Tải bản đầy đủ (.doc) (130 trang)

Đề tài cảm hứng thiên nhiên trong sáng tác của trần nhân tông và huyền quang dưới góc nhìn so sánh

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (436.61 KB, 130 trang )

LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan:
Những nội dung được trình bày trong luận văn là nghiên cứu của
riêng tôi dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS. TS. Đoàn Thị Thu Vân.
Mọi tham khảo và trích dẫn sử dụng trong luận văn đều ghi nguồn
gốc cụ thể (tên tác giả, tên công trình, thời gian công bố).
Mọi sao chép không hợp lệ, vi phạm quy chế đào tạo, tôi xin hoàn
toàn chịu trách nhiệm.
Học viên
Đinh Thị Đào


LỜI CẢM ƠN

Tôi xin chân thành cảm ơn Ban giám hiệu, tập thể thầy cô khoa Ngữ
Văn, phòng Sau đại học Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh đã tận
tình giúp đỡ tôi trong suốt thời gian học tập, nghiên cứu tại trường.
Nhân đây, tôi cũng gửi lời cảm ơn chân thành đến gia đình, bạn bè và
đồng nghiệp đã luôn quan tâm, động viên và chia sẻ với tôi những khó khăn.
Đặc biệt, xin gửi lời tri ân sâu sắc nhất tới PGS. TS. Đoàn Thị Thu Vân,
người thầy đã tận tâm hướng dẫn và góp ý cho tôi để hoàn thiện luận văn
này.
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 9 năm 2015
Học viên
Đinh Thị Đào


MỤC LỤC
Trang bìa phụ
LỜI CAM ĐOAN........................................................................................1


LỜI CẢM ƠN..............................................................................................2
MỤC LỤC....................................................................................................3
MỞ ĐẦU.......................................................................................................................1
1. Lý do chọn đề tài......................................................................................................1
2. Lịch sử vấn đề..........................................................................................................3
3. Mục đích nghiên cứu.............................................................................................12
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu........................................................................12
5. Phương pháp nghiên cứu......................................................................................13
6. Đóng góp của luận văn..........................................................................................13
7. Cấu trúc luận văn..................................................................................................14

Chương 1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG...................................................15
Chương 2. CẢM HỨNG THIÊN NHIÊN TRONG SÁNG TÁC CỦA
TRẦN NHÂN TÔNG VÀ HUYỀN QUANG..........................................30
2.1. Cảm hứng thiên nhiên trong thơ ca thời Lý - Trần........................................30
2.2. Cảm hứng thiên nhiên trong sáng tác của Trần Nhân Tông..........................38
2.2.1. Thiên nhiên trong sáng và u tịch........................................................................38
2.2.2. Thiên nhiên hòa trộn giữa thực và hư, thực và mộng........................................49
2.2.3. Thiên nhiên khai ngộ tâm hồn người.................................................................57
2.3. Cảm hứng thiên nhiên trong sáng tác của Huyền Quang...............................64
2.3.1. Thiên nhiên thơ mộng, khoáng đạt và thanh thoát......................................64


2.3.2. Thiên nhiên hòa nhập không phân biệt với chủ thể trong trạng thái “quên”......78
2.3.3. Thiên nhiên chan chứa tình người......................................................................83

Chương 3. TƯƠNG ĐỒNG VÀ DỊ BIỆT TRONG CẢM HỨNG
THIÊN NHIÊN Ở SÁNG TÁC CỦA TRẦN NHÂN TÔNG VÀ
HUYỀN QUANG.......................................................................................92
3.1. Những nét tương đồng........................................................................................92

3.2. Những nét dị biệt..............................................................................................107

KẾT LUẬN..............................................................................................117
TÀI LIỆU THAM KHẢO......................................................................119


1

MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trần Nhân Tông và Huyền Quang được biết đến là hai nhà Thiền học
lớn của dân tộc. Trần Nhân Tông trước hết là một vị vua tài ba, người đã lãnh
đạo quân dân nhà Trần hai lần đánh bại vó ngựa hung bạo của giặc Nguyên Mông. Trần Nhân Tông còn là người nổi tiếng khoan hòa nhân ái và thương
dân hết mực. Dưới sự lãnh đạo của Trần Nhân Tông, triều đại nhà Trần ngày
càng ổn định và có những bước phát triển đáng kể. Sau khi đất nước đã ổn
định, đời sống nhân dân được ấm no, Trần Nhân Tông truyền ngôi lại cho con
trai là Trần Anh Tông và kể từ đây, cuộc đời của Trần Nhân Tông gắn với
nghiệp tu hành. Người chuyên tâm vào nghiên cứu Phật học, đi thuyết pháp ở
nhiều nơi và đã sáng lập ra dòng thiền Trúc Lâm. Mặc dù không xuất thân từ
hoàng tộc như Trần Nhân Tông song Huyền Quang cũng được biết đến là một
người “sinh ra vì đạo” với nguồn gốc xuất thân và cuộc đời nhuốm màu
huyền thoại. Ông là người kế tục Trần Nhân Tông và Pháp Loa, trở thành vị
tổ thứ ba của dòng thiền Trúc Lâm. Có thể nói, ngoài sự nghiệp hoằng dương
phật pháp, xây dựng và phát triển dòng thiền Trúc Lâm thành một dòng Thiền
riêng của Việt Nam, những bậc cao tăng ấy còn đóng góp vào kho tàng văn
học dân tộc những tác phẩm đặc sắc, có giá trị nghệ thuật cao. Điều đó cho
thấy, bên cạnh một thiền sư, cả hai cùng được biết đến là những nhà thơ tài
hoa. Tuy nhiên, những tác phẩm văn học của họ vẫn chưa thực sự được quan
tâm đúng mức. Điều này có thể thấy qua số lượng các công trình nghiên cứu
về Trần Nhân Tông, Huyền Quang với tư cách là nhà vua, thiền sư nhiều hơn

các công trình nghiên cứu chuyên biệt về tác phẩm của họ.
Hơn nữa, khi nghiên cứu về trước tác của Trần Nhân Tông và Huyền
Quang, giới nghiên cứu thường nhấn mạnh đến tính triết lý, giáo huấn của các


