ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRUNG TÂM ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG GIẢNG VIÊN LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ
ĐẶNG MẠNH TRUNG
ĐẢNG BỘ ĐỒNG NAI LÃNH ĐẠO CÔNG TÁC ĐOÀN VÀ PHONG
TRÀO THANH NIÊN THỜI KỲ 1986-2002
LUẬN VĂN THẠC SỸ LỊCH SỬ ĐẢNG
Mã số: 5 03 16
Người hướng dẫn: TS. VŨ QUANG HIỂN
Hà nội - 2004
MỤC LỤC
Trang
Mở đầu ......................................................................................................................3
Chƣơng 1. ĐẢNG BỘ ĐỒNG NAI LÃNH ĐẠO CÔNG TÁC ĐOÀN VÀ
PHONG TRÀO THANH NIÊN GIAI ĐOẠN 1986-1996.................................
9
1.1. Đồng Nai, những giá trị truyền thống. ..................................................................
9
1.2. Yêu cầu của sự nghiệp đổi mới với công tác Đoàn và phong trào
thanh niên Đồng Nai ............................................................................................
10
1.3. Những chủ trương và giải pháp lớn của Đảng bộ Đồng Nai đối với
công tác đoàn và phong trào thanh niên ..............................................................
27
1.4. Triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng bộ về công tác đoàn
và phong trào thanh niên ......................................................................................
33
Chƣơng 2. ĐẢNG BỘ ĐỒNG NAI LÃNH ĐẠO CÔNG TÁC ĐOÀN VÀ
PHONG TRÀO THANH NIÊN THỰC HIỆN CÁC CHƢƠNG TRÌNH
PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 1996-2002.....................
40
2.1. Những thuận lợi, khó khăn của phong trào thanh niên Đồng Nai khi
bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. ...............................
40
2.2. Những chủ trương và giải pháp nhằm phát huy vai trò xung kích của
Đoàn thanh niên ...................................................................................................
45
2.3. Triển khai thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về công tác thanh niên...
50
2.4. Đa dạng hóa các loại hình, nâng cao chất lượng giáo dục của Đoàn
Thanh niên tỉnh Đồng Nai ...................................................................................
63
2.5. Nâng cao chất lượng đoàn viên, chất lượng hoạt động cơ sở Đoàn và
tích cực xây dựng Đảng .......................................................................................
68
2.6. Mở rộng mặt trận tập hợp, đoàn kết thanh niên ....................................................
73
Chƣơng 3. MỘT VÀI NHẬN XÉT VÀ KINH NGHIỆM...............................
77
3.1. Những ưu điểm và hạn chế của Đảng bộ . ............................................................
77
3.2. Những thành tựu nổi bật trong công tác Đoàn và phong trào thanh
niên .......................................................................................................................
84
3.3 Một số kinh nghiệm. ..............................................................................................
95
KẾT LUẬN .............................................................................................................................
103
TÀI LIỆU THAM KHẢO ......................................................................................................
106
PHỤ LỤC ...............................................................................................................................
117
BẢNG QUY ƢỚC CHỮ VIẾT TẮT
BCH
: Ban chấp hành
BTV
: Ban Thường vụ
CKT
: Chất lượng, kiểu dáng, tiết kiệm
CNH-HĐH
: Công nghiệp hóa - hiện đại hóa
CNVC
: Công nhân viên chức
CNXH
: Chủ nghĩa xã hội
GD-ĐT
: Giáo dục - Đào tạo
HĐND
: Hội Đồng nhân dân
KHKT
: Khoa học kỹ thuật
LHTN
: Liên hiệp Thanh niên
PTTH
: Phổ thông trung học
TBXH
: Thương binh xã hội
TDTT
: Thể dục thể thao
TNCS
: Thanh niên cộng sản
TNTP
: Thiếu niên tiền phong
TNXK
: Thanh niên xung kích
UBKT
: Ủy ban kiểm tra
UBMT
: Ủy ban mặt trận
UBND
: Ủy ban nhân dân
XHCN
: Xã hội chủ nghĩa
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Một trong những phát hiện vĩ đại của C.Mác là Học thuyết về sứ mệnh
lịch sử toàn thế giới của giai cấp vô sản hiện đại. Trong học thuyết của mình
C.Mác đã đề cập đến lớp người trẻ tuổi, đánh giá cao vai trò của thế hệ công
nhân đang lớn lên. Ông khẳng định: “Nhưng dù sao thì bộ phận giác ngộ nhất
trong giai cấp công nhân cũng nhận thức rất rõ ràng tương lai của giai cấp họ
và do đó là tương lai của cả loài người hoàn toàn phụ thuộc vào việc giáo dục
thế hệ công nhân đang lớn lên" [53, tr.118].
Phát triển sáng tạo những luận điểm của C.Mác trong điều kiện lịch sử
mới, V.I Lênin đã coi thanh niên là nguồn sinh lực chiến đấu của cách mạng.
Trong bài báo"Sự khủng hoảng của chủ nghĩa Mensêvic" (ngày 7/12/1906)
V.I.Lênin viết: “Há chẳng phải trong Đảng cách mạng của chúng tôi, thanh niên
chiếm ưu thế là một điều rất tự nhiên sao ? Chúng tôi là một Đảng của tương
lai, mà tương lai thuộc về Thanh niên. Chúng tôi là Đảng của những người cách
tân, mà thanh niên lại luôn luôn đi theo những người cách tân. Chúng tôi là
Đảng đấu tranh quên mình chống lại chế độ cũ thối nát, mà thanh niên lại luôn
quên mình... chúng ta sẽ luôn luôn là Đảng của Thanh niên, của giai cấp tiên
phong "[51, tr.210].
Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò và vị trí của thanh niên trong
sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam. Người nói: "Vì lợi ích
mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người" [56,
tr.129]. Trong di chúc người căn dặn: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau
là việc rất quan trọng và rất cần thiết" [58, tr.510].
Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đánh giá đúng đắn vai trò to lớn của thanh
niên, luôn tin tưởng vào thanh niên; chăm lo giáo dục, bồi dưỡng và tạo điều
kiện cho thanh niên rèn luyện và trưởng thành, xem công tác thanh niên là nhiệm
vụ rất quan trọng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của
Đảng. Nghị quyết 26 NQ/TW ngày 4/7/1985 của Bộ Chính trị (khoá V) đánh giá
công tác vận động thanh niên “có tầm quan trọng chiến lược" [16]. Nghị quyết
số 25NQ/TW ngày 13/3/1991 của Bộ Chính trị (khoá VI) tiếp tục khẳng định
"Công tác thanh niên là một nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa chiến lược đối với
tương lai dân tộc và vận mệnh của Tổ quốc" [17].
Tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII
(14/01/1993), Tổng Bí thư Đỗ Mười khẳng định: “Sự nghiệp đổi mới có thành
công hay không, đất nước bước vào thế kỷ XXI có vị trí xứng đáng trong cộng
đồng thế giới hay không, phần lớn tuỳ thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc
bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ thanh niên; công tác thanh niên là vấn đề sống còn
của dân tộc, là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của cách
mạng" [18, tr.82].
Trong lịch sử và hiện tại, Đảng luôn xác định việc lãnh đạo công tác thanh
niên là trách nhiệm của Đảng. Đặc biệt trong thời kỳ đổi mới đất nước, nhiều
vấn đề khó khăn và phức tạp, có tác động mạnh mẽ đến thanh niên như: Khủng
hoảng trong hệ thống XHCN, các thế lực thù địch tăng cường đánh phá về mọi
mặt, tập trung vào thế hệ trẻ; mặt trái của nền kinh tế thị trường đã tác động đến
mọi lĩnh vực của đời sống làm biến đổi những chuẩn mực giá trị xã hội, đạo đức,
nghề nghiệp... Do vậy, việc lãnh đạo của Đảng đối với công tác Đoàn và phong
trào thanh niên trong thời kỳ đổi mới đóng vai trò hết sức quan trọng, mặt khác,
Đảng cũng xác định công tác thanh niên không chỉ là việc của Đảng, của Nhà
nước, mà còn của mọi tổ chức, của xã hội và từng gia đình, Nhà nước có trách
nhiệm rất lớn trong việc thực hiện chiến lược thanh niên.
Xuất phát từ quan điểm đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và tư
tưởng Hồ Chí Minh, Đảng bộ Đồng Nai xác định trách nhiệm lãnh đạo, xây
dựng tổ chức Đoàn vững mạnh, xem công tác xây dựng Đoàn là một bộ phận
công tác xây dựng Đảng. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần VI nhiệm kỳ
1996 - 2000 xác định "chú trọng phát triển Đảng viên là Đoàn viên thanh niên
Cộng sản Hồ Chí Minh" [95, tr.88] và phải "Tích cực giáo dục truyền thống yêu
nước, cách mạng truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc cho thanh thiếu niên"
[95, tr.80], nhằm động viên thanh niên tích cực đi đầu thực hiện đường lối đổi
mới của Đảng, động viên tuổi trẻ nỗ lực vươn lên, vượt qua những khó khăn thử
thách, tiến hành đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Đoàn, chăm lo
giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo và phát huy vai trò xung kích của Đoàn TNCS Hồ
Chí Minh nhằm thực hiện thắng lợi các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa
xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương.
Việc nghiên cứu sự lãnh đạo công tác thanh niên của Đảng bộ Đồng Nai
nhằm rút kinh nghiệm cho công tác lãnh đạo của đảng bộ đối với công tác thanh
niên trong thời kỳ đổi mới, nâng cao vai trò lãnh đạo của đảng bộ các cấp đối với
công tác thanh niên, để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước nói chung, tỉnh Đồng Nai nói riêng và góp phần giáo dục truyền thống cho
thế hệ trẻ Đồng Nai, khai thác nội lực trong thanh niên, bồi dưỡng tài năng trẻ là
vấn đề cần thiết. Vì vậy, tôi chọn đề tài Đảng bộ Đồng Nai lãnh đạo công tác
Đoàn và phong trào thanh niên trong thời kỳ 1986 - 2002 làm đề tài luận văn
thạc sĩ lịch sử của mình.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Để tổng kết, đánh giá phong trào thanh niên Đồng Nai trong thời kỳ đổi
mới và khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng bộ Đồng Nai đối với phong trào
thanh niên từ 1986 đến 2002, đã có một số công trình nghiên cứu và tài liệu liên
quan, đó là:
Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Đồng Nai 1930 - 1995,
tập 1 (1997), NXB Đồng Nai, Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Tỉnh
Đồng Nai 1930-1995, tập 2 (2000) Nxb tổng hợp Đồng Nai, có đề cập sự lãnh
đạo của Đảng bộ đối với công tác Đoàn và phong trào thanh niên Đồng Nai...
Quy trình thành lập tổ chức Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội
Liên hiệp thanh niên Việt Nam trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp
có vốn đầu tư nước ngoài. Công trình nghiên cứu khoa học do Ban Thường vụ
Tỉnh Đoàn Đồng Nai thực hiện, nghiệm thu năm 2001.
Lịch sử Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và phong trào thanh
niên tỉnh Đồng Nai 1930 - 2000. Công trình nghiên cứu khoa học do Ban
Thường vụ tỉnh Đoàn Đồng Nai thực hiện, nghiệm thu năm 2003.
Các công trình khoa học nghiên cứu về Đảng bộ và Đoàn thanh niên đã
tập hợp, hệ thống hóa nhiều tư liệu lịch sử quan trọng về Đảng và Đoàn TNCS
Hồ Chí Minh ở địa phương, đã tổng kết sâu sắc thành những giá trị truyền thống
của Đảng bộ và Đoàn Thanh niên trong công cuộc đấu tranh cách mạng kiên
cường của nhân dân Đồng Nai trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp,
đế quốc Mỹ và trong công cuộc xây dựng CNXH dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ
tỉnh Đồng Nai. Kết quả nghiên cứu đã được giới thiệu, phổ biến trong các tài liệu
giáo dục truyền thống về Đảng, về Đoàn cho nhân dân Đồng Nai, trong đó đặc
biệt là đoàn viên thanh niên. Mặt khác, các công trình cũng đã tổng kết thực tiễn,
rút ra những kinh nghiệm quý nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của đảng bộ
trên một số lĩnh vực nhất định như: lãnh đạo đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính
trị, tập hợp thanh niên công nhân ngoài quốc doanh, giáo dục truyển thống cách
mạng...
Tuy nhiên, hầu hết các công trình trên đều chưa đi sâu vào nghiên cứu
một cách hệ thống về vai trò lãnh đạo của đảng bộ Đồng Nai đối với công tác
Đoàn và phong trào thanh niên Đồng Nai trong thời kỳ đổi mới.
3. Mục tiêu và nhiệm vụ của luận văn
3.1. Mục tiêu nghiên cứu
- Làm sáng tỏ vai trò của đảng bộ Đồng Nai đối với công tác Đoàn và
phong trào thanh niên tỉnh Đồng Nai.
- Làm sáng tỏ tình hình công tác Đoàn và phong trào thanh niên Đồng Nai
dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Đồng Nai.
