Tải bản đầy đủ (.pdf) (318 trang)

Nghi lễ chuyển đổi của người hoa triều châu ở nam bộ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.26 MB, 318 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
_____________________

NGUYỄN CÔNG HOAN

NGHI LỄ CHUYỂN ĐỔI CỦA
NGƯỜI HOA TRIỀU CHÂU Ở NAM BỘ

LUẬN ÁN TIẾN SỸ LỊCH SỬ
)

Thành phố Hồ Chí Minh – 2011


ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
_____________________

NGUYỄN CÔNG HOAN

NGHI LỄ CHUYỂN ĐỔI CỦA
NGƯỜI HOA TRIỀU CHÂU Ở NAM BỘ

Chuyên ngành: DÂN TỘC HỌC
Mã số:
62.22.70.01
LUẬN ÁN TIẾN SỸ LỊCH SỬ
)

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC


1. PGS. TS. NGUYỄN VĂN TIỆP
2. TS. VÕ CÔNG NGUYỆN

Thành phố Hồ Chí Minh – 2011


1

MỤC LỤC
MỤC LỤC..................................................................................................................1
DẪN LUẬN..................................................................................................................4
1. Lý do chọn đề tài.....................................................................................................4
2. Mục đích nghiên cứu đề tài....................................................................................5
3. Lịch sử nghiên cứu vấn đề......................................................................................6
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu........................................................................11
5. Phương pháp nghiên cứu......................................................................................15
6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài………………………………………18
7. Đóng góp của luận án............................................................................................19
8. Bố cục của luận án.................................................................................................21
CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ THUYẾT NGHI LỄ CHUYỂN ĐỔI VÀ KHÁI
QUÁT CHUNG VỀ NGƯỜI HOA TRIỀU CHÂU Ở NAM BỘ…….........23
1.1. Cơ sở lý thuyết về nghi lễ chuyển đổi...............................................................23
1.1.1. Thuật ngữ và khái niệm ....................................................................................23
1.1.2. Quan niệm về nghi lễ vòng đời người…………...............................................27
1.1.3. Lý thuyết nghi lễ chuyển đổi và tình trạng ngưỡng.......................................28
1.1.4. Quan niệm về nghi lễ chuyển đổi của người Hoa ............................................35
1.2. Người Hoa Triều Châu ở Nam Bộ....................................................................40
1.2.1. Quá trình di dân – định cư.................................................................................40
1.2.2. Dân số, sự phân bố dân cư................................................................................43
1.2.3. Hoạt động kinh tế...………………………………….......................................44

1.2.4. Tổ chức xã hội….………………………………………..................................46
1.2.5. Đời sống văn hoá vật chất và tinh thần ………………………....……………48
CHƯƠNG 2: NGHI LỄ CHUYỂN ĐỔI TRONG HÔN NHÂN CỦA
NGƯỜI HOA TRIỀU CHÂU Ở NAM BỘ.......................................58
2.1. Một số quan niệm về hôn nhân của người Hoa……………………….……..58


2

2.1.1. Quan niệm về hôn nhân của người Hoa…….....…………….………….….…58
2.1.2. Quan niệm về hôn nhân của người Hoa Triều Châu ở Nam bộ….……….......64
2.2. Nghi lễ chuyển đổi trong hôn nhân của người Hoa Triều Châu..…….….…67
2.2.1. Nghi lễ chuyển đổi trong hôn nhân thời kỳ tiền ngưỡng………................…..67
2.2.2. Nghi lễ chuyển đổi trong hôn nhân thời kỳ trong ngưỡng..……….………….79
2.2.3. Nghi lễ chuyển đổi trong hôn nhân thời kỳ sau ngưỡng……….…… …….…92
2.3. So sánh sự giống nhau và khác nhau giữa các anh em trai, chị em dâu
trong nghi lễ chuyển đổi trong hôn nhân của người Hoa
Triều Châu ở Nam bộ………………………………………………………98
2.3.1. So sánh sự giống nhau và khác nhau giữa các anh em trai trong nghi lễ
chuyển đổi trong hôn nhân …………………………......................................98
2.3.2. So sánh sự giống nhau và khác nhau giữa các chị em dâu trong nghi lễ
chuyển đổi trong hôn nhân…………………..…….......................................102
2.4. Sự biến đổi trong nghi lễ chuyển đổi trong hôn nhân của người Hoa
Triều Châu ở Nam bộ hiện nay……………….........……………………..107
CHƯƠNG 3: NGHI LỄ CHUYỂN ĐỔI TRONG TANG MA CỦA
NGƯỜI HOA TRIỀU CHÂU Ở NAM BỘ...................................119
3.1. Một số quan niệm về tang ma của người Hoa...............................................119
3.1.1. Quan niệm về tang ma của người Hoa............................................................119
3.1.2. Quan niệm về tang ma của người Hoa Triều Châu ở Nam Bộ.......................122
3.2. Nghi lễ chuyển đổi trong tang ma của người Hoa Triều Châu....................126

3.2.1. Nghi lễ chuyển đổi trong tang ma thời kỳ tiền ngưỡng..................................126
3.2.2. Nghi lễ chuyển đổi trong tang ma thời kỳ trong ngưỡng…............................136
3.2.3. Nghi lễ chuyển đổi trong tang ma thời kỳ sau ngưỡng……………………...159
3.3. So sánh sự giống nhau và khác nhau giữa các anh em trai, chị em dâu
trong nghi lễ chuyển đổi trong tang ma của người Hoa
Triều Châu ở Nam bộ..................................................................................169
3.3.1. So sánh sự giống nhau và khác nhau giữa các anh em trai trong
nghi lễ chuyển đổi trong tang ma…………..………………...……………..169


3

3.3.2. So sánh sự giống nhau và khác nhau giữa các chị em dâu trong nghi lễ
chuyển đổi trong tang ma………………………….......................................172
3.4. Sự biến đổi trong nghi lễ chuyển đổi trong tang ma của người Hoa
Triều Châu ở Nam bộ hiện nay………………….....……………………..174
KẾT LUẬN..............................................................................................................185
TÀI LIỆU THAM KHẢO......................................................................................193
PHỤ LỤC
PHỤ LỤC 1: BẢNG PHỎNG VẤN SÂU VỀ HÔN NHÂN.…………….……..204
PHỤ LỤC 2: BẢNG PHỎNG VẤN SÂU VỀ TANG MA.……………………..209
PHỤ LỤC 3: BẢNG TRẢ LỜI VỀ PHỎNG VẤN SÂU VỀ HÔN NHÂN.…..215
PHỤ LỤC 4: BẢNG TRẢ LỜI VỀ PHỎNG VẤN SÂU VỀ TANG MA..…….271
PHỤ LỤC 5: BẢN ĐỒ BỐN TỈNH NGHIÊN CỨU CHÍNH.………………….317
PHỤ LỤC 6: MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ HÔN NHÂN………………………….322
PHỤ LỤC 7: MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ TANG MA…………………………...330


