Tải bản đầy đủ (.pdf) (211 trang)

NHỮNG BIẾN ĐỔI KINH TẾ - XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC THỜI PHÁP THUỘC (1862 – 1945

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (17.46 MB, 211 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BÙI THỊ HUỆ

NHỮNG BIẾN ĐỔI KINH TẾ - XÃ HỘI
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC
THỜI PHÁP THUỘC (1862 – 1945)

Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam cận - hiện đại
Mã số: 62 22 54 05

LUẬN ÁN TIẾN SĨ KHOA HỌC LỊCH SỬ

Người hướng dẫn khoa học:
1. PGS.TS. Nguyễn Phan Quang
2. PGS.TS Ngô Minh Oanh

Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2009


LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Kết quả nghiên cứu chưa
được công bố tại công trình nào khác. Nguồn tài liệu trích dẫn và các số liệu được sử dụng
trong luận án hoàn toàn dựa trên nguồn tư liệu xác thực.

Tác giả luận án

Bùi Thị Huệ



DẪN LUẬN
1. Lí do chọn đề tài và mục đích nghiên cứu
1.1. Lí do chọn đề tài
Tỉnh Bình Phước thuộc miền Đông Nam Bộ, tổng diện tích tự nhiên là 6.831.71 km2, dân số
823.600 người, mật độ trung bình 88 người/ km2, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm khoảng

17,9% dân số toàn tỉnh [10, tr 8]. Địa giới phía đông của Bình Phước giáp với Đăk Nông, Lâm
Đồng và Đồng Nai, phía tây giáp tỉnh Tây Ninh và tỉnh Công Pông Chàm của Campuchia, phía bắc
giáp tỉnh Krachê và Mun Dun Ki Ri (Campuchia) và phía Nam giáp với Bình Dương.
Bình Phước là vùng đất được khai phá trong quá trình mở rộng bờ cõi về phía Nam của
triều Nguyễn. Cư dân tại chỗ - cho đến khi thực dân Pháp xâm lược - mới bước vào xã hội tiền
phân chia giai cấp và nhà nước. Họ chủ yếu làm rẫy cạn, bên cạnh đó cũng học thêm kiểu canh
tác lúa nước của người kinh để sinh sống. Trình độ sản xuất lạc hậu, công cụ thô sơ và thói
quen sống du canh du cư đã đặt cư dân tại chỗ vào vòng xoay của cuộc sống đói nghèo, bệnh
tật. Trình độ quản lý xã hội tương ứng với giai đoạn tộc người còn thấp. Đơn vị hành chính duy
nhất là các phum, sóc hoặc bon (gọi chung là làng), được duy trì bằng luật tục và dựa trên quan
hệ huyết thống.
Thời Pháp thuộc (1862 – 1945), Bình Phước là vùng phía bắc của tỉnh Thủ Dầu Một, được
nối liền với vùng phía nam bởi sông Sài Gòn và Sông Bé. Thực dân Pháp thường dùng cụm từ
“vùng cao nguyên trung tâm” để chỉ vùng Tây Nguyên Nam Bộ, gồm cả Bình Phước là đoạn cuối
của vùng cao nguyên đó. Vùng đất Bình Phước cho đến khi thực dân Pháp xâm lược còn hoang vu,
có nhiều ác thú và nổi tiếng là chốn rừng thiêng nước độc. Thiên nhiên khắc nghiệt, trình độ sản
xuất và trình độ quản lý xã hội thấp không cho phép kinh tế, xã hội phát triển ngang bằng với các
vùng, miền khác trong cả nước.
Sự thay đổi liên tục về địa lí hành chính của tỉnh là một vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến
quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương trong lịch sử và hiện tại. Quá trình phát triển
kinh tế, xã hội trong lịch sử cho thấy rõ sự chênh lệch, thua sút về trình độ giữa Bình Phước so
với các tỉnh bạn trong vùng Đông Nam Bộ. Việc nghiên cứu để tìm ra đâu là nguyên nhân làm
cho kinh tế, xã hội Bình Phước chậm phát triển là một việc làm thiết thực của khoa học xã hội

nói chung, của công tác nghiên cứu lịch sử địa phương nói riêng nhằm rút tỉa những bài học
kinh nghiệm cho việc hoạch định chính sách kinh tế - xã hội phù hợp với đặc thù địa phương,


từng bước rút ngắn sự chênh lệch về trình độ phát triển, đưa Bình Phước hội nhập cùng với cả
nước trên bước đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Về xã hội, thời Pháp thuộc, cư dân tại chỗ của Bình Phước chủ yếu là người dân tộc thiểu
số. Trình độ sản xuất, chinh phục tự nhiên và quản lí xã hội còn thấp. Quản lí xã hội theo tập
quán pháp, quan hệ giữa các thành viên trong xã hội tộc người dựa vào huyết thống. Các chính
sách kinh tế, xã hội do thực dân Pháp áp đặt vào vùng đất này đã làm biến đổi mọi mặt của đời
sống kinh tế và xã hội. Sự biến đổi đó diễn ra như thế nào, hậu quả của nó đối với nền kinh tế xã hội Bình Phước ra sao…là những vấn đề cần được nghiên cứu sâu nhằm phục dựng lại quá
trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương một cách toàn diện, hệ thống để rút ra những nhận
định về nguyên nhân, tính chất, đặc điểm và hậu quả của nó đối với lịch sử kinh tế - xã hội địa
phương.
Địa bàn Bình Phước từ thế kỉ XVII đã là nơi quy tụ, nhập cư của nhiều tộc người có
nguồn gốc quê quán khác nhau, chiếm số đông trong số đó là người kinh. Vai trò của người
kinh và các tộc người nhập cư khác trong lịch sử phát triển kinh tế xã hội địa phương cần được
tìm hiểu sâu để có những nhận định xứng đáng với công sức của họ đã dành cho vùng đất này,
nhằm củng cố hơn nữa mối quan hệ gắn bó đoàn kết kinh - thượng, tạo thành sức mạnh tinh
thần cùng vượt qua những khó khăn trước mắt để phát triển vững bền. Mặt khác, trong xây
dựng và hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, việc nắm vững hiểu sâu
những đặc điểm lịch sử kinh tế - xã hội của từng địa phương sẽ góp phần tạo nên những tiền đề
cơ sở cho việc triển khai thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội đạt hiệu quả [53]. Vì vậy,
nghiên cứu về sự chuyển biến kinh tế - xã hội thời Pháp thuộc (1862 – 1945) mang ý nghĩa thực
tiễn, giúp có cách nhìn toàn diện, hệ thống về sự phát triển kinh tế - xã hội, có như vậy mới tìm
ra được sợi chỉ xuyên suốt giữa quá khứ với hiện tại, góp phần làm cơ sở cho việc tham khảo,
hoạch định và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế, xã hội trong tương lai.
Kinh tế, xã hội là phạm trù rộng và có mối liên hệ tương tác với nhau. Kinh tế biến đổi
làm xã hội cũng biến chuyển theo và đến lượt xã hội tác động ngược trở lại nền kinh tế, thúc
đẩy hoặc kìm hãm kinh tế phát triển. Nghiên cứu sự biến đổi của cơ cấu xã hội là cơ sở để tìm

hiểu mọi biến đổi trong các lĩnh vực khác [51, tr 221]. Đồng thời, nghiên cứu kinh tế - xã hội
Bình Phước thời Pháp thuộc (1862 – 1945) còn làm rõ vai trò của nó trong sự biến đổi kinh tế xã hội Nam Kỳ cùng thời.
Do hoàn cảnh lịch sử nước nhà chiến tranh kéo dài liên tục, vì vậy, giới nghiên cứu lịch
sử dân tộc nói chung, lịch sử địa phương nói riêng có thiên về nghiên cứu lịch sử chiến tranh,


lịch sử đấu tranh cách mạng hơn mà chưa dành một số lượng công trình thích hợp cho nghiên
cứu lịch sử kinh tế - xã hội. Một số vấn đề chưa được nghiên cứu sâu trong công tác biên soạn
lịch sử địa phương; việc học tập, giảng dạy và bồi dưỡng truyền thống lịch sử địa phương cho
thế hệ trẻ… đối với chúng tôi là những việc làm thiết thực góp phần công sức dù rất nhỏ của
mình vào cuộc kiến thiết địa phương.
Với những lí do khoa học và thực tiễn nêu trên, chúng tôi mạnh dạn chọn đề tài “Những
biến đổi kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Phước thời Pháp thuộc (1862 – 1945)” để nghiên
cứu với hi vọng bằng những sự kiện lịch sử xác thực sẽ rút tỉa được những bài học hữu ích cho
tỉnh nhà có cơ sở tham khảo trong việc hoạch định các chiến lược phát triển.
1.2. Mục đích nghiên cứu
Mục tiêu nghiên cứu của đề tài tập trung ở một số vấn đề như sau:
- Phân tích chính sách khai thác, chính sách xã hội do thực dân Pháp áp dụng vào Bình
Phước, từ đó vạch rõ những tác động của nó đối với kinh tế - xã hội Bình Phước giai đoạn 1862
– 1945.
- Phục dựng có hệ thống sự biến đổi kinh tế - xã hội Bình Phước giai đoạn 1862 – 1945.
- Làm rõ những đặc điểm kinh tế - xã hội của Bình Phước trong giai đoạn 1862 – 1945.
- Tìm hiểu về vai trò của kinh tế tư bản chủ nghĩa đối với sự biến đổi kinh tế - xã hội
Bình Phước giai đoạn 1862 – 1945; Vai trò của các tộc người dân tộc thiểu số tại chỗ, người
nhập cư, của các phong trào đấu tranh xã hội đối với sự biến đổi kinh tế - xã hội Bình Phước
giai đoạn 1862 – 1945.
- Hậu quả của sự biến đổi kinh tế - xã hội giai đoạn 1862 - 1945 đối với sự phát triển
kinh tế - xã hội địa phương.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề và nguồn tài liệu tham khảo
2.1. Lịch sử nghiên cứu vấn đề

