ĐẠI HỌC HUẾ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGHỆ THUẬT
KHOA HỘI HỌA
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP
HỆ ĐẠI HỌC CHÍNH QUY
TÍNH NHỊP ĐIỆU TRONG TRANH
GIẢNG VIÊN HƯỚNG DẪN: ThS. HÀ VĂN CHƯỚC
SINH VIÊN THỰC HIỆN: NGUYỄN THANH NAM
NGÀNH HỘI HỌA - KHÓA 34 (2010 - 2015)
THỪA THIÊN HUẾ - 2015
LỜI CẢM ƠN
Tôi xin chân thành cảm ơn.
Qúy thầy cô khoa hội họa trường đại học nghệ thuật Huế đã tận
tình giúp đở và tạo điều kiện cho tôi hoàn thành tốt khoá luận cuối khóa
này . Đặc biệt trong quá trình thực hiện đề tài tốt nghiệp tôi đã nhận nhiều
sự góp ý và giúp đỡ tận tình của thầy HÀ VĂN CHƯỚC. Tôi xin trân trọng
cảm ơn Thầy !
Sinh viên thực hiện
Nguyễn Thanh Nam
MỤC LỤC
A. Phần mở đầu.
1. Lý do chọn đề tài.
Trong lịch sử mỹ thuật thế giới có rất nhiều tác phẩm hội họa được các
họa sĩ thể hiện thành công bằng nhiều loại chất liệu khác nhau. Và cho dù ở
chất liệu nào đi chăng nửa thì hiệu quả thẩm mỹ là yếu tố quyết định làm nên
cái đẹp của tác phẩm đó.
Là ngôn ngữ biểu hiện tình cảm con người và của thiên nhiên tạo nên giá
trị thẩm mỹ trong bức tranh, ngoài ra các quy tắc tạo hình không chỉ có vai trò
thể hiện nội dung mà nó còn nêu lên cái đẹp của hội họa,
Đi sâu và cụ thể hơn trong chất liệu sơn mài. Tôi muốn tìm hiểu những
quy tắc tạo hình, cũng như tiếng nói chung của ngôn ngữ hội họa nhằm nâng
cao kiến thức cơ bản cho bản thân. Từ đó vận dụng một cách có hiệu quả
trong tác phẩm tốt nghiệp và trong sáng tác nghệ thuật.
2. Mục đích nghiên cứu đề tài.
Xuất phát từ mối liên hệ, mục đích và yêu cầu của tác phẩm tốt nghiệp
tôi nhận thấy rằng việc nghiên cứu đề tài khóa luận “Tính nhịp điệu trong
tranh” là rất cần thiết nhằm xây dựng tác phẩm tốt nghiệp được tốt hơn.
3. Phương pháp nghiên cứu.
Với bài khóa luận này tôi chỉ tập trung nghiên cứu nhịp điệu trong tranh.
Thông qua thực tế của một số tác phẩm tiêu biểu sách báo mĩ thuật,
thông tin mạng.
Phân tích các tác phẩm hội họa của những thế hệ đi trước và tổng hợp
những lý luận để rút ra kinh nghiệm cho bản thân trong quá trình xây dựng tác
phẩm.
Sắp xếp bố cục các yếu tố tạo hình trong một bức tranh là điều quan
trọng với người nghệ sĩ muốn truyền đạt cảm xúc thông qua tác phẩm nghệ
thuật của mình. Có vô số các nguyên lý thị giác trong một bức tranh chi phối
bởi đường nét, hình dạng, màu sắc, không gian, độ sâu. Mỗi đường nét, hình
dạng, hoặc màu sắc có tầm quan trọng riêng của nó trong một bức tranh
hoàn chỉnh. Yếu tố giúp một bức tranh trở nên hoàn thiện hơn, người nghệ
sỹ thường có những lựa chọn suy nghĩ của mình từ những cảm xúc muốn
truyền đạt
Nhưng ở đây tôi muốn tìm hiểu quy tắc và yếu tố nhịp điệu trong tranh.
Trước hết muốn hiểu điều này ta tìm hiểu: NHỊP ĐIỆU LÀ GÌ.
B. Phần nội dung.
1. Khái niệm về nhịp điệu.
Nhịp điệu là sự biểu hiện của thế giới tự nhiên hoặc nghệ thuật, mang
những nét đặc thù và đa dạng của sự vật và hiện tượng, hay còn gọi là tiết điệu.
2. Nhịp điệu trong cuộc sống.
Nhịp điệu có trong sự vật hiện tuợng, trong thiên nhiên, trong cuộc sống,
tình cảm. Đó là hiện tuợng tự nhiên trong cuộc sống xã hội mang tính khách
quan. Bản chất của từng sự vật hiện tuợng chắc chắn ngầm chứa nhịp điệu,
đây là cơ sở hình thành nên cuộc sống trên cơ sở khoa học. Nhịp điệu được
tiềm ẩn trong cuộc sống và tình cảm của con nguời, phản ánh bản chất của sự
vật và hiện tượng như mây bồng bềnh, sóng biển uốn lượn đan xen tầng tầng
lớp lớp, lúc nhẹ nhàng uyển chuyển, lúc dữ dội, ngày và đêm xen kẽ vô cùng,
xa xa nơi chân trời ta thấy những đồi núi chập chùng. Những người lao động
thường thấy những động tác hối hả nhộn nhịp, lúc nghỉ ngơi thì nhịp điệu nhẹ
nhàng...Dù ta có muốn hay không thì nhịp điệu đó vẫn tồn tại theo quy luật
nhất định nào đó của không gian và thời gian.
