Tải bản đầy đủ (.doc) (16 trang)

Những quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành về kháng cáo phúc thẩm hình sự

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (174.78 KB, 16 trang )

MỞ ĐẦU
Luật tố tụng hình sự VIệt Nam đã quy định những biện pháp để đảm bảo cho
Tòa án xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, phù hợp với đường lối chính
sách của Đảng và Nhà nước, không để lọt tội phạm, không để oan người vô tội. Tòa
án cấp sơ thẩm khi đưa ra xét xử sơ thẩm một vụ án hình sự phải ra bản án hoặc
quyết định hợp pháp và có căn cứ. Mặc dù vậy, vẫn tồn tại những bản án của Tòa án
sơ thẩm không đáp ứng được yêu cầu của pháp luật. Vì vậy kháng cáo là một chế
định quan trọng trong luật tố tụng hình sự. Đây là cơ sở pháp lý cho Tòa án cấp phúc
thẩm xét xử lại vụ án, qua đó kịp thời phát hiện và khắc phục những sai lầm, thiếu
sót của Tòa án cấp dưới cả về nội dung cũng như hình thức tố tụng, đảm bảo sự công
bằng của pháp luật, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức xã hội, quyền và lợi ích
hợp pháp của công dân.
NỘI DUNG
I.

Lý luận chung về kháng cáo phúc thẩm hình sự

1. Khái niệm về kháng cáo phúc thẩm hình sự
Có rất nhiều cách định nghĩa khác nhau về kháng cáo phúc thẩm hình sự,
nhưng nhìn chung lại có thể định nghĩa kháng cáo phúc thẩm hình sự như sau: “
kháng cáo phúc thẩm hình sự là quyền của bị cáo, người tham gia tố tụng khác theo
quy định của pháp luật được để nghị Tòa án cấp trên trực tiếp xét lại bản án và
quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật để bảo vệ quyền và
lợi ích hợp pháp cho họ hoặc những người khác.”
2. Ý nghĩa của kháng cáo phúc thẩm hình sự
Kháng cáo là một chế định có vị trí vai trò quan trọng trong tố tụng hình sự. Đây
là một quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo và cá đương sự, bảo vệ
nguyên tắc hai cấp xét xử, đảm bảo cho pháp chế xã hội chủ nghĩa được duy trì và
thực thi. Như vậy kháng cáo có ý nghĩa rất lớn cả về mặt chính trị, pháy lý và xã hội.
2.1. Ý nghĩa chính trị của kháng cáo phúc thẩm hình sự


1


Kháng cáo có ý nghĩa trong việc đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa. Pháp luật tố tụng hình sự quy định quyền kháng cáo phúc
thẩm cho bị cáo và những người tham gia tố tụng khác chính là việc nhà nước tạo
điều kiện cho công dân tự đứng lên bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Bên cạnh đó bị cáo và người đại hợp pháp của họ thực hiện quyền bào chữa cho
chính bị cáo.
Mặt khác quyền kháng cáo là một trong những cơ sở cho việc xét xử của Tòa
án cấp trên trực tiếp của Tòa án sơ thẩm đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có
hiệu lực pháp luật. Khi phiên tòa phúc thẩm được mở ra thì một lần nữa vụ án được
xem xét lại. Từ đó nhanh chóng khắc phục đảm bảo vụ án được giải quyết đúng đắn
khách quan, công bằng, đúng pháp luật. Khi các chủ thể thực hiện quyền kháng cáo
của mình đống nghĩa với việc họ đã giúp Tòa án cấp trên nhận biết được sai lầm,
thiếu sót của Tòa án cấp dưới từ đó có thể khắc phục, hướng dẫn sửa chữa những sai
lầm, rút kinh nghiệm cho công tác xét xử, đảm bảo cho việc áp dụng pháp luật thống
nhất của Tòa án các cấp. Từ những kháng cáo, cơ quan xét xử sẽ thấy được những
vướng mắc, khuyết điểm trong luật để đưa ra hướng đề nghị sửa đổi pháp luật sao
cho phù hợp với tình hình thực tiến.
2.2. Ý nghĩa pháp lý của kháng cáo phúc thẩm hình sự
Việc quy định và thực hiện chế định kháng cáo là cơ sở pháp lý quan trọng phát
sinh thủ tục phúc thẩm hình sự, đồng thời cũng xác định được phạm vi xét xử của
Tòa án cấp phúc thẩm. Trên cơ sở kháng cáo phúc thẩm hình sự hợp lệ, Tòa án cấp
phúc thẩm tuân theo những quy định của bộ luật Tố tụng hình sự 2003 để tiến hành
mở phiên tòa phúc thẩm để xét xử lại vụ án, xét lại tính hợp pháp của bán án, quyết
định của Tòa án cấp dưới. Từ đó bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của công
dân, mặt khác có thể sửa chữa những sai lầm của Tòa án sơ thẩm.
Ngoài ra kháng cáo còn có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện
nguyên tắc cơ bản của pháp luật tố tụng hình sự đó là nguyên tắc hai cấp xét xử.

