Tải bản đầy đủ (.doc) (12 trang)

VAI TRÒ của GIÁO dục đạo đức hathibac

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (189.22 KB, 12 trang )

VAI TRÒ CỦA GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC CHO TRẺ EM
TRONG GIA ĐÌNH VIỆT NAM HIỆN NAY
Hà Thị Bắc∗
TÓM TẮT:
Giáo dục đạo đức trong gia đình có vai trò quan trọng đối với sự hình thành, phát triển và
hoàn thiện nhân cách của mỗi cá nhân. Trong giáo dục đạo đức của gia đình thì việc giáo dục đạo
đức cho trẻ em luôn được quan tâm đặc biệt bởi gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên và có vai
trò quyết định đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ em – lứa tuổi chưa trưởng thành,
còn non nớt cả về thể chất và tinh thần. Giáo dục đạo đức trong gia đình được coi là nền tảng cho
giáo dục đạo đức của nhà trường và xã hội vì đó là sự tác động một cách kiên trì, thường xuyên,
toàn diện và sâu sắc của những người lớn trong gia đình, đặc biệt là của cha mẹ đối với trẻ em và
luôn để lại dấu ấn đậm nét nhất trong suốt cuộc đời mỗi người. Trong phạm vi của bài viết này, tác
giả chỉ tập trung làm rõ vai trò của giáo dục đạo đức cho trẻ em trong gia đình ở Việt Nam hiện
nay.
Từ khoá: giáo dục đạo đức, gia đình, nhân cách cá nhân, giáo dục đạo đức gia đình ở Việt
Nam
1. Giáo dục đạo đức trong gia đình
Gia đình là một thiết chế giáo dục đặc biệt, bởi đó là thiết chế giáo dục dựa trên quan hệ huyết
thống, tình cảm thiêng liêng và có chú ý đến tính cá biệt của từng đối tượng giáo dục. Giáo dục gia
đình là hoạt động giáo dục được diễn ra trong phạm vi gia đình, đó là “sự tác động có hệ thống, có
mục đích của những người lớn trong gia đình và toàn bộ nếp sống của gia đình tới đứa trẻ”1. Giáo dục
gia đình được bắt đầu từ thời thơ ấu đến giai đoạn trưởng thành và cả khi đã về già, đó là quá trình
giáo dục diễn ra xuyên suốt trong cuộc đời của mỗi con người. Các nhà tâm lí học và giáo dục học
đều cho rằng, trong những năm đầu của cuộc đời, hệ thần kinh của trẻ em là mềm mại hơn cả và
thường thường trong quãng thời gian đó rất dễ hình thành những nét cơ bản của cá tính và hoàn thiện
những thói quen nhất định. Sau đó, những phẩm chất đã được hình thành từ thơ ấu sẽ tiếp tục phát
triển. A.X. Ma-ca-ren-cô từng khẳng định: “Những gì mà bố mẹ đã làm cho con trước lúc nó 5 tuổi –
đó là 90% kết quả của tất cả quá trình giáo dục” 2. Trẻ em là lứa tuổi chưa trưởng thành, còn non nớt
về thể chất và trí tuệ, dễ bị tổn thương, cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, kể cả sự bảo vệ về mặt
pháp lý. Về vị thế xã hội, trẻ em là một nhóm thành viên xã hội ngày càng có khả năng hội nhập xã
hội với tư cách là chủ thể tích cực, có ý thức và là người chủ của gia đình và dân tộc trong tương lai.





Tiến sĩ, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội.
Nguyễn Khắc Viện (1994), Từ điển xã hội học, NXB Thế giới, Hà Nội, tr. 233.
2
E.I. Xéc-miaj-cơ (Phạm Khắc Chương dịch) (1991), 142 tình huống giáo dục gia đình, NXB Giáo dục, Hà Nội, tr. 10.
1


Giáo dục đạo đức cho mọi người nói chung và trẻ em nói riêng là một trong những vấn đề thu
hút sự quan tâm ngày càng tăng của toàn xã hội. Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế, khi đời
sống kinh tế - xã hội luôn có những biến động phức tạp, khi con người ngày càng phụ thuộc và chi phối
lẫn nhau, đòi hỏi phải hợp tác với nhau nhiều hơn thì việc giáo dục đạo đức lại càng trở nên cần thiết
hơn. Nhất là đối với trẻ em – đối tượng dễ bị tác động bởi các yếu tố tiêu cực nảy sinh trong gia đình và
xã hội. Giáo dục đạo đức cho trẻ em là tạo ra lá chắn để bảo vệ các em và giúp các em bảo vệ chính
mình khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của sự biến đổi kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, giáo dục đạo đức
còn giúp trẻ em phát triển lành mạnh về mặt đạo đức, có cách ứng xử đúng đắn trong các mối quan hệ
của cá nhân với bản thân, với những người xung quanh, với công việc, với xã hội, với Tổ quốc, với môi
trường tự nhiên, với cộng đồng quốc tế, v.v.. Kết quả của quá trình giáo dục đạo đức là các em có được
các phẩm chất đạo đức tốt đẹp và bền vững, có được bản lĩnh đạo đức để ứng xử trong các mối quan hệ
đạo đức3. Giáo dục đạo đức trong gia đình cần được hiểu, một mặt là hoạt động giáo dục lẫn nhau giữa
các thành viên trong gia đình, giữa gia đình với cộng đồng xã hội khác; mặt khác, đó còn là quá trình tự
giáo dục, tự rèn luyện và tu dưỡng các phẩm chất đạo đức của mỗi cá nhân.
Như vậy, có thể hiểu giáo dục đạo đức trong gia đình là sự tác động có hệ thống, có mục
đích của những người lớn trong gia đình, đặc biệt là cha mẹ nhằm chuyển hóa những nguyên tắc,
chuẩn mực đạo đức xã hội thành những phẩm chất đạo đức, nhân cách cho trẻ, hình thành ở trẻ
thái độ đúng đắn trong giao tiếp, ý thức tự giác, tự nguyện thực hiện các chuẩn mực đạo đức của
xã hội, thói quen chấp hành các quy định của pháp luật.
Trong giáo dục gia đình thì sự tác động có hệ thống, có mục đích của cha mẹ đối với trẻ ở giai