- Bước đầu tổng kết một số kinh nghiệm lịch sử nhằm nâng cao hiệu quả
sự lãnh đạo của đảng bộ đối với công tác Đoàn và phong trào thanh niên Đồng
Nai trong giai đoạn tiếp theo.
3.2. Nhiệm vụ của luận văn
- Tập hợp, hệ thống hóa tư liệu có liên quan đến đề tài từ những nguồn
khác nhau.
- Trình bày những chủ trương, biện pháp của đảng bộ Đồng Nai qua mỗi
giai đoạn lịch sử gắn với những biến động lịch sử cụ thể.
- Đánh giá hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng bộ Đồng Nai đối với công tác
Đoàn và phong trào thanh niên.
4. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
- Sự lãnh đạo của Đảng bộ Đồng Nai đối với công tác Đoàn và phong trào
thanh niên Đồng Nai.
- Những bước phát triển của phong trào thanh niên Đồng Nai qua các giai
đoạn lịch sử.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
- Những thuận lợi, khó khăn của đảng bộ Đồng Nai trong công tác lãnh
đạo Đoàn Thanh niên trong thời kỳ 1986-2002 của sự nghiệp đổi mới.
- Nhận thức của đảng bộ Đồng Nai về vai trò, vị trí của Đoàn Thanh niên
và các tầng lớp thanh niên trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa
phương.
- Những chủ trương và giải pháp cụ thể nhằm đổi mới nội dung, phương
thức hoạt động của Đoàn, việc triển khai thực hiện và những kết quả trong quá
trình thực hiện các giải pháp đó.
5. Nguồn tài liệu và phƣơng pháp nghiên cứu
5.1. Nguồn tài liệu
- Tài liệu thành văn bao gồm: Các sách đã xuất bản của Mác, Ănghen,
Lênin, Hồ Chí Minh bàn về thanh niên; các Nghị quyết của Bộ Chính trị, BCH
Trung ương Đảng, Tỉnh uỷ, UBND Tỉnh Đồng Nai; Trung ương Đoàn TNCS Hồ
Chí Minh; các sách và công trình nghiên cứu về lịch sử đảng bộ và phong trào
thanh niên Đồng Nai; các tài liệu, chương trình công tác của Trung ương Đoàn
và Tỉnh ủy Đồng Nai.
- Tài liệu khai thác qua các nhân chứng lịch sử.
5.2. Phương pháp nghiên cứu
Chủ yếu là phương pháp lịch sử kết hợp với phương pháp lôgic.
Ngoài ra còn sử dụng các phương pháp phân tích và tổng hợp, so sánh,
quy nạp và diễn dịch, phương pháp trừu tượng hóa và cụ thể hóa.
6. Đóng góp của đề tài
Cung cấp tư liệu lịch sử được hệ thống hóa về sự lãnh đạo của Đảng bộ
Đồng Nai đối với công tác Đoàn và phong trào thanh niên trong tỉnh.
Giới thiệu những điểm mạnh, yếu của Đảng bộ Đồng Nai trong quá trình
lãnh đạo công tác thanh niên.
Góp phần tổng kết công tác vận động quần chúng nói chung và thanh niên
nói riêng của Đảng bộ tỉnh.
Sử dụng làm tài liệu giáo dục thế hệ trẻ Đồng Nai về truyền thống của
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Đồng Nai.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài các phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục,
luận văn gồm 3 chương:
Chương 1: Đảng bộ Đồng Nai lãnh đạo công tác đoàn và phong trào
Thanh niên giai đoạn 1986 - 1996.
Chương 2: Đảng bộ Đồng Nai lãnh đạo công tác đoàn và phong trào
thanh niên thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 1996 –
2002.
Chương 3: Một vài nhận xét và kinh nghiệm
Chƣơng 1
ĐẢNG BỘ ĐỒNG NAI LÃNH ĐẠO CÔNG TÁC ĐOÀN
VÀ PHONG TRÀO THANH NIÊN GIAI ĐOẠN 1986-1996
1.1. Đồng Nai - những giá trị truyền thống
Từ năm 1698, Chưởng cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh
Chúa Nguyễn Phúc Chu vào kinh lược xứ Đàng Trong lập nên dinh Trấn Biên
(tiền thân tỉnh Biên Hòa sau này) và dinh Phiên Trấn. Sau nhiều lần tách, nhập
tỉnh Đồng Nai được thành lập từ tháng 1/1976, bao gồm vùng đất các tỉnh: Biên
Hòa, Bà Rịa, Long Khánh và Tân Phú. Năm 1978, tách huyện Duyên Hải về
thành phố Hồ Chí Minh, năm 1979, Vũng Tàu được tách ra thành lập đặc khu
Vũng Tàu - Côn Đảo và năm 1991: 03 huyện ven biển của Tỉnh Đồng Nai được
tách ra, sáp nhập vào Vũng Tàu để lập tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Đến nay tỉnh
Đồng Nai có 11 huyện, thị, thành, dân số 1.982.000 người bao gồm hơn 40 dân
tộc anh em, diện tích rộng 5.866,4km2. Là tỉnh cửa ngõ đi vào vùng đồng bằng
rộng lớn Nam bộ. Đồng Nai có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, quân sự. Vì
vậy, trong lịch sử, người dân Đồng Nai không ngừng đấu tranh chống chọi với
thiên tai, địch họa để sinh tồn và phát triển làm nên một “Hào khí Đồng Nai”,
với những giá trị lịch sử truyền thống quý báu.
1.1.1. Truyền thống chống giặc ngoại xâm
Đồng Nai là nơi diễn ra những trận đánh oai hùng của nghĩa quân Tây
Sơn trên sông Lòng Tàu, tiến về Rạch Gầm, Soài Mút đánh tan 5 vạn quân Xiêm
và 3.000 chiến thuyền vào những năm 1782, 1783 1785; nơi có nhiều tấm gương
đấu tranh chống giặc ngoại xâm kiên cường như: Nguyễn Tri Phương, Trương
Định, Nguyễn Đức Ứng..., nơi diễn ra nhiều trận đánh lẫy lừng: chiến thắng La
Ngà (1/3/1948), phá khám Tân Hiệp (2/12/1956), trận đánh Nhà Xanh
(7/7/1959), tổng kho Long Bình ( tháng 2 - 3/1967; 12/8/1972), sân bay Biên
Hòa (31/10/1964)... đó là niềm tự hào mà nhân dân, đặc biệt là thanh niên Đồng
Nai luôn trân trọng giữ gìn và phát huy trong quá trình tham gia bảo vệ Tổ quốc
XHCN và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương.
