Mấy kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng ở
Thái Bình
Ngô Duy Đông
Bí thư tỉnh uỷ Thái Bình
Những thắng lợi về nông nghiệp trong mấy năm qua ở tỉnh Thái bình đã
chứng minh sự đúng đắn của đường lối, phương hướng phát triển nông
nghiệp của Đảng ta. Thắng lợi ấy có ý nghĩa cả về mặt chính trị, kinh tế và
kỹ thuật. Nó mở ra một triển vọng mới trên con đường phát triển nông
nghiệp toàn diện của tỉnh chúng tôi, và thực tế đã giúp chúng tôi giải quyết
được nhiều vấn đề trong việc xây dựng và phát triển kinh tế, văn hoá,… Nhờ
đó, trong hoàn cảnh chiến tranh, đời sống của nhân dân không những không
bị giảm sút mà có mặt còn được cải thiện thêm. Chúng tôi đã bước đầu giải
quyết được vấn đề cơ bản nhất trong đời sống nhân dân mà trước đây thường
gặp khó khăn là vấn đề lương thực.
Một trong những nguyên nhân quan trọng có ý nghĩa quyết định là đảng bộ
Thái bình đã thường xuyên chăm lo thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng,
lấy việc xây dựng Đảng làm khâu then chốt thúc đẩy mọi nhiệm vụ công tác,
đặc biệt là nhiệm vụ phát triển nông nghiệp của địa phương. Sau đây là một
số kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng của đảng bộ Thái bình.
I - Quán triệt đường lối của Đảng, xác định đúng đắn phương hướng
tiến lên của địa phương với những kế hoạch và biện pháp cụ thể, sát
hợp
Thái bình là tỉnh đất chật, người đông, ruộng đất bình quân theo đầu người
chỉ có trên hai sào Bắc bộ, lại là tỉnh độc canh về lúa, năng suất lúa thấp và
bấp bênh, đời sống nhân dân thường gặp khó khăn về lương thực. Xuất phát
từ đặc điểm của địa phương và căn cứ vào tinh thần nghị quyết Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ ba của Đảng và nghị quyết của các hội nghị lần thứ
năm và lần thứ tám của Ban chấp hành trung ương Đảng, chúng tôi đã xác
định trách nhiệm của mình là phải đẩy mạnh nông nghiệp phát triển, để bảo
đảm đời sống của trên một triệu dân trong tỉnh và đóng góp vào sự nghiệp
công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng giải phóng miền
Nam. Muốn thực hiện tốt nhiệm vụ này không những phải phấn đấu đưa
tổng sản lượng lúa ngày càng tăng, chủ yếu bằng con đường thâm canh, mà
còn phải phát triển hoa màu, cây công nghiệp, chăn nuôi, khai thác được mọi
khả năng tiềm tàng của địa phương để tăng nguồn hàng hoá, bảo đảm cung
cấp một phần lương thực, thực phẩm, nguyên liệu cho công nghiệp và nguồn
hàng xuất khẩu. Vì vậy, Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh chúng tôi, họp tháng
7-1963, sau khi kiểm điểm và phân tích đặc điểm tình hình, tìm ra chỗ mạnh,
chỗ yếu và những thiếu sót của địa phương, đã vạch ra phương hướng phát
triển như sau:
- Tận dụng tài nguyên, sử dụng đầy đủ và hợp lý nhất đất đai mà thâm canh,
tăng vụ, tăng năng suất, phát triển chăn nuôi và các ngành, nghề phụ;
- Đẩy mạnh khai thác miền biển một cách tích cực, toàn diện và vững chắc;
- Mở rộng việc vận động nhân dân đi xây dựng kinh tế và văn hoá miền núi.
Trong ba mặt trên đây, mặt thứ nhất là chủ yếu. Thực hiện phương hướng
này rất khó khăn, phải làm sao vừa tăng vụ, tăng màu, lại vừa tạo điều kiện
thâm canh tăng năng suất lúa. Do thiếu kinh nghiệm, nhiều nơi rất lúng túng
trong việc chỉ đạo và vận dụng phương hướng sản xuất mới này, có nơi làm
tăng vụ màu lại mất vụ lúa, có nơi làm được vụ màu rồi cấy lúa xuân, hoặc
lúa xuân - hè… Nhưng năng suất thấp, sản lượng thu hoạch không bằng một
vụ lúa. Do đó, tư tưởng bảo thủ, ngại khó lại có dịp trỗi dậy.
Song, chúng tôi xác định: trong điều kiện của Thái bình, chỉ có thực hiện
phương hướng ấy mới có thể đưa nông nghiệp tiến lên. Chúng tôi đã trực
tiếp chỉ đạo hợp tác xã Tân hưng hoà để rút kinh nghiệm chỉ đạo chung, lấy
thực tế đó để giải quyết tư tưởng và tổ chức các nơi đến học tập. Hợp tác xã
này đã thực hiện thành công phương hướng sản xuất mới với công thức gieo
trồng: khoai mùa + lúa xuân + lúa mùa sớm (ở đồng cao), hoặc bèo hoa dâu
+ lúa xuân + lúa mùa (ở đồng vàn, đồng trũng vừa). Công thức cấy trồng này
đã tạo điều kiện vừa tăng thêm được vụ màu, vừa thâm canh tăng năng suất
lúa, lại rải được vụ, đỡ cưng thẳng về lao động, sức kéo… Chính sự thành
công này đã giải quyết được tư tưởng bảo thủ, ngại khó, củng cố được lòng
tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng đối với phương hướng sản xuất
mới. Nhờ đó, tỉnh chúng tôi đã thực hiện thắng lợi phương hướng tăng vụ,
tăng màu và thâm canh tăng năng suất lúa, vừa nâng cao năng suất lúa, vừa
tăng được cây công nghiệp, phát triển chăn nuôi, từng bước tiến lên phá thế
độc canh lâu đời.
Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, nghị quyết hội
nghị lần thứ 11 của Trung ương Đảng đã đề ra đường lối chuyển hướng phát
triển kinh tế trong thời chiến. Tuy Thái Bình cũng bị đánh phá ác liệt, phải
làm tốt cả hai nhiệm vụ trọng tâm là sản xuất và chiến đấu. Song, chúng tôi
xác định Thái Bình vẫn là một tỉnh hậu phương trong hậu phương lớn,
nhiệm vụ chủ yếu của Thái Bình là phải đưa nông nghiệp tiến lên nhanh
hơn, trước hết là tập trung “mũi nhọn” vào thâm canh, nâng cao năng suất
cây trồng, nhất là năng suất lúa. Có như vậy mới đáp ứng tốt yêu cầu của sự
nghiệp chống Mỹ, cứu nước, xây dựng và bảo vệ miền Bắc, đồng thời góp
phần bồi dưỡng sức dân, bảo đảm chiến đấu lâu dài. Trên cơ sở xác định
nhiệm vụ như vậy, sau khi đánh giá đầy đủ chỗ mạnh, chỗ yếu của tỉnh, rút
ra nguyên nhân cản trở sản xuất phát triển làm cho năng suất lúa chưa thật
ổn định, chúng tôi hạ quyết tâm rút ngắn thời gian đạt mục tiêu “năm tấn
thóc một hécta”. Đây là mục tiêu trọng tâm số một, toàn đảng bộ, toàn dân
tỉnh chúng tôi phải tập trung phấn đấu bằng được.
