Tải bản đầy đủ (.doc) (13 trang)

Bạo lực đối với trẻ em trong gia đình và vấn đề bảo vệ quyền trẻ em

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (152.12 KB, 13 trang )

LỜI MỞ ĐẦU
Việt Nam là một trong những nước đầu tiên tham gia công ước quốc tế về
quyền trẻ em nhưng tình trạng trẻ em bị bạo hành trong gia đình còn xảy ra ở mức
khá nghiêm trọng. Các hình thức bạo lực đối với trẻ em có thể là mắng, chửi thô
tục, làm nhục hoặc dùng đòn roi hành hạ…những hành động bạo lực đó để lại
những hậu quả hết sức nặng nề về thể chất và tinh thần cho trẻ. Rất nhiều vụ việc
bạo hành mà cha mẹ hay người thân gây ra cho trẻ em đã được phát hiên và đưa
lên các phương tiện thông tin đại chúng khiến dư luận xã hội rất căm phẫn, đồng
thời cũng lo ngại về sự xuống cấp của chuẩn mực đạo đức, sự thiếu vắng môi
trường văn hóa chuẩn mực giáo dục. Bạo lực trẻ em trong gia đình đã và đang là
một vấn đề gây nhức nhối trong xã hội và được quan tâm đặc biệt vì mức độ ngày
càng gia tăng của nó. Do đó, vấn đề bảo vệ quyền trẻ em là vấn đề cần được xã hội
và các cấp chính quyền quan tâm để trẻ em có thể vui sống, phát triển về thể chất
và tinh thần không còn phải đối mặt , lo sợ trước những vụ bạo hành gia đình nữa.
Nhóm chúng em xin tìm hiểu về vấn đề này qua bài tiểu luận có đề tài: “Bạo
lực đối với trẻ em trong gia đình và vấn đề bảo vệ quyền trẻ em”.

1


NỘI DUNG
I. KHÁI NIỆM TRẺ EM VÀ QUYỀN TRẺ EM
1. Trẻ em là ai?
Ta có thể hiểu trẻ em là một con người ở giữa giai đoạn từ khi sinh và tuổi dậy
thì. Về mặt sinh học, một đứa trẻ là bất kì ai trong giai đoạn phát triển của tuổi thơ
ấu, giữa sơ sinh và trưởng thành.Trẻ em có những đặc điểm tâm sinh lý khá đặc
thù do chưa phát triển đầy đủ về thể chất và trí tuệ, dễ tổn thương, dễ thay đổi, dễ
thích nghi, dễ uốn nắn, dễ tự ái, tự ti, hiếu thắng, thiếu kiên nhẫn. Xu hướng muốn
tự khẳng định, được đánh giá, được tôn trọng, nhiều hoài bão và nhìn chung còn
thiếu thực tế, thiếu kinh nghiệm.
Định nghĩa trên góc độ pháp lý thì trẻ em chính là một đứa trẻ chưa đến tuổi


trưởng thành.
Trong Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em (1989) mà Việt Nam đã phê
chuẩn năm 1990 xác định trẻ em là người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp pháp luật áp
dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn ( Điều 1). Tuy trong hệ thống
pháp luật Việt Nam, tùy theo từng lĩnh vực, phân biệt trẻ em và người chưa thành
niên theo độ tuổi khác nhau: 14, 15, 16, để xác định chế độ pháp lý, sự bảo vệ thích
hợp cho từng lứa tuổi. Ví dụ, theo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2005
của Việt Nam : “trẻ em qui định trong luật này là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi”
nhưng pháp luật Việt Nam và Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em quy
định tất cả những người dưới 18 tuổi đều được coi là trẻ em. Dù có gọi là người
chưa thành niên hay trẻ em vị thành niên thì vẫn gọi chung là trẻ em.
2. Quyền của trẻ em là gì?
Quyền là những đòi hỏi cơ bản, chính đáng của một con người phải được hưởng
hoặc có thể được làm. Quyền được công nhận về mặt pháp lí, nó quy định trách
nhiệm, nghĩa vụ, buộc người khác phải tôn trọng, bảo vệ và đáp ứng.
2


