Tải bản đầy đủ (.pdf) (196 trang)

Quá trình hình thành, phát triển cộng đồng người việt ở thái lan

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (5.95 MB, 196 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH

HÀ NGUYÊN KHOA

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN
CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT Ở THÁI LAN

LUẬN ÁN TIẾN SĨ LỊCH SỬ

NGHỆ AN - 2016


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH

HÀ NGUYÊN KHOA

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN
CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT Ở THÁI LAN
Chuyên ngành: Lịch sử thế giới
Mã số: 62.22.03.11

LUẬN ÁN TIẾN SĨ LỊCH SỬ

Người hướng dẫn khoa học:
PGS. TS. NGUYỄN CÔNG KHANH
PGS. TS. HOÀNG KHẮC NAM

NGHỆ AN - 2016



MỤC LỤC
Trang
MỞ ĐẦU ............................................................................................................... 1
1. Lí do chọn đề tài............................................................................................. 1
2. Mục tiêu và nhiệm vụ của luận án ................................................................. 2
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu.................................................................. 3
4. Nguồn tài liệu, phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu .................... 4
5. Đóng góp của luận án..................................................................................... 5
6. Bố cục của luận án ......................................................................................... 5
NỘI DUNG............................................................................................................ 6
Chương 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU .................................. 6
1.1. Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài ............................................................ 6
1.1.1. Tình hình nghiên cứu ở Thái Lan ........................................................ 6
1.1.2. Tình hình nghiên cứu ở các nước khác .............................................. 10
1.2. Tình hình nghiên cứu ở Việt Nam ............................................................ 11
1.2.1. Các công trình về lịch sử Thái Lan và Việt Nam liên quan đến
vấn cộng đồng người Việt ở Thái Lan ............................................. 11
1.2.2. Các công nghiên cứu về cộng đồng người Việt ở Thái Lan .............. 12
1.3. Những vấn đề tồn tại và những vấn đề luận án tập trung giải quyết ........ 17
1.3.1. Những vấn đề tồn tại .......................................................................... 17
1.3.2. Những vấn đề luận án tập trung giải quyết ........................................ 17
Chương 2. QUÁ TRÌNH DI CƯ VÀ HÌNH THÀNH CỘNG ĐỒNG ........... 19
2.1. Một số vấn đề về cộng đồng và lý thuyết di cư ........................................ 19
2.1.1. Khái niệm cộng đồng ......................................................................... 19
2.1.2. Một số vấn đề về lí thuyết di cư......................................................... 21
2.2. Khái quát về đất nước Thái Lan và các khu vực có người Việt sinh sống ..... 22
2.2.1. Khái quát về đất nước Thái Lan ........................................................ 22
2.2.2. Khái quát về các khu vực có người Việt sinh sống ........................... 23
2.3. Những đợt di cư của người Việt sang Thái Lan từ thế kỷ XVII đến

đầu thế kỷ XX .................................................................................................. 26
2.3.1. Tình hình Thái Lan và Việt Nam từ thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XX ..... 26