Quyền kháng cáo là một trong những phương tiên hữu hiệu để bảo vệ kịp thời quyền
và lợi ích của công dân, đặc biệt là của bị cáo trong vụ án hình sự. Nếu bản án sơ

2


thẩm có hiệu lực pháp luật ngay không có quy định quyền kháng cáo cho người
tham gia tố tụng thì họ hoàn toàn không có cơ hội nào để chủ động đưa ra quan điểm
của mình đối với những gì mà Tòa án đã tuyên cho dù những quyết định đó chưa
hợp lý và hợp pháp.
2.3. Ý nghĩa xã hội của kháng cáo phúc thẩm hình sự
Quyền kháng cáo là một trong những biểu hiện của dân chủ tiến bộ, góp phần bảo
đảm công bằng xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân vào hoạt động xét xử của Tòa
án, góp phần bảo đảm uy tín của cơ quan tư pháp nói chung và Tòa án nói riêng.
Đồng thời, Tòa án la cơ quan xét xử duy nhất của nhà nước, Tòa án có vai trò
quan trọng đối với xã hội vì vậy các quyết định của Tòa án có ảnh hưởng to lớn tới
toàn xã hội. Một bản án, quyết định muốn có tác động tích cực tới toàn xã hội thì
bản án đó, quyết định đó phải chính xác, công bằng minh bạch được mọi người đồng
tình, vì vậy rất cần kháng cáo nếu những quyết định, bản án của Tòa án chưa đáp
ứng được tính hợp pháp và hợp lý.
Chế định kháng cáo phúc thẩm hình sự được quy định trong bộ luật tố tụng hình
sự thể hiện sự tôn trọng và đảm bảo thực hiện có hiệu quả các quyền con người
trong lĩnh vực tư pháp. Quy định này tạo cho các chủ thể tham gia tố tụng có thể trực
tiếp bảo vệ quyền và lợi ích của mình ở cấp xét xử cao hơn. Khi kháng cáo hợp lệ,
những người kháng cáo có quyền tham gia phiên tòa phúc thẩm , họ được trực tiếp
đưa ra các chứng cứ, tình tiết mới trước Tòa án phúc thẩm.
II. Những quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành về kháng cáo
phúc thẩm hình sự.
1. Đối tượng của kháng cáo phúc thẩm
Về đối tượng của kháng cáo thì bộ luật tố tụng hình sự hiện hành chưa có quy

định riêng, cụ thể mà được quy định đan xen trong các điều luật khác của bộ luật tố
tụng hình sự. Điều 230 Bộ luật tố tụng hình sự quy đinh: “Xét xử phúc thẩm là việc
Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án,
quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc
kháng nghị.” . Điều này quy định gián tiếp đối tượng của kháng cáo là bản án, quyết

3


định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Theo quy định tại Điều 255 Bộ luật tố tụng
hình sự năm 2003 thi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật là: Những bản án và
quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo trình tự
phúc thẩm; Những bản án và quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm; Những quyết
định của Tòa án giám đốc thẩm hoặc tái thẩm”. Như vậy những bản án, quyết định
của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị theo trình tự phúc thẩm thì được
coi là bản án chưa có hiệu lực pháp luật. Bản án là những phán quyết của Hội đồng
xét xử với những nội dung và hình thức theo quy định tại Điều 244 Bộ luật tố tụng
hình sự năm 2003. Quy định về đối tượng kháng cáo này của Bộ luật tố tụng hình sự
2003 khác với quy định của một số nước như nước Pháp. Pháp luật tố tụng hình sự
của nước Pháp đã hạn chế đối tượng của kháng cáo theo theo hướng: hình phạt phải
đạt một mức độ nào đó thì mới có thể là đối tượng của kháng cáo phúc thẩm.
Theo như quy định tại Điều 230 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 thì chỉ có những
bản án, quyết định của tòa án sơ thẩm mới là đối tượng của kháng cáo phúc thẩm.
Tuy nhiên vẫn có trường hợp bản án, quyết định của Tòa án sơ thẩm đã có hiệu lực
pháp luật nhưng vẫn là đối tượng của kháng cáo.
Trường hợp thứ nhất: kháng cáo quá hạn được chấp nhận
Về nguyên tắc kháng cáo quá hạn là kháng cáo không có hiệu lực pháp luật, và
bản án, quyết định của Tòa án sơ thẩm khi không bị kháng cáo, kháng nghị thì bản
án, quyết định sơ thẩm đó sẽ có hiệu lực pháp luật và được thi hành trên thực tế. Tuy
nhiên, theo quy định tại Khoản 1 Điều 135 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 thì:

Việc kháng cáo quá hạn có thể được chấp nhận, nếu có lý do chính đáng, Tòa án
cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng xét xử gồm ba Thẩm phán để xét lý do kháng cáo
quá hạn. Hội đồng xét xử có quyền ra quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận
việc kháng cáo quá hạn. Như vậy nếu kháng cáo kháng nghị có lý do chính đáng và
được Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận thì bản án, quyết định sơ thẩm đã có
hiệu lực pháp luật vẫn là đối tượng của kháng cáo.
Trường hợp thứ hai: bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo nhưng
Tòa án cấp phúc vẫn có thể xem xét lại

4


Theo quy định tại Điều 241 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định phạm vi
xét xử phúc thẩm thì ngoài việc xem xét lại những nội dung kháng cáo kháng nghị,
Tòa án cấp phúc thẩm có thể xem xét những nội dung không bị kháng cáo, kháng
nghị nếu xét thấy cần thiết. Về nguyên tắc, Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét những
nội dung bị kháng cáo, kháng nghị còn những nội dung khác nếu không bị kháng
cáo, kháng nghị thì đương nhiên có hiệu lực pháp luật vì vậy đây cũng có thể coi là
trường hợp ngoại lệ thứ hai của đối tượng kháng cáo.
2. Chủ thể của kháng cáo phúc thẩm
Theo Điều 231 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 thì chủ thể có quyền kháng cáo
bao gồm:
• Bị cáo và người đại diện hợp pháp của bị cáo
Bị cáo và người đại diện hợp pháp cho bị cáo có quyền kháng cáo toàn bộ hoặc
một phần bản án, quyết định sơ thẩm. Bị cáo theo quy định tại Điều 50 Bộ luật tố
tụng hình sự thì là người đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử. Vì vậy bị cáo là chủ
thể chịu ảnh hưởng nhiều nhất và chủ yếu nhất của bản án hay quyết định sơ thẩm,
vì vậy bị cáo có quyền kháng cáo kháng nghị là một điều tất yếu. Bị cáo có thể nêu
mục đích kháng cáo của việc kháng cáo như: xin giảm hình phạt, thay đổi tội danh
nhẹ hơn, giảm mức bồi thường….Nếu chỉ có kháng cáo của bị cáo mà không có

kháng cáo, kháng nghị khác theo hướng tăng nặng mức hình phạt hay chuyển tội
danh nặng hơn thì Tòa án phúc thẩm không có quyền sửa bản án, quyết định theo
hướng tăng nặng hơn. Quy định trên nhằm thể hiện tính nhân đạo trong hoạt động
xét xử của Tòa án. Những người thân thích của bị cáo như cha, mẹ, vợ, chồng, con
không được kháng cáo thay cho bị cáo.
Đối với bị cáo là người chưa thành niên người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể
chất thì Nghị quyết số 05/2005/NQ- HĐTP ngày 08/12/2005 quy định: người đại
diện hợp pháp (đại diện theo pháp luật) của bị cáo là người chưa thành niên, người
có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo toàn bộ bản án hoặc
quyết định sơ thẩm.
• Người bị hại và người đại diện hợp pháp của họ
5


Người bị hại và người đại diện hợp pháp của người bị hại có quyền kháng cáo bản
án, quyết định của Tòa án về phần hình phạt cũng như phần bồi thường.
Nếu người bị hại chưa thành niên hoặc có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất
thì người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo ( bản thân người bị hại cũng
có quyền kháng cáo ) . Theo Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP thì: Người bị hại,
người đại diện hợp pháp của người bị hại trong trường hợp người bị hại chết hoặc
trong trường hợp người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm
thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo toàn bộ bản án hoặc quyết định sơ thẩm theo
hướng có lợi cho bị cáo hoặc theo hướng làm xấu hơn tình trạng của bị cáo. Trong
trường hợp người bị hại chỉ kháng cáo phần bản án hoặc quyết định sơ thẩm có liên
quan đến việc bồi thường thiệt hại, thì họ có thể uỷ quyền cho người khác. Luật tố
tụng hình sự không hạn chế quyền kháng cáo của người bị hại, họ có thể kháng cáo
theo hướng tăng nặng hoặc giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo, và nếu chỉ kháng cáo
liên quan đến phần bồi thường thiệt hại thì có thể ủy quyền cho người khác, quy
định này đã tạo ra thuận lợi tối đa cho người bị hại. Mặt khác Nghị quyết số
05/2005/NQ-HĐTP cũng phân biệt rõ ràng trong trường hợp người bị hại chết mà có

từ hai người đại diện hợp pháp trở lên thì được phân biệt như thế nào được quy định
rất cụ thể.
• Người bào chữa cho bị cáo là người chưa thành niên hoặc là người có
nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần.
Người bào chữa cho bị cáo là người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm
về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích cho bị cáo. Quy định
này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của hợp pháp bị cáo là người chưa thành niên
hoặc là người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần. Đây là quyền kháng cáo độc
lập của người bào chữa, không phụ thuộc vào việc bị cáo có đồng ý hay không đồng
ý. Trong trường hợp người bào chữa kháng cáo thì bị cáo vẫn có thể kháng cáo.
• Người bảo vệ quyền và lợi ích của người chưa thành niên hoặc là người
có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần

6


Người bảo vệ quyền lợi của người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về
tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định sơ thẩm có
liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ. Quyền kháng cáo của
những người này cũng độc lập với người mà họ bảo vệ, quyền này của họ không
phải do ủy quyền.
• Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người đại diện hợp pháp của họ
Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người đại diện hợp pháp của họ (đại diện
theo pháp luật hoặc đại diện theo uỷ quyền) có quyền kháng cáo phần bản án hoặc
quyết định sơ thẩm có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại. Do nguyên đơn, bị đơn
dân sự tham gia vụ án hình sự để giải quyết vấn đề dân sự phát sinh trong vụ án hình
sự, vì vậy, quyền kháng cáo của họ chỉ hạn chế trong phạm vi những phần của bản
án, quyết định liên quan đến phần bồi thường thiệt hại.
• Người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án và người đại diện hợp
pháp của họ.

Người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án và người đại diện hợp pháp của
họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi,
nghĩa vụ của họ
Người được Tòa án tuyên bố là không có tội có quyền kháng cáo phần lý do
bản án sơ thẩm đã tuyên là họ không có tội.
3. Thời hạn kháng cáo
Theo quy định tại Điều 234 thì thời hạn kháng cáo là mười lăm ngày kể từ ngày
tuyên án. Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính
từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết.
Nếu kháng cáo gửi qua bưu điện thì ngày kháng cáo được tính căn cứ vào ngày
bưu điện nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Do đó, khi nhận đơn kháng cáo gửi qua bưu
điện, Toà án phải kiểm tra ngày đóng dấu trên phong bì và lưu phong bì cùng với
đơn kháng cáo để xác định ngày kháng cáo.
Trong trường hợp đơn kháng cáo được gửi qua ban giám trị trạm giam, thì ngày
kháng cáo được tình căn cứ vào ngày ban giám thị trạm giam nhận được đơn. Nếu
7


Ban giám thị trại tạm giam không ghi ngày nhận được đơn kháng cáo, thì Toà án yêu
cầu Ban giám thị trại tạm giam xác nhận ngày nhận đơn đó để xác định ngày kháng
cáo. Trong trường hợp người kháng cáo đến nộp đơn kháng cáo tại Toà án hoặc
trong trường hợp họ đến Toà án cấp sơ thẩm trình bày trực tiếp về việc kháng cáo,
thì ngày kháng cáo là ngày Toà án nhận đơn hoặc là ngày Toà án lập biên bản về
việc kháng cáo.
Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP đã hướng dẫn cụ thể hơn cách xác định thời
hạn bắt đầu và kết thúc thời hạn kháng cáo như sau: “Thời điểm bắt đầu tính thời
hạn kháng cáo là ngày tiếp theo của ngày được xác định. Thời điểm kết thúc thời
hạn kháng cáo là thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn. Nếu ngày cuối
cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ, thì thời hạn kết thúc tại
thời điểm kết thúc ngày làm việc đầu tiên tiếp theo ngày nghỉ đó. Thời điểm kết thúc

ngày cuối cùng của thời hạn vào lúc hai mươi tư giờ của ngày đó”
Việc kháng cáo quá hạn có thể được chấp nhận, nếu có lý do chính đáng. “Lý do
chính đáng” là những trường hợp bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác mà
người kháng cáo không thể thực hiện được việc kháng cáo trong thời hạn luật định,
ví dụ: do thiên tai, lũ lụt; do ốm đau, tai nạn phải nằm viện điều trị.
4. Thủ tục và hình thức kháng cáo
Theo quy định tại Điều 233 Bộ luật tố tụng hình sự thì thủ tục kháng cáo được
thực hiện như sau: Người kháng cáo có thể gửi đơn kháng cáo đến Tòa án đã xử sư
thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm hoặc có thể trình bày trực tiếp với Tòa án đã xét xử
sơ thẩm về việc kháng cáo. Nếu kháng cáo bằng miệng, Tòa án đã xử sơ thẩm phải
lập biên bản về việc kháng cáo. Người lập biên bản phải giải thích cho người yêu
cầu kháng cáo đang bị tạm giam, ban giám thi trại tạm giam phải trực tiếp nhận và
gửi ngay đơn kháng cáp của bị cáo đến Tòa án đã xử sơ thẩm.
Về việc nhận kháng cáo và xử lý kháng cáo tại Tòa án cấp sơ thẩm và tại Tòa án
cấp phúc thẩm đã được Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP hướng dẫn cụ thể tại điểm
3 phần I.
5. Thông báo về việc kháng cáo

