Tải bản đầy đủ (.doc) (14 trang)

Nêu và lý giải về những điểm khác nhau giữa điều kiện kết hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959, Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 và Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (155.03 KB, 14 trang )

MỤC LỤC
A – ĐẶT VẤN ĐỀ......................................................................................................................................2
B – NỘI DUNG.........................................................................................................................................2
1.Khái quát về kết hôn và điều kiện kết hôn trong các Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959, năm
1986 và năm 2000. ............................................................................................................................2
2. Điểm khác biệt trong quy định về kết hôn của các Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959, năm
1986 và năm 2000. ...........................................................................................................................4
2.1 Điểm khác biệt trong quy định về các trường hợp cấm kết hôn...............................................4
2.2 Điểm khác biệt trong quy định về đăng kí kết hôn...................................................................9
3. Một số kiến nghị để sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành. ............................................11
C – KẾT LUẬN........................................................................................................................................13
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO........................................................................................................14

1


A – ĐẶT VẤN ĐỀ
Hôn nhân là bến đậu của tình yêu. Để đi đến được bến đậu ấy thì con
thuyền tình yêu phải vượt qua những thử thách và điều kiện nhất định. Ở những
giai đoạn khác nhau thì việc quy định điều kiện kết hôn cho các chủ thể tham gia
quan hệ hôn nhân và gia đình là không giống nhau. Các quy định này tuân theo
quy luật vận động: luật sau tiến bộ hơn luật trước để phù hợp với tình độ phát
triển cũng như những yêu cầu đặt ra trong hoàn cảnh cụ thể. Quy định điều kiện
kết hôn về độ tuổi, năng lực pháp lý của chủ thể, số lượng chủ thể tham gia quan
hệ, mối quan hệ giữa các chủ thể, giới tính và ý chí của các bên có sự thay đổi
trong các văn bản Luật Hôn nhân và gia đình từ luật đầu tiên năm 1959 đến luật
hiện hành là luật năm 2000. Vậy thì, những điều kiện này có đặc điểm khác
nhau như thế nào? Nguyên nhân dẫn đến sự khác nhau đó là gì? Sau đây, bài
viết sẽ phân tích đề tài: Nêu và lý giải về những điểm khác nhau giữa điều
kiện kết hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959, Luật hôn nhân và
gia đình năm 1986 và Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.



B – NỘI DUNG
1.Khái quát về kết hôn và điều kiện kết hôn trong các Luật Hôn nhân
và gia đình năm 1959, năm 1986 và năm 2000.
Kết hôn là việc nam, nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp
luật về điều kiện kết hôn và đăng kí kết hôn. Không ai bị buộc phải kết hôn
nhưng ai cũng bị buộc phải tuân theo luật hôn nhân một khi người đó kết hôn.
Hệ thống pháp luật hôn nhân và gia đình của Nhà nước ta quy định nam, nữ kết
hôn phải bảo đảm hai yếu tố: thứ nhất, phải thể hiện ý chí của cả nam và nữ là
mong muốn được kết hôn với nhau và thứ hai là phải được nhà nước thừa nhận.
Nếu như yếu tố thứ nhất là yếu tố thuộc về mặt ý chí chủ quan của hai bên nam
nữ, được coi như một điều kiện cần thì điều kiện đủ để làm phát sinh quan hệ
hôn nhân đó là phải được nhà nước thừa nhận.

2


Một quan hệ hôn nhân hợp pháp là quan hệ hôn nhân không vi phạm các
điều kiện kết hôn được quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình. Trải quy
nhiều lần sửa đổi và bổ sung, đến nay, với Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000,
các quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn cơ bản là đã đầy đủ và phù hợp
với thực tiễn cuộc sống. Qua quy định về điều kiện kết hôn trong Luật Hôn nhân
và gia đình hiện hành, ta thấy có những quy định là sự kế thừa của luật hôn nhân
và gia đình các năm 1959 và 1986; có những quy định đã tồn tại suốt hơn 40
năm (kể từ khi Luật hôn nhân và gia đình 1959 ra đời) và đến nay vẫn còn phù
hợp như:
- Điều kiện tuổi kết hôn: nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám
tuổi trở lên mới được kết hôn. Khi xây dựng Luật Hôn nhân và gia đình năm
2000, có nhiều ý kiến cho rằng cần hạ thấp độ tuổi kết hôn. Có quan điểm khác
lại cho rằng cần quy định tuổi kết hôn của nam và nữ là như nhau. Tuy nhiên,

