Tải bản đầy đủ (.pdf) (181 trang)

NGHIÊN CỨU CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CÁC VĂN NGHỆ SĨ CẦN THƠ: NGUYỄN PHƯƠNG DANH, HUỲNH NĂNG NHIÊU, ĐIÊU HUYỀN, QUỐC THANH, CHÍ SINH

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.65 MB, 181 trang )

SỞ VHTT TP. CẦN THƠ
BẢO TÀNG THÀNH PHỐ

UBND THÀNH PHỐ CẦN THƠ
SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

BÁO CÁO KHOA HỌC

NGHIÊN CỨU
CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP
CÁC VĂN NGHỆ SĨ CẦN THƠ:

NGUYỄN PHƯƠNG DANH,
HUỲNH NĂNG NHIÊU, ĐIÊU HUYỀN,
QUỐC THANH, CHÍ SINH

NĂM 2006


BÁO CÁO KHOA HỌC

NGHIÊN CỨU
CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP
CÁC VĂN NGHỆ SĨ CẦN THƠ:

NGUYỄN PHƯƠNG DANH,
HUỲNH NĂNG NHIÊU, ĐIÊU HUYỀN,
QUỐC THANH, CHÍ SINH

- CHỦ NHIỆM ĐỀ TÀI : CN HOÀNG BỬU HIẾU
- CƠ QUAN CHỦ TRÌ : BẢO TÀNG TP. CẦN THƠ


- CƠ QUAN QUẢN LÝ : SỞ KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ
TP. CẦN THƠ

NĂM 2006

2


NHỮNG NGƯỜI THỰC HIỆN
________
Chủ nhiệm đề tài:
Bà Hoàng Bửu Hiếu, Cử nhân Văn hóa,
Giám đốc Bảo tàng TP. Cần Thơ.
Phó Chủ nhiệm đề tài:
1. Soạn giả Nhâm Hùng, Hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Ủy
viên Thường vụ Hội Văn học Nghệ thuật TP. Cần Thơ, Chuyên viên Sở Văn
hóa Thông tin TP. Cần Thơ.
2. Ông Huỳnh Đỉnh Chung, Cử nhân Văn hóa, Phó Giám đốc Bảo tàng TP.
Cần Thơ.
Cán bộ tham gia thực hiện:
1. Soạn giả Nhâm Hùng, Hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Ủy
viên Thường vụ Hội Văn học Nghệ thuật TP. Cần Thơ, Chuyên viên Sở Văn
hóa Thông tin TP. Cần Thơ, nghiên cứu về Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn
Phương Danh (Tám Danh) và Nghệ sĩ Huỳnh Năng Nhiêu (Bảy Nhiêu).
2. Ông Thái Ngọc Anh, Cử nhân Văn hóa, Trưởng Phòng Quản lý Nghiệp
vụ - Sở Văn hóa Thông tin TP. Cần Thơ, nghiên cứu về Soạn giả Điêu
Huyền.
3. Ông Nguyễn Trung Vinh, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh
Cần Thơ, nguyên Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cần Thơ, nghiên cứu về
Soạn giả Quốc Thanh và Soạn giả Chí Sinh.

4. Bà Nguyễn Thị Mỹ, Cử nhân Khoa học, Trưởng Phòng Kiểm kê - Bảo
quản - Bảo tàng TP. Cần Thơ, Thư ký Ban Chủ nhiệm đề tài.
5.Bà Nguyễn Lê Thanh Trúc, Kế toán - Bảo tàng TP. Cần Thơ.
***

3


TÓM TẮT NỘI DUNG, KẾT QUẢ THỰC HIỆN
Nhằm có thêm tài liệu khoa học, khẳng định sự đóng góp vào kho tàng
văn hóa dân tộc, văn hóa Cần Thơ - Đề tài nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp
của 5 văn nghệ sĩ, quê quán ở Cần Thơ đã qua đời, được tiến hành từ năm 2004
đến nay. Nhóm tác giả đã sưu tầm, tra cứu nhiều nguồn tư liệu, gặp gỡ nhân
chứng, gia đình các nghệ sĩ.
Trên cơ sở tổng quan tài liệu về kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đất Cần Thơ
vào nửa đầu thế kỷ XX, trong hai cuộc kháng chiến, lịch sử hình thành và một
số lý thuyết cơ bản về nghệ thuật sân khấu cải lương. Qua kiểm chứng, đối chiếu
tư liệu, thảo luận đã cho thấy phạm vi nghiên cứu vượt xa hơn mục tiêu của đề
tài. Báo cáo khoa học được thực hiện với những nội dung trọng tâm:
- Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Phương Danh, nghệ danh Tám Danh (19011976), với sự nghiệp kép hát lừng danh; sự nghiệp đạo diễn để lại dấu ấn quan
trọng: đưa “vũ đạo vào sân khấu cải lương”; sự nghiệp đào tạo - nghiên cứu lý
luận: biên soạn được tập giáo trình, đưa vào giảng dạy nhiều thế hệ diễn viên
trong Nam, ngoài Bắc. Ngoài ra, ông còn có sự nghiệp chính trị khá dày dạn, giữ
nhiều cương vị cao trong giới văn học nghệ thuật. Ông cùng với nghệ sĩ Bảy
Nhiêu, thuộc lớp tiên phong, có công xây dựng và phát triển nền nghệ thuật cải
lương ở thời kỳ rực rỡ nhất.
- Nghệ sĩ Huỳnh Năng Nhiêu, nghệ danh Bảy Nhiêu: có nhiều sáng tạo
trong cách ca, lối diễn. Sự nghiệp sáng tác: có hàng chục vở tuồng và bản nhạc
Hoài tình nổi tiếng rất lâu. Ông còn đưa ra nhiều cung cách quản lý (Bầu gánh)
khá thành công. Đặc biệt, đã viết nhiều thiên hồi ký báo chí, có giá trị lịch sử về

sân khấu cải lương.
- Soạn giả Điêu Huyền, đóng góp nhiều cho sân khấu kháng chiến chống
Pháp ở Cần Thơ. Là một soạn giả hàng đầu của sân khấu cải lương miền Nam
trước và sau ngày giải phóng, trong vùng địch tạm chiếm, biên soạn và hợp soạn
nhiều vở tuồng mang tính kinh điển: Tiếng hò Sông Hậu, Tìm lại cuộc đời,
Khách sạn Hào Hoa,...
- Soạn giả Quốc Thanh và Soạn giả Chí Sinh hoạt động trong thời kháng
chiến chống Mỹ ở tỉnh Cần Thơ. Hai tác giả có nhiều công lao trong xây dựng,
lãnh đạo Đoàn Văn công Cần Thơ; sáng tác và ứng dụng tốt tác phẩm cải lương
ngắn, mang tính thời sự cao, hiện nay còn lưu lại một số tác phẩm có giá trị.
Kết luận, nhóm tác giả đã nêu lên những phát hiện mới và hiệu quả của đề
tài; khẳng định tầm vóc và sự đóng góp của các văn nghệ sĩ nêu trên.
Mặt hạn chế nêu một số lĩnh vực nghệ thuật khác có liên quan tới Nghệ sĩ
Nhân dân Tám Danh, nghệ sĩ Bảy Nhiêu chưa được làm rõ. Sự nghiệp hoạt động
nghệ thuật của các soạn giả Quốc Thanh, Chí Sinh còn thiếu độ dày.
Phần kiến nghị các hướng phát huy của đề tài: in sách, làm phim, tài liệu
giảng dạy ở trường nghệ thuật, nghiên cứu, chọn tên các văn nghệ sĩ nêu trên để
đặt tên trường, tên đường, đơn vị nghệ thuật.
Cuối cùng là các phần: tài liệu tham khảo, phụ lục danh mục hoạt động
sân khấu cải lương và các hiện vật có liên quan đến đối tượng nghiên cứu./.
4


MỤC LỤC
________

NỘI DUNG

Trang


TÓM TẮT NỘI DUNG

4

MỤC LỤC

5

LỜI NÓI ĐẦU

8

Chương 1
TỔNG QUAN VỀ KINH TẾ, VĂN HÓA, XÃ HỘI
VÙNG ĐẤT CẦN THƠ TRONG SỰ HÌNH THÀNH
VÀ PHÁT TRIỂN NGHỆ THUẬT SÂN KHẤU CẢI LƯƠNG

10

1.1
1.2
1.3
1.4

10
11
13
16

Cần Thơ với những bước phát triển ban đầu

Cần Thơ trong hai thời kỳ kháng chiến
Khởi phát về văn hóa
Lược sử nghệ thuật cải lương Nam bộ và sự phát triển cải
lương Cần Thơ
1.4.1 Đờn ca tài tử ra đời
1.4.2 Hình thức ca ra bộ, một bước phát triển mới
1.4.3 Phong trào thành lập những “gánh hát kim thời”
1.4.4 Nghệ thuật cải lương định hình và phát triển vào thập niên 20
(thế kỷ XX)
1.5 Sân khấu cải lương Cần Thơ trong hai cuộc kháng chiến
1.5.1 Cải lương Cần Thơ trong chín năm kháng chiến chống thực
dân Pháp
1.5.2 Cải lương Cần Thơ thời kháng chiến chống đế quốc Mỹ
1.6 Quê hương các văn nghệ sĩ
1.6.1 Mấy nét về vùng đất Nhơn Nghĩa (Phong Điền, Cần Thơ) nơi
sinh của Nghệ sĩ Nhân dân Tám Danh và soạn giả Điêu Huyền
1.6.2 Mấy nét về vùng đất Thốt Nốt (Cần Thơ) nơi sinh của nghệ sĩ
Bảy Nhiêu
1.6.3 Mấy nét về vùng đất Long Thạnh (Phụng Hiệp, Hậu Giang) nơi
sinh của soạn giả Quốc Thanh
1.6.4 Mấy nét về vùng đất Thường Thạnh (Cái Răng, Cần Thơ) nơi
sinh của soạn giả Chí Sinh
Chương 2
KHÁI QUÁT VỀ NGHỆ THUẬT CẢI LƯƠNG
VÀ CÁC PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
5

10

16

17
18
19
21
21
23
24
24
29
32
35
41
41


2.1 Một số lý thuyết về nghệ thuật cải lương
2.1.1 Tuồng (kịch bản) cải lương, là khâu quan trọng đầu tiên
2.1.2 Công việc dàn dựng - đạo diễn
2.1.3 Nghệ thuật biểu diễn
2.1.4 Các hình thức hỗ trợ khác
2.1.5 “Gánh cải lương” và “Bầu gánh”
2.2 Phương pháp nghiên cứu
2.2.1 Xây dựng đề cương, xác định rõ mục tiêu, nội dung, phạm vi,
địa bàn nghiên cứu
2.2.2 Phỏng vấn nhân chứng, thân nhân
2.2.3 Xử lý tài liệu
2.2.4 Địa điểm và thời gian nghiên cứu
2.3 Nhận định chung

