Tải bản đầy đủ (.doc) (21 trang)

MẤY lời KHUYÊN SINH VIÊN y KHOA

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (163.57 KB, 21 trang )

VÀI LỜI GIỚI THIỆU VẾ BS NGUYỄN HỮU PHIẾM
Bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm là một Tiến sĩ Y khoa tốt nghiệp tại
Pháp, không rõ sinh năm nào, chỉ biết ngày 1-7- 1949 được bổ nhiệm
làm Bộ Trưởng Y Tế thời chính phủ Bảo Đại. Ông hoạt động trong
nhiều lĩnh vực Giáo dục Chính trị, Văn Học, có nhiều bài viết trên các
báo thời Pháp thuộc, quen biết với nhiều người trong các giới chính
quyền cũng như các văn nhân, nghệ sĩ. Ông có mở phòng mạch ở
Đà Lạt, rất được nhân dân thương mến vì tận tụy với bệnh nhân,
nhất là bệnh nhân nghèo. Nơi đây ông là bạn chí cốt với nhà văn
đứng đầu nhóm Tụ Lực Văn Đoàn là Nhất Linh Nguyễn Tường Tam.
Khi Nhất Linh tự vẫn do chống chính quyền Diệm ông tận tình theo
sát tới khi Nhất Linh mất. Vì nổi tiếng liêm khiết và hết lòng với bệnh
nhân nên ở Đại Học Y khoa Huế ông được cử làm giáo sư phụ trách
giảng dạy môn Nghĩa Vụ Luận. Năm 1968 trường Đại Học Y Khoa
Saigon mời ông diễn thuyết về đạo đức y khoa tại trường này. Tài
liệu hôm nay chính là bản văn ông diễn thuyết ngày đó. trích trong
cuốn Lời khuyên sinh viên Y Khoa do ông chủ biên và do trung tâm
học liệu bộ Giáo Dục xuất bản năm 1972. Tôi xin chép lại cho các
bạn xem. Những ý tưởng trong bài tôi đã đọc trên 30 năm hôm nay
xem lại thấy như mới, vô cùng cảm động. Các bạn hãy giữ nó làm chỉ
nam giống như tôi đã giữ nó trên 30 năm nay. Đối với những người
đồng cảm thì những lời trong bài “ngân lên vang vọng hòa nhịp với
con tim người xem, gây ra một cảm giác không gì sánh được”.
Khác với các bài giáo điều BS Phiếm trình bày bài nói chuyện rất
chân tình, thực tế. Tác giả nhấn mạnh đến khía cạnh TRÁCH NHIỆM
chính điều này đã làm nghề y khác hẳn những nghề khác, vinh nhục
cũng từ đó mà ra. Nhiều người từ góc độ của nghề khác phê phán so
bì với ngành y chúng ta, họ quên rằng bản chất của nghề y hoàn
toàn khác hẳn các nghề khác. Mong rằng các bạn khi đọc xong lời
khuyên này thì hãy còn chút gì đấy đọng lại trong tâm tư, đừng để
gió cuốn đi.


Vì bài khá dài nên tôi xin trích đăng làm vài kỳ để các bạn “tiêu
hóa” dần dần, nhân tiện chú thích một số danh từ hay ý niệm hơi xưa
cho rõ nghĩa.


MẤY LỜI KHUYÊN SINH VIÊN Y KHOA
BS Nguyễn Hữu Phiếm
(Buổi nói chuyện do trường Đại Học Y khoa Huế tổ chức ngày 29-61968 Tại Trung Tâm Y Khoa Đại Học SAIGON)
Các bạn sinh viên thân mến.
Nghề thuốc mà các bạn đã chọn là một nghề cao đẹp nhất, và
chính để chứng tỏ điều đó nên mới có buổi nói chuyện hôm nay một
buổi nói chuyện thân mật giữa một người thày thuốc-đã hành nghề
trên 30 năm-với những người thày thuốc tương lai, giữa một người
anh cả với các em sắp sửa vào nghề, bởi dù muốn dù không các bạn
và tôi, chúng ta từ bao nhiêu thế hệ nay đã được coi như thuộc về
một gia đình-đại gia đình y giới- và riêng về điểm đó, ngay từ bây
giờ, các bạn đã thấy nghề thuốc không giống như các nghề tự do
khác.
Các bạn thân mến.
Các bạn đã chọn nghề thuốc với tất cả một tấm lòng nhiệt
hứng, hăng say của tuổi thanh xuân, nhưng thử hỏi đã mấy ai chịu
tìm hiểu những lý do thúc đẩy mình vào con đường ấy?
Có một số bạn trẻ chọn nghề này, coi như một lẽ đương nhiên
để nối nghiệp cha anh đã từng là thầy thuốc.
Có một số, vì ham thích và cũng như mọi ham thích, khó lòng
mà giải thích được tại sao. có thể vì hồi nhỏ ốm đau, đã được người
thày thuốc tận tâm săn sóc, hoặc được mục kích những cảnh thập tử
nhất sinh mà được bàn tay người bác sĩ cứu sống.
Đối với một số nữa-rất hiếm- có lẽ làm nghề thuốc vì đó là
mộtthiên chức (une vocation): ngoài mảnh bằng bác sĩ để hành nghề

ra, còn muốn làm một cái gì khác nữa, như trở thành một nhà khảo
cứu, một vị bác học hoặc một giáo sư đại học.
Thiên chức theo định nghĩa, là một tiếng nói tự đáy lòng phát
ra, nó thúc giục ta làm một việc nào đó, Giáo sư Maranon bảo là:
”một loại đam mê có tính chất của tình thương, kẻ nào có một thiên


