Tải bản đầy đủ (.doc) (17 trang)

CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI MÔN LỊCH SỬ: LỊCH SỬ VIỆT NAM TỪ NĂM 1919 ĐẾN NĂM 1930

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (216.24 KB, 17 trang )

PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TAM ĐẢO
TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ TAM ĐẢO
----------

CHUYÊN ĐỀ HỌC SINH GIỎI
MÔN LỊCH SỬ LỚP 9
Tên chuyên đề:
“LỊCH SỬ VIỆT NAM TỪ NĂM 1919 ĐẾN NĂM 1930”

Giáo viên thực hiện: Phan Thị Thúy Hằng
Tổ chuyên môn: Khoa học xã hội
Trường THCS Tam Đảo – Tam Đảo – Vĩnh Phúc

Năm học 2015-2016


CHUYÊN ĐỀ
“LỊCH SỬ VIỆT NAM TỪ NĂM 1919 ĐẾN NĂM 1930”
A. ĐẶT VẤN ĐỀ
I. Lí do về mặt lí luận
Đổi mới phương pháp dạy học và hình thức kiểm tra đánh giá là một yêu cầu
của toàn cầu hiện nay. Đối với nước ta, đổi mới phương pháp dạy học và hình thức
kiểm tra đánh giá là nhằm phát triển con người mới toàn diện, có tri thức, có học
vấn, có năng lực tư duy hành động, có khả năng tiếp thu được những tinh hoa của
các nước trên thế giới để xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh. Vì vậy, Luật
Giáo dục nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: “Phương pháp giáo
dục phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo của người học,
bồi dưỡng lòng say mê học tập và ý chí vươn lên”. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn
quốc lần thứ XI cũng đã nêu rõ: “Để đáp ứng yêu cầu con người và nguồn nhân lực
là nhân tố quyết định sự phát triển của đất nước trong thời kì công nghiệp hóa hiện
đại hóa đất nước, cần tạo sự chuyển biến cơ bản toàn diện về giáo dục và đào


tạo… đổi mới phương pháp và phát huy sáng tạo và năng lực đào tạo của người
học coi trọng thực hành, thực nghiệm, ngoại khóa làm chủ kiến thức tránh nhồi
nhét học vẹt học chay…”.
Với những yêu cầu đó, cũng như các môn học khác, môn Lịch sử cũng cần
phải đổi mới. Đổi mới phương pháp dạy học môn Lịch sử không có nghĩa gạt bỏ,
loại trừ hoàn toàn các phương pháp bồi dưỡng truyền thống, hay phải du nhập một
số phương pháp xa lạ. Đổi mới phương pháp là phải biết vận dụng linh hoạt các
phương pháp dạy học phù hợp với từng dạng câu hỏi và bài tập cụ thể, giáo viên
phải biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa phương pháp dạy học cũ với phương pháp dạy
học mới tích cực.
Trong nhà trường THCS, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi văn hoá nói
chung và môn Lịch sử nói riêng là vấn đề quan trọng, cơ bản, cốt lõi để nâng cao
chất lượng giảng dạy; mũi nhọn học sinh giỏi ở trong mỗi nhà trường rất quan
trọng, nó đánh giá chất lượng đào tạo cơ bản để nâng cao uy tín của nhà trường và
uy tín của giáo viên giảng dạy. Đồng thời giúp cho ngành giáo dục phát hiện nhân
tài, lựa chọn những mầm giống tương lai cho đất nước trong sự nghiệp trồng người;
bên cạnh đó cũng giúp cho các em hiểu biết, nắm được kiến thức, thực hiện được
ước mơ là con ngoan, trò giỏi và có định hướng đúng về nghề nghiệp của mình
trong tương lai.
II. Lí do về mặt thực tiễn
Trong thực tế những năm gần đây, dạy học Lịch sử để thu hút học sinh học
tập là một vấn đề rất khó. Vì đây là một bộ môn khó nhớ, khó học. Bên cạnh đó
việc dạy học Lịch sử ở trường THCS là một quá trình phức tạp, đa dạng. Thực tế đã


có những giáo viên biến bài Lịch sử thành bài chính trị, bài lí luận khô khan, trống
rỗng, cứng nhắc làm cho học sinh chán nản hoặc trình bày bài giảng theo lối thông
báo kiến thức thiếu sinh động và không có hồn. Một sai phạm khác là biến bài Lịch
sử thành những câu chuyện với những chi tiết giật gân, mua vui cho học sinh trong
chốc lát. Vì vậy, kết quả học tập của học sinh chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu

mà giáo viên bồi dưỡng đặt ra.
Trong các trường THCS hiện nay, kết quả học tập môn Lịch sử của học sinh
mấy năm gần đây vẫn tiếp tục giảm sút bởi học sinh không yêu thích môn học Lịch
sử, xem đó là môn phụ nên không được học sinh và phụ huynh coi trọng, điều đó
đặt ra cho chúng ta nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết, nhất là những người trực
tiếp làm công tác giảng dạy. Theo thực trạng phát triển của đất nước ta hiện nay đã
cho thấy thì những môn khoa học tự nhiên đang có vị trí được học sinh “yêu thích”
và “đề cao” hơn so với những môn khoa học xã hội nên có rất ít học sinh có hứng
thú học tập các môn xã hội, đặc biệt môn Lịch sử là môn phụ, môn của những
người học thuộc lòng. Và đã là môn phụ thì rất khó để học sinh quan tâm học hành
tử tế. Thực tế cho thấy những em tham dự môn học là những em có kiến thức
“không sắc”, kỹ năng làm bài yếu, hơn nữa gia đình các em còn phân biệt môn
chính môn phụ nên không muốn con mình tham gia dự thi môn học này. Theo như
lời phụ huynh nói thì đây là môn học phụ, không giúp gì cho các cháu thi vào cấp 3
và thi vào đại học, chúng tôi chỉ muốn cháu học các môn Toán, Vật lí, Hoá học,
Ngoại ngữ thôi....
Xuất phát điểm đầu tiên là thành phần đội tuyển môn Lịch sử được tuyển
chọn từ những học sinh không có đủ khả năng tham gia các đội tuyển như: môn
Toán, Vật lí, Hóa học, Ngữ văn, Tiếng Anh,... vì những học sinh này khả năng
nhận thức và tư duy chưa cao, trí thông minh và sự linh hoạt trong học tập còn thua
kém các bạn ở các đội tuyển trên. Ngoài ra các em chưa biết cách học môn Lịch sử,
chỉ biết học thuộc lòng, “học vẹt”, kiến thức nhớ không lâu, không hiểu bản chất sự
việc. Người học tiếp nhận kiến thức một cách thụ động, máy móc. Bên cạnh đó, các
em chưa biết cách làm bài thi môn Lịch sử. Nhiều em làm bài theo ý, gạch đầu
dòng chưa biết phân tích, đánh giá sự kiện lịch sử; chưa biết tổng hợp, chọn lọc
kiến thức cho các câu hỏi mang tính khái quát...
Như vậy, với những kết quả thi học sinh giỏi môn Lịch sử cấp huyện và cấp
tỉnh chưa được cao nên chúng ta cần bàn luận, góp ý kiến và đưa ra những giải
pháp để cải thiện thái độ học tập bộ môn của các em học sinh trong tình hình hiện
nay. Từ đó tạo cho các em có thái độ, động cơ học tập tốt hơn, đó chính là lí do mà

bản thân tôi mạnh dạn đưa ra ý kiến của mình, rất mong được sự góp ý chân thành
của các bạn đồng nghiệp để chúng ta góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy - học
tập bộ môn Lịch sử.
III. Mục đích của chuyên đề


Chuyên đề này thực hiện với mục đích lớn nhất là thu hút học sinh học tốt
môn Lịch sử. Giúp học sinh hiểu và áp dụng kiến thức Lịch sử vào trong quá trình
làm bài thi. Từ đó hướng các em tới môn Lịch sử, yêu thích môn học và biết học
tập, tránh tình trạng xa rời môn học. Rèn luyện, phấn đấu trở thành học sinh giỏi bộ
môn và học sinh giỏi toàn diện.
Qua chuyên đề giáo viên nghiên cứu để tìm ra phương pháp dạy học tối ưu
nhất theo hướng đổi mới để nâng cao chất lượng giảng dạy môn Lịch sử ở các
trường THCS. Đồng thời cũng giúp học sinh nắm được những kiến thức cơ bản của
phần Lịch sử Việt Nam giai đoạn từ 1919-1930. Đó là thời kì mà Lịch sử Việt Nam
có nhiều thăng trầm trong đời sống xã hội.
Chuyên đề này nhằm trao đổi kinh nghiệm giảng dạy với đồng nghiệp để
nâng cao kiến thức, phương pháp trong giảng dạy bộ môn và bồi dưỡng chuyên
môn, nâng cao khả năng sư phạm cho nhà giáo.
B. NỘI DUNG
I. Hệ thống kiến thức sử dụng trong chuyên đề
1. Kiến thức cơ bản
a) Việt Nam sau chiến tranh thế giới thứ nhất
- Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp trong các lĩnh vực:
nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp, tài chính, thuế,...
- Sự biến đổi về kinh tế, xã hội trên đất nước ta dưới tác động của cuộc khai
thác thuộc địa lần thứ hai.
- Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, xã hội Việt Nam đã phân hóa thành các
giai cấp: Địa chủ phong kiến, tầng lớp tư sản và tiểu tư sản, giai cấp nông dân và
công nhân.

b) Phong trào cách mạng Việt Nam sau chiến tranh thế giới thứ nhất
(1919-1925)
Phong trào yêu nước và phong trào công nhân ở nước ta trong những năm
1919-1929.
c) Những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài trong những năm
(1919-1925)
Ý nghĩa và tác dụng của những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc đối với
phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta.
d) Cách mạng Việt Nam trước khi Đảng Cộng sản ra đời
- Sự ra đời và hoạt động của hai tổ chức cách mạng: Hội Việt Nam cách
mạng thanh niên, Tân Việt cách mạng đảng.
- Sự ra đời và hoạt động của ba tổ chức cộng sản: Đông Dương Cộng sản
đảng, An Nam Cộng sản đảng, Đông Dương Cộng sản liên đoàn.


2. Kiến thức nâng cao, mở rộng
a) Tại sao, giải thích tại sao
Ví dụ 1: Trình bày chương trình khai thác thuộc địa lần hai mà thực dân
Pháp tiến hành ở Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế - tài chính. Giải thích tại sao thực
dân Pháp lại hạn chế phát triển công nghiệp nặng, nhưng lại đầu tư vào khai thác
khoáng sản, xây dựng một số nhà máy chế biến và mở mang một số tuyến đường
giao thông ở Việt Nam?
Ví dụ 2: Tại sao Nguyễn Ái Quốc lựa chọn con đường đi sang phương Tây?
b) Chứng minh, em hãy chứng minh
Ví dụ 1: Chứng minh phong trào dân tộc dân chủ công khai ở Việt Nam
trong những năm 1919-1925 phát triển mạnh mẽ với nhiều hình thức đấu tranh
phong phú, thu hút nhiều tầng lớp nhân dân tham gia.
Ví dụ 2: Bằng những sự kiện lịch sử cụ thể trong quá trình hoạt động của
lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài (từ 1911-1920), em hãy chứng minh rằng
lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam yêu nước đầu tiên đến với con đường