những quan điểm này đã không được chấp nhận và quy định về tuổi kết hôn vẫn
được quy định như trong Luật 1959 và 1986. Và trên thực tế cho thấy quy định
đó là hoàn toàn hợp lý cho dù điều kiện kinh tế, xã hội đã thay đổi.
- Sự tự nguyện của hai bên nam nữ khi kết hôn: Từ khi Luật Hôn nhân
và gia đình ra đời nay, nguyên tắc tự nguyện trong kết hôn vẫn được duy trì và
trở thành một điều kiện bắt buộc trong các điều kiện kết hôn. Trong hôn nhân,
việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định, không bên nào được ép buộc
bên nào, không một ai được cưỡng ép hay cản trở. Đây là quy định nhằm xóa bỏ
hoàn toàn chế độ hôn nhân phụ thuộc vào cha mẹ trong gia đình phong kiến và
xây dựng chế độ hôn nhân và gia đình xã hội chủ nghĩa tự nguyện, tiến bộ, một
vợ một chồng và vợ chồng bình đẳng.
- Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn:
Trên thực tế, có một số trường hợp kết hôn gây bất lợi cho xã hội như: vi phạm
nguyên tắc của Luật hôn nhân và gia đình hoặc ảnh hưởng đến sự phát triển của
con cháu khi sinh ra hoặc vi phạm các nguyên tắc cơ bản về đạo đức, lối sống,...
Vì vậy, nhằm đảm bảo cho các trường hợp trên không xảy ra, trong quy định về

3


điều kiện kết hôn luôn có quy định các trường hợp cấm kết hôn, có nghĩa là nam
nữ trong trường hợp đó không được phép kết hôn với nhau; hoặc nếu kết hôn thì
cũng không được pháp luật công nhân.
- Đăng kí kết hôn: Khi nam nữ không vi phạm các điều kiện về tuổi kết
hôn, sự tự nguyện, không thuộc một trong các trường hợp cấm, điều kiện cuối
cùng là phải đăng kí kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Dù cho có tổ
chức lễ cưới theo phong tục, tập quán, có được mọi người công nhân nhưng nếu
đôi nam nữ không đang kí kết hôn thì cũng sẽ không được Nhà nước thừa nhận
là vợ chồng. Chỉ sau khi đăng kí kết hôn thì hai bên mới phát sinh quyền và
nghĩa vụ giữa vợ và chồng.

Những quy định về điều kiện kết hôn trong các Luật hôn nhân và gia đình
từ năm 1959 đến nay còn có một điểm chung là đều thể hiện bản chất tốt đẹp
của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, đảm bảo quyền tự do, bình đẳng cho công dân
trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm kế thừa
của các luật trước, khi xây dựng về các điều kiện kết hôn, căn cứ vào tình hình
thực tế sự thay đổi của xã hội và kinh tế, các nhà làm luật cũng thay đổi một số
quy định cho phù hợp hơn với hoàn cảnh xã hội hiện tại. Do đó, có những điểm
khác biệt trong quy định về điều kiện kết hôn trong các Luật Hôn nhân và gia
đình năm 1959, năm 1986 và năm 2000. Sự khác biệt đó chủ yếu trong các quy
định về các trường hợp cấm kết hôn và trong quy định về đăng kí kết hôn.
2. Điểm khác biệt trong quy định về kết hôn của các Luật Hôn nhân
và gia đình năm 1959, năm 1986 và năm 2000.
2.1 Điểm khác biệt trong quy định về các trường hợp cấm kết hôn.
Trong quy định về điều kiện kết hôn của Luật Hôn nhân và gia đình từ khi
ra đời đến nay đều quy định các trường hợp cấm kết hôn. Tuy nhiên, khi xã hội
càng phát triển thì lại nảy sinh càng nhiều các trường hợp kết hôn ngoài dự kiến
của các nhà làm luật ban đầu. Do vậy, Luật hôn nhân và gia đình đã được sửa
đổi và bổ sung thêm các trường hợp mới, phù hợp với hoàn cảnh xã hội hiện tại.
 Trong quy định cấm người mất năng lực hành vi dân sự kết hôn.