Để thực hiện thắng lợi phương hướng và ục tiêu nói trên, chúng tôi coi trọng
tiến hành song song ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, về
kỹ thuật, về thực tế và văn hoá, trong đó cách mạng về kỹ thuật là khâu then
chốt. Trong bài này, chúng tôi chỉ nói tới việc thực hiện cuộc cách mạng kỹ
thuật.
Do thiếu kinh nghiệm, trong thời gian đầu, chúng tôi chưa vạch ra được
phương hướng về cách mạng kỹ thuật, thường chỉ nhấn mạnh một chiều việc
cải tiến công cụ. Nhưng công cụ cải tiến làm ra cũng chưa tốt, năng suất cây
trồng vẫn thấp, không ổn định. Tình hình đó đòi hỏi phải tìm ra được
phương hướng cách mạng kỹ thuật đúng đắn, phù hợp với địa phương. Qua
nghiên cứu và suy nghĩ, chúng tôi thấy rằng: tiến hành cách mạng trong
nông nghiệp là nhằm nâng cao năng suất cây trồng và nâng cao giá trị ngày
công. Muốn có năng suất cây trồng cao thì phải cải tiến kỹ thuật thâm canh.
Muốn có giá trị ngày công cao thì phải tăng năng suất lao động. Khâu chủ
yếu để tăng năng suất lao động là cải tiến công cụ sản xuất, từng bước trang
bị công cụ nửa cơ giới và cơ giới cho nông nghiệp. Như vậy, cuộc cách
mạng kỹ thuật trong nông nghiệp có hai mặt: một là, trang bị vật tư kỹ thuật,
công cụ cải tiến, nửa cơ giới và cơ giới cho nông nghiệp; hai là, cải tiến kỹ
thuật thâm canh. Hai mặt này có quan hệ với nhau, hỗ trợ nhau và thúc đẩy
nhau, tạo nên sự hoàn chỉnh về cách mạng kỹ thuật trong nông nghiệp.
Với điều kiện của nước ta, trong một thời gian ngắn chưa thể trang bị đầy đủ
công cụ nửa cơ giới cho nông nghiệp, nên phải giải quyết tốt vấn đề công cụ
cải tiến. Muốn có công cụ tốt, thích hợp với điều kiện sản xuất của địa
phương, phải đi sâu vào thực tiễn sản xuất để nghiên cứu, cải tiến và chế tạo.
Là một tỉnh đồng bằng hình thành từ một bãi biển, Thái Bình tuy có thuận
lợi, song cũng có nhiều khó khăn: ruộng đất chua mặn nhiều, bão gió, úng
hạn, sâu bệnh,… Đó là những nguyên nhân trực tiếp làm cho năng suất cây
trồng thấp và bấp bênh. Vì vậy, tuy hai mặt của cuộc cách mạng kỹ thuật
trong nông nghiệp đều quan trọng và có quan hệ với nhau. Nhưng đối với
Thái Bình, trong lúc đầu, chúng tôi đặc biệt chú trọng cải tiến kỹ thuật thâm
canh để tăng năng suất cây trồng, đồng thời dựa trên cơ sở cải tiến kỹ thuật
thâm canh đẻ đẩy mạnh cải tiến công cụ, làm cho công cụ sản xuất ra ngày
càng thích hợp hơn với yêu cầu của sản xuất và từng bước trang bị máy móc
cho nông nghiệp.
Để thực hiện thâm canh, chúng tôi đẩy mạnh việc áp dụng khoa học, kỹ
thuật tiên tiến kết hợp với kinh nghiệm sản xuất cổ truyền của quần chúng,
coi trọng các biện pháp kỹ thuật liên hoàn, trước hết giải quyết tốt những
khâu chủ yếu như nước, phân, giống và thời vụ. Dựa vào nhiệm vụ và
phương hướng nói trên, chúng tôi vạch ra phương pháp giáo dục tư tưởng và
tổ chức làm cho toàn đảng bộ, toàn dân trong tỉnh nhất trí và quyết tâm thực
hiện. Nhờ đó, chúng tôi đã hạn chế được tác hại của bão, gió, úng, hạn, sâu
bệnh,… đưa năng suất cây trồng lên cao.
Thực tiễn đã giúp chúng tôi thấy việc xác định đúng đắn phương hướng có
tầm quan trọng đặc biệt. Có được phương hướng đúng là do chúng tôi đã coi
trọng nghiên cứu thấu suốt đường lối của Đảng, xác định rõ được vị trí và
trách nhiệm của địa phương mình đối với nhiệm vụ chung của Đảng; đồng
thời, nắm chắc được tình hình thực tiễn của địa phương, có suy nghĩ, nghiên
cứu, tính toán cụ thể, các biện pháp thích hợp.
II. Làm tốt công tác tư tưởng và tổ chức để hoàn thành thắng lợi phương
hướng nhiệm vụ đề ra
Phương hướng đúng sẽ mở ra con đường đưa phong trào của địa phương tiến
lên. Nhưng đó mới là tiền đề. Cần phải làm tốt công tác tư tưởng và tổ chức
thì mới hoàn thành tốt được nhiệm vụ. Do đó, chúng tôi đặc biệt quan tâm
công tác tư tưởng và tổ chức, hướng công tác tư tưởng và tổ chức vào phục
vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ công tác trọng tâm, và thông qua đó tiến
hành củng cố, xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức quần chúng.
Phấn đấu đưa nông nghiệp tiến lên vốn là một nhiệm vụ khó khăn. Ấy thế
mà trong quá trình thực hiện, chúng tôi lại còn gặp biết bao khó khăn do thời
tiết và do việc đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại gây ra. Nếu không
có quyết tâm cao thì không thể thực hiện được phương hướng nói trên. Bởi
vậy, chúng tôi coi trọng công tác giáo dục tư tưởng, mở rộng dân chủ bàn
bạc từ trên xuống dưới, từ trong Đảng ra ngoài quần chúng.
Trước hết chúng tôi chú trọng dân chủ bàn bạc ngay từ trong tỉnh uỷ, để
mọi đồng chí xác định rõ tình hình, nhiệm vụ và vị trí trách nhiệm của tỉnh
mình, thấy được những thiếu sót, thuận lợi, khó khăn, tìm ra được kế hoạch
và biện pháp phấn đấu thiết thực. Do đó, chúng tôi đã bảo đảm được sự
đoàn kết nội bộ, thống nhất tư tưởng, thống nhất hành động. Mỗi đồng chí
tỉnh uỷ viên, dù phụ trách ngành nào, cũng luôn suy nghĩ góp sức lực, trí tuệ
vào công việc chung, quyết tâm chỉ đạo thực hiện phương hướng, mục tiêu
đề ra.