2.3.2. Những đợt di cư của người Việt vào Thái Lan từ thế kỷ XVII
đến đầu thế kỷ XX............................................................................ 28
2.3.2.1. Những đợt di cư trong thế kỷ XVII ............................................ 28
2.3.2.2. Những đợt di cư trong thế kỷ XVIII ........................................... 29
2.3.2.3. Những đợt di cư trong thế kỷ XIX ............................................. 31
2.3.2.4. Những đợt di cư từ đầu thế kỷ XX đến cuối Chiến tranh
thế giới thứ nhất ........................................................................ 32
2.3.2.5. Nguyên nhân các đợt di cư ......................................................... 33
2.4. Những hoạt động của cộng đồng người Việt ở Thái Lan ......................... 35
2.4.1. Các hoạt động kinh tế ........................................................................ 35
2.4.2. Hoạt động văn hóa - xã hội ................................................................ 37
2.4.3. Hoạt động chính trị dưới ảnh hưởng của Phan Bội Châu và
Đặng Thúc Hứa ................................................................................ 41
Tiểu kết chương 2 ............................................................................................ 46
Chương 3. SỰ BIẾN ĐỘNG TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN
CỦA CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT Ở THÁI LAN TỪ ĐẦU THẾ KỶ XX
ĐẾN ĐẦU THẾ KỶ XXI ................................................................................... 48
3.1. Sự phát triển của cộng đồng người Việt từ sau Chiến tranh thế giới
thứ nhất đến năm 1945 ..................................................................................... 48
3.1.1. Bối cảnh lịch sử...................................................................................... 48
3.1.2. Sự gia tăng số lượng người Việt sang Thái Lan sau các đợt di
cư từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất đến 1945 ............................ 49
3.1.3. Những chuyển biến về kinh tế và văn hóa vật chất của cộng
đồng người Việt ở Thái Lan ............................................................. 50
3.1.3.1. Hoạt động kinh tế ...................................................................... 50
3.1.3.2. Văn hóa vật chất ........................................................................ 52

3.1.4. Hoạt động văn hóa xã hội của cộng đồng người Việt ở Thái Lan
từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất đến 1945 ................................. 53
3.1.5. Hoạt động chính trị của cộng đồng người Việt ở Thái Lan từ
sau chiến tranh thế giới thứ nhất đến 1945 ...................................... 56
3.1.5.1. Hoạt động yêu nước của người Việt từ sau chiến tranh thế
giới thứ nhất đến năm 1925 ...................................................... 56


3.1.5.2. Hoạt động dưới ảnh hưởng của Nguyễn Ái Quốc và Đảng
Cộng sản Đông Dương.............................................................. 57
3.2. Sự phát triển của cộng đồng người Việt từ năm 1946 đến thập niên
đầu thế kỷ XXI ................................................................................................. 67
3.2.1. Bối cảnh lịch sử ................................................................................. 67
3.2.2. Sự biến động về dân cư sau các đợt chuyển cư, hồi cư ..................... 68
3.2.3. Hoạt động kinh tế và văn hóa vật chất của cộng đồng người
Việt ở Thái Lan từ năm 1946 đến thập niên đầu thế kỷ XXI........... 71
3.2.3.1. Hoạt động kinh tế ...................................................................... 71
3.2.3.2. Hoạt động văn hóa vật chất ...................................................... 76
3.2.4. Hoạt động văn hóa - xã hội của cộng đồng người Việt ở Thái
Lan từ năm 1946 đến thập niên đầu thế kỷ XXI .............................. 81
3.2.4.1. Văn hóa tinh thần ...................................................................... 81
3.2.4.2. Việc bảo tồn tiếng Việt và văn hóa truyền thống ...................... 89
3.2.5. Hoạt động chính trị của cộng đồng người Việt ở Thái Lan từ
giữa thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI ................................................ 93
3.2.5.1. Cộng đồng người Việt ở Thái Lan trong cuộc kháng chiến
chống Pháp ................................................................................ 93
3.2.5.2. Cộng đồng người Việt ở Thái Lan trong cuộc kháng chiến
chống Mỹ ................................................................................... 96
3.2.5.3. Hoạt động yêu nước của cộng đồng người Việt ở Thái Lan
từ sau 1976 đến đầu thế kỷ XXI............................................... 100

Tiểu kết chương 3 .......................................................................................... 103
Chương 4. MỘT SỐ NHẬN XÉT VỀ CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT
Ở THÁI LAN .................................................................................................... 105
4.1. Một số đặc điểm trong quá trình hình thành và phát triển của cộng
đồng người Việt ở Thái Lan ........................................................................... 105
4.2. Đóng góp của cộng đồng người Việt ở Thái Lan đối với Việt Nam
từ đầu thế kỷ XX đến thập niên đầu thế kỷ XXI ........................................... 109
4.2.1. Đóng góp trên lĩnh vực chính trị ...................................................... 109
4.2.2. Đóng góp của cộng đồng người Việt trên lĩnh vực kinh tế ............. 110