4


DẪN LUẬN
1. Lý do chọn đề tài
Người Hoa Triều Châu ở Việt Nam nói chung và Nam bộ nói riêng có nguồn
gốc từ một bộ phận các tỉnh phía Nam Trung Quốc và chủ yếu là người Hán (hoặc đã
Hán hóa), đến Việt Nam vào những thời kỳ khác nhau trong lịch sử, họ thuộc nhiều
thành phần khác nhau. Do nhiều lý do khác nhau, một bộ phận người Hoa đã di cư
đến Việt Nam và sinh sống ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, nhưng tập trung chủ
yếu tại các địa phương Nam Bộ. Trong quá trình cộng cư với các tộc người khác trên
lãnh thổ Việt Nam, người Hoa đã có những đóng góp vào công cuộc dựng nước và
giữ nước. Người Hoa là một tộc người có một đời sống văn hóa tinh thần đa dạng và
phong phú. Những giá trị văn hóa đó đã giúp người Hoa có thể vượt qua những khó
khăn tại những vùng đất mới để ổn định đời sống. Mặt khác, cũng chính sự phong
phú đa dạng của đời sống văn hóa tinh thần đã góp phần làm phong phú văn hóa của
nước sở tại, nơi người Hoa sinh sống.
Người Hoa Triều Châu ở Nam bộ là một trong năm nhóm ngôn ngữ địa
phương ở Trung Quốc di cư sang Việt Nam qua nhiều đợt và đã sinh sống ở nhiều
tỉnh, thành phố tại Nam bộ (cả nông thôn và thành thị). Người Hoa Triều Châu đang
sống tại Việt Nam nói chung và Nam bộ nói riêng thường có hai tên gọi; thứ nhất,
theo quy định chung, người Hoa là một cộng đồng cư dân (chủ yếu là người Hán và
những người đã bị Hán hóa) di cư sang Việt Nam có xuất xứ từ vùng Triều Châu,
một huyện của tỉnh Quảng Đông tiếp giáp với tỉnh Phúc Kiến và một phần thuộc tỉnh
Phúc Kiến của Trung Quốc. Họ sang định cư tại Việt Nam không phân biệt địa
phương cư trú trước khi di cư đến Việt Nam; thứ hai, người Hoa Triều Châu được
gọi theo nhóm ngôn ngữ địa phương xuất cư (được gọi theo địa phương gốc ở Trung
Quốc: người Hoa Triều Châu, Quảng Đông, Phúc Kiến, Hải Nam, Hakka hoặc Hẹ).
Như vậy, người Hoa Triều Châu trong trường hợp nghiên cứu cụ thể tại Nam bộ sẽ
được hiểu cả hai nghĩa trên. Trong quá trình cộng cư với các nhóm người Hoa (được
gọi theo địa phương gốc ở Trung Quốc) và các tộc người khác tại Nam bộ, một số



5

phong tục truyền thống của người Hoa Triều Châu liên quan đến các nghi lễ hôn
nhân, tang ma vẫn còn được bảo lưu tạo nên sự cố kết cộng đồng trong môi trường
mới. Nghiên cứu làm sáng tỏ những yếu tố văn hóa truyền thống có liên quan đến
nghi lễ hôn nhân và tang ma của người Hoa Triều Châu trong bối cảnh hiện nay
nhằm góp phần giới thiệu cho người đọc hiểu biết hơn về văn hóa truyền thống của
người Hoa Triều Châu.
Nghi lễ chuyển đổi là nghi lễ đánh dấu sự chuyển đổi từ một giai đoạn rời bỏ,
chuyển tiếp, và tái hội nhập hoặc phân ly sau đó tái hòa nhập với cuộc sống xã hội
của một cá nhân hoặc cộng đồng người khi họ tham dự nghi lễ chuyển đổi.
Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có công trình, luận văn, luận án nào đề cập đến
nghi lễ chuyển đổi trong hôn nhân và trong tang ma của người Hoa nói chung và
người Hoa thuộc nhóm ngôn ngữ Triều Châu nói riêng ở Nam bộ. Đặc biệt, nghi lễ
chuyển đổi là một lĩnh vực nghiên cứu mới phân tích dưới góc độ sự chuyển đổi vai
trò, vị thế, nghĩa vụ, trách nhiệm, tư cách, quyền lợi của mỗi cá nhân hoặc cả một
cộng đồng trong xã hội, gia đình, dòng tộc là người được hưởng thụ chính hoặc
người được thụ tang chính. Sự chuyển đổi vai trò, vị thế, nghĩa vụ, trách nhiệm, tư
cách được đánh dấu sang một giai đoạn khác khi mỗi cá nhân hoặc cộng đồng người
thực hiện được thụ hưởng hoặc chỉ là những thành phần tham gia có thể chuyển đổi
hoặc không chuyển đổi trong bất cứ sự kiện nào. Mỗi giai đoạn chuyển đổi trong mỗi
nghi lễ đều mang đậm yếu tố văn hóa truyền thống của người Hoa Triều Châu ở Nam
bộ nói riêng và các tộc người khác nói chung trong sự giao thoa văn hóa giữa các dân
tộc Việt Nam.
Với những lý do trên, chúng tôi chọn vấn đề “Nghi lễ chuyển đổi của người
Hoa Triều Châu ở Nam bộ” làm đề tài luận án tiến sĩ.
2. Mục đích nghiên cứu đề tài
- Làm rõ hơn những luận cứ khoa học khung lý thuyết nghi lễ chuyển đổi của
các tác giả phương Tây (Arnold van Gennep, W.Victor Turner..) khi áp dụng tiến
hành nghiên cứu nghi lễ chuyển đổi trong hôn nhân và tang ma của các tộc người ở



6

các nước phương Đông. Đặc biệt, khi nghiên cứu tộc người Hoa (nhóm ngôn ngữ
Triều Châu) ở miền Nam Việt Nam.
- Lý giải sự khác biệt vai trò, vị thế, trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi, tư cách
của người thụ hưởng chính và các đối tượng tham gia vào nghi lễ chuyển đổi trong
hôn nhân nhưng không phải là đối tượng thụ hưởng chính trong nghi lễ chuyển đổi
trong hôn nhân của người Hoa Triều Châu ở Nam bộ.
- Lý giải sự khác biệt vai trò, vị thế, trách nhiệm, nghĩa vụ của người thụ tang
chính và các đối tham gia khác nhưng không phải là đối tượng thụ tang chính trong
nghi lễ chuyển đổi trong tang ma của người Hoa Triều Châu ở Nam bộ.
- Làm sáng tỏ hơn về vai trò, vị thế, trách nhiệm, nghĩa vụ giữa các anh em
trai, chị em dâu trong gia đình nhà chồng sau khi làm nghi lễ hôn nhân và tang ma.
- So sánh sự biến đổi trong nghi lễ chuyển đổi trong hôn nhân và tang ma của
người Hoa Triều Châu ở Nam bộ hiện nay.
3. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
3.1. Một số sách viết về lý thuyết liên quan
Về cơ sở lý thuyết của luận án được chúng tôi vận dụng là lý thuyết Nghi lễ
chuyển đổi - The Rites of Passage. Đây là cuốn sách được xem là sách kinh điển về
nghi lễ chuyển đổi tuân thủ theo chu kỳ đời người của các nhà nghiên cứu nhân học.
Tác giả cuốn sách là Arnold van Gennep đã phân tích khá sâu về những nghi lễ liên
quan đến những giai đoạn chuyển đổi vai trò, vị thế, nghĩa vụ, trách nhiệm, tư cách
của một cá nhân, hoặc một cộng đồng người tham dự mang tính quyết định đến đời
sống văn hóa xã hội của họ. Đặc biệt, tác giả đã phân biệt rất rõ tầm quan trọng của
các giai đoạn chuyển đổi tuân theo chu kỳ đời người. Mỗi giai đoạn, tác giả đều được
chia thành ba giai đoạn ngưỡng khác nhau: trước ngưỡng, trong ngưỡng và sau
ngưỡng (tái hội nhập đối với hôn nhân và phân ly đối với tang ma) vào những giai
đoạn mang tính chuyển đổi như giai đoạn sinh nở: mang thai và sinh nở, tuổi sơ sinh,

tuổi thiếu niên; trưởng thành: tuổi thanh niên, lễ thành đinh, hôn nhân; tử: lễ lên lão,
tang ma và cuộc sống ở thế giới bên kia. Do đó, lý thuyết này được xem là lý thuyết
cơ bản của các nhà nghiên cứu về nghi lễ chuyển đổi ở tại các nước phương Tây


