Tải bản đầy đủ (.doc) (8 trang)

BÁO CÁO NGUỒN lực PHÁT TRIỂN KINH tế – XÃ hội CỦA TỈNH HÒA BÌNH

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (114.32 KB, 8 trang )

BÁO CÁO NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI CỦA
TỈNH HÒA BÌNH

Ngày 20/2/1994, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình được khánh thành sau 15 xây dựng tại
hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Với vị thế địa lý quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội
của vùng Tây Bắc cùng với nhà máy thủy điện Hòa Bình là nhà máy thủy điện lớn nhất
Đông Nam Á hiện nay đã và đang đưa Hòa Bình từ 1 tỉnh miền núi nghèo với thành phần
chủ yếu là các dân tộc thiểu số ngày càng phát triển trên các thế mạnh mà mình sẵn có, dần
dần khằng định vị thế của mình trong quá trình phát triển kinh tế của các tỉnh vùng núi phía
Bắc. Sau đây là bài báo cáo về những nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Hòa
Bình.
Hòa Bình thuộc vùng núi Tây Bắc, nằm ở phía Nam của khu vực Bắc Bộ, cách Hà Nội
73 km về phía Tây Nam và giáp ranh giữa 3 khu vực Tây Bắc, Đông Bắc và Bắc Trung Bộ.
Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 4.662.5 km², chiếm 1,41% tổng diện tích tự nhiên của Việt
Nam. Thu nhập bình quân đầu người: 730 USD(tương đương 15.300.000 đồng) (12/2011).
Tỉnh có 11 huyện, thành phố: Đà Bắc, Mai Châu, Tân lạc, Lạc Sơn, Kim Bôi, Lương Sơn,
Lạc Thuỷ, Yên Thuỷ, Kỳ Sơn, Cao Phong và Thành phố Hoà Bình với 210 xã, phường, thị
trấn. Địa giới Hòa Bình phía Bắc giáp với Phú Thọ, phía Nam giáp Hà Nam, Ninh Bình,
phía Đông và Đông Bắc giáp với thủ đô Hà Nội, phía Tây, Tây Bắc và Tây Nam giáp với
các tỉnh Sơn La và Thanh Hóa từ đó ta có thể thấy được Hòa Bình có 1 vị trí địa lý rất quan
trọng, là một trong những tỉnh có thế mạnh và hướng phát triển kinh tế – xã hội trọng điểm
ở miền núi phía Bắc.
Hòa Bình tiếp giáp với phía Tây Đồng bằng Sông Hồng, có địa hình núi trung bình,
chia cắt phức tạp, độ dốc lớn theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, phân chia thành 2 vùng:
vùng núi cao nằm về phía Tây Bắc có độ cao trung bình từ 600 – 700 m, địa hình hiểm trở,
diện tích 212.740 ha, chiếm 44,8% diện tích toàn vùng; vùng núi thấp nằm ở phía Đông
Nam, diện tích 262.202 ha, chiếm 55,2% diện tích toàn tỉnh, địa hình gồm các dải núi thấp,
ít bị chia cắt, độ dốc trung bình từ 20 – 250, độ cao trung bình từ 100 – 200 m. Vì địa hình
chủ yếu là đồi núi nên Hòa Bình rất có thế mạnh về khai thác khoáng sản, thủy điện.