Đối với các ngành,, các giới trước đây, khi cấp uỷ triệu tập họp, có ngành
cho là chỉ bàn về sản xuất, còn ngành mình ít được bàn đến; có ngành khi
bàn thì đồng ý, nhưng cho rằng tỉnh uỷ và uỷ ban hành chính tỉnh lo, còn
mình chỉ lo làm công việc của ngành,… Do đó, đã tách rời công việc của các
ngành các giới với công tác trọng tâm. Để khắc phục những nhận thức tư
tưởng đó, chúng tôi đã bàn bạc với các ngành, cùng nhau xác định rõ nhiệm
vụ trọng tâm của tỉnh. Mỗi ngành có nhiệm vụ khác nhau, nhưng đều phải
hướng vào việc phục vụ nhiệm vụ trọng tâm của toàn đảng bộ đúng với chức
năng của mình. Các ngành đẩy mạnh công tác của mình trên cơ sở phục vụ
nhiệm vụ trọng tâm đó. Nông nghiệp có quan hệ đến mọi ngành hoạt động
khác, nông nghiệp phát triển sẽ làm cơ sở cho mọi ngành phát triển. Nếu
nông nghiệp không phát triển được thì sự hoạt động của các ngành, các giới
sẽ gặp khó khăn. Do các ngành, các giới có sự chuyển biến về tư tưởng và
nhất trí với cách đặt vấn đề của tỉnh uỷ, nên nhiệm vụ phát triển nông nghiệp
trước hết là mục tiêu “năm tấn thóc một hécta”, đã trở thành nội dung của
mọi hoạt động ở địa phương, các ngành, các giới đã tích cực phục vụ tốt việc
thực hiện nhiệm vụ trọng tâm đó.
Đối với việc chỉ đạo huyện và xã, trước đây thường có hiện tượng tỉnh giội
công việc xuống huyện, huyện giội công việc xuống xã, thiếu dân chủ bàn
bạc kỹ càng, làm cho huyện và xã lúng túng, bị động, không phát huy được
tinh thần chủ động, sáng tạo, dẫn đến chỗ làm việc có tính chất sự vụ, thậm
chí có khi cấp trên thiếu tin cấp dưới, cấp dưới lại sợ cấp trên, nên báo cáo
sai sự hật,làm ảnh hưởng đến sự chỉ đạo và định chủ trương công tác của cấp
trên. Chúng tôi đã khắc phục thiếu sót đó bằng cách: một mặt, tổ chức các
cuộc hội nghị, phát huy tự do tư tưởng, dân chủ bàn bạc để tạo nên sự nhất
trí từ huyện tới xã về phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch và biện pháp thực
hiện, nâng cao tinh thần chủ động, sáng tạo của huyện và xã trong việc thực
hiện nhiệm vụ đề ra; mặt khác, tăng cường đi sát giúp đỡ giải quyết những
khó khăn của cấp dưới, nhất là nới phong trào yếu kém.
Cán bộ, đảng viên nông thôn là những người hằng ngày, hằng giờ gần gũi
quần chúng, lãnh đạo và hướng dẫn quần chúng thực hiện mọi chủ trương,
đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Do đó, để thực hiện tốt mọi
nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ trọng tâm phát triển nông nghiệp, thâm canh
giành mục tiêu “năm tấn thóc một hécta”, chúng tôi đặc biệt chú trọng giáo
dục nâng cao nhận thức chính trị tư tưởng, mở rộng dân chủ nội bộ, phát
huy tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên
nông thôn.
Trong mấy năm qua, coi trọng kết hợp việc giáo dục thường xuyên với tổ
chức học tập từng đợt, chúng tôi đã mở nhiều đợt giáo dục tập trung theo
chuyên đề. Qua việc tổ chức học tập nghị quyết của Đại hội đại biểu đảng bộ
tỉnh, chúng tôi đã giúp cho cán bộ, đảng viên đánh giá đúng đắn những
thành tích đã đạt được; thấy rõ những mặt mạnh, mặt yếu, những ưu điểm,
khuyết điểm và khả năng tiềm tàng trong tỉnh, nhất là khả năng phát triển
nông nghiệp; quán triệt phương hướng nhiệm vụ chung và thấy rõ ba hướng
tiến quân do Đại hội đảng bộ tỉnh đề ra; từ đó, liên hệ kiểm điểm tình hình
và đề ra kế hoạch, biện pháp thực hiện ở địa phương mình. Trong cải tiến
quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, chúng tôi đã mở đợt giáo dục đảng viên
về cuộc đấu tranh giữa hai con đường, tổ chức đảng viên nghiên cứu kỹ và
xác định rõ ràng vị trí của chi bộ nông thôn. Nhờ đó, đã giúp các đồng chí
quán triệt được nhiệm vụ chủ yếu của tổ chức cơ sở đảng là phải lãnh đạo
phát triển nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc; thường xuyên chú
trọng củng cố, phát triển hợp tác xã nông nghiệp, tăng cường lực lượng hợp
tác xã; đồng thời, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình, nhận rõ được
ranh giới giữa đảng viên và xã viên bình thường. Từ khi cả nước có chiến
tranh, chúng tôi đã tiến hành nhiều đợt giáo dục tập trung, như chỉnh huấn
mùa xuân năm 1965, học tập một số nghị quyết của Trung ương Đảng, mở
đợt học tập đường lối, chính sách cơ bản, và tiến hành nhiều cuộc sinh hoạt
chính trị khác,… Những việc đó đã làm cho cán bộ, đảng viên thấy rõ tình
hình nhiệm vụ mới, nắm vững nhiệm vụ trọng tâm sản xuất và chiến đấu,
nâng cao nhận thức tư tưởng, phát huy khí thế cách mạng tiến công, hoàn
thành tốt nhiệm vụ.
Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc nắm tình hình, đặc điểm và những
diễn biến tư tưởng của đảng viên nông thôn trong từng thời gian ở từng nơi
để phân tích giáo dục, động viên người làm tốt, việc làm tốt, tư tưởng tốt,
đồng thời phê phán người làm kém, việc làm xấu, tư tưởng xấu.
Đối với quần chúng, chúng tôi chú trọng giáo dục nâng cao nhận thức về
tình hình nhiệm vụ mới, giúp quần chúng thấy rõ trách nhiệm của mình đối
với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và sự nghiệp cách mạng giải
phóng miền Nam, phổ biến và giáo dục quần chúng quán triệt phương
hướng sản xuất mới và mục tiêu phấn đấu mà đảng bộ đã đề ra, xây dựng
tinh thần tiến công vào khoa học, kỹ thuật, xây dựng ý thức làm chủ tập thể,
tinh thần tự lực cánh sinh, tinh thần dũng cảm vượt khó khăn, coi đồng
ruộng là chiến trường, quyết thắng thiên tai địch hoạ giành cho kỳ được mục
tiêu “năm tấn thóc một hécta”.
Vì trình độ của quần chúng không đồng đều, nhận thức tư tưởng của mỗi
loại quần chúng cũng có sự khác nhau, nên chúng tôi đã chia quần chúng ra
làm nhiều loại như người nhiều tuổi, người đứng tuổi, thanh niên, phụ nữ,
hoặc người giác ngộ, người chậm tiến… để có biện pháp giáo dục thích hợp.
