Tải bản đầy đủ (.docx) (6 trang)

TRUYỀN kì mạn lục của Nguyễn Dữ ngữ văn 10 nâng cao

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (104.91 KB, 6 trang )

TRUYỀN KÌ MẠN LỤC
1.Thể loại:
Viết bằng chữ Hán, theo thể loại tản văn (văn xuôi), xen lẫn biền văn (văn có
đối) và thơ ca, cuối mỗi truyện có lời bình của tác giả hoặc của một người có cùng
quan điểm của tác giả.
2.Cấu trúc:
Hai mươi truyện trong Truyền kỳ mạn lục bao gồm:


"Câu chuyện ở đền Hạng vương" (Hạng vương từ ký)



"Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu" (Khoái Châu nghĩa phụ truyện)



"Chuyện cây gạo" (Mộc miên thụ truyện)



"Chuyện gã trà đồng giáng sinh" (Trà đồng giáng đản lục)



"Chuyện kỳ ngộ ở trại Tây" (Tây viên kỳ ngộ ký)



"Chuyện đối tụng ở Long cung" (Long đình đối tụng lục)




"Chuyện nghiệp oan của Đào Thị" (Đào Thị nghiệp oan ký)



"Chuyện chức phán sự đền Tản Viên" (Tản Viên từ phán sự lục)



"Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên" (Từ Thức tiên hôn lục)



"Chuyện Phạm Tử Hư lên chơi thiên tào" (Phạm Tử Hư du thiên tào lục)



"Chuyện yêu quái ở Xương Giang" (Xương Giang yêu quái lục)



"Chuyện đối đáp của người tiều phu ở núi Na" (Na sơn tiều đối lục)



"Chuyện cái chùa hoang ở huyện Đông Triều" (Đông Triều phế tự lục)




"Chuyện nàng Thúy Tiêu" (Thúy Tiêu truyện)



"Chuyện bữa tiệc đêm ở Đà Giang" (Đà Giang dạ ẩm ký)



"Chuyện người con gái Nam Xương" (Nam Xương nữ tử lục)



"Chuyện Lý tướng quân" (Lý tướng quân truyện)




"Chuyện Lệ Nương" (Lệ Nương truyện)



"Cuộc nói chuyện thơ ở Kim Hoa" (Kim Hoa thi thoại ký)

"Chuyện tướng Dạ Xoa" (Dạ Xoa bộ soái lục)
3. Nội dung:
- Trong Truyền kỳ mạn lục, có truyện vạch trần chế độ chính trị đen tối, hủ bại, đả
kích hôn quân bạo chúa, tham quan lại nhũng, đồi phong bại tục, có truyện nói đến
quyền sống của con người như tình yêu trai gái, hạnh phúc lứa đôi, tình nghĩa vợ
chồng, có truyện thể hiện đời sống và lý tưởng của sĩ phu ẩn dật.



- Thể hiện một quan điểm chính trị, một thái độ nhân sinh, một ý tưởng đạo đức
của Nguyễn Dữ. Đó là những mong muốn của ông về một xã hội mọi người được
sống yên bình trong nền đức trị, trong sự công bằng, trong tình cảm yêu thương
nhân ái giữa con người với con người... Giá trị lớn của Truyền kỳ mạn lục chính là
ở những nội dung nhân văn đó.
4. Giá trị nội dung
4.1. Giá trị hiện thực: Truyền kỳ mạn lục mượn yếu tố hoang đường kì ảo,
mượn truyện xưa để phản ánh hiện thực xã hội đương thời
a. Truyền kỳ mạn lục không phải là truyện ma quái mà là truyện con người,
không phải là truyện xảy ra trong quá khứ mà là truyện xảy ra trong xã hội nước ta
thế kỷ XVI.
b. Truyền kỳ mạn lục đã phản ánh khá rõ nét hiện thực xã hội phong kiến
VN thế kỷ XVI.
- Vua quan triều đình:
+ Vua chúa dối trá, gian ác, xa hoa trụy lạc. Trong truyện Đối đáp của người
tiều phu núi Na, mượn lời của người tiều phu, tác giả đã phê phán triều đại nhà Hồ
(cũng là phê phán triều đại nhà Mạc) dối trá, hoang phí, tham lam, nhũng nhiễu.
Hoặc ở truyện Bữa tiệc đêm ở Đà Giang, tác giả phê phán vua chúa không lo chính
sự mà chỉ ham thích săn bắn làm khổ dân.
+ Quan lại hung tợn, độc ác, tham lam, hiếu sắc như Lý Hữu Chi (Truyện Lý
tướng quân) tính tình dữ tợn. Khi có quyền vị cao, bèn coi lũ trộm cướp như lòng
ruột, coi người nho sĩ như cừu thù, thích sắc đẹp, ham tiền tài, tham lam không
chán. Nham hiểm, thâm độc, cướp vợ người trắng trợn như Thân Trụ quốc
(truyện Nàng Túy Tiêu). Hoặc tranh giành địa vị, chèn ép lẫn nhau như
truyện Chức Phán sự ở đền Tản Viên...
- Nho sĩ hư hỏng, thoái hóa biến chất. Chúng thường đổi họ để đi học, thay
tên để đi thi; hễ trượt thì đổ lỗi cho quan trường chấm, hơi thành danh thì hợm
mình tài giỏi, tính tình tráo trở, thấy thầy nghèo thì lảng tránh, gặp bạn nghèo thì
làm ngơ. Hoặc bỏ học, lừa dối cha mẹ, đắm chìm trong cuộc sống hưởng lạc. Hà

