Tải bản đầy đủ (.pdf) (73 trang)

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG TOÀN CẦU LẦN THỨ HAI VỀ BẢO TỒN TÀI NGUYÊN DI TRUYỀN THỰC VẬT PHỤC VỤ MỤC TIÊU LƯƠNG THỰC VÀ NÔNG NGHIỆP

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1 MB, 73 trang )

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG TOÀN CẦU LẦN THỨ HAI
VỀ BẢO TỒN TÀI NGUYÊN DI TRUYỀN THỰC VẬT
PHỤC VỤ MỤC TIÊU LƯƠNG THỰC VÀ NÔNG NGHIỆP

ÚY BAN TÀI NGUYÊN
DI TRUYỀN VỀ LƯƠNG THỰC
VÀ NÔNG NGHIỆP


KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG TOÀN CẦU LẦN THỨ HAI
VỀ BẢO TỒN TÀI NGUYÊN DI TRUYỀN THỰC VẬT
PHỤC VỤ MỤC TIÊU LƯƠNG THỰC VÀ NÔNG NGHIỆP

ĐÃ ĐƯỢC HỘI ĐỒNG FAO THÔNG QUA
ROME, Ý, NGÀY 29 THÁNG 10 NĂM 2011

Ủy ban Tài nguyên Di truyền về Lương thực và Nông nghiệp
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp Quốc
FAO, 2011


Các chỉ định sử dụng và việc trình bày
các tài liệu trong ấn phẩm thông tin này
không có hàm ý diễn đạt bất cứ ý kiến nào
của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp
của Liên hợp Quốc liên quan đến pháp lý
hoặc tình trạng phát triển của bất kỳ quốc
gia, vùng lãnh thổ, thành phố, khu vực tự trị
hoặc liên quan đến việc phân định ranh giới
hay biên giới. Việc đề cập các vấn đề cụ thể
của công ty hoặc sản phẩm của nhà máy,


mặc dù có thể chưa hoặc đã được cấp bằng
sáng chế nhưng đều không ngụ ý các vấn đề
này đã được xác nhận hoặc khuyến cáo bởi
FAO trong việc ưu tiên hơn các vấn đề có
tính chất tương tự mà không được đề cập
đến trong cuốn sách này. Quan điểm thể
hiện trong ấn phẩm thông tin này là của
các tác giả và không phản ánh quan điểm
của FAO.
ISBN 978-92-5-107163-2
Tất cả đều mang bản quyền. FAO khuyến
khích sự sao chép và phổ biến nguồn thông
tin trong cuốn sách này. Việc sử dụng với
mục đích phi thương mại được miễn phí theo
yêu cầu. Hành vi sao chép để bán lại hay sử
dụng với mục đích khác bao gồm cả mục
đích giáo dục có thể phải trả phí. Các yêu
cầu cho sao chép hoặc phổ biến tài liệu có
bản quyền của FAO và mọi yêu cầu liên
quan đến bản quyền hay giấy phép khuyến
khích bằng việc gửi email đến:
or to the Chief,
Publishing Policy and Support Branch,
Office of Knowledge Exchange, Research
and Extension, FAO,
Viale delle Terme di Caracalla, 00153
Rome, Italy.
© FAO 2012



LỜI NÓI ĐẦU
Kế hoạch Hành động Toàn cầu lần thứ hai về tài nguyên di truyền thực vật phục vụ mục tiêu
lương thực và nông nghiệp được chuẩn bị dưới sự bảo hộ của Ủy ban Tài nguyên Di truyền về
Lương thực và Nông nghiệp và được Hội đồng FAO thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2011.
Bản kế hoạch này cập nhật Kế hoạch Hành động Toàn cầu về Bảo tồn và Sử dụng bền vững
Tài nguyên Di truyền Thực vật phục vụ mục tiêu Lương thực và Nông nghiệp đã được thông
qua năm 1996 tại Hội nghị Kỹ thuật về Tài nguyên Di truyền Thực vật Quốc tế lần thứ 4.
Kế hoạch Hành động Toàn cầu lần thứ hai phản ánh nhu cầu và ưu tiên được xác định trong
Báo cáo lần thứ hai về Hiện trạng Tài nguyên Di truyền Thực vật Thế giới phục vụ mục tiêu
Lương thực và Nông nghiệp, báo cáo đánh giá toàn cầu đã được FAO xuất bản năm 2010. Kế
hoạch Hành động Toàn cầu lần thứ hai được rất nhiều chuyên gia tư vấn cấp khu vực chuẩn
bị, với sự tham gia của 131 quốc gia và đại diện của các cộng đồng nghiên cứu quốc tế, tư
nhân và các tổ chức xã hội.
Nhu cầu bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng tài nguyên thực vật thế giới là cần thiết hơn
bao giờ hết. Tài nguyên di truyền thực vật là cơ sở cho an ninh lương thực trong thế giới đang
đối mặt với rất nhiều thách thức. Hơn một tỷ người đang trong tình trạng đói thường xuyên và
suy dinh dưỡng, trong khi đó, dân số thế giới dự đoán sẽ đạt đến 9,2 tỷ người vào năm 2050.
Để nuôi sống thế giới, sản lượng nông nghiệp cần phải tăng 60%. Tuy nhiên cùng thời điểm
này, cơ sở nguồn tài nguyên bị đe doạ bởi sự ấm lên toàn cầu và biến đổi khí hậu, giảm dần
tài nguyên đất và nước, suy thoái môi trường. Vấn đề tiếp tục mất mát đa dạng di truyền thực
vật cho lương thực và nông nghiệp đang làm giảm đáng kể sự lựa chọn của chúng ta hiện nay
và của các thế hệ mai sau, đang làm mất đi đa dạng di truyền thích ứng với biến đổi khí hậu
và đảm bảo an ninh lương thực, phát triển kinh tế và hòa bình thế giới.
Kế hoạch Hành động Toàn cầu lần thứ hai đưa ra hàng loạt kế hoạch ưu tiên và hành động
vừa để bảo vệ nguồn tài nguyên di truyền đa dạng và giàu có vừa đảm bảo sử dụng bền vững
các giống cải tiến thông qua việc sử dụng các đặc tính có lợi nhằm tạo ra nguồn lương thực
chất lượng cao hơn, số lượng lớn hơn đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của con người. Chỉ
bằng cách này chúng ta mới giải quyết được an ninh lương thực và đói nghèo. Do đó, hợp tác
quốc tế trở nên cấp thiết hơn nhiều so với các thập niên trước đây. Vì vậy, việc cấp bách hiện
nay là chúng ta phải cùng nhau phát triển cả về bề rộng và chiều sâu các nỗ lực bảo tồn và sử

dụng bền vững đa dạng tài nguyên thực vật.
Việc thông qua Kế hoạch Hành động Toàn cầu lần thứ hai phản ánh sự đồng lòng quốc tế,
chứng tỏ sự quyết tâm chính trị nhằm xác định và thực hiện các ưu tiên để đạt được mục tiêu
đề ra. Kế hoạch Hành động Toàn cầu đóng vai trò quan trọng trong khuôn khổ chính sách
quốc tế về an ninh lương thực thế giới, như là một thành phần hỗ trợ của Hiệp ước Quốc tế về
Tài nguyên Di truyền Thực vật phục vụ mục tiêu Lương thực và Nông nghiệp; là một đóng
góp quan trọng để đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và thực hiện Kế hoạch
Chiến lược về Đa dạng Sinh học 2011-2020.
Đứng trước khó khăn về kinh tế toàn cầu hiện nay, chúng ta không thể tiếp tục và tăng đầu tư
ở cấp quốc gia và quốc tế cho các chương trình và ưu tiên mà các Chính phủ thông qua trong
Kế hoạch Hành động Toàn cầu lần thứ hai. Do đó cần tăng cường các hoạt động hiện tại của


các quốc gia và xúc tiến sự tham gia của các tổ chức quốc tế, khu vực, nhà tài trợ, nhà khoa
học, nông dân, cộng đồng bản địa và địa phương, khu vực tư nhân và công cộng, các hội, viện
nghiên cứu và giáo dục. Thực hiện đầy đủ Kế hoạch Hành động Toàn cầu lần thứ hai đòi hỏi
có sự hợp tác giữa các quốc gia, khu vực và cần có sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các ngành nông
nghiệp, môi trường và lương thực.
Đây không phải là những việc mà chúng ta có thể trì hoãn hay chỉ thực hiện một phần vì môi
trường thế giới đang bị đe dọa, đặc biệt sự gia tăng của biến đổi khí hậu và áp lực với tương
lai con cháu chúng ta. Những tiến bộ đã đạt được, đặc biệt từ khi Kế hoạch Hành động Toàn
cầu lần thứ nhất được thông qua, chứng minh rằng các chiến lược đúng đắn có thể vượt qua
nhiều khó khăn hiện tại khi được các nhà chính trị hậu thuẫn và nguồn tài chính phù hợp. Tài
nguyên di truyền thực vật là mối quan tâm chung của nhân loại, phản ánh tính cấp thiết cả về
phương diện quản lý kinh tế và cả về mặt đạo đức nhằm bảo tồn nguồn tài nguyên đã được
tiến hóa hàng triệu năm và hàng nghìn thế hệ người nông dân trên toàn thế giới trao cho
chúng ta, việc sử dụng tài nguyên di truyền thực vật một cách bền vững, hữu ích, để đảm bảo
rằng chúng ta có thể nuôi sống các thế hệ mai sau.
FAO cam kết thực hiện Kế hoạch Hành động Toàn cầu lần thứ hai. Tôi kêu gọi tất cả các
quốc gia, hãy cùng nhau nắm lấy cơ hội hiện tại và tăng cường đầu tư trên cương vị quản lý di

sản thế giới về tài nguyên di truyền thực vật, hãy thực hiện Kế hoạch Hành động Toàn cầu lần
thứ hai với tinh thần hiện thực, quyết tâm và cam kết.