1.1.2. Tinh thần cần cù, sáng tạo, đoàn kết tương thân tương ái trong
lao động sản xuất
Sách “Đại Nam nhất thống chí ” còn ghi chép lại những nét văn hóa của
con người Biên Hòa, Đồng Nai trong lao động sinh hoạt “đất đai màu mỡ, sinh
sống dễ dàng, kẻ sỹ chăm học, dân siêng canh cửi”.
Ngoài việc khẩn hoang trồng nông nghiệp người dân Biên Hòa-Đồng Nai
còn phát triển mạnh mẽ các nghề thủ công truyền thống, mở mang thương cảng
“Nông nại đại phố” sầm uất. Trong những năm gần đây, Đồng Nai đã biết phát
huy thế mạnh kinh tế của tỉnh và truyền thống cần cù sáng tạo của người lao
động nên đã thu hút rất nhiều dự án của những nhà đầu tư trong và ngoài nước,
phấn đấu xây dựng Đồng Nai thành một tỉnh công nghiệp vào năm 2010.
1.1.3. Truyền thống văn hóa
Người dân Biên Hòa - Đồng Nai luôn tự hào là nơi có văn miếu Trấn Biên
được xây dựng đầu tiên ở phía Nam (1775), nơi có nhà văn hóa Trịnh Hoài Đức
là một trong Gia Định tam gia, nơi có đời sống văn hóa khá phong phú qua các
lễ nghi thờ cúng ông bà tổ tiên, có nhiều di tích văn hóa: đền chùa, đài kỷ niệm,
lăng mộ..., nơi xuất hiện nhiều nhà văn, nhà thơ cách mạng tiêu biểu như Bình
Nguyên Lộc, Dương Tử Giang, Hoàng Văn Bổn, Lương Văn Lực, Lý Văn
Sâm...
Kế thừa những truyền thống quý báu của người dân Biên Hòa - Đồng Nai,
trong giai đoạn hội nhập cộng đồng thế giới, Đồng Nai vẫn không ngừng phát
huy những giá trị truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc góp phần tích
cực vào sự phát triển tiềm năng kinh tế mạnh mẽ, xây dựng Đồng Nai thành tỉnh
công nghiệp trong tương lai.
1.2. Yêu cầu của sự nghiệp đổi mới với công tác đoàn và phong trào
thanh niên Đồng Nai
1.2.1. Đặc điểm phong trào thanh niên Đồng Nai trước năm 1986
Trước năm 1986, mặc dù Đảng có nhiều chủ trương đổi mới cục bộ,
nhưng nền kinh tế rơi vào tình trạng khủng hoảng làm cho tình hình đất nước
gặp nhiều khó khăn: lạm phát tăng vọt trở thành siêu lạm phát (774,7%) đời sống
của nhân dân, nhất là những người hưởng lương gặp nhiều khó khăn. Hiện tượng
tiêu cực trong xã hội ngày càng nhiều, công bằng xã hội bị vi phạm, pháp luật kỷ
cương không nghiêm, quần chúng giảm lòng tin đối với vai trò lãnh đạo của
Đảng và điều hành của Nhà nước. Đồng Nai cũng không thoát khỏi tình trạng
chung của cả nước: sản xuất đình đốn, thanh niên thiếu việc làm, tệ nạn xã hội
gia tăng, các tổ chức phản động trỗi dậy hoạt động chống phá cách mạng trong
đó có tổ chức “Lực lượng nghĩa quân phục quốc” của Trần Cao Hùng, một thiếu
úy ngụy quân trốn cải tạo, bị Công an Sông Bé (nay là Bình Dương) truy nã về
tội cầm đầu tổ chức phản cánh mạng đã chạy dạt về Đồng Nai, tập hợp lực
lượng, lập mật khu tại xã Phú Lộc, huyện Tân Phú.
Trước tình hình đó, đảng bộ tỉnh đã có nhiều chủ trương quan trọng, trong
đó có chủ trương xây dựng Đoàn vững mạnh về mọi mặt , phát huy vai trò của
tuổi trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đáng chú ý là công tác tổ
chức, được đảng bộ quan tâm chỉ đạo cho Đoàn thanh niên thực hiện nghiêm túc
Nghị quyết Đại hội lần III đảng bộ tỉnh là Phải kiện toàn, củng cố bộ máy BCH
Đoàn từ tỉnh đến tận cơ sở để đủ sức phát huy quyền làm chủ tập thể của tuổi
trẻ. Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tập trung
chỉ đạo các cơ sở Đoàn khắc phục tình trạng yếu kém trong công tác xây dựng
Đoàn, đoàn kết tập hợp thanh niên, đề ra các giải pháp nhằm động viên lực
lượng trẻ xung kích, đi đầu và sáng tạo thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ của
kế hoạch 5 năm lần thứ 3 (1981-1985), ra sức học tập và rèn luyện xây dựng
cuộc sống mới, con người mới XHCN, hăng hái thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ
quốc, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tuy có nhiều cố gắng trong công tác xây dựng Đoàn, Hội, phát triển thực
lực đoàn viên, hội viên nhưng so với yêu cầu nhiệm vụ của phong trào Đoàn có
nhiều bất cập, trong đó đáng chú ý là sự mất cân đối nghiêm trọng trong lực
lượng đoàn viên nông thôn (đoàn viên nông thôn chỉ đạt 0,8% so với tổng số
đoàn viên toàn tỉnh, trong lúc chiếm đến 74% thanh niên toàn tỉnh). Trong khu
vực công nghiệp và các công ty cao su, đoàn viên chiếm tỷ lệ 30% so với tổng số
thanh niên, còn trong khu vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp, số lượng đoàn viên
không đáng kể.
Trước những khó khăn về đời sống và tệ nạn xã hội có chiều hướng gia
tăng, trước những âm mưu phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch, một bộ
phận không nhỏ đoàn viên thanh niên có những biểu hiện giảm sút ý chí phấn
đấu vươn lên, thậm chí còn hoài nghi về con đường đi lên CNXH, mất lòng tin
vào sự lãnh đạo của Đảng, có nhiều hành vi tiêu cực: thiếu trách nhiệm công
dân, trốn tránh nghĩa vụ, sống buông thả, nhất là trong một bộ phận khá đông
thanh niên chưa có việc làm hoặc không muốn lao động, đã phát sinh nhiều kiểu
sống thiếu lành mạnh, phi đạo đức, thậm chí vi phạm pháp luật nghiêm trọng:
cướp của, giết người...
Nhận rõ vai trò của Đoàn và trách nhiệm trước Đảng, trước Nhà nước.
Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ chăm
lo xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở của Đoàn cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ
chức. Đặc biệt, các cấp bộ Đoàn đã quan tâm đẩy mạnh công tác giáo dục chính
trị tư tưởng sâu rộng trong đoàn viên, thanh niên, làm chuyển biến một bước về
nhận thức của đoàn viên, thanh niên về tình hình và nhiệm vụ của cách mạng, về
vai trò và trách nhiệm của đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
trong việc thực hiện nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN
nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng.
Thông qua việc triển khai chương trình giáo dục lý luận chính trị cơ bản
cho đoàn viên thanh niên, hơn 300 cơ sở Đoàn đã sáng tạo nhiều hình thức sinh
động giúp cho hơn 15.000 đoàn viên thanh niên không chỉ tìm hiểu, nắm vững
nội dung cơ bản của 5 bài học chính trị theo quy định mà còn quán triệt đường
lối chính sách của Đảng, những chủ trương, giải pháp của Tỉnh ủy về phát triển
kinh tế xã hội của tỉnh trong từng giai đoạn. Trong số các mô hình giáo dục sáng
tạo của Đoàn có mô hình “Hội thi tuyên truyền viên trẻ của Thành phố Biên Hòa
và đợt sinh hoạt chính trị “Tôi - Người đoàn viên thanh niên Cộng sản Hồ Chí
Minh” của Thành đoàn Biên Hòa, Long Khánh và các đoàn trực thuộc đã được
đông đảo đoàn viên thanh niên hưởng ứng, góp phần nâng cao ý thức trách
nhiệm của đông đảo cán bộ, đoàn viên đối với tập thể, gia đình và xã hội.
Cùng với việc nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng,
Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã đẩy mạnh công tác xây dựng cơ sở Đoàn về mặt tổ
chức theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần IV “Tổ chức toàn bộ
thế hệ trẻ do Đoàn làm nòng cốt” và Nghị quyết Đại hội Tỉnh đảng bộ lần III.
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy và Trung ương Đoàn, Ban Thường vụ Tỉnh
Đoàn đã triển khai mạnh mẽ cuộc vận động “Nâng cao chất lượng đoàn viên,
xây dựng cơ sở Đoàn vững mạnh, tiến tới trao thẻ đoàn viên” theo 5 nhiệm vụ
của tổ chức đoàn cơ sở và 5 nhiệm vụ của đoàn viên. Tuy nhiên, bên cạnh những
ưu điểm đạt được trong quá trình chỉ đạo cuộc vận động, còn bộc lộ những hạn
chế: chỉ đạo thiếu chặt chẽ, chạy theo hình thức, đấu tranh phê bình và tự phê
bình khi xét tư cách đoàn viên chưa cao, còn nể nang... nên đã ảnh hưởng nhiều
đến kết quả cuộc vận động. Do vậy, ở một số cơ sở Đoàn, sau khi trao thẻ cho
đoàn viên đã lâm vào tình trạng sa sút trên nhiều mặt, không thực hiện được vai
trò nòng cốt trong tổ chức và động viên thanh niên thực hiện những nhiệm vụ
chính trị của Đoàn; đoàn viên thì không tích cực tham gia các phong trào do
Đoàn phát động, thậm chí bỏ sinh hoạt Đoàn. Tỷ lệ cơ sở đoàn và đoàn viên
tham gia cuộc vận động vẫn còn thấp. Từ 1981-1985, trong toàn tỉnh chỉ có
62,84% cơ sở đoàn và 54,32% đoàn viên tham gia.
Tuy số lượng phát triển đoàn viên hàng năm tăng lên (năm 1981: 2246
đoàn viên mới, năm 1982: 3413 đoàn viên mới năm 1983: 4461 đoàn viên mới, 9
tháng đầu năm 1984: 6.600 đoàn viên mới) nhưng tỷ lệ đoàn viên so với tổng số
thanh niên vẫn còn thấp (chỉ đạt 8,88%), cơ cấu lực lượng đoàn viên trong toàn
tỉnh vẫn còn mất cân đối nghiêm trọng. Trong tổng số 33.447 đoàn viên chỉ có
9.363 đoàn viên sinh hoạt ở khu phố, nông thôn, 650 đoàn viên làm việc trong
hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp.
Để khắc phục tình trạng khó khăn trong công tác xây dựng đoàn, Tỉnh ủy
chỉ đạo Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đổi mới tổ chức và hành động, tập trung
nghiên cứu áp dụng nhiều giải pháp tích cực trên các mặt công tác của Đoàn
thông qua việc thực hiện 6 chương trình hành động của Đoàn:
- Chương trình học tập, rèn luyện và xây dựng cuộc sống mới.
- Chương trình tuổi trẻ lao động sáng tạo và tiết kiệm.
- Chương trình tuổi trẻ xung kích trên mặt trận sản xuất nông nghiệp,
trong đó mũi nhọn là sản xuất lương thực.
- Chương trình phân phối lưu thông và quản lý thị trường.
- Chương trình hướng nghiệp và giải quyết việc làm cho thanh niên.
- Chương trình tuổi trẻ xung kích bảo vệ quốc phòng, bảo vệ an ninh Tổ
quốc.
Trong mỗi chương trình hành động, tổ chức đoàn các cấp đều có những
biện pháp cụ thể nhằm phát huy mọi tiềm năng trong thanh niên và xã hội, phục
vụ cho việc thực hiện thắng lợi các chương trình hành động của đoàn. Trong đó,
trước tiên là tập trung việc xây dựng củng cố tổ chức cơ sở của đoàn trở thành
hạt nhân tổ chức, động viên đoàn viên thanh niên phát huy vai trò xung kích,
sáng tạo thực hiện các nghị quyết, chủ trương của Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Đó là
cơ sở để Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tiếp tục chỉ đạo phong trào thanh niên trong
những giai đoạn tiếp theo.
1.2.2. Những chủ trương của Đảng, Trung ương Đoàn và trách nhiệm
của tổ chức đoàn và đoàn viên thanh niên trong sự nghiệp đổi mới
Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam đã chứng minh: Đảng luôn tin tưởng ở
thanh niên, luôn quan tâm, động viên cổ vũ phong trào và thường xuyên lãnh đạo
đoàn thanh niên. Tại Đại hội đại biểu Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
lần VI (1992), Đồng chí Đỗ Mười, Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng
sản Việt Nam đã xác định: “Lịch sử dân tộc chứng minh rằng ở bất kỳ thời kỳ
nào, thanh niên với chí tiến thủ và hoài bão lớn, với lòng yêu nước nồng nàn,
luôn đi đầu đáp ứng những đòi hỏi của đất nước” [60, tr.9].