đoạn ấu thơ sẽ quyết định đến phẩm chất, tính cách của trẻ ở các giai đoạn sau. Bởi vậy, trẻ em sinh ra
và lớn lên trong gia đình nào thì chịu ảnh hưởng của phong cách giáo dục, lối sống, văn hoá và đạo đức
của gia đình đó. Nói đến giáo dục đạo đức trong gia đình trước hết là nói đến mối quan hệ giáo dục giữa
cha mẹ và con cái nhằm chuyển hóa những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức của xã hội thành phẩm chất
và nhân cách của trẻ. Theo G.Bandzeladze, “chuẩn mực đạo đức là “đức tính và tình cảm đạo đức được
diễn đạt bằng một mệnh đề, một phán đoán hoặc một thuật ngữ”. Ở đó, tình cảm đạo đức và đức tính
chính là nhu cầu của con người hành động phù hợp với chuẩn mực đạo đức” 4. Các chuẩn mực đạo đức
này được cộng đồng lựa chọn, thừa nhận và chấp nhận, trở thành kinh nghiệm tập thể của cộng
đồng và có thể được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ví dụ, lòng yêu quê hương đất nước;
sự kính trọng và hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; tinh thần đoàn kết và nhân ái; tình yêu lao động,
v.v.. là những chuẩn mực đạo đức quan trọng hình thành nên nhân cách của con người.
Nguyên tắc đạo đức cũng chính là những chuẩn mực đạo đức nhưng có tính chất khái quát
hơn và hợp nhất nhiều chuẩn mực cụ thể. Có trường hợp một chuẩn mực nào đó không được nhìn
3

Nguyễn Dục Quang (2010), Báo cáo tổng kết đề tài khoa học và công nghệ cấp viện: Tìm hiểu về giáo dục đạo đức
học sinh của một vài nước trên thế giới, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Hà Nội, tr. 16.
4
G. Bandzeladze (1985), Đạo đức học, Tập 1, NXB Giáo dục, Hà Nội, tr. 92.


nhận là nguyên tắc đạo đức do tính chất tương đối cụ thể của nó, nhưng chuẩn mực này vẫn bao hàm
một loạt yêu cầu cụ thể hơn. “Chẳng hạn, chuẩn mực “chân thành” bào hàm sự ngay thẳng, lòng tôn
trọng sự thật, tính thật thà, v.v. và tương ứng với những đức tính nói trên là thái độ căm ghét sự dối
trá, thói đạo đức giả, thói xu nịnh, lèo lá, v.v..” 5. Giáo dục đạo đức trong gia đình không chỉ thể hiện
trách nhiệm, nghĩa vụ, sự yêu thương, gắn bó ruột thịt của cha mẹ đối với con cái mà còn gửi gắm
những nguyện vọng của cha mẹ vào phẩm chất, nhân cách của con cái sau này. Sự yêu thương, chăm
sóc, dạy dỗ của cha mẹ chính là yếu tố đầu tiên giúp trẻ thích nghi dần với đời sống xã hội, đồng thời
thông qua các hoạt động xã hội trẻ sẽ tiếp tục bổ sung và hoàn thiện nhân cách của mình.
2. Vai trò của giáo dục đạo đức trong gia đình

Giáo dục đạo đức trong gia đình có ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên và lâu dài đối với sự tồn
tại, phát triển của mỗi cá nhân trong suốt cuộc đời. Giáo dục đạo đức trong gia đình đặt cơ sở hết sức quan
trọng cho sự hình thành nhân cách gốc của trẻ em, thúc đẩy sự phát triển nhân cách ở tuổi thanh niên,
củng cố, giữ gìn nhân cách con người ở tuổi trưởng thành và khi về già. Ngay từ khi lọt lòng, trẻ đã được
chăm sóc, nuôi dạy trong môi trường gia đình, vì vậy, hoạt động tổ chức đời sống gia đình, các mối quan
hệ ứng xử của ông bà, cha mẹ, anh chị em, v.v. có ảnh hưởng trực tiếp đến tình cảm đạo đức của trẻ. Nhà
giáo dục Xô Viết nổi tiếng V.A.Xu-khôm-lin-xki từng khẳng định: “Ý nghĩa cơ bản và mục đích của cuộc
sống gia đình - đó là việc giáo dục con cái. Gia đình cùng với những mối quan hệ giữa con cái và bố mẹ là
trường học đầu tiên giáo dục trí tuệ, đạo đức, thẩm mỹ và thể chất cho con cái”6. Những hoạt động giao
lưu diễn ra trong đời sống gia đình được coi là môi trường giáo dục đầu tiên và quan trọng nhất đến sự
hình thành các phẩm chất đạo đức ban đầu của trẻ. Có thể thấy, vai trò của giáo dục đạo đức trong gia
đình được thể hiện thông một số nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, giáo dục đạo đức trong gia đình góp phần quyết định sự hình thành, phát triển các
phẩm chất đạo đức và nhân cách của trẻ em. Giáo dục đạo đức cho trẻ em là trách nhiệm của cả gia
đình, nhà trường và xã hội nhằm hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách của trẻ em. Tuy
nhiên, trong ba thiết chế giáo dục nêu trên, gia đình luôn được coi là môi trường giáo dục đầu tiên
và có vai trò quyết định đến sự hình thành và phát triển nhân cách gốc của trẻ. Nhân cách là một sản
phẩm của lịch sử phát triển xã hội loài người, nó được hình thành và phát triển trong quá trình sống hoạt động - giáo dục và tự giáo dục của con người. Đó là kết quả của quá trình truyền đạt, lĩnh hội các
kinh nghiệm sống của cá thể trong môi trường xã hội và môi trường xã hội đầu tiên và quyết định đến
sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ em chính là gia đình. Trước khi con người có những
hiểu biết về mình, về xã hội thì đã được định hướng và chỉ dạy từ gia đình. Những bước đi chập
chững đầu đời, người đầu tiên chỉ dạy cho trẻ cách đi đứng, ăn mặc, nói năng đó là cha mẹ. Vì vậy,
giáo dục của gia đình như thế nào thường sẽ hình thành nên nhân cách của đứa trẻ như thế ấy. Quan
5
6