Về mặt này, chúng tôi đã lấy những điển hình tốt, lấy người thật, việc thật
để giáo dục cán bộ đảng viên và quần chúng. Tổ chức và hướng dẫn cán bộ,
đảng viên và quần chúng học tập những gương tốt đó. Ví dụ: tổ chức cho đi
xem những nơi có phong trào sản xuất khá, năng suất cao, chăn nuôi giỏi; tổ
chức làm ruộng thâm canh đạt sản lượng cao ở các hợp tác xã; tổ chức bình
công; báo công, đăng ký lập công chống Mỹ, cứu nước, v.v… Thông qua
những việc nói trên, chúng tôi đã khai thác được những kinh nghiệm tốt,
sáng kiến hay của đảng viên và quần chúng. Đồng thời, đó cũng là hình thức
tốt nhất để phổ biến và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất mới cho cán bộ, đảng
viên và quần chúng, lấy thực tế sinh động để giáo dục và thuyết phục, làm
cho cán bộ, đảng viên và quần chúng tin tưởng, khắc phục tư tưởng bảo thủ,
ngại khó, rụt rè,… Việc bình công, báo công đã cổ vũ, động viên, lôi cuốn
mọi người thi đua hành động cách mạng; đồng thời, còn làm cho mỗi người
tự kiểm điểm những thiếu sót của mình, phê bình khuyết điểm của người
khác,… Cũng qua bình công, báo công mà phát hiện được những người ưu
tú trong quần chúng đề bồi dưỡng đưa vào Đảng, tuyển lựa đội ngũ cán bộ
và rèn luyện, giáo dục đảng viên.
Đi đôi với tổ chức tuyên truyền, giáo dục, chúng tôi có những hình thức cổ
vũ, động viên gây khí thế phấn khởi thi đua nhằm dưa phong trào tiến lên
liên tục thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, như thi đua đạt “huy hiệu năm tấn”,
“sổ vàng năm tấn”, “huyện sáu tấn”, “xã bảy tấn”, “hợp tác xã tám tấn”,
“cánh đồng mười tấn” và “bình công, báo công, lập công chống Mỹ, cứu
nước”…
Tổ chức cơ sở đảng là hạt nhân lãnh đạo thực hiện mọi chủ trương, đường
lối, chính sách của Đảng ở các hợp tác xã. Vì vậy, về mặt tổ chức, trước hết
chúng tôi phát huy tác dụng lãnh đạo của chi bộ, tổ đảng, đảng viên đối với
phong trào sản xuất, củng cố hợp tác xã. Chúng tôi chú trọng củng cố và
xây dựng các chi bộ, tổ đảng và các tổ chức quần chúng cho phù hợp với tổ
chức của hợp tác xã, đội sản xuất. Năm 1963, tỉnh chúng tôi còn 14% số hợp
tác xã chưa có chi bộ. Năm 1967, mỗi hợp tác xã đều có một chi bộ lãnh
đạo. Năm 1963, có 60,6% số đội sản xuất chưa có tổ đảng. Năm 1967 chỉ
còn 26% số đội sản xuất chưa có tổ đảng. Đồng thời, chúng tôi chú trọng
giáo dục, bồi dưỡng và cải tiến lề lối làm việc, tác phong lãnh đạo của cán
bộ cơ sở, kiên quyết chuyển số đông cán bộ trước đây chỉ làm công tác ở xã
về trực tiếp tham gia vào ban quản trị hợp tác xã, đội sản xuất, và cử các
đồng chí có năng lực giữ những chức vụ chủ chốt để lãnh đạo hợp tác xã, đội
sản xuất, làm cho cán bộ cơ sở sát hợp tác xã, sát đồng ruộng, sát với dân.
Trong khi đó, chúng tôi vẫn tăng cường kiện toàn các đảng uỷ, chi uỷ cả về
số lượng và chất lượng, nhằm phát huy tác dụng lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra,
đôn đốc thực hiện tốt mọi nhiệm vụ của địa phương. Nhờ đó, sự lãnh đạo
của tổ chức cơ sở đảng đã chủ động hơn, làm việc có chương trình, kế hoạch
cụ thể hơn. Việc phân công đảng viên được thực hiện một cách chặt chẽ và
đều khắp, nhằm tạo cho đảng viên sát đồng ruộng, sát quần chúng.
Chúng tôi chú trọng đẩy mạnh việc tự phê bình và phê bình trong nội bộ
Đảng, đồng thời đặt thành chế độ chi bộ nông thôn mỗi năm hai lần tự phê
bình trước quần chúng và yêu cầu quần chúng phê bình chi bộ và cán bộ,
đảng viên. Trong công tác phát triển Đảng, bầu cử cấp uỷ, chúng tôi cũng
đặt thành chế độ động viên quần chúng tham gia lựa chọn giới thiệu người
vào Đảng và giới thiệu cán bộ ưu tú vào cấp uỷ đảng, trước khi chi bộ và
đảng bộ quyết định cuối cùng. Chúng tôi còn tiến hành tổ chức kiểm tra đội
ngũ cán bộ cốt cán cơ sở ở một số nơi như Quỳnh Côi, Thái Ninh… Thông
qua việc kiểm tra này, chúng tôi càng thấy rõ vị trí quan trọng và những tồn
tại của đội ngũ cán bộ cơ sở, từ đó giúp cho việc chỉ đạo công tác cán bộ ở
cơ sở được tốt hơn.
Chúng tôi rất quan tâm đến việc xây dựng đảng bộ, chi bộ, tổ đảng và đảng
viên theo yêu cầu “bốn tốt” gắn chặt với việc phấn đấu thực hiện phương
hướng sản xuất nông nghiệp, nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, và các
nhiệm vụ chính trị khác. Vì vậy, không những có nhiều đảng bộ, chi bộ, tổ
đảng lãnh đạo về mặt thâm canh nông nghiệp giỏi như Tân Phong, Tân
Hưng Hoà, Trọng Quan, v.v… mà còn có nhiều chi bộ lãnh đạo thực hiện tốt
nhiệm vụ chiến đấu, tuyển quân, chính sách hậu phương, như các chi bộ Tân
Hoá (Quỳnh Côi), Nguyên Xá (Tiên Hưng), Minh Tân (Kiến Xương),…
Trên cơ sở phấn đấu theo yêu cầu “bốn tốt”, với nội dung thiết thực và cụ
thể, các tổ chức cơ sở đảng ngày càng vững vàng, chất lượng “bốn tốt” ngày
càng cao và số lượng đạt yêu cầu “bốn tốt” tăng lên. Số đảng bộ, chi bộ và
đảng viên kém giảm rõ rệt.
Sự nghiệp cách mạng ở địa phương đòi hỏi công tác phát triển Đảng phải
được chú trọng thường xuyên. Trước đây, nhiều nơi trong tỉnh thường có
hiện tượng không gắn công tác phát triển Đảng với việc thực hiện nhiệm vụ
trọng tâm, với phong trào quần chúng. Mấy năm nay, chúng tôi đã kịp thời
uốn nắn những thiếu sót đó. Việc phát triển Đảng làm được thường xuyên,
chủ động hơn. Các chi bộ đã thông qua phong trào sản xuất, chiến đấu, chấp
hành chính sách để bồi dưỡng, lựa chọn đối tượng phát triển Đảng, phân
công đảng viên theo dõi,kèm cặp giúp dỡ từ đầu, đồng thời tiến hành kiểm
tra công tác phát triển Đảng, kịp thời uốn nắn những hiện tượng sai phạm vè
đường lối, thủ tục, nguyên tắc trong công tác phát triển Đảng. Do đó, việc
phát triển Đảng vừa bảo đảm được chất lượng, lại tăng nhanh về số lượng.
