Tải bản đầy đủ (.pdf) (112 trang)

một số biện pháp nâng cao chất lượng dạy học kể chuyện ở lớp 5

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.03 MB, 112 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA SƯ PHẠM
BỘ MÔN SP TOÁN HỌC
------------

LUẬN VĂN TỐT NGHIỆP

Đề tài:

MỘT SỐ BIỆN PHÁP NÂNG CAO
CHẤT LƯỢNG DẠY HỌC KỂ CHUYỆN Ở
LỚP 5

Giáo viên hướng dẫn
ThS. Đặng Thị Hoa

Sinh viên thực hiện
Nguyễn Thị Thảo An
MSSV: 1110281
Lớp: Giáo dục Tiểu học K37

Cần Thơ, 2015

1


DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT/ KÍ HIỆU
GV
HS
GD
TG


CTHĐTQ
P.CTHĐTQ

Giáo viên
Học sinh
Giáo dục
Thời gian
Chủ tịch hội đồng tự quản
Phó chủ tịch hội đồng tự quản

2


LỜI CẢM ƠN
Để hoàn thành luận văn này, em đã nhận được sự hướng dẫn, giúp đỡ nhiệt
tình của quý thầy cô trường Đại học Cần Thơ. Em xin gởi lời cảm ơn chân thành
đến quí thầy cô đã tận tình dạy bảo trong thời gian học tập tại trường.
Em xin gởi lời cảm ơn đến cô Đặng Thị Hoa – người đã tận tình hỗ trợ,
hướng dẫn để em hoàn thành tốt luận văn này.
Em xin gởi lời cảm ơn đến quý thầy cô và Ban giám hiệu Trường Tiểu học
Vĩnh An, Trường Tiểu học An Bình Tây và Trường Tiểu học Trần Quốc Toản đã
giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để em hoàn thành luận văn.
Đồng thời cũng cảm ơn các tác giả của các nguồn tài liệu tham khảo đã
cung cấp cho em những thông tin quý báu giúp em thực hiện đề tài tốt hơn.
Tuy rất cố gắng thực hiện bằng sự nhiệt tình của mình nhưng do kinh
nghiệm còn rất hạn chế nên việc sai sót là hoàn toàn không thể tránh khỏi. Do đó
rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của quý thầy cô cũng như các đọc giả
quan tâm.
Một lần nữa xin chân thành cảm ơn quý thầy cô và các bạn đã giúp đỡ em
trong thời gian thực hiện luận văn. Chúc quý thầy cô và các bạn thành công.

Chân thành cảm ơn!
Cần Thơ, năm 2015
Sinh viên
Nguyễn Thị Thảo An

3


PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
- Kể chuyện là một phân môn của Tiếng Việt, do đó việc dạy tốt phân
môn này chính là đã góp phần vào việc hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu
mà bộ môn dạy học tiếng Việt đề ra. Điều này được thể hiện rõ thông qua mục
đích và ý nghĩa của phân môn Kể chuyện. Cụ thể như sau:
Một là: Môn học này nhằm thoả mãn nhu cầu được nghe kể chuyện của trẻ,
đồng thời nó còn mang lại những xúc cảm thẩm mĩ cho tâm hồn học sinh.
Hai là: Những câu chuyện kể sẽ góp phần giáo dục các em một cách hết
sức tự nhiên, nhẹ nhàng và thoải mái. Góp nhặt từng chút một từ ý nghĩa của mỗi
câu chuyện, các em sẽ ngày càng tự hoàn thiện nhân cách của mình.
Ba là: Giờ kể chuyện còn góp phần tích luỹ vốn văn học, mở rộng vốn
sống cho trẻ. Thông qua việc kể lại các câu chuyện dưới các dạng bài khác nhau
các em đã tiếp xúc với các tác phẩm văn học, điều này đồng nghĩa với việc vốn
văn học của các em được tích luỹ dần trong dạy học Kể chuyện. Song song đó,
các giờ kể chuyện còn mở ra cho các em một tầm hiểu biết mới hơn về cuộc sống
xung quanh.
Bốn là: Trí tưởng tượng của các em ngày càng phát triển nhờ vào việc
được nghe hoặc kể lại các câu chuyện. Các câu chuyện cũng gieo vào tâm hồn
các em những ước mơ, hoài bão về một tương lai tươi đẹp.
Năm là: Việc kể lại câu chuyện bằng lời của mình đã góp phần rèn luyện
và phát triển kĩ năng nói, kể trước đám đông. Từ đó, các em sẽ tự tin, mạnh dạn

hơn trong giao tiếp với mọi người. Để thu hút sự chú ý của mọi người vào câu
chuyện của mình, các em phải luôn nghĩ để tìm ra cách kể sao cho hấp dẫn nhất.
Đó quả là một nghệ thuật.
Cuối cùng là, để kể tốt, các em còn phải biết nghe tốt các câu chuyện.
Điều này góp phần rèn kĩ năng nghe cho các em.
- Kể chuyện là một môn học tưởng chừng như dễ, người kể chỉ cần nắm
bắt được nội dung câu truyện rồi mang kể lại hết những điều mình nghe thấy,
nhìn thấy, cảm nhận được cho những người khác cùng biết là được nhưng trên
thực tế khó hơn nhiều. Kể chuyện cũng có những nguyên tắc của riêng nó. Kể
1


chuyện đòi hỏi người kể phải là một nghệ sĩ thực thụ. Người nghệ sĩ đó phải biết
cảm nhận cốt chuyện, nắm bắt những tình tiết hấp dẫn, phải có một tâm hồn
đồng cảm với thế giới nhân vật, ...và đặc biệt phải có một lối kể hấp dẫn, giàu
cảm xúc để truyền tải tới người nghe sao cho sau khi nghe xong người nghe đã
trở thành một nhân vật trong chuyện và khắc cốt ghi tâm được nội dung câu
chuyện mà người kể đã kể.
Trong các môn học bậc tiểu học, có lẽ kể chuyện là môn học mà các em
chờ đón hơn cả. Bởi:
Thứ nhất, kể chuyện có thể giúp các em giảm căng thẳng hơn nhiều so với
các môn học khác (như toán, tập làm văn, ...).
Thứ hai, kể chuyện đem lại niềm vui cho HS, giáo dục cho các em tư
tưởng, tình cảm lành mạnh, cung cấp cho các em vốn hiểu biết về cuộc sống, rèn
kĩ năng tư duy và giao tiếp. Ở trường Tiểu học Kể chuyện là một môn học hấp
dẫn đối với học sinh. Tiết kể chuyện thường được các em chờ đón và tiếp thu
bằng một tâm trạng hào hứng. Giờ học kể chuyện, đưa GV và HS đến gần nhau
hơn thông qua nội dung của từng câu chuyện.
- Tuy nhiên, thực tế dạy học kể chuyện ở tiểu học hiện nay chưa đáp ứng
được những mục đích, yêu cầu của Kể chuyện đặt ra. Điều đó được biểu hiện

như sau:
Do giáo viên chưa có một quan miện đúng đắn và đầy đủ về tầm quan trọng
của việc dạy học Kể chuyện cũng như họ chưa hiểu đầy đủ những ích lợi mà Kể
chuyện mang lại nên họ nghĩ rằng đây là môn học không phải là thật sự cần thiết
đối với học sinh. Vì lẽ đó nên giáo viên rất ít đầu tư cho việc dạy học Kể chuyện
(từ việc rèn luyện kĩ năng kể chuyện cho bản thân đến việc tìm ra phương pháp
phù hợp để hướng dẫn cho học sinh).
Giáo viên chưa có phương pháp dạy tốt nên học sinh chưa thể có một giờ
học Kể chuyện thật sự thú vị. Điều này dẫn tới việc các em không hứng thú thậm
chí còn không thích học mặc dù trẻ em nào hầu như cũng rất thích kể chuyện.
Những điều trên đây đã dẫn đến một hệ quả tất yếu là chất lượng dạy học
Kể chuyện ở tiểu học, trong đó có lớp 5 chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

2


Chọn đề tài “ Một số biện pháp nâng cao chất lượng dạy học Kể chuyện
lớp 5” làm khóa luận tốt nghiệp, tôi hi vọng sẽ khắc phục được những thực tế nói
trên từ đó đưa ra một số biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của giờ
dạy và học kể chuyện cho HS lớp 5 nói chung và tiểu học nói riêng.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Kể chuyện là một loại hình nghệ thuật có từ rất lâu đời. Nó xuất hiện cả
trước khi con người tìm ra chữ viết. Điều này được chứng minh bằng một kho
tàng văn học dân gian khổng lồ mà các bậc tiền nhân đã để lại cho chúng ta. Kể
chuyện đã sớm được đưa vào chương trình giảng dạy trong trường tiểu học. Và,
nó đã được các em học sinh đón nhận rất hào hứng vì đây là một môn học lí thú
và hấp dẫn. Tuy nhiên để giảng dạy tốt môn học, người giáo viên cần có những
hiểu biết về một số điểm lí luận cơ bản về phương pháp và kĩ thuật dạy học phân
môn này. Xuất phát từ yêu cầu trên, một số nhà khoa học đã lao vào nghiên cứu
vấn đề này nhưng số lượng các công trình hãy còn khá khiêm tốn.

