Tải bản đầy đủ (.doc) (21 trang)

Giúp học sinh đạt điểm cao khi làm bài nghị luận văn học trong đề thi THPT QG

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (200.69 KB, 21 trang )

THÔNG TIN CHUNG VỀ SÁNG KIẾN
1-Tên sáng kiến: Giúp học sinh đạt điểm cao khi làm bài Nghị luận văn học trong
đề thi THPT QG.
2-Lĩnh vực áp dụng sáng kiến: Học sinh đại trà, học sinh giỏi.
3-Thời gian áp dụng sáng kiến: Tháng 10/2014 đến tháng 5/2015
4-Tác giả:
- Họ và tên :

PHẠM THỊ KIỀU OANH

- Năm sinh :

1978

- Nơi thường trú:

Yên Chính – Ý Yên – Nam Định

- Trình độ chuyên môn: Cử nhân Ngữ văn
- Chức vụ công tác
- Nơi làm việc

: Phó chủ tịch Công đoàn – Tổ trưởng chuyên môn.

: Trường THPT Mỹ Tho

- Địa chỉ liên hệ : Yên Chính – Ý Yên – Nam Định
- Điện thoại: 0987211170
- Tỷ lệ đóng góp tạo ra sáng kiến: 100 %
5- Đơn vị áp dụng sáng kiến
- Tên đơn vị: Trường THPT Mỹ Tho


- Địa chỉ: Yên Chính – Ý Yên – Nam Định.
- Điện thoại: 03503825642

1


I.

ĐIỀU KIỆN HOÀN CẢNH TẠO RA SÁNG KIẾN.

Nghị luận văn học là một kiểu bài làm văn chiếm 40 đến 50% số điểm
trong bài thi của học sinh.Tạo lập văn bản đối với một đề thi Ngữ Văn theo hình
thức tự luận là khâu cuối cùng định giá năng lực, kết quả của người dạy cũng như
người học. Bởi vậy, việc hướng dẫn HS để các em có kiến thức và kĩ năng tạo lập
văn bản là một khâu rất quan trọng trong việc nâng cao điểm số cho HS.
Từ thực tế dạy học tôi nhận thấy phần lớn HS thụ động, ỷ lại vào thầy cô: lười
nghĩ bài, ngại làm bài, khi viết bài thì nghĩ gì nói đấy. Sự thụ động và biếng nhác
này một phần do hoàn cảnh sống: các em sống tương đối đầy đủ, được gia đình
chăm chút, bao bọc; một phần do thói quen hưởng thụ của HS; một phần do lỗi của
người dạy: chưa chú ý dạy cho người học cách học dẫn đến choáng ngợp và ngại
khó trước biển kiến thức bao la; càng học nhiều càng quên nhiều hoặc nếu có nhớ
thì sau mỗi kì thi là quên hết.
Một bộ phận không nhỏ các em hoặc hạn chế về năng lực Ngữ Văn hoặc
không chọn Ngữ Văn trong ngành nghề tương lai. Trong khi đó, lại có nhiều em lấy
môn Văn làm một trong những môn để thi tuyển vào các trường Đại học. Nếu
những năm học trước, hai kì thi TN và ĐH tách bạch thì việc đáp ứng hai đối
tượng, hai mục tiêu cũng như việc dạy của GV tương đối nhẹ nhàng. Việc nhập hai
kì thi làm một như năm nay khiến chúng ta khi dạy cùng một đơn vị bài học phải
hướng tới những đối tượng khác nhau với nhu cầu khác nhau, mục đích khác nhau.
Qua nghiên cứu đề thi ĐH từ các năm trước, đề thi minh họa của Bộ Giáo

Dục năm 2015 tôi nhận thấy đề thi THPT QG có thể định dạng vào các kiểu bài:
Bàn luận về một ý kiến hoặc hai ý kiến bàn về văn học; so sánh hai đoạn thơ, hai
đoạn văn, hai chi tiết, hai nhân vật, hai tư tưởng, hai khuynh hướng, quan điểm
sáng tác, phong cách nghệ thuật của hai nhà văn… Qua sự rà soát này tôi chợt nảy
ra ý nghĩ: “Làm thế nào để học sinh có phương pháp, kỹ năng làm những kiểu bài
này một cách khoa học và hiệu quả nhất?” trong khi phần lý thuyết làm văn trong
trường THPT mới có kiểu bài “ Nghị luận một ý kiến bàn về văn học” mà chưa có
bài lý thuyết dạy cách làm kiểu bài nghị luận so sánh khi làm văn. Từ sự trăn trở
đó, năm học này tôi đã mạnh dạn chọn viết sáng kiến kinh nghiệm với đề tài: “Giúp
học sinh đạt điểm cao khi làm câu NLVH trong đề thi THPT QG” . Tôi hy vọng
rằng sáng kiến nhỏ bé này của mình sẽ góp phần nâng cao chất lượng cho HS trong
mỗi kỳ thi bởi qua ba kỳ thi tập trung thi đề của trường và của Sở GD tôi thấy sáng
kiến của mình đã có những kết quả nhất định.
II. MÔ TẢ GIẢI PHÁP
1. Mô tả giải pháp trước khi tạo ra sáng kiến:
2


Là năm đầu tiên BGD thực hiện đổi mới kì thi Quốc gia sau THPT, năm học này
là một thử thách không nhỏ đối với người dạy và người học. Yêu cầu phân hóa
năng lực người học, hướng tới kiểm tra năng lực tư duy, chống học vẹt, học tủ, kết
quả ảo ... khiến cho đề thi môn Ngữ Văn những năm gần đây không ngừng đổi mới,
mỗi ngày yêu cầu cao hơn, khó khăn hơn, không chỉ với người học mà cả người
dạy. Các đề thi là kiểu bài mới, được áp dụng kể từ khi thay sách nên không ít

giáo viên còn lúng túng khi giảng dạy. Bởi lẽ, hầu hết giáo viên ra trường
trước năm 2008 ít được tiếp cận kiểu bài này, còn những giáo viên ra trường
sau kinh nghiệm giảng dạy chưa có nhiều .
Mặt khác, dạng đề này đòi hỏi học sinh phải có kiến thức vững vàng,
năng lực cảm nhận tác phẩm văn chương sâu rộng và nhận định đề tinh nhạy

để viết bài. Do đó, cách học thuộc bài, học theo lối mòn sẽ không phát huy
được tác dụng. Trước thực trạng trên, bằng kinh nghiệm của bản thân và sự
nghiên cứu tài liệu tập huấn, đề thi đại học các năm, đê thi minh họa của Bộ
GD tôi mạnh dạn đề xuất giải pháp giúp học sinh THPT làm tốt các dạng bài
này trong quá trình ôn tập cho học sinh lớp 12 thi THPT QG.
Một điểm cần lưu ý nữa là cách ra đề của đề thi Tốt nghiệp trước năm 2014 cho
câu NLVH tương đối nhẹ nhàng, thường yêu cầu của đề là cảm nhận một đoạn thơ,
phân tích một nhân vật. Cách ra đề này ưu điểm là kiểm tra được nội dung, kiến
thức cơ bản nhưng chưa phát huy hết được năng lực, khả năng tư duy, sáng tạo của
HS. Vì vậy làm thế nào để “ giúp HS đạt điểm cao khi làm câu NLVH trong đề thi
THPT QG” là việc làm hết sức cần thiết.
2. Mô tả giải pháp sau khi có sáng kiến:

a. Nêu vấn đề cần giải quyết.
Nghị luận ý kiến bàn về văn học và nghị luận so sánh là những kiểu bài làm
văn đóng vai trò không nhỏ trong kết cấu bài văn thi đại học những năm gần
đây, trong đó nghị luận so sánh là kiểu bài mới, chưa được cụ thể hóa bằng
một bài học riêng trong chương trình Ngữ văn bậc trung học phổ thông. Điều
này ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng làm bài của học sinh cũng như quá
trình định hướng ôn tập cho học sinh từ phía giáo viên. Góp phần tháo gỡ
những khó khăn trên, sáng kiến kinh nghiệm này của tôi xin đưa ra một số
gợi ý để giúp cho các em ôn tập tốt trong kì thi THPT QG.

