Tải bản đầy đủ (.docx) (12 trang)

Tìm hiểu vấn đề ly hôn trong hệ thống pháp luật Việt Nam (từ thời kì phong kiến đến nay)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (147.67 KB, 12 trang )

Hôn nhân bản thân nó vốn là một hiện tượng xã hội nên ly hôn-một phần của hôn nhân cũng
vậy. Tương ứng với mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau thì hiện tượng ly hôn cũng diễn biến khác
nhau. Trong giai đoạn hiện nay, khi mà việc ly hôn có xu hướng ngày càng gia tăng thì một câu
hỏi được đặt ra đó là: đâu là nguyên nhân của tình trạng này? Và để trả lời được câu hỏi đó
trước hết phải nghiên cứu về vấn đề ly hôn trong lịch sử Việt Nam. Chính vì vậy em xin chọn đề
tài “Tìm hiểu vấn đề ly hôn trong hệ thống pháp luật Việt Nam (từ thời kì phong kiến
đến nay)”
Về chế định ly hôn trong cổ luật.
Về căn cứ ly hôn.
Về mặt pháp lý, sự ly hôn trong xã hội phong kiến Việt Nam được chia thành các trường
hợp sau:


Các trường hợp chồng phải bỏ vợ.

Trong các trường hợp này, người chồng buộc phải bỏ vợ cho dù có muốn hay không. Điều
310 BLHĐ quy định: "Vợ, nàng hầu đã phạm điều nghĩa tuyệt (thất xuất) mà người chồng ẩn
nhẫn không bỏ thì phải tội biếm tùy theo nặng nhẹ". Tuy trong BLHĐ không có điều luật nào
giải thích về “thất xuất” nhưng sách HĐTCT có ghi lại một trường hợp mà chồng phải bỏ vợ,
cũng tương tự bảy trường hợp quy định tại điều 108 BLGL: “Không có con, dâm đãng, không
phụng sự bố mẹ chồng, lắm lời, trộm cắp, ghen tuông, bị ác tật”. Bởi lẽ vợ không sinh được con
là bất hiếu với cha mẹ nên phải bỏ. Vợ ghen tuông, dâm đãng mà không bỏ thì bại hoại gia đình.
Vợ bị ác tật thì không được làm cỗ để cúng tế. Vợ lắm lời sẽ làm cho anh em, gia đình mất hòa
thuận. Vợ trộm cắp thì vạ lây đến nhà chồng. Khi người vợ phạm phải một trong bảy điều trên
thì người chồng phải bỏ vợ nhằm bảo vệ quyền lợi tối cao của gia đình. Đây chính là sự mô
phỏng quy định về “thất xuất” trong pháp luật Trung Quốc từ nhà Đường cho đến nhà Thanh.
Tuy nhiên, trên thực tế, trong xã hội phong kiến Việt Nam và tục lệ chỉ công nhận bốn
duyên cớ để chồng bỏ vợ đó là: vợ bất chính (không trung thành với chồng, cờ bạc), vợ ăn cắp
của chồng hoặc cha mẹ chồng, vợ không kính trọng cha mẹ chồng, vợ đánh đập chồng.
Các trường hợp “thất xuất” cũng có ngoại lệ. Theo đoạn 165 HĐTCT và điều 108 BLGL
quy định ba trường hợp người chồng không được phép bỏ vợ kể cả khi vợ phạm phải một trong


bảy điều thất xuất gọi là "tam bất khứ":
- Khi vợ đã để tang nhà chồng 3 năm;
- Khi vợ chồng lấy nhau nghèo, về sau giàu có;

1


- Khi vợ chồng lấy nhau, vợ còn bà con họ hàng. Khi bỏ nhau thì vợ không còn nơi nào để
trở về.
Riêng BLGL vẫn cho phép chồng rẫy vợ nếu vợ bị ác tật hay phạm gian (ngoại tình).
Có thể thấy được rằng những quy định này đã phản ánh được quan điểm về tình nghĩa vợ
chồng thời phong kiến, hay nói rộng hơn đó chính là đạo lý của dân tộc. Các quy định không chỉ
thể hiện sự quan tâm đến số phận người phụ nữ mà còn nhằm bảo vệ những quyền lợi cơ bản,
tối thiểu của người làm vợ. Ngoài ra, tại đoạn 106,107 HĐTCT còn quy định rằng khi hai bên
vợ chồng đang có tang cha mẹ thì vấn đề ly hôn cũng không được đặt ra nhằm đề cao đạo làm
con.
Điểm hạn chế của pháp luật nhà Lê so với pháp luật nhà Nguyễn, đó là trong khi pháp luật
nhà Lê ghi nhận “thất xuất” đồng nghĩa với trường hợp “nghĩa tuyệt” thì pháp luật nhà Nguyễn
đã phân biệt hai trường hợp “thất xuất” và “nghĩa tuyệt”. Theo BLGL thì “nghĩa tuyệt” là trường
hợp "ân tình chồng vợ đi trái ngược nhau làm cho mất đứt tình nghĩa", và là quy định được sao
chép nguyên văn của bộ luật nhà Thanh. Theo điều 108 BLGL thì trường hợp nghĩa tuyệt là
trường hợp buộc vợ chồng phải ly hôn, nếu không bỏ vợ chồng sẽ bị phạt 80 trượng. Tuy không
có điều luật nào chú thích rõ ràng vê “nghĩa tuyệt” như trong luật nhà Đường, nhưng xem xét
BLGL có thể thấy một số trường hợp nghĩa tuyệt như: trường hợp vợ mưu sát chồng, trường hợp
chồng bán vợ làm nô lệ, cho thuê hay cầm vợ hay trường hợp chồng đem vợ thông gian gả bán
cho gian phu... Như vậy, có thể thấy việc pháp luật nhà Nguyễn không chỉ lấy lỗi của vợ chồng
làm căn cứ cho việc ly hôn mà còn dựa trên cơ sở đó là hạnh phúc gia đình không đạt được
(nghĩa tuyệt) là một điểm tiến bộ đáng lưu ý.