G. Bandzeladze (1985), Đạo đức học, Tập 1, NXB Giáo dục, Hà Nội, tr. 95.
E.I. Xéc-miaj-cơ (Phạm Khắc Chương dịch) (1991), 142 tình huống giáo dục gia đình, NXB Giáo dục, Hà Nội, tr. 16.



niệm, thái độ, lối sống, cách ứng xử, hành vi đạo đức, tính cách, năng lực, công việc, sự nghiệp, v.v..
của cha mẹ là tấm gương đạo đức đối với con cái trong mỗi gia đình. Giáo dục gia đình chủ yếu được
thực hiện bằng tình cảm và mang tính cụ thể, nhằm vào mỗi cá nhân cụ thể, thúc đẩy sự phát triển
phẩm chất đạo đức và nhân cách của từng người. Giáo dục đạo đức trong gia đình còn mang tính cá
biệt cao, do đối tượng là những cá thể đặc thù, riêng biệt. Đối với mỗi cá nhân cụ thể đó thì phải có
phương pháp, cách thức và nội dung giáo dục riêng, cụ thể, cá biệt phù hợp với đặc điểm cá tính và
tâm sinh lý của trẻ. Do đó, giáo dục đạo đức trong gia đình thường có ưu thế hơn so với giáo dục đạo
đức trong nhà trường và xã hội. Mục tiêu của giáo dục đạo đức trong gia đình là tạo ra những con
người hiếu thảo, có đạo đức trong sáng, có suy nghĩ lành mạnh, hướng tới những giá trị nhân văn,
nhân đạo đích thực v.v.. Nói cách khác, giáo dục đạo đức trong gia đình góp phần tạo ra những con
người chân chính, có đời sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có năng lực trí tuệ cao, có lối sống lành
mạnh, đạo đức trong sáng, hết mình vì mọi người, vì quê hương, đất nước. Quá trình giáo dục đạo
đức được diễn ra trong suốt quá trình sống của con người, từ khi đứa trẻ mới sinh ra cho đến lúc
trưởng thành và cả đến khi đã lập gia đình. Tuy nhiên, sự giáo dục của gia đình từ thời thơ ấu có vai
trò quyết định sự hình thành phẩm chất và nhân cách của trẻ. Sự định hướng giá trị đạo đức của cha
mẹ trong gia đình sẽ giúp trẻ hình thành những chuẩn mực đạo đức và khuôn mẫu ứng xử cần thiết
trong cuộc sống.
Thứ hai, giáo dục đạo đức trong gia đình góp phần hình thành niềm tin và lý tưởng đạo đức
cho trẻ em. Hệ thống chuẩn mực đạo đức có vai trò định hướng giá trị, điều chỉnh hành vi và củng
cố niềm tin đạo đức đối với cá nhân trong ứng xử hàng ngày, trong toàn bộ lối sống của trẻ. Thông
qua giáo dục đạo đức trong gia đình, các bậc cha mẹ có thể làm cho trẻ nhận thức được ý nghĩa và
lợi ích của các chuẩn mực đạo đức để hình thành ý thức đạo đức cho trẻ. Khi ý thức đạo đức được
hình thành sẽ thôi thúc trẻ trẻ tự nguyện, tự giác chấp hành những chuẩn mực đạo đức như những
giá trị chân thực và tiến bộ của con người. Không giống như giáo dục đạo đức trong nhà trường, trẻ
được học đạo đức có thiên hướng lý trí thì ở gia đình lại không mang tính thuyết giảng mà thông
qua hành vi ứng xử, qua những tác động bằng tình cảm có sắc thái trực quan biểu cảm. Những lời
phân tích, giảng giải tâm tình của cha mẹ vừa rất thực tế lại có chiều sâu của tình cảm nên tác động
trực tiếp và sâu sắc đến nhận thức và hành vi của trẻ. Giáo dục đạo đức trong gia đình có những bài
học “tình huống” có giá trị thuyết phục cao vì nó gắn với thực tế, không rơi vào lý thuyết khô khan.
Gia đình có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức đạo đức, hình thành ý thức đạo