Trong thiên nhiên nhìn lên bầu trời khi bồng bềnh mây trắng, khi rực rỡ
những tia nắng vàng, những giọt mưa lúc có lúc không, lúc nhiều lúc ít, đồi
núi cho ta nhịp điệu trùng trùng điệp điệp, những đồng ruộng mênh mông cho
ta nhịp điệu của sự bình yên, nhịp điệu của sóng biển lúc lăn tăn gợn tí, lúc rì
rào dữ dội, nhịp tim đều đặn tuần hoàn, ngọn lửa bập bùng truớc gió, lúc tỏ
lúc mờ...Hằng ngày con người thường bắt gặp nhịp điệu cuộc sống hối hả, xe
cộ nguợc xuôi cho ta sự dồn nén, bận rộn, năng động...
3. Nhịp điệu trong cảm xúc cuả người họa sĩ.
Khi nói đến nhịp điệu là nói đến sự chuyển động và có tính lặp lại. Nhịp
điệu trong tranh là sự tiếp nhận của ý thức đối với biểu hiện của sự vật hiện
tuợng như đường nét màu sắc, ánh sáng, hình mảng, con nguời, đồ vật, động
thực vật... Tồn tại theo một qui luật nào đó trên một bức tranh.
5
Nhịp điệu của cuộc sống, đuợc ẩn kín trong tiềm thức, thói quen phù hợp
yêu cầu thẩm mỹ của mỗi cá nhân và khi sáng tác tranh nhịp điệu cũng theo
mỗi cá nhân mà biểu hiện. Trong tình cảm con nguời, có lúc buồn lúc vui,lúc
giận dữ, lúc nhẹ nhàng. Nhịp điệu cuộc sống của con nguời cũng là nguồn
cảm hứng vô tận cho giới nghệ sĩ trong tất cả các loại hình nghệ thuật. Trong
lĩnh vực nghệ thuật tạo hình, nhịp điệu đuợc thể hiện bằng những đuờng nét
hình khối, màu sắc và ánh sáng... Ở từng mức độ khác nhau như to nhỏ, ngắn
dài, ngang dọc, tương phản. Đối với hoạ sĩ việc tiếp cận được với nhịp điệu
trong thiên nhiên, trong cuộc sống rất quan trọng nhất là khi muốn phản ánh
những rung động của mình trên các chất liệu nghệ thuật.
Để xây dựng tác phẩm, bố cục tranh và có khả năng làm nổi bật chủ đề
mà nguời hoạ sĩ muốn thể hiện theo cách của mình. Công việc sáng tạo nghệ
thuật có mang lại hiệu quả cao hay thấp còn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng
của mỗi người hoạ sĩ. Bức tranh dù đẹp hay xấu cũng mang trong mình một
nhịp điệu như đường nét, màu sắc, hình khối... Những yếu tố này ngầm khái
quát các vấn đề của thiên nhiên, cuộc sống con người. Nhịp điệu trong tranh
kín đáo, đầy đủ và cô đọng, sẵn sàng hiện nguyên hình cá tính của người nghệ
sĩ. Cũng có thể thấy được nỗi buồn của người nghệ sĩ, được biểu hiện thông
qua đường nét tĩnh lặng đơn độc, sự vận động không linh hoạt, màu sắc ảm
đạm. Với niềm vui của người nghệ sĩ luôn có những đường nét thanh thản, đi
lên, bút pháp mạnh mẽ, màu sắc sinh động.
Nhịp điệu luôn gắn liền với tư duy sáng tạo của người hoạ sĩ và tính
thẩm mĩ của mỗi người. Khi phản ánh thiên nhiên cuộc sống nhịp điệu được
sắp xếp theo chủ quan của người hoạ sĩ. Ví dụ như nhà cửa trong thành phố,
xét một cách tổng thể gồm những khối hình học như: vuông, trò, tam giác...
Được phối hợp rất phức tạp tạo ra nhịp điêu, khi đưa vào tranh thì người hoạ
sĩ phải chắt lọc tạo một phong cách cho riêng mình.
6
Thông thường nhịp điệu trong tranh mang tính chủ quan của mỗi hoạ sĩ
thông qua cảm xúc phù hợp với tâm tư tình cảm, cùng một sự vật hiện tượng
nhưng mỗi họa sĩ có một cách đánh giá và cảm xúc khác nhau. Có hoạ sĩ ưa
những nhịp điệu mềm mại êm đềm, có hoạ sĩ thích nhịp điệu cuồng loạn, tuy vậy
sự kết hợp hài hoà giữa tĩnh và động, ngang và dọc, cao và thấp, trong mỗi bức
tranh phụ thuộc trình độ cảm thụ hình ảnh và quan điểm của mỗi hoạ sĩ.
4. Nhịp điệu trong tranh.
Hoạ sĩ là người tạo ra nhịp điệu trong tranh từ những cảm xúc về sự vật
hiện tượng, kết hợp các ngôn ngữ tạo hình tạo ra sự thống nhất cô đọng, linh
hoạt và tinh tế. Nhịp điệu trong tác phẩm hội họa là sản phẩm của sự chuyển
động từ đường nét, màu sắc, hình mảng, ánh sáng...
a. Nhịp điệu của đường nét.
