Tải bản đầy đủ (.pdf) (300 trang)

TÁC ĐỘNG CỦA QUAN HỆ TỘC NGƯỜI ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI VÀ QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI Ở NƯỚC TA ĐẾN NĂM 2020

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (4.21 MB, 300 trang )

CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC CÔNG NGHỆ CẤP NHÀ NƯỚC
KX. 02/06 -10
“Quản lý sự phát triển xã hội trong tiến trình đổi mới ở Việt Nam”

BÁO CÁO TỔNG HỢP
ĐỀ TÀI

TÁC ĐỘNG CỦA QUAN HỆ TỘC NGƯỜI
ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI VÀ QUẢN LÝ
PHÁT TRIỂN XÃ HỘI Ở NƯỚC TA
ĐẾN NĂM 2020
Mã số KX 02-18/06 -10
--------------

Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS PHAN XUÂN BIÊN

8599
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH – 2010


TÁC ĐỘNG CỦA QUAN HỆ TỘC NGƯỜI ĐỐI VỚI
SỰ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI VÀ QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN
XÃ HỘI Ở NƯỚC TA ĐẾN NĂM 2020

Cơ quan chủ trì: Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh
Cơ quan phối hợp chính:
1. Viện Phát triển bền vững Vùng Nam Bộ.
2. Viện Dân tộc học Việt Nam.
3. Học Viện Chính trị - Hành chính khu vực I.
Những người thực hiện chính:
- Chủ nhiệm Đề tài: PGS.TS Phan Xuân Biên


- Thư ký Đề tài: TS Hồ Sơn Diệp
- Thành viên:
1. PGS.TS Phạm Quang Hoan
2. PGS.TS Phan An
3. PGS.TS Phan Thị Yến Tuyết
4. TS Nguyễn Thị Hậu
5. TS Đoàn Minh Huấn
6. TS Đậu Tuấn Nam
7. TS Trần Văn Hà
8. TS Võ Công Nguyện
9. TS Nguyễn Thị Hậu
Và nhiều cộng tác viên thực hiện chuyên đề, khảo sát.

2


MỤC LỤC
--------------

Dẫn luận: khái quát về đề tài và quá trình thực hiện………………………..8
1. Sự cần thiết thực hiện đề tài, ý nghĩa khoa học và thực tiễn………………..8
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu...………………………………………..10
3. Tổng quan nghiên cứu trong và ngoài nước liên quan đến nội dung đề tài
…………………………………………………………………………………..17
4. Phương pháp nghiên cứu và công cụ, kỹ thuật thực hiện..…………………23
5. Quá trình thực hiện đề tài..…………………………………………………25
Chương I.
NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ QUAN HỆ TỘC NGƯỜI
TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN XÃ HỘI VÀ QUẢN LÝ PHÁT
TRIỂN XÃ HỘI Ở NƯỚC TA………………………………………………..27

I. Những vấn đề lý luận về tộc người và quan hệ tộc người.….………………..27
1.1. Dân tộc và tộc người……………………………………….………….27
1.2. Quan hệ dân tộc – quan hệ tộc người………………………………….33
1.3. Việt Nam – quốc gia đa tộc người………………………………..........35
1.4. Khái quát về quan hệ tộc người ở Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.....56
II. Lý thuyết nghiên cứu, phương thức tiếp cận quan hệ tộc người tác động đến
sự phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội
2.1. Lý thuyết nghiên cứu……………………………………….………...59
2.1.1. Lý thuyết về xung đột và xung đột tộc người……………….. ..59
2.1.2. Lý thuyết về giao lưu và tiếp biến văn hóa (acculturation)...….62
2.1.3. Thuyết hạt nhân (trung tâm) – ngoại vi……………………..…64
2.1.4. Lý thuyết phát triển bền vững và công bằng xã hội……….…..65

3


2.2. Cách tiếp cận nghiên cứu quan hệ tộc người tác động đến phát triển
xã hội và quản lý phát triển xã hội…………………………………….…..….... 66
2.2.1. Cách tiếp cận………………………………………….….…….66
2.2.2. Khía cạnh quan hệ tộc người tác động đến sự phát triển xãhội..67
Chương II
SỰ BIẾN ĐỔI CỦA QUAN HỆ TỘC NGƯỜI ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN
XÃ HỘI VÀ QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI Ở NƯỚC TA QUA HƠN
20 NĂM ĐỔI MỚI…………………………………………………………….72
I. Những nhân tố chi phối, tác động đến sự biến đổi quan hệ tộc người trong phát
triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở nước ta..…………………………….72
1.1. Điều kiện tự nhiên và biến đổi môi trường sinh thái với quan hệ tộc
người trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội……………..………. 72
1.2. Yếu tố lịch sử tộc người và quan hệ tộc người giữa Việt Nam với khu
vực và thế giới đối với phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội..………....78

1.3. Xung đột dân tộc với quan hệ tộc người trong phát triển xã hội và quản
lý phát triển xã hội ở Việt Nam…..………………………………….………… 83
1.4. Toàn cầu hóa, khu vực hóa với quan hệ tộc người trong phát triển xã
hội và quản lý phát triển xã hội......…………………………………………….. 90
II. Sự biến đổi quan hệ tộc người trong quá trình phát triển xã hội và quản lý
phát triển xã hội ở nước ta……………………………………………………… 93
2.1. Sự biến đổi quan hệ tộc người trên các lĩnh vực đời sống chính trị, ngôn
ngữ, kinh tế, văn hóa, xã hội…………………………………………………… 93
2.1.1. Biến đổi quan hệ tộc người trên phương diện chính trị…..……… 94
2.1.2. Biến đổi quan hệ tộc người trên phương diện ngôn ngữ………….97
2.1.3. Biến đổi quan hệ tộc người trên phương diện kinh tế……………100
2.1.4. Biến đổi quan hệ tộc người trên phương diện văn hóa…..………105
2.1.5. Biến đổi quan hệ tộc người trên phương diện xã hội…….………112

4


2.2. Sự biến đổi quan hệ tộc người ở các vùng lãnh thổ trên các lĩnh vực đời
sống chính trị, ngôn ngữ, kinh tế, văn hóa, xã hội...………………………….. 119
2.2.1. Biến đổi quan hệ tộc người ở vùng miền núi phía Bắc và Bắc Trung
Bộ …..………………………………………………………………………… 119
2.2.2. Biến đổi quan hệ tộc người ở vùng Trung Trung Bộ và Nam Trung
Bộ……………………………………………………………………............... 124
2.2.3. Biến đổi quan hệ tộc người ở vùng Nam Bộ……………………. 128
2.2.4. Biến đổi quan hệ giữa tộc người đa số (Kinh) với các tộc người
thiểu số trên quy mô toàn quốc……………………………………………….. 132
Chương III
PHƯƠNG THỨC TÁC ĐỘNG VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA CỦA
QUAN HỆ TỘC NGƯỜI ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI VÀ QUẢN
LÝ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI..………………………………………………...140

I. Phương thức tác động của quan hệ tộc người đối với sự phát triển xã hội và
quản lý phát triển xã hội.……………………………………………………… 140
1.1. Phương thức tác động theo thể chế và phi thể chế…………………. 140
1.2. Phương thức tác động đa cực và đơn cực…………………………... 144
1.3. Phương thức tác động tập trung và phân tán………………...……... 148
1.4. Phương thức tác động trực tiếp và gián tiếp……………………..… 152
II. Những vấn đề đặt ra đối với quản lý phát triển xã hội trong tiến trình đổi mới
do tác động của quan hệ tộc người…………………………………………… 157
2.1. Quản lý phát triển xã hội tộc người trên phương diện vĩ mô: Thực trạng
và vấn đề đặt ra…………………………...…………………………………... 157
2.1.1.Thể chế Nhà nước……………………..……………………. 157
2.1.2.Tập quán pháp (luật tục)…………………………………...... 158
2.1.3.Cơ chế quản lý phát triển xã hội tộc người…..……………... 160

5


2.2. Quản lý phát triển xã hội ở cấp độ vùng, địa phương và cộng đồng dân
cư: Thực trạng và vấn đề đặt ra……………….……………………………… 168
2.2.1. Chính sách phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội tộc
người ở cấp độ quốc gia………………………..……………..……………… 168
2.2.2. Chính sách phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội tộc
người cấp độ địa phương……………………………………………..………. 176
2.2.3.Chính sách phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội tộc
người ở cộng đồng dân cư…………………………………………………… 181
Chương IV
DỰ BÁO TÁC ĐỘNG CỦA QUAN HỆ TỘC NGƯỜI ĐỐI VỚI SỰ PHÁT
TRIỂN XÃ HỘI VÀ QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI VIỆT NAM ĐẾN
NĂM 2020. KINH NGHIỆM GIẢI QUYẾT QUAN HỆ TỘC NGƯỜI
TRONG PHÁT TRIỂN XÃ HỘI VÀ QUẢN LÝ XÃ HỘI Ở MỘT SỐ

NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI..…………………………………………………..188
I. Dự báo tác động của quan hệ tộc người đối với sự phát triển xã hội và quản lý
phát triển xã hội ở Việt Nam đến 2020………………………………………. 188
1.1. Ở phạm vi quốc gia………………………………………………… 188
1.2. Ở phạm vi cấp độ vùng……………………………………………... 195
II. Kinh nghiệm giải quyết quan hệ tộc người trong phát triển xã hội
và quản lý xã hội của một số nước trên thế giới……………………………… 216
2.1. Tổng quan về quan hệ tộc người trong phát triển xã hội và quản lý xã
hội của một số nước trên thế giới…………………………………..………… 216
2.2. Kinh nghiệm giải quyết quan hệ tộc người trong phát triển xã hội và
quản lý xã hội của một số nước trên thế giới………………………………… 218
2.2.1. Kinh nghiệm giải quyết quan hệ tộc người ở Trung Quốc trong quản
lý phát triển xã hội……………………………………………………………..218
2.2.2. Kinh nghiệm giải quyết quan hệ tộc người của Thái Lan………..219
2.2.3. Kinh nghiệm giải quyết quan hệ tộc người của Indônêxia …...…222
6