8


Khi có kháng cáo Tòa án cấp sơ thẩm phái thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm
sát cùng cấp và những người tham gia tố tụng trong thời hạn bảy ngày kể từ ngày
nhận được kháng cáo. Ý nghĩa của việc thông báo về việc kháng cáo là để những
người tham gia tố tụng biết được vụ án sẽ được xét xử phúc thẩm để từ đó có thời
gian và chủ động chuẩn bị cho việc tham gia đồng thời bảo vệ tốt cho quyền và lợi
ích hợp pháp của mình tại phiên tòa, cung cấp thêm chứng cứ, tài liệu mới. Riêng
đối với bị cáo thì việc thông báo tạo điều kiện thực hiện tốt quyền bào chữa tại phiên
tòa phúc thẩm. Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP cũng hướng dẫn cụ thể về việc
thông báo kháng cáo như sau: Toà án cấp sơ thẩm không phải thông báo về việc

kháng cáo cho chính người đã kháng cáo. Đối với những người tham gia tố tụng
khác thì Toà án cấp sơ thẩm phải thông báo cho họ, nếu việc xét xử phúc thẩm vụ án
do có kháng cáo có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ. Như vậy đối với
những người tham gia tố tụng khác thì Tòa án cấp sơ thẩmchỉ thông báo khi nội
dung kháng cáo có liên quan đến họ mà thôi, nếu mà xét thấy không có liên quan
đến nội dung kháng cáo thì không phải thực hiện việc thông báo đến những người
này. Người được thông báo về việc kháng cáo có quyền gửi ý kiến của mình cho Tòa
án cấp phúc thẩm. Văn bản nêu ý kiến của người được thông báo phải được lưu vào
hồ sơ vụ án. Trường hợp người được thông báo gửi cho Toà án cấp sơ thẩm mà hồ
sơ vụ án chưa gửi cho Toà án cấp phúc thẩm, thì Toà án cấp sơ thẩm gửi cùng hồ sơ
vụ án cho Toà án cấp phúc thẩm; nếu hồ sơ vụ án đã gửi cho Toà án cấp phúc thẩm,
thì Toà án cấp sơ thẩm phải gửi văn bản đó cho Toà án cấp phúc thẩm để đưa vào hồ
sơ vụ án.
6. Hậu quả của việc kháng cáo
Trong thời hạn kháng cáo thì toàn bộ bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực
pháp luật. Khi thời bạn kháng cáo đã hết thì những phần bị kháng cáo sẽ chưa có
hiệu lực pháp luật và chưa được thi hành trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều
255 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Như vậy những phần mà không bị kháng cáo
thì khi hết thời hạn kháng cáo sẽ có hiệu lực pháp luật và được thi hành khi không có
kháng nghị của Viện kiểm sát. Nếu toàn bộ bản án bị kháng cáo thì toàn bộ bản án

9


đó không có hiệu lực pháp luật. Khi có kháng cáo thì Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi hồ
sơ vụ án cùng với đơn kháng cáo cho Tòa án phúc thẩm trong thời hạn bảy ngày, kể
từ ngày hết kháng cáo thì Tòa án cấp phúc thẩm chuẩn bị cho việc xét xử.
7. Bổ sung, thay đổi, rút kháng cáo
Trước khi bắt đầu phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo có quyền bổ sung, thay
đổi kháng cáo nhưng không được làm xấu hơn tình trạng của bị cáo. Người kháng

cáo có thể rút một phần hoặc toàn bộ kháng cáo. Nếu rút toàn bộ kháng cáo tại
phiên tòa thì việc xét xử phúc thẩm phải được đình chỉ.
Theo Nghị quyết 05/2005/NQ – HĐTP đã có hướng dẫn như sau: Trong trường
hợp người kháng cáo rút một phần trong kháng cáo của mình hoặc có nhiều người
kháng cáo, nhưng có người rút kháng cáo, có người không rút kháng cáo, Viện kiểm
sát rút một phần kháng nghị trong kháng nghị của mình, thì cần phân biệt như sau:
Trường hợp rút trước khi mở phiên toà, thì việc rút kháng cáo, kháng nghị đó phải
được làm thành văn bản. Trường hợp người kháng cáo trực tiếp đến Toà án rút
kháng cáo, thì Toà án cấp phúc thẩm yêu cầu người kháng cáo phải làm thành văn
bản hoặc phải lập biên bản về việc rút kháng cáo. Trường hợp rút tại phiên toà, thì
việc rút kháng cáo, đó phải được ghi vào biên bản phiên toà. Toà án cấp phúc thẩm
tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ án theo thủ tục chung đối với phần kháng cáo còn lại.
Khi xét xử phúc thẩm, Toà án cấp phúc thẩm có quyền xem xét đối với các phần có
kháng cáo, đã bị rút mà không có liên quan đến phần kháng cáo, kháng nghị còn lại
theo quy định tại Điều 241 và khoản 2 Điều 249 của BLTTHS.
III.

Thực tiễn thi hành những quy định của Bộ luật tố tụng hình sự

năm 2003 về kháng cáo phúc thẩm và những kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả
kháng cáo phúc thẩm.
1. Thực tiễn thi hành những quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003
về kháng cáo phúc thẩm
1.1.

