Tải bản đầy đủ (.doc) (94 trang)

NGHI LỄ HÔN NHÂN CỦA NGƯỜI DAO ĐỎ Ở XÃ BẢN PHÙNG, HUYỆN SA PA, TỈNH LÀO CAI

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (468.19 KB, 94 trang )

LỜI CẢM ƠN
Lời đầu tiên tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới TS. Phạm Văn Dương,
người đã trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ, động viên tôi để hoàn thành luận văn của mình.
Tôi cũng xin chân thành cảm ơn tới các thầy cô giáo trong Khoa Văn hóa
học Học viện khoa học xã hội đã trang bị cho tôi những kiến thức chuyên ngành
thiết thực trong suốt quá trình học tập tại học viện.
Mặc dù đã có sự cố gắng trong quá trình học tập và nghiên cứu, nhưng do
kiến thức của tác giả trong việc nghiên cứu còn hạn chế, chắc chắn bản luận văn
này không thể tránh khỏi những thiếu sót. Kính mong Hội đồng khoa học và thầy cô
giáo giúp đỡ tôi để mở rộng, tích lũy thêm kiến thức, tạo điều kiện thuận lợi cho
việc nghiên cứu và phục vụ giảng dạy sau này.
Tôi xin chân thành cảm ơn.
Nguyễn Thị Kim Hoa


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các sự kiện, tư
liệu sử dụng trong luận văn này là trung thực, nếu có gì sai sót tôi xin chịu hoàn
toàn trách nhiệm.
Tác giả luận văn

Nguyễn Thị Kim Hoa


MỤC LỤC

PHỤ LỤC


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài


Tộc người Dao ở Việt Nam được các nhà khoa học xếp vào nhóm ngôn ngữ
Mông - Dao thuộc ngữ hệ Nam Á trong chủng tộc Môngôlôit. Người Dao có nhiều
nhóm địa phương như: Dao Đỏ, Dao Tiền, Dao Quần Chẹt, Dao Lô Gang (Dao
Thanh Phán), Dao Quần Trắng, Dao Tuyển (Dao Áo Dài). Những đặc trưng văn hóa
của các nhóm người Dao được thể hiện qua các dạng thức văn hóa vật thể, phi vật
thể và các loại hình tổ chức xã hội: nhà ở, trang phục, ẩm thực, lễ cấp sắc, đám
cưới, y học cổ truyền, tổ chức gia đình, làng bản với nhiều màu sắc riêng biệt.
Người Dao tuy được chia làm nhiều nhóm khác nhau nhưng ngôn ngữ của họ
là thống nhất cho thấy rõ mối quan hệ gắn kết giữa các cộng đồng người Dao với
nhau. Người Dao sinh sống ở nhiều vùng, miền nhưng sinh hoạt cộng đồng vẫn mang
tính chất khép kín, thể hiện qua phong tục tập quán, qua hôn nhân. Khi dựng vợ gả
chồng cho con cái, người Dao chỉ mong gả trong nội bộ người Dao. Đó là một trong
những cách để người Dao giữ gìn ngôn ngữ và phong tục tập quán của họ.
Ở Lào Cai, người Dao ở Bản Phùng huyện Sa Pa thuộc nhóm Dao Đỏ, biểu
hiện rõ rệt nhất là trên trang phục của họ từ áo, quần, váy, đến khăn, thắt lưng. Trên
trang phục nữ thì màu đỏ chiếm màu chủ đạo, nổi bật nhất là chiếc khăn đội đầu
màu đỏ thắm của phụ nữ đặc biệt khi trở thành cô dâu về nhà chồng. Hôn nhân
người Dao Đỏ ở Bản Phùng là sự thể hiện nét đặc trưng trong văn hóa của họ, bởi
đám cưới người Dao Đỏ trải qua rất nhiều nghi lễ vừa độc đáo lại vừa giữ được
những phong tục của người xưa để lại. Nếu ai đã từng được tham dự hoặc nghe kể
lại đám cưới người Dao Đỏ thì không thể nào không có ấn tượng với các nghi lễ
hiếm có này.
Các nghi lễ đó là gì, diễn ra như thế nào? Ẩn chứa đằng sau những nghi lễ
phức tạp đó là những vấn đề gì về giới, về vị thế xã hội, quan hệ cộng đồng, về dàn
xếp các trật tự xã hội, về tâm linh, vũ trụ quan của người Dao Đỏ?
Có thể thấy đám cưới của người Dao Đỏ không những những nét riêng, độc
đáo so với nhiều tộc người khác như Thái, Mông mà còn có nét khác khi so với các
nhóm người Dao cùng địa bàn sinh sống.
Hiện nay, xã hội ngày càng phát triển, nhiều tục lệ của các tộc người thiểu số
có phần bị mai một, nhưng ở tộc người Dao vẫn giữ được những nét văn hóa truyền


1


thống của mình và chính điều đó góp phần làm nên bản sắc văn hóa của người Dao
trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Xuất phát từ những lý do trên tôi chọn đề tài: Nghi lễ hôn nhân người Dao
Đỏ ở xã Bản Phùng, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai làm nội dung nghiên cứu cho
luận văn của mình.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Cho đến nay đã có các công trình nghiên cứu về người Dao và văn hóa người
Dao, sơ lược điểm qua như sau:
- Các công trình viết về các tộc người thiểu số có đề cập đến người Dao:
Tác giả Hoàng Nam (1998) trong sách Bước đầu tìm hiểu văn hóa tộc người
văn hóa Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc đã đề cập đến điều kiện tự nhiên, môi
trường văn hóa các dân tộc ở Việt Nam, trong đó có người Dao.
Tác giả Nguyễn Đăng Duy (2004) với sách Nhận diện văn hóa các dân tộc
thiểu số Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc đã đề cập đến văn hóa các dân tộc thiểu số
Việt Nam trong đó có người Dao, cung cấp cho người đọc có những thông tin
chung về văn hóa tộc người Dao.
- Các công trình viết riêng về người Dao và văn hóa người Dao:
Cuốn Người Dao ở Việt Nam (1971) của tập thể tác giả Bế Viết Đẳng,
Nguyễn Khắc Tụng, Nông Trung, Nguyễn Nam Tiến, Nxb Khoa học Xã hội là
công trình đã đề cập khá toàn diện về đời sống của người Dao trên lãnh thổ Việt
Nam như dân số, địa vực, tên gọi các nhóm Dao, các hình thái kinh tế, sinh hoạt văn
hóa vật chất, văn hóa tinh thần, sinh hoạt xã hội và những đổi mới trong đời sống
của người Dao từ cách mạng tháng Tám (1945) đến năm 1971.
Cuốn Sách cổ người Dao - tập 3 “Những bài ca giáo lý” Nxb Văn hóa dân
tộc do Trần Hữu Sơn chủ biên (2009) là một trong các bộ sách ghi chép lại những
lời hay, ý đẹp mang tính chất răn dạy giáo lý của người Dao. Trong đó có lời răn

dạy quan hệ gia đình: con cái ngoan ngoãn, vợ chồng hoà thuận; có lời khuyên răn
về lời ăn tiếng nói; trong lễ cưới, trước bàn thờ tổ tiên, đôi vợ chồng trẻ phải tự răn
mình chung thuỷ, thương yêu lẫn nhau. Lời răn dạy là những câu nói có vần, có
nhịp điệu; các lời răn dạy có nhiều loại hình khác nhau. Với người Dao, lời răn dạy
như nguồn suối tắm mát chu kỳ đời người.
- Các công trình về đám cưới người Dao:
Tác giả Trần Hữu Sơn (2006) trong cuốn Lễ cưới người Dao Tuyển, Nxb
Văn hoá dân tộc đã trình bày khái quát chung về người Dao Tuyển và mô tả về lễ
cưới người Dao nhóm Dao Tuyển khá đầy đủ chi tiết với cách tiếp cận dân tộc học.
2