4


Về trường hợp của những người mất năng lực hành vi dân sự, Luật Hôn
nhân và gia đình qua các năm có quy định như sau:
Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959: Những người mắc bệnh “loạn óc”
mà chưa chữa khỏi thì không được kết hôn (Điều 10).
Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986: Những người “đang mắc bệnh tâm
thần không có khả năng nhận thức hành vi của mình” (khoản b điều 7).
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000: Những “người mất năng lực hành

vi dân sự” (Khoản 2 Điều 10).
Lý giải: Kế thừa các luật trước, Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 vẫn
quy định về trường hợp cấm người mắc bệnh tâm thần hoắc các bệnh khác mà
không nhận thức được hành vi của mình kết hôn. Tuy nhiên, luật đã có sửa đổi.
Quy định của Luật năm 2000 là cấm người mất năng lực hành vi dân sự kết hôn.
Quy định này vừa bảo đảm tình khái quát vì người mất năng lực hành vi dân sự
không chỉ có người mắc bệnh tâm thần mà người mắc một số bệnh khác cũng
không có khả năng nhận thức hành vi của mình và họ chỉ không có quyền kết
hôn khi họ bị tòa án tuyên là mất năng lực hành vi dân sự; vừa phù hợp với quy
định về năng lực hành vi dân sự của cá nhân trong quy định của Bộ Luật Dân sự.
Những người bị hạn chế hành vi dân sự vẫn có quyền được kết hôn.
Trong quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 và năm 1986
còn có quy định: cấm người mắc bệnh hoa liễu kết hôn.
Lý giải: Các nhà làm luật khi đó cho rằng bệnh hoa liễu là bệnh lây, khó
chữa khỏi nên người mắc bệnh hoa liễu không thể kết hôn để bảo vệ sức khỏe
cho vợ, chồng và bảo đảm cho sự phát triển của con cái sau này. Tuy nhiên,
ngày nay, với thành tựu của khoa học công nghệ ngày càng phát triển, trong đó
có y học và dược học nên bệnh hoa liễu có thể chữa khỏi và di chứng để lại
không ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, trong Luật Hôn nhân và gia đình năm
2000 đã bỏ trường hợp cấm người mắc bệnh hoa liễu kết hôn.
Như vậy, dù là quy định cấm những người mất năng lực hành vi dân sự
két hôn hay bãi bỏ các quy định cấm người mắc bệnh hoa liễu kết hôn thì cũng

5


đều xuất phát từ tính nhân đạo của pháp luật xã hội chủ nghĩa và nhằm mục đích
là đảm bảo quyền lợi cho các đương sự khi tham gia quan hệ, quyền lợi cho gia
đình và cho xã hội.
 Trong quy định cấm những người cùng dòng máu trực hệ, những

người có họ trong phạm vi ba đời kết hôn với nhau.
Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình 1959 quy định: cấm kết hôn đối với
những người có họ trong phạm vi năm đời. Tuy nhiên, đến Luật Hôn nhân và
gia đình năm 1986 và năm 2000, quy định này đã được sửa đổi: cấm những
người có họ trong phạm vi ba đời kết hôn với nhau (khoản c điều 7 Luật năm
1986 và khoản 3 điều 10 Luật năm 2000).
Lý giải: Sở dĩ luật năm 1959 lại quy định cấm kết hôn với người có họ
trong phạm vi năm đời vì đó là luật hôn nhân và gia đình đầu tiên của Nhà nước
ta, được xây dựng trong giai đoạn các quan hệ về hôn nhân và gia đình vừa
chuyển từ chế độ hôn nhân phong kiến sang chế độ gia đình xã hội chủ nghĩa.
Do vậy, những quy định này còn chịu ảnh hưởng của chế độ cũ.
Đến năm 1986, khi xây dựng luật mới, những quy định này đã được thay
đổi là hoàn toàn phù hợp với khoa học và phong tục, tập quán, truyền thống của
nước ta. Và luật hôn nhân và gia đình năm 2000 đã tiếp tục kế thừa quy định đó.
Quy định cấm kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời bao
gồm: cấm kết hôn giữa anh, chị, em cùng mẹ khác cha, cùng cha khác mẹ; cấm
bác ruột, chú ruột, cậu ruột kết hôn với cháu gái; cấm cô ruột, dì ruột kết hôn với
cháu trai; cấm anh chị em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì kết hôn với
nhau. Quy định này được đặt ra chủ yếu xuất phát từ cơ sở khoa học và nhằm
đảm bảo duy trì nòi giống khỏe mạnh. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì
con sinh ra do quan hệ giữa những người họ hàng trong phạm vi ba đời thường
có những biến chứng quái thai, thoái hóa, dị tật do cấu trúc gen di truyền của họ.
Về mặt xã hội và truyền thống dân tộc thì việc kết hôn giữa những người này sẽ
phá vỡ tôn ti trật tự trong họ hàng, cách xưng hô, những chuẩn mức đạo đức bị
xâm phạm, suy đồi.