Nhân trong truyện Kỳ ngộ ở trại Tây mượn tiếng du học, nhưng bút nghiên thì nản,


son phấn tình nồng, suốt này đêm say sưa trong những cuộc hoan lạc với hai hồn
hoa Đào, hoa Liễu.
- Đạo Phật xuống cấp, sư sãi là những kẻ đội lốt thầy tư, khoác áo cà sa để
làm những việc bất chính. Hàn Than (truyện Nghiệp oan của Đào thị) mượn chùa
để lánh nạn. Đi tu mà lòng thù hận vẫn không dứt, cõi dục vẫn mãnh liệt. Thần Phật
là bọn vô lại trộm cướp. Đêm đêm rời chùa miếu lội ao trộm cá, vào vườn bẻ mía,
phá hoại cuộc sống dân lành. Còn tượng Thủy thần khi thấy người tìm đến: “Bỗng
biến sắc, mặt tái đi như chàm đổ, mấy cái vẩy cá còn dính lèm nhèm trên mép”
(truyện Cái chùa hoang ở Đông Triều).
- Bọn phú thương coi tiền bạc hơn tình nghĩa. Chúng dùng tiền bạc và thủ
đoạn nham hiểm để cướp vợ bạn bè. Trong truyện Người nghĩa phụ ở Khoái
Châu, tên lái buôn Đỗ Tam đã dùng mẹo cờ bạc để cướp vợ Trọng Quỳ.
Truyện Yêu quái ở Xương Giang vạch trần hành động bỉ ổi của lão thương nhân họ
Phạm, đã tư thông với người con gái nuôi có nhan sắc: “Người con gái lớn lên, khá
có tư sắc, họ Phạm yêu mến rồi cùng nàng tư thông”.
- Nhân dân sống cuộc đời điêu đứng trước bao tai họa chiến tranh, bệnh tật,
bị bóc lột ức hiếp vô cùng khổ cực: “Người trong vùng phục dịch nhọc nhằn, anh
nghỉ thì em đi, chồng về thì vợ đổi, ai nấy đều vai sưng tay rách, rất là khổ sở”
(Truyện Lý Tướng quân). Do đó mà người chết rất nhiều, oan hồn lang thang vất
vưởng, tranh giành miếng ăn.
→ Thông qua các nhân vật thần tiên, ma quái, tinh loài vật, cây cỏ..., tác
phẩm muốn gửi gắm ý tưởng phê phán nền chính sự rối loạn, không còn kỷ cương
trật tự, vua chúa hôn ám, bề tôi thoán đoạt, bọn gian hiểm nịnh hót đầy triều đình;
những kẻ quyền cao chức trọng thả sức vơ vét của cải, sách nhiễu dân lành; thậm
chí chiếm đoạt vợ người, bức hại chồng người. Trong một xã hội rối ren như thế,
nhiều tệ nạn tất sẽ nảy sinh. Cờ bạc, trộm cắp, tật dịch, ma quỷ hoành hành, đến Hộ
pháp, Long thần cũng trở thành yêu quái. Sư sãi, học trò, thương nhân, nhiều kẻ

đắm chìm trong sắc dục
4.2. Giá trị nhân đạo: Truyền kỳ mạn lục phản ánh số phận con người qua
số phận người phụ nữ
a. Chủ đề người phụ nữ trở thành chủ đề trung tâm của tác phẩm. Có 11/20
truyện viết về người phụ nữ, trong đó 8 truyện phụ nữ là nhân vật chính.
b. Trân trọng vẻ đẹp phẩm chất của người phụ nữ
Nhiều phụ nữ trong Truyền kỳ mạn lục là những tấm gương thủy chung,
trung liệt. Vũ Thị Thiết trong truyện Người con gái Nam Xươngthùy mị nết na, tư
dung đẹp đẽ. Chồng đi lính xa, một mình phụng dưỡng cha mẹ già, nuôi con thơ,
một lòng một dạ chờ chồng nhưng khi phải chịu nổi oan nàng đã quyên sinh để
khẳng định tấm lòng trong sạch của mình. Nàng Nhị Khanh trong truyện Người
nghĩa phụ ở Khoái Châu thủ tiết thờ chồng. Nhưng khi chồng ham mê cờ bạc, mắc
mưu gian kế hiểm của Đỗ Tam đến nỗi phải gán cả vợ thì nàng đã thắt cổ tự tử chứ
không chịu đem thân trao cho kẻ khác.
c. Đề cao những khát vọng chân chính của người phụ nữ