đức nhằm mục đích giúp trẻ thực hiện hành vi đạo đức một cách tự nguyện và tự giác. Hành vi đạo
đức của trẻ chính là kết quả, là nỗ lực của quá trình giáo dục đạo đức được biểu hiện cụ thể trong
các quan hệ đạo đức. Để đảm bảo có hành vi đạo đức ngoài việc giáo dục cho trẻ các chuẩn mực và
nguyên tắc đạo đức cần phải hình thành ở trẻ niềm tin và lý tưởng đạo đức. Như vậy, ngoài tri thức
đạo đức, còn có sự tin tưởng nào đó về lợi ích của các chuẩn mực đạo đức đối với xã hội. Sự tin


tưởng này chính là niềm tin đạo đức của cá nhân, đó là sự tin tưởng một cách sâu sắc và vững chắc
vào sự chiến thắng của cái thiện, tin tưởng vào tính chính nghĩa và tính chân lí của các chuẩn mực
đạo đức và sự tôn trọng triệt để các chuẩn mực đó. Niềm tin đạo đức là một trong những yếu tố của
hành vi đạo đức, là cơ sở làm bộc lộ những phẩm chất ý chí của đạo đức như lòng dũng cảm, tính
kiên quyết đấu tranh chống lại cái ác, đồng thời biết bảo vệ cái đúng, cái thiện. Bên cạnh đó, việc
hình thành niềm tin đạo đức còn là cơ sở cho việc xây dựng lý tưởng đạo đức, giúp trẻ tích cực
phấn đấu rèn luyện để hướng đến những giá trị đạo đức cao cả của con người, đó là những giá trị
Chân - Thiện - Mỹ. Để giáo dục hành vi đạo đức, hình thành niềm tin, lý tưởng đạo đức cha mẹ cần
đặt trẻ vào các tình huống cụ thể để trẻ thử nghiệm những hiểu biết của mình vào cuộc sống, trong
sinh hoạt và tổ chức cuộc sống gia đình.
Thứ ba, giáo dục đạo đức trong gia đình góp phần bảo lưu các giá trị đạo đức và văn hóa
truyền thống của dân tộc. Giá trị đạo đức và văn hóa truyền thống của dân tộc có tác động mạnh mẽ
đến sự hình thành những kiểu mẫu hành vi, đến sự đánh giá và những tình cảm đạo đức trong sáng
của trẻ em. Hiệu quả của giáo dục với tính cách là một nhân tố phát triển nhân cách phụ thuộc rất
nhiều vào kỹ năng vận dụng những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của dân tộc vào hoàn cảnh
xã hội mới để phục vụ xã hội và bản thân mỗi cá nhân. Do đó, đạo đức và văn hóa của cá nhân là sự
kết tinh những tinh hoa đạo đức, văn hóa của nhiều thời đại, nhiều thế hệ đã qua. Mỗi cá nhân khi
sinh ra đã được sống, được tiếp nhận một hệ giá trị, hệ chuẩn mực đạo đức và văn hóa xã hội.
Những giá trị, chuẩn mực này được phản ánh trong thế giới quan, hệ thống tri thức xã hội, trong
những chuẩn mực về pháp lý, đạo đức, thẩm mỹ, v.v.. Như vậy, nhân cách của con người được hình
thành và phát triển trong môi trường đạo đức và văn hóa của dân tộc một cách gián tiếp thông qua
quá trình giáo dục và tự giáo dục.
Trong các thiết chế lưu giữ giá trị đạo đức và văn hóa truyền thống thì gia đình là môi

trường đầu tiên và có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, truyền thụ, chuyển giao các giá trị văn
hóa, đạo đức của dân tộc nên có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển nhân cách của mỗi người. Thông
qua giáo dục đạo đức, gia đình đã góp phần bảo lưu và phát huy các giá trị đạo đức và văn hóa của
dân tộc một cách hiệu quả nhất trước những thách thức lớn của thời đại, đặc biệt là trong quá trình hội
nhập quốc tế hiện nay. Một dân tộc muốn phát triển bền vững trước hết phải dựa trên truyền thống
đạo đức, văn hóa tốt đẹp đồng thời phải giữ gìn và phát huy những giá trị đó cho thế hệ tương lai. Trẻ
em là người dễ bị tác động, ảnh hưởng bởi những lời nhận xét, đánh giá, những lối sống, trào lưu
sống bên ngoài, do vậy, giáo dục cho các em lối sống lành mạnh, tự giác thực hiện các chuẩn mực
đạo đức là cần thiết để các em có thể đứng vững và trưởng thành là một công dân tốt của xã hội.
Muốn làm được điều đó, cần phải chăm lo xây dựng gia đình lành mạnh để các giá trị đạo đức được
nuôi dưỡng và phát triển. Trẻ em khi được sống trong môi trường văn hóa, lối sống nhân văn, coi


trọng đạo lý sẽ trưởng thành với một bộ lọc văn hóa hữu hiệu trước những cơn bão táp của lối sống
ngoại lai không phù hợp với truyền thống đạo đức và văn hóa của dân tộc.
Thứ tư, giáo dục đạo đức trong gia đình góp phần tạo ra thế hệ trẻ phát triển toàn diện cả
Đức và Tài. Cấu trúc của nhân cách bao gồm năng lực và phẩm chất được kết hợp hữu cơ trong
chỉnh thể mỗi con người. Đây là quan hệ giữa Đức và Tài - hai thành phần nòng cốt nhất của nhân
cách. Đạo đức quy tụ những phẩm chất cá nhân, xã hội, ý chí hay phong cách ứng xử của con
người. Còn tài hay tài năng là sự biểu hiện tập trung và nổi bật của những năng lực xã hội hoá như:
khả năng thích ứng, năng lực sáng tạo; khả năng thể hiện cái riêng, cái độc đáo, cái bản lĩnh; khả
năng hành động có mục đích, có điều khiển, chủ động tích cực, v.v.. Đạo đức và năng lực, đức và
tài không tách rời nhau mà gắn liền với nhau, biểu hiện, chi phối lẫn nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh
thường sử dụng cặp khái niệm “đức” và “tài” để đánh giá con người, định hướng cho việc bồi
dưỡng, giáo dục con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Cũng như sông thì có nguồn mới có
nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc cây héo. Người cách mạng phải
có đạo đức, không có đạo đức dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”7. Bên cạnh
đó, trong khi nhấn mạnh vai trò của đạo đức, Hồ Chí Minh không xem nhẹ tài năng. Đối với Người,
đạo đức và tài năng là hai thành tố không thể thiếu của nhân cách và có quan hệ biện chứng với
nhau. Hồ Chí Minh khẳng định: “Có tài phải có đức. Có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho

đất nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai” 8. Như vậy,
trong giáo dục không những phải có tri thức phổ thông mà còn phải có đạo đức cách mạng. Đạo
đức là cơ sở để con người phát huy tài năng làm cho tài năng trở nên có ích cho xã hội. Ngược lại,
tài năng làm cho đạo đức trở thành đạo đức thực tế nghĩa là đạo đức được thể hiện, thực hiện trong
hoạt động của con người, chứ không phải là một thứ đạo đức suông không có tác dụng.
Giáo dục trẻ em phát triển toàn diện cả Đức và Tài là trách nhiệm của cả gia đình, nhà
trường và toàn xã hội. Trẻ em được sinh ra trong gia đình nhưng lại là một thành viên của xã hội, để
những thành viên này trở thành những công dân tốt của xã hội thì trẻ phải được quan tâm, chăm sóc
và giáo dục đặc biệt trước hết từ gia đình. Những thành tựu của khoa học hiện đại đã khẳng định
vai trò to lớn và không thể thay thế của giáo dục gia đình. Xét về bản chất, đứa trẻ sinh ra, nếu tách
khỏi môi trường giáo dục thì không thể trở thành “con người”. Sự khẳng định vai trò của giáo dục gia
đình, cũng có nghĩa là thừa nhận và tôn vinh vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục trẻ em.
Đạo đức là cơ sở, nền tảng của nhân cách nhưng khi nhân cách được hình thành lại có tác dụng
thúc đẩy và hoàn thiện đạo đức. Con người - chủ thể mang nhân cách đồng thời phải là con người - chủ
thể mang đạo đức và văn hóa đạo đức. Thực hiện tốt việc giáo dục đạo đức sẽ góp phần điều chỉnh nhận
thức, tình cảm và hành vi đạo đức của trẻ em và thực hiện mục tiêu chung của giáo dục quốc gia là đào
7
8

Hồ Chí Minh (2009), Toàn tập, Tập 5, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 252-253.
Hồ Chí Minh (2009), Toàn tập, Tập 8, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 184.


tạo ra thế hệ trẻ Việt Nam phát triển toàn diện. Sự phát triển hài hòa trong đời sống đạo đức, đời sống
tinh thần của trẻ em sẽ là bệ phóng cho sự phát triển của tài năng. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực và
cố gắng của gia đình rất cần có sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của nhà trường và xã hội trong việc giáo
dục đạo đức cho trẻ em.
3. Thực trạng vai trò giáo dục đạo đức trong gia đình Việt Nam hiện nay
Do chịu tác động nhiều chiều từ các yếu tố kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hôi, v.v. vấn đề
giáo dục đạo đức trong gia đình Việt Nam đã có những biến đổi mạnh mẽ cả tích cực và tiêu cực.

Sự biến đổi ấy đang đặt ra nhiều thách thức và khó khăn lớn đối với giáo dục đạo đức cho trẻ em.
Có thể thấy, sự biến đổi của vai trò giáo dục đạo đức trong gia đình Việt Nam được thể hiện ở một
số nội dung cơ bản sau:
Các nghiên cứu và kết quả điều tra định tính của đề tài: Mối quan hệ cha mẹ - con cái vị
thành niên do Viện Gia đình và Giới thực hiện năm 2012 cho thấy, nhìn chung, các bậc cha mẹ rất
quan tâm đến việc dành thời gian để giáo dục con cái. Giữa cha mẹ và con cái có mối liên hệ gắn bó
về tình cảm, và cha mẹ vẫn là chỗ dựa trên nhiều lĩnh vực và là người cung cấp kiến thức, kỹ năng
sống cho con9. Theo kết quả điều tra ở Hà Nội của tác giả Nguyễn Thị Tố Quyên năm 2010, có tới
89,3% các bậc cha mẹ cho rằng việc giáo dục đạo đức trong gia đình là rất quan trọng, 9,5% các
bậc cha mẹ cho rằng quan trọng10. Mặc dù phần lớn các bậc cha mẹ đã nhận thức được tầm quan
trọng của giáo dục đạo đức trong gia đình nhưng thực tế thì hiệu quả giáo dục đạo đức cho trẻ em
chưa đạt được kết quả cao do nhiều bậc cha mẹ chưa đầu tư đúng mức về mặt thời gian và công sức
đối với việc giáo dục đạo đức cho trẻ em.
Theo điều tra của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội; Viện Gia đình và Giới năm 2012,
đánh giá về hiệu quả của phương pháp giáo dục gia đình cho thấy, có 69,7% người trả lời đánh giá
tình trạng đạo đức, lối sống của giới trẻ hiện nay “nói chung là tốt”; 16,2% cho rằng chỉ khoảng 1/2
các em có đạo đức lối sống tốt và còn 10,1% nói rằng phần lớn chưa tốt; 4,1% không đánh giá được 11.
Cũng theo kết quả khảo sát Đề tài khoa học cấp bộ Giải pháp phối hợp các lực lượng xã hội nhằm
giáo dục đạo đức cho học sinh trung học cơ sở hiện nay của Viện Nghiên cứu giáo dục Việt Nam,
có “56% giáo viên và cán bộ quản lý nhận định rằng đạo đức của học sinh đang trong tình trạng đan
xen giữa cái tốt và cái xấu, tình trạng này ngày càng trầm trọng hơn so với trước đây. Có những
hiện tượng xưa nay hiếm như nghiện hút ma túy, bạo lực, nhất là bạo lực với thầy cô giáo thì nay đã
diễn ra ở nhiều trường học. Chỉ có 4% số ý kiến cho rằng học sinh có nhiều biểu hiện đạo đức tốt
9

Nguyễn Hữu Minh (Chủ nhiệm đề tài) (2012), Tổng quan về xây dựng gia đình Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020, Báo
cáo kết quả nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Viện Gia đình và Giới, Hà Nội, tr. 64.
10
Nguyễn Thị Tố Quyên (2010), Vai trò của gia đình trong giáo dục đạo đức cho trẻ em lứa tuổi trung học cơ sở ở địa
bàn Hà Nội, Luận án Tiến sĩ Xã hội học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, tr. 79.