6


Nhiều nước khác trên Thế giới cũng coi trọng vấn đề này. Luật Bungari

quy định: cấm kết hôn giữa những người có quan hệ trực hệ và bàng hệ trong
phạm vi bốn đời. Trong Bộ Luật Dân sự Pháp thì cấm kết hôn giữa những
người: cùng một dòng họ trong quan hệ trực hệ; anh, chị, em chính thức hoặc
ngoài giá thú trong bàng hệ; chú, bác, cháu gái, cô, cháu trai dù là chính thức
hay ngoài giá thú (Điều 161, 162, 163 Bộ Luật Dân sự).
Xuất phát từ cơ sở khoa học và cũng phù hợp với thực tế truyền thống,
phong tục cả dân tộc, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 vẫn kế thừa những
thay đổi của năm 1986 trong quy định về cấm những người có họ trong phạm vi
ba đời kết hôn với nhau. Có nhiều ý kiến cho rằng cần phải nới rộng khoảng
cách đó thành bốn đời, năm đời vì những người có họ trong phạm vi bốn đời vẫn
còn rất gần gũi. Tuy nhiên, những quy định của pháp luật không chỉ cần dựa vào
phong tục, tập quán mà còn phải dựa trên các cơ sở khoa học.
 Trong quy định cấm kết hôn giữa những người đã từng có quan hệ
thích thuộc.
Nếu như trong Luật hôn nhân và gia đình nam 1959 và năm 1986 chỉ cấm
kết hôn giữa những người có quan hệ thích thuộc về trực hệ và giữa cha, mẹ
nuôi với con nuôi thì Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã mở rộng hơn
phạm vi cấm đó: cấm kết hôn giữa những người đã từng là cha, mẹ nuôi với con
nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ,
mẹ kế với con riêng của chồng (khoản 4 điều 10).
Lý giải: Xét về mặt thực tế, những người này không có quan hệ huyết
thống. Tuy nhiên, trước đây họ đã có mối quan hệ cha, mẹ, con và có quan hệ
chăm sóc, nuôi dưỡng. Do vậy, việc pháp luật quy định cấm những người này
kết hôn với nhau là điều hoàn toàn đúng đắn, bảo đảm thuần phong, mĩ tục của
dân tộc và bảo đảm thực hiện các nguyên tắc của cuộc sống, nhằm làm ổn định
mối quan hệ giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi, phù hợp với đạo đức xã hội và
truyền thống tốt đẹp của Việt Nam. Quy định này cũng nhằm mục đích ngăn

7



chặn hiện tượng lợi dụng mối quan hệ phụ thuộc mà có thể xảy ra hành vi cưỡng
ép kết hôn giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi.
Nếu như những quy định cấm người có họ trong phạm vi ba đời kết hôn
với nhau chủ yếu dựa trên cơ sở khao học thì quy định này lại chủ yếu dựa trên
các nguyên tắc về đạo đức, truyền thống của dân tộc. Những quy định này được
đưa ra với mục đích chủ yếu là để duy trì sự ổn định xã hội, đảm bảo cho các
nguyên tắc đạo đức tốt đẹp của dân tộc được duy trì.
 Trong quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính.
Khoản 5 điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định cấm kết
hôn giữa những người cùng giới tính. Đây là điểm mới của Luật Hôn nhân và
gia đình hiện hành so với các luật hôn nhân và gia đình trước đó.
Lý giải: Cần thiết phải quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới
tính là do các lý do sau:
Thứ nhất, đây là một trường hợp kết hôn phản khoa học và không đảm
bảo được chức năng xã hội của hôn nhân và gia đình là tái sản xuất ra con người
để duy trì nòi giống. Hôn nhân là sự liên kết giữa một người nam và một người
nữ nhằm xây dựng gia đình. Gia dình phải thực hiện các chức năng xã hội của
nó. Một trong những chức năng đó là chức năng sinh đẻ để nhằm duy trì và phát
triển nòi giống. Như vậy, chỉ những người khác giới tình kết hôn với nhau thì
mới có thể cùng nhau thực hiện chức năng cơ bản của gia đình là sinh đẻ và tái
sản xuất ra con người. Nếu hai người cùng giới tính kết hôn với nhau thì trái với
quy luật tự nhiên và quy luật xã hội.
Thứ hai, hiện tượng hai người cùng giới tình kết hôn với nhau và chung
sỗng với nhau như vợ chồng là hiện tượng trái với thuần phong mĩ tục và truyền
thống gia đình Việt Nam. Với sự tồn tại trong hơn một nghìn năm của hệ tư
tưởng phong kiến, với những nguyên tắc đạo đức tốt đẹp đã trở thành truyền
thống thì xã hội Việt Nam không chấp nhận việc hai người cùng giới chung
sống với nhau như vợ chồng.