- Khát vọng tình yêu đôi lứa: Ca ngợi mối tình trong trắng, thủy chung của
đôi trai tài gái sắc Túy Tiêu với Dư Nhuận Chi trong Truyện nàng Túy Tiêu. Họ đã
vượt bao gian nguy, trở ngại, chống lại tên Thân Trụ quốc hiếu sắc, nham hiểm để
mãi mãi được ở bên nhau. Túy Tiêu dù đang ở trong dinh Thân Trụ quốc nhưng
lòng vẫn lo nghĩ mưu kế thoát khỏi nơi này.
- Khát vọng hạnh phúc gia đình: Các truyện Người con gái Nam Xương,
Người nghĩa phụ ở Khoái Châu đã thể hiển rõ khát vọng đó. Lúc chồng trận ra, Vũ
Thị Thiết (Người con gái Nam Xương) đã nói: “Lang quân đi chuyến này, thiếp
chẳng dám mong được đeo ấn hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về
mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi”. Khi bị chồng nghi ngờ, mắng
nhiếc và đánh đuổi đi, nàng cho biết ý nguyện của mình: “Thiếp sở dĩ nương tựa
vào chàng, vì có cái thú vui nghi gia nghi thất, có sự yên ổn được tựa bóng cây
cao”. Và một khi mái ấm gia đình tan vỡ, mất chỗ dựa trong cuộc sống, lâm vào bi

kịch thì người vợ tìm đến cái chết.
Cũng chính khát vọng hạnh phúc gia đình đã đưa hai người phụ nữ xấu số
này trở về gặp gỡ chồng trong hạnh phúc đoàn tụ, dù rất ngắn ngủi.
- Đồng cảm với những khát vọng ân ái của người phụ nữ
+ Truyền kỳ mạn lục có nhiều trang văn say sưa miêu tả những khoái lạc trần
thế của con người. Từ Thức treo ấn từ quan say đắm trong mối tình với tiên nữ.
Bác sư Vô Kỷ và Đào Hàn Than biến nơi tu hành thành nơi hành lạc: “Cõi dục đã
gần, máy thiền dễ chạm, bèn cùng Vô Kỷ tư thông. Hai người đã yêu nhau, mê đắm
say sưa, chẳng khác nào con bướm gặp xuân, trận mưa cửu hạn, chẳng còn để ý gì
đến kinh kệ nữa”. Nho sinh Hà Nhân và hai nàng Đào Liễu đắm chìm trong hoan
lạc: “Tựa ngọc kề vàng, gối vừa xô đã khoát sóng hoa đào nghiêng ngả”.
+ Trong Truyền kỳ mạn lục, những khát vọng giải phóng bản năng phần
nhiều do người phụ nữ chủ động khêu gợi. Trong Cuộc kỳ ngộ ở trại Tây, các nàng
Đào Liễu đã nói với Hàn Nhân: “Nay gặp tiết xuân tươi đẹp, chúng em muốn làm
những bông hoa hướng dương để khỏi hoài phí mất xuân quang”. Còn Nhị Khanh
trong truyện Cây gạo bày tỏ ước vọng với Trình Trung Ngộ: “Nghĩ đời người ta,
thật chẳng khác gì giấc chiêm bao. Chi bằng trời để sống ngày nào, nên tìm lấy
những thú vui, kẻo một sớm chết đi, sẽ thành người của suối vàng, dù có muốn tìm
cuộc hoan lạc ái ân, cũng không thể được nữa”.
d. Thương cảm với bi kịch của người phụ nữ
Trong Truyền kỳ mạn lục người phụ nữ còn là hiện thân của bi kịch. Vũ Thị
Thiết (Người con gái Nam Xương), Nhị Khanh (Người nghĩa phụ ở Khoái Châu) bị
rơi vào bi kịch gia đình, bi kịch của lòng chung thủy. Nàng Túy Tiêu (Truyện nàng
Túy Tiêu), Lệ Nương (Truyện Lệ Nương) rơi vào bi kịch tình yêu tan vỡ. Còn Đào
Hàn Than (Nghiệp oan của Đào thị), Thị Nghi (Yêu quái ở Xương Giang) rơi vào
bi kịch bị chà đạp về nhân phẩm.
Họ là người hoặc yêu quái hiện hình nhưng phần lớn đều có một kết cục bi
thảm, nhiều khi tàn khốc. Dù để cho họ sống ở kiếp khác hoặc để cho Diêm vương