Tác giả Nguyễn Mạnh Hùng (2013) với công trình Đám cưới người Dao
Nga Hoàng, Nxb Văn hoá thông tin đã trình bày khái quát về người Dao Nga
Hoàng ở Yên Bái và một số hình thức lễ cưới của người Dao Nga Hoàng.
Ngoài ra, còn có khá nhiều bài viết về lễ cưới của người Dao Đỏ đăng trên
các báo, tạp chí điện tử như:
Dân tộc Dao Đỏ ở Sa Pa, http://www: tour - Sapa.vn, bài viết đã giới thiệu
những nét cơ bản về tín ngưỡng của người Dao và người Dao Đỏ.
Chùm bài viết của tác giả Ngân Lượng “Lễ cưới người Dao Đỏ ở Sa Pa, Lào
Cai”, dulich.net; “Lễ nhập khẩu và đặt tên trong đám cưới người Dao”, vietbao.vn;
“Đám cưới người Dao Đỏ trên Tả Van xanh”, Lào Cai.gov.vn mới dừng ở việc kể
tên và giới thiệu về một vài nghi lễ trong đám cưới người Dao Đỏ và chủ yếu viết
về cảm nhận của tác giả vô tình được chứng kiến lễ cưới người Dao Đỏ trong khi đi
du lịch, các mô tả còn chung chung trong khuôn khổ quy định của một bài báo. Các
công trình, bài viết trên đã cung cấp cho tác giả luận văn những hiểu biết khái quát
về điều kiện tự nhiên, môi trường kinh tế, ngôn ngữ, đời sống văn hóa và đám cưới
người Dao. Đó là những gợi mở cần thiết cả về lý luận và thực tiễn để tôi thực hiện
đề tài cho luận văn này.
Như vậy, cho đến nay chưa có đề tài nào đi sâu khảo sát về hôn nhân và việc

cưới xin của người Dao Đỏ ở tỉnh Lào Cai nói chung, ở người Dao Đỏ xã Bản
Phùng, huyện Sa Pa, Lào Cai nói riêng. Đề tài “Nghi lễ hôn nhân của người Dao
Đỏ ở xã Bản Phùng, huyện Sa Pa, Lào Cai ” được thực hiện trên tinh thần khảo
sát trung thực, đầy đủ, trình tự đám cưới của người Dao đỏ ở một địa bàn cụ thể, hy
vọng sẽ bổ sung thêm cho những thành quả của các tác giả đi trước.
3. Mục đích nghiên cứu của đề tài
Khảo sát thực tế nghi lễ hôn nhân người Dao đỏ ở xã Bản Phùng, Sa Pa, Lào
Cai. Từ đó cung cấp tư liệu cụ thể và trung thực về đám cưới người Dao ở xã Bản
Phùng huyện Sa Pa tỉnh Lào Cai phục vụ cho nghiên cứu và thực tiễn bảo tồn và
phát huy văn hóa tộc người nói chung và người Dao nói riêng.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Nghi lễ hôn nhân người Dao Đỏ ở xã Bản Phùng, Sa Pa, Lào Cai bao gồm
nội dung trình tự trước và sau lễ cưới.

3


4.2. Phạm vi nghiên cư
Đề tài tập trung nghiên cứu tìm hiểu các nghi lễ trong hôn nhân của người
Dao Đỏ ở xã Bản Phùng, Sa Pa Lào Cai. Ngoài ra sẽ tiến hành so sánh với lễ cưới
của các tộc người khác, so sánh lễ cưới cùng các nhóm Dao khác trong địa bàn sinh
sống thuộc tỉnh Lào Cai.
5. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn vận dụng cách tiếp cận nghiên cứu liên ngành: Văn hóa dân gian,
nhân học văn hóa... để thực hiện mục tiêu đặt ra của đề tài. Luận văn sử dụng các
phương pháp nghiên cứu chính như sau:
Tổng hợp và phân tích các nguồn tài liệu đã công bố: tập hợp, phân tích và
kế thừa các công trình nghiên cứu về người Dao và lễ cưới người Dao ở Việt Nam
nói chung, người Dao Đỏ nói riêng và các tư liệu lịch sử, văn hóa, xã hội tại địa

phương để có được những hiểu biết khái quát và cơ bản về tộc người này cũng như
địa bàn nghiên cứu.
Điền dã dân tộc học với quan sát tham dự, phỏng vấn sâu tại cộng đồng Dao
Đỏ thuộc xã Bản Phùng huyện Sa Pa tỉnh Lào Cai. Chúng tôi đã tham dự các nghi
lễ cưới: cưới lần đầu, cưới lại; các nghi lễ khác diễn ra trong xã như lễ làm chay, lễ
cấp sắc trong thời gian từ tháng 10/2014 đến nay và phỏng vấn nhiều đối tượng
khác nhau như: các cán bộ làm công tác văn hóa, những người thày cúng kiêm các
chức vụ như bí thư xã, chủ tịch xã, trưởng thôn bản những người thuộc các thành
phần xã hội khác nhau tham dự lễ cưới, gia chủ tổ chức lễ cưới … Ngoài ra có sử
dụng các phương pháp khác như trao đổi thư từ, điện thoại ...với những cán bộ văn
hóa huyện, cán bộ thống kê xã, phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh, đối
chiếu…để phục vụ cho việc thu thập tư liệu cũng như xử lý tư liệu.
6. Đóng góp của luận văn
Đề tài tiếp tục bổ sung vào thành quả nghiên cứu văn hóa người Dao Đỏ nói
riêng và văn hóa tộc người nói chung. Là tư liệu tham khảo trong công tác nghiên
cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn bảo tồn và phát huy văn hóa các tộc người
thiểu số Việt Nam nói chung, đám cưới người Dao nói riêng.
7. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Phụ lục và Danh mục tài liệu tham khảo, luận
văn gồm 3 chương:

4


Chương 1. Khái quát về người Dao và người Dao Đỏ ở Bản Phùng huyện Sa
Pa tỉnh Lào Cai.
Chương 2. Trình tự các bước trong nghi lễ hôn nhân của người Dao Đỏ xã
Bản Phùng huyện Sa Pa tỉnh Lào Cai.
Chương 3. Nghi lễ hôn nhân người Dao Đỏ ở Bản Phùng huyện Sa Pa tỉnh
Lào Cai: những giá trị truyền thống và sự biến đổi.


5


Chương 1
KHÁI QUÁT VỀ NGƯỜI DAO VÀ NGƯỜI DAO ĐỎ Ở XÃ BẢN PHÙNG
HUYỆN SA PA, TỈNH LÀO CAI
1.1. Khái quát về người Dao và người Dao ở Lào Cai
1.1.1. Người Dao ở Việt Nam
Về tên gọi, người Dao có các tên gọi khác là Mán, Ðông, Trại, Dìu Miền,
Kim Miền, Lù Gang, Làn Tẻn, Ðại Bản, Tiểu Bản, Cốc Ngáng, Cốc Mùn, Sơn
Ðầu... Tên thường tự gọi là Kìm Miền, Kìm Mùn. Tộc người này có các nhóm địa
phương khác nhau như Dao Ðỏ (Dao Cóc Ngáng, Dao Sừng, Dao Dụ Lạy, Dao Ðại
Bản), Dao Quần Chẹt (Dao Sơn Đầu, Dao Tam Đảo, Dao Nga Hoàng, Dụ Cùn),
Dao Lô Gang (Dao Thanh Phán, Dao Cóc Mùn), Dao Tiền (Dao Ðeo Tiền, Dao
Tiểu Bản), Dao Quần Trắng (Dao Họ), Dao Thanh Y, Dao Làn Tẻn (Dao Tuyển,
Dao Áo Dài).
Về ngôn ngữ, hiện người Dao ở nước ta được xếp vào nhóm ngôn ngữ
Hmông - Dao thuộc ngữ hệ Nam Á với hai phương ngữ:
Phương ngữ thứ nhất gồm hai ngành lớn là Đại Bản và Tiểu Bản: Ngành Đại Bản
có các nhóm Dao Đỏ (Hùng Thầu Đào, Dao Coóc Ngáng, Dao Quý Lâm), Dao Quần
Chẹt (Dao Sơn Đầu, Dao Tam Đảo, Dao Nga Hoàng), Dao Thanh Phán (Dao Coóc
Mùn, Dao Đội Ván, Dao Lô Giang); Ngành Tiểu Bản có Dao Tiền (Dao Đeo Tiền).
Phương ngữ thứ hai gồm có hai ngành: Dao Quần Trắng (Dao Họ, Mán Đen)
và Dao Làn Tiẻn. Trong đó Dao Làn Tiẻn có hai nhóm nhỏ là Dao Thanh Y và Dao
Tuyển (Dao Áo Dài, Dao Chàm, Dao Bằng Đầu, Dao Slán Chỉ). [12, tr.26]
Về nguồn gốc và lịch sử di cư sang Việt Nam, cho đến nay trong dân gian
người Dao nói chung vẫn còn lưu truyền rộng rãi câu chuyện Bàn Hồ là huyền thoại
giải thích về nguồn gốc của người Dao1.
Hiện nay tuy còn nhiều ý kiến khác nhau về nguồn gốc của người Dao,