b. Các bước thực hiện của giải pháp:
* Nghị luận ý kiến bàn về văn học:
Bước 1: Giúp HS nhận dạng các kiểu bài thường gặp:
Ý kiến thường được đặt trong ngoặc kép, câu dẫn thường là “ Bàn về...”; “
Nhận xét về...”... “ có ý kiến cho rằng...”. Kiểu bài này có hai dạng thường gặp là:
Một ý kiến:
3



Ví dụ:
Đề 1: Bàn về phong cách nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu, có ý kiến cho
rằng: “ Một trong những điểm nhất quán của Nguyễn Minh Châu trước và sau năm
1975 chính là hành trình đi tìm kiếm hạt ngọc ẩn dấu sâu trong tâm hồn của mỗi
con người. Hạt ngọc ấy không lồ lộ nơi chớp bom, lửa đạn mà ẩn dấu trong vô vàn
cát bụi thô nhám của cuộc đời...”
Từ nhân vật người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn “ Chiếc thuyền ngoài
xa” anh, (chị) hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
Hai ý kiến: Chia làm hai kiểu nhỏ:
+ Hai ý kiến bổ sung cho nhau
Đề 1: Về đoạn trích Việt Bắc của Tố Hữu, có người cho là “bản hùng ca về cuộc
kháng chiến chống Pháp”, có người lại cho là “khúc tình ca về ân tình cách mạng
trong 15 năm ấy”.
Từ việc phân tích đoạn trích, hãy bình luận các ý kiến trên.
Đề 2: Bàn về bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu, có ý kiến cho rằng: “ Bài thơ mang vẻ
đẹp truyền thống của thi ca”. Ý kiến khác lại cho rằng: “ Bài thơ mang hơi thở của
thời đại cách mạng”. Từ những hiểu biết của mình về đoạn thơ sau,
“ Ta về, mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.”
( Việt Bắc – Tố Hữu, Ngữ văn 12,

Tập một, NXB G D 2014, tr.109)
Anh (chị) hãy bình luận hai ý kiến trên.
Đề 3: Về hình tượng Đất nước trong trích đoạn “Đất Nước” của Nguyễn
Khoa Điềm, có ý kiến cho rằng: “Đó là Đất Nước bình dị, gần gũi, thân quen hiện
hữu trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày”. Ý kiến khác lại nhấn mạnh: “Đó là
Đất Nước thiêng liêng, lớn lao, kết tinh bao vẻ đẹp của tâm hồn người Việt.”
4


Từ cảm nhận của mình về hình tượng Đất nước trong đoạn thơ sau, anh (chị) hãy
bình luận về hai ý kiến trên.
Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể.
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó...
(Đất Nước- Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ Văn 12, Tập một, NXB GD 2013, Tr.118 )

Đề 4:
Về hình tượng sông Đà trong đoạn trích Người lái đò sông Đà (trích tùy bút
Sông Đà) của Nguyễn Tuân (sách Ngữ văn 12), có ý kiến cho rằng: con sông Đà là
một loài thủy quái vừa hung ác vừa nham hiểm, ý kiến khác thì nhấn mạnh: con
sông Đà dịu dàng như một thiếu nữ, gợi cảm như một “cố nhân” và bí ẩn như một
“người tình nhân chưa quen biết”.
Bằng cảm nhận về hình tượng sông Đà, anh, (chị) hãy bình luận các ý kiến trên.
Đề 5: Về hình tượng sông Hương trong bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông ?

của Hoàng Phủ Ngọc Tường, có người nhận thấy: “Con sông mang vẻ đẹp phong
phú, đa dạng”; có người lại khẳng định: “Con sông mang vẻ đẹp thống nhất”.
Anh, (chị) có đồng tình với hai ý kiến nêu trên ?
Đề 6: Bàn về bài thơ “Sóng” có ý kiến cho rằng: “Thành công của Xuân
Quỳnh chính là đã thể hiện khát vọng tình yêu của người phụ nữ mang vẻ đẹp hiện
đại”. Ý kiến khác lại cho rằng “Sức hấp dẫn của bài thơ chính là điệu tâm hồn yêu
đậm đà vẻ đẹp truyền thống”.
Từ cảm nhận về bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh (Ngữ văn 12, tập một, NXB
Giáo dục, 2009), anh (chị) hãy bình luận ý kiến trên.
Đề 7: Nói về chủ đề của Truyện Tây Bắc, Tô Hoài đã từng tâm sự rằng: “Cuộc
đấu tranh giai cấp, riêng ở Tây Bắc mang một sắc thái đặc biệt. Nhìn lướt qua, nơi
thế lực phong kiến còn đương kéo lùi đất nước lại hàng trăm năm trước, chúng ta
dễ tưởng những cảnh người ở đấy cứ muôn thuở lặng lẽ. Không, ở nơi rừng núi mơ
màng ấy, các dân tộc đã không lặng lẽ chịu đựng. Họ đã thức tỉnh.” Bên cạnh đó,
nhà văn cũng khẳng định: “Ở mỗi nhân vật và trùm lên tất cả miền Tây, tôi đã đưa
vào một không khí vời vợi, làm cho đất nước và con người bay bổng lên hơn, rời
5


bỏ được cái ám ảnh tủn mủn, lặt vặt, thường làm co quắp nhân vật, nhỏ bé vấn đề
và khung cảnh đi. Không biết cắt nghĩa sao, nhưng tôi cho rằng ngay trong văn
xuôi, cần phải đượm hồn thơ, có thế văn xuôi mới trong sáng cất cao”.
Từ cảm nhận của mình về tác phẩm Vợ chồng A Phủ, anh (chị) hãy bình luận
các ý kiến trên của nhà văn Tô Hoài.
Đề 8: Về nhân vật người vợ nhặt trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Kim
Lân, có người khẳng định: “Thị là nạn nhân thê thảm của cái đói”; nhưng cũng có
người nhận thấy: “Thị là chủ nhân tích cực của cuộc đời mình”.
Anh, (chị) có suy nghĩ gì về hai ý kiến nêu trên ?
Đề 9: Bàn về bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử, lâu nay đã có nhiều cách
hiểu khác nhau: “Người si mê thấy đó chỉ là tỏ tình, người vội vàng bảo rằng tả