2

tác phẩm mà ít ai nhấn mạnh đến chất trữ tình. Có lẽ vì cho rằng, những thiền
sư dù có cảm xúc trước những vang động của đời nhưng tất cả đều được lọc
qua lăng kính của thiền, dưới cái nhìn thiền nên cảm xúc không phải là của
một con người bình thường nữa mà là cảm xúc của một người đã thấu hiểu lẽ
sắc không, vượt lên trên tất cả những xúc cảm bình thường. Nhưng một điều
cần thấy rằng trước khi trở thành một nhà sư, các vị ấy cũng là một con
người, cũng có những xúc cảm của con người. Vậy nên, trong các tác phẩm
của Trần Nhân Tông và Huyền Quang, bên cạnh con người thiền sư, chúng ta
còn thấy bóng dáng của con người bình thường, con người thi sĩ, con người
với những rung cảm trước cuộc đời. Đó là những xúc cảm khi xuân về trên
mấy khóm hoa của Trần Nhân Tông hay tình thương của một Huyền Quang
trước cảnh tên tướng giặc trong lao tù hoài vọng cố hương…
Một điểm nữa cần chú ý là trong di sản thơ của Trần Nhân Tông và
Huyền Quang, những vần thơ viết về thiên nhiên có thể coi như những viên
ngọc quý trong kho tàng thơ ca dân tộc. Nếu trộn lẫn các thi phẩm của hai
thiền sư vào những bài thơ về thiên nhiên của những nhà thơ đích thực thì thật
khó để mà phân biệt được đâu là thơ của thiền sư bởi giữa chúng dường như
chỉ có một đường biên thật mỏng manh mà nếu không thật tinh tế thì khó có
thể phát hiện được. Dù vậy, cho đến nay, chưa có một công trình nào nghiên
cứu một cách hệ thống thơ viết về thiên nhiên của Trần Nhân Tông hay của
Huyền Quang và cũng chưa có một công trình nào đi vào so sánh những vần
thơ viết về thiên nhiên của hai tác giả này.
Thời gian cứ vận hành theo quy luật của nó và kéo theo đó thời đại

thịnh trị của dân tộc- thời đại Lý - Trần ngày càng lùi xa. Đó là một quy luật
của tự nhiên và tất nhiên, con người không thể níu kéo được. Nhưng những gì
là tinh hoa của thời đại ấy sẽ trường tồn cùng dân tộc, sống mãi với thời gian


3

qua những trang văn lưu lại cho đời. Vì vậy, việc nghiên cứu di sản thơ của
Trần Nhân Tông và Huyền Quang sẽ góp phần vào việc bảo tồn những di sản
văn hóa của dân tộc, làm sống dậy hào khí một thời. Nó sẽ nhắc nhở thế hệ
cháu con niềm tự hào về một dân tộc đã sản sinh ra những người con vĩ đại
như thế - những con người như Trần Nhân Tông, Huyền Quang.
Đó là những lý do để chúng tôi lựa chọn đề tài Cảm hứng thiên nhiên
trong sáng tác của Trần Nhân Tông và Huyền Quang dưới góc nhìn so sánh.
Chúng tôi mong rằng sẽ góp một phần nhỏ bé vào hành trình tìm hiểu con
người và tư tưởng của hai vị sư tổ dòng thiền Trúc Lâm
2. Lịch sử vấn đề
Đến nay, theo tư liệu văn học, có thể khẳng định rằng Cảm hứng thiên
nhiên trong sáng tác của Trần Nhân Tông và Huyền Quang dưới góc nhìn so
sánh chưa được đề cập đến trong một công trình nghiên cứu cụ thể nào. Tất
nhiên, xoay quanh cuộc đời và sự nghiệp của Huyền Quang và Trần Nhân
Tông đã có không ít công trình nghiên cứu thuộc ngành Lịch sử, Văn học,
Phật học. Tuy nhiên vì tính chất của chuyên ngành, chúng tôi chỉ khái quát
những công trình, những bài viết khai thác dưới góc độ văn học hoặc ít nhiều
có liên quan đến văn học. Dưới đây có thể kể đến những công trình, những
bài viết nghiên cứu tiêu biểu nhất.
2.1. Lịch sử nghiên cứu Trần Nhân Tông
Trần Nhân Tông là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học
bởi ông không chỉ là một vị vua sáng - người đã có công lớn trong lịch sử
chống giặc ngoại xâm của dân tộc, một thiền giả xuất sắc - tác giả của nhiều

công trình nghiên cứu Phật học mà còn là một nhà thơ lớn. Tuy nhiên, theo sự
tìm hiểu của chúng tôi, ở góc độ là một thi sĩ, Trần Nhân Tông chưa được


4

quan tâm đúng mức bởi số lượng công trình, bài nghiên cứu về Trần Nhân
Tông còn khá ít và nhỏ lẻ. Dưới đây là một số công trình, bài nghiên cứu mà
chúng tôi khảo sát được.
Trước hết cần phải nhắc đến cuốn Toàn tập Trần Nhân Tông của Lê
Mạnh Thát (2000). Cuốn sách là một công trình nghiên cứu về cuộc đời và sự
nghiệp của Trần Nhân Tông từ khi còn trẻ, gánh vác những công việc trọng
đại của dân tộc đến khi ông xuất gia tu hành trên núi Yên Tử và lãnh đạo
Thiền phái Trúc Lâm. Trong công trình này, học giả Lê Mạnh Thát cũng dành
một phần để khai thác sự nghiệp văn chương của nhà vua, thiền sư thi sĩ Trần
Nhân Tông. Đáng chú ý là ngoài di sản thơ chữ Hán, hai bài phú Nôm, tác giả
còn sưu tầm được khá đầy đủ những bài giảng, văn thư ngoại giao, văn
xuôi… của Trần Nhân Tông.
Tiếp theo, có thể kể đến cuốn Thiền học đời Trần của Viện nghiên cứu
Phật giáo (1995). Cuốn sách tập hợp bốn bài nghiên cứu về Trần Nhân Tông.
Các bài viết này chủ yếu khai thác dưới góc độ Thiền học. Có ba trong tổng
số bốn bài viết trình bày về xuất thân và quá trình dẫn dắt thiền phái Trúc
Lâm của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông. Trong số các bài viết ấy,
không thể bỏ qua bài viết của thiền sư Thích Thanh Từ Thiền Trúc Lâm qua
văn thơ Hán. Thông qua việc phân tích bốn bài thơ đặc sắc, tác giả đã cho
người đọc cái nhìn cơ bản về con người, tâm hồn và tư tưởng Trần Nhân
Tông. Tác giả khẳng định “Chỉ dẫn bao nhiêu bài thơ trên, chúng ta cũng đủ
thấy Trúc Lâm hồn thơ bát ngát, ý thơ thâm trầm, tâm Thiền bàng bạc, khiến
người đọc vừa hứng thú vừa thấy tâm hồn rộng mở thênh thang. Trúc Lâm
nói lên tâm trạng mình đối cảnh sinh tình, mà tình đây là tình đạo”

