Tải bản đầy đủ (.pdf) (27 trang)

Chế độ Varna trong thư tịch cổ Ấn Độ (TT)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (890.38 KB, 27 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƢỜNG ĐẠI HỌC SƢ PHẠM HÀ NỘI
------------------

TỐNG THỊ QUỲNH HƢƠNG

CHẾ ĐỘ VARNA
TRONG THƢ TỊCH CỔ ẤN ĐỘ
Chuyên ngành: Lịch sử Thế giới
Mã số: 62.22.03.11

TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ LỊCH SỬ

HÀ NỘI - 2016


CÔNG TRÌNH ĐƢỢC HOÀN THÀNH TẠI KHOA LỊCH SỬ,
TRƢỜNG ĐẠI HỌC SƢ PHẠM HÀ NỘI

Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Đinh Ngọc Bảo

Phản biện 1: PGS.TS Nguyễn Phú Lợi – Học Viện Chính trị
Quốc Gia Hồ Chí Minh
Phản biện 2: PGS.TS Võ Kim Cƣơng – Viện Sử học
Phản biện 3: TS Nguyễn Quốc Tuấn – Tạp chí Nghiên cứu Tôn
giáo
Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng chấm
luận án tiến sĩ họp tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Vào hồi…………ngày……..tháng……..năm

Có thể tìm hiểu luận án tại:


- Thư viện Quốc gia Việt Nam
- Thư viện trường Đại học Sư phạm Hà Nội


1

MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Ấn Độ được coi là một trong những nền văn minh đi tiên phong, mở đầu cho kỉ
nguyên văn minh của nhân loại, đã để lại cho thế giới rất nhiều thành tựu to lớn, ghi dấu
ấn đậm nét của một dân tộc giàu trí tuệ và đầy bản sắc. Bởi vậy, vị trí quan trọng của Ấn
Độ trong dòng chảy lịch sử thế giới là điều đã được khẳng định qua vô vàn trang sách
nghiên cứu về vùng đất thần thánh này. Hơn nữa, trong suốt chiều dài lịch sử của mình,
nền văn hóa truyền thống Ấn Độ còn có sức lan tỏa vô cùng rộng lớn, nhất là đối với các
quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Cho nên, tìm hiểu về Ấn
Độ giúp chúng ta hiểu thêm về phương Đông và là cơ sở để nắm bắt lịch sử Đông Nam
Á.
Cội nguồn nảy sinh bản sắc văn hóa Ấn Độ chính là xã hội truyền thống Ấn Độ. Đó
là một xã hội mang những nét điển hình của một xã hội phương Đông đồng thời có nhiều
nét riêng biệt, mang đậm tinh thần Ấn Độ. Một trong những nét riêng biệt đó là sự tồn tại
lâu dài của những chế độ đẳng cấp rất đặc biệt chi phối quá trình phát triển của xã hội Ấn
Độ trong suốt hàng ngàn năm. Trong đó, chế độ Varna là chế độ phân chia đẳng cấp xuất
hiện đầu tiên ở Ấn Độ. Varna là “chiếc chìa khóa” để mở ra bức tranh xã hội truyền thống
Ấn Độ đầy phức tạp về chủng tộc, tôn giáo. Do đó, muốn khám phá “thế giới Ấn Độ”,
không thể không tìm hiểu về chế độ Varna, bởi nó là cốt lõi căn bản và là một trong những
đặc điểm nổi bật nhất của xã hội Ấn Độ cổ đại.
Sự phân biệt đẳng cấp đã từng xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới nhưng có
lẽ không ở đâu sự bất bình đẳng giữa các đẳng cấp lại khắc nghiệt và dai dẳng như ở Ấn
Độ. Sự tồn tại đồng thời của một Ấn Độ hiện đại với những trung tâm công nghệ hàng
đầu thế giới bên cạnh một Ấn Độ truyền thống đậm nét trong phong tục, tập quán, lễ

nghi với chế độ đẳng cấp còn hiện hữu trong tư tưởng luôn khiến những người yêu thích
lịch sử tìm cách lý giải cho hiện tượng thú vị này.
Khi nghiên cứu về Ấn Độ cổ đại thì thư tịch cổ Ấn Độ được coi là một trong
những nguồn tư liệu quan trọng nhất. Bởi sự chi phối mạnh mẽ của tôn giáo đến đời
sống xã hội, văn hóa, phong tục tập quán... đã khiến cho các thư tịch cổ đặc biệt là thư
tịch Hinđu giáo như kinh, kệ, văn học, thần thoại của tôn giáo này trở thành nguồn thông
tin chính phản ánh về xã hội Ấn Độ. Vì thế, chế độ Varna đã được đề cập tới trong nhiều
thư tịch cổ, trong đó có luật Manu, luật Narada, kinh Vêđa, Upanishad, sử thi
Mahabharata, Ramayana, tác phẩm Arthashastra.... thư tịch cổ có ưu thế vượt trội trong
việc phản ánh về chế độ Varna vì sự đồ sộ, phong phú, đa dạng trong loại hình tư liệu
mà lại chi tiết, cụ thể trong nội dung về Varna. Do đó, việc nghiên cứu chế độ Varna


2

trong các thư tịch cổ Ấn Độ sẽ có cái nhìn đầy đủ, toàn diện, sâu sắc, từ đó có thể hiểu
về một phần hiện thực xã hội đương thời.
Trong những công trình nghiên cứu về Ấn Độ ở Việt Nam, hầu hết đều nhắc đến
chế độ Varna hay chế độ đẳng cấp. Nhưng một vấn đề dường như rất quen thuộc trong các
cuốn sách về Ấn Độ lại chưa có một công trình chuyên khảo nào và cũng chưa được nghiên
cứu chuyên sâu ở Việt Nam. Đặc biệt, chế độ Varna trong các thư tịch cổ vẫn còn là một
khoảng trống trong cả những nghiên cứu trong và ngoài nước. Do đó, nghiên cứu vấn đề
chế độ Varna trong các thư tịch cổ Ấn Độ là một việc làm cần thiết.
Hơn nữa, việc tìm hiểu một vấn đề cơ bản và quan trọng như chế độ Varna thông
qua khảo cứu các thư tịch cổ của Ấn Độ sẽ là một hướng nghiên cứu cần thiết trong bối
cảnh nguồn tư liệu gốc dùng trong giảng dạy còn chưa được khai thác nhiều. Nghiên cứu
thành công vấn đề này sẽ góp phần cung cấp, bổ sung thêm nguồn tư liệu chuyên sâu về
Ấn Độ thời kì cổ trung đại.
Xuất phát từ những lí do trên, có thể thấy việc nghiên cứu về “Chế độ Varna
trong thư tịch cổ Ấn Độ” là một vấn đề cần thiết, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Bởi

vậy, tôi đã lựa chọn đề tài này làm hướng nghiên cứu cho luận án của mình.
2. Đối tƣợng, phạm vi nghiên cứu
2.1. Đối tượng nghiên cứu
- Chế độ Varna trong thư tịch cổ Ấn Độ.
2.2. Phạm vi nghiên cứu
- Về không gian: đất nước Ấn Độ thời cổ đại bao gồm chủ yếu miền Bắc Ấn và
một phần miền Trung và Nam Ấn.
- Về thời gian: khoảng từ 1500 TCN đến thế kỉ IV CN là khoảng thời gian chủ
yếu mà các thư tịch cổ phản ánh về chế độ Varna.
- Về nội dung: Chế độ Varna được phản ánh trong một số thư tịch cổ ở Ấn Độ cổ
đại. Trong đó chỉ tập trung vào các vấn đề cơ bản là nguồn gốc của chế độ Varna, sự
phân biệt giữa các đẳng cấp của chế độ Varna trên những lĩnh vực cơ bản như kinh tế,
chính trị, pháp luật, tôn giáo, hôn nhân gia đình....
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Thông qua một số thư tịch cổ, luận án tìm hiểu và làm rõ những nội dung cụ thể
của chế độ Varna được phản ánh trong những văn bản đó. Từ đó, đánh giá về chế độ
Varna trong thư tịch cổ và tác động trên nhiều mặt của chế độ này đối với xã hội Ấn Độ
cổ đại. Qua những nội dung trên để hiểu về một phần hiện thực xã hội Ấn Độ cổ đại.


3

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Từ đối tượng, phạm vi và mục đích nghiên cứu, luận án xác định những nhiệm vụ
nghiên cứu như sau:
Thứ nhất, tìm hiểu về hệ thống thư tịch cổ Ấn Độ, đặc biệt là những thư tịch được
sử dụng trong luận án. Từ đó, bước đầu chỉ ra được những giá trị của thư tịch cổ trong
việc tìm hiểu về chế độ Varna nói riêng và xã hội Ấn Độ cổ đại nói chung.
Thứ hai, tìm hiểu chế độ Varna được phản ánh trong thư tịch cổ Ấn Độ về nguồn

gốc, sự phân biệt giữa các Varna trên một số lĩnh vực.
Thứ ba, rút ra những nhận xét về chế độ Varna trong thư tịch cổ Ấn Độ cũng như
vai trò của chế độ này đối với xã hội Ấn Độ thời cổ đại.
4. Nguồn tài liệu và phƣơng pháp nghiên cứu
4.1. Nguồn tài liệu
Trước hết là tư liệu gốc, đề tài chủ yếu sử dụng các bản dịch tiếng Anh và bản
dịch tóm tắt tiếng Việt của các thư tịch cổ Ấn Độ như bộ luật Manu, luật Narada, sử thi
Mahabharata, Bhagavadgita, sử thi Ramayana, tác phẩm Arthashastra. Ngoài ra, luận án
còn sử dụng thêm một số đoạn trích trong kinh Vêđa, Upanishad và một số thư tịch cổ
khác.
Thứ hai, bên cạnh các bản dịch của tư liệu gốc, luận án còn tham khảo quan điểm
và nội dung các bài viết của C.Mác về Ấn Độ trong thời kì thống trị của thực dân Anh in
trong “Mác – Ăng ghen toàn tập” (tập 9). Đề tài cũng sử dụng nhiều tác phẩm chuyên khảo
của các tác giả trong và ngoài nước; các giáo trình, tạp chí khoa học chuyên ngành.
Đồng thời, luận án sử dụng thêm một số tài liệu, sách báo từ nguồn Internet đã qua chọn
lọc.
Ngoài ra, trải nghiệm thực địa tại Ấn Độ vào tháng 2 năm 2014 đã giúp tác giả có
thêm một số kiến thức mới cho vấn đề nghiên cứu của mình.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
Luận án sử dụng các phương pháp nghiên cứu chuyên ngành và liên ngành trong quá
trình thực hiện đề tài. Trong đó, phương pháp lịch sử và phương pháp logic là hai phương
pháp chủ yếu được sử dụng để giải quyết những vấn đề cơ bản mà đề tài đặt ra.
5. Đóng góp của luận án
Những kết quả nghiên cứu của luận án sẽ góp phần:
- Nghiên cứu về chế độ Varna trong một số thư tịch cổ một cách hệ thống, chi tiết,
cụ thể. Đây cũng sẽ là công trình đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu về chế độ Varna trong
thư tịch cổ bên cạnh những nghiên cứu khác về lịch sử, văn hóa, triết học, văn học, tư
tưởng…Ấn Độ đã có nhắc đến Varna.