José Graziano da Silva
Tổng Giám đốc
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp Quốc


TÓM TẮT
1.
Tài nguyên di truyền thực vật phục vụ mục tiêu lương thực và nông nghiệp (PGRFA)
cung cấp cơ sở sinh học cho sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực thế giới. PGRFA là
nguồn vật liệu thô quan trọng nhất cho nông dân (người bảo vệ PGRFA) và cho các nhà chọn
tạo giống. Đa dạng di truyền PGRFA cho phép các giống và cây trồng thích ứng với điều kiện
thay đổi và vượt qua trở ngại do sâu, bệnh và sức ép phi sinh học gây ra. PGRFA là vật liệu
thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp bền vững. Không có sự không tương thích giữa bảo tồn và
sử dụng nguồn tài nguyên. Trên thực tế, điều tối quan trọng là đảm bảo cho cả hai hoạt động
này bổ sung hoàn toàn cho nhau. Việc bảo tồn, sử dụng bền vững, chia sẻ công bằng, bình
đẳng lợi ích từ việc sử dụng tài nguyên là mối quan tâm và trách nhiệm quốc tế. Đây chính là
những mục tiêu của Hiệp ước Quốc tế về PGRFA và phù hợp với Công ước Đa dạng Sinh học
(CBD). Trong bối cảnh chủ quyền của các quốc gia về đa dạng tài nguyên và sự phụ thuộc lẫn
nhau về PGRFA, Kế hoạch Hành động Toàn cầu lần thứ hai về Tài nguyên Di truyền thực vật
phục vụ mục tiêu Lương thực và Nông nghiệp là sự thể hiện đúng đắn về trách nhiệm và mối
quan tâm liên tục của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực này.
2.
Trong suốt 15 năm qua, Kế hoạch Hành động Toàn cầu là văn bản chính thức cho các
quốc gia, khu vực và những nỗ lực toàn cầu nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững PGRFA và
chia sẻ công bằng những lợi ích thu được từ việc này. Bảo tồn và sử dụng bền vững PGRFA
là một phần của hệ thống FAO toàn cầu, Kế hoạch Hành động Toàn cầu là yếu tố chính được
FAO sử dụng để thực hiện trách nhiệm đối với PGRFA. Kế hoạch Hành động Toàn cầu cũng

được dùng như là văn bản quan trọng cho các lĩnh vực tài nguyên di truyền khác. Kế hoạch
Hành động Toàn cầu hỗ trợ các chính phủ trong xây dựng các chiến lược và chính sách quốc
gia về PGRFA. Kế hoạch này cũng được cộng đồng thế giới sử dụng trong việc xác định các
vấn đề ưu tiên ở cấp độ quốc tế, để nâng cao nỗ lực hợp tác và để hợp tác giữa các bên tham
gia bảo tồn tài nguyên di truyền. Kế hoạch Hành động Toàn cầu được xem là một công cụ
giúp định hướng lại và xác định ưu tiên đối với các hoạt động liên quan đến PGRFA trong các
chương trình nghiên cứu và phát triển của các tổ chức quốc tế .
3.
Việc thông qua Kế hoạch Hành động Toàn cầu của 150 quốc gia tại hội nghị Leipzig
năm 1996 là một cột mốc quan trọng trong việc xây dựng hệ thống quản lý quốc tế về
PGRFA. Việc thông qua này đã đánh dấu sự kết thúc thắng lợi quá trình đàm phán của Hiệp
ước Quốc tế về PGRFA thuộc Ủy ban Tài nguyên Di truyền về Lương thực và Nông nghiệp.
4.
Từ khi Kế hoạch Hành động Toàn cầu được thông qua, công tác bảo tồn và sử dụng
PGRFA đã có những phát triển đáng kể, điều này đòi hỏi phải cập nhật Kế hoạch Hành động
Toàn cầu. Báo cáo lần thứ hai xuất bản gần đây về Hiện trạng Tài nguyên Di truyền Thực vật
Thế giới phục vụ mục tiêu Lương thực và Nông nghiệp đã cung cấp nền tảng cơ bản cho quá
trình cập nhật này. Thế giới đang phải đối mặt với vấn đề an ninh lương thực, đặc biệt giá
lương thực cao và không ổn định, không kể đến các vấn đề khác. Do biến đổi khí hậu, đô thị
hóa tăng nên sản xuất nông nghiệp bền vững càng cần thiết hơn, đồng thời cần phải giữ gìn đa
dạng tài nguyên thực vật và giảm thiểu xói mòn tài nguyên; để thực hiện được các vấn đề trên
cần có sự quan tâm hơn nữa đối với bảo tồn và sử dụng PGRFA. Cùng thời điểm này, có
nhiều cơ hội mới quan trọng cho việc tăng cường quản lý PGRFA, bao gồm việc phát triển


mạng mẽ và rộng rãi của công nghệ thông tin, truyền thông, cũng như những tiến bộ trong
công nghệ sinh học và phát triển các sản phẩm sinh học nông nghiệp. Hơn nữa, môi trường
chính sách đã thay đổi đáng kể trong vòng 15 năm qua, đặc biệt từ khi Hiệp ước Quốc tế về
PGRFA có hiệu lực, trong số các chính sách đó có Nghị định thư Cartagena về An toàn Sinh
học, Kế hoạch Chiến lược Đa dạng sinh học giai đoạn 2011-2020 và Nghị định thư Nagoya về

Tiếp cận nguồn gen và Chia sẻ Công bằng Lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen. Thế
giới đã thừa nhận cần có một cam kết mới đối với các hoạt động nghiên cứu và phát triển
nông nghiệp. Kế hoạch Hành động Toàn cầu được cập nhật nhằm đáp ứng và phản ánh quá
trình phát triển đó.
5.
Kế hoạch Hành động Toàn cầu lần thứ hai nhấn mạnh những cơ hội và thách thức mới
thông qua 18 hoạt động ưu tiên. Báo cáo lần thứ hai về hiện trạng PGRFA, hàng loạt hội nghị
tư vấn cũng như ý kiến của các chuyên gia toàn thế giới, đã cung cấp yêu cầu cần thiết để xây
dựng Kế hoạch Hành động Toàn cầu lần thứ hai và hướng tới viễn cảnh và ưu tiên ở mức
quốc tế, khu vực và mức quốc gia. Việc cập nhật và tăng cường vai trò của Kế hoạch Hành
động Toàn cầu lần thứ hai như là một nhân tố hỗ trợ cho Hiệp ước Quốc tế về PGRFA.
6.
Các yếu tố yêu cầu được liệt kê ở trên là cơ sở để sắp xếp số lượng các hoạt động ưu
tiên, giảm số lượng từ 20 trong Kế hoạch Hành động Toàn cầu ban đầu xuống còn 18. Điều
này thực hiện thông qua hợp nhất hoạt động ưu tiên số 5 và 8 (Duy trì ổn định các tập đoàn
bảo quản ngoại vi và mở rộng các hoạt động bảo tồn nội vi) thành hoạt động ưu tiên mới số 6
– Duy trì và mở rộng bảo tồn ngoại vi nguồn gen. Sát nhập hai hoạt động tư tiên số 12 (Tăng
cường phát triển và thương mại hóa cây trồng, giống ít được sử dụng) và số 14 (Phát triển thị
trường mới cho các giống địa phương và sản phảm có tính "đa dạng cao") thành hoạt động ưu
tiên mới số 11 – Xúc tiến phát triển và thương mại hóa tất cả các giống, chủ yếu là giống của
nông dân/giống bản địa và cây trồng ít được sử dụng.
7.
Ngoài ra, trọng tâm của một số hoạt động ưu tiên khác được điều chỉnh để phù hợp
với các hoạt động ưu tiên mới. Kế hoạch Hành động Toàn cầu lần thứ hai nhấn mạnh tầm
quan trọng và đưa ra tầm nhìn xa hơn đối với công tác chọn tạo giống thực vật, điều này được
thể hiện trong hoạt động ưu tiên số 9 – Hỗ trợ chọn tạo giống thực vật, các nỗ lực tăng cường
tiềm năng di truyền và mở rộng nền di truyền. Bên cạnh đó, một nỗ lực khác cũng được đề
cập dựa trên tham vấn khu vực để đơn giản hóa và làm rõ các văn kiện.



NỘI DUNG
Kế hoạch Hành động Toàn cầu lần thứ hai về
tài nguyên di truyền thực vật phục vụ mục tiêu lương thực và nông nghiệp
Đoạn
Giới thiệu

1–23

Nhu cầu liên tục về tài nguyên di truyền thực vật phục vụ mục tiêu lương thực và
nông nghiệp, bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên di truyền thực vật
Lịch sử Kế hoạch Hành động Toàn cầu
Thực hiện Kế hoạch Hành động Toàn cầu
Cơ sở hình thành Kế hoạch Hành động Toàn cầu lần thứ hai
Mục tiêu và chiến lược của Kế hoạch Hành động Toàn cầu lần thứ hai
Cấu trúc và tổ chức của Kế hoạch Hành động Toàn cầu lần thứ hai
Các hoạt động ưu tiên
Quản lý và bảo tồn tại chỗ (in situ)

24–89

1. Điều tra và kiểm kê tài nguyên di truyền thực vật phục vụ mục tiêu lương thực
và nông nghiệp
2. Hỗ trợ quản lý và cải tiến bảo tồn nông trại (on farm) tài nguyên di truyền thực
vật phục vụ mục tiêu lương thực và nông nghiệp
3. Hỗ trợ nông dân trong các tình huống thảm họa và khôi phục lại hệ thống cây
trồng
4. Xúc tiến quản lý in situ các loài cây trồng bán hoang dại và loài thực vật hoang
dại sử dụng làm lương thực.
Bảo tồn chuyển chỗ (Ex situ)


90–141

5. Hỗ trợ thu thập có mục tiêu tài nguyên di truyền thực vật phục vụ mục tiêu
lương thực và nông nghiệp
6. Duy trì và mở rộng bảo tồn chuyển chỗ nguồn gen
7. Phục hồi và nhân giống nguồn gen bảo tồn chuyển chỗ
Sử dụng bền vững
8. Mở rộng mô tả, đánh giá và phát triển các tập đoàn nhỏ đặc thù để tạo thuận
lợi cho sử dụng
9. Hỗ trợ chọn tạo giống thực vật và các nỗ lực tăng cường tiềm năng di truyền
và mở rộng nền di truyền
10. Thúc đẩy đa dạng hóa sản phẩm cây trồng và mở rộng đa dạng cây trồng cho
nền nông nghiệp bền vững

142–212


11. Xúc tiến phát triển và thương mại hóa tất cả các giống, chủ yếu là giống của
nông dân/giống địa phương và cây trồng ít được sử dụng.
12. Hỗ trợ sản xuất và phân phối hạt giống
Xây dựng năng lực thể chế và nhân lực bền vững

213–312

13. Xây dựng và tăng cường các chương trình quốc gia
14. Thúc đẩy và tăng cường mạng lưới tài nguyên di truyền thực vật phục vụ mục
tiêu lương thực và nông nghiệp
15. Xây dựng và tăng cường hệ thống thông tin toàn diện về tài nguyên di truyền
thực vật phục vụ mục tiêu lương thực và nông nghiệp
16. Phát triển và tăng cường hệ thống giám sát, bảo vệ đa dạng di truyền và giảm

thiểu xói mòn di truyền của tài nguyên di truyền thực vật phục vụ mục tiêu lương
thực và nông nghiệp
17. Xây dựng và tăng cường năng lực nguồn nhân lực
18. Thúc đẩy và tăng cường nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của Tài
nguyên di truyền thực vật phục vụ mục tiêu lương thực và nông nghiệp
Thực hiện và tài trợ cho Kế hoạch Hành động Toàn cầu lần thứ hai

