Tải bản đầy đủ (.doc) (3 trang)

Rác thải sinh hoạt hiện đang là vấn đề bức xúc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (108.46 KB, 3 trang )

Rác thải sinh hoạt hiện đang là vấn đề bức xúc, tình trạng vứt xả rác bừa bãi đã và đang
diễn ra ở khắp nơi, ở trên đường, ao hồ, sông ngòi, mương máng lượng rác thải này tập
trung nhiều gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, gây ách tắc dòng chảy, làm ô nhiễm
nguồn nước mặt tại các vị trí có chứa rác ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt hàng ngày
của người dân.
Để có căn cứ nhằm xử lý ô nhiễm môi trường nông thôn, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh
Hải Dương đã phối hợp với Trung tâm Tư vấn Khoa học Công nghệ, Tài nguyên Môi
trường (Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội) triển khai thực hiện Chuyên đề "Điều tra
công tác quản lý, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn tỉnh Hải Dương
và đề xuất các biện pháp quản lý để cải thiện môi trường"
Việc đánh giá hiện trạng phát sinh rác thải sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh Hải
Dương, Chi cục Bảo vệ môi trường đã triển khai thực hiện trên 72 xã điểm thuộc 12
huyện/thị xã/thành phố và tiến hành lấy 1.334 phiếu tại 366 thôn trên địa bàn tỉnh. Kết
quả mức phát thải bình quân đầu người dao động trong khoảng từ 0,19 đến 0,78
kg/người/ngày, mức phát thải trung bình là 0,44 kg/người/ngày. Tổng lượng rác thải sinh
hoạt khu vực nông thôn phát sinh của toàn tỉnh (ứng với dân số nông thôn năm 2011) là
575,7 tấn/ngày tương đương 210.130,5 tấn/năm. Hệ số phát sinh rác thải sinh hoạt khu
vực nông thôn cao nhất tại 6 xã thuộc địa bàn thành phố Hải Dương (0,56 kg/người/ngày)
và thấp nhất ở các xã nông thôn thuộc huyện Kinh Môn (0,33 kg/người/ngày). Có ít nhất
40,71% số hộ gia đình không bao giờ tiến hành phân loại rác thải sinh hoạt trước khi thải
bỏ như vậy còn khoảng gần 60% số hộ đã tiến hành phân loại trước khi thải bỏ.
Thành phần rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hải Dương chủ yếu là hữu cơ, chiếm
khoảng 66,98% rác thải phát sinh từ hoạt động sinh hoạt, trong đó rác thải từ thực phẩm
thừa trước và sau khi chế biến chiếm một lượng đáng kể. Túi nilon chiếm một lượng
tương đối lớn: 12,28% về khối lượng. Thành phần rác thải có thể tái chế gồm: Giấy bìa
các loại chiếm 8,01%, nhựa các loại chiếm 4,00%, thuỷ tinh và kim loại chiếm 1,71%.
Tổng rác thải có thể tái chế chiếm 13,71% về mặt khối lượng. Thành phần rác thải không
thể tái chế, tái sử dụng gồm có bụi, cát, sỏi các loại, xỉ than, rác thải xây dựng ... chiếm
khoảng 7,04% về khối lượng. Các loại chất thải nguy hại trong rác thải sinh hoạt nông
thôn (kim tiêm và các dụng cụ y tế khác, pin, dầu thải và giẻ dính dầu hóa chất, phương
tiện giao thông được thu gom chung; bóng đèn huỳnh quang...) chỉ có 6,45% số mẫu rác