cảnh, người khôn ngoan thì làm một gạch nối: tình yêu – tình quê. Kẻ bảo hướng
ngoại. Người khăng khăng hướng nội”.
(Chu Văn Sơn, Ba đỉnh cao Thơ mới, Nxb Giáo dục, 2006, tr. 247)
Qua cảm nhận về bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ (Ngữ văn 11, Tập 2, NXB GD,
2006, tr.46 - 47), anh (chị) hãy cho biết suy nghĩ riêng của mình về các kiến trên?
+ Hai ý kiến trái chiều
Đề 1: Về việc Huấn Cao cho chữ viên quản ngục trong Chữ người tử tù của
Nguyễn Tuân, có ý kiến cho rằng: “Đó là cách để khẳng định danh tiếng và trả ơn
mấy bữa rượu thịt”; ý kiến khác lại nhận thấy: “Đó là cách để tạ lòng tri kỉ”.
Ý kiến của anh,(chị )?
Đề 2: Về kết thúc truyện Chí Phèo, có ý kiến cho rằng: “Đó là cái nhìn bi
quan, bế tắc của Nam Cao”; ý kiến khác lại cho rằng: “Đó là cái nhìn tích cực,
khỏe khoắn của nhà văn về cuộc sống và thời đại”. Ý kiến của anh, (chị)?
Đề 3: Kết thúc truyện Đời thừa, Nam Cao để cho nhân vật Hộ nói trong nước
mắt:
“ Anh ... chỉ là thằng khốn nạn! Còn Từ thì nói trong thương cảm, xót xa: Không!
Anh chỉ là người khốn khổ ! Theo anh, (chị), nhân vật Hộ là kẻ khốn nạn hay là
người khốn khổ ?
Đề 4: Đọc Một người Hà Nội của NguyễnKhải, có người cho rằng: “Nhân vật
tôi đã phê phán cô Hiền vì hay hớm gì tư sản, không thể tin cậy được”; lại có người
khẳng định: “Nhân vật tôi đã ca tụng hân hoan cô Hiền và tin rằng là hạt bụi vàng
của Hà Nội”. Ý kiến của anh, (chị) ?
Đề 5: Hành động Mị cởi trói cho A Phủ trong Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài,
có người cho đó là hành động tự giác, có người cho đó là hành động tự phát. Ý kiến
của anh, (chị)?
6


Đề 6: Về bi kịch nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao,
có người cho bi kịch bị tha hóa là bi kịch đau đớn nhất, có người khẳng định, bi

kịch bị cự tuyệt quyền làm người mới đau đớn nhất. Ý kiến của anh, (chị)?
Đề 7: Đọc đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng đài, có người cho nhận thấy, Vũ
Như Tô là nhân vật lý tưởng; người khác lại khẳng định, nhân vật lý tưởng là Đan
Thiềm chứ không phải Như Tô. Ý kiến của anh, (chị) ?
Bước 2: Hướng dẫn HS đọc kĩ đề, xác định nội dung nghị luận, các thao tác lập
luận cần sử dụng, gạch chân những từ ngữ quan trọng.
Bước 3: Hướng dẫn HS giới thiệu tác giả, tác phẩm, nội dung nghị luận.
Lưu ý: nhắc HS đảm bảo nguyên tắc mở bài: ngắn gọn, đúng, trúng. Đối với dạng
đề cho ý kiến, dứt khoát phải giới thiệu được ý kiến đó vào trong mở bài. GV có
thể nhắc lại cho HS một số cách mở bài trực tiếp, gián tiếp (bằng một liên tưởng
tương đồng, tương cận, đối lập, bằng một ấn tượng, ...). Phần này, GV xem lại SGK
Làm Văn 12 cải cách.
Bước 4: Hướng dẫn HS giải thích ý kiến (nếu cần). Việc giải thích thường phải bắt
đầu bằng giải thích ngôn từ, hình ảnh.
Ví dụ: Hạt ngọc ; bản hùng ca, khúc tình ca; nạn nhân, chủ nhân ...– Dạng hai ý
kiến bổ sung; kẻ khốn nạn, người khốn khổ (đề 2); nhân vật lý tưởng (đề 6) ...
VD: Giải thích hai ý kiến của đề 3

+ Ý kiến thứ nhất: Đất nước bình dị, gần gũi, thân quen hiện hữu trong cuộc sống
sinh hoạt hàng ngày là đất nước được tiếp cận, cảm nhận từ những hình ảnh bình
dị, đời thường. Đó là đất nước ở trong ta, ở quanh ta.
+ Ý kiến thứ hai: Đất nước thiêng liêng, lớn lao, kết tinh bao vẻ đẹp của tâm hồn
người Việt là đất nước được cảm nhận ở chiều sâu bên trong, ở những giá trị vĩnh
hằng. Đó là đất nước mang tầm vóc lớn lao với những vẻ đẹp truyền thống thiêng
liêng
- Dạng đề hai ý kiến trái chiều: Giải thích ý kiến mà HS đã lựa chọn là đúng.
Bước 5: Hướng dẫn HS khẳng định ý kiến cá nhân
+ Dạng đề hai ý kiến bổ sung: thường cả hai ý kiến đều xác đáng, bổ sung cho nhau
hoàn thiện vấn đề cần nghị luận
+ Dạng đề hai ý kiến trái ngược hẳn nhau, điều đó bắt buộc người viết phải thể hiện

được chính kiến của mình. Có nghĩa là trong hai ý kiến, chỉ có một ý kiến là xác
đáng. Để giải quyết trường hợp này, không có cách nào khác là HS phải nắm vững,
hiểu sâu tác phẩm và vấn đề nghị luận. Dùng những kiến thức mình có này để phản
biện đề, chọn ra ý kiến đúng. Ví dụ: Đan Thiềm mới là nhân vật lý tưởng chứ
không thể là Như Tô; Huấn Cao cho chữ là tạ một tấm lòng tri kỉ chứ không thể là
trả ơn mấy bữa rượu thịt tầm thường và khẳng định danh tiếng; bi kịch tha hóa mới
7


là tột cùng đau đớn chứ chưa phải là bi kịch vỡ mộng văn chương với nhân vật
Hộ...
- Bước 5: Hướng dẫn HS chứng minh ý kiến cá nhân
+ Với dạng 2 ý kiến bổ sung: mỗi ý kiến hình thành một luận điểm. Tuy
nhiên, trong mỗi ý kiến (mỗi luận điểm), GV cũng nên hướng dẫn HS hình
thành hệ thống luận cứ. Lưu ý với các em rằng, bài muốn hay, trước hết
phải có ý. Ý càng phong phú, rõ ràng, càng dễ viết, khả năng làm chủ bài
viết càng cao. Tránh vo tròn thành một cục. Ví dụ, chứng minh cho đề 3:
a. Đất nước bình dị, gần gũi, thân quen hiện hữu trong cuộc sống sinh hoạt hàng
ngày
- Khác với nhiều nhà thơ tiếp cận đất nước ở những hình ảnh lớn lao, kì vĩ, Nguyễn
Khoa Điềm đã chọn một điểm nhìn gần gũi hơn để cảm nhận đất nước ở những gì
bình dị, đời thường hàng ngày (miếng trầu bà ăn, trồng tre đánh giặc, hạt gạo, cái
kèo, cái cột...). Đất nước không còn là khái niệm trừu tượng nữa mà cụ thể, quen
thuộc và giản dị biết bao.
- Những cảm nhận về đất nước được thể hiện bằng lời trò chuyện thủ thỉ tâm tình
của đôi lứa cũng đã khiến gương mặt đất nước hiện lên gần gũi và thân thiết hơn.
b. Đất nước thiêng liêng, lớn lao, kết tinh bao vẻ đẹp của tâm hồn người Việt
- Trong hình ảnh bình dị đời thường, bằng việc khai thác vận dụng tài tình chất liệu
văn hóa, văn học dân gian, nhà thơ đã thể hiện những giá trị vĩnh hằng, chiều sâu
tâm hồn của dân tộc.