41

42
43
43
44
44
45

Chương 3
KẾT QUẢ THẢO LUẬN

48
48

3.1 Cuộc đời, sự nghiệp của Nghệ sĩ Nhân dân Tám Danh
(Nguyễn Phương Danh, 1901-1976)
3.1.1 Tiểu sử
3.1.2 Sự nghiệp diễn viên (kép hát) với những nét nổi bật
3.1.3 Sự nghiệp đạo diễn, dàn dựng
3.1.4 Sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu lý luận
3.1.5 Sự nghiệp quản lý và sự nghiệp chính trị
Kết luận
3.2 Cuộc đời, sự nghiệp của nghệ sĩ Bảy Nhiêu (Huỳnh Năng
Nhiêu, 1903-1976)
3.2.1 Tiểu sử
3.2.2 Sự nghiệp diễn viên (kép hát) với những nét nổi bật
3.2.3 Sự nghiệp sáng tác
3.2.4 Sự nghiệp quản lý (bầu gánh) và kinh doanh nghệ thuật
3.2.5 Sự nghiệp viết báo (trang kịch trường) với những thiên hồi ký
báo chí
Kết luận

3.3 Cuộc đời, sự nghiệp của soạn giả Điêu Huyền (Phạm Văn
Điều, 1915-1983)
3.3.1 Tiểu sử
3.3.2 Sự nghiệp sáng tác
3.3.3 Phân tích tác phẩm tiêu biểu
Kết luận
3.4 Cuộc đời, sự nghiệp của soạn giả Quốc Thanh (Võ Hữu
Thành - Vũ Thanh Tâm, 1923-1970)
3.4.1 Tiểu sử
3.4.2 Sự nghiệp lãnh đạo, quản lý
6

45
46
46
47
47

48
48
53
57
60
68
72
78
79
84
90
96

102
114
118
118
126
131
144
146
146
149


3.4.3 Sự nghiệp sáng tác
3.4.4 Phân tích tác phẩm tiêu biểu
Kết luận
3.5 Cuộc đời, sự nghiệp của soạn giả Chí Sinh (Nguyễn Văn Dễ,
1931-1971)
3.5.1 Tiểu sử
3.5.2 Sự nghiệp lãnh đạo, quản lý
3.5.3 Sự nghiệp sáng tác
3.5.4 Phân tích tác phẩm tiêu biểu
Kết luận

152
153
157

KẾT LUẬN CHUNG VÀ KIẾN NGHỊ

174


1/ Một số nhận xét tổng quát
2/ Những phát hiện mới và hiệu quả của đề tài
3/ Mặt hạn chế của đề tài
4/ Kiến nghị hướng phát huy đề tài
Mấy ý kiến cuối cùng

174
175
176
176
177

TÀI LIỆU THAM KHẢO

179

PHẦN PHỤ LỤC

181

- Danh mục các tuồng do Nghệ sĩ Nhân dân Tám Danh dàn dựng ở
miền Bắc (1954-1970)
- Danh mục các vai diễn, vở tuồng Nghệ sĩ Nhân dân Tám Danh tham
gia
- Danh sách các thế hệ học trò thành đạt của Nghệ sĩ Nhân dân Tám
Danh
- Danh mục hoạt động sân khấu của nghệ sĩ Huỳnh Năng Nhiêu
- Danh mục hiện vật, tài liệu liên quan đến Nghệ sĩ Nhân dân Tám
Danh và nghệ sĩ Bảy Nhiêu

- Danh mục hiện vật, tài liệu liên quan đến soạn giả Điêu Huyền
- Danh mục hình ảnh, tư liệu của soạn giả Quốc Thanh và soạn giả
Chí Sinh
- Hình ảnh: chân dung và những hoạt động liên quan đến Nghệ sĩ
Nhân dân Nguyễn Phương Danh, nghệ sĩ Huỳnh Năng Nhiêu, soạn
giả Điêu Huyền, soạn giả Quốc Thanh và soạn giả Chí Sinh

7

159
159
162
163
165
172


LỜI NÓI ĐẦU
______________

Vùng đất Cần Thơ xưa và nay vẫn là nơi ươm mầm cho nhiều tài năng
văn học nghệ thuật, với những tên tuổi đã được biết đến: Thủ khoa Bùi Hữu
Nghĩa, nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị, soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng
Quyền, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước…
Tiếp tục khám phá, tìm hiểu về những danh nhân xứ sở miệt vườn, có
những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp văn hóa nước nhà cũng như địa
phương, lần này, Sở Văn hóa Thông tin - Bảo tàng Cần Thơ đi vào lĩnh vực
nghệ thuật sân khấu cải lương, thực hiện đề tài nghiên cứu về cuộc đời, sự
nghiệp những văn nghệ sĩ quê quán ở Cần Thơ đã qua đời, thuộc các thế hệ
trước.

Cải lương là loại hình nghệ thuật sân khấu, một ngành kịch hát dân tộc,
tuy còn non trẻ nhưng do theo kịp với trào lưu, nhịp sống mới của thời đại nên
chưa đầy một thế kỷ đã có sự vươn lên mạnh mẽ, trở thành niềm đam mê, món
ăn tinh thần không thể thiếu của hàng triệu người, một nét văn hóa Nam bộ
mang tính đặc trưng.
Trong sự phát triển đó, vùng đất Cần Thơ lâu nay luôn tự hào là một trong
những cái nôi sinh thành và thúc đẩy ngành nghệ thuật cải lương lớn lên. Nhiều
nghệ nhân, nghệ sĩ, bầu gánh, soạn giả nổi tiếng xuất thân từ “Tây Đô”, góp
phần đưa cải lương Cần Thơ đi khắp lục tỉnh, trong cả nước và hải ngoại. Vì
vậy, việc nghiên cứu sâu về những con người Cần Thơ, đã góp phần quan trọng
vào sự hình thành và phát triển của loại hình nghệ thuật dân tộc này, giờ đây rất
cần thiết và có ý nghĩa tích cực. Điều đó, thực hiện đúng chủ trương bảo tồn và
phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5
(khóa VIII) của Đảng.
Trên tinh thần đó, dựa vào nền tảng lý thuyết về lịch sử hình thành và phát
triển cũng như đặc điểm, đặc trưng của nghệ thuật sân khấu cải lương, trong đề
tài này, nhóm tác giả quan tâm nghiên cứu nội dung trọng tâm: Tiểu sử, sự
nghiệp của 5 văn nghệ sĩ Cần Thơ, với những nét nổi bật nhất, tiêu biểu nhất,
theo trình tự hoạt động và thời gian:
1. Nghệ sĩ Nhân dân Tám Danh, quê ở Nhơn Nghĩa, Phong Điền, Cần
Thơ, các lĩnh vực: nghệ thuật biểu diễn cải lương qua những vai diễn để đời, sự
nghiệp làm “Bầu gánh”. Đặc biệt là những nỗ lực vượt qua gian khó trong tham
gia 9 năm kháng chiến chống Pháp ở miền Nam cũng như những đóng góp và
thành quả to lớn của ông trong xây dựng nền sân khấu cải lương cách mạng ở
giai đoạn tập kết ra miền Bắc, khẳng định tầm vóc lớn của một nghệ sĩ Nam bộ
được Bác Hồ yêu mến.
2. Nghệ sĩ Bảy Nhiêu, quê ở Thốt Nốt, Cần Thơ thuộc lớp nghệ sĩ tiên
phong, một thời lừng danh trong và ngoài nước, có nhiều thành tựu nổi bật trong
nghệ thuật biểu diễn (kép hát); nghệ thuật quản lý (Bầu gánh), nghệ thuật soạn
tuồng - viết bài ca... Đặc biệt, ông đã để lại cho đời những trang sử liệu hết sức

8


quý giá về quá trình hình thành và phát triển của sân khấu cải lương, qua những
thiên hồi ký báo chí.
3. Soạn giả Điêu Huyền quê ở Nhơn Nghĩa, Phong Điền, Cần Thơ một
cây bút cự phách trong lĩnh vực sáng tác tuồng cải lương tại Sài Gòn, thời kỳ
trước và sau ngày miền Nam giải phóng, đã soạn và hợp soạn những vở cải
lương nổi tiếng mang tính kinh điển như: Tiếng hò sông Hậu, Tìm lại cuộc đời,
Khách sạn Hào Hoa. Ngoài ra, ông còn có nhiều đóng góp cho quê hương Cần
Thơ, nhất là giai đoạn tham gia kháng chiến chống Pháp, xây dựng sân khấu cải
lương kháng chiến.
4. Soạn giả Quốc Thanh, liệt sĩ, quê ở Long Thạnh, Phụng Hiệp, Hậu
Giang, nổi rõ với hai lĩnh vực: quản lý, lãnh đạo đơn vị nghệ thuật kháng chiến
và biên soạn tác phẩm, kịp thời phục vụ tuyên truyền, mở ra hướng đi có hiệu
quả cho sân khấu cải lương thời chống Mỹ.
5. Soạn giả Chí Sinh, liệt sĩ, quê ở Thường Thạnh, Cái Răng, Cần Thơ với
vai trò lãnh đạo, quản lý và sáng tác. Ông khá thành công với thể loại ca cổ, ca
kịch cải lương ngắn, nhiều tác phẩm vẫn còn được công chúng mến mộ.
Hiện nay, có rất ít sách, tài liệu, công trình nghiên cứu về nghệ thuật cải
lương được xuất bản; cũng chưa có một hội thảo khoa học mang tầm quốc gia,
đi đến thống nhất, nhận định một cách đầy đủ xung quanh về nghệ thuật cải
lương. Buổi đầu hình thành như thế nào? Ai lập gánh đầu tiên? Ai viết tuồng cải
lương đầu tiên? Ai đưa bài Dạ cổ hoài lang (vọng cổ) lên sân khấu? Những
người đầu tiên mang cải lương ra nước ngoài biểu diễn, đem lại hiệu quả gì?
Ngoài ra việc xây dựng nền sân khấu cải lương cách mạng ở miền Bắc, sân khấu
cải lương kháng chiến ở miền Nam, cải lương - văn công kháng chiến ở Cần
Thơ, cải lương miền Nam trong vùng địch tạm chiếm và sau ngày giải phóng có
những vấn đề gì cần qua tâm?
Trong đề tài này, nhóm tác giả hết sức cố gắng để làm sáng tỏ, thông qua

cuộc đời sự nghiệp của các đối tượng nghiên cứu. Cụ thể là sự nỗ lực thu thập
cho được những tư liệu có giá trị; chọn lọc, phân tích những phát hiện mới về
lịch sử hình thành và phát triển nghệ thuật cải lương nói chung, cũng như nghệ
thuật cải lương Cần Thơ. Mặt khác, qua nghiên cứu khẳng định tầm vóc sự
nghiệp, công lao các lớp nghệ sĩ tiên phong, lớp nghệ sĩ kháng chiến quê quán ở
Cần Thơ. Từ đó, giúp các cơ quan quản lý văn hóa, các đơn vị nghệ thuật,
Trường Văn hóa Nghệ thuật... vận dụng vào các hoạt động thực tiễn về nghiệp
vụ. Đồng thời, có nguồn tư liệu mới để bổ sung vào sách “Địa chí”, “Nhân vật
chí” Cần Thơ ngày thêm phong phú, rạng rỡ.
CHỦ NHIỆM ĐỀ TÀI

