

bền vững ở Việt Nam, Tạp chí Lý luận chính trị số 11/ 2005; Lê Minh Tuynh, Giao
quyền sử dụng ruộng đất lâu dài cho nông dân để phát triển nông nghiệp hàng hoá
ở Quảng Bình, Luận văn thạc sĩ khoa học kinh tế năm 2002; TS Nguyễn Thế Tràm:
Quản lý, sử dụng đất nông nghiệp ở Tây Nguyên, Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên
cứu đề tài khoa học cấp bộ (1999 – 2000); Trịnh Thị Nga, Chuyển dịch cơ cấu kinh


tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Phú Yên, Luận văn thạc
sĩ kinh tế năm 1999 và nhiều công trình nghiên cứu khác.
Mặc dù nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau, nhưng các tác giả đã thấy
được vị trí tầm quan trọng của kinh tế nông nghiệp nói chung và ngành trồng trọt
nói riêng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa
phương, đồng thời qua nghiên cứu các tác giả cũng đã phân tích rõ những thuận lợi
và khó khăn, những mặt làm được và chưa làm được của ngành nông nghiệp nước ta
trong thời gian qua, qua đó đề xuất những giải pháp có tính khả thi cao nhằm thúc
đẩy nông nghiệp nói chung và ngành trồng trọt nói riêng phát triển.
Tuy nhiên, nghiên cứu sự vận dụng lý luận địa tô chênh lệch II của Mác vào
thâm canh cây trồng trên địa bàn tỉnh Phú Yên nhằm thúc đẩy ngành trồng trọt của
tỉnh phát triển dưới giác độ kinh tế - chính trị thì chưa có tác giả nào nghiên cứu.
3. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục tiêu
Trên cơ sở nghiên cứu những vấn đề lý luận cơ bản về địa tô chênh lệch II
của Mác và khảo sát thực tiễn ngành trồng trọt của tỉnh, luận văn tập trung làm rõ
thực trạng về thâm canh cây trồng trên địa bàn tỉnh Phú Yên, từ đó đề ra phương
hướng và những giải pháp cơ bản nhằm thúc đẩy thâm canh tăng năng suất cây
trồng trên địa bàn tỉnh có hiệu quả kinh tế cao hơn.
3.2. Nhiệm vụ
Để đạt được mục tiêu trên, luận văn có nhiệm vụ: phân tích những vấn đề lý
luận cơ bản về địa tô chênh lệch II của Mác, thực tiễn ngành trồng trọt và thực trạng
thâm canh tăng năng suất cây trồng trên địa bàn tỉnh Phú Yên, nhằm rút ra những vấn

đề bức xúc nhất hiện nay cần giải quyết, từ đó đề xuất phương hướng và những giải
pháp khả thi để thâm canh tăng năng suất cây trồng ở Phú Yên trong thời gian tới nhằm
không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Luận văn nghiên cứu những vấn đề lý luận chung về địa tô, mà trọng tâm là
địa tô chênh lệch II của Mác, từ đó vận dụng vào thực tiễn thâm canh tăng năng suất
cây trồng trên phạm vi một tỉnh nông nghiệp.


4.2. Phạm vi nghiên cứu
Vận dụng vào một tỉnh khu vực Duyên hải nam Trung bộ - Tỉnh Phú Yên,
thời gian từ khi có luật đất đai năm 1993 đến nay.
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
Luận văn sử dụng phương pháp duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, phương
pháp trừu tượng hoá khoa học và các phương pháp phổ biến khác trong nghiên cứu
kinh tế - chính trị. Trong đó luận văn tập trung nhiều cho phương pháp khảo sát thực
tế, phân tích tổng hợp những kinh nghiệm thực tiễn. Trên cơ sở đó, luận văn rút ta
những vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn nhằm phục vụ cho công tác lãnh đạo,
chỉ đạo thực tiễn phát triển ngành trồng trọt ở địa phương.
6. Đóng góp của luận văn
Luận văn góp phần:
Phân tích thực trạng những chủ trương, chính sách của tỉnh về phát triển
ngành trồng trọt ở Phú Yên, đối chiếu lý luận địa tô chênh lệch II của Mác, trên cơ
sở đó đề xuất những phương hướng, giải pháp khả thi để thâm canh cây trồng trên
địa bàn tỉnh Phú Yên có hiệu quả hơn.
Góp phần bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển sản xuất nông
nghiệp nói chung và ngành trồng trọt của tỉnh nói riêng.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung luận

văn được kết cấu 3 chương, 6 tiết.


Chương 1
LÝ LUẬN CHUNG VỀ ĐỊA TÔ CHÊNH LỆCH II CỦA MÁC
VÀ VAI TRÒ THÂM CANH CÂY TRỒNG TRONG PHÁT TRIỂN NÔNG
NGHIỆP

1.1. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG VỀ ĐỊA TÔ CHÊNH LỆCH CỦA
MÁC

1.1.1. Địa tô chênh lệch - Lợi nhuận siêu ngạch trong nông nghiệp và vấn
đề độc quyền kinh doanh ruộng đất
Một là: Những giả thiết để phân tích địa tô chênh lệch
Để nghiên cứu địa tô chênh lệch, Mác đưa ra hai giả thiết, những giả thiết này
phản ánh cơ sở hiện thực đã được nhận thức, trên cơ sở đó mà phát sinh địa tô chênh
lệch. Đây là những giả thiết khoa học thật sự.
Giả thiết thứ nhất, giá cả những sản phẩm của ruộng đất và hầm mỏ phải trả
tô để được bán theo giá cả sản xuất của chúng, cũng giống như những hàng hoá
khác trong nền kinh tế hàng hoá tự do cạnh tranh. Đây là những điều kiện bình
thường, không xét tới những biến động ngẫu nhiên của giá cả.
Giả thiết thứ hai, để chỉ rõ tính chất chung của hình thái địa tô Mác giả định,
phần lớn công xưởng trong một nước nhất định chạy bằng hơi nước, còn một số ít
công xưởng lại chạy bằng thác nước tự nhiên.
Vấn đề đặt ra là cần làm sáng tỏ vì sao "một phần lợi nhuận lại có thể chuyển
hoá thành địa tô, tức là làm thế nào mà một phần trong giá cả hàng hoá lại có thể rơi
vào tay địa chủ" [14, tr.279].
Để trả lời vấn đề trên phải căn cứ vào lý luận của Mác về lợi nhuận bình quân
và giá cả sản xuất mới có thể giải thích được. Ở đây có hai cách tính với độ chính
xác khác nhau:

