MỤC LỤC
TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHỤ LỤC
1
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Hôn nhân là một trong những thiết chế xã hội có liên hệ chặt chẽ với toàn bộ
hệ thống xã hội. Hôn nhân phản ánh các mối quan hệ sinh học và xã hội, vật chất và
tinh thần, tư tưởng và tâm lý của con người đồng thời phản ánh những thay đổi diễn
ra trong xã hội và ảnh hưởng trực tiếp lên đời sống xã hội. Vì thế, hôn nhân luôn là
một vấn đề quan trọng của xã hội được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu.
Dưới góc nhìn của khoa học Nhân học/Dân tộc học thì hôn nhân là một trong những
tiêu chí để phân biệt tộc người này với tộc người khác. Nói cách khác, bản sắc của
mỗi tộc người thường được bộc lộ qua các mối quan hệ trong hôn nhân. Do đó,
nghiên cứu hôn nhân của người Hmông sẽ góp phần làm rõ bản sắc tộc người này
trong cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam.
Người Hmông là tộc người thiểu số có số dân đứng hàng thứ sáu trong tổng
số 54 dân tộc ở Việt Nam, với 1.068.189 người (theo Tổng điều tra dân số và nhà ở
Việt Nam năm 2009). Người Hmông cư trú trên một địa bàn khá rộng, bao gồm các
tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Lạng Sơn, Bắc
Cạn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An… Tuy nhiên, sự
nhập cư ồ ạt của người Hmông vào các tỉnh Tây Nguyên từ sau năm 1975 đến nay
đã làm cho bức tranh phân bố tộc người này càng trở nên rộng lớn hơn. Dù vậy, địa
bàn cư trú của người Hmông chủ yếu vẫn là các tỉnh vùng cao phía Bắc, dọc theo
biên giới Việt - Trung và Việt - Lào, từ Lạng Sơn đến Nghệ An.
Có một đặc điểm rất dễ nhận thấy là người Hmông dù cư trú ở rất nhiều địa
bàn khác nhau, nhưng văn hóa của tộc người này ít có sự khác biệt và luôn thống
nhất trên nhiều phương diện, thể hiện qua lối sống, phong tục tập quán, tín ngưỡng
tôn giáo, trong đó có hôn nhân và gia đình... Về hôn nhân của người Hmông, cho
đến nay tuy đã có nhiều công trình nghiên cứu được công bố, nhưng sự hiểu biết
của chúng ta về hôn nhân của người Hmông Hoa ở Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái
còn chưa đầy đủ và thiếu tính hệ thống. Vì vậy, việc nghiên cứu chuyên sâu hôn
2
nhân của người Hmông Hoa ở đây là cần thiết nhằm có được những hiểu sâu sắc,
toàn diện và có hệ thống về văn hóa của tộc người này.
Ở Việt Nam, người Hmông bao gồm nhiều nhóm địa phương khác nhau.
Trong quan hệ hôn nhân mỗi nhóm cũng có những điểm khác biệt ngoài các đặc
điểm chung của tộc người. Đó là, cùng một dân tộc Hmông nhưng hôn nhân của
mỗi nhóm lại có sự tương đồng và khác biệt trong quan niệm, tiêu chí và các cách
thức tiến hành nghi lễ trong hôn nhân. Đây là một vấn đề khoa học hết sức lý thú
cần được nghiên cứu, trên cơ sở đó tìm ra/lý giải sự tương đồng và khác biệt giữa
các nhóm địa phương.
Nghiên cứu hôn nhân của người Hmông trong bối cảnh hiện nay còn là góp
phần giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ
năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII), về xây dựng và phát triển nền
văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ngoài ra, nghiên cứu vấn đề
này còn góp phần cung cấp luận cứ khoa học, giúp các nhà quản lý có những chủ
trương, chính sách cụ thể trong việc bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc tộc người.
Trong quá trình công tác tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, tôi có nhiều cơ
hội tiếp xúc với người Hmông Hoa khi họ đến tham quan và làm việc tại Bảo tàng.
Có thể nói, cả về phương diện khoa học lẫn tình cảm, văn hóa của người Hmông
Hoa và những cá tính đặc biệt của họ đã cuốn hút và khiến tôi lựa chọn vấn đề:
“Hôn nhân của người Hmông Hoa ở xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải, tỉnh
Yên Bái” làm luận văn thạc sĩ.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Vấn đề hôn nhân của con người từ lâu đã được các nhà kinh điển của chủ
nghĩa Mác - Lê Nin đề cập đến trong tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình của chế độ
tư hữu và của nhà nước”[2]. Trong tác phẩm này, F. Ăng ghen đã khái quát hôn
nhân gắn với các giai đoạn lịch sử của nhân loại, từ thời kỳ tiền sử đến thời kỳ bộ
lạc, thời kỳ phát sinh nhà nước đầu tiên cho đến khi hình thành nhà nước hoàn
chỉnh. Qua sự phân tích và khái quát của F. Ăng ghen về hôn nhân và gia đình gắn
liền với sự biến đổi và phát triển của các giai đoạn lịch sử cho thấy, có ba thời kỳ
3
gắn với ba hình thức đó là: thời đại mông muội là chế độ quần hôn; thời đại dã man
là chế độ hôn nhân đối ngẫu; và thời đại văn minh là hôn nhân một vợ một chồng.
Có thể nói, đây là tác phẩm nghiên cứu về hôn nhân tổng quan nhất, giúp người đọc
có cái nhìn toàn diện về hôn nhân.
Tộc người Hmông từ lâu đã được các nhà khoa học xã hội ở Việt Nam và thế
giới quan tâm. So với nhiều dân tộc khác, các công trình nghiên cứu về dân tộc
Hmông khá phong phú và xuất phát từ nhiều mục đích, nhu cầu khác nhau, nhiều ấn
phẩm được xuất bản cả ở trong và ngoài nước với nhiều tiếng khác nhau như: Tiếng
Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Việt và tiếng Hmông…
Thời kỳ Pháp thuộc, người Hmông đã được biết đến thông qua các ghi chép
của một số giáo sỹ và sỹ quan người Pháp. Trong đó có những ghi chép đáng chú ý
là của cha F.M. Savina với tác phẩm “Lịch sử người Mèo”. Với việc phân tích và
xem xét tỉ mỉ tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục của dân tộc Hmông, tác giả tìm cách
chứng minh người Hmông có nguồn gốc từ phương Tây. Tác giả cho rằng từ thời
nguyên thủy, người Hmông đã sinh sống trên bờ sông Euphrate và sông Tigre hay
còn gọi là Lưỡng Hà. Về sau họ đã di cư về phương Bắc, qua miền Côcadơ hoặc
qua Turkestan vào thời kỳ không xác định. Do những biến đổi về khí hậu khiến họ
phải tìm đến vùng khí hậu ôn hòa hơn nên đã đưa họ đến vùng Đông Á và người
Hmông đã lập nghiệp ở đây trên vùng sông Hoàng Hà khoảng hơn 25 thế kỷ trước
Công nguyên. Tuy nhiên, tác phẩm này viết ra chủ yếu phục vụ cho công tác truyền
bá đạo Thiên chúa vào vùng người Hmông, nhằm phục vụ cho chính quyền thực
dân Pháp để đưa ra các biện pháp cai trị đối với người Hmông cho hiệu quả.
Bên cạnh đó còn có tác phẩm “Nghiên cứu văn hóa Thái - Hmông Tây Bắc”
của Henri Le Roux, đại tá Quân đội Pháp làm công sứ tỉnh Lai Châu từ năm 1925
đến 1928. Trong đó, ông ghi chép, giới thiệu về kinh tế, trang phục, truyền thống
lịch sử người Hmông, nhưng do xuất phát từ quan điểm Thực dân, nên tác phẩm
còn thiếu khách quan. Tác phẩm “Thuật sa man của người Hmông” do Guy
Morechand viết là một tác phẩm chuyên khảo có giá trị về sa man giáo, nhưng chưa
cụ thể về một nhóm người Hmông nào.
4
Những công trình chuyên khảo nói trên chủ yếu bàn về một số lĩnh vực như
nguồn gốc lịch sử, tín ngưỡng, trang phục, sa man mà chưa đề cập đến hôn nhân
của người Hmông. Tuy nhiên, các công trình này cũng là những tài liệu có giá trị
giúp cho việc nhận diện về người Hmông ở nước ta một cách toàn diện hơn.