+ Một đất nước có truyền thống lịch sử lâu đời: đất nước có trong cái ngày xửa
ngày xưa bà thường hay kể. Chiều dài lịch sử của đất nước được gợi lên từ thời
gian xa xưa trong các câu chuyện cổ của bà.
+ Một đất nước nghĩa tình thủy chung trong lối sống (miếng trầu bây giờ bà ăn,
cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn). Sự tích trầu cau và biểu tượng
“gừng cay muối mặn” quen thuộc trong ca dao được vận dụng nhuần nhuyễn đã
thể hiện truyền thống đạo đức tốt đẹp ngàn đời của ông cha về lẽ thủy chung son
sắt.
Một đất nước anh hùng, kiên cường bất khuất với truyền thống ngàn đời đánh giặc
giữ nước được gợi nhắc từ việc sử dụng linh hoạt truyền thuyết Thánh Gióng (đất
nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre đánh giặc).
+ Một đất nước cần cù, chịu thương chịu khó trong lao động. Đất nước hiện thân
trong những phong tục tập quán ngàn đời, đặc biệt phong tục trồng lúa nước. ( cái
kèo,cái cột thành tên, hạt gạo một nắng hai sương...)
Hai từ Đất Nước được viết hoa trong suốt đoạn thơ đã thể hiện những xúc động
thiêng liêng, niềm tự hào tôn kính của nhà thơ dành cho đất nước..
8


- Chất liệu văn hóa, văn học dân gian được vận dụng nhuần nhuyễn đã giúp nhà thơ
thể hiện suy tưởng của mình về đất nước với quan niệm “Đất nước của Nhân dân”
Bước 6: Hướng dẫn học sinh bàn luận ý kiến:
Thông thường ở phần này HS sẽ khẳng định lại ý kiến, chỉ rõ ý kiến định
hướng cho người đọc biết thêm những gì về nội dung cần nghị luận như: Tâm hồn
nhân vật trữ tình, vẻ đẹp của nhân vật, phong cách hoặc quan điểm, tư tưởng sáng
tác của nhà văn…). VD cho đề số 3:
Bình luận hai ý kiến:
- Hai ý kiến là những cảm nhận khác nhau về hình ảnh đất nước trong đoạn thơ.
Nếu ý kiến thứ nhất chú ý đến vẻ đẹp bình dị, gần gũi đời thường thì ý kiến thứ hai
lại khẳng định những giá trị vĩnh hằng, những truyền thống thiêng liêng của hình

tượng đất nước trong đoạn thơ.
- Tuy khác nhau song hai ý kiến không đối lập, loại trừ nhau mà bổ sung cho nhau
giúp ta có được cái nhìn toàn vẹn sâu sắc hơn về hình tượng đất nước trong đoạn
thơ. Từ hai ý kiến có thể thấy được cách cảm nhận đất nước đầy sâu sắc, mới mẻ
của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm so với các nhà thơ trước đó và cùng thời.
* Kiểu bài nghị luận so sánh.
- So sánh là phương pháp nhận thức trong đó đặt sự vật này bên cạnh một hay
nhiều sự vật khác để đối chiếu, xem xét nhằm hiểu sự vật một cách toàn diện, kỹ
lưỡng, rõ nét và sâu sắc hơn. Trong thực tế đời sống, so sánh trở thành một thao tác
phổ biến, thông dụng nhằm đáp ứng nhu cầu nhận thức, đánh giá của con người
trong nhiều lĩnh vực và hoàn cảnh.
Với phân môn làm văn trong nhà trường phổ thông, so sánh là một trong những
thao tác chính của văn nghị luận bên cạnh các thao tác phân tích, bình luận, bác
bỏ… Yêu cầu của thao tác này là chỉ ra nét giống nhau và khác nhau của các đối
tượng so sánh. Vì thế, nó gắn với hai loại: so sánh tương đồng và so sánh tương
phản. Sử dụng thao tác này đòi hỏi người viết phải có kiến thức rộng, có sự tinh
nhạy và linh hoạt để gọi các sự vật đặt cạnh nhau. Ví dụ: khi phân tích “Vợ nhặt”
thì liên tưởng đến Một đám cưới của Nam Cao để thấy dù diễn ra giữa ngày đói
song đám cưới của Tràng vẫn lạc quan, mở ra cảnh gia đình gắn bó đoàn tụ trong
khi đám cưới của Dần bắt đầu sự chia lìa tan tác của gia đình mình.
Nếu xem so sánh là một cách thức, một phương pháp trình bày khi làm bài văn
nghị luận hay nói cách khác là một kiểu bài nghị luận thì chưa có một bài lí thuyết
cụ thể nào mang tính định hướng, gợi dẫn. Vì thể, với mỗi giáo viên, việc giúp học
sinh nắm được đặc trưng, mục đích, yêu cầu và cách thức làm bài cho dạng đề so
sánh là vô cùng cần thiết, nhất là với học sinh 12 sắp thi THPT QG.
Các dạng cụ thể của kiểu bài.
Từ thực tế các đề thi đại học trong những năm vừa qua, tôi nhận thấy có những
dạng và cấp bậc so sánh sau:
9



- So sánh hai chi tiết trong hai tác phẩm: Đề khối D 2010 - So sánh chi tiết ấm nước
đầy và còn ấm mà Từ dành chăm sóc Hộ và chi tiết bát cháo hành của Thị Nở dành
cho Chí Phèo.
- So sánh hai đoạn thơ (diễn tả nỗi nhớ) trong hai bài: “Tây Tiến” của Quang Dũng
và “Tiếng hát con tàu” của Chế Lan Viên- Đề khối C 2008.
- So sánh hai đoạn văn (khắc họa vẻ đẹp hai dòng sông) trong hai bài kí: “Người lái
đò sông Đà” của Nguyễn Tuân và “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ
Ngọc Tường- Đề khối C 2010.
- So sánh hai nhân vật (vẻ đẹp khuất lấp) của: người vợ nhặt trong “Vợ nhặt” của
Kim Lân và người đàn bà hàng chài trong “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn
Minh Châu.
Ngoài ra có thể xuất hiện thêm các dạng:
- So sánh tư tưởng, khuynh hướng sáng tác, phong cách nghệ thuật của các nhà văn
.
- So sánh các cấp độ về hình thức nghệ thuật của tác phẩm văn học như: Nghệ thuật
xây dựng hình tượng, nghệ thuật phân tích và diễn tả tâm lý nhân vật, nghệ thuật sử
dụng ngôn từ.
Dấu hiệu nhận dạng: Thường dẫn yêu cầu là: “ Cảm nhận hai đoạn thơ…” hoặc “
Cảm nhận hai đoạn văn sau…”
Ví dụ:
Đề 1: Cảm nhận của anh/chị về những vẻ đẹp khuất lấp của nhân vật người vợ
nhặt (Vợ nhặt - Kim Lân) và nhân vật người đàn bà hàng chài (Chiếc thuyền ngoài
xa - Nguyễn Minh Châu).
Đề 2:
(1). "Biết đọc vỡ sách thánh hiền, từ những ngày nào, cái sở nguyện của viên
quan coi ngục này là có một ngày kia được treo ở nhà mình một đôi câu đối do tay
ông Huấn Cao viết. Chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm. Tính ông vốn khoảnh,
trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ. Có được chữ ông Huấn mà treo là có một báu
vật trên đời. Viên quản ngục khổ tâm nhất...thì ân hận suốt đời" (Chữ người tử tù)