- Nếu tính đơn giản thì "trong các công xưởng chạy bằng sức nước, chi phí
sản xuất chỉ là 90 chứ không phải là 100. Vì giá cả sản xuất có tác dụng điều tiết thị
trường đối với khối lượng hàng hoá ấy là 115, với một lợi nhuận là 15%, cho nên các
chủ xưởng có máy móc chạy bằng sức nước cũng sẽ bán theo giá 115, nghĩa là theo giá


cả trung bình có tác dụng điều tiết giá cả thị trường. Vậy lợi nhuận của họ sẽ lên đến 25
chứ không phải 15…" [14, tr. 280].
- Nếu tính chính xác hơn thì con số 25 sẽ được chia ra 13,5 - 11,5 chứ không
phải 15 -10 (vì để cho gọn). Nhà tư bản thu được lợi nhuận siêu ngạch không phải
do bán hàng hoá cao hơn giá cả sản xuất, mà là vì hàng hoá của họ sản xuất ra trong
điều kiện thuận lợi hơn, giá cả sản xuất cá biệt thấp hơn giá trung bình của xã hội.
Do vậy, để nghiên cứu địa tô chênh lệch chúng ta bắt đầu nghiên cứu từ lợi nhuận
siêu ngạch.
Hai là: Lợi nhuận siêu ngạch trong nông nghiệp do đâu mà có.
Đặc điểm dễ nhận biết của của địa tô, đó là lợi nhuận siêu ngạch. Lợi nhuận
siêu ngạch không phải do kết quả ngẫu nhiên trong lưu thông mà là một hiện tượng
bình thường trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Do đó, để hiểu thế nào là địa tô
chênh lệch thì phải đi sâu phân tích lợi nhuận siêu ngạch trong nông nghiệp.
Sở dĩ giá cả sản xuất cá biệt của những xí nghiệp sử dụng thác nước thấp hơn
là vì nó chi phí tổng số lao động nhỏ hơn, năng suất lao động của nó cao hơn năng
suất lao động của những xí nghiệp cùng loại. Năng suất lao động cao hơn không
đem lại lợi ích cho người lao động mà chỉ đem lại lợi nhuận siêu ngạch cho những
kẻ độc chiếm thác nước: "Lợi nhuận siêu ngạch ấy chỉ có thể là do sự chênh lệch
giữa giá cả sản xuất chung và giá cả sản xuất cá biệt mà ra thôi…" [14, tr. 283].
Song vấn đề quan trọng là phải phân biệt rõ lợi nhuận siêu ngạch nói chung
với lợi nhuận siêu ngạch hình thành địa tô tư bản chủ nghĩa. Một vấn đề đặt ra là:
Do đâu chủ xưởng dùng thác nước thu được lợi nhuận siêu ngạch? Đó là nhờ vào
một lực lượng tự nhiên, còn máy hơi nước là sản phẩm của lao động nên muốn sử
dụng nó, phải trả bằng một vật ngang giá. Tức là lượng tư bản bỏ ra mua máy hơi

nước phải tính vào chi phí sản xuất. Tuy nhiên, thác nước hay áp lực hơi nước đều
là lực lượng tự nhiên cả, song việc sử dụng thác nước lại ít tốn kém hơn.
Lợi nhuận siêu ngạch nói chung là nhờ giảm chi phí cá biệt do ứng dụng khoa
học, có năng suất lao động cá biệt cao hơn năng suất trung bình, nếu so sánh lợi nhuận
siêu ngạch trong công nghiệp và lợi nhuận siêu ngạch trong nông nghiệp chúng ta thấy
rằng, lợi nhuận siêu ngạch trong công nghiệp không ổn định ở một đơn vị nào cả, nó


chỉ tạm thời thôi. Vì vậy, trong nền công nghiệp tư bản chủ nghĩa, "nguyên nhân đẻ ra
lợi nhuận siêu ngạch là ở ngay trong bản thân tư bản" [14, tr. 286], không có gì ngăn
cản mọi tư bản đầu tư như nhau, cạnh tranh, có xu hướng san bằng sự khác nhau về
hiệu quả đầu tư.
Nhưng đối với lợi nhuận siêu ngạch trong nông nghiệp lại không như vậy.
Sức sản xuất của thác nước tự nhiên được nâng cao không phải là nguyên nhân bên
trong của quá trình sản xuất của tư bản, mà nó là do việc sử dụng một lực lượng tự
nhiên có hạn và gắn liền với đất đai. "Đây là một lực tự nhiên có thể độc chiếm
được, một lực lượng tự nhiên mà - như trường hợp thác nước - chỉ có những kẻ nào
chiếm hữu những bộ phận đất đai đặc biệt với tất cả những cái gì phụ thuộc vào đất
đai ấy, mới có thể chi phối được" [14, tr. 286].
Vậy lợi nhuận siêu ngạch trong nông nghiệp là do sự chênh lệch giữa giá cả
sản xuất chung với giá cả sản xuất cá biệt trong nông nghiệp do điều kiện sản xuất
thuận lợi hơn.
Ba là: Vấn đề độc quyền kinh doanh ruộng đất theo lối tư bản chủ nghĩa.
Theo Mác: "điều kiện tự nhiên này không gắn liền với những sản phẩm mà lao
động có thể chế tạo ra được, như máy móc, than..., mà gắn liền với những điều kiện tự
nhiên nhất định của những bộ phận đất đai nào đó" [14, tr. 287]. Những điều kiện tự
nhiên đó không gắn liền với sản phẩm do lao động tạo ra mà gắn với những điều
kiện tự nhiên và nhà tư bản có thể độc chiếm.
Số chủ xưởng đã chiếm hữu thác nước gạt số chủ xưởng không chiếm hữu
được thác nước ra ngoài, không để cho họ lợi dụng lực lượng tự nhiên ấy, vì đất đai

- đặc biệt là đất đai có sẵn sức nước là có hạn. Sự chiếm hữu lực lượng tự nhiên đó
tạo nên một sự độc quyền trong tay người chiếm hữu, cho phép tư bản bỏ vào đầu tư
ở đó có hiệu quả hơn. Đây là sự độc quyền kinh doanh về thác nước, về ruộng đất
mà người kinh doanh khác không có điều kiện làm như vậy.
Thuật ngữ độc quyền chiếm hữu ở đây có nghĩa là độc chiếm lấy để sử dụng,
để kinh doanh, khác với phạm trù "sở hữu" mà Mác đã phân biệt: chiếm hữu, tức là
những người có trong tay một vật gì đó, do đó có quyền chi phối vật ấy, nhưng
không nhất thiết phải là người sở hữu vật ấy, khác với những người sở hữu vật ấy.


Mác viết:
Nếu bản thân nhà tư bản lại là kẻ sở hữu thác nước ấy, thì tình hình
cũng sẽ không thay đổi gì cả. Hắn cũng sẽ thu được 10 p.xt. Lợi nhuận siêu
ngạch như thế, nhưng không phải với tư cách là nhà tư bản, mà với tư cách là
kẻ sở hữu thác nước, chính là vì số trội ra ấy không phải do bản thân của hắn
với tư cách là tư bản sinh ra, mà là do việc sử dụng một lực lượng tự nhiên
sinh ra - một lực lượng tự nhiên khác với tư bản của hắn, có một khối lượng có
giới hạn, có thể độc chiếm được - cho nên số trội ra ấy mới chuyển hoá thành
địa tô [14, tr.288].
Để hiểu được địa tô chênh lệch chúng ta cần nắm những đặc điểm cơ bản của
nó.
Đặc trưng, đặc điểm của địa tô chênh lệch:
- Loại địa tô này được gọi là địa tô chênh lệch vì nó không gia nhập với tư
cách là một yếu tố quyết định vào giá cả sản xuất chung của hàng hoá mà nó lại lấy
giá cả sản xuất chung ấy để làm tiền đề. Nó bao giờ cũng là sự chênh lệch giữa giá
cả sản xuất chung với giá cả sản xuất cá biệt của tư bản sử dụng lực lượng tự nhiên
một cách độc quyền.
- Địa tô chênh lệch không phải là kết quả của năng suất tuyệt đối của tư bản
đã sử dụng, hoặc của lao động do tư bản ấy chiếm dụng mà là kết quả của năng suất
tương đối lớn hơn của những tư bản cá biệt đầu tư vào một khu vực sản xuất nào đó

có điều kiện tự nhiên đặc biệt thuận lợi.
- Với địa tô chênh lệch, lực lượng tự nhiên không phải là nguồn gốc sinh ra
lợi nhuận siêu ngạch mà chỉ là cơ sở tự nhiên của lợi nhuận siêu ngạch. Ở đây chỉ là
nhờ điều kiện tự nhiên đó khiến cho có thể nâng cao năng suất lao động lên.
- Quyền sở hữu ruộng đất không phải là nguyên nhân sinh ra lợi nhuận siêu
ngạch mà chỉ là nguyên nhân làm cho lợi nhuận siêu ngạch chuyển hoá thành địa tô
lọt vào tay địa chủ. Điều này cũng có nghĩa là dù không tồn tại chế độ tư hữu ruộng
đất, song nếu có nông nghiệp sản xuất hàng hoá thì vẫn có hiện tượng địa tô chênh
lệch.
- Địa tô chênh lệch đề ra một phạm trù phát sinh, đó là giá cả ruộng đất (giá
cả thác nước).