Các trường hợp vợ chồng có quyền xin ly hôn.

Khi một bên vợ hoặc chồng vi phạm nghĩa vụ đồng cư hoặc nghĩa vụ phù trợ. Các điều 308
BLHĐ và điều 108 BLGL đã cho phép người vợ được phép xin quan cải giá sau 5 tháng chồng
không đi lại (nếu có con là một năm) theo BLHĐ và 3 năm theo BLGL. Đây là một quy định thể
hiện sự tiến bộ của nhà làm luật phong kiến Việt Nam, góp phần ngăn chặn sự thiếu trách nhiệm
của chồng đối với vợ và tạo cho người phụ nữ có cơ hội để có thể tự giải thoát cho mình.
Ngược lại, trường vợ bỏ nhà đi thì người chồng cũng được phép xin ly dị (Điều 321 BLHĐ
và điều 108 BLGL).
Đặc biệt, tại điều 333 BLHĐ còn cho phép vợ được xin ly dị nếu chồng mắng cha mẹ vợ phi
lý, bởi trong trường hợp này người con rể đã phạm vào tội bất hiếu với cha mẹ vợ nên luật cho
phép người vợ có quyền ly hôn. Điều này chứng tỏ nghĩa vụ tòng phu không làm mất năng lực
pháp lý của người vợ. Điểm độc đáo này cho thấy pháp luật nhà Lê mà k hề thấy trong bất kỳ bộ
luật nào của Trung Quốc hay bất kỳ điều luật nào của BLGL.
2




Thuận tình ly hôn.

Ngoài 2 trường hợp ly hôn kể trên thì pháp luật phong kiến cũng cho phép vợ chồng được
thuận tình ly hôn. Tại đoạn 167 HĐTCT: nếu hai vợ chồng bất hòa thuận, nguyện xin ly dị thì tờ
xin ly hôn do hai bên vợ chồng tự viết hoặc nhờ người trong họ viết thay giấy thỏa thuận được
hai bên cùng ký, viết chữ giáp lai rồi mỗi bên giữ một nửa làm bằng, sau đó mỗi người một nơi
mà không cần có sự cho phép của nhà chức trách. Ngoài hình thức văn bản thì các hình thức
khác đều bị coi là vô hiệu và buộc vợ chồng phải đoàn tụ lại. Tuy nhiên có thể thấy điều mà nhà
làm luật triều Lê yêu cầu không sát với hoàn cảnh thực tế, khi mà dân ta không biết chữ thì việc
thuận tình ly hôn đòi hỏi phải có văn tự là không khả thi. Trường hợp thuận tình ly hôn này thực
chất nhà làm luật nhà Lê sao chép theo luật nhà Đường, trong đó giấy tờ ly hôn được gọi là "hưu

thư" (giấy thôi nhau) hoặc "ly thư" (giấy chia lìa nhau).
Đơn giản hơn thì trên thực tế, tục bẻ đôi một đồng tiền (tượng trưng cho việc phân chia tài
sản) hay một đôi đũa (chia lìa cuộc sống) vẫn được dân ta áp dụng khi hai vợ chồng có sự thỏa
thuận ly hôn.
Trong BLGL, tại điều 108 cũng chấp nhận sự thuận tình ly hôn như trong pháp luật Trung
Quốc: nếu hai vợ chồng không thể hòa hợp, thế là tuyệt tình chứ không phải tuyệt nghĩa, mặc dù
không có điều gì bắt buộc phải ly dị và làm cho hết ân nghĩa vợ chồng, họ có thể được phép bỏ
nhau mà không bị phạm tội.
Như vậy, việc quy định vợ chồng được phép thuận tình ly hôn trong cổ luật cho ta thấy được
thái độ tôn trọng quyền tự quyết của vợ chồng về mối quan hệ hôn nhân giữa họ. Bên cạnh đó ta
còn thấy được ý nghĩa nhân văn và tiến bộ của quy định, khi các nhà làm luật thời phong kiến
ghi nhận sự thuận tình ly hôn tức là hướng tới sự giải phóng cho vợ chồng thoát khỏi bế tắc
trong cuộc sống hôn nhân của họ.
Ngoài các trường hợp ly hôn trên thì pháp luật còn quy định buộc vợ chồng phải ly dị khi
giá thú vi phạm một trong các điều kiện thiết yếu của hôn nhân. Về điểm này thì các nhà làm
luật phong kiến đã không phân biệt giữa chấm dứt hôn nhân với hủy việc kết hôn trái pháp luật
như pháp luật hiện hành.
Về hậu quả pháp lý của việc của việc ly hôn.
Theo tục lệ thì hậu quả của việc ly hôn được giải quyết như sau:
Về quan hệ nhân thân: theo tục lệ phong kiến thì sau ly hôn, quan hệ vợ chồng hoàn toàn
chấm dứt, hai bên không phải thực hiện các nghĩa vụ phu phụ với nhau cũng như được quyền tái
giá với người khác mà không ai có quyền ngăn cản. Điều 308 BLHĐ quy định người chồng
không được ngăn cản người khác lấy vợ cũ của mình. Điều này giống với cổ luật Trung Quốc.
3