Đầu tiên trong số đó, chúng ta phải nhắc đến là quyển Đọc và kể chuyện
văn học ở vườn trẻ của M.K. Bogliuxkaia. V.V. Septsenkô do Lê Đức Mẫn dịch.
Đây là một quyển sách thật sự bổ ích đối với những giáo viên mầm non. Trong
quyển sách này, tác giả đã đề cập đến ba vấn đề lớn đó là: nghệ thuật đọc văn
học và những thủ thuật cơ bản khi đọc, kể chuyện văn học và phương pháp đọc,
kể chuyện văn học cho trẻ.
Bàn về nghệ thuật đọc văn học, tác giả chủ yếu nói đến tầm quan trọng
của nghệ thuật đọc văn học: “Nhiệm vụ của người đọc là giúp cho người nghe
nhìn thấy cái đã nghe được, làm cho những bức tranh và những hình ảnh tương
ứng nổi lên chân thực và đập vào mắt, gợi lên những tình cảm và cảm xúc nhất
định ”.
Bàn về thủ thuật đọc, ông đã phân tích một số thủ thuật cơ bản sau: thanh
điệu cơ bản, ngữ điệu, tính lô gích trong đọc truyện, cách ngắt giọng, nhịp điệu,
cường độ của giọng và tư thế, nét mặt, cử chỉ.
Trong phần những vấn đề về phương pháp tổ chức giờ đọc và kể chuyện
cho trẻ em, tác giả đã viết rất cụ thể và có nhiều bài soạn mẫu để dẫn chứng minh
hoạ rất rõ ràng.
3


Một tài liệu viết về đề tài kể chuyện mà không thể không nhắc đến đó là
quyển Kể chuyện 1 của đồng tác giả Đỗ Lê Chẩn và Nguyễn Thị Ngọc Bảo.
Trong phần lí luận chung, các tác giả đã nêu đầy đủ về vị trí, nhiệm vụ cũng như
phương pháp của dạy học kể chuyện ở lớp 1 cũng như đối với tiểu học. Phần
hướng dẫn cụ thể, các tác giả đã tóm tắt nội dung truyện, hướng dẫn tìm hiểu
truyện và hướng dẫn các bước lên lớp cho từng bài cụ thể.
Một tác giả đã có nhiều đóng góp trong lĩnh vực này, đó chính là Chu Huy
với Dạy kể chuyện ở trường Tiểu học. Theo tác giả, nhu cầu kể chuyện đối với
học sinh tiểu học là rất lớn. Ngoài việc xác định vị trí, nhiệm vụ rất quan trọng
của phân môn Kể chuyện, ông còn đề ra phương pháp và kĩ thuật lên lớp với

những bài soạn mẫu rất cụ thể.
Xuất phát từ quan điểm: Tiếng Việt - là công cụ, là phương tiện lĩnh hội
tiếp thu nền văn hoá của dân tộc, nền văn minh của nhân loại – phải được coi
trọng từ thời thơ ấu, cần được tổ chức hướng dẫn dạy dỗ thật khoa học, Nguyễn
Xuân Khoa đã cho ra mắt bạn đọc quyển Phương pháp phát triển ngôn ngữ cho
trẻ mẫu giáo. Dạy học kể chuyện là một trong những phương pháp phát triển
ngôn ngữ cho trẻ mà tác giả đã đề cập tới. Trong đó, tác giả đã chỉ ra phương
pháp cũng như nghệ thuật đọc và kể chuyện thật cụ thể.
Quyển giáo trình Phương pháp dạy học Tiếng Việt 2 do đồng tác giả Lê
Phương Nga và Nguyễn Trí biên soạn cũng đã đề cập đến phương pháp dạy học
Kể chuyện. Viết về phương pháp dạy học kể chuyện, các tác giả đã vạch ra mục
đích quan trọng và ý nghĩa thiết thực của việc dạy học kể chuyện. Đồng thời, các
tác giả cũng đã xây dựng cách thức tổ chức cũng như các hoạt động chủ yếu
trong tiết kể chuyện. Đặc biệt, các tác giả đã nhấn mạnh đến việc rèn kĩ năng
nghe và kể cho học sinh.
Trong đề tài Truyện cổ tích và một số biện pháp dạy học kể chuyện cổ tích
cho học sinh lớp 1, 2, 3 của Phạm Thị Thu Thuỷ, tác giả đã đưa ra một số biện
pháp dạy học kể chuyện cổ tích ở lớp 1, 2, 3 khá cụ thể.
Xác định quan niệm và biện pháp dạy học Kể chuyện ở Tiểu học của Trần
Thị Mến ngoài việc xác định quan niệm về việc dạy học kể chuyện ở Tiểu học,
trong đề tài này, tác giả còn đề xuất một số biện pháp dạy học kể chuyện ở Tiểu
4


học nhưng cũng chỉ dừng lại ở hướng dẫn học sinh kể lại câu chuyện vừa được
nghe thầy cô kể.
Tất cả các công trình nghiên cứu trên đây là rất giá trị cho giáo viên trong
việc dạy học kể chuyện theo chương trình cải cách giáo dục. Đối với chương
trình 2000 thì các công trình trên đây chỉ có thể áp dụng với các lớp 1,2,3 và kiểu
bài Nghe - kể lại câu chuyện vừa nghe trên lớp ở lớp 4-5.

Ngoài việc điều chỉnh, phát triển và ứng dụng kết quả của những công
trình nghiên cứu trên đây, trong phạm vi nghiên cứu của mình, tôi còn nghiên
cứu đề xuất một số biện pháp dạy học cho hai kiểu bài mới được bổ sung vào
chương trình kể chuyện 4-5, đó là: kiểu bài Kể chuyện đã nghe, đã đọc và kiểu
bài Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia.
Tất cả những điều đúc kết được từ các công trình nghiên cứu trên đây
cũng chỉ là phần cứng. Vấn đề là ở chỗ giáo viên hiểu và vận dụng chúng ở mức
độ nào. Đó là điều mà chúng ta cần quan tâm hiện nay.
Học sinh được rèn luyện kĩ năng kể chuyện thật tốt. Từ đó, các em sẽ
mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp. Điều đó chỉ đạt được khi giáo viên có một quan
niệm đúng đắn về mục đích, ý nghĩa của kể chuyện cũng như họ phải có những
biện pháp dạy học thật hợp lí. Đó cũng chính là những gì mà đề tài này mong
muốn mang đến cho giáo viên.
3. Mục đích nghiên cứu
Là một GV tiểu học trong tương lai, mục tiêu phấn đấu của bản thân tôi là
truyền thụ những tri thức khoa học cho HS, đào tạo những con người có tư cách,
phẩm chất và năng lực để trở thành người công dân có ích cho xã hội. Tìm hiểu
thực tiễn của việc dạy học môn Tiếng việt nói chung và dạy học Kể chuyện nói
riêng ở trường tiểu học thông qua việc đi thực tế và tiếp xúc với môi trường
giảng dạy và học tập của nhà trường nhằm mục đích:
- Nghiên cứu thực trạng dạy và học phân môn kể chuyện ở trường tiểu
học, đặc biệt là ở lớp 5, tìm hiểu về những thuận lợi và khó khăn trong quá trình
dạy học phân môn kể chuyện. Đồng thời thông qua đề tài này chúng tôi hy vọng
người đọc sẽ nhận thức một cách đúng đắn và đầy đủ về tầm quan trọng của

5


phân môn Kể chuyện, từ đó họ thấy rằng dạy học tốt Kể chuyện là hết sức cần
thiết.

