Bình giảng bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu ngữ văn 11
Tháng Mười Một 17, 2014 - Category: Lớp 11 - Author: admin
Binh giang bai tho Voi vang cua Xuan Dieu – Đề bài: Anh chị hãy viết bài văn bình giảng bài
thơ Vội vàng của Xuân Diệu. Bài làm của Trần Thị Hoài Thu lớp 11D1 trường THPT Hiền Đa.
Trong cuốn “Thi nhân Việt Nam” Hoài Thanh đã nhận xét: “Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm
cảnh trời sông nước, sống vội vàng cuống quýt muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình, khi
vui cũng như khi buồn người đều nồng nàn tha thiết”. Quả đúng như vậy, Xuân Diệu là một hồn thơ
mãnh liệt, luôn để lòng mình rộng mở với cuộc đời, một tâm hồn đam mê được sống và yêu, trong
trái tim luôn có một khát khao dâng trào đó là khát khao được hòa mình vào với đời, với cảnh vật và
với con người. Và có lẽ tinh thần này được thể hiện rõ nhất trong bài thơ “Vội vàng” của ông. Bài
thơ được in trong tập “Thơ thơ”, đây là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất của Xuân Diệu trước
cách mạng tháng Tám.
Cả bài thơ là một thể thống nhất thể hiện quan điểm tư tưởng sống của Xuân Diệu là trong cuộc đời
quý nhất là tuổi trẻ và đẹp nhất là tình yêu, nhưng tất cả chỉ là hữu hạn và đều trôi chảy theo thời
gian, nên Xuân Diệu giục giã, vẫy gọi mọi người hãy sống vội vàng, sống toàn tâm toàn ý, tri nhận
mọi giác quan để tận hưởng thiên đường trên mặt đất mà vũ trụ ban phát cho chúng ta.
Quan niệm sống của Xuân Diệu được thể hiện ngay từ bốn câu thơ đầu với nhịp thơ nhanh mạnh
gấp gáp:
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi”
Nhà thơ điệp hai từ “Tôi muốn” thể hiện ước muốn, khát vọng của chủ thể trữ tình đang dâng trào
ào ạt, khát vọng này của nhà thơ được thể hiện qua những hành động như “tắt nắng”, “buộc gió”,
một sự thật ở đây là nắng, gió là những hiện tượng vô hình, mênh mông của thiên nhiên, của vũ trụ.
Nó chỉ chịu sự tác động của bàn tay tạo hóa chứ không bao giờ chịu tác động của con người nhỏ
bé, nên đây là hành động phi thường muốn tước quyền tạo hóa đoạt quyền vũ trụ với mục đích đầy
tính nhân văn cao cả là không muốn nắng làm nhạt phai sắc màu của mùa xuân tuổi trẻ, muốn cho
gió đừng bay đi cuốn theo hương thơm ngào ngạt của mùa xuân tình yêu. Đối với Xuân Diệu, mùa
đẹp nhất tràn trề sức sống xôn xao rạo rực nhất là mùa xuân, đây là mùa hội tụ đầy đủ sắc màu,
hương thơm và sức sống. Nhưng trong quan điểm triết học của tác giả thì từ màu xuân có hai nghĩa
rất rõ ràng vừa là mùa xuân của thiên nhiên đất trời, vừa là mùa xuân của cuộc đời. Trong đoạn thơ
miêu tả vẻ đẹp của mùa xuân cũng có hai nghĩa rõ ràng như thế:
“Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đấy lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa
Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần”.
Nhà thơ sử dụng phép điệp cụm từ chỉ định “Này đây”, năm lần liên tiếp nhấn mạnh tâm trạng háo
hức vui sướng đang dâng trào khi liên tiếp thưởng thức, khám phá ra vẻ đẹp kì diệu của mùa xuân.
Với đôi mắt tinh tế, trái tim nhạy cảm và tài năng thơ ca Xuân Diệu đã trở thành một hướng dẫn viên
du lịch giới thiệu cho người đọc cùng cảm nhận và đắm say vào những vẻ đẹp phong phú đa dạng.