(2). "Ông lái đò nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá. Ông đã thuộc quy
luật phục kích của lũ đá nơi cửa ải(...) Cưỡi lên thác sông đà, phải cưỡi đến cùng
như cưỡi hổ. Dòng thác hùm beo đang hùng hục tế mạnh trên sông đá. Nắm chặt
lấy được cái bờm sóng đúng luồng rồi, ông đò ghì cương lái, bám chắc lấy luồng
nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết một đường thẳng chéo về
phía cửa đá ấy... đứa thì ông đò đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến.
(Người lái đò sông Đà)
Cảm nhận hai đoạn văn trên, từ đó anh, (chị) hãy chỉ ra sự thống nhất và thay
đổi trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân trước và sau cách mạng tháng
Tám 1945.
10


Đề 3:
(1). "Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông, hình như mỗi
lần có chiếc thuyền nào xuất hiện ở quãng ầm ầm mà quạnh hiu này, mỗi lần có
chuếc thuyền nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn lại nhổm cả dậy để vồ
lấy thuyền. Mặt hòn nào hòn nấy trông cũng ngỗ ngược, hòn nào cũng nhăn nhúm,
méo mó hơn cả cái mặt nước chỗ này".
(Người lái đò sông Đà - Nguyễn Tuân)
(2). "Trước khi về đến vùng châu thổ êm đềm, nó đã là một bản trường ca của
rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những thác, cuộn xoáy
như những cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và
say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng. Giữa lòng
Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời mình như một cô giá Di - gan
phóng khoáng và man dại".
(Ai đã đặt tên cho dòng sông - Hoàng Phủ Ngọc Tường)
Anh, (chị) hãy làm sáng tỏ những nét giống nhau và khác nhau trong phong cách
nghệ thuật của Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường qua hai đoạn trích trên.
Đề 4: Cảm nhận hai đoạn thơ sau trong bài thơ “ Tây Tiến” của Quang Dũng:

“ Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”
Và: “ Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa…”
Đề 5:
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Một người chín nhớ mười mong một người.
Gió mưa là bệnh của giời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.
Hai thôn chung lại một làng,
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này ?
Ngày qua ngày lại qua ngày,
11


Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng.
(Tương tư - Nguyễn Bính SGK Ngữ văn 11 NC tập 1- trang 55)
Và:
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
(Sóng - Xuân Quỳnh SGK Ngữ văn12 NC tập 1 trang 121)
Anh, (chị) hãy làm sáng tỏ những nét đặc sắc trong phong cách nghệ thuật của

Nguyễn Bính và Xuân Quỳnh qua hai đoạn thơ trên.
Đề 6: Có ý kiến cho rằng: Thạch Lam và Nam Cao đều là những nhà văn nhân đạo
chủ nghĩa nhưng phong cách văn xuôi của họ rất khác nhau.
Qua truyện ngắn Hai đứa trẻ (Thạch Lam) và Chí Phèo (Nam Cao), anh (chị)
hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
Đề 7: Cảm nhận về hai nhân vật Mị và người vợ nhặt trong hai đoạn văn sau:
(1) “Lúc ấy đã khuya. Trong nhà đã ngủ yên, thì Mị trở dậy thổi lửa. Ngọn
lửa bập bùng sáng lên, Mị lé mắt trông sang, thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở, một
dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại. Nhìn thấy tình cảnh
như thế, Mị chợt nhớ lại đêm năm trước A Sử trói Mị, Mị cũng phải trói đứng thế
kia. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ không biết lau đi được.
Trời ơi nó bắt trói đứng người ta đến chết, nó bắt mình chết cũng thôi, nó bắt trói
đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà này. Chúng nó thật độc ác. Cơ
chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Ta
là than đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ biết đợi ngày rũ xương ở
đây thôi… Người kia việc gì mà phải chết. A Phủ…Mị phảng phất nghĩ như vậy.
Đám than đã vạc hẳn lửa. Mị không thổi, cũng không đứng yên. Mị nhớ lại
đời mình, Mị lại tưởng tượng như có thể một lúc nào đó, biết đâu A Phủ chẳng đã
trốn được rồi, lúc ấy bố con Pá Tra sẽ bảo là Mị đã cởi trói cho nó, Mị liền phải trói
thay vào đấy, Mị phải chết trên cái cọc ấy. Nghĩ thế trong tình cảnh này, làm sao
Mị cũng không thấy sợ.
Lúc ấy trong nhà đã tối bưng, Mị rón rén bước lại, A Phủ vẫn nhắm mắt,
nhuwg Mị tưởng như A Phủ đương biết có người bước lại…Mị rút con dao nhỏ cắt
lúa, cắt nút dây mây. A Phủ cứ thở phè từng hơi, không biết mê hay tỉnh. Lần lần,
đến lúc gỡ hết được hết dây trói, ở người A Phủ thì Mị cũng hốt hoảng, Mị chỉ thì
thào được một tiếng “Đi ngay…”, rồi Mị nghẹn lại. A Phủ bỗng khuỵu xuống,
12


không bước nổi. Nhưng trước cái chết có thể đến nơi ngay, A Phủ lại quật sức vùng

lên, chạy.
Mị đứng lặng trong bóng tối.
Rồi Mị cũng vụt chạy ra. Trời tối lắm. Nhưng Mị vẫn băng đi. Mỵ đuổi kịp A
Phủ, đã lăn, chạy, chạy xuống tới lưng dốc, Mị nói, thở trong hơi gió thốc lạnh
buốt:
- A Phủ cho tôi đi.”
(“Vợ chồng A Phủ” - Tô Hoài)
(2) “Lần thứ hai, Tràng vừa trả hàng xong, ngồi uống nước ở ngoài cổng chợ
tỉnh thì thị ở đâu sầm sập chạy đến. Thị đứng trước mặt hắn sưng sỉa nói:
- Điêu! Người thế mà điêu!
Hắn giương mắt nhìn thị, không hiểu. thật ra lúc ấy hắn chưa nhận ra thị là ai.
Hôm nay thị rách quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn
mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt,
- Hôm ấy leo lẻo cái mồm hẹn xuống, thế mà mất mặt.
À, hắn nhớ ra rồi, hắn toét miệng cười.
- Chả hôm ấy thì hôm nay vậy. Này hãy ngồi xuống ăn miếng giầu đã.
- Có ăn thì ăn, chả ăn giầu.
Thị vẫn đứng cong cớn trước mặt hắn.
- Đấy, muốn ăn gì thì ăn.
Hắn vỗ vỗ vào túi.
- Rích bố cu, hở!
Hai con mắt trũng hoáy của thị tức thì sáng lên, thị đon đả:
- Ăn thật nhá! Ăn thì ăn sợ gì.
- Thế là thị ngồi xà xuống ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chập bốn bát bánh đúc
liền chẳng chuyện trò gì. Ăn xong thị cầm dọc đôi đũa quệt ngang miệng, thở:
- Hà, ngon! Về chị ấy thấy hụt tiền thì bỏ bố.
Hắn cười:
- Làm đếch gì có vợ. Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe
rồi cùng về.
Nói thế Tràng cũng tưởng là nói đùa, ai ngờ thị về thật. Mới đầu anh chàng

cũng chợn nghĩ: thóc, gạo này đến cái thân mình cũng chẳng biết có nuôi nổi
không, lại còn đèo bong. Sau không biết nghĩ thế nào hắn tặc lưỡi một cái:
13