Đường nét là thủ pháp biểu hiện của hội hoạ rất đa năng do con người
sáng tạo ra. Đường nét là tập hợp những điểm chuyển động trên một mặt
phẳng, có nhiều loại đường nét thường gặp trong tranh như: đường thẳng,
đường cong, đường tròn, đường xoắn ốc, đường zích zắc...Tùy theo tính chất
và vị trí của đường nét, tùy theo những đường viền kết hợp, có thể làm rung
cảm tâm hồn và tạo những nguồn cảm xúc khác nhau. Đường nét trong tranh
là sản phẩm của tư duy trừu tượng kết hợp với tư duy hình tượng. Đường nét
là sự biểu hiện và mô phỏng theo chiều hướng, hình khối và chất liệu của mọi
sự vật hiện tượng. Trong một hình dạng hay hình thể nhất định, đường nét có
vai trò như là đường giới hạn hay bao bọc từng phần hoặc toàn thể, theo cách
này thì một đường dùng để mô tả một vùng gọi là đường viền, như trong bức
tranh “Hạt giống nghìn năm” của hoạ sĩ Lương quốc Thắng. Sự kết hợp giữa
đường nét và màu sắc trong sơn mài tạo nên sự biểu cảm quan trọng( hình 1)
Đường bao giờ cũng chỉ ra phương hướng nhất định và chúng tạo nên
nhiều cảm xúc thẩm mĩ khác nhau, đường thẳng đứng có cảm giác cao vợi, đó
là từ những hình tượng quen thuộc như đỉnh cao tháp nhọn, trụ đỡ... Đường
7
nét thẳng đứng cũng có cảm giác tĩnh lăng, lạnh lẽo. Đường ngang tạo sự ôn
định chắc chắn, đường xiên tạo cảm giác không ổn định nhưng linh hoạt.
Đường là gắn với phương hướng, còn nét gắn với đặc điểm và nhận dạng như
nét to nhỏ... Bằng nét ta có thể diễn tả được độ rắn chắc của thép, bồng bềnh
của mây. Bằng nét Vicent Vangogh (1853-1890) đã tạo ra bầu trời phong ba
bão tố hay bầu trời có ánh sáng vàng chói chang. (xem hình 2)
Cũng có đường xiên tạo cho ta cảm giác lung linh hồi tưởng. Tranh phố
cổ Bùi Xuân Phái thường tạo những đường xiên của nóc nhà, mái ngói, những
đường bút, đuờng giao nhau mảnh liệt, những đường xiên đen như gờ chỉ gắn
trên cửa sổ tạo ngăn hình tượng thành từng ô rõ rệt, những mái ngói rũ xuống
tạo cho ta cảm giác xao động lung linh, hồi tưởng những quá khứ vang vọng
xa xôi. (xem hình 3)
Ta nhận thấy những loại đường nét gợi cho trí óc chúng ta cái cảm tưởng
khá rõ ràng để nhận định cái ý nghĩa riêng biệt của nó. Những sự phù hợp sẵn
có giữa đường nét và cảm giác đã được nghiên cứu kỹ càng và được dùng cho
bộ môn kiến trúc và trang trí.
Như vậy ta có thể cảm nhân rằng: đường thẳng có nghĩa riêng là phù hợp
với nghị lực và bền bỉ biểu lộ sự cương quyết mà đường cong không có được,
đường cong chỉ có thể gợi cho ta sự mềm dẻo, yếu đuối và kết tụ, đường
cong không có được tính chất rõ ràng như đường thẳng, nhưng rất mỹ miều
hấp dẫn. Đường gẫy khúc khi cứ kéo dài mãi thì với sự chập chờn và run rẩy
của nó cho ta cảm giác linh động. Đường nét lại còn cho ta nhiều cảm giác
đặc biệt tùy theo vị trí của nó và cách xếp đặt, đường ngang gợi cảm giác bình
thản, buồn bã biểu lộ sự lâu dài. Trái lại đường dọc gợi cho cảm giác sôi nổi
và phát sinh ra cảm giác trang nghiêm, cao quý. Đường hội tụ cũng có thể gợi
cho ta sự thoát ra, sự vô tận. Tùy theo vị trí của điểm tụ mà những đường đó
cho ta cảm giác đi lên hay cảm tưởng về chiều sâu. Đường chéo gợi sự vận
động, tốc độ, nếu bắt chéo nhau nó biểu lộ sự lẫn lộn, không thăng bằng và
được phân chia đều đặn, nó cho ta cảm giác vững vàng.
8
Những đường nét có hướng từ trái sang phải, từ dưới lên trên tạo cho ta
cảm giác thuận mắt và có sức đột phá. Còn đường nét từ phải sang trái tạo cho
ta cảm giác ngược lại. Đường nét là một trong những yếu tố tạo nên tranh,
đường là gắn với phương hướng, còn nét gắn với đặc điểm và nhận dạng như
nét to nhỏ... Bằng nét ta có thể diễn tả được độ rắn chắc, mềm mại của vật thể,
ta thường gặp những nét thanh khô, đậm nhạt, cứng mềm trong các tác phẩm
hội họa nó thể hiện các tính chất của sự vật hiện tuợng, bên cạnh đó đường
nét được kết hợp tạo ra nhịp điệu. Nhịp điệu của đường nét đuợc thể hiện một
cách cụ thể mang tính chắt lọc và sự kết hợp nhiều loại nét như to, nhỏ, cùng
với sự thay đổi mật độ thưa dày và thay đổi chiều hướng của đường nét. Văn
Cao khi vẽ tác phẩm " Thanh niên vùng cao " đã dùng nhịp điệu của đường
nét để diễn tả, kết hợp giữa nét cứng và mềm được thể hiện qua các đặc tính
của sự vật ông dùng đường nét cong ở cổ đuôi mông con ngựa với chiếc mũ
của người thanh niên vùng cao.Còn đường nét thẳng ở chân ngựa với nguời
thanh niên, để tạo ra những đường nét tương phản và tương đồng nói lên nội
dung và chủ đề của bức tranh. (xem hình 4)
b. Nhịp điệu của hình khối.