7

trong những năm qua. Nghi lễ chuyển đổi đã phân tích sâu về vai trò, vị thế, nghĩa
vụ, trách nhiệm, tư cách, quyền lợi sau mỗi nghi lễ của các cá nhân hoặc cộng đồng
khác trong xã hội.
Nhà nhân học Victor W.Turner đã phân tích khá chi tiết về tình trạng ngưỡng,
tình trạng nửa vời: giai đoạn ngưỡng kích thích dưới trong các nghi lễ chuyển đổi
sinh nở, hôn nhân, và tang ma trong cuốn sách “Khái quát lịch sử lý thuyết nhân học
- Anthropology theory an introductory history” (1997). Tác giả đã viết về ngưỡng có
ba giai đoạn: giai đoạn trước ngưỡng, giai đoạn trong ngưỡng, và giai đoạn sau
ngưỡng chính là quá trình tái hội nhập với xã hội. Mỗi cá nhân sau khi làm nghi lễ
phải chuyển đổi sang một vai trò, vị thế, trách nhiệm, nghĩa vụ mới khác với giai
đoạn trước khi làm lễ theo ba giai đoạn ngưỡng.
E.B.Tylor (2003), trong cuốn sách “Văn hóa nguyên thủy - Culture pritivitive”
ông đã dành trọn một chương viết về nghi lễ và lễ nghi. Trong sách này, tác giả đã
phân tích về thuyết vật linh, một số cách thức nghi lễ và lễ nghi một cách cụ thể cho
mỗi lễ nghi mà tác giả nghiên cứu. Ngoài ra, tác giả viết khá chi tiết về các loại hình
nghi lễ tôn giáo, nghi thức tôn giáo, và phân loại các nghi lễ tôn giáo của các bộ lạc,
dân tộc vùng châu Phi.
A.A. Belik (chủ biên) (2000), cuốn sách “Văn hóa học – những lý thuyết Nhân
học văn hóa). Theo ý kiến của riêng ông, thì nền tảng của những nghi lễ tôn giáo và
tín ngưỡng của người dã man đều có tồn tại lòng tin vào những thực thể tinh thần
bằng thuật ngữ thuyết vật linh (animisme); Tác giả L.A.White phân tích chi tiết về
biểu tượng như là một hiện tượng, sự vật, hành động hay vật thể. Nó có ý nghĩa liên
quan đến con người như nước thiêng, bái vật, nghi lễ, ngôn từ và biểu tượng là một

tổng thể của hình thức thể chất và ý nghĩa.
Ngô Đức Thịnh (2001), trong cuốn sách “Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng
ở Việt Nam” đã đề cập đến các hình thức tín ngưỡng và nghi lễ cá nhân (vòng đời
người), từ khi sinh ra đến khi chết. Toàn bộ nghi lễ và tín ngưỡng tang ma đều xuất
phát từ quan niệm linh hồn và đời sống của con người sau khi chết.


8

Lê Trung Vũ (chủ biên), (2000) cuốn sách “Nghi lễ vòng đời người” ông cùng
nhóm nghiên cứu của mình đã nghiên cứu thời kỳ sinh nở, đầy tháng, đầy năm, nghi
lễ cưới hỏi, tang ma của người Việt. Trong tác phẩm này các tác giả chỉ nghiên cứu
dưới dạng nghi lễ theo chu kỳ sinh học của mỗi con người.
3.2. Những công trình nghiên cứu trước 1975
Từ trước đến nay đã có nhiều công trình viết về các dân tộc thiểu số ở Việt
Nam trong đó có người Hoa. Có những công trình viết bằng chữ Hán – Nôm có liên
quan đến lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán, nghi lễ vòng đời người của người Hoa
ở Nam bộ nói riêng và người Hoa ở Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó, các tác giả đã
nghiên cứu các nơi có thờ tự, lễ hội tín ngưỡng của các cộng đồng người Hoa. Hầu
hết các công trình nghiên cứu đều được biên soạn vào thế kỷ XIX như: Nhất Thống
dư địa chí do Lê Quang Định (1760 - 1813) biên soạn theo lệnh của vua Gia Long.
Nội dung cuốn sách này chủ yếu nghiên cứu về các vùng có người Hoa sinh sống và
quá trình di cư sang Việt Nam; cuốn Gia Định thành thông chí (1978) do Trịnh Hoài
Đức trong giai đoạn (1765 - 1825) biên soạn và dâng vua Minh Mạng. Tác giả đã ghi
một số phong tục tập quán của người Hoa ở Đàng Trong và đề cập đến một số nét
văn hóa, phong tục tập quán bản địa.
Tsai May Kuay đã xuất bản cuốn “Người Hoa ở miền Nam Việt Nam” (1968),
đã đi sâu nghiên cứu về quá trình di dân, thành lập bang, hội, cách thức làm ăn kinh
tế, một số phong tục tập quán, văn hóa xã hội của người Hoa ở Việt Nam nói chung
và Nam bộ nói riêng. Tác giả chưa đi nghiên cứu và phân tích sâu về nghi lễ chuyển

đổi của người Hoa thuộc nhóm ngôn ngữ Triều Châu ở Nam bộ nói riêng và các
nhóm ngôn ngữ khác của người Hoa nói chung.
Trong cuốn “Quan hôn Tang tế hội thông” (1974), của một nhóm chuyên
nghiên cứu văn hóa đã mô tả chi tiết về một số luật lệ, phong tục tập quán, lễ nghi về
hôn nhân, tang ma và một số điều kiêng kỵ trong các nghi lễ đó. Mặt khác, nhóm tác
giả cũng chưa phân tích sâu về vai trò, vị thế xã hội của mỗi thành viên sau mỗi nghi
lễ họ đã trải qua.


9

Phần lớn các tác giả nghiên cứu trên bình diện như: di cư, lịch sử di cư, lĩnh
vực kinh tế, phong tục tập quán của người Hoa. Một số tác giả nghiên cứu tổ chức xã
hội như Bang, Hội, tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội, kinh tế, nghi lễ vòng đời người (sinh
nở, hôn nhân, lên lão, tang ma) nhưng chưa có công trình nghiên cứu nào về nghi lễ
chuyển đổi của người Hoa Triều Châu ở Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung.
3.3. Những công trình nghiên cứu sau 1975
Giai đoạn sau năm 1975 đến nay có nhiều công trình viết về người Hoa ở Nam
Bộ. Tác giả Phan Huy Lê trong cuốn sách “Về việc đánh giá họ Mạc” đã viết về
phong tục tâp quán của người Hoa trong quá trình định cư ở đồng bằng sông Cửu
Long. Nội dung của tác phẩm đã phân tích chi tiết về quá trình định cư, lịch sử khai
phá, một số phong tục tập quán của người đi khai phá vùng đất mới mang đậm nét
văn hóa quê hương bên cạnh nét văn hóa nước bản địa. Bên cạnh đó, nhiều công trình
nghiên cứu về người Hoa nói chung ở các lĩnh vực văn hoá tinh thần. Cuốn “Người
Hoa ở Quận 6 TP.HCM” của Phan An làm chủ biên (1990) đã viết một phần về
người Hoa Triều Châu nói riêng và người Hoa nói chung cư trú và sinh sống làm ăn
tại quận 6. Nội dung tác phẩm phân tích về tình hình dân cư - cư trú, giáo dục, văn
hóa, phương thức làm kinh tế nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp của cư
dân nơi đây trong giai đoạn đất nước đang đổi mới. Bên cạnh đó, tác giả cũng khái
quát chung một số nét đặc trưng về lĩnh vực văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần

của người Hoa Triều Châu tại địa bàn quận 6, TP.HCM. Nguyễn Văn Huy (1993) đã
viết cuốn sách “Người Hoa tại Việt Nam” đã đề cập đến nhiều vấn đề cơ bản như:
nhập cư, quốc tịch, dân số, chính sách đối với người Hoa của chính quyền qua các
thời kỳ, tác giả chưa đi sâu phân tích về nghi lễ chuyển đổi trong hôn nhân và tang
ma của người Hoa nói chung mà phân tích vị trí của người Hoa trong nền kinh tế
Việt Nam. Ngô Văn Lệ, Nguyễn Văn Tiệp, Nguyễn Văn Diệu (1998) đã viết cuốn
sách “Văn hoá các dân tộc thiểu số ở Việt Nam” nội dung của cuốn sách viết về các
dân tộc Việt Nam trong đó có dân tộc Hoa. Nhóm tác giả đã phân tích khá chi tiết về
quá trình định cư, dân số, ngôn ngữ, địa bàn cư trú, kinh tế, giáo dục và đặc biệt là
lĩnh vực văn hóa của người Hoa nói chung. Trong phần văn hóa tinh thần, nhóm tác