nhưng tất cả đều thống nhất một quan điểm: Người Dao có nguồn gốc từ Trung
1

Đó là câu chuyện giải thích về nguồn gốc của họ : Bàn Hồ là con long khuyển mình dài ba thước, lông đen vằn vàng mướt như nhung, từ trên
trời giáng xuống trần gian được Bình Hoàng yêu quý nuôi trong cung. Một hôm Bình Hoàng nhận được chiến thư của Cao Vương. Bình Hoàng
liền họp bá quan văn võ để bàn mưu tính kế diệt họ Cao nhưng không ai tìm được kế gì . Trong khi đó thì con long khuyển Bàn Hồ từ trong kim
điện nhảy ra sân rồng quỳ lạy xin đi giết Cao Vương. Trước khi Bàn Hồ ra đi nhà vua có hứa, nếu thành công sẽ gả công chúa cho. Bàn Hồ bơi
qua biển bảy ngày, bảy đêm mới tới nơi Cao Vương ở. Cao Vương thấy con chó đẹp tới phủ phục trước sân rồng thì cho đó là điềm lành, nên đem
vào cung nuôi. Nhân một hôm Cao Vương say rượu Bàn Hồ cắn chết Cao Vương và ngoặm lấy đầu đem về báo công với Bình Hoàng. Bàn Hồ
lấy được công chúa đem vào núi Cối Kê (Triết Giang) ở. Vợ chồng Bàn Hồ không bao lâu sinh được 6 con trai và 6 con gái. Bình Hoàng ban sắc
cho con cháu Bàn Vương thành 12 họ, riêng người con cả được lấy họ cha, còn các con thứ lấy tên làm họ, gồm các họ: Bàn, Lan, Mãn, Uyển,
Đặng, Trần, Lương, Tống, Phượng, Đối, Lưu, Triệu. Con cháu Bàn Vương sinh sôi nảy nở mỗi ngày một nhiều và phân tán khắp nơi để sinh
sống. Như vậy, Bàn Hồ là một nhân vật thần thoại, được người Dao thừa nhận là “ông tổ” của mình và được thờ cúng rất tôn nghiêm.

6


Quốc, chuyển cư sang Việt Nam kéo dài suốt từ thế kỷ XII, XIII cho đến nửa đầu
thế kỷ XX.
Về địa bàn cư trú và dân số, người Dao cư trú dọc biên giới Việt -Trung,
Việt -Lào; một số tỉnh trung du và ven biển Bắc Bộ.
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Dao ở Việt Nam có dân
số 751.067 người, cư trú tại 61 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố riêng tỉnh Lào Cai
88.379 người, chiếm tỷ lệ 14,4% dân số toàn tỉnh và 11,8% tổng số người Dao tại
Việt Nam; [35, tr.58-59]
Về sinh kế, canh tác nương rẫy, thổ canh hốc đá, ruộng là những hình thức
canh tác phổ biến của người Dao. Tuỳ từng nhóm, từng vùng mà hình thức canh tác
này hoặc hình thức canh tác khác nổi trội lên như: người Dao Quần Trắng, Dao Áo
Dài, Dao Thanh Y chuyên làm ruộng nước; người Dao Ðỏ thường thổ canh hốc đá.
Phần lớn các nhóm dân tộc Dao khác làm nương rẫy, du canh hay định canh. Cây

lương thực chính là lúa, ngô, các loại rau màu quan trọng như bầu, bí, khoai... Họ
chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà ở vùng lưng chừng núi và ở vùng cao còn nuôi ngựa,
dê... Hầu hết các xóm bản người Dao đều có lò rèn để sửa chữa nông cụ. Nhiều nơi
còn làm súng hoả mai, súng kíp, đúc những hạt đạn bằng gang. Nghề thợ bạc là
nghề gia truyền, chủ yếu làm những đồ trang sức như vòng cổ, vòng chân, vòng tay,
vòng tai, nhẫn, dây bạc, hộp đựng trầu...
Nhóm Dao Ðỏ và Dao Tiền có nghề làm giấy bản. Giấy bản dùng để chép
sách cúng, sách truyện, sách hát hay dùng cho các lễ cúng như viết sớ, tiền ma.
Nhiều nơi có nghề ép dầu thắp sáng hay dầu ăn, nghề làm đường mật...
Về văn hóa truyền thống: Người Dao được biết đến với đặc điểm là một tộc
người cư trú ở vùng rẻo cao, văn hóa truyền thống một mặt còn bảo lưu những yếu
tố nguyên thủy bản địa, chẳng hạn như tục thờ thủy tổ Bàn Vương, thờ hồn lúa, một
mặt lại có sự giao lưu tiếp biến với văn hóa Hán, sử dụng văn tự chữ Hán, đặc biệt
là tiếp thu Đạo giáo vào trong tôn giáo tín ngưỡng hình thành nên hệ thống nghi lễ
mang nét đặc trưng riêng như lễ cấp sắc, tết nhảy lửa,v.v…Nhìn chung, ngoài
những khác biệt mang tính hình thức chẳng hạn như về trang phục thì về cơ bản văn
hóa truyền thống của các nhóm Dao là có sự tương đồng. Về vấn đề này chúng tôi

7


sẽ đi sâu trình bày trong phần viết về văn hóa truyền thống của người Dao Đỏ ở xã
Bản Phùng, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.
1.1.2. Người Dao ở Lào Cai
Ba trong 7 nhóm người Dao là Dao Tuyển, Dao Đỏ và Dao Nga Hoàng đã di
cư đến Lào Cai từ rất sớm. Bảo Thắng, Bảo Yên là một trong hai huyện có người
Dao Tuyển sống tập trung đông nhất của tỉnh Lào Cai.
Theo tác giả Trần Hữu Sơn thì người Dao thiên di đến Lào Cai trong đó có
Bảo Yên qua hai tuyến:
- Tuyến thứ nhất: Vào cuối triều đại nhà Minh (thế kỷ XVII), người Dao Làn

Tiẻn từ Quảng Đông vào Móng Cái (Quảng Ninh) qua Lục Ngạn sông Đuống đến
vùng Yên Bái ngược sông Chảy lên Lào Cai.
Tuyến thứ hai: Vào năm Mậu Thân đầu triều Thanh (1668), người Dao đến
Vân Nam ở hai vùng Vân Sơn và Mông Tự. Năm Tân Dậu triều Thanh (1801)
người Dao từ Mông Tự đến Kiến Thủy, Hà Khẩu theo sông Hồng vào châu Thủy Vĩ
(Lào Cai) và châu Chiêu Tấn (Lai Châu).
Như vậy, khoảng những năm cuối thế kỷ XIX người Dao đã có mặt ở Lào
Cai cho đến tận ngày nay.
Nguyên nhân di cư của người Dao là do sự đàn áp các phong trào khởi nghĩa
người Dao của các triều đình phong kiến Trung Quốc. Nguyên nhân thứ hai là do
thời đó Trung Quốc hạn hán, đất chật người đông lại thấy Việt Nam đất tốt, dễ làm
ăn nên người Dao di cư vào Việt Nam. Những câu chuyện kể về quá trình thiên di
đó vẫn được hát lại, kể lại trong những lá thư “tín ca” hay trong các nghi lễ.
Hiện người Dao ở Lào Cai có trên 72.000 người, gồm hai ngành Dao khác
nhau là Dao Đỏ (Dao Đại Bản, Dao Coóc Ngáng), Dao Họ (Dao Quần Trắng), Dao
Tuyển (Làn Tiẻn). Trong đó đông hơn cả là Dao Đỏ với trên 48.000 người tập
trung ở các xã vùng cao huyện Sa Pa, Bát Xát, Văn Bàn, Bảo Yên, Bảo Thắng, Bắc
Hà. Người Dao Tuyển ở các huyện Bảo Thắng, Mường Khương, Bảo Yên; Người
Dao Họ cư trú ở các huyện Bảo Thắng, Bảo Yên và huyện Văn Bàn. [26, tr.58].
Về cơ bản người Dao ở Lào Cai cũng mang những đặc điểm về cư trú, sinh
kế như người Dao ở các địa phương miền núi khác ở Việt Nam.
1.2. Người Dao Đỏ ở xã Bản Phùng, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai

8


1.2.1. Khái quát về xã Bản Phùng
*Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên
Xã Bản Phùng là một xã khó khăn thuộc vùng 135 của huyện Sa Pa, cách
trung tâm huyện 32 km, là xã nằm cách xa trung tâm huyện, đường giao thông đi lại

khó khăn. Đây là xã nằm cuối của tuyến đường liên huyện, giáp với huyện Bảo
Thắng nhưng do địa hình hiểm trở nên không có đường giao thông thuận lợi.
Bản Phùng có tổng số 295 hộ dân với 1.957 nhân khẩu, toàn xã đều là người
thiểu số với hai tộc người chính là người Dao Đỏ chiếm trên 80% và người H’Mông
chiếm gần 20%. Toàn xã có 6 thôn gồm: thôn Bản Sái, thôn Bản Toòng, thôn Bản
Phùng Dao, thôn Bản Phùng Mông, Bản Pho, thôn Nậm Si. Trong 6 thôn này chỉ có
thôn Bản Toòng là người Dao ở xen kẽ với người Mông, riêng bản Phùng Mông thì
cả bản đều là người Mông Đen sinh sống, 4 bản còn lại gồm toàn người Dao ở tập
trung với nhau.
Khoảng từ năm 2008, Bản Phùng mới có người Kinh lên sinh sống, chủ yếu
là cán bộ xã lên tăng cường, các cán bộ y tế, văn hóa và đặc biệt là các cô giáo miền
xuôi lên dạy chữ. Ngoài ra còn có người Kinh ở Nam Định, Thái Bình, Phú Thọ lên
buôn bán hàng hóa, thảo quả… Điều đó cũng góp phần làm thay đổi nhận thức cũng
như đời sống kinh tế của người dân ở đây.
Địa hình chủ yếu là núi non hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, quanh năm mây
mù bao phủ. Khí hậu ở xã Bản Phùng mang sắc thái của xứ ôn đới, cận nhiệt đới
giống như một số nước châu Âu, nhiệt độ bình quân 13 độ, mùa hạ mát mẻ, mùa
đông lạnh buốt có năm băng giá, tuyết rơi, có lúc dưới không độ.
Các yếu tố tự nhiên tác động không nhỏ đến đời sống kinh tế, xã hội và văn
hóa xã Bản Phùng. Đồng bào ở đây được sống trong cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp
của núi non hùng vĩ, với không gian quanh năm yên lặng, khí hậu trong lành. Cuộc
sống ít bị xáo trộn vốn rất êm đềm của đồng bào vùng cao xa xôi đã tạo nên tính
cách cần cù chất phác, trầm lắng, hết lòng yêu thương nhau của con người nơi đây.
Mặc dù cách thị trấn Sa Pa 32km, một thị trấn du lịch, cùng với sự đổi mới
của đất nước, du nhập nhiều nền văn hóa khác nhau nhưng tộc người Dao Đỏ xã
Bản Phùng vẫn giữ được truyền thống văn hóa của tộc người mình thể hiện qua lối
sống chân chất, hiền lành, kín đáo song rất nhiệt tình mến khách.
* Về sinh kế

9



Giống như người Dao ở các địa phương khác, người Dao Đỏ ở đây cũng
sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp với hai loại hình canh tác nương rẫy và làm
ruộng nước. Bên cạnh đó, người Dao Đỏ còn phát triển chăn nuôi. Trước kia chủ
yếu chăn nuôi để lấy sức kéo cho sản xuất nông nghiệp, cung cấp nguồn thực phẩm
khi tổ chức các nghi lễ tôn giáo tín ngưỡng: lễ cấp sắc, lễ làm chay, cúng Bàn
Vương, Tết nhảy... Ngày nay, xã Bản Phùng còn chăn nuôi để cung cấp nguồn thịt
dê, ngựa đem bán và trao đổi hàng hóa tăng thêm nguồn thu nhập. Riêng về chăn
nuôi để làm lễ vật trong đám cưới xưa, người Dao Đỏ chọn gà và lợn chuyên làm
vật dâng cúng tạ thần linh, tổ tiên cho đến tận bây giờ.
Nghề thủ công của người Dao Đỏ ở Bản Phùng là nghề phụ, chủ yếu mang
tính chất thời vụ, đáp ứng nhu cầu gia đình, một số nghề khá phát triển: làm rèn,
chạm bạc, nấu rượu thóc, nghề đan lát...
Nghề làm rèn các sản phẩm chủ yếu là nông cụ sản xuất canh tác lúa, ngô.
Ngoài ra, lò rèn của ông Chảo Trần Chiêu được cả cộng đồng khen ngợi, bởi ông
nắm giữ được bí kíp gia truyền của tổ tiên để lại.
Song song với nghề rèn là nghề đan lát, nấu rượu thóc, đặc biệt là nghề chạm
bạc. Bởi lẽ, bạc trắng là vật rất quý với người Dao Đỏ, họ dùng bạc trắng để trao đổi
hàng hóa, cưới xin, ma chay ... Người Dao Đỏ giữ bạc để cưới vợ gả chồng cho con,
để đề phòng đau ốm và để khi mất có đồng bạc để ngậm. Họ quan niệm người chết
phải ngậm bạc mới về được với tổ tiên, nói những lời hay và phù hộ cho con cháu
những điều tốt đẹp.
Ngày nay, ở Bản Phùng chỉ còn duy nhất lò chạm bạc và lò rèn ở Bản Sái
của ông Chảo Trần Chiêu, làm chủ yếu để tự cung tự cấp cho dòng họ Chảo thỉnh
thoảng bán cho khách ở xuôi số lượng không nhiều. Với nghề chạm bạc chủ yếu là
làm vòng tay, vòng cổ và làm nhẫn cưới cho thanh niên bây giờ. Còn làm rèn cứ ba
tháng họ mới làm được khoảng 30-35 con dao chặt và dao phát để trao đổi mua bán,
tăng thêm thu nhập cho gia đình. Ông Chảo Trần Chiêu tâm sự: “…làm rèn và làm
chạm bạc để giữ nghề cho dòng họ Chảo mà thôi, chứ bây giờ thu nhập không được

là bao nhiêu vì nguyên vật liệu đắt, than đá trên rừng cũng hiếm, con cháu lại đi
học hành hết, không có người làm”.
* Về văn hóa xã hội

10


Trước những năm 2008, đời sống kinh tế khó khăn, giao thông đi lại không
thuận tiện, kèm theo đó là cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, y tế ít được trú
trọng đầu tư.
Từ sau năm 2008 trở lại đây, thực hiện phương châm ‘Nhà nước và nhân
dân cùng làm’ và gần đây nhất là ‘Xã hội hóa trong giáo dục’, ‘Vệ sinh môi trường
nông thôn’, ‘Chăm sóc, khám, chữa bệnh’… các cấp Đảng ủy chính quyền xã Bản
Phùng đã huy động mọi nguồn vốn để đầu tư, xây dựng các công trình nhằm phục
vụ đời sống, lao động sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, về cơ
bản mọi thứ đã được ổn định. Cụ thể như:
Giao thông đi lại thuận tiện từ huyện đến xã, đường sá đã được bê tông hóa,
ô tô vào đến trung tâm xã. Các thôn bản cũng đi lại bằng xe máy dễ dàng hơn trước,
riêng thôn Bản Toòng còn đi lại khó khăn do địa hình hiểm trở.
Điện lưới quốc gia đã về đến 5/6 thôn bản. Trừ thôn Bản Toòng, các hộ dân
trong bản hầu hết đã có điện lưới và điện chạy bằng nước để dùng.
Hệ thống các trường học: Mầm non 6/6 thôn, Tiểu học 6/6 thôn và 1 trường
THCS Bán trú với tỷ lệ trẻ em đến trường cao đạt từ 95 - 98%. Trình độ giáo viên là
người Kinh ngày càng được nâng cao. Cơ sở vật chất được đầu tư, xây dựng phục
vụ cho công tác dạy và học. Trạm y tế xã đã được trú trọng đầu tư cơ sở vật chất
nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe cho nhân
dân trong vùng.
Như vậy có thể thấy tuy vị trí địa lý cũng như đời sống kinh tế của người
Dao Đỏ xã Bản Phùng còn nhiều khó khăn, song nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh
đạo mà đến nay đã có nhiều thay đổi nhất là về cơ sở hạ tầng và văn hóa xã hội.

1.2.2. Các yếu tố văn hóa truyền thống tiêu biểu
1.2.2.1. Các yếu tố văn hóa vật chất
* Ảm thực
Thường thì người Dao Đỏ ăn ngày hai bữa, những ngày mùa màng nặng
nhọc thì ăn ba bữa. Các món ăn chủ yếu là cơm tẻ, đậu (hạt đỗ tương làm các món
đậu: rán, canh), rau cải nương. Riêng món thịt lợn nấu quả mây chua, thịt chim viên
trứng là hai món ngon nhất của người Dao Đỏ thường chỉ ăn trong dịp tết và cưới
xin. Gia vị trong các bữa ăn không thể thiếu là ớt khô giã nhỏ như bột.

11


Trong cỗ cưới của người Dao Đỏ có rất nhiều món được chế biến từ thịt lợn
nhưng không thể thiếu món canh xương hầm củ giềng, xương sườn băm nhỏ nấu
quả mây chua và món nướng từ thịt và bong bóng lợn. Đặc biệt thịt gà chỉ làm một
món duy nhất là gà luộc, khi làm lễ cúng và trong lễ cưới chỉ có người quan trọng
(thầy cúng, khách mời nhà gái) mới được gia chủ mời ăn gà, quý nhất là đầu gà.
Nếu là khách quý được gia chủ mời đầu gà, mình lại gắp vào bát mời người hơn
tuổi thì gia chủ rất thích vì họ cho rằng mình là người biết cư xử trước sau, trọng
nghĩa trọng tình.
* Trang phục
Trong tục cưới xin người Dao Đỏ đặc biệt quan tâm tới việc chuẩn bị trang
phục cho cô dâu chú rể. Có thể coi bộ trang phục như là một nét văn hóa đặc trưng
của người Dao Đỏ.
Trong các nhóm Dao sinh sống ở Lào Cai, có lẽ y phục và trang phục của
người Dao Đỏ là nổi bật hơn cả, nghệ thuật trang trí bộ trang phục đã thể hiện sự
khéo léo và sự cảm nhận hết sức tinh tế của người Dao Đỏ nơi đây. Sự đa dạng của
các bộ trang phục như áo, mũ của nam giới; khăn, quần áo của nữ giới; áo dài của
thầy cúng trong lễ thắp đèn (cấp sắc)… đặc biệt là bộ trang phục cưới của cô dâu,
chú rể đã cho thấy sự đặc sắc đó.