2.2.4. Kinh nghiệm giải quyết quan hệ tộc người của Malaixia..………224
2.2.5. Kinh nghiệm giải quyết quan hệ tộc người Châu Âu…........……227
Chương V
HỆ GIẢI PHÁP XÂY DỰNG QUAN HỆ BÌNH ĐẲNG, ĐOÀN KẾT,
TƯƠNG TRỢ NHAU GIỮA CÁC TỘC NGƯỜI TRONG QUÁ TRÌNH
PHÁT TRIỂN XÃ HỘI VÀ QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI Ở NƯỚC
TA……………………………………………………………………………..234
I. Quan điểm nhận thức..……………………………………………………. 234
II. Hệ giải pháp tác động quan hệ tộc người đến sự phát triển xã hội và
quản lý phát triển xã hội
2.1. Hệ giải pháp tác động quan hệ tộc người trên phương diện kinh tế
…………………………………………………………………..…………… 240

2.2. Hệ giải pháp tác động quan hệ tộc người trên phương diện giáo dục và
ngôn ngữ…………………………………………………………………….. 244
2.3. Hệ giải pháp tác động quan hệ tộc người trên phương diện văn hóa
………………………………………………………………………………… 254
2.4. Hệ giải pháp tác động quan hệ tộc người trên phương diện chính trị
………………………………………………………………………………… 259
2.5. Giải pháp tác động quan hệ tộc người trên phương diện an ninh, xứ lý quan
hệ tộc người do xung đột tộc người trong phát triển xã hội và quản lý
phát triển xã hội …….…………………………………………………263
KẾT LUẬN………………………………………………………………….. 271
TÀI LIỆU THAM KHẢO………………………………………………….. 279

7


DẪN LUẬN

KHÁI QUÁT VỀ ĐỀ TÀI VÀ QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN
1. Sự cần thiết thực hiện Đề tài – ý nghĩa khoa học và thực tiễn
Từ thời cổ đại cho đến cận hiện đại, trên thế giới đã xảy ra biết bao cuộc
xung đột với những hình thức khác nhau, từ va chạm xích mích quyền lợi hoặc
đụng độ do đặc điểm văn hóa, lịch sử đến chiến tranh đẫm máu giữa các dân tộc,
hoặc tộc người. Vào những thập niên cuối cùng của thiên niên kỷ thứ hai cho đến
hiện nay, ở nhiều quốc gia, nhiều khu vực trên thế giới, vấn đề dân tộc nổi lên
gay gắt, các cuộc nội chiến, xung đột dân tộc xảy ra, trở thành những điểm nóng
của nhân loại.
Nước ta là một quốc gia đa tộc người, được xây dựng và phát triển với sự
cố kết bền vững của cộng đồng các dân tộc anh em. Họ đã cùng nhau dựng nước,
đoàn kết gắn bó, chung sức chung lòng chống giặc ngoại xâm, viết nên lịch sử
hào hùng của dân tộc Việt Nam thống nhất. Đảng và Nhà nước ta qua các thời kỳ

đều xác định giải quyết vấn đề dân tộc là nhiệm vụ có tính chiến lược của cách
mạng Việt Nam.
Công cuộc đổi mới trong gần ¼ thế kỷ của nước ta đã đạt được nhiều
thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Đời sống của nhân dân các dân tộc đã
được cải thiện và nâng cao. Ý thức của các thành phần tộc người về quốc gia dân
tộc Việt Nam, Tổ quốc Việt Nam thống nhất ngày càng được củng cố. Tuy vậy,
do nhiều nguyên nhân, nền kinh tế của đất nước vẫn còn nhỏ bé, sự phát triển
chưa bền vững, lại chưa hài hòa giữa các vùng miền. Trong đó, đồng bào các dân
tộc thiểu số do phần lớn ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa còn gặp rất
nhiều khó khăn. Nhiều vấn đề xã hội bức xúc còn chưa được giải quyết. Muốn
cho xã hội phát triển hài hòa, thực hiện tiến bộ công bằng, việc giải quyết các
quan hệ tộc người và sự tác động của nó đối với sự phát triển xã hội là một nhu
cầu bức xúc. Cụ thể nghiên cứu tác động của quan hệ tộc người đối với sự phát
triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở nước ta đến năm 2020 xuất phát từ
mấy lý do cơ bản sau đây:
- Cấu trúc của xã hội được tạo nên bởi kết cấu các giai cấp, tầng lớp, tộc
người, thế hệ, nhóm lợi ích,... mà tộc người là một bộ phận cấu thành và chiếm
một vị trí đặc biệt quan trọng trong sự phát triển xã hội và quản lý phát triển xã
hội trong quốc gia đa tộc người. Với một quốc gia có 54 thành phần tộc người,
trong đó các tộc người thiểu số cư trú phân tán trên phần lớn diện tích lãnh thổ những địa bàn có tầm quan trọng đặc biệt trên nhiều phương diện chính trị, kinh
tế, văn hoá, an ninh, quốc phòng, môi trường sinh thái..., đồng thời các dân tộc ở
nước ta có quá trình lịch sử phát triển và “hội nhập” vào cộng đồng dân tộc Việt
Nam rất khác nhau, tạo nên những quan hệ tộc người khá phức tạp, do vậy xây
dựng mô hình phát triển xã hội cho Việt Nam nói chung, cho từng khu vực nói
8


riêng, đặc biệt là vùng hỗn hợp dân cư dân tộc sẽ phiến diện nếu không tính toán
đầy đủ yếu tố tộc người và quan hệ tộc người.
- Xung đột tộc người, xung đột tôn giáo đang trở thành một vấn đề lớn của

nhân loại trong những thập niên cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI và phần nào tác
động tới quan hệ tộc người ở Việt Nam. Ở nước ta chưa có xung đột lớn giữa các
dân tộc, song sự “va chạm” đã xảy ra trong lịch sử, và trong thập kỷ đầu của thế
kỷ XXI đã xảy ra một số cuộc bạo loạn chính trị có yếu tố tộc người, đồng thời
còn nhiều tiềm ẩn bất ổn, nhất là vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, vùng
người Hoa, người Chăm,… Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, quan hệ giữa các
tộc người nếu không được xử lý tốt, kịp thời, để bùng phát thành xung đột xã
hội, không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển xã hội của từng tiểu vùng, mà có
nguy cơ gây bất ổn cả nước, đẩy quốc gia dân tộc vào cảnh nội chiến. Do đó, giải
quyết tốt quan hệ tộc người không chỉ vì quyền lợi của bản thân các tộc người
thiểu số, mà là một bộ phận của chiến lược phát triển đất nước, vì quyền lợi
chung của toàn thể quốc gia dân tộc.
- Toàn cầu hoá và cơ chế thị trường tác động mạnh mẽ tới mọi quốc gia
dân tộc, mọi vùng lãnh thổ, kể cả các tộc người thiểu số trước đây tồn tại như
những ốc đảo thì giờ đây cũng bị lôi cuốn vào quỹ đạo của thị trường. Toàn cầu
hoá bên cạnh mặt tích cực của nó thì cũng tạo ra khoảng cách phát triển giữa các
quốc gia, giữa các tộc người, giữa các vùng miền, mà ở đó các tộc người thiểu số
bao giờ cũng chịu thua thiệt về cơ hội phát triển, sự hưởng thụ thành tựu của
phát triển do khó khăn về điều kiện địa lý, do rào cản về ngôn ngữ, do cách biệt
về trình độ... Khoảng cách về trình độ phát triển nếu không được khắc phục thì
đây là nguy cơ tiềm ẩn của xung đột tộc người. Đành rằng, khắc phục khoảng
cách về trình độ phát triển không thể một sớm, một chiều, không chỉ bằng nguồn
lực tài chính, mà quan trọng hơn là phải khơi dậy được sức mạnh nội sinh của
mỗi tộc người - đó lại là vấn đề phát triển xã hội, phát triển con người.
- Dưới tác động của các yếu tố nội sinh và ngoại sinh, các tộc người thiểu
số nước ta đang nằm trong quá trình "giải cấu trúc" và "tái cấu trúc trên tất cả
các lĩnh vực liên quan đến đặc trưng tộc người và quan hệ tộc người.. Đó là các
cấu trúc truyền thống đang vỡ ra để định hình nên cấu trúc mới. Nhưng, giải cấu
trúc và tái cấu trúc theo chiều hướng nào, tích cực hay tiêu cực, lại tuỳ thuộc vào
khả năng nắm bắt, điều chỉnh, định hướng của chủ thể quản lý. Nếu giải cấu trúc

và tái cấu trúc không biện chứng, không “tự nó” thì dễ diễn ra theo chiều hướng
xấu sẽ tác động tiêu cực đến quan hệ tộc người và có nguy cơ dẫn tới xung đột
tộc người. Còn ngược lại, nếu nhận diện được quá trình biến đổi của mỗi tộc
người và quan hệ tộc người thì sẽ hoạch định được chính sách tác động phù hợp
và nhờ đó cân bằng được quan hệ tộc người, tạo dựng sự đồng thuận xã hội vì sự
ổn định và phát triển. Dĩ nhiên, nhận diện các hiện tượng đang biến động là vấn
đề không giản đơn, đòi hỏi phải có phương pháp khoa học và cách tiếp cận hợp
lý, nhất là mỗi tộc người lại mang sắc thái riêng.
9


- Điểm yếu trong quản lý phát triển xã hội tộc người ở nước ta hiện nay
không chỉ ở chính sách vĩ mô, mà cả chính sách vùng và chính sách địa phương,
có thể gọi là chính sách trung mô. Có những chính sách ban hành không phù hợp
dù rằng có ý đồ tốt, không được đồng bào đón nhận, thậm chí còn phản ứng
thông qua những hình thức khác nhau. Điều đó cũng tất yếu khi chính sách quản
lý và phát triển thiếu tính toán đầy đủ tính tộc người, tính địa phương. Hay nói
cách khác, thực chất đó là những chính sách ban hành mang dấu ấn chủ quan do
thiếu hiểu biết thực tiễn của phía hoạch định, thiếu luận cứ khoa học làm
"nguyên liệu" cho nó, thiếu phản biện từ giới khoa học. Khắc phục tình trạng đó
đòi hỏi mỗi chính sách phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở vùng dân
tộc phải có sự tham góp ý của giới nghiên cứu thông qua những hình thức,
phương pháp phù hợp. Đó cũng chính là văn hoá lãnh đạo, văn hoá quản lý
trong một thời cuộc đang đòi hỏi các chính sách quản lý phải chịu đựng được thử
thách trước phản biện khoa học.
Nghiên cứu đề tài này nhằm mục tiêu:
- Làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về quan hệ tộc người trong sự
phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội của một quốc gia đa tộc người.
- Phân tích, đánh giá sự vận động, biến đổi của quan hệ tộc người ở nước
ta trong quá trình đổi mới đất nước vừa qua. Các nhân tố chi phối, ảnh hưởng