- Từ những thức trạng đã tìm hiểu, tôi đã tìm ra một số biện pháp để cùng
giáo viên tháo gỡ những khó khăn trong dạy học Kể chuyện thời gian qua. Ngoài
ra đề tài còn đưa ra một số biện pháp để rèn kĩ năng kể chuyện cho HS lớp 5, tạo
hứng thú học tập và giúp các em nhận thấy tầm quan trọng của phân môn kể
chuyện từ đó giáo dục động cơ học tập cho các em. Những việc làm trên nhằm
mục đích nâng cao hiệu quả dạy học Kể chuyện ở lớp 5 nói riêng và ở tiểu học
nói chung.
4. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu: Các biện pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng
dạy học Kể chuyện lớp 5.
5. Phương pháp nghiên cứu
5.1. Phân tích tài liệu: Đọc, nghiên cứu và sử dụng các tài liệu có liên
quan đến đề tài.
5.2. Phương pháp điều tra: Sử dụng phiếu điều tra để tìm hiểu quan niệm
của giáo viên về Kể chuyện, ý thức học tập của học sinh và thực trạng việc dạy
học Kể chuyện hiện nay.
5.3. Quan sát: Dự một số giờ dạy thực tế để nắm được cách thức dạy học
của giáo viên và kĩ năng kể chuyện của học sinh ở lớp 5 đồng thời cũng nhằm bổ
sung, tăng độ chính xác, khách quan cho việc điều tra.
5.4. Thực nghiệm sư phạm: Nhằm kiểm tra tính khoa học và tính khả thi
của những biện pháp đã đề xuất.
5.5. Tổng hợp và thống kê các kết quả thu được từ điều tra, quan sát và
thực nghiệm sư phạm.
6. Bố cục của luận văn
Ngoài phần mở đầu và kết luận, luận văn gồm ba chương:
Chương I. Cơ sở lí luận của việc dạy học Kể chuyện ở Tiểu học.
1.1 Quan niệm chung về kể chuyện
1.1.1 Quan niệm về kể và kể chuyện
1.1.2 Nhu cầu kể chuyện trong cuộc sống
6



1.1.3 Nhu cầu kể chuyện đối với trẻ
1.2 . Kể chuyện ở Tiểu học
1.2.1 Mục tiêu, nhiệm vụ của phân môn Kể chuyện
1.2.2 Đặc điểm của hoạt động dạy học kể chuyện ở Tiểu học
1.2.3 Nội dung và phương pháp dạy học kể chuyện ở Tiểu học
Chương II. Thực trạng dạy học Kể chuyện lớp 5
2.1. Các kiểu bài kể chuyện ở lớp 5
1.2.1 Kiểu bài nghe – kể lại câu chuyện vừa nghe trên lớp
1.2.2 Kiểu bài kể chuyện đã nghe, đã đọc
1.2.3 Kiểu bài kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia
2.2. Thực trạng dạy học kể chuyện lớp 5
2.2.1 Quan niệm về dạy học kể chuyện của GV lớp 5
2.2.2 Cách thức dạy học kể chuyện của GV lớp 5
2.2.3 Ý thức học tập và khả năng kể chuyện của HS lớp 5
Chương III. Một số biện pháp nâng cao chất lượng dạy học Kể chuyện lớp 5
3.1. Một số biện pháp nâng cao chất lượng dạy học kể chuyện lớp 5
3.1.1 Kiểu bài nghe – kể lại câu chuyện vừa nghe trên lớp
3.1.2 Kiểu bài kể chuyện đã nghe, đã đọc
3.1.3 Kiểu bài kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia
3.2. Thực nghiệm sư phạm
3.2.1 Mục đích của dạy học thực nghiệm
3.2.2 Nội dung của dạy học thực nghiệm
3.2.3 Tiến hành thực nghiệm

7


PHẦN NỘI DUNG

Chương 1
CƠ SỞ LÍ LUẬN CỦA VIỆC DẠY HỌC KỂ CHUYỆN Ở TIỂU HỌC
1.1. Quan niệm chung về kể chuyện
1.1.1. Quan niệm về kể và kể chuyện
Từ điển Tiếng Việt do Văn Tân chủ biên giải thích “kể” tức là nói một sự
việc có mở đầu, diễn biến và kết thúc.
Tác giả Nguyễn Trí cho rằng: Kể chuyện là một phương thức tự sự, một
phương thức biểu đạt để kể các chuyện. Theo quan niệm này, muốn kể chuyện
chúng ta phải có chuyện để kể. Hay nói cách khác là người ta dùng cách kể
chuyện khi có chuyện muốn kể.
Thuật ngữ kể chuyện cũng được tác giả Chu Huy trình bày trong quyển
Dạy học kể chuyện ở trường Tiểu học. Theo đó, ông cho rằng “ kể chuyện” bao
gồm bốn phạm trù ngữ nghĩa sau:
Một là: Chỉ loại hình tự sự trong văn học (phân biệt với loại hình trữ tình,
loại hình kịch) còn gọi là truyện hay tiểu thuyết.
Hai là: Chỉ tên một phương pháp nói trong diễn giảng.
Ba là: Chỉ tên một loại văn thuật chuyện trong môn Tập làm văn.
Bốn là: Chỉ tên một phân môn ở các lớp trong trường tiểu học.
Ở phạm trù ngữ nghĩa thứ nhất, tác giả cho rằng kể chuyện là một loại
hình trong sáng tác văn học mà đặc trưng của nó là phải có tình tiết, tức là sự
việc đang xảy ra, đang diễn biến, có nhân vật với ngôn ngữ, tâm trạng, tính cách
riêng. Theo đó thì phạm trù ngữ nghĩa này chỉ đề cập tới “ chuyện” mà chưa nói
tới hoạt động “kể”.
Ở phạm trù ngữ nghĩa thứ hai, tác giả cho rằng kể chuyện là một phương
pháp trực quan sinh động bằng lời nói. Theo cách hiểu này, tác giả đã quan niệm
kể chuyện là một phương pháp dùng lời để trình bày một vấn đề một cách sinh
động nhằm thu hút sự chú ý của người nghe.
Nếu ở phạm trù ngữ nghĩa thứ nhất, tác giả xem kể chuyện chỉ hàm chứa
nội dung thì trong phạm trù ngữ nghĩa thứ hai, tác giả lại cho rằng kể chuyện là
8



một hành động nói. Vậy cộng hai phạm trù ngữ nghĩa trên lại với nhau chúng ta
sẽ được một cách hiểu đầy đủ về kể chuyện.
Ở thuật ngữ thứ ba và thứ tư thì kể chuyện được sử dụng là một danh từ
để gọi tên một thể loại văn trong phân môn Tập làm văn (văn kể chuyện) hoặc
một phân môn trong bộ môn Tiếng Việt ở tiểu học (kể chuyện). Xét về bản chất,
sở dĩ có tên gọi là (văn) Kể chuyện hay (phân môn) Kể chuyện là do bản thân của
chúng mang những nét đặc trưng của kể chuyện. Điều đó có nghĩa là tên gọi có
sau và nó phản ánh bản chất mà môn học đó chứa đựng.
Tóm lại, dù theo quan điểm nào thì chúng ta cũng phải hiểu: kể chuyện là
một hoạt động của lời nói, nhằm trình bày một sự việc có mở đầu, diễn biến và
kết thúc.
1.1.2. Nhu cầu kể chuyện trong cuộc sống
Trong cuộc sống sinh hoạt của xã hội loài người, con người luôn luôn trao
đổi thông tin với nhau. Để thoả mãn nhu cầu đó, con người cần một phương tiện
đó là ngôn ngữ. Như ta đã biết, ngôn ngữ tồn tại dưới hai dạng là ngôn ngữ nói
và ngôn ngữ viết. Trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, con người sử dụng ngôn
ngữ nói để trao đổi thông tin với nhau. Việc sử dụng lời nói để trao đổi với nhau
các vấn đề của cuộc sống, thật ra lúc đó con người đang kể chuyện cho nhau
nghe. Vì sao có thể khẳng định như vậy? Vì khi đó con người đang tiến hành một
hoạt động lời nói để trình bày một sự việc sao cho người nghe hiểu được ý của
mình.
Trong cuộc sống và lao động của người xưa, khi mà xã hội chưa phân
chia giai cấp, con người sống với nhau theo bầy đàn, sau một ngày săn bắt hái
lượm, họ cùng quây quần với nhau bên bếp lửa để kể cho nhau nghe những câu
chuyện về những cuộc săn bắt, hái lượm của họ.
Xã hội ngày càng phát triển, cùng với ngôn ngữ trình độ nhận thức của
con người cũng phát triển. Khi đó, trong quá trình lao động sản xuất của mình,
họ lại kể cho nhau nghe những câu chuyện có thể tự mình nghĩ ra hoặc của thế

