Tải bản đầy đủ (.pdf) (22 trang)

Khai thác sức mạnh của tranh biếm họa cho báo in việt nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (458.11 KB, 22 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

.......

NGUYỄN KHẮC HUY

KHAI THÁC SỨC MẠNH CỦA
TRANH BIẾM HỌA
CHO BÁO IN VIỆT NAM

Chuyên ngành: Báo chí học
Mã số: 60 32 01 01

TÓM TẮT LUẬN VĂN THẠC SĨ BÁO CHÍ HỌC

HÀ NỘI-2015

1


Công trình được hoàn thành tại:
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học
quốc gia Hà Nội
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Vũ Quang Hào
Phản biện 1: PGS.TS Hà Huy Phượng
Phản biện 2: PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái
Luận văn được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận văn thạc sĩ,
họp tại: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại
học Quốc gia Hà Nội
Vào lúc 14 giờ, ngày 23 tháng 12 năm 2015



Có thể tìm hiểu luận văn tại:
- Trung tâm Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội

2


MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Xuất hiện trên báo chí Việt Nam từ những năm 30 của thế kỉ
XX 1 đến nay, tranh biếm họa đã trở thành một công cụ hữu ích
để những người làm báo thể hiện chính kiến của mình đối với
các vấn đề thời sự của xã hội. Tuy có lịch sử phát triển gần một
thế kỉ trên mặt báo nhưng cho đến nay, hệ thống lí luận về đặc
điểm và tính chất của loại hình này vẫn chưa được nghiên cứu
một cách chuyên sâu và có hệ thống.
Từ năm 1998, khi thuật ngữ “thông tin phi văn tự” xuất hiện,
tranh biếm họa được coi là một trong những yếu tố thể hiện
thông tin của nhóm này (bên cạnh các yếu tố khác: ảnh, biểu đồ,
bản đồ, đồ thị,…) Tuy nhiên, chúng thường được xếp chung với
thể loại tranh minh họa. Việc khai thác và sử dụng tranh biếm
họa trên báo chí trở thành một vấn đề quan trọng đối với các cơ
quan báo chí. Bởi lẽ, nếu nguồn thông tin này không được khai
thác một cách hợp lí, chính nó có thể sẽ gây ra hiện tượng nhiễu
thông tin, thậm chí là phản thông tin, tạo nên những hiệu ứng
xấu trong xã hội.
Thực tế khai thác dòng tranh biếm họa cho thấy, trên nhiều tờ
báo, biếm họa đang được sử dụng một cách tùy tiện và thiếu
định hướng. Biếm họa đôi khi chỉ được sử dụng như một yếu tố
minh họa, thậm chí còn bị coi là một công cụ để lấp đầy trang


1

Trong bài viết: “Biếm họa, một nhân chứng lịch sử” (đăng trên Tạp chí Tia Sáng số ra
tháng 6-2012), Lý Trực Dũng cho biết, những tranh biếm họa đầu tiên của báo chí Việt
Nam xuất hiện trên báo Phong Hóa, Ngày Nay năm 1932 của Tự lực văn đoàn do Nhất
Linh làm chủ bút.

3


báo. Việc khai thác biếm họa một cách thiếu chuyên nghiệp như
thế không chỉ làm giảm giá trị của dòng tranh này mà vô hình
dung còn khiến cho báo chí mất đi một kênh thông tin hấp dẫn
và hiệu quả.
Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, dựa trên khung lí thuyết về
ngôn ngữ báo chí, tác giả quyết định thực hiện đề tài: Khai thác
sức mạnh của tranh biếm họa cho báo in Việt Nam.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Hiện nay, theo khảo sát của tác giả, ở Việt Nam vẫn chưa có
một công trình nào đề cập một cách trực tiếp và cụ thể đến việc
khai thác sức mạnh của tranh biếm họa cho loại hình báo in.
Duy chỉ có một nghiên cứu của tác giả Lý Trực Dũng với nhan
đề “Biếm họa Việt Nam”, xuất bản năm 2011 là thể hiện những
kết quả nghiên cứu bước đầu về tranh biếm họa báo chí.
Tác giả cũng tìm thấy những đánh giá, phân tích về vai trò,
chức năng của biếm họa; những hoạt động sáng tạo biếm họa
trên gần 100 bài báo khác nhau. Tất cả những nguồn thông tin
nêu trên là những nguồn tư liệu tham khảo vô cùng quý giá,
giúp tác giả dễ dàng hơn trong việc định hướng quá trình nghiên

cứu của mình. Tuy nhiên, những nghiên cứu đó đa phần đều chỉ
xem xét biếm họa ở một khía cạnh nhất định; đặc biệt, những
vấn đề lí luận và thực tiễn của biếm họa Việt Nam chưa được
phân tích một cách thấu đáo. Chính vì vậy, từ những khoảng
trống về mặt lí luận và thực tiễn đó, tác giả quyết định thực hiện
luận văn này.