Về mặt tài sản: nếu vợ chồng không có con, do tài sản riêng của vợ chồng là độc lập nên khi
ly hôn vợ, chồng có thể được giữ lại tài sản của mình (trừ trường hợp ly hôn do lỗi của người vợ
thì người vợ không được lấy lại của riêng). Có lẽ tục này bắt nguồn từ điều 401 BLHĐ, trừng
phạt nghiêm khắc người vợ ngoại tình (bất luận vợ chính hay vợ thứ), người ấy bị phạt tội lưu,

còn các điền sản phải để lại cho chồng. Đối với tài sản do công sức đóng góp của vợ chồng làm
ra được chia đều cho hai người. Nếu vợ chồng có con, theo quan niệm “tài sản của cha mẹ làm
ra là để lại cho con cháu” mà người vợ chỉ được lấy lại tư tragn, quần áo, vật dùng riêng và
chồng có thể cho vợ một ít tiền(nhiều hay ít phụ thuộc vào giá trị tài sản riêng của người vợ và
chông sức đóng góp của người vơ vào khối rài sản chung của vợ chồng)”.
Về con cái: vì gia đình phong kiến Việt Nam theo chế độ phụ hệ nên con phải theo cha, do
vậy khi cha mẹ ly hôn thì con sống với cha, nhưng nếu muốn giữ con thì người vợ có quyền đòi
chia một nửa số con (quy định này không hề thấy có trong pháp luật Trung Quốc). Ngay cả khi
người mẹ không giữ được con thì mối quan hệ giữa mẹ và con không bị cắt đứt hẳn. Theo tang
chế được quy định trong BLGL và sách HĐCT, đối với người mẹ đã ly dị hay người mẹ đã tái
giá thì các con vẫn phải để tang 1 năm.
Thông qua những phân tích trên, có thể thấy được rằng vấn đề ly hôn trong cổ luật bị chi
phối và chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng Nho giáo lúc bấy giờ, khi mà việc ly hôn được xác
lập trên cơ sở lợi ích gia đình (khác với pháp luật hiện hành, nguyên nhân ly hôn phải xuất phát
từ bản chất mối quan hệ vợ chồng). Mặt khác, tư tưởng Nho giáo vốn là công cụ của giai cấp địa
chủ trong xã hội phong kiến sử dụng nhằm duy trì sự thống trị của mình. Như vậy, có thể thấy
vấn đề ly hôn nói riêng và hôn nhân nói chung ở giai đoạn này là một hiện tượng xã hội mang
tính giai cấp.
Về chế định ly hôn trong hệ thống pháp luật trước năm 1945.
Trước cách mạng tháng Tám (1945) Việt Nam là một nước thuộc địa nửa phong kiến. Với
mục đích nhằm củng cố sự thống trị của mình, dựa trên nền tảng là Bộ luật dân sự của Cộng hòa
Pháp (1804) kết hợp với hệ thống pháp luật phong kiến nước ta, thực dân Pháp đã ban hành ba
bộ luật dân sự tương ứng với ba miền (được chia theo bản “Hiệp ước hòa bình” ngày
25/8/1883), đó là: Bộ dân luật Bắc Kỳ 1931, bộ dân luật Trung Kỳ 1936 và tập dân luật giản yếu
Nam Kỳ 1883. Về chế định ly hôn, mặc dù mỗi bộ luật được ban hành và áp dụng ở các vùng
miền khác nhau nhưng chúng đều có sự tương đồng nhất định.
Về căn cứ ly hôn.
Căn cứ ly hôn trong các bộ dân luật này vẫn dựa trên cơ sở là lỗi của vợ chồng. Cụ thể như
sau:
4





Các trường hợp chồng có thể xin ly hôn

Tại điều 117 DLTK và điều 118 DLBK quy định chồng có thể xin ly hôn vợ vì các duyên
cớ: Vợ phạm gian; vợ bỏ nhà chồng ra đi, tuy đã buộc phải về nhưng không chịu về; vợ thứ
đánh chửi, bạo hành vợ chính.
Điều đặc biệt ở đây đó là trong DLGY năm 1883 áp dụng ở Nam Kỳ đã áp dụng chế độ
“tam bất khứ” trong cổ luật Việt Nam, nhằm đảm bảo cho quyền lợi của người vợ cũng như để
xây dựng gia đình trên cơ sở nghĩa tình và đạo đức ( trường hợp khi vợ đã để tang nhà chồng 3
năm; khi vợ chồng lấy nhau nghèo, về sau giàu có; khi vợ chồng lấy nhau, vợ còn bà con họ
hàng, khi bỏ nhau thì vợ không còn nơi nào để trở về thì người chồng không được phép ly hôn)