Quyền trẻ em là tất cả những gì trẻ em cần có để được sống và lớn lên một
cách lành mạnh và an toàn. Quyền trẻ em nhằm đảm bảo cho trẻ em không chỉ là
người tiếp nhận thụ động lòng nhân từ của người lớn, mà các em là những thành
viên tham gia tích cực vào quá trình phát triển.
Các nhóm quyền của trẻ em:
+ Quyền được sống còn: bao gồm quyền của trẻ em được sống cuộc sống
bình thường và được đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất để tồn tại và phát triển
thể chất. Đó là mức sống đủ, có nơi ở, ăn uống đủ chất, được chăm sóc sức khoẻ.
Trẻ em phải được khai sinh ngay sau khi ra đời.
+ Quyền được phát triển: gồm những điều kiện để trẻ em có thể phát triển
đầy đủ nhất về cả tinh thần và đạo đức, bao gồm việc học tập, vui chơi, tham gia
các hoạt động văn hoá, tiếp nhận thông tin, tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn

giáo. Trẻ em cần có sự yêu thương và cảm thông của cha mẹ để có thể phát triển
hài hoà.
+ Quyền được bảo vệ: bao gồm những quy định như trẻ em phải được bảo
vệ chống tất cả các hình thức bóc lột lao động, bóc lột và xâm hại tình dục, lạm
dụng matuý, sao nhãng và bị bỏ rơi, bị bắt cóc và buôn bán. Trẻ em còn được bảo
vệ khỏi sự can thiệp vô cớ vào thư tín và sự riêng tư.
Quyền được bảo vệ bao gồm cả không bị tra tấn, đánh đập và lạm dụng
trong trường hợp trẻ em làm trái pháp luật hay bị giam giữ.
+ Quyền được tham gia: tạo mọi điều kiện cho trẻ em được tự do bày tỏ
quan điểm và ý kiến về những vấn đề có liên quan đến cuộc sống của mình. Trẻ em
còn có quyền kết bạn, giao lưu và hội họp hoà bình, được tạo điều kiện tiếp cận các
nguồn thông tin và chọn lựa thông tin phù hợp.
Quyền trẻ em với tư cách là một khái niệm mới về mặt lịch sử vì khái niệm
này mới chỉ được chấp nhận ở Việt Nam trong thời gian gần đây ở thời kì đổi mới
trong các quan hệ xã hội và gia đình. Tại đại hội Đảng lần thứ IX, lần đâu tiên từ
“quyền trẻ em” được dùng trong các văn kiện của Đảng. Từ đó, quyền trẻ em với
tư cách là quyền con người được thảo luận công khai và rộng rãi ở Việt Nam. Nhìn
3


chung, trong nhiều thế kỉ, trẻ em Việt nam không được hưởng quyền gì cả. Nó lí
giải vì sao hàng triệu trẻ em nông thôn phải tham gia lao động, làm các công việc
tạo thu nhập cho gia đình. Bên cạnh đó là hàng nghìn trẻ em bị buôn bán, bị lạm
dụng và bị bạo lực.
II. THỰC TRẠNG VÀ NGUYÊN NHÂN CỦA BẠO LỰC ĐỐI VỚI TRẺ EM
TRONG GIA ĐÌNH
1. Thực trạng
Theo báo cáo tình trạng trẻ em thế giới của Unicef năm 2009, hiện có khoảng
500 triệu trẻ em bị ảnh hưởng của bạo lực chiếm khoảng ¼ tổng số trẻ em trên thế
giới. Đối với nước ta, tình trạng bạo lực trẻ em trong những năm gần đâydiễn biến