- Chậc, kệ!”
(“Vợ Nhặt” – Kim Lân)

Cách làm bài:
- Đề thi bao giờ cũng đưa ra các đối tượng để so sánh: hai đoạn thơ, hai đoạn
văn, hai nhân vật, hai chi tiết…
+ Trước hết, cần phân lập đối tượng thành nhiều bình diện để đối sánh. Bước này
nhằm phát huy trí tuệ sắc sảo và mĩ cảm của học sinh. Trên đại thể, hai bình diện
bao trùm là nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật. Tùy từng đối tượng được
yêu cầu so sánh mà có cách chia tách ra các khía cạnh nhỏ khác nhau từ ngôn từ,
hình ảnh, chi tiết, kết cấu, âm hưởng, giọng điệu đến đề tài, chủ đề, tư tưởng và
cảm hứng nghệ thuật.
+ Sau đó cần nhận xét, đối chiếu để chỉ ra điểm giống và khác nhau. Bước này đòi
hỏi học sinh cần có sự quan sát tinh tường, phát hiện chính xác và diễn đạt thật nổi
bật, rõ nét, tránh nói chung chung, mơ hồ. Cuối cùng là đánh giá, nhận xét và lí giải
nguyên nhân của sự giống và khác nhau đó. Bước này đòi hỏi những tiêu chuẩn
chắc chắn và bản lĩnh vững vàng cùng những hiểu biết sâu sắc ngoài văn bản để
tránh những suy diễn tùy tiện, chủ quan, thiếu sức thuyết phục. Chẳng hạn, trở lại
với “Vợ nhặt” của Kim Lân và “Một đám cưới” của Nam Cao ở trên sự khác biệt
xuất phát từ hai phương pháp sáng tác và hai phong cách nghệ thuật khác nhau.
Nam Cao với văn học hiện thực phê phán thường miêu tả hiện trạng đời sống đang
đi xuống, bế tắc và èo uột và phong cách đặc trưng của Nam Cao là sự lạnh lùng
mà đau xót. Với Kim Lân, văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa thường mô tả trạng
thái đời sống đi lên, hướng về ngày mai tươi sáng. Hơn nữa, văn phong của cây bút
một lòng đi về với đất, với thuần hậu nguyên thủy của cuộc sống nông thôn này

gắn bó với giọng đôn hậu, hóm hỉnh và đầy lạc quan.
- Cách trình bày kiểu bài so sánh thông thường có hai cách: Nối tiếp và song song.
+ Nối tiếp là lần lượt phân tích từng đối tượng sau đó chỉ ra cái giống và khác
nhau . Cách này dễ làm nhưng khó hay, nhiều khi trùng lặp ý và sắc thái so sánh bị
chìm. Tuy nhiên, vì yêu cầu cho đại trà nên đáp án đại học những năm qua thường
gợi ý theo cách này.
VD: Với đề số 7, HS có thể cảm nhận từng đoạn:
+ Đoan 1: Nhân vật Mị.
Thí sinh có thể cảm nhận theo các cách khác nhau nhưng đảm bảo các nội dung
sau:
Cảm thương cho A Phủ và xót xa cho thân phận mình.
Niềm khát khao sống, tinh thần phản kháng mạnh mẽ của Mị;
Đặc sắc nghệ thuật: diễn tả tâm lí sắc sảo, câu văn giàu nhịp điệu, hình ảnh,...
+ Đoạn 2: Thí sinh có thể cảm nhận theo các cách khác nhau nhưng đảm bảo các
nội dung sau:
14


Cho thấy số phận bất hạnh của người vợ nhặt.
Khao khát hạnh phúc và mái ấm gia đình.
Ngôn ngữ sống động, giản dị, đậm chất đời thường.
- Nét chung của 2 đoạn văn:
+ Đều thể hiện nỗi thống khổ của người dân dưới sự áp bức bóc lột của bọn
thực dân.
+ Thể hiện niềm khát khao hạnh phúc và mái ấm gia đình cùa những người
dân lương thiện.
+ Thấy tấm lòng nhân đạo của nhà văn.
-Nét riêng: Chủ yếu về mặt nghệ thuật:
+ Đoạn 1: đi sâu vào phân tích diễn biến tâm trạng, hành động của nhân vật.
+ Đoạn 2: Chủ yếu chú ý đến lời nói để thấy tính cách của nhân vật.

+ Song song tức là song hành so sánh trên mọi bình diện của hai đối tượng. Cách
này hay nhưng khó, đòi hỏi khả năng tư duy chặt chẽ, lô gic, sự tinh nhạy trong
phát hiện vấn đề của HS.
Ví dụ: Khi so sánh hình tượng Đất Nước trong bài thơ “Đất nước” của Nguyễn
Đình Thi và trích đoạn “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm, HS giỏi Văn có thể
song song so sánh trên các bình diện: Xuất xứ- cảm hứng- hình tượng- chất liệu và
giọng điệu trữ tình.
Về xuất xứ, Đất nước của Nguyễn Đình Thi là một chỉnh thể sáng tạo tổng hợp từ
hai bài thơ trước đó và nó có dáng dấp như một trường ca thu nhỏ. Trong khi đó,
Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm là một mảnh nhỏ vỡ ra từ chỉnh thể trường ca
lớn
Về cảm hứng, Nguyễn Đình Thi gửi gắm những suy tư, tâm niệm về sức sống diệu
kì của dân tộc Việt Nam anh hùng còn Nguyễn Khoa Điềm nghiêng về cắt nghĩa lí
giải các câu hỏi: Đất nước có tự bao giờ? Đất nước là gì? Mối quan hệ giữa con
người và đất nước?...
Về hình tượng, Nguyễn Đình Thi khắc họa bằng hai hệ thống hình ảnh chính của
giang sơn tổ quốc là đất và trời thì Nguyễn Khoa Điềm hướng đến đất và nước như
hai yếu tố khởi thủy hợp lại. Với Nguyễn Đình Thi, nhân dân là những con người
trong một cuộc hành trình trừơng chinh máu lửa vươn vai như những thiên thần còn
với Nguyễn Khoa Điềm là đám đông vô danh bốn nghìn thế hệ, hòa nhập vào nhau
để hóa thành đất nước trong hình tượng mang màu sắc huyền thoại.
Về chất liệu, Nguyễn Đình Thi sử dụng chất liệu thi ca từ chi tiết đời sống bằng vốn
sống và ấn tượng chủ quan trực tiếp còn Nguyễn Khoa Điềm nhào nặn tài tình vốn
văn hóa dân gian trong ca dao, truyền thuyết, cổ tích…
Về giọng điệu, Nguyễn Đình Thi như đang phát ngôn giữa quảng đại quần chúng
nên bài thơ có giọng tráng ca hào sảng dõng dạc. Với Nguyễn Khoa Điềm, đó là
15


