Tải bản đầy đủ (.doc) (21 trang)

THIẾT KẾ ĐỀ THI ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HỌC TẬP MÔN SINH HỌC LỚP 1

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (239.03 KB, 21 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
VIỆN ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC
----------

TIỂU LUẬN
Môn học: Cơ sở khoa học và thiết kế các loại hình kiểm tra
đánh giá kết quả học tập

THIẾT KẾ ĐỀ THI ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HỌC TẬP
MÔN SINH HỌC LỚP 12

Giảng viên: PGS.TS Nguyễn Phương Nga
Học viên: Trần Thị Thu Hiền
Lớp: Thạc sĩ Đo lường đánh giá
Khóa: ĐLĐG09 TP. HCM

Tp.Hồ Chí Minh, tháng 08 / 2011


MỤC LỤC
Trang
I. GIỚI THIỆU................................................................................................................3
II. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HỌC TẬP................3
1. Vai trò và chức năng của kiểm tra đánh giá trong giáo dục....................................3
2. Cơ sở khoa học của kiểm tra đánh giá kết quả học tập............................................4
2.1 Các thuật ngữ, định nghĩa...............................................................................................4
2.2 Mối quan hệ giữa Thi/kiểm tra – Đo lường đánh giá – Đánh giá..................................6
3. Các loại hình kiểm tra đánh giá trong dạy học.........................................................7
3.1 Các loại kiểm tra đánh giá trong dạy học.......................................................................7
3.2 Hình thức thi và dạng thức câu hỏi................................................................................8
4. Nguyên tắc và quy trình kiểm tra đánh giá kết quả học tập....................................8


4.1 Các nguyên tắc cơ bản trong kiểm tra đánh giá kết quả học tập...................................8
4.2 Quy trình kiểm tra đánh giá kết quả học tập..................................................................9
4.3 Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả học tập..................................................................11
III. THIẾT KẾ ĐỀ THI ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HỌC TẬP MÔN SINH LỚP 12
1. Giới thiệu môn học........................................................................................................11
2. Giới thiệu nội dung, hình thức và mục đích của đề thi.................................................11
2.1 Tên đề thi......................................................................................................................12
2.2 Mục đích thi.................................................................................................................12
2.3 Khối lượng kiến thức/kỹ năng cần đo lường đánh giá................................................12
2.4 Những loại hình thi/ kiểm tra sẽ được sử dụng...........................................................12
2.5 Mục đích sử dụng các kết quả thi này.........................................................................12
3. Đối tượng học sinh.........................................................................................................13
4. Thời lượng và các cơ sở vật chất cần có để tổ chức được kỳ thi này...........................13
5. Những điều kiện cần thiết để tổ chức kiểm tra/ thi.......................................................13
6. Bảng ma trận/ bảng trọng số câu hỏi thi........................................................................13
7. Nội dung câu hỏi của đề thi và đáp án...........................................................................14
TÀI LIỆU THAM KHẢO............................................................................................21

2


NỘI DUNG
I. GIỚI THIỆU
Dạy và học trong bối cảnh nhà trường có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát
triển căn bản của một đứa trẻ. Với ý nghĩa to lớn đó quá trình dạy và học cần được kiểm
tra, đánh giá một cách khoa học, nghiêm túc để có những định hướng điều chỉnh thích
hợp đảm bảo cho sự phát triển của cá nhân.
Hiện nay ở nước ta, nội dung chương trình và phương pháp dạy học đang từng
bước được đổi mới để đáp ứng kịp thời với sự phát triển của xã hội. Những quy định cơ
bản về hình thức và nội dung kiểm tra, đánh giá kết quả học tập cũng cần được nghiên

cứu để có những đổi mới thích hợp góp phần tạo động lực cho hoạt động học tập của học
sinh và tạo điều kiện cho sự đổi mới toàn diện Giáo dục Việt Nam.
Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh là một hoạt động mang tính khoa
học và nghệ thuật cao. Khoa học để đảm bảo tính khách quan, chính xác của kết quả
kiểm tra, đánh giá. Nghệ thuật vì kết quả học tập của học sinh là một sản phẩm sống, linh
hoạt và biến đổi bởi nhiều nguyên nhân rất khác nhau. Để có thể vận dụng tốt hoạt động
kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh cần có sự đầu tư nghiên cứu một cách kỹ
lưỡng, thấu đáo của các nhà giáo dục.
Vì vậy là một giáo viên bộ môn Sinh học ở trường Trung học phổ thông, sau khi
được nghiên cứu môn học về “ Cơ sở khoa học và thiết kế các loại hình kiểm tra đánh giá
kết quả học tập” tôi đã vận dụng thực hiện bài tiểu luận để thiết kế một đề thi đánh giá
kết quả học tập môn Sinh học lớp 12 của học sinh.

II. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HỌC TẬP
1. Vai trò và chức năng của kiểm tra đánh giá trong giáo dục
 Kiểm tra đánh giá là một bộ phận, một khâu không thể tách rời của quá trình giáo
dục. Kiểm tra đánh giá giúp cung cấp thông tin về kết quả học tập của học sinh, có vai trò
phản hồi cho quá trình giáo dục, có tác dụng tích cực trong việc điều chỉnh và là cơ sở
cho quá trình đổi mới, phát triển giáo dục.
 Đối với học sinh, kiểm tra đánh giá với hình thức phù hợp sẽ tạo ra một động lực
mạnh mẽ kích thích sự nỗ lực vươn lên trong học tập một cách tích cực, tự giác của học
sinh. Kiểm tra đánh giá được tiến hành tốt giúp học sinh có cơ hội để củng cố tri thức, rèn
luyện các kỹ năng, kỹ xảo vận dụng tri thức, phát triển trí tuệ và năng lực tư duy sáng
tạo. Đồng thời việc kiểm tra đánh giá có hệ thống và thường xuyên cung cấp kịp thời
3


những thông tin về những mặt mạnh, yếu trong kiến thức, kỹ năng của học sinh để điều
chỉnh hoạt động học một cách hiệu quả.
 Đối với giáo viên, kiểm tra đánh giá giúp cung cấp những thông tin về mức độ đáp