Những kết quả đạt được trong thực tiễn thi hành quy định của Bộ luật tố
tụng hình sự năm 2003 về kháng cáo phúc thẩm

10



Trong những năm gần đây những người có quyền kháng cáo phúc thẩm hình sự đã
thực hiện tốt quyền kháng cáo phúc thẩm. Theo thống kê thụ lí và giải quyết các vụ
án hình sự của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội thì chỉ trong tháng 3 năm 2012
mà có tới 38 vụ án bị kháng cáo và có 70 bị cáo kháng cáo, việc rút kháng cáo chỉ có
8 vụ và 8 bị cáo rút. Tỷ lệ giải quyết là 48% tổng số vụ, tỷ lệ xét xử 37.3 % tổng số
vụ. Trong tháng 2 năm 2012 thì có tới 49 vụ án bị kháng cáo, có 79 bị cáo kháng
cáo, tỷ lệ giải quết là 49,4 % trên tổng số vụ, tỷ lệ xét xử là 31,7 vụ.
Ban giám thị trại tạm giam cũng tạo điều kiện thuận lợi cho bị cáo đang bị tạm
giam để thực hiện quyền kháng cáo của bị cáo như cung cấp mẫu đơn kháng cáo,
xác nhận vào đơn kháng cáo và làm thủ tục chuyển đơn kháng cáo đến Tòa án.
1.2.

Những tồn tại, vướng mắc và nguyên nhân của những tồn tại, vướng mắc
trong việc thực hiện kháng cáo phúc thẩm.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn tồn tại những vướng mắc trong quá
trình thi hành quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về kháng cáo như:
Thứ nhất, trong những năm gần đây, số lượng người thực hiện quyền kháng cáo
của mình đã tăng cao nhưng phần lớn kháng cáo phúc thẩm này là kháng cáo theo
kiểu cầu may, chất lượng kháng cáo không cao, lí do kháng cáo chủ yếu là xin giảm
nhẹ hình phạt. Việc kháng cáo tràn lan làm cho quá trình tố tụng kéo dài, gây tốn
kém thời gian và tiền bạc của Nhà nước. Còn tồn tại những trường hợp đã có chứng
cứ đầy đủ để kết tội đúng những bị cáo vẫn kháng cáo nhằm lấy may. Nguyên nhân
của việc kháng cáo tràn lan chính là xuất phát từ chính những quy định của Bộ luật
tố tụng hình sự năm 2003 và những văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật tố tụng năm
2003, nhằm đảm bảo quyền kháng cáo phúc thẩm tối đa cho những người có quyền
kháng cáo, nhất là bị cáo nói riêng. Luật tố tụng hình sự quy định: bị cáo, người đại
diện hợp pháp (đại diện theo pháp luật) của bị cáo là người chưa thành niên, người
có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo toàn bộ bản án hoặc

quyết định sơ thẩm. Như vậy khi thực hiện quyền kháng cáo, bị cáo dù không có bất
kì lí do hợp lí nào cũng có thể kháng cáo toàn bộ bản án, quyết định sơ thẩm. Mặt
khác khi kháng cáo không hợp lệ thì những người thực hiện quyền kháng cáo cũng

11


không hề ảnh hưởng đến quyền lợi, nguyên nhân nữa cũng là do tâm lí cầu may của
những thực hiện quyeefn kháng cáo. Hơn thế nữa thủ tục kháng cáo lại đơn giản nên
việc kháng cáo tràn lan là một điều dễ hiểu.
Thứ hai, việc thực hiện một số quy định về kháng cáo phúc thẩm hình sự theo Bộ
luật tố tụng hình sự của Tòa án cấp phúc thẩm còn tồn tại một số vi phạm nhất định
làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích của người kháng cáo như vi phạm về
xác định thời gian kháng cáo sai, thậm chí còn không xét xử đến kháng cáo của
người kháng cáo.
Thứ ba, công tác thụ lí đơn kháng cáo còn thấy nhiều tồn tại sai phạm liên quan
đến việc thực hiện quyền kháng cáo của chính các chủ thể có quyền kháng cáo. Đó
là những trường hợp kháng cáo sai chủ thể, sai đối tượng, kháng cáo quá hạn.
Nguyên nhân của những tồn tại này là do quy định của Bộ luật tố tụng hình sự chưa
rõ ràng, sự thiếu hiểu biết pháp luật của nhưng người kháng cáo, đồng thời cũng do
Tòa án sơ thẩm chưa giải thích rõ ràng chủ thể nào có quyền kháng cáo, thời hạn
kháng cáo được tính ra sao nên làm cho các chủ thể kháng cáo còn mơ hồ.
2. Những kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả kháng cáo phúc thẩm
2.1.