GIÁM ĐỐC BẢO TÀNG TP. CẦN THƠ
Hoàng Bửu Hiếu
9


Chương 1
TỔNG QUAN VỀ KINH TẾ, VĂN HÓA, XÃ HỘI VÙNG ĐẤT
CẦN THƠ TRONG SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
NGHỆ THUẬT SÂN KHẤU CẢI LƯƠNG
Cuối thế kỷ thứ XIX, thực dân Pháp sau khi chiếm xong Nam kỳ (1867)
dần ổn định việc cai trị, bắt đầu công cuộc khai thác các nguồn lợi kinh tế, nhứt
là vùng phía Tây sông Hậu. Phục vụ cho ý đồ này, Pháp thành lập tỉnh Cần Thơ
vào năm 1876, lỵ sở đóng tại thôn Tân An (tức chợ Cần Thơ ngày nay). Các
quận trực thuộc là: Châu Thành, Phụng Hiệp, Ô Môn, Trà Ôn, Cầu Kè, Cái Vồn.
Lúc này, quận Thốt Nốt (giáp ranh Ô Môn - tỉnh Cần Thơ) thuộc tỉnh Long
Xuyên, nhưng Thốt Nốt khá thông thương với Cần Thơ, bởi quận lỵ sát bờ sông
Hậu, ghe, tàu lên xuống Cần Thơ, Ô Môn mỗi ngày. Các con rạch Thốt Nốt,
rạch Cần Thơ Bé… có nhiều nhánh chảy qua vùng Cần Thơ.
1.1 CẦN THƠ VỚI NHỮNG BƯỚC PHÁT TRIỂN BAN ĐẦU

Người từ miền ngoài đi lập nghiệp qua bờ Tây sông Hậu, chiếm cứ các gò
đất cao, dọc theo bờ sông hoặc theo các con rạch lớn. Họ ưa thích nơi “sông sâu
nước chảy” vừa tiện lợi việc đi lại, vừa có nước tưới tiêu. Không bao lâu, kỹ
thuật đào mương lên liếp lập vườn được ứng dụng: miệt vườn Cần Thơ nhanh
chóng hình thành bao gồm các dãy đất dọc theo rạch Cần Thơ tới Phong Điền,
rạch Bình Thủy ăn qua vùng đất Ô Môn.
Miệt vườn Cần Thơ vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX có thể hình
dung là những vườn cam, quít, dừa, cau, chuối bạt ngàn bao quanh tỉnh lỵ Cần
Thơ, quanh chợ Cái Răng, chợ Ô Môn (chợ Thới An Đông). Sự sung túc đến độ
sánh với miệt vườn vùng trên như Cái Bè, Cái Mơn, Sa Đéc… là những nơi có
nghề vườn phát triển sớm hơn: Diện tích vườn ở Cần Thơ năm 1904 có: “Cau
1600 mẫu”, “Trầu 150 mẫu”, “Cam quít 70 mẫu”, “Chuối 200 mẫu”, “Măng
cụt 15 mẫu”. Kinh tế phát triển, người đến ở, làm vườn ngày thêm đông. Trong
khi dân số ở tỉnh lỵ Cần Thơ (thôn Tân An) có 10.000 người, thì “Làng Long
Tuyền ở rạch Bình Thủy gồm 11.939 dân, làng Nhơn Ái (Phong Điền) với
10.464 dân. Những số liệu trên cho thấy sự tập trung dân cư ở miệt vườn, bởi
huê lợi vườn cao hơn ruộng từ 5 - 10 lần.(1)
Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền
Anh có thương em thì cho bạc cho tiền
Đừng cho lúa gạo, xóm giềng cười chê.
Câu hát dân gian cho thấy sự sung túc của tuyến miệt vườn, hai bên bờ
dọc theo rạch Cần Thơ, sông Hậu.

(1)

Văn minh miệt vườn - Sơn Nam, NXB Văn hóa 1992
10


Đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp tiến hành đào kinh xáng Xà No (19011903), rồi đào kinh Ngã Bảy - Phụng Hiệp (1905-1915), vùng Cần Thơ - Hậu

Giang có thêm hàng chục ngàn mẫu ruộng. Lúa từ Rạch Giá, Sóc Trăng, Bạc
Liêu chuyển lên, xay xát tại các nhà máy Bảy Ngàn, Cái Răng rồi đưa thẳng lên
Sài Gòn - Chợ Lớn xuất cảng. Chợ Cái Răng phát triển nhà phố san sát, các
chành lúa mở ra thu hút một khối lượng lớn lúa gạo chỉ sau Sài Gòn - Chợ Lớn.
Từ năm 1901-1906, mức sản xuất lúa của tỉnh Cần Thơ mỗi năm 116.000 tấn,
đứng hạng nhứt Nam kỳ về nông nghiệp. Song song đó, công nghiệp cũng có
bước phát triển mạnh với nhiều nhà máy xay lúa, công xi rượu, cơ khí… Đáng
chú ý, từ năm 1923, tại làng Phú Hữu (huyện Châu Thành), có nghiệp chủ bỏ ra
số tiền lớn để lập nhà máy sản xuất gạch ngói có kỹ thuật cao nhất, nhì trong
vùng, đến năm 1946 mới ngưng hoạt động do chiến tranh.
Kinh tế phát triển mạnh, Cần Thơ nghiễm nhiên trở thành “trung tâm
miền Tây” - mà người ta quen gọi dần là “Tây Đô”. Nhà lồng chợ Cần Thơ được
xây dựng qui mô, sừng sững ở ngã ba sông Hậu. Cùng với phát triển kinh tế,
người Pháp chú trọng mở đường lộ xe, xây phố, lập chợ ở những trung tâm dân
cư. Đường lộ xe Cần Thơ - Sóc Trăng, Cần Thơ - Rạch Giá được đắp dần. Phà
Cần Thơ cũng ráo riết thi công, đến năm 1918 là hoàn thành. Tới cuối thập niên
20 (thế kỷ XX) thì tuyến xe đò Cần Thơ - Sài Gòn được thông suốt, xe đò chạy
từ Cần Thơ lên Sài Gòn khoảng 6 tiếng đồng hồ. Đường thủy có tàu đi Sài Gòn,
Nam Vang và những tỉnh lân cận. Khu vực tỉnh lỵ Cần Thơ mở rộng, đặt nhiều
trụ sở hành chính của Pháp. Về giáo dục, năm 1917, chính quyền Pháp lập
trường Trung học Collége, nhưng mới là ký túc xá, mãi đến năm 1921 mới
chính thức mở lớp bổ túc chương trình tiểu học đầu tiên với 36 học sinh. Trước
đó, tại Cần Thơ đã có trường Trung học Võ Văn đón học sinh con nhà khá giả,
từ các quận lân cận học nội trú (thời điểm này các quận mới có sơ học). Ở lĩnh
vực y tế, từ năm 1895, Pháp đã xây dựng Bệnh viện Cần Thơ quy mô 100
giường. Các huyện lỵ đều có trạm y tế, bảo sanh nhà nước, bên cạnh nhiều nhà
thuốc tây mới mở.
Khu vực nội ô Cần Thơ mở rộng khá nhanh, nhiều khách sạn, tửu lầu mọc
lên. Đường phố, nhà ngói xây cất nhiều đến nỗi 6 lò gạch trong vùng không đủ
cung. Dân tứ xứ đổ về làm ăn mỗi ngày nhiều thêm, “Tây Đô” dần hình thành

trở thành danh gọi quen thuộc.
1.2 CẦN THƠ TRONG HAI THỜI KỲ KHÁNG CHIẾN
Cuộc khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nhân dân
Cần Thơ vừa xây dựng chính quyền cách mạng, vừa bước vào cuộc kháng chiến
đầy gian khổ khi Pháp trở lại xâm lược. Trong 9 năm đánh địch, từ chiến công
của Đội Cảm tử Quốc gia Tự vệ cuộc đánh vào Bộ chỉ huy Pháp ở Cái Răng do
Lê Bình chỉ huy, rồi bốn trận Tầm Vu (1947-1948) lập nên chiến công vang dội,
đến trận chiến thắng Cái Sình (Vị Thanh) năm 1952, nhấn chìm tàu chiến Pháp
đã đi vào lịch sử, tinh thần “trường kỳ kháng chiến” vì độc lập, giải phóng dân
tộc đã trở thành nguồn sức mạnh cổ vũ ý chí gan thép, để quân và dân Cần Thơ
chiến đấu ròng rã trong 3.000 ngày đêm gian khổ, góp phần cùng cả nước hoàn
11


thành thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp, dẫn đến Hiệp định đình chiến
Giơ-ne-vơ (1954).
Tuy nhiên, nhân dân ta chưa vui hưởng hòa bình được bao lâu, thì đế quốc
Mỹ nhảy vào can thiệp, dựng lên chế độ tay sai Ngô Đình Diệm. Cùng với cả
nước, quân dân Cần Thơ “Đồng khởi” bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ
cứu nước với biết bao hy sinh, gian khổ trước sự đàn áp, khủng bố dã man của
đế quốc và tay sai. Tại Cần Thơ chúng lập Bộ Chỉ huy đầu não vùng 4 chiến
thuật, với bộ máy chiến tranh cực kỳ hiện đại. Lực lượng cách mạng với 3 mũi
đánh địch: chính trị, binh vận và vũ trang đã giáng cho kẻ thù nhiều đòn chí tử,
làm nên bao chiến công hiển hách như: trận đánh đồn Quang Phong (Phương
Bình - Phụng Hiệp), trận tiêu diệt chi khu Một Ngàn (Châu Thành), trận tổng
tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) đánh thẳng vào hang ổ đầu não địch
tại thị xã Cần Thơ. Đặc biệt, trận chiến thắng đẩy lùi 75 tiểu đoàn địch lấn chiếm
ở Long Mỹ, đã đánh dấu một trong những chiến công oanh liệt nhất của lịch sử
kháng chiến, góp phần tiến tới cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm
1975, giải phóng Cần Thơ.