Sự thay đổi phức tạp của đơn vị hành chính qua các thời kỳ lịch sử là những khó khăn
không ít đối với chúng tôi trong quá trình thực hiện luận án. Trong phạm vi nghiên cứu hẹp,
thành quả nghiên cứu chung liên quan đến nội dung luận án bao gồm những vấn đề thuộc về
kinh tế - xã hội, được phản ánh rõ qua tình hình công tác nghiên cứu lịch sử địa phương. Dưới
đây là tổng hợp các vấn đề lớn về lịch sử địa phương đã được nghiên cứu.
2.1.1. Giai đoạn trước năm 1945


Trong giai đoạn này, nghiên cứu về điều kiện tự nhiên, địa lý hành chính, địa lý dân cư và
truyền thống văn hóa, gồm các công trình nghiên cứu của các nhà truyền giáo, sỹ quan quân đội
Pháp về người dân tộc thiểu số tại chỗ, phục vụ cho việc tìm hiểu để nô dịch và cai trị, có một
số công trình nghiên cứu sau:
- Les Stiêng de Brolam, của Azermar (Le Père H.), Excursions et Reconnaissances,
Saigon, Imp. Coloniale, T.XII, xuất bản năm 1886 là tác phẩm có tính chất chuyên khảo viết về
đời sống xã hội tộc người Stiêng ở vùng Brolam. Qua tác phẩm, phong tục, tập quán pháp của
người Stiêng được phản ánh sâu sắc. Tác phẩm là cơ sở để nghiên cứu về dân tộc học, văn hoá
học và là nguồn tham khảo tốt cho cả khoa học lịch sử.
- Dictionnaire Stiêng, trong Excursions et Reconnaisrances, Saigon, Imp. Colonaile, T.XII,
Mai - Juin 1886, là bộ từ điển biên soạn về ngôn ngữ tộc người Stiêng, nói lên sự phong phú đa
dạng về văn hoá tộc người, là cơ sở để tra cứu ngôn ngữ, nghiên cứu các lĩnh vực liên quan đến
đời sống xã hội.
- Coutumier Stiêng, do Th. Gerber biên soạn, được Học viện Viễn Đông Bác cổ Pháp
(BEFEO) xuất bản vào năm 1951, là tác phẩm viết về xã hội của người Stiêng. Qua tác phẩm
toàn cảnh đời sống, quan hệ xã hội, kết cấu xã hội truyền thống được tái hiện, phản ánh nguyên
vẹn một xã hội tộc người chịu sự chi phối bởi quan hệ huyết thống, được duy trì và quản lý
bằng luật tục. Tuy nhiên, tác giả chưa thoát khỏi cách nhìn nhận về con người và xã hội của
người dân tộc tại chỗ như một thế giới man rợ.
- Au pays Moi, của Barthélémy (Marquis Pierre de), Paris Plon – Nourrit., 2e éd, 1904;
Hinterland Moi, của Patté (Paul), Paris, Plon – Nourrit, 1906; Les jungles Moi, của Maitre
(Henri), Paris, Larose, 1912… là những tác phẩm chuyên khảo, có nội dung nghiên cứu sâu về

điều kiện tự nhiên, môi sinh, đời sống, phong tục, xã hội của các tộc người dân tộc thiểu số cư
trú ở vùng cao nguyên nam phần nước ta dưới thời Pháp thuộc, gồm cả người dân tộc thiểu số
cư trú tại Bình Phước. Phần lớn tác giả của những công trình chuyên khảo này là người trực
tiếp du thám, xâm nhập vùng đất cư trú của người dân tộc thiểu số nên sự mô tả về con người,
hoạt động của xã hội tộc người và thế giới quanh họ rất tỉ mỉ.
- Les boisements de la vallée du Song-Be của Gourgand, trong Bulletin Economique de
L’Indochine, ne 14, 1903; Monographie d’une rivière Cochinchinoise: le fameux Sông Bé, của tác giả
Baudrit (A), BSEI, XI, No 3, 1936 cũng là những công trình chuyên sâu về điều kiện tự nhiên, địa
chất, sông ngòi, lưu lượng nước của sông ngòi…Nội dung nghiên cứu của các chuyên khảo phản ánh


rõ sự đầu tư của thực dân Pháp cả về trí lực lẫn vật lực để tìm hiểu, khai thác hoặc lợi dụng những
thế mạnh kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhìn chung từ những thập niên cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, tình hình kinh tế - xã hội
Bình Phước do người Pháp nghiên cứu, viết bằng hình thức các chuyên khảo để phục vụ cho
việc xâm nhập chiếm đoạt thực dân. Ở lĩnh vực xã hội, nhiều công trình nghiên cứu về các tộc
người dân tộc thiểu số tại chỗ, chủ yếu là người Stiêng có giá trị cao, làm cơ sở để hiểu biết sâu
hơn về ngôn ngữ, văn hoá truyền thống, tổ chức xã hội và cơ cấu xã hội tộc người. Kể từ sau
năm 1936, việc nghiên cứu vùng đất này của thực dân Pháp cũng chấm dứt, vì với chúng, đó là
mốc đánh dấu sự khuất phục các tộc người dân tộc thiểu số tại địa phương bằng các cuộc bình
định vũ trang.
Nghiên cứu về kinh tế Bình Phước thời Pháp thuộc, chủ yếu được phản ánh qua những bản
báo cáo bằng số liệu từ địa phương lên chính quyền thuộc địa, được lưu giữ tại Trung tâm lưu
trữ Quốc gia II, Thành phố Hồ Chí Minh. Tư liệu loại này cung cấp nhiều thông tin về kinh tế
Nam Kỳ, trong đó có tỉnh Biên Hòa và Thủ Dầu Một. Nguồn tư liệu này đáng tin cậy, tuy
nhiên, chúng chỉ dừng lại ở mức thống kê bằng số liệu về kết quả kinh tế như diện tích đất khai
thác, đất trồng trọt, sản lượng mủ của các đồn điền – khu vực hoạt động bằng đầu tư của tư bản
Pháp, còn khu vực kinh tế do cư dân tại chỗ làm chủ được phản ảnh rất sơ lược.
Các vấn đề liên quan đến xã hội chủ yếu là báo cáo tình hình trật tự trị an của dân chúng
vùng bị chiếm đóng lên chính phủ thuộc địa. Để nghiên cứu về xã hội, các tư liệu kinh tế, báo

cáo kinh tế, các chuyên khảo về địa lí, lịch sử và hành chính dân cư là những thông tin quan
trọng phản ánh tình hình xã hội.
Về phía các tác giả người Việt, vùng đất Bình Phước giai đoạn này chưa gây được sự chú
ý của họ nên hầu như chưa có công trình nghiên cứu nào.
2.1.2. Giai đoạn từ sau năm 1945 đến nay
Lịch sử dân tộc qua hai cuộc kháng chiến chủ yếu được các nhà nghiên cứu chú trọng về
các phong trào đấu tranh cách mạng. Các vấn đề kinh tế, xã hội tạm thời chưa cấp thiết nên hầu
như chưa có công trình chuyên sâu. Ở miền Nam, công trình nghiên cứu duy nhất về tình hình
các đồn điền cao su của Pháp, tại tỉnh Bình Long sau năm 1954, là luận văn tốt nghiệp đại học
của Nguyễn Viết Đức, tựa đề: Thực tế khai thác cao su của người Pháp tại Bình Long, thuộc
Học viện Quốc gia Hành chính Sài Gòn, bảo vệ năm 1972. Nội dung nghiên cứu trong luận văn
đi sâu về thống kê sản lượng mủ, khái quát bằng sơ đồ về những đồn điền trồng cao su, tiềm
năng của cây cao su ở tỉnh Bình Long thời chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Tác giả ngợi ca


nhiều về thành quả kinh tế do tư bản Pháp gầy dựng, mà chưa có cách nhìn khái quát, tương
quan của kinh tế đồn điền với các ngành kinh tế khác từ thời thuộc Pháp, tại vùng đất đỏ trung
tâm miền Đông Nam Bộ.
Về hoạt động kinh tế truyền thống, có bài viết "Kinh tế nông nghiệp của người Stiêng
trước và sau năm 1975" của Phan Ngọc Chiến, được in trong sách Vấn đề dân tộc ở Sông Bé,
do nhà xuất bản Tổng hợp Sông Bé phát hành từ năm 1985. Bài viết đã phác họa toàn bộ tình
hình sản xuất nông nghiệp của người Stiêng, chỉ rõ về mối quan hệ, giao thoa văn hóa giữa
người Stiêng với các tộc người khác, đặc biệt là người kinh.
Về các dân tộc Trường Sơn – Tây Nguyên, bao gồm các dân tộc cư trú trên địa bàn tỉnh
Bình Phước, có loạt bài của tác giả Lưu Hùng được in trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử gồm:
+ Tìm hiểu về một khía cạnh của xã hội cổ truyền trong các dân tộc người bản địa ở
Trường Sơn - Tây Nguyên: Sự nảy sinh quan hệ bóc lột, Nghiên cứu Lịch sử số 2 (261), tháng 3
- 4, năm 1992,
+ Tìm hiểu thêm về một khía cạnh của xã hội cổ truyền trong các tộc người bản địa ở
Trường Sơn - Tây Nguyên: Chế độ sở hữu, Nghiên cứu Lịch sử số 4 (269), tháng 7 - 8, năm