Danh sách các ký hiệu và các từ viết tắt

313–322


Giới thiệu
Nhu cầu liên tục về tài nguyên di truyền thực vật phục vụ mục tiêu lương thực và nông
nghiệp, bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên di truyền thực vật
1. Trong thế kỷ 21, nền nông nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Sản xuất lương
thực và sợi sẽ tăng đáng kể nhằm đáp ứng nhu cầu dân số ngày càng tăng và hiện đại hóa với
chỉ một tỷ lệ nhỏ lực lượng lao động ở nông thôn. Thay đổi trong khẩu phần ăn và thói quen
ăn uống sẽ thúc đẩy thay đổi trong hệ thống sản xuất cây trồng và vật nuôi. Đối mặt với an
ninh lương thực, năng lượng của thế giới và nhu cầu phát triển bền vững, các nước sẽ phải
giải quyết những thách thức và cơ hội gây ra do sản xuất và sử dụng nhiên liệu sinh học. Ở
nhiều nơi trên thế giới, tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến thay đổi khả năng thích nghi
của nhiều loại cây trồng và cây thức ăn gia súc, gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc
gia về PGRFA. Biến đổi khí hậu cũng sẽ dẫn đến thay đổi diện tích sản xuất, thực hành sản
xuất cũng như xuất hiện của sâu bệnh trên cây trồng và vật nuôi. Nền nông nghiệp cần tiếp
tục giảm thiểu các tác động tiêu cực cho môi trường, cho đa dạng sinh học và áp dụng thực
hành sản xuất bền vững và hiệu quả hơn. Thay đổi trong việc sử dụng đất sẽ hạn chế diện tích
đất cho nông nghiệp và tăng áp lực lên các quần thể CWR và cây hoang dại làm lương thực.
2. PGRFA hỗ trợ khả năng của nông nghiệp ứng phó với thay đổi của môi trường hay kinh tế
xã hội. Do đó, nông nghiệp sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc đảm bảo cải thiện

năng suất và sản xuất nông nghiệp, không chỉ cung cấp các gen cho cải tiến giống cây
trồng mà còn đóng góp một cách hiệu quả trong chức năng hệ sinh thái nông nghiệp và phát
triển sản phẩm sinh học. Ở nhiều khu vực nông thôn trên thế giới, PGRFA là một thành phần
thiết yếu của chiến lược sinh kế của cộng đồng bản xứ và địa phương.
Lịch sử Kế hoạch Hành động Toàn cầu
3. Kế hoạch Hành động Toàn cầu (GPA) về Bảo tồn và Sử dụng Bền vững PGRFA được đại
diện của 150 quốc gia chính thức thông qua tại Hội nghị Kỹ thuật Quốc tế lần thứ tư về Tài
nguyên Di truyền Thực vật vào năm 1996 ở Leipzig, Đức. Hội nghị cũng thông qua Tuyên
bố Leipzig, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của PGRFA đối với an ninh lương thực thế
giới và các nước cam kết thực hiện GPA. Hơn 150 quốc gia, các khu vực công cộng
và tư nhân đã tham gia tích cực trong việc chuẩn bị GPA. FAO cam kết tạo điều kiện thuận
lợi và giám sát việc thực hiện GPA dưới sự hướng dẫn của Ủy ban Liên chính phủ về Tài
nguyên Di truyền cho Lương thực và Nông nghiệp, Ủy ban này là một phần của FAO trực
thuộc Hệ thống Toàn cầu về Bảo tồn và Sử dụng Tài nguyên Di truyền Thực vật.
4. Tại Kỳ họp thường kỳ lần thứ tám, năm 1999, Ủy ban tái khẳng định rằng FAO sẽ định
kỳ đánh giá hiện trạng PGRFA thế giới để tạo điều kiện phân tích các tồn tại và nhu cầu thay
đổi nhằm góp phần vào quá trình cập nhật GPA. Tại Kỳ họp thường kỳ lần thứ 10 năm 2004,
Ủy ban đã đồng ý áp dụng phương pháp mới để giám sát thực hiện GPA dựa trên bộ chỉ thị
quốc tế đã thống nhất, từ đó dẫn đến thành lập Cơ chế Chia sẻ thông tin Quốc gia (NISMs).
Tại Kỳ họp Thường kỳ thứ mười hai năm 2009, Ủy ban đã thông qua Báo cáo lần thứ hai về
hiện trạng PGRFA thế giới (Báo cáo lần thứ hai), báo cáo này xem như một đánh giá có thẩm
quyền về lĩnh vực và yêu cầu FAO cập nhật GPA dựa trên Báo cáo lần thứ hai, đặc biệt là dựa


trên những tồn tại và nhu cầu đã xác định, dựa trên đóng góp của các chính phủ cũng như kết
quả từ các hội nghị khu vực và tham vấn. Ủy ban quyết định GPA cần được xem xét tại Kỳ
họp Thường kỳ lần thứ mười ba.
5. Năm 2001, Hội nghị FAO đã thông qua Hiệp ước Quốc tế về PGRFA (Hiệp ước Quốc
tế), Điều 14 của Hiệp ước công nhận GPA là một hợp phần hỗ trợ. Năm 2006, Ban điều hành
về Hiệp ước Quốc tế quyết định rằng các hoạt động ưu tiên của GPA cũng chính là các ưu

tiên của Chiến lược Tài trợ của Hiệp ước Quốc tế. Năm 2009, Ban Điều hành ghi nhận sự cần
thiết phải hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa Ban Điều hành và Ủy ban đối với GPA và mời Ủy
ban tham gia xem xét lại GPA, bao gồm cả các vấn đề cụ thể liên quan đến Hiệp ước Quốc tế
và phản ánh đầy đủ các quy định của Hiệp ước Quốc tế trong GPA lần thứ hai.
Thực hiện Kế hoạch Hành động Toàn cầu
6. Kể từ khi GPA lần đầu tiên được xây dựng, phần lớn dựa trên các thông tin thu được trong
quá trình chuẩn bị Báo cáo lần thứ nhất về Hiện trạng Tài nguyên di truyền thực vật Thế giới
cho lương thực và nông nghiệp trong những năm đầu của thập kỷ 90, nhiều tiến bộ lớn đã đạt
được trong việc thực hiện GPA trên toàn thế giới. So với năm 1996, số lượng mẫu giống được
bảo tồn trong các ngân hàng gen trên toàn thế giới tăng hơn gần 20% và năm 2010, số lượng
mẫu giống đạt tới 7,4 triệu. Đã có trên 240.000 mẫu giống mới thu thập được bổ sung vào các
tập đoàn bảo quản ex situ. Năm 2010, có 1750 ngân hàng gen so với con số 1450 ngân hàng
gen năm 1996. Số lượng vườn thực vật cũng tăng từ 1500 năm 1996 lên 2500 năm 2010. Số
lượng các chương trình quốc gia PGRFA cũng tăng với sự tham gia rộng rãi của các đơn vị
tham gia bảo tồn. Hiện nay, hầu hết các quốc gia đã thông qua hoặc điều chỉnh luật pháp quốc
gia liên quan đến PGRFA và hệ thống sản xuất hạt giống. Nông dân tham gia ngày càng nhiều
vào các chương trình chọn tạo giống, bảo tồn, sử dụng CWR và giống địa phương đã được cải
tiến. Vai trò quan trọng của thông tin trong việc bảo tồn, sử dụng PGRFA và các tiến bộ công
nghệ trong lĩnh vực này được phản ánh trong công tác quản lý thông tin ở cấp quốc gia, khu
vực và quốc tế.
7. Nhìn chung, hoạt động quốc tế trong bảo tồn và sử dụng bền vững PGRFA đã tăng lên.
Hiệp ước Quốc tế đã thiết lập Chiến lược Tài trợ cho các hoạt động ưu tiên của GPA hiện tại.
Nhiều mạng lưới khu vực, mạng lưới cây trồng và chương trình mới đã được thiết lập, phần
lớn đáp ứng cho các hoạt động ưu tiên của GPA. Các mạng lưới vẫn đóng vai trò quan trọng
trong việc xúc tiến hợp tác, chia sẻ kiến thức, thông tin, ý tưởng, trao đổi nguồn gen và thực
hiện các nghiên cứu chung và các hoạt động khác. Các sáng kiến, điển hình như Quỹ Tín thác
Đa dạng Cây trồng (Quỹ Tín thác) thúc đẩy và hỗ trợ cho bảo tồn ex situ, đặc biệt cho các loại
cây trồng đề cập trong Hệ thống Tiếp cận Đa phương và Chia sẻ lợi ích (Hệ thống đa phương)
nằm trong Hiệp ước Quốc tế (ví dụ ở Phụ lục I, cây trồng) được xây dựng theo hình thức này
của mạng lưới. Mạng lưới bảo quản ex situ các tập đoàn quốc tế của các loại cây trồng chính

giữ một vai trò quan trọng trong việc đàm phán của Hiệp ước Quốc tế. Các tập đoàn nguồn
gen tiếp tục tạo nên xương sống của Hệ thống toàn cầu thuộc FAO về bảo tồn và sử dụng bền
vững PGRFA. Hiện nay, Kho hạt giống toàn cầu Svalbard (Svalbard Global Seed Vault) cung
cấp mức độ an toàn bổ sung cho các tập đoàn nguồn gen bảo tồn ex situ hiện có. Ngoài ra,
việc thiết lập NISMs tại hơn 65 quốc gia tạo điều kiện cho việc tiếp cận thông tin liên quan,
giám sát thực hiện GPA, thúc đẩy quá trình hoạch định chính sách quốc gia cũng như hợp tác


giữa các bên tham gia. Chương trình hợp tác toàn cầu về xây dựng năng lực cho chọn tạo
giống cây trồng thể hiện các nỗ lực nỗ lực thu hẹp khoảng cách trong các chương trình cấp
quốc gia thông qua liên kết giữa bảo tồn PGRFA và sử dụng trong cải tiến giống cây trồng.
Ngoài ra, Cơ chế Tạo thuận lợi Toàn cầu - GPA xác định và phổ biến thông tin về cơ hội tài
trợ cho tất cả các hoạt động ưu tiên.
Cơ sở hình thành Kế hoạch Hành động Toàn cầu lần thứ hai
8. Kể từ khi GPA được xây dựng và thông qua, nhiều thay đổi đáng kể đã diễn ra liên quan
đến bảo tồn và sử dụng PGRFA dẫn đến những thách thức và cơ hội mới. Quá trình phát triển
đã được nhấn mạnh trong Báo cáo lần thứ hai và được làm rõ trong các cuộc thảo luận tại hội
nghị khu vực và accs hội nghị tư vấn, quá trình phát triển này đã cung cấp minh chứng và cơ
sở cho việc cập nhật GPA.
9. Các dự đoán về phát triển và xu hướng trong nông nghiệp dưới đây sẽ có tác động đáng kể
trong việc bảo tồn và sử dụng PGRFA:
a) Phần lớn lương thực trong hầu hết các nước phát triển do hệ thống sản xuất công
nghiệp cung cấp và được thúc đẩy do nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ đối với lương thực giá rẻ,
chất lượng đồng nhất và có thể đoán trước. Giống cây trồng được tạo ra để đáp ứng yêu cầu
của các hệ thống và tiêu chuẩn thị trường nghiêm ngặt, giống cây trồng thường được sản xuất
ở dưới dạng hệ thống sản xuất độc canh và chuyên canh, tuy nhiên cũng chú trọng đến vấn đề
kháng sinh học, chất lượng dinh dưỡng và ổn định năng suất. Quá trình này đã làm tăng xu
hướng mất mát đa dạng di truyền, đa dạng loài trên đồng ruộng của nông dân.
b) Tuy nhiên, trong thế giới các nước đang phát triển vẫn có một tỷ lệ đáng kể lương
thực được sản xuất mà không sử dụng hóa chất và lượng lương thực dư thừa từ nền nông