cứu nước đúng đắn nhất.
c) Phát biểu ý kiến của em, nêu và nhận xét
Ví du 1: Nêu những lực lượng cách mạng chủ yếu tham gia vào phong trào
dân tộc dân chủ ở Việt Nam sau chiến tranh thế giới thứ nhất. Giai cấp nào đủ khả
năng lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam đi đến thắng lợi? Phát biểu
ý kiến của em về vai trò của giai cấp đó trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại
hóa đất nước hiện nay.
Ví dụ 2: Nêu và nhận xét về phong trào đấu tranh của giai cấp tư sản và giai
cấp công nhân Việt Nam trong những năm 1919-1925. Cuộc bãi công của công
nhân Ba Son (Sài Gòn) 8/1925 có điểm gì mới trong phong trào công nhân nước ta
từ sau chiến tranh thế giới thứ nhất?
II. Hệ thống các dạng bài tập đặc trưng của chuyên đề
Câu 1. Tại sao thực dân Pháp đẩy mạnh khai thác Việt Nam và Đông Dương
ngay sau chiến tranh thế giới thứ nhất?
Câu 2. Cuộc khai thác thuộc địa lần hai của thực dân Pháp có tác động như
thế nào đối với nền kinh tế Việt Nam?
Câu 3. Em hãy trình bày sự phân hoá giai cấp trong xã hội Việt Nam sau
chiến tranh thế giới thứ nhất? Nêu mâu thuẫn trong xã hội Việt Nam giai đoạn này?
Theo em mâu thuẫn nào là cơ bản nhất? Vì sao?
Câu 4. Tình hình thế giới sau chiến tranh thế giới thứ nhất đã ảnh hưởng tới
cách mạng Việt Nam như thế nào? Hãy trình bày và nhận xét về phong trào dân
tộc, dân chủ công khai (1919-1925) ở Việt Nam.


Câu 5. Phong trào yêu nước của các tầng lớp tư sản và tiểu tư sản từ năm
1919 đến 1925 đã diễn ra như thế nào? Những điểm tích cực và hạn chế của phong
trào trên.
Câu 6. Phong trào công nhân Việt Nam từ 1919 đến 1925 có những bước
phát triển mới nào?
Câu 7. Bằng những sự kiện Lịch sử cụ thể trong quá trình hoạt động của

lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài (từ 1911-1920), em hãy chứng minh rằng
lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam yêu nước đầu tiên đến với con đường
cứu nước đúng đắn nhất.
Câu 8. Vai trò của Nguyễn Ái Quốc đối với cách mạng Việt Nam từ 1920
đến năm 1930. Ý nghĩa những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc trong qúa trình tìm
đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam.
III. Hệ thống các phương pháp cơ bản, đặc trưng để giải các dạng bài
tập trong chuyên đề
- Phương pháp trình bày, nêu vấn đề và giải quyết vấn đề.
- Phương pháp thông tin tái hiện, đàm thoại và phân tích.
- Phương pháp chứng minh, giải thích và nhận xét.
- Phương pháp so sánh, thống kê, nhận định và đánh giá...
IV. Hệ thống các ví dụ, bài tập cụ thể cùng lời giải cụ thể cho chuyên đề
Câu 1. Tại sao thực dân Pháp đẩy mạnh khai thác Việt Nam và Đông
Dương ngay sau chiến tranh thế giới thứ nhất?
Hướng dẫn trả lời
* Khái quát vài nét về thời gian, tốc độ, quy mô của chương trình khai thác
thuộc địa lần thứ hai của Pháp được thi hành ở Đông Dương và Việt Nam:
- Thực dân Pháp tiến hành khai thác thuộc địa lần thứ hai ở Việt Nam và
Đông Dương (1919-1929) với tốc độ nhanh, mạnh.
- Quy mô rộng, toàn diện về các mặt kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội để bóc
lột được tối đa tài nguyên thiên nhiên và nguồn nhân công lao động của Việt Nam
và Đông Dương sau chiến tranh thế giới thứ nhất.
* Nguyên nhân Pháp đẩy mạnh khai thác thuộc địa ở Việt Nam và Đông
Dương:
- Thực tế lịch sử cho thấy các nước trực tiếp tham gia chiến tranh hoặc bị
chiến tranh xâm lược thì dù thắng hay thua, nền kinh tế - xã hội nước đó cũng bị
ảnh hưởng nhiều hay ít tùy theo mức độ.
- Theo quy luật ấy, sau chiến tranh thế giới thứ nhất, mặc dù đế quốc thực
dân Pháp là nước thắng trận song cũng bị tổn thất nặng nề về kinh tế - tài chính:

+ Chiến tranh đã tàn phá nhà máy, cầu cống, đường xá, làng mạc, Pháp trở
thành con nợ của Mĩ với số nợ lên tới 300 tỉ Phơ-răng,…


+ Cách mạng tháng Mười Nga (1917) thắng lợi nên thị trường đầu tư lớn của
Pháp ở châu Âu không còn, đồng Phơ-răng liên tiếp trượt giá, đời sống nhân dân
khó khăn, phong trào đấu tranh chống Chính phủ nổ ra…
- Để giải quyết khó khăn, Pháp thực hiện theo hai cách:
+ Một là: Ra sức bóc lột nhân dân lao động trong nước.
+ Hai là: Đẩy mạnh khai thác, bóc lột thuộc địa trong đó có Việt Nam và
Đông Dương.
- Bản thân Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng có nguồn tài
nguyên thiên nhiên phong phú, nguồn lao động dồi dào, giá nhân công rẻ, thị
trường tiêu thụ hàng hóa lớn.
- Lúc đó ở Việt Nam vẫn còn tồn tại quan hệ sản xuất phong kiến đã lỗi thời,
lạc hậu nên yếu kém hơn Pháp rất nhiều. Đây là cơ sở để thực dân Pháp dễ bề
thống trị, bóc lột…
Do đó việc xâm chiếm Đông Dương và Việt Nam lần thứ hai của Pháp ngay
sau chiến tranh thế giới thứ nhất là điều tất yếu, Việt Nam cùng với vòng quay
chung với thế giới nên không thể tránh khỏi.
Câu 2. Xã hội Việt Nam có sự phân hoá như thế nào sau chiến tranh thế
giới thứ nhất (1918). Từ đó chỉ ra mâu thuẫn chủ yếu của xã hội Việt Nam
đương thời?
Hướng dẫn trả lời
a) Xã hội Việt Nam phân hoá
* Giai cấp địa chủ phong kiến:
- Tăng nhanh về số lượng và có thế lực, câu kết chặt chẽ với thực dân Pháp
để cướp đoạt ruộng đất đàn áp, bóc lột nông dân…
- Có một bộ phận địa chủ vừa và nhỏ có tinh thần yêu nước…
* Tầng lớp tư sản:

- Ra đời sau chiến tranh, là những tiểu thương, tiểu chủ như: Đại lý, nhà thầu
khoán… giai cấp tư sản phân hoá thành 2 bộ phận:
+ Tư sản mại bản: Có quyền lợi gắn chặt với thực dân Pháp (đây là đối tượng
của cách mạng cần tiêu diệt).
+ Tư sản dân tộc: Kinh doanh độc lập, có tinh thần dân tộc dân chủ nhưng
thái độ cải lương, dễ thoả hiệp.
* Tầng lớp tiểu tư sản:
- Tăng nhanh về số lượng. Họ bị tư bản Pháp ráo riết chèn ép, bạc đãi, khinh
rẻ, miệt thị.
- Họ có điều kiện tiếp xúc với các trào lưu tư tưởng tiến bộ bên ngoài… Là
lực lượng quan trọng của cách mạng.
* Giai cấp nông dân:


- Chiếm 90% dân số bị phong kiến, thực dân đàn áp, bóc lột nặng nề bằng
các thủ đoạn sưu cao, thuế nặng, phu phen… bị bần cùng hoá, phá sản trên quy mô
lớn.
- Họ là lực lượng cách mạng hăng hái nhất, đông đảo nhất.
* Giai cấp công nhân:
- Sau chiến tranh phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng…
- Giai cấp công nhân Việt Nam có đặc điểm riêng biệt (3 đặc điểm…).
- Giai cấp công nhân Việt Nam nhanh chóng trở thành lực lượng cách mạng.
b) Mâu thuẫn:
Trong xã hội Việt Nam có 2 mâu thuẫn: mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai
cấp; trong đó mâu thuẫn dân tộc là chủ yếu, là cơ bản nhất…
Câu 3. Trên cơ sở những hiểu biết về lịch sử Việt Nam từ sau Chiến
tranh thế giới lần thứ nhất, em hãy:
a) Phân tích thái độ chính trị, khả năng cách mạng của các giai cấp, tầng
lớp trong xã hội.
b) Làm rõ sự ảnh hưởng của những chuyển biến của cách mạng thế giới

và sự phân hóa của xã hội Việt Nam đến phong trào giải phóng dân tộc đầu
thế kỷ XX.
Hướng dẫn trả lời
a) Khái quát
Chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp đã làm cho
xã hội Việt Nam phân hóa sâu sắc... Mỗi giai cấp tầng lớp trong xã hội đều có thái
độ chính trị và khả năng cách mạng khác nhau.
- Giai cấp địa chủ phong kiến: là giai cấp thống trị cũ, chiếm đoạt ruộng đất
của nông dân... Giai cấp này phân hóa thành hai bộ phận: một bộ phận cấu kết với
thực dân Pháp, trực tiếp bóc lột kìm kẹp nông dân => đối tượng của cách mạng;
một bộ phận có tinh thần yêu nước nên đã tham gia vào các phong trào yêu nước...
- Giai cấp nông dân:
+ Chiếm 90% dân số, bị đế quốc, phong kiến tước đoạt ruộng đất... họ tiếp
tục bị bần cùng hóa và phá sản trên quy mô lớn.
+ Mâu thuẫn giữa nông dân với đế quốc và phong kiến tay sai gay gắt...
Nông dân là lực lượng cách mạng hăng hái và đông đảo nhất.
- Tầng lớp tiểu tư sản:
+ Bao gồm học sinh, sinh viên, trí thức, tiểu chủ... bị tư bản Pháp bạc đãi,
chèn ép, khinh rẻ, đời sống bấp bênh.
+ Có tinh thần dân tộc, chống thực dân Pháp và tay sai. Đặc biệt tầng lớp trí
thức, họ rất nhạy cảm với thời cuộc, hăng hái đấu tranh vì độc lập tự do của dân
tộc. Đây là lực lượng quan trọng của cách mạng.


- Giai cấp tư sản: Ra đời sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, số lượng ít, bị
tư sản Pháp chèn ép, kìm hãm, thế lực kinh tế yếu. Giai cấp này phân hóa thành hai
bộ phận: Bộ phận tư sản mại bản... => là đối tượng của cách mạng; tư sản dân tộc...
có tinh thần dân tộc, dân chủ nhưng thiếu kiên định => cách mạng cần giác ngộ họ.
- Giai cấp công nhân:
+ Ra đời từ cuộc khai thác lần thứ nhất của Pháp, tăng nhanh về số lượng

