Đánh giá địa vị pháp lí của Tổng thống Mĩ theo quy định của Hiến
pháp 1787 - Bài tập học kỳ Lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới
Chuyên mục Bài tập học kỳ, Lịch sử Nhà nước và Pháp luật thế giới
Nước Mỹ đã và đang là cường quốc hàng đầu thế giới với sức ảnh hưởng mạnh mẽ về chính trị,
kinh tế, văn hóa, ngoại giao, quân sự lan toả tới nhiều quốc gia, nhiều khu vực trên khắp các
châu lục. Nhìn nhận vai trò và vị thế đặc biệt đó, cả giới nghiên cứu lẫn phương tiện thông tin và
dư luận công chúng đều rất quan tâm đến địa vị pháp lí của tổng thống Mỹ - một trong những
điều quan trọng của hệ thống chính trị Hoa Kỳ. Tính duy nhất và tầm quan trọng đặc biệt, địa vị
này đã được ghi nhận ngay trong bản Hiến pháp 1787 của Mĩ. Để làm rõ điều này em xin chọn
đề tài “ Đánh giá địa vị pháp lí của Tổng thống Mĩ theo quy định của Hiến pháp 1787”.
NỘI DUNG
I.Khái niệm địa vị pháp lí
1. Địa vị pháp lí
Địa vị pháp lí thể hiện vị trí, vai trò của chủ thể trong quan hệ pháp luật và đi liền với nó là quyền
lợi, nghĩa vụ cũng như trách nhiệm pháp lí phát sinh.
2. Địa vị pháp lí của Tổng thống Mĩ
Địa vị pháp lí của Tổng thống Mĩ là vị trí, vai trò của Tổng thống Mĩ trong nhà nước, trong xã hội
được quy định bởi luật pháp và các nguyên tắc tổ chức- hoạt động cơ bản của nhà nước Mĩ. Nó
khái quát mô hình, giá trị, mối quan hệ của Tổng thống với các cơ quan nhà nước, tổ chức chính
trị, lực lượng xã hội và nhân dân.
Hiến pháp 1787 của Mĩ đã dành một mảng lớn nói về chế độ Tổng thống. Địa vị pháp lí của
Tổng thống đã được khái quát trong các khoản 1,2,3- Điều II Hiến pháp 1787. Theo đó, Tổng
thống vừa là người đứng đầu quốc gia vừa là người đứng đầu bộ máy hành pháp : “ Quyền
hành pháp Hợp chúng quốc Hoa Kì được trao cho Tổng thống”.
II. Đánh giá địa vị pháp lí của Tổng thống Mĩ theo quy định của Hiến pháp 1787
1. Người đứng đầu nhà nước
Trong Hiến pháp không quy định trực tiếp Tổng thống là người đứng đầu nhà nước bởi các nhà
lập hiến muốn ít nhất về mặt lý thuyết ba nhánh quyền lực cân bằng nhau và xuất phát từ Hiến
pháp, được điều chỉnh bởi Hiến pháp. Vì vậy nếu trực tiếp ghi nhận Tổng thống là người đứng
đầu quốc gia sẽ làm giảm tính tối cao tuyệt đối của Hiến pháp và nó tạo tiền đề cho việc khẳng
địnhvà phát triển tập trung quyền lực đi ngược lại nguyên tắc phân quyền vốn đã tồn tại và được
thực hiện trong suốt quả trình tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước Mĩ.
Tuy nhiên, nếu xem xét kĩ sẽ thấy điều này được thể hiện sâu sắc trong các nội dung các điều
khoản Hiến pháp liên quan
Thứ nhất, Điều II mở đầu bằng câu: "Quyền hành pháp sẽ được trao cho một vị Tổng thống Hợp
chúng quốc Mỹ". Về mặt thuật ngữ, danh từ tổng thống vốn được sử dụng phổ biến và thừa
nhận rộng rãi khắp thế giới với ý nghĩa là để chỉ nguyên thủ quốc gia của những nước cộng hoà;
còn thủ tướng mới là danh từ dùng để chỉ người đứng đầu chính phủ (nội các), nắm giữ quyền
hành pháp. Khi quy định như trên, Hiến pháp Mỹ đã cùng lúc đạt hai mục tiêu: vừa gián tiếp
khẳng định Tổng thống là người đứng đầu Nhà nước lại vừa trực tiếp trao cho Tổng thống
quyền hành pháp (Hiến pháp Mỹ đã không hề dùng tới từ "Thủ tướng").
Thứ hai, phương thức thiết lập nên Tổng thống Mỹ, theo Hiến pháp, đã chứng tỏ nhân vật này là
quan chức duy nhất được bầu lên trên phạm vi toàn liên bang và do đó là cá nhân duy nhất có
thể đủ tư cách đại diện cho cả Nhà nước Mỹ-đây là vai trò của chỉ riêng nguyên thủ quốc gia.
Thứ ba, mức độ địa vị của bất cứ cơ quan nào cũng được đánh giá chủ yếu qua chức năng và
quyền hành của cơ quan ấy. Nhiều chức năng, quyền hành của Tổng thống Mỹ quy định trong
Hiến pháp là chức năng, quyền hành của nguyên thủ quốc gia chứ không phải của thủ tướng:
công bố, phủ quyết dự luật; tổng chỉ huy quân đội; bổ nhiệm đại sứ; bổ nhiệm thẩm phán Toà án
Tối cao; ký kết điều ước quốc tế.v.v...
Như vậy, Hiến pháp Mỹ đã, gián tiếp về hình thức và trực tiếp về ý nghĩa nội dung, quy định
Tổng thống là nguyên thủ quốc gia - là người đứng đầu Nhà nước; đại diện tượng trưng cho sự
thống nhất, hùng mạnh và bền vững của Nhà nước; có quyền thay mặt Nhà nước Mỹ trong cả
đối nội lẫn đối ngoại.
