8
ĐẶT VẤN ĐỀ
Đã từ lâu người ta biết rõ việc sử dụng thuốc trừ sâu (TTS) là một biện
pháp có tính quyết định trong việc diệt trừ dịch hại cây trồng. Trên thực tế,
thế giới đã không thể cung cấp đủ lương thực cho dân số ngày càng tăng mà
không sử dụng thuốc trừ sâu. Theo ước tính của Tổ chức Nông nghiệp và
Thực phẩm thế giới (FAO) [66,67], sự thiệt hại mùa màng do côn trùng, nấm
gây ra hàng năm chiếm 1/3 tổng giá trị thu hoạch từ cây trồng trên thế giới
tương đương hàng trăm tỷ đô la. Thuốc trừ sâu được sử dụng ở Việt Nam từ
thập kỷ 50 của thế kỷ XX. Trong những năm gần đây đã tăng nhanh cả về số
lượng và chủng loại, từ khoảng 100 tấn/năm (1954) đến 50.000 tấn/năm
(2001). Diện tích đất canh tác sử dụng thuốc trừ sâu cũng tăng từ 0,48%
(1960) lên khoảng 80 – 90% (1990) [44]. Theo cảnh báo của các nhà khoa
học, Việt Nam sẽ là một trong những nước sử dụng nhiều thuốc trừ sâu. Vấn
đề đáng quan tâm nhất ở nước ta hiện nay đối với TTS là khâu bảo quản, pha
chế và sử dụng. Từ khi nền kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường, đất đai
được khoán về từng hộ gia đình và các đơn vị tự hạch toán kinh doanh thì tình
hình bảo quản, phân phối và sử dụng TTS có nhiều bất cập, rất khó khăn
trong việc quản lý và kiểm soát.
Tồn lưu dư lượng của TTS trong thực phẩm, đất, nước là nhân tố chính
gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến thành phần của đất, tác động đến
vật thủy, làm mất cân bằng sinh thái đặc biệt là các quần thể côn trùng và đây
có thể là nguyên nhân dẫn đến việc bùng nổ các loại dịch bệnh khác trong
nông nghiệp [14,18,83]. Việc sử dụng thuốc trừ sâu tràn lan, không đúng đã
gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người như: gây rối loạn nội tiết,
huyết học, bệnh máu, ung thư, tai biến sản khoa, sinh con quái thai, khiếm
khuyết thần kinh, thay đổi hệ miễn dịch, hội chứng thần kinh, bệnh ngoài da,
bệnh phổi....[49,50,53,54,57,58,64,69,72,80,81,85,86,87,89,91,92,93,96,97].
Hiện tượng ngộ độc cấp do thuốc trừ sâu những năm gần đây cũng tăng cao.
Theo thống kê của Bộ Y tế, ngộ độc do thuốc trừ sâu là một trong mười
nguyên nhân gây tử vong cao tại các Bệnh viện chỉ sau các bệnh viêm phổi,
cao huyết áp, tai nạn giao thông v...v... [4]
Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do
người sử dụng hiểu biết tác hại của thuốc trừ sâu đối với môi trường và sức
khỏe còn hạn chế, nhận thức và thực hành sai lệch trong bảo quản, sử dụng
thuốc trừ sâu như: vẫn sử dụng các loại hóa chất cấm, không sử dụng BHLĐ
khi pha, phun hóa chất không đúng kỹ thuật, không đúng liều lượng và chủng
loại v...v...
Đã có những công trình nghiên cứu khoa học về tình trạng ô nhiễm môi
trường và tác hại của thuốc trừ sâu đối với sức khỏe người tiếp xúc. Tuy
nhiên đi tìm những giải pháp can thiệp nhằm nâng cao nhận thức, thực hành
của người trực tiếp sử dụng và hạn chế nguy cơ nhiễm độc thuốc trừ sâu trong
hoàn cảnh thực tế ở nước ta thì mới có một số công trình nghiên cứu. Xuất
phát từ yêu cầu bảo vệ sức khỏe người dân trong thời kỳ công nghiệp hóa –
hiện đại hóa nông thôn, đặc biệt sức khỏe cho người sử dụng thuốc trừ sâu
chúng tôi nghiên cứu đề tài trong 2 năm 2011 – 2012 với tên đề tài “Hiệu quả
của biện pháp truyền thông giáo dục sức khỏe cho người dân trong sử
dụng thuốc trừ sâu tại xã Mỹ Đức – huyện An Lão – TP Hải Phòng” và các
mục tiêu sau:
1. Thực trạng sử dụng thuốc trừ sâu tại xã Mỹ Đức – huyện An Lão
thành phố Hải Phòng trước tiến hành các biện pháp can thiệp.
2. Đánh giá hiệu quả của biện pháp truyền thông giáo dục sức khỏe cho
người dân về nhận thức, thực hành trong sử dụng thuốc trừ sâu tại địa bàn
nghiên cứu.
CHƯƠNG I
TỔNG QUAN TÀI LIỆU
1.1. MỘT SỐ NÉT CƠ BẢN, LỢI ÍCH VÀ TÁC HẠI CỦA THUỐC TRỪ
SÂU:
1.1.1. Khái niệm về thuốc trừ sâu
Thuốc trừ sâu là danh từ chung để chỉ một chất hoặc hợp chất bất kỳ có
tác dụng dự phòng hoặc tiêu diệt, kiểm soát các sâu bệnh gây hại, kể cả vector
gây bệnh cho người và động vật, các loại côn trùng khác hay động vật có hại
trong quá trình sản xuất chế biến, bảo quản, lưu trữ, xuất khẩu, tiếp thị lương
thực, sản phẩm nông nghiệp, gỗ và các sản phẩm của gỗ, thức ăn gia súc hoặc
phòng chống các loại côn trùng, ký sinh trùng ở trong hoặc ngoài cơ thể gia
súc [1], [98].
1.1.2. Phân loại thuốc trừ sâu
Có 3 cách phân loại:
* Phân loại theo mục đích sử dụng
- Nhóm các chất diệt nấm (fungicides)
- Nhóm các chất diệt sâu (insecticides)
- Nhóm các chất diệt cỏ (herbicides)
- Nhóm các chất diệt chuột và động vật gặm nhấm (rodenticides)
- Nhóm các chất trị bệnh
* Phân loại theo nguồn gốc sản xuất và cấu trúc hoá học
- HCTS vô cơ
- HCTS hữu cơ
- HCTS nguồn gốc thực vật
* Phân loại nhóm độc theo WHO:
Dựa vào LD 50 và LC 50
1.1.3. Độc tính của thuốc trừ sâu:
- Thuốc trừ sâu xâm nhập vào cơ thể nhiều một lúc gây nhiễm độc cấp
- Thuốc trừ sâu xâm nhập vào cơ thể gây nhiễm độc mạn tính, nó tác
động lên hệ tiêu hoá, hô hấp gây ung thư; hệ sinh sản gây vô sinh ở nam, gây
sảy thai ở nữ ... tác động đến di truyền, nhiễm độc thần kinh, da, mắt ... [29,
49,50,53,54,57,58,64,69,72,80,81,85,86,87,89,91,92,93,96,97]
1.1.4. Lợi ích và tác hại của thuốc trừ sâu
Thuốc trừ sâu ngày càng được sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp, vì
nó có tác dụng bảo vệ cây trồng, tăng sản lượng thu hoạch một cách nhanh
chóng, bảo đảm cung cấp lương thực, thực phẩm nuôi sống con người, liên
quan trực tiếp đến thu nhập và đời sống của người lao động nông nghiệp,
nhưng những tác hại của thuốc trừ sâu đối với sức khoẻ con người và môi
trường sinh thái nói chung cũng đang ngày càng gia tăng theo mức độ sử
dụng, ví dụ nếu như vào cuối những năm 40 của thế kỷ XX, các loại thuốc trừ
sâu được sử dụng là DDT, Hexa clo xiclohexan ( C H Cl ), chì axetat,
Toxaphen đến 1970 sau 20 năm thì các loại thuốc sử dụng đã có nhiều thay
đổi, xuất hiện những loại mới, với sử dụng tăng gấp đôi. Nhận định chung là
trong nhiều năm qua và hiện nay tuy đã sử dụng đồ sộ về thuốc trừ sâu nhưng
tỷ lệ % thất bát về sản xuất đồng ruộng do sâu trùng phá hoại vẫn không thay
đổi [5,8].
Theo WHO năm 1990 ngộ độc thuốc trừ sâu cấp hàng năm là 3-25 triệu
người trong đó 90% xảy ra ở các nước đang phát triển. Từ năm 1989 đến
1992 ở Châu Mỹ nước có mức độ sử dụng lớn nhất là Costa Rica, ở Châu á là
Hồng Kông, ở Châu Phi là Moroco, ở châu Đại Dương là Fiji. Việc sử dụng
thuốc trừ sâu trên thế giới đang là vấn đề phổ biến, mạnh mẽ, vấn đề thuốc trừ
sâu trong nông nghiệp ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu [48,55,57,61] .