11
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Gia đình và Giới năm (2012), Báo cáo kết quả điều tra: Thực trạng mối liên
hệ giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trên địa bàn Thành phố Hà Nội, Hà
Nội, tr. 88.


như chịu khó, năng động sáng tạo, biết không hài lòng với kết quả học tập, biết khiêm tốn để tự
khẳng định”. Cũng chỉ có 13,8% ý kiến cho rằng: “biểu hiện tốt nhiều hơn biểu hiện xấu”. Có tới
19,7% ý kiến cho rằng đạo đức học sinh đang xuống cấp nghiêm trọng 12. Hiện tượng vi phạm các
chuẩn mực đạo đức đã đến mức đáng lo ngại đang diễn ra phổ biến trong nhà trường và ngoài xã
hội như: bạo lực học đường, đe dọa hành hung thầy cô giáo, quay cóp bài, mua điểm, cờ bạc,
nghiện rượu, v.v.. Ngoài ra, thanh thiếu niên còn có nhiều biểu hiện sống hưởng thụ, coi nặng giá
trị vật chất, tiêu xài hoang phí, lười lao động, sống ích kỷ, v.v.. Kết quả khảo sát của Viện Nghiên
cứu và phát triển giáo dục Việt Nam cũng cho thấy, tỷ lệ vi phạm đạo đức của học sinh, sinh viên
ngày càng tăng và ở các cấp học sau tỷ lệ vi phạm đạo đức cao hơn cấp học trước. Ví dụ, tỷ lệ quay
cóp bài ở tiểu học là 8% thì đối với học sinh trung học cơ sở là 55%, học sinh trung học phổ thông
là 60%. Tỷ lệ nói dối cha mẹ của học sinh tiểu học là 22% thì học sinh trung học cơ sở là 50%, học
sinh trung học phổ thông là 64%:
Bảng 1: Thống kê về một số biểu hiện vi phạm đạo đức của học sinh, sinh viên
Nội dung khảo sát

Tiểu học

Trung học cơ Trung học phổ
sở

thông

20%


21%

58%

Tỉ lệ quay cóp

8%

55%

60%

Tỉ lệ nói dối cha mẹ

22%

50%

64%

4%

35%

70%

Tỉ lệ đi học
không đúng giờ

Tỉ lệ không chấp hành

luật giao thông

(Nguồn: Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu và phát triển giáo dục Việt Nam)
Kết quả điều tra nghiên cứu đạo đức học sinh, sinh viên của Viện Nghiên cứu Giáo dục
cũng cho thấy kết quả tương tự, tỷ lệ nói tục, xả rác, đánh bạc, nói dối ở các lớp học sau thường cao
hơn lớp học trước. Ví dụ, tỷ lệ nói tục của học sinh lớp 5 là 6% thì học sinh ở lớp 9, lớp 10 lần lượt
là 34% và 43%:
Bảng 2: Biểu hiện vi phạm đạo đức của học sinh, sinh viên

12

Viện Nghiên cứu giáo dục Việt Nam (2007), Đề tài khoa học cấp bộ: Giải pháp phối hợp các lực lượng xã hội nhằm
giáo dục đạo đức cho học sinh THCS hiện nay, tr.108.


Biểu hiện vi phạm

Lớp 5

Lớp 9

Lớp 10

Nói tục

6%

34%

43%


68%

Xả rác

0%

3%

8%

80%

Đánh bạc

0%

33%

59%

41%

Nói dối

0%

0%

3%


83%

đạo đức

Đại học

(Nguồn: Kết quả điều tra nghiên cứu đạo đức học sinh, sinh viên của Viện Nghiên cứu Giáo
dục).
Như vậy, trẻ càng lớn thì tỷ lệ vi phạm đạo đức càng cao và việc giáo dục đạo đức cho trẻ
em càng trở nên khó khăn và phức tạp. Đặc biệt là trẻ em ở lứa tuổi vị thành niên - lứa tuổi đang có
những biến đổi sâu sắc về thể chất và tâm sinh lý để chuyển từ “trẻ em” sang “người lớn” nên rất dễ
bị tác động, bị lôi kéo, vì vậy, rất cần có sự quan tâm chăm sóc, giáo dục thường xuyên và kịp thời
của gia đình.
Bên cạnh đó, việc nhìn nhận lại vị trí, vai trò của gia đình trong việc giáo dục trẻ em còn bắt
nguồn từ sự khủng hoảng, sự suy thoái đạo đức của một bộ phận thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay. Trong
những năm gần đây, tội phạm là trẻ em ngày càng gia tăng, đặc biệt là tội phạm vị thành niên diễn
biến phức tạp và tính chất phạm tội ngày càng nghiêm trọng đang là một vấn nạn của xã hội. Nguyên
nhân dẫn đến hiện trạng trên là hạn chế trong nhận thức của các bậc cha mẹ về vai trò, nội dung và
phương pháp giáo dục đạo đức trong gia đình. Thêm vào đó, thời gian chăm sóc và giáo dục con của
cha mẹ ngày càng giảm do áp lực của cuộc sống mưu sinh. Điều đó đã làm cho mối quan hệ giữa cha
mẹ và con cái trở nên lỏng lẻo, mối quan hệ tình cảm thiêng liêng của cha mẹ đối với con cái dường
như đã trở thành bổn phận và trách nhiệm nặng nề. Đáng lưu ý là vẫn còn tỷ lệ không nhỏ các bậc cha
mẹ không dành thời gian để chăm sóc, giáo dục con cái (6,8% của người mẹ và 21,5% của người
bố)13. Đối với những gia đình ở nông thôn, thời gian người mẹ dành để chăm sóc, dạy dỗ con cái ít
hơn nhiều so với những người mẹ ở thành thị (38,3% phụ nữ thành thị chăm sóc, dạy dỗ con ở mức
độ cao nhất từ 3 giờ/1 ngày trong khi chỉ có 24,7% phụ nữ ở nông thôn chăm sóc, dạy dỗ con ở mức
độ cao nhất từ 3 giờ/1 ngày) 14. Như vậy, trẻ em ở nông thôn sẽ thiệt thòi hơn trẻ em ở thành thị về sự
quan tâm, chăm sóc của cha mẹ đến sự phát triển cả về thể chất và tinh thần. Những thiếu hụt về tình
13


Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thống kê, Viện Gia đình và Giới, Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc
(UNICEF) (2008), Kết quả điều tra Gia đình Việt Nam năm 2006, Hà Nội, tr. 104.
14
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thống kê, Viện Gia đình và Giới, Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc
(UNICEF) (2008), Kết quả điều tra Gia đình Việt Nam năm 2006, Hà Nội, tr. 105.


cảm, sự ân cần chu đáo của cha mẹ đối với trẻ sẽ làm mất đi cơ hội để hình thành tình cảm yêu
thương, gắn bó đối với những người thân trong gia đình, tình trạng này diễn ra thường xuyên, lâu dần
sẽ làm cho tính cách của trẻ trở nên lạnh lùng và vô cảm. Theo nghiên cứu của tác giả Đặng Thanh Nga
và Trương Quang Vinh, một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của trẻ vị thành niên là
xuất phát từ gia đình. Trong số người chưa thành niên phạm tội được nghiên cứu có 27% số các em có
cha mẹ ly hôn, ly thân; 33% số các em có cha mẹ không sống cùng nhau (đi xa, bỏ nhà, đi tù, mất) và có
40% số các em có cha mẹ đang sống cùng nhau 15. Như vậy, phần lớn người chưa thành niên phạm tội
xuất thân từ những gia đình không hoàn chỉnh: hoặc cha mẹ ly hôn, ly thân, hoặc mất cha hoặc mất mẹ,
hoặc cả hai cùng mất, hoặc cha mẹ đang đi tù, v.v.. Do sự không hoàn thiện của gia đình nên sự chăm sóc,
giáo dục của cha mẹ đối với con cái không được đầy đủ đã ảnh hưởng lớn đến sự hình thành và phát triển
nhân cách của trẻ mà căn nguyên của hậu quả này lại bắt nguồn từ sự thiếu trách nhiệm của các bậc làm
cha mẹ.
Điều tra của Viện Gia đình và Giới năm 2010 tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy những
khó khăn của gia đình trong việc giáo dục đạo đức, nhân cách và kiểm soát con ở lứa tuổi vị thành
niên. Đánh giá về mức độ thuận lợi và không thuận lợi của cha mẹ trong việc giáo dục đạo đức,
nhân cách cho con cái: 13,5% cho rằng rất thuận lợi, 31,1% cho là thuận lợi, 3,1% cho rằng không
thuận lợi, 3,7% nói rất không thuận lợi và 20,5% nói vừa thuận lợi vừa không thuận lợi. Về mức độ
kiểm soát con cái ở tuổi vị thành niên chỉ có 15,8% các bậc cha mẹ cho rằng kiểm soát được hoàn
toàn hoạt động của con cái, 54,4% kiểm soát được phần lớn hoạt động của con cái, 28,1% chỉ kiểm
soát được một phần và 1,8% hầu như không kiểm soát được hoạt động của con cái16.
Bất lực trong việc giáo dục con cái, một bộ phận các bậc cha mẹ đã sử dụng bạo lực để uốn
nắn các hành vi lệch chuẩn của con cái. Việc sử dụng đòn roi như vậy sẽ khiến trẻ dễ có những phản

ứng tiêu cực, trở nên lì lợm, bướng bỉnh. Trong thời gian gần đây, chúng ta đã từng chứng kiến rất
nhiều vụ bạo hành của cha mẹ và người lớn đối với trẻ em đã để lại những hậu quả đáng tiếc là sự
bất ổn trong tâm lý và sự mất niềm tin vào gia đình và xã hội. Ngày 16/09/2014, Báo Dân trí đã đưa
tin, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương đã quyết định khởi tố vụ án,
khởi tố bị can đối với Đỗ Trọng Minh (27 tuổi, quê ở Đồng Nai) và Nguyễn Thị Thùy Trang (26
tuổi, quê ở Vĩnh Long) về hành vi “Cố ý gây thương tích” cho bé Đỗ Thị Kim Ngân (4 tuổi). Bé
Ngân đã bị cha mẹ trói đánh và bắt quỳ đến nỗi toàn thân tím tái, xuất huyết do chân thương sọ não.
Sự việc xảy ra đã khiến dư luận xã hội rất bức xúc trước hành vi dã man của người làm cha, làm
mẹ. Những vết thương về thể xác của bé Ngân có thể lành sau một thời gian nhưng sự tổn thương
về mặt tinh thần không thể đo đếm bằng những vết thương và rất khó hàn gắn.
15
16

Đặng Thanh Nga – Trương Quang Vinh (2011), Người chưa thành niên phạm tội, NXB Tư Pháp, Hà Nội, tr. 78.
Lê Ngọc Văn (2011), Gia đình và biến đổi gia đình ở Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 495.