Khối là biểu hiện thể tích của vật trên mặt phẳng nhờ sự vận động của
mảng, có thể diễn tả được thể tích của vật trên cơ sở đậm nhạt của sự tiếp thu
thị giác. Hình và khối cũng là biểu hiện ngôn ngữ của hội hoạ
Hình khối thể hiện hình tượng sự vật, được khái quát trong bố cục của
một bức tranh, trong mảng có hình, trong hình có mảng, nhưng phải sắp xếp
như thế nào cho hợp lí. Hình khối do đường nét và đậm nhạt tạo thành dưới
tác động của ánh sáng và được sử dụng đẻ thể hiệm tính vật lý qua sự tiếp
nhận hoặc tưởng tượng mang lại tính chất, nội dung được thể hiện trên bề mặt
tranh. Đồng thời thể hiện sự hài hòa, trật tự, ảo ảnh tổng thể khối lượng
,không gian. Tranh “Tát nước đồng chiêm” của Trần Văn Cẩn ta thấy rất rõ
nhịp điệu của hình và mảng. Từ đường cong uốn lượn của bờ ruộng tới các
9
cây, ông sắp xếp các nhân vật thành nhóm theo nhịp điệu lên xuống xa gần, to
nhỏ, nghiêng ngả theo chiều sâu của không gian. Hình và khối các nhân vật
cùng phôí hợp với màu của nước tạo thành nhịp điệu lên xuống, hoà chung
không khí tưng bừng của ngày đầu mùa vụ. Từ việc sắp xếp nhân vật trên
cánh đồng ông đã tạo ra nhịp điệu của tác phẩm, ở đây là cánh đồng của đồng
bằng nó mang nhịp điệu của các đường nằm ngang, phối hợp với các nhịp
dọc, các nhịp trong với các nhịp thẳng. Cái tinh tế đó ông đã kết hợp được các
tính chất các tính chất của nhịp điệu cứng mềm. (xem hình 5)
Trên mặt phẳng hai chiều khối được thể hiện dưới sự tương quang của
đường nét, màu sắc, ánh sáng, tạo ra cảm giác về độ sâu, kích cỡ , cấu trúc...
Chúng tạo ra sự chuyển động trong không gian dựa trên các nguyên tắc cơ
bản của luật thấu thị, sự thay đổi, biến dị của hình khối tạo nên nhịp điệu cho
toàn bộ của tác phẩm
Tranh “Tình nguồn” của họa sĩ Lương Quốc Thắng ta thấy rất rõ nhịp
điệu của hình và mảng. Từ đường cong uốn lượn của của các đối tượng, ông
sắp xếp chúng thành nhóm theo nhịp điệu lên xuống xa gần, to nhỏ, nghiêng
ngã theo không gian. Mảng khối, các nét dọc và xiêng với sự thay đổi diện
tích phối hợp với màu tạo thành nhịp điệu lên xuống hoà chung trong một
chỉnh thể của tác phẩm, cái tinh tế đó ông đã kết hợp được các tính chất các
tính chất của nhịp điệu cứng mềm, chắc khỏe, trong mảng có chính có phụ.
Ông xếp ba đối tượng thành một mảng lớn, mảng phụ trên mặt phẳng tạo ra
lớp trước lớp sau, mảng to nhỏ khác nhau, màu sắc cũng khác nhau. Ông
dùng các màu sắc để tạo lên mảng theo lớp chồng nhau tạo ra nhịp điệu.
(xem hình 6)
Tác phẩm “Những người đàn bà” của Nguyễn Phan Chánh với chất liệu
tranh lụa ông sử dụng hình mảng rất khái quát, nhưng rất mềm mại. Nội thất
không gian được ông giới hạn bằng hình cụ thể của nền nhà và bức tường.
Các tư thế ngồi của nhân vật tạo thành dáng khác nhau, trong mảng có chính
10
có phụ, ở mảng chính ông xếp ba nhân vật thành một mảng lớn, mảng phụ
ông xếp một người để cân bằng bố cục. Trên mặt phẳng tạo ra lớp trước lớp
sau, mảng to nhỏ khác nhau, màu sắc cũng khác nhau. Ông dùng màu sắc để
tạo lên mảng theo lớp chồng nhau tạo ra nhịp điệu. Trong mảng ông lấy các
bộ phận chính của người như đầu tay chân để tạo nhịp điệu lên xuống, xa gần,
các mảng chuyển động với nhau tạo nên nhịp điệu. (xem hình 7)
c. Nhịp điệu của màu sắc.
Màu sắc là sự tác động của ánh sáng lên bề mặt vật thể có kết cấu khác
nhau tạo màu sắc huyền ảo, phong phú trong tự nhiên. Đối với một màu sắc
có thể biến đổi tuỳ theo cường độ, ánh sáng và vị trí nguồn sáng khác nhau.
Có thể nói ánh sáng và màu sắc có mối quan hệ mật thiết với nhau. Trên thực
tế, người ta phân biệt màu là những màu nguyên chất, chưa có sự biến đổi do
ánh sáng pha trộn cho nó khác đi. Sắc là những màu biến đổi theo ánh sáng đã
pha thành những sắc thái khác nhau.