4.2.3. Giữ gìn và quảng bá văn hóa Việt Nam .......................................... 113
4.3. Đóng góp của cộng đồng người Việt ở Thái Lan đối với Thái Lan ....... 118
4.3.1. Lĩnh vực lao động ............................................................................ 118
4.3.2. Lĩnh vực kinh tế ............................................................................... 120
4.3.3. Lĩnh vực văn hóa ............................................................................. 122
4.4. Đóng góp của cộng đồng người Việt ở Thái Lan đối với mối quan
hệ Thái Lan - Việt Nam ................................................................................. 123
4.4.1. Thúc đẩy phát triển mối quan hệ chính trị - ngoại giao Thái Lan
- Việt Nam ...................................................................................... 123
4.4.2. Cộng đồng người Việt thúc đẩy mối quan hệ hợp tác kinh tế
Thái Lan - Việt Nam ...................................................................... 127
4.5. Một số kiến nghị, đề xuất ........................................................................ 129
KẾT LUẬN ....................................................................................................... 133
TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................................... 136
PHỤ LỤC .......................................................................................................... 151


BẢNG CHỮ VIẾT TẮT


TT

Chữ viết tắt

Nghĩa

1

AIT/ATICV

Trung tâm Viện Công nghệ châu Á tại Việt Nam

2

APEC

Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương

3

ASEAN

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á

4

ASEM

Diễn đàn hợp tác Á - Âu


5

CHXHCN

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa

6

ĐHSP

Đại học sư phạm

7

KHXH&NV Khoa học xã hội và nhân văn

8

NQ-TW

Nghị quyết Trung ương

9

NXB

Nhà xuất bản

10


QĐ-BNG

Quyết định Bộ Ngoại giao

11

QĐ-CTN

Quyết định Chủ tịch nước

12

QĐ-TTg

Quyết định Thủ tướng

13

TP

Thành phố

14

WTO

Tổ chức Thương mại Thế giới


1

MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
1.1. Trong lịch sử, Thái Lan là mảnh đất thuận lợi cho người Việt đến
sinh sống. Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, người Việt có mặt ở Thái Lan từ thế
kỷ XVII. Đến đầu thế kỷ XX, cộng đồng người Việt chính thức hình thành và
luôn gắn liền với những biến cố lịch sử của dân tộc Việt Nam cũng như của mối
quan hệ Việt Nam - Thái Lan. Đến nay, Cộng đồng người Việt ở Thái Lan được
xem là một trong những cộng đồng người Việt ở nước ngoài mang nhiều nét đặc
trưng riêng, với lịch sử di dân lâu dài và định cư đông đảo, tập trung; với tổ chức
đời sống khá chặt chẽ và tinh thần tự tôn dân tộc cao. Chính vì lẽ đó, nghiên cứu
về cộng đồng người Việt ở Thái Lan dưới góc độ sử học nhằm nhìn nhận quá
trình hình thành, các giai đoạn phát triển của cộng đồng này có ý nghía khoa học
và thực tiễn sâu sắc.
1.2. Việc nghiên cứu về cộng đồng người Việt ở Thái Lan từ lâu đã nhận
được sự quan tâm của các học giả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hầu hết các
công trình đang dừng lại ở góc độ nhân học hoặc đề cập đến một số khía cạnh
lịch sử, văn hóa, kinh tế của cộng đồng. Việc nghiên cứu dưới góc độ lịch sử,
nhận diện tổng thể từ lịch sử di dân và định cư cho đến biến đổi dân cư - dân tộc,
hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, địa vị pháp lí và vai trò của họ trong mối
bang giao Việt Nam - Thái Lan qua các giai đoạn lịch sử, nhất là từ đầu thế kỷ
XX cho đến nay có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao.
1.3. Điều 18, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm
2013 khẳng định: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là một bộ phận của
cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhà nước bảo hộ quyền lợi chính đáng của người
Việt định cư ở nước ngoài. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để người
Việt Nam định cư ở nước ngoài gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ
quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương đất
nước” [45, tr.5]. Trong Báo cáo chính trị Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng
Cộng sản Việt Nam cũng nêu rõ: “Đồng bào định cư ở nước ngoài là một bộ
phận không tách rời và là một nguồn lực cộng đồng dân tộc Việt Nam”. Hiện có