4


3. Mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục tiêu nghiên cứu
- Khái quát quá trình hình thành, phát triển của tranh biếm họa
trên báo chí Việt Nam
- Làm rõ những yếu tố tạo nên sức mạnh của tranh biếm họa,
những tác động của nó đến ngôn ngữ báo chí
- Phân tích tình hình thực tế việc sử dụng tranh biếm họa trên
một số tờ báo in
- Đưa ra một số gợi ý nhằm khai thác hiệu quả sức mạnh của
tranh biếm họa cho báo chí, đặc biệt là loại hình báo in.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Tổng hợp, phân tích những tài liệu liên quan đến tranh biếm
họa, đặc biệt ở phương diện thể hiện ngôn ngữ của nó
- Khảo sát một số tờ báo, từ đó đưa ra được tần xuất sử dụng,
xu hướng khai thác tranh biếm họa
- Phân tích các kết quả thu được, lấy cơ sở đề xuất các giải pháp
nhằm khai thác đối đa hiệu quả thông tin của tranh biếm họa
- Hoàn thành báo cáo khoa học, công bố những kết quả nghiên
cứu
4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu

4.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài này chính là sức mạnh của
tranh biếm họa báo chí, cụ thể là khía cạnh hiệu quả, khả năng
tác động của nó.
5


4.2. Phạm vi nghiên cứu
p trung nghiên cứu thực tế việc khai thác tranh biếm họa ở 4 tờ
báo in trong 3 năm chẵn liên tiếp: 2010, 2012, 2014 là các tờ:
Tuổi Trẻ, Pháp Luật TP.HCM, Tiền Phong và Đại Đoàn Kết.
Đây là bốn tờ báo mang tính chính luận mạnh mẽ, có sử dụng
biếm họa (ở những mức độ khác nhau) như một phương thức để
làm phong phú thông tin cho ấn phẩm của mình.
5. Phương pháp nghiên cứu
5.1. Phương pháp nghiên cứu lí thuyết:
Luận văn này lấy chất liệu từ hệ thống lí thuyết báo chí – truyền
thông, cụ thể là lí thuyết của ngôn ngữ báo chí và một số lí
thuyết có liên quan khác: hội họa, mĩ học, tâm lí học,... Từ
những nguồn tài liệu sẵn có này, tác giả tiến hành định vị biếm
họa trong hệ thống lí thuyết báo chí – truyền thông cũng như
nêu bật những đặc điểm, tính chất và sức mạnh của tranh biếm
họa.
5.2. Phương pháp nghiêu cứu thực nghiệm
Trong luận văn này, tác giả thực hiện một số thống kê về tần
suất xuất hiện, diện tích, nội dung, sự phân bố theo lĩnh vực,…
của biếm họa trên một số tờ báo. Đó là những biểu hiện thực tế
đáng tin cậy và xác thực về quá trình khai thác dòng tranh này
trong môi trường báo chí.
6. Ý nghĩa lí luận và thực tiễn của đề tài

Về mặt lí luận, luận văn này tập trung làm rõ vai trò, sức mạnh
của tranh biếm họa báo chí với tư cách là một nhân tố độc lập
6


trong hệ thống các phương thức thể hiện thông tin trên báo chí.
Về mặt thực tiễn, luận văn thông qua kết quả nghiên cứu về
cách thức khai thác sức mạnh của tranh biếm họa cũng giúp cho
việc sử dụng kênh thông tin này cho loại hình báo in hiệu quả
hơn.
7. Cấu trúc luận văn
Tương ứng với những nội dung đã được nêu trong phần Mục
tiêu nghiên cứu, luận văn được chia thành ba chương. Mỗi
chương trình bày những nội dung cụ thể như sau:
- Chương 1: Sức mạnh của tranh biếm họa đối với loại hình
báo in
- Chương 2: Hoạt động khai thác tranh biếm họa trên báo in
Việt Nam hiện nay
- Chương 3: Một số đề xuất nhằm khai thác sức mạnh của tranh
biếm họa cho loại hình báo in