trong chương trình khai thác lần thứ hai. Ngoài những đặc điểm của công nhân
quốc tế, công nhân Việt Nam có những đặc điểm riêng: bị ba tầng áp bức bóc lột;
có quan hệ tự nhiên, gần gũi với nông dân; kế thừa truyền thống yêu nước của dân
tộc => có điều kiện liên minh với nông dân, sớm tiếp thu Chủ nghĩa Mác-Lênin,
chịu sự ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga.
+ Công nhân là động lực của cách mạng, là giai cấp có đủ khả năng và điều
kiện nắm ngọn cờ lãnh đạo cách mạng.
b) Chuyển biến của cách mạng thế giới và sự phân hóa của xã hội Việt
Nam
- Chuyển biến của cách mạng thế giới:
+ Cách mạng Tháng Mười Nga thành công.
+ Phong trào cách mạng thế giới lan rộng từ châu Âu sang châu Á.
+ Đảng cộng sản thành lập ở nhiều nước – Quốc tế cộng sản ra đời.
=> Khuynh hướng cách mạng vô sản đang trở thành xu thế của thời đại (đầu
thế kỷ XX).
- Trong nước: Xã hội Việt Nam phân hóa sâu sắc, mâu thuẫn dân tộc, mâu
thuẫn giai cấp ngày càng trở nên gay gắt hơn.
- Ảnh hưởng đến phong trào giải phóng dân tộc:
+ Bên cạnh khuynh hướng cách mạng dân chủ tư sản tiếp tục thúc đẩy phong
trào giải phóng dân tộc, khuynh hướng cách mạng vô sản được đón nhận và ảnh
hưởng sâu sắc...
+ Phong trào đấu tranh diễn ra sôi nổi và quyết liệt hơn.
- Nhiều lực lượng mới tham gia với những hình thức đấu tranh phong phú
hơn...
Câu 4. Tình hình thế giới sau chiến tranh thế giới thứ nhất đã ảnh
hưởng tới cách mạng Việt Nam như thế nào? Hãy trình bày và nhận xét về
phong trào dân tộc, dân chủ công khai (1919-1925) ở Việt Nam.
Hướng dẫn trả lời
* Tình hình thế giới sau chiến tranh thế giới thứ nhất đã ảnh hưởng tới cách
mạng Việt Nam như thế nào?

- Những sự kiện của cách mạng thế giới…


+ Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 thành công, làm cho phong trào
giải phóng dân tộc ở các nước phương Đông và phong trào công nhân ở các nước
tư bản đế quốc phương Tây có sự gắn bó mật thiết.
+ Làn sóng cách mạng dâng cao trên thế giới, trong đó giai cấp vô sản trẻ
tuổi các nước bắt đầu bước lên vũ đài chính trị.
+ Để lãnh đạo phong trào chung, tháng 3/1919 Quốc tế thứ ba (Quốc tế cộng
sản) được thành lập ở Mát-xcơ-va (Nga), đánh dấu một giai đoạn mới trong quá
trình phát triển của phong trào cách mạng thế giới.
+ Từ đó phong trào cách mạng thế giới có bước phát triển mới, dẫn tới sự ra
đời của Đảng cộng sản Pháp (1920), Đảng cộng sản Trung Quốc (1921).
- Những sự kiện trên có ảnh hưởng như thế nào đối với cách mạng Việt
Nam?
+ Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 thành công, Quốc tế cộng sản ra
đời năm 1919 đã tác động mạnh mẽ tới sự lựa chọn con đường giải phóng dân tộc
của Nguyễn Ái Quốc.
+ Hoàn cảnh trên cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc truyền bá chủ nghĩa
Mác Lê- nin vào Việt Nam.
* Trình bày và nhận xét về phong trào dân tộc, dân chủ công khai (19191925):
- Phong trào của tư sản dân tộc:
+ Họ bị tư sản Pháp chèn ép,… nên đã phát động đấu tranh…
+ Phong trào chấn hưng nội hóa, bài trừ ngoại hóa (1919), đấu tranh chống
độc quyền cảng Sài Gòn và độc quyền xuất cảng lúa gạo ở Nam Kì của tư bản Pháp
(1923)…
+ Một số tư sản và địa chủ ở Nam Kì thành lập ra Đảng Lập hiến… khi Pháp
nhượng bộ một số quyền lợi thì họ sẵn sàng thỏa hiệp với Pháp.
+ Nhận xét: mục tiêu chủ yếu là đòi quyền lợi kinh tế, tư sản dân tộc đấu
tranh chống sự chèn ép của tư bản nước ngoài. Điểm hạn chế là các hoạt động bộc

lộ tính chất cải lương, phục vụ quyền lợi của các tầng lớp trên, giới hạn trong
khuôn khổ của chế độ thực dân.
- Phong trào của tiểu tư sản trí thức:
+ Tiểu tư sản trí thức bao gồm sinh viên, học sinh, giáo viên, nhà văn, nhà
báo…, vì bị áp bức, bóc lột nên họ đứng lên đấu tranh.
+ Họ tập hợp trong các tổ chức chính trị như: Việt Nam Nghĩa đoàn, Hội
Phục Việt…
+ Phong trào đấu tranh với hình thức: xuất bản các tờ báo tiến bộ…; lập các
nhà xuất bản tiến bộ… Tháng 6-1924, tiếng bom của Phạm Hồng Thái tại Sa Điện
(Quảng Châu - Trung Quốc)… Đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu (1925), đám tang
Phan Châu Trinh (1926).


- Nhận xét: Phong trào nhằm đạt mục tiêu chống cường quyền áp bức, đòi
các quyền tự do dân chủ, mang tính chất yêu nước, dân chủ rõ nét.
+ Điểm tích cực: có tác dụng thức tỉnh lòng yêu nước, truyền bá tư tưởng tự
do dân chủ trong nhân dân.
Câu 5. Mục tiêu, tính chất, mặt tích cực và hạn chế của phong trào đấu
tranh của giai cấp tư sản và tiểu tư sản ở Việt Nam?
Hướng dẫn trả lời
* Phong trào của giai cấp tư sản:
- Mục tiêu: Đòi tự do dân chủ, đòi quyền lợi về kinh tế.
- Tính chất: Yêu nước, dân chủ.
- Tích cực: Mang tính chất dân chủ, yêu nước, tranh thủ sự ủng hộ của quần
chúng, gây áp lực với thực dân Pháp, chống sự cạnh tranh, chèn ép của tư sản nước
ngoài.
- Hạn chế: Giai cấp tư sản sẵn sàng thoả hiệp với thực dân Pháp khi được
chúng cho một số quyền lợi.
* Phong trào của tầng lớp tiểu tư sản:
- Mục tiêu: Chống quyền cường, áp bức, đòi các quyền tự do dân chủ…