1993.
Các bài viết trên đề cập đến kinh tế - xã hội truyền thống của các tộc người dân tộc thiểu
số tại chỗ, mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất chủ đạo trong giai đoạn
tiền thuộc địa. Các bài viết đã giúp cho người đọc hiểu sâu hơn về nguồn gốc phân hóa xã hội
của người dân tộc thiểu số cư trú ở Trường Sơn – Tây Nguyên.
Về lịch sử du nhập của cây cao su, sự hình thành và phát triển của nó, của ngành trồng và
khai thác cao su ở vùng đất đỏ miền Đông Nam Kỳ nói riêng, Nam Kỳ nói chung có bài viết
nhan đề "Cây cao su đặc sản của vùng Đông Nam Bộ", của tác giả Lê Huỳnh Hoa, đăng trên tạp
chí Xưa & Nay số 45b tháng 11 năm 1997. Tác giả không trực tiếp nói về kinh tế Bình Phước
thời Pháp thuộc, song đã lý giải những nguyên nhân, mục đích, quá trình đầu tư vào việc trồng
cây cao su của tư bản Pháp ở vùng đất đỏ thuộc một phần tỉnh Biên Hòa và Thủ Dầu Một, chỉ
rõ nguyên nhân trực tiếp của việc tư bản Pháp đầu tư ở dải đất đỏ miền Đông Nam Kỳ, nằm tập
trung ở địa bàn tỉnh Bình Phước hiện nay.
Tác phẩm 100 năm cao su Việt Nam, của Đặng Văn Vinh, được nhà xuất bản Nông nghiệp
Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 2000, mô tả chi tiết về tình hình khai thác đất, trồng mới, kỹ
thuật trồng, chăm sóc và khai thác cây cao su của tư bản Pháp tại Việt Nam, góp phần nghiên cứu


về quá trình phát triển ngành cao su, cung cấp nhiều tư liệu quý cho nghiên cứu lịch sử, kinh tế - xã
hội của nhiều địa phương, gồm cả tỉnh Bình Phước thời Pháp thuộc.
Những bài viết, sách chuyên ngành có nội dung sâu viết về kinh tế truyền thống của người
dân tộc thiểu số tại chỗ, là nguồn tài liệu được chúng tôi kế thừa từ kết quả nghiên cứu về
phương thức canh tác, hình thức sở hữu ruộng đất, cơ cấu kinh tế nông nghiệp truyền thống tại
địa phương. Bên cạnh đó, một số tác phẩm của các tác giả viết về tình hình kinh tế, xã hội
chung của Đông Dương, Việt Nam thời thuộc địa như Lê Khoa, Sơn Nam, Nguyễn Thế Anh,
Phan Khoang,…cũng là nguồn tài liệu tham khảo làm nền cho nghiên cứu kinh tế, xã hội Bình
Phước trong bối cảnh lịch sử dân tộc.
Nghiên cứu về xã hội, chủ yếu là các vấn đề về dân tộc thiểu số trong những năm thập
niên 80 thế kỷ XX, có nguồn tài liệu nghiên cứu nghiêm túc và công phu do các tác giả quen
thuộc của Viện Dân tộc học công bố. Hàng loạt bài viết, sách, công trình nghiên cứu, trong số

đó nổi cộm một số công trình của nhóm tác giả Phan An – Nguyễn Thị Hòa, Phan Ngọc Chiến,
Nguyễn Văn Diệu, Mạc Đường, Nguyễn Tuấn Triết xuất bản năm 1985, in trong tác phẩm Vấn
đề dân tộc ở Sông Bé, do nhà xuất bản Tổng hợp Sông Bé phát hành. Loạt bài viết này đi sâu
tìm hiểu về người Stiêng qua các thời kỳ lịch sử ở các lĩnh vực: tổ chức xã hội tộc người, hôn
nhân và gia đình, lịch sử phát triển xã hội, kinh tế, phong trào đấu tranh chống ngoại xâm của
người Stiêng và các tộc người dân tộc thiểu số khác.
- Tác phẩm Địa chí tỉnh Sông Bé do Trần Bạch Đằng chủ biên, nhà xuất bản Tổng hợp Sông
Bé phát hành năm 1991, đề cập sâu về địa lý lịch sử, dân cư, đời sống kinh tế - văn hoá - xã hội
của các tộc người cư trú ở Bình Phước (miền núi phía bắc tỉnh Sông Bé (1975 – 1997)).
Một số bài viết được đăng tải trên các tạp chí Dân tộc học, tạp chí Nghiên cứu Lịch sử
như:
- Nhà dài Stiêng của Nguyễn Duy Thiệu, đăng trên tạp chí Dân tộc học số 3 năm 1981.
- Tình hình dân số và đặc điểm dân cư các dân tộc ở Sông Bé - Miền Đông Nam Bộ của Đinh
Văn Liên, in trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 1 &2, 1987.
- Góp thêm tài liệu nghiên cứu về người Stiêng của Trần Tất Chủng in trên tạp chí Dân tộc
học số 3, 1991.
- Góp phần tìm hiểu luật tục Stiêng của Ngô Văn Lý, đăng trên tạp chí Dân tộc học số 1,
1993.
- Nghệ thuật cồng chiêng của dân tộc Stiêng tỉnh Sông Bé của tác giả Vũ Hồng Thinh, do
Sở Văn hoá Thông tin tỉnh Sông Bé in năm 1994...


Các tác phẩm của các tác giả trên, nhìn chung mới đề cập đến người Stiêng và thiên về phục
vụ nghiên cứu dân tộc học, nhưng cũng là nguồn tài liệu tham khảo tốt cho nghiên cứu Lịch sử
Việt Nam.
Những bài viết, tác phẩm và công trình nghiên cứu trên đã phản ánh, phục dựng toàn cảnh bức
tranh sinh hoạt của cộng đồng tộc người mang tính bản địa, nhân văn đặc sắc về vùng cư trú, lịch sử
tộc người, ngôn ngữ tộc người, cơ cấu tổ chức xã hội, quan hệ tộc người và đặc trưng của xã hội tộc
người.
Công trình là luận án Phó Tiến sĩ Khoa học Lịch sử nghiên cứu về dân tộc Stiêng ở Sông

Bé, gồm:
- Hệ thống xã hội tộc người Stiêng ở Việt Nam: từ giữa thế kỷ XIX đến năm 1975, của Phan
An, được bảo vệ tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1992.
- Xã hội tộc người Stiêng qua tập quán pháp của Ngô Văn Lý bảo vệ tại Viện Khoa học
Xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1994 là những công trình cung cấp nhiều thông tin bổ
ích về xã hội tộc người, quan hệ giữa các tầng lớp xã hội tộc người truyền thống, giúp hiểu rõ
về quan hệ sản xuất, quan hệ xã hội và quyền sở hữu công về ruộng đất của cư dân tại chỗ trước
khi Pháp xâm lược.
Tóm lại, nguồn tư liệu đã được khai thác liên quan đến tỉnh Bình Phước giai đoạn 1862 –
1945, chủ yếu ghi nhận về sự thay đổi địa lý hành chính và các báo cáo kinh tế bằng số liệu, tuy
rằng số lượng cũng hạn chế. Tình hình nghiên cứu về kinh tế - xã hội địa phương nhiều lúc gián
đoạn, một phần vì Bình Phước là vùng sâu hẻo lánh, tiềm năng kinh tế, tài nguyên có giá trị có
thể khai thác được lúc bấy giờ chưa được nhìn rõ, phần khác do trình độ quản lý hạn chế nên
nhà nước thực dân cũng chưa có điều kiện ghi chép tỉ mỉ về tất cả các địa phương trong cả
nước. Vì vậy, nghiên cứu về Bình Phước thời thuộc Pháp là vấn đề nan giải đối với giới nghiên
cứu. Càng về sau, công tác nhiên cứu về lịch sử địa phương càng được quan tâm hơn. Tuy vậy,
cũng chỉ có những bài viết đơn lẻ, hoặc công trình nghiên cứu riêng về đời sống xã hội người
Stiêng đề cập đến nội dung kinh tế - xã hội truyền thống. Vấn đề kinh tế - xã hội nói chung,
biến đổi kinh tế - xã hội Bình Phước ở giai đoạn thuộc Pháp (1862 – 1945) chưa được nghiên
cứu chuyên sâu. Từ năm 1997 đến nay, Bình Phước trở thành đơn vị hành chính độc lập. Do
vậy, có những thuận lợi và khó khăn nhất định đối với công tác nghiên cứu lịch sử. Khó khăn
đáng kể có lẽ do nguồn sử liệu hiếm, đội ngũ cán bộ nghiên cứu còn mỏng chưa đáp ứng được
nhu cầu nghiên cứu nên chưa có thêm công trình nào được xuất bản công bố về lịch sử kinh tế,
xã hội nói chung, biến đổi kinh tế - xã hội Bình Phước thời Pháp thuộc nói riêng.