Nó gây hàng loạt các hậu quả về sinh lý, sinh hoá, sinh thái, ảnh hưởng cấp
tính và lâu dài tới con người thậm chí gây ung thư và các biến dị di truyền
[30,54,72,79,88,92,93,95].
Ở Việt Nam, hàng năm số lượng thuốc trừ sâu sử dụng đã lên đến hàng
chục nghìn tấn. Ngoài sử dụng cho nông nghiệp nó còn được dùng rộng rãi để
tiêu diệt bệnh sốt rét. Do việc sử dụng thuốc trừ sâu tuỳ tiện, tràn lan chưa
đảm bảo quy trình an toàn đã gây ô nhiễm môi trường và động thực vật
nghiêm trọng [4]. Sau thời kỳ mở cửa thị trường tình hình sử dụng thuốc trừ
sâu càng trở nên nghiêm trọng, số người lao động tiếp xúc với thuốc trừ sâu
về cả mức độ và số loại thuốc trừ sâu ngày một tăng nhưng thường có 3 nhóm
thuốc trừ sâu chính thường dùng [12] đó là:
-> Thuốc trừ sâu lân hữu cơ rất độc, đến nay có trên 50.000 chất, có
khoảng 50 chất dùng để diệt sâu bọ phá hoại mùa màng, ảnh hưởng chính dễ
gây nhiễm độc cấp tính cho người sử dụng. Những nhiễm độc mạn tính có thể
xảy ra ở công nhân nông nghiệp thao tác thường xuyên với thuốc trừ sâu, với
các biểu hiện chính là nhức đầu, choáng váng, nặng đầu, nhức thái dương,
giảm trí nhớ, mệt mỏi, chóng mặt, ăn ngủ kém, rối loạn tinh thần và trí tuệ
[29,31].
-> Loại thuốc trừ sâu Clo hữu cơ được sử dụng rộng rãi từ giữa thế kỷ
XX, tuy độc tính cấp không cao bằng nhóm thuốc trừ sâu lân hữu cơ nhưng
nguy hiểm hơn nhiều. Do có tính ổn định và bền vững, tồn lưu, tích luỹ trong
đất, trong cơ thể, trong tổ chức mỡ nên dễ gây nhiễm độc mạn tính với các
triệu chứng thần kinh là chủ yếu như: cảm giác khó chịu, đau đầu, rối loạn thị
giác, chóng mặt, co cơ ngoài ý muốn và những tổn thương dị ứng ngoài da ...
[29,31].
-> Loại thuốc trừ sâu Cacbamat phát hiện năm 1923 cho đến nay có
hơn 1000 hợp chất, có trên 35 loại đã được sử dụng làm thuốc trừ sâu, nhóm
TTS chính là dẫn xuất của axit cacbamic là Cacbaryl hay Sevin, Baygon,
Dimetan, Isolan, Pyrolan, Zeetran ... [7] Độc tính của loại này ở giữa 2 loại
thuốc trừ sâu lân hữu cơ và Clo hữu cơ gây tổn thương cơ quan nội tiết, gây
phản ứng dị ứng cơ thể, có khả năng gây ung thư và ảnh hưởng đến di
truyền... [29,31]
Sự ảnh hưởng của thuốc trừ sâu tới sức khoẻ sẽ càng nghiêm trọng qua
sự tác động trực tiếp và gián tiếp trong quá trình sử dụng không đảm bảo an
toàn vệ sinh lao động và phòng hộ lao động (qua da, niêm mạc, đường hô hấp
và đường tiêu hoá) do trong quá trình không đảm bảo an toàn vệ sinh lao
động và phòng hộ lao động [30,37]
Cùng với sự phát triển của công nghiệp, sự biến động của các quần thể
sâu hại, sự tăng trưởng về mặt số lượng chủng loại thuốc trừ sâu với kiến thức
ít ỏi về an toàn lưu giữ, bảo quản và sử dụng thuốc trừ sâu, phương tiện phòng
hộ kém, làm cho việc sử dụng thuốc trừ sâu ngày càng bị lạm dụng khó kiểm
soát, gây ra nguy cơ ô nhiễm thuốc trừ sâu ngày càng tăng.
1.2. TÌNH HÌNH SỬ DỤNG TTS TẠI VIỆT NAM
Ở Việt Nam việc sử dụng thuốc trừ sâu đã có từ năm 1957, chỉ có một
vài loại quen thuộc như: DDT, 666, Wolfatox... thì ngày nay đã có hàng trăm
loại hóa chất với hàng ngàn tên thương phẩm đang được lưu hành sử dụng.
Thuốc trừ sâu là một yếu tố không thể thiếu được trong ngành nông nghiệp để
phục vụ thâm canh, tăng năng suất cây trồng, bảo vệ mùa màng và sản phẩm
nông nghiệp sau thu hoạch. Theo tài liệu của ngành nông nghiệp nước ta,
trong thời gian từ 1976-1980 cả nước bị tổn thất 3,6 triệu tấn thóc, 55% là do
sâu bệnh. Từ 1981 – 1985 có 3,3 triệu tấn thóc bị mất, nguyên nhân do sâu
bệnh chiếm 28%. Khí hậu ẩm ướt, thời tiết nóng ẩm là những điều kiện thuận
lợi cho sâu bệnh nhanh chóng phát triển. Khoảng thời gian 1986 – 1987 chỉ
riêng tỉnh Thanh Hóa mỗi năm bắt được hơn 260 tấn bọ xít (trung bình mỗi
kg bọ xít có tới 21 vạn con). Tại huyện Thọ Xuân, chỉ có trong một vụ đã bị
mất 13.000 tấn thóc vì sâu bệnh, tương đương với 1/3 tổng sản lượng lúa cả
vụ [33,34].
Cùng với sản lượng lương thực của cả nước tăng theo mỗi năm là
lượng thuốc trừ sâu sử dụng ngày càng nhiều. Thời kỳ 1976 – 1980 trung bình
mỗi năm cả nước sử dụng 16.000 tấn thuốc trừ sâu (5.100 tấn chất hữu hiệu).
Trong đó 41,3% là hợp chất Clo hữu cơ, 24,1% là Carbamat, 23,7% là lân
hữu cơ, còn lại là các chất khác. Thời kỳ 1986 – 1990 lượng thuốc trừ sâu
trung bình dùng 14.000 tấn/năm (4.000 tấn chất hữu hiệu) cơ cấu các loại hóa
chất sử dụng thay đổi: 55% là lân hữu cơ, 13% là Clo hữu cơ, 12% là
Cacbamat, còn lại là hóa thực vật, hợp chất thủy ngân, Asen.... Lượng thuốc
trừ sâu hữu hiệu sử dụng bình quân là 0,50 kg/ha tính chung cho cả nước.
Mức sử dụng TTS ở vùng trồng rau cao gấp 3 – 4 lần, ở cùng trồng chè cao
gấp 7 – 8 lần so với vùng trồng lúa. Trong 20 năm (1961 - 1980) đồng ruộng
Việt Nam đã phải tiếp nhận 53.000 tấn thuốc trừ sâu khó phân hủy loại Clo
hữu cơ (46.910 tấn) và Thủy ngân hữu cơ (600 tấn), chưa tính lượng DDT
được sử dụng để chống muỗi sốt rét (1200 tấn thời kỳ 1962 – 1964, 20.000
tấn thời kỳ 1976 – 1983 khoảng 2000 tấn/năm vào những năm sau) [34].
Trước năm 1990, thuốc trừ sâu trong thời kỳ này được Nhà nước đặc
quyền phân bổ theo cơ chế bao cấp. Tuy nhiên do sự chỉ đạo từ Trung ương
đến địa phương chưa được chặt chẽ, tính pháp lý chưa cao và còn hạn chế về
thông tin nên nhà nước chưa có đủ biện pháp và chính sách quản lý hợp lý các
loại thuốc trừ sâu. Bất kể thuốc trừ sâu nào kể cả thuốc trừ sâu thuộc thế hệ
cũ, chậm phân hủy trong mọi điều kiện (theo phân loại của Tổ chức Y tế thế
giới) như các loại thuốc trừ sâu thuộc nhóm Clo hữu cơ (DDT, 666), các hóa
chất có độ độc cấp tính thuộc nhóm lân hữu cơ (Ethylparathion) các hóa chất
có chứa Asen, Mercury vẫn được nhập khẩu và sử dụng rộng rãi ở Việt Nam.