Các trường hợp vợ có thể xin ly hôn

Điều 118, Bộ dân luật Trung kỳ và Điều 119, bộ dân luật Bắc kỳ quy định vợ có thể xin ly
hôn chồng vì những duyên cớ như: chồng bỏ nhà đi quá 2 năm không có lý do chính đáng và
không lo liệu việc nuôi nấng vợ con; chồng đuổi vợ ra khỏi nhà mà không có lý do chính đáng;
làm trái trật tự trong thê đẳng; chồng không làm nghĩa vụ đã cam đoan khi kết hôn, là phải tùy
theo kế sinh nhai mà nuôi nấng vợ con.
Đặc biệt, tại điều 123 DLBK có quy định: “Người vợ có thể kiện xin ly hôn, không cần phải
chồng cho phép”. Như vậy, việc đặt ra quy định này có ý nghĩa quan trọng khi xác định cho
người phụ nữ quyền được tự quyết định hạnh phúc hôn nhân của mình chứ không phụ thuộc vào
người chồng.


Các trường hợp cả hai vợ chồng xin ly hôn


Điều 119 DLTK và điều 120 DLBK quy định về những duyên cớ mà cả vợ cả chồng cùng
có thể xin ly hôn như: vì một bên can án trọng tội, vì một bên vô hạnh làm nhơ nhuốc đến nỗi
bên kia không thể ở chung được…
Tuy nhiên, điều kiện để hai vợ chồng có thể xin thuận tình ly hôn là đã chung sống với nhau
2 năm (Điều 121 DLBK và điều 120 DLTK). Còn tại DLGYNK lại quy định chặt chẽ hơn điều
kiện để vợ chồng thuận tình xin ly hôn, sẽ không được chấp thuận, nếu: chưa chung sống đủ 2
năm hoặc đã quá 20 năm; người chồng dưới 25 tuổi hay người vợ dưới 21 tuổi hoặc đã quá 45
tuổi. Như vậy, có thể thấy việc quy định hạn chế sự thuận tình ly hôn này nhằm khuyến khích vợ
chồng củng cố xây dựng gia đình lâu dài, bền vững, cũng như nhằm đảm bảo lợi ích cho cả vợ
và chồng khi mà việc ly hôn ảnh hưởng trực tiếp đến họ. Ngoài ra, một điều kiện khác được đặt
ra cho việc thuận tình ly hôn được thực hiện đó là phải có sự đồng ý của cha mẹ.
Về hậu quả pháp lý của việc ly hôn.
5


Về quan hệ nhân thân: mặc dù về mặt pháp lý thì kể từ ngày phán quyết có hiệu lực mối
quan hệ vợ chồng bị xóa bỏ, tuy nhiên tại điều 84 DLBK lại quy định: nếu vợ chồng ly hôn,
người vợ phải chờ sau 300 ngày kể từ ngày phán quyết ly hôn có hiệu lực, mới được kết hôn với
người khác (thời kỳ cư sương). Như vậy, mặc dù quan hệ nhân thân không còn nhưng giữa hai
người vẫn còn mối quan hệ ràng buộc với nhau.
Về mặt tài sản và con cái: “Vợ chồng ly hôn, con cái luôn thuộc về người cha, người phụ nữ
không được mang theo con mình; Người vợ ly hôn, khi ra khỏi nhà chồng, được phép mang đi
quần áo, tư trang, đồ dùng cá nhân”. Việc phân chia các tài sản có giá trị lớn được thực hiện
theo các thoả thuận trước trong hôn ước; nếu không có hôn ước, thì theo các quy định của pháp
luật. Các giải pháp của luật về phân chia tài sản giữa vợ chồng sau khi ly hôn được xây dựng tùy
theo gia đình có hay không có con và người vợ có hay không có ngoại tình.
Như vậy, do ba bộ luật này là sản phẩm của bộ luật dân sự của Cộng hòa Pháp 1804 kết hợp
với pháp luật phong kiến Việt Nam nên chúng vừa mang những điểm tiến bộ cũng như hạn chế
nhất định. Một mặt nó phản ánh sự lạc hậu và phản động do ảnh hưởng bởi nhà nước thuộc địa