2.2. Nguồn tài liệu tham khảo
Tình hình nghiên cứu của lịch sử kinh tế, xã hội tại địa phương như trên làm cho chúng tôi
gặp khó khăn trong quá trình thực hiện luận án. Do vậy, để thực hiện mục đích nghiên cứu đã
đặt ra, luận án đã tham khảo và sử dụng nhiều nguồn tài liệu khác nhau:

- Tài liệu viết về địa lý lịch sử, tài nguyên môi trường, lịch sử hình thành phát triển, lịch sử
kinh tế của tỉnh Biên Hòa, trong đó chủ yếu là tỉnh Thủ Dầu Một thời Pháp thuộc.
- Sách và tạp chí chuyên ngành.
- Luận văn, luận án chuyên ngành lưu trữ tại các thư viện.
- Tư liệu lưu trữ hiện đang được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, tại Thành phố
Hồ Chí Minh.
- Địa chí tỉnh Thủ Dầu Một và Niên giám Đông Dương :
+ Monographie de Thudaumot 1910
+ Annuaire Genéral de l’Indochine, Partie administrative, 1910
+ Annuaire Genéral de l’Indochine, Partie administrative, 1915
+ Annuaire Genéral de l’Indochine, Partie administrative, 1917
+ Annuaire Genéral de l’Indochine, Partie administrative, 1925
- Tư liệu về Hiệp hội Cao su Đông Dương
Nguồn tư liệu kể trên đều phục vụ mục đích đầu tư, theo dõi kết quả của việc đầu tư khai
thác thuộc địa nên rất đáng tin cậy. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu chính những tư liệu
này đã bộc lộ nhiều sai lệch về tính toán… Do vậy, cần có sự đối chiếu so sánh giữa các nguồn
tài liệu, đồng thời kiểm chứng lại mức độ chân xác từ những số liệu báo cáo kinh tế địa
phương.
3. Đối tượng, nhiệm vụ và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu chính của luận án là những biến đổi về kinh tế, xã hội của tỉnh Bình
Phước, giai đoạn 1862 – 1945.
Về biến đổi kinh tế, luận án tập trung nghiên cứu tác động của chính sách khai thác kinh tế
của thực dân Pháp, thông qua hoạt động đầu tư của tư bản Pháp về cơ sở hạ tầng kinh tế, để làm
rõ sự thâm nhập của nhân tố tư bản chủ nghĩa vào lĩnh vực nông nghiệp, chủ yếu là ngành trồng
và khai thác cao su, đồng thời làm rõ tác động khách quan của nó đối với các ngành kinh tế
khác trong kinh tế Bình Phước nói chung, hoạt động sản xuất nông nghiệp nói riêng, dẫn đến sự
biến đổi về cơ sở hạ tầng kinh tế và cơ cấu kinh tế.



Chính sách kinh tế cũng tác động làm biến đổi xã hội. Phạm vi biến đổi xã hội rất rộng, song
luận án chỉ tập trung nghiên cứu biến đổi xã hội ở hai vấn đề cơ bản là biến đổi cơ cấu xã hội - tộc
người và phân hóa xã hội.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để làm rõ những biến đổi kinh tế, xã hội của tỉnh Bình Phước thời Pháp thuộc (1862 –
1945), luận án được thực hiện với nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể:
- Phân tích tác động của chính sách khai thác thuộc địa do thực dân Pháp áp dụng vào
vùng đất cụ thể - Bình Phước, để làm nổi bật những tác động của nó đối với kinh tế - xã hội địa
phương như thế nào.
- Bằng những tư liệu lịch sử xác thực có hệ thống, luận án rõ những biến đổi về kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh ở giai đoạn nghiên cứu đề cập như biến đổi bắt đầu từ lĩnh vực nào;
nguyên nhân của sự biến đổi đó là gì; so sánh về mức độ biến đổi kinh tế - xã hội giữa các giai
đoạn lịch sử để vạch ra bản chất của sự biến đổi và mối quan hệ giữa biến đổi kinh tế với biến đổi
xã hội ?
- Tìm hiểu sâu hơn về vai trò của kinh tế tư bản chủ nghĩa, vai trò của các tộc người dân tộc
thiểu số tại chỗ, người nhập cư, của các phong trào đấu tranh xã hội đối với sự biến đổi kinh tế - xã
hội Bình Phước giai đoạn 1862 – 1945.
- Tìm hiểu những đặc điểm kinh tế - xã hội của Bình Phước trong giai đoạn trước, trong và
sau khi bị thực dân Pháp xâm chiếm, khai thác và thống trị.
- Rút ra bài học từ sự biến đổi kinh tế - xã hội giai đoạn 1862 - 1945 đối với sự phát triển
kinh tế - xã hội địa phương cho giai đoạn tiếp theo và cả sau này.
3.3. Phạm vi nghiên cứu
Không gian nghiên cứu giới hạn trong năm đơn vị hành chính cơ bản được phân định từ
năm 1997, gồm các huyện Đồng Phú, Bù Đăng, Lộc Ninh, Phước Long và Bình Long, tương
ứng với các tổng Thanh An (huyện Đồng Phú và một phần huyện Bù Đăng), Minh Ngãi (huyện
Phước Long và một phần huyện Bù Đăng), Lôi Minh (huyện Lộc Ninh), Hớn Quản (huyện
Bình Long) và Bù Đốp (huyện Phước Long) dưới thời Pháp thuộc.
Mốc thời gian nghiên cứu được xác định từ năm 1862 đến năm 1945, đánh dấu quá trình
thực dân Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ và kết thúc thời kỳ Pháp cai trị Đông Dương.
4. Phương pháp nghiên cứu



Luận án được thực hiện trên cơ sở vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin làm cơ sở phương
pháp luận để rút ra những nhận định, đánh giá về những biến đổi kinh tế - xã hội Bình Phước từ
năm 1862 đến 1945.
Phương pháp chuyên ngành được sử dụng trong quá trình thực hiện luận án là phương pháp
lịch sử và phương pháp logic, chủ yếu là phương pháp lịch sử.
Những biến đổi kinh tế - xã hội của Bình Phước được xem xét qua ba giai đoạn lịch sử:
1862 - 1897, 1897 – 1918 và 1919 – 1945. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thức rõ, việc phân chia
mốc thời gian nghiên cứu như trên chưa đủ giúp cho việc nghiên cứu những biến đổi kinh tế xã hội một cách khách quan, mà cần phải có cách nhìn biện chứng về sự biến đổi và tôn trọng
tính kế thừa trong mối liên hệ và phát triển của kinh tế - xã hội đúng như nó tồn tại. Vì vậy, các
chương mục và vấn đề nghiên cứu được phân chia theo thời gian, được đặt trong bối cảnh của
nền kinh tế thuộc địa Nam Kỳ nói chung, miền Đông Nam Kỳ nói riêng.
Để giải quyết những nội dung khoa học, luận án còn sử dụng phương pháp hệ thống cấu
trúc. Vì biến đổi kinh tế - xã hội Bình Phước diễn ra như một hệ thống liên hòan và tương tác
lẫn nhau. Đầu tư của tư bản Pháp về cơ sở hạ tầng kinh tế và hoạt động nông nghiệp, nhấn
mạnh sự thâm nhập của nhân tố tư bản chủ nghĩa vào hoạt động sản xuất nông nghiệp Bình
Phước là điều kiện gây nên mọi biến đổi kinh tế - xã hội của địa phương.
Vận dụng các phương pháp nghiên cứu bổ trợ như phương pháp sử học so sánh, phương
pháp định lượng trong nghiên cứu sử học, thống kê, phân tích, tổng hợp, nhằm đối chiếu, chắt
lọc những số liệu phản ánh sát với tình hình kinh tế - xã hội địa phương trong giai đoạn nghiên
cứu.
Ngoài ra, chúng tôi còn kết hợp phương pháp nghiên cứu liên ngành, chủ yếu là sử dụng
những phạm trù, khái niệm và phương pháp của xã hội học và kinh tế chính trị học để làm rõ
các khái niệm, thuật ngữ thuộc lĩnh vực kinh tế và xã hội.
5. Đóng góp của luận án
Kết quả nghiên cứu của luận án, góp phần:
- Phục dựng lại những biến đổi kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Phước thời Pháp
thuộc (1862 – 1945) ở các phạm vi biến đổi về cơ sở hạ tầng kinh tế, cơ cấu kinh tế, biến đổi
trong cơ cấu xã hội – tộc người, sự phân hóa xã hội và đấu tranh xã hội, làm nổi bật những đặc
điểm của sự biến đổi kinh tế - xã hội Bình Phước cùng thời, đồng thời bước đầu rút ra một số

nhận xét về vai trò của kinh tế tư bản chủ nghĩa đối với kinh tế Bình Phước nói chung, hoạt
động nông nghiệp nói riêng.
- Làm rõ vai trò của các cộng đồng tộc người đối với quá trình biến đổi kinh tế - xã hội


Bình Phước giai đoạn 1862 – 1945 và rút ra hệ quả từ sự biến đổi đó đối với sự phát triển kinh
tế - xã hội địa phương.
- Bổ sung thêm nguồn tài liệu tham khảo cho công tác nghiên cứu về lịch sử địa phương.
- Đóng góp tư liệu và nhận định phục vụ cho việc giảng dạy lịch sử Việt Nam cận - hiện
đại.
6. Bố cục nội dung luận án
Luận án được kết cấu ngoài các phần dẫn luận, tài liệu tham khảo và kết luận, nội dung
chính gồm ba chương:
Chương 1: Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bình Phước (1862 – 1897)
Nội dung chương này đề cập đến điều kiện tự nhiên, đặc điểm kinh tế, xã hội được phản
ánh thông qua sự phát triển của trình độ sản xuất, quản lý xã hội của cư dân tại chỗ trước khi
thực dân Pháp xâm lược. Từ khi Pháp xâm lược, các chính sách chính trị - xã hội và kinh tế của
Pháp được áp dụng, nhằm xác lập quyền thống trị và bước đầu khai thác kinh tế, đây là bước
mở đầu và là cơ sở để mở rộng khai thác ở các giai đoạn tiếp theo. Giai đoạn này kinh tế - xã
hội biến đổi với mức độ chưa cao.
Chương 2: Biến đổi kinh tế - xã hội tỉnh Bình Phước giai đoạn 1897 – 1918
Toàn bộ nội dung biến đổi kinh tế - xã hội giai đoạn 1897 - 1918, được đặt trong bối cảnh
thực dân Pháp đã hoàn thành công cuộc xâm lược nước ta bằng quân sự và đề ra chương trình
khai thác thuộc địa ở Đông Dương. Những tác động của chính sách khai thác thuộc địa trên lĩnh
vực kinh tế - xã hội được làm rõ. Hoạt động đầu tư của tư bản Pháp về cơ sở hạ tầng kinh tế, sự
thâm nhập của nhân tố sản xuất tư bản chủ nghĩa vào hoạt động nông nghiệp làm biến đổi mục
đích canh tác nông nghiệp, cơ cấu cây trồng, làm thay đổi hình thức sở hữu ruộng đất, canh tác,
quy mô sản xuất, hình thức sử dụng nhân công và biện pháp quản lý theo kiểu tư bản. Biến đổi
kinh tế - xã hội xuất phát từ biến đổi kinh tế, đặc biệt trong kinh tế nông nghiệp, tập trung ở
ngành trồng cây công nghiệp, chủ yếu là cao su. Mức độ biến đổi xã hội rõ hơn trước song còn

chậm.
Chương 3: Biến đổi kinh tế - xã hội tỉnh Bình Phước giai đoạn 1919 – 1945
Chương 3 phục dựng lại những biến đổi kinh tế - xã hội của giai đoạn 1919 – 1945. Biến
đổi kinh tế - xã hội được đặt trong bối cảnh Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất kết thúc, đợt khai
thác thuộc địa lần thứ hai diễn ra trong hoàn cảnh đặc biệt là kinh tế thế giới khủng hoảng
nghiêm trọng (1929 -1933), tiếp theo là sự bùng nổ của Thế chiến lần thứ hai và sự can thiệp
của Nhật ở Đông Dương.