Trong số các công trình nghiên cứu về người Hmông ở Việt Nam tương đối
cơ bản và toàn diện có lẽ phải kể đến trước hết là cuốn “Dân tộc Hmông ở Việt
Nam” của các tác giả Cư Hòa Vần và Hoàng Nam. Trong công trình này, các tác giả
đã cung cấp bức tranh tổng thể về lịch sử, văn hóa của người Hmông ở Việt Nam từ
những nét khát quát về người Hmông, địa bàn cư trú, nguồn gốc lịch sử, tên gọi, các
hình thái kinh tế, đến sinh hoạt vật chất, sinh hoạt xã hội, một số tục lệ chủ yếu
cũng như giới thiệu về tôn giáo, tín ngưỡng, văn học, nghệ thuật dân gian và tri thức
dân gian, các tập quán nói chung. Tuy nhiên, chính vì đề cập đến toàn bộ một cộng
đồng dân tộc ở tất cả các địa bàn cư trú trên toàn quốc, nên cuốn sách không thể đề
cập một cách đầy đủ tất cả các khía cạnh cụ thể của đời sống người Hmông, càng
không thể trình bày riêng về một lĩnh vực chuyên biệt nào cho thật sâu sắc, như vấn
đề hôn nhân chẳng hạn.
Từ góc nhìn văn hóa tộc người, các tác giả Trần Hữu Sơn với “Văn hóa
người Hmông” và Hoàng Xuân Lương với “Văn hóa người Hmông ở Nghệ An” đã
cung cấp những nét văn hóa tiêu biểu trong các lĩnh vực đời sống của người Hmông
ở những vùng miền cụ thể. Có thể nói, các công trình nói trên có ý nghĩa quan trọng
cho những ai muốn nghiên cứu về văn hóa người Hmông nói chung và người
Hmông ở Lào Cai và Nghệ An nói riêng.
Xuất phát từ vấn đề quản lý xã hội và phát triển xã hội ở vùng dân tộc thiểu
số, tác giả Bùi Xuân Trường cùng các cộng sự với nghiên cứu “Tác dụng của luật
tục đối với việc quản lý xã hội ở các dân tộc Thái, H’mông Tây Bắc Việt Nam” đã
giới thiệu, làm rõ vai trò của luật tục trong đời sống hàng ngày và trong quản lý xã
hội vùng dân tộc Hmông.
Nghiên cứu so sánh “Hôn nhân gia đình các dân tộc Hmông, Dao ở hai tỉnh
Lai Châu và Cao Bằng” của Đỗ Ngọc Tấn và các cộng sự đã đi sâu phân tích, phản
5
ánh rõ nét những đặc điểm, cũng như thực trạng trong hôn nhân và gia đình của hai
dân tộc Hmông và Dao qua các số liệu điều tra cụ thể. Tuy nhiên, cuốn sách không
nghiên cứu chuyên sâu về một nhóm người Hmông nào và cũng chưa đi sâu phân
tích các nghi lễ diễn ra trong hôn nhân của người Hmông.
Trong số các nghiên cứu về người Hmông, cũng đã có một số nghiên cứu cụ
thể về người Hmông Hoa ở Tây Bắc Việt Nam. Đáng chú ý là Vũ Huy Quang với
nghiên cứu “Bước đầu tìm hiểu tổ chức và quan hệ xã hội cổ truyền của một làng
người Hmông - Hoa ở huyện Mù Cang Chải tỉnh Hoàng Liên Sơn”. Tuy nhiên,
nghiên cứu này mới chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu tổ chức xã hội truyền thống của
người Hmông Hoa. Nguyễn Thị Oanh với đề tài khoa học “Truyền thống và biến
đổi trong quan hệ dòng họ, hôn nhân của người Hmông Hoa ở Tây Bắc hiện nay”
(Nghiên cứu bản Tua Hạt, xã Vân Hồ, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) đã bàn đến
hôn nhân của người Hmông, nhưng cũng mới chỉ dừng lại miêu tả sơ lược về hôn
nhân của người Hmông Hoa ở một bản cụ thể của Sơn La.
Phùng Thị Tú Anh với luận văn thạc sĩ Văn hóa học “Hôn nhân và gia đình
người Mông Trắng huyện Võ Nhai tỉnh Thái Nguyên” đã cho biết quan niệm,
nguyên tắc, đặc điểm và nghi lễ hôn nhân của người Hmông Trắng ở một địa bàn cụ
thể với nhiều tư liệu quý có thể tham khảo và so sánh với hôn nhân với người
Hmông Hoa.
Ngoài ra, nghiên cứu về người Hmông còn phải kể đến nhiều công trình của
các tác giả khác như: Bế Viết Đẳng phần viết về dân tộc Hmông trong cuốn “Các
dân tộc ít người ở Việt Nam”; Phạm Đức Dương với “Người Hmông và tiếng nói
của họ”, “Về vị trí mối quan hệ giữa nhóm Hmông - Dao và các nhóm ngôn ngữ
Đông Nam Á”; Phạm Quang Hoan với “Vai trò các thiết chế xã hội truyền thống
trong việc quản lý tài nguyên cộng đồng của người Hmông”; Hồng Thao với “Âm
nhạc dân tộc Hmông”; Đỗ Đức Lợi với “Tập tục chu kỳ đời người của các tộc
người ngôn ngữ Hmông - Dao ở Việt Nam ”; Vương Duy Quang với “Văn hóa tâm
linh của người Hmông ở Việt Nam truyền thống và hiện tại”… cùng rất nhiều bài
viết được đăng trên các tạp chí, các luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, luận văn cử
6
nhân. Những kết quả và thành công của các công trình nghiên cứu kể trên giúp
chúng tôi có được cái nhìn toàn diện, sinh động về một dân tộc với những nét văn
hóa đặc sắc, đa dạng cũng như có dịp tìm hiểu sâu hơn về một số nhóm nhỏ trong
dân tộc Hmông, hiểu rõ những nét văn hóa truyền thống độc đáo, riêng biệt nằm
trong cái chung của cộng đồng người Hmông mà còn góp phần cung cấp những
luận cứ khoa học giúp các nhà hoạch định chính sách có những giải pháp can thiệp
cụ thể nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu
số, đặc biệt là đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, nhằm xóa bỏ các thủ tục lạc
hậu, xây dựng đời sống lành mạnh nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa tộc người.
Nhìn chung, qua tổng quan các tài liệu đã công bố cho thấy dù đã có rất
nhiều công trình nghiên cứu về người Hmông, nhưng chưa có nhiều nghiên cứu
chuyên sâu về các giá trị văn hóa trong hôn nhân của người Hmông Hoa. Và cũng
có thể nói rằng, ở Việt Nam cho đến nay chưa có được những công trình nghiên cứu
chuyên sâu sự giống và khác nhau giữa các nhóm địa phương của người Hmông về
quan niệm, nguyên tắc, đặc điểm và nghi lễ trong hôn nhân... Trên cơ sở đó, tìm ra
những đặc điểm riêng và các xu hướng biến đổi của từng nhóm nhằm đưa ra những
định hướng bảo tồn và phát triển đúng hướng các giá trị văn hóa truyền thống của
tộc người theo tinh thần Nghị quyết Trung ương năm (khóa VIII).
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm 3 mục đích và nhiệm vụ chính sau đây:
Một là, phác họa bức tranh tương đối toàn diện và đầy đủ về hôn nhân của
người Hmông Hoa ở xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái nói riêng
và người người Hmông Hoa ở Tây Bắc Việt Nam nói chung.
Hai là, phân tích những biến đổi trong quan hệ hôn nhân của người Hmông
Hoa ở xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp
hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
Ba là, góp phần vào việc xây dựng cơ sở khoa học giúp các nhà quản lý có
chủ trương, chính sách cụ thể trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình để nhận diện và
giữ gìn những giá trị văn hoá tộc người.
7
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu chủ yếu của luận văn là người Hmông Hoa ở xã Púng
Luông, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Trong đó, các đối tượng cụ thể được
quan tâm hơn cả là những người có hiểu biết về phong tục tập quán trong hôn nhân,
những người làm thầy cúng, các ông mối, những người đã là cô dâu chú rể, bố mẹ
cô dâu chú rể, trưởng các dòng họ....
- Phạm vi nội dung nghiên cứu
Nội dung nghiên cứu của luận văn là hôn nhân của người Hmông Hoa ở xã
Púng Luông, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Trong đó, các nguyên tắc, đặc
điểm, các nghi lễ trong hôn nhân và những biến đổi trong hôn nhân của người
Hmông ở đây được luận văn đặc biệt chú trọng và tập trung phân tích. Bên cạnh đó,
sự tương đồng và khác biệt trong hôn nhân của người Hmông Hoa với các nhóm địa
phương khác cũng được luận văn đề cập đến.