Nếu cuốn Thiền học đời Trần nhìn nhận Trần Nhân Tông với tư cách
là một thiền giả thì cuốn Thơ Thiền Việt Nam- những vấn đề lịch sử và tư


5

tưởng nghệ thuật của nhà nghiên cứu Nguyễn Phạm Hùng còn khai thác dưới
góc độ là một thi sĩ mà ông gọi là thi sĩ Thiền. Tác giải nhấn mạnh đạo và đời
trong ông thật là “vô phân biệt” đều có đều không thông qua việc phân tích
một bài thơ đặc sắc của Trần Nhân Tông - Thiên Trường vãn vọng. Trần Thị
Băng Thanh trong Những nghĩ suy từ văn học trung đại đã tiến thêm một
bước khi tìm hiểu về Trần Nhân Tông. Tác giả đã chỉ ra rằng núi Yên Tử vừa
là nơi di dưỡng tinh thần vừa là nơi khơi nguồn cảm hứng cho những sáng tác
của Trần Nhân Tông. Thiên nhiên tươi đẹp, thơ mộng trữ tình nơi đây đã hòa
quyện với tâm hồn nhạy cảm tinh tế tạo nên những tác phẩm mà ở đó “Nhân
Tông hiện ra hầu như trọn vẹn với tư cách nhà thơ”. Trong cách cảm nhận về
thiên nhiên, thật khó để có thể phát hiện được đó là xúc cảm của một thiền sư.
Chẳng hạn trong những cảm nhận của ông về hoa mai, nhà nghiên cứu Trần
Thị Băng Thanh viết “Có biết bao nhà thơ phương Đông đã vịnh hoa mai
nhưng Nhân Tông vẫn đến với hoa mai bằng những rung cảm riêng vừa thâm
trầm tinh tế, vừa sắc sảo nồng nàn”.
Bài nghiên cứu của Phạm Ngọc Lan - Trần Nhân Tông- cảm hứng
Thiền trong thơ được in trong tạp chí Văn học số 4/ 1992 cũng là một trong
những bài viết đáng chú ý. Chỉ với vẻn vẹn bốn trang viết nhưng người đọc đã
có thể hình dung khá trọn vẹn về Trần Nhân Tông. Tác giả bài viết cũng
khẳng định Trần Nhân Tông không chỉ là một vị vua sáng, một thiền sư lỗi
lạc mà còn là một nhà thơ có phong cách. Thơ ông là sự kết hợp hài hòa con
người thiền sư và con người thi nhân. Bài viết khai thác chất Thiền trong thơ
Trần Nhân Tông, đặc biệt những bài thơ viết về thiên nhiên. Tác giả chỉ rõ đó
là sự cảm nhận tinh tế, sâu lắng trước thiên nhiên. Thiên nhiên không ồn ào

mà đạm bạc gắn với những đường nét nhẹ nhàng, gắn với cảnh lặng lẽ u tịch
để qua đó gửi gắm ý niệm về cuộc đời của một cái Tâm đã đạt đạo…


6

Đáng chú ý hơn cả là công trình nghiên cứu mang tên Con người
nhân văn trong thơ ca Việt Nam sơ kì trung đại của tác giả Đoàn Thị Thu Vân
(2007). Đi dọc chiều dài của lịch sử suốt năm thế kỉ, tác giả đã khám phá ra
vẻ đẹp của con người ẩn sâu trong những áng thơ. Trên cơ sở so sánh, người
viết đã phát hiện ra vẻ đẹp đặc trưng của con người mỗi thời đại. Nếu con
người thời Lý với vẻ đẹp của minh triết, của trí tuệ thì con người thời Trần lại
sáng ngời vẻ đẹp mẫn cảm của tâm linh còn con người thời Lê sơ lại nổi bật
với vẻ đẹp của ý thức trách nhiệm, sự thanh cao của khí tiết kẻ sĩ. Trong công
trình nghiên cứu này, tác giả dành một chương để khai thác vẻ đẹp con người
nhân văn thời Trần từ tâm hồn của các bậc đế vương, các bậc tướng lĩnh đến
tâm hồn của những bậc cao tăng, những người trí thức. Trần Nhân Tông với
những vần thơ viết về thiên nhiên có lẽ đã có sức hấp dẫn đặc biệt đối với nhà
nghiên cứu Đoàn Thị Thu Vân. Tác giả đã dành một số lượng lớn trang viết
(13 trang) cho ông trong khi đối với các tác giả văn học khác chỉ dưới 10
trang. Bài viết khai thác hai khía cạnh cơ bản: Nét đặc sắc trong thơ Trần
Nhân Tông và tâm hồn Trần Nhân Tông qua thơ. Đi qua từng trang viết,
người đọc sẽ nhận được những xúc cảm mới lạ mà không phải ngòi bút
nghiên cứu nào cũng có được bởi lẽ tác giả đã chạm đến những ngóc ngách
sâu kín nhất trong tâm hồn mỗi người. Với chất văn bàng bạc Thiền vị, bằng
việc phân tích ba bài thơ tiêu biểu của Trần Nhân Tông, tác giả đã giúp người
đọc khám phá thế giới tâm hồn phong phú, giàu xúc cảm của một ông vua thiền sư - thi sĩ. Qua bài viết này ta thấy rõ ràng Trần Nhân Tông hiện lên
không chỉ là một nhà vua hay một thiền sư với những vần thơ đậm chất triết
lý mà còn là một con người bình thường với những rung cảm rất trần thế mà
bài thơ Xuân hiểu (Buổi sáng mùa xuân) là một ví dụ. Bài thơ được coi như

một kiến trúc nhìn bề ngoài là một khối đơn giản nhưng càng đi càng phát
hiện nhiều tầng lớp ý nghĩa, cảm xúc ở cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Có thể