10

giả cũng phân tích về nghi lễ vòng đời người dưới dạng miêu tả, không đi sâu vào sự
thay đổi vai trò, vị thế, nghĩa vụ, trách nhiệm, tư cách của các thành viên tham gia
trong từng nghi lễ của nghi lễ vòng đời người, không đề cập đến nghi lễ chuyển đổi.
Nguyễn Cẩm Thúy (2000), có tác phẩm “Định cư của người Hoa trên đất Nam Bộ
(từ thế kỷ XVII đến năm 1945)” đã khắc họa các đợt di cư, hoạt động kinh tế, văn hóa
tín ngưỡng, tổ chức xã hội của người Hoa vào Việt Nam nói chung và Nam bộ nói
riêng. Trần Hồng Liên (2005), đã xuất bản cuốn sách “Văn hóa người Hoa ở Nam Bộ
- tín ngưỡng và tôn giáo” mà nội dung tác phẩm đã đề cập tập trung vào khía cạnh tín
ngưỡng và tôn giáo của người Hoa sinh sống tại vùng đất Nam bộ. Đồng thời, tác giả
đã phân tích quá trình giao lưu văn hóa tín ngưỡng - tôn giáo tại vùng đất mới của
người Hoa nói chung và người Hoa Triều Châu nói riêng so với các dân tộc khác
cùng địa bàn cư trú. Đặng Đức Siêu (2005), đã viết “Văn hoá cổ truyền phương
Đông” gồm ba quyển viết về văn hoá cổ truyền phương Đông – Trung Quốc trong
quá trình giao lưu và tiếp biến giữa hai yếu tố nội sinh và ngoại sinh của nền văn hoá
Trung Hoa. Đặc biệt, tác giả chỉ ra được những nét tương đồng về tín ngưỡng, tôn
giáo, phong tục tập quán trong đó có nghi lễ vòng đời người giữa hai dân tộc Việt và

Hoa. Phan An (2006) đã viết cuốn “Góp phần tìm hiểu văn hóa người Hoa ở Nam
Bộ” cung cấp cho người đọc những khía cạnh văn hóa của người Hoa ở Nam Bộ.
Đặc biệt, tác giả viết phần giới thiệu khá đầy đủ về các hoạt động Minh Hương xã và
làng Minh Hương ở Chợ Lớn - một dạng tổ chức xã hội từ buổi đầu của người Hoa ở
Nam Bộ nói riêng. Bạn đọc thấy được cái nhìn tổng thể về các loại hình liên kết văn
hóa truyền thống, các mối quan hệ của người Hoa với cộng đồng cư dân bản địa. Vai
trò và vị trí kinh tế của người Hoa ở các nước Đông Nam Á nói chung và Việt Nam
nói riêng. Trần Hồng Liên (chủ biên) (2007) “Văn hóa người Hoa ở TP.HCM” khảo
cứu các đặc trưng văn hóa của người Hoa ở TP.HCM qua các dạng thức văn hóa vật
thể và văn hóa phi vật thể, tác giả đã nêu nhiều lĩnh vực như văn hóa - nghệ thuật, tín
ngưỡng - tôn giáo, giáo dục, thể dục thể thao, hội họa… Đây là công trình mang tính
tổng hợp, khái quát khá đầy đủ và toàn diện về các đặc trưng văn hóa của người Hoa
ở TP.HCM.


11

Luận án Tiến sĩ của Nguyễn Thị Hoa Xinh (1997) “Tín ngưỡng và tôn giáo của
người Hoa Quảng Đông ở TP.HCM” nội dung luận án nghiên cứu về các loại hình
tín ngưỡng dân gian nói chung và tín ngưỡng tôn giáo thuộc lĩnh vực văn hóa tinh
thần của người Hoa nói chung và người Hoa nói ngôn ngữ Quảng Đông ở thành phố
Hồ Chí Minh nói riêng. Toàn bộ luận án, tác giả đã phân tích khá chi tiết về các loại
nghi lễ, cách hành lễ của người Hoa nhóm ngôn ngữ Quảng Đông. Luận án tiến sĩ
của Võ Thanh Bằng “Tín ngưỡng dân gian của người Hoa ở Nam Bộ” đã khái quát
chung về các loại tín ngưỡng, một số hình thức hành lễ, đồ cúng lễ trong một số nghi
lễ tâm thức của người Hoa ở Nam bộ. Đồng thời, tác giả đã phân tích khá chi tiết về
một số tín ngưỡng dân gian ở các vùng nông thôn và các vùng biển có người Hoa
sinh sống, nhưng vẫn chưa làm nổi bật được vai trò, vị thế của người tham dự lễ sau
khi hành lễ. Nguyễn Duy Bính (2005) “Hôn nhân và gia đình của người Hoa ở Nam
Bộ” đã khái quát khá đầy đủ và có hệ thống về hôn nhân và gia đình của hầu hết các

nhóm người Hoa ở Nam bộ. Nhưng tác giả không đi sâu vào nghiên cứu về nghi lễ
chuyển đổi trong hôn nhân mà chủ yếu phân tích dưới góc độ chu kỳ đời người theo
chu kỳ sinh học. Mặt khác, tác giả cũng phân tích về một số nghi lễ trong gia đình
của người Hoa ở Nam Bộ dưới góc nhìn dân tộc học; Luận án tiến sĩ của Nguyễn Đệ
(2007) “Tổ chức xã hội của người Hoa ở Nam Bộ Việt Nam”, trình bày về các tổ
chức xã hội người Hoa trước và sau năm 1975, trong đó tác giả đi sâu vào nghiên cứu
cơ cấu tổ chức xã hội thông qua các Hội quán người Hoa. Tác giả không đi sâu vào
phân tích nghi lễ chuyển đổi trong giai đoạn nào của chu kỳ đời người hoặc nghi lễ
chuyển đổi vị thế, vai trò của người tham dự.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu


12

Đề tài nghiên cứu về nghi lễ chuyển đổi trong hôn nhân và nghi lễ chuyển đổi
trong tang ma của người Hoa Triều Châu ở Nam bộ. Do đó, đối tượng nghiên cứu
chính là những người thụ hưởng chính trong nghi lễ hôn nhân và những người thụ
tang chính trong nghi lễ tang ma, còn các đối tượng khác tham gia nhưng không phải
là đối tượng nghiên cứu chính.
Vấn đề nghiên cứu của đề tài là sự thay đổi vị thế, vai trò, trách nhiệm, nghĩ
vụ, tư cách trong giai đoạn trước ngưỡng - trong ngưỡng – sau ngưỡng của người thụ
hưởng chính là chú rể và cô dâu trong nghi lễ hôn nhân và người thụ tang chính là
chồng/vợ, các con trai, con dâu, vợ chồng con khi bố mẹ qua đời trong nghi lễ tang
ma của người Hoa Triều Châu ở Nam bộ.
Những nghi lễ khác theo chu kỳ đời người và những nghi lễ mang tính xã hội
khác như nghi lễ chuyển đổi trong sinh nở, lễ nhậm chức, tôn giáo… Do hạn chế về
mặt thời gian, không gian cũng như một số khó khăn khác nên tác giả luận án không
nghiên cứu mà đi sâu nghiên cứu vào hai nghi lễ chuyển đổi trong hôn nhân và tang
ma của người Hoa Triều Châu ở Nam bộ. Mặt khác, hai nghi lễ chuyển đổi trên đánh

dấu những mốc chuyển đổi quan trọng trong chu kỳ đời người quá trình sinh học và
sự chuyển đổi vai trò, vị thế, nghĩa vụ, trách nhiệm của chính cá nhân đó cả ở trong
gia đình và ngoài xã hội.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Trong quá trình thực hiện đề tài chúng tôi đã chọn miền Tây Nam bộ gồm các
tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang. Miền Đông Nam bộ chủ yếu là thành phố Hồ
Chí Minh là địa bàn nghiên cứu. Lý do chọn những địa bàn này là vì chúng đại diện
cho cộng đồng người Hoa Triều Châu ở Nam bộ.
Thị xã Bạc Liêu tỉnh Bạc Liêu là địa bàn có người Hoa Triều Châu sống tại
tỉnh chiếm đa số, định cư lâu đời và có số dân người Hoa Triều Châu nhiều hơn hơn
so với các nhóm ngôn ngữ người Hoa khác. Do đó, họ vẫn giữ được phong tục cổ
trong nghi lễ chuyển đổi trong hôn nhân và tang ma. Mặt khác, đời sống của họ chủ
yếu kinh doanh buôn bán ở các chợ, thị tứ tại thị xã Bạc Liêu và các vùng nông thôn
lân cận thuộc địa bàn một số huyện như Hòa Bình, Giá Rai... Trải qua nhiều năm đến


