Tải bản đầy đủ (.doc) (16 trang)

Tiểu luận cao học Mối quan hệ báo chí và dư luận xã hội

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (129.18 KB, 16 trang )

HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN – KHOA BÁO CHÍ.

1

I. DƯ LUẬN XÃ HỘI
Dư luận xã hội (hay công luận) là một hiện tượng đời sống xã hội quen
thuộc mà mỗi cá nhân, tổ chức (bao gồm cả quốc gia), trong cuộc sống hàng
ngày, thường phải quan tâm và tính toán đến. Những người theo học ở Liên-xô
(cũ) thường sử dụng thuật ngữ “dư luận xã hội” (dịch trực tiếp từ thuật ngữ tiếng
Nga). Những người biết tiếng Anh thường sử dụng thuật ngữ “công luận” (dịch
từ thuật ngữ tiếng Anh: “public opinion”).
Phần đông các nhà nghiên cứu dư luận xã hội Liên Xô (cũ) định nghĩa dư
luận xã hội là sự phán xét, đánh giá của các giai cấp, tầng lớp, cộng đồng xã hội
đối với các vấn đề mà họ quan tâm. Ví dụ, theo B. K. Paderin: “Dư luận xã hội là
tổng thể các ý kiến, trong đó chủ yếu là các ý kiến thể hiện sự phán xét đánh giá,
sự nhận định (bằng lời hoặc không bằng lời), phản ánh ý nghĩa của các thực tế,
quá trình, hiện tượng, sự kiện đối với các tập thể, giai cấp, xã hội nói chung và
thái độ công khai hoặc che đậy của các nhóm xã hội lớn nhỏ đối với các vấn đề
của cuộc sống xã hội có động chạm đến các lợi ích chung của họ”.
Nhiều nhà nghiên cứu Mỹ cũng nêu ra định nghĩa tương tự. Ví dụ “Công
luận là sự phán xét đánh giá của các cộng đồng xã hội đối với các vấn đề có tầm
quan trọng, được hình thành sau khi có sự tranh luận công khai” (Young, 1923).
Nhà nghiên cứu Mỹ khác lại định nghĩa: “Công luận là kết quả tổng hợp các ý
kiến trả lời của mọi người đối với các câu hỏi nhất định, dưới điều kiện của cuộc
phỏng vấn” (Warner, 1939). Có những định nghĩa rất đơn giản, nhưng rất phổ
biến trong giới nghiên cứu Mỹ: “Công luận là các tập hợp ý kiến cá nhân ở bất
kỳ nơi đâu mà chúng ta có thể tìm được” (Childs, 1956).


HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN – KHOA BÁO CHÍ.


2

Mỗi người chúng ta đều có thể đưa ra định nghĩa về “dư luận xã hội” và
chắc chắn sẽ gặp nhau, thống nhất với nhau ở nhiều điểm. Ví dụ, chúng ta dễ
dàng thống nhất với nhau rằng: dư luận xã hội là ý kiến chung của nhiều người;
dư luận xã hội thể hiện nhận thức, thái độ của các nhóm người nhất định trước
các vấn đề, sự kiện... có động chạm đến lợi ích, mối quan tâm của họ….
Ngoài những điểm dễ dàng có sự thống nhất, trong định nghĩa về dư luận
xã hội cũng có những điểm thiếu nhất trí, thậm chí trái ngược nhau.
Sự khác nhau, trước hết, có liên quan đến vấn đề chủ thể của dư luận xã hội. Vấn
đề gây tranh cãi là: Có phải chỉ có ý kiến của đa số mới được gọi là dư luận xã
hội không? Thời Liên Xô (cũ), nhiều nhà nghiên cứu trả lời khẳng định đối với
câu hỏi này. Ở nước ta hiện nay cũng có một số học giả quan niệm chỉ có ý kiến
của đa số mới được coi là dư luận xã hội. Hầu hết các nhà nghiên cứu trong các
nước tư bản lại cho rằng dư luận xã hội bao gồm các ý kiến không chỉ của đa số
mà còn cả của thiểu số. Ở nước Nga hiện nay, quan điểm coi dư luận xã hội chỉ là
ý kiến của đa số cũng không còn đứng vững được trước sự phê phán gay gắt
không chỉ dưới góc độ ngôn ngữ, lý luận mà còn dưới góc độ thực tiễn cuộc
sống.
Về mặt ngôn ngữ, không có cơ sở để nói rằng dư luận xã hội là ý kiến của
đa số. Thuật ngữ “xã hội” không đồng nhất với thuật ngữ “đa số”. Có thể lấy ví
dụ: Không ai cho rằng đã gọi là tổ chức xã hội thì phải là tổ chức của đa số; đã
gọi là chính sách xã hội thì phải là chính sách đối với đa số...
Về mặt lý luận, cũng không có cơ sở nào để coi trọng dư luận của đa số
hơn dư luận của thiểu số, đến mức phải loại bỏ dư luận của thiểu số ra khỏi phạm
trù “dư luận xã hội”. Ví dụ dưới góc độ về khả năng phản ánh chân lý, dư luận


HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN – KHOA BÁO CHÍ.


