Tải bản đầy đủ (.pdf) (120 trang)

Bình đẳng và chống phân biệt đối xử với người khuyết tật trong pháp luật quốc tế và pháp luật việt nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.42 MB, 120 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
KHOA LUẬT

HÒA THỊ THỦY

BÌNH ĐẲNG VÀ CHỐNG PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ VỚI
NGƢỜI KHUYẾT TẬT TRONG PHÁP LUẬT QUỐC TẾ
VÀ PHÁP LUẬT VIỆT NAM: PHÂN TÍCH VÀ SO SÁNH

LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC

HÀ NỘI - 2015


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
KHOA LUẬT

HÒA THỊ THỦY

BÌNH ĐẲNG VÀ CHỐNG PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ VỚI
NGƢỜI KHUYẾT TẬT TRONG PHÁP LUẬT QUỐC TẾ
VÀ PHÁP LUẬT VIỆT NAM: PHÂN TÍCH VÀ SO SÁNH

Chuyên ngành
Mã số

: Lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật
: 60 38 01

LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC


Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Vũ Công Giao

HÀ NỘI – 2015


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan Luận văn này là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các
kết quả trong Luận văn chưa được công bố trong bất kỳ công trình nào khác. Các số
liệu và trích dẫn trong Luận văn đảm bảo tính chính xác, tin cậy và trung thực.
Tôi đã hoàn thành tất cả các môn học và đã thanh toán tất cả các nghĩa vụ tài
chính theo quy định của Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội.
Vậy tôi viết Lời cam đoan này đề nghị Khoa luật xem xét để tôi có thể bảo
vệ Luận văn.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
NGƢỜI CAM ĐOAN

Hòa Thị Thủy

2


LỜI CẢM ƠN
Tôi xin bày tỏ lời cảm ơn chân thành và lòng biết ơn sâu sắc tới PGS,TS. Vũ
Công Giao, người hướng dẫn khoa học giúp tôi thực hiện luận văn này. Thầy đã
luôn tận tình hướng dẫn, nhắc nhở tôi trong suốt quá trình thực hiện luận văn.
Xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới các thầy cô giáo lớp Cao học Luật về
Lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật khóa 16 đã giúp tôi lĩnh hội những kiến
thức cơ bản về lĩnh vực quan trọng này.
Xin trân trọng cảm ơn Khoa Luật Đại học Quốc gia đã tổ chức khóa học bổ
ích và lý thú, các thầy cô giáo Khoa Luật, Phòng Đào tạo và Bộ môn Luật Hiến

pháp-Hành chính đã tạo điều kiện giúp đỡ trong suốt thời gian khóa học và thực
hiện luận văn.
Xin cảm ơn các bạn đồng môn đã trao đổi thảo luận và cung cấp những
thông tin tư liệu hữu ích liên quan đến đề tài luận văn.
Cuối cùng, xin đặc biệt cảm ơn gia đình và những người bạn đã ủng hộ, động
viên, khích lệ tôi trong suốt quá trình học tập và hoàn thành luận văn.
Xin chân thành cảm ơn!
Hà Nội, tháng 9/2015

Hòa Thị Thủy


MỤC LỤC
Trang
Trang phụ bìa
Lời cam đoan
Lời cảm ơn
Mục lục
Danh mục các chữ viết tắt
MỤC LỤC

MỞ ĐẦU .......................................................................................................... 1
Chƣơng 1
NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ NGƢỜI KHUYẾT TẬT, BÌNH ĐẲNG
VÀ CHỐNG PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ VỚI NGƢỜI KHUYẾT TẬT ........... 8
1.1. Tổng quan một số vấn đề lý luận về người khuyết tật .........................................8

1.1.1. Khái niệm ................................................................................................ 8
1.1.2. Phân loại người khuyết tật .................................................................... 12
1.1.3. Đặc điểm, vị trí, vai trò của người khuyết tật ....................................... 13

1.1.4. Một số đối tượng khuyết tật đặc thù ..................................................... 17
1.1.4.1. Phụ nữ khuyết tật ..................................................................... 17
1.1.4.2. Trẻ em khuyết tật ..................................................................... 18
1.2. Nguyên tắc bình đẳng và không phân biệt đối xử với NKT ..................................19

1.2.1. Nguyên tắc bình đẳng............................................................................ 19
1.2.2. Nguyên tắc không phân biệt đối xử ...................................................... 22
1.3. Sự cần thiết xác lập cơ chế bảo đảm quyền bình đẳng và chống phân biệt đối xử
với người khuyết tật trong pháp luật quốc tế cũng như quốc gia................................26

Chƣơng 2
PHÁP LUẬT QUỐC TẾ VÀ PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ BÌNH ĐẲNG
VÀ CHỐNG PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ VỚI NGƢỜI KHUYẾT TẬT ......... 30
2.1. Tổng quan pháp luật quốc tế và Việt Nam về người khuyết tật ........................30

2.1.1. Tổng quan pháp luật quốc tế về người khuyết tật ................................. 30
2.1.1.1. Pháp luật quốc tế về người khuyết tật...................................... 30


2.1.1.2. Công ước quốc tế về người khuyết tật và vấn đề bình đẳng,
chống phân biệt đối xử với người khuyết tật .................................................. 33
2.1.1.3. Vị trí của vấn đề người khuyết tật trong hệ thống pháp luật
quốc gia ........................................................................................................... 37
2.1.2. Tổng quan chính sách, pháp luật Việt Nam về người khuyết tật.......... 39
2.1.2.1. Pháp luật Việt Nam về người khuyết tật.................................. 39
2.1.2.2. Nội dung cơ bản của Luật người khuyết tật Việt Nam............ 44
2.1.2.3. Các tổ chức của/vì người khuyết tật Việt Nam ....................... 46
2.2. Mức độ tương thích của pháp luật Việt Nam với pháp luật quốc tế về quyền
bình đẳng và chống phân biệt đối xử với người khuyết tật .......................................47


2.2.1. Việc sử dụng thuật ngữ “người khuyết tật” .......................................... 47
2.2.2. Về nội dung định nghĩa “người khuyết tật”. ......................................... 48
2.2.3. Đảm bảo quyền một số nhóm người khuyết tật đặc thù ....................... 49
2.2.4. Đảm bảo quyền của người khuyết tật trong một số lĩnh vực cụ thể. .... 52
2.2.4.1. Quyền về dạy nghề và việc làm đối với người khuyết tật ....... 52
2.2.4.2. Quyền về tiếp cận hạ tầng giao thông, công cộng ................... 59
2.2.4.3. Quyền được chăm sóc y tế và phục hồi chức năng ................. 63
2.2.4.4. Quyền về giáo dục – đào tạo.................................................... 67
2.2.4.5. Quyền về văn hóa, thể thao, giải trí, du lịch ............................ 71
2.2.4.6. Quyền được bảo trợ xã hội ...................................................... 73
2.2.4.7. Quyền tiếp cận truyền thông, công nghệ thông tin .................. 75
2.2.5. Đánh giá chung ..................................................................................... 77
Chƣơng 3
QUAN ĐIỂM, GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT BẢO ĐẢM VỀ
BÌNH ĐẲNG VÀ CHỐNG PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ VỚI NGƢỜI
KHUYẾT TẬT TẠI VIỆT NAM ................................................................. 85
3.1. Yêu cầu hoàn thiện pháp luật bảo đảm quyền bình đẳng và chống phân biệt đối
xử với người khuyết tật Việt Nam hiện nay ..............................................................85