7


Chương 1: SỨC MẠNH CỦA TRANH BIẾM HỌA ĐỐI
VỚI LOẠI HÌNH BÁO IN
1.1. Khái niệm và phân loại biếm họa
1.1.1. Khái niệm biếm họa và biếm họa báo chí
Nghệ thuật biếm họa (tức nghệ thuật vẽ tranh biếm họa), là
nghệ thuật vẽ tranh trong đó người họa sĩ cố tình vẽ sai tỉ lệ,

phóng đại một hoặc một vài đặc điểm nào có của sự vật, sự việc
hoặc cá nhân nhằm nêu lên bản chất của đối tượng được phản
ánh. Tranh biếm họa, chính là sản phẩm của nghệ thuật vẽ
tranh biếm họa.
Ngoài ra, nhằm giúp phân tích, hệ thống hóa, nhận xét các đặc
tính của đối tượng nghiên cứu được diễn ra dễ dàng hơn, tác giả
cũng phân biệt tranh biếm họa thành hai dạng: tranh biếm họa
nghệ thuật và tranh biếm họa báo chí.
1.1.2. Phân loại tranh biếm họa báo chí
- Biếm họa về sự vật, sự việc. Đối tượng mà nó phản ánh là
các sự kiện liên quan trực tiếp đến đời sống của con người.
Dòng tranh này thường bám sát các vấn đề thời sự, được cập
nhật hằng ngày trên các phương tiện truyền thông, hay qua
chính lăng kính chủ quan của người cầm cọ.
- Biếm họa về nhóm người, tổ chức, quốc gia. Tranh loại này
tiếp cận đối tượng gần hơn. Nội dung tranh thể hiện tương đối
rõ nét tính xác thực, cụ thể của đối tượng để độc giả không chỉ
hình dung mà còn có thể biết chính xác đâu là nguyên nhân, gốc
rễ của vấn đề. Tranh có thể nêu tên chính xác nhóm, đơn vị, tổ
chức hay quốc gia gắn với vấn đề mà nó phản ánh.
8


- Biếm họa chân dung. Biếm họa chân dung mô tả những nhân
vật cụ thể dựa theo những đặc điểm riêng biệt của họ. Dù người
họa sĩ đã cường điệu, phóng đại, bóp méo rất nhiều chi tiết về
nhân vật, nhưng người xem vẫn nhận ra nhân vật ấy nhờ vào
chính những nét đặc trưng không thể nhầm lẫn ấy. Việc chọn
chi tiết nào của nhân vật để phóng đại, và cường điệu nó đến
mức độ nào phụ thuộc vào cảm nhận và chủ đích của người họa

sĩ.
1.2. Những yếu tố tạo nên sức mạnh của tranh biếm họa báo
chí
1.2.1. Tranh biếm họa báo chí là phương tiện nhận thức
hiệu quả
Tranh biếm họa là một công cụ được được báo chí sử dụng
trong việc truyền tải thông điệp đến công chúng. Yếu tố thông
tin, yếu tố nghị luận như đã trình bày ở trên giúp cho loại hình
này trở thành một phương tiện nhận thức hiệu quả đối với công
chúng và cả người sáng tạo nên nó.
Nói về đặc điểm này của biếm họa, có nhà nghiên cứu đã nhận
xét: Tranh biếm họa hấp dẫn và tạo được sự chú ý nhờ sức phổ
biến đặc biệt của nó. Những nhà nghiên cứu xã hội, làm truyền
thông, quảng cáo, khách du lịch,… thường xem biếm họa là
cách nhanh nhất để hiểu đời sống thực của một xã hội mà họ
mới tiếp xúc [21, tr. 8]. Thậm chí, có học giả còn cho rằng:
“Một bức tranh biếm họa tốt còn có sức mạnh hơn rất nhiều
một bài chính luận dài lê thê. Nó đến với người đọc, người xem
nhanh hơn, dễ hơn” [29, tr. 8].

9


1.2.2. Tranh biếm họa báo chí mang tính phản biện sâu sắc
Tính phản biện của tranh biếm họa gắn liền với chức năng phản
biện xã hội của hoạt động báo chí.
Biếm họa là một phương thức nhận thức cực kì hiệu quả. Nó
thể hiện rõ ràng chính kiến không chỉ của người họa sĩ mà còn
của cơ quan báo chí – nơi sử dụng khả năng phản biện của biếm
họa như là một vũ khí để đấu tranh với cái xấu, cái ác, cái chưa

hoàn thiện. Ý nghĩa thực sự, thiên chức của biếm họa không
đơn thuần chỉ là một loại vũ khí trong đấu tranh chống lại tiêu
cực mà nó còn đóng vai trò như là một liều thuốc chữa lành
những căn bệnh nhức nhối trong xã hội. Tiếng cười mà biếm
họa tạo ra là tiếng cười mà con người cần có để hoàn thiện
chính mình.
1.2.3. Tranh biếm họa báo chí mang giá trị văn hóa - lịch sử
của thời đại
Về mặt nội dung, tranh biếm họa không chỉ phản ánh hiện thực
khách quan diễn ra trong đời sống con người mà nó còn phản
ánh nhu cầu thẩm mĩ và thị hiếu của công chúng. Ở đây, có thể
xem xét thị hiếu đơn giản là sở thích, tình cảm của công chúng
trước cái đẹp, cái xấu, cái bi, hài… trong xã hội mà tác phẩm
biếm họa phản ánh. Nhu cầu, thị hiếu thẩm mĩ ấy vừa mang tính
cá nhân, vừa mang tính xã hội và trên hết, nó còn mang giá trị
dân tộc, thời đại. Biếm họa, trên một phương diện nào đó chính
là tấm gương phản chiếu mọi mặt của đời sống xã hội.
Khả năng tiếp cận và phản ánh bản chất đời sống chính là một
đặc trưng của biếm họa. Nhờ sức mạnh này mà vai trò của biếm
họa đã được thừa nhận và ngày càng được đánh giá cao. Như
10