3

của đa số không phải khi nào cũng đúng, dư luận của thiểu số, không nhất thiết
khi nào cũng sai. Thực tế cho thấy, trước các vấn đề mới, dư luận của thiểu số,
nhiều khi, đúng hơn dư luận của đa số. Giữa dư luận của đa số và dư luận của
thiểu số cũng không có một hàng rào ngăn cách không thể vượt qua được. Dư
luận ngày hôm nay là thiểu số, ngày mai có thể trở thành đa số hoặc ngược lại, dư
luận ngày hôm nay là đa số, ngày mai có thể chỉ còn là thiểu số.
Về mặt thực tiễn, quan điểm coi dư luận xã hội chỉ là ý kiến của đa số lại
càng không thể chấp nhận được. Chúng ta đang phát triển nền kinh tế thị trường
định hướng XHCN và thực hiện chủ trương “Đại đoàn kết toàn dân tộc”. Tiếng
nói của mọi thành phần kinh tế, mọi tầng lớp, nhóm xã hội đều cần được coi
trọng cho dù thành phần kinh tế, tầng lớp, nhóm xã hội đó chỉ là thiểu số trong xã
hội. Mặt khác, nếu dư luận xã hội chỉ là ý kiến của đa số không thôi, thì cần gì
phải thành lập các cơ quan làm công tác nắm bắt dư luận xã hội bởi vì ý kiến của
đa số là cái mà người dân bình thường cũng có thể dễ dàng nắm được, huống hồ
là lãnh đạo. Báo cáo tình hình dư luận xã hội của một số địa phương chưa được
lãnh đạo coi trọng, có phần chính là do mới chỉ phản ánh được ý kiến của đa số.
Những báo cáo phiến diện, không phản ánh được đầy đủ các luồng ý kiến khác
nhau trong xã hội trước một vấn đề, sự kiện, hiện tượng nào đó, không những ít
có giá trị cho sự chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, ngược lại, có khi còn có
hại, nhất là trong trường hợp vấn đề, sự kiện, hiện tượng là cái mới, bởi lẽ, đối với
cái mới, dư luận của đa số lúc đầu thường không đúng, thường có tính “bảo thủ”.
Điểm tranh luận khác trong quan niệm về dư luận xã hội có liên quan đến
câu hỏi: Trong dư luận xã hội có yếu tố ý chí không? Một số ý kiến cho rằng
trong dư luận xã hội chỉ có yếu tố nhận thức và yếu tố tình cảm, nói cách khác,
dư luận xã hội chỉ là những lời nói suông, phương thức biểu lộ tâm trạng, cảm
xúc, không có thành phần ý chí và do đó không gắn với hành động của chủ thể.



HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN – KHOA BÁO CHÍ.

4

Chúng ta có thể khẳng định quan điểm này là hoàn toàn sai. Dư luận xã hội là
một tổng lực nhận thức, tình cảm và ý chí. Dư luận xã hội không phải là lời nói
suông của công chúng mà là một sức mạnh to lớn. Sự ủng hộ của dư luận xã hội
đối với một chủ trương nào đó của chính quyền có thể sẽ chuyển hoá thành các
phong trào thi đua sôi nổi, thực hiện thắng lợi chủ trương đó. Những tâm tư, thắc
mắc của quần chúng, thể hiện qua dư luận, nếu không được quan tâm giải quyết
có thể chuyển hoá thành các cuộc “phản ứng tập thể” hoặc dưới các hình thức rất
phức tạp khác.
Cũng có những ý kiến khác nhau khi phân tích hình thức ngôn ngữ của dư
luận xã hội. Một số nhà nghiên cứu chỉ coi các phán xét đánh giá của công chúng
mới là dư luận xã hội. Phán xét có nhiều loại như phán xét mô tả - dùng để mô tả
sự vật, ví dụ: “Đây là bông hồng bạch”, “Đây là cuộc mít tinh lớn”...; phán xét
quy ước - loại phán xét thông dụng trong các văn bản pháp qui, ví dụ: “Mọi
người dân phải có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh môi trường”.... Phán xét đánh giá
là loại phán xét thể hiện thái độ (tán thành - không tán thành; yêu - ghét...) của
chủ thể đối với sự kiện, hiện tượng, đối tượng, ví dụ: “Tham nhũng là biểu hiện
suy thoái nghiêm trọng về đạo đức, lối sống”; “Công tác giữ gìn vệ sinh môi
trường của Hà Nội trong mấy năm qua có tiến bộ rõ nét”.... Tuy nhiên, đại đa số
các nhà nghiên cứu khẳng định, dư luận xã hội không chỉ là các phát ngôn thể
hiện sự phán xét đánh giá mà còn là các phát ngôn thể hiện tâm tư, nguyện vọng,
đề xuất, kiến nghị, lời khuyên can... của công chúng.
Cũng có sự nhầm lẫn giữa dư luận xã hội và tin đồn. Một số người không
phân biệt được giữa dư luận xã hội và tin đồn có những sự khác nhau gì. Giữa tin
đồn và dư luận xã hội có những điểm khác biệt cơ bản sau đây:



HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN – KHOA BÁO CHÍ.

5

1) Nguồn thông tin: nguồn thông tin của tin đồn bao giờ cũng xuất phát từ người
khác (tôi nghe người này nói, người kia nói); nguồn thông tin của dư luận xã hội
lại xuất phát từ chính là bản thân người phát ngôn (theo ý kiến của tôi thì...).
2) Tin đồn loang càng xa thì càng có nhiều biến thái, do nó không ngừng được
thêm thắt. Lúc ban đầu, dư luận xã hội thường rất phân tán, nhưng sau đó, thông
qua sự trao đổi, tranh luận, tính thống nhất của dư luận xã hội thường tăng lên.
3) Tin đồn thường có tính “thất thiệt” (mặc dù có những tin đồn về cơ bản là sự
thật), trong khi đó, dư luận xã hội phản ánh trung thực về suy nghĩ, tình cảm, thái
độ của chủ thể. Tuy nhiên, giữa dư luận xã hội và tin đồn không có sự ngăn cách
không vượt qua được. Tin đồn có thể làm nảy sinh dư luận xã hội khi trên cơ sở
tin đồn người ta đưa ra những phán xét đánh giá bày tỏ thái độ của mình. Tin đồn
thường xuất hiện khi người ta thiếu (hoặc thừa) thông tin.
Về khả năng phản ánh chân lý, lẽ phải của dư luận xã hội, cũng có những
quan niệm khác nhau. Có ý kiến cho rằng dư luận xã hội chịu ảnh hưởng nặng nề
của các thành kiến, định kiến cho nên nó không có khả năng phản ánh chân lý, lẽ
phải. Có ý kiến lại “sùng bái” dư luận của đa số, theo họ, dư luận của đa số bao
giờ cũng đúng, dư luận của thiểu số bao giờ cũng sai. Tất cả các quan niệm trên
đều sai. Dư luận xã hội không phải là các kết luận khoa học, nhưng ít nhiều đều
có khả năng phản ánh chân lý, lẽ phải. Dư luận xã hội có thể đúng nhiều, đúng ít.
Dù có đúng đến mấy thì dư luận xã hội vẫn có những hạn chế, không nên tuyệt
đối hoá khả năng nhận thức của dư luận xã hội. Dù có sai đến mấy, trong dư luận
xã hội cũng có những hạt nhân hợp lý, không thể coi thường, bỏ qua. Chân lý của
dư luận xã hội không phụ thuộc vào tính chất phổ biến của nó. Không phải lúc
nào dư luận của đa số cũng đúng, dư luận của thiểu số cũng sai. Cái mới, lúc đầu,
thường chỉ có một số người nhận thấy và do đó dễ bị đa số phản đối.



HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN – KHOA BÁO CHÍ.