7

nói, nếu ví bài thơ như một ẩn số mà người đọc luôn luôn tìm cách giải mã thì
cách giải mã của bài viết này thật “tinh tế và nhạy bén” biết bao.
Trên đây, chúng tôi đã tóm lược ngắn gọn nhất các công trình nghiên
cứu về Trần Nhân Tông trên phương diện văn học. Ngoài ra, Trần Nhân Tông
còn được nghiên cứu ở một số sách, bài báo khoa học, luận văn. Có thể kể
đến:
- Trần Thị Hồng Y (2003), Tìm hiểu thơ các vua thời thịnh Trần (Từ
Trần Thái Tông đến Trần Minh Tông), Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn,
Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.
- Trần Lý Trai (2008), Giá trị văn học trong tác phẩm của thiền phái
Trúc Lâm, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học xã hội
và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh
- Nguyễn Lang (1979), Việt Nam Phật giáo sử luận (tập 1), NXB Văn
học Hà Nội.
2.2. Lịch sử nghiên cứu Huyền Quang
Huyền Quang trước hết là một thiền sư lỗi lạc. Vậy nên với tư cách là
một thiền giả, ông xuất hiện nhiều trong các công trình, bài viết nghiên cứu về
thiền học. Còn với tư cách là một nhà thơ, số lượng bài nghiên cứu về Huyền
Quang còn khá hạn chế và với quy mô nhỏ. Cho đến nay, cuốn sách được coi
là đầy đủ nhất về Huyền Quang là cuốn Huyền Quang - cuộc đời, thơ và đạo
do nhà nghiên cứu Trần Thị Băng Thanh chủ biên. Cuốn sách tập hợp nhiều
bài viết đã cho người đọc một cái nhìn hệ thống về cuộc đời và sự nghiệp thơ
ca của ông. Trong phần cuối của cuốn sách, tác giả đã liệt kê một thư mục khá
đầy đủ các bài nghiên cứu, sưu tầm, đánh giá cùng các giai thoại xoay quanh

cuộc đời của thiền sư. Điều này khá thuận tiện cho việc nghiên cứu về Huyền


8

Quang. Cuốn sách gồm ba phần. Ở phần một, các tác giả trình bày về nguồn
gốc xuất thân, những giai thoại cùng những năm tháng hành đạo của Huyền
Quang, những lời luận bàn về trước tác của Người. Phần hai đi vào giới thiệu
các tác phẩm còn lại gồm tập thơ Ngọc tiên tập và bài phú Nôm Vịnh Vân Yên
tự phú. Phần ba là tập hợp các tác phẩm viết về Huyền Quang, coi ông như là
một nhân vật văn học. Với dung lượng gần 250 trang, cuốn sách tập trung vào
phần giới thiệu thi phẩm đến người đọc. Có lẽ vì vậy mà phần viết về Huyền
Quang thi nhân dường như cũng có phần hạn chế. Tác giả dành 25 trang để
phân tích, đánh giá, bình luận về gia tài thơ của Huyền Quang. Trong đó, có
hai bài nghiên cứu đáng chú ý: một của nhà nghiên cứu Trần Thị Băng Thanh
và một của nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sơn. Với Ngọc tiên tập - Tiếng thơ
nhiều hàm nghĩa thông qua khảo sát 25 bài thơ, tác giả Trần Thị Băng Thanh
đã làm nổi bật những giá trị cơ bản của tập thơ và qua đó giúp người đọc hình
dung được bức chân dung tinh thần của Huyền Quang. Bài viết của nhà
nghiên cứu Nguyễn Hữu Sơn về bài thơ Nôm duy nhất của ông “Vịnh Vân
Yên tự phú” lại như một sự khai phá thế giới tâm hồn thi sĩ của thiền sư. Ở
trong thế giới ấy, ta chỉ thấy một người nghệ sĩ với cuộc sống hòa mình vào
thiên nhiên, tận hưởng trọn vẹn tất cả những điều kỳ diệu mà thiên nhiên ban
tặng. Ở đó, ta không còn thấy dấu vết của cuộc sống trần tục nữa mà là cảnh
Bụt, là cõi vô tâm…
Với chỉ khoảng 9 trang viết nhưng tác giả Nguyễn Phạm Hùng trong
cuốn Thơ Thiền Việt Nam- Những vấn đề lịch sử và tư tưởng nghệ thuật đã
cho người đọc rõ hơn về một Huyền Quang thi sĩ. Người viết đã đi sâu vào
khai thác di sản thơ để qua đó giải mã về con người và tư tưởng Huyền
Quang. Tác giả khẳng định “…thơ của ông rất sâu kín, uẩn khúc không trực

ngôn mà hàm ngôn, không kể tâm trạng mà mượn cảnh ngụ tình…”. Đó thực
sự là những trang viết rất sâu sắc mà ở đó, tác giả cho thấy một Huyền Quang


9

với những tâm sự, những cảm xúc cá nhân và cả những suy tư trăn trở trước
cuộc đời.
Bài viết Huyền Quang- nhà sư thi sĩ của Nguyễn Phương Chi có thể
coi là một trong những bài viết đầu tiên nghiên cứu Huyền Quang với khía
cạnh một nhà thơ. Bài viết được đăng trên Tạp chí Văn học năm 1982 gây chú
ý bởi chất văn mượt mà nhẹ nhàng mà sâu lắng, cách cảm nhận văn chương
rất tinh tế, có những phát hiện thú vị. Dưới góc độ là người nghiên cứu những
thi phẩm viết về thiên nhiên của Huyền Quang, chúng tôi coi đây là người đã
đặt nền tảng cho công trình nghiên cứu của mình. Chỉ với khoảng một trang
viết, tác giả đã phần nào giải mã được con người nhà thơ - một “cái tôi” chủ
thể. Đối với Huyền Quang, thiên nhiên không chỉ như là cái nó vốn có mà
“Thiên nhiên trở thành người bạn cởi mở, chân tình, là nơi nhà thơ có thể giãi
bày tâm trạng, thổ lộ cảm xúc của mình không chút ngại ngần”
Có lẽ là thiếu sót nếu không kể đến các bài nghiên cứu của các thiền
sư về Huyền Quang thi sĩ. Có thể kể đến cuốn Thiền học đời Trần. Cuốn sách
tập hợp 28 bài viết về các thiền sư đời Trần từ những người đặt nền móng như
Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng sĩ đến những người có vai trò phát triển
như Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang. Trong đó có bốn bài viết về
thiền sư Huyền Quang. Những bài viết này tập trung xoay quanh những
“điểm mờ” trong thân thế đồng thời cũng khẳng định giá trị văn học to lớn
trong các sáng tác của ông. Ngoài ra cũng cần kể đến bài viết của thiền sư
Thích Phước An Huyền Quang và con đường trầm lặng của mùa thu đăng
trên Tạp chí Văn học số 4, năm 1992.
Đoàn Thị Thu Vân khi viết Con người nhân văn trong thơ ca Việt