13

định cư ở một vùng đất mới, họ vẫn giữ được phong tục tập quán cổ, lễ nghi cổ. Họ
đã ít chịu ảnh hưởng về lối sống, phong tục tập quán, văn hóa của người Việt và một
số dân tộc khác cùng cư trú trên cùng địa bàn.
Xã Vĩnh Hải và thị trấn Vĩnh Châu thuộc huyện Vĩnh Châu tỉnh Sóc Trăng,
đây là nơi có người Hoa Triều Châu sinh sống nhiều nhất tỉnh. Họ định cư lâu đời,
qua nhiều thế hệ con cháu sinh ra và lớn lên tại đây. Ở đây, họ sống chủ yếu sống
bằng làm nghề nông nghiệp và nuôi trồng hải sản. Trong quá trình sinh sống và cộng
cư, người Hoa Triều Châu đã có sự giao lưu tiếp biến thông qua lao động sản xuất,
kinh tế, giao tiếp văn hóa với người Việt, người Khmer.
Chúng tôi chọn địa bàn nghiên cứu người Hoa Triều Châu sinh sống tại xã
Bình An thuộc huyện Châu Thành và thị xã Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên Giang. Họ đến
định cư vào những năm thế kỷ 17, 18 do những làn sóng nhập cư được triều đình Nhà

Nguyễn ủng hộ. Tại thị xã Hà Tiên người Hoa Triều Châu sinh sống chủ yếu bằng
nghề kinh doanh, buôn bán nhỏ tại thị xã và các vùng lân cận. Xã Bình An thuộc
huyện Châu Thành, nơi có nhiều người Hoa Triều Châu sinh sống cùng với nhóm
người Hoa Hải Nam. Mặc dù, họ sống gần với người Hoa Hải Nam, nhưng họ
thường không kết hôn với người Hoa Hải Nam mà chủ yếu kết hôn với người Hoa
Triều Châu cùng sinh sống trên địa bàn và cùng nhóm ngôn ngữ. Nơi đây, họ sống
chủ yếu bằng nghề làm rẫy, ruộng nên văn hóa của họ vẫn còn bảo lưu, gìn giữ, ít bị
mai một. Bên cạnh đó, họ còn giao lưu tiếp biến văn hóa với người Việt, Khmer tại
nơi đây thông qua hôn nhân, tang ma và một số hoạt động văn hóa khác.
Tại miền Đông Nam Bộ, luận án tập trung nghiên cứu tại Thành phố Hồ Chí
Minh. Đây là thành phố có người Hoa sinh sống tập trung và đông nhất cả nước.
Trong đó, người Hoa Triều Châu sống tại đây có số dân đông đứng thứ hai trong cả
nước nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng sau người Hoa Quảng Đông.
Luận án chỉ nghiên cứu trường hợp tại quận 6 và quận 11. Ở quận 6 là nơi người Hoa
Triều Châu định cư lâu đời, một bộ phận sống bằng nghề nông nghiệp, một bộ phận
nhỏ sống bằng nghề thủ công và nghề truyền thống hoặc kinh doanh buôn bán. Phong
tục của họ vẫn còn mang tính chất nửa thành thị, nửa nông thôn nên còn giữ được


14

phong tục từ xưa để lại. Quận 11 là quận nội thành, họ sống chủ yếu bằng nghề tiểu
thủ công nghiệp hoặc sản xuất nhỏ. Một bộ phận khác buôn bán hàng hóa tiêu dùng
và một số loại hàng hóa khác, nên một số phong tục tập quán trong lễ nghi của người
Hoa Triều Châu quận 11 có sự giao lưu, tiếp biến văn hóa với các nhóm ngôn ngữ
Hoa khác nói riêng và các ngôn ngữ khác nói chung. Trong quá trình cộng cư Người
Hoa Triều Châu ở thành phố Hồ Chí Minh vẫn bảo lưu, gìn giữ những giá trị văn hóa
truyền thống bản địa so với các nhóm ngôn ngữ khác tại Việt Nam thông qua nghi lễ
chuyển đổi trong hôn nhân và tang ma.
Chọn bốn tỉnh, thành phố trên để nghiên cứu, theo chúng tôi đó là sự bổ sung

cho nhau. Mỗi địa bàn nghiên cứu, người Hoa Triều Châu đều thể hiện được tính văn
hóa cội nguồn, bản sắc riêng của người Hoa Triều Châu thông qua nghi lễ chuyển đổi
trong hôn nhân và trong tang ma. Vì thế, việc lấy tư liệu từ sách vở, thư tịch, văn bản,
và tư liệu nghiên cứu điền dã dân tộc học tại 4 tỉnh, thành phố trên là rất quan trọng.
Bên cạnh đó, luận án còn tham khảo tư liệu và quá trình điền dã dân tộc học ở một số
tỉnh thành khác để phân tích, so sánh, thống kê và tổng hợp một cách tốt hơn nhằm
làm nổi bật vai trò, vị trí của các cá nhân thông qua nghi lễ chuyển đổi trong hôn
nhân và trong tang ma. Từ đó, luận án làm sáng rõ hơn yếu tố văn hóa, yếu tố xã hội
của người Hoa Triều Châu tại vùng nghiên cứu.
4.3. Thời gian nghiên cứu
Luận án giới hạn nghiên cứu từ đầu thế kỷ XX cho đến nay. Đây là khoảng
thời gian người Hoa Triều Châu nói riêng và các nhóm ngôn ngữ Hoa khác nói chung
di cư đến Việt Nam nhiều đợt, nhiều địa phương với số người đông hơn. Mặc dù, qua
thời gian và không gian những nghi lễ chuyển đổi đó cũng có những biến đổi do ảnh
hưởng, giao lưu văn hóa với các tộc người cùng nơi cư ngụ, hoặc họ có thay đổi ít
nhiều do ảnh hưởng của nhân tố lịch sử, chính trị, kinh tế - xã hội của các tộc người
khác và ngày chính bản thân họ cũng tự thay đổi để phù hợp với xu hướng phát triển
của xã hội.