… giá cả ấy của thác nước nói chung là một biểu hiện bất hợp lý, ẩn
giấu ở đằng sau lưng nó một quan hệ kinh tế hiện thực. Thác nước, cũng
như đất đai nói chung, cũng như mọi lực lượng tự nhiên, không có giá trị
nào cả, vì không có một lao động nào được vật hoá ở trong nó; do đó, nó
cũng không có giá cả, vì theo lẽ thường, giá cả không phải cái gì khác hơn
là biểu hiện tiền tệ của giá trị… Giá cả đó chẳng qua chỉ là địa tô đã tư bản
hoá [14, tr.291].
Địa tô chênh lệch gồm có địa tô chênh lệch I và địa tô chênh lệch II
1.1.2. Bản chất - Điều kiện hình thành địa tô chênh lệch I
Thứ nhất: Bản chất địa tô chênh lệch I.
Qua định nghĩa về địa tô của Ricácđô: ""Địa tô"... bao giờ cũng là sự chênh
lệch giữa sản phẩm thu được do sử dụng hai lực lượng tư bản và lao động ngang
nhau" [14,tr. 293], Mác cho rằng, định nghĩa đó đúng, song chưa đủ, cần phải nói
thêm yếu tố: trên cùng một diện tích đất đai như nhau.
Thực ra, địa tô chênh lệch I là địa tô thu được do có tư bản ngang nhau, lao
động ngang nhau, diện tích đất ngang nhau trên những mảnh ruộng khác nhau, có
kết quả sản phẩm khác nhau. Nó là phần lợi nhuận siêu ngạch trên những mảnh

ruộng có điều kiện tự nhiên thuận lợi.
Thứ hai: Điều kiện hình thành địa tô chênh lệch I
Điều kiện chung để khảo sát địa tô chênh lệch I là: tư bản ngang nhau, lao
động ngang nhau, diện tích đất đai ngang nhau. Khi đã có những điều kiện chung
đó, nhưng lại có kết quả khác nhau trên những thửa ruộng khác nhau thì sẽ có lợi
nhuận siêu ngạch. Hai nguyên nhân chính dẫn đến kết quả khác nhau đó là độ phì tự
nhiên và vị trí thuận lợi khác nhau của các mảnh đất. Ngoài ra, nếu xét kỹ còn có
các nguyên nhân phụ khác nữa như:
- Cách phân bố thuế có thể tác động không đồng đều giữa các mảnh ruộng
cũng cho những kết quả khác nhau.
- Có sự chênh lệch về hiệu quả do sự phát triển nông nghiệp hàng hoá giữa
các vùng trong một nước không đồng đều, hay vì tập quán canh tác truyền thống
khác nhau.


- Tư bản phân phối không đồng đều giữa những người kinh doanh nông
nghiệp khác nhau. Ở đây chúng ta cần đi sâu phân tích hai nguyên nhân chính: độ
phì và vị trí của mảnh ruộng, ta thấy mối quan hệ qua lại giữa chúng, và chúng có
thể phát sinh thuận chiều nhau hoặc ngược chiều nhau:
+ Có thể độ phì cao, vị trí thuận lợi thì lợi nhuận siêu ngạch thu được càng
lớn;
+ Có thể độ phì cao, song vị trí thuận lợi kém, lợi nhuận siêu ngạch cũng sẽ
thấp hơn;
+ Có thể độ phì thấp, song vị trí thuận lợi, lợi nhuận siêu ngạch cũng sẽ thấp
hơn;
+ Có thể độ phì thấp, vị trí không thuận lợi thì lợi nhuận siêu ngạch sẽ có ít
hoặc không còn nữa.
Chính sự tác động qua lại như trên, nên xu hướng chuyển dịch cơ cấu các loại
đất đưa vào canh tác, khai hoang có thể theo quá trình khác nhau; nếu vị trí sử dụng
đất từ thuận lợi đến không thuận lợi, thì trình tự khai thác có thể từ đất tốt chuyển

dần sang đất xấu (thực ra vẫn là đất tốt ở xa tương đương với đất xấu ở gần).
Vấn đề vị trí của đất có tính tương đối và lịch sử. Vì một mặt sự tiến bộ của
xã hội có tác dụng san bằng các chênh lệch về hiệu quả; mặt khác, sự tiến bộ ấy lại
có thể làm chênh lệch về hiệu quả. Sự tiến bộ về giao thông vận tải, về tốc độ và
quy mô của các công trình xây dựng nhiều khi làm đảo lộn về trật tự thuận lợi.
Nội dung, mức độ về độ phì của đất đai.
Độ phì của đất, đó là dung lượng khác nhau về các chất dinh dưỡng cần thiết
cho sinh vật ở đất (cấu thành hoá, sinh học của các lớp đất khác nhau). Định nghĩa
này chưa đề cập thêm nhân tố khí hậu.
Độ phì tự nhiên của đất khác với độ phì nhân tạo, tuy nhiên giữa chúng có
mối quan hệ qua lại với nhau. Không nên hiểu độ phì tự nhiên theo cách nhìn siêu
hình, phi lịch sử, phi thực tế. Chẳng hạn, hai mảnh đất có thành phần hoá học như
nhau, nhưng chúng vẫn có thể khác nhau về độ phì thực tế. Điều đó còn tuỳ thuộc
vào sự phát triển của khoa học và kỹ thuật ứng dụng vào nông nghiệp: "Mặc dù tính
chất phì nhiêu ấy là một thuộc tính khách quan của đất, nhưng về mặt kinh tế thì bao


giờ nó cũng bao hàm một mối quan hệ nhất định, - mối quan hệ với trình độ phát
triển nhất định của hoá học và của cơ khí trong nông nghiệp, và vì vậy mà nó thay
đổi theo trình độ phát triển ấy" [14, tr.296].
Về mặt xu hướng chuyển dịch cơ cấu sử dụng các loại đất đưa vào canh tác,
Mác phê phán quan niệm cứng nhắc: chỉ có dùng đất tốt đến đất xấu. Thực ra, xu
hướng chuyển dịch có thể theo nhiều chiều khác nhau từ tốt đến xấu, từ xấu đến tốt
hoặc cũng có thể từ trung bình đến tốt, từ trung bình đến xấu.
Độ phì tự nhiên của ruộng đất có thể là kết quả của độ phì nhân tạo. Độ phì
nhân tạo có thể chuyển hoá thành độ phì tự nhiên (Mác trở lại vấn đề này ở Chương
40).
Trong học thuyết giá trị thặng dư, Mác nêu: Độ phì ruộng đất = Độ phì nhiêu
tự nhiên + Độ phì nhiêu nhân tạo đã chuyển hoá. Như vậy, khi nói độ phì của đất thì
không nên hiểu đơn thuần là độ phì tự nhiên mà còn bao hàm độ phì nhân tạo nữa.