Trong bức tranh “ Bên biển “ của Gau Guin được tạo ra sự chuyển động
bằng màu sắc mang tính nhịp điệu cao. Màu đỏ được chuyển động theo nhịp
điệu cho ta cảm giác từ dưới lên trên và màu đỏ cũng được chuyển động theo
các nhân vật thiếu nữ, các tán cây, màu xanh lục, màu vàng, màu trắng cũng
được chuyển động zíc zắc, màu đỏ và màu trắng chuyển động theo các đường
lên xuống gấp khúc tạo thành chuyển động phá thế cân bằng, tĩnh lặng của
thân cây. (xem hình 8)
Màu sắc là phần quyết định cho tiếng nói của một bức tranh, màu tiềm
tàng một khả năng truyền cảm với người thưởng thức. Vì vậy không phải là
vấn đề mô tả hay sao chép mà là gợi ý, là tạo ra cái tương đồng hợp lý và
cân bằng với cảm giác chủ quan. Bức tranh chủ yếu là bề mặt bao phủ bằng
những lớp màu theo một trật tự như đường lượn hay đường zích zắc...Với
tác phẩm hội họa phải truyền đạt cảm xúc, tính cách và sự cảm nhận của
người hoạ sĩ.
11
Trước hết trong tác phẩm hội họa, điểm quan trọng đầu tiên phải nói đến là
sự hài hòa màu sắc trong đường nét . Nó vừa mang tính cứng , vừa mang tính
mềm . Nó là cơ sở để cho ta đặt những mảng màu một cách thích hợp , tạo nên
tính hợp lý về sự phân bố trong tranh , có như vậy thì mới dễ làm cho màu sắc
hòa hợp. Yếu tố mảng khối cũng phải đồng nhất với màu sắc , nếu trong bức
tranh hai yếu tố mảng khối , màu sắc bị cắt xén vụn vặt thì sẽ tạo cho bức tranh
thiếu sự thống nhất và không đem lại hiệu quả cao . Trong bức tranh muốn màu
sắc có sự hài hòa đồng nhất thì trước hết nó phải tạo được sự hài hòa với mảng
khối mới tạo sự tinh tế và hiệu quả tốt. Yếu tố đậm nhạt, cường độ, khoảng cách,
kích thước cũng quan trọng không kém so với các yếu tố khác, vì chúng ta sẽ dễ
dàng phân định các sắc độ chính phụ của màu , dễ nhận ra trọng tâm và tiết điệu
của bức tranh. Sắc độ là điều kiện giữ thăng bằng và cũng cố hài hòa màu sắc,
trong một bức tranh màu sắc phải có sự tương quan về sắc độ nếu không thì sẽ
làm cho màu sắc mất đi sự trong trẻo , không có sự tương phản về độ nhấn về
màu sắc, hệ thống không tạo ra được cái chính phụ trong màu sắc , làm trở ngại
đến sự hài hòa của màu tạo ra tiết tấu cho tác phẩm, dẫn đến tranh không có
trọng tâm. Sự kết hợp yếu tố sắc độ và cường độ của màu sắc, kích thước hình
mảng sẽ tạo ra nhịp điệu tổng thể cho cho bức tranh.
Trong bức tranh “ Lý cây đa “ của họa sỹ Lương Quốc Thắng được tạo
ra sự chuyển động của màu sắc mang tính nhịp điệu cao, màu vàng được
chuyển động theo nhịp điệu cho ta cảm giác từ dưới lên trên và màu xanh lục
cũng được chạy theo các nhân vật thiếu nữ, các tán cây, màu xanh lục, màu
vàng, màu trắng cũng được chuyển động zíc zắc, màu đỏ và màu trắng
chuyển động theo các đường lên xuống gấp khúc tạo thành chuyển động
trong các tư thế chuyển động của các nhân vật.(xem hình 9)
d. Nhịp điệu của ánh sáng.
Nhờ con mắt dưới điều kiện của ánh sáng con người có thể nhận biết và
phân biệt sự vật hiện tượng, nhìn vào một vật ta biết được vật cứng hay mềm,
12
nhẵn hay thô nhám, khô hay ẩm ướt là do ánh sáng tạo nên. Vật thể trong bóng
tối phải có độ sáng mới có thể hiển hiện sự tồn tại của vật thể. Phải có độ sáng
nhất định thì mới có thể hiện ra hình dạng vật thể, ánh sáng tương đối sáng thì
mới nhìn rõ màu sắc và chi tiết của vật thể, những hiện tượng trên đây là những
cái thường thấy trong cuộc sống. Vì vậy yêu cầu truớc tiên của hội hoa là phải
tuân thủ nguyên tắc cơ bản: hình và nền phải có sự khác biệt về độ sáng, khác
biệt càng lớn thì càng rõ. Nếu sự khác biệt không lớn thì phải dùng đường bao.
Nói đến bố cục tranh thì phải nói đến nhịp điệu của ánh sáng, phải có ánh sáng
chính và ánh sáng phụ, ánh sáng chính thường ở trọng tâm, ánh sáng phải được
luân chuyển theo nhịp điệu có tỉnh và động. Giữa màu đen và trắng người ta tạo
ra vô số màu sắc và độ sáng tối khác nhau khi chúng sắp đặt xen kẽ sẽ tạo vô số
kiểu nhịp điệu khác nhau phù hợp với từng nội tâm của người hoạ sĩ. Trong
tranh sơn mài "Xô viết nghệ tỉnh" của hoạ sĩ Trần Đình Thọ (1919) thể hiện khá
rõ nhịp điệu của ánh sáng, có hoạ sĩ lại dùng ánh sáng lung linh trừu tượng để
diễn tả rất thành công ở trong tranh. (xem hình 10)
Trong tranh người ta đã dùng màu sắc để tạo ra ánh sáng, màu thiên về
vàng thì sáng, màu thiên về xanh thì tối. Khi màu sắc tạo ra nhịp điệu thì ánh
sáng cũng phải luân chuyển theo nhịp điệu của màu sắc. Đối với hội họa ánh
sáng là một nhịp điệu phản ánh sâu sắc bản chất của sự vật và hình tượng.