đến sự vận động, biến đổi đó.
- Đánh giá những tác động của quan hệ tộc người đối với sự phát triển xã
hội và quản lý phát triển xã hội. Dự báo xu hướng vận động quan hệ tộc người
đến năm 2020 và những vấn đề đặt ra trong phát triển xã hội và quản lý phát
triển xã hội.
- Đề xuất quan điểm, giải pháp nhằm phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt
tiêu cực từ tác động của các quan hệ tộc người đối với sự phát triển xã hội và
quản lý phát triển xã hội.
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
2.1. Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc. Theo kết quả nghiên cứu của
các nhà khoa học và sự công bố chính thức của Nhà nước ta từ ngày 2-3-1979 thì
Việt Nam có 54 dân tộc, trong đó người Kinh (hay là Việt) được coi là dân tộc
đa số. Dân tộc (hay tộc người) là một phạm trù lịch sử, quá trình tộc người – quá
trình biến đổi các đặc trưng tộc người luôn xảy ra dưới sự tác động của nhiều
yếu tố. Vả lại, sự nhận thức là một quá trình, cho nên con số 54 dân tộc chỉ là
con số chính thức, mang tính pháp lý, được Nhà nước công bố năm 1979. Thực
tế khách quan của cuộc sống, trong đó có cấu trúc thành phần dân tộc ở nước ta
đã và đang chuyển động, biến đổi. Năm 1960, chúng ta công bố nước ta có 64
dân tộc. Con số 54 đã được xác định cách đây hơn 30 năm và hiện đang có sự
dao động. Trong mấy năm gần đây Viện KHXH Việt Nam được giao nhiệm vụ
điều tra xác định kỹ hơn một số dân tộc đang có ý kiến khác nhau, nhưng kết quả
10


chưa được công bố chính thức. Thêm vào đó, do điều kiện lịch sử, các dân tộc ở
nước ta có rất nhiều nhóm địa phương (groupe ethographique, local groups).
Theo GS Đặng Nghiêm Vạn trong bài viết “Bước đầu bàn về các nhóm địa
phương”(1) được công bố cách nay đã gần 40 năm thì vùng các dân tộc miền núi
miền Bắc Việt Nam có rất nhiều nhóm địa phương mà khi xác định thành phần
dân tộc thật sự có nhiều khó khăn. Tương tự như vậy, vùng Trường Sơn – Tây

Nguyên – Đông Nam Bộ, các dân tộc cũng có rất nhiều nhóm địa phương, ví như
người Mnông thường nói tới 17 nhóm. Theo PGS.TS Phạm Quang Hoan thì hiện
nay có khoảng 300 nhóm địa phương(2). Qua các thời kỳ lịch sử cùng sinh sống
trên lãnh thổ Việt Nam, các thành phần dân tộc nước ta đã cố kết, hòa hợp, liên
kết thành một cộng đồng thống nhất - dân tộc Việt Nam. Song, lịch sử hiện diện
và quá trình hòa nhập vào cộng đồng dân tộc Việt Nam của các thành phần dân
tộc ở nước ta không phải như nhau. Có dân tộc được coi là bản địa, “có mặt”
trong lịch sử Việt Nam suốt quá trình dựng nước và giữ nước. Có dân tộc di cư
từ các nơi khác đến Việt Nam với những thời kỳ lịch sử khác nhau. Có dân tộc
vốn là bản địa trên lãnh thổ Việt Nam ngày nay, nhưng trở thành thành phần
trong cộng đồng dân tộc Việt Nam chỉ mới ba, bốn thế kỷ nay. Điều đó dẫn đến
một hệ quả tất yếu là lịch sử và quá trình phát triển tộc người của các dân tộc ở
nước ta có nhiều điểm khác nhau, và từ đó mối quan hệ tộc người trong quá trình
phát triển các tộc người có nhiều điểm đặc biệt. Chính những điểm đặc biệt đó
trong quan hệ tộc người đã có tác động đến sự phát triển xã hội và quản lý sự
phát triển xã hội trong lịch sử cũng như thời hiện tại.
Tuy vậy, tất cả các dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam đều là chủ
nhân của lịch sử Việt Nam, chủ nhân của xã hội Việt Nam. Do vậy đối tượng
nghiên cứu của đề tài trước hết là quan hệ tộc người của các dân tộc Việt Nam
theo 4 mối quan hệ chủ yếu:
- Quan hệ giữa các tộc người của nước ta với quốc gia dân tộc Việt Nam –
Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.
- Quan hệ giữa tộc người đa số với các tộc người thiểu số.
- Quan hệ giữa các tộc người thiểu số với nhau.
- Quan hệ nội tộc người, bao gồm quan hệ nội tộc người trong nước (giữa
các nhóm địa phương) và quan hệ tộc người xuyên biên giới.
Đề tài nghiên cứu quan hệ tộc người bao gồm 4 chiều cạnh tương tác trên
đây tác động đến sự phát triển xã hội Việt Nam trên tất cả các khía cạnh. Và sự
tác động ấy ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển xã hội và quản lý phát triển
xã hội. Theo giới hạn của chương trình KX02/06-10, “xã hội” ở đây được hiểu

theo nghĩa hẹp, là những vấn đề xã hội của sự phát triển. Song với đề tài KX02(1)

Đặng Nghiêm Vạn: Bước đầu bàn về các nhóm địa phương. Trong cuốn “Mấy vấn đề xác định thành phần dân
tộc thiểu số ở miền Bắc Việt Nam” – NXB KHXH – 1975. tr.219-237.
(2)
Phạm Quang Hoan. Quan hệ dân tộc ở nước ta và sự phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới. Chuyên đề của
Đề tài KX.02-18/06-10.

11


18/06-10, thì tác động của quan hệ tộc người không chỉ đối với các vấn đề xã hội
trong nghĩa hẹp mà còn tác động đến xã hội hiểu theo nghĩa rộng, ví như vấn đề
phát triển kinh tế, an ninh quốc gia, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc –
động lực của sự phát triển đất nước.
2.2. Phạm vi nghiên cứu của đề tài là tất cả các vùng dân tộc. Các dân tộc
ở nước ta sống xen kẽ phân bổ trên mọi miền đất nước, trải dài từ Bắc vô Nam.
Song dấu ấn của lãnh thổ tộc người, vùng dân tộc vẫn còn hiện rõ trên bản đồ
dân tộc nước ta. Dự thảo “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2010 – 2020”
của Ban chấp hành Trung ương khóa X trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ
XI đã đề ra nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững, trong đó phải phát triển hài
hòa, bền vững các vùng (đồng bằng, trung du miền núi, vùng ven biển hải đảo,
vùng đô thị).
Theo quan điểm đó và dựa trên thực tế lịch sử quan hệ tộc người, đặc
trưng và tình hình hình kinh tế - xã hội hiện nay, xu hướng phát triển quan hệ tộc
người trong mối quan hệ với phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội đến
năm 2020, đề tài tập trung nghiên cứu những vùng dân tộc và dân tộc sau đây:
2.2.1. Ở miền núi miền Bắc Việt Nam, có 31 dân tộc thiểu số, phân bổ
khắp mọi nơi, từ Đông Bắc, Tây Bắc đến Bắc Trung Bộ. Ở đây, người Việt từ
xưa đến nay đều đóng vị trí là “hạt nhân cơ bản”, là dân tộc đa số, có vai trò

quan trọng trong mọi giai đoạn phát triển của tiến trình lịch sử dựng nước và giữ
nước của Việt Nam. Trong nội bộ các dân tộc thiểu số, có dân tộc là “bản địa”,
tức sinh sống tại chỗ lâu đời như Mường, Tày, Kháng, Mảng, Xinh mun; đồng
thời có các dân tộc di cư từ các nơi khác đến trong nhiều thế kỷ khác nhau.
Người Thái đến Việt Nam từ thế kỷ XIII – XVIII, trở thành một thành phần dân
tộc có vị trí quan trọng trong sự phát triển vùng Tây Bắc Việt Nam. Kế đó là
người Dao, đặc biệt là người Hmông di cư đến từ thế kỷ XVIII – XIX và một số
dân tộc nhóm Tạng – Miến, nhóm Kađai v.v… cũng di cư đến với nhiều thời
gian khác nhau. Ở đây cần lưu ý quan hệ tộc người trong nội bộ từng dân tộc
(các nhóm địa phương), giữa các dân tộc nhỏ với những dân tộc có số dân đông
hơn, giữa các dân tộc thiểu số với dân tộc đa số. Đặc biệt mối quan hệ giữa các
dân tộc ở nước ta với đồng tộc của họ ở Trung Quốc và một số ở Lào. Trong đó
vấn đề quan hệ tộc người của người Hmông có tác động khá lớn đến vấn đề phát
triển xã hội và quản lý xã hội trong vùng. Ở đây, vấn đề ý thức tộc người và ý
thức quốc gia (hay là quốc gia dân tộc) là yếu tố tác động thường xuyên đến sự
phát triển của xã hội, được biểu hiện cả trong tâm thức, tâm lý, ý thức tự giác
dân tộc và cả trong các hoạt động mang nội dung văn hóa tộc người.
Hiện nay, trong quá trình phát triển đất nước nói chung, vùng miền nói
riêng, có nhiều dự án kinh tế - xã hội được triển khai, việc di dời nơi ở, phá vỡ
lãnh thổ tộc người truyền thống, “bứng” một số bộ phận ra khỏi môi trường sinh
sống lâu đời, đưa đến những nơi ở mới với biết bao điều lạ. Kiến thức bản địa
được tích tụ vun bồi bao thế hệ, có lúc bị vứt bỏ… Tất cả điều đó cũng làm nảy
12