- Phạm vi địa bàn nghiên cứu
Địa bàn nghiên cứu chính được luận văn lựa chọn là xã Púng Luông, huyện
Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Ngoài ra, luận văn còn khảo sát thêm các xã lân cận
tại huyện Mù Cang Chải để hiểu rõ hơn về hôn nhân của người Hmông Hoa cũng
như thấy được sự tương đồng trong hôn nhân của người Hmông Hoa ở đây.
5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
5.1 Phương pháp luận
5.1.1. Một số khái niệm
- Hôn nhân: Trong Từ điển tiếng Việt hôn nhân được định nghĩa là việc kết
hôn giữa nam và nữ…[69, tr.712]. Theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 thì
hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi đã kết hôn. Còn theo Từ điển Nhân
học thì “hôn nhân là mối quan hệ gắn bó được thừa nhận về mặt xã hội giữa một
người đàn ông và một người đàn bà nhằm mục đích duy trì nòi giống một cách hợp
pháp lập gia đình hạt nhân mới hoặc nhằm tạo ra hộ gia đình mới” [68, tr.519]. Khi
nghiên cứu về hôn nhân, Emily A.Schultz và Robobert H.Lavenda đã định nghĩa
8
rằng: Hôn nhân là một quá trình xã hội mà mô hình mẫu của nó là sự kết hợp giữa
một người đàn ông và một người đàn bà, là một sự kiện làm biến đổi những thành
viên của nó, làm thay đổi quan hệ giữa những người thân thuộc của mỗi bên và
những khuôn mẫu xã hội thông qua việc sinh đẻ cùng với một số quyền lợi và nghĩa
vụ đi kèm [24, tr.342]. Theo tác giả, hôn nhân cũng tạo nên tính hợp pháp của con
cái do người vợ sinh ra và thiết lập các mối quan hệ giữa họ hàng bên vợ và họ hàng
bên chồng [24, tr.343]. Do vậy, có thể nói hôn nhân là hiện tượng xã hội, là một
trong những đặc trưng cơ bản của văn hóa tộc người. Ở mỗi giai đoạn phát triển của
lịch sử hôn nhân đều trải qua những hình thức và tính chất khác nhau.
Nội hàm của hôn nhân còn bao gồm các quan niệm và nguyên tắc hôn nhân,
hình thức hôn nhân, nguyên tắc và hình thức cư trú sau hôn nhân. Vì vậy, trong
nghiên cứu này chúng tôi sẽ tìm hiểu nhiều khái niệm khác có liên quan đến hôn
nhân để thấy được bản sắc văn hóa tộc người của người Hmông Hoa nói riêng và
người Hmông nói chung.
- Ngoại hôn dòng họ: Đó là quy tắc kết hôn ngoài dòng họ được luật tục hay
tập quán quy định.
- Nội tộc hôn tộc người: Đó là quy tắc chỉ kết hôn với người đồng tộc trong
nhóm xã hội của mình.
- Nghi lễ hôn nhân: Nghi lễ hôn nhân được hiểu là các nghi lễ diễn ra theo
tập quán hoặc theo quy định của cộng đồng trong mỗi cuộc hôn nhân. Nghi lễ hôn
nhân là một thủ tục để khẳng định cuộc hôn nhân đó là hợp pháp, được cộng đồng
và luật pháp công nhận, nó làm thay đổi địa vị xã hội của con người. Để tiến đến
hôn nhân cũng như khi đã đạt được cuộc hôn nhân thì mỗi tộc người, nhóm địa
phương tộc người đều trải qua những nghi lễ nhất định theo quy định mang tính tập
quán của một tộc người hay nhóm tộc người đó. Nghi lễ hôn nhân nhằm mục đích
đảm bảo cho sự chứng kiến và sự công nhận từ phía cộng đồng, ngoài ra nó còn
thực hiện một vài yếu tố tâm linh gắn với cuộc hôn nhân. Qua nghi lễ hôn nhân ta
thấy được bản sắc văn hóa tộc người và giá trị nhân văn của nó.
9
- Truyền thống: Thói quen được hình thành đã lâu trong lối sống và nếp nghĩ,
được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác [69, tr.1055].
- Biến đổi: Là sự thay đổi thành khác trước hoặc sự thay đổi, điều thay đổi
khác với trước [69, tr.64]. Ví dụ như biến đổi tự nhiên, biến đổi xã hội, biến đổi văn
hóa… Hôn nhân thuộc về những giá trị văn hóa phi vật thể, do đó nó cũng không
phải là yếu tố bất biến mà luôn luôn vận động, biến đổi thích hợp với hoàn cảnh của
thực tiễn.
5.1.2. Một số lý thuyết nghiên cứu
- Lý thuyết giao lưu, tiếp biến văn hóa: Giao lưu, tiếp biến văn hóa là khái
niệm được trường phái nhân học Anglo Saxon đưa ra vào cuối thế kỷ XIX nhằm để
chỉ sự tiếp xúc trực tiếp và lâu dài giữa hai nền văn hóa khác nhau và hậu quả của
sự tiếp xúc này là sự thay đổi hay biến đổi của một số loại hình văn hóa ở cả hai nền
văn hóa đó. Theo các nhà nhân học Mỹ, giao lưu tiếp biến văn hóa là quá trình
trong đó một nền văn hóa thích nghi, ảnh hưởng một nền văn hóa khác bằng cách
vay mượn nhiều nét đặc trưng. Sự giao lưu tiếp biến văn hóa cũng là một cơ chế
khác của biến đổi văn hóa, đó là sự trao đổi những đặc tính văn hóa nảy sinh khi các
cộng đồng tiếp xúc trực diện và liên tục. Các thành tố của nền văn hóa tuy có biến
đổi, song mỗi nền văn hóa vẫn giữ tính riêng biệt của mình… Qua quá trình tiếp
xúc và giao lưu giữa hai nền văn hóa thì xã hội yếu hơn sẽ bị xã hội mạnh tác động
thay đổi [18, tr.107-108]. Ngoài ra, Tiếp biến văn hóa trong Từ điển Nhân học còn
được hiểu là quá trình biến đổi văn hóa diễn ra do sự tiếp xúc của hai hệ thống văn
hóa riêng rẽ mà kết quả làm cho chúng ngày càng trở nên giống nhau hơn. Quá trình
này luôn có liên quan tới sự tương tác phức tạp với các quá trình xã hội kèm theo
mà các thông số xã hội của chúng đã được Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Xã hội
trình bày trong hai văn bản ghi nhớ quan trọng (Redfield và những người khác.
1936; Broom và những người khác, 1954) [68, tr.12].
Lý thuyết về giao lưu, tiếp biến văn hóa cho thấy biến đổi là sự tất yếu của
mọi sự vật và hiện tượng trong đó bao gồm cả văn hóa tộc người. Ngày nay, dưới
sự tác động của quá trình phát triển hiện đại hóa, toàn cầu hóa và xu hướng hội
10
nhập đang diễn ra mạnh mẽ thì sự giao lưu, biến đổi của các tộc người, các nền văn
hóa là không tránh khỏi. Do đó, về mặt phương pháp luận, khi nghiên cứu văn hóa
tộc người, trong đó có các quan niệm, nguyên tắc, đặc điểm và các nghi lễ trong hôn
nhân thì chúng ta không thể chỉ xem xét đối tượng một cách biệt lập hay trong trạng
thái tĩnh (tức là nguyên vẹn truyền thống) mà phải đặt chúng trong trạng thái động
(tức là trong quá trình biến đổi).
- Lý thuyết bản sắc văn hóa tộc người: Bản sắc văn hóa tộc người là tổng thể
những yếu tố văn hóa vật chất và tinh thần mang đặc tính đặc trưng và đặc thù của
tộc người, giúp phân biệt tộc người này với tộc người khác, giữa các nhóm khác.
Bản sắc văn hóa tộc người được hình thành lâu dài trong lịch sử gắn liền với hoàn
cảnh kinh tế, xã hội và môi trường địa lý tự nhiên trong đời sống của từng tộc người
và chúng có sức sống lâu bền, thậm chí ngay cả khi đời sống của tộc người có
những thay đổi mạnh mẽ. Bản sắc văn hóa của tộc người còn thể hiện bản lĩnh của
tộc người, yếu tố tộc người. Trong quá trình phát triển, không ít hiện tượng văn hóa
lúc đầu chỉ là yếu tố vay mượn, nhưng dần dần qua thời gian, chúng được “dân tộc
hóa”, được sử dụng và tái tạo theo cách riêng của tộc người vay mượn, ít nhiều
mang bản sắc văn hóa của tộc người. Vì vậy, áp dụng lý thuyết bản sắc văn hóa tộc
người đã giúp chúng tôi nhìn nhận những sắc thái riêng trong hôn nhân của người
Hmông Hoa ở xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải.