Phép tu từ liệt kê được nhà thơ sử dụng ở đây để truyền đến cho người đọc có thêm nhiều hiểu biết
về những tín hiệu của mùa xuân: Ong bướm dập dìu, cây cối xanh non tươi tốt tràn trề sức sống,
trăm hoa đua nở…Quả là một bức tranh mùa xuân toàn mĩ, gần gũi thân quen từ bao đời nay
nhưng được Xuân Diệu miêu tả bằng từ ngữ và cách cảm nhận mới mẻ, cụm từ “tuần tháng mật”
tượng trưng cho vị ngọt tuyệt mĩ của màu xuân trong thời gian cụ thể là tuần đầu tiên trong ba tháng
mùa xuân của đất trời. Hình ảnh lá của cành tơ cũng là biểu tượng ẩn dụ chỉ tuổi xuân – chồi non,
lộc biếc của tuổi trẻ con người. Từ láy “phất phơ” ở đây diễn tả thật đắt sức sống cứ căng tràn và
dâng lên rạo rực thể hiện rất chính xác bản chất linh hồn thần thái của mùa xuân. Đặc biệt nhà thơ
chỉ đưa ra tiếng hót của chim yến, chim oanh – là loài chim luôn sống có đôi có lứa và luôn hát tiếng
tình ái biểu tượng cho đôi lứa của tuổi trẻ. Dưới ngòi bút của Xuân Diệu, mùa xuân hiện lên với đầy
đủ sắc màu, hương thơm, âm thanh, đó như một món quà kì diệu mà tạo hóa ban tặng cho chúng
ta.
Xuân Diệu có quan niệm mới mẻ là coi chuẩn mực cái đẹp trong vụ trụ này là con người nên nên
ánh bình minh dù huy hoàng, lộng lẫy cũng chỉ giống như hàng mi của con người chớp mắt thức
dậy sau giấc ngủ. Nhà thơ nhân hóa buổi sớm như một vị thần Vui đến gõ cửa từng nhà đánh thức
từng trái tim thức dậy để tận hưởng vẻ đẹp của mùa xuân. Quan niệm mới mẻ của Xuân Diệu hội tụ
trong một câu thơ tuyệt mĩ: “Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần”. “Cặp môi gần” gợi tả cảm
giác tình yêu lứa đôi tuổi trẻ cũng có vị ngọt vị ngon, tác giả đã tinh tế khám phá ra nét tương đồng
giữa mùa xuân của đất trời và tình yêu đều có chung hương vị ngon ngọt. Nhưng trong khi sung
sướng hưởng cái vị ngon ngọt của tình yêu tuổi trẻ thì đồng thời Xuân Diệu lại cảm nhận được cái vị
chua chát, đắng cay khi tình yêu tuổi trẻ không tồn tại vĩnh hằng mà trôi theo thời gian. Cảm giác ấy
được nhà thơ thể hiện trong câu thơ có dấu chấm ở giữa để chuyển sang tâm trạng vội vàng:
“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”
Dấu chấm ở giữa dòng giống như một lát cắt rất sắc chặn đứng tâm trạng sung sướng, hạnh phúc
của nhà thơ đang say đắm ngây ngất hưởng thụ bữa tiệc tinh thần của mùa xuân để xen vào cái
tâm trạng lo lắng vội vàng sợ mùa xuân sẽ mất. Vì thế nhà thơ khẳng định ngay khi mùa xuân cuộc
đời vừa chớm nở đã tận hưởng hết mình chứ không đợi đến khi “nắng hạ” – hết mùa xuân mới tiếc
nuối thì lúc đó đã hoàn toàn bất lực, xót xa bởi cuộc sống vô nghĩa.
Nỗi lo âu vội vàng tiếc nuối của Xuân Diệu dâng trào ào ạt khi nhà thơ cảm nhận được hai nghịch lí
nghiệt ngã của tạo hóa:
“Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già
….