Bên cạnh đó, hệ thống sông ngòi trên địa bàn tỉnh phân bố tương đối đồng đều với các
sông lớn như sông Đà, sông Bôi, sông Bưởi, sông Lạng, sông Bùi..., là điều kiện tốt để phát
triển đánh bắt và nuôi trồng thủy sản nước ngọt.
Hòa Bình có khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa đông lạnh, ít mưa ; mùa hè nóng, mưa
nhiều. Nhiệt độ trung bình hàng năm trên 23°C. Tháng 7 có nhiệt độ cao nhất trong năm,
trung bình 27 - 29°C, ngược lại tháng 1 có nhiệt độ thấp nhất, trung bình 15,5 - 16,5°C phù
hợp để phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới. Mùa mưa bão chủ yếu tập trung từ tháng 6 đến
tháng 9 hàng năm với lượng mưa chủ yếu từ 1800 – 2200 mm, vì là vùng núi nên rất dễ xảy
ra các hiện tượng như mưa đá, lũ quét, lốc xoáy làm thiệt hại đến kinh tế và con người.
Về tài nguyên thiên nhiên, đầu tiên là về tài nguyên đất. Do đặc điểm địa hình và khí
hậu nên đất đai Hoà Bình chia thành hai vùng rõ rệt: Vùng núi cao trung bình, gồm đất
feralít vàng đỏ có hàm lượng mùn 6 - 7%; do độ ẩm cao, nhiệt độ thấp, vùng này rất thuận
lợi cho phát triển lâm nghiệp. Vùng đồi và núi thấp, gồm đất feralít vàng đỏ và vùng cỏ thứ
sinh, trong đó đất bạc màu chiếm 45 - 80%. Vùng ven sông Đà và các suối khác do hàng
năm được bồi một lớp phù sa khá dày nên rất thuận lợi cho việc trồng lúa, trồng màu. Tỉnh
Hòa Bình có 466.252,86 ha diện tích đất tự nhiên. Trong đó: Diện tích đất nông nghiệp là
66.759 ha, chiếm 14,32%; diện tích đất lâm nghiệp là 194.308 ha, chiếm 41,67%; diện tích
đất chuyên dùng là 27.364 ha, chiếm 5,87%; diện tích đất ở là 5.807 ha, chiếm 1,25%; diện
tích đất chưa sử dụng và sông suối đá là 172.015 ha, chiếm 36,89%. Trong đất nông nghiệp,
diện tích đất trồng cây hàng năm là 45.046 ha, chiếm 67,48%, trong đó diện tích trồng lúa là
25.356 ha, chiếm 60,51% diện tích đất trồng cây hàng năm; diện tích đất trồng cây lâu năm
là 4.052 ha, chiếm 6,06%; diện tích đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản là 900 ha. Diện tích
đất trống, đồi núi trọc cần phủ xanh là 135.010 ha; diện tích đất bằng chưa sử dụng là 3.126
ha; diện tích đất có mặt nước chưa sử dụng là 6.385 ha.
Là 1 tỉnh miền núi nên không thể không nhắc đến tài nguyên rừng của tỉnh Hòa Bình.
Tính đến năm 2002, diện tích đất có rừng của tỉnh Hòa Bình là 196.049 ha, trong đó: Rừng
tự nhiên là 146.844 ha; rừng trồng là 49.205 ha. Trữ lượng gỗ khai thác khoảng 4,75 triệu
m3 gỗ và 128,7 triệu cây nứa, luồng; động vật rừng có một số loài thú như: Gấu, lợn rừng,
khỉ, cày, cáo, rùa núi, nai rừng nhưng số lượng không lớn. Các khu bảo tồn thiên nhiên của
tỉnh gồm có 3 khu bảo tồn thiên nhiên với tổng diện tích là 18.435 ha, trong đó có rừng là

15.565 ha, đất trống có khả năng nông, lâm nghiệp là 2.870 ha.


Về khoáng sản, Hòa Bình có 12 loại khoáng sản là nguyên liệu sản xuất vật liệu xây
dựng và nguyên liệu làm sứ như đất sét, đá vôi, đá granit, đá cócđoa…; Khoáng sản kim loại
như quặng sắt mỏ nhỏ trữ lượng ít chưa xác định, sắt, quặng đa kim (đồng, chì, kẽm, thuỷ
ngân, antimoan), vàng sa khoáng, khoáng sản phi kim loại như pirít, photphorít, cao lanh...;
khoáng sản than đã được khai thác rải rác ở huyện Kim Bôi, Lạc Thuỷ, Lạc Sơn, có nhiều
vỉa lộ thiên để khai thác với trữ lượng 1 triệu tấn và Hòa Bình có suối nước khoáng Kim Bôi
đầy đủ tiêu chuẩn để sản xuất nước uống. Nước suối Kim Bôi đã được đóng chai làm nước
giải khát, nó cùng loại với nước khoáng Thạch Bích ở Quảng Ngãi, Kum-dua ở Nga và
Paven Barbia của Hungari.
Về du lịch, tỉnh Hòa Bình có nhiều điểm du lịch hấp dẫn như: Ðộng Tiên, huyện Lạc
Thủy, động Tiên Phi thị xã Hòa Bình, các khu bảo tồn thiên nhiên, suối nước khoáng Kim
Bôi, hồ sông Ðà và nhà máy thủy điện Hoà Bình lớn nhất Đông Nam Á; bản làng văn hóa
truyền thống các dân tộc trong tỉnh như bản Giang Mỗ dân tộc Mường huyện Kỳ Sơn, bản
Lác, bản Văn dân tộc Thái huyện Mai Châu, Xóng Dướng dân tộc Dao huyện Ðà Bắc...; khu
du lịch Suối Ngọc-Vua bà huyện Lương Sơn và nhiều di tích lịch sử, di tích văn hóa, kiến
trúc, ngành nghề truyền thống, lễ hội, phong tục tập quán, nghệ thuật dân gian của nhiều dân
tộc trong tỉnh phong phú, đa dạng, độc đáo là những sản phẩm của nền "Văn hóa Hòa
Bình".
Tiếp theo là đặc điểm kinh tế – xã hội của tỉnh Hòa Bình.
Về dân cư, Hòa Bình có 832.543 dân (tháng 7/2009). Theo kết quả chính thức điều tra
dân số ngày 01/04/2009 dân số tỉnh Hòa Bình chỉ có 786.964 người.
Theo thống kê dân số toàn quốc năm 1999, trên địa bàn tỉnh có 6 dân tộc sinh sống,
đông nhất là người Mường chiếm 63,3%; người Việt (Kinh) chiếm 27,73%;
người Thái chiếm
3,9%;
người Dao chiếm
1,7%;