Những biến đổi kinh tế - xã hội giai đoạn 1919 – 1945 diễn ra theo chiều hướng hạn chế
hoặc triệt tiêu dần các nghề truyền thống, tăng tỷ trọng các ngành kinh tế theo hướng tư bản chủ
nghĩa, chủ yếu phục vụ cho việc khai thác mủ cao su, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng sản
phẩm cạnh tranh.
Giai đoạn này, thực dân Pháp đã can thiệp vào xã hội các tộc người dân tộc thiểu số, làm thay
đổi một số phong tục và thiết chế xã hội truyền thống. Phân hóa xã hội diễn ra rõ hơn với giai đoạn
1862 - 1897 và từ năm 1897 đến 1918.


CHƯƠNG 1

TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI
TỈNH BÌNH PHƯỚC (1862 – 1897)
Năm 1897 là mốc đánh dấu sự ra đời của chương trình khai thác thuộc địa ở Đông Dương.
Đối với Bình Phước, nó có ý nghĩa quan trọng, vì từ đây việc nghiên cứu trồng cây cao su của
tư bản Pháp bắt đầu thực nghiệm trên vùng đất đỏ. Kết quả nghiên cứu về cây cao su bước đầu
làm thay đổi hoạt động của kinh tế nông nghiệp Bình Phước.
1.1. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN
Tỉnh Bình Phước thời Pháp thuộc là phía bắc của tỉnh Thủ Dầu Một. Thực dân Pháp nhắc
đến vùng này với tên gọi chỉ vùng “cao nguyên trung tâm” Tây Nguyên Nam Bộ, là đoạn cuối
của vùng cao nguyên đất đỏ với nhiều loại rừng nhiệt đới sinh trưởng như rừng gỗ cứng, tre và

rừng thứ sinh. Tỉnh Thủ Dầu Một thời Pháp thuộc, qua Địa chí Thủ Dầu Một năm 1910 là tỉnh
đẹp nhất của miền Đông Nam Kỳ[98, tr 17]. Về địa lí, theo người Pháp ghi chép lại thì tỉnh Thủ
Dầu Một được chia thành hai vùng rõ rệt: phía nam là vùng thấp thuận lợi cho trồng lúa và mía,
phía bắc là cao nguyên giới hạn bởi sông Sài Gòn và sông Bé.
Ở phía Nam của Phước Giang thuộc tổng Phước Vĩnh, nơi bắt đầu của dòng Tiểu Giang
(còn gọi là sông Bé) là sườn núi của hai sách Võ Tam và Võ Tiên chạy xuống phía đông đến
thủ Tham Linh, rồi bị bẻ quặt về phía bắc 242 dặm hợp vào sông Phước [20, tr 26]. Sông Bé có
chiều dài gần 200 km, ở phía bắc nơi nó chảy qua vùng người Stiêng, Mnông cư trú được gọi là
sông Đaklung, xuôi về phía nam được người kinh gọi là sông Bé. Nhiều nhánh sông được bắt
nguồn từ vùng cao nguyên này, là khởi nguồn của nhiều sông lớn đổ về sông Đồng Nai ở phía
nam và các nhánh chảy về phía tây hội nhập vào các nhánh của sông Mêkông. Vùng cao
nguyên nơi người Stiêng cư trú bị chia cắt khá nhiều, có nhiều ghềnh thác nhỏ và sâu. Do vậy,
vận tải bằng đường thuỷ khó khăn. Tuy nhiên, đối với những nhà thám hiểm người Âu, sự hiểm
trở của địa hình và dòng chảy của sông Bé được nhìn nhận như món quà của thiên nhiên nhiều
màu sắc kỳ thú! [92, tr 10]. Theo trực quan của họ, vùng đất cao nguyên trung tâm giống như
cái nóc nhà Đông Dương ở miền Trung Nam Kỳ, là điểm khởi nguồn của những nhánh sông
chảy trên đất Nam Kỳ, Trung Kỳ và Cam Bốt. Đáy của sông Bé cất giấu nhiều dải đá ngầm làm
cản trở việc lưu thông bằng đường thủy trên địa bàn và cả với những vùng lân cận, song tiềm ẩn
nhiều hứa hẹn cho việc phát triển ngành du lịch sinh thái.


Dải đất hướng về phía Nam thuộc hạ lưu sông Đồng Nai và hạ lưu sông Bé, nối liền với
vùng đất đỏ của Kompong Chàm (Campuchia) đa số là rừng già, san sát đồi gò, độ cao trung
bình từ 100 đến 130 mét, bề mặt phủ kín các loại cây dây leo dày đặc xen với cây tre, tạo nên
cảm giác con người như lạc vào “Biển Tre”. Đầu thế kỷ XX, “Biển Tre” bị tàn phá nhường chỗ
cho những đồn điền cao su bạt ngàn.
Cấu tạo địa chất của tỉnh Bình Phước chủ yếu là là đất đỏ Bazan, chiếm hơn ½ diện tích
toàn tỉnh. Ngoài ra còn có loại đất đỏ trên đá phiến, đất xám và đất vàng nâu có hàm lượng chất
hữu cơ cao, là nguồn dinh dưỡng tự nhiên tốt cho cây trồng.
Thời kỳ nghiên cứu thử nghiệm trồng cao su tại Nam Kỳ của thực dân Pháp đem lại kết

quả bất ngờ về diện tích đất đỏ khoảng 200.000 ha với chiều dài 200 cây số, rộng trung bình từ
hai đến hai mươi km, tạo thành một dải liên hoàn theo hướng Đông Bắc - Nam Đông Nam
nước ta, chủ yếu tập trung ở miền Đông Nam Kỳ. Đối chiếu vùng có diện tích đất đỏ phát triển
trồng cao su lúc bấy giờ với hiện nay, đó chính là vùng đất đỏ bazan chủ yếu ở các huyện Lộc
Ninh, Phước Long, Bù Đăng và một diện tích nhỏ ở huyện Bình Long và Đồng Phú. Chất liệu
đất như trên đã gắn kết nền kinh tế của tỉnh với nhiều loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao
như: cao su, cà phê, tiêu, điều... và các loại rau màu, lương thực ngắn ngày.
Bình Phước cũng như các tỉnh miền Đông Nam Bộ khác, có khí hậu nhiệt đới, gió mùa ổn
định, hai mùa mưa và khô rõ rệt. Mùa mưa thường diễn ra từ tháng 5 đến hết tháng 10 dương
lịch, những trận mưa luôn ập đến ào ạt dữ dội nhưng rồi cũng qua mau. Lượng mưa đạt trung
bình 2.400 mm/năm, nhiệt độ trung bình 290C, khá thuận lợi cho phát triển kinh tế nông nghiệp.
Vào những tháng nắng thường có gió từ Tây Trường Sơn thổi về nên độ ẩm của không khí
kém, nhiệt độ tăng cao có khi lên đến 35 – 370C [10]. Tuy nhiên, những đợt nóng gay gắt nhất
cũng chỉ kéo dài khoảng hơn một tháng để rồi dịu dần và chuẩn bị đón những cơn mưa đầu mùa
của năm sau.
Bình Phước, hơn một trăm năm về trước phủ kín rừng với nhiều chủng loại cây quí hiếm
như cây dầu, cây chơk (cà chắc) gỗ rắn như sắt không hề bị mối mọt bao giờ. Sau nhiều năm,
do chiến tranh tàn phá, con người khai phá bừa bãi nên diện tích rừng bị thu hẹp, nhiều loại cây
gỗ quý bị tiệt chủng. Tuy vậy, cho đến hiện nay, Bình Phước vẫn có diện tích rừng chiếm 2/3
tổng diện tích chung toàn tỉnh. Trong số đó có nhiều khu rừng già, rừng nguyên sinh với nhiều
loại gỗ quí như gõ đỏ, gõ nu, sao, bằng lăng,.. . Ngoài ra, còn có nhiều loại cây thuốc nam chữa
bệnh, các loại cây phục vụ cho ngành tiểu thủ công nghiệp như mây, tre, nứa, song, lồ ô. . .


cũng như các loại lương thực tự nhiên như củ nần, củ mài, củ chụp, củ nho, hạt gấm, hạt buông
và các loại rau diếp, lá nhau, đọt mây, đọt măng, môn dốc, tàu bay…
Rừng Bình Phước có hệ động thực vật khá phong phú, Azemar đã ghi lại gồm thỏ, dê
nhỏ, hươu, nai, dê lớn và nhiều loại thú rừng khác, với “những bầy heo rừng nhung nhúc”. “Ở
đây có cọp, báo, gấu (loại gấu đen yếm trắng), một loài cọp nhỏ, những đàn bò hàng trăm con,
có loại bò màu đỏ sực nức mùi xạ hương (boeut musqué) nhiều hơn là bò màu xám tro, những