Trong khi đó những loại hóa chất này đã bị hạn chế hoặc cấm sử dụng ở nhiều
nước trên thế giới và trong khu vực [44].
Từ năm 1991 trở lại đây thuốc trừ sâu được lưu hành trên thị trường
như các vật tư hàng hóa khác. Do xác định được tính đặc thù của thuốc trừ
sâu là loại vật tư đặc biệt nên Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm
(Nay là Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn) (bộ NN-PTNT) đã có chủ
trương và biện pháp quản lý chặt chẽ từ khâu đăng ký sử dụng, xuất nhập
khẩu, sản xuất, gia công đóng gói, kinh doanh đến khâu sử dụng thuốc trừ
sâu. Từ đó nhằm tuyển chọn các loại thuốc trừ sâu để cho phép sử dụng, đồng
thời hạn chế hoặc bỏ dần các thuốc trừ sâu có độc tính cao hay có khả năng
tồn dư lâu có khả năng gây nhiễm bẩn môi trường.
Vì vậy ngay từ đầu tháng 7 năm 1991 Bộ nông nghiệp và Công nghiệp
thực phẩm khi đó đã ban hành danh mục thuốc trừ sâu được phép sử dụng đầu
tiên ở Việt Nam gồm 77 loại hóa chất trừ sâu, trừ cỏ, trừ bệnh, trừ chuột. Từ
đó đến nay hàng năm bộ NN-PTNT tiếp tục xét chọn các loại thuốc trừ sâu để
cho phép sử dụng, hạn chế sử dụng hay không được phép sử dụng ở Việt Nam
và ban hành công khai danh mục đó [44].
Khi nền nông nghiệp phát triển thì kỹ thuật canh tác được nâng cao.
Việc thâm canh tăng vụ với các giống mới năng suất cao, thì sự chống chịu
sâu bệnh của cây trồng cũng kém. Đòi hỏi một khối lượng lớn thuốc trừ sâu
sẽ được sử dụng trên đồng ruộng. Đến nay Việt Nam chưa sản xuất được
nguyên liệu thuốc trừ sâu mà phải nhập khẩu từ nước ngoài để gia công, hoặc
nhập thành phẩm từ bao gói lớn để sang chai, đóng gói nhỏ tại các nhà máy,
xí nghiệp trong nước.
Từ năm 1990 đến nay ngoài sản phẩm của các cơ sở sản xuất trong
nước, ngành nông nghiệp nước ta còn nhập khẩu nhiều thành phẩm từ nhiều
nước với tổng giá trị thương phẩm hàng năm khoảng 30 – 35 triệu đô la. Theo
báo cáo của cục bảo vệ thực vật từ năm 1993 trở về trước mỗi năm nước ta
nhập khẩu khoảng 13.000 – 15.000 tấn thuốc trừ sâu. Trong đó có tới 7.500 –
8.000 tấn thuốc trừ sâu trong danh mục thuốc trừ sâu hạn chế sử dụng. Từ
năm 1994 khối lượng thuốc trừ sâu hạn chế sử dụng được nhập khẩu vào Việt
Nam chỉ còn 3000 tấn thuộc thành phẩm quy đổi [35]
Theo kết quả của đề tài KT – 02 – 07 (1995) Việt Nam đã sử dụng 200
loại hóa chất trừ sâu (68,8%); 83 loại hóa chất trừ bệnh (12,6 – 15,5%); 52
loại hóa chất trừ cỏ (3,5 – 11,9%); 8 loại hóa chất diệt chuột và 9 loại hóa chất
kích thích sinh trưởng. Các loại thuốc trừ sâu được sử dụng năm 1985 với tỉ
lệ: hóa chất diệt cỏ chiếm 46%, hóa chất diệt côn trùng chiếm 31%, hóa chất
diệt nấm chiếm 18%. Các loại thuốc trừ sâu được dùng chủ yếu cho lúa, màu,
cây ăn quả với mức độ khá cao: từ 21.400 tấn năm 1991 lên 30.000 tấn. Năm
1994 lượng hóa chất trung bình là 0,4 – 0,5 kg/ha [7]. Diện tích canh tác có sử
dụng thuốc trừ sâu là 0,48% (1960) lên 50% (1980) và trên 90% (1990) [44]
Kết quả điều tra mức độ sử dụng thuốc trừ sâu năm 1982 – 1993 ở 8
huyện thuộc đồng bằng sông Hồng cho thấy các thuốc trừ sâu được sử dụng
chủ yếu là nhóm lân hữu cơ (58%) trong đó phổ biến nhất là Wolfatox (22,53
– 35,4%) là monitor (18,38 – 91,13%). Trong nhóm Carbamat (35%) thì
Padan được sử dụng nhiều nhất (3,94 – 16,91%). Trong các loại hóa chất diệt
nấm thì Vanidacin được dùng nhiều nhất ở vùng trồng lúa (67%). Nghiên cứu
về dư lượng thuốc trừ sâu trong chè khô tại Yên Bái (1997) thấy hơn 10 loại
thuốc trừ sâu đã được sử dụng, 53,6% hộ sử dụng thuốc trừ sâu bị cấm là
Monitor. Thậm chí trong đó có hộ phun tới 3 lần trong tháng. Phân tích dư
lượng Trebon và Monitor trong 60 mẫu chè cho thấy 28,4% mẫu chè có dư
lượng Monitor, 15% mẫu chè tươi có dư lượng Trebon [27,28]
Theo cục bảo vệ thực vật thuộc bộ NN-PTNT đến tháng 6/2001 nhiều
loại hóa chất clo hữu cơ chứa thủy ngân, Asen và các kim loại nặng, hóa chất
lân hữu cơ có độ độc cao như Methyl Parathicon, Methamidophos,
Phosphamidon v...v.... đã bị cấm hoặc hạn chế sử dụng. Tuy nhiên, các loại
hóa chất này vẫn còn nhập lậu và sử dụng khá nhiều như như Wolfatox,
Monitor (trên 40% số hộ sử dụng), Kelthan (80%), DDT và 666 (hơn 2%)
[5,7].
Dưới đây là lượng thuốc trừ sâu nhập hàng năm theo đường chính
ngạch của Bộ NN-PTNT [35].
TTS nhập khẩu sử dụng ở Việt Nam thời kỳ 1991 – 1998.
Năm
1991
1992
1993
1994
1995
1996
1997
1998
Số lượng (tấn)
21.400
22.600
25.600
27.000
32.400
35.000
37.000
40.000
Trị giá (triệu USD)
22,5
24,1
33,4
58,9
100,4
124,3
131,4
196,0
Trên thực tế, lượng thuốc trừ sâu sử dụng ở nước ta trong những năm
gần đây còn cao hơn nhiều do lượng thuốc trừ sâu nhập khẩu theo đường tiểu
ngạch và đường buôn lậu không thống kê, kiểm soát được.
Theo số liệu thống kê của Cục bảo vệ thực vật thuộc bộ NN-PTNT, cả
nước có 19.378 cửa hàng đại lý kinh doanh thuốc trừ sâu; Chỉ riêng một đợt
kiểm tra cuối năm 2002 ở 9.201 cửa hàng trên cả nước, đã phát hiện 2.460
cửa hàng (26,5%) có vi phạm. Điều tra 6.840 hộ nông dân có 60,8% số hộ sử
dụng thuốc trừ sâu không đúng quy trình kỹ thuật, 2,2% số hộ sử dụng hóa
chất cấm, 1,8% số hộ sử dụng hóa chất ngoài danh mục. Lượng hóa chất độc
cấm sử dụng nhập lậu bị thu giữ khá lớn: 1.600 chai Methamidophos bị thu
giữ ở huyện Đông Anh – Hà Nội, 1,1 tấn thuốc chuột Trung Quốc bị thu giữ ở
Thừa Thiên Huế, 2 tấn Methamidophos bị thu giữ ở Hưng Yên và nhiều
trường hợp khác. [11]
Tuy lượng thuốc trừ sâu bình quân trên 1ha đất cây trồng của nước ta
còn thấp so với các nước trong khu vực, nhưng điều đáng lưu ý là ở nước ta
vẫn dùng một số loại hóa chất Clo hữu cơ hoặc lân hữu cơ có độc tính cao mà
nhiều nước trên thế giới đã cấm sử dụng từ lâu. Một số thuốc trừ sâu có tác
dụng bảo vệ cây trồng tốt, ít ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe con người
thường có giá thành cao. Theo cục bảo vệ thực vật thuộc Bộ NN-PTNT
(1999) có 269 loại hóa chất và 735 tên thương phẩm thuốc trừ sâu được phép
sử dụng ở Việt Nam. Trong đó có 26 loại hạn chế sử dụng. Bộ NN-PTNT
cũng công bố danh sách 26 loại thuốc trừ sâu bị cấm hoàn toàn ở Việt Nam
trong đó 18 loại hóa chất trừ sâu, 6 loại hóa chất trừ bệnh, 1 loại hóa chất trừ
chuột và một loại hóa chất trừ cỏ [16]
Vấn đề đáng lo ngại nhất ở nước ta hiện nay là khâu bảo quản và sử
dụng hóa chất. Hệ thống phân phối và bảo quản từ Trung ương đến địa
phương đều không đáp ứng được tiêu chuẩn vệ sinh theo quy định. Các nhà
kho thiết kế không đúng tiêu chuẩn vệ sinh, nền nhà hư hỏng, mái dột nát,
không có hệ thống thông khí. Trong kho, chứa nhiều loại thuốc trừ sâu khác
nhau, để lộn xộn vương vãi ra nền nhà, hệ thống thoát nước tại kho không tốt,
khi mưa to nước ngập vào kho rồi chảy ra ngoài gây ô nhiễm môi trường.