Nam sơ kì trung đại (2007) cũng dành một phần cuốn sách để khẳng định
những nét đặc sắc trong thơ ca Huyền Quang- một tâm hồn nghệ sĩ chan chứa


10

tình đời. Tác giả khẳng định đây là một hiện tượng khá đặc biệt trong làng
thơ Thiền đời Trần. Lướt theo những vần thơ về thiên nhiên của Huyền
Quang, cùng nhà thơ đi ngao du sóng nước, cùng nghe tiếng sáo vi vu trên
dòng sông ngập tràn ánh trăng, cùng thả hồn mình vào hoa cúc… mới thấy
hết được một Huyền Quang với tâm hồn khoáng đạt, buông bỏ hết mọi trần
tục, sống thanh nhàn thư thái- một tư chất rất nghệ sĩ. Tác giả nhận xét “Cảnh
thiên nhiên trong thơ Huyền Quang bình dị đơn sơ nhưng để lại ấn tượng sâu
sắc khó quên bởi được lọc qua tâm hồn nghệ sĩ nhạy bén và giàu rung cảm”.
Tinh tế hơn, nhà nghiên cứu Đoàn Thị Thu Vân còn phát hiện ra những
khoảnh khắc đặc biệt của thiền sư – Khoảnh khắc “quên”…
Gần đây, Huyền Quang được đặc biệt quan tâm trong một luận văn
Thạc sĩ mang tên Thơ ca Huyền Quang- con đường của Thiền và cái đẹp của
Nguyễn Thị Hà An (2008). Tác giả đã đi sâu vào khai thác thế giới thơ ca
Huyền Quang để khám phá ra ba con người dưới ba góc độ: một nhà Thiền
học, một triết gia và một nhà thơ. Ngoài các công trình nghiên cứu trong
nước, tác giả còn tham khảo thêm những công trình nghiên cứu của các học
giả nước ngoài. Có thể nói, đây là một công trình được đầu tư khá kỹ và rất
đáng đề tham khảo.
Ngoài ra, thiền sư Huyền Quang còn là đối tượng nghiên cứu của
nhiều công trình cũng như bài báo khoa học khác. Có thể kể thêm các công
trình đáng chú ý sau:
- Nguyễn Kim Sơn (2009), “Sự đan xen các khuynh hướng thẩm mỹ
trong thơ Huyền Quang (Nghiên cứu trường hợp sáu bài thơ vịnh cúc)”,
Tạp chí Nghiên cứu văn học (4), tr.75-89.



11

- Lê Từ Hiển (2005), “Basho, Huyền Quang- Sự gặp gỡ với mùa thu hay
sự tương hợp về cảm thức thẩm mỹ”, Tạp chí văn học (7).
Bao quát chung về thiền phái Trúc Lâm có thể kể đến những đóng góp
của Trần Lý Trai (Thích Phước Đạt) trong luận án Tiến sĩ mang tên Giá trị
văn học trong tác phẩm của thiền phái Trúc Lâm (2008). Luận án đã bao quát
được những giá trị văn học cơ bản trong các tác phẩm của những tên tuổi nổi
bật trong dòng thiền này như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Tung,
Trần Nhân Tông, Huyền Quang… Theo đánh giá chủ quan của chúng tôi, đây
là một công trình nghiên cứu công phu không chỉ có giá trị Phật học mà còn
có giá trị lớn về văn học. Tác giả đã chỉ ra những tư tưởng thiền học đồng thời
cũng làm rõ những cảm hứng chủ đạo, những giá trị nghệ thuật của các tác
phẩm này. Trong công trình này, tác giả đã dành khoảng 7 trang viết về cảm
hứng cõi thiên nhiên và thiên nhiên mà đề tài khai thác là thiên nhiên được
nhìn qua lăng kính của những nhà thiền học, “thiên nhiên mang tính biểu
tượng bởi một cảm quan Phật giáo Thiền tông”.
Trên đây, chúng tôi đã khái quát lịch sử nghiên cứu về Trần Nhân
Tông và Huyền Quang dưới góc độ văn học. Có thể khẳng định rằng, cảm
hứng thiên nhiên trong sáng tác của Trần Nhân Tông và Huyền Quang dưới
góc nhìn so sánh chưa được đề cập đến trong một công trình nghiên cứu cụ
thể nào. Chính vì vậy, chúng tôi sẽ đi sâu về vấn đề trên để làm rõ cảm hứng
thiên nhiên trong sáng tác của mỗi thiền sư đồng thời bước đầu so sánh chủ đề
này trong thơ ca của họ nhằm khám phá tâm hồn Trần Nhân Tông, Huyền
Quang qua thơ ca.


12


3. Mục đích nghiên cứu
3.1. Khảo sát những tác phẩm lấy cảm hứng từ thiên nhiên trong sự
nghiệp thơ văn của Trần Nhân Tông và Huyền Quang
3.2. Khái quát và chỉ ra những nét đặc sắc trong cách cảm nhận về
thiên nhiên của mỗi nhà thơ.
3.3. Chỉ ra những nét tương đồng và dị biệt trong cách cảm nhận thiên
nhiên của Trần Nhân Tông và Huyền Quang.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng
Luận văn tập trung nghiên cứu cảm hứng thiên nhiên trong sáng tác
của Trần Nhân Tông và Huyền Quang, một trong những cảm hứng chính
trong các sáng tác của hai tác giả này. Dĩ nhiên các phương diện khác của nội
dung tư tưởng cũng như phương diện nghệ thuật vẫn được quan tâm ở mức độ
là cơ sở để làm rõ vấn đề. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của luận văn thạc sĩ,
chúng tôi chỉ tập trung khảo sát những sáng tác thơ và phú của hai tác giả này.
Song song với đó, chúng tôi bước đầu so sánh cảm hứng thiên nhiên
để chỉ ra nét tương đồng và dị biệt trong cách cảm nhận của mỗi tác giả.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Luận văn nghiên cứu Cảm hứng thiên nhiên trong sáng tác của Trần
Nhân Tông và Huyền Quang dưới góc nhìn so sánh dựa vào các bản dịch tiếng
Việt của các văn bản dưới đây:
- Thơ văn Lý - Trần (1989) (tập 2), quyển thượng, Viện văn học, Nxb
Khoa học xã hội.


13

- Tổng tập văn học Việt Nam (2000) (tập 2), Trần Lê Sáng (chủ biên),
Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia.