3.1.1. Bối cảnh trong nước và yêu cầu hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền của
người khuyết tật............................................................................................... 85

2


3.1.2. Tình hình người khuyết tật tại Việt Nam và yêu cầu thúc đẩy, bảo đảm
quyền của người khuyết tật trên thực tế .......................................................... 89
3.1.3. Quan điểm về việc bảo đảm quyền bình đẳng và chống phân biệt đối xử
với người khuyết tật trong thời gian tới. ......................................................... 93
3.2. Giải pháp hoàn thiện pháp luật về người khuyết tật tại Việt Nam .....................95


3.2.1. Hoàn thiện quy định về người khuyết tật trong Hiến pháp 2013.......... 96
3.2.2. Hoàn thiện pháp luật về người khuyết tật để phù hợp với Công ước CRPD 97
3.2.2.1. Về thuật ngữ “người khuyết tật” .............................................. 97
3.2.2.2. Cần đưa “tự kỷ” vào Luật người khuyết tật Việt Nam ............ 97
3.2.2.3. Bổ sung quan điểm của nhà nước trong việc bảo đảm quyền
của phụ nữ khuyết tật và trẻ em khuyết tật vào Luật Người Khuyết tật ......... 99
3.2.2.4. Hoàn thiện pháp luật bảo đảm quyền bình đẳng và chống phân
biệt đối xử với người khuyết tật trên một số lĩnh vực ..................................... 99
KẾT LUẬN .................................................................................................. 107
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ................................................... 109

3


DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

Chữ viết tắt

Nghĩa đầy đủ

BLLĐ

: Bộ luật Lao động

CRPD

: Công ước quốc tế về quyền của Người khuyết tật

CRC


: Công ước quốc tế về quyền của trẻ em

ILO

: Tổ chức Lao động quốc tế

ICESCR

: Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa

ICCPR

: Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị

LĐTB&XH

: Lao động, Thương Binh và Xã hội

LHQ

: Liên Hiệp Quốc

NKT

: Người khuyết tật

TKT

: Trẻ khuyết tật


UDHR

: Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền

UNICEF

: Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc

4


MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Ở Việt Nam, Nhà nước luôn coi con người là mục tiêu và động lực của sự
nghiệp phát triển đất nước. Mọi chính sách phát triển của Việt Nam luôn lấy con
người làm trung tâm: phát triển kinh tế vì con người; tăng trưởng kinh tế gắn liền
với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển và từng
chính sách phát triển; tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, giáo dục,
nâng cao dân trí, bảo vệ và cải thiện môi trường. Việc quan tâm đến đời sống vật
chất và tinh thần của các nhóm người dễ bị tổn thương mà trong đó có NKT là một
trong những ưu tiên hàng đầu nhằm phát triển mạng lưới an sinh xã hội của Việt
Nam.
Sau 30 năm chiến tranh, đất nước Việt Nam trở nên đói nghèo, kinh tế kiệt
quệ, cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn, lại phải khắc phục những hậu quả do chiến
tranh để lại (nạn nhân chất độc da cam, rà phá bom mìn...). Đây là một trong những
nguyên nhân dẫn đến số NKT ở Việt Nam khá cao. Theo số liệu của Bộ Lao độngThương binh và Xã hội, hiện tại, ước tính cả nước có hơn 7 triệu NKT [34]. Trong
tổng số những NKT này, rất nhiều người vẫn còn khả năng lao động ở mức độ khác
nhau nhưng họ không có cơ hội làm việc vì gặp phải nhiều rào cản, chủ yếu là những
định kiến và thái độ tiêu cực tồn tại bấy lâu nay. Bên cạnh các nguyên nhân hậu quả

chiến tranh, tình trạng khuyết tật còn do tai nạn lao động, tai nạn giao thông, tai nạn
thương tích... Dự báo trong nhiều năm tới số lượng NKT ở Việt Nam chưa giảm do
tác động của ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng của chất độc hóa học do Mỹ sử dụng
trong chiến tranh, tai nạn giao thông và tai nạn lao động, hậu quả thiên tai…
Xuất phát từ tư tưởng cho rằng tất cả mọi người, bất kể họ khác nhau về trí
lực, thể lực và các đặc điểm khác, đều có giá trị và tầm quan trọng ngang nhau.
Mỗi một con người đều có quyền được hưởng và cần được nhận sự quan tâm và tôn
trọng như nhau. Đây chính là nguyên tắc bình đẳng trong nhiều văn bản pháp luật
của mỗi quốc gia và pháp luật quốc tế. Đối với NKT, việc bản thân họ tham gia vào
cuộc sống và duy trì cuộc sống đã là một khó khăn, do đó vấn đề bình đẳng với

1


NKT là thực sự cần thiết để bảo vệ họ trong cuộc sống. Tuy nhiên, sự bình đẳng mà
chúng ta nói đến ở đây không phải là sự đối xử như nhau đối với những nhóm đối
tượng giống nhau, mà được hiểu theo một cách khác, đó là bình đẳng về cơ hội. Có
nghĩa là cần phải xóa bỏ các rào cản rào cản bên ngoài mà NKT gặp phải có thể cản
trở họ tham gia toàn diện vào đời sống xã hội. Theo cách tiếp cận này, tình trạng
khuyết tật không phải là vấn đề quan trọng mà chính những định kiến mới là cơ sở
cho vấn đề cần giải quyết, và phải nhất thiết tính đến những định kiến này nếu
muốn tạo ra những thay đổi cho môi trường xã hội cũng như môi trường thể chế để
tạo điều kiện cho NKT tiếp cận và hòa nhập cùng xã hội.
Nhà nước Việt Nam luôn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho NKT
thực hiện bình đẳng các quyền về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và phát huy khả
năng của mình để ổn định đời sống, hoà nhập cộng đồng, tham gia các hoạt động
xã hội. Người khuyết tật được Nhà nước và xã hội trợ giúp chăm sóc sức khoẻ,
phục hồi chức năng, tạo việc làm phù hợp và được hưởng các quyền khác theo quy
định của pháp luật. Quan điểm này được phản ánh trong các bản Hiến pháp của
Việt Nam (năm 1946, 1959, 1980, 1992) khẳng định NKT là công dân, thành viên

