1
PHÒNG GDĐT HUYỆN THÁP MƯỜI
TRƯỜNG THCS THẠNH LỢI
BÀI VIẾT DỰ THI CUỘC THI ỨNG XỬ TÌNH HUỐNG SƯ PHẠM
NĂM HỌC 2015-2016
Họ và tên: Huỳnh Thị Thu Trang
Lớp: 9a1
Trường THCS Thạnh Lợi
Huyện Tháp Mười
2
- Phần 1: Mô tả tình huống
Thu và Ngọc cùng học chung một lớp. Cả hai chơi với nhau rất thân chẳng
khác gì chị em ruột thịt. Ngọc học giỏi đều tất cả các môn. Năm học nào cũng đứng
nhất lớp. Với thành tích ấy, ai nhìn cũng nể. Thu thì học chỉ ở mức khá, vì chơi
chung với Ngọc nên đã cố gắng học tập chăm chỉ hơn. Càng ngày thành tích học
tập của Thu đã vượt sát Ngọc (thường điểm trung bình chỉ thua kém 0,1 hoặc 0,2) .
Lúc trước Thu còn học khá Ngọc ít khi quan tâm đến sổ liên lạc của Thu. Có chăng
chỉ hỏi: “Bạn hạng mấy?”. Nhưng từ khi Thu học trội lên thì hàng tháng mỗi lần
phát sổ liên lạc ra, Ngọc đều đòi xem kết quả sổ liên lạc của Thu. Xem xong Ngọc
không được vui lắm. Nhìn thấy bạn không vui, Thu tỏ ra ái ngại. Dần dần Thu
không dám phát biểu ý kiến, bài kiểm tra cũng không dám thể hiện hết ý,… điều
mà Thu nghĩ đến là làm sao cho ít điểm hơn Ngọc mặc dù có thể làm tốt hơn rất
nhiều. Riêng Ngọc dù có buồn nhưng vẫn đối xử tốt với Thu.
Nếu bạn là Thu, bạn sẽ xử lí như thế nào?
- Phần 2: Mô tả quá trình xử lý tình huống
Tôi sẽ cố gắng học thật tốt, không cần phải rụt rè, né tránh, không dám trả lời
câu hỏi của thầy cô, không dám làm bài tập,… Sau đó, tôi sẽ làm đơn xin Ban giám
hiệu cho chuyển sang lớp khác thì bạn sẽ không nhìn thấy để so sánh việc học của
tôi.
Kết quả sau khi đã chuyển được lớp, tôi không còn ái ngại khi phát biểu ý kiến
xây dựng bài, còn bài kiểm tra luôn đạt kết quả cao vì tôi đã thể hiện đầy đủ các ý.
Thế nhưng tình bạn có một khoảng cách, chúng tôi không còn ngồi truy bài, giải
các bài tập khó cùng nhau. Ít ngồi trò chuyện, đùa giỡn sau mỗi giờ tan học.
- Phần 3: Phân tích, nhận xét
Thật ra việc tranh đua nhau trong học tập cũng là chuyện thường thấy trong
giới học sinh hiện nay. Đặc biệt, đối với những học sinh có tinh thần cầu tiến. Đây
là dấu hiệu tốt, cạnh tranh lành mạnh. Có bạn học giỏi để ta so sánh, soi rọi vào
nhau cùng phấn đấu học tập tốt hơn. Trong môi trường học tập phải có sự cạnh
3
tranh. Cạnh tranh không lành mạnh là điều không nên. Vì ở đó, người này sẽ tìm
mọi cách để đạt mục đích, có thể là sự gian lận, tiêu cực trong kiểm tra, thi cử…
Còn cạnh tranh lành mạnh chính là cơ hội để người học nỗ lực vươn lên chính mình
bằng con đường chân chính, bằng sức học của bản thân.Thế nhưng thực tế có bạn
hơn ta chưa chắc gì ta bằng lòng, dĩ nhiên ta không vui cũng dễ hiểu thôi. Và câu
chuyện lại xảy ra với chính đôi bạn thân khiến người bạn kia thật khó xử. Người
bạn tên Thu lại chọn giải pháp học kém hơn để bạn Ngọc vui.
