Tải bản đầy đủ (.doc) (5 trang)

bài tập cá nhân hình sự đề số 2

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (141.87 KB, 5 trang )

ĐỀ BÀI SỐ 2
Lợi dụng đêm tối ít người qua lại, với ý định chiếm đoạt tài sản của người đi đường,
A dùng dây thép căng ngang đường. Hai dây đều được cột chặt vào cây ven đường.
Chị N đi xe máy quan đoạn đường này bị dây thép hất ngược trở lại, nằm ngất xỉu. A
từ chỗ nấp ở bụi cây ven đường chạy ra tháo dây chuyền, nhẫn, đồng hồ và túi xách
của chị N. Tổng tài sản có giá trị 4.800.000 đồng. Sau đó, N được người đi qua thấy
và đưa đi cấp cứu kịp thời nên không chết. Tổng số tiền viện phí là 2.700.000 đồng,
tổn hại sức khỏe không đáng kể. Xe máy của chị N bị hỏng, tiền sửa chữa là 800.000
đồng.
HỎI:
1. Xác định tội danh và định khung hình phạt cho hành vi của A? (5 điểm)
2. Giả sử N bị thương tích với tỉ lệ thương tật là 61% thì trách nhiệm hình sự của A
được xác định như thế nào? (2 điểm)


BÀI LÀM
Pháp luật hình sự là một trong những công cụ sắc bén đấu tranh phòng chống tội
phạm, góp phần thực hiện thắng lợi những chức năng, nhiệm vụ của đất nước. Để làm
tốt nhiệm vụ của mình, luật hình sự luôn mong muốn có thể dự liệu tới mọi tình huống
có thể xảy ra và có những chế tài xử lý. Việc giải quyết câu hỏi đặt ra ở tình huống
trên sẽ góp phần chứng minh điều đó.
1. Xác định tội danh và định khung hình phạt cho hành vi của A?
a. Xác định tội danh của A.
Định tội danh là xác định hành vi đã được thực hiện có là tội phạm hay không và là
tội gì (nếu là tội phạm) đối chiếu với các tình tiết thực tế của hành vi với các dấu hiệu
của cấu thành tội phạm. Như vậy, theo định nghĩa này việc định tội danh phải căn cứ
vào việc phân tích, xác định các yếu tố cấu thành tội phạm. Các yếu tố của cấu thành
tội phạm gồm: Khách thể, chủ thể, mặt khách quan và mặt chủ quan của tội phạm.
Sau đây, chúng ta sẽ đồng thời phân tích các yếu tố cấu thành tội phạm và giải thích,
xác định tội danh của A:
* Khách thể của tội phạm là những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và bị tội


phạm xâm hại. Các quan hệ xã hội này được quy định rõ tại Khoản 1 Điều 8 BLHS,
cụ thể là: độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, chế độ chính trị,
chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích
hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài
sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, những lĩnh vực khác của trật tự
pháp luật xã hội chủ nghĩa. Quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ không bị xâm hại
sẽ không có tội phạm.
Hành vi phạm tội của A đồng thời xâm hại hai quan hệ xã hội được luật hình sự bảo
vệ- quan hệ nhân thân và quan hệ sở hữu. Bằng hành vi của mình, A trước hết đã xâm
phạm đến thân thể, sức khỏe của chị N (làm chị N bị ngất xỉu) để qua đó xâm hại đến
quyền sở hữu của chị N (quyền sở hữu của chị N đối với dây chuyền, nhẫn, đồng hồ
và túi xách). Trong đó việc xâm hại quan hệ nhân thân là phương tiện để xâm hại quan
hệ sở hữu.
* Mặt khách quan của tội phạm là mặt bên ngoài của tội phạm, bao gồm những biểu
hiện của tội phạm diễn ra hoặc tồn tại bên ngoài thế giới khách quan. Mặt khách quan
của tội phạm trong vụ án thể hiện ở:
- Hành vi khách quan đó là hành vi dùng dây thép căng ngang đường khiến chị N đi
xe máy quan đoạn đường này bị dây thép hất ngược trở lại, nằm ngất xỉu và khi chị N
đang bị ngất A đã từ chỗ nấp ở bụi cây ven đường chạy ra tháo dây chuyền, nhẫn,
đồng hồ và túi xách của chị N. Hành vi dùng dây thép căng ngang đường là hành vi
nguy hiểm, chứa đựng khả năng xâm phạm đến thân thể, sức khỏe cho người điều
khiển xe cộ khi đi qua. Thực tế hành vi này đã làm cho người bị tấn công (chị N) lâm
vào tình trạng không thể chống cự được, không thể ngăn cản được việc chiếm đoạt, sự
kháng cự của nạn nhân đã bị vô hiệu hóa.