của xã hội, có quyền lợi và nghĩa vụ của một công dân, được chung hưởng thành
quả xã hội. Đặc biệt, Quốc hội Việt Nam gần đây đã thông qua Luật người khuyết
tật (có hiệu lực ngày 01/01/2011) là văn bản luật quốc gia toàn diện đầu tiên đảm
bảo các quyền của NKT. Luật mới đã có ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống của
NKT. Mặt khác, Việt Nam vừa tham gia Công ước của Liên hợp quốc về quyền của
NKT và đang trong quá trình nghiên cứu để nội luật hoá công ước vào hệ thống
pháp luật hiện hành của quốc gia. Hiến pháp 2013 được ban hành có nhiều nội
dung mới, tiến bộ liên quan đến quyền con người, quyền công dân trong đó có
NKT cần được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật.
Tuy nhiên, việc thực thi các quyền của NKT trên thực tế vẫn còn tồn tại
nhiều hạn chế, quyền của NKT chưa được bảo đảm: đời sống của NKT Việt Nam
vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là những đối tượng thuộc diện nghèo; điều kiện
giáo dục, đào tạo nghề cho NKT chưa được quan tâm đúng mức; vẫn còn tình trạng

2


kỳ thị và phân biệt đối xử trong giáo dục, ở nơi làm việc, trong các hoạt động cộng
đồng,... Một trong những nguyên nhân là do pháp luật nước ta vẫn chưa hoàn toàn
tương thích với pháp luật quốc tế về quyền của NKT, đồng thời có những quy định
chưa hợp lý, gây khó khăn cho việc áp dụng trong thực tế. Đây cũng là những vấn
đề đòi hỏi cần tiếp tục nghiên cứu giải quyết, khắc phục trong thời gian tới.
Từ thực tế nêu trên, tác giả đã quyết định chọn đề tài “Bình đẳng và chống
phân biệt đối xử với người khuyết tật trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt
Nam: Phân tích và so sánh” để thực hiện luận văn thạc sĩ luật học, góp phần hoàn
thiện pháp luật Việt Nam về quyền của NKT phù hợp với pháp luật quốc tế, từ đó
bảo đảm quyền của NKT ngày càng tốt hơn.
2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài
Vấn đề quyền của NKT, pháp luật về quyền của NKT liên quan đến mọi
quốc gia trên thế giới, nên đã có một số công trình khoa học nghiên cứu trong và

ngoài nước dưới nhiều góc độ khác nhau.
- Các công trình khoa học nước ngoài:
Trên thế giới hiện có rất nhiều công trình nghiên cứu về quyền của NKT,
pháp luật quốc tế, pháp luật của các quốc gia về quyền của NKT, luận văn chỉ đề
cập đến một số công trình tiêu biểu như sau:
+ Dưới góc độ pháp luật quốc tế, có sách “Quyền con người và vấn đề người
khuyết tật" (Human Rights and Disabilily) của các tác giả - chủ biên Gerard Quinn
và Theresia Degener, do LHQ xuất bản, tại Geneva- Thụy Sĩ năm 2002. Đây là
công trình nghiên cứu về việc áp dụng hiện tại và khả năng áp dụng trong tương lai
các quy định của các văn kiện quốc tế về quyền con người từ góc độ bảo vệ quyền
của NKT; yêu cầu các quốc gia phải nỗ lực cải cách pháp luật, chính sách để bảo
đảm quyền của NKT.
+ Dưới góc độ nghiên cứu chính sách, pháp luật của các quốc gia, có một số
công trình sau:
Sách “Pháp luật, Quyền và vấn đề người Khuyết tật" (Law, Rights, and
Disability) do Jeremy Cooper làm chủ biên, Nhà xuất bản Jessica Kmgsley, năm

3


2000, tại Vương quốc Anh. Công trình đề cập đến thực trạng và những nỗ lực trong
việc nâng cao vị thế của NKT ở Anh và trên thế giới; vấn đề các quyền của NKT;
vai trò của pháp luật; của chính những NKT trong việc hiện thực hoá những cam
kết toàn cầu về quyền của NKT.
Sách "Những quyền của người khuyết tật (Disability Rights), do Justin
Healey làm chủ biên, Nhà xuất bản The Spliney, Sydney. Australia, năm 2005. Các
tác giả đưa ra đình nghĩa về NKT; nội dung Luật chống phân biệt NKT và cơ chế
khiếu nại vi phạm; các vấn đề thực tiễn về NKT như: hệ thống chăm sóc cộng đồng;
NKT tại nơi làm việc; doanh nghiệp với vấn đề tuyển dụng NKT; tiếp cận bình
đắng về lntemet cho NKT ở Australia.

Mặc dù các công trình trên chỉ nghiên cứu dưới góc độ pháp luật quốc tế,
nhưng đây là các công trình nghiên cứu có ý nghĩa, là tài liệu tham khảo bổ ích cho
quá trình nghiên cứu vấn đề bình đẳng, chống phân biệt đối xử với NKT ở Việt
Nam hiện nay.
- Các công trình nghiên cứu của Việt Nam
Vấn đề NKT, chính sách, pháp luật đối với NKT liên quan đến nhiều ngành,
nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, nên ở Việt Nam đã có một số công trình khoa học nghiên
cứu dưới nhiều góc độ khác nhau:
+ Dưới góc độ chính sách, pháp luật có các công trình nghiên có sau: Tác
giả Vũ Ngọc Bình đã có cuốn sách "Trẻ em tàn tật và quyền của các em", Nxb Lao
động - Xã hội, H, 2001: Đây là công trình viết về trẻ em tàn tật dưới góc độ quyền
con người. Sách "Quyền con người và người tàn tật” (Vũ Ngọc Bình - Nxb Lao
động - Xã hội, H, 2001). Tác giả đã tuyển chọn các Văn kiện quốc tế và khu vực,
văn bản pháp luật Việt Nam có liên quan đến quyền của người tàn tật. Sách "Bảo
trợ xã hội cho những nhóm thiệt thòi ở Việt Nam" (Nxb Thế giới, H, 2005) là công
trình nghiên cứu tập thể của nhóm tác giả: Lê Bạch Dương, Đặng Nguyên Anh,
Khuất Thu Hồng, Lê Hoài Trung và Robert Leroy Bách. Các tác giả đã tập trung
nghiên cứu, phân tích vấn đề bảo trợ trong bối cảnh đổi mới đất nước; các chính
sách và chương trình bảo trợ xã hội trong đó có bảo trợ cho NKT ở Việt Nam.