vậy, tranh biếm họa báo chí, dù được sáng tạo nên từ góc nhìn
nào cũng đều phản ánh hơi thở cuộc sống, chứa đựng những giá
trị văn hóa, lịch sử của thời đại.
1.2.4. Tranh biếm họa báo chí góp phần tăng sức hấp dẫn,
thu hút đối với độc giả
Điều này thể hiện rất rõ ràng ở tranh biếm họa bởi nó là loại
hình cảm thụ trực tiếp bằng thị giác. Hơn nữa, nụ cười mà biếm

họa tạo ra luôn đáp ứng một nhu cầu giải trí cần thiết của cuộc
sống. Cái cười lành mạnh, sảng khoái sẽ xua tan những mệt
mỏi, căng thẳng; tạo nên những phút giây thảnh thơi cho con
người. Chưa kể đến, tiếng cười đó còn được coi như một thứ vũ
khí hữu hiệu để phê phán những bất công, các tệ nạn xã hội; từ
đó cổ vũ cho lẽ phải, cho quan hệ bình đẳng, thân thiện giữa
con người với con người.
Cả hai khía cạnh độc đáo trên của biếm họa đã được báo chí tận
dụng triệt để, không chỉ nhằm mục tiêu phản ánh thông tin mà
còn để tạo nên sức hấp dẫn của tờ báo đối với độc giả của mình.

11


Chương 2: HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC TRANH BIẾM
HỌA TRÊN BÁO IN VIỆT NAM HIỆN NAY
1.1. Hoạt động khai thác biếm họa trên các báo ngày càng đi
vào chiều sâu
Theo số liệu thống kê, số lượng tranh biếm được dùng trên 4 tờ
báo nêu trên nhìn chung có xu hướng giảm: Từ 1.941 tranh năm
(2010) xuống 1.659 tranh (2012), tiếp tục giảm còn 1.391 tranh
(2014).
Tuổi Trẻ là tờ khai thác biếm họa một cách ổn định nhất. Xét về
tính ổn định có thể kể đến Tiền Phong. Ngoại trừ sự thay đổi
mạnh số lượng tranh biếm giữa năm 2010 và 2012 do sự đổi
mới của tờ Tiền Phong chủ nhật thì ngay từ giữa năm 2010 trở
đi, số lượng tranh được khai thác trên tờ này luôn ổn định. Với
Pháp Luật TP.HCM, số lượng biếm họa mà báo này đăng tải
chiếm vị trí cao nhất, trung bình gấp 2.5 lần Tuổi Trẻ và gấp 3
lần Tiền Phong. Tuy nhiên, tần suất xuất hiện của biếm họa trên

tờ báo này cũng giảm rất nhanh (trung bình giảm 33% mỗi
năm). Cuối cùng là Đại Đoàn Kết, với số lượng tranh quá ít ỏi,
cộng với việc thường xuyên vay mượn tranh ở các báo khác đã
khiến tờ báo này chưa hình thành được nét đặc trưng của mình.
Kết quả từ việc tính toán diện tích của khoảng 5.000 tranh biếm
trên 4 tờ báo đã cho thấy một kết quả đáng ngạc nhiên, bởi số
lượng tranh biếm và diện tích của chúng không phải lúc nào
cũng đi liền với nhau. Với ba tờ: Tuổi Trẻ, Tiền Phong và Đại
Đoàn Kết, diện tích của tranh biếm họa đã tăng trung bình 24%
mỗi năm, bất chấp số lượng tranh qua các năm tăng, giữ ổn định
hay giảm sút. Với Pháp Luật TP.HCM, dù lượng tranh biếm
12