2
khoảng hơn 4 triệu người Việt đang sinh sống ở nhiều nước khác nhau trên thế
giới, trong đó ở Thái Lan có khoảng hơn 110.000 người. Việc nghiên cứu cộng
đồng người Việt ở Thái Lan sẽ góp phần bổ sung, làm rõ hơn lịch sử người Việt
ở nước ngoài, từ đó thấy được vai trò ngày càng to lớn của cộng đồng này đối
với sự phát triển của đất nước trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.
1.4. Trong quá trình phát triển của cộng đồng người Việt ở Thái Lan
nói riêng và nước ngoài nói chung, rất nhiều nét văn hóa truyền thống của dân
tộc đang bị mai một, đặt ra nhiều vấn đề cho các nhà nghiên cứu, nhà quản lí
trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống Việt ở nước ngoài. Việc nghiên cứu
trường hợp cộng đồng người Việt ở Thái Lan trên các phương diện lịch sử,
văn hóa sẽ góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa Việt
của cộng đồng, giúp các cơ quan hữu quan hoạch định những chính sách phù
hợp liên quan đến cộng đồng người Việt ở nước ngoài nói chung và ở Thái
Lan nói riêng.
Với những lí do trên, chúng tôi chọn đề tài “Quá trình hình thành, phát triển
cộng đồng người Việt ở Thái Lan” làm đề tài Luận án tiến sĩ sử học của mình.
2. Mục tiêu và nhiệm vụ của luận án
2.1. Mục tiêu của luận án
Luận án hướng đến mục tiêu nghiên cứu toàn diện, hệ thống và chuyên
sâu về cộng đồng người Việt ở Thái Lan từ đầu thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI
trên các phương diện lịch sử hình thành, quá trình phát triển, hoạt động kinh tế,
chính trị, văn hóa - xã hội; làm rõ những đặc điểm của quá trình hình thành, phát
triển của cộng đồng. Trên cơ sở nghiên cứu đó, luận án đánh giá về đóng góp
của cộng đồng đối với Việt Nam, với Thái Lan và mối quan hệ Thái Lan - Việt
Nam đồng thời đưa ra những ý kiến, đề xuất với các cơ quan hữu quan hoạch
định những chính sách phù hợp với cộng đồng người Việt ở nước ngoài, trong
đó có Thái Lan.

2.2. Nhiệm vụ
Nhiệm vụ của luận án là:
- Dựng lại quá trình hình thành của cộng đồng người Việt ở Thái Lan từ
khoảng thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX.