sinh những điểm mới trong quan hệ tộc người trong khu vực và ít nhiều có tác
động đến sự phát triển xã hội và quản lý xã hội. Thêm vào đó, trong quá trình hội
nhập, phát triển trong thời hiện đại, có những yếu tố văn hóa mới, nhất là tôn
giáo, văn hóa tâm linh xuất hiện, đã tác động đến đời sống văn hóa tộc người, và
chính điều đó cũng tác động đến sự phát triển xã hội và quản lý sự phát triển xã

hội trong vùng.
2.2.2. Vùng Trường Sơn – Tây Nguyên – Đông Nam Bộ là một “tiểu khu
vực dân tộc học” gồm 19 dân tộc thiểu số cư trú cùng với người Việt. Đặc điểm
quan trọng của quan hệ tộc người trong vùng này là các dân tộc thiểu số đã cư
trú ở đây từ lâu đời, thường gọi là cư dân “bản địa”. Trong lịch sử, họ thường
sống biệt lập, cho nên quan hệ tộc người chủ yếu trong nội bộ từng tộc người,
thậm chí chỉ chú trọng trong từng đơn vị cư trú (thường dịch theo tiếng Việt là
“làng”). Nhưng từ sau cách mạng Tháng Tám 1945, nhất là sau năm 1975, dân
số người Việt ngày càng đông. Và, từ những năm 90 của thế kỷ trước, một số
cộng đồng dân tộc thiểu số như Tày – Nùng, Hmông – Dao di cư từ các tỉnh
miền núi miền Bắc vào khá nhiều. Từ đó đã nảy sinh nhiều vấn đề mới và khá
phức tạp trong quan hệ tộc người được thể hiện cả trong lĩnh vực kinh tế - văn
hóa và ở một chừng mực nào đó có cả vấn đề chính trị. Từ cấu trúc thành phần
tộc người, cấu trúc dân cư thay đổi, cùng với sự biến đổi mạnh mẽ về mặt kinh
tế, văn hóa nên quan hệ tộc người trong vùng cũng có sự đổi thay. Người Việt
ngày càng đông, cư trú xen kẽ với các dân tộc thiểu số bản địa tạo điều kiện gia
tăng sự giao lưu trên nhiều lĩnh vực cuộc sống của các dân tộc, làm cho họ có
điều kiện thuận lợi để gần gũi, hiểu biết, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau trong quá
trình cùng phát triển. Và từ đó xu hướng cố kết giữa các thành phần dân tộc
trong vùng ngày càng mạnh mẽ. Sự phát triển kinh tế hiện đại cũng đã tác động
đến quan hệ tộc người và quá trình tộc người khá mạnh. Đó là sự tác động tích
cực của quan hệ tộc người đối với phát triển xã hội. Song mặt khác sinh sống
xen kẽ, sự có mặt ngày càng đông của dân di cư (cả người Việt và dân tộc thiểu
số) cũng dễ nảy sinh những va chạm, những “tự vệ hồn nhiên” trong giao lưu
văn hóa, và không loại trừ nảy sinh những vết nứt trong quan hệ giữa các dân
tộc, những “xung đột cục bộ” và từ đó có những tác động tiêu cực đến sự phát
triển xã hội và quản lý xã hội trong vùng. Điều đã xảy ra, đang xảy ra và sẽ tiếp
tục xảy ra là va chạm trong quan niệm và cả trong thực tế về quyền sở hữu và
quyền sử dụng đất đai. Quan điểm “đất đai là sở hữu toàn dân” không được cư
dân Tây Nguyên thấu hiểu về nhận thức và có nhiều vướng mắc trong thực tiễn.

Đối với họ, xưa nay đất đai là sở hữu của “làng”. Ai sống trong làng đều có
quyền sở hữu, còn ai ngoài làng đến ở thì phải xin dân làng và thần thánh. Ở tầm
vĩ mô toàn vùng thì cao nguyên miền Thượng là của người Thượng. Nhận thức
ấy trái với luật pháp, đường lối chủ trương của Nhà nước hiện hành, song dường
như đã ăn sâu vào tâm thức của cư dân nơi đây. Bởi vậy, đây là điều được các
thế lực thù địch lợi dụng, tuyên truyền, kích động và thực tế xưa nay, ngay cả
13


hiện nay, đó là nguyên nhân sâu xa của sự xung đột tộc người, dẫn đến những
xung đột xã hội, kể cả những vụ bạo loạn chính trị xảy ra gần đây ở một số tỉnh
Tây Nguyên (Đak Lắk, Pleiku, Kon Tum…).
Quan hệ tộc người trên lĩnh vực văn hóa cũng là một khía cạnh tác động
thường xuyên, trực tiếp đến phát triển xã hội và quản lý xã hội. Từ văn hóa vật
chất như nhà ở, các thiết chế văn hóa, các loại hình văn hóa vật thể đến văn hóa
tinh thần, văn hóa phi vật thể. Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương bảo tồn và
phát triển văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, đã góp phần quan trọng để phát triển
xã hội và quản lý sự phát triển xã hội. Từ đó vừa giải quyết được những xung đột
văn hóa trong quan hệ tộc người, góp phần làm cho quan hệ tộc người trong
vùng ngày càng tốt hơn theo hướng bình đẳng, tăng cường hợp tác giữa các dân
tộc, bảo đảm sự ổn định xã hội và phát triển bền vững.
2.2.3. Tây Nam Bộ hay thường gọi là vùng Đồng bằng sông Cửu Long
cũng là một vùng hỗn hợp dân cư dân tộc, gồm người Việt, Khmer, Hoa, Chăm
cộng cư đã ba, bốn trăm năm. Nên giải quyết quan hệ tộc người trong vùng có vị
trí quan trọng đối với sự phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội của vùng
và cả nước. Trong đó, vấn đề vị trí của người Khmer và mối quan hệ tộc người
của họ, quan hệ người Việt với người Khmer có vai trò quan trọng nhất trong
việc giải quyết vấn đề dân tộc ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Họ không phải
là cư dân bản địa, nhưng là cư dân di cư đến sớm nhất; có thời họ thực sự là
thành phần “dân tộc đa số” của vùng, và từ đó cho đến một thời gian khá dài sau

này, do chưa được khám phá đầy đủ, sâu sắc, các tài liệu thường gọi họ là chủ
nhân vùng đất này. Chính điều đó đã tác động khá lớn đến quan hệ tộc người
trong vùng, nhất là khi được các thế lực thù địch “khuyếch đại” vấn đề.
Đến thế kỷ XVI-XVII, khi có người Việt và một bộ phận người Hoa di cư
đến cùng chung sức với ngưới Khmer khai khẩn, mở mang vùng đất mới thì
đồng bằng sông Cửu Long mới được khai phá và chinh phục thực sự. Và trong
sự nghiệp đó, người Khmer dần dần trở thành một thành viên trong cộng đồng
dân tộc Việt Nam. Từ đó mối quan hệ giữa người Khmer ở Việt Nam với người
Khmer ở Campuchia, quan hệ giữa người Khmer với người Việt, vị trí xã hội của
người Khmer trong cộng đồng dân tộc Việt Nam là những vấn đề luôn có sự tác
động đến sự phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở vùng Tây Nam Bộ.
2.2.4. Quan hệ tộc người của người Hoa và người Chăm có vị trí đặc biệt
trong việc giải quyết quan hệ tộc người và chính sách dân tộc ở nước ta, cũng
như trong sự phát triển xã hội nói chung, nên đó là một hướng nghiên cứu quan
trọng của đề tài.
2.2.4.1Dù trong 20 năm đổi mới vừa qua, vấn đề người Hoa ngày càng ổn
định, song xưa nay trong giới khoa học và cả trong thực tế cuộc sống còn có
những ý kiến khác nhau trên các khía cạnh thành phần dân tộc, tên gọi, vị trí
thiểu số, ít người hay đông người, tộc người hay nhóm tộc người và vị trí xã hội
– công dân hay kiều dân v.v… Người thì gọi là người Hoa, có người gọi là
14


người Hán hoặc Hoa (Hán), người Việt gốc Hoa, Hoa kiều, người Hoa hải
ngoại.
Trong sách báo xuất hiện các thuật ngữ “người Hoa” (Ethnic Chinese),
“người Hoa hải ngoại” (Overseas Chinese) và “người Hoa địa phương” (Local
Chinese). Về vị trí xã hội, đa số cho rằng và bản thân cộng đồng người Hoa cũng
tự nhận rằng người Hoa là công dân của nước ta, nhưng tên gọi “Hoa kiều” vẫn
tồn tại khá dai dẳng, và trong thực tế vẫn có một bộ phận mang quốc tịch Trung

Quốc, Đài Loan, Campuchia nên được xem là “ngoại kiều”, “Hoa kiều”. Từ đó
cho thấy quan hệ tộc người của người Hoa theo các chiều quan hệ nêu trên khá
phức tạp.
Những người Hoa di cư đến Việt Nam trước thế kỷ XVIII do cơ sở kinh tế
của họ còn yếu, chủ yếu là đàn ông nên thường lấy vợ thuộc các dân tộc ở Việt
Nam, các tổ chức mang tính cộng đồng chưa được hình thành… Tất cả điều đó
đã làm cho những người Hoa di cư dễ dàng sống hòa nhập với dân sở tại, và thực
sự hầu như họ đã hội nhập hoàn toàn vào cộng đồng dân tộc Việt Nam, xã hội
Việt Nam. Đa số họ đã coi mình là người Việt. Nhưng từ cuối thế kỷ XIX trở về
sau, do bối cảnh chính trị, nguyên nhân kinh tế và sự tác động của các yếu tố
khác, sự hòa nhập của người Hoa vào cộng đồng Việt Nam diễn ra đa dạng hơn,
có sự dị biệt giữa các tầng lớp xã hội, giữa khu vực thành thị với thôn quê v.v…
Thực tế, những người hiện nay được gọi là “người Hoa” ở Việt Nam chính là
con cháu của những người Hoa di cư từ cuối thế kỷ XIX về sau. Sang đầu thế kỷ
XX, khi thực dân Pháp đã ổn định bộ máy cai trị ở Việt Nam, đẩy mạnh cuộc
“khai thác thuộc địa” đã thu hút lực lượng người Hoa di cư vào Việt Nam ngày
càng đông. Thực hiện chính sách “chia để trị”, thực dân Pháp có những chính
sách phân biệt người Trung Quốc di cư với người bản xứ, ứng dụng chính sách
“kiều dân” đối với người Hoa. Vào thời gian này, nhất là sau Cách mạng Tân
Hợi, Chính phủ Trung Hoa Dân quốc cũng có chính sách ngày càng rõ ràng đối
với người Hoa ở nước ngoài. Từ đó khái niệm “Hoa kiều” được hình thành và
chính sách của chính phủ Trung Quốc ngày càng chú ý đến họ. Trong bối cảnh
đó, quá trình hòa nhập của người Hoa vào xã hội Việt Nam có bị chững lại. Song
quá trình xã hội tộc người ở người Hoa vẫn tiếp tục diễn ra theo khuynh hướng
hòa nhập vào xã hội Việt Nam, nhất là vùng nông thôn, vùng cư dân xen kẽ. Đặc
biệt do tác động của các nhân tố chính trị, xã hội, người Hoa càng coi Việt Nam
là “quê hương thứ hai”, thực tế cuộc sống nơi sở tại đã thay đổi vị trí của họ
trong xã hội Việt Nam, từ “kiều dân” chuyển sang vị trí “công dân”. Họ vốn có
nguồn gốc là một thành phần của cơ chế xã hội tộc người Trung Quốc đã chuyển
thành một thành phần của cơ chế xã hội tộc người Việt Nam. Từ đó, mối quan hệ