5. Phương pháp nghiên cứu
Trong luận văn, chúng tôi sử dụng các phương pháp nghiên cứu chủ
yếu sau:
- Phương pháp thống kê: chúng tôi tiến hành thống kê số lượng tác
phẩm lấy cảm hứng thiên nhiên nhằm phục vụ cho việc tìm hiểu cảm hứng
thiên nhiên trong các tác phẩm của họ.
- Phương pháp phân tích tác phẩm văn học: đây là phương pháp được
sử dụng chủ yếu khi khái quát, lí giải sự tương đồng và sự dị biệt trong cảm
hứng thiên nhiên của hai tác giả.
- Phương pháp so sánh: sử dụng phương pháp này so sánh, đối chiếu
để chỉ ra những nét tương đồng và dị biệt trong cảm hứng thiên nhiên của hai
tác giả. Đây là một trong những phương pháp nghiên cứu chính của luận văn.
- Phương pháp hệ thống: phương pháp này giúp chúng tôi có cái nhìn
khái quát về đề tài nghiên cứu.
Ngoài các phương pháp trên, chúng tôi còn sử dụng thêm phương
pháp liên ngành (vì đề tài liên quan đến Lịch sử, Triết học, Phật học).
6. Đóng góp của luận văn
Luận văn tìm hiểu Trần Nhân Tông và Huyền Quang dưới góc độ là
những thiền sư thi sĩ. Vì vậy, thông qua việc phân tích, so sánh di sản thơ của
hai tác giả này, chúng tôi sẽ góp phần hiểu thêm về con người, tư tưởng của
những nhân cách lớn Trần Nhân Tông, Huyền Quang. Luận văn cũng có thể


14

xem như tài liệu tham khảo tốt phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy về
Trần Nhân Tông, Huyền Quang và thơ Thiền Lý - Trần.
7. Cấu trúc luận văn
Ngoài các phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo, luận văn có ba
chương:

Chương 1: Những vấn đề chung
Ở chương này, chúng tôi trình bày về một số khái niệm có liên quan
đến đề tài như cảm hứng, cảm hứng về thiên nhiên. Sau đó, chúng tôi khái
quát những nét cơ bản nhất về cuộc đời, hành trạng và quá trình xuất gia của
Trần Nhân Tông, Huyền Quang.
Chương 2: Cảm hứng thiên nhiên trong sáng tác của Trần Nhân Tông và
Huyền Quang
Luận văn sẽ đi tìm hiểu những nét đặc sắc trong cảm hứng thiên nhiên
của mỗi tác giả này trên cơ sở phân tích di sản thơ của họ.
Chương 3: Tương đồng và dị biệt trong cảm hứng thiên nhiên ở sáng tác của
Trần Nhân Tông và Huyền Quang
Trên cơ sở của chương 1 và chương 2, chúng tôi sẽ chỉ ra những nét
tương đồng và dị biệt trong cách cảm nhận của mỗi người, đồng thời chúng
tôi bước đầu đưa ra những lý giải về sự tương đồng và khác biệt đó.


15

Chương 1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
1.1. Giới thuyết khái niệm
1.1.1. Cảm hứng
Bất kì một công việc nào muốn thành công cũng hỏi sự đam mê và
thích thú. Sáng tạo nghệ thuật cũng không là ngoại lệ. Thậm chí đó còn là
công việc đòi hỏi nhiều hơn cả sự đam mê, thích thú. Không giống như các
lĩnh vực hoạt động khác, hoạt động sáng tạo nghệ thuật thuộc lĩnh vực chuyên
biệt. Nếu ví tác phẩm nghệ thuật như một ngôi nhà thì người nghệ sĩ được coi
như một kiến trúc sư. Nhưng người kiến trúc sư có thể biến ngôi nhà trong trí
óc của anh ta thành hiện thực nếu như anh ta có chất liệu. Còn với người nghệ
sĩ - kiến trúc sư thì lại khác, chất liệu ngôn từ bao quanh anh ta nhưng nếu
không có cảm hứng sáng tạo thì đó cũng chỉ là ngôi nhà trong tưởng tượng

mà thôi. Như vậy, nét đặc biệt của những người làm nghệ thuật đó chính là
những rung động trong tâm hồn. Chính những rung động đó mới tạo ra những
tác phẩm nghệ thuật thực sự có giá trị…
Cảm hứng là một khái niệm không còn xa lạ đối với những người
nghệ sĩ bởi chính nó đã tạo nên phần hồn cho tác phẩm nghệ thuật. Dù có cố
gượng ép, nhưng nếu không có cảm xúc thì người nghệ sĩ chỉ tạo ra những tác
phẩm có xác mà không hồn. Ngô Thì Nhậm đã từng viết “Hãy xúc động cho
ngọn bút có thần” có lẽ là vì thế. Vậy cảm hứng là gì? Từ xa xưa cho đến nay,
có thể nói có bao nhiêu người nghiên cứu là có bấy nhiêu khái niệm nhưng
tựu trung lại có thể hiểu cảm hứng hay cảm hứng chủ đạo là trạng thái tình
cảm mãnh liệt, say đắm xuyên suốt tác phẩm nghệ thuật, gắn liền với một tư
tưởng xác định, một sự đánh giá nhất định, gây tác động đến cảm xúc của
những người tiếp nhận tác phẩm. Bê-lin-xki coi cảm hứng chủ đạo là điều
kiện không thể thiếu của việc tạo ra những tác phẩm đích thực, bởi nó “biến


16

sự chiếm lĩnh thuần túy trí óc đối với tư tưởng thành tình yêu đối với tư
tưởng, một tình yêu mạnh mẽ, một khát vọng nhiệt thành” [9, tr.45]. Như vậy,
khái niệm này dùng để chỉ trạng thái cảm xúc của người nghệ sĩ trước một
hiện tượng trong đời sống mà hiện tượng này được coi như suối nguồn đam
mê, thích thú, thôi thúc họ sáng tạo nghệ thuật. Chính giây phút xuất thần ấy,
người nghệ sĩ được thăng hoa và tác phẩm là tinh hoa của trạng thái thăng hoa
đó. Nói một cách hình tượng như Nguyễn Quýnh trong lời tựa tập Tây hộ
mạn hứng của Ninh Tốn1 “Người như sông biển, chữ như nước, hứng thì như
gió. Gió thổi tới sông biển cho nên nước lay động làm thành gợn, thành sóng,
thành ba đào. Hứng chạm vào người ta cho nên như nổi dậy, không thể nín
được sinh ra trong lòng, ngâm vịnh ngoài miệng, viết nên ở bút nghiên giấy
mực”.