phức tạp và có xu hướng gia tăng. Trong hai năm 2008-2009, cả nước đã xảy ra
5.956 vụ (bình quân gần 3.000 vụ một năm), trên 100 vụ giết trẻ em và 50 vụ bắt
cóc, buôn bán trẻ em được phát hiện và xử lý, trong đó có một số vụ gây bức xúc
trong dư luận xã hội. Nhiều trẻ em bị chính cha mẹ, người thân, thầy cô giáo,
người sử dụng lao động và những người có trách nhiệm nuôi dưỡng chăm sóc trẻ
em có hành vi bạo lực trẻ em. Điển hình là các vụ: Cháu Nguyễn Thị Bình bị vợ
chồng chủ quán phở Chu Văn Đức và Trịnh Hạnh Phương ở quận Thanh Xuân, Hà
Nội ngược đãi, đánh đập hành hạ trong một thời gian dài. Vụ Quản Thị Kim Hoa
đánh đập trẻ em tại nhóm trẻ gia đình (Biên Hòa, Đồng Nai). Vụ cháu Hồng Anh 4
tuổi ở Xuân Mai – Hà Nội bị người “cha hờ” đánh đập, hành hạ dã man. Vụ cháu
Nguyễn Hào Anh 14 tuổi (Cà Mau) bị vợ chồng chủ trại nuôi tôm Minh Đức hành
hạ trong suốt một thời gian dài bằng các hình thức dã man như dùng kìm bấm vào
môi, bẻ răng, dùng bàn là nóng dí lên da thịt. Vụ việc bắt cóc, tống tiền không
thành dẫn đến việc sát hại 2 trẻ em ở Đắk Lắk.
Bên cạnh đó, tình trạng bạo lực ở trong và ngoài trường học của học sinh vẫn
tiếp tục xảy ra đang là nỗi bức xúc của xã hội, chưa làm an lòng các bậc phụ
huynh và những nguời quan tâm đến sự nghiệp bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Hiện tượng bạo lực của học sinh không phải là một hiện tượng mới, song thời gian
4


gần đây, hiện tượng này xảy ra ở một số trường học đã bộc lộ những tính chất nguy
hiểm và nghiêm trọng như: học sinh đánh nhau gây thương tích, thậm chí tử vong.
Giáo viên sử dụng các biện pháp giáo dục có tính chất bạo lực gây hậu quả nghiêm
trọng đối với học sinh; học sinh hành hung thầy, cô giáo. Đối tượng học sinh đánh
nhau có cả nữ sinh, không phải chỉ có các nam sinh nóng nảy, thiếu kiềm chế, thâm
chí nữ sinh đánh nữ sinh theo kiểu hội đồng.
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ở nước ta từ đầu năm học 20092010 đến nay, trên toàn quốc đã xảy ra khoảng 1.598 vụ việc học sinh đánh nhau ở
trong và ngoài trường học. Các nhà trường đã xử lý kỷ luật khiển trách 881 học
sinh, cảnh cáo 1.558 học sinh, buộc thôi học có thời hạn (3 ngày, 1 tuần, 1 năm

học) 735 học sinh.
- Theo số lượng trường học và học sinh hiện này thì cứ 5.260 học sinh thì
xảy ra một vụ đánh nhau và cứ 9 trường học lại xảy ra một vụ học sinh đánh nhau.
- Cứ 10.000 học sinh thì có một học sinh bị kỷ luật khiển trách, cứ 5.555 học
sinh thì có một học sinh bị kỷ luật cảnh cáo vì đánh nhau; cứ 11.111học sinh thì có
một học sinh bị buộc thôi học có thời hạn vì đánh nhau.
Trong số các vụ việc học sinh đánh nhau được phân tích ở trên, phần lớn là vụ
việc xích mích nhỏ giữa các học sinh, các em dùng tay, chân đánh nhau nhưng
được sự can ngăn kịp thời nên không để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên
trong số đó vẫn có những vụ việc xảy ra mang tính chất hoặc gây hậu quả nghiêm
trọng. Đáng lưu ý là các hiện tượng, vụ việc: Học sinh nữ đánh nhau hội đồng, làm
nhục bạn, quay phim rồi tung lên mạng, coi như là một “chiến tích” để thể hiện
mình trước mọi người (xảy ra ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quãng Ngãi, An
Giang...). Học sinh đánh nhau có sử dụng hung khí, gây thương tích nặng cho bạn,
có vụ việc xảy ra chết người (năm học 2009-2010 xảy ra 7 vụ việc học sinh đánh
nhau dẫn đến chết người ở trong và ngoài trường học).
2. Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực nêu trên, có thể nói đến như:
5