nửa phong kiến, nhưng mặt khác nó lại mang những giá trị nhân văn nhất định khi một phần
hướng tới giải phóng con người, cụ thể ở đây chính là người phụ nữ.
Về chế định ly hôn trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân (1945-1954)
Sau khi Bản Hiếp pháp đầu tiên của nước ta ra đời vào năm 1946 ghi nhân quyền bình
đẳng giữa nam và nữ về mọi mặt (Điều 9) – cơ sở pháp lý để đấu tranh xóa bỏ những hủ tục của
chế độ HN&GĐ cũ, xây dựng chế độ HN&GĐ mới dân chủ và tiến bộ; cùng với sự phát triển
nhanh chóng của xã hội và sự thay đổi nhận thức của toàn dân thì trong những năm từ 1945 đến
1950, Nhà nước ta đã ban hành các sắc lệnh quy định về HN&GĐ: sắc lệnh số 90-SL ngày
10/10/1945, sắc lệnh số 97-SL ngày 22/5/1950 và Sắc lệnh số 159-SL ngày 17/11/1950. Về vấn
đề ly hôn, nhà nước ta quy định rõ tại Sắc lệnh số 159-SL ngày 17/11/1950. Sắc lệnh gồm 9 điều
chia thành 3 mục: Duyên cớ ly hôn, thủ tục ly hôn và hiệu lực của việc ly hôn.
Căn cứ ly hôn.
Cụ thể, tại mục đầu tiên về “Duyên cớ ly hôn” quy định cụ thể như sau:


Toà án có thể cho phép vợ hoặc chồng ly hôn trong những trường hợp sau (Điều 2):

Ngoại tình; một bên can án phát giam; một bên mắc bệnh điên hoặc một bệnh khó chữa
khỏi; một bên bỏ nhà đi quá hai năm không có duyên cớ chính đáng; vợ chồng tính tình không
được hoặc đối xử với nhau đến nổi không thể sống chung được.

6


Sắc lệnh này thật sự đã thực hiện nguyên tắc tự do hôn nhân: công nhân quyền tự do kết hôn
và tự do ly hôn. Ở đây, nhà làm luận không còn phân biệt duyên cớ ly hôn cho riêng vợ hay
riêng chồng mà gộp vào làm một với cách dung từ “một bên”, thể hiện rõ sự bình đẳng giữa đôi
bên vợ và chồng, xóa bỏ sự bất bình đẳng trong các Bộ dân luật cũ. Và đây cũng là lần đầu tiên
trong pháp luật Việt Nam người phụ nữ được ly dị do người chồng ngoại tình!



Vợ chồng có thể xin thuận tình ly hôn. (Điều 3).

Đây cũng là một điểm tiến bộ trong sắc lện số 159-SL ngày 17/11/1950, như vậy, nhà làm
luật đã cho phép vợ chồng có thể xin ly hôn theo như đúng ý chí của họ mong muốn, mà không
phải chịu một sự ràng buộc nào về điều kiện cho đôi bên được ly hôn, duy nhất là đôi bên, với ý
chí tự nguyện, xin thuận tình ly hôn. Theo đó, với vấn đề thuần tình ly hôn này, các nhà làm luật
đã đơn giản hóa thủ tục ly hôn, cụ thể: Khi xét xử ly hôn, tòa án áp dụng các thủ tục thông
thường như xử các việc hộ khác; trong trường hợp vợ chồng thuận tình ly hôn, tòa án tiền hành
hòa giải không thành và nếu sau đó một tháng, vợ chồng vẫn giữ nguyên ý định xin ly hôn, thì
tòa án sẽ chính thức công nhân việc thuận tình ly hôn (Điều 4).
Ngoài ra, sắc lệnh nay còn bảo vệ phụ nữ và thai nhi trong việc ly hôn, cụ thể: nếu người
vợ đang có thai thì vợ hay chồng có thể xin tòa án hoãn sau khi sinh nở mới xử lý việc ly hôn
(Điều 5).
Hậu quả pháp lý của việc ly hôn.
Tại Điều 6 sắc lệnh số 159-SL, quy định rõ: tòa án sẽ căn cứ vào quyền lợi của các con vị
thành niên để ấn định việc trông nom, nuôi nấng và dạy dỗ chúng. Hai vợ chồng đã ly hôn phải
cùng chịu phí tổn về việc nuôi dạy con, mỗi người tùy theo khả năng của mình. Như vậy, với quy
định này, nhà làm luật đã nhằm mục đích vỏa vệ quyền lợi của con chưa thành niên sau khi bố
mẹ chúng ly hôn. Điều này đã trái ngược hẳn với những tập quán và pháp luật cũ của ta, xóa bỏ
tư tưởng trọng nam, khinh nữ, đã trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của người phụ nữ và gián
tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của con chưa thành niên. Giữa vợ và chồng thì hậu quả pháp lý chỉ
được quy định một cách chung chung: Trong trường hợp xét xử một bên có lỗi thì toà án có thể
bắt bên đó bồi thường phí tổn cho bên kia.(Điều 7). Đối với việc nuôi con chung, Sắc lệnh số
159-SL mới chỉ nhắc đến và bảo vệ quyền lợi cho con chưa thành niên. Tuy không có đầy đủ các
quy tắc cần thiết, nhưng sắc lệnh 159-SL đã thể hiện được chủ trương của người làm luật xoá
bỏ hậu quả pháp lý về ly hôn dựa trên quan niệm bất bình đẳng giữa nam và nữ.
Như vậy, ta có thể thấy, việc xét xử ly hôn trong giai đoạn này được áp dụng thống nhất
trong toàn quốc, xóa bỏ việc giải quyết ly hôn với quy định riêng của từng miền do giai đoạn
lịch sử cũ đưa đến. Ngoài ra, việc bao vệ phụ nữ và thai nhi trong việc ly hôn là khi người vợ có

thai mà nếu có việc ly hôn, đây là điểm mới mà các bộ luật cũ không hề đề cập đến.
7