Hành vi phạm tội của A đã được hoàn thành, kết thúc với việc A hoàn thành việc
tước đoạt được dây chuyền, nhẫn, đồng hồ và túi xách của chị N khi chị N đang bị
ngất xỉu.
Phương tiện phạm tội của A là đoạn dây thép được căng ngang qua đường. Việc

căng ngang đoạn dây thép quan đường là hành vi nguy hiểm, chứa đựng khả năng và
thực tế đã xâm phạm đến thân thể, sức khỏe cho người điều khiển xe cộ khi đi qua.
* Mặt chủ quan của tội phạm là hoạt động tâm lý bên trong của tội phạm. Trong tình
huống này, lỗi của A là lỗi cố ý trực tiếp: Khi thực hiện hành vi phạm tội, A biết mình
có hành vi làm cho người bị tấn công sẽ lâm vào tình trạng không thể kháng cự được.
A muốn hành vi của mình làm tê liệt được sự chống cụ của người bị tấn công, để thực
hiện được mục đích chiếm đoạt tài sản.
Mục đích của A khi thực hiện hành vi phạm tội là mục đích chiếm đoạt tài sản. Mục
đích này đã được thực hiện sau khi A làm vô hiệu hóa sự kháng cự của chị N và tháo
dây chuyền, nhẫn, đồng hồ và túi xách của chị N.
* Chủ thể của tội phạm là con người cụ thể có năng lực TNHS và đạt độ tuổi luật định
đã thực hiện hành vi phạm tội cụ thể. Ta nhận thấy, A là người đã đủ tuổi chịu trách
nhiệm hình sự và là người có năng lực TNHS. A hoàn toàn nhận thức được hành vi
căng dây thép ngang đường là hành vi nguy hiểm, có thể gây thương tích và tổn hại
sức khỏe cho người khác, hành vi chiếm đoạt tài sản của mình là hành vi bị pháp luật
cấm và A cũng hoàn toàn có khả năng điều khiển (thực hiện hay không thực hiện)
hành vi này.
Như vậy, ta có thể kết luận A phạm tội cướp tài sản theo quy định tại Điều 133
BLHS.
b. Định khung hình phạt cho hành vi phạm tội của A.
Tội cướp tài sản là “dùng vũ lực, de dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi
làm người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt
tài sản
A được xác định phạm tội cướp tài sản theo Điều 133 BLHS. Khi xác định khung
hình phat có thể áp dụng cho A, ta phải căn cứ vào quy định của Điều 133 BLHS, cân
nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người
phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Trong vụ án, A thực hiện hành vi căng dây thép ngang đường để gây tai nạn cho
người đi đường qua đó nhằm cướp tài sản của họ. Ta xác định hành vi căng dây thép
ngang đường là thủ đoạn nguy hiểm để thông qua đó thực hiện hành vi cướp tài sản,