chức coi vật mình yêu như một mụa đích độc hữu, không thể chia xẻ
được. Họ phụng sự mối tình yêu đó mà tuyệt đối không vụ lợi” và vẫn
theo lời Maranon “sở dĩ nghề thuốc suy đồi vì thanh niên, khi chọn
nghề đó không phải vì có thiên chức thật sự, mà chỉ vì hy vọng có
một địa vị cao sang”.
Người ta đã điều tra một số sinh viên y khoa để biết tại sao họ
chọn nghề thuốc: trong số 100 sinh viên có tới 70 người trả lời:
Không biết. Còn lại 30 có người bảo: học thuốc để tìm những thỏa
mản tri thức, hoặc vì có một niềm tin hoặc vì nghề đó đã danh giá lại
kiếm được nhiều tiền
Tôi biết một số thanh niên sau khi đậu xong Tú Tàilưỡng lự
không biết chọn ngành nào ở Đại Học bèn chọn đại Y khoa vì nghe
lời cha mẹ hoặc họ hàng thân thuộc-những người này không phải là
thày thuốc, không hiểu nghề thuốc là gì mà chỉ nhìn thấy một khía
cạnh sai lầm là: nhà lầuxe hơi tiền bạc…. Những người đó xem nghề
thuốc như nghề đi buôn và cho rằng học hành vất vả mới giật được
mảnh bằng bác sĩ thì dĩ nhiên phải được đền bù xứng đáng, phải
được thụ hưởng. Còn bổn phận của mình những gì, trách nhiệm ra
sao họ đâu có biết hoặc nghĩ tới?Đối với hạng người này tôi xin nhắc
lại ở đây câu nói của P. Le Gendre”
“Kẻ nào chỉ làm nghề thuốc với hi vọng làm giàu, kẻ đó sẽ thất
vọng, vì nghề thuốc chỉ được trọng vọng khi nào chúng ta có một tinh
thần vị tha, hỉ xả. ”

Các bạn thân mến
Khi các bạn chọn nghề này, dĩ nhiên là để sinh sống, để nuôi
gia đình, để hưởng một đời sống sung túc. tuy nhiên chúng ta không
được quan niệm nghề thuốc như một nghề để làm tiền, vì nếu các
bạn hành nghề đúng đắn ít khi các bạn có thể giàu được.
Ngoài vấn đề mưu sinh ra tất còn có một lý do nào khác nữa nó
thúc đẩy các bạn lựa chọn cái nghề đó. Tôi không dám dùng những
danh từ quá to tát như: “cứu nhân độ thế” mà chỉ nói; sở dĩ làm nghề
thuốc là để mong xoa dịu được phần nào những đau khổ của đồng
bào, muốn giúp ích cụ thể cho xã hội.


Có bạn học thuốc, như trên vừa nói, để thỏa mãn tri thức, thỏa
mãn sự tò mò, những biết những kỳ quan của bộ máy con người ta,
muốn tháo nó ra từng mảnh để xem bên trong có những gì, tại sao
nó chạy, hoặc muốn tìm cho ra hạt bụi nào đó đã làm cho bộ máy kia
tắc, rồi ngưng chạy…
Đối với sinh viên y khoa, còn gì vui sướng và hồi hộp bằng lần
đầu tiên ở trong bệnh viện, chỉ nhờ có nghe và gõ lên ngực bệnh
nhân mà đã đoán được rằng trong màng phổi có nước và khi lấy
chiếc kim chọc vào phổi thì quả nhiên thấy có nước thật.
Không những học để biết mà còn để phụng sự nữa. Còn niềm
vui gì bằng sau một thời gian vật lộn với tử thần người thầy thuốc đã
đẩy lui được bệnh và trao trả cho bà me đứa con thân yêu của bà.
Người ta muốn phê bình sao thì phê bình, một người thày
thuốc sau một ngày làm lụng vất vả, bảo họ “hái ra tiền” chẳng hạn,
nhưng tôi dám chắc ngoài việc chữa bệnh ra, còn phải có những
động cơ nào khác nó thúc đẩy họ chứ không riêng gì tiền bạc. Họ
không thể không băn khăn lo lắng mỗi khi rời một căn nhà, trong đó
có một tính mạng đang bị đe dọa, hoặc đó là tính mạng của một

người cha, cột trụ của cả một gia đình, hoặc tính mạng của một
người mẹ với đàn con thơ dại đang cần có người săn sócdạy dỗ,
hoặc tính mạng của một đứa hài nhi, chỉ có quyền sống chứ không
được chết yểu…
Mối băn khăn đó đôi khi còn ám ảnh người thày thuốc trong
bửa ăn giấc ngủ của họ.
Người thày thuốc không thể không có những suy tư sau khi
ngồi bên giường bệnh kiên nhẫn nghe lời kể lể tâm sự của thân chủ
mình, rồi cố tìm một lời nói dịu dàng để khuyên nhủ, ngõ hầu xoa dịu
được phần nào những nỗi khổ đau về tinh thần, những khắc khoải
hoặc dằn vặt của một lương tâm đang bị cắn rứt….
Người thày thuốc không những chỉ đem lại cho ta sức khỏe, họ
giúp ta sống đã đành nhưng nhiều khi họ giúp ta nhắm mắt cho yên
nữa.
Chữa khỏi đã vậy, nhưng còn những khi thất bại ?


Đã mấy ai thấu hiểu được nỗi khổ của người thày thuốc, dù
ham tiền mấy đi nữa, sau khi thâu canh ngồi bên một sản phụ,
những mong cứu sống được cả mẹ lẫn con, hoặc ít nữa một trong
hai người, nhưng rút cuộc không cứu nỗi ai hết. Và trong khi người
thày thuốc ấy, khác nào một kẻ bại trận, rửa tay-hai bàn tay đẩm máu
và rung lẩy bẩy- thu xếp đồ dùng cho vào cặp rồi lủi thủi ra về, mặt
mũi phờ phạ, đầu chóang mắt hoa, có những con mắt ngấn lệ, đầy
đau thương, có khi đầy oán hận, nhìn theo và biết đâu không lên án
họ. ? Ôi, VINH NHỤC của nghề thuốc!
Người ta muốn phê bình người thày thuốc ra sao tùy ý, nhưng
tôi dám chắc, trong khi hành nghề, họ không thể không có một niềm
tin, một tia hi vọng, một ngọn lửa thiêng nào đó trong lòng. Nói tóm
lại, thế nào họ cũng phải có một nhiệt hứng khiến họ cảm thấy sung

sướng khi tìm ra căn bệnh. Một niềm vui khi phụng sự và thành công.
Duhamel đã nói”Không có nghề nào cao đẹp và buồn bằng
nghề thuốc, một nghề đói hỏi nhiều bổn phận, nhiều trách nhiệm tinh
thần, nhưng chính trách nhiệm đó, nhất là trách nhiệm tinh thần, nó
làm cho nghề chúng ta cao đẹp. ”
Những trách nhiệm của người thày thuốc ở vào thời đại này rất
nặng nề, vì không nói tất các bạn cũng rõ là chúng ta hiện đang sống
trong một kỷ nguyên thật là huyền ảo, khoa học tiến quá mau, ngoài
sức tưởng tượng của con người, ” đã làm cho chúng ta trở thành
những bậc THẦN THÁNH trước khi chúng ta xứng đáng làm
người”(Jean Rostand)
Thật thế: chỉ trong vòng ba bốn chục, y học đã tiến triển và
khác hẳn bốn ngàn năm trước và nếu ngoảnh lại nhìn chặng đường
đã qua, chúng ta không thể không giật mình kinh ngạc.
Giáo sư Jean Bernard đã viết không phải là quá đáng:
‘”Một người thày thuốc ở thời tiền chiến, vắng mặt sau một thời
gian 30 năm và nay trở vềsẽ bở ngở không khác gì một bạn đồng
nghiệp của ông sống dưới thời Hippocrate nay tái sinh trước ngày thế
chiến thứ hai”
Tuy nhiên chúng ta những kẻ hậu sinh, không được quên ơn
các bậc tiền bối đã có công lớn với y học, hoặc ít ra cũng nhớ đến


tên tuổi những vị đó, như Pasteur, Claude Bernard, Lister, Yersin,
Fleming …vv.