giọng trữ tình của một chàng trai trong lời tâm tình với người yêu, thân mật mà

nghiêm trang, cảm xúc đan cài suy tư, triết lí làm nên giọng triết luận tâm tình.
- Về dạng bài, có thể quy về các dạng sau:
+ Với dạng bài đối sánh ở cấp độ tác phẩm.
Học sinh phải nắm chắc đặc trưng thể loại, từ đó mới có thể phân tách các đối
tượng ra thành những bình diện tương ứng với đặc trưng thể loại để so sánh.
* Với thể loại thơ, khi phân tích, đối sánh, cần lưu ý đến các bình diện sau đây:
Bối cảnh trữ tình (hoàn cảnh thời gian, không gian... khơi nguồn cho thi cảm); nội
dung trữ tình (các cung bậc cảm xúc của chủ thể trữ tình); các phương thức nghệ
thuật (thể thơ, ngôn ngữ, hình ảnh, giọng điệu, bút pháp...); phong cách nghệ thuật
của các tác giả qua những bài thơ đang phân tích.
* Với thể loại truyện ngắn, có thể phân tích, đối sánh cần lưu ý đến các bình diện
sau:
Nội dung hiện thực được phản ánh (bức tranh về đời sống và con người được khắc
hoạ trong tác phẩm); nội dung tư tưởng; vẻ đẹp nhân vật…
Các phương thức nghệ thuật (nghệ thuật trần thuật, nghệ thuật xây dựng tình huống
truyện, nghệ thuật xây dựng nhân vật, diễn tả tâm lí nhân vật, ngôn từ, giọng
điệu...); phong cách nghệ thuật của các tác giả qua những truyện ngắn đang phân
tích.
+ Dạng bài đối sánh ở cấp độ đoạn thơ, đoạn văn
Đối với dạng bài này, học sinh vừa phải thâm nhập được vào các đoạn thơ, đoạn
văn, xem xét chúng như những đơn vị nghệ thuật độc lập lại vừa phải đặt chúng
trong mối liên hệ với chỉnh thể tác phẩm để việc phân tích, luận giải được xác thực,
thoả đáng hơn.
Học sinh cũng phải nắm được đặc trưng thể loại để lấy đó làm hệ quy chiếu cho
quá trình giải quyết vấn đề.
* Với đoạn thơ, bám vào đặc trưng thể loại, có thể phân tích và chỉ ra điểm giống
nhau, khác nhau theo các bình diện:
Bối cảnh trữ tình được nói đến trong các đoạn thơ; nội dung cảm xúc của chủ thể
trữ tình trong các đoạn thơ; các yếu tố nghệ thuật được sử dụng; phong cách nghệ
thuật của các tác giả qua những đoạn thơ đang phân tích.

* Với dạng đề cảm nhận về các đoạn văn, có thể phân tích, chỉ ra điểm giống nhau
và khác nhau theo các bình diện sau:
Nội dung hiện thực được phản ánh trong các đoạn văn; nội dung tư tưởng của các
đoạn văn; những yếu tố nghệ thuật được sử dụng trong các đoạn văn;
Ý nghĩa của các đoạn văn trong việc thể hiện giá trị nội dung, nghệ thuật của tác
phẩm; phong cách nghệ thuật của các tác giả qua những đoạn văn ấy.
* Riêng đối với các đoạn văn thuộc thể kí (chẳng hạn các đoạn văn trong Người lái
đò sông Đà, Ai đã đặt tên cho dòng sông) thì ngoài những nội dung trên, học sinh
còn phải chú ý đến phương diện cái “tôi” của người cầm bút được thể hiện trên
những trang kí, vì sức hấp dẫn của thể loại này phụ thuộc rất nhiều vào sự thể hiện
cái “tôi” của tác giả trên trang văn.
16


+ Dạng bài đối sánh cấp độ các vấn đề nội dung tư tưởng của tác phẩm
* Với dạng bài đối sánh tư tưởng hiện thực:
Tư tưởng hiện thực của một nhà văn là cách nhìn, quan niệm của nhà văn ấy về
hiện thực đời sống. Tư tưởng hiện thực thể hiện ở sự nhận thức, lí giải của người
cầm bút về cuộc sống, khả năng phát hiện những mối quan hệ nhân sinh phức tạp,
nhìn ra những mâu thuẫn trong lòng hiện thực...
Mỗi nhà văn có thể có cái nhìn khác nhau về cùng một hiện thực. Tư tưởng hiện
thực chi phối việc xây dựng thế giới nghệ thuật của nhà văn trong tác phẩm vì hiện
thực trong tác phẩm là hiện thực đã được khúc xạ qua lăng kính chủ quan của
người cầm bút. Tư tưởng hiện thực thường gắn bó chặt chẽ với tấm lòng nhân đạo
của tác giả.
Khi phân tích, đối sánh tư tưởng hiện thực của các nhà văn, cần chú ý các bình diện
sau:
Cách nhìn nhận, quan niệm của các nhà văn ấy về cuộc sống và con người; tư
tưởng hiện thực của các nhà văn ấy mang tính lạc quan hay bi quan, thể hiện được
điều gì trong tấm lòng nhân đạo của tác giả; các phương thức, phương tiện nghệ

thuật góp phần thể hiện tư tưởng hiện thực của các nhà văn ấy.
Với dạng bài phân tích, so sánh tư tưởng nhân đạo, trên cơ sở nắm chắc khái niệm,
các biểu hiện của phạm trù này, học sinh lưu ý đến các bình diện:
Sự trân trọng, ngợi ca của các tác giả đối với những giá trị, vẻ đẹp, phẩm chất của
con người; thái độ bênh vực, đồng tình của các tác giả đối với những khát vọng
sống chính đáng của con người.
Niềm cảm thương của các tác giả đối với những khổ đau, bất hạnh của con người;
thái độ lên án, tố cáo của các tác giả với những đối tượng chà đạp lên quyền sống
con người.
* Với dạng bài phân tích, đối sánh tư tưởng (hoặc cảm hứng, chủ nghĩa) yêu nước,
học sinh chú ý đến các bình diện:
Lòng tự hào dân tộc, ý thức tự tôn dân tộc (ý thức về chủ quyền đất nước, về phong
tục, tập quán, cương vực lãnh thổ, truyền thống văn hoá...); tình yêu thương đồng
bào, nhân dân…
Lòng căm thù giặc, ý chí chiến đấu, tinh thần xả thân vì Tổ quốc; khát vọng dựng
xây đất nước giàu mạnh; lòng yêu mến, gắn bó với cảnh trí non sông; các yếu tố
nghệ thuật thể hiện lòng yêu nước…
+ Dạng bài đối sánh cấp độ các vấn đề hình thức nghệ thuật của tác phẩm
* Với vấn đề nghệ thuật xây dựng tình huống truyện ở các tác phẩm khác nhau, cần
chú ý đến các bình diện dưới đây khi phân tích, đối sánh:
Các tình huống truyện ấy thuộc loại nào? (tình huống hành động, tình huống tâm
trạng hay tình huống nhận thức).
Việc tổ chức tình tiết, tổ chức mối quan hệ giữa các nhân vật trong tình huống
truyện được thực hiện như thế nào?
Ngôn ngữ xây dựng tình huống truyện được sử dụng ra sao? Tình huống truyện
được xây dựng như vậy góp phần thể hiện các giá trị nội dung như thế nào?
17