15

5. Phương pháp nghiên cứu
Trong luận án này, chúng tôi lựa chọn cách tiếp cận nghiên cứu trường hợp,
qua đó hướng tới thực hiện được các mục tiêu và giả thuyết đặt ra một cách tốt nhất.
Chúng tôi tập trung thực hiện các phương pháp nghiên cứu như: Quan sát – tham dự,
thu thập và xử lý thông tin định tính, thu thập và phân tích các văn bản, thư tịch, tài
liệu sử dụng trong nghiên cứu tại các địa bàn nghiên cứu như: Thị xã Bạc Liêu thuộc
tỉnh Bạc Liêu; xã Bình An huyện Châu Thành và thị xã Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên
Giang; xã Vĩnh Hải và thị trấn Vĩnh Châu thuộc huyện Vĩnh Châu thuộc tỉnh Sóc

Trăng; quận 6, quận 11 của thành phố Hồ Chí Minh.
Phương pháp quan sát – tham dự là phương pháp đặc thù của ngành nhân học.
Đây là phương pháp bắt buộc người nghiên cứu phải sống, cùng tham gia làm việc
với cộng đồng người Hoa Triều Châu ở địa bàn nghiên cứu trong một thời gian dài.
Người nghiên cứu sống, tham gia các hoạt động, sinh hoạt với người dân địa phương
càng nhiều càng tốt. Thực tế trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã cố gắng hòa
nhập với cuộc sống của người dân địa phương không chỉ qua các buổi phỏng vấn mà
còn qua sự hiện diện những buổi sinh hoạt thường nhật hàng ngày của họ. Chúng tôi
thường chọn thời gian tham gia sinh hoạt với cộng đồng thường từ 5 - 7 ngày hoặc có
nơi 10 ngày tùy theo thời gian diễn ra nghi lễ hôn nhân hoặc nghi lễ tang ma hoặc tết
Thanh minh ở mỗi nơi địa bàn nghiên cứu khác nhau.
Trong quá trình tiến hành quan sát và tham dự với cộng đồng người Hoa Triều
Châu ở các địa phương, chúng tôi gặp không ít khó khăn, vì một số đối tượng nghiên
cứu là những người lớn tuổi sống tách lập với người Việt nên họ vẫn còn sử dụng
tiếng Triều Châu (tiếng Tiều) với con cháu họ khi giao tiếp ở nhà. Mặt khác, do sự
hiểu biết hạn chế về tiếng Triều Châu, nên mỗi khi chúng tôi tiếp xúc với các đối
tượng nghiên cứu trên phải thông qua chính con, cháu của họ làm phiên dịch. Hơn
nữa, chúng tôi là những người nghiên cứu, không phải là người Hoa Triều Châu nên
gặp trở ngại ban đầu khi tiếp xúc với họ. Nhưng sau một thời gian, chúng tôi đã cố
gắng hòa nhập vào cộng đồng, tham gia, trải nghiệm, thực hiện những sinh hoạt đời
sống hàng ngày nhằm tránh khoảng cách giữa người nghiên cứu và đối tượng nghiên


16

cứu. Các trích dẫn trong luận án và tên, địa chỉ của những người cung cấp thông tin
hoàn toàn sử dụng tên thật, không mã hóa hoặc thay đổi tên khác.
Phương pháp thu thập và xử lý thông tin định tính là phương pháp lấy thông
tin từ các thành viên trong cộng động nơi nghiên cứu. Các cuộc đối thoại có chủ định
và dữ liệu thu tịch được thu thập từ trung tâm lưu trữ của các địa phương nghiên cứu,

hoặc các trung tâm lưu trữ nơi có người Hoa Triều Châu sinh sống. Phương pháp này
chúng tôi thực hiện bằng phương pháp quan sát – tham dự trong cộng đồng người
Hoa Triều Châu trong quá trình điền dã tại các địa phương. Đặc biệt, chúng tôi tiến
hành phỏng vấn cá nhân với nhiều hình thức như: phỏng vấn lịch sử qua lời kể (Oral
history) từ những người lớn tuổi, phỏng vấn chiến lược, phỏng vấn nhóm tập trung,
và phỏng vấn cá nhân được coi là phỏng vấn chính thức. Đối với cách thức này,
người nghiên cứu và những người cung cấp thông tin cảm thấy thoải mái khi trao đổi
với nhau. Người nghiên cứu xác định thu thập thông tin để học hỏi, trải nghiệm về
cuộc sống hàng ngày kinh nghiệm sống của người dân nơi đây về kinh tế, văn hóa, xã
hội. Đồng thời, chúng tôi cũng chia sẻ những nhìn nhận của chúng tôi về vị thế, vai
trò của các cá nhân trong từng gia đình của mỗi nghi lễ chuyển đổi mà thành viên đó
đã trải qua. Đặc biệt, khi thiết kế công cụ nghiên cứu phương pháp này, chúng tôi
không dựa hoàn toàn vào các câu hỏi định sẵn khi trò chuyện với người dân địa
phương mà chủ yếu làm việc với bộ công cụ nghiên cứu các câu hỏi mở được thiết kế
riêng cho quá trình thực hiện luận án này. Vì thế, trong quá trình phỏng vấn, người
phỏng vấn và người được phỏng vấn không còn khoảng cách mà là một buổi trò
chuyện, trao đổi thân tình cởi mở. Chính sự thoải mái trong quá trình phỏng vấn đã
tạo điều kiện thuận lợi cho người được phỏng vấn dễ dàng trình bày các quan điểm, ý
kiến, cách thức thực hiện các nghi lễ, những sự kiêng kỵ trong quá trình thực hành
nghi lễ chuyển đổi trong hôn nhân và tang ma.
Mặc dù, đây là phương pháp thu thập và xử lý thông tin định tính, chúng tôi
tiến hành chọn mẫu theo nguyên tắc chọn mẫu phân tầng và trường hợp mở rộng với
các thành phần tham dự đại diện cho nhóm đối tượng tùy theo từng nghi lễ chuyển
đổi mà mục đích của luận án yêu cầu. Chúng tôi cũng cân nhắc khi chọn đối tượng


17

nghiên cứu để có nhiều góc nhìn khách quan như yếu tố về giới tính, vùng miền,
nghề nghiệp, địa vị xã hội như: Đại diện của Hội quán Triều Châu, người kinh doanh

buôn bán, những người nông dân, những nhà tri thức, …để tiến hành nghiên cứu.
Bên cạnh đó, chúng tôi còn thực hiện công việc thu thập và phân tích các văn
bản, thư tịch, tài liệu có liên quan đến người Hoa Triều Châu ở Nam Bộ về quá trình
di dân, kinh tế, văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Đặc biệt, trong quá trình trao
đổi, trò chuyện với chúng tôi, những đối tượng nghiên cứu thường đưa ra những câu
ca dao, tục ngữ, câu đối trong nghi lễ hôn nhân và tang ma, nhằm giải thích rõ hơn về
phong tục, tập quán, ý nghĩa văn hóa và quan niệm sống của họ trong quá trình thực
hiện nghi lễ hôn nhân và nghi lễ tang ma. Do đó, chúng tôi phải làm công việc như
những người thực hiện việc chú giải những câu đối, tục ngữ có liên quan đến cuộc
sống hôn nhân và tang ma của người dân địa phương đã bàn luận, để hiểu sâu hơn về
những nghi lễ trước, trong và sau trong nghi lễ chuyển đổi xảy ra. Để hiểu được cách
thức tiến hành nghi lễ chuyển đổi trong hôn nhân và trong tang ma của người Hoa
Triều Châu, chúng tôi phải tiến hành tham khảo các sách viết về biểu tượng, nghi lễ
vòng đời người, nghi lễ chuyển đổi của các tác giả trong và ngoài nước viết có liên
quan. Do đó, chúng tôi xác định rõ đây là công trình nghiên cứu về nghi lễ chuyển
đổi trong chu kỳ xã hội nên cần có sự nhận thức rõ ràng về các giai đoạn chuyển
ngưỡng của mỗi nghi lễ.
Về phương pháp phỏng vấn: tác giả áp dụng phỏng vấn chính thức và phỏng
vấn không chính thức. Phỏng vấn không chính thức là cách nói chuyện với người dân
không chuẩn bị đề cương hoặc không kiểm soát nội dung. Người phỏng vấn nhớ lại
câu chuyện trên cơ sở ghi nhanh lúc phỏng vấn. Cách phỏng vấn này thích hợp với
các cuộc phỏng vấn tại hiện trường, phỏng vấn làm quen với người dân và người
cung cấp thông tin. Tác giả đã thu thập được nhiều thông tin hồi cố về lịch sử di dân,
nguồn gốc xây dựng làng xóm, hoạt động kinh tế, các dạng thức văn hoá, sự thay đổi
các lễ vật trong các nghi lễ chuyển đổi đều nhờ phương pháp này.
Tuỳ theo nội dung nghiên cứu mà chúng tôi thực hiện phỏng vấn ở các đối
tượng, giới, lứa tuổi khác nhau để có nguồn tư liệu chính xác, tin cậy. Khi gặp những