5.2. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện luận văn chúng tôi đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau:
- Phương pháp tổng quan tài liệu: Với phương pháp này tôi đã đọc và tổng
hợp nhiều công trình nghiên cứu về người Hmông, tác phẩm của nhiều nhà nghiên
cứu trong và ngoài nước được in thành sách, tác phẩm viết tay, các bài báo đăng
trên tạp chí chuyên ngành, luận án, luận văn, báo cáo tập sự, báo cáo khoa học tại
các hội nghị, hội thảo, các bài viết đăng trên mạng mà trong đó nội dung đề cập đến
văn hóa, lịch sử nguồn gốc, đám cưới, hôn nhân… của người Hmông. Ngoài ra, các
tài liệu thứ cấp như báo cáo, số liệu về dân số, dân tộc, niên giám thống kê liên
quan đến người Hmông tại địa bàn nghiên cứu cũng được lưu tâm và tham khảo.
11
- Phương pháp điền dã Dân tộc học với các kỹ thuật: Quan sát tham dự,
phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm là phương pháp quan trọng trong nghiên cứu Dân
tộc học/Nhân học. Với phương pháp này tôi đã đi điền dã tại xã Púng Luông, La
Pán Tẩn, Nậm Khắt huyện Mù Cang Chải vào các tháng 3, 11 năm 2014. Tôi đã
cùng ở, cùng ăn và tham dự hai đám cưới của người Hmông Hoa tại xã Púng Luông
và La Pán Tẩn. Trong thời gian đó, tôi luôn tận dụng thời gian có thể để phỏng vấn
bố mẹ cô dâu, chú rể, ông mối, những người tham dự đám cưới… để ghi âm, chụp
ảnh về các sự kiện diễn ra xung quanh hôn lễ của người Hmông. Bên cạnh đó, tôi
còn tham gia thảo luận với những người lớn tuổi có hiểu biết về hôn nhân của người
Hmông Hoa để tìm hiểu sự biến đổi trong hôn nhân của họ từ xưa đến nay.
Các phương pháp chuyên gia, so sánh, phân tích, tổng hợp… cũng được tôi
sử dụng trong nghiên cứu của mình.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn
- Luận văn là công trình đầu tiên nghiên cứu có hệ thống, chuyên sâu về hôn
nhân của người Hmông Hoa tại xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên
Bái. Do đó, luận văn sẽ góp phần bổ sung nhiều tư liệu mới và chỉ ra những yếu tố
nội sinh cũng như quá trình tiếp biến văn hóa trong lĩnh vực hôn nhân của người
Hmông Hoa.
- Kết quả nghiên cứu của luận văn cũng sẽ là cơ sở quan trọng giúp các nhà
quản lý ban hành các chủ trương, chính sách cụ thể, thiết thực nhằm góp phần bảo
tồn và phát triển những giá trị văn hóa tốt đẹp của tộc người Hmông.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài các phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, phụ lục, nội dung chính
của luận văn bao gồm các chương sau:
Chương1: Tổng quan tài liệu, cơ sở lý thuyết, phương pháp và khái quát địa
bàn nghiên cứu.
Chương 2: Hôn nhân của người Hmông Hoa
Chương 3: Biến đổi trong hôn nhân của người Hmông Hoa
12
Chương 1
KHÁI QUÁT ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU
1. Khái quát địa bàn nghiên cứu
1.1. Khái quát xã Púng Luông
Púng Luông là một trong 13 xã vùng cao của huyện Mù Cang Chải, nằm ở vị
trí có tọa độ 21o 44’38’’vĩ độ Bắc và 104o 11’35’’ kinh độ Đông. Xã Púng Luông
nằm ở phía Bắc của Huyện Mù Cang Chải nơi có đỉnh Púng Luông cao 2985m,
phía bắc giáp với xã La Pán Tẩn, phía Nam giáp xã Nậm Khắt, phía Đông giáp xã
Cao Phạ, phía Tây giáp xã Dế Xu Phình và Chế Tạo.
Tổng diện tích tự nhiên của xã Púng Luông là 5357,43ha, trong đó đất nông
nghiệp 802,64ha, đất lâm nghiệp 4408,67ha, đất phi nông nghiệp 97,73ha, còn lại
52,36ha là đất khác. Trong xã có 726 hộ với 3.724 nhân khẩu, trong đó người
Hmông chiếm 89%, người Kinh là 10,5%, còn lại 1% là người Tày, Cao Lan và
người Mường.
Xã Púng Luông gồm 10 bản: Ngã Ba Kim, Nả Háng A, Nả Háng B, Mý
Háng Tủa Chử, Púng Luông, Đề Chờ Chua A, Đề Chờ Chua B, Nả Háng Tâu, Mý
Háng Tâu, Háng Kơ Pua. Tên mỗi bản đều có một nghĩa riêng, như bản Ngã Ba
Kim người Hmông gọi là Đề Chủa nghĩa là nơi hai con suối gặp nhau. Bản Nả
Háng A, Nả Háng B trước là một bản, có tên gốc là Nả Háng Tủa Chử có nghĩa đây
là khu đất rộng có nhiều cây tre to. Bản Mý Háng Tủa Chử cũng có nghĩa là nơi có
cây tre to, nhưng vì bản có diện tích đất nhỏ hơn nên gọi là “mý”. Bản Nả Háng
Tâu, Mý Háng Tâu có nghĩa là nơi có quả bí to. Bản Púng Luông có nghĩa là lên
dốc, cái tên này do người Thái đặt (Theo lời kể của ông Giàng Xấy Sinh, 80 tuổi, xã
Púng Luông). Bản Đề Chờ Chua A, Đề Chờ Chua B trước là cùng một bản, Đề Chờ
Chua có nghĩa là cái thác nước. Bản Háng Kơ Bua nghĩa là nơi nhốt lợn, tên của
bản Háng Kơ Bua được người già trong bản kể rằng: người Hmông ở Púng Luông
trước kia mỗi lần đi Yên Bái, Nghĩa Lộ để mua dầu, mua muối…khi đi họ đều dắt
theo lợn để đổi hàng, khi đi đến đây (bản Háng Kơ Pua hiện nay) thì trời cũng tối,
13
họ phải xếp đá thành một vòng tròn để người và lợn cùng vào trong vòng tròn đá
đó để ngủ và tránh hổ bắt, từ đó người Hmông gọi nơi này là Háng Kơ Pua”.
Xã Púng Luông nằm trong vùng khí hậu mang tính chất á nhiệt đới gió mùa
vùng núi cao, nhiệt độ trung bình toàn xã là 19 0C. Vào những tháng mùa đông,
nhiệt độ có ngày xuống dưới 0 0C cùng với hiện tượng như sương muối, băng giá và
tuyết. Vào mùa hè những đợt nắng nóng có gió Lào, nhiệt độ có khi lên tới 350C.
Lượng mưa trung bình ở Púng Luông từ 1500 - 2000mm phân bố không đều,
mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 9, cực đại vào tháng 6, tháng 7. Mùa khô kéo
dài từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, khô nhất là tháng 12 và tháng 1, hiện tượng
sương mù là phổ biến và đặc biệt nhiều trong mùa đông.
Nhìn chung, khí hậu ở Púng Luông không thuận lợi cho sản xuất nông
nghiệp. Mùa đông rét kéo dài, nhiều sương muối, có năm còn có tuyết rơi, mùa hè
có mưa to, đá lở làm sói mòn đồi núi gây sạt lở đường giao thông… ảnh hưởng
không nhỏ đến sản xuất cũng như đời sống của nhân dân. Khí hậu ở đây chỉ thích
hợp với các loại cây ôn đới và một số cây bản địa như: thông, sơn tra, mận và một
số dược liệu quý như: đẳng sâm, sa nhân, hà thủ ô...
Đất đai ở Púng Luông chủ yếu là đất pheralit phát triển trên núi có mùn và
phát triển trên đá phiến thạch, loại đất thích hợp với cây chè, thông, mía. Đất ở
Púng Luông phù hợp với cây chè tuyết, do đó Púng Luông là vùng đất nổi tiếng với
sản phẩm chè trong huyện Mù Cang Chải.
