Tải bản đầy đủ (.doc) (12 trang)

Phân biệt dấu hiệu pháp lý của tội trộm cắp tài sản, tội lừa đảo chiếm đoạttài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (149.77 KB, 12 trang )

TÌNH HUỐNG
A là lái xe tải được công ty X thuê chở hàng từ kho của công ty giao cho hợp
tác xã Q theo hợp đồng. Trong một lần chở hàng, do đã quen nhau nên thủ kho của
công ty X thỏa thuận và cho A vào kho tự bốc và xếp hàng lên xe, mỗi chuyến chở
20 bao hàng ra cổng thủ kho mới kiểm tra số hàng vận chuyển và ký vào phiếu xuất
hàng. Hôm đó A đã chở được 4 chuyến, mỗi chuyến đúng 20 bao hàng, đến chuyến
thứ 5, A tự xếp thêm một bao hàng lên xe. Khi ra cổng kho A điềm nhiên như chỉ
chở 20 bao hàng như các chuyến trước và đưa phiếu xuất hàng cho thủ kho ký. Tin
rằng A chở đủ như các chuyến trước, lại đã trưa nên thủ kho không đếm lại số bao
mà hàng mà ký ngay vào phiếu xuất 20 bao hàng. Bằng thủ đoạn trên A đã chiếm
đoạt được 1 bao hàng của công ty X trị giá 2 triệu đồng.
Về vụ án trên có các quan điểm sau:
a. A phạm tội trộm cắp tài sản
b. A phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
c. A phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
1. Anh (chị) hãy xác định các quan điểm trên, quan điểm nào đúng? Giải
thích rõ tại sao?
2. Giả thiết rằng ngoài hành vi nói trên A còn rút bớt mỗi chuyến một số
hàng của hợp tác xã tổng giá trị là 5 triệu đồng. Hãy định tội cho hành vi này?
3. Giả định A đang có tiền án về tội giết người thì trường hợp phạm tội của
A là tái phạm hay tái phạm nguy hiểm? Tại sao?

1


GIẢI QUYẾT TÌNH HUỐNG
CÂU 1: ANH (CHỊ) HÃY XÁC ĐỊNH CÁC QUAN ĐIỂM TRÊN, QUAN ĐIỂM
NÀO ĐÚNG? GIẢI THÍCH RÕ TẠI SAO?
Muốn xác định A phạm tội trộm cắp tài sản (Điều 138 BLHS), tội lừa đảo
chiếm đoạt tài sản (Điều 139 BLHS) hay tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
(Điều 140 BLHS), ta phải căn cứ vào cấu thành tội phạm của ba tội này và xác định


hành vi của A thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu cơ bản của loại tội phạm nào trong ba
tội trên. Trước tiên ta cần phân biệt rõ dấu hiệu pháp lý của ba loại tội phạm này.
1. Phân biệt dấu hiệu pháp lý của tội trộm cắp tài sản, tội lừa đảo chiếm đoạt
tài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
Ta thấy rằng, cả ba loại tội phạm này đều có khách thể, chủ thể và mặt chủ quan
giống nhau. Trong cả ba tội, người phạm tội đều xâm hại đến quan hệ sở hữu là
khách thể được luật hình sự bảo vệ, chủ thể đều là chủ thể thường, có năng lực
trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định, hình thức lỗi đều là lỗi cố ý trực tiếp,
mục đích phạm tội là mong muốn chiếm đoạt được tài sản. Như vậy nếu chỉ dựa
vào ba yếu tố chủ thể, khách thể, và mặt chủ quan thì ta không thể phân biệt được
ba tội này.
Sự khác biệt của ba tội phạm này thể hiện rõ nhất thông qua mặt khách quan
của từng tội phạm, mà cụ thể là hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm của
từng tội phạm này.
Tội trộm cắp tài sản có hành vi khách quan là hành vi: “lén lút chiếm đoạt
tài sản của người khác”. Lén lút là hành vi: cố giấu diếm, vụng trộm không để lộ
ra do có ý gian (1). Như vậy, ta có thể hiểu, hành vi chiếm đoạt được coi là lén lút
nếu được thực hiện bằng hình thức có khả năng không cho phép chủ tài sản (người
quản lý tài sản) biết có hành vi chiếm đoạt khi hành vi này xảy ra; người phạm tội
1

Xem Từ điển Tiếng Việt tường giải và liên tưởng - NXB Văn hóa thông tin - 2004, trang 467.