4


Cùng với những công trình nghiên cứu của các nhà khoa học đã xuất bản
thành sách nêu trên, còn có các công trình nghiên cứu dưới dạng dự án, đề tài như:
Dự án "Phân tích đánh giá chính sách pháp luật chăm sóc và bảo vệ trẻ em có
hoàn cảnh đặc biệt” (Bộ LĐTB&XH và Uỷ ban bảo vệ chăm sóc trẻ em Việt Nam
và UNICEF tại Việt Nam); Đề tài "Đánh giá việc thực hiện Bộ luật Lao động đối
với lao động là người tàn tật và Pháp lệnh về người tàn tật", (Nguyễn Thị Diệu
Hồng (chủ nhiệm), Bộ LĐTB&XH, H, 2002).

Bên cạnh đó còn có một số báo nghiên cứu, đề tài, luận văn, luận án tiến sĩ
nghiên cứu về nội dung này như: Luận án Tiến sĩ của TS. Nguyễn Thị Báo: “Hoàn
thiện pháp luật về quyền của người khuyết tật ở Việt Nam hiện nay”, luận án đi sâu
vào nghiên cứu thực trạng pháp luật Việt Nam để đưa ra những giải pháp hoàn thiện
góp phần xây dựng Luật Người khuyết tật; Báo cáo của UNICEF và Bộ LĐTB&XH
năm 2009 nghiên cứu về việc “Tạo lập một môi trường bảo vệ trẻ em tại Việt Nam:
đánh giá luật và những chính sách bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trẻ em có những hoàn
cảnh đặc biệt tại Việt Nam”; TS. Tường Duy Kiên với “Báo cáo phân tích so sánh
Luật quốc tế và Luật Việt Nam về quyền của trẻ em khuyết tật” (2009).
Ngoài ra, còn có một số bài nghiên cứu dưới dạng các tham luận được trình
bày tại các buổi toạ đàm và hội thảo, các bài báo, tạp chí như: các bài tham luận tại
“Hội nghị đánh giá 7 năm triển khai thi hành Pháp lệnh về người tàn tật (1998 2005); TS. Nguyễn Thị Báo “Các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa của người khuyết
tật trong pháp luật Việt Nam”, Tạp chí Luật học số 6/2005; TS. Trần Thái Dương
“Phê chuẩn Công ước về quyền của người khuyết tật và việc thực thi nghĩa vụ
thành viên công ước”...
Tuy nhiên, các công trình nói trên còn để lại nhiều thoảng trống, chưa đề
cập một cách toàn diện đến vấn đề bình đẳng và chống phân biệt đối xử với NKT
trong pháp luật quốc tế và Việt Nam là nội dung trọng tâm của luận văn này.
3. Mục tiêu nghiên cứu
3.1. Mục tiêu tổng quát: Phân tích, đánh giá pháp luật Việt Nam và pháp
luật quốc tế liên quan đến việc bảo đảm bình đẳng và chống phân biệt đối xử với

5


NKT; rút ra những bất cập, hạn chế trong pháp luật Việt Nam; từ đó đề xuất những
giải pháp hoàn thiện phù hợp.
3.2. Mục tiêu cụ thể:
- Phân tích, làm rõ một số vấn đề chung về NKT, nguyên tắc bình đẳng và
không phân biệt đối xử với NKT để cho thấy sự cần thiết phải bảo đảm bình đẳng

và chống phân biệt đối xử với NKT;
- Phân tích các quy định pháp luật quốc tế và trong nước liên quan đến việc
bảo đảm bình đẳng và chông phân biệt đối xử với NKT; đánh giá sự tương thích
của pháp luật Việt Nam với pháp luật quốc tế trên lĩnh vực này;
- Đề xuất những giải pháp hoàn thiện các quy định pháp luật về quyền bình
đẳng và chống phân biệt đối xử với NKT Việt Nam trong thời gian tới.
4. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tƣợng nghiên cứu của luận văn
Luận văn tập trung phân tích khuôn khổ pháp luật quốc tế và pháp luật Việt
Nam liên quan đến việc bảo đảm bình đẳng và chống phân biệt đối xử với NKT, sự
tương thích giữa hai hệ thống pháp luật và việc thực thi pháp luật về quyền của
NKT Việt Nam.
4.2. Phạm vi nghiên cứu của luận văn
Bên cạnh việc đánh giá tổng quan hệ thống pháp luật quốc tế và hệ thống
pháp luật Việt Nam liên quan đến quyền của NKT, đề tài sẽ tập trung vào việc đánh
giá, phân tích so sánh các quyền đặc thù dành cho NKT liên quan đến việc bảo đảm
bình đẳng và chống phân biệt đối xử với NKT trên thực tế.
5. Tính mới và những đóng góp của luận văn
Những điểm mới của luận văn bao gồm:
- Phân tích, làm rõ nguyên tắc bình đẳng và không phân biệt đối xử với
NKT, đồng thời nhận diện các hành vi này trên thực tế;
- Đánh giá hệ thống pháp luật quốc tế và hệ thống pháp luật Việt Nam về
NKT, tập trung vào các quy định pháp luật nhằm bảo đảm bình đẳng và chống phân
biệt đối xử với NKT;

6


- Đưa ra các giải pháp hoàn thiện các quy định pháp luật về bình đẳng và
chống phân biệt đối xử với NKT tại Việt Nam.

6. Kết cấu của luận văn
Ngoài các phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, luận văn được cơ cấu
thành 3 chương.
Chương 1: Những vấn đề chung về NKT, bình đẳng và chống phân biệt đối
xử với người khuyết tật.
Chương 2: Pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam về bình đẳng và chống
phân biệt đối xử với người khuyết tật.
Chương 3: Quan điểm, giải pháp hoàn thiện pháp luật về bình đẳng và
chống phân biệt đối xử với người khuyết tật tại Việt Nam.

7


Chƣơng 1
NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ NGƢỜI KHUYẾT TẬT, BÌNH ĐẲNG VÀ
CHỐNG PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ VỚI NGƢỜI KHUYẾT TẬT
1.1. Tổng quan một số vấn đề lý luận về ngƣời khuyết tật
1.1.1. Khái niệm
Liên quan đến khái niệm “người khuyết tật”, có nhiều quan niệm, cách hiểu
khác nhau ở cả khía cạnh không gian và thời gian, tuy nhiên, có thể khái quát thành
hai nhóm quan điểm lớn đó là:
Nhóm quan điểm thứ nhất cho rằng vấn đề khuyết tật là ở tại chính con người
đó, vì thế chú trọng rất ít hoặc không để ý gì đến các yếu tố về môi trường xã hội và
môi trường vật thể xung quanh người đó. Theo mô hình này, một người bị suy giảm
khả năng vận động sẽ bị rơi vào hoàn cảnh khuyết tật do sự suy giảm chức năng của
riêng cá nhân đó. Người ấy có thể cố gắng vượt qua các hạn chế về chức năng do
tình trạng khuyết tật gây ra bằng cách điều trị y khoa và/hoặc sử dụng các dụng cụ
trợ giúp y tế, ví dụ như xe lăn hoặc nạng. Quan điểm này tập trung vào sự khiếm
khuyết về thể trạng, tinh thần, thính giác, thị giác, sức khỏe tâm thần…, và NKT
cần được hỗ trợ, chăm sóc, họ không thể và không đủ khả năng chăm lo cho cuộc