6

Về đối tượng của dư luận xã hội, đa số các nhà nghiên cứu cho rằng đó là
các hiện tượng, sự kiện, quá trình xã hội có tính thời sự, cập nhật trình độ hiểu
biết của công chúng, được công chúng quan tâm. Ví dụ: Những vấn đề khoa học
trừu tượng liên quan đến tương lai xa xôi của loài người sẽ khó trở thành đối
tượng phán xét của dư luận xã hội, trong khi đó những vấn đề cụ thể, dễ hiểu có
liên quan trực tiếp đến lợi ích của công chúng, được công chúng rất quan tâm như
vấn đề giá cả, thiên tai, lũ lụt, vệ sinh môi trường... luôn luôn là đối tượng phán
xét của dư luận xã hội.
Đối với câu hỏi: Dư luận xã hội là tập hợp các ý kiến cá nhân, có tính tự
phát hay là một dạng thức ý kiến tập thể, có tính tổ chức? Cũng có những quan
niệm khác nhau. Có người khẳng định vế thứ nhất, có người khẳng định vế thứ
hai. Sự vô lý của quan niệm coi dư luận xã hội là một dạng thức ý kiến tập thể, có
tính tổ chức là rất rõ. Ý kiến chung của một tổ chức là chính kiến của tổ chức đó
chứ không phải là dư luận xã hội của các thành viên trong tổ chức (không thể gọi
chính kiến của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ hay Hội Cầu lông… là dư luận xã hội).
Chỉ có các luồng ý kiến được hình thành theo con đường tự phát mới được gọi là
dư luận xã hội. Tuy nhiên ở đây cần phải làm rõ một ý: Dư luận xã hội không
phải là một phép cộng thuần tuý, không phải là “bao gạo”, gồm các “hạt gạo” ý
kiến cá nhân rời rạc, không có mối quan hệ gì với nhau. Dư luận xã hội là các
luồng ý kiến cá nhân, tự phát, nhưng có mối quan hệ hữu cơ với nhau, cộng
hưởng với nhau. Nói cách khác, đó là một chỉnh thể tinh thần xã hội, thể hiện
nhận thức, tình cảm, ý chí của các lực lượng xã hội nhất định.
Dư luận xã hội là hiện tượng đời sống xã hội phức tạp, nên khó có thể lột
tả hết trong một vài dòng định nghĩa ngắn gọn. Theo Lênin, đối với những sự vật
phức tạp, có nhiều góc nhiều cạnh, mọi định nghĩa đều phiến diện. Tuy nhiên, dù

có phiến diện đến đâu, định nghĩa cũng không mất đi mặt khẳng định, vai trò


HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN – KHOA BÁO CHÍ.

7

quan trọng, sự cần thiết của nó đối với hoạt động nhận thức cũng như hoạt động
thực tiễn của con người: Đó là những chỉ dẫn sơ bộ, những nét phác thảo ban
đầu, không có nó, chúng ta không thể tiếp tục đi sâu hơn vào bản chất của sự vật
cũng như không thể đưa ra đuợc những phương hướng hành động cụ thể nào cả.
Vì lẽ đó, chúng ta có thể định nghĩa rất ngắn gọn về dư luận xã hội như
sau: Dư luận xã hội là tập hợp các luồng ý kiến cá nhân trước các vấn đề, sự kiện,
hiện tượng có tính thời sự. Tuy nhiên, cần phải lưu ý đến các nội hàm sau đây
của định nghĩa này:
1) Mỗi luồng ý kiến là một tập hợp các ý kiến cá nhân giống nhau;
2) Dư luận xã hội có thể bao gồm nhiều luồng ý kiến khác nhau, thậm chí đối lập
nhau;
3) Luồng ý kiến có thể rộng (tuyệt đại đa số, đa số, nhiều ý kiến) hoặc hẹp (một
số ý kiến);
4) Dư luận xã hội là tập hợp các ý kiến cá nhân, tự phát, chứ không phải là ý
kiến của một tổ chức, được hình thành theo con đường tổ chức (hội nghị, hội
thảo…);
5) Dư luận xã hội không phải là một phép cộng các ý kiến cá nhân, tự phát mà là
một chỉnh thể tinh thần xã hội, thể hiện nhận thức, tình cảm, ý chí của các lực
lượng xã hội nhất định;
6) Chỉ có những sự kiện, hiện tượng, vấn đề xã hội có tính thời sự (động chạm
đến lợi ích, các mối quan tâm hiện có của nhiều người) mới có khả năng tạo ra
dư luận xã hội./.



HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN – KHOA BÁO CHÍ.

8

II. TIN ĐỒN VÀ TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC ĐẾN ĐỜI SỐNG XÃ HỘI.
Mưa axít, mây phóng xạ, thực phẩm chứa chất gây ung thư, gạo nhựa,
trứng giả… Những tin đồn thất thiệt gây lo ngại dư luận và tác động tiêu cực tới
đời sống xã hội. Để người dân có cơ sở phòng tránh và cơ quan Nhà nước có biện
pháp ngăn chặn kịp thời.
Xã hội học đưa ra điểm phân biệt dư luận xã hội và tin đồn như sau: tin đồn là
một dạng thông tin không chính thức, thông thường là bịa đặt, phao tin, đồn
nhảm. Tin đồn chủ yếu dựa vào cảm xúc chủ quan nên tin tính tự phát lớn, lan
truyền nhanh. Tin đồn thường bị xuyên tạc bởi tính chủ quan của người truyền
tin.
Một đánh giá khác cho rằng, tin đồn là thông tin không được ai khẳng
định, thiếu những sự kiện cụ thể để kiểm tra tính chính xác. Tin đồn được chế
biến ngày càng xa tin gốc, mang đậm màu sắc cảm xúc cá nhân…
Mang tính quy luật, tin đồn thường ăn theo các sự kiện thời sự nóng bỏng,
được dư luận đặc biệt chú ý ở nhiều phương diện: chính trị, khoa học, công nghệ,
các vấn đề kinh tế - xã hội… Khi Nhật Bản xảy ra động đất gây thiệt hại vô cùng
lớn, hàng loạt tin đồn ăn theo làm cả châu Á lao đao: tin đồn mưa axit, mây
phóng xạ, núi lửa phun trào, sóng thần bất ngờ tại nhiều bờ biển…
Tại Việt Nam, tin đồn nóng bỏng tính thời sự cũng đã có tiền lệ. Năm
2010, tại mỗi thời điểm khác nhau đều rộ lên những tin đồn nguy hiểm: tin đồn
"dự báo sập cầu", tin đồn thực phẩm chứa chất gây ung thư, tin đồn đổi tiền…
Năm 2011, nhiều tin đồn lan rộng như: ăn cá rô đầu vuông sẽ bị ung thư; tin đồn
nước mưa có chứa axít; tin đồn tăng giá xăng, phát hành tiền mệnh giá lớn…



HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN – KHOA BÁO CHÍ.

9

Do tính thời sự nóng bỏng (gồm tính thời sự thế giới và thời sự trong nước)
đã hút lượng người quan tâm vô cùng lớn, nó cũng gây tò mò đặc biệt với người
tiếp nhận tin đồn, bất luận độ tuổi, giới tính, vùng miền. Trước đây, nhiều nhà
nghiên cứu cho rằng, tin đồn thất thiệt chỉ dễ lây lan ở vùng lạc hậu, người dân
nhận thức kém. Nhưng ngày nay, qua hàng loạt tin đồn nóng bỏng cho thấy, tin
đồn thậm chí còn gây sốt mạnh ở vùng đô thị, làm chính những người có nhận
thức cũng dễ rơi vào tâm lý hoang mang không rõ thực hư.
Ngày xưa, tin đồn chủ yếu qua truyền miệng, thường chỉ lây lan trong
phạm vi hẹp làng xã, vùng miền. Do tính truyền miệng, tốc độ tán phát cũng
chậm. Nhưng công nghệ số đang làm điên đảo tin đồn, bằng chứng như sau sự
kiện động đất lịch sử tại Nhật Bản, chỉ có một đêm, tin đồn mưa axít đã ào ạt tấn
công toàn châu lục, bất luận ranh giới địa lý và thể chế xã hội của quốc gia, vùng
miền. Tin nhắn qua chat, điện thoại với nội dung cảnh báo mọi người không nên
ra ngoài khi trời mưa vì đó là mưa axít phát sinh từ sự cố hạt nhân tại Nhật Bản
lan truyền khắp nơi, có cả Việt Nam. Kiểu tán phát bằng chat, điện thoại khiến kể
cả người không mấy quan tâm, không tò mò cũng bị tấn công bằng phương thức
tung tin nhắn tự động. Hàng loạt máy điện thoại trong buổi sáng nhận được vô số
tin nhắn "cảnh báo nguy hiểm", và phương thức này cùng với truyền miệng, nó
nhanh chóng tạo thành "bão tin đồn".
Để gây dựng cơ sở và tạo độ tin cậy cho tin đồn, người tung tin đồn cố gán
ghép cái gọi là cơ sở khoa học, gắn với các dấu mốc, sự kiện có thật. Chính sự
thật giả hỗn hợp này đã tạo tin đồn có "móng" bám trụ. Chẳng hạn, khi tung tin
đồn về mưa axít, đoạn tin được nhồi nặn như sau: "Một nhà máy hạt nhân tại
Fukumi, Nhật đã phát nổ lúc 4h30' sáng nay. Nếu ngày mai hoặc ngày kia trời
mưa, đừng ra khỏi nhà. Nếu bạn đang ở ngoài, hãy đảm bảo rằng bạn được bảo
vệ khỏi những giọt mưa. Đấy là mưa axít. Đừng để nó rơi vào người bạn. Bạn có



HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN – KHOA BÁO CHÍ.