ứng của học sinh đối với một mục tiêu học tập xác định, những vấn đề khó đối với học
sinh, những hạn chế, thiếu sót trong quá trình dạy và học. Thông qua kiểm tra, đánh giá
giúp giáo viên nhìn nhận lại về kết quả giảng dạy một cách khách quan và định hướng
điều chỉnh kịp thời. Đánh giá đúng đắn, chính xác sẽ cung cấp cho giáo viên thông tin để
ra quyết định hiệu quả hơn.
 Đối với nhà quản lý giáo dục, kiểm tra đánh giá giúp cung cấp những thông tin về
trình độ chung của học sinh, trình độ học sinh ở các lớp, phản ánh chất lượng của quá
trình dạy và học. Thông qua kết quả kiểm tra đánh giá giúp nhà quản lý định hướng cho
việc tổ chức và nâng cao chất lượng quá trình giáo dục phù hợp với mục tiêu và định
hướng phát triển của nhà trường.
Như vậy, kiểm tra đánh giá trong giáo dục thể hiện các chức năng cơ bản sau:
 Chức năng định hướng: dự báo trước những khả năng của học sinh, điểm mạnh,
điểm yếu, kiến thức,kỹ năng, hứng thú của học sinh đối với môn học, sự khác biệt giữa
các học sinh. Trên cơ sở đó giáo viên sẽ định hướng, lựa chọn về nội dung, phương pháp
giảng dạy phù hợp với năng lực của học sinh.
 Chức năng hỗ trợ: cung cấp những thông tin cho việc cải tiến một cách hiệu quả
quá trình dạy và học. Thông qua kiểm tra đánh giá phát hiện những thiếu sót của học sinh
và giúp các em khắc phục.
 Chức năng xác nhận: xác định mức độ mà người học đạt được các mục tiêu học
tập đồng thời là căn cứ để đưa ra các quyết định phù hợp. Cần có một ngưỡng trình độ tối
thiểu và xác định vị trí kết quả của người học với ngưỡng này. Đánh giá với chức năng
xác nhận cũng có thể nhằm xếp loại người học theo một mục đích nào đó, nhằm phân
biệt trình độ khác nhau giữa học sinh này với học sinh khác để xếp hạng hay tuyển chọn,
do đó một chuẩn tối thiểu cần vượt qua không quan trọng bằng sự đối chiếu giữa các học
sinh với nhau.1
2. Cơ sở khoa học của kiểm tra đánh giá kết quả học tập
2.1 Các thuật ngữ, định nghĩa
 Measurement-Đo lường: là quá trình xác định số lượng, hoặc gán một con số cho
việc thể hiện mức độ lĩnh hội các kiến thức, kỹ năng, thái độ của học sinh.
1


Trần Thị Tuyết Oanh, Đánh giá và đo lường kết quả học tập, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, 2009

4


Ví dụ: Chấm điểm vấn đáp hoặc bài kiểm tra.
Đo lường trong giáo dục có một số tính chất đặc thù:


Liên quan trực tiếp đến con người với các mối quan hệ đa chiều.



Cần chuyển các đặc điểm, tính chất cần đo lường thành những dấu hiệu, thao tác
do đó đo lường một cách gián tiếp.

 Các biến số cần đo lường thường dễ thay đổi và khó kiểm soát
 Đo lường trong giáo dục bao gồm cả định tính và định lượng.
- Định tính: thể hiện ở sự mô tả, nhận xét.
- Định lượng: thể hiện bằng số liệu, xếp loại.
- Bốn loại thang đo được sử dụng là: thang định danh, thang thứ bậc, thang
khoảng cách, thang tỉ lệ. Tùy vào đặc tính của biến số cần đo lường để lựa chọn loại
thang đo thích hợp.
 Assessment-Kiểm tra đánh giá: là quá trình thu thập, tổng hợp và diễn giải thông
tin hỗ trợ cho việc ra quyết định (không đưa ra những nhận định về các thông tin, dữ
liệu).
Trong Đại từ điển Tiếng Việt, Nguyễn Như Ý định nghĩa kiểm tra là xem xét thực
chất, thực tế. Theo Bửu Kế, kiểm tra là tra xét, xem xét, kiểm tra là soát xét lại công việc,
kiểm tra là xem xét tình hình thực tế để đánh giá, nhận xét. Còn theo Trần Bá Hoành,

kiểm tra là cung cấp những dữ kiện, những thông tin làm cơ sở cho việc đánh giá.
Như vậy, các nhà khoa học và các nhà giáo dục đều cho rằng kiểm tra với nghĩa là
nhằm thu thập số liệu, chứng cứ, xem xét, soát xét lại công việc thực tế để đánh giá và
nhận xét.2
 Test- Kiểm tra: là quá trình dùng giấy, bút có hệ thống với hình thức thích hợp để
thu thập thông tin.
Việc xây dựng các bài kiểm tra là nhằm mục đích đo lường nhưng không phải mọi mục
đích đo lường đều dùng bài kiểm tra.
Ví dụ: Đo lường thông qua quan sát, vấn đáp mà không dùng kiểm tra.
 Evaluation- Đánh giá: là quá trình cho ý kiến, nhận định về mặt giá trị dựa trên cơ
sở các thông tin đã có.
“Trong đánh giá, ngoài sự đo lường một cách khách quan dựa trên kiểm tra (hay trắc
nghiệm), còn có ý kiến bình luận, nhận xét, phê phán mang tính chủ quan để tiến tới sự
2

Trương Đình Hùng: Một số vấn đề về kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh, trích từ />
5


phán xét…Ta có thể hiểu kiểm tra đánh giá kết quả học tập là sự so sánh, đối chiếu kiến
thức, kỹ năng, thái độ thực tế đạt được ở người học để tìm hiểu và chuẩn đoán trước và
trong quá trình dạy-học hoặc sau một quá trình học tập với các kết quả mong đợi đã xác
định trong mục tiêu dạy học.3”
2.2 Mối quan hệ giữa Thi/kiểm tra – Đo lường đánh giá – Đánh giá
Dựa vào định nghĩa trên ta có thể thấy giữa Thi/Kiểm tra – Đo lường đánh giá –
Đánh giá có mối quan hệ phụ thuộc nhau.
Mối quan hệ giữa 3 thành tố trên được thể hiện qua sơ đồ sau:
Evaluation- Đánh giá
Assessment/Measurement
- Đo lường đánh giá