Tuy nhiên, do được ban hành trong bối cảnh lịch sử xã hội nhất định nên 2 sắc lệnh vẫn còn
mặt hạn chế, chưa xóa bỏ được tận gốc và toàn diện chế độ HN&GĐ phong kiến lạc hậu, vẫn
giải quyết ly hôn dựa trên lỗi của vợ chồng; mới giải quyết được một số vấn đề cấp bách, góp
phần giải phóng phụ nữ; quy định nam nữ bình đẳng trong ly hôn nhưng vẫn chưa được sâu sắc.
Về chế định ly hôn trong giai đoạn 1954 – 1945.
Năm 1954, cuộc cách mạng chống thực dân Pháp thắng lợi, tuy nhiên, đất nước ta tạm bị
chia cắt làm hai miền với hai chế độ chính trị khác biệt do Mỹ nhảy vào, áp đặt chính sách thực
dân kiểu mới ở miền Nam nước ta và thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Bời đặc
điểm chính trị - xã hội này nên ở thời kỳ này nước ta tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến
lược khác nhau: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ
nghĩa ở miền Bắc với mục tiêu chung là giải phóng miền Nam, bảo vệ và xây dựng xã hội mới
miền Bắc, tiến lên thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà.
Ở miền Bắc: Quốc hội khóa I Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua Luật HN&GĐ
năm 1959 ngày 29/12/1959 và có hiệu lực thi hành từ ngày 13/01/1960 – một trong những đạo
luật được ban hành sớm nhất và đã đánh dấu một bước phát triển tiến bộ vượt bậc trong công tác
lập pháp của nước ta. Bộ luật gồm 6 chương và 35 điều, vấn đề ly hôn được đề cập tại chương V
với 9 điều.
Về căn cứ ly hôn, luật HN&GĐ 1959 không quy định những căn cứ ly hôn riêng biệt mà
quy định căn cứ ly hôn duy nhất cho mọi trường hợp là “tình trang mâu thuẫn trầm trọng, đời
sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được”. Như vậy trừ trường hợp hai
bên thuận tình ly hôn, còn các trường hợp xin ly hôn khác toàn án đều phải tiến hành hòa giải
đoàn tụ, nếu hòa giải không thành mới đưa ra xét xử. Trường hợp vợ có thai, chồng chỉ có thể
xin ly hôn sau khi vợ đã sinh đẻ được một năm. Như vậy, cũng giống như Sắc lệnh số 159-SL
ngày 17/11/1950 thì quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ và thai nhi, nhưng ở
đây, Luật HN&GĐ năm 1950 đã cụ thể hóa thời gian để người chồng có thể xin ly hôn sau khi
người vợ sinh là 1 năm, không nêu chung chung là “có thể xin hoãn đến sau kì sinh nở mới xử

lý việc ly hôn” như đối với Sắc lệnh số 159. Việc đưa ra quy định hạn chế ly hôn này là hoàn
toàn phù hợp bởi người phụ nữ khi mang thai, hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi sẽ rất vất vả,
cần sự quan tâm, giúp đỡ của người chồng, đồng thời nó cũng thể hiện tính nhân đạo, tôn trọng
quyền của người phụ nữ đồng thời quan tâm đến việc bảo vệ người phụ nữ và trẻ em.
Về hậu quả pháp lý của việc ly hôn: trước hết về quan hệ nhân thân, Luật HN&GĐ 1959
quy định chấm dứt các quyền và nghĩa vụ về nhân thân giữa vợ và chồng sau khi quyết định ly
hôn của Tòa án có hiệu lực, vợ, chồng có quyền kết hôn với người khác.

8


Về quan hệ tài sản, quy định mà Luật HN&GĐ 1959 đưa ra còn quá khái quát, chưa đưa ra
những nguyên tắc phân chia tài sản, chưa quy định về tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng,
do đó vẫn dẫn đến nhiều tranh chấp.
Về vấn đề con chung, Luật HN&GĐ 1959 quy định: vợ chồng đã ly hôn vẫn có mọi nghĩa
vụ và quyền lợi đối với con chung; vợ chồng đã ly hôn phải chịu phí tổn về việc nuôi nấng và
giáo dục con, mỗi người tùy theo khả năng của mình (Điều 31, Điều 32 – LHN&GĐ năm 1959).
Đối với việc nuôi con chung, Sắc lệnh số 159-SL mới chỉ nhắc đến và bảo vệ quyền lợi cho con
chưa thành niên, còn đối với Luật HN&GĐ năm 1959 đã đưa ra thuật ngữ “con chung” để bao
quát được vấn đề quyền và nghĩa vụ đối với con cái của vợ chồng khi họ ly hôn.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện và áp dụng Luật HN&GĐ 1959 còn gặp không ít trở ngại,
một số trường hợp phát sinh quan hệ hôn nhân và gia đình nhưng không có quy phạm điều
chính. Do đó, khi có tranh chấp về hôn nhân, gia đình theo yêu cầu của đương sự, như việc yêu
cầu ly hôn mà một bên vợ (chồng) là người nước ngoài hoặc định cư ở nước ngoài,…
Ở miền Nam: Nhà nước tay sai phản động của chính quyền Ngụy Sài Gòn ban hành hệ
thống văn bản pháp luật với những nội dung lạc hậu, bao gồm: Luật gia đình ngày 2/1/1959
(Luật số 1 – 59) dưới chế độ Ngô Đình Diệm; sắc lệnh số 15/64 ngày 23/7/1964 về giá thú, tử
hệ, và tài sản cộng đồng; bộ dân luật ngày 20/12/1972 dưới chế độ Nguyễn Văn Thiệu.
Tuy các văn bản pháp luật này đều quy định bãi bỏ chế độ đa thê, song vẫn thực hiện
nguyên tắc bất bình đẳng giữa vợ chồng, bảo vệ quyền gia trưởng, phân biệt đối xử giữa các