4

- Thông qua tìm hiểu về chế độ Varna trong một số thư tịch cổ hiểu được một
phần những quan điểm của Hinđu giáo nói riêng, về xã hội Ấn Độ nói chung. Từ đó,
thấy được hệ quả của chế độ này đối với sự phát triển của xã hội Ấn Độ.
- Hệ thống hóa, cung cấp thêm một phần tư liệu gốc trong giảng dạy lịch sử Ấn
Độ ở các trường đại học và phổ thông.
6. Cấu trúc của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, luận án được chia
làm 4 chương:
Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu
Chương 2. Khái quát về thư tịch cổ Ấn Độ
Chương 3. Nguồn gốc và sự phân biệt giữa các Varna trong thư tịch cổ Ấn Độ
Chương 4. Một số nhận xét về chế độ Varna trong thư tịch cổ Ấn Độ
NỘI DUNG
CHƢƠNG 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
1.1. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
1.1.1. Những nghiên cứu về chế độ Varna
1.1.1.1.Những nghiên cứu của các học giả nước ngoài:
Vấn đề chế độ Varna đã được nghiên cứu một cách chuyên sâu trong khá nhiều
cuốn sách chuyên khảo về chế độ đẳng cấp Ấn Độ nói chung của các học giả nước ngoài
như: “Indian Caste” (Đẳng cấp Ấn Độ) của tác giả John Wilson, gồm 2 tập, 1897;
“Hindu Castes and Sects” (Các đẳng cấp và giáo phái Hinđu) của tác giả Jogendra Nath
Bhattacharya, 1896; “Caste in India: Their mechanism, genesis and development” (Đẳng
cấp ở Ấn Độ: cấu trúc, nguồn gốc và sự phát triển ), 1916 của Dr.B.R.Ambedkar; “Caste
in India, the facts and the system” (Đẳng cấp ở Ấn Độ, những yếu tố và hệ thống) do tác
giả Emile Senart viết và Sir Edward Denison Ross biên dịch, 1930; “Indian Caste
System: A Study” (Một nghiên cứu về hệ thống đẳng cấp Ấn Độ), 1931, của Tác giả C.
Hayavadana Rao; “Indian Caste System” (Hệ thống đẳng cấp Ấn Độ) của R.K Pruthi,
2004; “The Caste system of Northern India” (Hệ thống đẳng cấp ở miền Bắc Ấn Độ),

2010, của tác giả E.A.H Blunt….
Bên cạnh những nghiên cứu chuyên sâu, đề cập trực tiếp, chế độ Varna cũng được
đề cập tới trong rất nhiều công trình nghiên cứu chung về lịch sử, văn hóa, triết học, xã
hội học…Ấn Độ như: “Philosophy of ancient India” (Triết học Ấn Độ cổ đại), 1897 của
Richard Garbe; “Hindu Manners, customs and ceremonies” (Những phong tục, tập quán,
lễ nghi của Hinđu giáo) của Abbe J A. Dubois; “A History of India” (Lịch sử Ấn Độ),
tập 1, 1984, tác giả Romila Thapar; “Phát hiện Ấn Độ” (bản dịch), 3 tập, 1990, của
Jawaharlal Nehru; “The Penguin history of early India from the origins to AD 1300”


5

(Lịch sử Ấn Độ từ nguồn gốc đến năm 1300), 2002, của Romila Thapar; “A History of
India” (Lịch sử Ấn Độ), 2004, của hai tác giả Hermann Kulke và Dietmar Rothermund;
“India: The ancient past from 7000 BC to AD 1200” (Ấn Độ cổ đại: từ 7000 TCN đến
1200) của Burjor Avari, 2007....
Nhìn chung, có thể nhận thấy trong những nghiên cứu chuyên sâu về chế độ đẳng
cấp của các học giả nước ngoài thì chế độ Varna thường được phân tích dưới góc độ là giai
đoạn đầu tiên trong sự tồn tại và biến đổi của chế độ đẳng cấp Ấn Độ, những đặc điểm cũng
như ảnh hưởng của nó tới xã hội Ấn Độ trong lịch sử. Còn trong những nghiên cứu tổng quát
về lịch sử, văn hóa, xã hội, triết học, tôn giáo...thì nội dung về Varna chiếm dung lượng nhỏ
hơn nhưng cũng được đề cập như một đặc điểm không tách rời với những vấn đề lớn đó.
Các học giả phương Tây và Ấn Độ cũng đưa ra nhiều cách hiểu khác nhau về khái
niệm Varna. Tuy nhiên, hầu hết các quan điểm đều cho rằng Varna là khái niệm chỉ “màu
da” hay “màu sắc”, chế độ Varna phân chia cư dân Ấn Độ thành các nhóm người khác
nhau dựa trên sự khác biệt về màu da và chủng tộc. Varna còn là khái niệm để chỉ chế độ
phân chia đẳng cấp. Có người đồng nhất Varna với Caste (đẳng cấp), có người cho rằng
Caste bao hàm Varna nhưng đều thống nhất ở quan điểm rằng Varna là khái niệm đầu tiên
để chỉ sự phân biệt các tầng lớp dân cư Ấn Độ mà theo đó xã hội Ấn Độ được chia thành
nhiều đẳng cấp, trong đó có bốn đẳng cấp lớn.

1.1.1.2. Những nghiên cứu của các học giả Việt Nam
Ở Việt Nam, vấn đề chế độ Varna được đề cập rải rác trong các cuốn thông sử
hoặc những nghiên cứu tổng quát về lịch sử hay văn hóa, văn học, triết học...Ấn Độ. Có
thể kể đến một số tác phẩm như: hai cuốn “Ấn Độ qua các thời đại” và “Tìm hiểu văn
hóa Ấn Độ”, cùng xuất bản năm 1986, của tác giả Nguyễn Thừa Hỷ; “Văn hóa Ấn Độ”
(1993) và “Tìm hiểu thần thoại Ấn Độ” (2003), của Cao Huy Đỉnh; “Lịch sử Ấn Độ” của
các tác giả Vũ Dương Ninh, Phan Văn Ban, Nguyễn Công Khanh, Đinh Trung Kiên,
1995; cuốn “Lịch sử thế giới cổ đại” do Lương Ninh chủ biên, 2001; “Lịch sử tư tưởng
triết học Ấn Độ cổ đại”, 2010, tác giả Doãn Chính....
Như vậy, trong những công trình của các học giả Việt Nam, vấn đề chế độ Varna
đã được đề cập rải rác trong các cuốn thông sử hoặc những nghiên cứu tổng quát về lịch
sử hay văn hóa, văn học, triết học...Ấn Độ.
1.1.2. Những nghiên cứu về thư tịch cổ Ấn Độ
Từ lâu việc nghiên cứu các thư tịch cổ của Ấn Độ như bộ luật Manu,
Mahabharata, Ramayana, Vêđa, Upanishad,…đã thu hút sự quan tâm của nhiều học giả
trong nước và quốc tế với rất nhiều công trình nghiên cứu về các tác phẩm này như:
Cuốn The Laws of Manu (luật Manu) của hai tác giả Wendu Doniger và Brian. K. Smith
được xuất bản ở Basu Mudran, Kolkata, 1991; Cuốn “The Minor Law Books” (Những


6

cuốn sách luật nhỏ), của Julius Jolly, nằm trong bộ sách “The Scared Books of the East”
(Những cuốn sách huyền bí phương Đông), tập 33 – Narada, xuất bản năm 1889.
Arthashastra của Kautilya lần đầu tiên đã được dịch giả R.Shamasastry dịch từ
nguyên bản sang tiếng Anh và xuất bản tại Bangalore, Goverment Press, năm 1915. Gần
đây, L.N.Rangarajan đã dịch lại tác phẩm kinh điển này lấy tên là “The Arthashastra”,
do Penguin Books xuất bản lần đầu tại New Delhi, năm 1992.
Hai tác phẩm Mahabharata và Ramayana đã được rất nhiều dịch giả trên khắp thế
giới dịch sang tiếng Anh và nhiều thứ tiếng khác. Ngoài các bản dịch, hai tác phẩm này

được nghiên cứu khá nhiều trong các cuốn sách chuyên khảo như: cuốn “The Society of
the Ramayana” (Xã hội trong Ramayana), của tác giả Ananda Guruge, 1991; cuốn “The
Indian epics retold” (Kể lại sử thi Ấn Độ), Penguin Books xuất bản năm 1995, tác giả
R.K.Narayan; “Epic India” (Sử thi Ấn Độ) của C.V. Vaidya Asian Educational Services,
New Delhi, India, xuất bản năm 2001…
Những nghiên cứu của các học giả trong nước có thể kể đến các công trình tiêu
biểu như: Các bản dịch Mahabharata và Ramayana của Cao Huy Đỉnh, Phạm Thủy Ba;
Cuốn “Kinh văn của các trường phái triết học Ấn Độ”, của Doãn Chính cùng nhóm các
tác giả Vũ Quang Hà, Nguyễn Anh Thường, Đinh Hùng Dũng, 2005; cuốn “Bhagavad –
Gita nguyên nghĩa” do Trần Kim Thư dịch từ bản tiếng Anh và tiếng Nga của tác phẩm
này; đề tài “Luật Manu trong đời sống xã hội Ấn Độ xưa và nay” do PGS.TS Đinh Ngọc
Bảo chủ trì.v.v…
1.2. Những vấn đề đã đƣợc giải quyết và vấn đề đặt ra cho luận án
Nhìn chung, chế độ Varna được nói tới nhiều và khá cụ thể trong những công trình
nghiên cứu về chế độ đẳng cấp nói riêng và lịch sử, văn hóa, xã hội Ấn Độ nói chung của
các học giả nước ngoài. Ở Việt Nam, thì nội dung này mới được đề cập một cách khái quát
thông qua những cuốn thông sử hoặc công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa Ấn Độ.
Điểm chung là chưa có một nghiên cứu riêng đề cập một cách có hệ thống, đầy đủ đến chế
độ Varna ở Ấn Độ thời cổ đại, cũng chưa có một công trình nào tìm hiểu chế độ đẳng cấp
này trong hệ thống thư tịch cổ Ấn Độ. Vì vậy, trên cơ sở lựa chọn và kế thừa có chọn lọc
những kết quả nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước, luận án sẽ cần đi sâu làm rõ
được những nội dung khoa học sau:
- Khái quát về hệ thống thư tịch cổ Ấn Độ và giá trị của thư tịch cổ trong việc tìm
hiểu chế độ Varna
- Nguồn gốc chế độ Varna qua một số thư tịch cổ
- Sự phản ánh của các thư tịch cổ về sự phân biệt giữa các Varna trên các khía
cạnh khác nhau.