Testing-Kiểm tra/thi

Thi/Kiểm tra là một trong những hình thức để đo lường năng lực của học sinh.
Ngoài ra có thể đo lường thông qua quan sát dựa trên kinh nghiệm cá nhân, khảo sát thực
tế,…Tuy nhiên để đánh giá phải dựa trên cơ sở của sự đo lường và đánh giá có thể đưa ra
những nhận định, dự đoán rộng hơn những thông tin được thể hiện qua số liệu của sự đo
lường.
Kết quả học tập của học sinh là những năng lực về kiến thức và kỹ năng mà học
sinh có được thông qua hoạt động dạy và học, là kết quả của sự phát triển tư duy, kỹ xảo
làm thay đổi những đặc điểm trong nội tại của học sinh. Do đó không thể quan sát một
cách trực tiếp mà phải thông qua các hành vi nhất định. Các bài kiểm tra/thi được thiết kế
nhằm bộc lộ những năng lực có được của học sinh thông qua các câu hỏi, tình huống mà
học sinh được yêu cầu trả lời, đáp ứng. Thông qua câu trả lời của học sinh cho bài kiểm
tra/thi các nhà giáo dục có thể đo lường mức độ năng lực học tập của học sinh cho những
mục tiêu xác định. Trên cơ sở của kết quả đo lường nhà giáo dục có thể dự đoán, nhận
xét, chỉ ra những hạn chế về năng lực của học sinh ở hiện tại và khả năng phát triển trong
tương lai.
3. Các loại hình kiểm tra đánh giá trong dạy học
3

PGS.TS Trần Khánh Đức: Đo lường và đánh giá trong giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.

6


3.1 Các loại kiểm tra đánh giá trong dạy học
 Về hình thức có thể chia làm 3 loại kiểm tra đánh giá trong dạy học gồm:
o Thi chuẩn đoán, phân lớp (diagnostic test, placement test).
o Kiểm tra giữa kỳ, kiểm tra định kỳ (formative test, progress test)
o


Thi hết môn (summative test)4

Thi chuẩn đoán nhằm kiểm tra đánh giá năng lực đầu vào của học sinh trước khi có
tác động của việc dạy và học, trên cơ sở đó có thể phân học sinh vào các lớp phù hợp với
trình độ hiện có của học sinh.
Kiểm tra giữa kỳ, định kỳ nhằm cung cấp thông tin thường xuyên về những thay đổi
trong quá trình dạy và học, trên cơ sở đó có thể kịp thời điều chỉnh quá trình dạy và học
phù hợp nhằm đảm bảo kết quả học tập đạt mục tiêu đã đề ra.
Thi hết môn được thực hiện khi kết thúc một môn học nhằm kiểm tra đánh giá mức
độ nắm vững kiến thức kỹ năng đã được đề ra trong mục tiêu môn học hoặc nhằm so
sánh năng lực giữa các học sinh giúp phân loại, khen thưởng các học sinh có kết quả học
tập tốt hơn. Đồng thời thông qua kết quả của bài thi hết môn có thể đánh giá hiệu quả
giảng dạy của giáo viên.
 Về tính chất có hai loại kiểm tra đánh giá là:
o Kiểm tra đánh giá đối chiếu hay theo chuẩn tương đối (Norm Referenced
Assessment)
Đây là loại kiểm tra đánh giá có tính chất tương đối, chủ yếu là so sánh kết quả học
tập giữa các ngưòi học với nhau. Loại này phù hợp với việc thi tuyển, lựa chọn một số
lượng nhất định những người tốt nhất trong số người học dự thi.
o Kiểm tra đánh giá theo tiêu chí (Criterion Referenced Assessment)
Đây là loại kiểm tra đánh giá có tính chất tuyệt đối, đánh giá kết quả học tập của từng
người học đạt được thực tế so với các tiêu chí đã đề ra. Dù người học chỉ không đạt được
một tiêu chí nào đó thôi thì người học vẫn phải học lại bài đó, môđun đó để thi, kiểm tra
lại.5
Đối với bài thi/kiểm tra có thể được thiết kế nhằm mục đích so sánh năng lực giữa các
học sinh các câu hỏi được lựa chọn phải phân loại được học sinh ở các mức độ khá, giỏi

4


PGS.TS Nguyễn Phương Nga – Bài giảng môn Cơ sở khoa học và thiết kế các loại hình kiểm tra đánh giá kết quả
học tập.
5
Xem 3

7


khác nhau. Vì vậy những câu hỏi dễ có thể bị loại bỏ và kết quả thể hiện thứ bậc giữa các
học sinh trong nhóm.
Đối với bài thi/kiểm tra còn có thể được thiết kế với mục đích nhằm so sánh kết quả
đạt được của học sinh với những kiến thức/kỹ năng xác định các tiêu chí về kiến thức/kỹ
năng được mô tả kỹ và các câu hỏi được lựa chọn phải giúp mô tả đủ các kỹ năng của
học sinh. Vì vậy những câu hỏi dễ có thể được sử dụng và kết quả thể hiện những chuẩn
năng lực xác định của học sinh.
Giáo dục nước ta hiện nay còn tập trung nhiều ở các bài thi/kiểm tra nhằm mục
đích so sánh giữa các học sinh chưa phát huy được những bài thi/kiểm tra năng lực của
học sinh theo các tiêu chí,kỹ năng cần thiết của bộ môn, của các kỹ năng tự học.
3.2 Hình thức thi và dạng thức câu hỏi
Hình thức thi: gồm 3 hình thức thi cơ bản là vấn đáp, viết, thí nghiệm-thực hành.
 Thi vấn đáp có sự trao đổi trực tiếp thông qua ngôn ngữ nói giữa người thi và
người đánh giá kết quả.
 Thi viết yêu cầu học sinh thông qua ngôn ngữ viết thực hiện một bài thi/kiểm tra
với các câu hỏi được thiết kế trên giấy. Các câu hỏi có thể có các dạng thức sau:
o Trắc nghiệm khách quan: dạng câu hỏi nhiều lựa chọn, điền khuyết, lắp
ghép.
o Trắc nghiệm chủ quan: tiểu luận, trả lời câu hỏi, lý giải vấn đề.6
 Thi thí nghiệm-thực hành: học sinh tiến hành thao tác trên các dụng cụ, mẫu vật
nhằm chứng minh một nội dung kiến thức của môn học.
Tùy vào mục đích thi lựa chọn dạng thức thi và câu hỏi phù hợp để có thể thu thập