tộc người của họ diễn ra theo nhiều chiều, trong đó có 2 chiều chủ yếu: quan hệ
tộc người (cùng đồng tộc với họ ở Trung Quốc và các nước) và quan hệ xã hội
tộc người (họ với các thành phần dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam,
trong xã hội Việt Nam). Chính những mối quan hệ đó đã, đang và sẽ tiếp tục tác
15


động đến sự phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở nước ta, đặc biệt là
vùng có đông người Hoa như ở miền Nam Việt Nam, trong đó trung tâm là
Thành phố Hồ Chí Minh.
2.2.4.2 Người Chăm hiện nay là một thành phần trong cộng đồng dân tộc
Việt Nam thống nhất, nhưng đồng thời là một dân tộc có lịch sử phát triển hết
sức phức tạp. Đó là một dân tộc sinh sống lâu đời trên lãnh thổ Việt Nam ngày
nay, vốn là chủ nhân của một vương quốc độc lập, từng “vang bóng một thời” –
vương quốc Champa cổ đại, láng giềng của vương quốc Đại Việt xưa, nhưng giờ
đây tồn tại với một vị trí là một dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc
Việt Nam. Chính điều này cùng với những đặc điểm về văn hóa, tôn giáo đã luôn
tác động đến sự phát triển xã hội trong vùng có người Chăm sinh sống.
Trải qua nhiều biến động lịch sử, lãnh thổ tộc người của người Chăm vốn
ở miền Trung nước ta đã có nhiều xáo trộn, và cơ cấu tộc người cũng có những
thay đổi lớn. Ngày nay người ta thường chia người Chăm ra các khối: Chăm
miền Trung (Ninh Thuận, Bình Thuận); Chăm Nam Bộ; Chăm miền núi (Chăm
H’roi). Đồng thời do tác động của tôn giáo, người Chăm bị chia ra các nhóm:
Chăm Balamôn; Chăm Bani, Chăm Islam.
Ngoài ra còn có một số nhóm như Kinh Cựu (Yuôn Chăm) và Chavakur
(Java – Kur) cũng quan hệ gần gũi, có lúc là “trực thuộc” dân tộc Chăm. Lịch sử
phát triển tộc người Chăm trong thời gian qua cho thấy xu hướng tách cộng đồng
Chăm thành một số nhóm riêng biệt diễn ra ngày càng rõ rệt. Sự tác động chủ
yếu và mạnh nhất vào quá trình phân chia này là tôn giáo. Ở đây có sự tác động
của yếu tố bên ngoài, trực tiếp là cộng đồng Hồi giáo Đông Nam Á.

Với những mối quan hệ tộc người từ yếu tố lịch sử đến tôn giáo, trong –
ngoài liên quan đến người Chăm đã, đang và tiếp tục tác động đến sự phát triển
xã hội và quản lý xã hội. Do vậy cần nhận biết sự tác động ấy để có chính sách
phù hợp vừa bảo đảm cho sự bình đẳng, phát triển của người Chăm, vừa bảo
đảm sự ổn định xã hội và phát triển bền vững.
Tóm lại, nghiên cứu “sự phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội”
không những là hướng nghiên cứu cần thiết, bức xúc do sự phát triển của đất
nước ta trong thời kỳ chuyển đổi trên nhiều lĩnh vực, mà còn có ý nghĩa cơ bản,
lâu dài cả về khoa học, tư tưởng và thực tiễn cuộc sống. Nghiên cứu phát triển xã
hội hay cụ thể hơn là phương diện xã hội của sự phát triển và quản lý quá trình
phát triển, lấy con người, nguồn lực con người làm trung tâm, làm mục tiêu và
động lực của phát triển. Trong bối cảnh lịch sử và xã hội nước ta, một quốc gia
đa dân tộc thì nghiên cứu mối quan hệ tộc người tác động đến sự phát triển xã
hội và quản lý sự phát triển xã hội là một nhiệm vụ không thể thiếu. Ở nước ta,
từ miền xuôi đến miền ngược, từ nông thôn đến thành thị, nơi nào cũng có nhiều
thành phần dân tộc sinh sống, do vậy ở đâu cũng cần phải nghiên cứu quan hệ
dân cư dân tộc và sự tác động của quan hệ đó đến sự phát triển xã hội. Song
trọng tâm vẫn là những vùng hỗn hợp dân cư dân tộc, những vùng, những dân
16


tộc có lịch sử phát triển đa dạng, phức tạp. Từ cách tiếp cận đó, việc nêu ra
những vùng trọng điểm trên đây có ý nghĩa then chốt, là “hạt nhân cơ bản” trong
vấn đề giải quyết mối quan hệ dân tộc ở nước ta. Nếu giải quyết tốt sẽ là điều
kiện rất cơ bản để đảm bảo cho mối quan hệ bình đẳng, tăng cường hợp tác giữa
các dân tộc trong quá trình phát triển đất nước.
Về thời gian, lấy hiện tại làm tâm điểm song phải lần tìm về quá khứ để
tìm “qui luật” hình thành hiện trạng, rồi từ đó đoán định xu hướng trong tương
lai, ít nhất là một thập niên (như yêu cầu của đề tài – năm 2020). Từ đó có những
lập luận kiến nghị làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách liên quan để đạt

được mục tiêu đề ra.
3. Tổng quan nghiên cứu trong và ngoài nước liên quan đến nội dung
đề tài
3.1. Nghiên cứu ngoài nước
Phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội là những vấn đề được nghiên
cứu từ rất sớm ở phương Tây. Trên thực tế đã định hình nhiều trường phái lý
thuyết về phát triền xã hội và quản lý phát triển xã hội mà ở đó con người được
hiện diện với tư cách vừa là đối tượng quản lý, vừa là chủ thể quản lý. Dưới đây
sẽ điểm qua những nghiên cứu liên quan đến đối tượng nghiên cứu của đề tài
này.
Thứ nhất: Nghiên cứu trên phương diện học thuyết về phát triển con người
trong mối liên hệ với phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội. Phổ biến nhất
là những nghiên cứu chung về con người, tuy không đề cập đến con người dân
tộc thiểu số, nhưng lại có ý nghĩa tạo khung lý thuyết cho tiếp cận vấn đề quản
lý phát triển xã hội ở các nhóm cư dân cụ thể. Đáng chú ý là các nghiên cứu của
John Gillin [1954]: “For a Science of Social Man” (“Khoa học về con người xã
hội”); của Joost Kuitenbouwer [1973]: Continuity and discontinuity in
community development theory (“Lý thuyết về tính liên tục và tính gián đoạn
trong sự phát triển của cộng đồng”); của A.H. Maslow [1978]: “A Theory of
Human Motivation” (“Học thuyết về động lực con người”); của V.G Asanxep
[1979]: People in Social Manageraout (Con người trong quản lý xã hội); Điểm
đáng chú ý của những nghiên cứu này là không chỉ nhấn mạnh động lực vật chất
– kinh tế, mà hết sức coi trọng các động lực tình cảm – tinh thần mà bất cứ hệ
thống quản lý nào cũng không thể bỏ qua. Một số nghiên cứu cũng nhấn mạnh
sự khác biệt về văn hoá của từng cộng đồng dân tộc, tôn giáo, nhóm dân cư và
tác động của nó đối với quản lý phát triển xã hội ở từng quốc gia hoặc liên quốc
gia. Đó là các trường hợp nghiên cứu của Bacionne P.Sherer D. Attigt [1978]:
“Values and Society” (“Các giá trị và xã hội”); của Philip R.Harris [1987]:
Managing Cultural differences (“Khắc phục các khác biệt về văn hoá”); của
Rodolfo Stavenhaghen: "Các cuộc xung đột sắc tộc và tác động của chúng đối