7


- Rút ra những nhận xét về chế độ đặc biệt này: từ sự phản ánh của thư tịch cổ về
chế độ Varna thấy được bản chất của chế độ này trong các văn bản đó; những tác động
của nó đối với xã hội Ấn Độ cổ đại nói riêng và trong suốt chiều dài lịch sử Ấn Độ nói
chung; những tính chất đặc biệt của chế độ Varna trong thư tịch cổ.
CHƢƠNG 2. KHÁI QUÁT VỀ THƢ TỊCH CỔ ẤN ĐỘ
2.1. Hoàn cảnh ra đời của các thƣ tịch cổ Ấn Độ
“Thư tịch” là thuật ngữ gốc Hán nghĩa là sách vở cũ, là những ghi chép lại bằng
văn tự trên một hình thức chất liệu nào đó để truyền bá tri thức. Còn “cổ” ở đây chỉ thời
gian hình thành các thư tịch đó. Những thư tịch này có thể tồn tại dưới dạng các cuốn
sách tổng hợp, hay những ghi chép, các văn bản hoặc tài liệu riêng lẻ hoặc có đôi khi đó
là những văn bản được ghi chép trên các tấm bia, lăng mộ hoặc một loại hiện vật hay di
tích lịch sử nào đó. Hệ thống thư tịch cổ Ấn Độ rất phong phú và cũng tồn tại dưới nhiều
hình thức, có nhiều cách phân chia khác nhau dựa trên đặc trưng của thư tịch.Về đại thể
có thể chia làm hai loại cơ bản là những thư tịch Hinđu giáo và những thư tịch không
phải Hinđu giáo, nhưng trong đó phần lớn các thư tịch cổ Ấn Độ là thư tịch Hinđu giáo
hoặc có liên quan đến Hinđu giáo. Đối với các thư tịch cổ Ấn Độ là thư tịch Hinđu giáo,
có thể chia thành hai bộ phận chủ yếu là Kinh và Kệ:
Thứ nhất là Kinh (Sruti): bộ kinh cơ bản là Vêđa. Vêđa gồm có Rig Vêđa, Sama
Vêđa, Yajur Vêđa và Arthava Vêđa. Mỗi Vêđa gồm có: Mantra, Brahmana, Aranyaka và
Upanishad.
Thứ hai là Kệ (Smriti): gồm các thành phần chính là Purana (thoại- tức thần thoại,
mọi sự tích thần thánh), Sastra (luận- trình bày, giải thích các quan niệm Hinđu giáo về
những vấn đề thiết thân của con người như Darmasastra -luận về Đạo pháp, Arthasastra
– luận về bổn phận, Kamasastra- luận về lạc thú), Sustra (các quy tắc, gồm có
Grihyasustra – quy tắc lễ nghi gia đình và việc tề gia; Kamasustra – quy tắc của lạc
thú)…. Ngoài ra, còn có Manusmriti, Naradasmriti là những quy tắc hành động trong xã
hội – thường được biết đến là các bộ luật.
Bên cạnh đó, hệ thống thư tịch Hinđu giáo về sau còn được bổ sung thêm bởi các
tác phẩm văn học Hinđu như Mahabharata, Bhagavad Gita, Ramayana…

Đối với các thư tịch cổ không phải là thư tịch Hinđu giáo thì gồm chủ yếu là các
chiếu chỉ hay sắc lệnh của nhà vua, các văn bia thời Môrya, các văn bản khắc trên cột
sắt, một số tác phẩm mang tính chính luận…
Từ khi các thư tịch cổ Ấn Độ ra đời đến lúc trở thành một hệ thống văn bản hoàn
chỉnh là một quá trình kéo dài hàng nghìn năm. Đó là những sản phẩm kết tinh tinh hoa trí


8

tuệ suốt chiều dài lịch sử của người Ấn Độ. Do đó, sự xuất hiện của những thư tịch này
đều gắn với những hoàn cảnh lịch sử cụ thể.
Các thư tịch cổ Ấn Độ được cho là ra đời sau thời văn minh sông Ấn và được
hoàn thiện trong một thời gian rất dài. Bộ kinh sớm nhất được ra đời là Vêđa (khoảng
1500 – 1000 TCN, và được ghi chép lại vào khoảng thế kỉ VII TCN), tiếp đến là
Upanishad khoảng thế kỉ VI TCN. Sau đó vào thế kỉ IV TCN, Kautilya đã viết
Arthashastra, đây có lẽ cũng là thời gian xuất hiện các Purana (thoại), sastra (luận) và
sustra (quy tắc). Hai bộ sử thi Mahabharata và Ramayana có nguồn gốc và nói về những
sự kiện từ đầu TNK I TCN nhưng bắt đầu được ghi chép lại vào khoảng vài thế kỉ TCN,
có phần thậm chí còn muộn hơn nữa. Những thế kỉ tiếp giáp CN là thời gian phát triển
rầm rộ của các văn bản Phạn ngữ khác như Bhagavad Gita, luật Manu (được cho là có
nguồn gốc từ thế kỉ II TCN nhưng hoàn thành ở thế kỉ II CN), pháp điển Narada (ra đời
khoảng thế kỉ III CN)….
Nhìn chung, trong khoảng từ 1500 TCN đến thế kỉ IV là quá trình hệ thống thư tịch
cổ Ấn Độ được hoàn thiện về mặt hình thức và nội dung với sự ra đời của hàng loạt các
cuốn sách cổ. Hệ thống thư tịch cổ Ấn Độ rất đồ sộ và phức tạp. Hầu hết các thư tịch cổ này
đều nói tới chế độ Varna ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của Luận án,
tác giả chỉ sử dụng một số thư tịch cơ bản trong đó có đề cập đến Varna với dung lượng nhiều
và phản ánh đa dạng, trong đó chủ yếu là thư tịch Hinđu giáo.
2.2. Một số thƣ tịch cổ đƣợc sử dụng trong luận án
Hệ thống thư tịch cổ Ấn Độ được hình thành qua thời gian dài, chúng không

những được chỉnh sửa, bổ sung về nội dung, hoàn thiện về hình thức mà số lượng thư
tịch cũng không ngừng tăng lên cùng với sự biến đổi của tôn giáo và đời sống Ấn Độ.
Từ mục đích và giới hạn phạm vi nghiên cứu của luận án, tác giả đã lựa chọn và giới
thiệu một số thư tịch tiêu biểu sử dụng trong luận án, trong đó những thư tịch được sử
dụng chính là: luật Manu, luật Narada, tác phẩm Arthashastra, Mahabharata (và
Bhagavad Gita), Ramayana.
Các thư tịch cổ Hindu được sử dụng trong luận án được hình thành trong một thời
gian rất dài ở Ấn Độ cổ đại, vì vậy sẽ có nhiều văn bản khác nhau.
Những thư tịch này lúc đầu được viết bằng các ngôn ngữ cổ Ấn Độ, đó là chữ
Phạn (Sanskrit) hoặc Pali, Prakorit. Ví dụ, Rig Vêđa được truyền miệng từ 1500 TCN,
hơn 1000 năm sau mới được ghi lại. Hai bộ sử thi Mahabharata và Ramayana, lúc đầu
được học thuộc lòng và cũng chỉ được ghi chép lại khi chữ Phạn và ngữ pháp Phạn đã
hình thành, từ thế kỉ V TCN. Trong đó, tiếng Phạn được sử dụng phổ biến ở Ấn Độ từ
khoảng thế kỉ VI TCN cho đến khoảng thế kỉ X. Từ thế kỷ X trở đi, ở Ấn Độ dần dần
xuất hiện nhiều loại chữ viết khác nhau. Mỗi khu vực, mỗi vùng có một thứ chữ viết


9

riêng. Trong đó, chữ Hinđi được xây dựng trên cơ sở chữ Phạn là thứ chữ phổ biến ở Ấn
Độ cho đến nay. Vì vậy, chữ này hiện nay rất ít người đọc được, kể cả ở Ấn Độ hiện
nay, người Ấn Độ cũng không thể tiếp cận được với các văn bản thư tịch gốc bằng tiếng
Phạn, do thời gian cũng như sự cải biên chữ viết và đặc biệt là việc hoàn thiện các thư
tịch này kéo dài hàng nghìn năm.
Hơn nữa, những văn bản cổ của các thư tịch cổ này là nguyên bản, tức là bản duy
nhất nên hiện nay nếu chúng còn tồn tại thì cũng đã trở thành những bảo vật quốc gia,
không phải ai cũng được tiếp cận. Vì vậy, các bản dịch của các thư tịch cổ này đều được
dịch từ tiếng Phạn hoặc Hinđi của các văn bản ra đời muộn hơn bản gốc.
Từ những vấn đề có tính lý luận và thực tiễn trên đây, luận án buộc phải sử dụng
các văn bản thứ cấp của các thư tịch cổ Ấn Độ, đó là các bản dịch bằng tiếng Anh và

Việt của các học giả nổi tiếng Ấn Độ và Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng
tác giả cũng đã cố gắng đối chiếu nhiều bản dịch khác nhau đồng thời có phê phán, chọn
lọc, phân tích…để thấy mức độ tin cậy của các văn bản.
2.3. Giá trị của các thƣ tịch cổ trong việc tìm hiểu chế độ Varna
Chế độ Varna được nói tới trong nhiều thư tịch, mỗi văn bản đó là một mảnh ghép
hoàn chỉnh và phản ánh Varna trên các phương diện khác nhau, cũng đồng thời phản ánh
sự biến đổi của Varna qua từng giai đoạn của lịch sử. Giá trị của những thư tịch này
trong việc tìm hiểu chế độ Varna thể hiện ở một số điểm như sau:
Thứ nhất, dù mục đích, nội dung, hình thức của các thư tịch cổ Ấn Độ là khác
nhau và cũng ra đời trong những thời kì không giống nhau nhưng điểm chung của hầu
hết các văn bản này là đều phản ánh chân thực, phong phú và sống động lịch sử - xã hộivăn hóa Ấn Độ trong khoảng thời gian dài, trong đó có chế độ Varna.
Thứ hai, giá trị của thư tịch cổ trong việc tìm hiểu Varna còn thể hiện ở dung
lượng nội dung đề cập đến Varna trong những văn bản này.
Thứ ba, những thư tịch cổ này còn thể hiện tư duy sớm nhất của người Ấn Độ về
vũ trụ, con người và các mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, con người với xã
hội, trong đó có Varna. Bởi vậy, có thể coi chế độ Varna đã được văn bản hóa đầu tiên
trong những thư tịch này, trở thành những quy định về trật tự xã hội mà mọi người đều
phải tuân theo.
Thứ tư, thư tịch cổ giải thích nguồn gốc vũ trụ, xã hội và con người, trong đó có
nguồn gốc của chế độ Varna. Các thư tịch đồng thời cũng là những văn bản đề cập cụ
thể và chi tiết tới những quy định của Varna nói chung dưới khía cạnh luật pháp (Manu,
Narada) và kinh sách, văn học (Vêđa, Upanishad, Mahabharata, Ramayana…). Nói cách
khác, thư tịch cổ chính là những văn bản để luật pháp hóa và thần thánh hóa chế độ
Varna.