8


Thứ ba, sở dĩ trước đây luật hôn nhân và gia đình chưa đề cập đến hiện
tượng này một phần vì khi đó, đay không phải là một hiện tượng nổi bật trong
xã hội và số các trường hợp này còn rất ít. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây,
hiện tượng người cùng giới tính muốn chung sống với nhau và ngang nhiên
chung sống với nhau là khá nhiều và phức tạp.
Việc kết hôn giữa những người cùng giới tính là một hiện tượng xã hội
không lành mạnh và cần được chấm dứt. Quy định tại khoản 5 điều 10 Luật Hôn
nhân và gia đình 2000 là một trong những xơ sở để chấm dứt tình trạng này.
2.2 Điểm khác biệt trong quy định về đăng kí kết hôn.
Một trong những điều kiện cuối cùng để một cuộc hôn nhân trơt thành
hợp pháp đó là điều kiện đang kí kết hôn.
 Trong các quy định về đăng kí kết hôn
Điểm mới cần ghi nhận ở đây là: các quy định về việc đăng ký kết hôn đã
cụ thể hơn và mang tính ràng buộc cao hơn. Nếu như trong các đạo Luật Hôn
nhân gia đình năm 1959 và năm 1986 vấn đề đăng ký kết hôn chỉ được nêu một
cách ngắn gọn chung trong một điều là do ủy ban nhân dân xã, phường nơi
thường trú của một trong hai đương sự công nhận và ghi vào sổ kết hôn, thì nay
vấn đề này được chi tiết hóa bằng bốn điều luật.
Cụ thể là: Điều 11 khẳng định dứt khoát rằng việc kết hôn phải được đăng
ký trong trình tự hộ tịch do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy
định tại các Điều 12, 13 và 14. Ngoài ra, trong Điều 11 nhà lập pháp cảnh báo
rằng: Nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì
không được pháp luật công nhận là vợ chồng. Để đảm bảo thực thi quy định
này, Nghị quyết 35/2000/QH.10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội (tại điểm b và c
mục 3) và Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT ngày 03/01/2001 của Tòa án
nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp (tại các mục 1,
2 và 3) hướng dẫn: trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng, có

đủ điều kiện kết hôn nhưng không đăng ký kết hôn thì khi họ có yêu cầu ly hôn
Tòa án sẽ ra bản án không công nhận họ là vợ chồng.
9