thải được thu thập trong thời gian nghiên cứu có chứa chất thải nguy hại và chỉ chiếm
khoảng 1 - 8% về khối lượng tại một hộ có phát sinh. Qua đó cho thấy, thành phần hữu
cơ trong rác thải sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh Hải Dương là khá cao so với nhiều
địa phương khác trên cả nước.
Kết quả điều tra 12 đơn vị hành chính cấp huyện và 72 đơn vị hành chính cấp xã cho thấy
hình thức tổ chức quản lý nhà nước về rác thải sinh hoạt nông thôn hiện nay như sau: Có
08/72 xã, chiếm 11% không có tổ đội thu gom rác thải sinh hoạt. Điển hình như xã Cổ
Thành, xã An Lạc (thị xã Chí Linh); xã An Sinh (Kinh Môn); xã Thanh Khê, xã Thanh
Hải (Thanh Hà); xã Tiền Phong (Thanh Miện); xã Quang Trung (Tứ Kỳ). Các xã còn lại
đều có từ 1 - 10 tổ thu gom rác thải sinh hoạt ứng với số lượng hộ dân, số đơn vị cấp thôn
(thôn, xóm, thị tứ) trực thuộc. Mỗi xã có khoảng 3 - 4 nhóm thu gom rác thải sinh hoạt và
một nhóm có khoảng từ 1 - 4 người. Nhân lực tham gia thu gom và vận chuyển rác thải
chủ yếu là lao động nhàn rỗi từ các hoạt động sản xuất khác. Mức phí thu gom rác thải
dao động trong khoảng 2.000 - 2.500 đồng/người/tháng hoặc 7.000 - 10.000
đồng/hộ/tháng.


Trong 72 xã thuộc các huyện Gia Lộc, thị xã Chí Linh, huyện Kim Thành, huyện Ninh
Giang ... được điều tra, có một số xã đã được trang bị xe thu gom rác, nhưng việc trang bị
chưa được sát với nhu cầu và không hợp với tình hình thực tế về cơ sở hạ tầng hiện tại
của địa phương (một số địa phương trang bị xe thu gom xe quá nặng, quá to không phù
hợp với đường giao thông và địa hình vào bãi rác) như huyện Bình Giang, huyện Tứ Kỳ,
huyện Nam Sách... Hiệu quả thu gom rác thải sinh hoạt đặc biệt thấp ở các xã thuộc địa
bàn thị xã Chí Linh, huyện Kim Thành, huyện Kinh Môn, huyện Thanh Hà ... hoặc những
huyện có tần suất thu gom rác thải sinh hoạt thấp như huyện Ninh Giang, huyện Gia Lộc,
huyện Bình Giang, huyện Tứ Kỳ, huyện Nam Sách
Toàn tỉnh hiện có 250 bãi chôn lấp đang sử dụng, 57 bãi chôn lấp đã được quy hoạch sẽ
được xây dựng và đưa vào sử dụng trong khoảng 1 - 5 năm tới. Hiện có ba hình thức
chôn lấp điển hình là: Bãi chôn lấp rác thải kiểu nổi, chiếm 35,48% số bãi chôn lấp; Bãi
chôn lấp rác thải kiểu chìm, chiếm 14,92% số bãi chôn lấp; Bãi chôn lấp rác thải kiểu kết

hợp,chiếm 49,60% số bãi chôn lấp. Trong số các bãi chôn lấp đang sử dụng có 68 bãi
chôn lấp tự phát chiếm 27,2%, chủ yếu nằm ở gần khu dân cư, gần chợ hoặc gần điểm
đầu mối giao thông. Do có kích thước nhỏ, thời gian lưu rác tương đối ngắn, sẽ được
chuyển đi nơi khác hoặc tổ chức đốt tại chỗ sau một khoảng thời gian nhất định nên các
bãi chôn lấp tự phát này chưa được quan tâm quản lý chặt chẽ. Có 27/72 xã chiếm 37,5%
có bãi chôn lấp tự phát với quy mô từ nhỏ đến vừa. Đặc biệt tại xã Tiền Phong (Thanh
Miện) có tới 5 bãi chôn lấp tự phát không được tổ chức thu gom.