10

Thứ năm, các thư tịch cổ còn có giá trị lâu bền với cuộc sống, giúp chúng ta tìm
hiểu ảnh hưởng của Varna với lịch sử Ấn Độ trong thời gian dài.

CHƢƠNG 3. NGUỒN GỐC VÀ SỰ PHÂN BIỆT GIỮA CÁC VARNA TRONG
THƢ TỊCH CỔ ẤN ĐỘ
3.1. Nguồn gốc của chế độ Varna
Khi giải thích sự tạo thành thế giới, tư tưởng Hinđu giáo đã dần khám phá ra rằng
trong thế giới những hiện tượng phong phú có một lực lượng tối cao vô hình chi phối. Vì
thế, từ sự tạo thành của vũ trụ đã được sắp đặt theo ý Đấng tối cao thì xã hội loài người
cũng theo đó mà được hình thành. Sự ra đời và hình thành vũ trụ có liên quan trực tiếp
đến sự ra đời của thế giới loài người, trong đó có chế độ Varna:
Luật Manu nói rằng sự tồn tại của vũ trụ là dựa vào sự tồn tại của bốn đẳng cấp.
Đẳng cấp Brahman được sinh ra từ miệng của thần Brahma, đẳng cấp Kshatriya được
sinh ra từ cánh tay, đẳng cấp Vaisya được sinh ra từ bắp đùi và đẳng cấp Sudra được
sinh ra từ bàn chân của thần (Manu, điều 31, chương I).
Rig-Vêđa chia loài người ra làm hai hạng người: Arya (nghĩa là cao quý, thiện) và
dasya (nghĩa là thấp hèn, ác). Sau đó, trong kinh Atharva-Vêđa cũng ghi rằng người ta
sinh ra hoặc thuộc thành phần Aryan hoặc thuộc thành phần Sudra. Theo Rig Vêđa thì
trong sự tạo thành thế giới nói chung thần tối cao đã tạo ra các Varna, do đó các Varna
chính là hóa thân của thần và cũng là những bộ phận không thể tách rời với cơ thể thần.
Bhagavad Gita giải thích rằng hệ thống đẳng cấp có liên quan đến một luật lệ
thiêng liêng. Theo đó, chế độ Varna được tạo ra theo sự phân chia các Guna và công
việc. Bhagavad Gita nhấn mạnh vào các Guna ở trong một trật tự gồm bốn cấp bậc. Mỗi
phần trong sự phân chia bốn cấp bậc bao gồm ba Guna, tức Sattva (đức hạnh), Rajas
(đam mê), và Tamas (ngu muội). Ba Guna này là những thuộc tính của vũ trụ nên có thế
nói Varna cũng được sinh ra từ sự tạo thành vũ trụ và phải phù hợp với các thuộc tính
của vũ trụ.
Nhìn chung, các thư tịch cổ đều khẳng định nguồn gốc thần thánh của chế độ
Varna, sự hình thành hệ thống Varna liên quan đến quá trình tạo thành thế giới của Thần
tối cao. Theo đó, cư dân Ấn Độ được phân chia thành nhiều đẳng cấp, trong đó có 4 đẳng
cấp chính: Brahman tức là tăng lữ Bàlamôn, Kshatryia gồm tầng lớp quí tộc, vương công và
vũ sĩ, Vaisya gồm đại đa số bình dân và Sudra là những người phục dịch. Nhiệm vụ của
mỗi Varna đã được qui định bởi chính nguồn gốc của họ. Do đó, mỗi đẳng cấp đều có

địa vị, quyền lợi, bổn phận, nghĩa vụ….riêng của nó.
3.2. Sự phân biệt giữa các Varna
3.2.1. Về chính trị và pháp luật


11

3.2.1.1. Về chính trị
Brahman được khẳng định là đẳng cấp có địa vị cao quý nhất, trong sạch nhất.
Brahman là đẳng cấp tinh túy, ưu tú nhất trong loài người (Manu, điều 96, chương I). Do
đó, Brahman có quyền lực nhất về tinh thần. Vì thế, các Varna phải hết sức tỏ ra cung
kính Brahman trong mọi trường hợp, bởi vì mỗi người trong họ là một thần thánh vĩ đại
(Manu, điều 319, chương IX).
Nếu Brahman được coi là đẳng cấp thống trị về tinh thần thì các thư tịch Ấn Độ cổ
đều khẳng định vua là người có quyền hành cao nhất trong việc cai trị đất nước.
Theo luật pháp thì vua phải là người xuất thân ở Varna Kshatriya (Manu, điều 84,
chương IV). Kshatriya có nghĩa vụ đầu tiên là cai trị đất nước. Đây được coi là bổn phận
thiêng liêng của họ đối với thần thánh. Vua còn là người đứng đầu quân đội và được đấng
tối cao ủy thác để tiến hành các nghi lễ hiến tế, duy trì, bảo vệ sự ổn định về kinh tế, xã hội
cho đất nước.
Tuy là người có quyền quyết định đối với mọi vấn đề của đất nước nhưng theo
các văn bản Hinđu thì không chỉ địa vị mà quyền lực của Kshatriya vẫn thấp hơn
Brahman, bị Brahman chi phối trong việc quản lý đất nước. Vì thế, dù trong hoàn cảnh
nào thì vua vẫn luôn phải tỏ lòng kính trọng đối với Brahman.
Về Vaisya: Vaisya thuộc về ba đẳng cấp có nguồn gốc cao quý trong xã hội như
Brahman và Kshatriya nhưng địa vị của họ thấp nhất trong những “người ra đời hai lần”.
Họ có địa vị xã hội của người dân lao động, là đẳng cấp bị trị (Manu, điều 328, chương
IX). Vaisya là lực lượng lao động chính sản xuất ra của cải vật chất để cung cấp mọi vật
phẩm cho xã hội. Đôi khi họ bị xếp đồng loại với Varna thấp nhất là Sudra (Narada,
điều 16, chương 18).

Về Sudra: có địa vị thấp kém nhất trong hệ thống đẳng cấp. Họ là những kẻ tôi tớ,
chỉ có một bổn phận là phục dịch cho đẳng cấp bên trên một cách vô điều kiện, không
được kêu ca, oán thán. Tuy nhiên, Sudra không phải là nô lệ, họ chỉ là tầng lớp thấp nhất
trong cư dân tự do và là đẳng cấp bị trị như Vaisya.
3.2.1.2. Về pháp luật
Theo sự phản ánh của các thư tịch cổ, nhà vua được khẳng định là người nắm
quyền tối cao về pháp luật. Theo đó, quyền xét xử các vụ án thuộc về nhà vua. Nhiệm vụ
cao cả nhất về luật pháp của nhà vua là giữ gìn thế giới theo đúng trật tự mà thần tối cao
đã tạo ra. Cả Brahman và nhà vua cùng phải bảo vệ loài người thực hiện theo luật thánh
(Narada, điều 42, chương 18).
Mặc dù, vua phải thực hiện công bằng và bình đẳng cho tất cả mọi người nhưng
quyền bình đẳng của mỗi người trước pháp luật cũng nằm trong trật tự đẳng cấp của họ


12

(Manu, điều 24, chương VIII). Trước pháp luật, chỉ có Brahman mới được hưởng đầy đủ
quyền bất khả xâm phạm thân thể, tính mạng cũng như tài sản.
Nhìn chung, sự cách biệt giữa các Varna đã thể hiện ở chỗ với cùng một tội lỗi
như nhau, tội nhân càng ở Varna cao hơn thì hình phạt càng được giảm nhẹ dần, ở Varna
thấp hơn càng bị hình phạt nặng hơn. Ngược lại, nạn nhân càng ở Varna cao hơn, tội
nhân càng bị phạt nặng hơn, nạn nhân càng ở Varna thấp hơn, tội nhân càng được xử nhẹ
dần.
3.2.2. Về kinh tế
3.2.2.1. Về nghề nghiệp
Tương ứng với vị trí của mình trong bậc thang phân cấp, các Varna sẽ có những
bổn phận nghề nghiệp khác nhau. Người Brahman được quy định làm các công việc:
Dạy (Vêđa); nghiên cứu; hiến tế cho mình; hiến tế cho những người khác; dạy học và
nhận (quà biếu) của những người trong sạch (Manu, điều 32, chương I). Các thư tịch
cũng quy định rất chặt chẽ việc người Brahman không được phép làm, trong đó đặc biệt là

các công việc của đẳng cấp dưới (Narada, điều 57, chương 1). Tuy nhiên, trong một số
trường hợp đặc biệt người Brahman vẫn có thể làm những công việc không dành cho
đẳng cấp của mình. Ví dụ: người Brahman trong thời kì khốn khó của mình có thể làm
các công việc của Kshatriya hoặc Vaisya. Tuy nhiên, trong thời gian làm những công
việc đó, người Brahman vẫn phải tuyệt đối tuân thủ những nghĩa vụ của mình và phải
quay lại nghề nghiệp của mình khi hết khó khăn (Narada, điều 56, 59, 67, chương 1).
Thứ hai, đối với Varna Kshatriya, công việc được quy định là sinh sống bằng hoạt
động quân sự và cai trị đất nước (Arthashastra). Trong thời kì khốn khó, Kshatriya cũng
có thể làm công việc của đẳng cấp dưới (Vaisya) như công việc canh tác và buôn bán
các thứ hàng vốn qui định cho Vaisya nhưng tuyệt đối không được nghĩ tới nghề nghiệp
cao hơn mình (Brahman) (Manu, điều 95, chương X).
Thứ ba, đối với Varna Vaisya, theo luật pháp Ấn Độ cổ đại, Vaisya được quy định
sống bằng hoạt động kinh tế: buôn bán, cho vay lãi, canh tác nông nghiệp, chăn nuôi gia
súc (Manu, điều 410, chương VIII). Đến thời Môrya, Vaisya được nói tới gồm chủ yếu
là thương nhân, thợ thủ công và nông dân (Arthashastra). Theo thời gian, cùng với sự
lớn mạnh của quân đội thời Môrya, Vaisya và Sudra tham gia vào quân đội của
Kshatriya ngày càng đông đảo cũng khiến cho cơ cấu nghề nghiệp cũng như địa vị của
hai đẳng cấp này có chút ít thay đổi. Tương tự như hai Varna trên, nếu Vaisya không thể
sống bằng việc thực hiện nghề nghiệp của mình thì có thể sống lối sống của Sudra,
nhưng không được làm những việc bị cấm đối với mình (Manu, điều 98, chương X).
Thứ tư, đối với Varna Sudra, nghề nghiệp được quy định cho họ là sinh sống chủ
yếu bằng công việc phục vụ các Brahman (Manu, điều 123, chương X). Nhưng để kiếm