Rõ ràng, nếu không có cảm hứng thì người nghệ sĩ sẽ chết trong chính
họ. Vì vậy, bất kì người nghệ sĩ nào cũng đều nuôi dưỡng nguồn cảm hứng
cho chính mình. Tuy nhiên cảm hứng của mỗi người là không giống nhau, nó
tựa như nét tính cách của mỗi cá nhân trong cuộc đời này. Trở lại phong trào
thơ Mới qua những vần thơ của Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, ta
thấy trên cái nền Tây phương ấy, mỗi người lại chọn cho mình một mảnh đất
khác nhau. Hàn Mặc Tử rất thích trăng nên trong thơ Hàn là cả một vũ trụ
trăng lung linh huyền ảo, nhiều sắc thái vừa buồn vừa vui, vừa tạo nên trạng
thái thăng hoa nhưng cũng là sự đớn đau quằn quại. Còn với Chế Lan Viên,
hình ảnh tháp Chàm đầy ma mị ám ảnh thế giới thơ ông mà ở đó, ta thấy đầy
những đầu lâu, những yêu ma, hồn máu. Nguyễn Bính lại trở về với ngọn
nguồn dân tộc với những vần thơ đậm chất dân gian, những thôn Đoài thôn
Đông, những vườn cau vườn trầu…Tất cả những điều đó cho thấy, người
nghệ sĩ chỉ “sống” với một không gian đặc biệt và trong không gian đó, họ
thích thú, họ thể hiện tài năng, họ đem tâm mình “nhả tơ trả nợ” cho đời...
1

Ninh Tốn (1744-1795) sống thời Lê Trung Hưng, hiệu Mẫn Hiên, Chuyết Sơn thi sĩ, Song An cư sĩ.


17

Cảm hứng bắt nguồn từ đời sống, được hun đúc từ đời sống. Vì vậy,
cảm hứng sẽ bị chi phối bởi thời đại mà người nghệ sỹ sinh sống. Cảm hứng
không phải là thứ bất di bất dịch mà nó luôn biến thiên để bắt kịp với sự vận
động của xã hội, phản ánh đời sống xã hội. Nếu cảm hứng chủ đạo của văn
học Việt Nam từ thế kỉ X đến thế kỉ XIV là cảm hứng yêu nước, chống ngoại
xâm và tự hào dân tộc với âm hưởng hào hùng, mang hào khí Đông A (Tụng
giá hoàn kinh sư, Hịch tướng sĩ, Tỏ lòng, Phú sông Bạch Đằng…) thì sang
giai đoạn sau (thế kỉ XV - XVII) khi đất nước có nhiều biến động với những

cuộc nội chiến thì cảm hứng yêu nước không còn nữa thay vào đó là cảm
hứng thế sự với những tác phẩm phản ánh tệ lậu và tình trạng suy thoái về đạo
đức trong xã hội (Thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Truyền kì mạn lục của
Nguyễn Dữ…). Đến cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX, con người được đặt
vào vị trí trung tâm đặc biệt là người phụ nữ nên hình ảnh người phụ nữ xuất
hiện nhiều trong văn học. Nhà văn lên tiếng bênh vực, đòi quyền sống, quyền
hạnh phúc lứa đôi cho họ. Hàng loạt tác phẩm được viết ra trong bối cảnh đó
như Chinh phụ ngâm (Đặng Trần Côn - Đoàn Thị Điểm), Truyện Kiều
(Nguyễn Du), Cung oán ngâm khúc (Nguyễn Gia Thiều)…
Cũng cần phải thấy rằng, dù cho người nghệ sĩ có cảm hứng giống
nhau nhưng mỗi người sẽ cảm nhận theo cách riêng của mình. Chẳng hạn,
cùng viết về mùa thu nhưng mùa thu với muôn hình vạn trạng. Mỗi bài thơ
đem đến cho ta một dư vị riêng. Mùa thu của Nguyễn Khuyến trong trẻo, nhẹ
nhàng với màu xanh đặc trưng “các điệu xanh” (Xuân Diệu). Thu trong thơ
Bích Khê lại ngập tràn sắc vàng buồn vương
Ơ hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! vàng rơi: Thu mênh mông
(Tỳ bà)
Còn với nhà thơ Hữu Thỉnh, thu gắn liền với những gì rất mong manh,
mơ hồ, những khoảnh khắc…
Bỗng nhận ra hương ổi


18

Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
(Sang thu)
Tóm lại, cảm hứng là trạng thái say mê mãnh liệt của người nghệ sĩ

trước một khía cạnh, một hiện tượng nào đó trong cuộc sống. Mặc dù cảm
hứng có muôn hình muôn vẻ nhưng đôi khi ta vẫn thấy có sự gặp gỡ giữa
những tâm hồn. Dẫu vậy, người đọc vẫn có thể nhận ra nét riêng không dễ
trộn lẫn, là phong cách riêng của mỗi người nghệ sĩ.
1.1.2. Cảm hứng về thiên nhiên
Từ thuở sơ khai, con người và thiên nhiên đã có quan hệ gắn bó với
nhau. Thiên nhiên cung cấp cho con người những điều kiện cần thiết phục vụ
cuộc sống. Vậy nên, đối với con người, thiên nhiên được coi là bà mẹ thứ hai.
Có lẽ vì thế mà thiên nhiên trở thành một trong những đề tài lớn trong sáng
tác nghệ thuật nói chung và sáng tác văn chương nói riêng. Cảm hứng thiên
nhiên có thể hiểu là trạng thái cảm xúc mãnh liệt, là sự hưng phấn của con
người mà thiên nhiên đem lại. Lúc này, thiên nhiên không còn là thiên nhiên
vô tình nữa mà nó trở thành người bạn tâm giao của thi nhân. Nó khơi gợi
trong lòng người những tình cảm vốn bị che lấp thường ngày, những kí ức bị
nhòe dần trong bộn bề của cuộc sống, những khát khao, những ước vọng đam
mê, những nỗi u hoài…Con người gửi gắm vào thiên nhiên những tình cảm
sâu kín nhất trong tâm hồn.
Trong nền văn học dân tộc, thiên nhiên là một đề tài bao trùm trong
sáng tác của thi nhân từ văn học dân gian qua văn học trung đại, hiện đại; từ
thơ Thiền qua thơ Nho, thơ Mới và ở bất kì giai đoạn nào trong nền văn học
dân tộc, thiên nhiên đẹp tươi của non sông đất nước vẫn hiện lên qua những
áng thơ văn.
Mặc dù vậy nhưng xét về bản chất, cảm hứng thiên nhiên ở mỗi thời
đại có nét khác biệt nhất định. Trong văn học dân gian, thiên nhiên mang vẻ
đẹp thuần khiết, thiên nhiên như là cái nó vốn có. Hình ảnh vầng trăng, cánh