Trong điều kiện chiến tranh, nhưng vùng đất và con người Cần Thơ cũng
có những bước phát triển về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội ngay trong
lòng địch ở đô thị, cũng như vùng giải phóng ở nông thôn.
Chủ trương phát động nhân dân “tăng gia sản xuất”, công cuộc cải cách
ruộng đất đã cấp 240.000ha đất cho nông dân, đã làm biến đổi bộ mặt nông thôn
giải phóng thời chống Pháp. Ở giai đoạn chống Mỹ, phong trào lập “ấp chiến
đấu”, bám trụ “một tấc khi đi, một ly không rời” khiến cho chủ trương lập ấp
chiến lược của địch thất bại. Tuy trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, nhưng nông
thôn Cần Thơ vẫn là địa bàn đứng chân vững vàng của lực lượng cách mạng,
trong suốt hai thời kỳ kháng chiến.
Trong khi đó, ở khu vực đô thị, các chế độ thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và
tay sai chỉ tập trung mọi nguồn lực cho chiến tranh, nên không có nhiều dấu ấn
quan trọng như hồi đầu thế kỷ XX. Ở Cần Thơ, thời chống Mỹ địch xây dựng
các sân bay, bến cảng khá sớm, chủ yếu phục vụ quân sự. Từ năm 1945 đến năm
1975, vùng đất Cần Thơ chỉ có một số phát triển đáng chú ý:
Hệ thống đô thị từ trung tâm tỉnh lỵ đến các huyện lỵ được mở rộng thêm,
với đường giao thông bộ nối liền; lập các hãng xe đò chạy đường dài, đường
ngắn. Cần Thơ vẫn là vựa lúa lớn, với hệ thống nhà máy xay xát khắp nơi, cũng
là đầu mối kinh tế quan trọng nhứt ở miền Tây, mệnh danh Tây Đô. Từ năm
1960, nông nghiệp Cần Thơ bắt đầu cơ giới hóa với gần 3.000 máy cày, máy
xới. Năm 1966, ở một số nơi nông dân bắt đầu sản xuất lúa “Thần Nông”, tăng
lên 2 vụ/năm. Về công nghiệp, từ năm 1966 chế độ cũ thành lập Khu kỹ nghệ
Trà Nóc, xây dựng Nhà máy nhiệt điện Trà Nóc cung cấp điện cho nhiều tỉnh.
Lĩnh vực thương mại có sự phát triển khá nhanh với hàng trăm đại lý mua bán
xe mô tô, cơ khí điện máy… mở ra ở thị xã Cần Thơ và các huyện lỵ.
12


Về giáo dục, thời Pháp chỉ có trường trung học, đến năm 1966 Viện Đại
học Cần Thơ được thành lập. Bệnh viện Thủ khoa Nghĩa (nay là Bệnh viện đa

khoa Trung ương) với 300 giường được xây dựng, bên cạnh Bệnh viện Quân y
Phan Thanh Giản (nay là Viện Quân y 121). Song song đó, hệ thống phát thanh
truyền hình mang tính “Trung tâm của vùng 4 chiến thuật” cũng được xây
dựng, sớm đưa vào hoạt động trong năm 1968. Thời gian từ năm 1969 đến ngày
giải phóng miền Nam (30/4/1975), chính quyền Sài Gòn không đầu tư xây dựng
thêm ở Cần Thơ những công trình lớn nào đáng kể, ngoài những căn cứ quân sự
phục vụ chiến tranh.
Tóm lại, tình hình kháng chiến bên cạnh sự phát triển nhất định về kinh
tế, văn hoá, xã hội ở tỉnh Cần Thơ là điều kiện để các hoạt động văn hóa nghệ
thuật dựa vào đó mà phát triển, với hai hướng rõ rệt: trong vùng giải phóng và
khu vực đô thị địch tạm chiếm. Cuộc kháng chiến tuy đầy gian khổ, hy sinh, mất
mát nhưng cũng sản sinh ra bao người con ưu tú, đã dũng cảm chiến đấu cho sự
nghiệp giải phóng dân tộc. Trong đó, có những chiến sĩ là nghệ sĩ, nhà văn, nhà
báo, nhà nhiếp ảnh, nhà quay phim, họa sĩ, nhạc sĩ…
1.3 KHỞI PHÁT VỀ VĂN HOÁ
Song song với sự phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh lỵ Cần Thơ giờ đây cũng
là trung tâm của cái nôi văn minh miệt vườn, khởi phát nhiều nhân tố và hình
thức văn học nghệ thuật. Có thể ghi nhận một số nét nổi bật:
Làng Long Tuyền (Bình Thủy) là quê quán của nhà thơ - Thủ khoa Bùi
Hữu Nghĩa, một trong bốn rồng vàng của đất Đồng Nai - Cửu Long về thơ ca.
Ông cũng là nhà soạn tuồng đầu tiên ở vùng đất này, qua vở Kim Thạch Kỳ
Duyên.
Cử nhân Phan Văn Trị người Bến Tre, khi Pháp chiếm Nam kỳ, về tỵ địa
dạy học tại làng Nhơn Ái (Phong Điền). Cụ cử Trị là một nhà thơ yêu nước, có
tư tưởng chống thực dân Pháp nổi tiếng với trận bút chiến cùng Tôn Thọ Tường.
Ông Trương Duy Toản (người quê ở Tam Bình - Vĩnh Long), một trí thức
yêu nước, một nhà báo nổi tiếng đầu thế kỷ XX, cũng có thời gian “an trí”, lánh
thực dân Pháp về ở tại làng Nhơn Ái (Phong Điền). Tại đây, ông đỡ đầu và viết
nhiều bài ca cho Ban tài tử Ái Nghĩa. Đây là ban tài tử mạnh nhứt ở Cần Thơ lúc
bấy giờ, thu hút nhiều nghệ nhân. Làng Nhơn Ái (Châu Thành) cũng là nơi xuất

thân của kép Tám Danh. Từ nhỏ Tám Danh đã biết chơi đờn ca tài tử, hát cho
nhiều nhà hàng, khách sạn khắp lục tỉnh. Sau này, trở thành một nghệ sĩ lừng
danh. Ông Trương Duy Toản trở thành soạn giả đầu tiên, góp phần nâng từ ca
tài tử lên ca ra bộ, với bài Bùi Kiệm thi rớt trở về, cũng là người đầu tiên soạn
hoàn chỉnh một kịch bản sân khấu cải lương cho gánh Đồng Bào Nam (Mỹ
Tho).
Ngoài ra, về thơ ca lưu truyền rằng đất Long Tuyền (Bình Thủy) còn là
nơi ra đời của “Tao Đàn Bà Đồ” (nay vẫn còn địa danh xóm Bà Đồ ở Bình
Thủy) sánh với “Chiêu Anh Các” (Hà Tiên), “Bạch Mai Thi Xã” (Gia Định).
13


Tao Đàn Bà Đồ là nơi nhiều thi sĩ đất Nam kỳ lui tới như cụ Đồ Chiểu, Bùi Hữu
Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt, Phan Hiển Đạo…
Về văn nghệ dân gian: đất Cần Thơ cũng sinh ra điệu hò Cần Thơ, hò Ngã
Bảy. Thầy dạy hò ở Cái Tắc, Phong Điền được tín nhiệm lúc bấy giờ, bởi lối bẻ
câu, bẻ chữ như câu ca dao:
Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền
Anh có thương em thì cho bạc cho tiền…
Được thầy hò bẻ lại, khi kinh xáng Xà No đào xong:
Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Xà No
Anh có thương em thì mua cho một chiếc đò...
Ở miệt trên, vùng Thốt Nốt cũng sản sinh ra nhiều nghệ nhân, soạn giả,
bầu gánh nổi tiếng với Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền, Vương Có, Trần
Ngọc Đảnh, Huỳnh Năng Nhiêu (Bảy Nhiêu), …
Các quận, làng dần ổn định đời sống, khai thác kinh tế, nên đình làng
cũng được xây cất theo. Hầu như, mỗi làng đều có một đình. Các đình lớn như
Bình Thủy, Tân An, Thường Thạnh, Thới An, Nhơn Ái đều được triều đình Huế
sắc phong “Thành Hoàng Bổn Cảnh” khá sớm. Đình Bình Thủy có lối kiến trúc
đẹp, khang trang được vua Tự Đức sắc phong từ năm 1852 (hiện nay vẫn giữ

dáng vẻ truyền thống, được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích cấp quốc
gia). Cũng thời gian này, Cần Thơ cũng ra đời những gánh hát bội lớn như gánh
Bầu Bòn. Cô Năm Nhỏ quê ở Cái Vồn, trở thành ngôi sao đứng đầu Nam kỳ,
được trong giới tôn là hậu tổ nghề hát bội.
Khi tuyến “văn minh miệt vườn” Cần Thơ càng dài thêm vào đầu thế kỷ
XX, các hình thức văn hóa hiện đại cũng bắt đầu xuất hiện ở Cần Thơ:
Hai tờ báo đầu tiên được xuất bản năm 1911, tại tỉnh lỵ đã có nhà máy in,
lấy tên “Imprimerie de L'ouest”. Tờ báo thứ nhứt bằng Pháp ngữ là tuần báo Le
Courrier De L'ouest, chủ nhiệm là luật sư người Pháp Gallois Montbrum, vị chủ
bút người Việt tên Võ Văn Thơm, quản lý là ông Trần Đắc Nghĩa. Ra đời ít lâu,
tờ báo đình bản, do in bằng Pháp ngữ, ít người đọc. Rút kinh nghiệm này, năm
1912 ông Võ Văn Thơm đứng ra làm chủ nhiệm tờ “An Hà Nhật Báo” bằng
tiếng Việt, ông Trần Đắc Nghĩa vẫn quản lý, được nhiều văn thi sĩ hợp tác.
Năm 1913, báo đổi tên “An Hà Báo”. Đây là tờ báo Việt ngữ đầu tiên ở
Cần Thơ và vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ra đời chỉ sau tờ Gia
Định Báo ở Nam kỳ.
Nhờ có nhà in sớm, việc xuất bản sách văn học cũng phát triển với các
tiểu thuyết: Bẩm ông chủ của Huỳnh Văn Tân, Quán bên đường, thơ của Trực
Trần. Lúc này, ông Hồ Biểu Chánh, vừa là Chủ quận Ô Môn, cũng vừa là nhà
văn viết nhiều tiểu thuyết nói về miệt vườn, nổi tiếng đến sau này.
Trước năm 1920, Cần Thơ đã có hát bóng câm. Năm 1918, thấy việc kinh
doanh nghệ thuật có lợi nhuận khá, một doanh nhân là Thầy Lý bỏ tiền xây rạp
14


hát tại trung tâm tỉnh lỵ, tên là rạp Mesner, mọi người quen gọi là rạp Thầy Lý
(địa điểm gần chợ Cần Thơ ngày nay). Sau khi khai trương, nhiều gánh lớn đổ
về hát. Khán giả Cần Thơ quen dần với các hình thức nghệ thuật mới.
Năm 1922, tại chợ Thốt Nốt gánh Tập Ích Ban ra đời nhanh chóng vươn
ra khắp lục tỉnh. Đến năm 1927, ông Trần Đắc Nghĩa đứng ra lập gánh hát cải