Những kiến nghị sửa đổi Luật

Thứ nhất, về đối tượng kháng cáo phúc thẩm
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 và Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP chưa xác
định một các cụ thể hóa đối tượng của kháng cáo mà chỉ quy định chung chung,

chưa quy định rõ ràng theo một Điều luật cụ thể, như vậy chủ thể thực hiện quyền
kháng cáo, đồng thời chủ thể tiếp nhận và xử lí đơn kháng cáo cũng không có căn cứ
rõ ràng để thực hiện nhiệm vụ của mình. Như vậy để các chủ thể tham gia tố tụng
thực hiện được quyền và nghĩa vụ của mình thì Luật tố tụng hình sự cần có những
quy định cụ thể về đối tượng kháng cáo, chi tiết hóa ra một Điều luật cụ thể.
Thứ hai, về chủ thể kháng cáo.
Quy định tại Điều 231 Bộ luật tố tụng hình sự tồn tại một số điểm không thống
nhất với những quy định tại các điều luật khác trong Bộ luật tố tụng hình sự cụ thể
như sau: Theo như Điều 231 thì người bị hại, người đại diện hợp pháp của người bị

12


hại có thể kháng cáo mọi bản án và quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật.
Như vậy quy định này quá rộng và không cần thiết bởi những quy định về xử lý vật
chứng, án phí là những quy định không có liên quan đến người bị hại, trên thực tế họ
cũng không kháng cáo về các quyết định đó. Theo quy định tại Điển e Khoản 2 Điều
51 Bộ luật tố tụng hình sự thì lại quy định: người bị hại có quyền kháng cáo bản án,
quyết định của Tòa án về phần bồi thường thiệt hại cũng như về hình phạt đối với bị
cáo, như vậy phạm vi kháng cáo của bị cáo đã bị thu hẹp so với Điều 231. Theo quy
định tại khoản 3 Điều 249 Bộ luật tố tụng hình sự thì người bị hại có thể kháng cáo
về cả tội danh mà Tòa án sơ thẩm đã áp dụng đối với bị cáo, như vậy đã có sự mâu
thuẫn giữa hai Điều 231 và Điều 249. Cũng theo khoản 2 Điều 239 thì người bị hại
còn có thể kháng cáo vể cả quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ của Tòa án sơ thẩm.
Như vậy chỉ liên quan đến quyền kháng cáo của người bị hại mà có tới bốn Điều
luật mâu thuẫn với nhau, đồng thời những hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền
cũng không giải quyết được sự chồng chéo này. Vậy những nhà làm luật cần có một
quy định thống nhất rõ ràng về quyền kháng cáo của người bị hại.
Kiến nghị sửa đổi về quy định quyền kháng cáo của người bị hại: “ người bị hại có
quyền kháng cáo bản án sơ thẩm, phần bồi thường thiệt hại, quyết định đình chỉ vụ

án, tạm đình chỉ vụ án của Tòa án sơ thẩm.
Bên cạnh đó Điều 231 và Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP quy định người bị
hại, người đại diện hợp pháp của người bị hại có quyền kháng cáo toàn bộ bản án,
quyết đinh sơ thẩm. Nhưng theo Khoản 3 Điều 249 Bộ luật tố tụng hình sự năm
2003 thì Tòa án có quyền sửa bản án theo hướng làm xấu đi tình trạng của bị cáo khi
người bị hại kháng cáo còn không quy định đến người đại diện hợp pháp của người
bị hại. Như vậy không đảm bảo được quyền kháng cáo tối đa của người đại diện hợp
pháp cho người bị hại.
Thứ ba, về thời hạn kháng cáo
Tại mục 4 phần I hướng dẫn Điều 234 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 hướng
dẫn về cách tính thời hạn bắt đầu và thời hạn kết thúc kháng cáo vẫn còn chưa cụ thể
và trừu tượng, đối với những người nghiên cứu về luật thì quy định này có thể là dễ

13


hiều, nhưng đối với những người có trình độ dân trí thấp, những người ở miền núi,
dân tộc thiểu số thì khó có thể hiểu được. Mặt khác, cách tình thời hạn kháng cáo với
thời điểm bắt đầu và kết thúc kháng cáo là một trong những yếu tố quan trọng liên
quan trực tiếp đến quyền kháng cáo cũng như quyền lợi của họ trong vụ án. Vì vậy
quy định về thời hạn kháng cáo cần được quy định rõ ràng dễ hiểu hơn.
Thứ tư, về thông báo kháng cáo
Khoản 1 Điều 236 quy định về thông báo kháng cáo còn tồn tại những điểm chưa
hợp lí, chưa rõ ràng cần phải được sửa đổi bổ sung. Việc bổ sung này một mặt đảm
bảo quyền và lợi ích của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác, mặt khác tạo
sự áp dụng pháp luật thống nhất.
Theo khoản 1 Điều 236 thì Tòa án cấp sơ thẩm không phải thông báo về nội dung
kháng cáo, như vậy không đảm bảo được quyền lợi của bị cáo và những người có
quyền và nghĩa vụ liên quan. Bởi vì việc thông báo nội dung kháng cáo là cần thiết,
bị cáo và những người khác cần phải biết nội dung kháng cáo ấy liên quan đến vấn