với xã hội" [1999]; của Samuel Philip Hungtington [2001]: “The Clash of
17


Civilization and the Remaking of World Order” (“Sự va chạm của các nền văn
minh”). Nhóm nghiên cứu này đã lưu ý đến tính tộc người trong phát triển xã
hội và quản lý phát triển xã hội. Tác giả người Trung Quốc Trương Lập Văn,
thông qua tác phẩm “Khái luận hoà hợp học – tư tưởng chiến lược văn hoá thế
kỷ XXI “[1996] còn đưa ra khái niệm hoà hợp học và xem đó là xu thế của nhân
loại trong thế kỷ XXI. Trong đó có hoà hợp giữa các tộc người, giữa các tôn giáo
được tác giả nhấn mạnh xem như một điểm rất quan trọng trong một thế giới mà
xung đột tộc người và xung đột tôn giáo có thể phá vỡ bất cứ một trật tự xã hội
quốc gia và đe doạ đến sự bất ổn của cả khu vực và thế giới.
Các nghiên cứu nêu trên mở ra cách nhìn đa chiều, đa diện, về phát triển xã
hội và quản lý phát triển xã hội ở từng cộng đồng xã hội, từng nhóm lợi ích. Tuy
vậy, đây chỉ là những nghiên cứu chung, ít liên hệ với quản lý xã hội vùng đa tộc
người với những đặc thù về trình độ phát triển, về sắc thái văn hoá, về cơ cấu xã
hội, ... đòi hỏi cần có hình thức và phương pháp thích ứng trong hoạch định,
thực thi chính sách phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội.
Thứ hai: Những nghiên cứu tổng quan các dân tộc thiểu số ở Việt Nam,
trong đó có liên hệ đến sự phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội. Thuộc
nhóm này, trước hết phải kể đến tên tuổi như Parke E.H với “The Muong
Language” (“Ngôn ngữ Mường”) [1891]; P.W. Schmidt với: “Les peuples Mon –
Khmer, trait d’union entre les peuples de l’Asie Centrale et de l’Austronésie”
(“Các dân tộc Môn-Khmer, gạch nối giữa các dân tộc của châu Á Trung tâm và
châu Úc”) [1908]; H. Maitre với: “Các xứ Thượng ở miền Nam Đông Dương,
cao nguyên Đak Lắk” [1912]; H. Maspéro với: “Etude sur la phonétique
historique de la langue annammite, Les initiales” (“Nghiên cứu về lịch sử ngữ
âm học của tiếng Annam, sự khởi đầu”) [1912]; P.K. Benedict với “Thai, Kadai
và Indonesiens” (“Những tộc người nói ngôn ngữ Thái, Kađai và Inđônêxiên”)

[1944]. Những kết quả nghiên cứu này trước đây đã được công bố trên Tập san
của Trường Viễn đông Bác cổ (BEFEO), Tập san Hội nghiên cứu Đông Dương
(BSEI), Tập san Pháp Á (FA)... hoặc xuất bản thành chuyên khảo chuyên sâu.
Furuta Mooto (Nhật Bản) với “Chính sách dân tộc của Đảng Cộng sản Việt
Nam” (Luận án Tiến sĩ) [1989] không chỉ quan tâm đến đặc điểm nhân chủng,
văn hoá tộc người, mà hướng trọng tâm nghiên cứu thể chế, chính sách điều
chỉnh quan hệ tộc người của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Gần đây có nghiên
cứu của Donovan D., Rambo T.A, Fox J., Lê Trọng Cúc, Trần Đức Viên:
“Những xu hướng phát triển ở vùng núi phía Bắc Việt Nam’’ [1997] với việc
xem xét cụ thể mỗi cộng đồng tộc người gắn với hệ sinh thái tộc người (rẻo cao,
rẻo giữa, rẻo thấp) và từ đó chi phối đến đặc trưng văn hoá mà mỗi chính sách
phát triển xã hội cần phải tính toán đầy đủ. Nghiên cứu này đã chỉ ra được những
ưu điểm của chính sách phát triển xã hội tộc người của Đảng ta và Chủ tịch Hồ
Chí Minh trước đây và nhờ đó đã quy tụ, đoàn kết được các cộng đồng tộc người
thiểu số trong cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Futura Mooto
18


cũng chỉ ra những sai lầm, hạn chế của chính quyền Sài Gòn trước đây, từ chế độ
Ngô Đình Diệm đến chế độ Nguyễn Văn Thiệu, trong hoạch định và thực thi
chính sách tộc người đối với người Thượng ở Tây Nguyên. Dù có thành lập cả
Bộ Sắc tộc để quản lý xã hội tộc người thiểu số, nhưng những sai lầm trong
chính sách đã đẩy người Thượng quay lưng với chính quyền và xung đột tộc
người trên phương diện chính trị, kinh tế, văn hoá diễn ra thường trực.
Thứ ba: Những nghiên cứu chuyên biệt về từng tộc người và từng nhóm,
từng vùng thiểu số. Đáng chú ý là nghiên cứu của P. Guileminet với: “Coutumier
de la tribu Bahnar, des Sedang et des Jrai de la province de Kon Tum” (“Tập
quán của các tộc người Bana, Xơđăng và Giarai ở tỉnh Kon Tum”) [1952] và
“Les tribus Bahnars au Kon Tum” (“Các bộ lạc Bana ở Kon Tum”) [1952], P.B.
Lafont, Tơ lơi Djuat với “Coutumier de la tribu Jrai” (“Tập quán của bộ lạc

Giarai”) [1963]; Aruchiunốp S.A, Mukhơlinốp A.I với: “Về đặc trưng dân tộc
học các nhóm Xá (nước Việt Nam dân chủ cộng hoà)” [1972].; CuisinerJ với “Le
Muong Geographic humaine et Sociologie” (“Địa nhân văn – xã hội dân tộc
Mường”) [1948]. Tiếp theo người Pháp, sau này đã xuất hiện một số tên tuổi
người Mỹ, và gần đây một số người Nhật và Hà Lan như: Gerald Hickey (Mỹ)
với một loạt nghiên cứu: “Sons of the Mountains. Ethnohistory of the
Vietnamese Central Higlands to 1954” (“Những đứa con của núi rừng. Lịch sử
tộc người ở Tây Nguyên Việt Nam cho đến năm 1954”) [1982]; “Free in the
Forest. Ethnohistory of the Vietnamese Central Highland 1954 – 1976” (“Tự do
trong rừng. Lịch sử tộc người ở Tây Nguyên Việt Nam 1954 – 1976”) [1982];
“Shatted World. Adaptation and Survival among Vietnam’s Highland Peoples
during the Vietnam War” (“Một thế giới bị chia cắt. Thích ứng và sinh tồn của
các tộc người cao nguyên trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam”) [1993]; Oscar
Salemink (Hà Lan) với “Beyond Conplicity and Naiveté: Contextualizing the
Ethenography of Vietnam’s Central Highlanders 1850-1990” (“Trên cả thói a
tòng và sự ngây thơ: Bối cảnh hoá dân tộc học về người Thượng Việt Nam”)
[1994]; Patricia Pelly (Mỹ) với “Barbarian” and “Younger Brother”. The
Remaking of Race in Postcolonial Vietnam (“Các dân tộc lạc hậu” và “Những
người anh em”. Sự tái hình thành chủng tộc ở nước Việt Nam thời hậu thực
dân") [1998], của Dournes, Jacques: "Pơtao - Một lý thuyết quyền năng của
người Ja Rai Đông Dương" [2004]; của Anne de Hautechloque – Howe: "Người Ê
Đê một xã hội mẫu quyền" [2004]; của Jean Boulbet: “Xứ người Mạ - Lãnh thổ của
Thần linh”[1999]... Các công trình nêu trên chủ yếu nghiên cứu dưới giác độ
nhân học tộc người, rồi từ đó đề cập đến chính sách của Nhà nước Việt Nam đối
với phát triển xã hội trong vùng tộc người thiểu số và quản lý phát triển xã hội
tộc người, trong đó các nghiên cứu về Tây Nguyên rất được chú ý.
Thứ tư: Nghiên cứu của các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quốc tế
trong quá trình tham dự các chương trình, dự án xoá đói giảm nghèo, bảo vệ
môi trường sinh thái,... ở vùng dân tộc thiểu số nước ta. Bằng phương pháp thực
19



chứng xã hội, một số nghiên cứu loại này đã chỉ ra nguy cơ tiềm ẩn của xung đột
tộc người và khuyến nghị hướng điều chỉnh quan hệ tộc người. Đáng chú ý là
công trình của Công ty ADUKI Pty Ltd với “Poverty in Vietnam” (“Vấn đề
nghèo đói ở Việt Nam”) [1995]; hoặc các báo cáo tư vấn của Ngân hàng Thế
giới, Ngân hàng phát triển châu Á, các tổ chức phi chính phủ, đáng lưu ý là báo
cáo của Neil Jamieson: “Socio – economic Overview of the Northern Mountain
Region and the Project and Poverty Reduction in the Northern Mountain Region
of Vietnam”, 2000 (Tổng quan về tình hình kinh tế – xã hội khu vực miền núi
phía Bắc. Dự án xoá đói giảm nghèo ở khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam) và
“Rethinking Approaches to Ethenic Minority Developmen, The Case of
Vietnam”. Concept Paper perpared for the World Bank, Unpublished, 2000
(“Nghĩ lại cách tiếp cận chương trình phát triển dân tộc thiểu số, Trường hợp
Việt Nam”); của Ngân hàng Phát triển Châu Á - Văn phòng Hà Nội - Việt Nam
[2000]: "Chính sách dân tộc bản địa của Ngân hàng Phát triển Châu Á"; của
Ngân hàng Thế giới [2000]: "Chính sách dân tộc bản địa của Ngân hàng Thế
giới"... Những báo cáo này có khuyến nghị rằng, để thúc đẩy quan hệ tộc người
theo hướng tích cực, hoá giải các nguy cơ xung đột tộc người, Chính phủ Việt
Nam cần lưu tâm đến chăm lo những đối tượng chịu nhiều thua thiệt trong trong
quá trình chuyển đổi cơ chế, mà ở đó các dân tộc thiểu số cần có sự quan tâm
đặc biệt. Những báo cáo này đã chỉ ra nhóm các dân tộc yếu thế thường ít được
hưởng lợi từ các chính sách ưu tiên của Nhà nước Việt Nam. Về quản lý phát
triển xã hội ở vùng dân tộc thiểu số, các báo cáo này đã chỉ ra một hạn chế phổ
biến là xu hướng áp đặt ý chí của Nhà nước đối với người dân thay vì phát huy
năng lực nội sinh của từng cộng đồng tộc người thiểu số, cường điệu hoá vai trò
quản lý Nhà nước thay vì phát huy quyền tự quản của cộng đồng làng/bản, đề
cao vai trò của tri thức phi bản địa thay vì khai thác, phát huy vai trò của tri thức
bản địa trong quản lý xã hội tộc người. Những áp đặt đó đã dẫn tới hệ luỵ là làm
đứt gãy phương thức sản xuất, đảo lộn kết cấu dân cư - nguy cơ của xung đột

tộc người và cản trở đến thực hiện các mục tiêu của phát triển xã hội. Gợi mở
của các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quốc tế đã giúp hình dung cách tiếp
cận mới để xử lý quan hệ tộc người trong quá trình phát triển xã hội và quản lý
phát triển xã hội.
3.2. Nghiên cứu trong nước
Thứ nhất: Nghiên cứu xã hội trên bình diện rộng trong đó có đề cập đến xã
hội tộc người và quản lý phát triển xã hội tộc người. Nổi bật là nghiên cứu của
Viện Nghiên cứu Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh do Phan Xuân Biên chủ biên:
"Nghiên cứu con người và xã hội" [2005]; của Bế Viết Đẳng (chủ biên): “Các
dân tộc thiểu số trong sự phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi” [1996]; của
Khổng Diễn: "Những đặc điểm kinh tế - xã hội các dân tộc miền núi phía Bắc"
[1996]; của Đặng Nghiêm Vạn (chủ biên): “Tây Nguyên trên đường phát triển”.
20