lương Trần Đắc giao cho Năm Châu làm thầy tuồng và điều hành toàn diện. Chỉ
trong thời gian ngắn, Trần Đắc trở thành 1 trong 2 đại ban của Nam kỳ, vang
tiếng một thời (cùng với gánh Phước Cương - Mỹ Tho) lưu diễn tận Hà Nội. Sau
đó gặp cơn khủng hoảng kinh tế toàn cõi Đông Dương, nên rã gánh vào năm
1933.
Những thập niên đầu thế kỷ XX, Cần Thơ nhanh chóng phát triển mọi
mặt, độ sung túc chỉ đứng sau Sài Gòn - Chợ Lớn, không chỉ tác động các quận
trong tỉnh mà còn lan xa cả Nam kỳ. Quận Thốt Nốt (thuộc tỉnh Long Xuyên),
chỉ cách “Tây Đô” 40 cây số, cố nhiên chịu ảnh hưởng Cần Thơ qua sự giao lưu
nhiều mặt , trong đó có văn hóa nghệ thuật.
Thời điểm thập niên đầu thế kỷ XX, những tỉnh, quận, làng nằm dọc theo
bờ sông Hậu đều có điều kiện phát triển sớm về mọi mặt. Từ đầu nguồn Châu
Đốc dài xuống Long Xuyên, Thốt Nốt, Ô Môn, Cần Thơ, Trà Ôn là một tuyến
đường sông chiến lược ra thẳng biển Đông. Người đi mở đất lấy đó làm trục mở
mang việc giao thương qua lại, ngày càng nhộn nhịp. Giao lưu văn hóa nghệ
thuật, cũng đi liền theo đó. Từ thời hát bội phát triển, cũng như những Ban ca ra
bộ mạnh ở Nam kỳ lục tỉnh đều cập bến hát dọc theo sông Tiền hoặc sông Hậu.
Đến thời cải lương hình thành,với sự ra đời của các rạp hát mới, số lượng khán
giả càng gia tăng. Đây là điều kiện quyết định cho loại hình sân khấu “cải
lương” chiếm lĩnh đời sống văn hóa, trở thành một ngành kinh doanh hốt bạc,
thu hút những bầu gánh, thầy tuồng và nghệ nhân, nghệ sĩ.
Tỉnh lỵ Cần Thơ gắn liền với miệt vườn “Cái Răng - Ba Láng - Vàm
Xáng - Phong Điền” lên tới Ô Môn, trở thành cái nôi sinh thành Ban tài tử Ái
Nghĩa nổi tiếng, cùng lớp nghệ sĩ, nghệ nhân tiên phong của sân khấu cải lương
sau này.
Phía vùng trên Thốt Nốt, nửa chịu ảnh hưởng tỉnh lỵ Long Xuyên, cách
đó non 20 cây số, nửa gắn bó nhiều mặt với Cần Thơ. Là nơi hội tụ nhiều trí
thức, nhân sĩ, đặc biệt là các nghệ nhân, nghệ sĩ đờn ca tài tử (ĐCTT), sân khấu
cải lương. Trong lớp nghệ nhân, nghệ sĩ ở Cần Thơ - Thốt Nốt xưa nêu trên,
Tám Danh (Nguyễn Phương Danh) và Bảy Nhiêu (Huỳnh Năng Nhiêu) trở

thành lớp nghệ sĩ tiên phong theo nghề và thành danh sớm nhứt... Trong cuộc
kháng chiến chống Pháp, vùng đất Cần Thơ đã sản sinh ra soạn giả Điêu Huyền
tài năng, đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước các soạn giả Quốc Thanh,
Chí Sinh nối tiếp con đường sân khấu kháng chiến. Họ là những người có công
xây dựng bộ môn nghệ thuật cải lương từ buổi ban đầu, cho đến thời kỳ kháng
chiến (kể cả trong vùng địch tạm chiếm, và sau ngày giải phóng) góp phần cho
nghệ thuật cải lương định hình, phát triển rực rỡ trên phạm vi cả nước.
15


1.4 LƯỢC SỬ NGHỆ THUẬT CẢI LƯƠNG NAM BỘ
Điểm qua các quyển sách, công trình nghiên cứu về lịch sử sân khấu cải
lương, đã xuất bản đang được lưu hành, sử dụng khá nhiều, đó là: Nghệ thuật
sân khấu Việt Nam của Trần Văn Khải, Khai Trí, Sài Gòn năm 1966; Hồi ký
Năm mươi năm mê hát cải lương của Vương Hồng Sển, Sài Gòn năm 1968; Hồi
ký Những mảnh tình nghệ sĩ của Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Sĩ Tiến, Nhà xuất
bản (Nxb) Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) 1986; Nghệ thuật cải
lương những trang sử của Trương Bỉnh Tòng, các bài viết của Giáo sư Hoàng
Như Mai trong sách Địa chí văn hóa TPHCM, 1998. Có thể nói, dù còn một vài
chi tiết khác biệt, nhưng nhìn chung các nhà nghiên cứu “tiền bối” đã khá thống
nhất về mặt lịch sử.
Quá trình thực hiện đề tài, nhóm tác giả đã tổng hợp thu thập thêm nhiều
sự kiện, chi tiết có mối quan hệ mật thiết với Cần Thơ - Thốt Nốt xưa; với quá
trình hình thành nghệ thuật sân khấu cải lương từ buổi ban đầu, đến hai thời kỳ
kháng chiến ở vùng đất này. Qua đó, phác thảo mấy nét khái quát về lược sử
hình thành và phát triển nghệ thuật cải lương Nam bộ - Cần Thơ:
Trong xu thế canh tân, cải cách diễn ra mạnh mẽ hồi đầu thế kỷ XX, nhất
là tại Hà Nội, Sài Gòn. Trước sự suy tàn của Nho học và các hình thức văn học
nghệ thuật truyền thống - lĩnh vực sân khấu cũng có nhiều ý kiến đòi hỏi cải
cách. “Trong phong trào cải cách, mà nhiều người gọi là cải lương, vấn đề cải

lương sân khấu được nêu lên. Đối tượng cải lương là hát bội, loại hình sân khấu
phổ thông lúc bấy giờ”. (Hoàng Như Mai, Địa chí Văn hóa TPHCM, trang
170). Đó là đòi hỏi phải “cải lương” đối với nhiều lĩnh vực, trong đó có nghệ
thuật sân khấu. Vì vậy, khắp Nam kỳ lục tỉnh, một phong trào tìm tòi, đổi mới
hoạt động nghệ thuật rộ lên: Từ nhạc lễ chuyển sang đờn ca tài tử; Từ đờn ca tài
tử tiến lên ca ra bộ, hát chặp để rồi hình thành ngành nghệ thuật cải lương hoàn
chỉnh cho đến ngày nay.
1.4.1 Đờn ca tài tử ra đời
Nhạc lễ được truyền vào đất Đồng Nai - Cửu Long gắn với các dịp lễ hội
cộng đồng, bước đầu cùng với hát bội khơi dậy phong trào sinh hoạt văn hóa của
nhân dân. Tuy nhiên, nhạc lễ thường chỉ phục vụ cho lễ tế. Hát bội thì cả năm
mới về hát ở đình. Trong khi đó, nhu cầu sinh hoạt văn hóa nghệ thuật của cư
dân đòi hỏi ngày càng cao hơn. Bởi lẽ, ruộng vườn trù phú, phố chợ mở ra; lớp
người giàu, khá ngày càng nhiều! Mặt khác, khi vào vùng đất mới các nhạc sư,
nhạc quan cũng thêm nguồn cảm hứng sáng tạo.
Từ thực tế trên, nhạc lễ dần được chỉnh lý, mở rộng, phát triển; kết hợp
cùng các làn điệu dân ca, sáng tác bản nhạc mới, bài ca mới. Phong trào dạy đờn
ca ngày càng thịnh hành, với lớp học trò mới. Nhạc lễ từ đó cách tân thành nhạc
tài tử.
Đầu thế kỷ XX, từ chỗ nhạc tài tử chủ yếu là chơi theo bản đờn, sau khi
có bài ca mới, phong trào càng phát triển mạnh khắp Nam kỳ lục tỉnh, gọi là
chơi đờn ca tài tử. Sinh hoạt nghệ thuật mới này đã cuốn hút mọi giới từ công
16


chức, thợ thủ công (thợ bạc, thợ hớt tóc), đến con cháu các nhà quyền quí, địa
chủ. Nhà giàu, hương chức, hội tề có đám tiệc (quan, hôn, tang, tế) nhứt thiết
phải mời cho được Ban ĐCTT. Từ năm 1909-1915, nhiều tập bài ca tài tử được
ấn hành như sách “Lục tài tử”, “Thập tài tử”, “Tứ tài tử”, “Bát tài tử”. Ngoài các
đám tiệc, ĐCTT là dịp để bạn bè gặp mặt nhau, tiếng đờn lời ca thay cho lời tâm

sự. Có thể ghi nhận 3 hình thức sinh hoạt ĐCTT phổ biến ở Nam kỳ lục tỉnh vào
thời thịnh hành nhất:
- ĐCTT trong nhà (đám tiệc).
- ĐCTT ngoài vườn, dưới những đêm trăng sáng, bạn bè đờn ca hội tụ.
- Đờn ca trên ghe thương hồ ở các chợ, ngã ba, ngã tư sông.
Để nâng cao nghệ thuật, sinh hoạt ĐCTT thường có các cuộc so tài cao,
thấp giữa hai ban. Ai rớt nhịp thì kể như “thua” phải về ôn luyện lại.
Phong cách chơi ĐCTT dần phân chia thành 2 miền: Đại biểu cho nhóm
miền Đông (từ Mỹ Tho, Long An, Chợ Lớn trở lên), có các nghệ nhân bậc thầy
như: Ông Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi), là người có công chấn chỉnh, truyền dạy
bộ môn nhạc lễ, sáng tác nhiều bài bản mới, chuyển hơi điệu hình thành phong
cách ĐCTT. Đại biểu cho nhóm miền Tây là Ông Trần Quang Quờn (Ký Quờn)
quê ở Vũng Liêm (Vĩnh Long). Năm 1916-1917 ông sáng tác bài ca Bá Lý Hề
theo điệu Tứ Đại Oán.
Thời gian thịnh hành nhứt, có các ban ĐCTT khá nổi tiếng như: Ban tài tử
Mỹ Tho của ông Tư Triều, Ban tài tử Vĩnh Kim (Châu Thành, Tiền Giang) của
ông Bảy Triều, Ban tài tử của ông Tống Hữu Định ở Vĩnh Long. Thời kỳ này, ở
Cần Thơ có Ban tài tử Ái Nghĩa (Phong Điền) được ông Trương Duy Toản đỡ
đầu, viết các bài ca: Lão Quán Ca, Vân Tiên mù, Khen chàng Tử Trực, Thương
nàng Nguyệt Nga. Ở Bạc Liêu có Ban tài tử Nhạc Khị nổi tiếng, Ông Cao Văn
Lầu (học trò Nhạc Khị) sáng tác bài Dạ cổ hoài lang (tiền thân bài vọng cổ sau
này). Vùng Long Xuyên - Thốt Nốt, phong trào ĐCTT cũng khá phát triển với
nhiều nghệ nhân đờn bậc thầy.
1.4.2 Hình thức ca ra bộ, một bước phát triển mới
Thập niên đầu của thế kỷ thứ XX, là thời kỳ có những chuyển biến cực kỳ
quan trọng trong đời sống xã hội, Pháp ổn định nền móng cai trị. Công cuộc
khai thác lớn về kinh tế ở vùng đất Nam kỳ được tiến hành, văn hóa phương Tây
du nhập về các đô thị. Việc giao lưu ra nước ngoài cũng nhiều hơn: nhiều con
cái nhà địa chủ, hương chức hội tề được đi du học bên Tây. Ở lĩnh vực nghệ
thuật sân khấu, lần đầu tiên Ban ĐCTT của ông Tư Triều ở Mỹ Tho đi lưu diễn

ở Pháp, tiếp thu nhiều nét mới về cách đờn ca trên sân khấu. Tại Sài Gòn, song
song với nhiều ban tài tử trình diễn ở các rạp, các nhà hàng, các vở “kịch Tây”
bắt đầu biểu diễn, nhưng chưa thu hút mấy.
Trong khi nghệ thuật hát bội gần như bế tắt, không có hướng phát triển
mới, thì bộ môn ĐCTT bắt đầu có những chuyển biến có tính sáng tạo, cách tân.
Tại Vĩnh Long, Ban tài tử của ông Tống Hữu Định lưu diễn nhiều nơi. Ông Trần
17