13

kế sinh sống thì Sudra có thể phục vụ Kshatriya hoặc Vaisya giàu có.Trong một số
trường hợp đặc biệt Sudra cũng có thể làm công việc khác những công việc được quy
định. Sudra còn có một nghề nghiệp đặc biệt là làm nô lệ.
3.2.2.2. Về sở hữu tài sản

Các thư tịch cổ đều cho thấy Brahman là người sở hữu nhiều đất đai và tài sản
nhất (tư hữu), hơn cả vua. Brahman còn có quyền vô thượng trong việc sở hữu tài sản,
coi tất cả của cải trong xã hội là thuộc về họ (Manu, điều 100, chương I). Vì thế,
Kshatriya nắm được quyền cai quản xã hội nhưng không có quyền động đến tài sản của
Brahman. Bên cạnh đó, Brahman là đẳng cấp được phép nhận tài sản biếu tặng từ các
đẳng cấp khác. Những tài sản đã ban cho Brahman cũng là loại tài sản vĩnh viễn, không
bị thu hồi (Narada, điều 47, 49, chương 18).
Về việc sở hữu tài sản của Kshatriya, các thư tịch cổ đều khẳng định nhà vua
(thuộc Varna Kshatriya) trên danh nghĩa là người có quyền sở hữu và quản lý tối cao đối
với ruộng đất. Không chỉ có quyền sở hữu tối cao đối với đất đai, vua cũng sở hữu nhiều
tài sản giá trị khác từ nhỏ tới lớn như kim loại quý, gia súc lớn, nô lệ, quân đội…kể cả
thần dân trong vương quốc cũng thuộc sở hữu của vua. Tuy nhiên, nhà vua không thể sở
hữu những người Bàlamôn.
Tuy nhà vua là người chủ đất tối cao nhưng thực tế vua chỉ cai quản một phần đất
đai, còn đại bộ phận chia cho công xã cày cấy và thu tô thuế (Arthashastra). Vì đất đai
được chia nên nhà vua phải xây dựng một bộ máy những người đứng đầu công xã để
giúp vua quản lý đất đai tại các địa phương (Manu, điều 116, chương VII). Người nông
dân sống trong các làng sẽ phải nộp tô thuế cho nhà nước thông qua những người đứng
đầu các công xã đó (điều 119, chương VII, Manu).
Ngoài những tài sản được sở hữu theo quy định, Kshatriya cũng có thể sở hữu
thêm nhiều tài sản hơn thông qua một số nguồn đặc biệt như các loại thuế, do chiến đấu,
tiền phạt có được trong các vụ kiện (Narada, điều 53, chương 1).
Về sở hữu của Vaisya, đẳng cấp này được chia một phần ruộng đất và họ phải có
trách nhiệm đối với ruộng đất của mình được chia. Trong số những đất đai mà Vaisya
được chia thì những đất đai được chuẩn bị tốt để trồng trọt sẽ nhận được nhiều ưu đãi về
thuế, còn nếu những ruộng đất không được chuẩn bị tốt cho việc trồng trọt, dẫn đến mất
mùa thì có thể bị tịch thu (Arthashastra). Ngoài đất đai được chia thì Vaisya cũng có thể
tăng tài sản lên gấp 3 lần nhờ các việc làm đất, chăn nuôi bò và thương mại (Narada,
điều 54, chương 1).
Trong khi những đẳng cấp khác được sở hữu và bảo vệ tài sản thì Sudra không

những không được sở hữu tài sản mà họ còn có thể bị chiếm đoạt tài sản họ có (Manu,
điều 417, chương VIII). Sudra cũng không được phép tích lũy tài sản vì đó là mối đe dọa


14

với các đẳng cấp trên (Manu, điều 129, chương X). Nhưng trong một số trường hợp ngoại
lệ, Sudra vẫn có thể có được tài sản riêng nếu thành viên của ba đẳng cấp trên vì nhiều lý
do mà bố thí cho họ thì tài sản đó sẽ là sở hữu riêng của Sudra (Narada, điều 54, chương
1).
Như vậy, ba đẳng cấp trên theo quy định đều có thể sở hữu tài sản. Bên cạnh đó,
họ còn có thể làm cho của cải của mình tăng lên bằng nhiều cách hợp pháp hoặc bất hợp
pháp và được tôn giáo thừa nhận. Còn đẳng cấp thứ tư không thể sở hữu bất cứ tài sản
nào và nếu có thì là do ba đẳng cấp trên bố thí cho chứ không phải do lao động của họ
mà có được.
3.2.2.3. Thừa kế tài sản
Chế độ nội hôn theo quy định của Varna là nhân tố quyết định trong việc kế thừa
tài sản. Trong số những người con trai được hưởng tài sản thừa kế (của một người cha
thuộc đẳng cấp cao) thì tùy vào việc người con trai đó được sinh ra từ người mẹ thuộc
đẳng cấp nào thì tỉ lệ tài sản được hưởng sẽ giảm dần theo địa vị xã hội của người mẹ đó
(Arthashatra).
3.2.2.4. Thuế khóa và nghĩa vụ lao dịch với nhà nước
Bên cạnh việc thực hiện những nghề nghiệp theo quy định và thừa kế tài sản, các
Varna còn phải thực hiện nghĩa vụ về thuế khóa và lao dịch đối với Nhà nước. Người đại
diện trực tiếp cho nhà nước là vua. Vì vậy, thu thuế được xem như là một trong những
chức năng chính của vua. Thư tịch cổ Ấn Độ đề cập đến nhiều loại thuế. Vua đã đặt ra
các viên chức tài chính để thực hiện việc thu nhận thuế từ những người đứng đầu các làng
và chuyển vào kho cho nhà vua. Vua sẽ là người kiểm duyệt cuối cùng thông qua các văn
bản mà người thu thuế chính đã ghi chép lại (Arthashastra). Cũng giống như đối với đất
đai và các tài sản khác, vua có thể thu thuế bất cứ ai nhưng trừ người Brahman (Manu,

điều 134, chương VII).
Đẳng cấp Vaisya là những người phải đóng góp nhiều thuế hơn cả và tùy theo
công việc mà họ phải nộp mức thuế khác nhau. Ngoài ra, các Varna dưới còn có nghĩa vụ
lao dịch nặng nhọc cho nhà nước như đắp đê, đào kênh, làm đường, những nghĩa vụ trong
việc quân sự khi chiến tranh xảy ra hoặc lao dịch theo thời vụ.
Tóm lại, những cách biệt về kinh tế giữa các Varna đảm bảo cho Brahman và Kshatryia
sống cuộc đời sung sướng trên sức lao động của người nghèo khổ, nhất là Sudra.
3.2.3. Về bổn phận tôn giáo
Bổn phận tôn giáo của các Varna được thể hiện trước hết trong việc thực hiện các
giai đoạn của cuộc đời. Theo quy định của Hinđu giáo, cuộc đời của một người Brahman
được chia thành bốn giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất dành cho tuổi niên thiếu là tu dưỡng,
rèn luyện đạo đức lối sống. Giai đoạn thứ hai là giai đoạn “chủ nhà” con người lập gia


15

đình và tạo dựng sự nghiệp và công danh hưởng thú vui trần tục nhưng vẫn phải tuân
theo những quy định, lễ nghi tôn giáo và bổn phận của đẳng cấp mình. Giai đoạn thứ ba
là giai đoạn sống ẩn dật khi đã có tuổi và con cháu. Giai đoạn thứ tư là giai đoạn xuất thế
thành những tu sĩ khất thực sống cuộc sống không màng đến danh lợi mong muốn tìm
đến sự giải thoát.
Nghĩa vụ tôn giáo của các Varna còn được biểu hiện tiêu biểu trong việc phân
chia các Varna ra làm “người ra đời hai lần” và “người ra đời một lần”. Do đó, chỉ có
người ra đời hai lần mới được hưởng sự phong tặng của tôn giáo, được học kinh Vêđa và
được quyền thực hiện các nghi lễ tôn giáo. Từ những quy định chung đó, các Varna cũng
có những danh phận khác nhau về tôn giáo:
Đối với Brahman: Trước hết, họ có quyền lợi, nghĩa vụ và bổn phận giảng dạy,
nghiên cứu kinh Vêđa và thực hiện các nghi lễ tôn giáo. Thứ hai, Brahman phải là những
người thông hiểu kinh Vêđa và được coi là đẳng cấp trung gian giữa thần và người
(Manu, điều 32, 97, chương I).