Trình độ lao động cũng là nhân tố quan trọng tác động đến độ phì của đất.
Để nghiên cứu địa tô chênh lệch, trong ví dụ của mình Mác đã nêu 3 biểu, qua
phân tích, chứng minh, và phê phán Ricácđô, cuối cùng ông vạch ra rằng: Có thể từ
tốt đến xấu hoặc từ xấu đến tốt hoặc là dùng xen kẽ chứ không nhất thiết từ tốt đến
xấu. Từ đó, Mác đi đến kết luận sau:
- Trình tự địa tô bao giờ cũng biểu hiện bằng trình tự đi xuống, vì khi nghiên
cứu về địa tô bao giờ người ta cũng xuất phát từ loại đất đem lại địa tô cao nhất và
kết thúc bằng loại đất không đem lại địa tô nào cả.
- Giá cả sản xuất điều tiết thị trường là giá cả sản xuất của loại đất xấu nhất
không đem lại địa tô.
- Địa tô chênh lệch do sự chênh lệch về mức độ phì nhiêu tự nhiên của các
loại đất đẻ ra. Do đó ta thấy, sở dĩ có địa tô chênh lệch là vì diện tích của loại đất tốt
nhất là có hạn, và những tư bản ngang nhau phải đầu tư vào những loại đất có độ phì
khác nhau, vì thế cùng một tư bản ngang nhau nhưng lại thu được một số lượng sản
phẩm không ngang nhau.
- Chênh lệch có thể phát sinh khi chuyển từ một loại đất tốt sang một loại đất
xấu hơn, hoặc ngược lại, chuyển từ một loại đất xấu sang một loại đất tốt hơn, hoặc
chuyển theo cả hai chiều hướng xen kẽ nhau.


- Địa tô chênh lệch có thể phát sinh trong trường hợp giá cả nông sản phẩm
tăng, giữ nguyên hoặc giảm. Trong trường hợp giá cả sản xuất giảm xuống mà tổng
sản lượng và tổng địa tô vẫn có thể tăng lên, và khi đó những khoảnh đất từ trước
không đem lại địa tô thì nay có thể có địa tô.
1.1.3. Lý luận về địa tô chênh lệch II của Mác
Thứ nhất: Bản chất địa tô chênh lệch II.
Mác viết:
Địa tô chênh lệch… là kết quả của năng suất khác nhau giữa hai tư
bản ngang nhau, bỏ vào những đất đai có diện tích ngang nhau, nhưng
mức độ phì nhiêu khác nhau, cho nên địa tô chênh lệch trên đây là do sự

chênh lệch giữa sản phẩm của tư bản bỏ vào loại đất xấu nhất không đem
lại địa tô và sản phẩm của tư bản bỏ vào một loại đất tốt hơn, quyết định
[14, tr.329].
Mỗi lần đầu tư mới đều có nghĩa là mở rộng hơn nữa việc canh tác đất đai.
Địa tô chênh lệch I gắn với quảng canh. Địa tô chênh lệch II là kết quả khác nhau
của những lần đầu tư, tư bản nối tiếp nhau trên một diện tích. Nó là do sự chênh lệch
sản phẩm giữa những lần đầu tư khác nhau trên cùng một diện tích của một mảnh
ruộng.
Thứ hai: Sự giống và khác nhau giữa địa tô chênh lệch I và địa tô chênh lệch
II.
* Giống nhau:
+ Đều là kết quả của sự hình thành lợi nhuận siêu ngạch.
Mác nêu rõ:
Trường hợp 1, đầu tư song song đưa lại địa tô chênh lệch I.
Trường hợp 2, có thể đạt được kết quả như vậy, với những chỉ tiêu như vậy
bằng cách đầu tư những lần khác nhau, đầu tư lần lượt trên cùng một diện tích, một
đám đất. Để làm rõ vấn đề trên Mác nêu ra ví dụ:
Tiêu chí
Chi phí tư bản (K)
Lợi nhuận ( P)

A
50
10

B
50
10

C

50
10

Sản lượng ( Q)

1

2

3

D
50
10
4 (sản
phẩm)


Giá cả sản xuất
Lợi nhuận siêu ngạch

60
0

60
60

60
120


60
180

+ Trường hợp 1: A, B, C, D là loại ruộng đất kể từ xấu đến tốt.
+ Trường hợp 2: A, B, C, D là các lần đầu tư từ lần có hiệu quả thấp đến lần
đầu tư có hiệu quả cao trên cùng một đám đất, cùng một diện tích.
Xét cả 2 trường hợp, lợi nhuận siêu ngạch của tư bản được hình thành đều
giống nhau. Vậy, địa tô chẳng qua chỉ là hình thái lợi nhuận siêu ngạch cấu thành
thực tế của nó. Có thể nói, địa tô chênh lệch vẫn chỉ là kết quả của năng suất khác
nhau giữa những tư bản ngang nhau, bỏ vào ruộng đất.
* Khác nhau:
+ Lhác nhau về cách đầu tư tư bản:
Đầu tư rải ra hay song song cùng một lúc trên các khoảnh đất khác nhau có
diện tích bằng nhau để có địa tô chênh lệch I.
Đầu tư tập trung, liên tiếp, nối tiếp nhau trên cùng một khoảnh đất thuộc về
địa tô chênh lệch II.
+ Khác nhau về chuyển hoá lợi nhuận siêu ngạch thành địa tô:
Xem xét sự biến đổi hình thái chuyển hoá lợi nhuận siêu ngạch từ tay tư bản
kinh doanh vào tay địa chủ thì có sự khác nhau rất lớn.
Đầu tư liên tục khác đầu tư song song. Đầu tư liên tục, việc chuyển hoá lợi
nhuận siêu ngạch thành địa tô khó khăn hơn, với những lý do sau:
Một là, phương pháp đầu tư liên tục đặt sự chuyển hoá lợi nhuận siêu ngạch
thành địa tô trong một giới hạn chật hẹp. Khi còn khế ước thuế đất thì việc chuyển
hoá ấy không thực hiện được, lợi nhuận siêu ngạch thuộc về nhà tư bản kinh doanh.
Hai là, sự chuyển hoá ấy lại có tính "co giãn" vì có sự mặc cả giữa địa chủ và
nhà tư bản, đó là nguyên nhân đấu tranh giữa địa chủ và nhà tư bản trong việc xác
định kết quả thực tế. Mức tô để xác định lúc cho thuê đất (địa chủ chỉ muốn cho
thuê ngắn hạn). Thực ra lợi nhuận siêu ngạch khi chưa chuyển hoá thì đó là địa tô
“tiềm thế”.
Ba là, khác nhau về điều kiện của sự hình thành lợi nhuận siêu ngạch trong

địa tô chênh lệch I và địa tô chênh lệch II.
Lợi nhuận siêu ngạch trong địa tô chênh lệch I là do chênh lệch về độ phì
khác nhau.