Nói về ngoại khoacách đây trên 40 năm một danh y về khoa
giải phẫu, giáo sư J. L Faure trong bài diễn văn khai mạc một cuộc
hội nghị quốc tế đã nói:
“Ngày nay khoa giải phẫu đã lên tới chỗ tuyệt đỉnh rồi, khó lòng

mà tiến hơn nữa”
Tuy nhiên trên lãnh vực y khoa, ai dám tự hào mình là một nhà
tiên tri, và ngày nay -1968- chúng ta có thể lập lại câu nói và biết đâu
trong vài ba năm nhận xét của chúng ta lại không đúng nữa.
Các bạn tất đã biết nhờ có thuốc mê (tìm ra năm 1816 ở Hoa
Kỳ) mà người ta có thể giải phẫu với những điều kiện mới. Nhất là
sau cuộc cách mạng do Pasteur khởi xướng, cho biết nguyên nhân
của phần nhiều bệnh là vi trùng, rồi nhờ có phương pháp sát trùng
(antiseptie) của Lister, nhất là phương pháp phòng hủ (asepsie) của
Terrier, số người chết đi vì giải phẫu giảm đi rất nhiều. Đồng thời các
nhà giải phẫu táo bạo hơn, dám đi sâu vào trong cơ thể, nào mổ ruột,
mổ dạ con, nào giải phẫu xương, khớp xương, …vvv
Mặc dầu khoa giải phẫu tiến bộ rất mau, mặc dầu kỹ thuật giải
phẫu đã được hoàn bị, vẫn còn có người chết vì giải phẫu do những
xáo trộn trong cơ thể. Quan trọng hơn hết là xáo trộn sinh lý
(desordres biologiques) gây ra một loại bệnh hậu giải phẫu( maladie
post-operatoire) Bệnh này được nghiên cứu kỹ càng để dần dà đưa
tới phương pháp hồi sinh (reanimation) một phương pháp ngày nay
rất thông dụng, không những ở ngoại khoa mà còn ở nội khoa nữa.
Một trong những kỹ thuật kỳ lạ nhất của khoa gây mê là đông
miên nhân tạo (hibernation artificielle) và nhờ phương pháp này,
người ta có thể giải phẫu tim được.
Một đàng, nhờ có phương pháp hồi sinh và thuốc mê, đàng
khác nhờ có thuốc trụ sinh-mỗi ngày một nhiều-nhờ có thuốc ngăn
đông huyết (anticoagulants) và sau hết nhờ tiếp máu, có khi thay cả
máu nữa, mà khoa giải phẫu đã đi vào những con đường mà từ xưa


tới nay không ai dám nghĩ tới như là mổ phổi để rồi cắt đi, mổ óc, tủy,
xương sống, giao cảm thần kinh (sympathique) hoặc ghép mạch

máu, ghép xương, ghép mắt, ghép thận …vv. Mới đây các bạn còn
nghe nói về những vụ thay tim làm chấn động dư luận thế giới và
khiến mọi người phải kinh ngạc và thán phục vô cùng.
Bên cạnh những thành công rực rở đó nội khoa cũng phát triển
rất nhanh.
Nhờ có thuốc trụ sinh, phát minh vào cuối thế chiến thứ hai,
nhiều bệnh truyền nhiễm như thương hàn, giang mai…. đã bị đẩy lui.
Nhờ có Penicilllin-do Fleming tìm ra- nhiều loại vi trùng như:
pneumocoque, streptocoque, méningocoque. đã bị tiêu diệt và nhiều
bệnh phổi, bệnh đau màng óc cấp tính, bệnh lậu, có thể trị được,
cũng như bệnh đau tim do vi trùng streptocoque viridans-còn gọi là
bệnh Osler- mà xưa kia y học đã phải bó tay.
Còn nhiều trụ sinh khác cũng được khám phá và đáng kể nhất
là streptomycine-do Waksman tìm ra năm 1943- rất công hiệu để trị
bệnh lao, một trong tứ chứng nan y của ta. Lần đầu tiên bệnh nguy
hiểm này đã bị đánh bại.
Ngoài trụ sinh ra, người ta còn tìm ra được nhiều loại thuốc hóa
học nữa, trong đó phải kể Isoniazide rất thông dụng từ năm 1952 để
chữa bệnh lao, song song với streptomycine và nhiều thuốc khác
như Chlopromazine (largactyl) để trị các bệnh thần kinh. Từ ngày có
thuốc này và những thuốc mới như resepine, tại các dưỡng đường
điều trị người điên, loạn óc, ta không còn chứng kiến những cảnh
huyên náo nữa, và nhất là bệnh nhân không còn bị đối xử như
những con thú vật, mỗi khi lên cơn điên, bị nhốt trong chuồng sắt,
chân tay bị trói chặt, như cách đây trên 30 năm, hồi tôi còn là sinh
viên.
Chúng ta cũng thể quên được những khám phá quan trọng
trong ngành học về những bệnh do siêu vi trùng gây ra, và nên biết
rằng ngày nay, nhờ có thuốc chích hoặc uống thuốc phòng ngừa mà
nhiều bệnh như bệnh tê liệt (poliomyélite) có thể tránh được, cũng

như bệnh cúm(grippe) bệnh sởi (rougeole). . vv


Những bệnh truyền nhiễm ghê gớm như bệnh tả (choléra)
bệnh dịch hạch (pest) bệnh cùi (hủi) bệnh hoàng đản (fièvre jaune)
không còn là mối lo cho nhân loại như hồi xưa nữa. Và những bệnh
như bệnh ngủ (maladie du sommeil) ở Phi châu, bệnh sốt rét cơn
(paludisme) cũng đã bị đẩy lui. Nhờ có bột DDT mà hàng chục triệu
người đã không mắc bệnh sốt rét cơn.