Lựa chọn giải pháp như bạn Thu cũng là một cách. Tuy nhiên, nếu chọn giải
pháp này thì sẽ thui chột kiến thức, thui chột tài năng của bản thân. Những kiến
thức, tài năng của bạn không được đem ra trải nghiệm, ứng dụng vào cuộc sống. Xã
hội dần mất đi những con người tài năng mà thay vào đó là những con người sống
khép nép, rụt rè, trốn tránh sự thật. Còn đối với Ngọc (người bạn thân ấy) mỗi khi
đối diện bạn có dám nhìn thẳng vào mặt bạn mình hay không? Ngay lúc này đây
bạn đã bắt đầu sống dối lòng dối người thì liệu tâm trạng có thoải mái hay cứ phải
khép nép, rụt rè, né tránh sự thật. Cuối cùng tình bạn rạn nứt, bởi dù có cố che đậy
tài năng thật sự của mình thì đến một lúc nào đó bạn cũng nhận ra mà khi đã nhận
ra thì hậu quả không thể tưởng tượng nổi.
Còn với giải pháp trên, chuyển sang lớp khác để học nhằm né tránh bạn mình,
có lẽ đây là một giải pháp mang lại kết quả học tập tốt hơn. Lớp khác, bạn khác thì
không e dè, né tránh cứ phô trương hết năng lực chính mình. Nhưng liệu rằng tình
bạn có tốt hơn không? Dù sao cũng cùng học chung trường, khác lớp thì thành tích
vẫn có thể so sánh được. Trốn tránh sự thật không phải là giải pháp hữu hiệu. Cứ
như thế tình bạn khó hàn gắn, không thể hiểu nhau cần có một giải pháp mới.
- Phần 4: Xây dựng các biện pháp, giải pháp mới
Nếu tôi là Thu, đầu tiên tôi sẽ đối diện với sự thật. Có nghĩa là tôi cứ phát huy
hết năng lực của bản thân. Bởi việc học tập không chỉ mang lại lợi ích cho chính
mình, cho gia đình, cho thầy cô mà còn phục vụ giúp ích cho xã hội. Một con người
tài năng chính là niềm tự hào của đất nước. Bác Hồ đã từng nói: “Non sông Việt
4
Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới sánh vai cùng
các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của
các cháu” . Tôi sẽ không vì một chút thái độ của bạn Ngọc mà không dám phấn
đấu.
Sau đó, tôi sẽ để ý kĩ hơn về thái độ của bạn Ngọc. Nếu Ngọc chỉ thoáng buồn
trong phút chốc rồi thôi thì không sao cả (không giải thích gì thêm). Thế nhưng,
thật sự tôi nhận ra Ngọc không muốn tôi học giỏi hơn bạn thì tôi sẽ cố gắng tìm
cách giải thích cho Ngọc hiểu về sự tiến bộ của mình. Chẳng hạn: Ngọc à, chúng
mình là đôi bạn thân cùng tiến cùng lui. Mình phải cố gắng lắm mới học tốt để
xứng đáng chơi than với một người như bạn. Bạn luôn là một tấm gương cho mình
soi vào đấy mà tiến bộ. Mình cảm thấy tự hào về được kết bạn với một người học
giỏi như bạn. Mình và bạn sẽ cùng phấn đấu để mãi là những học sinh giỏi đứng
đầu lớp nghen. Trong lớp mình và bạn ai đứng nhất hay đứng nhì cũng không sao,
bởi chúng mình không phải là đối thủ của nhau. Chúng ta học giỏi nơi ngôi trường
này thì ở trường khác cũng có bạn học giỏi hơn ta chính vì vậy tôi và bạn phải giúp
đỡ nhau tiến bộ nhiều hơn chúng ta sẽ mãi là những người bạn thân và luôn là hình
ảnh đẹp trong mắt bạn bè, thầy cô bởi chúng ta không chỉ học giỏi mà còn có cả
một trái tim yêu thương, biết san sẻ, không ganh tị, đố kị nhau.
Với giải pháp trên cũng phải tốn một thời gian nhưng kết quả tình bạn vẫn
thân thiết như xưa, Ngọc vui vì có người bạn học giỏi như mình và họ hứa hẹn sẽ
duy trì kết quả học tập ở top cao nhất./.