được những thông tin cần thiết hợp lý cho việc đánh giá kết quả học tập.
4. Nguyên tắc và quy trình kiểm tra đánh giá kết quả học tập
4.1 Các nguyên tắc cơ bản trong kiểm tra đánh giá kết quả học tập
Để kiểm tra đánh giá phát huy được tác dụng và vai trò của mình các nhà giáo dục
cần đảm bảo các nguyên tắc cơ bản sau trong kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học
sinh:
 Kiểm tra đánh giá kết quả học tập(các bài thi) phải đo được những kiến thức,kỹ
năng theo đúng mô tả trong mục tiêu môn học.

6

Xem 4.

8


 Kiểm tra đánh giá kết quả học tập(các bài thi) phải đo được mẫu đại diện những
nhiệm vụ học tập(mục tiêu cụ thể) của môn học.
 Kiểm tra đánh giá kết quả học tập(các bài thi) phải bao gồm những dạng thức câu
hỏi phù hợp nhất để đo lường kiến thức, kỹ năng đã xác định.
 Kiểm tra đánh giá kết quả học tập(các bài thi) phải được xây dựng phù hợp với
mục đích sử dụng kết quả thi.
 Kiểm tra đánh giá kết quả học tập(các bài thi) phải đạt độ giá trị và độ tin cậy cao
và cần thận trọng khi phân tích giải thích kết quả thi (điểm số)
 Kiểm tra đánh giá kết quả học tập phải có tác động tích cực giúp học sinh cải tiến
phương pháp học tập.7
Việc thiết kế các bài thi/kiểm tra cần có sự đầu tư, chọn lọc một cách khoa học
nghiêm túc để có thể đánh giá một cách chính xác năng lực thực tế của học sinh.
4.2 Quy trình kiểm tra đánh giá kết quả học tập
Có thể nói kiểm tra đánh giá trong lớp học là quá trình thu thập thông tin, đánh giá

và sử dụng thông tin giúp cho giáo viên ra quyết định tốt hơn. Như vậy quy trình kiểm tra
đánh giá lớp học gồm 4 thành tố chính yếu đó là mục đích, xác định thông tin, đánh giá
và sử dụng. Thứ tự các bước và các câu hỏi về nội dung chính ở mỗi bước được thể hiện
qua biểu đồ sau:
Mục đích
Tại sao tôi
đang thực hiện
đánh giá này?

Xác định thông tin
Tôi cần phải sử dụng
những thủ thuật gì
để thu thập thông tin

Đánh giá
Tôi sẽ giải thích những
kết quả như thế nào?
Tôi sẽ sử dụng những
tiêu chuẩn và tiêu chí
nào để đánh giá?

Sử dụng
Tôi sẽ sử dụng
những kết quả
đánh giá như
thế nào?

 Mục đích:
Cho dù đánh giá trước, trong hay sau khi giảng, bước đầu tiên trong bất kỳ một
đánh giá nào đều là việc xác định rõ mục đích hoặc những mục đích của việc thu thập

thông tin. Thông tin thu được sẽ giúp gì cho việc ra quyết định của giáo viên. Điều quan
trọng là đánh giá đó sẽ thúc đẩy việc học tập của học sinh như thế nào?
 Xác định thông tin:
Có thể sử dụng nhiều thủ thuật để xác định một đặc tính hoặc một mục tiêu học tập
như bài kiểm tra, quan sát, phỏng vấn,…
 Đánh giá:
7

Xem 4

9


Chúng ta sẽ cần phải phân cấp mức giá trị cho các con số và thông tin đã thu thập
được. Đánh giá nhằm giải thích những thông tin thu thập được, thực hiện những nhận xét
về kết quả học tập của học sinh. Các tiêu chuẩn và tiêu chí được sử dụng để xác định mức
độ của kết quả học tập.
 Sử dụng:
Việc sử dụng các kết quả kiểm tra đánh giá và những thông tin khác nhằm giúp giáo
viên đưa ra các quyết định hiệu quả bao gồm việc sử dụng để chuẩn đoán, phân loại học
sinh hoặc điều chỉnh quá trình giảng dạy. 8
Quy trình kiểm tra đánh giá có thể được cụ thể hóa bằng các bước sau:
o Căn cứ vào mục tiêu dạy học và mục đích học tập để xác định mục tiêu đánh giá.
o Lượng hóa các mục tiêu dạy học để đặt ra các mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ
năng, thái độ... nhằm xác định nội dung và các tiêu chí đánh giá;
o Lựa chọn phương pháp đánh giá phù hợp với mục tiêu, nội dung đã đề ra trên cơ
sở các đặc điểm của đối tượng được đo lường, thẩm định và trên cơ sở hoàn cảnh
xã hội;
o Soạn thảo công cụ: Viết câu hỏi, đặt bài toán dựa trên mục tiêu đề ra và nội dung
cần đánh giá;

o Sắp xếp câu hỏi, bài toán từ dễ đến khó, chú ý đến tính tương đương của các đề
(nếu có nhiều đề) và duyệt lại đáp án;
o Tiến hành đo lường;
o Phân tích kết quả, đánh giá độ tin cậy và độ giá trị của bài thi;
o Điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện công cụ đánh giá bài thi.9
4.3 Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả học tập
Có rất nhiều yếu tố khách quan và chủ quan ảnh hưởng đến kết quả học tập và ảnh
hưởng đến độ tin cậy, độ giá trị của kiểm tra đánh giá.
Các yếu tố chủ quan, bên trong cá nhân của học sinh bao gồm: Các đặc điểm về
nhận thức, kiến thức nền, thói quen học tập, thói quen làm bài thi, tâm lý, sự lo lắng trước
khi thi, văn phong, cách diễn đạt,…
Các yếu tố khách quan bên ngoài như: việc hướng dẫn các kỹ năng làm bài thi,
quản lý thi cử, đề thi chuẩn hóa, cơ sở vật chất, tài liệu thi,…
8