Những nghiên cứu này luôn xem vùng dân tộc thiểu số là nơi khó khăn nhất mà
điểm xuất phát vẫn là vấn đề con người và mục tiêu hướng tới của mọi chính
sách quản lý và phát triển cũng là vấn đề con người. Song, con người các tộc
người thiểu số có sắc thái riêng do điều kiện địa lý, môi sinh cảnh quan và tính
tộc người chi phối. Vì vậy, các giải pháp phát triển xã hội, phát triển con người,
phát triển xã hội tộc người cần khu biệt hoá đặc trưng của từng vùng, từng tộc
người. Cũng có những nghiên cứu đã tiếp cận từ góc độ nhân học tộc người để
giải quyết các vấn đề phát triển xã hội tộc người (của Ngô Văn Lệ, Nguyễn Minh
Hoà: "Social development in the South of Vietnam: Anthropological and
sociological studies" [2004]; của Lê Thị Quý: “Bình đẳng giới trong phát triển
vùng đa dân tộc miền núi’’ [2005]).
Thứ hai: Nghiên cứu vùng văn hoá hoặc văn hoá một tộc người cụ thể,
trong đó có đề cập quan hệ tộc người trên phương diện văn hoá ở cấp độ vùng
và những vấn đề đặt ra cần lưu tâm trong quản lý phát triển xã hội. Nhóm
nghiên cứu này có ưu điểm là dựa trên lý thuyết khu vực học để tìm ra đặc trưng

của các vùng dân tộc thiểu số với tư cách là những không gian lịch sử - văn hoá
đặc thù. Về nghiên cứu chung, chủ yếu tạo khuôn khổ chung cho nhận diện các
vùng văn hóa ở Việt Nam, có công trình của Ngô Đức Thịnh: "Văn hoá, văn hoá
tộc người và văn hoá Việt Nam" [2006], của Ngô Văn Lệ: "Tộc người và văn hoá
tộc người" [2003]. Về nghiên cứu sắc thái văn hoá từng vùng hoặc từng tộc
người có công trình của Phan Xuân Biên, Phan An, Phan Văn Dốp: "Văn hoá
Chăm" [1991]; “Văn hoá và xã hội của người Gia Rai ở Việt Nam” [1998]; của
Phan Xuân Biên: "Miền Đông Nam Bộ - Con người và văn hoá" [2004]; của Ngô
Văn Lệ: "Một số vấn đề về văn hoá tộc người ở Nam Bộ và Đông Nam Á"
[2003]; của Nguyễn Hữu Thông (chủ biên): “Văn hoá làng miền núi Trung bộ
Việt Nam – giá trị truyền thống và những bước chuyển lịch sử” [2005] . Gần
đây, các tộc người yếu thế, có dân số ít (tập trung phần lớn ở miền núi phía Bắc),
rất được chú ý nghiên cứu trên nhiều chiều cạnh, với công trình của Khổng Diễn
(chủ biên): "Dân tộc La Hủ ở Việt Nam" [2000] và "Dân tộc Khơ Mú ở Việt
Nam" [1999]; của Phạm Quang Hoan (chủ biên): "Dân tộc Cơ Lao ở Việt Nam Truyền thống và và biến đổi" [2004]... Điểm chung nhất của các nghiên cứu trên
là khám phá tầng sâu của căn tính tộc người và lý giải những tác động của chúng
đối với quan hệ tộc người hiện nay, thường là xuất phát từ những “va chạm hồn
nhiên” về văn hoá. Do đó, xử lý quan hệ tộc người phải đứng trên chiều cạnh văn
hoá thì mới có thể xây dựng được sự đồng thuận, hoá giải xung đột tộc người.
Thứ ba: Nghiên cứu về thiết chế quản lý xã hội ở vùng dân tộc thiểu số,
trong đó sự chi phối của thiết chế xã hội truyền thống đối với quản lý phát triển
xã hội là vấn đề được quan tâm đặc biệt. Các nghiên cứu của Lưu Hùng: “Buôn
làng cổ truyền xứ Thượng” [1994]; của Nguyễn Quốc Phẩm: “Luật tục và ý thức
pháp luật trong quản lý xã hội các dân tộc thiểu số” [2002]; của Phan Xuân Biên:
“Tổ chức xã hội của các dân tộc Tây Nguyên” [1984]; của Phan An: “Hệ thống xã
21


hội tộc người của người Stiêng ở Việt Nam” [2007]... đã lý giải đặc trưng thiết chế
xã hội truyền thống của một số cộng đồng tộc người và tác động của nó đối với

sự phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội hiện nay. Theo một cách tiếp cận
khác, có tác giả lại đi sâu tìm hiểu các thiết chế quan phương do các thể chế Nhà
nước áp đặt lên vùng dân tộc thiểu số, với nghiên cứu của Phan Hữu Dật và Lâm
Bá Nam: “Chính sách dân tộc của các chính quyền Nhà nước phong kiến Việt
Nam (X – XIX)” [2001]; của Tô Huy Rứa, Nguyễn Cúc, Trần Khắc Việt [2004]:
“Giải pháp đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị ở các tỉnh miền núi nước ta
hiện nay”; của Nguyễn Cúc, Ngô Ngọc Thắng, Đoàn Minh Huấn (đồng chủ
biên): “Đổi mới kinh tế với đổi mới hệ thống chính trị ở các tỉnh miền núi phía
Bắc – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” [2005]; của Lê Phương Thảo, Đoàn
Minh Huấn: "Giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số nước ta trong
quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH" [2006]. Từ nghiên cứu thiết chế quản lý quan
phương, những chuyên khảo này đã cho thấy những độ “vênh” với thiết chế quản
lý phi quan phương và xem đây là một trong những nguyên nhân cản trở hiệu
quả quản lý xã hội và hạn chế sự tham gia của cư dân bản địa vào hoạt động
quản lý. Vì vậy, nhiều nghiên cứu đã nêu ra các khả năng kết hợp, lồng ghép,
đan xen giữa thiết chế quản lý quan phương với thiết chế quản lý phi quan
phương, nhất là ở hệ thống chính trị cấp cơ sở, để nâng cao hơn năng lực và hiệu
quả quản lý phát triển xã hội. Gắn với mỗi thiết chế quản lý là nhân tố con
người, vừa tồn tại với tư cách là đối tượng quản lý, vừa là chủ thể quản lý, trong
đó những đối tượng đặc thù như già làng, trưởng bản, trưởng họ... được chú
trọng đặc biệt (Chu Thái Sơn: “Vai trò của các tầng lớp người già trong các xã
hội truyền thống ở Trường Sơn – Tây Nguyên” [1997]). Vì vậy, hiệu quả quản lý
phát triển xã hội ở vùng dân tộc thiểu số có đặt ra yêu cầu đan xen, kết hợp giữa
thiết chế quan phương và phi quan phương, giữa tri thức bản địa và phi bản địa,
giữa luật tục và luật pháp, giữa đơn vị hành chính lãnh thổ và đơn vị dân cư
(buôn/ làng), giữa ý thức tộc người với ý thức công dân. Đây là những hướng
tiếp cận rất được quan tâm khi nghiên cứu quan hệ tộc người tác động đến phát
triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở nước ta.
Thứ tư: Nghiên cứu những vấn đề bức xúc, các “điểm nóng” chính trị - xã hội
ở vùng dân tộc thiểu số - vừa là hệ quả của quan hệ tộc người, vừa là nhân tố trực

tiếp tác động đến quan hệ tộc người ở nước ta hiện nay - đặt ra nhiều chiều cạnh
phải giải quyết trong quản lý phát triển xã hội. Nhóm nghiên cứu này rất phong
phú, đa dạng với công trình của Hoàng Chí Bảo (chủ nhiệm) [2006]: “Nghiên cứu
các giải pháp bảo đảm bình đẳng và tăng cường hợp tác giữa các dân tộc trong
phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng đa dân tộc ở miền núi”, của Trương Minh
Dục [2005]: "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về dân tộc và quan hệ dân tộc ở
Tây Nguyên"; của Khổng Diễn (chủ nhiệm): “Di dân tự phát của các dân tộc thiểu
số từ miền núi phía Bắc vào Tây Nguyên”- đề tài cấp Bộ - [1999]... Vấn đề di dân,
tôn giáo, huỷ hoại rừng đầu nguồn trở thành mối quan ngại sâu sắc tác động đến
22


quan hệ tộc người và gây ra xung đột tộc người, được đề cập trong nghiên cứu
của Hà Quốc: “Tình hình an ninh quốc phòng, tôn giáo ở vùng dân tộc ít người, ở
vùng núi trong thời kỳ đổi mới - thực trạng và giải pháp’’[2002]); của Đặng
Nguyên Anh: “Chính sách di dân trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội các
tỉnh miền núi” [2006]; của Trần Văn Chử: “Di dân với quá trình phát triển kinh
tế – xã hội và bảo vệ tài nguyên môi trường ở nước ta hiện nay” [2000]. Trần
Văn Hà: “Một số vấn đề cơ bản về chính sách đất đai tại vùng dân tộc miền Tây
Thanh Hóa, Nghệ An” [2009]; Nguyễn Xuân Thủy: “Phong trào Fulro và vấn
đề xung đột tộc người ở Tây Nguyên – Thực trạng và giải pháp” [2010]… Xung
đột tộc người có thể từ điểm lan ra thành diện, không chỉ tác động đến quản lý và
phát triển vùng dân tộc thiểu số, mà còn tác động đến sự phát triển của cả nước,
có nguy cơ tạo lực cản thực hiện các mục tiêu tổng thể quốc gia, mà các vụ bạo
loạn chính trị ở Tây Nguyên năm 2001 và tái phát năm 2004 là những minh
chứng điển hình.
Thứ năm: Những nghiên cứu về đặc điểm tộc người tác động đến quan hệ
tộc người hoặc các chiều cạnh của quan hệ tộc người ở Việt Nam. Đây là các
nghiên cứu trực tiếp, có quan hệ chặt chẽ đến đối tượng nghiên cứu của đề tài,
với công trình của Đặng Nghiêm Vạn: "Quan hệ giữa các tộc người trong một