nghiệp tự cung tự cấp hoặc vườn gia đình được bán tại địa phương. Nhiều người trong số
hàng triệu nông dân quy mô nhỏ trên toàn thế giới phụ thuộc vào PGRFA sẵn có ở địa
phương để phục vụ cho sinh kế và hạnh phúc của họ.
c) Quá trình đô thị hóa tiếp tục tăng mạnh, dự kiến hơn 70% dân số thế giới sẽ sống ở
các thành phố vào năm 2050 so với con số khoảng 50% dân số sống ở đô thị hiện nay. Mức
thu nhập dự kiến sẽ tăng đều đặn nhiều lần so với mức hiện tại. Tuy nhiên, sự chênh lệch thu
nhập giữa người giàu và người nghèo sẽ vẫn duy trì ở mức cao.
d) Thương mại hạt giống quốc tế đã gia tăng đáng kể, chủ yếu do các công ty hạt
giống đa quốc gia lớn và nhỏ chi phối.
e) Sản xuất và tiếp thị các giống biến đổi di truyền gia tăng chưa từng có về số lượng
cây trồng liên quan chặt chẽ đến các vấn đề đã đề cập và như vậy cần gia tăng nhu cầu giám
sát chặt chẽ của cộng đồng nguồn tài nguyên di truyền.
f) Theo các chính sách và nhu cầu quốc gia, đang có sự gia tăng thực hiện Điều 9 của
Hiệp ước Quốc tế về quyền của nông dân và cần sự công nhận lớn hơn về vai trò quan trọng
của nông dân trong việc bảo tồn và sử dụng bền vững PGRFA.
10. Biến đổi khí hậu là một mối đe dọa trước mắt và khó dự đoán đối với sinh kế, an ninh
lương thực và có thể là một rào cản lớn để đạt được mục tiêu tăng 70% sản lượng lương thực


toàn thế giới vào năm 2050. Các yếu tố chiến lược dưới đây cần thiết để bảo vệ và sử dụng
PGRFA một cách tối ưu giúp đối phó với biến đổi khí hậu:


Tập trung mạnh vào bảo tồn in situ các quần thể đa dạng di truyền, đặc biệt là CWR,
cho phép tiếp tục tiến hóa và do đó cho phép các thế hệ tiếp theo có các tính trạng
thích nghi;



Chương trình bảo tồn ex situ quan trọng, đặc biệt là bảo tồn CWR, đảm bảo duy trì đa

dạng loài, quần thể và giống, bao gồm cả những loài đã thích nghi với điều kiện khắc
nghiệt và những loài từ các khu vực dự kiến sẽ bị ảnh hưởng lớn do biến đổi khí hậu;



Nghiên cứu tăng cường và sẵn có các thông tin về mô tả các vật liệu bảo quản ex situ,
các vật liệu này sẽ hữu ích với điều kiện khí hậu mới;



Hỗ trợ việc tiếp cận và di chuyển PGRFA cần được tăng cường để đáp ứng sự phụ
thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia trước những điều kiện môi trường mới;



Hỗ trợ hơn nữa công tác xây dựng năng lực về chọn tạo giống thực vật, quản lý hệ
thống hạt giống và tạo điều kiện cho sử dụng PGRFA hiệu quả và bền vững;



Sự tham gia có mục tiêu của nông dân và cộng đồng nông nghiệp trong các hoạt động
cải tiến cây trồng ở cấp độ quốc qia và địa phương, bao gồm hỗ trợ chọn tạo giống và
nghiên cứu có sự tham gia của cộng đồng.

11. Trong suốt 15 năm qua, lượng lớn các thông tin về mức độ, bản chất của xói mòn và tổn
thất di truyền của PGRFA đã được công bố. Xói mòn di truyền ghi nhận đã xảy ra ở rất nhiều
khu vực trên thế giới và sự tổn thất di truyền của cây trồng tiếp tục tăng nhanh. Nguyên nhân
chủ yếu của xói mòn là do việc thay thế các giống của nông dân/giống địa phương, khai
hoang đất, khai thác quá mức, giảm nguồn cung cấp nước, áp lực dân số, thay đổi thói quen
ăn uống, suy thoái môi trường, thay đổi hệ thống nông nghiệp, chăn thả quá mức, pháp luật và

chính sách, sâu, bệnh và cỏ dại. Thay đổi trong lĩnh vực hạt giống và phương pháp sản xuất
có ảnh hưởng đến tổn thất di truyền cây trồng. Sự tổn thất này tác động cụ thể đến cây trồng ít
được quan tâm sử dụng và làm tăng nguy cơ lãng quên của nông dân, đối tượng cây trồng ít
được quan tâm sử dụng này thường không được nghiên cứu, chọn tạo giống thực vật, phát
triển/tiếp thị. Tuy nhiên, các loài cây trồng này lại có tiềm năng lớn trong bối cảnh biến đổi
khí hậu, nông nghiệp sinh thái, chế độ ăn uống đa dạng và tính bền vững của hệ thống sản
xuất nông nghiệp.
12. Nhiều tiến bộ trong lĩnh vực chính của khoa học và công nghệ đã đạt được trong vòng 15
năm qua có liên quan đến bảo tồn và sử dụng PGRFA. Việc nhanh chóng phát triển công nghệ
thông tin và truyền thông (ICT) là mấu chốt của những tiến bộ này, trong đó bao gồm điện
thoại di động, Internet, quản lý, phân tích, thông tin và phát triển lĩnh vực sinh học phân tử.
a.

Quản lý thông tin và trao đổi công nghệ có rất nhiều tiến bộ trong suốt 15 năm qua.
Việc tiếp cận thông tin cũng như tăng cường năng lực phân tích hiện có của cán bộ
bảo tồn nguồn tài nguyên di truyền đã có những bước tiến đáng kể. Ngoài ra, hệ thống
thông tin địa lý (GIS), phương pháp dựa trên vệ tinh như hệ thống định vị toàn cầu
(GPS) và cảm biến từ xa đã cho phép dữ liệu PGRFA được kết hợp với một loạt các


dữ liệu khác để định vị các khu vực đa dạng đặc thù hoặc xác định vật liệu từ nơi sinh
sống cụ thể.
b.

Các tiến bộ gần đây trong kỹ thuật phân tử và di truyền đã có tác động sâu sắc trong
các lĩnh vực quan trọng của việc thực hiện GPA. Các kỹ thuật này cho phép bổ sung
thông tin chi tiết về phạm vi và sự phân bố đa dạng di truyền và có thể dùng trong quá
trình phát triển chiến lược về bảo tồn và sử dụng PGRFA. Ngoài ra, công nghệ tiên
tiến sử dụng trong việc xác định và chuyển gen giữa các loài có quan hệ gần
và thậm chí giữa các loại không có quan hệ với nhau đã mở ra chân trời mới cho việc

khai thác đa dạng di truyền.

c.

Trong thập niên qua, không có nhiều phát triển lớn liên quan đến các phương pháp và
thực hành bảo tồn ex situ, hệ thống thông tin mới và công cụ sinh học phân tử có khả
năng giúp việc bảo tồn và sử dụng PGRFA hiệu quả và kinh tế hơn. Ngoài ra, rất nhiều
hoạt động được thực hiện trong lĩnh vực bảo tồn in situ áp dụng cho cả CWR, cây
hoang dại làm lương thực và bảo tồn nông trại. Từ kinh nghiệm và kiến thức thu được
dẫn tới sự công nhận tầm quan trọng của phương pháp đa ngành, phối hợp mà trong
đó nông dân, cộng đồng bản xứ, địa phương đóng vai trò hàng đầu, trong đó sinh kế và
triển vọng về thịnh vượng của người được phản ánh đầy đủ.

13. Việc phát triển chính sách liên quan đến bảo tồn và sử dụng GRFA là một bước tiến đáng
kể. Điển hình như việc thông qua Chương trình Công tác Đa dạng Sinh học Nông nghiệp của
Hội nghị các Bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học (CBD) năm 2000, việc thông qua các
Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ năm 2000, xây dựng Chiến lược Toàn cầu về Bảo
tồn Thực vật năm 2002, thành lập Quỹ tín thác Đa dạng Cây trồng Toàn cầu năm 2004 và
việc thông qua Chương trình Công tác Nhiều năm của Ủy ban (MYPOW), trong đó bao bao
gồm cả các nội dung quan trọng về PGRFA năm 2007.
14. Không còn nghi ngờ gì nữa, sự phát triển quan trọng nhất là Hiệp ước Quốc tế đã có hiệu
lực trong năm 2004. Điều 14 của Hiệp ước công nhận tầm quan trọng của GPA hiện có và
cam kết Các bên tham gia Ký kết Hiệp ước thúc đẩy thực hiện có hiệu quả GPA, kể cả thông
qua hành động quốc gia, hợp tác quốc tế để cung cấp khuôn khổ chặt chẽ, cho công tác
chuyển giao công nghệ, xây dựng năng lực và trao đổi thông tin, có tính đến các quy định chia
sẻ lợi ích trong Hệ thống Đa phương. Các bên Ký kết cũng công nhận khả năng thực hiện các
hoạt động ưu tiên, kế hoạch và chương trình PGRFA của các quốc gia – đặc biệt là các nước
đang phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển đổi, kể cả việc thực hiện GPA, sẽ phụ
thuộc chủ yếu vào việc thực hiện hiệu quả Điều 6 (sử dụng bền vững PGRFA) và Điều
13 (chia sẻ lợi ích trong Hệ thống Đa phương) và Chiến lược Tài trợ như đã quy định tại Điều