Trong giai đoạn đổi mới đất nước, nền kinh tế - xã hội nước ta đứng trước
những khó khăn mới gay gắt và phức tạp. Đến giữa những năm 80, đã rơi vào
khủng hoảng kinh tế - xã hội: sản xuất tăng chậm, hiệu quả sản xuất và đầu tư
thấp, lạm phát ở mức độ cao, ngân sách thâm hụt, phân phối lưu thông rối ren,
quan hệ sản xuất XHCN chậm được củng cố, đời sống nhân dân lao động còn
nhiều khó khăn, hiện tượng tiêu cực xảy ra ở nhiều nơi, quần chúng giảm lòng
tin đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của Nhà nước.
Để khắc phục những sai lầm khuyết điểm đó, tạo sự chuyển biến cơ bản
cho cách mạng nước ta trên con đường đi lên CNXH. Tháng 12/1986, Đại hội
Đại biểu Toàn quốc của Đảng với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đã đánh giá
đúng mức những thành tựu đạt được trong 10 năm xây dựng CNXH và bảo vệ
Tổ quốc, đánh giá đúng những tồn tại và nghiêm khắc tự phê bình sai lầm,
khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo quản lý của Đảng và Nhà nước.
Thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta là lâu dài, khó khăn, phải trải qua
nhiều chặng đường và nhiệm vụ bao trùm, mục tiêu tổng quát của chặng đường
đầu tiên là ổn định mọi mặt tình hình kinh tế - xã hội, tiếp tục xây dựng những
tiền đề cần thiết cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa trong chặng đường tiếp
theo.
Đại hội đề ra 5 mục tiêu cụ thể trong những năm còn lại của chặng đường
đầu tiên:
1) Sản xuất đủ tiêu dùng và có tích lũy.
2) Bước đầu tạo ra cơ cấu kinh tế hợp lý nhằm phát triển sản xuất.
3) Xây dựng và hoàn thiện một bước quan hệ sản xuất mới phù hợp với
tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.
4) Tạo sự chuyển biến tốt về mặt xã hội.
5) Bảo đảm nhu cầu củng cố quốc phòng an ninh .
Để thực hiện những nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang mà Đảng đã tin cậy
giao phó trong công cuộc đổi mới đất nước, thấm nhuần lời dạy của Bác khi nói
về giáo dục đoàn viên thanh niên: “... chúng ta không một phút nào quên được lý
tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho Tổ quốc ta hoàn toàn độc lập, cho Chủ
nghĩa xã hội hoàn toàn thắng lợi trên đất nước ta...” [57, tr.20], Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ V Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (11/1987) đã nhất
trí nêu cao quyết tâm thực hiện khẩu hiệu: “ Sống chiến đấu lao động và học tập
theo gương Bác Hồ vĩ đại” góp phần hoàn thành thắng lợi 3 chương trình kinh
tế, đấu tranh chống tiêu cực, thực hiện dân chủ và công bằng xã hội nhằm hoàn
thành nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Đại hội đề ra phương hướng,
nhiệm vụ chung của công tác đoàn và phong trào thanh niên nước ta từ năm
1987 đến năm 1991 với nội dung chủ yếu là:
- Động viên tuổi trẻ cả nước tạo ra phong trào hành động cách mạng sôi
nổi, rộng khắp nhằm thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược, ba chương trình kinh tế
lớn, hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.
- Thông qua lao động, học tập và chiến đấu để bảo vệ, xây dựng cuộc
sống mới mà đào tạo, bồi dưỡng cho thanh niên những phẩm chất của con người
mới, sống có lý tưởng và đạo đức cách mạng, khát vọng vươn lên, kế tục trung
thành sự nghiệp cách mạng quang vinh của Đảng và nhân dân giao phó.
- Không ngừng nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đoàn, đổi mới nhận
thức nội dung và phương thức công tác Đoàn, đổi mới tổ chức và phong cách
chuyển hướng mạnh về cơ sở nhằm tập hợp đoàn kết thanh niên và chăm sóc
thiếu niên nhi đồng. Xây dựng đoàn vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Động viên tuổi trẻ lập thành tích chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày thành lập
Đảng Cộng sản Việt Nam và 100 năm ngày sinh của Bác Hồ vĩ đại.
- Tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết và sự hợp tác toàn diện với thanh
niên Liên Xô, Lào, Cămpuchia và các nước XHCN anh em, với thanh niên tiến
bộ và dân chủ trên thế giới.
- Động viên đoàn viên thanh niên tham gia tích cực vào công cuộc đổi
mới của đất nước. Đoàn phải tự đổi mới hoạt động của mình.
Để thực hiện những nhiệm vụ trên Đại hội quyết định tiếp tục phát triển
phong trào “Tuổi trẻ xung kích, sáng tạo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và triển
khai trong thanh niên 4 chương trình hành động cách mạng:
1) Tuổi trẻ xung kích và sáng tạo trên mặt trận kinh tế, thực hiện thắng lợi
03 chương trình mục tiêu về lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng
xuất khẩu.
2) Tuổi trẻ đi đầu thực hiện các chính sách xã hội và đấu tranh cho công
bằng xã hội.
3) Tuổi trẻ xung kích trên mặt trận quốc phòng, an ninh bảo vệ Tổ quốc.
4) Tuổi trẻ học tập và tiến quân vào khoa học kỹ thuật.
Đồng Nai trong những năm đầu đổi mới cũng lâm vào tình trạng khó
khăn. Trong bối cảnh đó, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV (1986) đã xác định
những mục tiêu, nhiệm vụ của đảng bộ trong giai đoạn 1986 - 1991 với những
nội dung cơ bản sau:
1) Trên lĩnh vực kinh tế:
Tập trung giải quyết cơ bản vấn đề lương thực gắn với nhiệm vụ phát
triển nông sản hàng hóa, gắn với cơ chế thị trường, từng bước đưa nền sản xuất
nông nghiệp của tỉnh từ sản xuất tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa và cơ bản
giải quyết được nhu cầu lương thực, thực phẩm có phần xuất khẩu.
Tăng cường các giải pháp đầu tư, thu hút vốn nước ngoài đầu tư vào Đồng
Nai, chú ý điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo hướng chủ yếu cho cơ sở sản xuất trọng
điểm, xây dựng cơ sở hạ tầng cho các công trình phục vụ 3 chương trình kinh tế.
Thực hiện đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, phát triển kinh tế hàng hóa
nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước.