Theo kết qủa nghiên cứu tại đề tài 2 – 67 – 84 của Trung tâm Y tế thuộc Bộ
NN – PTNT, nồng độ TTS trong không khí đo được ở các nhà kho: TTS lân
hữu cơ có nồng độ 0,198 – 0,845mg/m3 không khí (kho Thành phố Hồ Chí
Minh), loại TTS DDT: 0,112 – 0,361 mg/m3 không khí (kho Hải Phòng) [41]
Trên thị trường thuốc trừ sâu được bán tràn lan, bao bì đựng thuốc trừ
sâu không đúng quy cách, không có nhãn mác. Ngoài ra hóa chất còn được để
lẫn lộn với nhiều hàng hóa khác. Người bán không biết cách sử dụng để
hướng dẫn cho người mua. Xu hướng của người dân là thích dùng các loại
hóa chất rẻ tiền, công dụng mạnh không quan tâm đến vấn đề an toàn. Theo
báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật tại huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế thì
một số thuốc trừ sâu bị cấm sử dụng từ năm 1992 như DDT, Arsenic vẫn
được đem ra sử dụng và trong kho chứa còn tồn lưu một lượng lớn [44]
Các đội chuyên trách phun thuốc trừ sâu hầu như bị giải tán khi nền
kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường. Các hộ gia đình tự mua hóa chất về
phun. Phương pháp phun hóa chất phổ biến nhất ở nước ta hiện nay là phun
mưa (bằng bơm tay) và phun sương (bằng bơm có động cơ) hoặc rắc hóa chất
bột, hóa chất hạt. Trong điều kiện khó khăn nhiều người còn dùng cả bơm cũ
rò rỉ nhiều người dùng chổi để rắc hóa chất nước, dùng tay rắc hóa chất bột ...
Khi phun xong, bơm, dụng cụ, chai lọ được rửa trực tiếp tại các ao hồ [22,42]
Kết quả điều tra của Trung tâm Y tế Bộ NN&PTNT trong số công nhân
trực tiếp phun thuốc trừ sâu ở một số nông trường thấy chỉ có 3,8 % số người
được qua lớp huấn luyện ngắn ngày không một ai có tài liệu hướng dẫn sử
dụng và phòng chống nhiễm độc thuốc trừ sâu khi đi phun hóa chất có 85,6%
số người vẫn mặc quần áo thường dùng, chỉ có 58,8% số người sử dụng khẩu
trang. Khi bị hóa chất dây vào quần áo thì 94,2% số người cho biết họ vẫn
mặc tới khi làm xong công việc mới thay, 64,5% số người phun hóa chất bất
kể khi nào có thời gian [6]
Lượng thuốc trừ sâu được bán ra có nhiều chủng loại khác nhau trong
đó đặc biệt nguy hiểm là có những loại đã bị cấm sử dụng từ lâu nhưng vẫn
được người nông dân ở các nước đang phát triển, các nước thuộc Thế giới thứ
3 sử dụng bởi những loại hóa chất này có hiệu lực diệt sâu bệnh tương đối
cao, giá thành lại thấp. Tuy nhiên, đây là những loại hóa chất cực độc hoặc rất
độc có thời gian tồn lưu trong môi trường rất dài, do vậy đã có những ảnh
hưởng không nhỏ tới môi trường và sức khỏe con người [41,60]
1.3. ẢNH HƯỞNG CỦA THUỐC TRỪ SÂU ĐỐI VỚI MÔI TRƯỜNG VÀ SỨC
KHỎE CON NGƯỜI
Sử dụng thuốc trừ sâu trong nông nghiệp với dư lượng tồn lưu lớn đã
ảnh hưởng lớn và làm mất cân bằng sinh thái tự nhiên, biểu hiện như: đất bị
thoái hóa, khô cằn biến thành những vùng sa mạc.... Cuộc “cách mạng xanh”
ở Ấn Độ tuy đã mang lại những thành công to lớn trong việc tăng sản lượng
lương thực cho nước này nhưng đồng thời một diện tích lớn đất trồng đã trở
nên hoang hóa hoặc không thể canh tác được do ảnh hưởng của thuốc trừ sâu.
Ngoài ra thuốc trừ sâu còn được tích đọng trong mắt xích thức ăn từ đó gây
ảnh hưởng lâu dài tới cuối cùng là sức khỏe con người [94]
Năm 1972 ủy ban về sử dụng an toàn thuốc trừ sâu của Tổ chức Y tế
thế giới (WHO) đã thống kê ở 19 nước và ước tính trên thế giới hàng năm có
khoảng 500.000 người bị nhiễm độc thuốc trừ sâu. Mặc dù đã có các biện
pháp điều trị bằng các hóa chất chống độc đặc hiệu, nhưng tỷ lệ tử vong cũng
lên đến 1% (FooGaisim; 1985). Cũng theo Tổ chức Y tế Thế giới (1986 các
vụ nhiễm độc thuốc trừ sâu không chủ định hàng năm có thể vượt quá 1 triệu
người với tỷ lệ tử vong 0,4 – 0,9%)
Các nghiên cứu khác cho thấy số tử vong do ngộ độc thuốc trừ sâu dao
động từ 750.000 người (Bull; 1982) đến 2.000.000 (Escap; 1983). Các vụ ngộ
độc do tiếp xúc nghề nghiệp ước tính khoảng 70% trong số những vụ nhiễm
độc không chủ định. Ngoài ra có khoảng 2 triệu vụ nhiễm độc cấp do tự tử
(Rayaratnam; 1985). Trong số 220.000 trường hợp chết vì nhiễm độc cấp thì
số người tự tử chiếm 91%, tiếp xúc nghề nghiệp 6%, các lý do khác 3%. Ở
các nước đang phát triển, nhiễm độc thuốc trừ sâu cố ý (tự tử) chiếm tỷ lệ lớn
với liều cao. Theo Jeyaratnam (1987) ở các nước Malaysia, Inđônêxia và Thái
Lan tỷ lệ nhiễm độc thuốc trừ sâu do tự tử là 67,9%; 62,6%, 61,4% [47]
Tỷ lệ nhiễm độc giữa đi bệnh viện và không đi bệnh viện là 1/5
(WHO). Một tài liệu khác của Trung Quốc cho rằng hàng năm có 1% số
người tiếp xúc với thuốc trừ sâu bị nhiễm độc. Ở các nước đang phát triển, số
người tiếp xúc với thuốc trừ sâu ở mức cao là 50 triệu người, ở mức thấp là
500 triệu người có nghĩa là hàng năm có 3,5 – 5 triệu người nhiễm độc không
có chủ định.
Các số liệu nêu trên rất khác nhau vì hầu hết ở các nước không có cơ
quan nào chuyên trách theo dõi ảnh hưởng của thuốc trừ sâu đến sức khỏe con
người, mặc dù “Nó’ ngày càng được sử dụng với số lượng lớn và đa dạng về
chủng loại. Mặt khác, các ảnh hưởng về sức khỏe do thuốc trừ sâu ở các nước
công nghiệp là các ảnh hưởng do tiếp xúc với thuốc trừ sâu liều thấp trong
thời gian dài. Bởi vì, các nước này đã thực sự khống chế được vấn đề nhiễm
độc cấp thuốc trừ sâu và hiện nay họ tập trung vào các hậu quả có thể có đối
với nhiễm độc thuốc trừ sâu mãn tính.