18. Cơ quan Điều hành Hiệp ước cũng đưa khung công tác GPA vào việc thiết lập các ưu tiên
trong Quỹ Chia sẻ lợi ích cho phép sử dụng chiến lược của mình trong xúc tác sử dụng bền
vững và bảo tồn PGRFA. GPA lần thứ hai sẽ là nguồn quan trọng xác định các ưu tiên tương
lai.
15.Tại cuộc họp lần thứ 10 năm 2010, Hội nghị các Bên tham gia Công ước Đa dạng Sinh học
thông qua Kế hoạch Chiến lược Đa dạng Sinh học giai đoạn 2011-2020 với 20 mục tiêu. Mục
tiêu thứ 13 của "Mục tiêu Đa dạng Sinh học Aichi" là mục tiêu chính liên quan đến đa dạng di
truyền: "Đến năm 2020, đa dạng di truyền của cây trồng, vật nuôi, động vật thuần hóa và gần


gũi hoang dã, bao gồm cả các loài có giá trị kinh tế xã hội cũng như văn hóa sẽ được duy trì
và chiến lược cho sự duy trì này đã được phát triển và thực hiện để giảm thiểu xói mòn di
truyền và bảo vệ đa dạng di truyền". Nhiều mục tiêu khác của Kế hoạch Chiến lược giai đoạn
2011-2020 cũng liên quan đến bảo tồn và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên di truyền
thực vật. Kế hoạch Hành động Toàn cầu lần thứ hai nhằm đóng góp có hiệu quả để đạt được
các mục tiêu này. Công việc đã được bắt đầu bằng việc xây dựng các chỉ thị quốc tế liên quan
đến các mục tiêu này. Nghị định thư Nagoya về Tiếp cận Nguồn Di truyền và Chia sẻ Công
bằng Lợi ích Phát sinh từ việc Sử dụng, được thông năm 2010 và có thể khi có hiệu lực, cũng
có ý nghĩa trong việc tấp cận và sử dụng nguồn tài nguyên di truyền thực vật.
16. GPA ủy quyền cho Ủy ban phát triển phương pháp để rà soát lại GPA. Việc rà soát nên
tiến hành từ cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế trong việc thực hiện, thảo luận và điều chỉnh
GPA phù hợp, và như vậy tạo ra kế hoạch "đang vận hành" như đã đề cập trong Chương trình
nghị sự 21.
Mục tiêu và chiến lược của Kế hoạch Hành động Toàn cầu lần thứ hai
17. Tại Kỳ họp thường kỳ lần thứ 12 năm 2009, Ủy ban đề nghị GPA lần thứ hai tập chung
giải quyết các ưu tiên, bao gồm xác định ưu tiên cho Kế hoạch Tài trợ của Hiệp ước Quốc tế.
GPA lần thứ hai dựa trên mục tiêu và nguyên tắc ngắn gọn, rõ ràng và bao gồm cả chiến lược
và thông tin cho từng hoạt động ưu tiên.
18. Mục tiêu chính của GPA lần thứ hai đã được Ủy ban đồng ý tại Kỳ họp thường kỳ lần thứ
13 và đã được Hội đồng FAO thông qua tại Kỳ họp lần thứ 143 năm 2011, là:

a)

Tăng cường thực hiện Hiệp ước Quốc tế;

b) Đảm bảo việc bảo tồn PGRFA là cơ sở cho an ninh lương thực, nông nghiệp bền vững và
xóa đói giảm nghèo bằng cách cung cấp một nền tảng cơ bản cho việc sử dụng hiện tại và
tương lai;
c)

Xúc tiến sử dụng bền vững PGRFA để thúc đẩy sự phát triển kinh tế và giảm đói nghèo,
đặc biệt là ở các nước đang phát triển, cung cấp nhiều lựa chọn cho việc thích ứng và
giảm nhẹ biến đổi khí hậu, nhấn mạnh thay đổi toàn cầu khác và đáp ứng nhu cầu về
lương thực, thức ăn chăn nuôi và các nhu cầu khác;

d)

Xúc tiến việc trao đổi PGRFA, chia sẻ công bằng và bình đẳng các lợi ích phát sinh từ
việc sử dụng của tài nguyên;

e)

Hỗ trợ các nước, các khu vực, khi thích hợp, phù hợp với luật pháp quốc gia, tiến hành
các biện pháp bảo vệ và thúc đẩy Quyền của người nông dân theo quy định tại Điều 9 của
Hiệp ước Quốc tế;

f)

Giúp đỡ các quốc gia, các vùng, cơ quan điều hành Hiệp ước Quốc tế và các tổ chức khác
chịu trách nhiệm bảo tồn và sử dụng PGRFA để xác định các ưu tiên cho hành động;


g) Xây dựng và tăng cường các chương trình quốc gia, tăng cường hợp tác khu vực và quốc
tế, bao gồm nghiên cứu, giáo dục và đào tạo về bảo tồn và sử dụng PGRFA và tăng
cường năng lực tổ chức;
h) Xúc tiến chia sẻ thông tin về PGRFA giữa và trong khu vực, các quốc gia;


i)

Xây dựng cơ sở khái niệm cho sự phát triển và thông qua chính sách và pháp luật quốc
gia, khi thích hợp, cho sự bảo tồn và sử dụng bền vững PGRFA;

j)

Giảm trùng lặp ngoài ý muốn và không cần thiết nhằm tăng hiệu quả công việc và hiệu
quả chi phí của các nỗ lực toàn cầu về bảo tồn và sử dụng bền vững PGRFA.

19. GPA dựa trên thực tế các quốc gia phụ thuộc lẫn nhau về PGRFA, sự hợp tác quan trọng
trong khu vực và quốc tế vì vậy là rất cần thiết để đạt được mục tiêu một cách đầy đủ và hiệu
quả. Trong bối cảnh này, GPA đã phát triển một khung chiến lược rộng lớn bao gồm 7 khía
cạnh cơ bản và liên quan với nhau:
a)

Một lượng lớn PGRFA thiết yếu cho an ninh lương thực toàn cầu đang được bảo tồn ex
situ. Trong khi đó, việc duy trì nguồn tài nguyên di truyền trong các ngân hàng
gen và các mạng lưới là một phương pháp thông thường ở hầu hết các quốc gia, rất nhiều
tập đoàn hiện có cần phải được phát triển và củng cố hơn nữa. Yếu tố chiến lược chính
của GPA là đảm bảo đầy đủ điều kiện kho lưu giữ vật liệu di truyền đã được thu
thập, cung cấp cho nhân giống và lưu giữ kép an toàn. Nói chung, cần phải lập quy trình
hoạt động tiêu chuẩn cho tất cả các hoạt động của ngân hàng gen.


b) Liên kết giữa bảo tồn với việc sử dụng và xác định, khắc phục trở ngại giúp tăng cường
việc sử dụng PGRFA đang bảo tồn là cần thiết để đạt được lợi ích tối đa từ các nỗ
lực bảo tồn. Quản lý thông tin hiệu quả, bao gồm chia sẻ rộng rãi thông tin có liên quan
với người sử dụng bằng công nghệ thông tin tiên tiến, hiện đại là điều kiện tiên quyết
quan trọng để đạt được mục tiêu. Mục tiêu này bao gồm cả tăng cường các thông tin về
phân tử và hệ gen, do đó cần phải liên kết, phân tích, cùng với dữ liệu mô tả, đánh giá các
tính trạng hình thái, nông học được quản lý trong cơ sở dữ liệu ngân hàng gen.
c)

Tăng cường năng lực ở tất cả các cấp là chiến lược then chốt để hỗ trợ các hoạt động cụ
thể của GPA. Kế hoạch Hành động Toàn cầu tìm cách thúc đẩy việc sử dụng thực tế và
hiệu quả, phát triển các cơ quan, hợp tác nguồn nhân lực, cơ chế tài chính giữa các bên
bằng cách nâng cao tính linh hoạt của nguồn nhân lực và tài chính như là một đóng góp
cho việc thành lập hệ thống toàn cầu thực sự về PGRFA. Hơn nữa, cần phải tăng cường
mối liên kết giữa đổi mới khoa học, công nghệ và ứng dụng của nó trong việc bảo tồn và
sử dụng PGRFA.

d) Tăng cường nỗ lực và quan hệ giữa các nhà chọn giống khu vực công cộng và tư nhân
trong việc bảo tồn và sử dụng PGRFA là nhiệm vụ chủ yếu. Ngoài ra, việc tạo và chọn
giống cũng như nghiên cứu có sự tham gia của cộng đồng và nông dân nói chung cần
được tăng cường và công nhận rộng rãi hơn nữa như là cách thích hợp để đạt được mục
tiêu bảo tồn và sử dụng bền vững, lâu dài PGRFA.
e)

Bảo tồn in situ và phát triển PGRFA dựa trên hai hình thức: trên đồng ruộng và trong tự
nhiên. Nông dân, cộng đồng bản xứ và địa phương đóng một vai trò quan trọng trong cả
hai phương thức bảo tồn. Nâng cao năng lực của nông dân thông qua mối liên kết với cơ
quan khuyến nông, khu vực công cộng và tư nhân, các tổ chức phi chính phủ và hội nông
dân cũng như việc cung cấp ưu đãi cho bảo tồn in situ sẽ giúp thúc đẩy an ninh lương
thực, khả năng thích ứng và khả năng phục hồi nhanh, đặc biệt là trong cộng đồng dân cư

sống trong các khu vực có tiềm năng nông nghiệp thấp.


f)

Xem xét tầm quan trọng của CWR trong cải tiến cây trồng và thực tế cho thấy rằng nông
dân đã không được quan tâm đầy đủ, hoạt động quản lý và bảo tồn đặc thù phải được
thực hiện như là sự bảo vệ tốt hơn thông qua thực hành sử dụng đất cải tiến, bảo tồn thiên
nhiên và tăng cường sự tham gia của các cộng đồng bản xứ và địa phương.

g) Chiến lược bảo tồn và sử dụng tại cộng đồng, quốc gia, khu vực và quốc tế sẽ hiệu quả
nhất nếu được bổ sung và điều phối tốt. Bảo tồn in situ, ex situ và sử dụng bền vững cần
phải được hợp nhất đầy đủ ở tất cả các cấp.
20. Để huy động nguồn lực cho phép thực hiện kịp thời và đầy đủ các phần chính của chiến
lược đã đề cập ở trên đòi hỏi sự quan tâm và nỗ lực ở tất cả các cấp, bao gồm sự phối hợp của
biện pháp trong phạm vi quốc gia, khu vực và trên toàn cầu (CBD, Công ước khung của Liên
hợp quốc về biến đổi khí hậu, vv.)
Cấu trúc và tổ chức của Kế hoạch Hành động Toàn cầu
21. Kế hoạch Hành động Toàn cầu gồm 18 hoạt động ưu tiên. Căn cứ vào những mục đích
thực tiễn và hình thức trình bày, kế hoạch được phân thành bốn nhóm chính. Nhóm thứ nhất
tập trung vào Quản lý và Bảo tồn in situ; nhóm thứ hai về Bảo tồn ex situ, nhóm
thứ ba về Sử dụng Bền vững và nhóm thứ tư về Xây dựng Thể chế và Nguồn Nhân lực
Bền vững. GPA là một tập hợp các hoạt động hợp nhất và đan xen do vậy việc sắp đặt các
hoạt động trong bốn nhóm nhằm làm đơn giản hóa trật tự trình bày và hướng dẫn độc giả tập
trung vào lĩnh vực quan tâm cụ thể. Rất nhiều hoạt động ưu tiên có quan hệ và liên quan đến
các nhóm khác.
22. Đối với mỗi hoạt động ưu tiên đều có các tiêu đề hoặc các phần, dự định trình bày trong
lĩnh vực đề xuất. Trong một vài trường hợp, khuyến cáo được tìm thấy dưới một tiêu đề có
thể chỉ là một cách đề xuất thích hợp bên dưới một gợi ý khác. Trong khi không có
định nghĩa chính xác cho các phần, một vài lưu ý có thể hữu ích:

a)

Phần Bối cảnh cung cấp cơ sở về các hoạt động ưu tiên và tóm tắt thành tựu đạt được từ
năm 1996, các phần này chủ yếu là dựa vào kết quả báo cáo trong Báo cáo Lần thứ hai.