18


trường hợp cùng một hiện tượng văn hoá nhưng nhiều người Hoa Triều Châu ở các
tỉnh khác nhau, các vị chức sắc và có địa vị giải thích khác nhau, tác giả phải tôn
trọng, ghi nhận lại những ý kiến đó và khi viết luận án có phân tích, chọn lọc, nêu tên
tuổi, địa chỉ người cung cấp thông tin.
Đặc biệt trong luận án này, chúng tôi chú trọng tới phương pháp emic và etic
khi trình bày nội dung khoa học của luận án. Sử dụng Phương pháp emic là đưa tiếng
nói của người được phỏng vấn (người trong cuộc) dưới dạng trích dẫn đóng trong
khung vào nội dung để chứng minh cho các nhận định trong luận án nhằm có sự so
sánh, đối chiếu những nhận định của tác giả với ý kiến của đối tượng nghiên cứu
trong luận án. Các trích dẫn lời nói của các chủ thể văn hoá, thể hiện những quan
điểm, nhận xét, cách lý giải của họ về các hành động, các hiện tượng văn hoá… diễn
ra trong nghi lễ chuyển đổi trong hôn nhân và tang ma. Phương pháp này làm cho
luận án mang tính khách quan hơn, tránh sự áp đặt chủ quan của người nghiên cứu.
6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
6.1. Ý nghĩa khoa học
Ứng dụng lý thuyết nghi lễ chuyển đổi vào nghiên cứu nghi lễ chuyển đổi
trong hôn nhân và tang ma của người Hoa Triều Châu ở Nam bộ, trước hết nhằm:
- Tập hợp và hệ thống hoá tư liệu, giải mã các biểu tượng văn hoá trong nghi
lễ chuyển đổi trong hôn nhân và tang ma của người Hoa Triều Châu ở Nam Bộ trong
diễn trình lịch sử, cộng cư và sinh sống cùng các dân tộc khác tại vùng đất Nam Bộ.
- Làm rõ sự thay đổi về vai trò, vị thế, nghĩa vụ, trách nhiệm, tư cách của đối
tượng thụ hưởng chính trong nghi lễ chuyển đổi trong hôn nhân và đối tượng thụ tang
chính trong nghi lễ chuyển đổi trong tang ma. Mỗi nghi lễ chuyển đổi luận án cũng
xác định rõ đối tượng nào là đối tượng được thụ hưởng chính, thụ tang chính, đối
tượng nào là những thành phần tham dự trong từng nghi lễ chuyển đổi nhưng không
phải là đối tượng thụ hưởng chính trong hôn nhân và hoặc thụ tang chính trong tang
ma trong từng giai đoạn cụ thể.
- Qua kết quả nghiên cứu, tác giả bổ sung thêm những nhận xét khoa học
nhằm giải thích và làm phong phú thêm lý thuyết nghi lễ chuyển đổi của Arnold Van



19

Gennep, Victor W.Turner trong giai đoạn trước - trong - sau ngưỡng trong nghi lễ
hôn nhân và nghi lễ tang ma mà luận án đề cập trong quá trình nghiên cứu.
- Qua lý thuyết, tác giả luận án làm nổi bật tình trạng trước - trong ngưỡng sau ngưỡng trong hôn nhân về sự thay đổi vai trò, vị thế, nghĩa vụ, trách nhiệm, tư
cách của các anh em trai, chị em dâu phải phụ thuộc vào vai thứ của chồng mình.
Đồng thời, luận án còn nổi bật tình trạng trước - trong - sau ngưỡng trong tang ma về
sự thay đổi vai trò, vị thế, nghĩa vụ, trách nhiệm, tư cách, quyền lợi của anh em trai,
con trai duy nhất, chị em dâu, chị em gái trong nghi lễ tang ma khi bố/mẹ qua đời.
6.2. Ý nghĩa thực tiễn
Kết quả nghiên cứu của luận án với những nguồn tư liệu mới về nghi lễ
chuyển đổi của người Hoa Triều Châu ở Nam Bộ là công trình có ý nghĩa thực tiễn
và trong việc tìm hiểu những đặc trưng văn hóa tộc người của các cộng đồng người
Hoa ở Việt Nam nói chung và cộng đồng người Hoa Triều Châu ở Nam Bộ nói riêng.
Luận án đã tìm ra những yếu tố văn hoá mang giá trị truyền thống để bảo tồn,
phát huy giá trị văn hóa truyền thống chống lại những hủ tục lạc hậu gây cản trở
trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới của người Hoa Triều Châu ở Việt Nam nói
chung và ở Nam bộ nói riêng trong giai đoạn hiện nay.
7. Đóng góp của luận án
Những nghiên cứu này không chỉ góp phần giúp người đọc bao gồm cả người
Hoa Triều Châu hiểu biết hơn về văn hóa truyền thống của người Hoa Triều Châu mà
còn giúp các cấp có thẩm quyền có cơ sở khoa học để hoạch định các chính sách có
liên quan đến việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa truyền thống tộc người
trong quá trình hội nhập.
1. Thông qua điền dã, tham dự, quan sát nghiên cứu nghi lễ chuyển đổi của
người Hoa Triều Châu ở một số tỉnh miền Tây Nam bộ và thành phố Hồ Chí Minh,
tác giả luận án thu thập, bổ sung những tư liệu khoa học mới vào kho tàng tư liệu
khoa học về nghi lễ, nghi lễ chuyển đổi qua từng giai đoạn của người Hoa Triều

Châu nói riêng và người Hoa nói chung ở Nam bộ.


20

2. Bổ sung thêm những luận cứ khoa học vào khung lý thuyết nghi lễ chuyển
đổi của các tác giả phương Tây khi nghiên cứu vào các tộc người ở các nước phương
Tây khác với các tộc người ở phương Đông, đặc biệt là nhóm ngôn ngữ Triều Châu
của người Hoa Triều Châu ở Nam bộ cụ thể sau:
- Trong khung lý thuyết nghi lễ chuyển đổi trong hôn nhân, tác giả luận án đã
xác định rõ đối tượng được thụ hưởng chính trong sự thay đổi vai trò, vị thế, nghĩa
vụ, trách nhiệm, tư cách sau hôn lễ chính là chú rể và cô dâu. Các đối tượng khác là
những người tham dự nhưng không phải là người được thụ thưởng chính trước –
trong - sau ngưỡng của nghi lễ chuyển đổi trong hôn nhân của người Hoa Triều Châu
ở Nam bộ.
Trong nghi lễ này, tác giả đề cập đến tính thiêng trong nghi lễ chính là sự thay
đổi vai trò, vị thế, trách nhiệm, nghĩa vụ, tư cách của cô dâu và chú rể trước -trong sau khi làm lễ cưới trước bàn thờ gia tiên được thay đổi hoàn toàn so với trước khi
làm lễ. Họ làm lễ đều được sự chứng giám của họ hàng, gia đình và những người
thân quen trong gia đình xã hội thừa nhận.
- Trong khung lý thuyết nghi lễ chuyển đổi trong tang ma, tác giả luận án đã
xác định rõ đối tượng thụ tang chính trong sự thay đổi vai trò, vị thế, nghĩa vụ, trách
nhiệm, tư cách, quyền lợi của người Hoa Triều Châu ở Nam bộ không phải là người
chết, mà chính là chồng/vợ, con người chết. Những thành viên khác là cháu, chắt và
những người thân họ hàng, bạn bè thân thuộc của người chết là những đối tượng
tham gia nhưng không phải là đối tượng thụ tang chính trong nghi lễ tang ma.
Trong nghi lễ này, tác giả cũng đề cập đến cái thiêng trong nghi lễ chuyển đổi
trong tang ma, nhưng cái thiêng ở đây thể hiện sự giải thoát, sự nhất quán trong quan
niệm vũ trụ, nhân sinh quan, từ những lễ thức mang tính đơn giản của cá nhân cho
đến những lễ thức lớn mang tính cộng đồng của người Hoa Triều Châu ở Nam Bộ.
Tác giả cũng phân tích khá chi tiết về tình trạng trước ngưỡng, tình trạng trong

ngưỡng và tình trạng sau ngưỡng (tái hội nhập hoặc phân ly vĩnh viễn) về vai trò, vị
thế, trách nhiệm, nghĩa vụ, thừa hưởng của người thụ hưởng chính trong gia đình và
xã hội.