Các bạn thân mến.
Tôi không thể kê khai hết ở đây tất cả những phát minh khác
của y học trong mấy năm vừa rồi, như: sinh tố, kích thích tố( đặc biệt
là cortisone, A. C. T. H ) hoặc nói đến những phương pháp tối tân để
định bệnh bằng quang tuyến, bằng isotope. . vv mà chỉ nhấn mạnh
tới những khám phá quan trọng trên lãnh vực trị liệu thôi.
Đời sống trung bình của con người cách đây hai thế kỷ là 35
năm, nay lên tới 70, và có lẽ chỉ trong vài chục năm nữa số người thọ
100 tuổi là thường.
Nhưng chúng ta đừng quá lạc quan và yên trí rằng bất cứ bệnh
nào cũng có thể trị được dù y học tiến bộ mấy đi nữa, hiện nay vẫn
còn có một số bệnh mà người ta vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân,
như bệnh tê thấp, bệnh chai động mạch(arterio-sclerose), bệnh ung
thư máu (leucemie)…Còn đối với những bệnh ở thần kinh hệ do siêu
vi trùng gây ra (virus neurotrope) chúng ta vẫn còn …. . bất lực.
Y học hiện nay vẫn chưa có thuốc để cho ta khỏi già. Không
những đừng quá lạc quan mà còn phải biết những nguy hiểm và
những bệnh do chính thuốc gây ra (maladies thérapeutiques). Giáo
sư Michel Conte đã nói:
Hiện nay chúng ta đang đứng trước một bi kịch mà chúng ta

không phải là khán giả. Chúng ta bị lôi cuốn vào trong một cơn gió
lốc, và chúng ta phải chữa bệnh, tức là phải lực chọn những thứ
thuốc mới, và cái đó không phải là chuyện dễ. Chưa bao giờ quyền
lực của người thày thuốc lại mạnh đến thế, nhưng chưa bao giờ họ
lại cảm thấy mình lúng túng đến thế.


Trụ sinh khi dùng bừa bãi, có thể tạo ra nhiều bệnh nặng do vi
trùng staphylocoque gây ra, hoặc bệnh nấm(mycose) hoặc làm cho
máu biến đổi.
Một vài loại sulfamide có thể gây ra bệnh ngoài da chết người
được. Aspirine dùng nhiều có thể làm loét bao tử và xuất huyết, dùng
corisone có thể làm thủng bao tử, gây kinh phong, hoặc làm cho
bệnh lao cũ tái phát. Butazolidine có thể làm băng huyết được. Nhiều
tai nạn lưu thông đã xảy chỉ tại dùng thuốc an thần, những thuốc này
làm cho phản ứng chậm lại.
Người ta cũng nói nhiều về trường hợp các lực sĩ chết vì dùng
kích thích tố trong các cuộc thi điền kinh.
Vẫn hay rằng những thuốc nói trên, trước khi đem ra dúng đã
được thí nghiệm cho súc vật (Florey và Chain đã chích Penicilllin cho
chuột và thấy không độc nên mới chích cho người, cũng như các loại
thuốc an thần) nhưng làm sao biết chắc được là khi áp dụng cho
người sẽ không nguy hiểm sẽ không nguy hiểm?Làm sao có thể tiên
liệu được những phản ứng chậm, còn những thứ thuốc, thuộc loại
thuốc hóa học, mỗi ngày một nhiều, càng công hiệu lại càng nguy
hiểm)
Người ta đã từng thí nghiệm thuốc thalidomide trước khi đưa ra
thị trường nhưng có ai ngờ đâu rằng dược phẩm đó lại làm cho các
sản phụ sinh ra quái thai. ?
Các bạn thân mến.

Tôi không có ý nêu ra đây những nguy hiểm của thuốc để các
bạn sợ và đừng dùng, mà chỉ mong sao các bạn thận trọng mỗi khi
các bạn cho toa, nhất là lưu ý các bạn đến những phản ứng bất ngờ
có thể xảy ra với bất cứ loại thuốc nào. bởi vậy các bạn cần hỏi cặn
kẻ bệnh nhân trước khi biên toa cho họ.
Tôi đã nói với các bạn không có nghề nào có nhiều trách nhiệm
bằng nghề thuốc, nhưng cũng không có nghề nào cao quý bằng.
Cứu sống một người bị thương nặng nhờ giải phẫu kịp thời và đúng
kỹ thuật, làm cho một bệnh nhân đang đau quằn quại chỉ trong phút
chốc hết đau ngay, hoặc trả lại cho một bà mẹ đứ con yêu quý mà bà


ta yên trí khó lòng qua khỏi, tất cả những cái đó, đối với một người
không ở trong nghề, thật là phi thường và được coi như phép lạ.
Trách nhiệm của người thày thuốc nặng nề ngay từ khi định
bệnh cho đến lúc kê toa, hoặc giải phẫu, bởi tính mạng của một
người nằm trong tay họ.
Trách nhiệm đó làm cho người thày thuốc ngày đêm lo lắng
đến quên ănmất ngủ. Tôi thành thật mong cho các bạn được sống
những giờ phút lo âu hồi hộp đó vì chính nhờ thế, rồi qua khỏi mới
cảm thấy được tất cả cái cao đẹp của nghề thuốc.
Trousseau, một vị danh sư của Pháp, đã từng khuyên các sinh
viên y khoa:
‘”Các bạn có bổn phận làm vẻ vang cho nghề của các bạn,
cũng như nhờ nghề đó mà các bạn được vẻ vang, một nghề đòi hỏi
nhiều hi sinh, một nghề trong đó ngày và đêm của các bạn sẽ là
ngày và đêm của người ốm”
Các bạn nên yên trí rằng các bạn gieo tận tâm mà sẽ chỉ
gặt bội bạc. Các bạn sẽ phải gạt bỏ hết những thú vui đầm ấm của
gia đình và thì giờ nghỉ ngơi sau một thời gian làm lụng vất vả.