sống của mình. Quan điểm này được gọi là quan điểm mô hình khuyết tật cá nhân
hay mô hình khuyết tật dưới góc độ y tế.
Tổ chức Y tế thế giới đưa ra 3 thuật ngữ về khuyết tật đều theo quan điểm
khuyết tật cá nhân, đó là “khiếm khuyết”, “giảm khả năng” và “tàn tật”. Khiếm khuyết
là tình trạng bị mất hoặc tình trạng bất bình thường một hay các bộ phận cơ thể hoặc
chức năng tâm sinh lý. Khiếm khuyết có thể là hậu quả của bệnh tật, tai nạn, các nhân
tố môi trường hoặc bẩm sinh (thuật ngữ này hàm ý nói ở cấp độ bộ phận cơ thể).
Giảm khả năng là tình trạng giảm hoặc mất khả năng hoạt động do khiếm khuyết gây
ra, hạn chế hoặc mất chức năng vận động, nói, nghe, nhìn hoặc giao tiếp (thuật ngữ
này hàm ý nói ở cấp độ bộ phận cơ thể). Tàn tật là những thiệt thòi mà một người
phải chịu do bị khuyết tật (thuật ngữ này hàm ý nói ở cấp độ xã hội).
Luật thành văn của các nước sử dụng nhiều thuật ngữ khác nhau để mô tả

8


NKT như "tàn phế", "tật nguyền", hoặc "chậm phát triển". Ví dụ, Điều 2 Luật của
nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về bảo vệ NKT ban hành năm 1990 quy định:
“Người khuyết tật là một trong những người bị bất thường, mất mát một cơ quan
nhất định hoặc chức năng, tâm lý hay sinh lý, hoặc trong cấu trúc giải phẫu và
những người đã mất toàn bộ hoặc một phần khả năng tham gia vào các hoạt động
một cách bình thường. “Người khuyết tật” là những người có thính giác, thị giác,
lời nói hoặc khuyết tật về thể chất, chậm phát triển tâm thần, rối loạn tâm thần,
khuyết tật nhiều và/hoặc khuyết tật khác”. Luật về người khuyết tật ban hành năm
1995 của Ấn Độ (về cơ hội bình đẳng, bảo vệ quyền và đảm bảo cho NKT tham gia
mọi hoạt động xã hội) định nghĩa khuyết tật bao gồm những tình trạng bị mù, nghe
kém, lành bệnh phong; thị lực kém; suy giảm khả năng vận động; chậm phát triển
trí óc và mắc bệnh về tâm thần. Trong khi đó, NKT lại được định nghĩa là “một
người bị bất kỳ một khuyết tật nào không dưới 40% theo xác nhận của cơ quan y tế
có thẩm quyền”. Theo đạo luật số 7277 của Phillipines năm 1991 thì “Người

khuyết tật – là người có sự khác biệt về khả năng và hạn chế do khiếm khuyết về
giác quan, vận động và tâm thần để thực hiện một hoạt động được coi là bình
thường”.
Nhược điểm của các quan điểm nêu trên là nhìn nhận NKT là một vấn đề của
xã hội và cần có giải pháp để làm người đó “bình thường” [5, tr10], vì vậy dễ làm
NKT cảm thấy bị xúc phạm. Luật pháp cần sử dụng thuật ngữ một cách nhất quán và
phải thể hiện sự tôn trọng nhân phẩm con NKT.
Nhóm quan điểm thứ hai cho rằng khuyết tật là một sản phẩm của xã hội.
Vấn đề khuyết tật bắt nguồn từ việc môi trường vật thể và môi trường xã hội không
đáp ứng được những nhu cầu của từng cá nhân hoặc các nhóm đối tượng cụ thể.
Theo mô hình xã hội về khuyết tật, sự suy giảm khả năng đi lại cần được xem xét
trong bối cảnh xã hội và môi trường xung quanh. Xóa bỏ những rào cản xã hội và
đảm bảo sự tiếp cận với môi trường vật thể có ý nghĩa tích cực trong việc giảm bớt
hoặc vượt qua được những hạn chế giúp NKT hoạt động và tham gia vào mọi mặt
cuộc sống [13].

9


Khái niệm này mang ý nghĩa bao quát hơn khái niệm mô hình khuyết tật cá
nhân, và có ý nghĩa bảo vệ những NKT khỏi bị phân biệt đối xử. Khái niệm có đối
tượng bảo vệ rộng hơn, bao gồm cả những người có khuyết tật nhẹ, những người
sống chung với NKT, những người bị gán cho danh nghĩa khuyết tật cũng có thể bị
ảnh hưởng bởi sự phân biệt đối xử. Có một số văn kiện pháp lý quốc tế định nghĩa
về NKT theo quan niệm này, chẳng hạn như: Công ước số 159 của ILO về phục hồi
chức năng lao động và việc làm của người khuyết tật (năm 1983) quy định: “Người
khuyết tật dùng để chỉ một cá nhân mà khả năng có một việc làm phù hợp, trụ lâu
dài với công việc đó và thăng tiến với nó bị giảm sút đáng kể do hậu quả của một
khiếm khuyết về thể chất và tâm thần được thừa nhận” (khoản 1, Điều 1); Công ước
về Quyền của người khuyết tật của Liên hợp quốc (năm 2006) quy định: “Người

khuyết tật bao gồm những người bị suy giảm về thể chất, thần kinh, trí tuệ hay giác
quan trong một thời gian dài, có ảnh hưởng qua lại với hàng loạt những rào cản có
thể cản trở sự tham gia đầy đủ và hiệu quả của người khuyết tật vào xã hội trên cơ
sở bình đẳng với những người khác” (Điều 1).
Kế thừa quan điểm này trong pháp luật quốc tế, pháp luật của nhiều quốc gia
trên thế giới cũng nhìn nhận vấn đề khuyết tật dưới góc độ xã hội. Ở Cộng hòa Liên
bang Đức, Bộ luật xã hội định nghĩa: “Người khuyết tật là người có các chức năng
về thể lực, trí lực hoặc tâm lý tiến triển không bình thường so với người có cùng độ
tuổi trong thời gian trên 6 tháng và sự không bình thường này là nguyên nhân dẫn
đến việc họ bị hạn chế tham gia vào cuộc sống xã hội”. Luật bình đẳng về việc làm
của Nam Phi định nghĩa người khuyết tật là “người bị suy giảm khả năng về thể lực
hoặc trí lực trong một thời gian dài hoặc tiếp diễn nhiều lần, khiến người đó bị hạn
chế đáng kể về khả năng tham gia hoặc phát triển nghề nghiệp”. Đạo luật về người
khuyết tật của Hoa Kỳ năm 1990 (ADA-Americans with Disabilities Act of 1990)
định nghĩa “người khuyết tật là người có sự suy yếu về thể chất hay tinh thần gây
ảnh hưởng đáng kể đến một hay nhiều hoạt động quan trọng trong cuộc sống”. Hay
Bộ Luật chống phân biệt đối xử với người khuyết tật của Vương Quốc Anh năm
1995 điều chỉnh đối tượng là người có tiền sử hoặc hiện đang mang tật về trí não