21

3. Thông qua phương pháp so sánh, đối chiếu các lễ thức, vị thế trong nghi lễ
chuyển đổi trong hôn nhân và trong tang ma ở các địa bàn tác giả nghiên cứu, để thấy
được sự giống và khác nhau về lễ thức trong yếu tố văn hóa Nho giáo, Đạo giáo và
văn hóa tâm linh của người Hoa Triều Châu trong quá trình di cư. Qua đó, thấy được
vị thế xã hội và gia đình của chính mỗi người con trai trưởng, con trai thứ, con trai út
và cả những người con trai một trong gia đình có những điểm giống và khác biệt
nhất.
- Với kết quả nghiên cứu trên, luận án mong muốn đóng góp những căn cứ
khoa học, cung cấp thông tin khoa học về văn hóa tộc người thông qua các nghi lễ
hôn nhân và tang ma cho các cấp lãnh đạo hoạch định những chính sách trong việc
phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội vùng đồng bào người Hoa sinh sống nói chung
và người Hoa Triều Châu nói riêng ở Nam bộ, nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn
hóa tinh thần truyền lại cho các thế hệ sau học tập.
8. Bố cục của luận án
Ngoài phần dẫn luận và kết luận, tài liệu tham khảo, phụ lục, mục lục, luận án
gồm ba chương:
Chương 1: Cơ sở lý thuyết về nghi lễ chuyển đổi và khái quát chung về
người Hoa Triều Châu ở Nam Bộ
Trình bày một số thuật ngữ và khái niệm về nghi lễ, nghi lễ của chu kỳ vòng
đời người, nghi lễ chuyển đổi và tình trạng ngưỡng, quan niệm về nghi lễ trong hôn
nhân và tang ma của người Hoa ở Nam bộ. Khái quát chung về quá trình di dân –
định cư, dân số và phân bố dân cư, đời sống kinh tế - xã hội và văn hóa của người
Hoa Triều Châu ở Nam Bộ.

Chương 2: Nghi lễ chuyển đổi trong hôn nhân của người Hoa Triều Châu
ở Nam bộ
Trình bày một số quan niệm về nghi lễ chuyển đổi trong hôn nhân của người
Hoa Triều Châu ở Nam bộ. Đồng thời, thông qua nghi lễ chuyển đổi trong hôn nhân
nhằm phân tích sự thay đổi vai trò, vị thế, nghĩa vụ, trách nhiệm, tư cách sau hôn lễ
của chú rể và cô dâu phải trải qua các ngưỡng: tình trạng trước ngưỡng (tiền ngưỡng)


22

– trong ngưỡng (tình trạng nửa vời) và sau ngưỡng (quá trình tái hội nhập) mang tính
cá nhân và tính cộng đồng. Ngoài ra, luận án còn phân tích sự khác biệt về vai trò, vị
thế, nghĩa vụ, trách nhiệm, tư cách của anh em trai (trai trưởng - thứ - út) với nhau,
và các chị em dâu phụ thuộc vào người chồng của mình (dâu trưởng –thứ - út) trong
nghi lễ chuyển đổi trong hôn nhân trong cùng một gia đình của người Hoa Triều
Châu ở Nam bộ để thấy được những điểm giống và khác nhau giữa các thành viên
trong gia đình.
Chương 3: Nghi lễ chuyển đổi trong tang ma của người Hoa Triều Châu
ở Nam Bộ
Trong chương này, tác giả phân tích một số quan niệm về tang ma của người
Hoa Triều Châu ở Nam Bộ. Đồng thời, thông qua nghi lễ chuyển đổi trong tang ma
nhằm phân tích sự thay đổi vai trò, vị thế, nghĩa vụ, trách nhiệm, tư cách của chồng
hoặc vợ, con trai, gái, dâu, rể, cháu nội ngoại và những người thân trong nghi lễ
chuyển đổi trong tang ma của người Hoa Triều Châu qua các giai đoạn: trước
ngưỡng, trong ngưỡng (tình trạng nửa vời), sau ngưỡng (tình trạng phân ly và tái hội
nhập) với xã hội của vợ/chồng, con cháu người quá cố. Đồng thời, luận án còn so
sánh vai trò, vị thế, nghĩa vụ, trách nhiệm, tư cách của vợ/chồng, con trai (trai trưởng
- thứ - út hoặc con trai một), hoặc các con dâu (dâu trưởng - thứ - út) phụ thuộc vào
vị thế của người chồng mình lấy khi cha mẹ chồng qua đời để thấy được những điểm
giống và khác nhau giữa mỗi thành viên trong gia đình và ngoài xã hội.



23

CHƯƠNG 1
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VỀ NGHI LỄ CHUYỂN ĐỔI VÀ
KHÁI QUÁT CHUNG VỀ NGƯỜI HOA TRIỀU CHÂU Ở NAM BỘ
1.1. Cơ sở lý thuyết về nghi lễ chuyển đổi
1.1.1. Thuật ngữ và khái niệm
1.1.1.1. Khái niệm nghi lễ
Từ “nghi lễ” tiếng Anh là Ritual có nguồn gốc từ tiếng latin ritus [29; tr. 311],
có nghĩa là hành vi có trật tự. Nghi lễ không chỉ có nghĩa là nghi lễ tôn giáo, nó còn
có nhiều nghĩa khác. Theo nghĩa hẹp, thuật ngữ này chỉ những hoạt động mang tính
bắt buộc, chính thức diễn ra trong bối cảnh thờ cúng tôn giáo, mà còn có nghĩa lễ
hiến sinh cho linh hồn của tổ tiên. Theo các nhà nhân học, thuật ngữ “nghi lễ” bao
hàm bất kỳ hoạt động nào có mức độ chính thức cao và có mục đích không vị lợi.
Cách sử dụng này không chỉ bao gồm các hoạt động tôn giáo rõ ràng mà còn cả
những sự kiện như lễ hội, diễu hành, kết nạp, trò chơi, chào mừng...Bên cạnh đó, nó
được áp dụng thích hợp đối với các hình thức của hành vi tôn giáo và gắn kết với các
chuyển đổi xã hội, “nghi lễ” mang tính chuyển đổi. Thuật ngữ “nghi thức” tiếng Anh
là Ceremony có liên quan nhiều hơn đến hành vi tôn giáo mà gắn kết với các trạng
thái xã hội. Nghi thức chính là thể chế luật pháp – chính trị mang tính xác nhận có
một ý nghĩa rất lớn đối với mọi người trong xã hội.
Thuật ngữ ngưỡng (liminal) xuất phát từ chữ limen trong tiếng La tinh, có
nghĩa là ngưỡng, giúp ta nắm bắt một cách tinh tế về các trạng thái tồn tại trong một
vị thế có hạn định nào đó. Bản thân chữ ngưỡng cũng có nghĩa là không ở bên trong
và cũng không ở bên ngoài - betwizt and between. Một người ở trong ngưỡng là
người đang ở vị trí trung gian giữa các vai trò, vị thế mà luật pháp, phong tục, qui
ước mà nghi thức đã qui định và lập nên.
Chủ thể của nghi lễ chuyển đổi trong giai đoạn ngưỡng kích thích dưới là “vô

hình” không về thể xác thì cũng là cấu trúc xã hội. Trạng thái đang được chuyển đổi
không thể xác định được về mặt cấu trúc. Trạng thái đang chuyển đổi có nghĩa là con


×