James H. McMillan, Viện đại học quốc gia Virginia, Đánh giá lớp học những nguyên tắc và thực tiễn để giảng dạy
hiệu quả, Bản quyền Allyn & Bacon xuất bản giáo dục Pearson.
9
Xem 2

10


Cần lưu ý giảm thiểu các yếu tố trên để đảm bảo đánh giá chính xác kết quả học
tập của học sinh.
III. THIẾT KẾ ĐỀ THI ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HỌC TẬP MÔN SINH LỚP 12
1. Giới thiệu môn học
Theo hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kỹ năng môn Sinh học 12 của Bộ Giáo
dục và Đào tạo mục tiêu môn học bao gồm mục tiêu về kiến thức và kỹ năng như sau:
 Mục tiêu về kiến thức:

o Trình bày được những kiến thức phổ thông, cơ bản, hiện đại, thực tiễn về di
truyền, tiến hóa và sinh thái.
o Nêu được những tri thức cơ bản về cơ sở vật chất và cơ chế của hiện tượng di
truyền và biến dị, về tính quy luật của hiện tượng di truyền, về những ứng dụng của di
truyền trong sản xuất và đời sống, về di truyền người.
o Trình bày được các bằng chứng, nguyên nhân và cơ chế tiến hóa, về sự phát
sinh và phát triển của sự sống trên trái đất.
o Phân tích được mối quan hệ giữa cá thể và môi trường, về quần thể, quần xã,
hệ sinh thái - sinh quyển và sinh thái học với việc quản lý nguồn lợi thiên nhiên.
o Nắm vững những kiến thức cơ bản nói trên là cơ sở để hiểu các biện pháp kỹ
thuật nhằm nâng cao năng suất vật nuôi, cây trồng và bảo vệ môi trường, góp phần
nâng cao chất lượng cuộc sống.
 Mục tiêu về kỹ năng:
o Học sinh thành thạo kỹ năng quan sát, mô tả các hiện tượng sinh học.
o Học sinh thành thạo các kỹ năng thực hành sinh học.
o Học sinh vận dụng được kiến thức vào thực tiễn.
o Học sinh thành thạo các kỹ năng học tập, đặc biệt là kỹ năng tự học.
2. Giới thiệu nội dung, hình thức và mục đích của đề thi
2.1 Tên đề thi: “KIỂM TRA HẾT MÔN SINH HỌC 12”
2.2 Mục đích thi: Kiểm tra mức độ nắm vững các kiến thức trọng tâm của chương trình
Sinh học 12 của học sinh.
2.3 Khối lượng kiến thức/kỹ năng cần đo lường đánh giá:
 Phần di truyền học gồm:
o Cơ chế di truyền và biến dị
o Tính quy luật của hiện tượng di truyền
11


o Di truyền học quần thể
o Ứng dụng di truyền học

o Di truyền học người
 Phần tiến hóa gồm:
o Bằng chứng tiến hóa
o Nguyên nhân và cơ chế tiến hóa
o Sự phát sinh và phát triển của sự sống
 Phần sinh thái học gồm:
o Cá thể và môi trường
o Quần thể
o Quần xã
o Hệ sinh thái – Sinh quyển – Sinh thái học và quản lý tài nguyên thiên nhiên
2.4 Những loại hình thi/ kiểm tra sẽ được sử dụng:
Do khối lượng kiến thức cần đo lường rộng dàn trải trong toàn bộ chương trình Sinh
học 12 nên hình thức câu hỏi sử dụng thiết kế bài kiểm tra là dạng câu hỏi trắc nghiệm
khách quan nhiều lựa chọn.
o Số lượng câu hỏi: 40 câu hỏi.
o Điểm số: Tối đa 10 điểm - 0.25 điểm/câu.
2.5 Mục đích sử dụng các kết quả thi này:
 Đánh giá mức độ nắm vững kiến thức trọng tâm ở các phần khác nhau trong
chương trình Sinh học 12 của học sinh.
 So sánh mức độ nắm vững kiến thức trọng tâm chương trình Sinh học 12 giữa các
học sinh.
 Đánh giá mức độ đáp ứng của học sinh với các câu hỏi yêu cầu khả năng vận dụng
kiến thức.
3. Đối tượng học sinh: Toàn bộ học sinh khối 12 của một trường Trung học phổ thông
công lập.
4. Thời lượng và các cơ sở vật chất cần có để tổ chức được kỳ thi:
 Thời lượng của bài thi: 45 phút.
 Cơ sở vật chất cần có:
o Đề thi, bảng trả lời trắc nghiệm, giấy nháp.
12