Trang phục của nữ giới: Đặc điểm nổi bật của nhóm Dao Đỏ là phụ nữ dùng
nhiều màu đỏ trên trang trí trang phục như: hoa văn, tua len, núm bông...
Chiếc áo được trang trí tạo điểm nhấn rất tinh tế, cách thức thêu ngược mặt
sau và thêu luồn rất phức tạp, nhấn thêu ở hai vạt dài trước ngực khoảng 7cm, chia
làm 4 lớp thêu nối liền nhau: đầu tiên là lặp lại 2 đường diềm trên khăn xuống, tiếp
đó là đường dải dài dọc. Đẹp nhất là dây thêu hình kỷ hà màu đen trắng lạ mắt và
cuối cùng là len bông xanh, đỏ, vàng đan xen nhau rực rỡ.
Riêng chiếc quần cắt theo kiểu chân què, trang trí từ gấu lên đến ngang đùi,
được trang trí 4 lớp: đầu tiên là lặp lại 4 đường trên khăn và nẹp áo, sau đó đến
mảng chia ô, tiếp đến là đường hoa và cuối cùng là hình cây lá.
Không chỉ có vậy, sau khi may xong bộ quần áo, phụ nữ Dao Đỏ còn phải
may riêng dải áo sau lưng, hàng dây áo dải bạc đằng trước và dải quần phía sau,
phía trước mà người dân Bản Phùng hay trêu đùa là “biển số”…Tất cả được thêu
theo cấu trúc trang trí hình chữ nhật có vô số các lớp trong và ngoài cầu kỳ, tỷ mẩn.

12


Khăn của người phụ nữ Dao Đỏ rất cầu kỳ: có 2 lớp, một lớp khăn vuông đỏ,
nẹp diềm màu trắng nhỏ xung quanh, khi đội gấp chéo vào làm lớp lót đầu tiên.
Tiếp đến là 3 lớp khăn vuông to, phía ngoài viền màu trắng nổi bật, phía các góc
hình vuông được trang trí trên 4 đường diềm là hình trái núi (tam giác) cách đều
nhau. Việc trang trí bạc trắng hình đồng xu nối với hạt bạc tròn như trái mây rừng
kêu lúc lắc vui tai, tiếp đến là các hạt cườm các màu được nối dài với túm bông đỏ
liên tiếp cách đều nhau, nối dài 3-4 đoạn. Trong trang phục Dao Đỏ Bản Phùng thì
chiếc khăn của phụ nữ là điểm nhấn nổi bật hơn cả nhưng chính bộ quần áo màu
lam đậm (xanh đen) được làm nền thì trang phục mới có thể rực rỡ đến vậy.
Như vậy, trang phục phụ nữ người Dao Đỏ được cắt, ghép, may thêu rất tỷ
mỉ, các họa tiết trên trang phục được bố trí khéo léo. Bộ trang phục đẹp từ tổng thể
đến chi tiết, có điểm nhấn rõ ràng.Vì vậy, nhìn vào bộ trang phục người ta cũng có

thể đánh giá được sự chăm chỉ, nết na của của phụ nữ đó bởi lẽ để làm được bộ
trang phục này cũng mất từ 7- 9 tháng ròng. Chưa kể phụ nữ Dao Đỏ còn rất khéo
léo trong việc cắt những bộ quần áo cho trẻ nhỏ vài tháng đến vài tuổi, mũ, khăn
cũng cầu kỳ không kém người lớn.
Trang phục của nam giới người Dao Đỏ đơn giản chỉ gồm có mũ và quần áo.
Yếu tố trang trí trên trang phục nam giới tinh giản hơn nhiều, diện tích nhỏ và hẹp
nhưng cũng đủ thấy vẻ đẹp của trang phục.
Đàn ông Dao Đỏ mặc kiểu áo cổ thấp, xẻ trước ngực, thân bên trái có thêm
chiếc nẹp từ cổ áo xuống gần gấu. Nẹp áo được thêu công phu, nẹp này người ta gọi
là “Vần kín”, khuy áo nhỏ bằng bạc hoặc đồng. Sau lưng áo, ở giữa được thêu mảnh
vải nhỏ hình chữ nhật mà người Dao Đỏ gọi là cái ‘Ấn của Bàn Vương’. Quần được
cắt may theo kiểu chân què, không trang trí.
Trong trang phục nam giới, mũ là điểm nhấn quan trọng nhất. Mũ là một
mảnh vải dài, phần đầu khăn cũng được trang trí bởi 3 đường nẹp giống khăn, áo,
gấu quần nữ. Riêng điểm nhấn là mảng trang trí ở đầu khăn dài khoảng 20cm, khi
cuốn gấp nếp cẩn thận vấn lên đầu nhiều vòng làm thành một cái vành, phía dưới
nhỏ, càng lên cao càng loe to. Phần đuôi khăn là tua rua nhiều màu sắc xanh, đỏ,
tím vàng nổi bật.
Bộ trang phục mặc trong ngày cưới của cô dâu Dao Đỏ về cơ bản giống như
trang phục nữ mô tả như trên nhưng chủ yếu được trang trí cầu kỳ hơn bởi sự gắn

13


đính rất nhiều bạc trắng với nhiều hình khác lạ: hình đồng xu gắn trên toàn bộ nẹp,
bạc trắng tròn giống quả mây rừng trên khăn… Việc gắn đính bạc như vậy mục
đích là thể hiện sự giàu có của cô dâu về nhà chồng, khi nhìn vào người ta cũng
đánh giá được gia cảnh nhà cô dâu. Việc gắn đính bạc vào trang phục rất công phu,
bạn trẻ Chảo Mì Mắn - thôn Bản Sái cho biết: "Ngày trước cháu chưa lấy chồng,
đến dự đám cưới của các anh chị trong thôn, cháu nhìn thấy kiểu gắn bạc nào đẹp

mà hợp với cháu (nếu người cao, mình gắn kiểu nào cũng được, nhưng nếu mà thấp
và đậm người như cháu thì phải chọn kiểu ít bạc và điểm xuyết, nếu không người ta
sẽ chê không khéo, nếu người nhỏ thì mình mặc độn thêm trang phục bên trong).
Khi chuẩn bị xong thì mình sẽ bố trí gắn sơ qua một lượt, sau đó ướm thử, thấy đẹp
thì mình khâu gắn chặt vào, nếu thấy không ổn thì mình phải sắp xếp lại bao giờ
thấy đẹp thì thôi”.
Chỉ riêng với việc gắn bạc vào bộ trang phục đám cưới cũng cho thấy óc thẩm
mỹ cũng như sự tỉ mỉ của các cô dâu Dao Đỏ trong quá trình làm bộ trang phục cưới.
Đó là một quy trình từ tổng thể đến chi tiết với sự tham khảo, học tập từ nhiều mẫu
gắn của các cô dâu khác nhau để lựa chọn được mẫu thích hợp nhất cho mình.
Ngoài ra còn phải kể đến trang phục thầy Tào vốn như trang phục nam có
thêm áo gile khoác ngoài khi làm chay, lễ cấp sắc (lễ thắp đèn). Theo ông Chảo Rào
Pú - một thầy Tào cao cấp ở xã Thanh Kim sát với xã Bản Phùng, thường xuyên
làm lễ ở Bản Phùng thì trước kia thầy cúng chuyên là nữ, nhưng sau này phụ nữ
phải sinh con, ít thanh sạch nên không còn thiêng nữa, vì thế mà nam giới phải làm
thầy cúng.
Có thể nói trang phục người Dao Đỏ là một trong những điểm đặc trưng về
văn hóa nơi đây. Cho đến tận bây giờ khi mà hàng hóa của Trung Quốc tràn ngập
thị trường, nhất là thị trấn du lịch Sa Pa cách 32 km, đi mất vài tiếng đồng hồ bằng
xe máy thì phụ nữ người Dao Đỏ ở Bản Phùng vẫn tự cắt may trang phục truyền
thống của dân tộc mình.
* Nhà cửa và phong tục làm nhà cửa
Người Dao có câu tục ngữ: Cây lớn phân cành, con lớn phân nhà, trai lớn lấy
vợ, gái lấy chồng đều lập nhà ở riêng. Khi lấy vợ, mong muốn làm được một ngôi
nhà không đơn giản. Thường thì những người đàn ông có gia đình cùng dòng tộc
họp lại với nhau bàn về việc đi lấy gỗ và kéo gỗ trên rừng về như thế nào. Ông