Lợi nhuận siêu ngạch trong địa tô chênh lệch II là do mức độ phì của các vụ
mùa trên cùng một thửa ruộng, hoặc do hiệu suất khác nhau của các lần đầu tư tư
bản khác nhau.
* Mối quan hệ giữa địa tô chênh lệch I và địa tô chênh lệch II:
Xét về mặt lịch sử cũng như sự vận động của chúng ở mỗi thời kỳ nhất định
thì địa tô chênh lệch I là cơ sở và điểm xuất phát của địa tô chênh lệch II.
Địa tô chênh lệch I xuất hiện trước. Địa tô chênh lệch II chỉ vận động trên cơ
sở những ruộng đất đã canh tác đã có địa tô chênh lệch I (quảng canh đi trước thâm
canh). Những người đi khẩn hoang thì bỏ ra ít tư bản thôi, nhân tố chính là lao động
và đất đai. Trong nông nghiệp trước chủ nghĩa tư bản nghề trồng trọt tách khỏi chăn
nuôi, thì từ đầu đã quảng canh. Nhất là nghề chăn nuôi, ngay từ đầu chăn nuôi đã có
tính tập thể, do đó lúc đầu sản xuất trên quy mô rộng (quảng canh).
Về mặt logíc, do những quy luật tự nhiên chi phối, khi canh tác đạt đến một
trình độ nhất định, đất đai đã bạc màu thì việc đầu tư tập trung tư liệu sản xuất trở
thành yếu tố quyết định (thâm canh). Sự vận động của địa tô chênh lệch II trong một
lúc nhất định chỉ biểu hiện ra là cơ sở hỗn tạp của địa tô chênh lệch I.
Địa tô chênh lệch II chẳng qua chỉ là một biểu hiện khác đi của địa tô chênh
lệch I nhưng về thực chất là thống nhất với nhau, trong địa tô chênh lệch II có một
yếu tố không thể hiện ra trong bản thân địa tô chênh lệch I. Trong trường hợp nhà tư
bản có tư bản lớn bỏ ra để thuê tiếp đám đất đó để tiến hành thâm canh, song lợi
nhuận siêu ngạch không rơi vào túi địa chủ ngay trong thời kỳ còn hợp đồng thuê
đất.
Địa tô chênh lệch nói chung, đặc biệt khi hình thái thứ hai gắn liền với hình
thái thứ nhất thì có thể dẫn đến sự kết hợp phức tạp. Phải chăng địa tô chênh lệch II
không tồn tại trong thực tế ? Nói như vậy không đúng, thực ra, đất tốt lên thì địa chủ

bao giờ cũng nâng giá thuê ruộng đất lên. Số chênh lệch thêm đó là có tồn tại thực
(còn hình thức biểu hiện thì lại khác).
Thứ ba: Lợi nhuận siêu ngạch sinh ra từ địa tô chênh lệch II
Đặc điểm của sự phân phối tư bản trong nông nghiệp có khác với trong công
nghiệp. Điều đó có ảnh hưởng đến địa tô chênh lệch II:


- Trong công nghiệp mỗi ngành kinh doanh cá biệt đều hình thành tư bản
trung bình, tư bản nào vượt mức trung bình thì có thể thực hiện lợi nhuận siêu
ngạch. Ngược lại thì không thu được lợi nhuận siêu ngạch.
- Trong nông nghiệp phương thức sản xuất tư bản công nghiệp xâm nhập một
cách dần dần. Trong trường hợp không có nhập khẩu lúa mì, thì những người giả
định giá cả sản xuất đã từng là những người nắm trong tay phần lớn tư bản nông
nghiệp, sản xuất trên ruộng đất xấu. Những người nông dân sản xuất nhỏ, tuy bỏ ra
nhiều lao động, nhưng vì lao động của họ cô lập, tách khỏi những điều kiện vật chất,
điều kiện xã hội năng suất lao động cao, do đó cho phép nhà tư bản lớn thu được lợi
nhuận siêu ngạch.
Sự hình thành lợi nhuận siêu ngạch trong địa tô chênh lệch II với giả định:
không bàn đến các điều kiện để chuyển hoá lợi nhuận siêu ngạch thành địa tô. Mác
làm rõ lợi nhuận siêu ngạch do thâm canh đưa lại. Việc thâm canh ruộng đất dẫn
đến kết quả là:
+ Nó làm tăng độ phì của ruộng đất lên
+ Vẫn trên cơ sở diện tích đã có mà tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản
xuất, tạo ra sản phẩm mới làm tăng khối lượng sản phẩm, tạo ra lợi nhuận siêu
ngạch. Mác đã dùng các biểu đồ để phân tích, chứng minh qua phân tích cho thấy
địa tô chênh lệch nói chung, đặc biệt địa tô chênh lệch II gắn với địa tô chênh lệch I
thì dẫn đến những trường hợp phức tạp. Thế mà Ricácđô lại chỉ xem xét một cách
giản đơn rằng: chỉ có một trường hợp duy nhất phát sinh địa tô chênh lệch II, đó là:
đầu tư phụ thêm năng suất giảm dần. Giá cả sản xuất tăng lên. Tỷ suất lợi nhuận
giảm xuống. Từ đó mà hình thành địa tô chênh lệch cao hơn.

Theo Mác, quan điểm của Ricácđô chỉ là một trong những trường hợp có thể
có, chứ không phải là một tất yếu duy nhất. Đồng thời, Mác còn nêu ra 5 trường hợp
:
Một là, đầu tư phụ thêm năng suất thấp chỉ đem lại lợi nhuận chứ không có lợi
nhuận siêu ngạch thì chẳng khác gì canh tác trên ruộng đất xấu nhất.
Hai là, đầu tư phụ thêm năng suất cao hơn trước, giá cả sản xuất không đổi,
thì lợi nhuận siêu ngạch được hình thành.


Ba là, đầu tư phụ thêm năng suất giảm, lợi nhuận siêu ngạch nhỏ hơn trước.
Kết luận lợi nhuận siêu ngạch là địa tô tiềm thế, không nhất thiết phải gắn liền
với giá sản xuất tăng lên như quan điểm của Ricácđô.
Bốn là, sự khác nhau căn bản giữa hai hình thái địa tô chênh lệch. Với địa tô
chênh lệch I, nếu giá sản xuất không đổi, sự chênh lệch giữa các loại đất không đổi,
thì kết quả là:
+ Diện tích được mở rộng - tư bản bỏ ra tăng lên
+ Tổng sản phẩm tăng và tổng địa tô tăng, còn các chỉ tiêu khác chưa xác
định ngay được.
Với địa tô chênh lệch II, nếu giá cả sản xuất không đổi, sự chênh lệch các loại
đất không đổi, thì có thể cho thấy lần đầu tư thứ hai so với lần đầu tư thứ nhất (tư
bản bỏ ra gấp đôi, với một số diện tích không đổi):
. Tổng số địa tô tăng gấp đôi.
. Tổng số sản phẩm tăng gấp đôi.
. Tỷ suất địa tô không đổi.
. Mức địa tô bằng hiện vật và bằng tiền trên một đơn vị diện tích tăng lên (chỉ
tiêu chất lượng) và do đó giá cả ruộng đất tăng lên.
Năm là, ý nghĩa của việc nghiên cứu địa tô chênh lệch I và địa tô chênh lệch
II:
+ Địa tô chênh lệch I tương ứng với quảng canh, mở rộng diện tích. Tuy rằng
năng suất ruộng đất, hiệu suất đầu tư của tư bản và địa tô trên một đơn vị diện tích

không thay đổi. Nhưng tổng sản phẩm, tổng địa tô tăng lên.
+ Địa tô chênh lệch II chính là do thâm canh mà có. Đồng thời tăng vụ mùa
cải thiện được độ phì thì cũng có ý nghĩa như thâm canh. Nói chung, với địa tô
chênh lệch II do thâm canh mà có thì vấn đề cơ bản: năng suất trồng trọt cũng là
năng suất ruộng đất, thì sản lượng trên một đơn vị diện tích tăng lên. Điều này có ý
nghĩa với tất cả các nước, các giai đoạn phát triển. Thâm canh, tăng vụ mở rộng diện
tích đó là phương hướng phát triển nông nghiệp ở nước ta.