Quang Quờn cải tiến cây đờn nguyệt cổ điển thành cây đờn kìm kêu lớn, phù
hợp với nhiều bài bản tài tử. Ở các tỉnh khác, các Ban ĐCTT cũng mở rộng việc
giao lưu, đường lối chơi tài tử từ “thính phòng” hướng đến chỗ đông người, có
khi tại rạp hát.
Trong quá trình tìm tòi cái mới, cộng với việc tiếp thu cái hay của người
nước ngoài về sân khấu. Năm 1915, tại huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) ông
Tống Hữu Định (còn gọi là ông Phó Mười Hai) một tay chơi hào phóng, qui tụ
nhiều anh, chị, em ĐCTT nổi tiếng đã mạnh dạn đề ra lối chơi mới:
Ông cho 3 người thử vai: Bùi Kiệm, Bùi Ông, Nguyệt Nga đứng trên bộ
ván ngựa vừa ca, vừa ra điệu bộ với bài Tứ đại oán, tựa: Bùi Kiệm thi rớt trở về,
do ông Trương Duy Toản sáng tác. Cuộc “thể nghiệm” được nhiều người tán
thưởng. Sau đó, các ban, gánh ca ra bộ được thành lập, đi biểu diễn khắp nơi,
công chúng đón nhận nhiệt liệt. Năm 1917, ông Lê Văn Thận, tức André Thận
(thầy Thận) thành lập gánh xiếc có hát bóng câm, rồi ca ra bộ tại Sa Đéc.
Theo hồi ký của nghệ sĩ Bảy Nhiêu: Năm 1917, gánh thầy Thận có hát
bóng câm và ca tài tử về diễn ở Thốt Nốt. Năm 1918, gánh “carabo” của thầy
Thận lại về chợ Thốt Nốt, hoàn toàn bỏ xiếc, bỏ hát bóng mà chỉ có ca tài tử và
ca ra bộ khá ăn khách, qua lớp: Bùi Kiệm de Nguyệt Nga. Đây có lẽ là gánh hát
ca ra bộ đầu tiên có doanh thu, kết quả khả quan. Tuy vậy, chỉ một năm sau do
lỗ lã, phải sang lại trọn gánh cho ông Châu Văn Tú (tức Thầy Năm Tú) ở Mỹ
Tho, từ đó đổi tên là “Gánh thầy Năm Tú”. Tại gánh này, ông Trương Duy Toản

được mời soạn cho những bài ca mới, rồi gộp những bài lẻ lại thành tiết mục hẳn
hoi, thiên về “ca để diễn”. Bài Bùi Kiệm thi rớt trở về được phát triển thêm, để
người ca dễ ra bộ. Sau đó là các chặp Hạnh Nguyên cống Hồ, Trang Tử cổ bồn
ca. Lần đầu tiên, diễn viên gánh thầy Năm Tú được thu dĩa cho hãng Pathé tại
Sài Gòn.
Có thể nói từ gánh ca ra bộ của thầy Thận (Sa Đéc) đến gánh thầy Năm
Tú, nghệ thuật trình diễn dần được sắp xếp có kịch bản, tiếp tục nâng lên theo
lối “hát chặp”. Tính chuyên nghiệp của các gánh ca ra bộ này cũng dần rõ nét:
gánh hát có tổ chức, lực lượng đông đảo; có tiết mục, phông màn, được trình
diễn ở rạp (thay vì nhà hàng). Đặc biệt, các nghệ nhân, tài tử trước đây dần dần
chuyển thành “đào, kép” hát như hát bội, hoàn toàn sống bằng nghề hát. Sự phát
triển này, đã góp phần làm thay đổi tập quán chỉ mê xem hát bội trước đây, hình
thành kiểu cách xem hát mới, cho thấy sinh hoạt thưởng thức nghệ thuật ở vùng
đô thị ngày càng văn minh hơn.
1.4.3 Phong trào thành lập những “Gánh hát kim thời”
Sau các gánh thầy Thận (Sa Đéc), gánh thầy Năm Tú (Mỹ Tho) mở đầu
cho việc đưa bộ môn ĐCTT lên sân khấu, ca ra bộ rồi hát chặp được công chúng
khán giả nhiệt liệt tán thưởng. Tại Thốt Nốt, gánh thầy Thận diễn suốt 15 đêm
liền, thiên hạ vẫn chen, lấn mua vé. Thấy làm ăn được nhiều gánh mới thành
lập. Ở Mỹ Tho vợ chồng ông Tư Đa, bà Tư Sự lập gánh treo bảng hiệu: “Gánh
hát kim thời Đồng Bào Nam”. Ý nghĩa muốn nói, đây là gánh hát kiểu thời nay,
18


để cho thấy khác với hát bội, hát Quảng, hát Tiều. Tháng 3/1919, gánh Đồng
Bào Nam về Cần Thơ, hát tại rạp Messner (thường kêu là rạp Thầy Lý). Đây là
gánh hát được tổ chức, quản lý theo lối mới thành lập ở Mỹ Tho năm 1918, vừa
mới về cung cách kinh doanh, vừa được tiếp tục nâng lên về nghệ thuật, rút kinh
nghiệm từ các gánh thầy Thận, thầy Năm Tú.
Tới Cần Thơ, gánh cho đi quảng cáo (rao bảng) bằng xe song mã, có dàn

đờn, trống Tây, có hề vẽ mặt đi kèm, cờ tam sắc treo khắp xe. Về nghệ thuật
gánh trình diễn tuồng Cô Ba lưu lạc, Lưu Bình Dương Lễ với cô đào chánh trẻ,
đẹp là Năm Phỉ, cùng kép Hai Giỏi (mới độ 16-17 tuổi). Các vở tuồng này hát
nhiều màn, có sơn thủy và diễn xuất theo những tình tiết, hoàn cảnh của vở
tuồng. Cũng tại gánh này, lần đầu tiên chủ gánh mướn một thầy tuồng chuyên
viết tuồng, tập tuồng tên là Jean Joseph (người Việt - quốc tịch Pháp), đào kép
thường kêu là thầy Răng. Những chi tiết nêu trên cho thấy: nghệ thuật sân khấu
“kim thời” bắt đầu đi vào lề lối chính quy, việc tổ chức kinh doanh khá chặt chẽ;
nghệ thuật mở rộng, nâng cao chất lượng với đủ các khâu: tuồng tích, thầy tuồng
thường trực; lực lượng đào, kép, dàn nhạc, bố trí mỹ thuật, kỹ thuật, sân khấu
theo kiểu tân thời.
Đồng thời với gánh Đồng Bào Nam, các gánh Nam Đồng Ban (Mỹ Tho),
Tân Phước Nam (Sóc Trăng)… Phong trào lập gánh rộ lên khắp Nam kỳ lục
tỉnh. Có nơi gọi là “gánh hát kim thời”, có chỗ thì kêu là “gánh hát tân thời”.
1.4.4 Nghệ thuật cải lương định hình và phát triển mạnh vào thập
niên 20 (thế kỷ XX)
Đến đầu thập niên 20 (thế kỷ XX), Nam kỳ lục tỉnh có 4 gánh hát lớn (Đại
Ban) ra đời, cũng là những gánh tiên phong của sân khấu cải lương đó là: Thầy
Năm Tú (Mỹ Tho), Nam Đồng Ban (Mỹ Tho), Văn Hí Ban (Chợ Lớn) Tân
Thinh (Sài Gòn). Sau đó gánh Tập Ích Ban (Thốt Nốt) được thành lập, soạn
tuồng, tập tuồng qua đầu năm 1921 mới khai trương.
Thời điểm này các gánh đều được tổ chức chính quy, có đầu tư lớn về cơ
sở vật chất kỹ thuật, cạnh tranh về nghệ thuật qua việc sử dụng tuồng tích; đào,
kép giỏi được trả lương cao. Sự phát triển này có mấy điểm đáng chú ý:
- Thứ nhứt, là vai trò của nhà tổ chức, như: ông Tống Hữu Định ở Vĩnh
Long, mạnh dạn cho ca ra bộ trên sân khấu. Đây là bước ngoặt quan trọng nhứt,
cũng là nền móng ban đầu hình thành sân khấu cải lương sau này.
- Thứ hai, sự sáng tạo của tác giả - thầy tuồng, là việc nâng ca ra bộ lên
thành “hát chặp”, gom các bài ca lẽ lại thành tiết mục hẳn hoi. Công đầu này
thuộc về ông Trương Duy Toản, với các tiết mục Bùi Kiệm thi rớt trở về, Kim

Kiều hạnh ngộ. Qua thời sân khấu định hình, ông lại tiếp tục soạn thành những
vở tuồng: Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên, Trang Tử cổ bồn ca, Hạnh Nguyên cống
Hồ… đây là cột mốc quan trọng về nguồn gốc ra đời những kịch bản cải lương
đầu tiên, khơi nguồn cho nghề “soạn giả - thầy tuồng” phát triển, với hàng loạt
các vở tuồng xã hội, tuồng Tàu, tuồng Tây, tuồng lịch sử của ta. Qua đó, xuất
hiện lớp soạn giả tiên phong: Trương Duy Toản, Mộc Quán - Nguyễn Trọng
19


Quyền, Nguyễn Công Mạnh, Trần Phong Sắc, Lâm Hoài Nghĩa, Nguyễn Quốc
Biểu, Đào Châu, Đặng Công Danh (Mười Giảng) …
- Thứ ba, là xuất xứ từ “cải lương”: Giữa năm 1920, tại Sài Gòn - ông
Trương Văn Thông (người Sa Đéc) lập gánh hát Tân Thinh, lần đầu tiên dùng
danh hiệu “Gánh cải lương Tân Thinh”, dưới bảng hiệu có 2 câu liễn, nêu mục
đích, tôn chỉ của gánh:
Cải cách hát ca theo tiến bộ
Lương truyền tuồng tích sánh văn minh
Từ đây về sau nhiều gánh cũng làm theo, đề tên “gánh cải lương” rồi các
cụm từ “tuồng cải lương”, “đào, kép cải lương” được thông dụng. “Coi hát cải
lương” dần trở thành một nếp sống quen thuộc trong dân gian.
Sau thời kỳ hình thành, sân khấu cải lương nhanh chóng phát triển, cực
thịnh nhứt trong suốt thập niên 20, 30 (thế kỷ XX), chiếm lĩnh “thị trường” nghệ
thuật, trở thành “món ăn tinh thần” được ưa chuộng nhất trong đời sống xã hội
thời bấy giờ.
Theo đà phát triển, cải lương vượt ra ranh giới Nam kỳ, đến tận miền
Trung, miền Bắc với 2 đại ban là gánh Trần Đắc (Cần Thơ) và Phước Cương
(Mỹ Tho). Khoảng năm 1925-1926, Gánh Tập Ích Ban (Thốt Nốt) cũng “tiến
quân” sang Campuchia lưu diễn hàng tháng trời. Năm 1933 gánh Phước Cương
một gánh cải lương Việt Nam đầu tiên sang Pháp lưu diễn suốt gần 1 năm, với
nhóm nghệ sĩ lừng danh: Năm Phỉ, Bảy Nhiêu, Tám Danh qua các trích đoạn