Nậm Kim là con suối dài và lớn nhất, bắt nguồn từ vùng núi cao Púng Luông
thuộc xã Púng Luông, chảy dọc quốc lộ 32 qua địa phận các xã La Pán Tẩn, Dế Xu
Phình, Chế Cu Nha, Mồ Dề, Kim Nọi, Lao Chải, Khao Mang, Hổ Bốn rồi đổ về
dòng Nậm Mu ở Than Uyên. Nậm Kim là con suối có nguồn nước lớn, dồi dào, đây
là điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng hệ thống mương máng thủy lợi dẫn nước
tưới ruộng và xây dựng các trạm thủy điện nhỏ trong xã và huyện.
Về mạng lưới giao thông, trước đây việc đi lại trong xã chủ yếu dựa vào hệ
thống đường mòn dân sinh, sau này có quốc lộ 32 chạy qua địa phận xã Púng
Luông và năm 1971 huyện Mù Cang Chải mở đường Ngã Ba Kim đi Nậm Khắt đi
14
qua địa phận xã Púng Luông. Năm 2013 tuyến đường Ngã Ba Kim đi Nậm Khắt đã
được bê tông hóa tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân không chỉ ở Púng Luông mà
còn dân cư của nhiều xã khác được giao thương, đi lại ngày càng thuận tiện.
Trong xã có 3 trường học với 45 lớp học, toàn xã có 1.091 học sinh theo học
năm 2013 – 2014 và 1.087 học sinh theo học năm 2014 -2015, tỷ lệ huy động đến lớp
đạt 95 - 98%. Trong vài năm gần đây xã liên tục duy trì phổ cập giáo dục mầm non
cho trẻ 5 tuổi, khuyến khích các lớp ở bậc tiểu học đi học đúng độ tuổi, phổ cập
Trung học cơ sở. Hàng năm xã đều tổ chức lớp xóa mù chữ cho người dân, năm 2014
xã Púng Luông đã thực hiện được 02 lớp xóa mù chữ cho 49 học viên người Hmông.
Cùng với sự chuyển đổi phương thức quản lý của Nhà nước từ cơ chế bao
cấp sang nền kinh tế thị trường, huyện Mù Cang Chải đã thành lập Trung tâm
thương mại Ngã Ba Kim ở Púng Luông với hệ thống chợ, cửa hàng bách hóa tổng
hợp...thuộc nhiều thành phần kinh tế đã đáp ứng nhu cầu trao đổi mua bán của nhân
dân trong xã Púng Luông, dần dần phá bỏ tình trạng tự cung, tự cấp còn khá phổ
biến của cư dân. Người dân ở đây thường đi chợ Ngã Ba Kim và chợ Nậm Khắt. Từ
Púng Luông đi Nậm Khắt khá gần, khoảng 3km, phụ nữ Hmông trong xã thường đi
bộ đến chợ Nậm Khắt để mua bán vải, váy và các loại chỉ thêu.
1.2. Người Hmông Hoa ở xã Púng Luông
1.2.1. Về lịch sử tộc người và bức tranh phân bố dân cư
Người Hmông ở Việt Nam còn được gọi là người Mèo, ở Lào dân tộc này
được gọi là Mẹo, Trung Quốc gọi họ là dân tộc Miao/Miêu. Đây là từ Hán - Việt
gồm bộ “thảo” ở trên, bộ “điền” ở dưới có nghĩa là “mần mạ tốt” [45, tr.14]. Ở Việt
Nam hiện nay, cũng có nhiều ý kiến khác nhau về cách đọc và viết tên của tộc
người Hmông. Có ý kiến cho rằng, nên gọi dân tộc này là “Mông” thay cho
“Hmông”, nhưng có ý kiến khác không tán thành vì bản thân trong cách phát âm và
chữ viết của họ, người Hmông viết tên dân tộc mình là Hmongz. Tuy nhiên, từ khi
Tổng cục thống kê chính thức công bố bảng Danh mục thành phần 54 dân tộc ở
Việt Nam vào ngày 2-3-1979 thì tên gọi Hmông được thay thế cho tên gọi Mèo.
15
Người Hmông sinh sống ở những vùng núi cao trên dưới 1000m so với mặt
biển, họ sống tập trung đông tại các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai,
Sơn La, Lai Châu, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Riêng
ở vùng Tây Bắc, họ cư trú tập trung tại các huyện Tủa Chùa, Tuần Giáo, Điện Biên
(tỉnh Lai Châu), Mù Cang Chải, Trạm Tấu (Yên Bái), Mộc Châu, Thuận Châu (Sơn
La), Mai Châu (Hòa Bình).
Dân tộc Hmông ở Việt Nam gồm nhiều nhóm địa phương: nhóm Hmông Đơ
(Hmông Trắng), Hmông Đu (Hmông Đen), Hmông Lềnh (Hmông Hoa), Hmông Si
(Hmông Đỏ), Hmông Sua (Hmông Xanh), Na Miẻo. Sự phân biệt này một phần dựa
trên sự khác nhau về trang phục và ngôn ngữ. Giữa các nhóm có sự phân biệt về
một số bộ phận trên y phục (kích thước, màu sắc, các mô típ trang trí hoa văn...)
nhưng nhìn chung trang phục của họ là thống nhất và phân biệt hẳn về mặt tộc
người với các dân tộc khác.
Lịch sử người Hmông Hoa ở Púng Luông hiện nay chưa có tài liệu nghiên
cứu chuyên khảo nào, theo tư liệu điền dã mà tác giả thu thập được tại xã Púng
Luông cho biết các dòng họ Giàng, Thào, Lù, Mùa, Hảng… ở xã Púng Luông đã
được khoảng 6 đến 7 đời. Các cụ già trong xã Púng Luông kể: khi còn nhỏ không
thấy tổ tiên truyền lại lịch sử hình thành của vùng đất như thế nào, nên bây giờ
không ai nhớ và biết dòng họ nào đến vùng này đầu tiên, chỉ biết khi tổ tiên ông bà
đến đây vùng đất này đã được người Thái đặt tên. Tổ tiên của các dòng họ ở Púng
Luông đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Họ đi từ Trung Quốc đến Lào Cai (Việt
Nam), rồi từ Lào Cai đi lên Lai Châu, từ đây người Hmông lại chia thành nhiều
hướng đi khác nhau, người đi về Mù Cang Chải rồi đến xã Púng Luông… người đi
Điện Biên, người đi sang Lào…
Về nguồn gốc người Hmông hiện còn nhiều ý kiến khác nhau. Trong cuốn
“Lịch sử người Mèo”, học giả Savina đưa ra quan điểm người Hmông xưa kia sinh
sống ở vùng Lưỡng Hà sau đó di cư về phương Bắc - nơi quanh năm tuyết phủ, có 6
tháng ngày và 6 tháng đêm, do những biến đổi về khí hậu họ lại di cư đến vùng
16
Đông Á và người Hmông đã lập nghiệp ở đây trên vùng sông Hoàng Hà hơn 25 thế
kỷ trước Công nguyên.
Có quan điểm lại cho rằng người Hmông là một trong những tộc người nằm
trong khối Bách Việt, có chung nguồn gốc với người Dao thuộc ngữ hệ Nam Á
nhóm ngôn ngữ Hmông - Dao. Tổ tiên họ sớm biết nghề trồng lúa nước ở vùng giữa
hồ Bành Lãi và Động Đình thuộc Nam Trung Quốc. Đến thế kỷ VIII sau Công
nguyên hai tộc người Hmông, Dao mới tách ra. Từ thế kỷ IX - XVI, người Hmông
di cư về phía Tây - Nam tập trung ở Quý Châu sau đó mới di cư vào Việt Nam [75].
Hầu hết các chuyên gia nghiên cứu về người Hmông trên thế giới đều cho
rằng cách đây trên 3000 năm người Hmông đã từng sinh sống ở lưu vực sông
Hoàng Hà và là một trong những chủ nhân của Nhà nước Tam Miêu. Họ có nền văn
hóa phát triển khá rực rỡ với nền văn minh lúa nước, có chữ viết và nhà nước riêng
của mình. Tuy nhiên, dưới sự bành trướng của người Hán từ Trung Nguyên xuống
phương Nam đã khiến dân tộc này bị mất đất, mất tổ quốc, đẩy tộc người này phải
dời bỏ quê hương và di cư dần về phía Nam để tránh các cuộc tàn sát đẫm máu của
người Hán.
Người Hmông ở Việt Nam đều nói rằng: tổ tiên họ xưa kia cư trú ở Trung
Quốc. Theo các nhà nghiên cứu Việt Nam thì cho rằng người Hmông di cư vào
nước ta khoảng trên 300 năm với 3 đợt di cư lớn.