10


hay thể lực khiến cho khả năng thực hiện các công việc thường ngày bị ảnh hưởng
đáng kể và lâu dài. Khi được sửa đổi mới đây, Bộ luật được mở rộng phạm vi điều
chỉnh đối với người dị dạng mức độ nặng và những người nhiễm HIV/AIDS.
Bản thân CRPD không có định nghĩa khuyết tật, nhưng thuật ngữ đó được
hiểu là “những người khiếm khuyết lâu ngày về thể chất, thần kinh, trí tuệ hoặc
các giác quan mà khi tác động tương hỗ với những rào cản khác nhau có thể gây
cản trở cho việc tham gia hiệu quả và đầy đủ vào xã hội, trên cơ sở bình đẳng với
những người khác”. CRPD đặc biệt loại ra mô hình y tế mà coi một người khuyết

tật là một bệnh nhân cần điều trị hoặc cần từ thiện. Thay vào đó, CRPD công nhận
“mô hình xã hội” của khuyết tật. Theo mô hình xã hội này, khuyết tật là một phần
của trải nghiệm nhân loại; khuyết tật tự nó không giảm bớt quyền của trẻ em và
người lớn được lựa chọn và kiểm soát cuộc đời mình, được sống trong một môi
trường hòa nhập, được tham gia đầy đủ và đóng góp cho cộng đồng của mình
thông qua kết nhập và hòa nhập đầy đủ vào dòng chảy cuộc sống về kinh tế, chính
trị, xã hội, văn hóa và giáo dục. Hơn thế nữa, mô hình xã hội, như CRPD thừa
nhận, đặt trách nhiệm lên toàn xã hội (chứ không phải lên cá nhân NKT) phải tháo
gỡ những rào cản lý tính và thái độ đang “làm khuyết tật” những con người có
chút khiếm khuyết và cản trở họ thực hiện quyền của họ, cản trở họ hòa nhập đầy
đủ vào xã hội.
Như vậy, khái niệm người khuyết tật phụ thuộc rất nhiều vào mục tiêu mà
luật hoặc các chính sách cụ thể đó theo đuổi. Do vậy, không có một khái niệm
chung nào về khuyết tật có thể được áp dụng cho tất cả các văn bản pháp luật. Mỗi
quốc gia phải xem xét kỹ lưỡng các yếu tố kinh tế, văn hóa, lịch sử, chính sách của
quốc gia mình để đưa khái niệm phù hợp. Tuy nhiên, cũng cần khẳng định rằng
định nghĩa về NKT, dù tiếp cận dưới bất cứ góc độ nào, nhất thiết phải phản ánh
một thực tế là NKT có thể gặp các rào cản do yếu tố xã hội, môi trường hoặc con
người khi tham gia vào mọi hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Và họ phải
được đảm bảo rằng, họ có quyền và trách nhiệm tham gia vào mọi hoạt động của
đời sống như bất cứ công dân nào với tư cách là các quyền của con người [5].

11


1.1.2. Phân loại người khuyết tật
Dưới góc độ dạng khuyết tật, ở mỗi quốc gia có thể có các quy định khác
nhau về một số dạng tật, song nhìn chung hầu hết và phổ biến là các dạng khuyết tật
giống như đã được quy định tại Luật NKT Việt Nam, bao gồm: a) Khuyết tật vận
động; b) Khuyết tật nghe, nói; c) Khuyết tật nhìn; d) Khuyết tật thần kinh, tâm thầ n ;

đ) Khuyết tật trí tuệ; e) Khuyết tật khác. Mỗi dạng khuyết tật này có đặc điểm riêng,
chung về tâm, sinh lý về khả năng qua đó tác động đến các nhu cầu của bản thân, và
có ảnh hưởng qua lại, tác động đáng kể tới môi trường xung quanh làm xuất hiện
những hệ quả pháp lý trong quá trình hòa nhập cộng đồng [5,tr25].
Đối với những NKT vận động, khuyết tật nghe nói, khuyết tật nhìn họ có đặc
điểm chung là đều có bộ não phát triển bình thường như người không khuyết tật. Do
đó, nếu được quan tâm, tạo môi trường thuận lợi và được rèn luyện từ sớm và
thường xuyên thì họ vẫn có thể hòa nhập vào các hoạt động của xã hội (học tập, lao
động...). Thực tế cho thấy, đại bộ phận NKT thuộc nhóm này đều có ý chí, khát
vọng vươn lên khắc phục những khuyết điểm về mặt thể chất hay giác quan của bản
thân để tự khẳng định mình, tham gia học tập, rèn luyện, sinh hoạt như mọi thành
viên khác trong xã hội. Tuy nhiên, cũng có một bộ phận không nhỏ do hạn chế về
mặt thể chất, giác quan thêm vào đó là thái độ kỳ thị của gia đình, xã hội nên họ
thường có tâm lý tự ti, mặc cảm tách mình ra khỏi cộng đồng. Đi sâu vào từng dạng
khuyết tật, mỗi dạng khuyết tật lại có tác động khác nhau đến đời sống, sinh hoạt
hàng ngày của NKT. Khuyết tật vận động là tình trạng giảm hoặc mất chức năng cử
động đầu, cổ, chân, tay, thân mình dẫn đến hạn chế trong vận động, di chuyển.
Khuyết tật nghe, nói là tình trạng giảm hoặc mất chức năng nghe, nói hoặc cả nghe
và nói, phát âm thành tiếng và câu rõ ràng dẫn đến hạn chế trong giao tiếp, trao đổi
thông tin bằng lời nói1 mà cụ thể là hạn chế đọc, viết. Khuyết tật nhìn là tình trạng
giảm hoặc mất khả năng nhìn và cảm nhận ánh sáng, màu sắc, hình ảnh, sự vật
trong điều kiện ánh sáng và môi trường bình thường. Tuy nhiên, nhóm khuyết tật
này thường có hai giác quan rất phát triển là thính giác và xúc giác. Khác với ba loại
1