đàn trâu rừng hung hãn, tê giác và voi sẵn sàng tấn công người”, “trong số những loài thú rừng
ở Bình Phước, Azemar đặc biệt chú ý đến hai con vật mà dường như chỉ có ở vùng này. Một
loài bò mà người Stiêng gọi là Pebêi, dài chừng sáu bảy cánh tay, nghĩa là khoảng ba mét, lông
đen như trâu, có những đường sọc trắng nhạt bên sườn, bốn chân màu trắng từ đùi trở xuống,
móng chẻ, đầu có hai sừng to và chắc chắn. Đây là con vật nguy hiểm nhất, nó sẽ nhảy bổ vào
người thợ săn khi vừa bắt gặp. Loài thứ hai là con mạch (?) mà trong nguyên bản Pháp ngữ
người ta gọi nó là “Tapir”. Theo đó con vật này khá độc đáo “to như một con chó, lông dài,
mọc sát và cục mịch, màu xám tro đậm, có hai đường trắng hai bên đầu chạy dài từ mũi đến tai.
Tai ngắn, đầu giống đầu chồn, mũi nhọn, đuôi thỏ, chân chó, móng dài để cào đất, tiếng kêu
như heo và dưới da có một lớp mỡ dày. Ban ngày nó ở trong hang dưới đất,...”[4, tr 18]. Địa chí
Thủ Dầu Một năm 1910 ghi lại tên các loài động vật sinh trưởng tại rừng địa phương gồm có
thỏ, chuột, hoẵng, lợn lòi, hươu, các loại gia cầm như chim công, gà lôi, gà gô, bồ câu rừng
xám, gà rừng và chim ngói nhiều vô kể…. Động vật lớn như bò mộng, voi và tê giác thì hiếm
thấy hơn vì con người ngày càng lấn rộng hơn vào vùng cư trú của chúng [98, tr 22 – 23]. Một
số loài vật quý hiếm qua thời gian đến nay hầu như không còn, song chứng tỏ rừng Bình Phước
xưa khá đặc thù và giàu tài nguyên thiên nhiên. Rừng đã nuôi sống, che chở con người suốt
nhiều thế kỷ qua, là nét đặc trưng của Bình Phước xưa và nay.
Cấu tạo địa hình của Bình Phước không cân đối, chênh lệch nhiều về độ dốc của địa hình,
dễ mất cân bằng về nguồn nước dự trữ. Tuy vậy, điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng lại rất thuận lợi
cho sự sinh trưởng và phát triển của cây cao su nên ngay từ đầu cuộc khai thác lần thứ nhất, tư
bản Pháp đã chọn vùng đất này để đầu tư và mở rộng khai thác đồn điền chủ yếu là trồng cao
su.
1.2. THỰC TRẠNG KINH TẾ - XÃ HỘI TRƯỚC KHI THỰC DÂN PHÁP XÁC LẬP
QUYỀN THỐNG TRỊ Ở BÌNH PHƯỚC
1.2.1. Kinh tế
Dưới triều Nguyễn, Bình Phước thuộc địa phận của tỉnh Biên Hòa. Tuy vậy, sự phát triển


của kinh tế Bình Phước đương thời đã không sánh kịp với Biên Hòa và Thủ Dầu Một. Chính
sách khai hoang của triều Nguyễn đối với vùng đất Nam Kỳ được khuyến khích triệt để. Mặc

dù vậy, nó chỉ phát huy giá trị tích cực đối với vùng đất trũng dọc những con sông lớn thuận lợi
cho cày cấy, buôn bán thương mại. Vùng Đồng Nai từ thế kỷ XVII, là địa đầu tập trung của các
lưu dân người kinh và Hoa. Người kinh nghèo khó từ các tỉnh phía bắc vào Đồng Nai định cư
được sự hỗ trợ tối đa của Nhà nước nên có điều kiện phát triển kinh nghiệm sản xuất của vùng
đất quê cũ, lại gặp điều kiện thuận lợi về thiên nhiên, đất đai màu mỡ…, họ nhanh chóng làm
giàu, ổn định nơi sinh sống để lập nghiệp. Người kinh giàu có di cư với mong muốn giàu có
hơn, đến vùng đất này nhanh chóng trở thành những bá hộ, thiên hộ có thế lực kinh tế và chiếm
vị thế cao trong xã hội. Với lực lượng lao động hùng hậu, kết hợp sự hỗ trợ của chính quyền từ
thời các chúa Nguyễn mà vùng đất Đồng Nai được khai phá quy mô, nhiều thôn, làng mọc lên
được quản lý quy củ, hình thành những cụm dân cư tập trung. Đời sống ổn định, kinh tế có điều
kiện phát triển vượt lên, ngay trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, cơ cấu cây trồng rất đa dạng
gồm lúa, đậu, dâu tằm, mía đường…, Biên Hòa từ xưa đã nổi tiếng với các sản phẩm nông
nghiệp như đường kính Biên Hòa.
Ngoài lưu dân người kinh, vùng đất Biên Hòa, Thủ Dầu Một từ thế kỷ XVII còn đón nhận
hàng loạt lưu dân là người Hoa đến khai khẩn, đứng đầu là nhóm do Trần Thượng Xuyên người
Quảng Đông dẫn đầu. Nhóm người này đã khuyếch trương khả năng thiên phú của họ về
thương mại tại vùng đất mới, làm cho nó mở mang, biến Cù lao Phố (Biên Hòa) trở thành một
thương cảng sầm uất…Nói tóm lại, vùng trung tâm Biên Hòa và Thủ Dầu Một có điểm xuất
phát kinh tế, xã hội toàn diện hơn so với Bình Phước cùng thời.
Trước khi thực dân Pháp xâm lược, các loại hình kinh tế tại địa phương còn đơn điệu. Cư
dân phần lớn là người dân tộc thiểu số, đời sống chưa ổn định. Kinh tế chính là nông nghiệp
tiểu nông và một số nghề phụ khác. Hoạt động sản xuất truyền thống của cư dân Bình Phước
cũng như một số các dân tộc người thiểu số ở Trường Sơn – Tây Nguyên Nam Bộ kéo dài đến
hết thời Pháp thuộc, chủ yếu là làm lúa rẫy trên sườn đồi hoặc trong rừng già. Sản xuất nông
nghiệp tự cấp tự túc là chính và thực hiện theo phương thức quảng canh hoặc luân canh.
Phương tiện canh tác thô sơ, tổ chức lao động tập thể giản đơn phổ biến theo tập quán pháp và
thể hiện tính chất dòng họ, giúp đỡ lẫn nhau bằng các kiểu vần công hoặc phụ giúp tự nguyện
không cần trả công [15, tr 65 - 68]. Trình độ sản xuất và chinh phục tự nhiên của người dân
tộc thiểu số tại chỗ còn yếu, lệ thuộc thiên nhiên, nên họ không thể có sản phẩm thừa để trao
đổi ra bên ngoài, do vậy mà kinh tế hàng hoá không có cơ sở để ra đời.



Cơ cấu cây trồng cũng như kiểu canh tác hầu như không thay đổi trong hàng trăm năm, đó
là làm lúa rẫy và trồng thêm một số cây lương thực phụ như ngô, khoai, rau, bầu, bí…Lương
thực thu hoạch hàng vụ thường chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt trong khoảng sáu tháng. Tình
trạng thiếu đói phổ biến và kéo dài.
Ngoài kiểu làm rẫy (làm lúa cạn trên sườn đồi, núi), còn có kiểu làm lúa nước trên ruộng
của người kinh nhập cư, chủ yếu tập trung ở các huyện phía nam của tỉnh vì có địa hình trũng.
Người kinh và các tộc người dân tộc thiểu số đã có trao đổi học hỏi kỹ thuật làm ruộng. Trâu bò
được nuôi để tận dụng sức kéo nhiều hơn.
Bên cạnh canh tác nông nghiệp, một số nghề khác cũng tồn tại như nghề rèn, nghề đan
lát, nghề đi buôn bằng voi của người Khmer hay buôn đường xa bằng thuyền độc mộc…, song
chỉ được xem là những công việc phụ sau những vụ mùa.
Tài liệu điền dã do Paul Patté ghi nhận [99, tr 220] về trình độ sản xuất, chinh phục tự
nhiên đã giúp cho người nghiên cứu hình dung toàn cảnh bức tranh sinh hoạt kinh tế, xã hội
truyền thống của cư dân Bình Phước qua hàng trăm năm chìm trong tình trạng lạc hậu về kỹ
thuật canh tác, nghèo nàn về loại hình ngành nghề, chủng loại và năng suất cây trồng.
1.2.2. Xã hội
Từ năm 1862 triều Nguyễn giao vùng đất Nam Kì cho thực dân Pháp quản lí. Bình Phước
ở giai đoạn 1862 đến 1897 là vùng thực dân Pháp chưa hoàn tòan quản lí được về mặt hành
chính. Thiết chế xã hội truyền thống vẫn giữ vai trò chủ đạo trong việc duy trì trật tự xã hội.
1.2.2.1. Trình độ tổ chức và quản lí xã hội
Đầu thế kỷ XIX, kinh tế Việt Nam vừa thoát khỏi thời kỳ chiến tranh loạn lạc kéo dài.
Khôi phục và phát triển kinh tế nông nghiệp, công thương nghiệp là nhu cầu bức thiết của đất
nước.
Trong nông nghiệp, vấn đề trọng yếu là giải quyết tình trạng ruộng đất cho nông dân, ngăn
chặn nạn kiêm tinh ruộng đất của bọn quan lại cường hào, không để hoang hoá ruộng đất và mở
rộng diện tích canh tác mới. Để đáp ứng những nhu cầu đó, triều Nguyễn đã thực hiện những
biện pháp kinh tế khá hiệu quả, thông qua chính sách khai hoang, di dân lập ấp…, ngay từ
những năm khởi đầu của triều đại.