Các bạn không được sợ thối tha bẩn thỉu hoặc nguy hiểm, các
bạn không được lùi bước trước cái chết khi cái chết đó xảy ra giữa
những lúc nguy hiểm của nghề chúng ta, bởi chết như thế sẽ làm cho
ai nấy khi nhắc đến tên bạn, phải tỏ lòng kính mến. ”
Như tôi vừa nói, y học ngày nay tiến rất nhanh, và muốn trở
thành một bác sĩ lành nghề, các bạn khi còn là sinh viên, phải siêng
năng học tập, từ lý thuyết đến thực hành. Định bệnh chậm trễ hoặc
sai lầm khi cho thuốc (cho quá hoặc không đủ liều) đều là những lỗi
không thể tha thứ được. Bởi vậy thiết tưởng trong LỜI TUYÊN THỆ
của Hippocrate cần ghi thêm câu này: Tôi xin thề suốt đời học
hỏi Trong thời buổi này, bổn phận đầu tiên của người thày thuốc là
phải học, phải biết, và phải biết cho đến nơi đến chốn, chứ không
được biết lờ mờ.
Không nói tất các bạn cũng rõ là những kiến thức của chúng ta
ở trên mọi lãnh vực, chứ không riêng gì ở y khoa, chỉ trong vài ba


năm, có khi vài tháng, đã trở thành” cũ rích”. vì vậy chúng ta cần phải
trau dồi học hỏi luôn luôn, suốt đời chúng ta vẫn phải là sinh viên đầy
nhiệt hứng. Bận rộn mấy các bạn cũng cố dành thì giờ để đọc sách,
báo y học, ngõ hầu theo dõi những tiến triển của y khoa, và nếu các
bạn có thể tìm tòi, khảo cứu được thì càng hay. Thật là một tai họa
cho người ốm nếu chẳng may gặp phải ông thày thuốc, dù tử tế dù
tận tâm, nhưng” gà mờ “khiến tiền mất mà tật vẫn mang.
Người ta thường nói”có học mà không có lương tâm là sự đồi
bại của linh hồn” (science sans conscience n’est que ruine de l’âme)
nhưng có lương tâm mà không có học, nhất là khi làm nghề thuốc,
cũng bằng thừa, nguy hiểm nữa là khác. “Tài năng và lương tâm
chức nghiệp đều có liên hệ mật thiết với nhau, và giá trị nghề nghiệp
phải đi đôi với giá trị đạo đức. Dốt nát và lừa bịp đều như nhau

cả” (Gosset)
Ngoài việc trau dồi kiến thức y học, người thày thuốc còn phải
có một vài đức tính sau đây:
a)Có óc nhận xét, nếu không sẽ bỏ qua những triệu chứng cần
thiết để định bệnh.
b) Có lương tri, tức óc phê bình, biết phán đoán, không quá tin
ở những kỹ thuật hoặc thuốc mới nếu xét thấy những kỹ thuật và
thuốc này trái ngược với bệnh lý (phòng thí nghiệm vẫn có thể nhầm
được). Đừng ham mới chuộng lạ nếu thuốc kê cho bệnh nhân dùng
chưa được các danh sư hoặc các bác sĩ đứng đắn xác nhận là công
hiệu và không nguy hiểm. Có nhiều thứ thuốc hôm nay được ca tụng
như thần dược mà chỉ trong một thời gian ngắn đã bị bỏ rơi (trường
hợp vàng để trị bệnh lao, thạch tín (arsenic) để chữa giang mai. . )
Bởi vậy trước khi cho toa các bạn phải thận trọng và luôn luôn nhớ
tới lời châm ngôn cổ: Primum non nocere (trước hết đừng làm hại).
c) Có kinh nghiệm:
Muốn có kinh nghiệm dĩ nhiên phải hành nghề lâu năm. Tuy
nhiên đối với nghề thuốc cũng như với nhiều nghề khác, các bạn
đứng tưởng rằng cứ nhiều tuổi nghề mà có nhiều kinh nghiệm, nhiều
từng trải, vì có “những cái mà mình cho là kinh nghiệm, kỳ thực là
những sai lầm chồng chất lên nhau” (Sergent)


Một sinh viên y khoa năm thứ nhất, lần đầu tiên gặp một người
mắc bệnh thương hàn lần sau gặp một người sốt liên miên, nom có
vẻ mệt mỏi, chàng ta không do dự gì cả, bảo người đó bị bệnh
thương hàn. Trái lại một sinh viên năm thứ năm, hoặc một sinh viên
nội trú hoặc một vị giảng sư dù đã từng chữa hàng trăm người mắc
bệnh đó rồi, bao giờ cũng dè dặt, không vội vả. Những người ít học
lại càng hay tự phụ, còn những người học rộng tài cao lại càng khiêm

tốn”khác nào những bông lúa lép bao giờ cũng ngạo nghễ vươn đầu
lên trời, trong khi những bông lúa vàng nặng trĩu hạt thì nằm rạp
xuống đất"(Leonard de Vinci )
Ngoài kiến thức về y học ra người thày thuốc còn phải có
những đức tính tinh thần, nhất là phải có tình thương.
Làm thày thuốc dù giỏi, dù có lương tâm mà thiếu tình thương
thì chỉ được coi như mới làm có một nửa phận sự thôi, và nhất định
không thể nào yêu nghề được. Từ mấy ngàn năm nay Hippocrate đã
nhấn mạnh tới điểm quan trọng này rồi.
Bạn săn sóc người ốm, sau khi đã thăm bệnh, cho toa, dặn dò
cặn kẻ cách dùng thuốc như thế nào và cho biết bệnh tình nặng nhẹ
ra sao, bao giời khỏi, rồi bạn ra về, như vậy đã đủ chưa? Tôi thấy là
chưa đủ. Vì ngoài cái đau đớn về thể xác, bệnh nhân nào cũng mong
được vỗ về, an ủi, bệnh nhân nào dù sang hèn, cũng muốn rằng
người thày thuốc kiêm cả một nhà tiên tri nữa, biết hiện tại lẫn tương
lai, chữa được mọi bệnh ngay cả tâm bệnh.
Phải chính bản thân mình đã từng bị đau ốm mới biết thế nào
là một người thày thuốc. Trong khi mong đợi thì xiết bao lo ngại, băn
khoăn, rồi khi thấy mặt thì mừng rỡ, cảm thấy vững tâm ngay. Mỗi lời
nói, mỗi cử chỉ của người thày thuốc đều quan trọng đối với người
bệnh, và người này chỉ muốn cho ông thày lúc nào cũng ở bên cạnh
mình, không rời mình ra, bất kể đêm khuya, bất kể họ mệt nhọc. Nào
chỉ có thế thôi !Lại còn những lời trách móc nếu mời mà đến chậm,
hoặc đi vắng vì hôm đó nhằm ngày chủ nhật hay ngày lễ.
Chính nhờ có sự vững tâm nói trên mà nhiều khi bệnh mau
khỏi. Bởi lẽ đó, y học muốn trở thành một nghề cao quý, cần phải là
một nền y học nhân bản, nghĩa là hiểu thấu những gì thuộc về con