19

đồng thẳm xanh bao la, cánh cò bay lả là những hình ảnh chân thực, đời

thường. Câu thơ viết về vầng trăng này có lẽ cho đến ngàn năm sau vẫn
không thể nào quên.
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi
(Ca dao)
Vẫn là thiên nhiên ấy nhưng trong thơ Thiền, thiên nhiên vừa là nó
nhưng đồng thời vừa mang ý nghĩa biểu tượng cho triết lý Thiền. Vầng trăng
đẹp sáng trong hiền hòa kia còn là biểu tượng cho trí tuệ bát nhã của con
người đạt đạo. Một đóa hoa mai buổi sớm trỗi dậy nở ra thật đẹp, khoe sắc khi
những bông hoa khác đã tàn tạ héo úa, khi tiết xuân không còn… thật bình
thường nhưng lại mang trong nó những triết lý vô cùng.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
(Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai)
(Cáo tật thị chúng- Mãn Giác)
Nếu trong thơ Thiền, thiên nhiên là biểu tượng cho triết lý thì trong
thơ Nho, thiên nhiên mang cốt cách của người quân tử. Thi nhân thường
mượn hình ảnh thiên nhiên để bộc lộ khí phách của bản thân. Hình ảnh tùng,
cúc, trúc, mai là những hình ảnh quen thuộc trong thơ ca thời kỳ này. Những
hình ảnh ấy xuất hiện nhiều trong thơ ca Nguyễn Trãi, đặc biệt trong tập thơ
Nôm Quốc âm thi tập. Nguyễn Trãi ví mình như cây trúc, cây mai, cứng cỏi
mà thanh cao
Vườn quỳnh dầu chim kêu hót
Cõi trần có trúc đứng ngăn
(Tự thán- Bài 40)
Tất nhiên đối với người anh hùng ấy, thiên nhiên không chỉ là nơi để
bày tỏ khí tiết thanh cao, vững vàng mà đó còn là bến đậu cho tâm hồn ngày



20

đêm phiền muộn lo âu cho dân cho nước. Nguyễn Trãi coi thiên nhiên là bạn,
là anh em thân thiết:
Núi láng giềng, chim bầu bạn
Mây khách khứa, nguyệt anh tam
(Thuật hứng- bài 19)
Hay:
Cò nằm hạc lặn nên bầu bạn
Ủ ấp cùng ta làm cái con
(Ngôn chí- Bài 20)
Và đó cũng là nơi để con người ấy trải lòng mình:
Côn Sơn hữu tuyền
Kì thanh linh linh nhiên
,
Ngô dĩ vi cầm huyền
Côn Sơn hữu thạch
Vũ tẩy đài phô bích,
Ngô dĩ vi đạm tịch.
Nham trung hữu tùng,
Vạn lí thúy đồng đồng,
Ngô ư thị hồ ngâm khiếu kì trắc…
(Côn Sơn ca)
(Côn Sơn có suối,
Tiếng nước chảy rì rầm
Ta coi là đàn cầm.
Côn Sơn có đá,
Mưa giội phô rêu xám
Ta coi làm chiếu thảm.
Trên đèo có thông,

Muôn dặm biếc mông lung,
Ta thảnh thơi nằm nghỉ bên trong…)
(Bài ca Côn Sơn)
Tuy nhiên có thể khẳng định, cho dù là phương tiện để chuyển tải nội
dung khác nhưng thiên nhiên trước hết là thiên nhiên, là vẻ đẹp của chính nó.
Ngay cả đến giai đoạn văn học hiện đại sau này cũng vậy, thi nhân mượn
cảnh để tả tình nhưng đó là những bức tranh đẹp mang hồn dân tộc. Thiên
nhiên đất nước thật thơ mộng dưới ngòi bút đầy phóng túng của một Nguyễn


21

Tuân tài năng “Thuyền tôi trôi trên sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng tờ.
Hình như vào đời Lý đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế
mà thôi. Thuyền tôi trôi qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa.
Mà tịnh không một bóng người. Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp.
Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm. Bờ sông hoang dại
như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa.”
[5, tr.191]
Như vậy, thiên nhiên là đề tài muôn thuở của thi nhân ta từ xưa đến
nay. Ở mỗi thời đại, thiên nhiên còn chứa đựng trong nó những nội dung khác
nữa. Nhưng xét đến cùng, cảm hứng của người nghệ sĩ xuất phát từ vẻ đẹp
thực sự, tiềm ẩn của thiên nhiên mà người nghệ sĩ muốn hòa mình chứ không
phải xuất phát từ những triết lý khô khan, những bài học đạo đức mà người
nghệ sĩ muốn truyền giảng.
1.2. Trần Nhân Tông và Huyền Quang – Con người, cuộc đời và thơ ca
1.2.1. Trần Nhân Tông
Theo các nguồn tư liệu hiện còn, Trần Nhân Tông hay Trần Khâm
(1258 - 1308) là con đầu lòng của Trần Thánh Tông. Lúc mới sinh ra, Trần
Nhân Tông đã có khí chất khác thường. Điều này được Đại Việt sử kí toàn

thư ghi lại “tinh anh thánh nhân, thuần túy đạo mạo, sắc thái như vàng, thể
chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng. Hai cung đều cho là lạ, gọi là Kim Tiên
đồng tử. Trên vai bên trái có nốt ruồi đen, cho nên có thể cáng đáng được việc
lớn” [22, tr.185]. Ngay từ nhỏ, khí chất khác thường ấy của Trần Nhân Tông
đã được bộc lộ rõ. Người không những am hiểu tam giáo, Phật điển mà còn
rất thông thạo thiên văn, lịch số, y thuật, âm luật. Đó là những nền tảng để
hình thành nên một Trần Nhân Tông - nhân vật toàn tài hiếm có trong lịch sử,
nơi hội tụ của ba con người: một nhà chính trị kiệt xuất, một thiền sư triết gia
lỗi lạc và một nhà thơ tài hoa.
Trần Nhân Tông là ông vua thứ ba của nhà Trần. Sau ba triều đại, Đại
Việt đã có bước phát triển và ổn định nhất định. Tuy nhiên, các thế lực


×