Đây là điểm khác biệt của luật hiện hành so với luật năm 1986. Điều 8
luật năm 1986 quy định: việc kết hôn do ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn
nơi thường trú của một trong hai bên kết hôn công nhận và ghi vào sổ kết hôn
theo nghi thức do nhà nước quy định. Tuy nhiên điều 9 luật này lại chỉ quy định
chỉ là kết hôn trái pháp luật khi vi phạm điều 5, điều 6, điều 7 của luật này. Như
vậy, pháp luật đã ngầm thừa nhận hôn nhân thực tế và những trường hợp chung
sống như vợ chồng, không vi phạm điều 5,6,7 mà không đăng kí kết hôn vẫn
được coi là vợ chồng và theo nghị quyết 01/NQ/HĐTP ngày 20/1/1988 thì các
trường hợp chung sống này nếu yêu cầu chấm dứt thì giải quyết như ly hôn.
Lý giải: Luật năm 1986 có những quy định chưa chặt chẽ như vậy một
phần là do trong thời kí đó, ý thức pháp luật vẫn còn hạn chế. Hơn nữa, thời
điểm mà luật hôn nhân và gia đình năm 1986 ra đời là thời điểm mà đất nước
vừa bước ra khỏi tình trạng chiến tranh, do vậy có nhiều trường hợp cưới vội do
phải lên đường nhập ngũ, một số lại phải tổ chức đám cưới trong vùng địch tạm
chiếm. Khi hòa bình lại không có thời gian đi đăng kí và họ mặc định rắng đã
chung sống với nhau, đã tổ chức đám cưới thì là vợ chồng. Hơn nữa cơ quan
pháp luật nhà nước có thẩm quyền đang kí kết hôn chưa được kiện toàn, hiệu
quả tuyên truyền pháp luật chưa cao.
Đến thời điểm hiện nay, nếu thừa nhận hôn nhân thực tế sẽ dẫn đến nhiếu
hậu quả xấu: người dân coi thường pháp luật về đăng kí kết hôn; nàh nước khó
kiểm soát được tình trạng kết hôn và trong công tác xét xử thực tế sẽ gặp nhiều
khó khăn. Khi không thấy hết được ý nghĩa của việc đang kí kết hôn sẽ không
thể nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhà nước và yêu cầu pháp chế xã
hội chủ nghĩa.
 Trong quy đinh đăng kí kết hôn đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa,

dân tộc thiểu số.
Một điểm mới nữa của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 đó là pháp
luật đã có những hướng dẫn đang kí kết hôn cho đồng bào vùng sâu, vùng xa tại

10


Nghị định số 32/2002/NĐ-CP ngày 23/7/2002 quy định việc áp dụng Luật hôn
nhân và gia đình đối với các dân tộc thiểu số.
Sở dĩ có quy định đặc biệt như vậy là do đồng bào vùng sâu vùng xa do
điểm đặc biệt về điều kiện sống, sinh hoạt và trình độ dân trí mà nếu không có
biện pháp đặc biệt thì sẽ không thể đảm bảo việc thực thi Luật hôn nhân và gia
đình ở các vùng này.
3. Một số kiến nghị để sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành.
Kể từ khi ra đời đến nay, Luật Hôn nhân và gia đình cũng đã thực hiện
được hơn 10 năm. So với thời điểm khi luật ra đời, xã hội nói chung và quan hệ
gia đình nói riêng đã có nhiều thay đổi và cuất hiện nhiều yếu tố mới phức tạp.
Vì vậy, Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành cần thiết phải có sự sửa đổi, bổ
sung cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Sau đây sẽ là một số kiến nghị để sửa
đổi luật hiện hành.
Thứ nhất, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã nới rộng hơn khoảng
cách trong quy định cấm kết hôn giữa những người đã từng có quan hệ thích
thuộc. Đây là một quy định đúng đắn phù hợp với đạo đức xã hội nhằm bảo đảm
thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Tuy nhiên, luật lại chưa từng dự liệu đến vấn
đề kết hôn giữa con riêng của chồng và con riêng của vợ, giữa những người con
nuôi hoặc giữa con đẻ với con nuôi trong một gia đình. Đây là một thực tế cần
quan tâm. Các chủ thể trên là anh chị em trong gia đình, nhưng giữa họ lại
không có quan hệ huyết thống và không có quan hệ họ hàng, vậy nếu phát sinh
việc kết hôn với nhau thì sẽ giải quyết ra sao ?
Về mặt đạo đức chúng ta không thể hoặc khó chấp nhận việc con riêng

của vợ với con riêng của chồng, các người con nuôi của cùng cha mẹ nuôi hoặc
con đẻ với con nuôi kết hôn với nhau, mặc dù về huyết thống không có ảnh
hưởng tiêu cực cho nòi giống. Khi hai người kết hôn thuộc diện các đương sự
trên yêu cầu chính quyền cho đăng ký kết hôn thì cán bộ hộ tịch không tìm ra
quy định pháp luật để giải quyết. Còn đôi uyên ương lại lý sự: “Chúng tôi được
làm những gì pháp luật không cấm!”. Có phải là khó xử không?
11