người, con người toàn diện, con người trong quá khứ và hiện tại. Và

nhất là phải tôn trọng con người.
“Nhân bản là cảm thấy trong lòng con người ta trải qua bao thế
kỷ, cái gì đó vẫn bất di, bất dịch, con người thì hoàn toàn và sống
trong một thế giới thích hợp với họ, con người biết rung động trước
thiên nhiên, biết rung động khi nghe một bản nhạc, khi đọc một cuốn
sách khi suy ngẫm về những sự huyền bí của tạo vật. Nhân bản tức
là biết cảm, biết yêu, biết thương xót” (Maranon)
Một người ốm, không phải chỉ có phần xác, với tim, gan, phổi,
thận mà thôi, lại còn có cái mà từ ngàn xưa Platon gọi là phần hồn
nữa.
Một bệnh nhân thuộc về bất cứ thành phần nào trong xã hội
không phải là một con số, hay là một lá phiếu như ta thường quan
niệm ở bệnh viện. Họ không phải là một kẻ vô danh, mà ngược lại, là
một người như chúng ta, một người có tên, có tuổi, có nghề nghiệp,
địa chỉ, có gia đình, có những hoài bão, ước mơ, cảm xúc.
Các bạn nên biết rằng một bệnh nhân khi nằm trên giường
bệnh, không bao giờ có những phản ứng tâm lý như một người bình
thường, và buổi đầu thế nào họ cũng có những xúc động lo âu.
Người thày thuốc không phải là một người thợ máy sữa chữa
cơ thể như ta sửa một cái máy hư”Đó là một con người cúi xuống
một con người khác, mong giúp đở họ, có gì cho nấy, đem lại cho họ
một chút khoa học nhưng rõ nhiều tình thương”(Ignacio chavez).
Muốn rằng thày thuốc là một con người máy và người ốm là
một con số tức là không hiểu một tí gì về khoa tâm lý cả. Không nói
tất các bạn cũng rõ là con người ta phức tạp vô cùng, đầy mâu
thuẩn, có lúc sống với những bản năng cực kỳ hèn thấp, nhưng đôi
khi lại có những hành động thật là cao thượng, siêu nhân. Và có lẽ
bởi nhìn thấy rõ các nhược điểm đó nên người thày thuốc, mỗi khi
gặp một bệnh nhân khó tính, hoặc đối xử với mình tệ bạc mà vẫn sẳn
lòng tha thứ.

Không có một bộ máy nào dù cho tinh xảo mấy đi nữa, có thể
ủy lạo người ốm với những lời dịu dàng trìu mến được, và giữa
người thày thuốc và con bệnh, bao giờ cũng có một sự cảm thông,


một mối dây liên lạc mật thiết “một cuộc đối thoại kỳ lạ”(une colloque
singulier) như Duhamel đã nói, một bên thì ký thác những gì bí ẩn
trong cõi lòng của mình, còn một bên thì cho mà không hề đòi hỏi.
Hiểu như vậy các bạn sẽ cảm thấy sung sướng vô cùng, và nếu cái
học của các bạn không phải là cái học nhân bản thì thật là vô ích và
đáng tiếc lắm.
Tóm lại đối với người thày thuốc, xứng đáng với danh từ đó
“không có bệnh mà chỉ có con bệnh thôi” (Mondor).
*************
Ta thường nghe người ta phê bình ông thày thuốc này tốt, ông
kia tử tế. Tốt hay tử tế không phải vì mát tay, mà vì ngoài công việc
chữa bệnh ra, người thày thuốc còn hỏi han đến gia cảnh của thân
chủ mình, đến sự học hành của con cái họ, có khi khuyên răn, có khi
giúp đở, nghĩa là làm tất cả những gì có thể làm cho bệnh nhân và
gia đình họ được hài lòng “ chỉ có người tốt mới có thể thành danh y
được (Nothnagel) vì nhiều khi chính nhờ tấm lòng tốt của người thày
thuốc mà bệnh nhân chóng bình phục.
Ngoài tình thương và tấm lòng tốt ra người thày thuốc còn phải
tế nhị đối với bệnh nhân nhất là ở bệnh viện.
Các bạn đừng quên rằng người ốm bao giờ cũng có nhiều mặc
cảm (mặc cảm tự ti) hay lo lắng và thường để ý tới cử chỉ và lời nói
của các bạn.
Các bạn đừng khinh người nghèo khó và nên nhớ rằng trước
bệnh tật và cái chết ai ai cũng như nhau cả.
Ambroise Pare người đã được coi như cha đẻ của khoa giải

phẫu, nguyên là ngự y cho vua Chareles IX một hôm nhà vua đau
cho vời ông lại và bảo: “Trẩm mong khanh săn sóc Trẫm chu đáo
hơn những người khác” Ambroise Pare đáp”Tâu bệ hạ hạ thần rất
tiếc vì kẻ hạ thần chữa thân chủ của hạ thần như chữa các bậc đế
vương”
Ngay đến những sa đọa về tinh thần của bệnh nhân các bạn
cũng phải tôn trọng.


Các bạn sinh viên thân mến,
Như trên tôi vừa nói, trong nghề thuốc của chúng ta có nhiều
buồn, nhiều đau khổ hơn vui, nhất là nhiều nhục hơn vinh. Có
những người mà ta tận tình săn sóc lại là những kẻ bội nghĩa vong
ân, và trái lại, có những người mà tự xét ta chẳng làm được gì gọi là
đáng kể thì suốt đời họ lại coi ta như bậc ân nhân.

*********
Nói tới những bổn phận của các bạn, tôi không thể không đề
cập đến vấn đề bí mật nghề nghiệp (secret professionnel)
Tuyệt đối người thày thuốc không được tiết lộ cho ai biết căn
bệnh của thân chủ mình. Trong bệnh viện khi các bạn còn là sinh
viên, các bạn không được nói to để người ngoài biết bệnh tình của
con bệnh, hoặc cho biết họ mắc bệnh gì (một bà chủ muốn biết
người làm công của mình mắc bệnh lao hay không). Ngay cả đối với
nhà cầm quyền, các bạn cũng không được tiết lộ những gì bạn biết
về thân chủ của các bạn. Khi viên cảnh sát trưởng hỏi ông Dupuytren
để biết ai là kẻ phiến loạn trong số người nằm điều trị trong bệnh
viện, ông ta đáp: ”Tôi không biết ai là phiến loạn cả, tôi chỉ biết có
những người bị thương thôi”
Các bạn cũng nên biết rằng các bạn có thể bị phạt tù nếu các