2


khi thực hiện hành vi có ý thức che giấu hành vi của mình và việc che giấu này chỉ
đòi hỏi đối với chủ tài sản (người quản lý tài sản) (2). Người phạm tội có thể chỉ che
giấu tính chất phi pháp của hành vi, hoặc có thể che giấu toàn bộ hành vi phạm tội.
Hành vi khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm hai hành vi: hành

vi lừa dối và hành vi chiếm đoạt tài sản. Hành vi lừa dối là điều kiện để hành vi
chiếm đoạt có thể xảy ra, còn hành vi chiếm đoạt là mục đích và kết quả của hành
vi gian dối. Hành vi lừa dối là hành vi cố ý đưa ra thông tin không đúng sự thật
(qua lời nói, qua việc xuất trình những giấy tờ sai sự thật hoặc qua những việc làm
cụ thể). Hành vi chiếm đoạt của tội lừa đảo có hai hình thức thể hiện: nếu tài sản bị
chiếm đoạt đang trong sự chiếm hữu của chủ tài sản thì hình thức thể hiện của hành
vi chiếm đoạt là hành vi nhận tài sản từ người bị lừa dối, nếu tài sản bị chiếm đoạt
đang trong sự chiếm hữu của người phạm tội thì hình thức thể hiện của hành vi
chiếm đoạt là hành vi giữ lại tài sản đáng nhẽ phải giao cho người bị lừa dối (3).
Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có hành vi khách quan là hành vi
chiếm đoạt toàn bộ hay một phần tài sản đã được giao trên cơ sở hợp đồng đã được
kí kết giữa chủ tài sản và người có hành vi chiếm đoạt. Đối tượng của hành vi
chiếm đoạt trong tội này phải là những tài sản đã được giao ngay thẳng cho người
phạm tội trên cơ sở hợp đồng. Hành vi chiếm đoạt ở đây là những hành vi không
thực hiện đúng nghĩa vụ cam kết, có thể là hành vi không trả lại tài sản bằng thủ
đoạn bỏ trốn hoặc bằng thủ đoạn gian dối, hoặc hành vi không trả lại tài sản do
không có khả năng vì đã sử dụng vào mục đích bất hợp pháp (4).
Xét tình huống đề bài, ta có thể khẳng định về cả khách thể, chủ thể, và mặt
chủ quan của tội phạm A thực hiện đều thỏa mãn dấu hiệu của tội trộm cắp, tội lừa
đảo chiếm đoạt tài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Về khách thể,
khi thực hiện hành vi chiếm đoạt bất hợp pháp một bao hàng trị giá 2 triệu đồng
2

Xem: Trần Mạnh Hà, Định tội danh tội “Trộm cắp tài sản” qua một số dấu hiệu đặc trưng”, Tạp chí Nghề luật số
5/2006.
3
Xem: Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật hình sự Việt Nam tập 2, Nxb. CAND, Hà Nội, 2011, trang 38.
4
Xem: Sđd. Trang 42.