o Phòng thi, danh sách học sinh và giám thị của phòng thi.
5. Những điều kiện cần thiết để tổ chức kiểm tra/ thi:
o Học sinh đã được học và ôn tập toàn bộ chương trình Sinh học 12.
o Học sinh nắm rõ được hình thức thi, phòng thi và lịch thi.
o Đảm bảo tính khoa học, bảo mật của đề thi và luôn có đề thi dự phòng.
o Mỗi phòng thi có ít nhất một giám thị và các giám thị văn phòng hỗ trợ thu và
kiểm bài thi.
o Có người điều hành, chịu trách nhiệm chính về tiến trình tổ chức thi và giải quyết
các vấn đề phát sinh.
6. Bảng ma trận/ bảng trọng số câu hỏi thi
 Tổng quan nội dung, trọng tâm kiến thức, cơ sở thiết kế bảng trọng số của đề thi:
o Đề thi gồm 40 câu hỏi dạng trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn.
o Nội dung kiểm tra gồm 3 phần Di truyền học – Tiến hóa – Sinh thái.
Phần Di truyền học quan trọng nhất với nhiều nội dung cần kiểm tra đánh giá. Phần
Tiến hóa và Sinh thái có vai trò như nhau. Vì vậy tỉ lệ phần trăm và số câu hỏi phân bố
cho 3 phần như sau:
- Di truyền học: 60% = 24 câu.
- Tiến hóa và Sinh thái học: 20% = 8 câu.
o Trong các nội dung cụ thể của từng phần thì có 3 nội dung quan trọng nhất là:
- Cơ chế di truyền và biến dị
- Tính quy luật của hiện tượng di truyền
- Cơ chế tiến hóa.
 Dựa trên mức độ quan trọng của kiến thức ở các phần khác nhau như trên thiết kế
bảng trọng số phân bố câu hỏi cho các nội dung ở các mức độ khác nhau như sau:
MỨC ĐỘ CỦA CÂU HỎI
TỔNG
Biết
Hiểu

Vận dụng
(50%) (25%) (25%)

NỘI DUNG

Phần
Di truyền
học
(60%)
(24 câu)

Cơ chế di truyền và biến dị
Tính qui luật của hiện tượng
di truyền
Di truyền học quần thể
Ứng dụng di truyền học
Di truyền học người
Bằng chứng tiến hoá
Cơ chế tiến hoá

5

3

2

10

4


3

1

8

1
1

1

3

2

2
1
1
1

2
3
1
1
6
13


Phần
Tiến

hóa
(20%)
(8 câu)
Phần
Sinh

Sự phát sinh và phát triển sự
sống trên Trái đất
Sinh thái học cá thể
thái Sinh thái học quần thể
Quần xã sinh vật
Hệ sinh thái, sinh quyển và
bảo vệ môi trường

TỔNG

1
1
1
2

1
2
1
3

1

2


10

40

1

1
20

1

10

7. Nội dung câu hỏi của đề thi và đáp án
A. Phần Di truyền học – 24 câu
 Cơ chế di truyền và biến dị - 10 câu.
o Mức độ Biết – 5 câu
1. Nguyên tắc bán bảo tồn trong cơ chế nhân đôi của ADN là:
A. Hai ADN mới được hình thành hoàn toàn giống nhau và giống với ADN mẹ ban
đầu
B. Hai ADN mới được hình thành có một ADN mới giống với ADN mẹ, còn ADN
kia đổi khác
C. Trong hai ADN mới hình thành, mỗi ADN gồm có một mạch cũ và một mạch mới
được tổng hợp.
D. Sự nhân đôi xảy ra trên hai mạch của ADN theo hai hướng ngược chiều nhau.
2. Mã bộ ba mỡ đầu trên mARN là:
A. UAA
B. AUG
C. AAG
D. UAG

3. Ở sinh vật nhân sơ, enzym ARN pôlimeraza đính vào:
A. Gen điều hòa để bắt đầu phiên mã
B. Vùng chỉ huy để bắt đầu phiên mã
C. Gen cấu trúc để bắt đầu phiên mã
D. Vùng khởi động để bắt đầu phiên mã
4. Nguồn nguyên liệu chủ yếu chọn giống và tiến hóa là:
A. Đột biến gen
B. Đột biến nhiễm sắc thể
C. Biến dị tổ hợp
D. Biến dị di truyền
5. Thể lệch bội là những biến đổi về số lượng nhiễm sắc thể xảy ra ở:
A. Một cặp nhiễm sắc thể
B. Một số cặp nhiễm sắc thể
C. Một hay một số nhiễm sắc thể
D. Tất cả các cặp nhiễm sắc thể
14


o Mức độ Hiểu – 3 câu
6. Vai trò nào dưới đây của ADN là không đúng?
A. Mang thông tin di truyền qui định sự hình thành các tính trạng của cơ thể
B. Trực tiếp tham gia vào quá trình sinh tổng hợp protein
C. Duy trì thông tin di truyền qua các thế hệ tế bào và thế hệ cơ thể qua tái bản
D. Đóng vai trò quan trọng trong tiến hóa thông qua các đột biến của ADN
7. Đột biến chỉ ảnh hưởng đến thành phần một bộ ba là:
A. Mất một cặp nuclêotit
B. Thay thế một cặp nuclêotit này bằng một cặp nuclêotit khác
C. Thêm một cặp nuclêotit
D. Chuyển đổi vị trí của 2 cặp nuclêotit cho nhau
8. Cơ chế phát sinh các giao tử (n – 1) và (n + 1) là do:

A. Một cặp nhiễm sắc thể tương đồng không được nhân đôi
B. Thoi vô sắc không được hình thành
C. Cặp nhiễm sắc thể tương đồng không xếp song song ở kì giữa I của giảm phân
D. Cặp nhiễm sắc thể tương đồng không phân li ở kì sau của giảm phân
o Mức độ Vận dụng – 2 câu
9. Nếu bộ nhiễm sắc thể lưỡng bội của một loài 2n = 14 thì số lượng nhiễm sắc thể trong
tế bào sinh dưỡng ở các thể ba, thể một, thể không của loài đó lần lượt là:
A. 15, 13, 12
B. 15, 12, 13
C. 13, 12, 15
D. 13, 15, 12
10. Một nhiễm sắc thể của một loài mang nhóm gen theo thứ tự là MNOPQRS, nhưng có
một cá thể trong loài người ta phát hiện nhiễm sắc thể đó mang nhóm gen MNQPORS.
Đây là 1 loại đột biến:
A. Gen
B. Lặp đoạn nhiễm sắc thể
C. Chuyển đoạn nhiễm sắc thể
D. Đảo đoạn nhiễm sắc thể
 Tính quy luật của hiện tượng di truyền – 8 câu
o Mức độ Biết – 4 câu
11. Theo quan niệm của Menden, mỗi tính trạng của cơ thể do:
A. Một nhân tố di truyền qui định
B. Một cặp nhân tố di truyền qui định
C. Hai nhân tố di truyền khác loại qui định
D. Hai cặp nhân tố di truyền qui định
12. Thế nào là gen đa hiệu?
A. Gen tạo ra nhiều loại mARN
B. Gen điều khiển sự hoạt động của của các gen khác
C. Gen mà sản phẩm của nó có ảnh hưởng đến nhiều tính trạng khác nhau
D. Gen tạo ra sản phẩm với hiệu quả rất cao