a) Những nguyên nhân thuộc về chính trẻ em đó là xuất phát từ đặc điểm tâm lý
của trẻ em, đây là giai đoạn phát triển mạnh mẽ về thể chất và tâm lí của trẻ, với
một số biểu hiện sau:
Các em có nhu cầu tự thể hiện mình rất cao, những trẻ em học kém, gia đình
ít quan tâm, thầy cô xem là thành phần phải kèm cặp thì càng ra vẻ ta đây, muốn
chứng tỏ mình. ở lứa tuổi này, mọi suy diễn để chứng minh bằng hành động của
các em đều bắt đầu bằng sự tự phát và không có định hướng.
Sự phát triển tâm lí xúc cảm của lứa tuổi này là rất đa dạng: Các em thấy
bỡ ngỡ và nghi ngờ bản thân. Tình cảm mạnh mẽ và biến đổi thất thường. Nhu cầu

tự khẳng định mình, trở nên cả quyết hơn, tuy nhiên vẫn còn phụ thuộc vào người
lớn. Các em có thể dễ cáu giận, ưa tranh chấp, thích nổi loạn và đòi hỏi quyền
được quyết định và thích phá vỡ các quy tắc, luật lệ.
Các mối quan hệ tình cảm đa dạng: Ở lứa tuổi này, yếu tố đạo đức, tình cảm
cũng hình thành mạnh mẽ. Thế giới tình cảm của người chưa thành niên nói chung
và trẻ em nói riêng rất đa dạng. Song nổi bật ở lứa tuổi 13-15 là quan hệ tình cảm
gia đình, tình bạn và tình yêu nam nữ.
Xuất phát từ việc thiếu kỹ năng sống: Trẻ em hiện nay chưa được trang bị
một cách hệ thống các kỹ năng sống cơ bản để thích nghi với đời sống kinh tế - xã
hội có nhiều biến đổi. Những kỹ năng sống cần thiết cho các em như: Kỹ năng tự
nhận thức, kỹ năng kiên định, kỹ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề, kỹ năng
ứng phó với căng thẳng, kỹ năng thương lượng, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, …
chưa được các em chú ý rèn luyện, bởi vậy việc giải quyết các mâu thuẫn trong
tuổi học trò thường được các em ứng xử một cách tự phát, thiếu sự kìm chế và có
khi sử dụng vũ lực để đạt được ý đồ riêng của riêng của mình.
b) Các nguyên nhân từ gia đình và xã hội
Trước hết phải kể đến nhận thức của các gia đình, cộng đồng về vấn đề bảo vệ
trẻ em chưa đầy đủ và phần nào đó còn bị xem nhẹ; nhiều thói quen, phong tục, tập
quán có hại cho trẻ em chưa được các cấp, các ngành quan tâm đấu tranh loại bỏ
6


như đánh con là việc ”bình thường”. Việc ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột đối
với trẻ em chưa được cộng đồng chủ động phát hiện sớm và báo cho các cơ quan
chức năng xử lý, can thiệp kịp thời vì họ không muốn có sự ”rắc rối ”liên quan đến
họ. Nhận thức về sự nguy hại nhiều mặt và hậu quả lâu dài, nghiêm trọng của các
hành vi xâm hại tình dục, bạo lực đối với trẻ em chưa được cảnh báo đúng mức, đa
phần những trẻ em bị ngược đãi, xâm hại và bị bóc lột có tâm lý mặc cảm, tự ty
hoặc tâm lý thù hận đối với xã hội và sau này khi trưởng thành nhiều em trong số
đó cũng ứng xử tương tự đối với người khác.