10

thể bị bỏng, rụng tóc và bị ung thư. Xin hãy chuyển thông điệp này cho mọi
người và giữ an toàn, nhắc nhở những người quen của bạn".
Tin đồn xuất phát từ Philippines và đã lan truyền với tốc độ chóng mặt
khắp châu Á, trong đó có cả Việt Nam. Thời điểm đó, không ít người đã lo lắng,
thông báo cho con em mình không được ra ngoài trời khi phát hiện có mưa.
Đọc đoạn tin trên, có thể thấy, kẻ tung tin đồn đã khéo léo gán ghép những
sự kiện nóng bỏng có thật để cài chuyện huyễn hoặc. Sự kiện nóng bỏng có thật
là sự cố nhà máy điện hạt nhân ở Nhật, đúng cả về thời gian và địa điểm. Vì vậy,
khi nó được cài đoạn mưa axít, hiển nhiên độ tin cậy tăng lên. Hơn nữa, cách
truyền tin dưới dạng nhắc nhở, khuyến cáo chứ không phải đe dọa khiến người
nhận tin cảm nhận đây là tin hữu ích: đừng để mưa rơi vào người bạn!
Tại Việt Nam, những kiểu tin đồn "cài khoa học" hoặc cố tình gán cho
người có uy tín như nhà khoa học, nhà ngoại cảm cũng là thủ đoạn để đánh lừa
dư luận. Chẳng hạn, năm 2010, những kẻ tung tin đồn về việc sập cầu Long Biên,
cầu Bãi Cháy đã cố tình gán ghép cho rằng, đây là dự báo của nhà ngoại cảm
Phan Thị Bích Hằng. Về phần mình, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng đã bác
bỏ tin đồn cố tình gán ghép cho chị.
Hay như tin đồn về mây phóng xạ, kẻ tung tin đã chụp mũ nguồn tin từ nhà
khoa học, Giáo sư Phạm Duy Hiển. Nhiều người đã nhận được tin nhắn qua hệ
thống chat hoặc email của một người xưng là cháu của Giáo sư Phạm Duy Hiển,
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu năng lượng hạt nhân, nói rằng: "Mây phóng xạ
từ Nhật đã vào Việt Nam với mức độ nhiễm rất cao, gần tới mức ảnh hưởng tới
con người, Chính phủ chưa công bố ngay vì sợ mọi người hoang mang và viện



HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN – KHOA BÁO CHÍ.

11

cần tiến hành thêm một vài xét nghiệm". Giáo sư Phạm Duy Hiển sau đó đã bác
bỏ tin đồn chụp mũ, bịa đặt này.
Ở lĩnh vực tài chính, tiền tệ, chúng ta cũng từng chứng kiến những tin đồn
nguy hiểm như: tin đồn cho rằng ngân hàng sắp đổi tiền, sắp phát hành những tờ
tiền mệnh giá khủng như 1 triệu đồng, 2 triệu đồng… Những tin này lấy lý do
lạm phát đang ở mức cao, những tờ tiền mệnh giá hiện hành đã tỏ ra nhỏ bé nên
phải in ấn tiền mệnh giá lớn hơn. Gần đây, khi Nhà nước có chủ trương đưa việc
kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do vào khuôn khổ quản lý nhằm đảm
bảo an toàn cho thị trường này và quyền, lợi ích hợp pháp của người dân thì trên
mạng xã hội đã tán phát tin đồn: Nhà nước cấm người dân mua bán, cất giữ vàng.
Việc tung tin như vậy khiến một số người không rõ thực hư lo lắng.
Trong khi đó, thị trường xăng dầu những tháng gần đây lại tái diễn cảnh
người dân vây kín kho xăng như cảnh mua bán tại cửa hàng thời bao cấp. Khi mà
liên Bộ Tài chính, Công thương chưa có bất kỳ quyết định nào về việc tăng giá
xăng dầu thì mấy ngày qua đã rộ tin xăng sắp tăng thêm 2.000 đến 3.000
đồng/lít…
Tin đồn thất thiệt, bịa đặt vừa tác động đến tâm lý, gây căng thẳng trong
nhân dân, nhất là những tin đồn ở thời điểm nhạy cảm, gắn sự kiện làm rúng
động thế giới như động đất, sóng thần ở Nhật Bản vừa qua. Dư âm của vấn đề
này tác động tâm lý rất mạnh khiến gần đây một số khu nhà dân ở Hà Nội có dấu
hiệu rung lắc nhẹ do các công ty xây dựng lân cận khoan nhồi bê tông, nhưng
nhiều người cũng tỏ ra hoảng sợ cho rằng động đất. Tin đồn mưa axít, mây phóng
xạ đã khiến nhiều người bỏ bê công việc, học hành, không dám ra đường. Tin
đồn ngân hàng đổi tiền khiến nhiều người tìm cách mua vàng tích trữ và lo lắng
lạm phát. Tin đồn sập cầu khiến nhiều người không dám qua cầu, họ cũng tìm



HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN – KHOA BÁO CHÍ.