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời”
Nghịch lí thứ nhất sự chảy trôi của thời gian và sự ngắn ngủi của cuộc đời: “Ôi đau đớn! Ôi đau
đớn! Thời gian ăn cuộc đời”. Xuân Diệu sử dụng một loạt từ đồng nghĩa và trái nghĩa để chỉ ra nét
tương đồng của mùa xuân đất trời và màu xuân cuộc đời, nhấn mạnh giọng điệu triết lí ấn tượng:
“xuân tới – xuân qua”; “xuân non – xuân già”; “xuân hết – tôi mất”. Những câu thơ diễn tả quy luật
thực tế của cuộc sống: “sinh, lão, bệnh, tử” nên âm hưởng buồn man mác, bất lực vì không thể
xoay chuyển được vũ trụ. Nghịch lí thứ hai là xuân của thiên nhiên thì tuần hoàn mà tuổi trẻ “chẳng
hai lần thắm lại”, trời đất thì tồn tại vĩnh hằng nhưng “chẳng còn tôi mãi”. Vì thể tác giả bộc bạch nỗi
nuối tiếc da diết sâu lắng “Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời”. Vì hai nghịch lí trên mà Xuân Diệu
có tâm trạng lo âu, trăn trở, tâm trạng này dồn nén trong tim rồi vỡ òa ra tràn ngập cả không gian
đất trời:
“Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt
…
Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa…
Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm”
Với phép tu từ nhân hóa, tất cả thiên nhiên vũ trụ đều trở thành những sinh thể có hồn, đồng cảm
với nỗi niềm tiếc nuối, bâng khuâng của nhà thơ, tháng năm hư vô bỗng trở thành một tâm hồn
“rớm vị chia phôi’, sông núi biết “than thầm tiễn biệt”, cơn gió biết thì thào với lá và biết hờn dỗi vì
phải bay đi. Các loài chim đang rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi vì lo sợ độ phai tàn. Vì không còn
cách nào giữ được mùa xuân cuộc đời và mùa xuân đất trời nên nhà thơ giục giã mọi người “mau đi
thôi mùa chưa ngả chiều hôm”. Mùa và chiều hôm là ẩn dụ chỉ tuổi trẻ và độ phai tàn, nhà thơ nhắn
nhủ mỗi người hãy sống hết mình lúc tuổi trẻ để có một tuổi xuân tươi đẹp, tròn đầy để khỏi phải
tiếc nuối khi tuổi trẻ đã đi qua.
Nhà thơ đã bộc bạch tâm trạng của chính mình ở khổ thơ cuối và nêu lên triết lí vội vàng:
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
…
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi”
Xuân Diệu muốn nhắn nhủ với người đời hãy sống theo triết lí vội vàng để tinh túy của tâm hồn
sống mãi với đất trời, với cuộc đời. Cái tôi của nhà thơ đã hòa vào cái ta của cuộc đời, trào dâng
vào cuộc đời qua điệp ngữ “ta muốn” lặp đi lặp lại, ước muốn đó thể hiện qua những hành động
như “ôm”, “riết”..Sau những hành động mạnh nhà thơ liệt kê một loạt những danh từ là đối tượng
của tình yêu và niềm say mê của con người đó là: sự sống, mây, gió, cánh bướm…Tất cả những
hình ảnh này đều là sự vô hình của thiên nhiên, nó chỉ gợi cảm giác và khái quát cuộc sống phong
phú, đa dạng nhiều vô tận mà vũ trụ ban phát cho con người. Qua đoạn thơ ta thấy tâm hồn Xuân
Diệu rất tinh tế và nhạy cảm luôn rộng mở để đón nhận mọi sắc màu, hương thơm, vị ngọt của cuộc
đời. Quan niệm sống của tác giả vừa thực tế vừa lãng mạn đậm chất nhân văn, những hình ảnh
trong khổ thơ cuối là những hình ảnh mang tính biểu tượng chỉ khái quát tổng thể toàn vẹn, hoàn mĩ
nhất của cuộc sống tuổi trẻ, vì thế nhà thơ miêu tả sự hưởng thụ rất thỏa mãn, rất cuống quýt qua
một loạt điệp từ “và” – 3 lần và “cho” – 3 lần nhấn mạnh sự giao hòa giao cảm giữa con người với
thiên nhiên vũ trụ cuộc sống , tình yêu tuổi trẻ cứ dâng đầy để mỗi người hưởng thụ đến độ “chếnh
choáng”, “đã đầy”, “no nê”. Một loạt tính từ đều là từ láy làm tăng thêm giá trị gợi cảm của những
câu thơ. Ta cảm tưởng như Xuân Diệu đưa người đọc đi vào từng chặng của niềm hạnh phúc, đắm
say, ngây ngất giống như con ong đắm chìm trong mật hoa và bay ra ngất ngây trong bầu mật ngọt
của nó.
Bài thơ “Vội vàng” là bài thơ tiêu biểu cho quan điểm sống của Xuân Diệu, đó là hãy sống mãnh liệt,
sống hết mình với niềm yêu đời hâm sống cuồng nhiệt, quý trọng từng giây phút của cuộc đời của
tuổi trẻ. Tư tưởng đó được thể hiện qua hình thức nghệ thuật: kết hợp nhuần nhuyễn giữa mạch
cảm xúc và giọng điệu say mê, sôi nổi, hình ảnh thơ đầy sự sáng tạo, mới mẻ. Chính vì vậy mà
Xuân Diệu và thơ của ông mãi mãi sống trong lòng người đọc nhất là tuổi trẻ – những con người
sống để yêu thương.
Theo: Ngọ Thị Quỳnh