bạn không kín miệng.
Sau hết các bạn phải có lương tâm chức nghiệp, hay nói một
cách vắn tắt, các bạn khi hành nghề phải có lương tâm. Giaó sư
Jean Gosset đã từng nói;”Trong phòng giải phẫu người thày thuốc là
chúa tể sau đức Thượng Đế nhưng có trách nhiệm trước lương tâm
của mình”
Không riêng gì thày thuốc ngoại khoa mà có thể nói một cách
tổng quan là không một ai có thể kiểm soát nỗi một bác sĩ ngoại
trừ lương tâm của họ
Sởv dĩ ngày nay y học không có một địa vị xứng đáng trong xã
hội, sở dĩ người thày thuốc không được trọng vọng, không được kính


nể như hồi xưa (kể cả ở Việt Nam) là bởi trong nghề của chúng ta có
một số con chiên ghẻ, thiếu lương tâm chức nghiệp.
Các bạn thân mến
Nghề thuốc mà các bạn đã lực chọn không giống những nghề
khác. Nhất định không, một trăm, một ngàn lần không. Ai đã chọn
nghề này cần phài biết rằng có nhiều cái không được phép làm, và
phạm tới những cấm điều đó, tức là làm hoen ố nghề mình.
Nếu các bạn không muốn sống khắc khổ, không sẳn sàng hi
sinh tốt hơn hết là các bạn tìm một nghề khác, ngay từ bây giờ cũng
chưa muộn. Không thiếu gì nghề ngoài nghề thuốc vừa đem lại cho
các bạn danh giá tiền bạc lại không vất vả, nhất là không có trách
nhiệm gì hết.
Có người, nhiều người lắmtưởng rằng nghề thuốc cũng như
nghề đi buôn. Kỳ thực, giữa nghề đi buôn và những nghề tự do,
trong đó có nghề thuốc, có một hố sâu không sao lấp được.
Mục đích nghề đi buôn là mua rồi bán để lấy lời. Giá hàng cao
hay hạ là tùy thuộc ở món hàng tốt hay xấu, bền hay không bền.

Trái lại mục đích chính của nghề tự do không phải là tiền tài
hay lợi lộc. Người thày thuốc khi săn sóc một người ốm, cũng như
một giáo sư khi giảng bài cho học sinh, sinh viên, đều cố gắng hết
sức mình chứ đâu có nghĩ tới tiền thù lao, lương lậu ?
Người đi buôn có quyền làm quảng cáo rùm beng, hoặc trên
báo, hoặc trên đài phát thanh, trên đài truyền hình để “câu khách”,
hoặc nhờ người dắt mối rồi cho họ ăn hoa hồng.
Người đi buôn có thể rao ầm ỉ để mọi người biết là hàng của họ
đep, bền, rè nhất thế giới chẳng hạn mà không sợ ai chê cười. Trái
lại, người thày thuốc, biết tự trọng, có liêm sĩ, không được phép làm
như vậy. Không những Y sĩ đoàn, Nghĩa vụ luận không cho phép mà
chính lương tâm của họ cũng không cho phép.
“Người ốm không phải là một món hàng và chúng ta cũng thế,
chúng ta không phải là món hàng để cho thiên hạ đem tiền ra mua
chuộc. Chính người thày thuốc, khi đem tài nghệ của mình ra để


phục vụ người ốm, đã làm ơn cho họ, chứ không phải người ốm, vì
đem tiền bạc hay thế lực mà ban ơn cho người thày thuốc”.
(Leannec)
Ngoài bổn phận đối với bệnh nhân ra, các bạn còn có bổn phận
đối với các bạn đồng nghiệp nữa.
Tôi nhận thấy ngày nay phần đông các bác sĩ không đối xử với
nhau như các bậc đàn anh của họ hồi xưa: trên kính dưới nhường.
Tuyệt đối các bạn không được nói xấu bạn đồng nghiệp, không được
phê bình (với ác ý) chỉ trích cách định bệnh hoặc chữa bệnh của họ,
không được gièm pha để tranh khách, không được len lỏi vào một
gia đình nếu gia đình đó đã có một dồng nghiệp rồi.
Giáo sư P, V. Badot có kể lại truyện về giáo sư Maranon, một
hôm tới bệnh viện Bichat và chăm chú nghe một sinh viên nội trú giới

thiệu một bệnh nhân mắc chứng bệnh ở nội tiết tuyến (glandes
endocrines) P, V. Badot viết: ”Khi tôi hỏi ý kiến của ông trước mặt
đông đủ học trò của tôi thì ông chỉ mỉm cười, không trả lời. Khi chỉ có
một mình ông với tôi, tôi nói:
-Thế nào ông có đồng ý không?
Giáo sư Maranon đáp:
-Tôi không hoàn toàn đồng ý với học trò của ông.
-Thế tại sao lúc ấy ông không nói?
-Bởi vì không ai có thể biết sự thật chắc chắn được, Vả lại,
không bao giờ được làm mất lòng một bạn đồng nghiệp cả!”
Rồi giáo sư PVBadot kết luận: “Lịch sự tới cực độ ấy là một đặc
tính của ông. ”
Còn một điều này nữa tôi muốn nói với các bạn, là ngoài nghề
thuốc racác bạn cần phải trau dồi văn hóa, không những trên lãnh
vực khoa học mà cả trên lãnh vực văn chương nữa. Ở vào thời buổi
này một nhà khoa học phải ham thích văn chương cũng như một nhà
văn, không thể không biết tới khoa học.


Chính nhờ văn hóa mà bạn có óc phê bình, sự phán đoàn của
bạn được sắc bén, mau lẹ và minh mẫn, trí tuệ không bị cùn nhụt,
căn cỗi, thành chai, tâm hồn của bạn vẫn giữ được trẻ trung mãi mãi.
Giáo sư P, V. Badot đã viết:
Phải mở mang trí tuệ của thnh niên hơn là để họ sống gò bó
trong khuôn khổ chật hẹp của y khoa.
Tôi nhận thấy nhiều danh y của thế giới, hoăc nhiều giáo sư đại
học, đều là những người hiếu học, ham đọc sách, yêu sách, yêu
nghệ thuật, học thức rất uyên thâm, vừa là thầy thuốc trứ danh, vừa
là nhà văn nổi tiếng, như Mondor (nổi danh nhờ con daocây bút và
cây cọ) Jean Delay, P. V. Radot, Duhamel…. những người này vừa