Đối với Kshatriya: Họ cũng là những người thông hiểu kinh Vêđa và có nghĩa vụ,
bổn phận cũng như quyền lợi trong việc thực hành các nghi lễ tôn giáo (Manu, điều 100,
chương XII). Tuy Kshatriya không phải là chủ các buổi lễ, nhưng họ là người quyết định
tổ chức lễ tế, lựa chọn và mời các chủ lễ và cũng là người quyết định những thành phần
sẽ tham gia vào lễ tế chứ không phải là Brahman (Ramayana).
Đối với Vaisya: họ là những người “sinh ra hai lần”, có nghĩa vụ học và hiểu biết
kinh Vêđa và thực hành các nghi lễ tôn giáo. Vaisya là người chuẩn bị các đồ hiến tế,
dâng lễ vật và phục vụ trong những nghi lễ này. Họ cũng chính là thành phần đông đảo
nhất tham gia vào các lễ hiến tế hay những nghi lễ tôn giáo.
Đối với Sudra: họ bị nghiêm cấm thực hiện các nghi lễ tôn giáo. Sudra không được
làm các nghi thức tôn giáo. Sudra không được nhìn người ra đời hai lần thực hành nghi lễ
tôn giáo. Họ cũng không được nhìn người ra đời hai lần nấu thức ăn cúng tế.
Nhìn chung, qua thư tịch cổ cho thấy nền giáo dục thời Ấn Độ cổ đại là thần học. Bởi
vậy, Brahman không những có đặc quyền về tôn giáo mà còn có quyền vô thượng về mặt
văn hóa, giáo dục đương thời. Trái lại Sudra bị cấm học kinh Vêđa cũng có nghĩa là họ bị
ngăn cấm việc học hành, mất quyền lợi về văn hóa, giáo dục. Các Brahman cho rằng, một
Sudra mà nghe kinh Vêđa thì tai sẽ bị điếc, sẽ bị đổ chì vào, nếu tụng kinh Vêđa thì lưỡi
sẽ bị cắt đứt, nếu học thuộc lòng thì thân thể sẽ bị chặt làm hai.
3.2.4. Về hôn nhân gia đình
Theo những quy định trong thư tịch Hinđu giáo nói chung và luật pháp Ấn Độ cổ
đại nói riêng, không chấp nhận chế độ đa thê (poligamy) và hôn nhân không cùng đẳng


16

cấp, đặc biệt là giữa những đẳng cấp cao (Brahman, Kshatriya) với đẳng cấp thấp
(Sudra).
Thứ nhất, một quy định chung dành cho tất cả các Varna là: “Khi một người
Brahman, Kshatriya, Vaisya hay Sudra lấy vợ, điều tốt nhất cho anh ta là lấy một người
thuộc đẳng cấp của mình; và do đó một người đàn ông là thành viên cùng đẳng cấp cũng

là người đủ điều kiện làm chồng nhất cho một người phụ nữ” (Narada, điều 4, chương
12).
Kể cả đối với hai đẳng cấp trên, việc kết hôn với nhau cũng là điều cấm kị. Đặc
biệt đàn ông Kshatriya kết hôn với phụ nữ Brahman là trái với đạo lý và sẽ bị những
người Brahman khác coi thường, dù đó là một bậc quân vương, việc một phụ nữ
Brahman nếu làm vợ một người Kshatriya cũng bị coi là hành động “hạ mình”.
Thứ hai, dù không khuyến khích đa thê nhưng trong những trường hợp đặc biệt
thì những người đàn ông thuộc ba đẳng cấp trên vẫn có thể lấy thêm vợ nếu muốn nhưng
với điều kiện người vợ đầu tiên (tức vợ cả) phải thuộc cùng đẳng cấp với mình, những
người vợ tiếp theo phải là người thuộc đẳng cấp dưới. Tương tự như vậy, mặc dù nghiêm
cấm ngặt nghèo việc kết hôn không cùng đẳng cấp nhưng thư tịch Hinđu và luật pháp
Ấn Độ cũng có nhiều quy định về các trường hợp cụ thể được chấp nhận kết hôn khác
đẳng cấp.
Bên cạnh những quy định về việc kết hôn cùng đẳng cấp, các thư tịch cũng chỉ ra
hệ quả của sự vi phạm những quy định đó sẽ bị trừng phạt rất nghiêm khắc (ví dụ: bị trục
xuất ra khỏi đẳng cấp, giáng đẳng cấp, bị phạt tiền, con cái của họ không được xếp vào
đẳng cấp nào, là tầng lớp tận cùng trong xã hội...).
3.2.5. Về các phƣơng diện khác
Về việc đặt tên: Đối với người Ấn Độ cổ đại việc đặt tên cho đứa bé khi ra đời là
một nghi lễ thiêng liêng và quan trọng. Việc đặt tên phải được tiến hành theo đúng quy
định về mặt thời gian, thời điểm. Quan trọng hơn cả là việc lựa chọn tên cũng phải tuân
thủ theo đúng quy định và phải phù hợp với đẳng cấp của đứa trẻ. Đứa trẻ thuộc đẳng
cấp nào thì phù hợp với tên gọi, từ ngữ của đẳng cấp đó. Ngoài những tên do cha mẹ lựa
chọn phù hợp với trật tự đẳng cấp thì con cái của các cuộc hôn nhân không theo đúng
trật tự Varna cũng có những tên gọi riêng tùy theo từng trường hợp cụ thể.
Về cách ăn, mặc, ở: qua sự phản ánh của các thư tịch cho thấy mỗi đẳng cấp ở Ấn
Độ đều có sự khác biệt về cách ăn, mặc và phải phù hợp với đẳng cấp mình.
Người Ấn Độ cổ đại rất coi trọng việc ăn uống, điều đó được thể hiện rất rõ bằng
một hệ thống những quy định về thức ăn, cách ăn cho các đẳng cấp trong các thư tịch.
Đối với những người ra đời hai lần, các thư tịch không chỉ quy định về lượng thức ăn

được sử dụng mà còn đưa ra một hệ thống các quy định chung rất nghiêm ngặt những


17

thực phẩm nào được dùng hoặc không được dùng làm thức ăn. Đặc biệt là những quy tắc
dùng thịt và kiêng thịt. Người ra đời hai lần chỉ được dùng thịt làm thức ăn khi cúng tế,
cho nên dùng thịt trong các trường hợp khác bị coi là vi phạm quy tắc. Họ nên kiêng tất
cả các loại thịt vì đây là một phần trong việc thực hiện các kỳ công khổ hạnh, kiêng thịt
được coi là thành quả lớn.
CHƢƠNG 4. MỘT SỐ NHẬN XÉT VỀ CHẾ ĐỘ VARNA TRONG THƢ TỊCH
CỔ ẤN ĐỘ
4.1. Chế độ Varna trong thƣ tịch cổ là sự phản ánh thực trạng phân hóa xã hội ở
Ấn Độ cổ đại
Trước hết, chế độ Varna trong thư tịch cổ Ấn Độ là sự phản ánh thực trạng phân
hóa xã hội ở Ấn Độ cổ đại.
Tuy nhiên, sự phản ánh đó về địa vị, quyền lợi của các đẳng cấp không hoàn toàn
phù hợp với một trật tự xã hội theo thể chế quân chủ.
Trong các thư tịch cổ Ấn Độ, chế độ Varna được phản ánh một cách rất chi tiết,
phức tạp và có nhiều điểm khác biệt so với những gì đã được đề cập tới trong các công
trình nghiên cứu sau này.
Nhìn chung, một trong những ưu điểm lớn nhất của thư tịch cổ khi phản ánh chế
độ Varna là nó đã đi sâu tới từng “ngõ ngách” của mỗi vấn đề được đề cập. Những vấn
đề to lớn luôn được cụ thể hóa, chi tiết hóa, làm cho những triết lý hay luật pháp khô
khan trở nên dễ hiểu hơn, gần gũi hơn với người đọc. Hơn nữa, chúng còn luôn được
luận giải bằng những lí lẽ rất logic và hợp lí. Thông qua đó, chế độ Varna được tạo ra
một cách hoàn chỉnh tới từng chi tiết. Những điểm tương đồng và khác biệt trong sự
phản ánh về Varna giữa các thư tịch cũng là sự tương đồng và khác biệt trong tư duy của
người Ấn Độ ở những thời điểm khác nhau khi viết và hoàn thiện các thư tịch đó. Đó là
cơ sở quan trọng giúp chúng ta nhận thức được một phần thực tại xã hội Ấn Độ cổ đại.

4.2. Chế độ Varna trong thƣ tịch cổ thực chất là quan niệm của Hinđu giáo về sự
phân biệt và danh phận giữa các Varna
Chế độ Varna là một thực thể đã tồn tại trong xã hội Ấn Độ cổ đại và thực thể đó
đã được phản ánh rất chi tiết, cụ thể trong các thư tịch cổ. Tuy nhiên, trong các thư tịch
cổ, chế độ Varna không thể tách rời bổn phận tôn giáo của các tín đồ Hinđu. Mọi quy
định, phản ánh, ghi chép...về chế độ Varna đều được thực hiện bởi những người viết ra
những văn bản này là tầng lớp tăng lữ, do đó có thể coi nó là một sản phẩm của Hinđu
giáo. Vì đẳng cấp Brahman cũng là đẳng cấp duy nhất có trí tuệ nên những điều giải
thích cho kinh sách nằm trong các thư tịch cổ đều là là những tư duy của Brahman về xã


18

hội, con người. Các thư tịch cổ họ viết ra cũng đều nhằm mục đích giải thích cho kinh
Vêđa.
Hơn nữa, chế độ Varna trong thư tịch cổ còn là một xã hội lý tưởng theo quan
niệm của Hinđu giáo. Vì qua các thư tịch cổ, chúng ta có thể thấy chế độ Varna vừa là
một thực tại xã hội vừa là những quy tắc và cao hơn là những điều luật nhằm điều tiết
các quan hệ xã hội, hành vi của các đẳng cấp và của mỗi cá nhân con người theo quan
niệm của Hinđu.
Các thư tịch cổ Hinđu đều khẳng định nguồn gốc thần thánh của chế độ Varna,
cho rằng các Varna có nguồn gốc từ sự phân chia cơ thể của Thần sáng tạo trong quá
trình tạo thành thế giới, do đó mỗi Varna có địa vị khác nhau tương ứng với vị trí trên cơ
thể thần. Đây là sự lí giải nguồn gốc Varna theo quan điểm của Hinđu giáo vì tư tưởng
của tôn giáo này cho rằng Thần tối cao đã sáng tạo ra vạn vật và thần thấm nhuần trong
tất cả. Linh hồn con người là một phần của linh hồn vũ trụ, mà linh hồn vũ trụ thì bất
biến, cho nên các Varna cũng bất biến.
Qua sự phân chia các lĩnh vực phản ánh của thư tịch cổ về chế độ Varna trong
chương 3, có thể nhận thấy những quy định của các Varna rất phức tạp, chặt chẽ và thể
hiện rất rõ tư tưởng của Hinđu giáo. Đó đều là những Dharma chung hoặc riêng của các