2) Thực hiện các chính sách xã hội
Từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân lao động,
nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, coi trọng công tác chăm sóc sức khỏe
ban đầu cho nhân dân và trẻ em. Tiến hành đổi mới các hoạt động về văn hóa,
văn nghệ, TDTT, thông tin, truyền thanh, truyền hình, xuất bản báo chí, tạo điều
kiện nâng cao dân trí và phục vụ nhiệm vụ chính trị của đảng bộ.
3) Bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh quốc gia và bảo vệ
pháp luật XHCN.
4) Từng bước đổi mới hệ thống chính trị và dân chủ XHCN, cải tiến mối
quan hệ giữa Đảng, Chính quyền và các đoàn thể nhân dân, đề cao vai trò của
Mặt trận các đoàn thể.
5) Từng bước kiện toàn hệ thống tổ chức, đổi mới công tác cán bộ, cải
tiến phong cách lãnh đạo của cấp ủy Đảng các cấp, chỉnh đốn làm trong sạch và
nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đủ sức lãnh đạo thực
hiện sự nghiệp đổi mới của Đảng.
Trong những năm 1987 - 1992, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn đã tiến
hành 8 kỳ họp, có những kỳ họp đã dành thời gian bàn sâu về các chuyên đề
như: Công tác tư tưởng và tổ chức của Đoàn, công tác tập hợp và đoàn kết thanh
niên, củng cố và xây dựng Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam, góp phần tích
cực vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và sự nghiệp đổi mới của Đảng, cụ
thể là:
Phong trào: “Tuổi trẻ xung kích, sáng tạo, Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”
được tập trung vào 4 chương trình hành động cách mạng của Đoàn.
Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tháng 12/1989, Bộ Nông nghiệp và
Công nghiệp thực phẩm cùng Ban Bí thư Trung ương Đoàn ra Chỉ thị 04/CTLT
phát động phong trào “Thanh niên nông thôn sản xuất kinh doanh giỏi” và chỉ
đạo các cấp bộ Đoàn tổ chức triển khai sâu rộng trong đoàn viên thanh niên.
Phong trào đã được sự hưởng ứng mạnh mẽ của 9 triệu đoàn viên thanh niên, có
trên 5 vạn thanh niên nông thôn đạt thu nhập trên 5 triệu đồng/1 năm. Chính nhờ
những kết quả đạt được mà nhiều tổ chức Đoàn đã được Đảng, nhà nước chủ
động tạo cơ chế, chính sách để đoàn viên thanh niên có điều kiện đẩy mạnh
phong trào sản xuất kinh doanh giỏi.
Trong lĩnh vực công nghiệp, tháng 01/1992, Ban Bí thư Trung ương Đoàn
đã phối hợp với Bộ Công nghiệp nhẹ phát động phong trào “Chất lượng tốt, kiểu
dáng đẹp, tiết kiệm hạ giá thành” gọi tắt là “C.K.T”. Theo chỉ đạo của Ban Bí
thư Trung ương đoàn, phong trào đã thu hút 500 cơ sở công nghiệp Trung ương
và hơn 2.500 xí nghiệp địa phương, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tham gia.
Tổ chức Đoàn đã biểu dương kịp thời những cơ sở Đoàn có phong trào tốt,
những Đoàn viên thanh niên đạt danh hiệu “Bàn tay vàng”.
Trên mặt trận quốc phòng an ninh, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã chỉ
đạo các cơ sở Đoàn trong lực lượng vũ trang tích cực hưởng ứng phong trào:
“Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, “thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”, “vì điểm tựa tiền
tiêu”. Phong trào thu hút 80% đoàn viên thanh niên quân đội tích cực tham gia.
Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Ban Bí thư Trung ương Đoàn thanh
niên Cộng sản Hồ Chí Minh chỉ đạo các cấp bộ đoàn phải luôn phấn đấu tự đổi
mới bản thân để làm tròn sứ mệnh tập hợp, đoàn kết thanh niên thành lực lượng
vững chắc, phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh;
chú ý tập trung thực hiện dân chủ hóa trong sinh hoạt, nơi có điều kiện thì bầu
trực tiếp Bí thư Đoàn tại Đại hội. Riêng quân đội có 100% cơ sở đoàn bầu trực
tiếp Bí thư đoàn tại đại hội.
Trong công tác tập hợp đoàn kết thanh niên, Trung ương Đoàn chỉ đạo
phải từng bước đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt của Hội LHTN có
những cải tiến phù hợp với điều kiện mới. Thông qua việc tập hợp thanh niên,
Đoàn chủ động tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ thanh niên, giải quyết những
vấn đề chính đáng như lập quỹ “Hỗ trợ tài năng trẻ”, quỹ “ Học bổng Sinh
viên”, quỹ “ Vì tuổi thơ”; lập văn phòng giới thiệu việc làm, các trung tâm dạy
nghề thanh niên... giúp thanh niên tìm việc làm và dạy nghề cho thanh niên.
Cuộc vận động “Xây dựng chi đoàn mạnh” do Hội nghị lần thứ 2 BCH
Trung ương Đoàn (khóa V) phát động nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt
động của tổ chức cơ sở, đồng thời nâng cao chất lượng đoàn viên, làm tốt công
tác tập hợp, đoàn kết thanh niên.
Để phát động phong trào thi đua làm theo lời Bác, nhằm tiến tới lễ kỷ
niệm 100 năm ngày sinh của Bác Hồ kính yêu, ngày 19/5/1988, Hội nghị lần 1
Ban Thường vụ Trung ương đoàn khóa V đã có Nghị quyết về “Động viên tuổi
trẻ cả nước đẩy mạnh các hoạt động tiến tới kỷ niệm 100 năm ngày sinh của
Bác” và phát động phong trào “Làm theo lời Bác” nhằm bồi dưỡng lý tưởng
cách mạng và niềm tin đối với con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Nhiều
hoạt động phong phú được các cấp bộ Đoàn tổ chức thu hút khá đông đoàn viên,
thanh thiếu niên tham gia như “Bác Hồ với thanh niên và thiếu nhi”, phong trào
“Nói lời hay, làm việc tốt”, “Xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ”, “Đại hội thanh
niên xuất sắc làm theo lời Bác”. Qua đó, đã khẳng định những cống hiến tích
cực của đoàn viên, thanh niên trong lao động, học tập và rèn luyện để trở thành
những người có ích cho xã hội, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân ổn định đời
sống và phát triển sản xuất.
Cuộc vận động 03 mục tiêu: dân số, sức khỏe, môi trường là cuộc vận
động nhằm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 BCH Trung ương Đoàn
khóa V (1988) về giáo dục hôn nhân và gia đình, về kế hoạch hóa, phát triển dân
số, vừa là nội dung giáo dục mới, quan trọng đối với tuổi trẻ, vừa là một biện
pháp cấp bách mà toàn đoàn phải tổ chức thực hiện để góp phần tạo ra phong
trào thanh niên xung kích trên mặt trận kinh tế xã hội.