Trong bức tranh "Bình minh trên nông trang" chất liệu sơn mài của hoạ sĩ
Nguyễn Đức Nùng (1914- 1983) ông sử dụng ánh sáng ngược để diễn tả ánh
bình minh. Ánh sáng được chạy trên khuôn mặt và chạy theo các nhịp điệu tay
chân và dáng đứng của nhân vật cũng như cánh đồng. Ở đây ánh sáng cũng gây
cho ta một đường sáng mạnh của bầu trời trong bức tranh này. (Xem hình 11)
e. Mối quan hệ của đường nét, hình khối, màu sắc, ánh sáng, trong
việc tạo nhịp điệu của bố cục tranh.
Đường nét, màu sắc, ánh sáng, hình khối là cái vô hạn, nhịp điệu cũng là
cái vô hạn nên một bức tranh thì phải có một nhịp điệu cụ thể. Cái cụ thể là
13
cái duy nhất chứ không phải là cái tổng quát, hay công thức của toán học. Cho
nên giá trị nghệ thuật là ở chỗ từ cái vô hạn đến cái cụ thể trong tổng thể của
bức tranh. Về mặt ngôn ngữ tạo hình chúng ta có thể xác định rằng nhịp điệu
trong tranh là việc tạo ra sự vận động của đường nét, hình khối, màu sắc, ánh
sáng, nhằm làm bộc lộ nội dung của một bức tranh.
Nhịp điệu là các điểm tưởng tượng ở các điểm, các mảng, các chấm
sáng, đặt những nhân vật cạnh nhau ta liên tưởng có sự liên hệ với nhau qua
ngôn ngữ giao tiếp, qua hình khối cơ thể cao thấp, qua ánh sáng đến vị trí của
mảng, màu sắc, đường nét .
Nhịp điệu luôn luôn đi liền với màu sắc, ánh sáng, hình khối, đường nét
những yếu tố này cần thiết để tạo nên một bức tranh sinh động.
Nhịp điệu,đường nét, ánh sáng, màu sắc, hình khối có sự bổ sung cho
nhau. Tuy nhiên các yếu tố trên được quan tâm nhiêu hay ít cũng do cá tính
người nghệ sĩ sáng tạo, có người đề cao về nhịp điệu màu sắc như hoạ sĩ
Ruben (1577-1640), có người chú ý đến nhịp điệu của ánh sáng, màu sắc như
Paul Gauguin (1848-1903). Tóm lại đưòng nét, màu sắc, ánh sáng, hình
mảng, rất quan trọng trong việc tạo nên bố cục tranh, thông qua các đặc tính
đó người hoạ sĩ kết hợp các nhịp điệu cụ thể, thuận mắt và thẩm mĩ
d. Hiệu quả nhịp điệu trong tranh.
Nói đến nhịp điệu trong tranh là nói đến cảm xúc sáng tác của họa sĩ.
Nhịp điệu thiên nhiên, cuộc sống của con người được người hoạ sĩ tiếp thu một
cách khách quan và chủ quan. Tác phẩm nghệ thuật tạo hình là phản ánh thiên
nhiên và cuộc sống của con người nên nó cũng mang theo yếu tố khách quan
và chủ quan của họa sĩ. Mỗi tác phẩm nghệ thuật tạo hình ngoài chức năng
phản ánh nó còn có chức năng giáo dục... Nghĩa là nó tác động trực tiếp tới thị
giác thẩm mỹ trong xã hội. Trong tình cảm của mỗi con người cũng đã sẵn có
những nhịp điệu, bức tranh có nhip điệu là cho hình thức của bức tranh khỏi bị
đơn điệu và gây hứng thú cho người xem tranh.
14
Đây là vấn đề quan trọng trong việc sáng tác nghệ thuật nên mỗi người
họa sĩ phải làm việc thật tích cực để tích luỹ sâu hơn những kinh nghiệm tạo
nhịp điệu trên bức tranh của mình. Tiếp xúc sự vật và hiện tượng thông qua
nhịp điệu của chúng giúp cho việc tiếp cận bản chất của chúng một cách
nhanh nhất. Đây là vấn đề nghề nghiệp mà mỗi hoạ sĩ cần xác định cho đúng.
Khẳng định nhịp điệu trong tranh là vấn đề thực tiễn trong việc sáng tác. Giải
quyết được vấn đề nhịp điệu trong tranh, làm cho tranh có hiệu quả thẩm mĩ.
5. Nhịp điệu trong tác phẩm tốt nghiệp: Ngày hội và Dâng lễ.
Với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, cồng chiêng và các điệu múa là
báu vật, thứ báu vật gắn chặt trong đời sống, như sợi dây tín ngưỡng nối kết
con người với các Yang, giúp con người bày tỏ niềm mong ước của bản thân
cũng như của cộng đồng với thần linh. Tây Nguyên không chỉ có sức hấp dẫn
đặc biệt ở sự đa dạng độc đáo các lễ hội mà còn là biểu tượng cho đời sống
các tộc người là yếu tố gắn kết giữa, hiện tại và tương lai. Bằng các thủ pháp
nghệ thuật tạo hình tôi muốn khám phá nét đẹp ấy qua những hình ảnh của lễ
hội trong chuỗi tác tác phẩm của tôi.
Khác với hai tác phẩm tiền tốt nghiệp được khai thác nhịp điệu dựa trên
các mảng màu sắc, đường nét, hình khối theo cấu trúc cơ bản cơ thể con
người và con người là đối tượng chính trong tổng thể tác phẩm.