hệ trước để lại. Những câu chuyện này chủ yếu nói về kinh nghiệm sản xuất hoặc
giải thích các hiện tượng thiên nhiên hay ước mơ chinh phục thiên nhiên của

9


người xưa. Đó chính là kho tàng văn học dân gian đồ sộ và vô cùng quý giá mà
nhân loại bao thế hệ đã dành tặng cho hậu thế.
Khi chữ viết xuất hiện cũng là lúc nền văn học viết ra đời, hơn bao giờ
hết nhu cầu kể chuyện của con người là rất cao. Điều này thể hiện ở việc con
người ghi lại những câu chuyện dân gian để tiếp tục kể lại và lưu truyền lâu dài
cho đời sau. Song song đó, con người luôn không ngừng đua nhau sáng tác thêm
rất nhiều câu chuyện mang hơi thở của thời đại nhằm đáp ứng nhu cầu về kể
chuyện ngày càng cao của con người.
Tóm lại, kể chuyện là một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống con
người. Dù muốn dù không nhu cầu này vẫn tồn tại và phát triển một cách tự
nhiên từ đời này qua đời khác và ngày càng cao.
1.1.3. Nhu cầu kể chuyện đối với trẻ
Từ lúc bập bẹ tập nói, các em nhỏ đã rất thích nghe kể chuyện. Những câu
chuyện của bà luôn là niềm hứng khởi đối với các em và nó đã để lại trong lòng
các em những tình cảm tốt đẹp. Khi đến tuổi mẫu giáo, nhu cầu được nghe cũng
như được kể chuyện của các em lại tăng lên. Bộ môn cho trẻ làm quen với tác
phẩm văn học mà chủ yếu là cho trẻ làm quen với truyện và thơ là bộ môn quan
trọng ở các lớp mẫu giáo.
Đến khi bước vào tuổi tiểu học, nhu cầu về kể chuyện lại tiếp tục tăng,
đặc biệt là đối với các loại truyện cổ dân gian. Vì sao vậy? Vì những truyện kể
dân gian là những câu chuyện rất gần gũi với các em, các em đã được làm quen
với chúng từ rất sớm. Những câu chuyện này giúp các em nhận thức thế giới và
chúng cũng giúp các em chính xác hoá những biểu tượng đã có về tự nhiên và xã
hội. Đồng thời chúng từng bước cung cấp thêm những khái niệm mới và mở

rộng kinh nghiệm sống cho trẻ. Những câu chuyện ấy còn hình thành cho các em
thái độ với cuộc sống xung quanh. Puskin - một nhà thơ vĩ đại của Nga - đã từng
bộc bạch: “Buổi tối, tôi nghe kể những câu chuyện cổ tích và lấy việc đó bù đắp
những thiếu sót trong sự giáo dục đáng nguyền rủa của mình. Mỗi truyện cổ tích
ấy mới đẹp đẽ làm sao, mỗi truyện là một bài ca”.
Rõ ràng nhu cầu về kể chuyện là không thể thiếu đối với cuộc sống của
tất cả mọi người, mọi giới, mọi lứa tuổi trong xã hội.
10


1.2. Kể chuyện ở Tiểu học
1.2.1. Mục tiêu, nhiệm vụ của phân môn Kể chuyện ở Tiểu học
Trước khi tìm hiểu về mục tiêu, nhiệm vụ của phân môn Kể chuyện ở
Tiểu học, chúng ta hãy cùng nhau điểm qua vài nét về mục tiêu, nhiệm vụ của
phân môn này ở bậc học Mầm non.
Theo hai tác giả Nguyễn Thị Tuyết Nhung và Phạm Thị Việt, dạy học Kể
chuyện ở Mầm non nhằm đáp ứng những mục tiêu, nhiệm vụ vô cùng quan
trọng. Cụ thể như sau:
Một là, giúp cho trẻ yêu thích văn học và có nhu cầu tham gia vào các
hoạt động văn học nghệ thuật mà một trong những hình thức đó là kể chuyện.
Hai là, Kể chuyện giúp cho trẻ mở rộng nhận thức về thế giới xung quanh,
bồi dưỡng cho trẻ những tình cảm lành mạnh, những ước mơ cao đẹp, giúp trẻ
cảm nhận được vẻ đẹp trong tự nhiên, trong các mối quan hệ xã hội. Đồng thời,
kể chuyện còn giúp cho các em cảm nhận được vẻ đẹp của ngôn ngữ.
Ba là, Kể chuyện còn góp phần phát triển ngôn ngữ cho trẻ: giúp trẻ phát
âm chính xác, giúp làm giàu vốn từ, phát triển kĩ năng diễn đạt rõ ràng, mạch lạc,
sử dụng ngôn ngữ một cách linh hoạt trong giao tiếp.
Bốn là, Kể chuyện giúp rèn kĩ năng đọc, kể diễn cảm các câu chuyện văn
học cho trẻ.
1.2.1.1. Mục tiêu của dạy học Kể chuyện ở Tiểu học

Theo tác giả Hoàng Hoà Bình, dạy học kể chuyện ở tiểu học nhằm đạt các
mục tiêu sau:
Một là, cùng với phân môn Tập đọc, kể chuyện bước đầu cho các em tiếp
xúc với ngôn ngữ văn học, biết rung cảm trước vẻ đẹp của nó. Đồng thời các em
nắm được một số đặc điểm chính yếu của nó để vận dụng trong việc tiếp nhận
các tác phẩm văn học và trong việc sáng tạo lời nói phục vụ cho hoạt động giao
tiếp.
Hai là, bước đầu cho các em tiếp xúc với hình tượng văn học, rung cảm
trước những vui, buồn, yêu, ghét của con người. Từ đó hình thành và phát triển
nhận thức, tình cảm và thái độ đúng đắn trong cuộc sống như biết phân biệt cái
đẹp với cái xấu, cái thiện với cái ác, cái đúng với cái sai; biết yêu thương trường
11


lớp, thầy cô, bạn bè, quê hương, đất nước; có lòng nhân ái vị tha; có ý thức về
bổn phận với ông bà, cha mẹ, người thân, thầy cô giáo, bạn bè; biết tôn trọng nội
qui, tôn trọng pháp luật, bảo vệ của công, bảo vệ môi trường; biết sống tự tin,
năng động, trung thực, dũng cảm; có ý thức và nhu cầu nhận thức bản thân.
Ba là, bước đầu rèn luyện và hình thành các kĩ năng cơ bản như biết kể
chuyện, biết tóm tắt câu chuyện, biết rút ra ý nghĩa câu chuyện, biết nhận xét,
nêu cảm nghĩ của mình về các nhân vật có trong truyện... để vận dụng trong học
tập trên lớp và trong thưởng thức nghệ thuật ngoài lớp.
1.2.1.2. Nhiệm vụ của phân môn Kể chuyện ở trường Tiểu học
Trong quyển Dạy kể chuyện ở trường Tiểu học, tác giả Chu Huy đã chỉ ra
nhiệm vụ cơ bản của phân môn kể chuyện là: bồi dưỡng tâm hồn, đem lại niềm
vui, trau dồi vốn sống và vốn văn học, phát triển ngôn ngữ và tư duy cho trẻ.
Chúng ta có thể hiểu các nhiệm vụ của kể chuyện cụ thể như sau:
Nhiệm vụ thứ nhất là bồi dưỡng tâm hồn, đem lại niềm vui cho trẻ. Kể
chuyện đã đáp ứng nhu cầu nghe kể chuyện của trẻ. Đối với các em nhu cầu này
rất lớn (như đã nói đến ở phần trên). Các câu chuyện được sử dụng để kể cho trẻ