+ Lý luận địa tô chênh lệch I, địa tô chênh lệch II là cơ sở lý luận phương
hướng sử dụng có hiệu quả đất đai trong nền nông nghiệp hàng hoá vận động theo
cơ chế thị trường.
Thứ tư: Khảo sát địa tô chênh lệch II với 3 trường hợp cơ bản
* Trường hợp cơ bản thứ nhất: giả định giá cả sản xuất đứng yên
Ở đây giả định giá cả của sản phẩm trên đất xấu nhất A đóng vai trò điều tiết
thị trường. Mác nghiên cứu sự biến động của hiệu suất tư bản đầu tư phụ thêm theo
ba khả năng là: tăng, giảm, đứng yên (trong điều kiện giá cả sản xuất đứng yên). Từ đó
xem xét sự biến động đó đưa đến kết quả lợi nhuận siêu ngạch như thế nào? cũng chính
là khảo sát hiệu suất đầu tư lần thứ hai ra sao?
Trường hợp thứ nhất: đầu tư phụ thêm trên các loại đất B, C, D chỉ mang lại
lợi nhuận (tức không mang lại lợi nhuận siêu ngạch). Trường hợp này giống như
tăng diện tích đất canh tác trên đất xấu nhất (A). Tuy vậy, vẫn có thêm một số sản
phẩm cho nên trong những điều kiện nhất định người ta vẫn làm (có thể đây là
trường hợp tăng vụ nhưng không tăng thêm được hiệu quả của lần đầu tư sau).
Trường hợp thứ hai: Trên mỗi loại đất, sản xuất tăng lên cùng một tỷ lệ với tư
bản đầu tư phụ thêm, nhưng lợi nhuận không đổi. Trường hợp này, đứng về sản
phẩm và lượng địa tô mà nói thì không khác gì việc tăng thêm diện tích canh tác
trên những ruộng đất loại [14, tr. 348].
Trường hợp thứ ba: tư bản đầu tư tăng lên đem lại sản phẩm tăng lên. Nhưng
lợi nhuận siêu ngạch giảm dần [14, tr.350]. Mác rút ra quy luật trong trường hợp

này, địa tô trên tất cả các loại đất đều tăng lên một cách tuyệt đối. Mặc dù nó không
tăng một cách tỷ lệ với tư bản đầu tư phụ thêm [14, tr.352].
Trường hợp thứ tư: đầu tư phụ thêm trên các loại đất tốt B, C, D đem lại một
số sản phẩm lớn hơn so với khoản đầu tư ban đầu. Lợi nhuận siêu ngạch tăng nhanh
hơn tỷ lệ tăng tư bản đầu tư. Việc đầu tư phụ thêm có kèm theo cải thiện chất đất.
Mác đưa ra một loạt con số, có thể sắp xếp theo bảng dưới đây để phân tích "hiệu
quả kinh tế của 3 kiểu đầu tư" [14, tr.354],
Cách đầu tư cũ

Phương thức Đầu tư mới

Chỉ tiêu


1

2

3

100

50

100

200

K(chi phí tư bản)


10

10

20

40

Q (sản lượng)

Qua phân tích các phương thức đầu tư mới cho thấy:
+ Cách đầu tư mới 1: rút được tư bản đầu tư xuống (từ 100 xuống 50), tiết
kiệm lao động sống mà vẫn bảo đảm được sản lượng là 10, giải phóng được tư bản
và lao động để phát triển các ngành khác.
+ Cách đầu tư mới 2: với một lượng tư bản như cũ mà tăng sản phẩm gấp đôi
(từ 10 tăng lên 20), do đó mà tiết kiệm tư bản phụ thêm, bằng cách khai thác tư bản
sẵn có một cách tốt hơn.
+ Cách đầu tư mới 3: là cần thiết mở rộng sản xuất: tư bản tăng, hiệu quả
tăng, sản phẩm tăng cao hơn (tư bản tăng gấp 2, sản phẩm tăng gần gấp 2). Đây là
làm cách mạng khoa học - kỹ thuật, vừa mở rộng sản xuất vừa tăng hiệu quả kinh tế.
Ở đây cần chú ý, Mác phân tích tại sao tư bản có xu hướng giảm. Tư bản khả
biến tăng, tư bản bất biến? Vì theo quan điểm sản xuất tư bản chủ nghĩa, nếu không
xét việc tăng thêm giá trị thặng dư, mà chỉ xét giảm chi phí sản xuất thì sử dụng tư
bản bất biến bao giờ cũng rẻ hơn tư bản khả biến.
Kết luận:
- Các khoản đầu tư trên các loại đất tốt đều tiến hành được, dù hiệu suất của
chúng tăng lên hoặc giảm xuống.
- Hiện tượng đặc trưng của địa tô chênh lệch I khác địa tô chênh lệch II là ở
chỗ mức địa tô tính trên mỗi đơn vị diện tích tăng lên vì tư bản bỏ vào một đơn vị
diện tích tăng.

- Nếu tư bản phụ thêm bỏ ra nối tiếp trong không gian, bên cạnh nhau, trên
những đất mới phụ thêm có phẩm chất tương đương đất cũ chứ không phải bỏ ra
một cách liên tiếp trong thời gian của cùng đám đất thì tổng địa tô sẽ tăng. Nhưng
địa tô trên một đơn vị diện tích thì không tăng (quảng canh), tức là thâm canh hơn
quảng canh. Chủ nghĩa tư bản càng phát triển thì càng đi vào thâm canh. Do đó, địa
tô càng tăng, địa chủ càng chiếm nhiều hơn sản phẩm thặng dư của xã hội.
- So sánh hai mức, trong đó giá sản xuất điều tiết, cũng như chênh lệch giữa
các loại đất, lượng tư bản đầu tư đều như nhau. Những nước chủ yếu là đầu tư liên


tiếp trên một đơn vị diện tích hẹp (thâm canh) thì tỷ lệ: địa tô trên một đơn vị diện
tích cao, do đó giá cả ruộng đất cao hơn nước kia.
* Trường hợp cơ bản thứ hai: giá cả sản xuất ngày càng giảm.
Khi giá cả sản xuất giảm, có nghĩa là giá cả sản xuất trên ruộng A không đóng
vai trò điều tiết nữa mà giá cả thấp hơn giá trị.
Một là, trường hợp hiệu suất tư bản đầu tư không đổi. Loại đất A rút ra khỏi
sản xuất - giá cả sản xuất điều tiết thị trường là giá cả của sản phẩm trên loại ruộng
tốt hơn loại đất A.
- Giả định, trên các loại ruộng đất khác nhau, sản phẩm tăng lên cùng một tỷ
lệ với tư bản bỏ vào ruộng đất ấy.
Qua phân tích nhận thấy, trong đó một loại đất (A) rút ra khỏi sản xuấ và
nhiều trường hợp khác xảy ra tuỳ theo việc đầu tư thêm nhằm vào loại đất nào đó.
Qua khảo sát có thể rút ra quy luật: trong khi năng suất không đổi, nếu như
việc đầu tư một tư bản phụ thêm làm cho giá cả hạ xuống từ các loại đất tốt hơn có
địa tô (tức là các loại đất tốt hơn A) thì tổng số tư bản có xu thế là không tăng cùng
một tỷ lệ của sản lượng và vốn đầu tư bằng lúa mì.
Hai là, trường hợp tỷ suất hiệu suất của tư bản phụ giảm.
Giả định sản phẩm của đất A trở nên thừa và giá cả sản xuất điều tiết là giá cả
của sản phẩm ở loại đất tốt hơn. Nhưng việc đầu tư phụ thêm có hiệu suất. Tuy
trong trường hợp này, địa tô bằng lúa mì có thể tăng, giảm hoặc không đổi (do đó