b) Phần mục tiên xác định mục tiêu cuối cùng và trung gian được thực hiện theo các hoạt
động ưu tiên. Sự kết hợp chính xác của các mục tiêu có thể hỗ trợ cộng đồng quốc tế
trong việc đánh giá mức độ thực hiện các hoạt động ưu tiên qua thời gian.
c)

Phần Chính sách/chiến lược đưa ra chính sách quốc gia, quốc tế và phương pháp tiếp cận
chiến lược để thực hiện các mục tiêu của hoạt động ưu tiên. Trong một vài trường hợp,
khuyến cáo về chính sách mang tính quốc tế mới được đưa ra; trong một số trường hợp
khác, có các đề xuất thay đổi về phương pháp, các ưu tiên và tầm nhìn.

d) Phần năng lực chỉ ra khả năng về nhân lực và thể chế nên được phát triển hoặc được cung
cấp trong quá trình thực hiện các hoạt động ưu tiên.
e)

Phần nghiên cứu/công nghệ, bao gồm phát triển và chuyển giao công nghệ, xác định các
lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phương pháp, công nghệ, hoặc hoạt động liên quan đến
việc thực hiện các hoạt động ưu tiên.

f)

Phần điều phối/quản trị nhấn mạnh cách các vấn đề có thể tiếp cận như hoạt động ưu tiên
được lên kế hoạch và được thực hiện như thế nào. Trọng tâm của phần này chủ yếu giới


hạn ở mức quốc gia để tránh tình trạng lặp lại, cần tiếp tục tăng cường hợp tác với các tổ

chức quốc tế liên quan và với các trung tâm nghiên cứu nông nghiệp và đẩy mạnh
chia sẻ thông tin giữa tất cả các tổ chức và các bên tham gia trong tất cả các hoạt động ưu
tiên. Hợp tác quốc tế là nhân tố quan trọng để đạt được lợi ích tối đa trong khuôn khổ các
công cụ pháp luật và chính sách, ví dụ như Công ước Đa dạng Sinh học và Hiệp
ước Quốc tế và đáp ứng các nghĩa vụ liên quan.
23. Nhân dịp này, các tổ chức hoặc các nhà tạo lập được xác định vào cấu trúc của từng hoạt
động ưu tiên cụ thể. Điều này không có nghĩa là loại trừ họ khỏi các hoạt động mà họ không
được đề cập. Nguồn tham khảo này được sử dụng để làm nổi bật vai trò đặc biệt quan trọng
hoặc nếu không có thể được bỏ sót, hoặc cả hai.


Quản lý và bảo tồn in situ
1. Điều tra và kiểm kê tài nguyên di truyền thực vật phục vụ mục tiêu lương thực và
nông nghiệp
24. Bối cảnh: Bảo tồn hợp lý tài nguyên di truyền thực vật (in situ và ex situ) bắt đầu bằng
việc điều tra kiểm kê, như đã nhấn mạnh tại Điều 15 của Hiệp ước Quốc tế. Để soạn thảo
những chính sách và chiến lược cho bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên di truyền thực
vật, các chương trình quốc gia cần nắm rõ nguồn tài nguyên hiện có ở đất nước đó, sự phân
bố và quy mô mà nguồn tài nguyên đã được bảo tồn. Các quốc gia đã phê chuẩn CBD thừa
nhận trách nhiệm đặc biệt về vấn đề này (ví dụ trong Chương trình Công tác về Đa dạng Sinh
học Nông nghiệp). Khả năng tiếp cận rộng hơn với các công cụ địa lý đã tạo điều kiện cho
việc điều tra. Việc phát triển và ứng dụng các kỹ thuật sinh học phân tử hiện đại đã hỗ trợ
đánh giá mức độ đa dạng di truyền, trong một số trường hợp, đánh giá xói mòn di truyền.
Trong thập niên vừa qua, hầu hết các điều tra chỉ giới hạn đối với các cây trồng cụ thể hoặc
các khu vực hạn chế, mặc dù có một số tiến bộ trong kiểm kê CWR và thiết lập những điểm
cụ thể cho bảo tồn in situ. Ngoài ra, những nỗ lực thực hiện trong các khu bảo tồn nhằm điều
tra, kiểm kê và bảo tồn tài nguyên di truyền thực vật vẫn bị hạn chế so với những nỗ lực được
thực hiện đối với các thành phần khác của đa dạng sinh học. Một số tổ chức quốc tế đã góp
phần giám sát hiện trạng bảo tồn CWR liên quan đến nông nghiệp ở cấp khu vực và toàn cầu,
nhưng cần tiếp tục xây dựng quan hệ đối tác mạnh hơn với các tổ chức trong lĩnh vực môi

trường, đặc biệt ở cấp quốc gia.
25. Mục tiêu: Tạo điều kiện phát triển, thực hiện và giám sát những chiến lược bảo tồn bổ
sung và các chính sách quốc gia liên quan tới bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên di
truyền thực vật. Đẩy mạnh liên kết giữa Bộ nông nghiệp và Bộ môi trường để thúc đẩy việc
giám sát hiện trạng và xu hướng của tài nguyên di truyền thực vật và từ đó đảm bảo việc bảo
tồn hợp lý.
26. Phát triển và ứng dụng phương pháp vào việc điều tra và kiểm kê tài nguyên di truyền
thực vật bảo tồn in situ và bảo tồn ex situ, bao gồm GIS, phương pháp dựa trên vệ tinh (như
GPS và cảm ứng từ xa) và chỉ thị phân tử. Xác định, định vị, kiểm kê và đánh giá mối đe dọa
tới tài nguyên di truyền thực vật, đặc biệt từ việc sử dụng đất và biến đổi khí hậu.
27. Chính sách/Chiến lược: Khả năng định danh loài là nhân tố chính cho hoạt động ưu tiên
này. Việc điều tra và kiểm kê tài nguyên di truyền thực vật, khi cần thiết, nên được xem là
bước đầu tiên trong quá trình bảo tồn và giảm thiểu tốc độ mất mát đa dạng sinh học. Tuy
nhiên, không có năng lực bảo tồn và/hoặc sử dụng đa dạng sinh học, các hoạt động này có thể
khó được sử dụng. Do vậy, điều tra và kiểm kê nên được liên kết với mục tiêu cụ thể và với
kế hoạch bảo tồn in situ, thu thập, bảo tồn ex situ và sử dụng. Các phương pháp và định nghĩa
tiêu chuẩn cần được thúc đẩy để đánh giá trực tiếp tổn thất di truyền cũng như xói mòn di
truyền. Đồng thời, cần cấp thiết phát triển những chỉ thị cải tiến, bao gồm chỉ thị đại diện cho
đa dạng di truyền, xói mòn di truyền và khả năng tổn thất di truyền. Các chỉ thị này có thể
được sử dụng để thiết lập ranh giới cơ bản cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu. Những chỉ thị
này nên phải khách quan, cân bằng trong hệ thống sử dụng ở cấp quốc gia. Những chỉ thị này
không nên thiết lập các biện pháp trừng phạt và cũng không ảnh hưởng tới chủ quyền quốc


gia đối với tài nguyên di truyền, không áp đặt các hệ thống thông tin đặc thù. Thỏa thuận
chung cần được tiếp tục theo đuổi về thiết kế và sử dụng các chỉ thị như vậy.
28. Kiến thức địa phương và bản địa nên được công nhận là thành phần quan trọng của điều
tra kiểm kê và nên xem xét cẩn thận và được tư liệu hóa nếu thích hợp với sự đồng ý trước
của cộng đồng bản địa và địa phương.
29. Năng lực: Các quốc gia nên cung cấp và có thể được hưởng lợi từ việc hỗ trợ tài chính, kỹ

thuật cho điều tra kiểm kê tài nguyên di truyền thực vật. Có rất nhiều nhiều trở ngại nảy sinh
đối với điều tra kiểm kê tài nguyên di truyền thực vật như thiếu đội ngũ nhân viên được đào
tạo đầy đủ. Đào tạo và xây dựng năng lực nên được tiến hành ở một số lĩnh vực nghiên cứu,
gồm định danh thực vật, sinh học quần thể, thực vật học dân tộc, sử dụng GIS và GPS, và các
công cụ phân tử. Khả năng đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và sự thích nghi cũng
liên quan ngày càng tăng, đặc biệt trong trường hợp bảo tồn in situ đa dạng di truyền được
duy trì ổn định trong thời gian dài.
30. Nghiên cứu/Công nghệ: Nên đưa ra sự hỗ trợ đầy đủ để xây dựng các phương pháp tốt
hơn cho điều tra và đánh giá đa dạng giữa và trong loài trong các hệ thống sinh thái nông
nghiệp. Đồng thời cần cấp thiết phát triển những chỉ thị có cơ sở khoa học dễ thực hiện dùng
cho việc giám sát hiện trạng và xu hướng của tài nguyên di truyền thực vật, đặc biệt ở mức độ
di truyền.
31. Những nghiên cứu cụ thể liên quan tới bảo tồn in situ tài nguyên di truyền thực vật là cần
thiết. Kiểm kê đầy đủ hơn là việc làm cần thiết để giúp cho thực hiện tốt hơn các mục tiêu
hoạt động bảo tồn in situ. Nếu công tác kiểm kê này được kết hợp với những dữ liệu thực tế
hoặc dự đoán về những tính trạng đặc biệt quan tâm, thì việc kiểm kê đó sẽ có giá trị hơn và
cung cấp một liên kết hữu ích tới bảo tồn ex situ và sử dụng. Nguồn thông tin hiện có nên
được sử dụng để xác định phạm vi tồn tại của cây hoang dại gần gũi với cây trồng hiện đang
tồn tại trong các khu bảo tồn.
32. Phát triển các chỉ thị là lĩnh vực nghiên cứu đặc biệt quan trọng để giám sát những thay
đổi phạm vi phân bố đa dạng ở các quy mô khác nhau và để tập hợp thông tin về những loài
và quần thể riêng biệt. Nghiên cứu này sẽ đẩy mạnh đáng kể việc lập kế hoạch và hoạch định
chính sách bảo tồn quốc gia.
33. Điều phối/Quản trị: Công việc điều phối phải được tiến hành trong nước giữa các bộ liên
quan đến nông nghiệp, môi trường, nghiên cứu, khoa học và công nghệ, và khu vực do các
loài phân bố xuyên biên giới quốc gia. Điều phối ở cấp độ khu vực và toàn cầu cần thiết để
tăng cường liên kết giữa các nỗ lực bảo tồn ex situ và in situ hiện có.
34. Mối liên kết chặt chẽ cần được thiết lập giữa mạng lưới quốc gia, khu vực, cây trồng với
những người sử dụng tài nguyên di truyền thực vật (nhà chọn tạo giống, nhà nghiên cứu và
nông dân) để thông báo, chỉ đạo và xác định ưu tiên toàn bộ quá trình bảo tồn. Các quốc gia

nên cộng tác trong các hoạt động điều tra kiểm kê để xây dựng năng lực.