tuồng: Phụng Nghi Đình, Xử án Bàng Quý Phi, Tứ đổ tường.
Về mặt nghệ thuật cải lương tiếp tục có sự cách tân nhiều mặt như: soạn
tuồng tích mới, truyền dạy các thế hệ đào, kép mới, nhiều bài bản mới. Năm
1920, cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu (Bạc Liêu) sáng tác bản Dạ cổ hoài lang nhưng
chưa thịnh hành lắm, bởi chủ yếu chỉ hát trong những cuộc chơi ĐCTT ở địa
phương. Vào năm 1922, khi gánh Tập Ích Ban lưu diễn đến Bạc Liêu - nghệ sĩ
Bảy Nhiêu nghe được bài Dạ cổ hoài lang thấy hay, nên đem truyền lại cho
nhiều nghệ sĩ khác. Đồng thời, cố soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền
đưa bản Dạ cổ hoài lang lên sân khấu cải lương, qua 20 câu do nhân vật Châu
Bá Hòa hát, trong tuồng Châu Trần phải nghĩa. Theo hồi ký của nghệ sĩ Bảy
Nhiêu, lúc này chưa có gánh hát nào sử dụng bản Dạ cổ hoài lang, ông chính là
người đi truyền dạy từng lời ca, ngón đờn cho các gánh bạn.
Chỉ sau mấy năm ra đời cho tới năm 1928-1931 về sau, sân khấu cải
lương trở thành một ngành nghệ thuật “sân khấu mới”, đúng với nghĩa “cải
lương” đối lại với hát bội. “Cải lương” được thể hiện từ kịch bản văn học, cho
đến nghệ thuật trình diễn.
Đi từ nhạc lễ, ĐCTT, ca ra bộ, hát chặp, đến nghệ thuật sân khấu cải
lương là một quá trình “cải cách hát ca”, “lương truyền tuồng tích” theo lối mới,
phù hợp với nhịp sống đương đại, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của đại đa số công
20


chúng khán giả. Bởi lẽ, nghệ thuật hát bội không còn phù hợp với thị hiếu xã hội
đang phát triển.
Bên cạnh những bảng hiệu của các gánh cải lương đầu tiên, là lớp nghệ sĩ
tiên phong, đã góp phần quan trọng vào việc vun đắp cho nền móng ban đầu của
một ngành nghệ thuật mới, đó là những Hai Giỏi, Năm Phỉ, Tám Cang, Tám
Danh, Bảy Nhiêu, Ba Du, Ba Vân, Năm Châu, Phùng Há, Bảy Nam… mà tên
tuổi, công lao, sự nghiệp của họ đã gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển
của nền sân khấu cải lương nước nhà.

1.5 SÂN KHẤU CẢI LƯƠNG CẦN THƠ TRONG HAI CUỘC
KHÁNG CHIẾN
Sau giai đoạn phát triển rực rỡ vào thập niên 20, 30 (thế kỷ XX), nhìn
chung sân khấu cải lương bắt đầu gặp khó khăn bế tắc. Một phần do ảnh hưởng
cuộc khủng hoảng kinh tế của cả nước, phần khác do sự phát triển ồ ạt, nhưng
lại thiếu đường hướng rõ ràng. Cụ thể là tuồng tích khá phức tạp đủ kiểu loại:
tuồng Tàu, tuồng Tây, tuồng Ấn Độ, tuồng La Mã, tuồng Ả Rập, tuồng Hồng
Công… khiến cho khán giả giảm đi niềm đam mê loại hình nghệ thuật này.
Từ năm 1940-1945, xuất hiện kiểu tổ chức tập hợp các tài danh của nhiều
gánh, diễn chung một số vở tuồng như “Đại hội chư ban” tại rạp Nguyễn Văn
Hảo (1943). Giai đoạn này, số gánh bị rã khá nhiều, nhưng lập mới thì ít. Chỉ
còn một số gánh lớn, cố gắng cầm cự qua ngày.
Tại Cần Thơ, Long Xuyên sau gánh Tập Ích Ban, Trần Đắc, Tân Tân,
Nam Phương… Ở Cái Răng, có Ban cải lương Đồng Tâm ra đời, được công
chúng hoan nghênh với các vở tuồng của soạn giả Nguyễn Bá Thọ: Một chữ
đồng (xã hội), Uất trì giả điên, Đông giao tỉ tiển (Phụng Kiều - Lý Đáng), Mẫu
tử đoàn viên (Bao Công). Ghi nhận sự kiện này, nhà nghiên cứu Huỳnh Minh
trong sách “Cần Thơ xưa và nay” viết: “…Ngành ca kịch Tây Thành cũng từng
đóng góp vào việc tô điểm bộ môn sân khấu trong lĩnh vực văn hóa”. Ngoài
Nguyễn Bá Thọ, lúc này Cần Thơ các soạn giả Lâm Tồn, Thanh Giang có nhiều
vở tuồng ăn khách.
1.5.1 Cải lương Cần Thơ trong chín năm kháng chiến chống thực dân
Pháp
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, rồi toàn quốc kháng chiến, hoạt
động cải lương Nam bộ nói chung và Cần Thơ nói riêng hình thành rõ hai địa
bàn, hai phương thức hoạt động nghệ thuật:
Đó là sự hình thành “dòng nghệ thuật cải lương kháng chiến” ở khu vực
nông thôn, góp phần cổ vũ động viên tinh thần yêu nước, đánh giặc của cán bộ,
chiến sĩ và đồng bào. Tám Danh, một tên tuổi lẫy lừng người Cần Thơ ra chiến
khu kháng chiến. Lúc này một nghệ sĩ khá nổi tiếng trong làng dĩa nhạc Sài Gòn

là Công Thành quê ở Đầu Sấu (Cái Răng), cũng bỏ ra chiến khu. Xin trích một
số đoạn về hoạt động sân khấu cải lương thời kỳ chống Pháp ở Cần Thơ theo
sách Địa chí Cần Thơ:
21


“Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 (vào tháng 9 năm 1945), đoàn
tuyên truyền lưu động tỉnh được thành lập, vừa tuyên truyền, vừa diễn kịch, vở
“Thiếu nhi thời loạn” của soạn giả Điêu Huyền, tiêu biểu cho giai đoạn này.
Rồi phong trào đờn ca tài tử - cải lương trong các cơ quan, đơn vị bộ đội,
trong nhân dân phát triển rộng khắp. Những bài ca cổ, ca cảnh, chặp cải lương
ngắn được sáng tác với nội dung ca ngợi gương chiến đấu anh dũng của bộ đội,
nhân dân; vận động sản xuất nuôi quân; thanh niên tòng quân; đả kích địch …
đã phát triển loại hình nghệ thuật non trẻ này với sức sống mới, thể hiện tinh
thần yêu nước, căm thù giặc Pháp xâm lược. Điều mà cải lương vùng đô thị
không nói được như: gương anh hùng La Văn Cầu, Phan Đình Giót lấp lỗ châu
mai, Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng, chiến thắng Tầm Vu, đội cảm tử Lê
Bình…
Tuy nhiên, nói đến dòng nghệ thuật cải lương cách mạng trong giai đoạn
chống Pháp, ở Nam Bộ không ai có thể quên, đã có giai đoạn loại hình nghệ
thuật này bị cấm vì cho là ủy mị, rên rỉ, mất nước. Nhưng cũng từ sự sai lầm ấu
trĩ ấy, chúng ta càng thấy sức sống mãnh liệt của cải lương, nhất là bài vọng cổ
đã ăn sâu vào tâm não của bộ đội, nhân dân và cán bộ ta tới cỡ nào.
Ở Phụng Hiệp, những bậc cao niên đã trải qua thời kỳ này kể rằng: Năm
1949 khi có lệnh cấm cải lương - vọng cổ rồi, lâu lâu, người thì nhớ tiếng nhạc
lời ca, người ghiền được đờn, được hát. Kẻ nhớ nghề, người ghiền nghe, lén rủ
nhau kéo vô tận Lung Kè Ba, xa dân cư hàng 6 - 7 cây số ngàn, mang theo thịt
quay, rượu đế, hàng chục xuồng kề lại, trên lung láng hoang vu đó, tiếng nhạc
lời ca hoà quyện thâm trầm, tri âm tri kỷ. Bất chấp muỗi mòng, gió mưa, sương
lạnh. Họ đờn ca, lai rai sáng đêm cho đã thèm. Cứ thế, lâu lâu lại tổ chức một

lần. Mỗi lần có cả Huyện ủy, Huyện đội, cán bộ, trai gái tham gia ngày một
đông. Phải chăng, vì thế mà sau này, khi có lệnh cho phục hồi loại hình nghệ
thuật này thì Phụng Hiệp thành lập ngay Đoàn cải lương Trường Thắng. Ngoài
biểu diễn phục vụ nhân dân trong huyện nhà, đoàn còn đi diễn sang tỉnh Sóc
Trăng và các huyện bạn. Những vở diễn tiêu biểu của đoàn gồm Tam Tạng thỉnh
kinh, Một gia đình hai thế hệ, Hoàng cung đẫm máu do Trang Quốc Sử và
Huỳnh Sơn Đàng vừa phụ trách đoàn, vừa sáng tác - dàn dựng.
Cũng vào khoảng giữa năm 1952, Đoàn cải lương Lam Sơn thuộc Ty
Thông tin tỉnh Cần Thơ ra đời, do soạn giả Điêu Huyền làm Trưởng đoàn. Vở
cải lương “Mười năm gian khổ” do ông soạn đã trở thành vở diễn chính của
đoàn. Lúc đầu, diễn trọn vở tuồng trong một đêm. Sau vì quá dài nên chia làm
hai phần diễn hai đêm. Người diễn viên thời ấy đến nay đã 80 tuổi. Đó là ông
Trọng Hùng thủ vai Hai Lành, một nông dân ủng hộ nghĩa quân Lam Sơn, phò
Nguyễn Trãi. Ông kể: ngày ấy, Đoàn cải lương Lam Sơn lần đầu tiên tập hợp để
ra mắt tại Mười Hai Ngàn, kinh xáng Ô Môn, xã Tân Hoà (giữa đường Bà Đầm
- Thác Lác). Phương tiện vận chuyển của đoàn bằng chiếc ghe chèo khoảng 200
- 300 giạ. Đi đến đâu mượn ván ngựa của nhân dân làm sân khấu, mượn đèn
măng-sông của dân làm ánh sáng biểu diễn. Phông hậu, cánh gà lấy vải treo
lên. Ông chín Điều (Điêu Huyền) vừa là Trưởng đoàn, soạn giả, kiêm luôn hoạ
22


sĩ vẽ phông giữa: cảnh rừng núi Chí Linh. Đó là tài sản chính của đoàn trong
đêm diễn. Còn lại, mọi thứ sân khấu dàn cảnh, phông phi tất tất là của dân.
Đoàn đi đến đâu là cùng ăn cùng ở với nhân dân, được dân mến thương như
ruột thịt. Đến năm 1954, tập kết, đoàn phục vụ hai đêm để tiễn cán bộ, chiến sĩ
và con em Cần Thơ thân yêu chuẩn bị xuống tàu ra miền Bắc. Sau đó, đoàn giải
thể …”.
Về hoạt động cải lương trong vùng bị tạm chiếm ở Cần Thơ, cũng như
khu vực đô thị không mấy phát triển. Chủ yếu là các gánh ở Sài Gòn về hát tại