Trong khi đó, vai trò bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của gia đình, cộng
đồng chưa được coi trọng, kiến thức và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ
em của cha mẹ, người chăm sóc trẻ và của chính bản thân trẻ chưa đầy đủ dẫn đến
năng lực bảo vệ trẻ em của gia đình, cộng đồng còn hạn chế, trẻ em dễ trở thành
nạn nhân của các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục và dễ bị lôi kéo vào con đường
phạm tội. Tình trạng nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; cha mẹ ly hôn,
ly thân; cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật…cũng là nguyên nhân
dẫn đến việc trẻ em bỏ học, lang thang kiếm sống và bị bạo lực
Nhận thức về bảo vệ trẻ em còn hạn chế thể hiện ở khía cạnh thiếu hiểu biết
về luật pháp, về các hành vi vi phạm quyền trẻ em, dẫn đến tình trạng người thân
trong gia đình xâm hại tình dục, bạo lực trẻ em (khoảng 50% tổng số vụ vi phạm)
và các thành viên khác trong xã hội phạm tội nghiêm trọng đối với trẻ em đến mức
phải xử lý hình sự.
Tiếp đến là những hệ lụy của những trang web đen, trò chơi điện tử bạo lực
không thể lường trước được. Nhiều gia đình tan nát, nhiều vụ án đau lòng đã xảy
ra, nhiều trẻ em đã phải lĩnh án. Trò chơi điện tử là một thế giới ảo, ở đó người
chơi có thể làm tất cả những điều mình thích mà không bị trừng phạt. Tuy nhiên,
khi cuộc chiến trên thế giới ảo trở thành cuộc chiến thật ngoài đời thì thú chơi này
thật sự trở thành một mối nguy hiểm lớn đối với xã hội.
Văn hoá ″Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi″ bấy lâu nay khiến
cho người ta coi chuyện đánh con là bình thường là quyền của cha mẹ là cho con
7


lên người; do thiếu hiểu biết về pháp luật nói chung và pháp luật về quyền trẻ em
nói riêng; về kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của cộng đồng, gia đình
và chính bản thân các em đã dẫn tới mọi người vẫn cho rằng cha mẹ có quyền dạy
con bằng đòn roi, bằng sự xỉ nhục, hành hạ.
Pháp luật chưa đủ mạnh, chưa đủ răn đe những người có hành vi bạo lực, như
Điều 110 Luật Hình sự có quy định ″Người nào đối xử tàn ác với đối tượng là trẻ

em lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ từ 1 năm đến 3 năm
″. Mức án như vậy là quá nhẹ.
Pháp luật về bảo vệ trẻ em còn nhiều khoảng trống: chưa có quy định cụ thể
về bảo vệ trẻ em là nạn nhân, nhân chứng; chưa có quy định đặc biệt trong trường
hợp nhận tố giác từ trẻ em.
Đã có Luật Phòng, chống bạo lực gia đình nhưng thực hiện chưa nghiêm túc.
Tiếng nói và cách xử lý của chính quyền với các vụ cha, mẹ bạo hành với con cái
còn yếu. Cùng với thái độ thờ ơ, vô cảm của cộng đồng đã dẫn tới nhiều trẻ em bị
bạo lực nhiều lần, gây hậu quả khá nghiêm trọng mà vẫn không bị xử lý trong khi
Nghị định 114/2006/NĐ - CP đã quy định mức phạt rất cụ thể.
Môi trường xã hội còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến bạo lực trẻ em như: cha
mẹ bị cuốn vào tệ nạn xã hội, nghiện hút, cờ bạc, rượu chè; cha mẹ mâu thuẫn hoặc
ly hôn, lối sống ích kỷ, thiếu trách nhiệm với con cái. Sự lan truyền của văn hoá
bạo lực, đồi truỵ qua nhiều kênh, đặc biệt là qua Internet … dẫn đến các hành vi,
hành xử tiêu cực, bạo lực mà nạn nhân thường là trẻ em và lẽ tất nhiên sẽ tác động
tới tư tưởng, đạo đức, lối sồng, nhân cách của trẻ em.
Gia đình nghèo, kinh tế khó khăn cũng là nguy cơ dẫn tới bạo lực gia đình vì
kinh tế khó khăn sẽ gây ra nhiều áp lực, căng thẳng, bế tắc dẫn đến mâu thuẫn
trong gia đình, hậu quả trẻ em phải hứng chịu.
Yêu đương sớm, quan hệ tình dục bừa bãi có thai ngoài ý muốn cũng là một
nguyên nhân dẫn tới tội ác (giết chết, chối bỏ, hành hạ trẻ sơ sinh). Có người nói
tình trạng này đang ở mức ″Báo động đỏ″, nó cảnh báo một vấn đề xã hội nghiêm
trọng, hệ quả của suy thoái đạo đức và lối sống của giới trẻ.
8


Bất bình đẳng giới cũng là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự loại bỏ thai nhi
khi biết là gái, vứt bỏ trẻ sơ sinh là gái và bạo lực với trẻ em gái.
III. VẤN ĐỀ BẢO VỆ QUYỀN TRẺ EM
1. Thực trạng

a) Tích cực:
Trên thế giới: Nhiều thập kỷ qua, việc chăm sóc trẻ em ở hầu hết các quốc gia
trên thế giới đã được quan tâm ở những mức độ khác nhau, song do các yếu tố chủ
quan và khách quan như thiên tai, mất mùa, chiến tranh, hoặc do trình độ dân trí
thấp… Tháng 2/1949 Hội phụ nữ châu Á họp ở Bắc Kinh đã có sáng kiến đề nghị
Hội Phụ nữ dân chủ thế giới chọn một ngày thiếu nhi quốc tế để kêu gọi toàn thế
giới đấu tranh chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình, bảo vệ nhi đồng và là ngày đoàn
kết thiếu nhi quốc tế. Trong một phiên họp đã quyết định chọn ngày 1/6 hàng năm
là ngày “Quốc tế bảo vệ thiếu nhi” và nhắc nhở mọi người tưởng nhớ vụ thảm sát
man rợ ở Liđisơ và Ôrađua. Kể từ năm 1950 trở đi ngày 1/6 đã được tổ chức ở
khắp thế giới.
Tháng 4/1952, Hội nghị Bảo vệ thiếu nhi thế giới có 64 nước tham gia họp tại
Viên - Áo đã nhất trí chính thức lấy ngày 1/6 là ngày Quốc tế bảo vệ thiếu nhi.
Điều đó khẳng định trẻ em là “đối tượng” được nhân loại toàn thế giới luôn quan
tâm. Vì vậy ngày 20/11/1989, Liên hợp quốc đã thông qua và phê chuẩn “Công
ước về quyền trẻ em” bao gồm 54 điều khoản có hiệu lực từ ngày 20/11/1990.
Trong lời mở đầu, công ước đã khẳng định: “Để phát triển đầy đủ và hài hòa nhân
cách của mình, trẻ em cần được lớn lên trong môi trường gia đình, trong bầu không
khí hạnh phúc, yêu thương và cảm thông… Trẻ em cần được chuẩn bị đầy đủ để
sống cuộc sống cá nhân trong xã hội và cần được nuôi dưỡng theo tinh thần các lý
tưởng được nêu ra trong hiến chương Liên hợp quốc, đặc biệt trong tinh thần hòa
bình, phẩm giá, khoan dung, tự do, bình đẳng và đoàn kết”.