Sau Hội nghị lần 2 BCH Trung ương đoàn khóa V, các cấp bộ đoàn cần
xây dựng nhiều chương trình hoạt động nhằm thực hiện 3 nội dung giáo dục về
dân số, kế hoạch hóa gia đình:
Nâng cao nhận thức trong đoàn viên, thanh niên về dân số - sức khỏe môi trường.
Thực hiện mô hình mỗi gia đình trẻ chỉ có từ 1đến 2 con.
Mỗi đoàn viên, thanh niên là một tuyên truyền viên tích cực về dân số,
sức khỏe, môi trường.
Bên cạnh các phong trào và cuộc vận động 3 mục tiêu dân số - kế hoạch
hóa gia đình, Trung ương Đoàn còn chỉ đạo đổi mới hoạt động của đoàn trên các
lĩnh vực đời sống xã hội, quan tâm đến đời sống của tuổi trẻ, sáng tạo các mô
hình hay như:
Xây dựng lực lượng thanh niên xung phong xây dựng kinh tế, nhằm vận
động đoàn viên, thanh niên đi đầu trong khai hoang, phục hóa, trồng rừng, xây
dựng đường giao thông nông thôn, xây dựng các vùng kinh tế mới.
Xây dựng các trung tâm giới thiệu việc làm cho thanh niên, nhằm giáo
dục hướng nghiệp, dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên.
Tiếp tục đầu tư cho nhà thiếu nhi cấp tỉnh, huyện theo mô hình hoạt động
giáo dục tổng hợp.
Trong 5 năm từ 1987 - 1992, mặc dù đứng trước những diễn biến phức tạp
của tình hình thế giới và những khó khăn trong nước, nhưng Đoàn thanh niên
Cộng sản Hồ Chí Minh và thế hệ trẻ Việt Nam vẫn tiếp tục phát huy bản chất tốt
đẹp, truyền thống cách mạng của cha anh, kiên định lý tưởng cách mạng của
Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, luôn nắm vững quan điểm, đường lối
của Đảng, trên cơ sở đó định hướng cho quá trình hoạt động và đổi mới của đoàn
và phong trào thanh niên.
Những năm 1990, trong khi thế giới đang có những chuyển động phức tạp
và đầy thử thách: sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu, sự chống
phá cách mạng của các thế lực thù địch... Đảng ta vẫn luôn kiên định con đường
độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đại hội Đảng toàn quốc lần VII đã đề ra
đường lối và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000 và khẳng định
tiếp tục thực hiện sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng XHCN.
Trong bối cảnh đó, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VI (10/1992) đã quyết
định những phương hướng nhiệm vụ quan trọng giai đoạn 1992 - 1997. Trong đó
tập trung cho việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Đoàn, tiếp tục
phát triển mạnh mẽ phong trào thanh niên. Trước hết các cấp bộ đoàn cần thực
hiện các công việc sau:
Tăng cường tính tự chủ về tổ chức và hoạt động dưới sự lãnh đạo của
Đảng, tăng cường khả năng đại diện, bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ của tuổi trẻ,
nâng cao chất lượng cán bộ, đoàn viên...
Điều chỉnh cơ cấu tổ chức cho phù hợp với mô hình mới của Đoàn, với cơ
chế quản lý mới và đáp ứng với yêu cầu mới của công tác thanh niên...
Đổi mới nội dung phương thức hoạt động theo những hướng sau:
- Đổi mới quan hệ giữa Đoàn và thanh niên.
- Chuyển đổi phong cách hoạt động, công tác, từ phong cách hành chính
quan liêu, hình thức sang cách làm mới có điều tra, nghiên cứu, tính toán hiệu
quả, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của từng đoàn viên, thanh niên và
đoàn cơ sở.
- Các phương pháp công tác có tính truyền thống của Đoàn... cần được
tiếp tục kế thừa và phát triển; đồng thời đề xuất chính sách và tạo điều kiện cho
thanh niên thực hiện nhiệm vụ.
- Kết hợp việc tác động vào các tập thể lớn với việc tác động trực tiếp đến
từng người.
- Khắc phục tình trạng đơn điệu, lạc hậu trong phương thức hoạt động,
từng bước đa dạng hóa, xã hội hóa, hiện đại hóa các công cụ, phương tiện giáo
dục và tập hợp thanh, thiếu niên.
Về những biện pháp lớn, Đại hội Đoàn lần VI đã chỉ rõ:
Một là: Tăng cường công tác chính trị tư tưởng trong toàn Đoàn một cách
thường xuyên với những biện pháp có hiệu quả.
Hai là: Tiến hành củng cố, nâng cao chất lượng đoàn viên, chi đoàn và
Đoàn cơ sở
Ba là: Phát triển mạnh mẽ, đa dạng hóa các hình thức tổ chức và hoạt
động tập hợp đoàn viên, đoàn kết thanh niên.
Bốn là: Xây dựng đội ngũ cán bộ, sắp xếp lại bộ máy từ Trung ương đến
tỉnh, huyện.
Năm là: Tích cực tham gia xây dựng Đảng, tham gia quản lý kinh tế - xã
hội xây dựng nhà nước pháp quyền và chính quyền các cấp.
Sáu là: Xây dựng cơ sở vật chất và tạo nguồn kinh phí hoạt động của
Đoàn.
Bảy là: Đổi mới phong cách chỉ đạo và tăng cường công tác nghiên cứu lý
luận vận động thanh niên.
Đại hội đã thảo luận và nhất trí với bốn chương trình hành động của Đoàn
tham gia thực hiện chiến lược kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc:
- Chương trình thanh niên làm kinh tế, tham gia giải quyết việc làm.
- Chương trình tham gia bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh trật tự và an toàn
xã hội.
- Chương trình thanh niên học tập và sáng tạo, tích cực tham gia phát triển
văn hóa, thực hiện chính sách xã hội.
- Chương trình xây dựng Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh và chăm
sóc giáo dục thiếu nhi.
Khẩu hiệu hành động trong toàn Đoàn được Đại hội quyết định là: “Đoàn
kết, xung kích, sáng tạo vì dân giàu nước mạnh, vì hạnh phúc của tuổi trẻ và
nhân dân” [34, tr.80].
Sau Đại hội, Ban Thường vụ Trung ương Đoàn đã tập trung chỉ đạo các
cấp bộ đoàn triển khai nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VI và quyết