3
- Tìm hiểu quá trình phát triển của cộng đồng người Việt ở Thái Lan qua hai
giai đoạn: từ đầu thế kỷ XX đến 1945 và từ 1946 đến thập niên đầu thế kỷ XXI.
- Xác định nguyên nhân, tình trạng di cư, định cư, hoạt động chính trị,
kinh tế, văn hóa - xã hội của cộng đồng người Việt ở Thái Lan qua các thời kỳ
lịch sử.
- Tìm hiểu quá trình bảo lưu văn hóa truyền thống, biến đổi và hòa
nhập văn hóa của cộng đồng người Việt vào xã hội Thái Lan qua các thời kỳ
lịch sử.
- Rút ra một số đặc điểm của cộng đồng người Việt ở Thái Lan và đưa ra
những kiến nghị, đề xuất với các cơ quan hữu quan trong việc thực hiện các
chính sách đối với cộng đồng người Việt ở Thái Lan.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là lịch sử hình thành và quá trình phát
triển của cộng đồng người Việt ở Thái Lan.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
- Về nội dung: Đề tài “Quá trình hình thành, phát triển cộng đồng người
Việt ở Thái Lan” được nghiên cứu dưới góc độ sử học, trong đó chú trọng đến sự
hình thành của cộng đồng người Việt ở Thái Lan từ khoảng thế kỷ XVII đến đầu
thế kỷ XX; sự phát triển của cộng đồng người Việt ở Thái Lan qua hai giai đoạn:
từ đầu thế kỷ XX đến 1945 và từ 1946 đến thập niên đầu thế kỷ XXI; rút ra một
số đặc trưng của cộng đồng ở Thái Lan. Tuy nhiên, để có cái nhìn khách quan về
vấn đề nghiên cứu, đề tài có đề có đề cập một số nội dung liên quan dưới góc độ

nhân học, xã hội học.
- Về thời gian: Đề tài tập trung vào nghiên cứu cộng đồng người Việt ở
Thái Lan từ thế kỷ XVII đến thập niên đầu thế kỷ XXI. Sở dĩ lấy mốc thế kỷ
XVII bởi đây là thời điểm nhiều người Việt sang Thái Lan lập các điểm quần cư
đầu tiên và dần hình thành cộng đồng sau nhiều đợt di cư trong các thế kỷ sau
đó. Mốc thời gian kết thúc nghiên cứu đề tài là năm 2013, khi hai nước Việt
Nam và Thái Lan chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Mốc này
không đánh dấu một sự thay đổi về chất của cộng đồng người Việt ở Thái Lan


4
nhưng chính việc hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược là một điều kiện
thuận lợi mới cho sự phát triển của cộng đồng.
4. Nguồn tài liệu, phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
4.1. Nguồn tài liệu
Để hoàn thành luận án, chúng tôi dựa trên các nguồn tài liệu chủ yếu sau:
- Nguồn tài liệu gốc: Thư tịch cổ, những báo cáo, văn bản hành chính của
Pháp lưu trữ tại các Phòng lưu trữ tài liệu của Pháp ở Đông Dương; những văn
bản, Nghị định, chính sách chính thức của Đảng và Nhà nước, của Bộ Ngoại
giao nước CHXHCN Việt Nam, Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài; một số
văn bản chính sách của phía Thái Lan đối với cộng đồng người Việt trên lãnh
thổ nước này; các thiết chế, quy định của cộng đồng người Việt ở Thái Lan.
- Nguồn tài liệu tham khảo: Bao gồm các cuốn sách, các bài viết đã công
bố trên các tạp chí, công trình đề tài nghiên cứu về người Việt ở Thái Lan đã
được xuất bản; các công trình nghiên cứu của các học giả Việt Nam về cộng
đồng người Việt trên các lĩnh vực như lịch sử, văn hóa, về Chủ tịch Hồ Chí
Minh; các công trình khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, luận án tiến sĩ, luận văn
thạc sĩ, các báo cáo trong các hội thảo, các bài báo trên các tạp chí chuyên
ngành; các cuốn hồi ký, nhật ký, ghi chép (được xuất bản hoặc chép tay) của các
thế hệ người Việt đã và đang sinh sống ở Thái Lan; các bài báo điện tử, các