Chính sách khai hoang được liên tục duy trì và ngày càng đẩy mạnh, mang lại kết quả tốt
dưới các triều vua Gia Long, Minh Mạng. Tại Nam Kỳ, chính sách này đã thúc đẩy sự hình
thành hàng loạt các đồn điền, chế độ chiếm hữu tư nhân về ruộng đất càng phát triển mạnh hơn


các thế kỷ trước. Tuy nhiên, đồn điền chỉ dừng lại ở trình độ canh tác theo phương thức phát
canh thu tô, chủ yếu là đồn điền trồng lúa.
Kinh tế đồn điền phát triển, làm gia tăng tình trạng cường hào ác bá, thuế khoá nặng nề
gây tình trạng bất an cho kinh tế tiểu nông. Thiên tai, bão lụt, dịch bệnh xảy ra liên tiếp hàng
năm, làm cho ruộng đồng, xóm làng tiêu điều xơ xác, nông dân bỏ làng phiêu tán khắp nơi. Bộ
máy quan liêu cồng kềnh đồ sộ, nhà nước không đủ khả năng chi phí nuôi dưỡng, chế độ lương
bổng bị cắt xén tối đa nên tệ tham ô, cướp đoạt của dân lành trở nên phổ biến ở chốn quan trường.
Đời sống nhân dân, nhất là dân ở các tỉnh phía Bắc ngột ngạt tăng gấp bội phần. Nạn lưu vong không
kể xiết chứng tỏ nhà nước mục ruỗng không còn đường cứu vãn.
Đối với phía Nam, chính sách khai hoang đã có những thành công nhất định. Nhiều trung tâm
đô thị dân cư sầm uất nổi lên ở những vùng đất trũng, thuận lợi cho canh tác nông nghiệp. Những
vùng xa nhà Nguyễn chưa đủ lực quản lý toàn diện cũng cho đặt các trạm dịch để thu thuế, đặt đơn
vị hành chính để xác nhận quyền quản lý và vỗ yên dân chúng. Khi thực dân Pháp đến xâm chiếm,
chúng chỉ đặt một số chức vụ hành chính ở cấp trên để quản lí các đơn vị hành chính cấp dưới do
người Việt cai quản. Thông qua thiết chế xã hội cũ, chúng mua chuộc và lợi dụng người Việt vào
mục đích nô dịch để thống trị bóc lột nhân dân.
Địa bàn Bình Phước từ xa xưa đã có nhiều tộc người sinh sống, đông nhất là dân tộc
Stiêng, sống du canh du cư theo từng buôn, sóc do các “chủ làng” hay “già làng”[3, tr 30] đứng
đầu, chưa được tổ chức thành hệ thống hành chính cụ thể.
Trong số các dân tộc người thiểu số cư trú tại Bình Phước, người Stiêng có công trong
việc khai phá vùng đất từ núi Bà Đen đến thượng nguồn sông Sài Gòn. Người Stiêng có tổ chức
xã hội cao hơn, song cũng chưa đạt đến mức phân chia giai cấp rõ rệt. Nói khác đi, trình độ tổ
chức xã hội của cư dân ở Bình Phước trước khi thực dân Pháp xâm lược còn thấp, mới bước
vào giai đoạn xã hội bắt đầu phân chia giai cấp và nhà nước, quản lý xã hội chủ yếu bằng luật
tục và dựa vào quan hệ huyết thống, trong xã hội vai trò của người già và phụ nữ được đề cao.

Chế độ nô lệ gia đình vẫn tồn tại phổ biến trong xã hội tộc người. Quan hệ giữa chủ với nô
lệ là quan hệ của người trên với kẻ dưới trong cùng một gia đình. Nô lệ có thể bị đem đi mua
bán, trao đổi vì là tài sản có giá trị cao của chủ, song không bị đối xử tàn nhẫn.
Tóm lại, ở Bình Phước cho đến năm 1897 trình độ quản lí xã hội vẫn còn thấp so với nhiều
vùng khác trong nước.
1.2.2.2. Hoạt động sản xuất và đời sống


Hoạt động sản xuất
Hoạt động sản xuất của cư dân tại chỗ chủ yếu là sản xuất lương thực theo kiểu sơn điền
(làm ruộng trên cạn, ở vùng cao), trỉa lỗ tra hạt. Công việc làm rẫy là truyền thống của tộc
người qua nhiều thế hệ. Lối canh tác rẫy của người Stiêng được tác giả Phan An mô tả chi tiết:
Theo tập quán pháp của người Stiêng, hàng năm mùa làm rẫy được tiến hành theo một quy
trình thống nhất là chọn rẫy, phát quang dọn các loại cây gai bụi, đốt rẫy để đuổi thú dữ và lấy
tro, chờ mưa xuống mới tỉa lúa xen lẫn các loại cây rau đậu khác [3, tr 54 – 55]. Đến mùa thu
hoạch lúa, cư dân dùng tay hoặc dùng một chiếc cặp giống như chiếc lược bằng gỗ để tuốt lúa.
Sau khi thu hoạch, lúa giống được cất ở gần nơi đun nấu để cho khói bếp xông, giúp giống để
được lâu ngày không bị sâu mọt. Kiểu canh tác này lệ thuộc vào tự nhiên, không hề có thêm sự
can thiệp, chăm sóc nào của con người sau khi hạt giống được gieo và mỗi năm chỉ có một vụ
trồng cấy vào mùa mưa. Vì vậy, năng suất thu hoạch mỗi vụ mùa không đủ dùng cho cả năm,
thường phải dùng thêm các lương thực phụ khác như ngô, sắn hay các loại sản phẩm có sẵn trong
tự nhiên, có được do săn bắn và hái lượm. Kỹ thuật và công cụ sản xuất hoàn toàn thô sơ, chủ yếu
là những chiếc xà gạc (một loại dao phát quang) và những chiếc cọc vót nhọn đầu dùng để chọc lỗ
tra hạt. Công cụ dùng hỗ trợ cho sản xuất còn thô sơ, canh tác chủ yếu dựa vào thiên nhiên nên cần
huy động một lực lượng lớn lao động. Do vậy mà các tổ chức sản xuất của họ tuy còn ở trình độ
thấp, song có tính tập thể cao và mang tính chất tương trợ giữa người trong cùng dòng họ.
Sau một vài vụ mùa, đất do không được bổ sung thêm chất dinh dưỡng nên cho năng suất
kém hơn vụ trước, cư dân liền bỏ trống, đi tìm chọn những khoảnh đất mới để tiếp tục làm mùa.
Thói quen canh tác như trên của người dân tộc thiểu số tại chỗ gây hậu quả nghiêm trọng đến
sự an toàn của rừng, ảnh hưởng đến sự cân bằng sinh thái.


Kiểu làm ruộng thảo điền

(ruộng nước) được người kinh du nhập vào địa phương cùng với quá trình nhập cư và được
người dân tộc thiểu số học hỏi áp dụng. Nhờ vậy, ở vùng đất trũng trồng lúa nước họ đã biết áp
dụng các kỹ thuật tưới tiêu, sử dụng phân bón, dùng cuốc và tận dụng sức kéo của gia súc vào
sản xuất. Người dân nuôi trâu bò nhiều hơn, mỗi nhà có khi nuôi 3 đến 4 con để cày bừa ruộng
và đạp lúa sau khi gặt. Năng suất lúa phần nào được cải thiện, song người dân tộc thiểu số vẫn
thiếu lương thực thường xuyên, một phần vì vẫn chưa thoát khỏi sự lệ thuộc vào thiên nhiên,
phần khác cũng không kém quan trọng là thói quen tiêu dùng phung phí không chịu tích trữ
lương thực sau mỗi vụ mùa, biểu lộ rõ qua việc tổ chức các lễ hội ăn mừng được mùa kéo dài
nhiều ngày.
Đời sống tộc người


Các bộ tộc Stiêng, Mạ… đã sinh sống trên vùng đất Đồng Nai, Gia Định từ lâu đời. Tuy
nhiên, mãi đến thế kỷ XIX họ vẫn sống trong tình trạng nguyên sơ, dân số ít, mật độ cư trú
mỏng với những kỹ thuật sản xuất thô sơ lạc hậu. Từ khi có sự xuất hiện của lớp cư dân người
kinh (thế kỷ XVII) vào vùng đất phương nam để tránh loạn do cuộc chiến tranh giành quyền
lực Trịnh – Nguyễn thì những vùng đất hoang vu trước đó được khai phá. Từ cuối thế kỷ XVII,
các chúa Nguyễn đã củng cố được thế lực và khuyến khích người kinh định cư trên vùng đất
mới chủ yếu từ Mô Xoài, Bà Rịa đến khu vực các cù lao ở toàn vùng Sài Gòn – Bến Nghé là
những nơi có đường giao thông thuận tiện, gần nguồn nước sinh hoạt, cày cấy nông nghiệp. Tại
vùng Hớn Quản lúc bấy giờ đã có các xóm làng của người kinh sống xen kẽ với các tộc người
Stiêng và Khmer. Giữa họ diễn ra sự giao lưu học hỏi kinh nghiệm sống, sinh hoạt, sản xuất và
cả sự kết hợp giống nòi. Tuy vậy cuộc sống kinh tế, văn hoá vẫn rất nghèo nàn đơn sơ.
Tác giả Huỳnh Lứa khi nghiên cứu về lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ có nhận xét: cho
đến thập niên 1860, vùng đất được khai phá nhiều nhất là miền Trung Nam Bộ, thuộc vùng
đồng bằng trải dài từ Sài Gòn, Cần Giuộc, Gò Công, Tân An, Mỹ Tho, Chợ Gạo, Cai Lậy và
vùng đất nằm giữa sông Tiền, sông Hậu. Ngược lại, vùng đất cao miền Đông Nam Bộ đã được