là các tác phẩm văn học nghệ thuật. Các tác phẩm này có tác động rất lớn đến
tâm hồn và xúc cảm của trẻ, đồng thời nó còn đem lại những xúc cảm thẩm mĩ
cho các em.
Nhiệm vụ thứ hai là trau dồi vốn sống và vốn văn học cho các em. Các em
được học kể chuyện từ khi chưa biết đọc biết viết, điều này cũng có nghĩa là các
em được tiếp xúc rất sớm với các tác phẩm văn học. Trong chương trình tiểu
học, các em được nghe và kể rất nhiều câu chuyện với nhiều thể loại khác nhau,
từ truyện cổ tích đến hiện đại, có cả tác phẩm văn học trong nước lẫn ngoài
nước. Nhờ đó vốn văn học của trẻ được phát triển. Các câu chuyện kể với nhiều
đề tài khác nhau đã đưa các em tới một thế giới muôn màu, muôn vẻ của cuộc
sống, tự nhiên và xã hội. Các câu chuyện phản ánh trực tiếp hoặc gián tiếp cuộc
sống: nỗi khổ cực, bị áp bức bốc lột của nhân dân lao động xưa, bộ mặt ích kĩ,
tham lam, gian tà của giai cấp bốc lột, tập quán, truyền thống của dân tộc, các
gương chiến đấu hi sinh bảo vệ và xây dựng đất nước. Vốn sống của các em
được mở rộng cũng nhờ đó.
12


Nhiệm vụ thứ ba là phát triển ngôn ngữ và tư duy cho trẻ. Qua việc nghe
và kể các câu chuyện, trẻ được tiếp xúc với các hình ảnh nghệ thuật của ngôn từ
mà tác giả đã sử dụng. Chính điều đó giúp cho ngôn ngữ của trẻ phát triển. Các
chi tiết, các hình ảnh nghệ thuật, tính cách của nhân vật... trong câu chuyện làm
phát triển tư duy cho trẻ. Trong quá trình nghe, kể trẻ phải thâm nhập vào trong
truyện. Muốn vậy trẻ phải hiểu sâu sắc câu nội dung chuyện. Mà nội dung câu
chuyện chính là các chi tiết, các hình ảnh, các nhân vật.
Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng mục tiêu và nhiệm vụ dạy học ở hai
bậc học trên có những nét tương đồng. Mục tiêu, nhiệm vụ dạy học ở Tiểu học là
sự phát triển cao so với Mầm non.
Tóm lại, Kể chuyện có mục tiêu, nhiệm vụ rất quan trọng trong trường
tiểu học. Ngoài việc góp phần hoàn thiện nhân cách cho học sinh, Kể chuyện còn

tạo cho các em hứng thú học tập.
1.2.2. Đặc điểm của hoạt động dạy học Kể chuyện ở Tiểu học
1.2.2.1. Kể chuyện là hoạt động lời nói – là một dạng độc thoại đặc
biệt
Tác giả Nguyễn Trí cho rằng: Nói là hoạt động phát tin nhờ sử dụng bộ
máy phát âm. Đầu tiên người nói phải xác định nội dung lời nói, lựa chọn ngôn
ngữ để diễn tả nội dung ấy. Sau đó người nói sử dụng bộ máy phát âm để truyền
đi chuỗi lời nói đã được xác định.
Như vậy muốn người khác hiểu được những ý nghĩ của mình, con người
phải sử dụng bộ máy phát âm để chuyển đổi những ý nghĩ đó thành lời nói. Hay
nói cách khác là để tiến hành hoạt động giao tiếp con người phải sử dụng lời nói
phù hợp với những hoàn cảnh giao tiếp khác nhau. Hoạt động lời nói là một
phương thức giao tiếp, trong đó, con người sử dụng lời nói trực tiếp hoặc gián
tiếp nhằm mục đích trao đổi thông tin cho nhau.
Theo quan niệm về kể chuyện thì hoạt động chủ yếu của kể chuyện là hoạt
động ngôn ngữ nói. Đó là hoạt động lời nói sinh động. Về bản chất

“ truyện”

xuất phát từ hoạt động “ nói chuyện” nên khi tái tạo lại truyện thì phải tái tạo
bằng cách“ kể” sao cho truyền cảm thì mới chuyển tải hết cái hay, cái đẹp của
câu chuyện. Muốn đạt được điều này, ngoài phương tiện chính là ngôn ngữ,
13


người kể còn phải sử dụng các yếu tố phi ngôn ngữ như: cử chỉ, điệu bộ, nét
mặt,... để hỗ trợ.
Về bản chất chúng ta có thể xem kể chuyện là một kiểu đặc biệt của dạng
nói độc thoại.
Trong quyển Dạy và học môn Tiếng Việt ở Tiểu học theo chương trính

mới, tác giả Nguyễn trí có viết: “Kể chuyện là lời nói độc thoại có tính nghệ
thuật cao nhằm truyền đạt đến người nghe không phải những thông báo khô
khan, nhạt nhẽo mà là một văn bản nghệ thuật (có trong sách vở, trong cuộc
sống, hoặc do chính người nói xây dựng nên)”. Điều này được thể hiện rất rõ nét
qua các kiểu bài trong chương trình kể chuyện ở tiểu học. Đó là các kiểu bài:
kiểu bài nghe - kể lại câu chuyện vừa nghe kể trên lớp; kiểu bài kể chuyện đã
nghe, đã đọc và kiểu bài kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia.
Là một dạng đặc biệt của độc thoại nên kể chuyện mang đầy đủ đặc điểm
của lời nói độc thoại. Đó là: nội dung câu chuyện, nghệ thuật kể và việc sử dụng
các yếu tố phi ngôn ngữ khi kể sao cho hấp dẫn người nghe.
Nội dung câu chuyện phải hấp dẫn, phù hợp với tâm lí, hứng thú của từng
lứa tuổi. Câu chuyện càng có nội dung xã hội sâu sắc, càng có ý nghĩa nhân văn
to lớn, càng có sức hấp dẫn người nghe. Đa số các câu chuyện ở tiểu học, đều
đáp ứng tốt yêu cầu này. Mỗi câu chuyện trong chương trình đều phục vụ cho
một chủ điểm học tập nhất định và các chủ điểm học tập ở tiểu học đều phù hợp
với đặc điểm tâm lí, hứng thú, hấp dẫn với các em là điều quá tất nhiên.
Một câu chuyện dù hay đến mấy nhưng nghệ thuật kể không hay thì việc
kể chuyện không thể thành công được.
Nghệ thuật kể có thể được hiểu là khi kể một câu chuyện, người kể phải
truyền đạt một cách say mê nội dung câu chuyện, làm sao cho người nghe tưởng
như người kể là một nhân chứng của những sự kiện đang diễn ra. Để làm được
điều đó, người kể phải khéo léo sử dụng toàn bộ kho tàng sắc thái âm thanh của
mình. Một số biểu hiện của sắc thái âm thanh có thể kể đến như sau:
Một là sắc thái giọng: sắc thái giọng là sự thể hiện những nét khác nhau
của thái độ, tình cảm, tính cách của con người thông qua giọng đọc, kể của mình.
Sắc thái có thể: vui tươi, trang trọng, hóm hỉnh, trong sáng, tha thiết... Về cơ bản,
14