Trong nghiên cứu “Phơi nhiễm đa thuốc trừ sâu và nguy cơ bệnh
lympho non Hodgkin ở dân cư 6 tỉnh của Canada”[72] từ năm 1991 – 1994 đã
được phân tích để tìm hiểu mối quan hệ giữa bệnh lympho non Hodgkin, tổng
số thuốc trừ sâu đã sử dụng và một vài kết hợp thuốc trừ sâu phổ biến. Các
trường hợp bệnh (n=513) được xác định thông qua hồ sơ bệnh viện và dữ liệu
về ung thư tại các tỉnh và đối chứng (n=1506), tần số phù hợp của các trường
hợp theo tuổi và tỉnh sinh sống được lấy từ hồ sơ y tế của các tỉnh, danh sách
điện thoại và danh sách bầu cử. Khi phân tích hồi quy đa logic, nguy cơ bệnh
lympho non Hodgkin tăng theo số lượng thuốc trừ sâu được sử dụng. Cũng
thu được kết quả tương tự trong những phân tích về thuốc diệt cỏ, thuốc diệt
côn trùng và một vài loại thuốc trừ sâu. Tỷ lệ chênh lệch còn tăng nhiều hơn
khi xét đến những thuốc trừ sâu có tiềm năng gây ung thư. (OR[một loại
TSS]=1.30, 95% CI=0.90-1.88; OR[2 hoặc 4 loại]=1.54, CI=1.11-2.12; OR[5
loại hoặc hơn]=1.94, CI=1.17-3.23). Cũng tìm thấy những nguy cơ cao ở
những trường hợp dùng malathion kết hợp với một vài thuốc trừ sâu khác.
Những phân tích này củng cố và mở rộng những nghiên cứu trước rằng: nguy
cơ bệnh lympho non Hodgkin tăng theo số lượng thuốc trừ sâu được sử dụng
và một số kiểu kết hợp thuốc trừ sâu.
Hay trong nghiên cứu “Liên quan giữa các chất ô nhiễm hữu cơ mãn
tính ở nhau thai với nguy cơ khuyết tật ống thần kinh”[88]: Nghiên cứu bệnh chứng được thực hiện để phát hiện mối liên hệ giữa những mức độ nhau thai
bị ô nhiễm hữu cơ mãn tính nhất định và nguy cơ khuyết tật ống thần kinh
(NTDs) ở cụm dân cư Trung Quốc bị khuyết tật ống thần kinh khá phổ biến.
80 trường hợp thai nhi hoặc bé sơ sinh bị khuyết tật ống thần kinh, trong khi
nhóm đối chứng là 50 em sơ sinh khỏe mạnh, không khuyết tật. Độ tập trung
PAHs, o,p'-DDT and metabolites, and á-HCH ở nhau thai tăng cao liên quan
đến nguy cơ khuyết tật ống thần kinh tăng lên ở cụm dân cư này.
Nghiên cứu “Đánh giá phơi nhiễm thuốc trừ sâu với thời gian ngắn và
dài trên học sinh nông thôn tại Nicaragoa”[91]: Nghiên cứu bao gồm 132 trẻ
em có bố mẹ là nông dân tự cung tự cấp hoặc là công nhân đồn điền hoặc đã
có lịch sử về nông nghiệp. Kết quả tìm thấy: Chất lắng cặn thuốc trừ sâu trong
nước tiểu cho thấy độ phơi nhiễm môi trường cao ở trẻ em nông thôn
Nicaragua. Chỉ số định lượng về việc cha mẹ sử dụng thuốc trừ sâu là tiêu
chuẩn về độ phơi nhiễm của trẻ em trong các thời kỳ khác nhau hữu ích để
đánh giá các ảnh hưởng đối với sự phát triển của sức khỏe.
Tìm hiểu “Biến đổi gen, sử dụng thuốc trừ sâu và nguy cơ ung thư
tuyến tiền liệt” người ta quan sát thấy một vài tương tác thuốc trừ sâu – SNP
trong các gen stress oxidative và enzym pha I/II và nguy cơ tuyến tiền liệt.
Cần thêm các công trình khác để giải thích mối liên hệ của biến đổi gen trong
XMEs, việc dùng thuốc trừ sâu và nguy cơ tuyến tiền liệt.
Trong nghiên cứu “Ảnh hưởng của ô nhiễm hữu cơ lâu dài lên sức
khỏe: thách thức đối với Thái Bình Dương và thế giới”[57] đã tổng kết
được: Các chất gây ô nhiễm hữu cơ lâu dài bao gồm một vài organo-metals,
các hợp chất này có tính kháng lại quá trình phân hủy trong cả môi trường
lẫn cơ thể người và có xu hướng tích tụ sinh học trong chuỗi thức ăn. Các
chất gây ô nhiễm hữu cơ gây ra những tác động nguy hiểm lên sức khỏe,
bao gồm ung thư, ngăn cản hệ miễn dịch, suy giảm chức năng nhận thức và
hành vi thần kinh, rối loạn chức năng tuyến giáp và xteroit sex, và ít nhất,
một vài những hợp chất đó làm tăng nguy cơ các bệnh mãn tính như cao
huyết áp, bệnh tim mạch và đái đường. Một số hợp chất là sản phẩm đi kèm
của công nghiệp và chất đốt. Mặc dù việc sản xuất và sử dụng hóa chất
nhân tạo đã giảm đi trong những năm gần đây, mức độ của chúng có mặt
trong dân cư vẫn liên quan đến nguy cơ tăng cao một số bệnh tật. Các hóa
chất khác vẫn đang được sản xuất và sử dụng. Đây là những hóa chất nguy
hiểm đã làm nhiễm bẩn cả những vùng xa xôi cách xa thế giới công nghiệp
hóa, ví dụ như những vùng cực.
“So sánh tỷ lệ tử vong và tỷ lệ ung thư trong một nghiên cứu thuần
tập những người dùng thuốc trừ sâu với dân số Anh”[69] cho thấy người
dùng thuốc trừ sâu ở PUHS nhìn chung khỏe mạnh hơn dân số toàn quốc
nhưng lại mắc nhiều hơn các bệnh ung thư da không melanin, ung thư tinh
hoàn và ung thư tế bào huyết tương.
Nghiên cứu “Các tham số lâm sàng và dấu hiệu sinh học trạng thái
stress oxy hóa trên những nông dân sử dụng thuốc trừ sâu gốc đồng”[50]
cho thấy: Dấu hiệu sinh học stress oxy hóa, ceruloplasmin (CRP),
metallothioneins (MTs), đồng, thông số huyết học, và các chỉ số hóa sinh
về chức năng tụy, gan và thận được đo bằng huyết tương ở nhóm phơi
nhiễm đồng tăng lên so với nhóm đối chứng, cùng với mức độ TBARS,
protein carbonyls, và nitrate+nitrite. ở nhóm phơi nhiễm, việc phân tích átocopherol and the FRAP thấp hơn còn LDH, transaminases, GGT, ALP,
urea, creatinine, CRP and MTs thì cao hơn so với nhóm đối chứng. Các
loại bạch cầu cũng khác nhau giữa 2 nhóm.
Tìm hiểu “Mức Cholinesterase và tình trạng bệnh tật của những
người phun thuốc trừ sâu tại Bắc ấn Độ” [85] cho thấy: Nguy cơ ức chế và
những triệu chứng cholinesterase lớn hơn ở nhóm làm việc trên máy kéo so
với nhóm phun thuốc đeo balô và ở cả 2 nhóm so với nhóm đối chứng.
Nghiên cứu này kiến nghị: Phơi nhiễm nghề nghiệp ở những người phun
thuốc trừ sâu ở Bắc ấn Độ cần phải được giám sát tốt hơn, có lẽ là bằng
cách thiết kế lại những thiết bị phun thuốc.
Nghiên cứu “Sử dụng thuốc trừ sâu và những vấn đề liên quan đến
sức khỏe ở những nông dân làm việc tại nhà kính tại bờ biển Oman” [65]
nghiên cứu thói quen dùng thuốc trừ sâu và những vấn đề sức khỏe do phơi
nhiễm thuốc trừ sâu trên 74 nông dân nhà kính ở bờ biển Oman cho thấy:
Một vài triệu chứng sức khỏe do phơi nhiễm thuốc trừ sâu theo như kể lại
là kích ứng da (70.3%); cảm giác bỏng rát (39.2%), đau đầu (33.8%), nôn
mửa (29.7%) và chảy nước bọt (21.6%).