* Với nghệ thuật phân tích và diễn tả và tâm lý nhân vật, cần chú ý đến các bình

diện sau đây khi phân tích, đối sánh:
Các yếu tố bên ngoài góp phần thể hiện nội tâm (cử chỉ, điệu bộ, diện mạo, hành
động, ngôn ngữ đối thoại); yếu tố bên trong thể hiện nội tâm (độc thoại nội tâm).
Tương quan giữa các yếu tố trên (mức độ sử dụng các yếu tố ấy - yếu tố nào được
sử dụng nhiều hơn, yếu tố nào được sử dụng ít hơn).
Phương thức diễn tả tâm lý theo hình thức tuyến tính hoặc hồi cố (nhân vật suy
nghĩ trong hiện tại theo mạch thời gian tuyến tính hoặc hồi tưởng lại những sự kiện
đã xảy ra trong quá khứ).
* Với nghệ thuật sử dụng ngôn từ, cần chú ý các bình diện dưới đây khi phân tích,
đối sánh:
Mô hình ngữ pháp của ngôn từ (các kiểu câu theo chức năng ngữ pháp được sử
dụng; thể thức cấu tạo của câu văn, câu thơ; cách thức liên kết giữa các câu văn,
câu thơ...)
Tính tạo hình của ngôn từ (qua việc sử dụng hình ảnh, các từ ngữ gợi đường nét,
màu sắc...).
Tính nhạc của ngôn từ (qua sự tổ chức nhịp điệu, phối hợp thanh điệu...của câu
văn, câu thơ).
Các phương tiện, biện pháp tu từ được sử dụng; tính cổ điển, tính hiện đại (nếu có)
của ngôn từ.
Tất nhiên, ngôn ngữ thơ khác với ngôn ngữ văn xuôi, học sinh cần tuỳ theo đối
tượng so sánh mà ứng biến cho phù hợp.
Nếu đề bài yêu cầu so sánh toàn bộ các yếu tố hình thức nghệ thuật giữa hai tác
phẩm (hay hai đoạn văn, đoạn thơ) thì học sinh phải linh hoạt, dựa vào đặc trưng
thể loại để phân tích, đối sánh một cách hợp lý.
+ Dạng bài đối sánh ở cấp độ hình tượng
* Với hình tượng nhân vật trong tác phẩm tự sự, cần lưu ý các bình diện sau đây
khi phân tích, đối sánh :
Loại hình của các nhân vật (đó là nhân vật hành động hay nhân vật tư tưởng...); lai
lịch, ngoại hình, hoàn cảnh sinh sống của các nhân vật; số phận của các nhân vật;
Đặc điểm tính cách, phẩm chất của nhân vật; ý nghĩa của các nhân vật trong việc

thể hiện giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo của tác phẩm; nghệ thuật xây dựng nhân
vật.
* Với hình tượng cái “tôi” trong tác phẩm trữ tình hoặc tác phẩm kí, cần chú ý các
bình diện sau đây khi phân tích, đối sánh:
Hoàn cảnh xuất hiện của cái “tôi” (không gian, thời gian); cảm xúc, suy tư của cái
“tôi” , quan niệm, cảm nhận của cái “tôi” về thế giới khách quan; các yếu tố nghệ
thuật góp phần thể hiện cái “tôi”;
Hình tượng cái “tôi” nói lên được đặc điểm gì trong phong cách nghệ thuật của các
tác giả?
* Với hình tượng thiên nhiên, có thể chú ý các bình diện sau đây khi phân tích, đối
sánh:
18


Hình tượng thiên nhiên được thể hiện qua những yếu tố không gian, thời gian như
thế nào? Hình tượng thiên nhiên đặc trưng cho miền đất nào, vùng quê nào?
Sắc diện, tính chất của hình tượng thiên nhiên (hùng vĩ, dữ dội hay thơ mộng, trữ
tình; lớn lao, kì vĩ hay bình dị, gần gũi...).
Hình tượng thiên nhiên thể hiện điều gì trong cách nhìn, quan niệm của người cầm
bút về thế giới khách quan, thể hiện vẻ đẹp gì trong tâm hồn tác giả, trong mối quan
hệ của tác giả với quê hương đất nước?
Các yếu tố nghệ thuật góp phần xây dựng, khắc tả hình tượng thiên nhiên? Hình
tượng thiên nhiên cho thấy điều gì trong phong cách nghệ thuật của người cầm bút?
+ Dạng bài đối sánh ở cấp độ chi tiết
Cần chú ý đến các bình diện sau đây khi phân tích, đối sánh các chi tiết: Hoàn cảnh
xuất hiện chi tiết; chi tiết thể hiện điều gì trong số phận, tính cách, tâm hồn của
nhân vật?
Chi tiết thể hiện điều gì trong giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo của tác phẩm và
trong quan niệm nhân sinh của người cầm bút? Chi tiết được thể hiện qua một ngôn
ngữ, giọng điệu như thế nào?

Việc sử dụng chi tiết như vậy có phản ánh điều gì trong phong cách nghệ thuật của
nhà văn không?
Như vậy, với các đối tượng so sánh khác nhau, học sinh nên lưu ý những bình diện
tương ứng để hệ thống ý được triển khai thoả đáng và đầy đủ
3. Khả năng áp dụng vào thực tế của sáng kiến
Sáng kiến kinh nghiệm “ Giúp HS đạt điểm cao khi làm câu NLVH trong đề
thi THPT QG” của tôi có thể áp dụng rộng rãi cho tất cả các em HS lớp 12 bao
gồm cả học sinh đại trà và học sinh giỏi. Cũng có thể giúp các giáo viên dạy 12
thêm kinh nghiệm để làm giàu thêm năng lực chuyên môn của mình.
III. HIỆU QUẢ DO SÁNG KIẾN ĐEM LẠI

1. Lớp thường xuyên áp dụng sáng kiến: 12A10
Năm học ( 20142015)

Điểm giỏi

Học Kỳ I

36,17%

31,91%

26,27%

5,63%

Học Kỳ II

42,55%


30,04%

21,27%

4,25%

Điểm khá

Điểm TB

Điểm yếu

2. Lớp không áp dụng sáng kiến: 12A11
Năm học ( 20142015)

Điểm giỏi

Học Kỳ I

21,73%

36,95%

32,6%

8,69%

Học Kỳ II

23,91%


34,78%

28,26%

13,04%

Điểm khá

19

Điểm TB

Điểm yếu


IV.

Cam kết không sao chép hoặc vi phạm bản quyền

Tôi xin cam kết sáng kiến kinh nghiệm: “Giúp HS đạt điểm cao khi làm câu
NLVH trong đề thi THPT QG” là kết quả của bản thân tôi đúc rút từ thực tế
giảng dạy và ôn tập cho HS, không sao chép và vi phạm bản quyền của tác giả
khác. Nếu phát hiện có bất kỳ vi phạm gì tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Trên đây là kết quả nghiên cứu và thực nghiệm sáng kiến kinh nghiệm “Giúp
HS đạt điểm cao khi làm câu NLVH trong đề thi THPT QG” của cá nhân tôi, rất
mong nhận được sự nhận xét đánh giá của Hội đồng khoa học Sở GD - ĐT Nam
Định để sáng kiến kinh nghiệm của tôi được hoàn chỉnh đầy đủ và áp dụng có hiệu
quả hơn.
Tôi xin chân thành cảm ơn!

Mỹ Tho,ngày 20 tháng 5 năm 2015
Người viết

Phạm Thị Kiều Oanh
CƠ QUAN ĐƠN VỊ ÁP DỤNG SÁNG KIẾN

(xác nhận)

20


21



×