được sử dụng trên tờ này giảm mạnh (trung bình mỗi năm giảm
33%) nhưng diện tích tranh của năm 2012 vẫn tăng so với năm
2010.
1.2. Bước đầu, các báo đã có sự định hình phong cách trong
việc khai thác biếm họa
Xét trên tiêu chí này, có thể thấy rõ sự phân nhóm của các tờ
báo. Tranh biếm được khai thác trên Tuổi Trẻ, Pháp Luật
TP.HCM và Đại Đoàn Kết chủ yếu tập trung vào các sự vật, sự
việc, hiện tượng hay sự kiện xảy ra trong đời sống xã hội.
Nhóm biếm họa này luôn chiếm tỉ lệ áp đảo (trên 90%) so với
hai nhóm biếm còn lại. Trong khi đó, biếm họa trên Tiền Phong
tuy nhóm biếm sự vật, sự việc vẫn chiếm đa số (64%) nhưng
hai nhóm còn lại vẫn có vị trí nhất định. Điều này cho thấy,
Tiền Phong là tờ báo khai thác các nhóm biếm họa một cách hài
hòa nhất.
Như vậy, có thể tạm khẳng định, biếm họa trên các tờ báo in

Việt Nam hiện nay có nội dung gắn liền với các thông tin được
đăng tải trên mặt báo.
1.3. Biếm họa trong lĩnh vực chính trị - xã hội ngày càng
tăng
Dựa trên biểu đồ về tỉ lệ tranh biếm theo lĩnh vực cho thấy, các
tờ báo in Việt Nam đã sử dụng biếm họa tập trung vào hai lĩnh
vực quan trọng của đời sống xã hội. Đây cũng là hai lĩnh vực
mà biếm họa thể hiện được sức mạnh phê phán của mình một
cách đầy đủ nhất. Nói cách khác, sức mạnh của biếm họa đã
được phát huy một cách tập trung, có định hướng ở những nơi
mà điều kiện ở đó cho phép sức mạnh đó được phát huy toàn
13


diện nhất. Biếm họa hiện nay không chỉ được sử dụng trong các
tờ báo thiên về văn hóa, giải trí mà nó đang ngày càng được sử
dụng một cách thường xuyên, có chủ đích ở những tờ báo thiên
về chính trị - xã hội.
1.4. Một số báo đã xây dựng được chuyên mục riêng cho
biếm họa
Kết quả khảo sát cho thấy, các tờ báo in đều đã xây dựng và
phát triển được những khu vực nhất định dành cho biếm họa.
Đây được xem là những quy ước cần thiết giữa tòa soạn báo và
độc giả của mình. Việc tạo nên những góc riêng cho tranh biếm
cũng đồng nghĩa với việc xây dựng một thói quen cho độc giả
trong việc lĩnh hội thông tin thông qua loại hình thông tin phi
văn tự này.
1.5. Hoạt động khai thác biếm họa quốc tế trên các báo có
sự chênh lệch lớn
Qua khảo sát gần 5.000 tranh biếm họa đăng trên các báo trong

3 năm 2010, 2012, 2014 cho thấy, đối với các vấn đề quốc tế,
các tòa soạn luôn sử dụng biếm họa của các tác giả nước ngoài,
thậm chí biếm họa quốc tế còn được sử dụng để phản ánh đối
với không ít các vấn đề trong nước. Như vậy, căn cứ vào tình
hình đó, có thể nhận xét rằng, năng lực trong việc khai thác
tranh biếm họa đối với các sự kiện xảy ra trên thế giới ở các tờ
báo in Việt Nam là rất hạn chế.

14


Chương 3: MỘT SỐ ĐỀ XUẤT NHẰM KHAI THÁC SỨC
MẠNH CỦA TRANH BIẾM HỌA CHO BÁO IN VIỆT
NAM
3.1. Xây dựng và duy trì các chuyên mục dành riêng cho
biếm họa báo chí
Việc xây dựng và duy trì chuyên mục dành riêng cho biếm họa
trên mặt báo không chỉ tạo “đất” cho các họa sĩ biếm mà còn
tạo thói quen tiếp nhận thông tin cho độc giả. Đó được coi là
quy ước của tòa soạn dành cho công chúng, từ đó, công chúng
dễ dàng tìm kiếm và lựa chọn thông tin phù hợp với nhu cầu
nhận thức của mình. Việc xây dựng được những góc, những
trang riêng cho biếm họa không chỉ đáp ứng nhu cầu sáng tạo
của người nghệ sĩ mà còn là yêu cầu không thể thiếu đối với các
tờ báo in, tạp chí, ấn phẩm văn hóa để phát huy sức chiến đấu
và tinh thần nhân văn của tranh biếm họa.
3.2. Tổ chức các cuộc thi biếm họa ngắn hạn trên mặt báo
Theo ý kiến của tác giả, mỗi tờ báo, tùy theo điều kiện của mình
có thể tổ chức các cuộc thi ngắn hạn (có thể chỉ trong 2 đến 4
tuần) theo đề tài tự do hoặc chọn những đề tài phù hợp với định