Cũng tìm hiểu mối nguy cơ của TTS đối với sức khỏe, nghiên cứu
“Phơi nhiễm thuốc trừ sâu Organophosphate và ảnh hưởng đến lúc sinh con
ở Thượng Hải, Trung Quốc”[96] điều tra mức độ phơi nhiễm
organophosphate ở phụ nữ có thai và mối liên quan giữa phơi nhiễm
organophosphate và những ảnh hưởng đến lúc sinh con ở Thượng Hải với
187 phụ nữ có thai khỏe mạnh từ tháng 9/2006 đến tháng 1/2007. Nghiên
cứu này cho thấy mức độ thuốc trừ sâu cao có thể ảnh hưởng nghiêm trọng
đến khoảng thời gian mang thai mặc dù mối liên hệ này không thấy ở bé
trai. Xét thấy mức độ thuốc trừ sâu trong nước tiểu của bà mẹ ở Thượng
Hải cao hơn nhiều so với ở các nước phát triển. Nghiên cứu này khuyến
nghị cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa về ảnh hưởng của phơi nhiễm
organophosphate trong tử cung đối với phát triển của thai nhi và phát triển
hệ thần kinh của trẻ em.
Đối với các nước đang phát triển thì vấn đề nhiễm độc thuốc trừ sâu
cấp tính vẫn là vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Khi xem xét các số liệu về
nguyên nhân của các trường hợp nhiễm độc cấp, J.Jeyaratnam nhận thấy ở
các nước đang phát triển như tại Inđônêxia 28%, Brazin là 16% trong khi tỷ
lệ nhiễm độc cấp hóa chất thuốc trừ sâu thấp nhiều tại các nước phát triển
như: Anh: 5%, Canada: 2,4%, Úc: 3% và Mỹ: 0,8% [47,84]
Nghiên cứu tình hình ngộ độc thuốc trừ sâu tại 11 huyện ở 2 tỉnh
Thái Bình và Hà Nam (năm 1994), BS Nguyễn Văn Hiền, Tiến sỹ Nguyễn
Văn Lơn cho thấy số hộ ngộ độc cấp do thuốc trừ sâu chiếm 0,34% số bệnh
nhân vào viện và phân bố đều ở các vùng sinh thái. Theo nhóm nghiên cứu
Nguyễn Thị Thanh Loan, Phạm Hồng, Nguyễn Văn Lơn thì tỷ lệ nhiễm
độc do TTS chiếm tỷ lệ cao nhất (38.25%) trong các loại nhiễm độc cấp ở
11 bệnh viện thuộc tỉnh Thanh Hóa Trong 4 năm (1994 - 1997). Theo bác
sỹ Nguyễn Văn Quỳnh điều tra 2 năm 1997 – 1998 ở Thái Bình có 890 ca
ngộ độc cấp do thuốc trừ sâu (tử vong 81 ca trong đó do nhầm lẫn 28,84%)
[6]. Theo thống kê của Nguyễn Như Thiết, Trần Như Nguyên tại 4 huyện:
Gia Lâm, Từ Liêm, Thường Tín và Thanh Oai từ năm 1968 – 1978 trung
bình có 2000 người nhiễm độc/năm; số tử vong là 7%. Theo tài liệu của Bộ
Lao động – Thương binh và xã hội từ năm 1976 – 1980 ở 15 tỉnh phía Bắc
có 18.324 xã viên HTX nông nghiệp bị nhiễm độc trong đó có 811 người
chết, 2.945 người bị thương tật [12]
Theo ước tính của Viện Y học Lao động và vệ sinh môi trường
(1998) khi nghiên cứu thực trạng nhiễm độc thuốc trừ sâu mạn tính nghề
nghiệp tại 4 vùng sản xuất nông nghiệp: vùng lúa, vùng rau, vùng chè và
vùng nho trên khoảng 2000 người đang phun thuốc trừ sâu (lân hữu cơ và
carbamat) tỷ lệ hiện mắc xác định được là 18,26 %. Nước ta có khoảng 13
triệu hộ làm nông nghiệp, nếu tính mỗi hộ có từ 1 – 2 người phun thuốc trừ
sâu thì ít nhất cũng có 15 – 20 triệu người phải trực tiếp tiếp xúc với thuốc
trừ sâu. Như vậy ước tính sẽ có trên 2 triệu người nhiễm độc thuốc trừ sâu
mạn tính nghề nghiệp trong thời vụ phun, rắc, pha trộn thuốc trừ sâu [41]
Lê Trung (2001) [40] khi điều tra qua phiếu câu hỏi do các thầy
thuốc hỏi trực tiếp ở 898 nông dân tiếp xúc với thuốc trừ sâu thấy một số
trường hợp sảy thai (13,36%), đẻ non (3,34%), con dị tật (1,56%), gia đình
có người ung thư (3,9%). Lê Đình Minh (1990) khi theo dõi 310 sản phụ
sinh đẻ tại Trạm Y tế của 1 xã chuyên canh rau ngoại thành Hà Nội thấy có
37 ca sảy thai (11,9%), 10 ca đẻ non (3,2%), 4 ca thai chết lưu (1,2%), 12
ca dị tật (3,8%) [36]
Theo Lê Trung, Hà Huy Kỳ (2001) [39] khi điều tra hỏi hồi cứu 898
đối tượng phun thuốc trừ sâu đã phát hiện ra 164 lần nhiễm độc, có người
nhiễm độc tới 3 – 4 thậm chí là 5 lần. Đây là loại nhiễm độc phải điều trị tại
nhà, phải nghỉ việc hoặc điều tra tại y tế cơ sở. Tỷ lệ số lần nhiễm độc này
là 28,6%. Viện Y học Lao động và Vệ sinh môi trường (1994) đã điều tra
các đối tượng phun y tế là carbamat tại 3 xã thuộc huyện Từ Liêm – Hà Nội
có 26 trường hợp phải điều trị tại nhà chiếm tỷ lệ 6,5% các trường hợp
phun [8]
Các điều kiện kinh tế xã hội ở các nước đang phát triển còn thấp,
người dân còn phải sống trong tình trạng thiếu dinh dưỡng, nhiều khi phải
lâm vào tình cảnh đói kém, cơ thể họ dễ nhiễm độc với hóa chất trừ sâu mà
họ phải tiếp xúc. Do vậy số lượng người bị nhiễm độc thuốc trừ sâu hàng
năm rất lớn. Người ta ước tính hàng năm có khoảng 25 triệu người bị
nhiễm độc thuốc trừ sâu, hầu hết số nạn nhân này đều ở các nước đang phát
triển. Theo Tổ chức Y tế thế giới, số người bị nhiễm độc cấp tính hàng năm
khoảng 500.000 người, trong đó có khoảng 14.000 người bị chết và hầu hết
các trường hợp này cũng rơi vào các nước đang phát triển [38]
Nguyên nhân gây ra tình trạng nhiễm độc là do việc tiêu thụ các loại
thực phẩm xử lý bằng thuốc trừ sâu rất nguy hiểm. Ví dụ từ năm 1955 –
1961 ở Thổ Nhĩ Kỳ có 4 – 6 nghìn người bị chết do tiêu thụ bột làm từ hạt
mì được xử lý bằng hóa chất diệt nấm hexachlorobenzen. Nguyên nhân thứ
hai là do việc sử dụng các bao bì, chai lọ đã dùng hết để đựng lương thực,
thực phẩm. Một nguyên nhân gây nhiễm độc nữa là các quy định, điều luật
về sử dụng an toàn thuốc trừ sâu không những không được tuân thủ nghiêm
ngặt mà còn bị coi nhẹ, sao lãng, không được thực hiện. Hàng triệu người ở
các nước đang phát triển mắc các bệnh vùng nhiệt đới hay mắc các bệnh
mạn tính khác. Do đó tình trạng sức khỏe giảm sút và dẫn tới giảm sức đề
kháng, tăng khả năng nhiễm độc của thuốc trừ sâu với cơ thể. Tình trạng
thiếu tuyên truyền giáo dục về việc sử dụng TTS an toàn là một vấn đề
nghiêm trọng ở khu vực này của thế giới.[38].
Trong những năm gần đây, lượng thuốc trừ sâu được sử dụng ở Việt
Nam ngày càng tăng về số lượng và chủng loại. Trong khoảng 400 loại
thuốc trừ sâu khác nhau đang được sử dụng nhiều nước thuộc khu vực
Châu Á Thái Bình Dương. Có hơn 200 loại được sử dụng ở Việt Nam trong
đó có 26 loại đa bị cấm dưới mọi hình thức (sản xuất, kinh doanh, lữu trữ,
vận chuyển và sử dụng). Chủng loại thuốc trừ sâu đang được sử dụng ở
Việt Nam rất đa dạng, nhiều nhất vẫn là hợp chất lân hữu cơ, clo hữu cơ
thuộc nhóm độc từ IA, IB đến II và III. Sau đó đến nhóm Carbamat và
Pyrethroid [38]. Hầu hết các sản phẩm này đều được nhập khẩu. Theo số
liệu thống kê của Cục bảo vệ thực vật thuộc Bộ NN-PTNT tổng lượng
thuốc trừ sâu được sử dụng ở Việt nam là 21.400 tấn (1991), năm 1998 con
số này là 40.000 tấn (tăng gần gấp đôi).