3


của công ty X, A đã xâm phạm đến quyền sở hữu – khách thể trực tiếp của ba loại
tội phạm trên. Đối tượng tác động là một bao hàng trị giá 2 triệu đồng. Về chủ thể,
A có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định (vì A là lái xe tải
nên chắn chắc phải trên 18 tuổi và có đầy đủ khả năng thực hiện công việc của
mình). Về mặt chủ quan, A thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp (vì A biết rõ
hành vi của mình xâm phạm quyền sở hữu và mong muốn mình sẽ chiếm đoạt được
tài sản đó).
Như vậy, để xác định quan điểm nào đúng trong ba quan điểm trên, ta cần
đối chiếu đối tượng tác động và hành vi khách quan mà A đã thực hiện với từng
quan điểm.
2. Đối chiếu đối tượng tác động và hành vi khách quan mà A đã thực hiện với
từng quan điểm
2.1. Quan điểm: A phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
Ta khẳng định quan điểm này là sai. Nếu dựa vào tình tiết A đã ký với công
ty X một hợp đồng vận chuyển, và vì A và thủ kho đã quen nhau từ trước, do tin
tưởng A, lại đã trưa nên thủ kho không kiểm tra số bao hàng mà kí ngay vào phiếu
xuất 20 bao, khiến cho A chiếm đoạt được 1 bao hàng thì dễ khiến ta xác định rằng
A phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Nhưng nếu xem xét cụ thể ta sẽ
thấy rằng: A không hề phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Trước tiên, A được công ty X tín nhiệm giao cho A vận chuyển hàng cho
công ty mình, và cơ sở của việc giao tài sản này là một hợp đồng vận chuyển.
Nhưng khối lượng tài sản mà A đã được giao là trong một chuyến hàng chỉ là 20
bao, chứ không phải là 21 bao, hay nói cách khác, bao hàng A tự ý xếp thêm lên xe
không thuộc phạm vi tài sản mà công ty X đã giao cho A thông qua thủ kho của
công ty mình, và bao hàng này A không được giao một cách ngay thẳng. Như đã
trình bày ở trên, đối tượng của hành vi chiếm đoạt trong tội lạm dụng tín nhiệm
4



chiếm đoạt tài sản phải là những tài sản đã được giao ngay thẳng cho người phạm
tội trên cơ sở hợp đồng. Nhưng đối tượng của hành vi chiếm đoạt trong trường hợp
này lại là 1 bao hàng không phải tài sản đã được giao cho A một cách ngay thẳng,
nên nó không thể trở thành đối tượng của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài
sản, và A không thể bị coi là phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Ngoài ra, A cũng không hề có hành vi không trả lại tài sản được giao bằng
thủ đoạn bỏ trốn hoặc thủ đoạn gian dối, hay hành vi không trả lại được tài sản
được giao vì đã sử dụng vào mục đích bất hợp pháp (thực tế tài sản A chiếm đoạt
không phải tài sản mà A được giao, mà do A tự ý lấy đi, nên không thể có hành vi
không trả lại tài sản đươc giao).
Do đó, quan điểm cho rằng A phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài
sản là không chính xác.
2.2. Quan điểm: A phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Ta khẳng định quan điểm này là sai, bởi A chỉ có hành vi chiếm đoạt tài sản
mà không hề có hành vi lừa dối; và hành vi chiếm đoạt mà A thực hiện không phải
một trong hai dạng thể hiện của hành vi chiếm đoạt của tội lừa đảo.
Trước tiên, ta thấy đối tượng của hành vi chiếm đoạt tài sản A thực hiện chỉ
là duy nhất 1 bao hàng A tự xếp thêm, chứ không phải cả 20 bao hàng trong hợp
đồng. Như đã phân tích ở trên, hành vi gian dối trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
là đưa ra các thông tin không có thật bằng các cách thức, thủ đoạn khác nhau làm
cho chủ tài sản (hoặc người quản lý hợp pháp tài sản) tin là thật, sau đó họ tự
nguyện giao tài sản của mình cho người có hành vi gian dối. Việc A đưa phiếu xuất
hàng 20 bao nhưng thực tế lại là 21 bao không phải là hành vi gian dối của tội danh
lừa đảo chiếm đoạt tài sản bởi phiếu xuất hàng là thật, việc A mang 20 bao hàng ra
khỏi kho là thật. Người thủ kho không biết việc A tự ý xếp thêm lên xe 1 bao hàng,
đồng thời cũng không có việc A lừa dối người thủ kho, nên không thể có việc
5