Khoản 2 Điều 2 Nghị định 28/2012/NĐ-CP

12



khuyết tật trên, khuyết tật trí tuệ là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhận thức, tư
duy biểu hiện bằng việc chậm hoặc không thể suy nghĩ, phân tích về sự vật, hiện
tượng, giải quyết sự việc. Khuyết tật thần kinh, tâm thần là tình trạng rối loạn tri
giác, trí nhớ, cảm xúc, kiểm soát hành vi, suy nghĩ và có biểu hiện với những lời
nói, hành động bất thường.
Nếu chia theo mức độ khuyết tật thì có các mức độ khuyết tật sau đây: a)
Người khuyết tật đặc biệt nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực
hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày; b) Người khuyết tật nặng là
người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện một số việc phục vụ nhu cầu
sinh hoạt cá nhân hàng ngày; c) Người khuyết tật nhẹ là NKT không thuộc hai
trường hợp trên.
Sự phân loại này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện các chính
sách của nhà nước đối với NKT. Thực tế cho thấy, NKT khó có cơ hội tham gia
bình đẳng vào các hoạt động xã hội do những khiếm khuyết về cơ thể hay chức
năng, song khó khăn đó sẽ tăng thêm do ảnh hưởng bởi những rào cản khác trong
xã hội. Do đó, chính sách đối với NKT không chỉ dừng lại ở việc chăm sóc sức
khỏe, phục hồi chức năng mà còn phải tiến tới giảm thiểu hoặc xoá bỏ những rào
cản, giúp NKT chủ động hòa nhập, có cơ hội tham gia một cách bình đẳng vào các
hoạt động của xã hội.
1.1.3. Đặc điểm, vị trí, vai trò của người khuyết tật
Để có được những chính sách phù hợp bảo đảm bình đẳng thực chất cho
NKT thì cần phải có những đánh giá đầy đủ và chính xác về đặc điểm của nhóm
NKT. Những đặc điểm này sẽ là cơ sở, căn cứ quan trọng để quy định, ban hành,
thực thi, áp dụng pháp luật và chính sách với NKT. Tuy nhiên, các quy định pháp
luật, chính sách của nhà nước không phải vì NKT mà gây nên sự mất cân bằng xã
hội, cần có những điều chỉnh hợp lý để việc hòa nhập của NKT không trở thành
gánh nặng đối với “phần còn lại” của xã hội. Có như vậy, các chính sách mới có
tính khả thi và bản thân NKT không bị mặc cảm, tự ti vì sự khuyết tật. Dưới đây là
một số đặc điểm nổi bật của nhóm NKT cần được tính đến:


13


Thứ nhất, NKT là nhóm người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ
thể hoặc bị suy giảm chức năng dẫn đến những hạn chế đáng kể và lâu dài trong
việc tham gia vào các hoạt động xã hội.
Đây là những đặc điểm sinh học của NKT có khả năng tác động đến các nhu
cầu bản thân của NKT, làm hạn chế khả năng hòa nhập cộng đồng của NKT. Điều
này không chỉ là một khó khăn của NKT mà đối với một số trường hợp còn là gánh
nặng của gia đình và người thân càng làm cho NKT dễ có tâm lý tự ti, mặc cảm về
sự khuyết tật của mình. Trên thực tế, có những gia đình NKT do NKT không thể lao
động, không thể tự chăm lo cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của bản thân, nên
luôn luôn phải có một người chăm sóc càng làm cho kinh tế gia đình trở nên rất khó
khăn. Tuy nhiên, nếu được quan tâm, tạo môi trường thuận lợi, có sự tập luyện và
hỗ trợ cần thiết họ vẫn có thể khắc phục được những khó khăn đó, có thể học tập,
rèn luyện, cống hiến và tham gia vào hoạt động cộng đồng như các cá thể khác
trong xã hội.
Tùy thuộc vào mức độ và dạng khuyết tật khác nhau mà mức độ ảnh hưởng
đến việc hòa nhập của NKT cũng khác nhau và nhu cầu cần được hỗ trợ để giảm
bớt những khó khăn cũng khác nhau. Người khuyết tật vận động có thể gặp khó
khăn trong việc tự di chuyển, ngồi, nằm, cầm, nắm,... và họ cần được hỗ trợ về
phương tiện đi lại và những không gian cần thiết, thuận lợi, phù hợp để di chuyển.
Người khuyết tật nghe, nói lại có thể gặp khó khăn về nghe, nói dẫn đến hạn chế
trong việc đọc, viết và họ cần có các phương tiện trợ giúp như máy trợ thính, ngôn
ngữ kí hiệu trong giao tiếp tạo điều kiện thuận lợi để họ thể hiện ý chí của mình.
Người khiếm thị lại cần các công cụ hỗ trợ di chuyển và nhận biết. Như vậy, đây là
một đặc điểm quan trọng để xác định các chính sách phù hợp với từng đối tượng,
bảo đảm việc hòa nhập cộng đồng cho NKT. Đây cũng là đặc điểm chi phối dẫn đến
các đặc điểm khác liên quan đến NKT.
Thứ hai, người khuyết tật thường gặp khó khăn về kinh tế

Người khuyết tật là một bộ phận cấu thành của xã hội không thể tách rời và
họ cũng có trách nhiệm trong việc tham gia vào các hoạt động của cộng đồng, đóng

14


góp công sức của mình vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia
và cũng có quyền được hưởng đầy đủ những thành quả phát triển của nhân loại. Tuy
nhiên, khuyết tật đã gây ra nhiều khó khăn cho họ trong việc thực hiện các công
việc sinh hoạt hàng ngày, trong giáo dục, việc làm, tiếp cận các dịch vụ y tế, kết
hôn, sinh con và tham gia các hoạt động xã hội. Mặt khác, họ lại không có được
những hỗ trợ cần thiết trong việc hòa nhập nên họ không chỉ gặp khó khăn trong
sinh hoạt hàng ngày mà việc lao động kiếm sống cũng là một vấn đề rất lớn chứ
chưa nói đến việc tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội khác. Kết quả là NKT
phải đối mặt với nhiều vấn đề trong cuộc sống hằng ngày trong đó kinh tế là một
vấn đề lớn.
Thực tế, rất nhiều NKT hoặc chưa bao giờ đi làm hoặc đã từng đi làm nhưng
lại bị thất nghiệp. Một số rất nhỏ trong đó nếu được tuyển dụng thì người lao động
khuyết tật thường là người được trả lương thấp, triển vọng thăng tiến trong công
việc không cao, điều kiện làm việc khó khăn.
Việc NKT có thể tạo ra thu nhập để nuôi sống được bản thân không nhiều
chứ chưa kể đến chuyên chăm lo cho gia đình. Bản thân NKT nói chung và đặc biệt
là những NKT nặng việc tự lập trong vấn đề sinh hoạt tối thiểu hàng ngày đã là một
khó khăn, chưa kể đến những trường hợp NKT bị phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm
sóc của người thân và gia đình còn mất đi một nguồn lực lao động chính để tạo ra
thu nhập. Vì vậy, phần lớn các hộ có NKT đều có mức sống thấp, đa số hộ thuộc
loại nghèo. Gia đình càng có nhiều NKT thì mức sống càng giảm, nhà ở tạm bợ,
học tập gián đoạn, không có khả năng tham gia lao động. Và chính những khó khăn
này lại cản trở NKT tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, học nghề. tìm kiếm việc làm,
tham gia giao thông, dẫn đến khó khăn chồng lấn khó khăn.