14



Chiêu Bản Sái cho biết: “Cứ lấy vợ khoảng 10 năm thì sẽ làm nhà, khi có con cái, có
người làm việc nhà, đàn ông lên rừng tìm gỗ, đánh dấu lại và nhờ người giúp vận
chuyển. Nhà có nhiều con trai thì vất vả kiếm gỗ lắm, ngày nào cũng phải lên rừng
kiếm, nhiều lúc kiếm được gỗ nhưng bị lũ quét lại mất hết phải đi kiếm lại từ đầu”.
Nhà ở của người Dao Đỏ xã Bản Phùng chủ yếu là nhà đất bởi lẽ ở nhà đất
mới có chỗ để làm lễ cúng Bàn Vương (ông thủy tổ của người Dao). Nhà có ba cửa:
hai cửa phụ và một cửa chính ra vào quay hướng Đông, nhà thường có 4 gian, 2
chái, nhà nào đông người thì 5-6 gian. Chái nhà thường để rộng, vì nhà có con trai
khi lấy vợ nơi xa, đoàn nhà gái phải ngủ tạm, chọn giờ đẹp mới được vào nhà.
Cách bài trí và những quy định trong ngôi nhà người Dao rất rõ ràng: Gian
giữa là nơi đặt Bàn thờ tổ tiên, vị trí trung tâm của nhà, gần nơi dành cho người chủ
gia đình tiếp khách và làm những việc lớn. Phần nhà phía sau dành cho các phòng
ngủ hoặc đặt giường (nếu không chia phòng). Quy định nơi ngủ của các thành viên:
phòng ngủ gần cửa là cha mẹ, khách ngủ ở gian giữa, cô dâu và chú rể ở gần bếp
chính. Nếu gia đình có hai đôi vợ chồng cùng ở với bố mẹ thì nối thêm gian nhà,
nhưng có quy định vợ chồng mới cưới ngủ phòng gần bếp chính để tiện cho cô dâu
dậy sớm nấu nướng không ảnh hưởng đến giấc ngủ mọi người.
Nhà gỗ được thưng ván và làm tấm gác sàn để chứa lương thực. Nhà có hai
bếp là bếp chính và bếp phụ dành cho khách về mùa giá lạnh. Có hai loại bếp, bếp
kín (bếp lò) và bếp hở (bếp có kiềng hoặc có 3 hòn kê). Điều đặc biệt là nhà rất ít
cửa sổ, chủ yếu là nhà không có cửa sổ.
Chuồng nuôi gia súc, gia cầm được làm ở khu riêng biệt gần nhà, mỗi nhà có
khoảng 4-5 chuồng gồm 6-7 con lợn và khoảng 25-30 con gà.
1.2.2.2. Các yếu tố văn hóa xã hội
* Ứng xử trong gia đình, dòng họ
Gia đình người Dao Đỏ Bản Phùng là gia đình có tính phụ quyền rất cao, mỗi
gia đình gồm cha mẹ, con cái. Con gái lớn đi lấy chồng ở riêng, con trai cả ở lại với
bố mẹ kế thừa tài sản. Tài sản trong gia đình do người cha quản lý toàn bộ, khi
người cha già, chết giao cho con trai. Việc ứng xử trong quan hệ rất đúng mực,
trước sau, các con cháu làm điều sai trái bố mẹ phân tích, nhắc nhở. Người Dao rất

trọng chữ nghĩa, họ bày tỏ, răn dạy con theo cách rất riêng thể hiện qua các câu

15


thành ngữ như: ‘Cha mẹ còn sống, chớ đi chơi xa, nếu đi chơi xa, phải báo nơi đến’
hoặc “Nước chảy có nguồn, cây mọc từ gốc”…
Cũng giống như ở một số gia đình tộc người thiểu số khác như người Tày,
người Thái…, người Dao Đỏ nói riêng rất trọng con rể, khi có việc trọng như nhà
có đám cưới, con rể thường được giao làm những việc quan trọng như làm chủ hôn,
trưởng bếp, phó bếp; đi đón dâu, làm nhạc trưởng…Họ quan niệm rằng con rể là
món quà quý, khi mình ‘bán’ con gái thì được quà rể. Đặc biệt, người Dao Đỏ lấy
vợ, rất sợ lấy phải con dâu tính tình nóng nảy, kiệt xỉ vì khi ở với gia đình nhà
chồng có rất nhiều mối quan hệ đan chồng, nhiều công việc phải lo lắng, làm lụng
chi trả, giúp đỡ trong dòng tộc. Nếu con dâu không hiểu thì sẽ gây ra hiểu lầm, làm
mất đi tình cảm họ tộc đã bao đời xây đắp.
* Ứng xử trong làng bản
Cộng đồng người Dao Đỏ cư trú gắn kết với nhau theo đơn vị bản làng nên
tính cố kết cộng đồng của họ rất cao, việc lớn của một nhà cũng là việc của cả bản.
Khi có đám cưới thì cả làng như có hội, mọi người vừa tham gia giúp đỡ gia chủ
những công việc bếp núc, vừa tới dự để động viên, tham gia vào các sinh hoạt văn
hóa của cả làng. Chính vì thế, bất kể đám cưới nào diễn ra trong phạm vi thôn bản
thì bất kể ai, kể cả các cô dâu mới về làm dâu cũng đều phải đến.
1.2.2.3. Các yếu tố văn hóa tinh thần
*Tôn giáo tín ngưỡng
- Quan niệm về thế giới và sự sống sau cái chết
Cũng như nhiều tộc người thiểu số khác, người Dao Đỏ cũng quan niệm con
người gồm hai phần: thể xác và linh hồn. Linh hồn là phần nhẹ hơn được biểu hiện
như cái bóng của con người. Nguyên nhân của những giấc mơ là do khi người ta
ngủ, linh hồn thoát ra khỏi thể xác đi lang thang đây đó, vì là phần nhẹ nên nếu bị

sốc mạnh hoặc khi hoảng sợ linh hồn thường trốn khỏi xác đi xa nên hay bị lạc
đường về, vì thế sinh ra ốm đau, phải làm lễ gọi hồn về nhập vào xác mới khỏe
được. Chính vì lẽ đó mà người Dao Đỏ rất quan tâm đến mộng triệu. Với quan niệm
như vậy nên đồng bào cho rằng cái chết là sự hoàn thành cuộc sống trần tục để về
với tổ tiên ở thế giới khác. Linh hồn vẫn thường xuyên theo dõi việc làm ăn sinh
hoạt, phù hộ cho của con cháu, cho nên con cháu phải thờ phụng. Khi chết người
Dao Đỏ làm 2 lễ: làm ma (chôn thể xác) và làm chay (đưa người chết về quê cha đất

16


tổ), phải làm lễ chôn thể xác trước còn làm chay thì phải chuẩn bị đầy đủ về mặt vật
chất mới tiến hành được.
Từ quan niệm về sự sống sau cái chết mà người Dao cho rằng cái chết chính là
sự chuyển đổi cuộc sống của con người sang một thế giới mới. Việc thờ cúng, lễ tạ tổ
tiên trong nghi lễ cưới của người Dao Đỏ Bản Phùng cũng chính là việc giáo dục con
cháu sống có cội nguồn, vừa đem niềm tin về sự bình an cho người đang sống.
- Các dạng thầy cúng
Thầy cúng là người nắm giữ sách cổ, am hiểu tri thức cổ truyền nên được coi
là nhân vật quan trọng nhất trong đời sống của cộng đồng người Dao nói chung,
người Dao đỏ nói riêng. Họ là người trung gian có thể thông linh (thỉnh cầu với thần
linh), tham gia thực hành các nghi lễ (các loại lễ lớn nhỏ: cấp sắc, lễ cưới, làm chay,
cúng mụ, cúng nhà mới…)
Người Dao Đỏ chia ra các dạng thầy cúng: thầy 7 đèn, 12 đèn để chỉ cấp bậc
và độ cao tay của thầy cúng. Trong nghi lễ hôn nhân của người Dao Đỏ ở Bản Phùng
thầy cúng tham gia và hướng dẫn cô dâu chú rể thực hành suốt 11 nghi lễ chính.
Các hình thức tôn giáo tín ngưỡng của người Dao đa dạng, phức tạp, gồm:
Các hình thức tôn giáo nguyên thủy như Saman giáo, tín ngưỡng nông nghiệp, thờ
cúng tổ tiên, tín ngưỡng cá nhân liên quan tới hệ thống nghi lễ vòng đời
người,v.v…