người Tày chiếm
2,7%;
người Mông chiếm 0,52%; ngoài ra còn có người Hoa sống rải rác ở các địa phương trong
tỉnh. Người Hoa trước đây sống tập trung ở Ngọc Lương, Yên Thủy; nhưng sau
năm 1979 còn lại một số gia đình và hiện nay sống phân tán ở các xã Yên Trị, Ngọc
Lương và Phú Lai huyện Yên Thuỷ. Ngoài ra, còn có một số người thuộc các dân tộc khác
chủ yếu do kết hôn với người Hòa Bình công tác ở các tỉnh miền núi khác.


Hòa Bình là một trong bốn tỉnh của Việt Nam mà trong đó người Việt (Kinh) không
chiếm đa số, đồng thời tỉnh này cũng được coi là thủ phủ của người Mường, vì phần lớn
người dân tộc Mường sống tập trung chủ yếu ở đây. Người Mường xét về phương diện văn
hóa - xã hội là dân tộc gần gũi với người Kinh nhất. Địa bàn cư trú của người Mường ở
khắp các địa phương trong tỉnh, sống xen kẽ với người Kinh và các dân tộc khác.
Người Kinh, sống ở khắp nơi trong tỉnh. Những người Kinh sống ở Hòa Bình đầu tiên
đã lên tới 4-5 đời; nhưng đa số di cư tới Hòa Bình từ những năm 1960 của thế kỉ trước,
thuộc phong tràokhai hoang từ các tỉnh đồng bằng lân cận (Nam Định, Hà Nam, Ninh
Bình, Hà Tây...). Trong những năm gần đây, sự giao lưu về kinh tế và văn hóa mở rộng,
nhiều người Kinh từ khắp các tỉnh thành đều tìm kiếm cơ hội làm ăn và sinh sống ở Hòa
Bình.
Người Thái, chủ yếu sống tập trung ở huyện Mai Châu. Tuy sống gần với người
Mường lâu đời và đã bị ảnh hưởng nhiều về phong tục, lối sống (đặc biệt là trang phục),
nhưng vẫn giữ được những nét văn hóa độc đáo. Đây là vốn quí để phát triển du lịch công
động và bảo lưu vốn văn hóa truyền thống. Hiện nay, khu du lịch Bản Lác là một trong
những điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước hàng đầu ở Hòa Bình.
Người Tày, chủ tập trung ở huyện Đà Bắc, sống xen kẽ với người Mường, người Dao.
Người Tày có tập quán và nhiều nét văn hóa gần giống với người Thái, đặc biệt là ngôn
ngữ. Tuy nhiên, xét theo khía cạnh trang phục thì người Tày ở Đà Bắc giống người Thái
Trắng thuộc các huyện Phù Yên, Bắc Yên tỉnh Sơn La.
Người Dao sống thành cộng đồng ở các huyện Đà Bắc, Lương Sơn, Kim Bôi, Cao

Phong, Kỳ Sơn và thành phố Hòa Bình. Người H'mông sống tập trung ở xã Hang Kia và Pà
Cò của huyện Mai Châu. Trước đây hai dân tộc này sống du canh du cư, nhưng từ những
năm 70-80 đã chuyển sang chế độ đinh canh, định cư và đã đạt được những thành tựu đáng
kể về phương diện kinh tế - xã hội.
Với sự đa dạng về sắc tộc như vậy và đặc biệt gần với đồng bằng Bắc Bộ, cách thủ đô
Hà Nội chỉ khoảng từ 80 tới 100 km, kết hợp với các điều kiện địa hình, phong cảnh của
tỉnh; thì đây là tiềm năng lớn để phát triển du lịch.
Về giao thông, Hòa Bình có 2 loại giao thông chính là đường bộ và đường sông. Các
đường giao thông quan trọng đi qua tỉnh Hòa Bình là:


Quốc lộ 6 đi qua các huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn, thành phố Hòa Bình, huyện Tân
Lạc, Mai Châu nối liền Hòa Bình với thủ đô Hà Nội và các tỉnh Tây Bắc khác, điểm gần
trung tâm Hà Nội nhất trên quốc lộ 6 của Hòa Bình thuộc huyện Lương Sơn là gần 40km ;
Quốc lộ 15A đi từ huyện Mai Châu nối quốc lộ 6 với các huyện vùng cao tỉnh Thanh
Hóa;
Quốc lộ 12B nối thẳng quốc lộ 6 (ở Mãn Đức- Tân Lạc) đi qua các huyện Tân
Lạc, Lạc Sơn, Yên Thuỷ và tỉnh Ninh Bình là con đường ngắn nhất từ Tây Bắc xuyên ra
Biển Đông;
Quốc lộ 21 có điểm đầu là ngã ba giao cắt với quốc lộ 32, trước cửa ngõ vào thị
xã Sơn Tây, điểm cuối là thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định qua thị
trấn Xuân Mai Hà Nội qua các huyện Lương Sơn, Kim Bôi, Lạc Thủy xuống Phủ Lý.
Đường Hồ Chí Minh chạy song song với quốc lộ 21, gặp quốc lộ 12B xã Hưng
Thi, Lạc Thủy và quốc lộ 12A tại địa bàn giáp ranh giữa xã Yên Nghiệp của huyện Lạc
Sơn và xã Lạc Thịnh của huyện Yên Thuỷ.
Các tuyến đường chính này nối với hệ thống đường nối liền các huyện, xã trong tỉnh
với thị xã và với các huyện, tỉnh bạn rất thuận lợi cho giao lưu kinh tế - xã hội.
Hệ thống sông ngòi thủy văn của Hòa Bình: có mạng lưới sông suối phân bổ tương
đối dày và đều khắp ở các huyện. Sông Ðà là sông lớn nhất chảy qua tỉnh có lưu vực 15.000
km2 chảy qua các huyện Mai Châu, Ðà Bắc, Tân Lạc, Kỳ Sơn và thành phố Hòa Bình với

tổng chiều dài là 151 km. Hồ sông Ðà có dung tích 9,5 tỷ m3 nước nối liền với Sơn La,
phần hạ lưu chảy qua Phú Thọ, Hà Tây thông với sông Hồng, được điều tiết nước bởi hồ
sông Đà, tại đây có thể phát triển vận tải thuỷ thuận lợi, có hiệu quả; sông Bưởi bắt nguồn từ
xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, dài 55km;sông Bôi bắt nguồn từ xã Thượng Tiến,
huyện Kim Bôi, dài 125km; sông Bùi bắt nguồn từ xã Lâm Sơn huyện Lương Sơn, dài
32km; sông Lạng bắt nguồn từ xã Bảo Hiệu huyện Yên Thuỷ, dài 30km.
Với các lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, con người như tiếp giáp với
Đồng bằng Sông Hồng và thủ đô Hà Nội, có điều kiện tự nhiên, đất đai khoáng sản, đặc
điểm văn hóa đa dạng và phong phú đã tạo điều kiện cho tỉnh Hòa Bình phát triển mạnh mẽ
một số lĩnh vực kinh tế lợi thế:


Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng: với trữ lượng sét và đá vôi lớn, hiện nay sản
xuất vật liệu xây dựng là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh, cung cấp
vật liệu xây dựng cho vùng và các tỉnh lân cận. Ngoài ra, tỉnh còn có 3 nhà máy sản xuất xi
măng công suất mỗi nhà máy 8,8 vạn tấn/năm tại các huyện Lương Sơn, Yên Thuỷ và thị xã
Hoà Bình; ngoài ra còn 2 nhà máy đang hoàn chỉnh thủ tục để đầu tư xây dựng với công
suất 1,2 triệu tấn và 8,8 vạn tấn/năm ở Lương Sơn và các cơ sở sản xuất đá, vôi, gạch ở hầu
hết các huyện, thị.
Công nghiệp chế biến nông – lâm sản: Hoà Bình có đất đai phù hợp với nhiều loại cây
công nghiệp (mía, sắn, chè, măng…), cây ăn quả (cam, quýt, dứa, vải, nhãn…), từ đó có thể
phát triển công nghiệp chế biến nông sản như: đường, tinh bột, chè khô, hoa quả đóng hộp.
Bên cạnh đó, diện tích đất lâm nghiệp chiếm khoảng 55%, diện tích rừng đã phủ xanh 41%
với nhiều vạt rừng kinh tế được phép trồng và khai thác phục vụ công nghiệp chế biến lâm
sản.
Công nghiệp cơ khí, điện tử, may mặc, giày da: dựa trên địa thế tiếp giáp với các trung
tâm công nghiệp lớn là Hà Nội, Hà Tây và tiềm năng lao động dồi dào, cộng thêm số lao
động ở nông thôn chiếm 84%, trong khi thời gian sử dụng chỉ đạt 74%, do đó Hoà Bình có
thể phát triển công nghiệp cơ khí điện tử, may mặc, giày da. Hiện nay, trên địa bàn đã có
một số cơ sở sản xuất như: Công ty May sông Đà, Công ty May 3/2, Công ty Ban Đai (sản