Ngoài việc cung cấp hàng vạn đảng viên cho quân đội và các cơ quan, công
trường, xí nghiệp… chúng tôi đã đưa tỷ lệ đảng viên từ 2,1% so với số dân
năm 1963 lên trên 3% năm 1967. Ở những nơi cơ sở đảng còn yếu, hoặc
chưa có đảng viên, việc củng cố và phát triển Đảng càng được coi trọng hơn.
Năm 1963 còn 121 xóm không có đảng viên; đến năm 1967, hầu hết các
xóm đều có đảng viên. Đội ngũ đảng viên đã được tăng thêm lực lượng trẻ,
nữ và thành phần cơ bản, làm tăng tính chiến đấu của Đảng.
Một nhược điểm lớn của đội ngũ cán bộ trong tỉnh chúng tôi là trình độ hiểu
biết và năng lực quản lý kinh tế và khoa học, kỹ thuật nông nghiệp còn quá
thấp. Do đó, có tình trạng cán bộ ít phát hiện được những mâu thuẫn, những
khuynh hướng lệch lạc trong phong trào, ít phát huy được tác dụng giúp đỡ
cơ sở, giúp đỡ địa phương. Ở nhiều xã và hợp tác xã, sự chỉ đạo thực hiện
của tổ chức đảng còn chung chung, phương hướng và biện pháp sản xuất đề
ra không sát. Quá trình phát triển từ sản xuất cá thể chuyển lên sản xuất lớn
tập thể có tổ chức, có kế hoạch, có kỹ thuật, đòi hỏi chúng tôi phải sớm khắc
phục tình hình này. Chúng tôi đặt vấn đề cho các đồng chí cấp uỷ, các cán
bộ lãnh đạo, chỉ đạo nông nghiệp từ tỉnh đến huyện, xã và hợp tác xã phải
nghiên cứu nắm vững tình hình đặc điểm của địa phương; phải tìm hiểu nắm
được quy luật của khí hậu, thời tiết, quy luật sinh trưởng của cây trồng và
thường xuyên tổng kết rút kinh nghiệm từng khâu, từng mặt công việc để chỉ
đạo cho sát, đúng. Mặt khác, chúng tôi chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng
cao trình độ chính trị, văn hoá, quản lý kinh tế và khoa học, kỹ thuật của cán
bộ, giúp cho anh chị em, nhất là cán bộ chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, có
trình độ hiểu biết nhất định về mặt này để chỉ đạo công tác được tốt hơn.
Về quản lý kinh tế và kỹ thuật nông nghiệp, để thiết thực phục vụ yêu cầu
của phong trào quần chúng trước mắt, tỉnh và huyện đã tổ chức các lớp học
ngắn ngày từ một tháng rưỡi đến hai tháng cho những cán bộ lãnh đạo, cán
bộ nghiên cứu của tỉnh, các đồng chí lãnh đạo của huyện, các cán bộ chủ
chốt của xã và hợp tác xã, đội trưởng và đội phó các đội sản xuất để bồi
dưỡng về đường lối phát triển nông nghiệp của Đảng, về phương hướng,
nhiệm vụ và mục tiêu sản xuất của tỉnh, bồi dưỡng những hiểu biết về quản
lý kinh tế, về khoa học, kỹ thuật nông nghiệp, giúp các đồng chí học và
nghiên cứu những vấn đề chủ yếu, những cây trồng và con gia súc chủ yếu.
Bằng phương pháp này, chúng tôi đã bồi dưỡng được hàng ngàn cán bộ. Chỉ
tính riêng phân hiệu 2 của trường Đảng tỉnh, trong gần ba năm, đã bồi dưỡng
được gần 900 cán bộ (393 cán bộ tỉnh và huyện, 505 cán bộ xã, hợp tác xã).
Đồng thời, chúng tôi tổ chức các lớp tập huấn qua từng vụ, từng việc và
hướng dẫn đi xem để học tập rút kinh nghiệm ở những hợp tác xã đạt năng
suất cao, hoặc những cơ sở khá nhất về từng mặt như làm thuỷ lợi, chăn
nuôi, trồng cây, thả cá… Chúng tôi còn phát động rộng khắp trong các hợp
tác xã phong trào làm ruộng thí nghiệm thâm canh đạt sản lượng cao, áp
dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến kết hợp với kinh nghiệm sản xuất tốt của
quần chúng, nhằm giúp cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo nông nghiệp vừa làm, vừa
học, vừa rút kinh nghiệm. Một số vấn đề kỹ thuật cần thiết được lồng vào
chương trình của các lớp bổ túc văn hoá mở cho cán bộ và thanh niên ở các
địa phương.
Nhằm đáp ứng những yêu cầu lâu dài, chúng tôi kiên quyết cử một số cán bộ
đi học hàm thụ, chuyên tu đại học về quản lý kinh tế và kỹ thuật nông
nghiệp. Ở tỉnh, chúng tôi mở hai trường quản lý kinh tế để đào tạo cán bộ
lãnh đạo quản lý hợp tác xã nông nghiệp. Thời gian học tập từ 20 đến 22
tháng. Phương châm đào tạo là: “Vừa học, vừa làm”, “Cần gì học nấy”,
“Học cả về quản lý và kỹ thuật”. Sau hơn bốn năm, chúng tôi đã đào tạo
được gần 600 cán bộ. Sau khi đi học về, những cán bộ này qua thử thách
được xã viên tín nhiệm cử làm chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, hoặc uỷ viên ban
quản trị, đội trưởng đội sản xuất của hợp tác xã. Về kỹ thuật nông nghiệp,
chúng tôi còn mở hai trường trung cấp về kỹ thuật nông nghiệp ở tỉnh và
nhiều trường sơ cấp kỹ thuật ở huyện để đáp ứng yêu cầu phát triển nông
nghiệp của địa phương. Do đó, về cán bộ kỹ thuật nông nghiệp ngoài số cán
bộ cao cấp, tỉnh chúng tôi đã có gần 1.800 cán bộ trung cấp và gần 2.000 cán
bộ sơ cấp.
Đi đôi với bồi dưỡng, đào tạo, chúng tôi đã từng bước xây dựng được quy
hoạch cán bộ một cách toàn diện để khắc phục sự mất cân đối, giữa yêu cầu
của sản xuất và chiến đấu, giữa yêu cầu của nông nghiệp và các ngành khác,
giữa yêu cầu của trung ương và địa phương. Nhờ vậy, chúng tôi đã từng
bước khắc phục được tình trạng bị động, chắp vá, xáo trộn trong công tác
cán bộ.
Trong công tác cán bộ, chúng tôi còn quan tâm đến việc bố trí, sử dụng và
đề bạt cán bộ một cách hợp lý, đúng đắn. Có làm như vậy, mới phát huy
được khả năng và tác dụng của mỗi loại cán bộ.