- Tính chất: Yêu nước, dân chủ.
- Mặt tích cực: Thức tỉnh lòng yêu nước, truyền bá tư tưởng tự do, dân chủ
trong nhân dân, tư tưởng cách mạng mới.
- Mặt hạn chế: chưa tổ chức được chính đảng, đấu tranh mang tính xốc nổi,
ấu trĩ.
Câu 6. Tác động của phong trào công nhân Ba Son (8/1925) đối với sự
phát triển của phong trào công nhân Việt Nam trong những năm 1926-1929?
Vị trí của phong trào công nhân đối với việc thành lập Đảng Cộng sản Việt
Nam.
Hướng dẫn trả lời
* Tác động:
- Tạo điều kiện cho tư tưởng cách mạng Tháng Mười Nga thấm sâu vào công
nhân Việt Nam để công nhân Việt Nam hành động có ý thức hơn.
- Sự trưởng thành của công nhân Việt Nam: là cuộc đấu tranh quan trọng đầu
tiên của công nhân có tổ chức, lãnh đạo.
- Đấu tranh không chỉ nhằm mục đích kinh tế mà còn vì mục tiêu chính trị.
- Họ tỏ rõ sức mạnh giai cấp và tinh thần quốc tế vô sản.
- Đánh dấu phong trào công nhân Việt Nam bắt đầu đi vào đấu tranh tự giác.
* Vị trí:
- Ở các nước Âu - Mĩ, Đảng Cộng sản ra đời cần 2 yếu tố là chủ nghĩa MácLênin kết hợp với phong trào công nhân, đây là hai yếu tố cần và đủ. Nhưng khác


với các nước Âu - Mĩ, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự kết hợp của ba yếu tố:
chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa Mác, phong trào công nhân.
- Đây là 3 yếu tố cần và đủ để ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam nên phong
trào công nhân có vị trí rất quan trọng đối với việc thành lập Đảng Cộng sản Việt
Nam.
Câu 7. Bằng những sự kiện lịch sử cụ thể trong quá trình hoạt động của
lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài (từ 1911-1920), em hãy chứng minh
rằng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam yêu nước đầu tiên đến với

con đường cứu nước đúng đắn nhất.
Hướng dẫn trả lời
- Nguyễn Ái Quốc sinh ngày 19/5/1890 tại làng Kim Liên (Nam Đàn - Nghệ
An). Người sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước và lớn lên trên mảnh đất
quê hương có truyền thống yêu nước quật cường, đấu tranh bất khuất. Người chứng
kiến sự thất bại hàng loạt phong trào yêu nước và được tiếp xúc với nhiều nhà cách
mạng đương thời. Vì vậy, từ rất sớm, Nguyễn Ái Quốc sớm có lòng yêu nước.
- Tuy Nguyễn Ái Quốc rất khâm phục tinh thần đấu tranh chống Pháp của
các bậc tiền bối nhưng Nguyễn Ái Quốc không tán thành con đường cứu nước của
họ vì con đường cứu nước đó không phù hợp với hoàn cảnh đất nước, thậm chí đã
thất bại. Vì vậy, Nguyễn Ái Quốc quyết chí ra đi tìm đường cứu nước, nhằm tìm
con đường cứu nước hữu hiệu hơn.
- Giữa năm 1911, tại bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) NguyễnTất Thành (sau
này là Nguyễn Ái Quốc) đã xuống làm phụ bếp cho một chiếc tàu buôn của Pháp
để có cơ hội tới các nước phương Tây tìm đường cứu nước về giúp đồng bào.
- Từ năm 1911 đến năm 1917: Người đi qua nhiều nước ở châu Phi, châu Mĩ,
châu Âu, Người thâm nhập vào phong trào quần chúng lao động và phong trào
công nhân, tham gia hoạt động trong “Hội những người Việt Nam yêu nước”,
Người viết báo, truyền đơn, diễn đàn, mít tinh để tố cáo thực dân và tuyên truyền
cách mạng Việt Nam. Chính nhờ sống và hoạt động trong phong trào công nhân
Pháp, đặc biệt tiếp nhận ảnh hưởng của cách mạng Tháng Mười Nga, tư tưởng của
Người dần có những chuyển biến quan trọng, rút ra kết luận quan trọng đầu tiên về
thù và bạn. Những hoạt động yêu nước của Người tuy mới chỉ bước đầu nhưng là
điều kiện quan trọng để Người xác định con đường cứu nước đúng cho dân tộc Việt
Nam.
- Ngày 18/6/1919: Người gửi tới Hội nghị Véc-xai Bản yêu sách của nhân
dân An Nam đòi Chính phủ Pháp phải thừa nhận quyền tự do, dân chủ, quyền bình
đẳng và quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam. Bản yêu sách tuy không được chấp
nhận nhưng đã có tiếng vang lớn đối với nhân dân Việt Nam, nhân dân Pháp và
nhân dân các nước thuộc địa.