hướng và kế hoạch của tòa soạn. Việc tổ chức các cuộc thi ngắn
hạn không chỉ đáp ứng được nhu cầu trước mắt của các cơ quan
báo chí, cập nhật được các sự kiện, hiện tượng thời sự của đời
sống mà còn cùng lúc xây dựng được không khí sôi động của
hoạt động biếm họa trên mặt báo.
Ngoài ra, theo đề xuất của tác giả, chủ đề của các cuộc vận
động, cuộc thi biếm họa trên mặt báo không nên chỉ dừng lại ở
những vấn đề liên quan đến Việt Nam mà nên mở rộng sang cả
15


các vấn đề thời sự quốc tế. Đây là là mảnh đất màu mỡ cho đội
ngũ biếm họa Việt Nam, vừa phục vụ cho nhu cầu trong nước,
vừa có thể “xuất khẩu” sang các nước khác.
3.3. Thay đổi cơ cấu đánh giá lao động nghề nghiệp của
người họa sĩ biếm họa
Lao động của người họa sĩ là hoạt động sáng tạo có tính thường
xuyên và liên tục và chịu áp lực rất lớn về mặt thời gian sáng
tạo. Nếu xem lao động báo chí là hoạt động có tính chất nặng
nhọc và có phần nguy hiểm thì sẽ thật không công bằng nếu
không đặt giá trị lao động của người họa sĩ ngang bằng với giá
trị lao động của nhà báo. Chưa kể đến, ở một khía cạnh nào đó,
người họa sĩ cũng chính là một nhà báo. Họ đem đến công
chúng những điều mới mẻ để từ đó làm thay đổi hành vi và
nhận thức của công chúng.
Lao động sáng tạo của họa sĩ biếm cần được đánh giá một cách
công bằng, tương xứng với những giá trị mà tác phẩm của họ
mang lại cho công chúng. Tuy nhiên, thực tế ở hầu hết các cơ
quan báo chí Việt Nam lại chưa đáp ứng được điều đó. Mức
nhuận bút mà các cơ quan báo chí trả cho các họa sĩ còn ở mức

thấp, chưa tương xứng với công sức, chất xám mà các họa sĩ đã
dày công đầu tư cho mỗi tác phẩm.
3.4. Thành lập những bộ phận chuyên môn để khai thác
tranh biếm họa báo chí
Chính vì vậy, việc tổ chức các bộ phận chuyên môn trong khai
thác tranh biếm họa ở các tòa báo là cần thiết. Theo ý kiến của
tác giả, việc chuyên môn hóa này có thể thực hiện khả thi ở hai
khâu đầu vào và đầu ra của biếm họa.
16


Thứ nhất, ở khâu đầu vào, đã đến lúc các cơ quan báo chí cần
sự phục vụ thường xuyên của ít nhất một họa sĩ biếm có kinh
nghiệm, vững vàng về nghiệp vụ.
Thứ hai, ở khâu đầu ra, cần có sự tham gia của người họa sĩ
trong quá trình xử lí hình ảnh, dàn trang nhằm nâng cao chất
lượng hình ảnh tranh biếm họa.
Cần nói thêm rằng, việc chuyên môn hóa khả năng khai thác
biếm họa mà tác giả đặt ra nên được đặt trong mối tương quan
với tính tập thể của hoạt động báo chí. Sự hợp tác trong quá
trình hoạt động cũng tạo ra điều kiện nhìn nhận đối tượng theo
nhiều góc nhìn khác nhau. Điều này chắc chắn sẽ khiến vấn đề
được đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc thêm.
3.5. Phát triển hệ thống mạng lưới cộng tác viên biếm họa
Tùy theo điều kiện của mình, các báo có thể tự tổ chức những
câu lạc bộ dành riêng cho họa sĩ biếm. (Như năm 1984, báo
Tuổi Trẻ Cười đã thành lập được mô hình này và hoạt động khá
hiệu quả). Với mỗi sự kiện, vấn đề cần sự góp mặt của tranh
biếm thì ngay lập tức, các báo đã có đội ngũ họa sĩ phục vụ tại
chỗ. Nguồn lực tại chỗ ấy chính là thành tố quan trọng giúp lấp

đầy những khoảng trống mà biếm họa đang lộ ra trên mặt báo,
tạo nên mối quan hệ tương hỗ giữa đôi bên.
Việc xây dựng và phát triển mạng lưới cộng tác viên biếm họa
cũng giống như việc xây dựng mạng lưới cộng tác viên báo chí
mà các tòa soạn đang tiến hành. Việc khai thác những tiềm
năng từ bên ngoài tòa soạn chính là một bước đi cần thiết để
nâng cao tính phong phú và chất lượng thông tin của một cơ
quan báo chí.
17