2. Hỗ trợ quản lý bảo tồn nông trại và cải tiến tài nguyên di truyền thực vật phục vụ
mục tiêu lương thực và nông nghiệp
35. Bối cảnh: Chọn tạo giống cây trồng giúp nâng cao năng suất cây trồng, cải thiện tính
kháng với sâu và bệnh, tăng cường đa dạng, chất lượng nông nghiệp và nông sản, đặc biệt
trong môi trường thuận lợi. Người nông dân lựa chọn trồng những giống cải tiến do nhiều
nguyên nhân như điều kiện thị trường, an ninh lương thực gia đình và sự ổn định môi trường.
Mặc dù những lựa chọn này thường dẫn tới xói mòn di truyền một cách đáng kể, nhưng
những bằng chứng trong hai thập niên gần đây cho thấy vẫn có nhiều nông dân ở các nước
đang phát triển, thậm chí ở cả các nước phát triển, tiếp tục duy trì đa dạng di truyền cây trồng
quan trọng trên đồng ruộng của họ. Sự đa dạng này hình thành nên yếu tố quan trọng trong
chiến lược sinh kế của người nông dân vì khả năng thích nghi với môi trường khó trồng trọt
hoặc không đồng nhất. Đa dạng cây trồng cũng được duy trì để đáp ứng với những thay đổi về
nhu cầu thị trường, lao động sẵn có và các yếu tố kinh tế-xã hội khác, cũng như những lý do
về văn hóa và tôn giáo.
36. Một loạt sáng kiến và thực hành đã thành hiện thực giúp cộng đồng nông nghiệp tiếp tục
thu lợi từ việc duy trì và sử dụng đa dạng di truyền cây trồng địa phương trong các hệ thống
sản xuất của họ. Xây dựng năng lực và năng lực lãnh đạo trong các cộng đồng và tổ chức địa
phương là tiền đề cho việc thực hiện những sáng kiến dựa vào cộng đồng. Thúc đẩy và hỗ trợ
quản lý trên đồng ruộng về tài nguyên di truyền đang trở thành hợp phần quan trọng trong
chiến lược bảo tồn cây trồng. Dó đó quản lý đồng ruộng tài nguyên di truyền thực vật là một
trong ba ưu tiên hàng đầu của Quỹ Chia sẻ Lợi ích của Hiệp ước Quốc tế.
37. Mặc dù đã có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề quan trọng về phương pháp và
kỹ thuật. Cụ thể vẫn còn nhiều cơ hội để cải thiện việc điều phối quản lý đồng ruộng với việc
sử dụng và bảo tồn ex situ. Để nhận biết được toàn bộ tiềm năng của việc cải thiện bảo tồn
nông trại, những hoạt động thực tiễn này cần hợp nhất hoàn toàn với các chính sách phát triển
nông thôn.
38. Mối lo ngại về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới nông nghiệp đang tăng nhanh trong

suốt thập niên vừa qua. Người nông dân không có khả năng hơn nữa trồng các giống cây
trồng truyền thống, giống địa phương của họ trong bối cảnh biến đổi khí hậu, và do vậy họ sẽ
cần tiếp cận nguồn gen mới. Hơn nữa, nông nghiệp vừa là nguồn tạo ra vừa là bồn chứa cácbon khí quyển. Tài nguyên di truyền thực vật ngày càng được công nhận có tầm quan trọng
đặc biệt tới phát triển hệ thống nông nghiệp, có khả năng phục hồi nhanh với biến đổi khí hậu,
lưu giữ nhiều các-bon hơn và thải ra ít khí nhà kính hơn. Tài nguyên di truyền thực vật sẽ làm
nền móng cho việc tạo nhiều giống cây trồng thích nghi mới giúp cho nông nghiệp đối phó
với những điều kiện môi trường tương lai. Mối liên hệ giữa hệ thống hạt giống địa phương,
các ngân hàng gen và mạng lưới cần được tăng cường hơn nữa để đảo bảo nguồn gen mới
thích nghi được với biến đổi khí hậu.
39. Mục tiêu: Để sử dụng kiến thức tạo ra trong hai thập niên gần đây nhằm thúc đẩy và cải
thiện tính hiệu quả của bảo tồn nông trại, quản lý, cải thiện và sử dụng tài nguyên di truyền
thực vật. Để đạt được sự cân bằng và phối hợp hơn nữa giữa bảo tồn ex situ và in situ. Để
thừa nhận Quyền của nông dân như được thể hiện chi tiết tại Điều 9 Hiệp ước Quốc tế ở cấp
quốc gia, khu vực và phù hợp với luật pháp cũng như ưu tiên quốc gia. Để thúc đẩy sự chia sẻ


công bằng lợi ích gia tăng từ việc sử dụng tài nguyên di truyền thực vật như được kêu gọi
trong Điều 13 Hiệp ước Quốc tế. Để khuyến khích sự xuất hiện các công ty hạt giống quốc
doanh và tư nhân và hợp tác doanh nghiệp trong tương lai nhằm phản ánh nhu cầu địa phương
như là kết quả thành công của sự chọn lọc và chọn tạo giống trên đồng ruộng. Để duy trì trao
đổi hạt giống và các hệ thống cung cấp truyền thống, bao gồm cả các ngân hàng gen cộng
đồng, đẩy mạnh thị trường sản phẩm của địa phương đặc biệt cho quy mô nhỏ, sinh kế của
nông dân ở những nước đang phát triển và đồng thời ghi nhận ràng buộc về kiểm dịch thực
vật. Để ghi nhận vai trò của người phụ nữ trong sản xuất nông nghiệp ở nhiều quốc gia đang
phát triển, đặc biệt liên quan đến quản lý tài nguyên di truyền thực vật trên đồng ruộng. Để
khuyến khích chọn lọc và tạo giống thành công, đặc biệt lưu ý đến biến đổi khí hậu.
40. Để nhấn mạnh khoảng cách giữa kiến thức về tính năng động, phương pháp, tác động,
tiềm năng của bảo tồn đồng ruộng với cải tiến cây trồng. Để thiết lập hoặc tăng cường các
chương trình, mạng lưới quản lý bảo tồn nông trại các giống của người nông dân/giống địa
phương, CWR, cây hoang dại dùng làm lương thực, mở rộng sử dụng tài nguyên di truyền và

thống nhất công việc trong các chính sách và hoạt động phát triển nông thôn. Để mở rộng vai
trò của các ngân hàng gen quốc gia, khu vực, quốc tế và mạng lưới trong việc hỗ trợ, cung cấp
vật liệu cho các chương trình bảo tồn nông trại cải thiện theo hướng tổng hợp hơn. Để xây
dựng các chương trình bảo tồn nông trại dựa trên hệ thống kiến thức địa phương và truyền
thống, dựa trên tổ chức và quản lý để đảm bảo có sự tham gia của người nông dân trong việc
lập kế hoạch, quản lý và đánh giá. Để tập trung chú ý của khoa học và công chúng vào vai trò
đa dạng mà trong đó giới tính và độ tuổi đóng vai trò trong sản xuất và quản lý tài nguyên tại
những hộ nông dân nghèo.
41. Chính sách/Chiến lược: Mặc dù những hoạt động quản lý bảo tồn nông trại hiện đang
dịch chuyển vượt ra ngoài phạm vi nghiên cứu quy mô nhỏ thông qua các dự án về phương
pháp luận, những hoạt động quản lý này vẫn cần được hợp nhất vào chiến lược phát triển và
bảo tồn rộng lớn hơn/hoặc những kế hoạch hành động. Hoạt động bảo tồn nông trại bổ sung
cho sự phát triển chính thức giống cây trồng và củng cố các hệ thống cung cấp hạt giống. Các
cơ quan nghiên cứu cần kết hợp với các cộng đồng nông dân thật linh động. Chiến lược cụ thể
cần được hình thành để bảo tồn in situ tài nguyên di truyền thực vật và để quản lý đa dạng cây
trồng bảo tồn nông trại và ở những khu vực bảo tồn. Chiến lược bảo tồn CWR ở những trung
tâm khởi nguyên, trung tâm đa dạng, các điểm nóng đa dạng sinh học cần được quan tâm chú
ý. Thực hành tốt phải được truyền bá vào bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên di truyền
thực vật để hỗ trợ, duy trì các giá trị xã hội, kinh tế và văn hóa của các cộng đồng địa phương,
bản địa và cải thiện chất lượng cuộc sống. Điều này có thể đạt được bằng cách kết hợp các
cộng đồng tham gia vào tất cả các khía cạnh quản lý và cải tiến bảo tồn nông trại tài nguyên di
truyền thực vật.
42. Chính phủ nên xem xét cách sản xuất, khuyến khích kinh tế, chính sách khác, dịch vụ
khuyến nông và nghiên cứu nông nghiệp để tạo điều kiện và khuyến khích việc quản lý bảo
tồn nông trại, cải thiện tài nguyên di truyền thực vật. Giá trị của bảo tồn ngày càng tăng cần
được chứng minh dưới dạng cung cấp liên tục các dịch vụ hệ sinh thái. Tầm quan trọng của
tài nguyên di truyền thực vật là một trong những dịch vụ chỉ mới bắt đầu được nhận thức đầy
đủ, nỗ lực để tư liệu hóa giá trị của CWR và đa dạng giống cây trồng cần được tiếp tục và
tăng cường.



43. Nhu cầu đặc biệt nhằm kết hợp bảo tồn CWR và cây trồng địa phương trong chiến lược
hiện có để đảm bảo rằng đa dạng sinh học nông nghiệp và đa dạng sinh học nhìn chung không
được nhấn mạnh như những thực thể riêng lẻ. Để đạt được nhu cầu này, bảo tồn đa dạng sinh
học nông nghiệp phải trở thành mục tiêu chính của chương trình bảo tồn đa dạng mở rộng ở
cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.
44. Các chính sách quốc gia tập trung vào tăng cường năng lực các cộng đồng bản địa và địa
phương để tham gia nỗ lực cải thiện cây trồng khi thích hợp. Các phương pháp phi tập trung,
phương pháp có sự tham gia, phương pháp giới tính về cải tiến cây trồng cần được tăng cường
để tạo ra các giống thích nghi đặc biệt với môi trường bất lợi về kinh tế-xã hội. Điều này cần
những chính sách và luật pháp mới, gồm sự bảo hộ thích hợp, phát triển giống và quy trình
chứng nhận hạt giống cho những giống được chọn tạo thông qua chương trình chọn tạo giống
có sự tham gia của cộng đồng – để thúc đẩy và tăng cường việc sử dụng hạt giống cũng như
đảm bảo những giống đó nằm trong các chiến lược phát triển nông nghiệp quốc gia.
45. Bảo tồn nông trại và sử dụng các loại cây trồng ít được sử dụng cần được quan tâm nhiều
vì chúng có đóng góp to lớn trong việc cải thiện chế độ ăn uống và thu nhập. Để theo kịp các
giá trị thị trường tiềm năng của cây trồng, cần phải hợp tác nhiều hơn ở các giai đoạn khác
nhau trong chuỗi sản xuất, từ phát triển và thử nghiệm các giống mới, thông qua các hoạt
động giá trị gia tăng và việc mở ra các thị trường mới.
46. Năng lực: Nên hỗ trợ đầy đủ các tổ chức cộng đồng và nhóm người sử dụng tham gia hỗ
trợ hoạt động thực tiễn cho bảo tồn nông trại và công việc cải tiến. Khả năng của nông dân,
cộng đồng bản địa và địa phương, tổ chức của họ, cán bộ khuyến nông và các bên tham gia
khác trong việc quản lý đa dạng sinh học nông nghiệp một cách bền vững trên đồng ruộng
nông dân cần được tăng cường.
47. Để hỗ trợ các hoạt động cải tiến giống trên đồng ruộng, ngân hàng gen, mạng lưới và các
tổ chức quốc gia và quốc tế, nên xem xét việc xác định giống cây trồng của nông dân/giống
địa phương phù hợp phục vu cho việc nhân giống và/hoặc cho việc phát triển những quần thể
giống mới nhằm đưa các tính trạng đặc biệt vào vật liệu địa phương đã thích nghi.
48. Các chương trình đào tạo liên ngành nên được triển khai cho cán bộ khuyến nông, các tổ
chức phi chính phủ và những thành viên khác để tạo điều kiện, xúc tác cho các hoạt động bảo