khó mà khái quát).
Ba là, trường hợp tỷ suất hiệu suất của tư bản phụ tăng. Ở đây cần xét hai tình
huống nhỏ:
- Tư bản phụ thêm bỏ vào đất A - đem lại một số sản phẩm nhiều hơn trước.
Do đó mà giá bán một đơn vị sản phẩm giảm xuống.
- Có ba biến lệ: Giá cả sản xuất giảm, hiệu suất tư bản phụ thêm như cũ - loại
đất A bị loại ra; giá cả sản xuất giảm, hiệu suất tư bản giảm, loại đất A càng bị loại
ra nhanh hơn; Giá cả sản xuất giảm, hiệu suất tư bản tăng.
Với biến lệ này, loại đất A xấu nhất không nhất thiết bị loại ra mà có thể đất A
được thâm canh đem lại hiệu suất cao hơn. Khi đó xảy ra hai trường hợp:
+ Nếu thâm canh chưa trở thành phổ biến, thì giá cả sản xuất không đổi.


+ Khi thâm canh trở thành phổ biến trên hình A, thì giá cả sản xuất sẽ hạ
xuống.
Như vậy, tư bản phụ thuộc bao giờ cũng là nguyên nhân làm cho lượng địa tô
tuyệt đối tăng lên, mặc dù về lượng tương đối có thể giảm xuống.
* Trường hợp cơ bản thứ ba: giá cả sản xuất tăng lên.
Giá cả sản xuất tăng, điều đó chỉ có thể xảy ra khi hiệu suất của tư bản phụ
thuộc vào các loại đất xấu nhất đã giảm xuống, hoặc là, hiệu suất của tư bản đầu tư
lần thứ nhất vào đất xấu giảm. Kết quả là làm cho tổng số tư bản giảm đầu tư vào
đất không đem lại hiệu quả tỷ lệ với tổng tư bản đã đầu tư.
* Kết luận của Mác và Ăngghen về các trường hợp hình thành địa tô.
Một là, lợi nhuận siêu ngạch có thể hình thành bằng nhiều cách:
- Đầu tư toàn bộ tư bản trên một diện tích gồm nhiều loại đất có độ phì nhiêu.
Đó là cơ sở của địa tô chênh lệch I.
- Lợi nhuận siêu ngạch hình thành do hiệu suất chênh lệch khác nhau của
những khoản đầu tư liên tiếp trên cùng một đám đất. Đó là cơ sở của địa tô chênh
lệch II. Nhưng dù nguồn gốc của lợi nhuận siêu ngạch ra sao thì sự chuyển hoá lợi
nhuận siêu ngạch thành địa tô bao giờ cũng đòi hỏi phải có tiền đề sau:

Các giá cả sản xuất cá biệt thực tế của những sản phẩm cá biệt do các nhóm
đầu tư liên tục đem lại phải được bình quân hoàn thành một giá cả sản xuất bình
quân trước đã. Phần trội lên của giá cả sản xuất chung với giá cả sản xuất bình quân
của nó sẽ cấu thành địa tô trên một đơn vị diện tích và trở thành thước đo mức địa tô
ấy (tức là, phải lấy giá sản xuất của sản phẩm của các lần đầu tư trên đất B mà chia
cho sản phẩm của B). Cách tính như sau:
Giá sản xuất cá biệt bình quân của sản phẩm của B = Giá sản xuất các sản
phẩm các lần đầu tư trên B/ sản phẩm trên B
Địa tô chênh lệch II (B) = giá cả sản xuất chung có tác dụng điều tiết – Giá cả
sản xuất cá biệt bình quân (B)
Với địa tô chênh lệch II phải tìm cách chuyển hoá trở lại địa tô chênh lệch I
(vì cộng tất cả lại rồi quy lại thành như một lần đầu tư).


Chú ý: tính địa tô lúa mì (hiện vật) thì phải xét mối liên hệ với tư bản đầu tư
Sản phẩm của loại đất xấu nhất giảm xuống, làm cho giá cả sản xuất tăng lên.
Giả định hiệu xuất đầu tư lần thứ hai lớn hơn hiệu xuất đầu tư lần thứ nhất.
Giả định hiệu suất đầu tư lần thứ nhất giảm xuống.
Giả định hiệu xuất đầu tư lần thứ hai giảm ½ lần [14, tr.385].
Giả định hiệu suất đầu tư lần thứ hai giảm nhiều hơn [14, tr.385].
Trong các loại đất, thường có một loại đất (A) xấu hơn A được đưa vào sản
xuất [14, tr. 351,383-387].
Loại đất A tham gia làm phát sinh một loại địa tô chênh lệch I mới, trên cơ sở
đó địa tô chênh lệch II phát triển.
Hai là, kết luận của Ăngghen sau khi nghiên cứu ba trường hợp cơ bản:
- Trình tự các địa tô hoàn toàn theo tỷ lệ với trình tự con số chênh lệch về
mức độ phì nhiêu. Các quyết định địa tô không phải số thu hoạch tuyệt đối mà là số
chênh lệch về mức thu hoạch.
- Trong 13 trường hợp cụ thể đã nghiên cứu thì cả địa tô trên một diện tích và
tổng địa tô đều tăng lên, vì tư bản đầu tư vào ruộng đất đã tăng. Chỉ có ba trường

hợp là địa tô không thay đổi, đó là 3 trường hợp mà loại đất xấu nhất trước đây
không đem lại tô, bây giờ bị loại ra. Và loại đất trực tiếp cao hơn một cấp thay chân
nó.
- Tư bản bỏ vào ruộng đất càng lớn, nông nghiệp của một nước càng phát
triển, thì địa tô trên đơn vị diện tích cũng như tổng địa tô càng tăng, cống vật cho
địa chủ càng lớn, đó là quy luật địa tô tư bản chủ nghĩa.
Ba là, kết luận chung của Mác về địa tô chênh lệch:
- Về mặt hình thành lợi nhuận siêu ngạch mới, thì khoản đầu tư phụ thêm làm
giới hạn cuối cùng là khoản đầu tư vào chỉ vừa đủ kéo lại giá cả sản xuất (tức đầu tư
sản xuất ra một đơn vị sản phẩm, với một giá cả ngang với giá cả sản xuất của ruộng
A).
Thông qua khảo sát bốn mức để chứng minh điều trên:


Mức 1: hiệu suất đầu tư lần thứ hai trở đi giảm xuống, nhưng vẫn đem lại lợi
nhuận siêu ngạch và địa tô trên một đơn vị diện tích không đổi.
Mức 2: hiệu quả đầu tư phụ thêm giảm, lợi nhuận siêu ngạch giảm nhưng chưa
mất hẳn, trường hợp này tư bản vẫn kinh doanh và địa chủ vẫn thu tô.
Mức 3: hiệu quả đầu tư phụ thêm tiếp tục giảm cho đến mức: giá cả sản xuất
cá biệt bình quân trên đất B ngang bằng với giá cả sản xuất điều tiết. Trường hợp này,
lợi nhuận siêu ngạch triệt tiêu mà tư bản vẫn có lợi nhuận còn địa tô biến mất, thực tế
có thể tính tình hình đó (đây là giới hạn cuối cùng).
Mức 4: trở lại bằng cách đầu tư khác
Loại đất
B
A
A
A2