khai phá từ đầu thế kỷ XVII ở Bà Rịa, Biên Hòa, nhưng mức độ khai phá còn chậm [46, tr 133].
Bình Phước cũng nằm trong số những vùng đất mà lưu dân người kinh chưa thể khai phá hết, vì
thế đất vẫn bỏ trống, mênh mông, hoang vu và đầy ác thú. Cư dân tại chỗ là người dân tộc thiểu
số khi đó chủ yếu tập trung ở các huyện phía nam. Khi người kinh vào định cư tại đây giữa họ
với người dân tộc thiểu số sống rất hòa thuận. Suốt hàng thế kỷ trôi qua, quan hệ giữa các thành
phần dân cư ấy không thấy sử sách ghi lại có sự tranh chấp nào về ruộng đất.
Sự phân bố địa bàn cư trú, sản xuất được mặc nhiên xác định, sau này chính quyền triều
Nguyễn dựa vào đó mà phân định loại ruộng “sơn điền” hay “thảo điền” để thu thuế [29, tr 53 –
54]. Lưu dân khai hoang lúc bấy giờ tuỳ nghi chiếm hữu mở ruộng lập nghiệp. Tuy nhiên do
biện pháp quản lý của chính quyền lúc bấy giờ chưa nghiêm nên không có những ghi chép cụ
thể số diện tích ruộng tư. Ruộng đất do tư nhân chiếm hữu được liệt vào hạng tư điền thổ và
được phân chia theo gia đình, cho các họ và các tộc người ở khắp các tỉnh Nam Kỳ [28, tr 160 –
172]. Bên cạnh loại hình ruộng đất tư hữu (đất do tư nhân chiếm hữu) còn có loại hình ruộng
đất tư thuộc quản lý của xã thôn được gọi là “bổn thôn thổ” [28, tr 155] (loại ruộng đất này xin
được dùng cụm từ “ruộng đất công làng xã” cho dễ phân biệt với loại ruộng tư do một người
chiếm hữu), song với tỷ lệ nhỏ không đáng kể so với sở hữu tư về ruộng đất. Tuy vậy, đặc thù
của hình thái kinh tế – xã hội tồn tại ở Bình Phước kéo dài đến tận cuối thế kỷ XIX, cho phép


khẳng định: Bình Phước trước khi Pháp xâm chiếm và cai trị tồn tại phổ biến chế độ bổn thôn
điền được quản lý dựa vào tục lệ của làng.
Đầu thế kỷ XX, cư dân tại chỗ cư trú phân bố khắp từ Nha Bích (Bình Long) đến vùng cao
nguyên trung tâm (núi Bà Rá, Phước Long), họ chia thành nhiều nhóm, tên gọi khác nhau thuộc
các tộc người Stiêng, Mnông…. Mỗi nhóm người lại chia thành những bộ lạc nhỏ. Ví dụ, nhóm
Stiêng có người Stiêng Budèh sống từ Nha Bích đến cao nguyên trung tâm, thuộc nhóm người
Mnông là người Bouneur cư trú ở hợp lưu phía tây sông Bé, người Bbiet ở miền thượng lưu
Chlong (tức phía tây vùng cư trú của các bộ lạc Budèh, Mnông, Bouneur) [92, tr 19]. Canh tác lúa
rẫy theo kiểu du canh du cư, kết hợp với săn bắn hái lượm là nguồn sống chủ yếu của người dân
tộc thiểu số.
Sau mỗi vụ mùa chính người dân còn làm thêm các công việc khác để có thêm nguồn

lương thực bổ sung vào những tháng giáp hạt. Họ chăn nuôi gia súc, vào rừng săn bắn hoặc tìm
lấy những sản vật quý để đổi lấy những vật dụng cần thiết khác từ người kinh, người
Khmer…Khi ấy trong xã hội tộc người dân tộc thiểu số tại chỗ chưa có sự lưu thông của tiền tệ,
giá trị của vật phẩm được quy đổi thành các vật quý ngang giá với giá trị của vật phẩm khác.
Những vật phẩm quý thường dùng làm vật trao đổi ngang giá là chiêng, chóe, đôi khi dùng cả trâu
bò để trao đổi. Voi là biểu tượng cho giá trị cao nhất, thứ đến là trâu.
Trật tự xã hội của người dân tộc thiểu số địa phương được duy trì bởi luật tục và theo chế
độ mẫu hệ, tuy nhiên vai trò kinh tế của đàn ông trong gia đình và xã hội đã được đề cao. Xã
hội chưa được quản lý theo đơn vị hành chính cụ thể, làng là đơn vị hành chính duy nhất. Vai
trò của già làng, trưởng bản là tối cao.
Thói quen sinh hoạt của người dân tộc thiểu số tại chỗ gần gũi với thiên nhiên. Sau thời kì
thu hoạch mùa màng (khoảng giữa tháng giêng và tháng tư) họ thường tổ chức các lễ hội dài
ngày với tiệc rượu linh đình, quy tụ dân chúng của nhiều làng lân cận. Trong các dịp lễ hội, trâu
là con vật dùng để tế lễ, phong tục này vẫn được bảo tồn đến ngày nay.
Nhà ở của cư dân còn tạm bợ, được lợp bằng tranh, xung quanh quây chắn bởi các tấm
phên đan bằng tre nứa. Các tộc người dân tộc thiểu số tại chỗ và người nhập cư cư trú đan xen
với nhau, nên dẫn đến sự giao thoa về văn hóa và lai tạp giống nòi. Vì vậy, không thể tách biệt
về giống nòi theo nhân chủng học, hoặc nghiên cứu về văn hóa của họ một cách độc lập. Điều
này càng cho thấy rõ mối liên hệ khắn khít về văn hóa, tộc người giữa các nhóm cư dân trên địa
bàn và thể hiện tính thống nhất trong đa dạng về văn hóa của cộng đồng các tộc người, làm nên
nét độc đáo của văn hóa Bình Phước. Bình Phước là hình ảnh thu nhỏ của cộng đồng dân tộc


Việt Nam thống nhất.
Trình độ sản xuất nông nghiệp của cư dân còn thấp so với mặt bằng của cả nước cùng thời.
Quan hệ xã hội khép kín trong nội bộ tộc người càng làm tăng phần hạn chế tư duy của họ. Mặt
khác, Bình Phước chưa được triều Nguyễn quan tâm về cả hành chính cũng như phát triển kinh
tế vì nhiều lý do, kể cả việc triều Nguyễn chưa đủ sức để quản lý các địa phương quá xa. Chính
sách khai hoang phát triển đồn điền của triều Nguyễn chưa phát huy được tác dụng tích cực tại
đây. Hoạt động kinh tế của cư dân chưa thoát khỏi tình trạng tự cung tự cấp, lệ thuộc vào tự

nhiên, các nghề thủ công hoàn toàn là nghề phụ sau lúc nông nhàn và chỉ đáp ứng nhu cầu sinh
hoạt. Mọi sản phẩm kinh tế chưa được làm với mục đích để mua bán. Do vậy, kinh tế hàng hóa
chưa xuất hiện mà chỉ dừng lại ở mức là trao đổi hàng hóa giản đơn bằng hiện vật ngang giá.
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, tư bản Pháp đầu tư khai phá mở đồn điền trồng cao su.
Những cuộc nhập cư cưỡng ép của cư dân người kinh từ các tỉnh phía Bắc vào Bình Phước liên
tục diễn ra. Chính sách khai thác kinh tế của thực dân Pháp ở Bình Phước và sự có mặt của
người kinh, từ đây góp phần quyết định sự thay đổi lịch sử phát triển kinh tế – xã hội của một
vùng đất heo hút, âm u đến chết người.
1.3. PHÁP XÂM LƯỢC BÌNH PHƯỚC VÀ CHÍNH SÁCH KHAI THÁC BƯỚC ĐẦU
CỦA THỰC DÂN PHÁP
1.3.1. Thực dân Pháp xâm lược Bình Phước
Thực dân Pháp sau khi thất bại ở Đà Nẵng (9 - 1858), liền chuyển hướng xâm lược nước ta
về phía Nam (2 - 1859), nhằm cắt đứt nguồn viện trợ lương thực từ phía Nam cho triều đình
Huế. Tại Gia Định, quân Pháp đã vấp phải cuộc chiến đấu quyết liệt của nghĩa quân do Nguyễn
Tri Phương chỉ huy tại Đại đồn Chí Hòa (2 - 1861). Tuy nhiên, ưu thế về quân sự của quân
Pháp cộng với thái độ thiếu quyết đoán về đường lối đánh giặc của triều Nguyễn đã tạo cơ hội
cho thực dân Pháp nhanh chóng lần lượt chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ (4 - 1861 đến 3 1862), buộc triều đình nhà Nguyễn giao nộp miền Đông Nam Kỳ cho Pháp (Hòa ước ký ngày 5
tháng 6 năm 1862) và tiếp sau đó là chiếm nốt miền Tây Nam Kỳ (6 - 1867).
Mưu đồ xâm chiếm vùng đất phía Nam nước ta của thực dân Pháp không chỉ dừng lại ở
việc vơ vét vựa lúa ở miền Tây Nam Kỳ. Vùng Đông Nam Kỳ lúc bấy giờ dù khí hậu, đất đai
kém màu mỡ, thiên nhiên khắc nghiệt hơn, song vẫn bị thực dân Pháp đặt trong kế hoạch xâm
chiếm mang tính chiến lược lâu dài. Căn cứ vào tình hình thực tế kinh tế - xã hội của mỗi vùng
thổ nhưỡng và đặc điểm dân cư mà chúng có kế hoạch xâm chiếm, cai trị và đầu tư khai thác cụ
thể. Đối với vùng cao nguyên Nam - Trung Bộ bao gồm tỉnh Bình Phước hiện nay, lúc bấy giờ


×