người thủ kho tự nguyện giao bao hàng cho A do bị lừa dối. Nếu A sửa giấy xuất
hàng thành 21 bao, người thủ kho biết giấy xuất hàng có sự thay đổi, tin rằng sự
thay đổi này là từ phía công ty X chứ không phải do A tự ý sửa, và tự nguyện kí
cho A chở hàng ra ngoài thì hành vi này của A mới là hành vi lừa dối trong tội lừa
đảo chiếm đoạt tài sản. A đã tự xếp thêm 1 bao hàng mà thủ kho không hề biết, đây
là hành vi thể hiện mục đích chiếm đoạt của A chứ không phải là do thủ kho giao
nhầm tài sản. Như vậy có nghĩa là A không hề được nhận tài sản đó từ người thủ
kho (người đang quản lý hợp pháp tài sản), lại càng không phải việc A đã giữ lại tài
sản đáng nhẽ phải giao cho hợp tác xã Q.
Vì vậy, ta có thể kết luận, tội danh của A không phải là tội lừa đảo chiếm
đoạt tài sản.
2.3. Quan điểm: A phạm tội trộm cắp tài sản
Như đã trình bày ở trên, đặc điểm nổi bật trong hành vi chiếm đoạt của tội
trộm cắp tài sản là người phạm tội lén lút (bí mật) lấy tài sản. Hành vi chiếm đoạt
được coi là lén lút nếu được thực hiện bằng hình thức có khả năng không cho phép
chủ tài sản (hoặc người quản lý tài sản hợp pháp) biết có hành vi chiếm đoạt khi
hành vi này xảy ra.
Xét trong tình huống, việc A xếp 20 bao hàng lên xe không phải là hành vi
lén lút - người thủ kho hoàn toàn biết có việc đó, nhưng việc A tự ý đưa thêm 1 bao
hàng nữa lên xe lại là hành vi chiếm đoạt lén lút. Tình tiết A xếp hàng lên xe một
cách bình thường, không có sự quản lí giám sát của người thủ kho có thể khiến ta
hiểu nhầm rằng hành vi của A không mang tính chất lén lút, vì nó diễn ra một cách
bình thường, người thủ kho vẫn biết là A đang xếp hàng chứ A không hề giấu diếm
che đậy việc xếp hàng của mình. Nhưng khi đó, người thủ kho không thể biết rằng
A đã tự ý xếp thêm 1 bao hàng lên xe. Hành vi chiếm đoạt của A trên thực tế đã
được thực hiện bằng hình thức có khả năng che giấu, không cho người thủ kho biết

6



đang có hành vi chiếm đoạt xảy ra. Việc người thủ kho lơ là, vì tin tưởng A nên
không kiểm tra việc A bốc và xếp hàng chỉ là cơ hội, điều kiện để A có thể thực
hiện hành vi chiếm đoạt một cách lén lút. Không những thế, khi ra đến cổng, A còn
“điềm nhiên” như chỉ chở 20 bao, đưa phiếu xuất kho cho người thủ kho kí như
bình thường để tiếp tục che mắt người thủ kho, làm họ mất cảnh giác, giúp A dễ
dàng chở hàng đi mà không bị phát hiện. Người thủ kho thấy A chở hàng ra, nhưng
lại không thể biết trên chuyến hàng đó có bao hàng mà A đã chiếm đoạt. Khi đó, A
đã che giấu được hành vi phạm tội đối với người quản lý tài sản. Những hành vi đó
được A thực hiện với ý thức lén lút không cho người quản lý tài sản biết, và nhằm
mục đích che giấu việc chiếm đoạt tài sản của mình. Như vậy, có thể khẳng định
rằng, hành vi của A đã thực hiện là hành vi “lén lút chiếm đoạt tài sản” – hành vi
khách quan của tội trộm cắp. Quan điểm A phạm tội trộm cắp là chính xác.
3. Kết luận
Qua những phân tích ở trên, ta có thể khẳng định, trong ba quan điểm được nêu
ra ở đề bài, chỉ có quan điểm A phạm tội trộm cắp là đúng.
CÂU 2: GIẢ THIẾT RẰNG NGOÀI HÀNH VI NÓI TRÊN, A CÒN RÚT BỚT
MỖI CHUYẾN MỘT SỐ HÀNG CỦA HỢP TÁC XÃ VÀ TỔNG GIÁ TRỊ
LÀ 5 TRIỆU ĐỒNG. HÃY ĐỊNH TỘI CHO HÀNH VI NÀY?
Trong trường hợp này, A đã thực hiện hai hành vi. Hành vi thứ nhất là hành
vi tự mình xếp thêm một bao hàng lên xe và khi ra cổng chỉ đưa phiếu xuất hàng 20
bao cho thủ kho ký. Bằng cách đó A đã chiếm đoạt được 1 bao hàng có giá trị là 2
triệu đồng. Hành vi này đã cấu thành tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều
138 BLHS như đã phân tích ở phần 1. Hành vi thứ hai là hành vi “rút bớt mỗi
chuyến một số hàng của hợp tác xã Q tổng giá trị là 5 triệu đồng”. Sau đây chỉ xác
định tội danh đối với hành vi thứ hai.