Đợt đầu, cách đây trên 300 năm, người Hmông thuộc các dòng họ Lù và họ
Giàng sinh sống ở tỉnh Quý Châu (Trung Quốc) di cư sang Đồng Văn (thuộc tỉnh
Hà Giang, Việt Nam). Thời kỳ này người Hmông ở Quý Châu nổi lên phong trào
đấu tranh chống chính sách “cải thổ quy lưu”, tức bỏ chế độ “thổ quan” thay bằng
chế độ “lưu quan” của triều đình Mãn Thanh (từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII),
song tất cả các cuộc nổi dậy đều thất bại và bị triều đình đàn áp đẫm máu.
Đợt hai, cách đây gần 300 năm, lần này người Hmông vào Việt Nam bằng
hai con đường: con đường thứ nhất vào huyện Đồng Văn thuộc tỉnh Hà Giang gồm
100 gia đình các dòng họ Hoàng, Lý, Vương; con đường thứ hai theo đường Si Ma
Cai - Bắc Hà - Lào Cai. Người Hmông di cư đến Việt Nam lần này đều có nguồn
17
gốc ở Quý Châu, Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc. So với sử sách của
Trung Quốc thì thời kỳ này trùng với phong trào khởi nghĩa của người Hmông ở
Quý Châu bị thất bại (1776 - 1820).
Đợt ba, cách đây khoảng trên 200 năm và cũng là thời kỳ người Hmông từ
Trung Quốc di cư sang Việt Nam đông hơn cả, đây là thời kỳ người Hmông ở
Trung Quốc tham gia phong trào “Thái Bình Thiên Quốc” chống lại triều đình Mãn
Thanh. Cuộc đấu tranh bị thất bại và tàn sát đẫm máu kéo dài từ năm 1840 - 1868.
Sau đợt di cư này người Hmông vẫn rải rác di cư sang Việt Nam với quy mô nhỏ lẻ.
Lịch sử của người Hmông là lịch sử của những cuộc thiên di trải dài trong
suốt hàng ngàn năm với máu và nước mắt. Một dân tộc ngoan cường vừa đấu tranh
chống lại sự tàn sát, truy đuổi của kẻ thù vừa phải bảo vệ sự sống còn của mình.
1.2.2. Đặc điểm kinh tế
Từ khi đến sinh cơ lập nghiệp ở Púng Luông đồng bào Hmông Hoa đã trải
qua một quá trình lao động lâu dài, bền bỉ để không ngừng biến rừng núi hoang vu
cùng tài nguyên thiên nhiên thành những ruộng bậc thang, những của cải vật chất
cần thiết để đáp ứng những nhu cầu của cuộc sống.
Người Hmông trước đây, coi nương rẫy là phương thức sản xuất và là nguồn
sống chính của mình trong đó nương du canh là chủ yếu. Theo Bế Viết Đẳng thì
người Hmông Hoa đã chấm dứt cuộc sống du canh du cư từ những năm 1990 [23,
tr.86], từ phương thức canh tác nương rẫy họ chuyển sang phương thức canh tác lúa
nước. Đây là kết quả sau một thời gian dài Đảng và Nhà nước thực hiện chính sách
định canh, định cư, vận động đồng bào chuyển từ phương thức canh tác truyền
thống sang canh tác lúa nước.
Người Hmông ở Púng Luông canh tác lúa nước trên các thửa ruộng bậc
thang, đặc biệt có những thửa ruộng chỉ đủ 1 đến 2 đường bừa. Công cụ làm lúa
nước của họ chủ yếu là cuốc, cày, bừa, và cào cỏ. Riêng chiếc cày của người
Hmông được rèn rất kỹ, nên có thẻ cày được đất khô với sâu từ 15 - 20cm và có khả
năng cắt được mọi rễ cây. Quy trình canh tác ruộng nước của đồng bào khá đơn
giản. Ruộng thường chỉ cày một lần phơi cho ải đất, rồi tháo nước vào ruộng ngâm
18
từ 10 - 15 ngày rồi bừa cho đất ải, nhỏ ra, hoặc dùng trâu bò giẫm kỹ và nhặt sạch
cỏ. Quy trình làm xong ruộng cấy mới làm ruộng mạ. Đồng bào thường chọn một
mảnh nương tốt để gieo mạ, mạ được gieo dầy sau đó tỉa dần.
Hiện nay, người Hmông Hoa ở Púng Luông đã trồng hai vụ lúa trong một
năm: vụ Đông xuân và vụ mùa. Với vụ Đông xuân người Hmông làm đất, gieo mạ
vào tháng 12 dương lịch, đầu tháng 1năm sau bắt đầu cấy và thu hoạch vào tháng 7
dương lịch. Lúa mùa đồng bào gieo mạ vào tháng 4 và thu hoạch vào cuối tháng 8
đầu tháng 9 dương lịch. Vụ ngô xuân - hè bà con làm đất gieo ngô từ cuối tháng 3
đến đầu tháng 4 dương lịch, thu hoạch cuối tháng 8 hàng năm.
Ngoài các loại cây nông nghiệp, người Hmông Hoa còn trồng các loại cây ăn
quả như: sơn tra, đào, mận… Cây công nghiệp gồm các loại: thông, chè, thuốc lá,
lanh... Cây dược liệu gồm các loại như: đẳng sâm, sa nhân, hà thủ ô… Trước đây,
đồng bào Hmông trồng thuốc phiện rất nhiều, ngoài việc sử dụng thuốc phiện để
chữa bệnh còn dùng hút hàng ngày, đặc biệt là một lễ vật không thể thiểu trong đám
cưới. Tuy nhiên, do chủ trương xóa bỏ cây thuộc phiện Đảng và Nhà nước nên từ
lâu đồng bào đã không trồng thuốc phiện nữa.
Về lâm nghiệp, ở xã Púng Luông hiện có ba loại rừng với tổng diện tích
4.057 ha. Trong đó rừng trồng 2.223,96 ha, rừng tự nhiên 1490,8 ha, rừng khu bảo
tồn 342,2 ha.
Bên cạnh nông, lâm nghiệp thì chăn nuôi cũng là một ngành kinh tế bổ trợ
quan trọng trong cơ cấu kinh tế của người Hmông. Các loại gia súc, gia cầm thường
được nuôi trong các gia đình gồm có trâu, bò, lợn, dê, gà, vịt… Trước kia, người
Hmông còn nuôi ngựa để lấy vật thồ hàng và đi lại, nhưng hiện nay xe máy đã dần
thay thế ngựa. Mục đích chính của chăn nuôi đối với người Hmông chủ yếu nhằm
thỏa mãn về sức kéo, vận chuyển và đặc biệt chăn nuôi của họ còn được dùng vào
mục đích tôn giáo, tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng (lễ tết, ma chay, cưới hỏi …).
Đàn gia súc, gia cầm của họ thường được chăn thả tự do quanh nhà. Riêng trâu, bò
khi lớn có giá trị kinh tế cao dễ bị dắt trộm họ mới nhốt chuồng và chăm sóc chúng
bằng cách lấy cỏ tươi, rơm cùng việc cho ăn cám nấu hàng ngày để chăm sóc và vỗ
19
béo chúng. Lợn, gà, vịt thả rông là chính, chúng thường kiếm ăn quanh nhà và họ
cho chúng ăn hai lần trong ngày, vào buổi sáng và tối. Trước kia, đàn gia súc còn là
một tiêu chuẩn đánh giá giàu nghèo, nên gia đình người Hmông nào cũng mong
muốn có một đàn gia súc, gia cầm đông đúc và béo tốt.
Theo báo cáo của Đảng bộ xã Púng Luông trong 9 tháng đầu năm 2014 đàn
gia súc trong toàn xã có 1.091 con, trong đó đàn trâu 672 con, đàn bò 279 con đàn
dê 140 con, riêng đàn lợn đạt 2.759 con. Cũng theo báo cáo số gia cầm chủ yếu là
gà, vịt, ngan, ngỗng trong 9 tháng có 8041con, ngoài ra đồng bào còn nuôi ong lấy
mật tổng số có 552 tổ.
Về sản xuất tiểu thủ công nghiệp, người Hmông Hoa ở Púng Luông có nghề
rèn, đúc, dệt may, đan lát mây tre, làm đồ gỗ… Nghề rèn, đúc của người Hmông từ
xưa đến nay nổi tiếng là bền với các sản phẩm như cày, cuốc, dao…. riêng 9 tháng
đầu năm 2014 sản xuất tiểu thủ công nghiệp đã đạt 2 tỷ đồng [19].