Với hai tác phẩm tốt nghiệp: Ngày hội và Dâng lễ tôi đã sử dụng hình
tượng các lễ vật và các hoa văn đặc thù của tộc người Êđê trong các lễ hội,
được khái quát, tối giản, cường điệu các hinh khối, đường nét, màu sắc,
ánh sáng. Đối tượng người chỉ là yếu tố bổ trợ nội dung trong tác phẩm.
Trong tác phẩm tốt nghiệp của mình, tôi đã vận dụng ,chắt lọc các đường
nét một cách thích hợp. Sử dụng những nét mảnh,nhẹ nhàng. đôi lúc nét
được tạo thành bởi những mảng màu đặt kế nhau, xen lẫn với những nét to,
nhỏ để tạo nhịp điệu trong tranh, tạo nên sự phong phú yếu tố đường nét
trong tác phẩm.
15
Cách đi nét, cách vờn màu tinh tế tạo cảm giác thực,tôi đã sử dụng
đường nét để hòa quyện vào mảng màu, diển tả sự rắn chắc của Tây
Nguyên.Sự vận dụng đường nét thích hợp cũng tạo được khối và khái quát
được sự vật mang đặc thù của người Eđê. Đường nét uốn lượn, đường nét lúc
tỏ lúc mờ và luôn thay đổi cấu trúc, chiều hướng, to, nhỏ, ngắn, dài … làm
bức tranh thêm sống động. Sự vận chuyển liên tục của đường nét trong tác
phẩm đã làm rõ các chi tiết đựơc diễn tả bởi các nét luôn đổi chiều bổ sung
nhau tạo nhịp điệu cho hình và màu chuyển động. Trong tác phẩm tôi đã vận
dụng thế mạnh tạo hình đường nét lúc nhòe vào mảng lúc hiện rõ và mềm
mại. Không gian trong tranh nhộn nhịp ,sôi động hơn với cách chuyển sắc
màu kết hợp sự biến đổi của các mảng màu nâu đỏ hòa với màu vàng của
nắng, màu nâu.
Tôi đã hình tượng bằng đường cong và những đường thẳng làm chủ đạo
để nói lên nét đẹp thô mộc đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên, với đường nét
lớn nhỏ, nét mềm, cứng, cong với thẳng, để tạo nên quan hệ hài hòa và thể
hiện những thuộc tính của sự vật. Những đường nét dày, không đều và, thẳng
đứng được kết tao ra nhịp điệu điệu cho tác phẩm.
Để tạo ra sự tương phản trong sáng và tối, xa và gần mỗi đường nét sử
dụng khác nhau về kích thước. Đường nét to thì có vẻ nặng tạo độ đậm,
đường nét mảnh thì có sắc độ sáng hơn, sự sắp xếp đường nét tạo ra hình dạng
và một chuỗi đường nét đặt gần nhau tạo ra những cấu trúc cơ bản của hình
thể, tạo ra mảng đậm, chắc chắn cho tác phẩm. Với những đường nét và sắc
độ trong tranh, sự tương phản giữa sáng và tối hay sự kết hợp các đường nét
dày mỏng thưa đặc... tạo nên cho sáng tối trong tác phẩm. Màu sắc nhấn
mạnh những tính chất khác của đường nét như thanh mảnh cứng, thô ráp.
Qua hai tác phẩm tốt nghiệp với hòa sắc vàng, đen và đỏ là gam màu chủ
đạo, tôi muốn tạo ra sự tương phản mảnh liệt để lầm nổi bật lên đặc thù của
vùng đất Tây Nguyên ở tác phẩm "Ngày hội".
16
Trong tác phẩm tôi đã sử dụng ba nhóm chính phụ với các hình mảng
khối hướng chuyển khác nhau. Ở nhóm chính đựơc xếp những mảng nhỏ
thành mảng lớn tạo nên trọng tâm cho tác phẩm, để cân bằng bố cục tôi xây
dựng các hình khối với sự tương phản giữa đường nét, hình mảng. Trên mặt
phẳng tạo ra lớp trước, lớp sau với các mảng khối to nhỏ khác nhau. Trong tác
phẩm tôi dùng đậm nhạt của màu sắc để tạo nên mảng theo lớp chồng nhau
tạo ra nhịp điệu về lớp xa gần khác nhau.
Màu sắc là một trong những yếu tố biểu cảm nhất, về tính chất của nó
tác động đến trực tiếp đến cảm xúc của chúng ta. Trong quá trình sử dụng
màu cho tác phẩm thì tôi đã cố gắng tìm cho mình một gam màu riêng, để
khi nhìn vào tác phẩm nghệ thuật sẽ cho cảm nhận một sắc thái về màu sắc.