mỗi thể loại truyện mang một sắc thái riêng mà khi kể, người kể phải thể hiện

cho phù hợp như truyện cười phải được kể với giọng vui tươi, truyện ngụ ngôn
sẽ được kể với giọng châm biếm, còn giọng hùng tráng được dành để kể chuyện
thần thoại, với cổ tích thì giọng trầm tĩnh, trong sáng là phù hợp nhất. Tuy nhiên,
sắc thái giọng của hầu hết các truyện không phải lúc nào cũng như nhau từ đầu
đến cuối truyện mà phải thay đổi cho phù hợp với từng tình tiết cụ thể. Ví dụ khi
kể chuyện Ông Nguyễn Khoa Đăng (lớp 5, tuần 22), chúng ta sẽ kể với giọng
trầm tĩnh ở đoạn (từ một lần cho đến lính bắt họ giải về quan) để thuật lại
nguyên nhân vụ kiện của người bán dầu nhưng ở đoạn kể lại cuộc chiến giữa
quân của triều đình với bọn cướp thì chúng ta phải kể với giọng hùng tráng để
thấy được sức mạnh của quân triều đình.
Hai là kĩ thuật ngắt giọng: Ngắt giọng là cách ngừng, nghỉ giọng trong khi
kể để bộc lộ ý tứ của câu chuyện.
Trong Kể chuyện, chúng ta thường sử dụng hai kĩ thuật ngắt giọng sau:
Thứ nhất là ngắt giọng lô-gíc: Đó là những chỗ dừng lại giữa các từ,
nhóm từ có quan hệ mật thiết với nhau về nghĩa. Cách ngắt giọng này chủ yếu
dựa vào dấu hiệu hình thức đó là các dấu câu hoặc dựa vào cấu trúc câu (trạng
ngữ/ chủ ngữ/ vị ngữ). Nhờ ngắt giọng lô-gíc, chúng ta hiểu được ý nghĩa của
câu nói một cách rõ ràng, đầy đủ hơn.
Thứ hai là ngắt giọng tâm lí: Ngắt giọng tâm lí là một phương tiện tác
động đến tình cảm của người nghe. Như vậy nếu ngắt giọng lô gích phục vụ cho
trí tuệ thì ngắt giọng tâm lí phục vụ cho tình cảm... Sự im lặng có tác dụng truyền
cảm, đó chính là ngắt giọng tâm lí”.
Ngắt giọng tâm lí bắt nguồn từ trạng thái tâm hồn của người kể, nó được
xác định bằng sự hàm ý, bằng thái độ của người kể, nó phản ánh hoạt động sáng
tạo của người kể. Ngắt giọng lô gích có thể trùng hoặc không trùng với ngắt
giọng lô gích. Ví dụ khi kể đoạn nói về suy nghĩ của Pa-xtơ khi nhìn thấy em bé
đau đớn trong câu chuyện Pa-xtơ và em bé (lớp 5, tuần 14), để diễn tả nỗi xót
thương em bé của Pa-xtơ, ta có cách ngắt giọng tâm lí như sau: “ Nhìn vẻ đau
đớn của em bé/ và đôi mắt đỏ hoe rưng rưng muốn khóc của người mẹ,/ lòng Pa-


15


xtơ se lại./ Ông nghĩ đến một ngày kia/ em bé đáng thương sẽ lên cơn dại, lịm
dần/ vì tê liệt,/ hoặc nghẹt thở/ vì một cơn giật dữ dội,/ rồi chết./”.
Ngắt giọng tâm lí còn được sử dụng khi kể xong một câu chuyện. Điều
này có tác dụng làm cho câu chuyện như lắng đọng mãi trong tâm hồn người
nghe.
Ba là nhịp điệu: Nhịp điệu là sự thể hiện của giọng đọc nhanh hay chậm,
khẩn trương hay vừa phải. Nhịp điệu là phương tiện rất hiệu nghiệm của tính
truyền cảm nghệ thuật. Sử dụng các sắc thái khác nhau của nhịp điệu sẽ đem đến
cho lời nói, kể một sức mạnh đặc biệt. Nếu khi nói, chúng ta chỉ sử dụng một
nhịp điệu thì nó sẽ héo hon và mất sức sống.
Nhịp điệu được quy định bởi tính chất, nội dung của tác phẩm, nó gắn liền
với thực chất những điều mà người biểu diễn muốn thể hiện và có thể biến đổi từ
đoạn này sang đoạn khác. Ví dụ khi kể về hai hành động khác nhau của anh Lý
Tự Trọng (trong truyện Lý Tự Trọng- lớp 5, tuần1), chúng ta phải kể với hai nhịp
điệu khác nhau. Với hành động thứ nhất “ ...anh nhảy xuống vờ cởi bọc, kì thật
buộc lại cho chặt hơn”, chúng ta phải kể với nhịp điệu chậm rãi để cho thấy anh
cố tình kéo dài thời gian để tìm cách đối phó với tên mật thám. Nhưng với hành
động thứ hai của anh, chúng ta phải kể với giọng thật nhanh để thể hiện sự nhanh
nhẹn, khẩn trương của anh khi chạy thoát: “ Nhanh trí, anh vồ lấy xe của nó,
nhảy lên, phóng mất”.
Bốn là cường độ của giọng: Cường độ của giọng là độ vang, độ hoàn chỉnh
của giọng, là khả năng điều chỉnh giọng, làm cho nó có thể to hoặc nhỏ, có thể tạo
được các bậc thang chuyển độ vang từ to đến nhỏ và ngược lại.
Cường độ của giọng phụ thuộc vào nội dung tác phẩm, nó thay đổi phụ
thuộc vào hoàn cảnh phát triển của các tình tiết. Ví dụ giọng vang to được sử
dụng khi thuật lại lời nói của anh Lý Tự Trọng trước toà để thể hiện sự đĩnh đạc,
hùng tráng và mạnh mẽ nhằm tỏ rõ khí phách của người cộng sản: “Tôi hành

động có suy nghĩ. Mọi việc tôi làm đều vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi
thành niên thật nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng thanh niên Việt Nam chỉ có
một con đường duy nhất là làm cách mạng, không có con đường nào khác”. Một
ví dụ khác, chúng ta sẽ kể giọng trầm lặng với đoạn sau để thể hiện lòng đau xót
16


đối với những đồng bào, với quê hương ta đã bị bọn lính Mĩ giết hại, tàn sát một
cách vô cùng dã man: “ Vào sáng ngày 16 tháng 3 năm 1968, chỉ trong vòng bốn
tiếng đồng hồ, quân đội Mĩ đã huỷ diệt hoàn toàn mảnh đất này: thiêu cháy nhà
cửa, ruộng vườn, giết hại gia súc, bắn chết 504 người, phần lớn là cụ già, trẻ
em và phụ nữ mang thai. Có gia đình 11 người bị lính Mĩ ập tới, xả súng giết
đồng loạt trong ít phút. Có những đứa bé bị bắn khi đang bú trên xác mẹ”
(Tiếng vĩ cầm ở Mĩ Lai- Lớp 5, tuần 4).
Việc sử dụng các yếu tố phi ngôn ngữ trong kể chuyện. Ngoài những kĩ
thuật về mặt âm thanh đã nêu trên, trong khi kể chuyện, người kể cần sử dụng
phối hợp các yếu tố phi ngôn ngữ nhằm tăng sức hấp dẫn của lời kể. Lời kể của
chúng ta sẽ tạo ra sức hấp dẫn bội phần nếu như nó được kết hợp chặt chẽ, hài
hoà với tư thế, nét mặt và cử chỉ.
Yêu cầu về tư thế là người kể, trong lúc kể, phải giữ tư thế của mình sao
cho tự nhiên và đẹp, đĩnh đạc, không gò bó.
Nét mặt của người kể là rất quan trọng đối với việc truyền cảm câu
chuyện. Vẻ mặt của người kể giúp cho người nghe dễ dàng tiếp thu được ý nghĩa
của câu chuyện. Vẻ mặt phải được biểu hiện sao cho phù hợp với nội dung câu
chuyện. Nếu là một câu chuyện vui thì nét mặt người kể phải biểu lộ vẻ tươi vui.
Nếu là một câu chuyện buồn thì nét mặt phải lộ vẻ buồn rầu, ủ dột, thương cảm.
Những vẻ mặt đó tự nó xuất hiện nếu người kể thấu hiểu nội dung và cảm thụ
được nó. Người kể chuyện mà vẻ mặt dửng dưng, thờ ơ, lãnh đạm là điều cần
tránh. Vì như thế người nghe sẽ bị đẩy đến chỗ tách biệt với người kể. Đặc biệt
đối với học sinh, điều đó sẽ ngăn cản không cho các em nhận thức được ý nghĩa

câu chuyện một cách đầy đủ và trọn vẹn. Tuy nhiên người kể cũng không nên
gượng ép hay thái quá vì như thế sẽ không tạo được một cảm xúc thật sự. Điều
này đôi khi tạo ra tác dụng ngược lại.
Cử chỉ là động tác của tay. Nó cũng là phương tiện bổ sung vào câu
chuyện. Cử chỉ là sự biểu lộ thái độ của người kể đối với các nhân vật, các sự kiện
trong câu chuyện. Cử chỉ chỉ làm tăng cường những sắc thái, ngữ điệu của lời nói.
Cho nên người kể tuyệt đối không dùng cử chỉ thay cho lời nói. Cử chỉ phải đa
dạng để không gây nhàm chán và tăng sức biểu cảm.
17