quốc gia dân tộc" [1993], của Phan Hữu Dật (chủ biên), ... :"Mấy vấn đề lý luận
và thực tiễn cấp bách liên quan đến mối quan hệ dân tộc hiện nay" [2001]; của
Nguyễn Cúc, Đoàn Minh Huấn: "Hình thái cư trú xen giữa các tộc người và tác
động của nó đối với quan hệ tộc người ở Việt Nam" [2008]. Các nghiên cứu này
chỉ ra rằng, 54 thành phần tộc người ở Việt Nam với đa cấp độ về trình độ phát
triển, đa dạng về sắc thái văn hoá, đa nguyên về nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo,...
đặt ra nhiều tình huống cần giải quyết trong quan hệ tộc người. Dưới tác động
của kinh tế thị trường và toàn cầu hoá thì khoảng cách phát triển giữa các tộc
người ngày càng cách biệt. Đây là căn nguyên tiềm ẩn của xung đột tộc người.
Hình thái cư trú xen kẽ, nếu biết khai thác mặt tích cực sẽ xây dựng được quan
hệ đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển; còn ngược lại, sẽ dẫn tới xung
đột tộc người ngay trên cùng một địa bàn cư trú. Quan hệ tộc người và tác động
của quan hệ tộc người cần được nhận diện trên nhiều phạm vi: một cộng đồng,
một địa phương, một vùng, toàn quốc và liên quốc gia,...
Tóm lại, các nhóm nghiên cứu nêu trên có ý nghĩa rất quan trọng đối với
quá trình thực hiện đề tài này, bao gồm cả cung cấp một số tư liệu và cách tiếp
cận đối tượng nghiên cứu, trong đó có những đóng góp của các thành viên chủ
chốt tham gia đề tài như Phan Xuân Biên, Phan An, Phạm Quang Hoan, Phan
Thị Yến Tuyết, Võ Công Nguyện, Đoàn Minh Huấn,... Tuy vậy, đến nay vẫn
chưa có công trình riêng nghiên cứu về tác động của quan hệ tộc người đối với
sự phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở nước ta đến năm 2020.

23


4. Phương pháp nghiên cứu và công cụ, kỹ thuật thực hiện
4.1. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp nghiên cứu tư liệu thứ cấp: còn gọi là phân tích và tổng hợp,
được sử dụng để thu thập, phân tích và khai thác thông tin từ các nguồn có sẵn liên
quan đến đề tài nghiên cứu, bao gồm các văn kiện, tài liệu của Đảng và Nhà nước ở

Trung ương và địa phương, các công trình nghiên cứu, các báo cáo, các thống kê
của chính quyền, ban ngành đoàn thể, tổ chức, cá nhân liên quan trực tiếp hoặc gián
tiếp quan hệ tộc người tác động đến phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở
nước ta.
- Phương pháp nghiên cứu định lượng, điều tra xã hội học
Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ, đối tượng và phạm vi nghiên cứu được xác
định trên đây, ngoài việc sử dụng những số liệu thống kê hoặc các số liệu trong
các tư liệu thư tịch, bài viết của các cơ quan các nhà khoa học mà đề tài sử dụng,
chúng tôi đã tiến hành cuộc điều tra xã hội học ở các vùng dân tộc tiêu biểu:
vùng miền núi miền Bắc Việt Nam gồm 31 tộc người; vùng Trường Sơn – Tây
Nguyên – Đông Nam Bộ gồm 19 tộc người, vùng Tây Nam Bộ 4 tộc người. Đó
là những vùng có nhiều vấn đề liên quan đến quan hệ tộc người và tác động của
nó đến sự phát triển xã hội cả trong lịch sử và hiện tại cũng như tương lai. Tất cả
các vùng được điều tra tổng cộng 2124 phiếu, trong đó miền núi miền Bắc 800
phiếu, Tây Nguyên – Đông Nam Bộ 690 phiếu; Tây Nam Bộ 640 phiếu. Ở tất cả
các vùng đều chọn những điểm có từ 2, 3 dân tộc trở lên cùng với người Việt, để
tìm hiểu 4 chiều cạnh quan hệ như trên đã nêu (quan hệ giữa các dân tộc với
quốc gia dân tộc; các dân tộc thiểu số với người Việt; các dân tộc thiểu số với
nhau; trong nội bộ từng dân tộc, tại từng điểm điều tra đều chọn những mẫu ngẫu
nhiên theo phương pháp điều tra số phiếu của xã hội học. Kết quả nghiên cứu
được xử lý trên chương trình SPSS – Statistic Package for Social Studies.
- Những nghiên cứu định tính (Phỏng vấn, hội nghị, quan sát, v.v…): Đề tài
đã phỏng vấn sâu một số cá nhân là cư dân thiểu số và đa số ở các trình độ cao
thấp khác nhau và đội ngũ những người làm công tác quản lý phát triển xã hội ở
Trung ương và địa phương. Ở Trung ương cơ bản trao đổi với các quan chức và
các nhà nghiên cứu chính sách ở Ủy ban Dân tộc; ở địa phương trao đổi cả cán
bộ cấp tỉnh và cấp huyện, xã, kết hợp khi tiến hành điều tra xã hội học. Đồng
thời phỏng vấn một số cá nhân có liên quan đến hoạt động các tổ chức như
Fulro, Tin Lành, cán bộ xã, buôn làng, trí thức dân tộc. Tùy theo mục đích và
điều kiện từng nơi, từng lúc, chúng tôi đã thực hiện các phỏng vấn sâu theo các

mức độ, tính chất không cơ cấu, nửa cơ cấu hoặc cơ cấu hóa để khám phá vấn
đề. Đây là áp dụng phương pháp phỏng vấn sâu của Lee và Morag MacDonald
trong tác phẩm Doiny Sociology – London, 1997.
- Phương pháp quan sát theo phương pháp thực địa của nhân học, dân tộc học,
xã hội học đã được thực hiện kết hợp trong các đợt điều tra dài ngày ở 3 vùng nói
trên, nhằm nắm bắt bản chất đối tượng (quan sát hình thái, quan sát công năng, kết
24


hợp hình thái – công năng); hoặc (quan sát mô tả, phân tích và trao đổi các vấn đề
nảy sinh trong nghiên cứu).
- Phương pháp này chủ yếu là đưa ra các câu hỏi cho người đối thoại để thu
thập câu trả lời (thông tin).
- Phương pháp chuyên gia, được thực hiện thông qua hội nghị, hội thảo. Đề tài
đã tiến hành 3 hội thảo về những vấn đề lý luận, phương pháp tiếp cận; chủ đề của
đề tài được thể hiện ở 3 vùng dân tộc quan trọng: miền núi phía Bắc, Tây Nguyên,
Tây Nam Bộ. Các cuộc hội thảo đã tập hợp được các chuyên gia, các nhà nghiên
cứu trong ngành Nhân học – Dân tộc học; Xã hội học, Tôn giáo học, cán bộ quản
lý, hoạch định chính sách. Sau các Hội thảo, chúng tôi đã chọn lọc một số báo cáo
khoa học in thành tập kỷ yếu “Quan hệ tộc người và sự phát triển xã hội ở Việt
Nam hiện nay” do NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh xuất bản năm 2010, 491 trang
khổ 18 x 24cm để làm tài liệu tham khảo.
- Ngoài ra, đề tài còn sử dụng các phương pháp thông thường và các phương
pháp hỗ trợ khác như Phương pháp xử lý thông tin: định lượng, thông tin định tính,
giúp nhận dạng nội dung và các mối liên hệ bản chất giữa các sự kiện liên quan đến
các lĩnh vực quan hệ tộc người và phát triển xã hội. Phương pháp đánh giá SWOT:
để phân tích điểm mạnh (Strengths), điểm yếu (Weaknesses), cơ hội
(Opportunities), rủi ro – nguy cơ (Threats) giúp đánh giá được thực trạng quan hệ
tộc người tác động đến sự phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội để tìm kiếm
cơ sở đề xuất giải pháp phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu, nắm bắt thời cơ;

lường trước, giảm nhẹ hoặc triệt tiêu rủi ro trong quản lý phát triển xã hội.
4.2. Công cụ, kỹ thuật thực hiện
- Sử dụng phần mềm chuyên dụng máy tính (Stata, TSP, SPSS...): Với những
công cụ phần mềm chuyên dụng của máy tính cho phép xử lý các số liệu điều tra đã
thu thập được trong quá trình khảo sát thực tế.
- Sử dụng công cụ tra cứu trực tuyến. Đề tài sử dụng công cụ tra cứu trực tuyến
thông qua mạng internet để phục vụ cho nghiên cứu đề tài, nhất là các cơ sở dữ liệu
về luật pháp, chính sách phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội vùng dân tộc
thiểu số do Chính phủ và các bộ/ngành quản trị (qua mạng). Ngoài ra, tra cứu trực
truyến cũng giúp tiếp cận các nghiên cứu liên quan từ các cơ sở dữ liệu nước ngoài
cũng như các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước đã được tổng kết,
đưa lên các trang web của các cơ quan, tổ chức khoa học.
5. Quá trình thực hiện đề tài
Theo Quyết định số 2235/QĐ-BKHCN ngày 09 tháng 10 năm 2008 của
Bộ Khoa học & Công nghệ, đề tài KX02-18/06-10 (Tác động của quan hệ tộc
người đối với sự phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở nước ta đến năm
2020) được phê duyệt cùng 3 đề tài khác của Chương trình khoa học cấp Nhà
nước KX-02/06-10. Ngày 28-12-2008, Hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát
25


×