Về dịch vụ thương mại, xã Púng Luông có chợ trung tâm Ngã Ba Kim nên
dịch vụ thương mại của xã phát triển và cao hơn so với các xã lân cận. Dưới sự chỉ
đạo của xã các hoạt động thương mại được tiến hành đều đặn, thuận lợi, mức luân
chuyển hàng hóa 9 tháng đầu năm của xã đạt 3,5 tỷ đồng. Riêng hoạt động thu mua
chè búp tươi đạt 24 tấn, hoạt động khai thác nhựa thông đạt 4 tấn.
Kinh tế tự nhiên như săn bắt, đánh cá, hái lượm cũng có vị trí khá quan trọng
trong đời sống của người Hmông Hoa. Họ thường thu hái củ gấu, đẳng sâm, hà thủ
ô, hoàng liên, cánh kiến… những thứ có giá trị hàng hóa cao để trao đổi và tìm
kiếm các loại cây, củ, quả, rau trên rừng để làm phong phú thức ăn trong gia đình.
Đồng bào còn săn bắn các loại muông thú như: lợn rừng, gấu, cầy, chồn, khỉ, sóc,
chim… để tăng nguồn thực phẩm cho gia đình và cũng là một loại hàng hóa để bán
cho giá trị cao.
Nhìn chung, kinh tế của người Hmông Hoa ở Púng Luông chủ yếu vẫn là
nông nghiệp và chăn nuôi. Hoạt động thương mại, dịch vụ buôn bán khá phát triển
nhưng lại nằm trong tay người Kinh và họ đều là người từ nơi khác đến sinh sống,
làm ăn dần dần họ trở thành cư dân trong xã.
20
1.2.3 Các dạng thức văn hóa cơ bản
Ăn, uống: Nguồn lương thực chủ yếu của người Hmông Hoa ở Púng Luông
là ngô và lúa. Theo truyền thống, đồng bào ăn 2 bữa một ngày, ăn vào bữa sáng và
tối, vào ngày mùa thì ăn 3 bữa. Hiện nay, đồng bào đã ăn 3 bữa một ngày. Đối với
ngô người Hmông xay thành bột để làm món cơm ngô gọi là “máo của”, với gạo tẻ
người Hmông dùng để nấu cơm, bằng cách họ cho gạo vào nồi luộc qua, sau đó
đem đồ, giống như đồ xôi, gạo nếp người Hmông chỉ để đồ xôi, giã bánh dày vào
dịp lễ tết, đám cưới hoặc nhà có khách quý còn ngày thường họ không dùng. Các
món ăn của người Hmông Hoa chủ yếu được chế biến theo công thức luộc hoặc
xào. Các loại rau, củ được cắt rất to và thường để cả vỏ khi chế biến như: bí đỏ, xu
xu... Bên cạnh đó vào khoảng tháng 10 dương lịch hàng năm, họ có món măng nứa
được xắt nhỏ bằng đốt ngón tay đem ướp với muối và ớt để làm thức ăn cho mùa
đông. Các loại thịt (trâu, bò, lợn) nếu ăn không hết họ thường để dành bằng cách
sấy khô trên gác bếp. Khi ăn, cơm và rau được người Hmông xúc ăn bằng thìa, canh
ít chan vào bát mà thường dùng thìa để uống. Thông thường vào dịp tết hoặc nhà có
khách bữa cơm bao giờ cũng sang hơn thường ngày. Trước kia, khi nhà có khách là
phụ nữ những người trong gia đình người Hmông không được ngồi ăn chung mâm
với khách, còn hiện nay mọi người trong gia đình và khách đều ăn chung một mâm.
Khi bầy mâm cơm, trên bàn có một chậu cơm, bát to đựng thức ăn chung, một bát
canh, bát muối ớt được đặt ở giữa nhiều người cho rằng đây là biển hiện của tính
cộng đồng. Người Hmông rất thích uống rượu, chủ yếu là rượu ngô được họ tự
chưng cất, khi uống họ dùng bát hoặc chén. Trước kia, người Hmông có tục hút
thuốc phiện, hầu như gia đình nào cũng có từ một đến vài ba bàn đèn, cả đàn ông,
đàn bà, người già, trung niên đều hút thuốc phiện. Đồng bào thường hút trước lúc đi
làm, sau khi ăn trưa và sau bữa tối. Thuốc phiện được người Hmông coi như là cơm
ăn, nước uống của mình, nó còn là là lễ vật quan trọng trong lễ thách cưới của
người Hmông Hoa. Từ khi thực hiện Nghị quyết 06 của Chính phủ, đồng bào
Hmông Hoa ở Púng Luông đã dần bỏ tập quán trồng và hút thuốc phiện. Ngày nay,
21
đồng bào chuyển sang dùng thuốc lào và thuốc lá, những loại thuốc hút này họ vừa
tự trồng trong vườn nhà, vừa mua ở ngoài chợ đem về hút.
Ở: Người Hmông cư trú thành các làng, bản. Bản được cấu trúc theo lối mật
tập, nhà cửa bố trí rải rác ở ven sườn đồi. Nhà ở của người Hmông Hoa ở Púng
Luông là nhà trệt, toàn bộ ngôi nhà được làm bằng gỗ Pơ mu, đây là một loại gỗ
thuộc họ Sa mộc có mùi rất thơm. Nhà người Hmông không làm theo một hướng cụ
thể, mà làm nhà quay lưng về núi, mặt trước nhìn ra ruộng hoặc nguồn nước. Nhà
của người Hmông có đặc trưng là thấp, tối và kín, trong nhà không có cửa sổ, nếu
muốn lấy ánh sáng người ta lấy một cái gậy rồi gạt tấm mái sang một bên để lấy ánh
sáng. Hiện nay, mái nhà lợp bằng ván gỗ Pơ mu được thay thế bằng tấm lợp prôximăng do được Nhà nước cung cấp theo chương trình 135 và một phần cũng do
người dân tự thay đổi. Ngôi nhà của người Hmông Hoa có kết cấu ba gian, hai chái,
cửa chính đặt ở gian giữa, cửa phụ đặt ở gian có bếp lò, tuy nhiên cũng có nhà đặt
cửa phụ ở phía bếp sưởi. Gian giữa của ngôi nhà là nơi đặt bàn thờ “sử cang”, bàn
thờ rất đơn giản chỉ là một tấm giấy bản được dán lên vách, đây được coi là một vị
trí linh thiêng trong gia đình nên kiêng phụ nữ và khách lạ lại gần vị trí này. Buồng
của chủ nhà và buồng của vợ chồng con trai được bố trí ở gian đặt bếp lò, đặt theo
thứ tự, buồng bố mẹ đầu tiên sau đó đến buồng của của các con trai đã lập gia đình.
Gian bên bếp sưởi đặt một chiếc giường khách, khi không có khách con trai chưa
vợ trong nhà sẽ ngủ ở đây, con gái đến tuổi trưởng thành sẽ được bố mẹ làm cho
một cái buồng nhỏ đặt tại gian này.
Trong sinh hoạt hàng ngày của người Hmông Hoa ở Púng Luông, nếu không
cần ra ngoài họ rất ít khi mở cửa chính cũng như cửa phụ, lý do thứ nhất là để giữ
ấm, thứ hai họ kiêng lợn, bò, trâu vào nhà, vì đối với họ khi lợn, trâu, bò, vào nhà là
có lễ cúng.
Mặc: Nam giới người Hmông Hoa theo truyền thống trước kia, trong đời
sống hàng ngày đều mặc trang phục truyền thống của mình. Trang phục của nam
giới gồm: quần, áo ngắn, thắt lưng, khăn bịt đầu, tất cả đều được dệt bằng sợi lanh.
Quần của nam giới may kiểu quần chân què, cạp rộng lá tọa, đũng quần thấp, khi
22
mặc cạp được dắt sang một bên rồi dùng thắt lưng vải hoặc da thắt lại cho chặt.
Trong lễ hội và trong lễ cưới nam giới người Hmông Hoa sẽ mặc một chiếc áo trắng
ở bên trong sau đó mặc áo khoác ngắn ở ngoài, để lộ một phần nhỏ màu trắng của
chiếc áo bên trong, đó là một kiểu mặc họ ưa thích. Hiện nay, đại bộ phận nam giới
người Hmông Hoa không còn mặc trang phục truyền thống nữa, họ đã chuyển sang
mặc Âu phục, họ chỉ mặc trang phục truyền thống trong đám cưới, đám ma và trong
lễ hội.