được quy định tại điểm d , Khoản 2 Điều 133 BLHS và được giải thích cụ thể, chi tiết
tại Thông tư liên tịch 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP hướng
dẫn áp dụng chương XIV "Các tội phạm xâm phạm sở hữu" của Bộ luật Hình sự
năm 1999 do Bộ Công An; Bộ Tư pháp; Toà án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát
nhân dân tối cao ban hành: “Thủ đoạn nguy hiểm khác" quy định tại điểm d khoản
2 Điều 133 BLHS là ngoài các trường hợp sử dụng vũ khí, phương tiện nguy hiểm để
thực hiện việc cướp tài sản, người phạm tội có thể dùng thủ đoạn khác nguy hiểm đối
với người bị tấn công hoặc những người khác như sử dụng thuốc ngủ, thuốc mê với


liều lượng có thể nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của nạn nhân; đầu độc nạn
nhân; nhốt nạn nhân vào nơi nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ; dùng dây chăng
qua đường để làm cho nạn nhân đi mô tô, xe máy vấp ngã để cướp tài sản...”
Như vậy, ta xác định A phạm tội cướp tài sản có tình tiết định khung tăng năng quy
định tại điểm d Khoản 2 Điều 133 BLHS: “d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ
đoạn nguy hiểm khác;”. Do đó, ta có thể xác định khung hình phạt có thể áp dụng
cho A trong vụ án này là phạt tù từ từ bảy năm đến mười lăm năm.(Khoản 2 Điều
133 BLHS).
2. Giả sử N bị thương tích với tỉ lệ thương tật là 61%, ta xác định trách nhiệm
hình sự của A có sự thay đổi:
Trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của người phạm tội phải chịu những hậu quả
pháp lý bất lợi về hành vi phạm tội của mình.
Với tình tiết N bị thương tích với tỉ lệ thương tật là 61%, ta xác định tội danh của A
là không thay đổi (tội cướp tài sản). Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 4 Điều 133
BLHS:
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm
đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật
từ 61% trở lên hoặc làm chết người;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Ta nhận thấy, tình tiết chị N bị thương tích với tỉ lệ thương tật là 61% tương ứng với
tình tiết được quy định tại điểm a Khoản 4 Điều 133: “Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết
người”. Như vậy, tình tiết chị N bị thương tích với tỉ lệ thương tật là 61% trở thành
một tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội của
A. Đồng thời, với tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự này, khung hình
phạt có thể áp dụng đối với A là hình phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù
chung thân hoặc tử hình.
Vậy với tình tiết chị N bị thương tích với tỉ lệ thương tật là 61%, A sẽ bị truy cứu
trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 4 Điều 133 BLHS.
* Kết luận: Bài phân tích, giải quyết các câu hỏi được nêu trong bài trên đây đã góp
phần chứng minh việc pháp luật luôn mong muốn có thể dự liệu tới mọi tình huống có
thể xảy ra và có những chế tài xử lý với trường hợp cụ thể ở đây là trường hợp
cthuoocj về các tình huống của tội cướp tài sản (Điều 133 BLHS). Việc nghiên cứu
các khía cạnh của tội cướp tài sản vẫn luôn là một đề tài khoa học phức tạp nhưng vô
cùng thiết thực.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trường Đại học Luật Hà Nội, "Giáo trình luật hình sự Việt Nam", Tập I, Nxb.
CAND, Hà Nội, 2010.
2. Trường Đại học Luật Hà Nội, "Giáo trình luật hình sự Việt Nam", Tập II, Nxb.
CAND, Hà Nội, 2010
3. Viện khoa học pháp lí – Bộ tư pháp, "Bình luận khoa học BLHS Việt Nam năm
1999",Tập 1- 3 Nxb. CTQG, Hà Nội, 2001.
4. Trường Đại học Luật Hà Nội, "Trách nhiệm hình sự và hình phạt, Nxb CAND,
Hà Nội, 2001.
5. Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 (BLHS).
6. Thông tư liên tịch 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP hướng dẫn áp

dụng chương XIV "Các tội phạm xâm phạm sở hữu" của Bộ luật Hình sự năm
1999 do Bộ Công An; Bộ Tư pháp; Toà án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân
dân tối cao
7. Trang tìm kiếm thông tin: www.google.com.vn.



×