đẳng cấp được cụ thể hóa trên từng lĩnh vực. Những Dharma đó là nguyên tắc chi phối
toàn bộ đời sống của các đẳng cấp trong xã hội Ấn Độ, cũng là những tín điều cốt lõi của
Hinđu giáo.
4.3. Chế độ Varna trong thƣ tịch cổ là hình thức văn bản hóa quan điểm của giai
cấp thống trị về trật tự xã hội
Chế độ Varna trong các thư tịch cổ thực chất là một “chế độ Varna trên văn bản” hơn
là một thực thể ngoài cuộc sống vì nó thể hiện sâu sắc những quan điểm của giai cấp thống
trị về thực trạng xã hội. Varna đã được giải thích bằng những quan niệm của Hinđu giáo qua
các thư tịch đồng thời thông qua chế độ này, các tư tưởng Hinđu giáo cũng được truyền bá
sâu rộng.
Trước hết, giáo lí của Hinđu giáo là một trường phái triết học về bản ngã – con người
và xã hội mà thực chất là về chế độ đẳng cấp Varna và các Dharma của mỗi đẳng cấp và
mỗi cá thể con người. Vì vậy, với đa số người dân Ấn Độ, chế độ Varna và Dharma trở nên
cao siêu và khó tiếp cận. Hệ thống thư tịch cổ trở thành một công cụ hữu hiệu để giải thích,
làm sáng tỏ và truyền bá chế độ Varna trong thực tế cuộc sống.
Thứ hai, giai cấp thống trị đã mượn thư tịch để truyền bá và luật hóa sự phân tầng
xã hội, để bảo vệ quyền lợi của giai cấp mình, đề cao giai cấp thống trị (Brahman và
Kshatriya), hạ thấp giai cấp bị trị (đặc biệt là người Dravidian). Có thể dễ dàng nhận
thấy tất cả những quy định hay sự phản ánh của thư tịch cổ về chế độ Varna đều dành


19

phần lớn sự ưu ái cho đẳng cấp Brahman. Manu hay Narada đều dành nhiều chương ca
ngợi phẩm chất, đạo đức, địa vị của đẳng cấp này. Mahabharata và Ramayna còn hầu
như chỉ đề cập đến hai đẳng cấp Brahman và Kshatriya. Không chỉ vậy, trong các thư
tịch, Brahman và Kshatriya cũng nhận được những quyền lợi và đặc ân trên tất cả các
lĩnh vực.
4.4. Chế độ Varna trong thƣ tịch cổ là một chế độ đẳng cấp hà khắc, đƣợc thần
thánh hóa và tồn tại bền vững, lâu dài

4.2.1. Chế độ đẳng cấp hà khắc
Sự hà khắc của chế độ Varna thể hiện trước hết trong quan hệ giữa các Varna và
nhất là giữa 3 Varna trên với Varna Sudra. Sự cách biệt nghiêm ngặt đó thể hiện rõ nhất
trong quan hệ hôn nhân và giao tiếp. Về nguyên tắc, những người thuộc đẳng cấp Sudra
nói chung và đặc biệt là tầng lớp “ngoài đẳng cấp” đều không được phép tiếp xúc với
những đẳng cấp trên nhất là đẳng cấp Brahman.
Sự khắc nghiệt và tàn bạo của chế độ này còn thể hiện trong những quy định trên
tất cả các lĩnh vực, các Varna trên luôn nhận được rất nhiều đặc quyền, đặc biệt về kinh
tế, chính trị, tôn giáo, pháp luật...Khoảng cách về quyền lực, tài sản, học vấn, thân phận,
địa vị giữa các Varna “ra đời hai lần” với Sudra là rất lớn.
Chế độ Varna còn thể hiện tính hà khắc trong việc quy định tỉ mỉ cách con người
phải sống như thế nào. Từ những việc hàng ngày như ăn, mặc, ở, giao tiếp, cư xử, làm việc,
học tập….đến những việc mang tính cá nhân như tình yêu, sự quan tâm, thái độ hay những
nghĩa vụ lớn lao đối với tôn giáo của mỗi đẳng cấp đều có trong thư tịch.
Sự khắc nghiệt cũng thể hiện ở việc con người không chỉ phải thực hiện những quy
định về Varna lúc sống mà ngay cả khi họ chết đi thì cũng phải tuân thủ Varna.
Nói chung, pháp luật bảo vệ lợi ích của các Varna trên. Trong mọi trường hợp, ở
mọi lĩnh vực, quyền lợi của Sudra bị hi sinh một cách không thương tiếc. Sinh mệnh của
họ không được đảm bảo. Dù họ có là dân tự do đi nữa thì trên thực tế, họ cũng không
khác với nô lệ là mấy.
4.2.2. Chế độ đẳng cấp được thần thánh hóa
Qua các thư tịch cổ có thể thấy tính chất thần thánh hóa của chế độ Varna một
cách rõ ràng trong những văn bản này. Chế độ đẳng cấp xuất hiện ở rất nhiều quốc gia
trên thế giới nhưng có lẽ Ấn Độ là nơi duy nhất chế độ này được sinh ra bởi thần, do
thần bảo trợ, thần quyết định sự sống và định ra cách sống cho từng đẳng cấp. Sự tồn tại
của chế độ đẳng cấp là do thần, theo thần nên toàn bộ đời sống của con người cũng được
thần thánh hóa.
Từ điểm khởi đầu là nguồn gốc hình thành Varna thì nó đã được khẳng định là do
thần tạo ra, vì thế ngay từ khi ra đời thì chế độ này bản thân nó đã là một sản phẩm tôn



20

giáo. Những điều phản ánh của thư tịch cổ về chế độ Varna cũng coi địa vị của các
Brahman là cao quý nhất, những nghề nghiệp của Brahman là vinh thân nhất, những
điều pháp luật bảo vệ cho Brahman là đương nhiên bởi nó duy trì sự thịnh vượng của xã
hội, nếu ai làm tổn hại đến Brahman tức là làm tổn hại đến thần thánh...Việc Brahman sở
hữu tất cả tài sản cũng là để bảo vệ kho báu của thần. Bộ luật Manu còn phân chia các
đẳng cấp cũng dựa trên sự hiểu biết và tinh thông kinh Vêđa. Những nghề nghiệp, bổn
phận tôn giáo, nghĩa vụ hôn nhân...tất cả đều nhằm phụng sự những Dharma mà thần đã
trao cho mỗi Varna và phụng sự tôn giáo.
Do đó, Dharma của các đẳng cấp cũng gắn liền với các Dharma tôn giáo, đặc biệt
trong việc dạy, học kinh Vêđa và thực hiện các nghi thức tế lễ.
Sự thần thánh hóa chế độ đẳng cấp đã được thể chế hóa bằng luật pháp. Thần vừa
là người sáng tạo ra vừa là lực lượng siêu nhiên bảo trợ cho sự tồn tại của chế độ Varna,
nhằm duy trì đặc quyền đặc lợi của giai cấp thống trị. Bên cạnh tôn giáo, Nhà nước cũng
nghiễm nhiên được qui định là công cụ để bảo vệ chế độ Varna.
4.2.3. Chế độ đẳng cấp tồn tại bền vững, lâu dài
Trên thế giới, chế độ đẳng cấp tồn tại khá phổ biến ở nhiều quốc gia nhưng nó chỉ
tồn tại trong một thời gian, có sự biến đổi và sớm bị phá vỡ. Chế độ đẳng cấp Ấn Độ lại
mang đặc trưng riêng, đó là tính cốt hóa.
Ở Ấn Độ, sinh ra là một tín đồ của đạo Hinđu thì buộc phải tuân thủ những qui
định ngặt nghèo về đẳng cấp xã hội của đạo này. Nếu ai không may sinh ra trong đẳng
cấp hèn hạ, họ phải chấp nhận số phận đó cho đến khi nhắm mắt lìa đời mà không có cơ
hội vươn lên địa vị cao hơn.
Sự bền vững của chế độ Varna trước hết thể hiện ở tính xơ cứng, không chuyển
hóa giữa các đẳng cấp.
Sự bền vững của hệ thống đẳng cấp Varna được thể hiện rõ rệt ngay cả trong sự
biến chuyển mà như không biến chuyển.
Chế độ Varna còn thể hiện sự bền vững ở sự tồn tại bất biến, dai dẳng của nó qua

thời gian. Do nguồn gốc thần thánh định đoạt, chủng tộc và dòng dõi không thể thay đổi,
cộng với sự bảo vệ nghiêm ngặt của luật pháp và kinh sách tôn giáo đã dẫn tới sự trường
tồn dai dẳng qua thời gian của chế độ này.
4.5. Chế độ Varna trong thư tịch cổ có tác động nhiều mặt đối với xã hội Ấn Độ cổ đại
4.5.1. Đối với chính trị - xã hội
Có thể thấy, chỉ có ở Ấn Độ mới xuất hiện hiện tượng lạ lùng này- một đẳng cấp giữ đặc
quyền và uy tín suốt hàng ngàn năm mặc dù trải qua nhiều sự đổi thay về chính quyền.
Trước hết, chế độ Varna khiến cho thể chế chính trị Ấn Độ khác biệt so với các
nước phương Đông cổ đại khác đó là nó đã tạo ra bộ đôi quyền lực chính trị Brahman và


21

Ksatriya trong việc thống trị xã hội thay vì một ông vua có quyền tối thượng và vô hạn
như ở các quốc gia đó.
Thứ hai, chế độ Varna phần nào giúp cho các nhà nước Ấn Độ giữ được sự ổn
định xã hội, duy trì luân lí, đạo đức truyền thống của cư dân Ấn Độ trong suốt tiến trình
lịch sử của quốc gia này.
Thứ ba, chế độ Varna đã trở thành công cụ thống trị của nhà nước, nó tạo ra vết
rạn nứt lớn nhất trong xã hội Ấn Độ, khoét sâu thêm những mâu thuẫn giữa đẳng cấp
thống trị và bị trị.
Thứ tư, chế độ Varna cũng góp phần tạo nên một xã hội truyền thống và tiến bộ
với những chuẩn mực của một xã hội đậm nét Hinđu giáo, nhưng cũng chứa đựng trong
đó sự trì trệ của một xã hội khắc nghiệt và bảo lưu nhiều hủ tục lạc hậu.
Nhìn chung, qua các thư tịch có thể nhận thấy bốn đẳng cấp là bốn cột trụ trong xã
hội, mỗi đẳng cấp đều có vị trí xã hội riêng của nó. Qua đó, có thể thấy trong các thư tịch cổ
rằng nếu không tạo ra sự thông thái của Brahman thì xã hội sẽ bị diệt vong, nếu không có
sức lao động của Sudra thì nền tảng của xã hội cũng bị sụp đổ, nếu một ngày nào đó không
còn chế độ đẳng cấp nữa thì đời sống luân lí của xã hội Ấn Độ sẽ hoàn toàn thay đổi. Điều
đó giải thích vì sao các thư tịch cổ nói riêng, Hinđu giáo nói chung đã thần thánh chế độ