Phân loại xử lý rác thải tại Nhà máy xử lý rác thải ở huyện Thanh Hà. Ảnh
Hải Anh

Trong thực tế bãi chôn lấp thường được bố trí xa khu dân cư, thông thường đặt ngoài
cánh đồng của các thôn và rất gần các khu vực sản xuất lúa, hoa màu lân cận. Một số địa
phương có bãi chôn lấp ở gần khu vực nuôi trồng thuỷ sản, ven đê các dòng sông, kênh
mương... Kết quả thăm dò thông qua phỏng vấn trực tiếp có tới 34,67% số hộ dân được
phỏng vấn đánh giá không đồng ý về vị trí bãi chôn lấp hiện nay (do mùi rác hoặc do
khói từ hoạt động đốt rác tự phát tại bãi rác). Theo Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam
TCXD 261:2001 thì bãi chôn lấp chất thải rắn; Tiêu chuẩn thiết kế thì đa số các bãi chôn
lấp không đảm bảo về mặt khoảng cách đến các khu dân cư chiếm 93,68%. Số lượng bãi
chôn lấp cách khu dân cư ít nhất 1.500 m là 12 bãi, chiếm 6,32%.
Rác thải sinh hoạt được vận chuyển từ các khu dân cư lân cận đến bãi chôn lấp, tuỳ vào
điều kiện địa phương mà tiến hành đốt khoảng 1 lần/ngày đến 1 lần/năm. Một số bãi chôn
lấp kiểu chìm, kiểu kết hợp không tổ chức đốt rác thải định kỳ chiếm 49,19% trong tổng
số bãi chôn lấp, số bãi chôn lấp đốt ít hơn 1 lần/tháng chiếm 26,21%, số bãi chôn lấp đốt
rác thải từ 1 - 2 lần/tháng chiếm 18,14%, số bãi chôn lấp đốt rác thải với tần suất lớn hơn
3 lần/tháng là 6,45%. Việc đốt rác thải ảnh hưởng khá lớn tới môi trường không khí xung
quanh đặc biệt đối với bãi chôn lấp gần khu dân cư, đường giao thông, khu vực sản xuất
nông nghiệp...
Hiện nay hiệu quả thu gom rác thải sinh hoạt còn thấp là do hệ thống phân loại và tái chế



rác hoạt động chưa tốt hoặc chưa có, vẫn có mặt đầy đủ các loại rác thải ở tất cả các bãi
rác. Những người thu gom chỉ thu gom rác thải từ đầu làng hoặc tại những bãi rác tạm
thời, thiếu thùng rác tại các nơi tập trung đông dân cư, khu thương mại, khu công
nghiệp... điều này gây khó khăn cho công tác thu gom rác. Sự sắp xếp các điểm thu gom
chưa phù hợp; khối lượng rác phải thu gom lớn, quãng đường phải vận chuyển tương đối
xa, chất lượng đường từ khu dân cư tới Bãi rác hầu hết có chất lượng kém ảnh hưởng tới
việc thu gom của địa phương. Sự phối hợp giữa việc thu gom tại nguồn phát sinh ở xã và
thu gom của các dịch vụ công cộng còn yếu và sự tham gia của cộng đồng trong công tác
quản lý rác thải còn hạn chế. Thiếu sự cưỡng chế tuân thủ luật và các quy định về quản lý
rác thải sinh hoạt tại các địa phương.
Trước thực trạng nêu trên, Chi cục Bảo vệ môi trường đã đề nghị UBND các huyện, thị
xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ gia đình cần
phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; giảm thiểu lượng rác thải phải phát sinh; hạn chế
sử dụng các loại bao bì, bao gói bằng nilông hoặc các chất từ vật liệu khó phân hủy khác.
Tập kết rác thải đúng nơi quy định đúng thời gian; nghiêm cấm việc đổ rác thải sinh hoạt
ra đường, sông ngòi, kênh, mương, các nguồn nước mặt và đốt rác thải sinh hoạt tự phát
gây ô nhiễm môi trường. Khuyến khích các tổ đội thu gom phát huy vag tranh thủ huy
động các nguồn lực mở rộng phạm vi để hiệu quả việc thu gom phân loại, vận chuyển và
xử lý rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn đạt kết quả tốt (tăng tỷ lệ và khối lượng thu
gom rác thải sinh hoạt) trên địa bàn được phân công thực hiện; tổ chức cho các khu dân
cư xây dựng Quy ước, Hương ước bảo vệ môi trường của làng/thôn/xóm hoặc lồng ghép
trách nhiệm bảo vệ môi trường của cá nhân, hộ gia đình, tập thể trong Quy ước, Hương
ước góp phần thực hiện Đề án giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn tỉnh
Hải Dương.
Vũ Đình Hiền




×