9


Ở Việt Nam:
Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới và là nước đầu tiên ở châu Á phê chuẩn
công ước quốc tế về quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990. Sau sự kiện này, hàng loạt
các luật mới ra đời như Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em(1991) Luật phổ

cập giáo dục tiểu học ( 1991)…Ngoài ra, sau khi kí công ước quốc tế về quyền trẻ
em năm 1990, các quyền trẻ em trong công ước đã được cụ thể hóa và hệ thống
pháp luật về trẻ em ngày càng đầy đủ và hoàn thiện như trong Bộ luật Dân sự, Bộ
luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Lao động, Luật hôn nhân và gia
đình…
Nhiều hoạt động nhằm bảo vệ quyền trẻ em, nâng cao ý thức của cộng đồng để
bảo vệ quyền trẻ em được tổ chức trên toàn quốc và nhận được sự hưởng ứng của
toàn xã hội như:
Ngày 21/8, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Ủy ban Nhân dân tỉnh
Ninh Thuận đã lần đầu tiên công bố báo cáo toàn diện về trẻ em của tỉnh.
Chiều ngày 27/7/2012, tại Hà Nội diễn ra “ Lễ ký kết Kế hoạch phối hợp giữa
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam năm
2012”
Tại Hội thảo “Phòng chống xâm hại, bạo hành đối với thanh thiếu niên
đường phố” do Hội Bảo trợ trẻ em TP Hồ Chí Minh phối hợp với tổ chức Dynamo
International tổ chức vào ngày 23/7/2011, tại TPHCM đưa ra 1.800 tỷ đồng cho
công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 – 2015.1
b) Tiêu cực :
Trong những năm gần đây, ở nước ta thực trạng bạo lực làm xâm hại nghiêm
trọng đến quyền của trẻ em đang có xu hướng tăng và diễn biến rất phức tạp. Bình
quân có gần 3000 vụ một năm, trong đó có rất nhiều vụ giết trẻ em, bắt cóc và
buôn bán trẻ em đã bị phát hiện và xử lí, điều này gây bức xúc cho dư luận xã hội.
Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đôi lúc vẫn chưa thực sự làm tròn nhiệm
vụ trong công tác bảo vệ quyền trẻ em.
1

Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Bộ lao động thương binh và xã hội
10



Vấn đề bảo vệ quyền trẻ em chưa được toàn xã hội quan tâm, nhận thức về bảo
vệ quyền trẻ em ở các tầng lớp nhân dân còn kém, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa,
vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Người dân tộc thiểu số ít người vẫn theo
phong tục tập quán lạc hậu thì đại đa số không có nhận thức về việc bảo vệ quyền
trẻ em.
2. Một số quy định của pháp luật hiện hành về vấn đề bảo vệ quyền trẻ em
Ở Việt Nam, hiện nay các quyền cơ bản của trẻ em được quy định trong Luật
bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004( hiệu lực thi hành ngày
01/01/2005). Luật này nhấn mạnh nhiệm vụ của xã hội đối với sự bảo vệ và chăm
sóc trẻ em, yêu cầu trừng phạt nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm quyền trẻ em.
Luật này đã quy định các quyền trẻ em như sau:
_ Được khai sinh và có Quốc tịch ( Điều 11).
_ Được chăm sóc, nuôi dạy để phát triển thể chất trí tuệ và đạo đức (Điều 12).
_ Được sống chung với cha mẹ ( Điều 13).
_ Được tôn trọng và bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự, được
bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về vấn đề có liên quan ( Điều 14).
_ Được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe ( Điều 15) .
_ Được học tập và phát triển năng khiếu ( Điêu 16).
_ Được vui chơi, giải trí lành mạnh ( Điều 17).
_ Được có tài sản, được quyền thừa kế và quyên hưởng các chế độ bảo hiểm
( Điều 19) .
_ Quyền được tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến và tham gia hoạt động xã hội
( Điều 20 ).
Mọi hành vi vi phạm quyền trẻ em làm tổn hại đến sự phát triển bình thường
của trẻ em đều bị nghiêm trị ( Điều 6) . Luật cũng cấm sử dụng lao động trẻ em trái
quy định của pháp luật có hại cho sự phát triển bình thường của trẻ em ( Điều 7).