- Saman giáo được thể hiện khá rõ qua tết nhảy lửa là một nghi lễ saman đặc
sắc của người Dao Đỏ Bản Phùng trong mỗi dịp tết đến xuân về. Tết nhảy thường
diễn ra vào ngày mồng một, mồng hai tết âm lịch, thường tổ chức ở nhà trưởng thôn
hoặc trưởng dòng họ.
Người Dao nói chung và người Dao Đỏ Bản Phùng nói riêng quan niệm
rằng, xung quanh họ luôn có các vị thần che chở, đùm bọc giúp đỡ họ vượt qua
nguy hiểm hoạn nạn để tồn tại và mưu sinh. Đối với họ, vị thần tối cao nhất là thần
Lửa. Núi rừng có hổ là chúa sơn lâm, nhưng chúa sơn lâm là con vật chỉ biết sợ lửa.
Ngọn lửa ngoài sức mạnh trừ tà ma yêu quái còn mang lại sự may mắn, mùa màng
bội thu và vượt lên mọi thế lực khác trong tự nhiên trong cuộc đấu tranh sinh tồn.
Khi đống lửa đã cháy thành than rực hồng, cùng với sự điều khiển của thầy
cúng, các thanh niên trai tráng trong thôn bản (mỗi nhà hoặc thôn chọn lấy một vài
người khỏe mạnh, dũng cảm để đại diện) ra ngồi trước mặt thầy cúng nhận sức

17


mạnh từ thầy. Anh Tẩn Y Phẩu, cán bộ y tế xã cho biết khi thầy Tào cúng đến lời
cuối cùng thì cũng là lúc cơ thể người đã đủ can đảm, sức mạnh phi thường, ý chí
cản đảm coi thường hiểm nguy, kể cả đám than hồng cháy rực cũng không hề thấy
lo ngại bị bỏng như mọi khi.
Cho đến giờ, khả năng nhảy lửa vẫn còn là điều bí ẩn, thu hút sự tìm hiểu,
nghiên cứu của các nhà khoa học. Vì vậy, lễ hội này được coi là một hình thức sinh
hoạt văn hóa tâm linh, minh chứng sức mạnh phi thường của con người dám đương
đầu với nguy hiểm, xua đuổi tà ma, bệnh tật và cầu an khang, thịnh vượng.
- Tín ngưỡng nông nghiệp: Là cư dân nông nghiệp, kinh tế tự cấp tự túc, chủ
yếu dựa vào nông nghiệp nên với người Dao, Thần Nông “dằn lồng” là thần có ý
nghĩa nhất. Vào tháng 6 âm lịch hàng năm, nếu năm nhuận có thể cúng vào tháng 5
(âm lịch). Lễ vật dâng cúng ít nhất phải có 5 con gà, rượu trắng, cơm xôi và cơm
nắm. Vì người Dao có quan niệm đa thần nên khi cúng Thần Nông cũng phải mời

cả những vị khác. Bởi vậy, lễ vật cúng phải có nhiều. Ngày nay số lễ vật đã được
giảm bớt và đơn giản hóa, người dân hầu hết đã bỏ không cúng ở ngoài nương nữa
mà cúng ngay tại nhà.
Ngoài ra, người Dao ở Bản Phùng còn thường làm lễ cúng thóc giống lễ vật
là một con gà, chai rượu. Trong khi làm lễ, nhất thiết không cho ai vào nhà. Khi
cúng xong trong vòng một ngày, gia đình không được đi đến nhà người khác vì sợ
hồn lúa đi theo rồi ở lại nhà ấy.
- Thờ cúng tổ tiên là hình thức tôn giáo tín ngưỡng quan trọng của người Dao
Đỏ. Bàn thờ tổ tiên là nơi tôn nghiêm nhất. Tổ tiên là những người đã khuất trong
sáu đời. Người Dao Đỏ chỉ cúng tổ tiên vào các ngày năm mới, cúng cơm mới và
tết mùng 6 tháng sáu. Thờ cúng tổ tiên là nghi lễ rất được coi trọng trong việc hôn
nhân khi cô dâu bước vào nhà chồng. Cũng như các nhóm Dao khác, người Dao ở
Bản Phùng vẫn giữ tục Bàn Vương, thuộc tục cúng tổ tiên, chỉ khác Bàn Vương
không phải là tổ tiên gốc của một vài gia đình hay một vài dòng họ mà được quan
niệm là thủy tổ của người Dao.
- Thờ cúng Thành hoàng làng: Đây là vị thần có vị trí quan trọng trong đời
sống tâm linh của người Dao Đỏ. Thành hoàng là vị thần có công lập ra làng, được
coi như ông tổ của làng, được thờ tại miếu làng. Hàng năm vào ngày 1 tháng giêng
tất cả dân làng đều đến thắp hương và đặt lễ các loại bánh trái tại miếu thờ của làng

18


để cầu xin phúc, lộc cho bản thân và gia đình. Người cầu nguyện không được nói
thành lời mà chỉ để trong tâm niệm. Cho đến nay người Dao Đỏ ở thôn Bản Sái, xã
Bản Phùng vẫn giữ những nếp cúng trên nhưng lễ vật có biến đổi đôi chút, giản tiện
hơn chỉ là con gà, chén rượu.
- Tín ngưỡng cá nhân: Ở người Dao nói chung và người Dao Đỏ nói riêng,
tín ngưỡng cá nhân được thể hiện qua phong tục tập quán và hệ thống nghi lễ vòng
đời người.

+ Phong tục sinh đẻ và các nghi lễ liên quan đến sinh đẻ: Sinh đẻ và nuôi
con là vấn đề quan trọng gắn với việc bảo tồn nòi giống cũng như bảo vệ sự an toàn
cho sức khỏe và tính mạng con người. Bởi vậy, việc chọn vợ, chồng trong hôn nhân
liên quan trực tiếp đến vấn đề sinh nở, phụ nữ khỏe mạnh, hông to, ngực nở, eo
thon dễ sinh con, nuôi con và khéo chiêù chồng hơn các phụ nữ khác. Đối với người
phụ nữ có thai khoảng 3-4 tháng, để tránh sảy thai, họ tự giác kiêng “ăn nằm” với
chồng mình, không ngủ chung giường. Do vậy, các cô con gái sắp đến tuổi lấy
chồng thì đều được bố mẹ truyền dạy những điều kiêng kỵ đó.
Phụ nữ Dao mang thai phải kiêng ăn rất nhiều thứ, không chỉ có người phụ
nữ, người vợ mà ngay cả các ông chồng cũng phải thực hiện những điều kiêng kỵ
nhằm bảo đảm cho sức khỏe cho vợ và các đứa con trong bụng.
Có thể thấy, việc người phụ nữ mang thai là cả một sự kiện quan trọng đối
với mọi người trong gia đình. Qua đây cho thấy sự coi trọng vấn đề sinh nở trong
gia đình người Dao.
Người Dao Đỏ có tục lệ khi sinh người phụ nữ ngồi trong buồng của mình.
Lúc đẻ, mẹ chồng đỡ là chính, nếu không, chồng phải đỡ (đặc biệt họ ngoại không
ai được đỡ). Đẻ xong, rau được để vào ống nứa hoặc một cái giỏ đan bằng tre. Sau
đó người chồng phải đi tìm chỗ kín hoặc chỗ có một vài cây gỗ để nhét thật chặt
ống nứa hoặc chiếc giỏ vào các khe cây gỗ để thú khỏi bới, trẻ con không lấy được
thì sau này đứa trẻ mới nhẹ thân.
Như vậy, trong sinh đẻ người Dao có nhiều nghi lễ và kiêng kỵ, những nghi lễ
đó tiếp tục theo suốt cuộc đời con người như tục đầy tuổi (một năm), lễ cấp sắc đối
với con trai. Cho đến tận bây giờ người Dao Đỏ ở Bản Phùng vẫn duy trì phong tục
sinh đẻ như trên, chỉ có ca đẻ khó, người Dao Đỏ mới cần trợ giúp của cán bộ y tế xã.