7



Hành vi thứ hai của A đã cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
theo quy định tại Điều 140 BLHS. Các dấu hiệu về chủ thể, khách thể và của tội
này cũng giống như những gì đã phân tích trong phần 1 của bài tập này. Ở đây ta
chỉ xét mặt chủ quan và mặt khách quan của tội phạm.
Về mặt chủ quan của tội phạm, lỗi ở đây là lỗi cố ý trực tiếp. Là một người
lái xe, A hoàn toàn phải biết rằng nhiệm vụ của mình là phải giao đủ số lượng hàng
cho người cần giao, không được tự ý thay đổi số lượng này. Nhưng A lại rút bớt
mỗi chuyến một số hàng, điều đó chính tỏ A có mục đích chiếm đoạt tài sản, và A
thực hiện hành vi chiếm đoạt này với lỗi cố ý trực tiếp.
Về mặt khách quan của tội phạm:
Thứ nhất, tài sản mà A đang nắm giữ là hoàn toàn được giao một cách ngay
thẳng trên cơ sở hợp đồng đã ký kết giữa chủ tài sản ban đầu là công ty X, cụ thể là
hợp đồng thuê vận chuyển tài sản. Số lượng hàng trong những chuyến mà A rút bớt
là được nhận từ người thủ kho một cách ngay thẳng, đúng số lượng như đã thỏa
thuận trong hợp đồng.
Thứ hai, hành vi chiếm đoạt mà A thực hiện là hành vi không thực hiện đúng
nghĩa vụ cam kết, cụ thể, A đã dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Thủ
đoạn gian dối ở đây là việc A đã rút bớt mỗi chuyến một số lượng hàng nhất định
để chiếm đoạt số hàng đó. Như vậy, hành vi của A đã thỏa mãn dấu hiệu dùng thủ
đoạn gian dối để chiếm đoạt một phần tài sản đã được giao trên cơ sở hợp đồng, vì
vậy, A cũng bị coi là không thực hiện đúng nghĩa vụ cam kết trong hợp đồng vận
chuyển hàng hóa là phải giao hàng đúng số lượng, chất lượng, thời gian, địa
điểm…. Đương nhiên khi A đã rút bớt hàng thì sẽ không thể giao hàng đủ số lượng
theo hợp đồng được, đồng nghĩa với việc A đã không trả lại tài sản cho chủ tài sản,
và chiếm đoạt khối lượng tài sản đó.