3.6. Cẩn trọng trong việc khai thác tranh biếm họa báo chí
nước ngoài
Qua khảo sát gần 5.000 tranh biếm họa đăng trên các báo trong
các năm 2010, 2012, 2014 cho thấy, đối với các vấn đề quốc tế,
các tòa soạn thường sử dụng biếm họa của các tác giả nước
ngoài. Thậm chí, biếm họa quốc tế còn được sử dụng để phản
ánh đối với không ít các vấn đề trong nước. Thực tế quá trình
khảo sát của tác giả cũng cho thấy, nhận xét đó là hoàn toàn có
cơ sở. Theo đó, trong khoảng 4.500 tranh biếm của các họa sĩ
Việt Nam (chiến 92% tổng số tranh được sử dụng trên các báo),
tác giả chỉ tìm thấy duy nhất 1 bức tranh của tác giả Đỗ Anh
Dũng (bút danh DAD), đăng trên báo Pháp Luật TP.HCM ngày
14-9-2014 đề cập đến các vấn đề quốc tế đúng nghĩa, tức hoàn
toàn không liên quan đến Việt Nam. Theo ý kiến của tác giả,
việc khai thác biếm họa quốc tế ở Việt Nam có thể cân nhắc đến
một số yếu tố sau đây:
Thứ nhất, các cơ quan báo chí tuyệt đối không được bỏ qua
các yếu tố chênh lệch về chính trị, văn hóa - xã hội giữa các
quốc gia.

Ý tưởng của người họa sĩ ít nhiều đều chịu ảnh hưởng của một
nền văn hóa nhất định. Khi đưa ý tưởng đó đến một nền văn hóa
khác, ít nhiều sẽ tạo ra khoảng trống trong thông điệp của tác
giả và người tiếp nhận. Chính vì thế, ngoài việc lựa chọn những
tranh biếm phù hợp với văn hóa Việt Nam, các tờ báo cũng cần
thực sự thận trọng khi đứng trước những vấn đề nhạy cảm:
chính trị, tôn giáo, tín ngưỡng, chủng tộc, nhân quyền,… để
tránh những xung đột văn hóa có thể xảy ra.
18


Thứ hai, trước khi đăng tải biếm họa quốc tế, cần làm rõ một
số nội dung của tranh cho phù hợp với trình độ nhận nhức của
công chúng Việt Nam.
Rào cản về mặt ngôn ngữ là cản trở đầu tiên đối với công chúng
Việt Nam khi tiếp xúc với biếm họa nước ngoài. Khi đã trở
thành một công cụ của báo chí thì tranh biếm họa cũng phải
mang tính đại chúng để thông điệp mà nó truyền tải đạt hiệu
quả cao nhất. Chính vì vậy, việc “Việt hóa” một số nội dung
của tranh biếm là việc làm cần thiết để phát huy sức mạnh của
biếm họa, tạo nên sức hấp dẫn của riêng loại hình thông tin này.
Thứ ba, bộ phận xử lí tranh biếm quốc tế cũng cần thận trọng
trong dẫn nguồn và chú thích tranh.
Với biếm họa quốc tế, việc xác định và công khai nguồn gốc
tranh vô cùng quan trọng. Nó ảnh hưởng đến tính pháp lí của
tác phẩm cũng như uy tín của cơ quan báo chí. Việc công khai
tác giả và những thông tin liên quan khác của tác phẩm cũng
giúp độc giả tin tưởng hơn vào tính xác thực của thông tin mà
báo đăng tải. Ngoài ra, việc chú thích tranh cũng là cần thiết.
Đây là một công cụ hiệu quả để làm rõ nội dung của bức tranh,

cung cấp thêm thông tin cũng như truyền tải được đầy đủ nhất ý
tưởng của tác giả - đằng sau là quan điểm của tòa soạn đối với
một vấn đề đến với công chúng.

19


KẾT LUẬN
Công trình này, thông qua việc hệ thống lại khung lí thuyết về
biếm họa, về cơ bản đã phác họa được một cách tương đối đầy
đủ những góc nhìn đa chiều về biếm họa, không chỉ với tư cách
một tác phẩm báo chí mà còn với vai trò là một loại hình nghệ
thuật độc đáo mà nhân loại đã sáng tạo nên. Biếm họa và báo
chí từng là hai đối tượng độc lập nhưng vì những yêu cầu khách
quan của thời đại đã cùng cộng sinh để nhân đôi sức mạnh của
mình. Mối quan hệ giữa biếm họa và báo chí vì thế là mối quan
hệ hữu cơ trên cơ sở tôn trọng tính độc lập tương đối của nhau.
Hành trình không khoan nhượng trước cái xấu, cái ác, cái bất
công của biếm họa cũng chính là hành trình tự tìm về với cái
đẹp, lẽ phải, sự chân thật của con người. Nói cách khác, biếm
họa đã bóc trần lớp vỏ bọc hào nhoáng nhưng bên trong chứa
đầy mâu thuẫn của những sự vật, sự việc, cá nhân trong xã hội,
từ đó không vì mục đích triệt tiêu đối tượng mà để đối tượng
nhận ra sự thật, lẽ công bằng mà hoàn thiện mình. Mục đích
nhân văn đó là lí tưởng không chỉ của riêng biếm họa, bởi đặt
trong mối tương quan với vai trò và chức năng của hoạt động
báo chí thì đó còn là mục đích hàng đầu của hầu hết các tác
phẩm báo chí khác. Vấn đề ở đây là biếm họa báo chí đã phát
huy được thế mạnh của mình, tập trung vào những phần việc
mà chỉ nó mới có thể hoàn thành một cách tốt nhất: nhanh nhất,