Vì vậy, thiết nghĩ các nhà làm luật cần bổ dung những trường hợp này vào
trường hợp cấm kết hôn để có thể bảo đảm trọn vẹn vẻ đẹp của đạo đức và thuần
phong, mỹ tục của dân tộc.
Thứ hai, pháp luật hôn nhân và gia đình cấm những người cùng giới tính
kết hôn với nhau nhưng luật lại không quy định việc xác định giới tính của một
người là theo cơ sở khoa học hay cơ sở pháp lý. Trên thực tế, có những người bị
xác định nhầm giới tính ngay từ đầu và khi họ muốn sửa lại thì không phải việc
dễ dàng. Các nhà làm luật cũng không biết dựa vào đâu để có thể xác định việc
họ bị xác định nhầm giới tính là đúng hay sai bởi vì trên thực tế hiện nay, có một
số người đã chuyển đổi giới tính của mình nhờ vào những thành tựu của khoa
học.
Đối với các trường hợp chuyển đổi giới tính và muốn kết hôn với nhau,
pháp luật có công nhận hay không, căm cứ vào cơ sở nào để nói công nhận hay
không công nhận vì với những đôi chuyển đổi giới tính như vậy, họ vẫn có thể
tái sản xuất ra con người bằng những biện pháp khoa học.
Dù cho việc xác định hay lựa chọn giới tính cho mình là quyền nhân thân
của mỗi người nhưng đối với tư tưởng người Việt Nam hiện nay thì không phải
đại đa số đều chấp nhận các trường hợp chuyển đổi giới tính. Vì vậy, đối với
trường hợp những người chuyển đổi giới tính kết hôn với nhau lại càng không
dễ gì được xã hội chấp nhận. Do vậy, nếu công nhân hôn nhân cho những
trường hợp nêu trên thì sẽ rất dễ gặp phải sự phản đối của dư luận xã hội.

Thứ ba, chế tài xử lý các trường hợp vi phạm điều kiện kết hôn vẫn chưa
đủ mạnh để có thể giúp luật được thực thi. Ví dụ như đối với trường hợp kết hôn
trong giữa những người cùng dòng máu trực hệ, những người có họ trong phạm
vi ba đời hoặc những người đã từng có quan hệ thích thuộc, pháp luật không coi
đây là tội phạm. Trong Luật Hình sự 1999 có quy định về tội loạn luân, đó là
trường hợp giao cấu giữa những người cùng dòng máu trực hệ, giữa anh em
cùng cha me, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha. Còn những trường hợp khác
thì chưa có biện pháp xử lý. Đối với những trường hợp này cũng cần có biện

12


pháp xử lý giống như đối với trường hợp vi phạm hôn nhân một vợ một chồng,
nhẹ thì xử lý hành chính, nặng thì xử lý hình sự.

C – KẾT LUẬN
Điều kiện kết hôn là một trong những quy định cơ bản của Luật Hôn nhân
và gia đình và là chế định quan trọng nhất trong những quy định về kết hôn. Qua
từng thời điểm khác nhau, những quy định này cũng có sự vận động và thay đổi
cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh xã hội mới. Tuy nhiên, khi xã hội hiện nay
đã có nhiều đổi khác thì Luật Hôn nhân và gia đình cũng cần sớm được sửa đổi
cho phù hợp hơn.

13


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Hôn nhân và gia đình Việt
Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2009.
2. Luật hôn nhân và gia đình 1959, 1986, 2000

3. Các nghị định, thông tư, nghị quyết:
- Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP.
- Thông tư 60/DS ngày 22/2/1978.
- Nghị quyết 35/2000/NQ – QH 10.
- Nghị định 87/2001/NĐ – CP.
4. Đinh Thị Mai Hương, Bình luận khoa học luật hôn nhân và gia đình Việt
Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004.
5. Nguyễn Văn Cừ, Ngô Thị Hường, Một số vấn đề ly luận và thực tiễn về luật
hôn nhân và gia đình năm 2000, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002.
6. Nguyễn Ngọc Điện, Bình luận khoa học Luật Hôn nhân và gia đình Việt
Nam, Tập 1, Gia đình, Nxb. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2002.
7. Website
www.tuvanphapluat.mobi
www.thuvienphapluat.vn
www.giadinh.net
www.thongtinphapluatdansu.wordpress.com
www.diendansinhvienluat.vn

14



×