Giáo dục gia đình khác với các thiết chế giáo dục xã hội khác, bởi đó là sự kết hợp hài hòa
của hai quá trình nuôi và dạy. Không chỉ chăm lo, nuôi dưỡng về mặt thể chất, mà thông qua các
hoạt động đó cha mẹ còn chăm sóc và nuôi dưỡng về mặt tinh thần cho đứa trẻ, giúp trẻ phát triển
đầy đủ và toàn diện. Những lệch lạc trong nhận thức của cha mẹ về vai trò của giáo dục đạo đức
trong gia đình là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em vi phạm các chuẩn mực
đạo đức, vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng, độ tuổi phạm tội ngày càng nhỏ, hành vi phạm
tội ngày càng nghiêm trọng. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận trẻ em hiện nay là
hồi chuông cảnh báo đối với các bậc cha mẹ về sự lung lay vai trò của gia đình trong việc giáo dục
đạo đức cho trẻ em.
4. Kết luận
Giáo dục đạo đức trong gia đình có vai trò quan trọng đối với sự hình thành, phát triển nhân
cách, củng cố niềm tin, lý tưởng đạo đức, đồng thời bảo lưu các giá trị đạo đức và văn hóa tốt đẹp của
dân tộc. Tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục con cái của cha mẹ vừa là nội dung vừa là

phương pháp giáo dục đạo đức trong gia đình góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, phát triển tài năng của trẻ.
Trẻ em sẽ là nguồn nhân lực chủ yếu trong tương lai, họ phải được giáo dục và rèn luyện về mọi
mặt, mà trước hết là phải được giáo dục về đạo đức. Vì vậy, nâng cao vai trò của giáo dục đạo đức
trong gia đình không chỉ là trách nhiệm của các bậc làm cha mẹ đối với con cái của mình mà còn
thể hiện trách nhiệm của họ đối với sự phát triển của xã hội. Nhận thức rõ vị trí và vai trò của gia
đình trong giáo dục thế hệ trẻ, Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn
2030 đã khẳng định: “Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi
dưỡng và giáo dục nhân cách, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ
nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” 17. Như vậy, giáo
dục đạo đức cho trẻ em trong gia đình là một công việc hết sức lớn lao, nghiêm túc nhưng cũng là
công việc đầy khó khăn, gian khổ, đòi hỏi cần có sự kiên trì, tập trung ý chí với đầy đủ sự quan tâm
và tình thương yêu con trẻ không chỉ từ phía gia đình mà cả toàn xã hội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.

G. Bandzeladze (1985), Đạo đức học, Tập 1, NXB Giáo dục, Hà Nội, tr. 92.

2.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thống kê, Viện Gia đình và Giới, Quỹ nhi
đồng Liên hợp quốc (UNICEF) (2008), Kết quả điều tra Gia đình Việt Nam năm
2006, Hà Nội, tr. 104 – 105.

3.

Vương Linh (2014), “Giải mã hành vi ngỗ ngược của Hào Anh và đứa trẻ bị bạo
hành”, .

17


Thủ tướng Chính phủ (2012), Quyết định Phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn
2030, tr. 1.


4.

Hồ Chí Minh (2009), Toàn tập, Tập 5, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 252-253.

5.

Hồ Chí Minh (2009), Toàn tập, Tập 8, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 184.

6.

Nguyễn Hữu Minh (Chủ nhiệm đề tài) (2012), Tổng quan về xây dựng gia đình Việt
Nam giai đoạn 2011 – 2020, Báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Viện Gia
đình và Giới, Hà Nội, tr. 64.

7.

Đặng Thanh Nga – Trương Quang Vinh (2011), Người chưa thành niên phạm tội,
NXB Tư Pháp, Hà Nội, tr. 78.

8.

Nguyễn Dục Quang (2010), Báo cáo tổng kết đề tài khoa học và công nghệ cấp viện:
Tìm hiểu về giáo dục đạo đức học sinh của một vài nước trên thế giới, Viện Khoa học
giáo dục Việt Nam, Hà Nội, tr. 16.

9.


Nguyễn Thị Tố Quyên (2010), Vai trò của gia đình trong giáo dục đạo đức cho trẻ em
lứa tuổi trung học cơ sở ở địa bàn Hà Nội, Luận án Tiến sĩ Xã hội học, Học viện
Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, tr. 79.

10. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Gia đình và Giới năm (2012), Báo cáo kết quả
điều tra: Thực trạng mối liên hệ giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục đạo
đức, lối sống cho học sinh trên địa bàn Thành phố Hà Nội, Hà Nội, tr. 88.
11. Thủ tướng Chính phủ (2012), Quyết định Phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình
Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, tr. 1.
12. Ngọc Trác (2010), “Bàn giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng học sinh đánh
nhau”, .
13. Lê Ngọc Văn (2011), Gia đình và biến đổi gia đình ở Việt Nam, NXB Khoa học xã
hội, Hà Nội, tr. 495.
14. Viện Nghiên cứu giáo dục Việt Nam (2007), Đề tài khoa học cấp bộ: Giải pháp phối
hợp các lực lượng xã hội nhằm giáo dục đạo đức cho học sinh THCS hiện nay, tr.
108.
15. Nguyễn Khắc Viện (1994), Từ điển xã hội học, NXB Thế giới, Hà Nội, tr. 233.
16. E.I. Xéc-miaj-cơ (Phạm Khắc Chương dịch) (1991), 142 tình huống giáo dục gia đình,
NXB Giáo dục, Hà Nội, tr. 10.



×