12

cách ngăn chặn con em mình đi qua cầu. Tin đồn ăn bưởi, ăn hạt dưa, trứng, ớt,
ăn cá rô đầu vuông bị ung thư cũng làm nhiều người tẩy chay thực phẩm…
Tác động xã hội còn kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc
sống người dân: lao động bị đình trệ, đứt nghẽn các hoạt động hành chính, kinh
tế. Nhà sản xuất cũng bị tấn công mạnh, thậm chí nhiều doanh nghiệp rơi vào phá
sản vì hàng hóa ế đọng, không thể tiêu thụ, trong khi người dân điêu đứng (như
tin đồn trứng gà giả, thực phẩm chứa chất gây ung thư). Khi xã hội rộ lên tin đồn
trứng gà làm bằng nhựa trông như thật trà trộn trên thị trường, hậu quả là hàng
vạn hộ dân nuôi gà không thể bán được trứng, thua lỗ nặng nề.
Hay tin đồn ăn bưởi bị ung thư ở đồng bằng sông Cửu Long cũng khiến
người trồng bưởi ở đây nợ nần ngân hàng chồng chất vì bưởi đến mùa không ai
mua. Về mặt an ninh, tin đồn có thể gây bất ổn định, tạo ra tâm lý lo lắng. Tại thủ
đô Manila của Philippines, nơi khởi nguồn tin đồn mưa axít khiến toàn bộ số
thuốc Betadine tại các hiệu thuốc bị vét sạch, một trường đại học phải tạm ngừng
giảng dạy do lo lắng.
Rõ ràng, tin đồn ngày nay là một dạng chiến tranh tâm lý rất nguy hiểm.
Nó cũng không giới hạn phòng tránh trong một quốc gia, một vùng, lãnh thổ. Cần
thấy rằng, các thế lực thù địch và những đối tượng xấu lại coi đây là thứ "vũ khí"
lợi hại để tấn công, hòng gây nhiễu loạn an ninh xã hội.
Để ngăn chặn "chiến tranh tin đồn", vấn đề quan trọng là cơ quan quản lý
nhà nước phải nhanh chóng có phát ngôn chính thống để bác bỏ các tin đồn thất
thiệt. Tin đồn thất thiệt lan nhanh chóng mặt, chậm một ngày, một giờ đã có thể
gây nhiều hậu quả xấu. Vì thế, khi có tin đồn thất thiệt thuộc lĩnh vực bộ, ngành
nào quản lý, nhất thiết phải có xác minh ngay để công bố trước công luận, không



HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN – KHOA BÁO CHÍ.

13

thể để chậm trễ. Việc công bố có thể thực hiện ngay thông qua thông cáo báo chí,
phát biểu trước truyền hình chứ không thể theo hình thức công văn có tốc độ "ì
ạch".
Chẳng hạn, trước thông tin mưa axít gây hoang mang dư luận, ông Lê
Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương đã
có thông tin chính thức: "Không có một cơn gió nào có thể đưa bụi phóng xạ từ
Nhật Bản thổi đến Việt Nam, cũng như không có gió thổi từ Nhật Bản đến Trung
Quốc sau đó ảnh hưởng đến nước ta mà chỉ có gió từ Việt Nam thổi đến Nhật
Bản. Vì thế, những cơn mưa hiện nay là do ảnh hưởng của gió mùa, không phải
là mưa axít, không chứa phóng xạ".
Hay khi có tin đồn mây phóng xạ được cho là của Giáo sư Phạm Duy
Hiển, ngay sau đó, Giáo sư đã lên tiếng phản bác. Tin đồn sập cầu, nhà ngoại cảm
Phan Thị Bích Hằng khẳng định: "Có thể, tin đồn này xuất phát từ cá nhân nào đó
muốn hạ uy tín, bôi nhọ danh dự tôi. Và cũng không loại trừ khả năng có thế lực
nào đó muốn gây ảnh hưởng không tốt đến đời sống văn hoá của người dân nên
lấy tên tôi ra để tung tin đồn nhảm".
Có những tin đồn thất thiệt cần sự vào cuộc của một nhóm, tổ chuyên gia.
Chẳng hạn, tin đồn ăn cá rô đầu vuông gây ung thư, tin đồn nước tương chứa chất
độc hại, trứng gà làm bằng nhựa, gạo bằng nhựa; cây xà lách phun thuốc kích
thích sau nửa ngày dài tới 30cm… việc này cần sự vào cuộc của nhà khoa học
thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Khoa học - Công nghệ.
Trong lúc chờ tổ chuyên gia xác minh, làm rõ, cũng cần phải có thông báo cụ thể
để người dân biết. Đối với những tin đồn mà có cơ sở xác minh, khẳng định thì
cơ quan chủ quản cần thông báo chính thức ngay trong ngày, như tin đồn tăng giá

xăng (Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính quản lý vấn đề này).


HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN – KHOA BÁO CHÍ.