Tôi sử dụng hòa sắc nóng, gam màu là gam nâu đỏ pha chút rực rỡ. Màu
sắc có thể nói lên tâm trạng hoặc cảm xúc ngay cả khi nó không mô tả về
những sự vật được trình bày, ở đây tôi sử dụng các mảng hình chữ nhật chồng
lớp tạo nên lớp trước sau để nổi rõ nhịp điệu của tác phẩm, những cặp màu
tương phản đỏ và đen để diễn tả độ sặc sỡ, nét đặc trưng của vùng rừng núi
tronh tác phẩm "Dâng lễ"
Sự vật trong tranh của tôi được tái hiện từ kí ức thông qua quá trình thâm
nhập thực tế cho nên nó vừa thực vừa ảo trong khoảng không gian ước lệ để
phù hợp với ngôn ngữ chất liêu sơn mài
Trong chuỗi tác phẩm tốt nghiệp tôi đã sử dụng gam nóng đỏ vàng, đen
làm gam chủ đạo, màu đỏ được đặt theo nhịp điệu của các mảng lớn cho ta cảm
giác trải dài bức trên tranh tạo ra nhịp điệu mạnh mẽ. Những mảng màu lớn để
diễn tả sự va đập màu sắc tự nhiên giữa không gian với sự vật, ở đây tôi muốn
nhấn mạnh màu sắc của Tây nguyên. Bên cạnh gam màu nóng nâu đỏ, tôi còn
sử dụng gam màu lạnh nhằm tăng sự phong phú của màu sắc, nhưng lại lung
linh, êm dịu. Màu vàng tôi dùng trong tác phẩm nhằm thể hiện ánh nắng của
không gian ngoài trời. Đôi khi lại sử dụng màu đỏ, xanh để tạo sự tương phản
17
nhưng vẫn giữ được đặc trưng của sự vật. Với sắc độ trầm thể hiện gam màu
đặc trưng tạo cho người thưởng thức tác phẩm cảm về không gian đặc rất
riêng của vùng miền
Mỗi một tác phẩm có một tiếng nói khác nhau để thể hiện chủ đề khác
nhau, thông qua tác phẩm này tôi muốn diễn tả hết sự phong phú của màu sắc,
cùng là một màu nhưng nếu ta biết kết hợp thì sẽ tạo ra rất nhiều độ khác
nhau, không phải nhiều màu mới vui tươi, không phải một màu là nhàm chán,
quan trọng là sắc độ của màu.
Trong tác phẩm cũng là sự sắp đặt các hình khối theo các chiều hướng
tạo nên nhịp điệu. Hình khối chủ yếu trong tác phẩm được cường điệu hóa từ
những vật phẩm trong lễ hội để tạo chuyển động cho tác phẩm.
Cùng đường nét, hình khối thì màu sắc cũng là đặc trưng của hội hoạ,
góp phần tạo nên một bức tranh đẹp, hấp dẫn và lộng lẫỵ Trong thế giới hội
hoạ có những yếu tố cơ bản cấu thành nên một tác phẩm. Các yếu tố tạo hình
đóng vai trò quan trọng để tạo nên sự lung linh cho tác phẩm và xúc cảm đối
với người xem. Nhịp điêu là tiếng nói tình cảm của hoạ sĩ, nó không chỉ là
phương tiện tôn tạo giá trị cho hình vẽ, nét vẽ mà còn để tạo ra không gian
hình khối và chuyển động. Là cái dễ đập vào mắt ta nhất cho nên nó là ngôn
ngữ không thể thiếu trong hội hoạ, nó biểu hiện rõ ràng hơn cảm xúc, tâm tư
tình cảm của hoạ sĩ.
18
C. Kết luận.
Trong một tác phẩm hội họa, hình tượng nghệ thuật được sắp xếp cấu
trúc theo một hệ thống thống nhất, hợp lý làm rõ ra chủ đề tác phẩm, chủ đề
tác phẩm càng nổi rõ thì hình tượng nghệ thuật càng sống động trong nghệ
thuật xuất phát từ cái đẹp của cuộc sống và thiên nhiên, nhưng ở dạng mới và
cho ta chất mới thông qua sáng tạo của người nghệ sĩ (Mỹ học Mác - Lênin).
Đây là vấn đề quan trọng trong việc sáng tác nghệ thuật, cho nên bản
thân cần học hỏi, tích luỹ sâu hơn, những kinh nghiệm tạo nhịp điệu trên bức
tranh của những hoạ sĩ thành đạt. Tiếp xúc sự vật và hiện tượng thông qua
nhịp điệu của chúng giúp cho việc tiếp cận bản chất của chúng một cách
nhanh nhất. Đây là vấn đề nghề nghiệp mà mỗi hoạ sĩ cần xác định cho đúng.
Khẳng định nhịp điệu trong tranh là vấn đề thực tiễn trong việc sáng tác.
Giải quyết được vấn đề nhịp điệu trong tranh, làm cho tranh có hiệu quả
thẩm mĩ.
Quá trình học tập bản thân nhận thấy răng biết tạo bố cục tức là biết tạo
nhịp điệu trong tranh. Để làm được điều đó người vẽ phải làm thế nào đạt
được sự hài hòa một cách thuận mắt trong tranh , muốn vậy khi xây dựng bố
cục màu sắc, đường nét, hình khối ,ánh sáng, chính phụ trọng tâm rõ rệt.
Chính phụ phong phú trong hình thức thể hiện đã tạo cho màu sắc, đường
nét...và các thủ pháp tạo hình trong tranh gây được nhiều sự bất ngờ và đưa trí
tưởng tượng người xem một liên tưởng phong phú, đa dạng.
Hiểu được điều này , đây là bài học kinh nghiệm cho bản thân tôi trong
quá trình xây dựng tác phẩm “Dâng lễ, Ngày hội.
19
PHẦN PHỤ LỤC
Hình 1. Hạt giống nghìn năm (Hs: Lương Quốc Thắng)
Hình 2. Starry-Night-Đêm-đầy-sao_Vincent-Van-Gogh
Hình 3. Phố cổ (Hs: Bùi Xuân Phái)
Hình 4. Thanh niên vùng cao (Ns: Văn Cao)
Hình 5. Tát nước đồng chiêm (Hs: Trần Văn Cẩn)
Hình 6. Tình nguồn (Hs: Lương Quốc Thắng)
Hình 7. Những người đàn bà (Hs: Nguyễn Phan Chánh)
Hình 8. Bên biển (Hs: Paul Gauguin)
Hình 9. Lý cây đa (Hs: Lương Quốc Thắng)
Hình 10. Xô viết Nghệ Tỉnh (Hs: Trần Đình Thọ)