rạp lớn. Trong khi đó, một bộ phận nghệ sĩ, soạn giả có tên tuổi bỏ vào chiến
khu. Tra cứu nhiều tư liệu, sách, báo không thấy nêu hoạt động cải lương trong
vùng tạm chiếm ở Cần Thơ trong giai đoạn này.
Từ năm 1954, hòa bình tái lập lại ở các đô thị, nông thôn nhưng không khí
bất an vẫn gieo rắc, do bọn địch rắp tâm truy lùng những người kháng chiến cũ.
Cho đến khi Đảng ta chủ trương đấu tranh chính trị, các đội nhóm văn nghệ,
xóm, ấp được thành lập, dùng lời ca tiếng hát, điệu múa, cổ vũ cuộc đấu tranh
với kẻ thù.
1.5.2 Cải lương Cần Thơ trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ
Với Luật 10/59, đặt “cộng sản ra ngoài vòng pháp luật”, rồi thực hiện chủ
trương lập khu trù mật, ấp chiến lược…chế độ Mỹ Diệm tại Cần Thơ tiến hành
khủng bố khắp nơi, hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng.
Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra đời (1959) chuẩn
bị Đồng khởi trên toàn miền Nam. Đồng thời với việc xây dựng các lực lượng
vũ trang, Tỉnh ủy Cần Thơ quyết định thành lập Đoàn Văn công Cần Thơ. Đoàn
ra mắt tại kinh Huyện Hy, xã Nhơn Nghĩa do đồng chí Quốc Thanh làm Trưởng
đoàn với các diễn viên nòng cốt: Tám Đỏ, Hoàng Giác, Trọng Hùng, Ba Kiên,
Hữu Đức, Thu Hồng, Kim Phỉ, Bảy Hằng, Minh Thơ, Thế Minh, Lý Wầy… tiết
mục cải lương đầu tiên là Chén cháo Chí Linh (trích từ vở cải lương Mười năm
gian khổ của soạn giả Điêu Huyền). Tháng 6 năm 1961, Đoàn Văn công Cần
Thơ vinh dự phục vụ lễ ra mắt Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Cần
Thơ tại xã Thạnh Xuân (huyện Châu Thành). Nhân dân khắp nơi kể cả ngoài
thành thị cũng kéo vô xem, hết lời khen ngợi nghệ thuật cách mạng.
Sự phát triển của Đoàn Văn công Cần Thơ, được sách Địa chí Cần Thơ
ghi nhận khá rõ nét: “Đoàn Văn công Cần Thơ ngày một phát triển. Đội ngũ
sáng tác đông hơn, kịch bản, tiết mục, chương trình phong phú hơn, được bổ
sung nhiều nam, nữ diễn viên trẻ, đẹp, ca hay. Tác giả có: Chí Sinh, Trần Văn,
Quốc Thanh, Hoàng Hà sáng tác các vở cải lương: Cửa thiền đẫm máu, Nợ
nước tình nhà, Hoa mùa xuân, Tiếng nổ đầu xuân, Hòn máu xẻ đôi… Diễn viên
có thêm: Trọng Hữu, Hoàng Đạt, Kim Khoa, Kim Ên, Út Kiền… Năm 1963,

đồng chí Huỳnh Sơn Đàng thay đồng chí Quốc Thanh và một thời gian sau đồng
chí Hoàng Hà làm Trưởng đoàn.
Đến năm 1965, vùng giải phóng càng mở rộng, đoàn phát triển rất đông
và do yêu cầu thưởng thức văn nghệ của nhân dân nên Đoàn Văn công Cần Thơ
23


được tách ra làm hai đoàn: Đoàn cải lương do đồng chí Ba Kiên làm Trưởng
đoàn, Đoàn ca múa do đồng chí Thanh Bình làm Trưởng đoàn để hoạt động.
Cuối năm 1969, sau các đợt tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, chiến
trường Cần Thơ ngày càng ác liệt, Đoàn lại chia thành 3 đội văn công xung
kích theo các đơn vị chiến đấu, các vùng địch hậu, trong đồng bào giáo dân ở
các địa bàn trong tỉnh. Đến năm 1972, vùng giải phóng của ta được mở rộng
đoàn tập hợp lại trở lại thành Đoàn Văn công Cần Thơ, do đồng chí Thanh Bình
làm Trưởng đoàn, phục vụ liên tục trong tỉnh cho đến ngày miền Nam hoàn toàn
giải phóng”.
Thời kỳ chống Mỹ, hoạt động sân khấu cải lương trong vùng địch tạm
chiếm ở Cần Thơ chỉ tập trung tại đô thị (nội thành Cần Thơ và một số thị trấn
cấp quận). Từ thập niên 60 (thế kỷ XX) do sự phát triển lấn lướt của điện ảnh tại
Sài Gòn, nên nhiều đoàn cải lương “cấp trung ban” phải chạy về miền Tây,
thường xuyên hát ở nội thành Cần Thơ. Thấy kinh doanh được, nhiều nhà tư sản
bỏ vốn cất rạp tại nội thành Cần Thơ như rạp Minh Châu (sau giải phóng đổi tên
là Thống Nhất), rạp Huỳnh Cẩm Vân (sau ngày giải phóng đổi tên là rạp Hậu
Giang). Tại thị xã Vị Thanh có rạp Mỹ Thanh (xây dựng năm 1974, sau ngày
giải phóng là Trung tâm Văn hóa huyện Vị Thanh). Thời gian này, nổi lên một
số nghệ sĩ, bầu gánh ở Cần Thơ, thành danh như: bầu Kim Chưởng, nghệ sĩ
Phượng Liên… Đến thời điểm sau ngày giải phóng 30/4/1975, có tới 28 đoàn
nghệ thuật với gần 1.000 diễn viên (hầu hết là cải lương), đăng ký hoạt động tại
Hậu Giang - Cần Thơ.
Tóm lại, sân khấu cải lương Cần Thơ trong hai thời kỳ kháng chiến nổi

lên với dòng cải lương cách mạng, đứng chân ở địa bàn nông thôn; hình thành
một phương thức hoạt động phục vụ tuyên truyền với tiết mục trang bị gọn nhẹ,
lực lượng nghệ sĩ diễn viên mới, chịu đựng hy sinh gian khổ, góp phần quan
trọng vào thắng lợi của công cuộc kháng chiến ở địa phương. Trong khi đó,
dòng cải lương ở vùng địch tạm chiếm, chỉ bám các đô thị lớn hoạt động cầm
chừng, nguồn diễn viên, kịch bản phụ thuộc hầu hết vào sân khấu cải lương Sài
Gòn. Tại Cần Thơ rất ít soạn giả, nghệ sĩ, tuồng tích nổi tiếng; khẳng định được
giá trị nghệ thuật.
1.6 QUÊ HƯƠNG CÁC VĂN NGHỆ SĨ
1.6.1 Mấy nét về vùng đất Nhơn Nghĩa (Phong Điền, Cần Thơ) nơi
sinh của NSND Tám Danh và soạn giả Điêu Huyền
Làng Nhơn Nghĩa nằm bên bờ trái rạch Cần Thơ, cách trung tâm thành
phố Cần Thơ khoảng 15 km về hướng Tây Nam trên tuyến đường sông nổi tiếng
đã đi vào thơ ca: Cái Răng - Ba Láng - Vàm Xáng - Phong Điền.
Cho đến thế kỷ XIX vùng này vẫn còn nhiều rừng rậm hoang vu, chưa
được khai phá bao nhiêu. Sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức
biên soạn dưới thời Gia Long (1802-1820) có đoạn:

24


“Đường đi qua chỗ Nê - Trạch (Ba Láng) từ cuối Đông qua mùa Xuân
nước kiệt, bùn keo, ngăn lấp. Từ mùa Hạ qua mùa Đông nước mưa tràn ngập bờ
bến, ghe thuyền phải cỡi trên cỏ, trên bèo mà đi...”
Trong vùng Nhơn Nghĩa ngày nay vẫn còn nhiều địa danh mang dấu ấn
thời hoang sơ: Rạch Trầu Hôi, Rạch So Đũa, Rạch Sung, Bưng Đá Nổi, Lung
Cột Cầu… Theo học giả Vương Hồng Sển trong sách Tự vị Tiếng nói Miền
Nam, địa danh Xà No có nguồn gốc từ tiếng Khmer: Snor; Snor là cây điên điển
(điền thanh). Sóc Snor là sóc có nhiều cây điên điển.
Vùng đất hoang sơ này ngày xưa có rất nhiều thú dữ, đặc biệt là voi và

rắn. Người xưa còn nhiều chuyện kể về nhiều đàn voi lớn từ vùng trên đi xuống
phía các vùng trũng: Xà No, Phụng Hiệp... để tìm cỏ, lau sậy, nguồn nước. Voi
lớn đi lâu ngày tạo thành các đường mòn. Trên đường từ Hậu Giang - Rạch Giá
ngày nay vẫn còn nhiều địa danh: Lung Tượng, Láng Tượng... Đến những năm
đầu thế kỷ XX, vùng này voi vẫn còn lộng hành. Sách Nam Kỳ phong tục nhân
vật diễn ca của Nguyễn Liên Phong xuất bản năm 1909 có đoạn :
“Nguyên xưa đất rộng hẳn hòi,
Kinh chưa đào mở, rạch ngòi chưa thông.
Qua mùa nước ngập mênh mông,
Voi trên sông Lớn xuống rông băng ngàn,
Lâu lâu quen ở đã an,
Dậm bờ đạp lúa cả đoàn hơn trăm.
Kinh đào đường mở mấy năm,
Xà No, Đông Lợi, Láng Hầm, Ô Môn.
Lũ voi sanh đẻ dập dồn,
Các ông thợ bắn các thôn hiệp vầy.
Biết bao công cán nặng dày,
Bốn mươi dư thớt bắn rày mới an ...”
(Ngày xưa gọi voi : thớt voi)
Những người cao niên ở Nhơn Nghĩa, Nhơn Ái ngày nay vẫn còn kể
chuyện có một con mãng xà to lớn sinh sống trong vùng, lớn đến độ có thể nuốt
chửng vào bụng một con nai to.
Ngược dòng lịch sử xa hơn, ở ấp Nhơn Thành, xã Nhơn Nghĩa, Bảo tàng
thành phố Cần Thơ đã phối hợp với các cơ quan chức năng khai quật được nhiều
di vật của nền Văn hóa Óc Eo có niên đại khoảng thế kỷ thứ III đến thế kỷ thứ
VI.
Từ cuối thế kỷ XIX nhiều cư dân miền Bắc, miền Trung đã men theo rạch
Cần Thơ vào khai khẩn, lập nghiệp ở vùng Phong Điền, lập ra thị tứ Phong
Điền. Dân cố cựu đến khai phá vùng này có lẽ có nguồn gốc từ huyện Phong
Điền của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Vào vùng đất mới, họ muốn lưu giữ một chút

gì của cố hương nên cũng đặt tên làng mới là Phong Điền. Còn cầu Trường
Tiền, tên cây cầu nổi tiếng ở Kinh đô Huế được đặt cho cây cầu nhỏ bắc qua
25


×