Tuy chủng loại nhiều như vậy song nông dân ở những vùng trồng lúa
đặc biệt là vùng trồng rau, thường là do thói quen, sợ rủi ro và hạn chế hiểu
biết về mức độ độc hại của thuốc trừ sâu nên chỉ quen dùng một loại hóa
chất. Thường là những loại có độc tính cao đã bị cấm sử dụng ở Việt Nam
như Monitor, Wolfatox... và thậm chí cả DDT nữa [38].
Tình hình ô nhiễm môi trường và nhiễm độc thuốc trừ sâu ở Việt
Nam đã được nghiên cứu từ rất lâu ở cả cấp TW đến địa phương (Viện Y
học lao động – Vệ sinh môi trường, viện Pasteur Nha Trang, Đại học Y Hà
Nội, Viện Khoa học kỹ thuật Bảo hộ lao động, Sở Y tế tỉnh, thành phố
v..v...).
Sự thâm nhiễm của hóa chất độc hại do tiếp xúc của người sử dụng
thuốc trừ sâu gây bệnh tật do nhiễm độc, trường hợp nặng gây tử vong.
Nhiều người nông dân có biểu hiện triệu chứng nhiễm độc do tiếp xúc sử
dụng thuốc trừ sâu, tỉ lệ mắc các triệu chứng như chóng mặt: 76%, đau đầu
69,7%, ngứa 36,6%, nôn 17,7%, mất ngủ 13,1%. Những biểu hiện này
không chỉ làm giảm sút sức khỏe của con người mà còn làm giảm sút khả
năng lao động và tăng chí phí chăm sóc sức khỏe.
Cùng với sự tăng không ngừng lượng thuốc trừ sâu được tiêu thụ, đã
xảy ra nhiều trường hợp nhiễm độc thuốc trừ sâu. Theo số liệu thống kê
năm 1999 của Vụ Y tế Dự phòng – Bộ Y tế có 345 người tử vong và 8.808
người bị bệnh nặng liên quan tới tiếp xúc sử dụng thuốc trừ sâu. Các trường
hợp nhiễm độc nhẹ cần điều trị ở bệnh viện, không có trong báo cáo.
Nguyên nhân là do thiếu tuyên truyền giáo dục về an toàn khi tiếp xúc, sử
dụng thuốc trừ sâu, thiếu phương tiện chẩn đoán và phát hiện kịp thời
những trường hợp nhiễm độc thuốc trừ sâu, hệ thống thanh, kiểm tra giám
sát còn yếu kém. Tình trạng tai nạn xảy ra do tự tử, do nhầm lẫn uống vào,
tình trạng nhiễm độc do nghề nghiệp tiếp xúc liều cao hóa chất độc hại khi
pha phun trong sản xuất nông nghiệp. Những hóa chất độc tính cao, nồng
độ đậm đặc, do sử dụng không đúng quy cách trong lựa chọn hóa chất. Do
không đảm bảo an toàn khi tiếp xúc sử dụng hóa chất, do thiếu phương
tiện, không bảo hộ bảo vệ cá nhân, do bảo quản và thải bỏ chưa an toàn. Tỷ
lệ số kho thuốc trừ sâu có tiêu chuẩn vệ sinh thấp (50,7%). Tỷ lệ hộ gia
đình cất giữ thuốc trừ sâu trong nhà cao. Miền Bắc 69,8%, miền Trung
72,2%, miền Nam 95,4%. Còn nhiều phụ nữ và thiếu niên trực tiếp phun
hóa chất, tiếp xúc với hóa chất độc hại, có loại nằm trong danh mục không
cho phép. Nhiều ca ngộ độc nặng và khó chữa là do không được phát hiện,
cấp cứu và điều trị kịp thời. [4]
Theo số liệu của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế (năm 2000) tình hình
nhiễm độc thuốc trừ sâu ở nước ta vẫn còn nghiêm trọng: 2.212 vụ nhiễm
độc, 5.394 nạn nhân và 193 người chết. đây chỉ là số liệu tập hợp được từ
một số tỉnh, thành phố với lượng thuốc trừ sâu sử dụng chỉ là 4.134 tấn
gồm 2.240 tấn lân hữu cơ (54,3%), 854 tấn Carbamat (20,3%) và 1.040 tấn
hóa chất khác (25,3%). Tính bình quân cứ một tấn thuốc trừ sâu sử dụng có
1,3 người bị nhiễm độc nặng và cứ 21,42 tấn thuốc trừ sâu thì có 1 người tử
vong.
Theo Hà Minh Trung và cộng sự trong nhóm nghiên cứu đề tài
KHCN mã số 11- 08, cả nước hiện có 11,5 triệu hộ nông nghiệp, số người
có nghề nghiệp tiếp xúc sử dụng thuốc trừ sâu ít nhất cũng tới 11,5 triệu
người. Với tỷ lệ nhiễm độc thuốc trừ sâu mạn tính là 18,26% thì số người
bị nhiễm độc mạn tính trong cả nước lên tới 2,1 triệu người. đây là một vấn
đề lớn và bức xúc trong cốt lõi của cơ sở pháp lý, bộ máy tổ chức của
ngành nông nghiệp nước ta từ nhiều năm nay [34].
Theo Từ Hoàng – Hà Đông (1997) việc tiếp xúc nghề nghiệp đối với
người phun thuốc trừ sâu chủ yếu là lân hữu cơ và clo hữu cơ. Do các biện
pháp vệ sinh an toàn chưa đảm bảo nên thuốc trừ sâu gây tác hại đến sức
khỏe với nhiều triệu chứng lâm sàng, chủ yếu là suy nhược (30,7%), nhức
đầu (67,3%), mất ngủ (31,4%), mồ hôi tay chân ra nhiều (37,4%), bệnh
ngoài da (17,5%).... Nghiên cứu này đã đề ra một số giải pháp can thiệp
như tổ chức đội phun hóa chất chuyên trách, có huấn luyện tốt, có trang bị
phòng hộ đầy đủ, thực hiện nghiêm chỉnh chế độ khám tuyển, khám định
kỳ, cải tạo các kho thuốc trừ sâu của các HTX. Sửa chữa, cải tiến bơm hóa
chất. Một số nghiên cứu khác đã đề cập về hướng dẫn sử dụng an toàn
thuốc trừ sâu cho người sử dụng bao gồm các lĩnh vực vệ sinh an toàn lao
động như hiểu biết thấu đáo độc tính và mối nguy hiểm của hóa chất sử
dụng. Những con đường gây nhiễm độc, những nguyên tắc cơ bản trong sử
dụng an toàn thuốc trừ sâu; sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân trong
phòng chống nhiễm độc (Chương trình 58-01;1986). Trong một nghiên cứu
khác gần đây, thực trạng sử dụng thuốc trừ sâu ở nhiều nơi trong nước qua
điều tra còn tồn tại những vấn đề: 70% thuốc trừ sâu do tư thương cung cấp
không được kiểm soát chặt chẽ Nhiều loại hóa chất trong danh mục cấm
của Nhà nước vẫn được sử dụng. Liều lượng hóa chất và số lần phun vượt
quá định mức kỹ thuật. Người phun hóa chất không mang đủ phương tiện
bảo vệ cá nhân, không có nơi thu gom, xử lý bao bì đựng hóa chất và rửa
bình bơm sau khi phun. Không có nơi bảo quản hóa chất một cách an toàn.
Tỷ lệ nhiễm độc mạn tính nghề nghiệp do thuốc trừ sâu khá cao (18,26%),
xấp xỉ với tỷ lệ nhiễm độc cấp tính nghề nghiệp thể nhẹ. Nhận thức của
nông dân về an toàn thuốc trừ sâu còn thấp, khả năng tài chính hạn hẹp nên
không đủ tiền mua hóa chất tốt, bình bơm tốt và phương tiện bảo vệ cá
nhân còn nhiều vấn đề quản lý thuốc trừ sâu, tổ chức bảo vệ thực vật, kỹ
thuật bảo vệ thực vật và cơ sở y tế v.v....[37]. Phạm Duệ [15] nghiên cứu
đặc điểm dịch tễ và lâm sàng, cận lâm sàng của ngộ độc thuốc trừ sâu mới
xuất hiện Nghiên cứu thuần tập cắt ngang mô tả, 194 bệnh nhân ngộ độc
thuốc trừ sâu vào điều trị tại bệnh viện Bạch Mai trong 2 năm 2005-2006
được chẩn đoán ngộ độc thuốc trừ sâu. Kết quả cho thấy các ngộ độc cấp
hóa chất thường gặp nhất là thuốc trừ sâu (50,5%), thuốc diệt chuột
(37,6%), rồi thuốc diệt cỏ (9,3%) và thuốc trừ bệnh cho thực vật (2,6%); 2
loại thuốc trừ sâu mới có tỷ lệ tử vong cao là paraquat (66,7%) và
nereistoxin (27,8%)[14].