xuất linh kiện điện tử), Công ty R Việt Nam (sản xuất thấu kính), Công ty Điện tử
SANKOR (đang đầu tư xây dựng).
Về du lịch, Hoà Bình có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, văn hoá lịch sử phong phú có
thể phát triển du lịch dưới nhiều hình thức. Cụ thể, 6 dân tộc anh em: Mường, Kinh, Thái,
Tày, Dao, Mông với những nét văn hoá, phong tục tập quán đa dạng, phong phú tạo điều
kiện thuận lợi cho phát triển du lịch văn hoá và hiện nay nổi tiếng là khu du lịch Bản Lác –
Mai Châu. Bên cạnh đó, du lịch cảnh quan, sinh thái ở Hoà Bình cũng có rất nhiều tiềm
năng để phát triển với hồ sông Đà hùng vĩ, rừng nguyên sinh Thượng Tiến (Kim Bôi), rừng
Hang Kia – Pà Cò (Mai Châu), rừng Phu Canh (Đà Bắc), Suối Ngọc – Vua Bà (Lương Sơn)
… Ngoài ra, tỉnh Hoà Bình còn nổi tiếng với suối nước nóng Kim Bôi, Lạc Sơn, có núi cao,
hồ lớn, khí hậu điều hoà tạo điều kiện cho du lịch nghỉ dưỡng phát triển. Trên địa bàn tỉnh
có nhiều đền chùa nổi tiếng như chùa Tiên (Lạc Thuỷ), đền Bờ (trên hồ sông Đà)… là nơi
thuận lợi cho phát triển du lịch.


Với vị trí cửa ngõ vùng Tây Bắc, tiếp giáp với đồng bằng sông Hồng, Hoà Bình còn
có thể phát triển nhiều loại hình du lịch như tổ chức hội thảo, hội nghị, nghỉ cuối tuần… là
nơi kết nối các tour, tuyến du lịch với các tỉnh lân cận và miền Bắc.
Trên đây là những nguồn lực cơ bản để phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Hòa Bình.
Nhìn chung, Hòa Bình là 1 tỉnh miền núi nhưng lại là cửa ngõ của trục kinh tế giữa các tỉnh
miền núi Tây Bắc với thủ đô và Đồng bằng châu thổ Sông Hồng, có tiềm năng thế mạnh về
các loại tài nguyên thiên nhiên như đất, rừng, khoáng sản, cảnh quan thiên nhiên. Tuy nhiên
vẫn còn rất nhiều hạn chế còn tồn tại như Hòa Bình còn là 1 tỉnh miền núi nghèo, có đông
đồng bào là các dân tộc ở vùng sâu vùng xa nên trình độ phát triển còn thấp. Về kinh tế
chung, Hòa Bình còn nhiều khó khăn, thách thức, hạn chế, kinh tế phát triển chưa vững
chắc, quy mô kinh tế còn nhỏ lẻ, thu hút đầu tư còn rất hạn chế, cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu
kém, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của
địa phương, tỷ lệ hộ nghèo còn tương đối cao (17% - số liệu năm 2010).
Để khắc phục những điểm yếu của địa phương, chính quyền và nhân dân tỉnh Hòa
Bình cần đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất cây trồng vật nuôi, tập trung vào những sản

phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao; phát triển lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản; gắn
sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu tập trung với công nghiệp chế biến; sản phẩm không
chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh mà cho cả nước và xuất khẩu; phát triển mạnh mẽ
du lịch sinh thái, thực hiện tốt các chính sách về an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo; trợ
giúp thiết thực cho những hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ gặp khó khăn do thiên tai,
dịch bệnh, trồng rừng, bảo vệ rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc; phòng chống cháy rừng,
nhất là trong mùa khô. Về vấn đề thu hút đầu tư, tỉnh Hòa Bình cần đẩy mạnh cải cách hành
chính, nhất là thủ tục hành chính, thu hút nguồn lực đầu tư.

NGUỒN DỮ LIỆU

1, />

2, />


×