- Tháng 7/1920: Người đọc được “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về
vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lê-nin. Từ đó Người hoàn toàn tin theo Lê-nin và
dứt khoát đứng về Quốc tế thứ ba.
- Tháng 12/1920: Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành việc gia nhập Quốc tế
thứ ba và tham gia sáng lập Đảng cộng sản Pháp. Sự kiện này có ý nghĩa to lớn,
đánh dấu bước ngoặt quan trọng của Người, từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ
nghĩa Mác-Lê-nin và đi theo con đường cách mạng vô sản.
Như vậy, con đường cứu nước mà Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra và đi theo hoàn
toàn khác với con đường cứu nước của các bậc tiền bối trước đó như Phan Bội
Châu, Phan Châu Trinh,... Con đường Người lựa chọn là đi sang phương Tây, nơi
có tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái; có khoa học văn minh phát triển. Trong quá
trình đó, Người bắt gặp chân lí cứu nước là chủ nghĩa Mác-Lê-nin và xác định con
đường cứu nước theo cách mạng Tháng Mười Nga. Đây là con đường duy nhất,
đúng đắn do chính lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong những năm hoạt động ở nước
ngoài đã tìm ra và xác định đúng đắn. Con đường cứu nước ấy hoàn toàn phù hợp
đối với dân tộc ta cũng như các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc khác. Vì nó phù hợp
với sự phát triển của lịch sử dân tộc.
Câu 8. Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã có chuyển biến trong nhận thức
và hành động cách mạng như thế nào? Những điều kiện khách quan và chủ
quan tác động đến sự chuyển biến ấy?
Hướng dẫn trả lời
* Những chuyển biến trong nhận thức và hành động cách mạng của Nguyễn
Ái Quốc năm 1920:
- Trước yêu cầu của lịch sử, Nguyễn Ái Quốc đã ra đi tìm đường cứu nước.
Từ năm 1911 đến năm 1919, Người đi đến nhiều nước ở khắp các châu lục, làm
nhiều nghề để kiếm sống như bồi bàn, quét tuyết, nhóm lò, rửa bát,... Quá trình này
đã cung cấp cho Nguyễn Ái Quốc nhiều nhận thức quan trọng, làm cơ sở để Người
lựa chọn con đường cứu nước sau này.

- Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận
cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lê-nin”, đã khẳng định lập trường kiên
quyết ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc ở các nước phương Đông. Từ đó,
Người hoàn toàn tin theo Lê-nin, dứt khoát đứng về Quốc tế thứ ba.
- Tháng 12/1920, tại Đại hội Tua của Đảng xã hội Pháp họp ở Tua, người bỏ
phiếu tán thành việc gia nhập Quốc tế thứ ba và tham gia sáng lập Đảng cộng sản
Pháp. Sự kiện này đã đánh dấu bước ngoặt trong hoạt động cách mạng của Người,
từ một người yêu nước trở thành chiến sĩ cộng sản, từ chủ nghĩa yêu nước đến với
chủ nghĩa Mác - Lênin và đi theo con đường cách mạng vô sản. Sự kiện đó cũng
đánh dấu bước mở đường giải quyết cuộc khủng hoảng về đường lối giải phóng
dân tộc Việt Nam.


* Những yếu tố khách quan và chủ quan tác động đến sự chuyển biến:
- Khách quan:
+ Cách mạng Tháng Mười Nga thành công (năm 1917) và sự kiện tháng
3/1919, Quốc tế cộng sản được thành lập,... phong trào cách mạng dâng cao trên
thế giới, đặc biệt là sự ra đời của một số Đảng cộng sản trên thế giới, tiêu biểu là:
Đảng Cộng sản Trung Quốc (1921), Đảng Cộng sản Pháp (1920), Đảng Cộng sản
In-đô-nê-xi-a (1921).
- Chủ quan:
+ Cuộc khủng hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo ở Việt Nam vào cuối
thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX nên dẫn đến yêu cầu lịch sử cần tìm ra một con đường
cứu nước mới, giải quyết đồng thời hai mâu thuẫn cơ bản trong xã hội Việt Nam:
mâu thuẫn dân tộc, mâu thuẫn giai cấp.
+ Ngoài ra còn do trí tuệ và nhãn quan chính trị của Nguyễn Ái Quốc.
Câu 9. Trình bày sự ra đời, hoạt động và ý nghĩa của Hội Việt Nam
Cách mạng Thanh niên.
Hướng dẫn trả lời
a) Sự ra đời

- Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc), Người đã
tiếp xúc với các nhà cách mạng tại đây và một số thanh niên mới từ trong nước
sang.
- Tháng 6/1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh
niên, trong đó tổ chức Cộng sản đoàn làm nòng cốt.
b) Hoạt động
- Nguyễn Ái Quốc trực tiếp mở nhiều lớp huấn luyện chính trị để đào tạo
một số thanh niên Việt Nam trở thành những cán bộ cách mạng...
- Năm 1925, xuất bản “Báo thanh niên” làm cơ quan tuyên truyền của Hội.
- Đầu năm 1927, xuất bản tác phẩm “Đường kách mệnh”. Tác phẩm đã vạch
ra những phương hướng cơ bản của Cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam.
- Năm 1928, Hội Việt Nam cách mạng thanh niên có chủ trương “vô sản
hoá” - đưa hội viên vào các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền cùng sống và lao động với
công nhân để tự rèn luyện, đồng thời truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, tổ chức và
lãnh đạo công nhân đấu tranh.
- Đến năm 1929, đáp ứng yêu cầu của phong trào công nhân và phong trào
yêu nước, Chi bộ Cộng sản đầu tiên được thành lập ở Hà Nội (3/1929). Sau Đại hội
lần thứ nhất, Hội Việt Nam cách mạng thanh niên phân hoá thành hai tổ chức là
Đông Dương Cộng sản đảng (6/1929) và An Nam Cộng sản đảng (8/1929).
c) Ý nghĩa
- Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ra đời là mốc quan trọng đánh dấu sự
phát triển của cách mạng Việt Nam, nhờ hoạt động của Hội, chủ nghĩa Mác - Lênin