tồn nông trại, cụ thể như kỹ thuật chọn lọc và tạo giống thích hợp nhằm bổ sung và cải thiện
những giống đã được người nông dân sử dụng.
49. Trọng tâm của các chương trình đào tạo là giúp người nông dân thu được kiến thức và
công nghệ mới, khám phá thị trường mới cho các sản phẩm của họ cũng như giúp nhà nghiên
cứu trở thành người có khả năng, người hỗ trợ tốt hơn cho nông dân. Đào tạo nên nhằm vào 4
nhóm khác nhau: các nhà khoa học (gồm các nhà chọn tạo giống, nhà nghiên cứu và nhà kinh
tế nông nghiệp), nhân viên hỗ trợ kỹ thuật, các cơ quan khuyến nông (gồm các tổ chức phi
chính phủ) và người nông dân. Hỗ trợ công việc ở mức độ cao nên bao gồm đào tạo tương
ứng trong lĩnh vực khoa học xã hội và sinh học. Đào tạo các cơ quan khuyến nông nhằm tăng
kỹ năng của họ trong lĩnh vực thực vật học dân tộc, chọn lọc và tạo giống với sự tham gia của
cộng đồng, duy trì hạt giống và sử dụng các công cụ ICT.


50. Đào tạo người nông dân nên được tiến hành trong bối cảnh của toàn bộ chuỗi sản xuất và
tập trung chủ yếu vào xác định các tính trạng cây, chọn lọc/tạo giống, sử dụng và duy trì các
cây trồng địa phương, thúc đẩy bán sản phẩm. Phát triển các kỹ năng của người nông dân về
chọn lọc những cây trồng ở giai đoạn sinh trưởng sinh dưỡng và không chỉ sau thu hoạch, là
quan trọng.
51. Các chương trình đào tạo cần được thiết kế trong khuôn khổ hợp tác chặt chẽ với Hệ
thống Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc gia (NARS), nông dân, hội nông dân và các bên tham
gia khác, các chương trình này cũng nên dựa trên nhu cầu do những đối tác này đưa ra.
Chương trình đó không nên bỏ qua vai trò trung tâm của người phụ nữ trong việc ảnh hưởng
và định hướng tiến hóa cây trồng. Các chương trình đào tạo nên xem xét mục đích sử dụng
khác nhau về nguồn tài nguyên sinh vật giữa phụ nữ và nam giới, bao gồm mối quan tâm của
phụ nữ về sử dụng đa mục đích và các yêu cầu chế biến đối với cây trồng.
52. Nghiên cứu/Công nghệ: Tám dạng nghiên cứu khoa học nghiêm ngặt và đa ngành cần:
a) Nghiên cứu thực vật học dân tộc, kinh tế-xã hội/văn hóa xã hội để hiểu và phân tích
kiến thức của người nông dân, chọn lọc/tạo giống, sử dụng và quản lý tài nguyên di truyền
thực vật, phù hợp với sự sự chấp thuận của người nông dân liên quan và với những yêu
cầu thích hợp nhằm bảo vệ kiến thức và công nghệ của họ;

b) Quần thể và sinh học bảo tồn nhằm tìm hiểu cấu trúc và tính năng động của đa dạng di
truyền trong các giống của nông dân/giống địa phương, gồm phân biệt quần thể, dòng
chảy gen (gồm thâm nhập gen), mức độ giao phối cận huyết và áp lực chọn lọc;
c) Nghiên cứu cải tiến cây trồng, bao gồm cả tạo giống với sự tham gia chọn giống của
cộng đồng như là phương tiện để tăng năng suất cây trồng và độ tin cậy mà không làm
mất đi đa dạng sinh học địa phương;
d) Nghiên cứu và khuyến nông đối với cây trồng ít được sử dụng, bao gồm việc sản xuất,
thị trường, phân phối hạt giống và vật liệu sinh sản vô tính;
e) Nghiên cứu cách thức hiệu quả nhất để hợp nhất giữa bảo tồn nông trại và bảo tồn ex
situ, xem xét việc bổ sung hệ thống hạt giống khác nhau;
f) Nghiên cứu về mức độ và bản chất của các mối đe dọa đến đa dạng hiện có trong trên
đồng ruộng và bảo tồn in situ, đặc biệt trong sự biến đổi khí hậu và thay đổi sử dụng đất,
ảnh hưởng của các yếu tố này đến tác nhân thụ phấn;
g) Phân tích không gian xác định những giống có tính trạng thích nghi được với khí hậu
để hỗ trợ công tác chọn tạo giống;
h) Nghiên cứu để định lượng xói mòn di truyền.
53. Nếu thích hợp, nghiên cứu khoa học nên được kết hợp với các hoạt động bảo tồn nông trại
để bối cảnh và mục đích của nghiên cứu có thể được đánh giá đầy đủ. Các kỹ thuật kiểu hình
có thể được sử dụng để mô tả các giống của người nông dân/giống địa phương liên quan tới
các tính trạng đặc trưng và khả năng thích nghi với các điều kiện đồng ruộng khác nhau.
Nghiên cứu nên hỗ trợ việc giám sát, đánh giá và cải thiện các hoạt động bảo tồn nông trại.
Nghiên cứu nên được tiến hành theo cách thức tham gia và cộng tác để khuyến khích sự
tương tác và hợp tác giữa các thành viên, gồm người nông dân, nhà chọn tạo giống và đội ngũ


nhân viên của các cơ quan quốc gia. Những cơ quan khác nên tham gia một cách thích hợp
nếu cần.
54. Các phương pháp nên được phát triển và hỗ trợ cho việc kết hợp quản lý, bảo tồn in situ,
bảo tồn nông trại tài nguyên di truyền thực vật với ngân hàng gen/mạng lưới quốc gia, khu
vực và các viện nghiên cứu

55. Điều phối/Quản trị: Các nỗ lực điều phối trong lĩnh vực này nhằm khuyến khích các
sáng kiến ở cấp cộng đồng để hỗ trợ việc quản lý và cải thiện tài nguyên di truyền thực vật
bảo tồn nông trại. Cần ưu tiên kinh phí và các dịch vụ hỗ trợ cho những dự án cơ sở và nhỏ.
Quyền ưu tiên nên dành cho các dự án kỹ thuật xúc tiến đa dạng cây trồng và hợp tác giữa
cộng đồng nông dân với các cơ quan nghiên cứu. Thời hạn của những dự án này nên đủ dài
trong giai đoạn 10 năm hoặc hơn nữa để đảm bảo kết quả có ý nghĩa.
56. Mối liên kết giữa các tổ chức đầu tiên quan tâm đến bảo tồn tài nguyên di truyền thực vật
với các tổ chức quan tâm đến sử dụng tài nguyên di truyền thực vật thường yếu kém hoặc
không có ở nhiều quốc gia, và nên được tăng cường những mối liên hệ này.
3. Hỗ trợ nông dân trong các tình huống thảm họa và khôi phục lại hệ thống cây trồng
57. Bối cảnh: Thảm họa tự nhiên và xung đột dân sự thường là trở ngại cho việc phục hồi
nhanh hệ thống nông nghiệp; điều này tác động tới nông dân sản xuất nhỏ, ảnh hưởng đến sự
tồn tại của người dân sống ở các nước đang phát triển. An ninh hạt giống là thành phần chính
của khả năng phục hồi nhanh. Trong khi hỗ trợ ngay hạt giống giúp người nông dân bị tác
động bởi thảm họa khốc liệt, phương pháp tiếp cận hệ thống để tái thiết lập an ninh hạt giống
và hệ thống cây trồng là cần thiết nhất trong trường hợp các áp lực xảy ra thường xuyên. Về
một khía cạnh nào đó, sự công nhận ngày càng tăng về những mối đe dọa do biến đổi khí hậu
tới an ninh lương thực, hạt giống và vai trò tiềm năng mà tài nguyên di truyền thực vật có thể
giúp nông nghiệp duy trì năng suất và mạnh mẽ dưới những điều kiện thay đổi. Khi các giống
cây trồng bị mất đi trên đồng ruộng của người nông dân, họ có thể đưa vào trồng lại từ những
vùng lân cận và với một số hỗ trợ thông qua các thị trường địa phương và trao đổi giữa những
người nông dân. Tuy nhiên, người nông dân cũng có thể trồng lại cây trồng đã mất từ nguồn
ngân hàng gen, mạng lưới quốc gia, khu vực và quốc tế. Tuy nhiên các ngân hàng gen đôi khi
cũng bị tổn thương bởi thảm họa tự nhiên hay do con người gây ra, trong trường hợp này thì
khả năng hỗ trợ phục hồi hệ thống cây trồng sẽ phụ thuộc vào năng lực của họ khi tiếp cận với
vật liệu được lưu giữ trong các ngân hàng gen khác. Điều 12 của Hiệp ước Quốc tế đưa ra nền
tảng đúng đắn cho cải thiện và tạo điều kiện cho việc tiếp cận này. Hệ thống thông tin quốc
gia, khu vực và toàn cầu cần thiết hỗ trợ các hoạt động khôi phục cây trồng.
58. Hạt nhập khẩu như lương thực viện trợ thường được sử dụng làm hạt giống và thường
thích nghi kém với điều kiện địa phương. Điều này có thể dẫn tới suy giảm năng suất sau

nhiều năm. Hạt giống nhập khẩu có khả năng thích nghi kém có tác động tương tự. Trong thời
gian dài, thực tiễn sử dụng lương thực và hạt giống hỗ trợ không phù hợp có thể làm trầm
trọng thêm nạn đói, làm suy yếu an ninh lương thực, bóp méo các hệ thống hạt giống địa
phương và gia tăng chi phí hỗ trợ viện trợ. Công nhận rằng, sự thay đổi cơ bản trong suy nghĩ
hơn thập niên qua đã dẫn tới khuôn khổ cho an ninh hạt giống. Mục tiêu của khuôn khổ này là
điều tra chức năng của hệ thống hạt giống, mô tả tình huống, xét về mặt sẵn có, tiếp cận và


×