đơn giản nhất nhưng cũng hiệu quả nhất.
Biếm họa có năng lực biểu đạt thông tin mang tính nghị luận vô
cùng mạnh mẽ. Điều đó là không thể chối cãi. Tuy nhiên, thực
tế, báo chí Việt Nam hiện tại vẫn chưa khai thác được hết tiềm
20


năng và sức mạnh đó của biếm họa. Khi bắt đầu thực hiện công
trình nghiên cứu này, tác giả đã đặt ra giả thuyết rằng, biếm họa
đang ngày càng được sử dụng nhiều trên các tờ báo in đặc biệt
là các tờ báo thiên về chính luận. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu
tư liệu và khảo sát thực tế lại đem đến một góc nhìn khá thú vị,
có phần khẳng định nhưng cũng có phần phủ định giả thuyết
nghiên cứu trên. Thực tế cho thấy, hoạt động biếm họa trong
những năm gần đây trên và ngoài mặt báo đã có nhiều nét khởi
sắc.
Tuy nhiên, nếu xem xét từ góc nhìn toàn cảnh thì biếm họa Việt
Nam đã đi qua thời kì phát triển sung sức – thời kì vàng son của
biếm họa với những thành công vang dội, vượt ra khỏi cả biên
giới quốc gia. Xét về mặt số lượng, tranh biếm họa không
những không xuất hiện nhiều hơn mà ngược lại, tần suất của
chúng lại có có xu hướng giảm đi. Tuy nhiên, bù lại, diện tích
dành cho biếm họa trên mặt báo lại có chiều hướng tăng. Không
những thế, lĩnh vực chính trị - xã hội cũng đang được quan tâm
nhiều hơn chứng tỏ vị thế của biếm họa đang dần được khôi
phục trong mối tương quan với các phương thức thông tin khác.
Đây là một tín hiệu đáng mừng chứng tỏ các cơ quan báo chí đã
chuyển hướng khai thác sức mạnh của tranh biếm, không đẩy
mạnh số lượng mà tập trung vào nội dung, sức chiến đấu, khả
năng truyền tải thông điệp và dự đoán tương lai của chúng. Đó

là sự chuyển hướng kịp thời và cần thiết trong thời đại cạnh
tranh thông tin và bùng nổ của các phương tiện truyền thông
mới.

21


Luận văn này thể hiện những khảo cứu bước đầu nhằm phác
họa hệ thống lí thuyết liên quan đến tranh biếm họa. Từ những
cơ sở dữ liệu có được thông qua việc thống kê, mô tả và phân
tích quá trình vận dụng sức mạnh của nó trên một số tờ báo in,
tác giả cũng đề xuất một số giải pháp nhằm cải thiện và giúp
quá trình này đi vào chiều sâu. Người viết mong muốn những
kết quả này có thể sẽ tiếp tục được bổ sung với những cách thức
tiếp cận mới, sâu sắc hơn, toàn diện hơn, không chỉ ở loại hình
báo in mà còn mở rộng sang các loại hình khác như: truyền
hình, báo trực tuyến,...
Hoạt động khai thác biếm họa vẫn đang trong quá trình tự hoàn
thiện và cải biến cho phù hợp với những xu thế chung của
truyền thông đại chúng hiện đại. Những thế hệ đầu tiên với
những tờ báo tiên phong xuất hiện ở nước ta đã góp phần hình
thành lối nghệ thuật làm báo Việt Nam với những nét đặc trưng
rất riêng và độc đáo. Thế hệ làm báo hôm nay có trách nhiệm
tiếp nối và phát huy những nét độc đáo ấy. Đây sẽ là một hành
trình cam go, cần sự đấu tranh quyết liệt của đội ngũ những họa
sĩ - nhà báo có tâm huyết và có năng lực.
Thông qua quá trình nghiên cứu về biếm họa nói chung và biếm
họa báo chí nói riêng, tác giả tin rằng, sức sống của loại hình
thông tin này chắc chắn sẽ không hề suy giảm. Ngược lại, trong
môi trường truyền thông ngày càng tiến bộ, nó sẽ càng bùng lên

mạnh mẽ để làm giàu thêm vốn văn hóa của người làm báo, của
nghề báo nói chung.

……..… HẾT ……….
22



×