2. Người đứng đầu ngành hành pháp
Nếu như địa vị nguyên thủ quốc gia của Tổng thống Mỹ quy định trong Hiến pháp có vẻ mập
mờ, thì ngược lại, sứ mệnh người đứng đầu ngành hành pháp lại rất rõ ràng: "Quyền hành pháp
sẽ được trao cho một vị Tổng thống Hợp chúng quốc... Tổng thống đôn đốc việc thi hành đúng
đắn, triệt để pháp luật và sẽ giao phó nhiệm vụ cho tất cả các quan chức Mỹ”. Sự uỷ thác trọn
vẹn này đã thừa nhận Tổng thống nắm giữ toàn quyền hành pháp và về nguyên tắc, không có
nghĩa vụ phải chia sẻ với bất cứ ai quyền lực đó. Hiến pháp Mỹ chỉ đề cập chức danh bộ trưởng
bằng thuật ngữ "thư ký" chứ không hề quy định gì thêm - khác hẳn hiến pháp hầu hết các nước,
vốn thường nói khá cụ thể, chính xác về chức danh, vị thế bộ trưởng và tỷ lệ chia sẻ quyền hành
giữa bộ trưởng với thủ tướng. Mặt khác, cơ chế phân quyền cứng rắn mà Hiến pháp Mỹ xác lập
đã tách biệt quyền hành pháp với quyền lập pháp và tư pháp, làm cho địa vị người đứng đầu
ngành hành pháp của Tổng thống càng trở nên độc tôn, tuyệt đối.
Tổng thống thể hiện
những quyền hạn và hoạt động hành pháp chủ yếu sau:
o Trực tiếp lãnh đạo ngành hành pháp, toàn quyền thực thi những chính sách, luật lệ.
o Đề ra và quyết định các cơ cấu tổ chức, hoạt động của nền hành chính quốc gia.
o Lãnh đạo và quản lý chung tất cả các bộ cùng rất nhiều cơ quan, uỷ ban liên bang và đội ngũ
quan chức dân sự.
o Sử dụng rộng rãi và mạnh mẽ quyền lập quy.
o Đề cử và bổ nhiệm những quan chức hành pháp.
o Toàn quyền bãi miễn những quan chức hành pháp.
Khó thể liệt kê hết những quyền hạn cụ thể của Tổng thống Mỹ trong lĩnh vực hành pháp rộng
lớn và phức tạp. Tuy vậy, điều rất dễ nhận thấy là những quyền hạn đó tạo nên phần cơ bản
nhất của quyền lực tổng thống, chúng ngày càng được tăng cường và giúp Tổng thống kiềm chế
hữu hiệu đối với hệ thống cơ quan lập pháp, tư pháp. Việc sử dụng khéo léo quyền hành pháp
còn khiến Tổng thống nâng cao được vị thế cá nhân mình và hoạt động thuận lợi, suôn sẻ hơn.
3. Đánh giá chung
Qua tìm hiểu về địa vị pháp lí của Tổng thống Mĩ trong Hiến pháp 1787, ta có thể dễ dàng nhận
ra Tổng thống Mỹ giữ quyền lực nguyên thủ quốc gia khá độc lập (do ngành lập pháp tách biệt
ngành hành pháp, Tổng thống được bầu bởi dân chứ không phải bởi Quốc hội, Tổng thống
không chịu trách nhiệm trước Quốc hội) và Tổng thống nắm giữ trọn vẹn quyền hành pháp, trực
tiếp lãnh đạo Chính phủ. Nhưng quyền lực ấy không quá lớn mạnh đến mức có thể trở thành
độc tài mà được giới hạn hợp lý, chia sẻ và cân bằng bởi các thiết chế chính trị khác (Quốc hội,
Tòa án Tối cao, đảng phái, nhóm áp lực...).
Đối với một đất nước rộng lớn, lại gồm rất nhiều thành phần tản mạn, phức tạp, rất nhiều lực
lượng chính trị - xã hội luôn trong trạng thái cạnh tranh mạnh mẽ với nhau như đất nước Mĩ... Là
thiết chế đứng đầu, Tổng thống đương nhiên là trung tâm quyền lực quan trọng nhất và có chức
năng, nhiệm vụ điều hòa hoạt động của toàn bộ hệ thống chính trị. Hoạt động của tất cả các
thiết chế, lực lượng chính trị - xã hội Mỹ thực tế đều liên quan đến Tổng thống, đều lấy quyền
lực tổng thống và nhân vật tổng thống làm mục đích hướng tới hoặc giá trị so sánh. mục tiêu cơ
bản nhất của các đảng phái chính trị là làm cho thành viên của mình trở thành Tổng thống; hoạt
động quan trọng nhất của các nhóm áp lực là tác động tới những quyết định sẽ được Tổng
thống đưa ra theo hướng có lợi cho nhóm mình
KẾT LUẬN
Hiến pháp Mĩ được soạn thảo ngày 17 tháng 9 năm 1787 là một trong những bản Hiến pháp nổi
tiếng nhất và lâu đời nhất trong lịch sử. Việc tìm hiểu đầy đủ và rõ ràng về địa vị pháp lí của
Tổng thống trong bản Hiến pháp này đã khẳng định tầm quan trọng, những giá trị khác biệt và
ưu thế của Tổng thống Mĩ trong việc xây dựng hệ thống chính trị,trong quan hệ quốc tế và phát
triển Hợp chúng quốc Hoa kì ngày càng rực rỡ.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giáo trình Lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới- Nhà xuất bản CAND 2012
2. />
3. Chế độ Tổng thống Mĩ- Nguyến Anh Hưng- Nhà xuất bản Lao động