13. Cơ sở tế bào học của liên kết gen là:
A. Các gen liên kết cùng phân li với nhiễm sắc thể trong quá trình phân bào
15


B. Các gen trong nhóm liên kết di truyền đồng thời với nhau
C. Sự phân li của nhiễm sắc thể tương đồng trong giảm phân
D. Sự thụ tinh đã đưa đến sự tổ hợp của các nhiễm sắc thể tương đồng
14. Mức phản ứng của cơ thể do yếu tố nào qui định?
A. Điều kiện môi trường
B. Kiểu gen của cơ thể
C. Thời kì sinh trưởng
D. Thời kì phát triển
o Mức độ Hiểu – 3 câu
15. Trong quy luật phân li độc lập, nếu P thuần chủng khác nhau bởi n cặp tính trạng
tương phản. Số loại kiểu hình ở Fn là:
A. 9:3:3:1
B. 2n
C. 3n
D. (3:1)n
16. Lai phân tích cá thể dị hợp tử về hai cặp gen, tần số hoán vị gen được tính dựa vào:
A. Tổng tần số 2 kiểu hình tạo bởi giao tử không hoán vị
B. Tổng số kiểu hình khác bố mẹ
C. Tổng tần số 2 kiểu hình tạo bởi các giao tử hoán vị
D. Tổng số các cá thể có kiểu hình lặn
17. Tính trạng nào không phải tính trạng số lượng?
A. Số lượng trứng của một giống gà
B. Sản lượng sữa của một giống bò
C. Chiều dài hạt của một giống lúa
D. Lượng bơ trong sữa của một giống bò

o Mức độ Vận dụng – 1 câu
18. Bố mẹ đều bình thường, sinh được 1 con trai mù màu. Kiểu gen của bố mẹ là:
A.
B.
C.
D.

Bố: XMY, mẹ : XMXM
Bố : XmY, mẹ : XMXm
Bố: XmY, mẹ XMXM
Bố : XMY, mẹ XMXm
 Di truyền học quần thể - 2 câu

o Mức độ Biết – 1 câu
19. Tất cả các alen của các gen trong quần thể tạo nên:
A. Vốn gen của quần thể
B. Kiểu gen của quần thể
C. Kiểu hình của quần thể
D. Thành phần kiểu gen của quần thể
o Mức độ Hiểu – 1 câu
20. Ý nào sau đây là quan trọng nhất trong khái niệm quần thể?
A. Số đông cá thể cùng loài
B. Chiếm một khoảng không gian xác định
16


C. Tồn tại qua nhiều thế hệ
D. Các cá thể tự do giao phối với nhau
 Ứng dụng di truyền học - 3 câu
o Mức độ Biết – 1 câu

21. Kỹ thuật chuyển gen là kỹ thuật thao tác trên
A. Vật liệu di truyền cấp phân tử
B. Tế bào nhân sơ
C. Nhiễm sắc thể
D. Tế bào nhân thực
o Mức độ Vận dụng – 2 câu
22. Sản xuất hoocmon insulin của người trên quy mô công nghiệp hiện nay là ứng dụng
A. Phương páp gây đột biến ở vi sinh vật bằng tác nhân vật lý
B. Phương pháp gây đột biến ở động vật bằng tác nhân hóa học
C. Công nghệ gen, chuyển ghép gen vào thực vật
D. Công nghệ gen, chuyển ghép gen vào vi khuẩn
23. Chất cônsixin được dùng cho loại cây sau đây để tạo ra giống mới đem lại hiệu quả
kinh tế cao
A. Cây lúa
B. Cây đậu tương
C. Cây củ cải đường
D. Cây ngô
 Di truyền người – 1 câu – Mức độ Vận dụng
24. Cơ chế phát sinh hội chứng Đao là:
A. Giao tử chứa 2 NST số 23 kết hợp với giao tử bình thường
B. Giao tử chứa 2 NST số 21 kết hợp với giao tử bình thường
C. Giao tử không chứa 2 NST số 21 kết hợp với giao tử bình thường
D. Giao tử chứa 2 NST số 22 bị mất đoạn kết hợp với giao tử bình thường
B. Phần Tiến hóa – 8 câu
 Bằng chứng tiến hóa – 1 câu – Mức độ Vận dụng
25. Ví dụ nào sau đây minh hoạ cho cơ quan tương đồng?
A. Cánh sâu bọ và cánh dơi giúp chúng bay trong không trung.
B. Gai của cây hoàng liên và gai của cây hoa hồng.
C. Tuyến nọc độc của rắn và tuyến nước bọt của các động vật khác.
D. Chân chuột chũi và chân dế dũi dùng để đào đất.

 Cơ chế tiến hóa – 6 câu
o Mức độ Biết – 3 câu
26. Nhân tố tiến hoá nào sau đây là nguyên liệu thứ cấp cho quá trình tiến hoá ?
A. Đột biến, di nhập gen.
B. Di nhập gen, chọn lọc tự nhiên.
17


C. Giao phối không ngẫu nhiên.
D. Chọn lọc tự nhiên.
27. Theo Đacuyn, biến dị cá thể là :
A. những biến đổi của cá thể xuất hiện trong quá trình sống.
B. những biến đổi như nhau của các cá thể trong cùng điều kiện môi tường.
C. những sai khác giữa những cá thể cùng loài trong quá trình sinh sản.
D. những biến đổi về kiểu hình của cùng một kiểu gen.
28. Tiến hóa nhỏ nghiên cứu quá trình nào sau đây?
A. Quá trình hình thành các đơn vị phân loại trên loài.
B. Quá trình biến đổi thành phần kiểu gen của quần thể.
C. Quá trình hình thành những dạng sinh vật mới.
D. Quá trình biến đổi của từng nhóm cá thể theo nhiều hướng khác nhau.
o Mức độ Hiểu – 2 câu
29. Theo quan niệm hiện đại, thực chất tác dụng của chọn lọc tự nhiên là:
A. phân hóa khả năng sống của các cá thể trong quần thể.
B. phân hóa khả năng sinh sản của các cá thể trong quần thể giao phối.
C. phân hóa khả năng sống của quần thể.
D. phân hóa khả năng di truyền một kiểu gen qua các thế hệ sinh sản vô tính.
30. Sự hình thành đặc điểm thích nghi của sinh vật với môi trường sống là do :
A. tính biến dị và di truyền.
B. tính biến dị và chọn lọc tự nhiên.
C. chọn lọc tự nhiên.