11



IV. GIẢI PHÁP HẠN CHẾ TÌNH TRẠNG BẠO LỰC XÂM HẠI ĐẾN CÁC
QUYỀN CỦA TRẺ EM.
_ Nâng cao nhận thức của xã hội, tăng cường trách nhiệm và năng lực của gia
đinh, nhà trường và của cộng đồng trong việc chủ động phòng ngừa có hiệu quả
các hành vi bạo lực, xâm hại đối với trẻ em. Thực hiện các hoạt động truyền thông,
giáo dục, phổ biến kiến thức, pháp luật, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ
em cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên, cộng đồng và bản thân trẻ em.
_Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền trẻ em bằng cách :
Sửa đổi, bổ sung Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, trong đó xác
định rõ quyền hạn, trách nhiệm và vai trò của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã
hội, nhà trường, gia đình và các cá nhân trong việc bảo vệ chăm sóc trẻ em, đáp
ứng các nhu cầu chăm sóc và bảo vệ an toàn cho mọi trẻ em; bổ sung một chương
riêng về bảo vệ trẻ em nhằm tăng khả năng phòng ngừa, ngăn chặn các nguy cơ
xâm hại, bạo lực trẻ em; bổ sung những quy định, chế tài cụ thể về các hành vi
xâm hại, bạo lực đối với trẻ em; quy định rõ các thủ tục và quy trình phòng ngừa,
trợ giúp và giải quyết các trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo lực, trách nhiệm của
các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình và các cá nhân
phòng ngừa các hành vi xâm hại, bạo lực đối với trẻ em.
_ Tăng cường sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường – gia đình – xã hội. Nhà
trường trong việc quản lý giáo dục trẻ em, cần phải thực hiện tốt công tác tư vấn,
tham vấn học đường và phát huy vai trò của công tác Đoàn, Đội. Môi trường gia
đình có tác động tích cực đến việc hình thành nhân cách, do đó cha mẹ phải là tấm
gương tốt để con cái noi theo. Chính quyền địa phương phải quan tâm, chăm lo cho
trẻ em. Cộng đồng không vô cảm trước những nguy cơ trẻ em bị xâm hại, bạo lực.
_ Xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện cho mọi trẻ em nhằm phòng
ngừa có hiệu quả các hành vi xâm hại bạo lực đối với trẻ em; ngăn ngừa trẻ em vi
phạm pháp luật, trên cơ sở thực hiện có hiệu quả việc xây dựng xã phường phù hợp
với trẻ em theo Quyết định số 37/2010/QĐ-TTg ngày 22/4/2010 của Thủ tướng
Chính phủ ban hành Quy định tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em.
12



_Tiếp tục củng cố và kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ,
chăm sóc trẻ em từ trung ương đến cơ sở; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành
trong đó xác định rõ trách nhiệm của các ngành, các tổ chức trong việc thực hiện
công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Phát triển đội ngũ cán bộ xã hội, cộng tác viên,
tình nguyện viên đến tận thôn, bản, khu, ấp…

KẾT LUẬN
Chừng nào trên trái đất còn trẻ em đói rét, còn trẻ em bị ngược đãi, bắn giết,
chừng nào trẻ em còn chưa được tạo mọi điều kiện tốt nhất để phát triển đúng cách
thì Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em vẫn là tiếng chuông báo hiệu,
nhắc nhở mọi người, nhắc nhở mọi quốc gia hãy hành động vì tương lai tốt đẹp của
trẻ em.

13



×