Thứ ba, người khuyết tật gặp nhiều khó khăn trong vấn đề hôn nhân và gia
đình, đặc biệt là phụ nữ khuyết tật.
Từ trước đến nay, để trợ giúp NKT hòa nhập cộng đồng, xã hội mới chỉ quan
tâm nhiều tới những chính sách việc làm, giáo dục, sức khỏe nói chung cho họ.
Nhưng NKT cũng là con người – họ cần có nhu cầu về sức khỏe sinh sản và một

15


mái ấm gia đình hạnh phúc của riêng mình. Hiện nay, NKT đang gặp phải rất nhiều
rào cản từ gia đình, xã hội và từ chính bản thân khiến họ gặp nhiều khó khăn trong
vấn đề hôn nhân và gia đình. Mới chỉ có một bộ phận nhỏ NKT đã quan tâm và dám
thể hiện tình yêu của mình còn đa số họ tự ti, mặc cảm về bản thân chưa dám thể
hiện nhu cầu của mình.
Vấn đề hôn nhân, gia đình đặc biệt nghiêm trọng đối với nhóm phụ nữ
khuyết tật. Giữa nam và nữ khuyết tật, nam giới khuyết tật có cơ hội yêu và kết hôn
với một phụ nữ không khuyết tật, nhưng ngược lại, rất ít có cơ hội cho phụ nữ
khuyết tật lập gia đình với một nam giới không khuyết tật. Phụ nữ khuyết tật phải
đối mặt với khó khăn thách thức gấp hai lần, bị phân biệt vì hai lí do: vừa mang giới
tính nữ và vừa là NKT (phân biệt đối xử kép). Trong hôn nhân ở Việt Nam, quan
niệm về người phụ nữ đảm đang, biết chăm lo cho cuộc sống gia đình vẫn luôn
được xem trọng thì việc kết hôn giữa một phụ nữ khuyết tật với một nam giới không
khuyết tật càng là một điều hiếm thấy.
Thứ tư, dù có nhiều khó khăn trong cuộc sống NKT luôn nỗ lực vươn lên [9].
Một điều không thể phủ nhận là NKT có thể gặp khó khăn trong cuộc sống
hơn so với bộ phận còn lại của xã hội. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của bản thân và sự
hỗ trợ từ phía gia đình, cộng đồng xã hội và Nhà nước, NKT vẫn có thể chủ động
vươn lên trong cuộc sống, hoà nhập cộng đồng và khẳng định được vai trò của mình
trong gia đình và xã hội.
Hầu hết trên các lĩnh vực hoạt động của xã hội của các quốc gia đều có sự

tham gia của NKT, họ có thể là công chức, viên chức, cán bộ, những người làm
công ăn lương trong các nhà máy, xí nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội hoặc làm
người chủ doanh nghiệp, người chủ trang trại, hoặc cũng có thể là những người
nông dân, những người thợ thủ công. Nhiều tấm gương tiêu biểu về NKT có ý chí
vượt qua khó khăn của số phận trở thành ông chủ doanh nghiệp đồ gỗ gia dụng,
doanh nghiệp mây tre đan... họ không những tạo được công ăn việc làm cho chính
họ mà còn tạo công ăn việc làm cho háng trăm người khác; cũng có những NKT đã
trở thành những nhà nghiên cứu thiết kế thành công bóng điện cao áp công xuất nhỏ

16


đã tiết kiệm cho người sử dụng trong quá trình sử dụng điện hàng chục tỷ đồng một
năm [9]. Người khuyết tật đã chứng minh được rằng khi có cơ hội phù hợp đi cùng
với sự tạo điều kiện hợp lý trong công việc hay trong môi trường làm việc, NKT có
thể có những đóng góp quý báu cho xã hội. Người khuyết tật cũng tích cực tham gia
vào các hoạt động nghiên cứu khoa học, văn hoá thể thao và các hoạt động xã hội
khác. Với sự trợ giúp của gia đình, cộng đồng, xã hội và nhà nước nhiều NKT cũng
đã gặt hái được những thành công trong phong trào văn hoá thể thao quần chúng và
trong các kỳ đại hội thể thao NKT khu vực và thế giới được tổ chức thường niên 5
năm một lần [9].
Trong lịch sử phát triển của nhân loại nhiều NKT đã có những đóng góp to
lớn cho sự phát triển của các quốc gia, điển hình như Tổng thống Mỹ Ruzeven hoặc
chủ tịch các tập đoàn kinh tế lớn đa quốc gia của Nhật bản. Ngay ở nước ta rất
nhiều người là NKT vẫn đảm nhiệm các chức danh Bộ trưởng, Thứ trưởng, Vụ
trưởng; Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp… họ đã thực hiện tốt chức trách,
nhiệm vụ được giao, và có những đóng góp cống hiến đáng kể vào quá trình phát
triển kinh tế - xã hội của đất nước [9]. Nhiều tấm gương các thầy giáo, cô giáo
khuyết tật vượt khó đã lưu danh từ đời này qua đời khác như: thầy đồ Nguyễn Đình
Chiểu, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, thầy Phạm Văn Tường,... Và còn nhiều câu

chuyện kì diệu nữa. Nếu ai đã từng xem các cuộc thi tìm kiếm tài năng và thi giọng
hát Việt trên truyền hình thì không thể quên được cô bé xương thủy tinh Nguyễn
Phương Anh, hay những cái tên như Dương Quyết Thắng, Hà Văn Đông, Phương
Dung, Nguyễn Thanh Bình... Và người không tay không chân ở Australia cũng sẽ
được ít người Việt Nam biết đến nếu như không có dịch giả Bích Lan, một NKT tự
học tiếng Anh qua radio [24].
1.1.4. Một số đối tượng khuyết tật đặc thù
1.1.4.1. Phụ nữ khuyết tật
So với nam giới, nữ giới thường bị yếu thế, chịu nhiều thiệt thòi hơn trong
việc hoà nhập xã hội và bị phân biệt đối xử, bất kể năng lực làm việc của họ là như
thế nào. Đối với nhóm phụ nữ khuyết tật, bài toán càng trở nên nan giải hơn bởi

17


×