D. chọn lọc tự nhiên dựa trên cơ sở biến dị và di truyền.
o Mức độ Vận dụng – 1 câu
31. Ví dụ nào sau đây được xem là nhân tố di nhập gen?
A. Một bầy khỉ ở Thảo cầm viên đem thả vào rừng Cần Giờ.
B. Một bầy cá trong ao.
C. Một đàn gà nuôi thả trong vườn.
D. Một con voi đem nuôi trong thảo cầm viên.
 Sự phát sinh và phát triển của sự sống trên trái đất – 1 câu – Mức độ Biết
32. Sự phát sinh sự sống gồm các giai đoạn theo thứ tự :
A. tiến hóa hóa học, tiến hóa tiền sinh học.
B. tiến hóa hóa học, tiến hóa tiền sinh học, tiến hóa sinh học.
C. tiến hóa tiền sinh học, tiến hóa hóa học, tiến hóa sinh học.
D. tiến hóa hóa học, tiến hóa sinh học.
C. Phần Sinh thái học – 8 câu
 Cá thể và môi trường – 2 câu
o Mức độ Biết – 1 câu
33. Sự tác động của các nhân tố sinh thái lên một cơ thể sinh vật là:
A.
sự cộng đơn giản tác động của từng nhân tố.
B.
tích nhân của mỗi tác động nhân tố sinh thái.
C.
tổng hợp các yếu tố vô sinh.
18


D.

tác động tổng hợp của cả phức hệ nhân tố sinh thái.


o Mức độ Vận dụng – 1 câu
34. Cây tiêu ở miền Nam đem ra miền Bắc trồng thì chết, đây là quy luật:
A. giới hạn sinh thái.
B. tác động tổng hợp của các nhân tố sinh thái.
C. tác động không đồng đều của nhân tố sinh thái lên chức phận sống của cơ thể.
D. tác động qua lại giữa sinh vật và môi trường.
 Quần thể - 1 câu – Mức độ Biết
35. Giữa các sinh vật cùng loài có mối quan hệ là:
A. hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau.
B. cạnh tranh, ức chế.
C. đối địch, quần tụ.
D. hỗ trợ, cạnh tranh đối địch.
 Quần xã – 3 câu
o Mức độ Biết – 2 câu
36. Số lượng cá thể của lòai này kìm hãm số lượng cá thể của lòai khác là hiện tượng:
A. khống chế sinh học.
B. cân bằng sinh học.
C. nhịp sinh học.
D. Cân bằng quần thể.
37. Quan hệ hai bên đều có lợi và bắt buộc là quan hệ:
A. cộng sinh.
B. hội sinh.
C. hợp tác.
D. ký sinh.
o Mức độ Hiểu – 1 câu
38. Sự phân tầng có ý nghĩa:
A. giảm cạnh tranh giữa các lòai.
B. cân bằng sinh học.
C. giảm tỉ lệ sinh.
D. giúp tăng khả năng sinh sản.

 Hệ sinh thái – Sinh quyển – Quản lý tài nguyên thiên nhiên – 2 câu
o Mức độ Biết – 1 câu
39. Các kiểu hệ sinh thái cơ bản gồm:
A. hệ sinh thái tự nhiên và hệ sinh thái nhân tạo.
B. hệ sinh thái trên cạn và hệ sinh thái dưới nước.
C. hệ sinh thái tự nhiên và hệ sinh thái dưới nước.
D. hệ sinh thái trên cạn và hệ sinh thái dưới nước.
o Mức độ Vận dụng – 1 câu
40. Hãy tìm chuỗi thức ăn đúng nhất:
19


A. cỏ  thỏ  cáo  vi sinh vật.
B. cỏ  cáo  chó sói  vi sinh vật.
C. mùn  gà  cáo  nai  vi sinh vật.
D. mùn  cỏ  thỏ  sinh vật sản xuất.

ĐÁP ÁN
1
C
11
B
21
A
31
A

2
B
12

C
22
D
32
B

3
D
13
B
23
A
33
D

4
A
14
B
24
B
34
A

5
C
15
B
25
D

35
D

6
B
16
C
26
C
36
A

7
B
17
D
27
C
37
A

8
D
18
D
28
B
38
A


9
A
19
A
29
B
39
A

10
D
20
D
30
D
40
A

20


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. PGS.TS Nguyễn Phương Nga – Bài giảng môn Cơ sở khoa học và thiết kế các loại
hình kiểm tra đánh giá kết quả học tập.
2. PGS.TS Trần Khánh Đức, Đo lường và đánh giá trong giáo dục, Đại học Quốc
gia Hà Nội.
3. Trần Thị Tuyết Oanh, Đánh giá và đo lường kết quả học tập, NXB Đại học Sư
phạm, 2009.
4. Trương Đình Hùng, Một số vấn đề về kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học
sinh, trích từ />5. William Wiersma, Stephen G. Jurs, Educational Measurement and Testing, The

Univerity of Toledo.
6. James H. McMillan, Viện đại học quốc gia Virginia, Đánh giá lớp học những
nguyên tắc và thực tiễn để giảng dạy hiệu quả, Bản quyền Allyn & Bacon xuất bản
giáo dục Pearson.

21



×