có chân trong Hàn Lâm viện Y khoa vừa là Hội viên của Hàn Lâm
viện Pháp.
Nữ văn hào Han Suyin, Sommerset Maugham, Cronin, trước
khi là nhà văn, đã từng làm nghề thuốc.
Tchekov, đại văn hào Nga, vừa sống về nghề thuốc, vừa viết
văn. Ông thường nói: ”Y học là vợ chính thức của tôi, còn văn
chương là tình nhân. Khi tôi chán bà này thì tôi đi với bà kia. Tuy
nhiên đối với cả hai, tôi đều trung thành cả. Nếu không có nghề
thuốc, có lẽ tôi không có tài liệu để viết văn. ”
Giáo sư Trousseau già tôi đã dẫn thượng, cũng bảo: Một nhà
bác học mà không phải là một nghệ sĩ chỉ là một nhà bác học tầm
thường”
Bởi vậy tôi khuyên các bạn, ngoài việc học ra, nên để thời giờ
nhàn rỗi, trau dồi văn hóa, rèn luyện văn chương, nghệ thuật (âm
nhạc hội họa……) chơi thể thao, để cuộc đời đỡ buồn tẻ, vì theo tôi,
nếu suốt đời làm mãi một nghề, bất cứ nghề gì, mà vẫn hăng say,
không thấy chán thì quả thật là một sự lạ.
Không những để cuộc đời khỏi buồn tẻ mà còn làm cho đời
sống thêm phong phú, để biết sâu hiểu rộng, ngoài lãnh vực y khoa.
Người ta thường so sánh thày thuốc với ông Cha sở và ông
Luật sư. Tôi không mang tiếng mắc bệnh chủ quan nếu phê bình vai


trò của ba loại người đó, mặc dầu ở đây chỉ có các bạn và tôi mà chỉ
xin dẫn Balzac và Duhamel là hai văn hào đã viết rất nhiều về cuộc
đời của mấy nhân vật đó. Balzac nói:
Tôi cho rằng sở dĩ văn minh tiến bộ và nhân loại được sung
sướng là nhờ ba người này”
Nhưng sau khi nhận thức đúng vai trò của người thày thuốc,
ông nói thêm:

“Người nhà quê sẳn sàng nghe lời người kê toa cho mình để họ
khỏi bệnh hơn là nghe lời ông Cha sở diễn thuyết về việc cứu vớt linh
hồn. Một đàng có thể nói chuyện với họ về đồng áng và một đàng,
chỉ có thể bàn với họ về thiên đàng, điều mà họ ít quan tâm tới. ”
Còn Duhamel thì viết về ba vị đó như sau:
“Ông luật sư mà ta nhờ cậy để bệnh vực công lý cho ta có thể
chọn ngày giờ để tiếp khách. Nếu ông yêu nghề, ông sẽ hăng hái
làm việc, dù sao, không có gì cấp bách cả. Đối với thân chủ của ông,
dù sao tình thương không quý bằng tài hùng biện, bằng sự khôn
khéo, bằng giao thiệp rộng.
Công việc của một nhà tu hành có thể ví với công việc của
người thày thuốc. tuy nhiên tôi cần nói ngay là chỉ khi nào hấp hối,
người ta mới mời ông Cha Sở. Lương tâm dù bị cắn rứt, đợi đến sáng
hôm sau cũng không muộn. Nhưng thường thường khi lên cơn đau vì
trong thận có sạn, thì không thể nào đợi được. Ít khi người ta đánh
thức ông Cha sở, dù ông này tốt, vì có người ăn năn sám hối; nhưng
hơi nhức đầu một tí, có khi chẳng sao cả, đang đêm người ta cũng
dựng ông thày thuốc dậy. ”
Các bạn sinh viên thân mến
Tôi vừa phác họa ra đây hình ảnh của một người thày thuốc,
xứng đáng với danh từ ấy, suốt đời tận tụy, hi sinh cho người ốm,
không quản vất vả, không mấy khi có thì giờ để nghỉ ngơi, giải trí,
bữa ăn giấc ngủ thất thường, ngay đến những thú vui trong gia đình
cũng không được hưởng, đã thế lại gặp nhiều bội bạc, hoăc có khi bị
chính các bạn đồng nghiệp dèm pha, ghen ghét.


Tuy vậy nhưng tôi chưa hề thấy một người thày thuốc nào than
phiền về cái nghề của họ, vì đó là một nghề cao đẹp, cao đẹp hơn
hết mọi nghề khác cao đẹp ở chỗ tất cả những cảnh khổ não trên thế

gian này chỉ càng thắt chặt thêm mối dây liên lạc giữa người thày
thuốc với người ốm, không phân biệt giàu sang hay nghèo hèn, cao
đẹp ở chỗ chỉ có nghề thuốc mới dung hòa được khoa học với lý trí
và tình thương.
Và để kết thúc buổi nói chuyện, kể cũng khá dài rồi, tôi xin
mượn lời giáo sư E. Rist, trích trong cuốn: Y học là gì ?(Qu’est-ce la
Medicine ?)
“Muốn lúc nào cũng lãnh được hết trách nhiệm tinh thần của
nghề chúng ta, chỉ có cách chắc chắn nhất, ấy là chuyên tâm vào
nghề của mình, yêu nghề đó tha thiết, và luôn luôn cố gắng để mỗi
ngày một tiến.
Người thày thuốc muốn được tín nhiệm cần phải xứng đáng là
người thày thuốc, cần phải có một nếp sống giản dị, không xa hoa
đàng điếm, phải lập gia đình và ở trong gia đình, nêu một tấm gương
thanh bạch đứng đắn.
Người thày thuốc phải sống thực tiễn và sống theo thời đại. Trí
tuệ phải được rèn luyện, trau dồi luôn, hợp nhân đạo. Đối tượng của
sự học là con người, con người toàn diện.
Người thày thuốc không những nên tìm hiểu con người trên
lãnh vực khoa học mà còn cần biết đến đời sống tâm linh nhờ được
tiếp xúc với đủ mọi tầng lớp người, nhờ được trông thấy những thử
thách của cuộc đời và làm quen với những kiệt tác của nhân tâm,
của nghệ thuật và của khoa học.
Sống cho người thân yêu và cho nghề của mình, đó không phải
là một đề mục khá đẹp cho một mộ chí hay sao? Và nếu lại còn được
cái đặc quyền sống cho Tổ Quốc nữa thì thật là sung sướng vô cùng.
Và chung quy có lẽ đó là một cách thẳng thắn nhất để sống cho nhân
loại. ”
Tôi thành thật cầu chúc cho các bạn sẽ là người thày thuốc
gương mẫu đó.





×