đề gì, nội dung cụ thể như thế nào, liên quan đến những chủ thể nào, từ đó họ mới
chuẩn bị tốt cho việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình tại phiên tòa phúc
thẩm, cũng như thực hiện tốt quyền bào chữa của mình tại phiên tòa. Mặt khác cũng
theo quy định tại điều này thì Tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo bằng văn bản cho
Viện kiểm sát cùng cấp, những người tham gia tố tụng. Việc quy định Tòa án phải
thông báo cho người tham gia tố tụng là quá rộng, không cần thiết bởi vì Điều 241
quy định Tòa án cấp phúc thẩm xem xét nội dung kháng cáo, nếu cần thiết thì có thể
xem xét phần không kháng cáo khác vì vậy chỉ cần thông báo cho những người liên
quan đến nội dung kháng cáo. Nếu xét thấy cần thiết thì Tòa án cấp phúc thẩm vẫn
có thể triệu tập những người không thông báo đến tòa phúc thẩm để làm rõ vụ án.
Thứ năm, về bổ sung thay đổi rút kháng cáo
Trong nhiều trường hợp việc bổ sung, thay đổi kháng cáo phúc thẩm hình sự dẫn
đến việc mởi rộng phạm vi nguời liên quan đến kháng cáo. Điều đó tất yếu dẫn đến
một yêu cầu là phải triệu tập thêm những người có liên quan đến phần kháng cáo
phúc thẩm mới được bổ sung. Tuy nhiên vấn đề này chưa được quy định trong luật

14


tố tụng hình sự. Vì vậy Bộ luật tố tụng hình sự cần nêu thêm quy định về việc triệu
tập người có liên quan đến kháng cáo bổ sung.
Khoản 2 Điều 238 Bộ luật tố tụng hình sự quy đinh về hậu quả pháp lí của việc rút
toàn bộ kháng cáo phúc thẩm tồn tại những điểm chưa hợp lí. Đối với vụ án hình sự
sơ thẩm sau khi xét xử sơ thẩm có thể có nhiều kháng cáo của những chủ thể có
quyền kháng cáo. Khi bị cáo hoặc một số người tham gia tố tụng rút toàn bộ kháng
cáo của họ nhưng ngoài những kháng cáo bị rút thì có thể tồn tại những kháng cáo
kháng chưa rút vì vậy không thể đình chỉ vụ án mà vẫn phải tiếp tục xét xử. Vì vậy
Bộ luật tố tụng hình cần quy định rõ ràng hơn.
2.2.


Những kiến nghị khác để nâng cao hiệu quả của việc kháng cáo

Cần phải tăng cường trách nhiệm của Tòa án, đặc biệt là Tòa án cấp sơ thẩm trong
việc giải thích các quy định về kháng cáo cho những người tham gia tố tụng để họ
thực hiện quyền kháng cáo một cách hiệu quả
Không ngừng tăng cường việc phổ biến pháp luật tới người dân, nhất là những
người ở vùng cao, miền núi, dân tộc thiểu số. Để từ đó nâng cao hiểu biết của họ về
luật pháp, giúp phần thực hiện pháp luật một cách tốt hơn.
Nâng cao việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp, nhất là cán bộ Tòa án.
KẾT LUẬN
Kháng cáo là một trong những quy định quan trọng đảm bảo quyền và lợi ích của
những người tham gia tố tụng đồng thời cũng là một trong những quy định giúp việc
xét xử của Tòa án được chính xác, khách quan , đúng người đúng tội. Từ đó đảm
bảo cho pháp luật được thực người dân tôn trọng và thực hiện, góp phần phát triển
đất nước.

15


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giáo trình Luật tố tụng hình sự Việt Nam – trường đại học Luật Hà Nội
2. Bộ luật tố tụng hình sự của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
năn 2003
3. Nghị quyết 05/2005/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số quy định
trong phần thứ tư “ xét xử phúc thẩm “ của Bộ luật tố tụng hình sự năm
2003.
4. Kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm trong tố tụng hình sự Việt Nam –
khóa luận tốt nghiệp – Trần Thị Hoài Thương.
5. Một số trường hợp giải quyết kháng cáo, kháng nghị liên quan đến phiên
tòa xét xử phúc thẩm vụ án hình sự - Qách Thành Vinh – tòa án nhân

dân số 17 ( 9/2009 )
6. Kháng cáo, kháng nghị trong phúc thẩm hình sự - Luận văn thạc sĩ luật
học – Ngô Thanh Xuyên.
7. Kháng cáo không hợp lệ trong tố tụng hình sự - Nguyễn Thị Hoa – Tòa
án nhân dân số 2/2000.
8. Trang web:
- luathinhsu.wordpress.com
- thuvienphapluat.vn
- tapchikiemsat.org.vn

16



×