được truyền bá rộng rãi vào nước ta, thúc đẩy phong trào dân tộc dân chủ phát triển
mạnh mẽ.
- Là bước chuẩn bị về tổ chức cho sự ra đời của. Hội là tổ chức tiền thân của
Đảng Cộng sản Việt Nam.
V. Các dạng bài tập tự giải
Câu 1. Cuộc khai thác thuộc địa lần hai của thực dân Pháp có tác động như

thế nào đối với nền kinh tế Việt Nam?
Câu 2. Dưới tác động của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân
Pháp, xã hội Việt Nam biến đổi như thế nào? Thái độ chính trị và khả năng cách
mạng của mỗi giai cấp?
Câu 3. Phong trào yêu nước của các tầng lớp tư sản và tiểu tư sản từ năm
1919 đến 1925 đã diễn ra như thế nào? Những điểm tích cực và hạn chế của phong
trào trên.
Câu 4. Nêu những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc từ năm 1919 đến năm
1925?
Câu 5. Con đường tìm chân lí cứu nước của Nguyễn Ái Quốc có gì khác so
với những nhà cách mạng tiền bối.
Câu 6. Tại sao trong thời gian ngắn, ba tổ chức cộng sản nối tiếp nhau ra đời
ở Việt Nam?
C. KẾT LUẬN
1. Ý nghĩa của chuyên đề
Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi ở trường phổ thông có ý nghĩa rất quan
trọng đối với nhà trường nói chung và đối với giáo viên giảng dạy, học sinh nói
riêng. Bồi dưỡng học sinh giỏi là trách nhiệm và nhiệm vụ của mỗi giáo viên, đồng
thời nó còn là vấn đề sống còn của mỗi nhà trường để nâng cao uy tín đối với xã
hội, đặc biệt là uy tín của giáo viên đối với học sinh và các bậc phu huynh.
Trên thực tế thì công tác bồi dưỡng học sinh giỏi diễn ra thường xuyên hàng
năm học. Vì vậy, đầu năm học các nhà trường đều có kế hoạch phân công giáo viên
bồi dưỡng các đội tuyển của bộ môn mà giáo viên đó trực tiếp dạy, với hi vọng
trong năm học với sự nỗ lực phấn đấu của giáo viên và học sinh sẽ đem lại kết quả
tốt đẹp cho nhà trường.
2. Bài học kinh nghiệm sau khi thực hiện chuyên đề
Theo bản thân tôi thì kinh nghiệm rút ra sau khi thực hiện chuyên đề này là:
Giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi không chỉ biết kết hợp hài hòa các phương pháp
giảng dạy sao cho hợp lí để củng cố, tái hiện, khắc sâu kiến thức cơ bản. Bên cạnh
đó còn phải biết nâng cao kiến thức; biết phân tích, biết tổng hợp, khái quát kiến

thức theo hệ thống các câu hỏi, các dạng bài tập; rèn luyện kĩ năng, kĩ xảo làm bài


cho học sinh,… Một điều rất quan trọng không thể không nhắc tới đó là tạo được
niềm đam mê, hứng thú và yêu thích môn học, để từ đó các em có ý thức học tập
một cách chủ động, tự giác; có động cơ và thái độ học tập đúng đắn. Làm được như
vậy chúng ta mới đào tạo được những học sinh yêu thích học môn Lịch sử một
cách thực sự, để đáp ứng được yêu cầu của nhà trường, của giáo viên và các bậc
phụ huynh.
3. Kiến nghị, đề xuất
Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc tiếp tục phối hợp với các phòng GD&ĐT và giao cho
giáo viên các bộ môn văn hóa viết chuyên đề, rồi tập trung giáo viên có kinh
nghiệm ở các huyện để cùng nhau trao đổi, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm bồi
dưỡng của mình để nâng cao hiệu quả bồi dưỡng học sinh giỏi và đạt giải cao trong
kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh hàng năm.
Như chúng ta đều biết rằng công tác bồi dưỡng học sinh giỏi rất vất vả, đặc
biệt đối với môn Lịch sử vừa khô khan lại vừa khó học, khó nhớ. Vậy làm thế nào
để học sinh thích học và học có kết quả? Đây là một vấn đề mà các giáo viên giảng
dạy phải trăn trở, suy nghĩ. Để đạt được kết quả như mong muốn giáo viên dạy phải
tìm tòi, học hỏi, giao lưu với các trường bạn, huyện bạn cũng như các bạn ở tỉnh
ngoài để nâng cao chất lượng bộ môn.
Chính vì những lí do nêu trên nên bản thân tôi rất mong muốn là góp một
phần công sức vào quá trình bồi dưỡng nâng cao chất lượng bộ môn và đổi mới
môn học. Vì vậy, rất mong được sự tham gia đóng góp ý kiến của các thầy, cô giáo
có nhiều kinh nghiệm giảng dạy, để tôi tiếp tục hoàn thiện, điều chỉnh và bổ sung
vào thực tiễn giảng dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi của mình ngày càng đạt kết quả
tốt hơn.
Tôi xin trân trọng cảm ơn!
TỔ CHUYÊN MÔN DUYỆT
(Ký, ghi rõ họ và tên)


Tam Đảo, ngày 05 tháng 11 năm 2015
GIÁO VIÊN THỰC HIỆN
(Ký, ghi rõ họ và tên)

Trần Thị Việt Hà

Phan Thị Thúy Hằng
XÁC NHẬN CỦA BAN GIÁM HIỆU
(Ký tên, đóng dấu)

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Hướng dẫn thực hiện đổi mới phương pháp dạy học Lịch sử - Đại học sư
phạm I - Hà Nội (2003)
2. Phương pháp luận sử học: Phan Ngọc Liên, Trịnh Tùng, Trịnh Vĩnh
Tường - NXB Giáo dục (2000)
3. Lí luận về phương pháp dạy học Lịch sử (NXB - Giáo dục năm 1998)
4. Phương pháp dạy học Lịch sử (NXB - Giáo dục 1998)
5. Hướng dẫn giảng dạy Lịch sử 9 - NXB Giáo dục (2003)
6. Sách giáo khoa - sách giáo viên Lịch sử 9 - NXB Giáo dục (2011)
7. Tài liệu bồi dưỡng học sinh giỏi lớp 9



×