bắt đi nhưng nhà văn luôn thể hiện tấm lòng thương cảm, xót xa cho số phận bi
kịch của những người phụ nữ xấu số đó.
5. Giá trị nghệ thuật
5.1. Nghệ thuật xây dựng tình tiết, kết cấu
Phần lớn các truyện trong Truyền kỳ mạn lục có tình tiết phong phú, kết cấu
phức tạp hơn so với những truyện dân gian hoặc thần phả mà tác giả mượn cốt
truyện để xây dựng. Chẳng hạn, trong truyện Người con gái Nam Xương, tình tiết
phức tạp hơn, kết cấu mở rộng hơn so với truyện cổ tích Vợ chàng Trương.
Truyện Người con gái Nam Xươngkhông kết thúc ở chi tiết Vũ Thị Thiết gieo mình
xuống sông tự vẫn mà còn thêm phần hậu thân của nàng là được bà Sinh Phi phu
nhân Nam Hài Long vương thương Vũ Nương vô tội, rẽ một đường nước đưa về
thủy cung. Tại đây, Vũ Nương gặp một người cùng làng. Nàng gửi một chiếc hoa
vàng và nhờ nói hộ với chàng Trương nếu còn nhớ chút tình xưa, nên lập một đàn
giải oan ở bến sông, đốt cây thần đăng chiếu xuống nước, nàng sẽ hiện về. Vũ
Nương hiển linh, gặp chồng rồi sau đó âm dương cách biệt.
5.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật
Mặc dù cách xây dựng nhân vật trong Truyền kỳ mạn lục vẫn theo bút pháp
truyền thống: chia nhân vật thành hai loại thiện và ác nhưng tác phẩm đã đạt được
hai thành công lớn trong nghệ thuật xây dựng nhân vật:
- Nhân vật có tính cách riêng. Nhiều nhân vật trong Truyền kỳ mạn lục đã có
diện mạo, tính cách và cuộc sống riêng. Chẳng hạn, tính cách của Nhị Khanh trong
truyện Người nghĩa phụ Khoái Châu là thủy chung, tiết nghĩa, giàu lòng yêu
thương. Tính cách đó được thể hiện thông qua các sự kiện, biến cố: Nhị Khanh
khuyên chồng đi theo cha vào Nghệ An để phụng dưỡng thân phụ lúc tuổi già nơi
biên ải; Nhị Khanh cự tuyệt lời cầu hôn của tướng quân họ Bạch; Nhị Khanh quyên
sinh chứ không rơi vào tay lái buôn Đỗ Tam…
- Nhân vật có bóng dáng “con người cảm nghĩ” bên cạnh “con người hành
động”. Khi diễn tả tâm trạng nhân vật, tác giả thường dùng thơ để ngụ tình. Qua
thơ ca, các nhân vật bộc lộ những cảm xúc, suy nghĩ thầm kín trong lòng. Cũng có
khi, nhà văn trực tiếp miêu tả “con ngươi cảm nghĩ”. Chẳng hạn, đoạn văn trực tiếp

miêu tả nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương của Từ Thức: “Từ khi bỏ nhà đi thấm thoát đã
được một năm, ao sen đã đổi thay mầu biếc. Những đêm gió thổi, những sáng
sương sa, bóng trăng sáng dòm qua cửa sổ, tiếng thủy triều nghe vẳng đầu giường,
đối cảnh chạnh lòng, một mối buồn bâng khuâng, quấy nhiễu khiến không sao ngủ
được”.
Nói về nghệ thuật Truyền kỳ mạn lục, GS. Bùi Duy Tân viết: “Truyền kỳ
mạn lục là tập truyện có nhiều thành tựu nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật dựng
truyện, dựng nhân vật. Nó vượt xa những truyện ký lịch sử vốn ít chú trọng đến
tính cách và cuộc sống riêng của nhân vật, và cũng vượt xa truyện cổ dân gian
thường ít đi sâu vào nội tâm nhân vật. Tác phẩm kết hợp một cách nhuần nhuyễn,
tài tình những phương thức tự sự, trữ tình và cả kịch, giữa ngôn ngữ nhân vật và
ngôn ngữ tác giả, giữa văn xuôi, văn biền ngẫu và thơ ca. Lời văn cô đọng, súc tích,


chặt chẽ, hài hòa và sinh động. Truyền kỳ mạn lục là mẫu mực của thể truyền kỳ, là
"thiên cổ kỳ bút" (Vũ Khâm Lân), là "áng văn hay của bậc đại gia"(Phan Huy Chú),
tiêu biểu cho những thành tựu của văn học hình tượng viết bằng chữ Hán dưới ảnh
hưởng của sáng tác dân gian”.



×