Tóm lại, kể chuyện là hoạt động lời nói. Nó là một dạng độc thoại đặc
biệt. Do đó muốn phát huy hết sức mạnh của nó, chúng ta phải sử dụng các kĩ
thuật của độc thoại sao cho hiệu quả nhất.
1.2.2.2. Kể chuyện là một hình thức sinh hoạt văn hoá
Kể chuyện ở tiểu học là một hoạt động văn hoá được nảy sinh và phát
triển do nhu cầu của xã hội. Sống trong thế giới bao la, muôn hình muôn vẻ, con
người có nhu cầu khám phá, nhận thức nó. Kể chuyện là nhu cầu to lớn của cả
người lớn lẫn trẻ em. Với trẻ em, kể chuyện là hoạt động rất quan trọng để các
em nhận thức thế giới xung quanh, tích lũy kinh nghiệm sống. Chính vì vậy mà
Kể chuyện được đưa vào chương trình và là một phân môn trong tiếng Việt.
Kể chuyện nói chung và trong tiểu học nói riêng đều sử dụng các tác
phẩm của văn học làm chất liệu. Như chúng ta đã biết, các tác phẩm văn học cho
chúng ta hiểu biết rất nhiều điều về thiên nhiên, xã hội và con người. Qua các tác
phẩm văn học chúng ta như được làm quen với con người, cuộc sống hiện tại và
cả trong quá khứ, trong phạm vi đất nước ta và cả các nước khác trên thế giới.
Văn học không những cho chúng ta nhận thức được mối quan hệ của con người
với đời sống hiện thực mà thông qua đó nó giúp chúng ta hiểu con người một
cách đầy đủ hơn, hiểu biết bản thân mình một cách cặn kẽ hơn. Con người trong
sự phản ánh của văn học là con người với những biểu hiện phong phú về tinh

thần, tình cảm, thế giới tinh thần con người thật đa dạng, phong phú và bí ẩn.
Cũng chính nhờ quá trình nhận thức về con người mà người đọc, người nghe có
được một hoạt động tự nhận thức. Đó là quá trình đối chiếu, liên tưởng, nghiền
ngẫm, tự quan sát và hiểu mình hơn.
Tóm lại, do bản chất phản ánh đới sống con người trong tính toàn vẹn sinh
động mà các tác phẩm văn học có thể cung cấp cho người đọc, người nghe một
vốn tri thức phong phú về nhiều mặt: từ cây cỏ, chim muông, vật dụng cho đến
phong tục tập quán, các trạng thái tình cảm và đời sống tinh thần của con người.
Nếu có dịp đọc qua các câu chuyện dành cho các em, chúng ta sẽ tìm thấy tất cả
những điều đó trong các câu chuyện ấy.
Ngoài việc cung cấp cho con người những hiểu biết về thế giới xung
quanh, văn học còn giúp con người hiểu được chính mình, nhờ hiểu được mình
18


nên con người tự tin với chính mình hơn. Văn học cũng góp phần làm nảy sinh
trong con người một khát vọng hướng tới chân lí, đấu tranh với cái xấu xa trong
con người, biết tìm thấy cái tốt của con người và thức tỉnh trong tâm hồn họ sự
xấu hổ, chí căm thù và lòng dũng cảm, biết làm tất cả để con người lành mạnh
hơn và tắm đẫm cuộc sống con người trong ánh sáng thiêng liêng của vẻ đẹp.
Như vậy, các tác phẩm văn học được sử dụng trong Kể chuyện còn có tác
dụng nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ, tình cảm, đạo đức cho con người. Nó giúp con
người nhận ra cái đẹp, cái xấu, cái đúng, cái sai, cái thật, cái giả.... Đồng thời, nó
còn gieo vào lòng ta một sự cảm thông sâu sắc với nỗi đau, sự cô đơn, tủi nhục
của người khác. Nó làm cho chúng ta hiểu rằng nỗi đau không của riêng ai.
Rõ ràng qua mỗi câu chuyện các em sẽ được bồi dưỡng một phẩm chất
trong các phẩm chất trên. Nội dung giáo dục được thể hiện trong ý nghĩa của câu
chuyện mà trong giờ dạy chúng ta yêu cầu các em tìm ra. Trong chương trình kể
chuyện ở tiểu học, mỗi câu chuyện gắn với một chủ điểm cụ thể. Các chủ điểm
đó cũng chính là nội dung giáo dục mà các câu chuyện hướng tới. Ví dụ ở lớp 5,

chủ điểm Giữ lấy màu xanh thuộc các tuần 11, 12, 13. Trong tuần 11, câu chuyện
các em được nghe và kể lại đó là Người đi săn và con nai, câu chuyện nhằm giáo
dục các em tình yêu thiên nhiên, từ đó các em có ý thức bảo vệ thiên nhiên.
Trong tuần 12, đề bài yêu cầu các em Hãy kể lại một câu chuyện đã nghe hay đã
đọc có nội dung liên quan đến việc bảo vệ môi trường. Đến tuần 13, đề bài yêu
cầu các em hoặc Kể lại một việc làm tốt của em hoặc của những người xung
quanh để bảo vệ môi trường hoặc kể chuyện về một hành động dũng cảm bảo vệ
môi trường.
Các tác phẩm văn học sử dụng trong Kể chuyện còn làm thoả mãn nhu
cầu và thị hiếu thẩm mĩ của con người. Văn học thỏa mãn nhu cầu và thị hiếu
thẩm mĩ của con người bằng nhiều cách. Trước tiên là nó thoả mãn nhu cầu
thưởng thức cái đẹp của người đọc, người nghe qua việc phản ánh cái đẹp vốn có
trong thiên nhiên, trong cuộc sống vào trong nó. Hai là qua lăng kính nghệ thuật,
các nhà văn đã gọt giũa, nhào nặn làm cho cái đẹp vốn đã đẹp lại càng rực rỡ,
lóng lánh hơn. Nhờ tiếp xúc với tác phẩm văn học con người không chỉ nhận
thức được cái đẹp một cách tinh tế, nhạy bén mà còn biết khám phá cái đẹp.
19


Qua các câu chuyện được nghe, được kể trong chương trình tiểu học, các
em được nhìn thấy, được sờ mó vẻ đẹp của quê hương đất nước, con người.
Đồng thời các em cũng nhận ra được đâu là điều thiện đâu là điều ác. Các em sẽ
vui thích khi điều thiện bao giờ cũng chiến thắng cái ác. Các em cũng vui buồn,
khóc cười với nhân vật trong truyện. Qua câu chuyện Tiếng vĩ cầm ở Mĩ Lai, các
em đau xót đối với đồng bào ta bao nhiêu thì các em căm thù bọn lính Mĩ tàn ác
bấy nhiêu. Ôi cảnh thiên nhiên đẹp biết bao: “ Thế rồi, trên lưng đồi sẫm đen
dưới ánh trăng, bóng con nai hiện rõ dần. Ánh đèn ló trên trán người thợ săn
chợt vụt lên. Hai con mắt nai đỏ như hổ phách bối rối trong làn sáng đèn. Con
nai ngây ra đẹp quá” (Người đi săn và con nai). Các em sẽ vui sướng biết bao
khi em bé được Pa-xtơ cứu sống (Pa-xtơ và em bé)....