Trang phục truyền thống của phụ nữ Hmông Hoa gồm: áo xẻ ngực không có
cúc, khi mặc được khép chéo trước ngực hoặc bên sườn, nách; váy xếp nếp có nhiều
hoa văn, họa tiết được tạo ra bằng kỹ thuật in sáp ong, thêu và ghép vải; tấm vải che
trước váy, thắt lưng, xà cạp và khăn đội đầu, toàn bộ đều phải làm bằng vải lanh.
Hiện nay đã thấy nhiều người ở lứa tuổi trung niên và thanh niên mặc những kiểu
váy mới có kỹ thuật may hiện đại. Váy được dập nếp, in hoa, chất liệu vải công
nghiệp được sản xuất từ Trung Quốc được bà con mua ở chợ mang về mặc.
Có một bộ phận nhỏ nữ thanh niên Hmông Hoa đi học xa ở huyện, tỉnh và
những người làm công chức nhà nước có xu hướng mặc theo cách mặc của các cô
gái người Kinh. Chỉ khi về nhà họ mới mặc trang phục của người Hmông Hoa.
Phương tiện đi lại: Púng Luông là một vùng núi cao, phương thức đi lại
truyền thống của đồng bào là đi bộ và ngựa. Người Hmông dùng ngựa để đi lại và
thồ hàng, ngựa là một con vật được nuôi rất chu đáo và được “cưng” nhất của đồng
bào Hmông, có nghìn vàng chưa chắc đã mua được con ngựa quý của họ.
Tuy nhiên, từ sau năm 1995, người Hmông Hoa đã thấy được sự tiện lợi của
xe máy nên đã dần thay đổi phương tiện đi lại truyền thống của mình sang dùng xe
máy thay cho ngựa. Xe máy hiện nay được coi như là “con ngựa sắt” của người
Hmông, nó thay thế hoàn toàn con ngựa trước kia và tài đi xe máy trên đường dốc
núi, đường đất lầy bùn, trơn thì có lẽ không ai tài bằng. Người dùng xe máy đi lại
nhiều nhất là nam giới, nữ giới chủ yếu là đi bộ, còn một bộ phận nhỏ trẻ em
thường đi xe đạp đến trường học.
23
Tín ngưỡng: Tín ngưỡng truyền thống của người Hmông là thờ đa thần với
hệ thống “thần, ma” nhiều chủng loại, thành phần trong đó thờ cúng tổ tiên là một
trong những tín ngưỡng qua trọng nhất và có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống
tâm linh của người Hmông Hoa. Trong ngôi nhà người Hmông Hoa bàn thờ tổ tiên
“sử cang” đồng thời là bàn thờ ma nhà được đặt ở bức vách hậu ở gian giữa của
ngôi nhà. Bàn thờ chỉ là một tấm giấy bản màu trắng hình chữ nhật được cắt và đục
lỗ hình bán nguyệt, hình tròn, hình cái muôi tượng trưng cho sự sung tú, no đủ.
Người Hmông cúng ma nhà vào dịp Tết (Theo lịch của người Hmông mỗi tháng có
30 ngày, hết 12 tháng là đến Tết, Tết của họ thường rơi vào khoảng đầu tháng 12
âm lịch). Tùy theo mỗi dòng họ mà ngày cúng ma nhà khác nhau, thường họ cúng
từ khoảng 28 tháng 12 âm lịch trở đi. Khi cúng họ họ sẽ bắt một con gà trống và cắt
tiết trước bàn thờ, sau đó họ lấy lông cổ gà và máu gà dính lên tấm giấy bản. Tùy
theo mỗi dòng họ mà vị trí bôi tiết gà và số lông cổ gà là khác nhau ví dụ: bàn thờ
họ Thào ở xã Púng Luông có 4 vị trí được bôi tiết gà và mỗi vị trí có dính 05 lông
cổ gà [xem Ảnh.7], họ Lù thì không thấy mảnh giấy dán trên vách ở gian giữa,
nhưng họ vẫn cúng ma nhà tại vị trí đó.
Ngoài dịp Tết người Hmông còn cúng ma nhà vào các ngày rằm tháng bảy,
tết cơm mới, những khi làm ma khô cho người chết hoặc trong nhà có người ốm
đau, bệnh tật… Trong nhiều lễ cúng còn kiêng người lạ vào trong nhà.
Ma cột chính (cù dề đăng): Trong mỗi ngôi nhà Hmông Hoa đều có một cây
cột ma hay gọi là cột chính. Cây cột chính nằm ở giữa vì kèo chính và cột nằm ở
gần buồng chủ nhà và ở phía bếp lò của ngôi nhà. Đây là cây cột thiêng, người ta
kiêng không được ngồi dựa lưng vào cột, không được treo bất cứ thứ gì xung quanh
cột ma. Người Hmông khi sinh con, nếu sinh con trai thì nhau thai sẽ được trôn ở
dưới cột ma nhà, vì con trai là chủ gia đình. Họ cho rằng cột ma làm nhiệm vụ bảo
vệ cho cửa nhà bền vững, chống chọi được mọi gió mưa và bảo vệ được hồn của
mọi người trong nhà không cho chúng đi lang thang. Cột ma nhà là nơi tập trung
hồn của con người tại đó và nó tượng trưng cho sự vững trãi của gia đình. Hàng
năm lễ cúng ma cột cái cũng được cúng vào dịp Tết của người Hmông. Lễ vật là
24
một con lợn cái khoảng 10kg còn sống, được buộc vào chân cột, xung quanh chân
cột cắm hương, số hương tương đương với số người trong gia đình. Công việc
chuẩn bị xong ông chủ nhà sẽ đọc bài khấn cột ma nhà để ma trông nom các hồn và
bảo vệ nhà cửa. Khi gia đình có người ốm đau, bệnh tật thì cũng cúng cột ma nhà.
Ma cửa (bô chồng): Người Hmông Hoa coi “ma cửa” như một người “lính”
gác cửa, làm nhiệm vụ ngăn chặn không cho những điều xấu vào nhà. Ma cửa
thường trú ngụ trên miếng vải hoặc miếng giấy hình chữ nhật dán ở bức tường phía
trên cửa ra vào. Mỗi khi làm nhà xong gia đình nào cũng phải làm lễ nhập “ma
cửa”. Trong buổi lễ thầy cúng đứng trước cửa gõ thanh la, gọi “ma cửa” nhập về,
còn người nhà cầm hai con gà trống vái ba lần cầu mong “ma cửa” nhập vào con gà.
Sau đó ông ta cắn vào mào gà và dùng tiết máu gà bôi lên miếng giấy hay tấm giấy
bản dán ở trước cửa nhà. Trong năm, nếu trong nhà có người ốm đau, gia súc bị
chết thì gia đình thắp hương khấn ma cửa. Lễ vật là một con lợn cái khoảng 10 kg,
cùng với lứa lợn mới đẻ và chỉ được phép mổ lợn trong nhà. Toàn bộ lông, móng,
xương, nước làm con lợn được chôn vào một hố ở gần của chính mà không được đổ
ra ngoài. Khi cúng phải đóng chặt cửa, không cho người ngoại tộc vào tham dự.
Trường hợp có khách lạ, nhất là người ngoại tộc đến nhà gặp trong khi đang cúng,
thì tuyệt đối không được nói tiếng của tộc người mình.
Ma bếp lò (khó trùng): Ma bếp là ma liên quan đến nông nghiệp, bảo vệ mùa
màng tốt tươi, sản xuất phát triển là nhờ có ma bếp phù hộ. Ma bếp còn liên quan
đến sức khỏe và chăn nuôi, là người trông coi tài sản cho gia đình khi gia chủ đi
vắng. Chính vì vậy ma bếp cũng là một ma rất quan trọng trong tín ngưỡng của
người Hmông. Do có vị trí quan trọng như vậy xung quanh bếp có khá nhiều kiêng
kị và nghi lễ. Giống như các ma khác, ma bếp cũng được cúng vào ngày Tết, lễ vật
là một con gà, chủ nhà đặt con gà luộc trên mâm và đọc bài cúng. Sau khi làm lễ
xong người Hmông kiêng trong 3 ngày không nhóm bếp, không thổi lửa, nếu nhóm
bếp, thổi lửa mùa màng năm đó sẽ bị gió cuốn đi. Khi nấu ăn không được đánh đổ
nước, nhất là nước cơm xuống bếp để tránh mưa to phá hoại mùa màng, không
được giẫm chân lên bếp, cáu kỉnh khi nhóm bếp, nếu không ma bếp sẽ giận mà bỏ
25