8


Như vậy, ta có thể khẳng định rằng, với hành vi A đã thực hiện theo giả thiết

ở câu 2, A đã phạm hai tội: Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy
định tại Điều 140 BLHS và tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 138 BLHS.
CÂU 3: GIẢ ĐỊNH A ĐANG CÓ TIỀN ÁN VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI THÌ
TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỦA A LÀ TÁI PHẠM HAY TÁI PHẠM NGUY
HIỂM? TẠI SAO?
Điều 49 BLHS 1999 quy định về tái phạm và tái phạm nguy hiểm như sau:
“1. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội
do cố ý hoặc phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.
2. Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:
a) Đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý,
chưa được xoá án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm
trọng do cố ý;
b) Đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý”.
Bởi vậy, để xác định trường hợp của A được coi là tái phạm hay tái phạm
nguy hiểm cần phải xác định ba yếu tố sau:
Thứ nhất: A đã được xóa án tích về tội đã phạm trước đó hay chưa?
Trong tình huống đã nêu rõ A chưa được xóa án tích về tội giết người trước
đó của mình.
Thứ hai: Tội mà A đã phạm phải trước đó là loại tội phạm gì? Hình thức lỗi
cố ý hay vô ý? Tội này đã bị coi là tái phạm hay chưa?
Tội mà A phạm phải trước đó là tội giết người. Tội giết người tại Điều 93
BLHS có thể là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Lỗi của A trong trường hợp này là lỗi cố ý.
Tội này của A có thể đã bị coi là tái phạm hoặc có thể chưa bị coi là tái phạm.

9


Thứ ba: Tội mà A phạm phải trong trường hợp này là loại tội gì? Hình thức
lỗi cố ý hay vô ý?

Tội mà A phạm phải trong trường hợp này là tội trộm cắp tài sản, hình thức
lỗi của A là lỗi cố ý. Giả định A không có các tình tiết tăng nặng khác, vì giá trị của
tài sản bị trộm cắp là hai triệu đồng, nên A sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo
Khoản 1 Điều 138 BLHS. Tội trộm cắp tài sản được quy định tại Khoản 1 Điều 138
BLHS là tội phạm ít nghiêm trọng (vì mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội
này là ba năm tù).
Từ đó, nhóm chúng tôi có những kết luận sau:
Tội phạm của A được coi là tái phạm khi tội giết người trước đó của A chưa
được coi là tái phạm. Trong trường hợp này, A đã bị kết án, chưa được xoá án tích
mà lại phạm tội (tội mới) do cố ý, nên tội phạm này được coi là tái phạm theo quy
định tại Khoản 1 Điều 49 BLHS 1999.
Tội phạm của A được coi là tái phạm nguy hiểm khi tội giết người trước đó
của A bị coi là tái phạm. Trong trường hợp này, A đã bị kết án, chưa được xoá án
tích mà lại phạm tội (tội mới) do cố ý, mà tội cũ lại bị coi là tái phạm, vì vậy, tội
phạm của A được coi là tái phạm nguy hiểm theo quy định tại Điểm b Khoản 2
Điều 49 BLHS 1999.

10


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
***
1.

Bộ Luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), Nxb. Lao động, Hà
Nội, 2010.

2.

Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật hình sự Việt Nam, tập 1, Nxb.

CAND, Hà Nội, 2010.

3.

Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật hình sự Việt Nam, tập 2, Nxb.
CAND, Hà Nội, 2011.

4.

Khoa luật Đại học quốc gia Hà Nội, Giáo trình luật hình sự - phần các tội
phạm, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, 2007.

5.

Đinh Văn Quế, Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 1999, tập II, bình
luận chuyên sâu, Nxb. TPHCM, 2006.

6.

Trần Mạnh Hà, “Định tội danh tội “ Trộm cắp tài sản” qua một số dấu hiệu
đặc trưng”, Tạp chí Nghề luật số 5/2006.

7.

Trương Quang Vinh, “Các tội xâm phạm sở hữu trong BLHS năm 1999”,
Tạp chí luật học, số 4/2000.

8.

Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao số

02/2003/NQ-HĐTP ngày 17 tháng 04 năm 2003 hướng dẫn áp dụng một số
quy định của Bộ luật Hình sự.

9.

Thông tư liên tịch của Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối
cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp số 02/2001/ TTLT – TANDTC – VKSNDTC
11


– BCA – BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 về việc hướng dẫn áp dụng một
số quy định tại chương XIV “các tội xâm phạm sở hữu” của BLHS năm
1999.
10.

Các trang web:
- Luật Hình sự

:

- Hệ thống văn bản pháp luật

:

- Tòa án nhân dân tối cao

:

12




×