con, giữa con trong và ngoài giá thú; quy định giải quyết ly hôn dựa trên cơ sở lỗi của vợ chồng;
đặc biệt, Bộ luật gia đình dưới chế độ Ngô Đình Diệm đã cấm vợ chồng không được ly hôn
(Điều 55)…
Như vậy, các văn bản pháp luật này chính là công cụ của Nhà nước phản động, đi ngược
với lợi ích của nhân dân lao động.
Về chế định ly hôn giai đoạn từ năm 1975 đến nay.
Với thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ngày 30/4/1975, cả
nước thống nhất, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn cả nước độc lập,
thống nhất…tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, tiến nhanh tiến mạnh, tiến vững chắc lên
chủ nghĩa xã hội.
Cùng với việc chính thức thông qua bản Hiếp pháp năm 1980 của Quốc hội khóa VI, kỳ
họp thứ 7, ngày 18/12/1980 thì sau đó, Luật HN&GĐ năm 1986 đã được Quốc hội khóa VII kì
họp thứ 12 thông qua ngày 29/12/1986 và được công bố ngày 3/1/1987 gốm 10 chương và 57
điều. Tuy rằng Luật HN&GĐ năm 1959 đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần xóa bỏ
những tàn tích lạc hậu của chế độ HN&GĐ phong kiến, thực hiện chế độ hôn nhân và gia đình
xã hội chủ nghĩa ở nước ta, song tình hình nước ta đã thay đổi về căn bản so với những năm
9


1959, việc áp dụng Luật HN&GĐ năm 1959, một số điều đã không còn phù hợp, vậy nên, việc
ban hành Luật HN&GĐ năm 1986 là một tất yếu khách quan để thúc đẩy sự nghiệp xây dựng
chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước.
Vấn đề ly hôn được nhà làm luật quy định tại 6 điều ở chương VII – Luật HN&GĐ năm
1986. So với Luật HN&GĐ năm 1959 thì Luật HN&GĐ năm 1986 có những điểm giống nhau,
song có những điểm mới, cụ thể hơn, tiến bộ hơn.
Căn cứ ly hôn.
Vấn đề thuận tình ly hôn của cả hai bên vợ chồng được tòa án điều tra, hòa giải và giải
quyết sau khi có đơn xin ly hôn của vợ hoặc chồng. Khi xét nếu đúng là hai bên thuận tình ly
hôn thì sau khi hòa giải không thành, tòa án sẽ giải quyết ly hôn cho họ; nếu trường hợp một bên
vợ hoặc chồng xin ly hôn thì sau khi hòa giải không thành, tòa sẽ đưa ra xét xử và dựa trên căn

cứ ly hôn để xét việc có cho họ ly hôn hay không (Điều 40).
Như vậy, nhà làm luật đã xét trường hợp: vợ chồng cùng thuận tình ly hôn và trường hợp:
một bên thuận tình ly hôn. Khi đó, tùy vào từng trường hợp để lựa chọn cách giải quyết sao cho
phù hợp; đồng thời, vấn đề căn cứ ly hôn dù vậy vẫn không dựa trên cơ sở lỗi mà dựa trên ba
căn cứ rất tổng quát: tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn
nhân không đạt được, thì tòa dựa vào đó, quyết định cho vợ chồng có được ly hôn hay không.
Ngoài ra, việc ly hôn của vợ chồng sẽ được tòa giải quyết khi có đơn xin ly hôn được gửi đến
của vợ hoặc chồng, tức là, nhà làm luật đã nêu ra thủ tục ban đầu của việc xin ly hôn, đồng thời
lấy đó là căn cứ mà vợ chồng yêu cầu tòa giải quyết vấn đề ly hôn cho họ.
Vấn đề bảo vệ phụ nữ và thai nhi (Điều 41), việc một bên yêu cầu cấp dưỡng sau khi ly
hôn (Điều 43) và vợ chồng vẫn có mọi nghĩa vụ và quyền lợi đối với con chung (Điều 44) vẫn
được giữ nguyên nội dung trong Luật HN&GĐ năm 1986.
Về hậu quả pháp lý của việc ly hôn, điểm mới trong Luật HN&GĐ năm 1986 đó là: giải
quyết vấn đề tài sản sau khi ly hôn giữa vợ chồng (Điều 42). Tại đây, nhà làm luật đưa ra những
nguyên tắc để giải quyết vấn đề chia tài sản khi ly hôn trong bốn mục a, b, c, d tại Điều 42 Luật
HN&GĐ năm 1986.
Được ban hành trong những năm đầu thới kỳ đổi mới, Luật HN&GĐ năm 1986 thật sự đã
đạt được những thành tựu to lớn; nhưng bên cạnh đó, thực tế áp dụng cho thấy những quy định
nêu trên còn mang tính khái quát, định khung, chưa cụ thể, việc áp dụng giải quyết các tranh
chấp từ quan hệ hôn nhân và gia đình gặp nhiều vướng mắc. Tình hình đó đòi hỏi Nhà nước ta
cần phải sửa đổi, bổ sung Luật HN&GĐ năm 1986 một cách toàn diện nhằm phù hợp với giai
đoạn nước ta hiện này: Đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với các
10


điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội không ngừng phát triển đã tác động mạnh đến quan hệ hôn
nhân và gia đình ngày nay.
Đáp ứng sự mong mỏi của tình hình đất nước, Luật HN&GĐ năm 2000 đã được Quốc hội
khóa X, kỳ họp thứ 7 chính thức thông qua ngày 22/6/2000, có hiệu lực thi hành từ ngày
01/01/2001. Luật HN&GĐ năm 2000 tiếp tục kế thừa và phát triển hệ thống phát luật hôn nhân

và gia đình Việt Nam; Luật gồm 13 chương, 110 điều. Vấn đề ly hôn được đề cập tại chương X
với 15 điều.
Về căn cứ ly hôn, được quy định rõ tại Điều 89 Luật HN&GĐ năm 2000, theo đó thì căn cứ
của việc ly hôn vẫn dựa trên ba cơ sở: tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài,
mục đích của hôn nhân không đạt được; bên cạnh đó, tại khoản 2 điều này, nhà làm luật đã dự
liệu trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích thì tòa án giải quyết cho
họ được ly hôn (nếu họ có mong muốn).
Nhà làm luật dựa vào bản chất của hôn nhân tan vỡ, hoàn toàn không dựa vào lỗi của vợ,
chồng. Đây là căn cứ đã được áp dụng ở nước ta từ khi nước ta ban hành Luật HN&GĐ năm
1959 và thật sự đã đáp ứng được cả cơ sở lý luận và thực tiễn áp dụng.
Tại Điều 85, nhà làm luật đã cụ thể hóa, nêu ra hai vấn đề, là: chỉ có vợ hoặc chồng hoặc cả
vợ và chồng mới có quyền yêu cầu tòa giải quyết việc ly hôn cho họ và hạn chế quyền ly hôn
của người chồng khi mà người vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, nhằm bảo vệ
quyền lợi cho phụ nữ có thai và thai nhi – một vấn đề được quan tâm lớn.
Về hậu quả pháp lý cảu việc ly hôn, cũng như Luật HN&GĐ 1959 và Luật HN&GĐ 1986,
Luật HN&GĐ 2000 quy định chấm dứt các quyền và nghĩa vụ về nhân thân giữa vợ và chồng
sau khi quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực, vợ, chồng có quyền kết hôn với người khác.
Về quan hệ tài sản, tại điều 42 Luật HN&GĐ năm 1986 đã quy định các nguyên tắc chia tài
sản của vợ chồng khi ly hôn, tuy nhiên, do tính chất phức tạp của loại việc và quan hệ xã hội
vốn có nhiều biến động , nên việc áp dụng quy định có tính nguyên tắc chung này bộc lộ nhiều
khó khăn và vướng mặc. Do đó, để khắc phục những hạn chế này, cũng như nhằm bảo đảm tốt
hơn quyền và lợi ích của các bên khi ly hôn, Luật HN&GĐ năm 2000 đã dự liệu cụ thể hơn về
các nguyên tắc chung khi xác định và chia tài sản riêng, tài sản chung của vợ chồng; đặc biệt,
đối với những tài sản là nhà ở và quyền sử dụng đất của vợ chồng (Điều 95, 96, 97, 98, 99 Luật
HN&GĐ năm 2000). – lần đầu tiên được đưa vào Luật HN&GĐ một cách cụ thể, rõ ràng.
Về vấn đề con chung cũng được quy định tại điều 92,93,94 Luật HN&GĐ 2000. Các quy
định này ngày càng hoàn thiện, thể hiện sự quan tâm một cách sâu sắc và triệt để của nhà
nước đối với trẻ em, thể hiện sự tiến bộ của luật pháp.
11



Như vậy, thông qua việc tìm hiều về vấn đề ly hôn trong hệ thống pháp luật Việt Nam từ
phong kiến đến nay, chúng ta có thể thấy được mối liên hệ chặt chẽ giữa ly hôn nói riêng và hôn
nhân nói chung với yếu tố giai cấp cũng như điều kiện kinh tế xã hội. Kết luận này sẽ làm cơ sở
cho việc xác định tình trạng ly hôn hiện nay nói riêng và sự bất cập trong Luật HN&GĐ nói
chung, từ đó đưa ra các thay đổi cần thiết và kịp thời nhằm hoàn thiện hơn nữa chễ định hôn
nhân và gia đình tại Việt Nam.

12



×