Vấn đề kết hợp giữa cán bộ trẻ và cán bộ già, động viên được cả trẻ và già
tích cực cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ là một vấn đề rất quan trọng.
Trước đây, ở nhiều nơi trong tỉnh chúng tôi do chưa có nhận thức đúng đắn,
nên thường sinh ra bảo thủ, hẹp hòi, không mạnh dạn đào tạo, đề bạt cán bộ
trẻ, cho rằng trẻ thì chưa có kinh nghiệm công tác, kinh nghiệm sản xuất,
xốc nổi… Thậm chí có tư tưởng sợ đưa trẻ vào rồi họ tiến bộ hơn mình.
Những đồng chí đó chưa thấy rằng tăng cường cán bộ trẻ vào các cơ quan
lãnh đạo trong giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa hiện nay là một yêu
cầu quan trọng và cấp thiết, vì cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc
nước ta là quá trình phát triển tổng hợp của ba cuộc cách mạng: cách mạng
quan hệ sản xuất, cách mạng kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hoá, trong
đó cách mạng kỹ thuật lại giữ vị trí then chốt. Muốn lãnh đạo và chỉ đạo
thực hiện tốt ba cuộc cách mạng đó, bản thân cán bộ lãnh đạo không những
phải nắm vững đường lối, nội dung của cuộc cách mạng đó, mà còn phải có
trình độ hiểu biết nhất định về chính trị văn hoá, về quản lý kinh tế, khoa
học, kỹ thuật…
Cán bộ trẻ tuy có một số nhược điểm nhất định, song họ là những người có
sức khoẻ, hăng hái, tích cực, có trình độ văn hoá khá, có khả năng tiếp thụ
nhanh và nhạy cảm với cái mới… Có tăng cường cán bộ trẻ vào các cấp lãnh
đạo mới kịp thời đáp ứng được yêu cầu phát triển của cách mạng.
Hơn nữa, cán bộ già thì sức khoẻ ngày càng kém, hạn chế việc xông pha
gánh vác nhiệm vụ; cán bộ già lại có nhược điểm: thường chậm chạp, trình
độ văn hoá thấp, khả năng tiếp thụ chậm, và tuổi già dễ sinh bảo thủ, chủ
quan… Đó là những thực tế khách quan của loại cán bộ già. Vì vậy, chúng
tôi chú ý làm cho cán bộ già thấy rõ nhược điểm của mình mà có trách
nhiệm đào tạo, bồi dưỡng lớp cán bộ trẻ kế tục sự nghiệp cách mạng, thực
hiện lý tưởng cao cả của Đảng. Tuy nhiên, cán bộ già cũng có những mặt tốt
như chín chắn, cẩn thận, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn… Do đó, cần phải
bồi dưỡng, sử dụng cho đúng đắn, hợp lý. Nếu không chú ý đúng mức đến
cán bộ già sẽ bỏ mất những kinh nghiệm sản xuất cổ truyền của ông cha ta
để lại; bỏ mất những kinh nghiệm vận động quần chúng của Đảng, vì những
vốn quý báu đó thường có trong lớp cán bộ già. Và, nếu không chú ý đúng
mức như vậy sẽ làm cho cán bộ già thiếu phấn khởi, thiếu trách nhiệm, từ đó
dẫn đến thiếu đoàn kết giữa trẻ và già, cán bộ trẻ dễ bị cô lập.
Cố nhiên, trẻ hay già đều phải là những đồng chí có tín nhiệm, có năng lực
đảm đương được trọng trách của Đảng giao, chứ không có nghĩa là trẻ hay
già nào cũng được; và cũng không có nghĩa là đề bạt để mà chiếu cố đến
tuổi già, đền đáp công lao cống hiến, hưởng thụ của các đồng chí già.
Thực tế ở Thái Bình chứng tỏ rằng nơi nào nhận thức đúng và giải quyết tốt
vấn đề này, thì phát huy được khả năng, kinh nghiệm của mỗi đồng chí, làm
cho già trẻ đoàn kết giúp đỡ nhau, học tập lẫn nhau, đưa phong trào mọi mặt
phát triển tốt, sản xuất được đẩy mạnh. Ví dụ: hợp tác xã Tân Phong (Thư
Trì), Trọng Quan (Tiên Hưng),… là những điển hình tốt về mặt này. Trái lại,
ở những nơi còn mang nặng tư tưởng bảo thủ, hẹp hòi, không chú trọng đào
tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ thì phong trào trì trệ, sản xuất phát triển chậm. Do
không nhận thức đầy đủ vấn đề này, nên khi cấp trên đôn đốc, nhắc nhở,
nhấn mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ để đáp ứng yêu cầu mới của
cách mạng, thì đào tạo một cách vội vã, hấp tấp, không có phương hướng,
không có kế hoạch, đưa ngay cán bộ trẻ vào lãnh đạo, gạt cán bộ già ra, kể
cả những đồng chí tuy tuổi già nhưng có trình độ, khả năng và kinh nghiệm
công tác tốt, làm cho cán bộ già cảm thấy mình bị hắt hủi, phấn khởi, dẫn
đến thiếu tin tưởng, phấn khởi, ảnh hưởng đến đoàn kết nội bộ. Còn những
cán bộ trẻ được đưa vào cơ quan lãnh đạo theo lối vội vã, hấp tấp như vậy
thường là thiếu kinh nghiệm, thiếu khả năng, bị động, lúng túng với công
việc, không phát huy được vai trò lãnh đạo, dẫn đến mất uy tín nhiệm với
cán bộ và nhân dân.
III- Cải tiến lề lối làm việc, xây dựng nền nếp lãnh đạo và chỉ đạo đúng
Trước đây, tỉnh chúng tôi chưa có một lề lối làm việc thật tốt. Khi họp Ban
thường vụ hay Tỉnh uỷ, thương bàn nhiều về kế hoạch Nhà nước, về sản
xuất, có khi bàn cả những vấn đề quá cụ thể, song cũng không sâu, không
toàn diện. Phần công tác Đảng, công tác quần chúng thường phải bỏ lại, ít
được bàn tới, hoặc có bàn cũng không được kỹ. Việc họp hành, báo cáo
thường chồng tréo lên nhau, nhiều khi cùng một việc, Tỉnh uỷ triệu tập bí
thư huyện lên họp, Ủy ban hành chính tỉnh cũng triệu tập uỷ ban hành chính
huyện lên họp, có khi Tỉnh uỷ còn triệu tập tất cả các đồng chí phụ trách các
ngành, các tổ chức quần chúng ở huyện cùng với bí thư, chủ tịch uỷ ban
hành chính huyện lên họp, làm cho cuộc họp giống như một cuộc mít tinh có
tính chất kêu gọi chung. Tỉnh làm như vậy, nên huyện cũng rập khuôn theo.