19


+ Lễ trưởng thành (lễ cấp sắc hay lễ thắp đèn): Tục làm lễ cấp sắc khá phổ
biến ở người Dao ở Lào Cai nói chung và người Dao Đỏ ở Bản Phùng nói riêng. Tất

cả những người đàn ông đều phải trải qua lễ này vì họ quan niệm: Có cấp sắc mới
được thần thánh công nhận và được cấp âm binh và hồn người được cấp sắc mới về
được với tổ tiên ở Dương Châu sau khi chết; Có cấp sắc thì mới được làm thầy cúng
(người biết nhiều phong tục cổ của tổ tiên, người có uy tín trong dòng tộc); có cấp
sắc mới được nhập tên âm, mới có quyền thờ tổ tiên, mới được công nhận là người
lớn nếu không, vẫn bị coi là trẻ nhỏ, sau khi chết rồi hồn được đưa về với tổ tiên ở
Dương Châu …Chính vì quan niệm như vậy, nên dù tốn kém bao nhiêu, gia đình
nào có con trai đến tuổi trưởng thành đều phải tổ chức lễ này.
Qua quan sát tham dự lễ cấp sắc của dòng họ Chảo ở xã Bản Phùng tổ chức
trong 3 ngày từ ngày 4-7 tháng 11 âm lịch năm 2014 vừa qua cho thấy đây là một
nghi lễ Đạo giáo được thực hiện khá nghiêm túc, cẩn trọng với sự tham gia của 9
thầy cúng uy tín trong xã Bản Phùng và xã lân cận Thanh Kim.
Trong lễ cấp sắc trên có cả 5 người vợ của 5 người đàn ông ‘trưởng
thành’cùng tham gia một số nghi lễ: răn dạy về đạo đức, cư xử trong cuộc sống khi
được làm thầy 3 đèn, 7 đèn và nghi lễ ‘Phát con dấu’ cho đôi vợ chồng - nghi lễ
cuối cùng trong trong lễ cấp sắc. Ý nghĩa của nghi lễ này là sau này chết đi, kiếp
trần gian có vợ thì kiếp sau có dấu (dấu khắc bằng gỗ mực) Ngọc Hoàng sẽ nhận ra
và cho họ sống bên nhau ngàn kiếp. Trong trường hợp làm cấp sắc xong đôi vợ
chồng bị ly tán (ly hôn, chết vì lý do khác) thì kiếp trần không ở với mình nhưng
kiếp sau vẫn là vợ mình. Nếu không làm cấp sắc thì đời con cháu phải làm theo thứ
tự, nếu chết mình khát nước chỉ chờ mưa xuống mới được uống, nếu không sẽ trở
thành ma đói ma khát suốt đời.
+ Về phong tục cưới xin và các nghi lễ trong cưới xin, chúng tôi sẽ tập trung
đi sâu giới thiệu ở các nội dung sau.
+ Phong tục tang ma và các lễ thức trong tang ma: Phong tục tang ma của
người Dao ở Lào Cai có nét khác nhau: Dao Tuyển địa táng nhưng dấu vết hỏa táng
vẫn còn tồn tại dưới dạng nghi thức đọc sách “ tán tẳng” và nghi thức đốt nến tượng
trưng cho việc hỏa táng.
Còn người Dao Đỏ khi chết con cái phải tắm nước lá thơm cho bố mẹ, thay
quần áo mới, thuê một người ở dòng họ khác đến cắt tóc cho người chết, đặt vào


20


miệng người chết 3 phân tiền rồi bắn 3 phát súng báo cho dân làng biết. Sau đó nhờ
người khâu gối - đúc gạo cho người chết gối đầu rồi chia đôi chăn của hai vợ chồng
đắp cho người chết một nửa, để lại cho người sống một nửa. Mỗi người con phải
phủ cho bố (mẹ ) 2-3m vải trắng. Con cả đi mời thầy chính, con thứ 2 đi mời thầy
phụ đến xem ngày giờ đưa đám và làm lễ khâm liệm.
Người Dao ở Bản Phùng vẫn còn giữ tục lệ: khi cha mẹ mất từ 60 tuổi mà
vẫn còn nguyên vẹn hàm răng thì người con cả phải dùng kìm vặn một chiếc răng
cửa. Hàm ý, khi bố mẹ sang thế giới bên kia sẽ ‘mở đường’ cho con cái làm ăn phát
đạt, có của ăn của để. Về nghi lễ tang ma vẫn giữ nguyên, nhưng về thời gian thì chỉ
để một ngày trong nhà là đi chôn theo quy định của nhà nước.
* Tri thức dân gian
Tri thức dân gian của người Dao Đỏ được nhiều người biết đến là các tri thức
liên quan đến sản xuất nông nghiệp, khai thác sản phẩm tự nhiên như: canh tác
ruộng bậc thang, làm nương rẫy, trồng cây trong hốc đá, bẫy chim trên rừng, cách
tìm đất làm nhà, tìm than đá làm rèn. Thêm vào đó là các tri thức liên quan đến tạo
các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như nghề chạm bạc, làm giấy bằng nứa, làm dầu
mè để thắp đốt… Nhưng nổi bật nhất là tri thức về cây thuốc tắm của tộc người
Dao Đỏ và mối liên hệ với sức khỏe hôn nhân cho đến tận ngày nay vẫn lưu truyền.
Người Dao Đỏ lựa chọn khoảng 40 loại lá rừng để dành cho phụ nữ sau khi sinh
tắm ngay sẽ rất khỏe mạnh, có thể làm việc như những ngày bình thường mà không
phải kiêng cữ gì. Ngoài ra tộc người này còn có cả những loại thuốc lá có thể tránh
thai mà bà mẹ truyền dạy riêng cho con gái khi đến tuổi trưởng thành.
Cộng đồng người Dao nói chung được nhìn nhận là có nhiều tri thức, kinh
nghiệm trong việc lựa chọn đất đai, địa hình canh tác và hệ thống cây trồng. Những
tri thức bản địa và kinh nghiệm cổ truyền này đã được hình thành, duy trì, phát triển
và truyền khẩu qua nhiều thế hệ, gắn chặt với nhu cầu, phong tục, tập quán của

người Dao, có sự tương tác và thích ứng linh hoạt với từng vùng, từng điều kiện
sinh thái khác nhau. Đó chính là cơ sở quan trọng cho việc xóa đói giảm nghèo và
sự phát triển bền vững của cộng đồng.[20, tr 38]
* Nghệ thuật biểu diễn
Người Dao nói chung và người Dao Đỏ nói riêng rất yêu thích ca hát, đặc
biệt là hát Páo dung, hát trong các dịp lễ tết đầu xuân, hát trong đám cưới, thường

21


diễn ra vào ban đêm. Nội dung cuộc hát không chỉ hát giao duyên mà còn hát để hỏi
thăm sức khỏe, trao đổi công việc, kể chuyện…(đối với những đôi đã có vợ có
chồng), nhiều cuộc hát sôi nổi kéo dài thâu đêm suốt sáng.
Trong đám cưới, người Dao Đỏ hát ngay trong tiệc rượu (páo dung hấp tiu),
hát không cần nghi thức, ai hát cũng được bất kể già cả gái trai.
Ngoài ra, người Dao Đỏ sử dụng nhạc cụ: thanh la, trống, trống đất, kèn...
Trong việc tổ chức đám cưới không thể thiếu đội nhạc kèn, họ tham gia biểu diễn từ
đầu đến hết lễ cưới với các bài theo nội dung của nghi lễ.
1.2.3. Một số quan niệm và nguyên tắc trong hôn nhân người Dao Đỏ ở xã Bản Phùng
*Nguyên tắc hôn nhân đồng tộc
Người Dao Đỏ ở Bản Phùng có những quy định chặt chẽ trong việc cưới xin
tạo thành những nguyên tắc trong hôn nhân.Trong cộng đồng dòng họ, các thành
viên tuyệt đối không được kết hôn với nhau và chủ yếu kết hôn trong nội bộ ngành
Dao Đỏ. Nguyên tắc trong hôn nhân của họ là việc lấy vợ, chồng trong bản, ngoài
bản hoặc trong xã ngoài hoặc huyện khác đều không quan trọng bằng việc lấy cùng
tộc người Dao Đỏ.
Tuy nhiên hiện nay, do cư trú đan xen, do quá trình xích lại gần nhau giữa
các tộc người nên đã xuất hiện một số trường hợp kết hôn với tộc người khác.
* Độ tuổi lấy chồng, lấy vợ
Xưa kia người Dao Đỏ không quy định về độ tuổi lấy vợ, lấy chồng nhưng các

gia đình thường lựa chọn, tìm cho con cái mình những cô, cậu còn rất nhỏ khi họ mới
khoảng 9-11 tuổi. Đó chính là những trường hợp bố mẹ đi tìm vợ cho con cái.
Trong xã hội truyền thống, khi công việc làm nông là chủ yếu, luôn bận rộn
vất vả từ sáng đến tận đêm khuya thì nhu cầu cần có người làm việc trong các gia
đình là rất lớn. Nếu nhà trai muốn có con dâu sớm thì họ thường chủ động tìm hiểu
rồi nhờ ông mối dẫn dắt để gia đình có thêm người làm việc. Đối với trường hợp
muốn có con ở rể (nhà gái) thì họ cũng sẵn sàng gả con gái khi con mới lên 13-14
tuổi để thêm con thêm cháu, thêm người làm việc trong gia đình.
Như vậy, với quan niệm của cộng đồng về việc dựng vợ gả chồng như trên
thì việc trong nhà có con trên 20 tuổi mà chưa xây dựng gia đình thì cho là ế, cha
mẹ và nhiều người thân lo lắng, bất an khi chưa làm trọn được việc dựng vợ gả
chồng cho con cái.

22


×