Varna để bảo vệ nó qua mọi sự thăng trầm của các thời đại. Như một sử gia đã nói rằng
“Không có tập cấp thì không sao quan niệm nổi xã hội Ấn Độ”.
4.5.2. Đối với kinh tế
Đối với nền kinh tế Ấn Độ cổ đại, chế độ Varna đã hợp pháp hóa sự phân công
lao động xã hội, tạo ra những nhóm người làm các công việc khác nhau với tính chuyên
môn hóa cao nhưng trình độ sản xuất thấp, trong đó có những người ăn bám và những
người lao động chân tay, những người phục vụ. Bên cạnh đó, chế độ Varna cũng góp
phần bảo tồn nền kinh tế tự nhiên, trì trệ kéo dài. Theo J. Nehru: “không phải chỉ có kinh
tế quốc gia mà bản thân tư tưởng cũng trở nên ngưng đọng, cứng nhắc, không phát
triển, không tiến bộ…Những chỗ yếu kém và thất bại cơ bản của hệ thống đẳng cấp và
cơ cấu xã hội nó đã làm thoái hóa đông đảo quần chúng và không tạo ra cho họ cơ may
đạt được cái gì ngoài thân phận đó, về giáo dục, văn hóa hoặc kinh tế- sự thoái hóa đó
đưa đến sự đe dọa cho tất cả bao gồm trong phạm vi của nó, cả những giai cấp trên. Nó
đưa đến tình trạng tê liệt đã trở thành nét chủ đạo của kinh tế và đời sống Ấn Độ.”
Tuy nhiên, những quy định của các thư tịch nói chung, luật pháp Ấn Độ cổ đại nói
riêng còn cho thấy nhiều điểm khá tiến bộ.
Megasthenes đã nói “Người Châu Âu đã thất bại trong việc giải đáp các câu hỏi kì
lạ về xã hội Ấn Độ”. Nó kì lạ bởi chính chế độ này vừa là một trong những nhân tố góp
phần làm cho xã hội Ấn Độ rạn nứt hàng nghìn năm nhưng cũng chính nó tạo nên một


22

bản sắc đậm nét của Ấn Độ. Những đẳng cấp cao ủng hộ nó, những đẳng cấp thấp thấy
bất bình nhưng cuối cùng thì cũng không có cuộc phản kháng nào xảy ra như ở các nước
phương Đông khác để mong đổi thay chế độ. Nó cũng kì lạ ở chỗ, cho đến nay nhiều
người Ấn Độ hiện đại vẫn cho rằng chế độ này góp phần duy trì luân lí, đạo đức truyền
thống Ấn Độ, thứ làm nên sự khác biệt của Ấn Độ với phần còn lại của thế giới.
KẾT LUẬN
1. Trong nền văn minh rực rỡ của phương Đông thì Ấn Độ là một trong những cái

nôi phát sinh những tư tưởng triết học, tôn giáo lâu đời của nhân loại. Nơi đây là khởi
nguồn của một số tôn giáo lớn trên thế giới, cũng đồng thời là nơi bắt đầu của rất nhiều tư
tưởng triết học của nhân loại. Ấn Độ cũng là một trong số những đất nước hiếm hoi trên
thế giới còn bảo lưu được gần như nguyên vẹn hệ thống văn bản cổ có lịch sử hàng nghìn
năm. Kho tàng thư tịch cổ này chính là những tri thức, tư duy đầu tiên của người Ấn Độ
cổ về vũ trụ, tạo hóa, cố gắng đi tìm thực chất bản tính con người, lý giải mối tương quan
giữa con người với thiên nhiên và con người với con người, chỉ ra con đường giải thoát
cho cuộc đời...Những tác phẩm có giá trị như kinh Vêđa, Upanishad, là những bộ kinh đồ
sộ, cũng là những thánh kinh ghi lại lời dạy của thần linh cho mọi tín đồ Bàlamôn giáo.
Hai bộ sử thi đồ sộ Mahabharata và Ramayana vừa có giá trị sử học, văn học, ngôn ngữ
học, vừa có ý nghĩa triết học đạo đức được người Ấn Độ tự hào qua nhiều thế hệ. Người
Ấn Độ còn có thể tự hào về Manusmriti và Naradasmriti- những bộ luật đầy giá trị, cũng
là những bộ bách khoa thư vĩ đại về xã hội Ấn Độ cổ đại, do tầng lớp Brahman biên soạn.
Còn tác phẩm Arthashastra của Kautilya đã trở thành chuẩn mực của nghệ thuật cai trị đất
nước.
Khi tìm hiểu về Ấn Độ thì không thể bỏ qua những thư tịch này và tìm hiểu chúng
để hiểu thêm xã hội Ấn Độ. Các thư tịch cho chúng ta thấy một phần bức tranh lịch sử
Ấn Độ cổ xưa trên mọi mặt cả về kinh tế, chính trị, tư tưởng và văn hóa. Đó là một xã
hội với chế độ đẳng cấp khắc nghiệt nhưng lại chứa đựng trong đó những đạo lí sống
hàng nhiều thế hệ của người Ấn Độ.
2. Có thể khẳng định chế độ Varna được nói tới trong các thư tịch cổ là sự phản ánh
thực trạng phân hóa xã hội Ấn Độ cổ đại. Nó là tấm gương phản chiếu một cách chi tiết, đầy
đủ về một xã hội đã phân chia thành đẳng cấp rất phức tạp và nhiều mâu thuẫn. Tuy nhiên,
đó là một chế độ phân hóa xã hội theo quan điểm của Hinđu giáo và được phản ánh qua
lăng kính của những đẳng cấp thống trị. Theo đó, cư dân trong xã hội cổ Ấn Độ được phân
chia thành bốn Varna chính: Brahman, Kshatriya, Vaisya và Sudra theo ý chí của Thần tối
cao. Vì được tạo ra trong quá trình tạo thành vũ trụ nên các Varna cũng mang đầy đủ những
thuộc tính của vũ trụ, kể cả con người và trí tuệ của Varna đều là một phần của thần. Do đó,
những việc được thần định ra cho các Varna về địa vị chính trị xã hội, về bổn phận nghề
nghiệp, tôn giáo, hôn nhân, thậm chí kể cả việc ăn, mặc, ở đều nhằm thực hiện Dharma của



23

mỗi đẳng cấp. Mà mục đích cao nhất của những Dharma này là phụng sự thần thánh, định
ra vị trí của mỗi người trong xã hội.
Từ việc “chính danh định phận” cho mỗi đẳng cấp, qua thư tịch cổ cũng dễ dàng
nhận thấy trong quá trình phát triển của xã hội có giai cấp, hai Varna Brahman và
Kshatriya đã trở thành những đẳng cấp thống trị, còn Vaisya và Sudra thuộc về lớp
người bị trị. Sự phân biệt được phản ánh một cách tỉ mỉ trong thư tịch cổ nói trên đã tạo
nên quan hệ bất bình đẳng về mọi mặt giữa các Varna mà sâu sắc nhất là giữa Brahman
và Sudra. Chính sự “chính danh” một cách bất bình đẳng đó đã có tác dụng rất lớn trong
việc duy trì quyền lợi của giai cấp thống trị. Suy rộng ra có thể nói rằng bản chất của chế
độ Varna là một hệ thống các quan hệ xã hội trong đó có sự kết hợp giữa ách áp bức giai
cấp với ách áp bức chủng tộc rất hà khắc. Mặt khác, nó lại gắn liền với tôn giáo như
bóng với hình, được đạo Bàlamôn – Hinđu bảo vệ, do đó nó càng có điều kiện để củng
cố và tồn tại dai dẳng.
3. Các thư tịch cổ là sản phẩm của quá trình nhận thức của con người về thực
trạng xã hội. Vì thế, chế độ Varna trong thư tịch cổ Ấn Độ vừa là hiện thực xã hội, vừa
là hình thức văn bản hóa, pháp luật hóa của giai cấp thống trị, vừa là quan niệm của
Hinđu giáo về trật tự xã hội. Trong đó có giai cấp thống trị và kẻ bị trị và tôn giáo vừa là
công cụ của giai cấp thống trị, vừa là “thuốc phiện” của giai cấp bị trị.
4. Chế độ Varna trong thư tịch cổ có phải là chế độ Varna đúng với hiện thực lịch
sử hay không đến nay chưa ai có thể khẳng định. Người Ấn Độ có thực hiện Varna một
cách đầy đủ, trọn vẹn hay không cũng không có bằng chứng xác thực. Bởi tất cả những
điều được ghi chép, truyền lại đến nay đều chỉ được chứng thực bằng niềm tin tôn giáo
và đạo đức truyền thống. Cho nên, chúng ta nhận thức về chế độ này cũng chủ yếu dựa
trên những văn bản người xưa để lại, vì thế sự suy đoán về một xã hội cổ đại Ấn Độ
cũng chỉ là mức như những gì con người đã viết ra. Ở các quốc gia phương Đông khác
có cơ quan viết sử, có quan chép sử để ghi lại những sự kiện đã diễn ra thì ngay cả lịch

sử được ghi chép lại ấy vẫn mang dáng dấp của hệ tư tưởng thống trị. Trong khi nếu coi
thư tịch cổ là một nguồn sử liệu thì cách viết sử ở Ấn Độ lại rất riêng, nó vừa phản ánh
lịch sử, vừa là văn học, vừa là kinh sách, vừa là lý tưởng tôn giáo, vừa là luật pháp, vừa
là cẩm nang đạo đức….sự tổng hợp của cả một hệ thống tư tưởng phức tạp đó khiến cho
việc nhận thức hiện thực lịch sử Ấn Độ trở nên khó khăn và làm cho việc nghiên cứu
lịch sử - xã hội Ấn Độ chưa bao giờ là đủ. Chế độ Varna qua thư tịch cổ vì thế cũng cần
được nghiên cứu thêm ở những thư tịch khác như thần thoại, văn bia, các tác phẩm luận,
những ghi chép của nhân vật lịch sử đương thời, các hiện vật lịch sử….để có cái nhìn
nhiều chiều hơn.
5. Chế độ Varna thể hiện tính hai mặt của nó đối với xã hội Ấn Độ thời cổ đại nói
riêng và trong suốt chiều dài lịch sử Ấn Độ nói chung. Dù chưa khảo sát hết các thư tịch


×