1.4. MỘT SỐ NGHIÊN CỨU VỀ SỬ DỤNG VÀ CÁC BIỆN PHÁP TRUYỀN
THÔNG GIÁO DỤC LÀM THAY ĐỔI NHẬN THỨC, THỰC HÀNH SỬ DỤNG
THUỐC TRỪ SÂU TRÊN THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM.
Nghiên cứu của nhiều tác giả tại 8 huyện nông nghiệp vùng Saint Lucia
thuộc Tây Ấn Độ cho thấy nhiều người không nhận thức được da và mắt là 2
bộ phận mà thuốc trừ sâu dễ xâm nhập vào cơ thể, người dân không được
hướng dẫn từ cán bộ chuyên môn, 50% đối tượng không bao giờ hoặc ít khi
đọc và hiểu chỉ dẫn trên nhãn thuốc, nếu hiểu nhưng không tuân thủ theo chỉ
dẫn, 25% người phun thuốc trừ sâu có hút thuốc trong khi phun; 17% người
tham gia phun thuốc trừ sâu còn ăn uống trong khi phun [62]
Nghiên cứu về nguy cơ gây nhiễm thuốc trừ sâu của người dân
Indonesia đi phun thuốc trừ sâu ở lúa và hẹ cho thấy có nhiều hành vi nguy cơ
cao gây nhiễm thuốc trừ sâu như 99,0% đi phun ngược chiều gió, 90,0%
những người đi phun dùng tay trần để trộn và khuấy hóa chất trừ sâu, 99,0%
có những dấu hiệu bị ngấm hóa chất ở cuối và sau khi phun, 58% sử dụng
bình phun bị rò rỉ, 78% có dây dính trên da sau khi phun [31,71,77]
Nghiên cứu “Sử dụng thuốc trừ sâu và những vấn đề liên quan đến sức
khỏe ở những nông dân làm việc tại nhà kính tại bờ biển Oman” [65] nghiên
cứu thói quen dùng thuốc trừ sâu và những vấn đề sức khỏe do phơi nhiễm
thuốc trừ sâu trên 74 nông dân nhà kính ở bờ biển Oman cho thấy: Thói quen
nghề nghiệp và vệ sinh của những nông dân này kém vì, phần lớn nông dân
(59.5%) không rửa tay sau khi dùng thuốc trừ sâu, nhiều nông dân (43.2%)
không tắm và một số (20.3%) không thay quần áo. Phương pháp bảo quản
thuốc trừ sâu đã sử dụng rất có vấn đề: 81.1% chứa thuốc trừ sâu đã sử dụng
trong các phòng trong nhà và 14.9% chứa trong phòng ngủ. Các thiết bị bảo
hộ cá nhân (PPE) như khẩu trang, kính mắt và kính che mặt toàn bộ hầu như
không được sử dụng khi phun thuốc trừ sâu. Nghiên cứu này kiến nghị: cần
phải đề xuất một điều luật trong Bộ luật thuốc trừ sâu ở Oman, yêu cầu bắt
buộc các chủ nhà kính cung cấp cho nông dân các thiết bị bảo hộ. Đồng thời,
cần tổ chức các chương trình đào tạo thường xuyên cho các nông dân sử dụng
thuốc trừ sâu trong nhà kính để giúp họ nâng cao khả năng đối phó với những
hóa chất nguy hiểm.
Nghiên cứu của Trần Như Nguyên (2004) về nguy cơ nhiễm thuốc trừ
sâu tại hộ gia đình ở Thanh Trì - Hà Nội cho thấy có 100% số hộ nông nghiệp
sử dụng hóa chất trừ sâu trong đó 80% là Monitor và Filitor, 15% là Wolfatox
(là những hóa chất không được phép lưu hành), còn 5% là loại khác [28]
Nghiên cứu của Cầm Bá Thăng và Cao Bá Lợi ở Kim Bảng – Hà Nam
(1996) cho thấy người dân ở đây có nhiều hành vi nguy cơ nhiễm thuốc trừ
sâu khi đi phun hóa chất trừ sâu cho lúa như: 70% phun vào giờ nắng nóng,
phun 3 – 5 lần trong một tuần (trong thời vụ); 31,7% sử dụng bình phun bị rò
rỉ, 70,6% rửa bình bằng tay trần, 100% chai, lọ, túi, gói phun xong vất tùy
tiện; 65,85% dây dính trên da sau khi phun, 95% số hộ gia đình có lưu giữ
thuốc trừ sâu trong nhà [36]
Điều tra sức khỏe và tình hình bệnh tật của lao động nữ ngành nông
nghiệp trồng cà phê (2000) cho thấy trong số công nhân ngành cà phê sử dụng
thuốc trừ sâu thì có 54,6% được xã tuyên truyền, 70,2% do khuyến nông
hướng dẫn, 39,5% do truyền miệng theo kinh nghiệm, 52,7% do đài báo tivi.
Lao động là nông dân, số có nhận thức về sử dụng, bảo quản thuốc trừ sâu do
xã tuyên truyền chiếm 23,2%; do cán bộ khuyến nông hướng dẫn 42,1%; do
đài báo, ti vi chiếm 61,4%[32]
Nghiên cứu của Vụ Y tế Dự phòng – Bộ Y tế (2000)[4] ở 8 tỉnh nông
nghiệp trọng điểm đại diện cho 3 miền Bắc, Trung, Nam cho thấy trong số
phụ nữ đi phun thuốc trừ sâu có 42,5% được cán bộ khuyến nông hướng dẫn,
1,4% được y tế hướng dẫn, 16,7% được các tổ chuyên phun hướng dẫn, 34%
tự đọc nhãn thuốc, tuy nhiên số không được hướng dẫn cách sử dụng vẫn cao
chiếm 55,5%.
Trần Đáng, Trần Nguyễn Hoa Cương, Trần Ngọc Hà, (2006) nghiên
cứu khảo sát kiến thức, thực hành về an toàn sử dụng thuốc trừ sâu tại 2 xã
huyện Đông Anh, Hà Nội cho kết quả: kiến thức chung của người dân về
thuốc trừ sâu tương đối tốt, mức kiến thức A đạt tỷ lệ cao. Kiến thức sâu hơn
về tác động của thuốc trừ sâu đối với sức khỏe con người và môi trường còn
nhiều hạn chế. Thực hành sử dụng thuốc trừ sâu còn nhiều sai sót, tỷ lệ không
thực hiện đúng thời gian cách ly kể từ lần phun thuốc trừ sâu cuối cùng còn
cao (xã Vân Nội 54%, xã Tiên Dương 51,7%). Tỷ lệ thường xuyên sử dụng
một số loại bảo hộ lao động như găng tay, áo mưa, mũ, kính còn thấp. Dụng
cụ chứa đựng, bình phun và bao bì đựng thuốc trừ sâu chưa được xử lý đúng
quy định[17].
Đỗ Hàm nghiên cứu hiệu quả can thiệp bảo vệ sức khỏe người tiếp xúc
với thuốc trừ sâu tại khu chuyên canh rau với mục tiêu đánh giá hiệu quả can
thiệp bảo vệ sức khỏe nông dân tiếp xúc với thuốc trừ sâu trong canh tác rau,
các tác giả nghiên cứu trên 299 người chia làm 2 nhóm có tiếp xúc tại Thái
Nguyên thu được như sau: một số chứng bệnh thường gặp (mệt mỏi, đau
đầu… ) ở người tiếp xúc với thuốc trừ sâu sau can thiệp giảm từ 1,5 đến 2 lần.
Các hội chứng bệnh lý ở một số cơ quan giảm rõ rệt: hô hấp (từ 81,88% giảm
xuống 57,72%), thần kinh, da giảm từ 17% và 23%. Hoạt tính của men
Cholinesterase ở các đối tượng nghiên cứu đã tốt lên[21].
Hoàng Hải, Đỗ Hàm nghiên cứu thực trạng an toàn vệ sinh lao động
trong sử dụng thuốc trừ sâu ở xã Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội cho thấy:
kiến thức và thực hành về an toàn vệ sinh lao động của những người nông dân
trồng rau chưa tốt: 100% nông dân sử dụng thuốc trừ sâu trong canh tác rau
màu, có 61,3% nông dân chưa được hướng dẫn về an toàn vệ sinh lao động
khi tiếp xúc nên tỷ lệ nắm vững những nguyên tắc này còn thấp (24,7%). Việc
xử lý dụng cụ và bao bì sau khi phun thuốc trừ sâu còn chưa đúng cách, thiếu
an toàn[20].