Ngoài việc cảm nhận vẻ đẹp do nội dung tác phẩm mang lại, người đọc,
người nghe còn cảm nhận được vẻ đẹp của nghệ thuật ngôn từ.
Ngoài ra tác phẩm văn học còn đưa ra nội dung giao tiếp cụ thể. Nhưng
tác phẩm văn học không phải đưa ra một thứ kí hiệu giao tiếp thông thường mà
nó còn chứa đựng nội dung tư tưởng tình cảm và mang tính xã hội rất đậm nét.
Do đó tác phẩm nghệ thuật trở thành phương tiện có hiệu quả nhất đưa con người
xích lại gần nhau hơn về tình cảm cũng như về mặt tinh thần.
1.2.2.3. Kể chuyện là một hoạt động sáng tạo nghệ thuật
Kể chuyện có tính chất sáng tạo vì khi kể, người kể đã chuyển văn bản từ
ngôn ngữ viết sang ngôn ngữ nói. Đồng thời, người kể cũng thể hiện mối quan
hệ riêng của mình đối với tác phẩm và kể theo phong cách riêng của mình. Trong
kể chuyện, người kể sử dụng ngôn từ theo cách riêng của mình để dựng lại câu
chuyện và gửi gắm tình cảm, cách nghĩ, cách nhìn của mình đối với những sự
kiện, nhân vật trong tác phẩm. Ngôn ngữ được người kể sử dụng ở đây là ngôn
ngữ nói, nó mang tính trực giác và biểu cảm, nó gắn liền với ngữ cảnh và hoàn
cảnh nói. Cho nên ngôn ngữ kể có đôi lúc không phải sử dụng giống y như ngôn
ngữ viết trong tác phẩm. Có thể nói cách khác là người kể chuyện đã tái tạo tác
phẩm văn học một cách nghệ thuật.
Đặc biệt đối với kiểu bài kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia thì
hoạt đông sáng tạo nghệ thuật thể hiện rất rõ nét. Điều đó được thể hiện ở chỗ là
20


từ những sự việc được nhìn thấy hoặc được trực tiếp tham gia, các em phải biết
sử dụng ngôn ngữ của mình để kể lại cho người khác nghe. Muốn câu chuyện kể
của mình hấp dẫn, thu hút sự chú ý của người khác, các em phải biết lựa chọn và
sử dụng ngôn ngữ một cách hay nhất. Và lúc này, các em không phải là người tái
tạo mà chính các em là người đã sáng tạo hoàn toàn ra câu chuyện.
Như đã trình bày ở phần trên, kể chuyện là một hoạt động lời nói. Cho
nên kể chuyện là hoạt động nghệ thuật của lời nói như ngữ điệu, cách ngắt giọng,

cường độ giọng, cử chỉ, điệu bộ.... Mà không người nào thể hiện giống người
nào.
Tóm lại, câu chuyện được kể lại mang dấu ấn của người kể từ lời văn đến,
giọng điệu lẫn cảm xúc. Đó là sáng tạo. Sáng tạo trong kể chuyện là yếu tố cực
kỳ quan trọng. Vì nhờ có sáng tạo mà chuyện xưa thành chuyện nay, những tác
phẩm xa lạ trở nên gần gũi, thân quen, nội dung bên ngoài người kể biến thành
nội dung bên trong bản thân người kể.... Nhờ đó tác phẩm để lại tác động sâu
sắc, những dấu ấn khó phai trong tâm hồn người kể, người nghe.
1.2.3. Nội dung và phương pháp dạy học Kể chuyên ở Tiểu học
1.2.3.1. Nội dung dạy học Kể chuyện ở Tiểu học
Đối với lớp 1: Trong giai đoạn học vần, ở các bài ôn tập, sau phần luyện
đọc và luyện viết là phần kể chuyện theo tranh nhằm giúp cho nội dung học tập
thêm phong phú, sinh động và hấp dẫn. Các câu chuyện được kể ở giai đoạn này
có tên gắn với những âm, vần vừa học.
Ở giai đoạn này, giáo viên kể cho các em nghe là chủ yếu. Học sinh nhìn
tranh minh hoạ trong sách giáo khoa và nghe giáo viên kể. Giáo viên có thể đặt
câu hỏi đơn giản cho học sinh trả lời, hoặc học sinh có thể kể lại từng đoạn theo
tranh.
Đến phần Luyện tập tổng hợp, cuối mỗi tuần có một bài kể chuyện, các
văn bản dùng để kể chuyện được tuyển chọn và biên soạn lại cho phù hợp với trẻ
lớp một. Độ dài của các văn bản khoảng từ 120 đến 300 chữ. Nội dung các mỗi
truyện gắn liền với một chủ điểm học tập của chương trình. Các chủ điểm ở lớp 1
gồm có: Nhà trường, Gia đình và Thiên nhiên đất nước.

21


Đối với lớp 2: Số lượng bài của lớp hai là 31 bài ứng với 31 tiết. Nội dung
kể được chọn từ các bài tập đọc học trong hai tiết. Các câu chuyện ở lớp hai gắn
liền với các chủ điểm: Em là học sinh; Bạn bè; Trường học; Thầy cô; Ông bà;

Cha mẹ; Anh em; Bạn trong nhà; Bốn mùa; Chim chóc; Muông thú; Sông biển;
Cây cối; Bác Hồ và Nhân dân.
Với lớp 2, kể chuyện có ba hình thức chủ yếu, đó là: kể theo tranh, kể
theo dàn ý cho sẵn hoặc kể theo lối phân vai.
Đối với lớp 3: Nội dung truyện kể chính là những văn bản các em vừa học
trong bài tập đọc. Kể chuyện ở lớp ba không có tiết riêng mà được bố trí chung
với tiết Tập đọc, nó chiếm thời lượng khoảng nửa tiết. Nội dung các câu chuyện
ở lớp 3 phục vụ các chủ điểm: Măng non; Mái ấm; Tới trường; Cộng đồng; Quê
hương; Bắc-Trung-Nam; Anh em một nhà; Thành thị và nông thôn; Bảo vệ Tổ
quốc; Sáng tạo; Nghệ thuật; Lễ hội; Thể thao; Ngôi nhà chung và Bầu trời và
mặt đất.
Về hình thức, ở lớp 3 có bốn hình thức kể, trong đó có ba hình thức giống
với lớp hai, và một hình thức mới là Tự đặt tên cho các đoạn rồi kể lại.
Nội dung dạy học kể chuyện ở lớp 4 và lớp 5 nhằm củng cố kĩ năng kể
chuyện đã được hình thành ở các lớp dưới đồng thời hình thành cho các em
những kĩ năng mới về kể chuyện.
Nội dung dạy học nhằm củng cố kĩ năng kể chuyện đã được hình thành ở
các lớp dưới: Đây là kiểu bài tập kể chuyện ở tuần thứ nhất trong một chủ điểm
học tập. Trong trường hợp này, câu chuyện có độ dài khoảng trên dưới 500 chữ,
được in trong sách giáo viên. Sách giáo khoa chỉ trình bày tranh hoặc tranh kèm
lời dẫn giải ngắn gọn. Bên cạnh mục đích chung là rèn kĩ năng nói, kiểu bài tập
này còn có mục đích rèn kĩ năng nghe cho học sinh.
Nội dung dạy học nhằm hình thành những kĩ năng mới về kể chuyện: Nội
dung này được thể hiện ở việc các em phải kể lại những câu chuyện đã nghe, đã
đọc (không phải vừa được nghe trên lớp) và những câu chuyện các em được
chứng kiến hoặc tham gia. Với việc kể lại những câu chuyện đã nghe, đã đọc thì
nội dung là những câu chuyện các em đã được nghe hoặc đã được đọc từ bất kì
kênh thông tin nào. Nội dung của những câu chuyện được chứng kiến hoặc tham
22



×