SLQ

31/2
1
1
(Xấu hơn A)
1/2
(Xấu hơn A1)

K-P
6sc
3sc
3sc
11/2 sc

Giá cả có tác dụng điều tiết là 3 silinh (6 quáctơ)
Bán được: 3 * 6 =18
Tư bản đầu tư ( K) -> 11 ¼
So với trước tiết kiệm được 15 – 11 ¼ = 3 ¾
Lợi nhuận siêu ngạch: ( 3 ½ * 3) - 6 = 4 ½
- Mặc dù địa tô chênh lệch chỉ là chuyển hoá hai hình thức lợi nhuận siêu
ngạch ruộng đất, chẳng qua chỉ cho phép địa chủ chuyển lợi nhuận siêu ngạch từ tay
người phécmiê cho hắn. Nhưng việc đầu tư liên tục (hay tăng thêm tư bản trên cùng
một đám đất) khi đã đạt đến giới hạn mà hiệu suất đầu tư giảm đến mức không đủ tô
nộp cho địa chủ thì việc kinh doanh không thể tiến hành được nữa. Vậy sự chuyển
hoá lợi nhuận siêu ngạch thành địa tô là kết quả của quyền sở hữu ruộng đất. Sở hữu
ruộng đất là nguyên nhân làm cho địa tô chênh lệch tăng mà ngược lại, bản thân sự
tồn tại của địa tô chênh lệch đồng thời cũng là nguyên nhân khiến cho giá cả sản
xuất lên cao sớm hơn và nhanh hơn.


- Trong mối quan hệ giữa địa tô chênh lệch I và địa tô chênh lệch II thì địa tô

chênh lệch I làm cơ sở cho địa tô chênh lệch II, đồng thời cả hai đều làm giới hạn cho
nhau (muốn thâm canh phải trên cơ sở ruộng đất đã canh tác, mặt khác, khi quảng canh
đến mức không đạt kết quả thì phải đi vào thâm canh).
1.2. VẬN DỤNG ĐỊA TÔ CHÊNH LỆCH II CỦA MÁC VÀO THÂM CANH
CÂY TRỒNG LÀ XU HƯỚNG TẤT YẾU TRONG PHÁT TRIỂN NỀN NÔNG
NGHIỆP HÀNG HOÁ

1.2.1. Một số khái niệm cơ bản trong sản xuất nông nghiệp
Thứ nhất: Quảng canh.
Trong quá trình phát triển nông nghiệp, xuất hiện thuật ngữ “quảng canh”, xét
về mặt lịch sử và logíc thì quảng canh có trước thâm canh, khi quảng canh phát triển
đến một mức độ nhất định thì tất yếu phải đi vào thâm canh. Theo Từ điển tiếng Việt
quảng canh là phương thức canh tác dựa chủ yếu vào việc mở rộng diện tích trồng trọt
để tăng sản lượng; trái với thâm canh.
Theo quan điểm trên, thì mục đích của quảng canh là tăng sản lượng bằng
cách mở rộng diện tích đất canh tác, theo đó quảng canh chỉ đề cập về mặt lượng
bằng cách mở rộng diện tích, chưa đề cập đến mặt chất, tức là chưa đề cập đến việc
làm thế nào để tăng năng suất cây trồng trên cơ sở đó làm tăng sản lượng.
Theo từ điển bách khoa, quảng canh là phương thức phát triển nông nghiệp
chủ yếu theo chiều rộng, dựa trên cơ sở mở rộng diện tích gieo trồng, tăng thêm đầu
gia súc để đáp ứng nhu cầu về nông sản và thực phẩm của xã hội. Trong phương
thức quảng canh, kỹ thuật sản xuất nói chung lạc hậu. Sản xuất tiến hành dựa chủ
yếu vào việc khai thác độ phì tự nhiên sẵn có của đất đai và lợi dụng điều kiện thời
tiết, khí hậu tự nhiên (mưa, nắng…). Vì vậy, năng suất cây trồng, năng suất đất đai
thấp và có chiều hướng ngày càng giảm do đất đai bị thoái hoá dần, chưa kể tác hại
của yếu tố môi trường sinh thái bị phá vỡ. Quảng canh thường được tiến hành trong
điều kiện diện tích đất đai phong phú, vốn đầu tư ít, cơ sở vật chất kỹ thuật thấp
kém. Chủ yếu để sản xuất tự túc, nhưng cũng có khi để sản xuất kinh doanh. Trong
thực tế ở từng nơi, từng thời kỳ nhất định, nếu điều kiện đất đai nhiều, diện tích có



thể khai hoang, vốn đầu tư cơ bản ít, điều kiện canh tác khó khăn. Quảng canh vẫn
có ý nghĩa kinh tế nhất định; nhưng về cơ bản và lâu dài, sản xuất nông nghiệp phải
theo hướng thâm canh.
Như vậy, quảng canh là đầu tư tư sản song song cùng một lúc trên các khoảnh
đất khác nhau.
Thứ hai: Thâm canh.
So với quảng canh thì thuật ngữ “ thâm canh” xuất hiện muộn hơn và có
nghĩa trái với quảng canh.
Theo Từ điển tiếng Việt, thâm canh là thuật ngữ dùng để chỉ, phương thức
canh tác dựa chủ yếu vào việc đầu tư thêm tư liệu sản xuất và lao động trên đơn vị
diện tích không mở rộng, nhằm đạt năng suất cao hơn để tăng sản lượng nông
nghiệp, trái với quảng canh.
Trái với quảng canh, thâm canh quan tâm về việc nâng cao năng suất cây
trồng trên một đơn vị diện tích, trên cơ sở đó nâng cao sản lượng.
Theo từ điển bách khoa thì thâm canh là trồng trọt theo hướng đầu tư thêm
lao động và tư liệu sản xuất vào một đơn vị diện tích canh tác để tăng sản phẩm
nông sản. Nông nghiệp cổ truyền thâm canh theo hướng đầu tư thêm lao động, làm
đất, gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch đều làm kỹ hơn, với lao động thủ công, năng
suất cây trồng có tăng, nhưng ít và năng suất lao động thấp. Nông nghiệp cổ truyền
có cải tiến thâm canh theo cách đầu tư thêm lao động và sử dụng một số tư liệu sản
xuất do công nghiệp sản xuất như máy móc, phân hoá học, thuốc trừ sâu… năng
suất cây trồng có tăng hơn nhưng năng suất lao động vẫn thấp. Nông nghiệp công
nghiệp hoá thâm canh theo hướng giảm lao động và đầu tư thêm tư liệu sản xuất:
phân hoá học, thuốc trừ sâu bệnh, giống tốt và nhất là xăng dầu, máy móc, năng suất
cây trồng tăng nhiều, và năng suất lao động cũng tăng. Khái niệm thâm canh được
mở rộng ra toàn ngành nông nghiệp kể cả trồng trọt và chăn nuôi. Đây là phương
thức kinh doanh nông nghiệp tiên tiến, hiện nay được tiến hành ở những nước có
nền văn minh lâu đời, nông dân sử dụng đất triệt để với kỹ thuật hiện đại. Nông
nghiệp thâm canh ngày càng nhân tạo hoá điều kiện sản xuất, tạo ra năng suất ngày

càng cao, nông nghiệp thâm canh đối lập với nông nghiệp quảng canh.


×