Nhiều công việc thường xuyên của các ngành xét ra chỉ cần báo cáo với Ủy
ban hành chính để chỉ đạo, đôn đốc thực hiện, nhưng các ngành cũng đến
xin ý kiến cấp uỷ, v.v…
Để khắc phục những hiện tượng trên, chúng tôi đã cải tiến lề lối làm việc,
phân công nhiệm vụ cụ thể giữa cấp uỷ với chính quyền và các ngành, các
giới, giữa các thành viên trong cấp uỷ. Ở tỉnh, Tỉnh uỷ phân công các đồng
chí bí thư và phó bí thư phụ trách chung, một số đồng chí chuyên lo về công
tác Đảng và đoàn thể quần chúng, một số đồng chí chuyên lo về công tác
chính quyền, một số đồng chí trực tiếp phụ trách huyện. Khi họp Ban thường
vụ hay Tỉnh uỷ, chỉ bàn và đề ra những nhiệm vụ, chủ trương, biện pháp
lớn, những công tác trung tâm trong từng thời gian, những kế hoạch dài
hạn, kế hoạch từng năm, từng vụ, hoặc những vấn đề tuy có chủ trương rồi,
nhưng quá trình thực hiện gặp khó khăn do thiên tai, địch hoạ gây ra cần
phải có những thay đổi… Sau đó, phổ biến cho cấp dưới và đôn đốc việc
thực hiện, đúc kết kinh nghiệm để chỉ đạo chung. Khi Tỉnh uỷ đã có chủ
trương, phương hướng rồi, chính quyền sẽ căn cứ vào đó mà định ra kế
hoạch cụ thể và chỉ đạo chính quyền cấp dưới và các ngành thuộc chính
quyền thực hiện. Những công việc lớn của các ngành cần báo cáo xin chủ
trương của cấp uỷ, thì cấp uỷ nghe và giải quyết; còn những vấn đề về biện
pháp, chỉ tiêu cụ thể thuộc phạm vi kế hoạch Nhà nước, thì các ngành trực
tiếp báo cáo với chính quyền và bàn cách thực hiện. Chỉ những khi cần phổ
biến đường lối, chủ trương, chính sách của Trung ương, nghị quyết của Tỉnh
uỷ, những phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tương đối dài hoặc có khi
những việc đột xuất, mới triệu tập bí thư huyện lên họp. Còn đối với những
vấn đề cụ thể của chính quyền, thì chính quyền sẽ bàn với các chủ tịch
huyện. Sau đó, tuỳ theo nội dung vấn đề, chủ tịch huyện sẽ báo cáo với
huyện uỷ hoặc ban thường vụ huyện uỷ.
Việc cải tiến lề lối làm việc nói trên đã giúp Ban thường vụ và Tỉnh uỷ
chúng tôi lãnh đạo, chỉ đạo được toàn diện, cân đối giữa các mặt công tác,
không nặng về công tác chính quyền mà nhẹ công tác Đảng và tổ chức quần
chúng, hoặc ngược lại; đồng thời, tránh được hiện tượng cấp uỷ bao biện
công việc của chính quyền, tạo điều kiện cho các đồng chí cấp uỷ viên thực
hiện nhiệm vụ của mình được tốt, vừa chỉ đạo được công tác của ngành
mình, vừa đi sâu kiểm tra, đôn đốc cấp dưới. Tuy nhiên, các đồng chí chủ
chốt phụ trách chính quyền phải đề cao ý thức tập thể, luôn hội ý trao đổi
công việc trong bộ phận thường trực của chính quyền. Đối với những vấn đề
lớn, quan trọng hoặc những vấn đề xét thấy cần thiết và có ảnh hưởng đến
sự chỉ đạo, đến chế độ nguyên tắc, chính sách phải báo cáo với Ban thường
vụ tỉnh uỷ, hoặc các đồng chí thường trực tỉnh uỷ, xin ý kiến rồi mới giải
quyết, hết sức tránh tình trạng vượt quyền tập thể, linh động giải quyết theo
ý kiến cá nhân. Có như vậy mới đề cao được vai trò lãnh đạo của tập thể, các
đồng chí phụ trách chính quyền mới tránh khỏi những sai phạm đáng tiếc, và
có làm như vậy mới bảo đảm tốt sự đoàn kết nội bộ. Mặt khác, nói cấp uỷ đề
ra chủ trương, phương hướng, nhiệm vụ, còn chính quyền đề ra kế hoạch cụ
thể để chỉ đạo thực hiện, điều đó không có nghĩa là cấp uỷ chỉ đề ra rồi lãnh
đạo đôn đốc chung chung, mà trong cấp uỷ phải có sự phân công chỉ đạo cụ
thể, trước hết là các đồng chí bí thư, phó bí thư phải đích thân đi vào chỉ đạo
những vấn đề lớn, những khâu quan trọng để từ đó tổng kết rút kinh nghiệm
chỉ đạo chung, có như vậy mới bảo đảm hoàn thành thắng lợi những nhiệm
vụ đề ra. Chính việc trực tiếp chỉ đạo của chúng tôi trên một số mặt như chỉ
đạo thực hiện phương hướng sản xuất, chỉ đạo thâm canh đạt sản lượng cao,
chỉ đạo gieo cấy lúa xuân, chỉ đạo chống bệnh vàng lụi, vv… đã chứng minh
điều đó.
Các ngành ở tỉnh cũng được xác định chức năng, trách nhiệm rõ ràng, nên
đã có phương hướng, kế hoạch cụ thể phục vụ tốt việc thực hiện nhiệm vụ
trọng tâm là sản xuất nông nghiệp, thâm canh giành mục tiêu “năm tấn thóc
một héc ta” và qua đó, cải tiến công tác của ngành.
Đối với cấp huyện, chúng tôi hướng dẫn huyện cải tiến lề lối làm việc phân
rõ chức năng, nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo giữa cấp uỷ và chính quyền huyện,
tạo điều kiện cho các đồng chí huyện uỷ tăng cường kiểm tra, giúp đỡ cơ sở,
đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền. Mặt khác,
chúng tôi đã điều động một số cán bộ có năng lực ở chung quanh tỉnh tăng
cường cho huyện. Chúng tôi đã phân công một số đồng chí tỉnh uỷ viên trực
tiếp làm bí thư huyện uỷ, một số đồng chí phụ trách các ngành của tỉnh đảm
nhiệm thêm nhiệm vụ phụ trách huyện. Nhờ đó, sự lãnh đạo, chỉ đạo của
Tỉnh uỷ đối với huyện được chặt chẽ, kịp thời hơn. Ngoài việc ra sức nâng
cao chất lượng huyện uỷ “bốn tốt”, từ năm 1965 đến nay, hằng năm, Ban
thường vụ tỉnh uỷ chúng tôi đã tiến hành nhận xét công tác của từng huyện,
chỉ ra được mặt mạnh, mặt yếu và phương hướng phấn đấu cho từng huyện,
giúp cho huyện nhìn rõ phong trào trong huyện. Được sự chỉ đạo chặt chẽ
của tỉnh, các huyện uỷ ngày càng thấy rõ vị trí, trách nhiệm của mình, đã có
sự chuyển biến rõ rệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đi sâu nắm tình hình
đặc điểm của địa phương, đề ra được chủ trương, phương hướng công tác
đúng đắn hơn, toàn diện hơn, đã có nhiều tiến bộ trong việc chỉ đạo xã, hợp
tác xã, chỉ đạo phát triển nông nghiệp.
Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chúng tôi còn chú trọng xây dựng và chỉ
đạo trọng điểm, phát huy tác dụng của trọng điểm; đồng thời, coi trọng chỉ
đạo chống lỏi, nhằm đưa phong trào tiến lên nhanh, mạnh và đồng đều. Qua
thực tiễn công tác ở Thái bình, chúng tôi rút được kinh nghiệm là tỉnh không
nên chỉ chọn một vài trọng điểm, mà phải chọn một số nơi đại diện cho từng
vùng từng mặt công tác. Mỗi khi chọn nơi nào làm trọng điểm, phải xác định
rõ cần giải quyết vấn đề gì, đạt mục tiêu gì, chứ không thể chọn một cách
tuỳ tiện nơi nào cũng được. Chọn trọng điểm phải chủ động, không thể lệ
thuộc vào sự phát triển khách quan của phong trào, nơi nào nổi lên thì chọn.
Nói chung, trọng điểm thường là nơi đại diện cho một vùng sản xuất, một
mặt công tác mà ở đó sự lãnh đạo của đảng uỷ, chi uỷ vững vàng, chi bộ
đoàn kết, quần chúng tốt, không nên chọn những nơi phong trào yếu quá.
Thái Bình là một tỉnh có ruộng đất ít, người đông. Do đó, phải tăng vụ, tăng
màu, thâm canh tăng năng suất lúa, để giải quyết tốt vấn đề lương thực. Vì
vậy, lúc đầu chúng tôi chọn hợp tác xã Tân phong (Thư trì) làm trọng điểm
chỉ đạo thực hiện phương hướng sản xuất mới. Đây là nơi cấy lúa, trồng màu
và cây công nghiệp, ruộng đất bình quân theo đầu người thấp. Chúng tôi đã
tập trung chỉ đạo tăng vụ, tăng màu, thâm canh tăng năng suất lúa, giải quyết
được vấn đề tự túc lương thực và làm nghĩa vụ đối với Nhà nước, phát triển
được chăn nuôi, cây công nghiệp. Nhưng Tân phong là nơi ruộng đất tốt,
người đông, ruộng đất bình quân theo đầu người ở đây lại thấp hơn bình
quân chung của tỉnh, nên chưa phải là nơi đại diện chung cho toàn tỉnh được.
Vì vậy, chúng tôi lại chọn thêm hợp tác xã Tân hưng hoà (Kiến xương) - nơi
ruộng đất xấu, bị chua nhiều, ruộng đất bình quân theo đầu người đạt trên ba
sào - làm trọng điểm chỉ đạo của tỉnh. Tuy nhiên, hai hợp tác xã này cũng
vẫn chưa đại diện cho các vùng có tình hình đặc điểm khác nhau, vì Thái
bình còn có vùng ruộng đất trũng, vùng bị chua mặn, nên chúng tôi còn phải
chọn thêm hợp tác xã Vũ thắng (Vũ tiên) - nơi nhiều ruộng đất trũng, đất thịt
nặng, và hợp tác xã Quảng nạp (Thuy anh), nơi ven biển, đất chua mặn
nhiều. Gần đây, khi Trung ương phát động phong trào thực hiện “ba mục
tiêu” (năm tấn thóc, hai con lợn và một lao động làm một hécta gieo trồng)
trong nông nghiệp, để thực hiện được mục tiêu về lao động là mục tiêu khó
khăn nhất của Thái bình, chúng tôi lấy hợp tác xã Vân đài (Duyên hà) - nơi
có bình quân ruộng đất vào loại cao nhất tỉnh (gần bốn sào một người) - làm
nơi chỉ đạo rút kinh nghiệm về mặt này. Do có nhiều trọng điểm với tình
hình đặc điểm khác nhau, do chỉ đạo trọng điểm được tốt, nên qua những
trọng điểm đó, chúng tôi có thể rút được nhiều kinh nghiệm hay để chỉ đạo
chung.
Trong việc chỉ đạo trọng điểm, phải phát động được địa phương tự làm là
chính. Muốn thế, phải thực hiện dân chủ bàn bạc, phát huy được tính chủ
động, sáng tạo của cán bộ địa phương; đồng thời phát động rộng rãi quần
chúng tham gia thực hiện, tránh tập trung quá nhiều cán bộ cấp trên về giúp,
tránh lối làm thay quần chúng, làm cho địa phương ỷ lại vào cấp trên. Trong
việc chỉ đạo trọng điểm, còn cần phải kịp thời sơ kết, tổng kết từng vụ, từng
việc, rút ra kinh nghiệm tốt cũng như xấu để chỉ đạo diện. Để phát huy kinh
nghiệm của trọng điểm, cần tăng cường tốt việc học tập, tham quan trọng
điểm, phát động phong trào thi đua học tập, đuổi kịp và vượt trọng điểm tiên
tiến, không những học tập kinh nghiệm về cách thức làm ăn, sản xuất, mà
học tập cả về tinh thần trách nhiệm, cách suy nghĩ, cách lãnh đạo, cách tổ
chức phân công, phân nhiệm cán bộ, đảng viên, v.v…
Chọn trọng điểm và chỉ đạo trọng điểm tốt là cơ sở để đưa phong trào tiến
lên. Nhưng nếu vẫn còn những nơi yếu, khâu yếu, mặt yếu thì phong trào
vẫn chưa tiến bước đồng đều, vững chắc. Do đó, đi đôi với chỉ đạo trọng
điểm, chúng tôi đã quan tâm việc chỉ đạo chống lỏi, để kịp thời giải quyết
những nơi, những khâu, những mặt yếu, cố gắng đưa phong trào tiến lên một
cách đồng đều, làm cho tỉnh không có huyện quá yếu, xã không có hợp tác
xã quá yếu, hợp tác xã không có đội sản xuất quá yếu và những cánh đồng
quá xấu. Muốn chống lỏi tốt, điều cần thiết là phải xác định cho đúng trọng
tâm, tìm đúng những điểm yếu cơ bản, xem yếu mặt nào, khâu nào thì tập
trung giúp đỡ giải quyết mặt đó, khâu đó. Ví dụ: yếu về mặt tổ chức cơ sở
đảng thì giúp đỡ về mặt củng cố và xây dựng Đảng, yếu về cơ sở quần
chúng thì giúp đỡ về mặt củng cố và xây dựng cơ sở quần chúng, hoặc nếu
gặp khó khăn về điều kiện sản xuất thì tuỳ theo tình hình thực tế mà giúp đỡ
giải quyết một cách cụ thể, thiết thực.
*
Trên đây là một số kinh nghiệm mà đảng bộ Thái Bình đã rút ra được trong
quá trình gắn chính trị xây dựng Đảng với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị
của địa phương những năm gần đây. Phát huy những kinh nghiệm sẵn có,
thời gian tới, đảng bộ chúng tôi quyết tâm lâm tốt cuộc vận động “nâng cao
chất lượng đảng viên và kết nạp đảng viên Lớp Hồ Chí Minh” gắn chặt với
thực hiện nhiệm vụ, phương hướng, mục tiêu mà Đại hội đại biểu đảng bộ
toàn tỉnh chúng tôi đã đề ra. Chắc chắn rằng những kinh nghiệm nói trên sẽ
được các đảng bộ bạn bổ sung để ngày càng sinh động, phong phú thêm.