14

Về phía người dân, việc tỉnh táo trước "bão tin đồn" là điều cần thiết. Thực
tế, nhiều người do không rõ thông tin thực hư và cũng không có điều kiện tìm
hiểu, đã hành động theo thói quen, theo cảm tính hoặc theo phong trào. Chẳng
hạn, khi có tin đồn xăng sắp tăng giá, thấy nhiều người mang xe, xách can đi mua
xăng, người khác cũng làm theo dù chưa hẳn hành động ấy là để tiết kiệm khoản
tiền nhỏ trước khi xăng tăng. Hay khi có tin đồn trứng gà làm bằng nhựa, nhiều
người đã không dám ăn trứng, thậm chí có bà nội trợ khi đánh trứng thấy lòng đỏ
dẻo cũng nghi ngờ trứng nhựa, dù rằng xưa nay trứng gà nào cũng dẻo!
Nghĩa là họ đang bị chi phối bởi tâm lý khiến bất kỳ dấu hiệu gì, dẫu bình
thường cũng bị liên tưởng ngay theo tin đồn. Do vậy, trước những tin gây sốc,
người dân phải thực sự bình tĩnh, tự mình thẩm định, đánh giá thông tin hoặc chờ
tin chính thống được công bố trên truyền hình, báo chí.


HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN – KHOA BÁO CHÍ.

15

III. KẾT LUẬN.
Mối quan hệ báo chí và Dư luận xã hội là mối quan hệ nền tảng, xuyên
suốt trong các mối quan hệ của báo chí. Từ mối quan hệ này có thể nhìn thấy
được nhiều vấn đề về năng lực và hiệu quả tác động của báo chí. Do đó, nhà báo
cần có kiến thức về Dư luận xã hội – đối tác của báo chí để nhận diện được đâu là

Dư luận xã hội, đâu là tin đồn; mặt khác để mối quan hệ này phát huy tác dụng
tích cực, nhà báo cần phải trở thành nhà chính luận. Nhà chính luận không chỉ đòi
hỏi kiến thức uyên thâm, kỹ năng thành thục điêu luyện mà cái chính là tầm nhìn
cao trông rộng và niềm tin vào lý tưởng mà mình theo đuổi. Tức là nhà báo cần
có tầm nhìn xa, có cái tâm trong sáng vì sự phát triển bền vững của đất nước –
không phải dạng “ăn theo, nói leo”, nói lấy được, không phải là “người hát rong”
càng không phải là người thổi kèn đám ma hay đám cưới mà là người thổi kèn
xung trận, đồng thời có bản lĩnh và chí khí của nhà khoa học – thực tiễn, cóa khả
năng khai thác triệt để nghệ thuật ngôn từ và kho tàng văn hóa của dân tộc và của
nhân loại.
Bản chất Dư luận xã hội và bản chất hoạt động Báo chí, cũng như mối
quan hệ tác động của hai hiện tượng này là câu chuyện phức hợp cần được nhìn
nhận từ các bình diện khác nhau, từ góc tiếp cận khác nhau của các khoa học liên
ngành. Mặt khác, đây là vấn đề sẽ không có hồi kết. Tối ưu hóa quan hệ này là
mong muốn không chỉ của nhà báo. Muốn tối ưu hóa mối quan hệ tác động này
cần sự nỗ lực chung và sự phối hợp chặt chẽ cả về nghiên cứu lý thuyết lẫn khảo
sát thực tế công phu, nghiêm túc, đảm bảo tính cơ bản, chuyên nghiệp của các
nhà khoa học và các nhà báo.


HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN – KHOA BÁO CHÍ.

16

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nghị quyết TW lần thứ 5 (khoá X) về “Công tác tư tưởng, lý luận và báo chí
trước yêu cầu mới”. Nxb Chính trị Quốc gia 2007.
2. Quyết định số 219/2005/QĐ-TTg ngày 19.9.2005 của Thủ tướng Chính phủ
về việc phê duyệt “Chiến lược phát triển thông tin đến năm 2010” 2005.
3. Bộ văn hoá - thông tin. Tình hình phát triển và quản lý báo chí, xuất bản qua

20 năm Đổi mới 2006.
4. Kỷ yếu Hội thảo khoa học 82 năm báo chí cách mạng Việt Nam. Nxb Chính trị
Quốc gia 2007.
5. Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế “Báo chí và truyền thông đại chúng - Đào
tạo, bồi dưỡng trong thời kỳ hội nhập”, Học viện Báo chỉ tuyên truyền 2008.
6. Báo chí và Dư luận xã hội – PGS.TS Nguyễn Văn Dững 2011.
7. Dư luận xã hội trong sự nghiệp đổi mới – Lương Khắc Hiếu 1999.



×