website có liên quan đến đề tài.
- Tài liệu điền dã: Tác giả đã thực hiện 3 chuyến điền dã dài ngày và một
số lần khảo sát ngắn ngày khác tại các khu vực có đông người Việt sinh sống ở
Thái Lan và Việt kiều Thái Lan đã về nước ở Việt Nam.
4.2. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
Luận án được triển khai trên cơ sở phương pháp luận chủ nghĩa Mác - Lê
nin, quán triệt quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về
cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Để giải quyết những nhiệm vụ do đề tài luận án đặt ra, chúng tôi dựa vào
hai phương pháp nghiên cứu chủ yếu là phương pháp lịch sử và phương pháp
logic, nhằm phục dựng một cách khách quan và toàn diện về sự hình thành, quá
trình phát triển và một số nhận xét về cộng đồng người Việt ở Thái Lan. Ngoài
ra, để hoàn thành luận án, chúng tôi kết hợp sử dụng các phương pháp nghiên


5
cứu liên ngành khác như: Phương pháp tổng hợp, thống kê, phân tích đối chiếu,
so sánh, phỏng vấn, điều tra xã hội học…
5. Đóng góp của luận án
- Luận án là công trình nghiên cứu một cách đầy đủ, chuyên sâu về lịch sử
hình thành và quá trình phát triển của cộng đồng người Việt ở Thái Lan, qua đó
góp phần làm sáng tỏ thêm lịch sử của cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Luận án làm rõ hơn những đóng góp của cộng đồng người Việt ở Thái Lan trong
trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất
nước và vào việc phát triển quan hệ hữu nghị Việt - Thái.
- Luận án đưa ra các kiến nghị với cơ quan hữu quan trong việc thực hiện
chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài như: chính sách thu hút nguồn
lực của kiều bào, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống Việt đối với cộng đồng
người Việt ở Thái Lan nói riêng, người Việt ở nước ngoài nói chung.
- Công trình này là nguồn tài liệu tham khảo bổ ích cho các cơ quan hữu
quan, các học giả và những người quan tâm đến vấn đề cộng đồng người Việt ở

Thái Lan.
6. Bố cục của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung
chính của luận án được trình bày qua các chương sau:
Chương 1.

Tổng quan tình hình nghiên cứu

Chương 2.

Quá trình di cư và hình thành cộng đồng người Việt ở Thái
Lan từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX

Chương 3.

Sự biến động trong quá trình phát triển của cộng đồng người
Việt ở Thái Lan từ đầu thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI

Chương 4.

Một số nhận xét về cộng đồng người Việt ở Thái Lan


6
NỘI DUNG
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
Là một cộng đồng có lịch sử hình thành lâu đời, có nhiều đóng góp cho
hai nước Việt Nam và Thái Lan, cộng đồng người Việt ở Thái Lan đã thu hút sự
quan tâm của nhiều học giả trong và ngoài nước, nghiên cứu về những lĩnh vực

khác nhau như lịch sử hình thành, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, đóng góp
của cộng đồng…
1.1. Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài
1.1.1. Tình hình nghiên cứu ở Thái Lan
Là cộng đồng người có số lượng đông đảo và có nhiều đóng góp cho kinh
tế, xã hội của Thái Lan, vấn đề người Việt ở Thái Lan đã được các học giả, các
trung tâm nghiên cứu, các trường đại học ở Thái Lan quan tâm, nghiên cứu.
Có thể kể đến một số công trình như: Luận án tiến sĩ“Người Việt Nam
tản cư và an ninh của Thái Lan” (วิชยั แชมสาริ (1973) “การ อพยพ เวียดนาม และ ความ
ปลอดภัย ของ ไทย” สิ ทยา นิพนธ์ ปริญญา โท, ภาควิชา การเมือง มหาวิทยาลัย ธรรมศาสตร์ ) của tác giả
Vichan
Champsari
tại
Khoa
Chính
trị,
Trường Đại học Thamasat được bảo vệ năm 1973 có đề cập đến quá trình di cư
của người Việt vào Thái Lan qua các thời kỳ, việc người Việt Nam hồi hương
giai đoạn 1960 - 1964; một số chính sách của Chính phủ Thái Lan thời bấy giờ
đối với người Việt…
Các tác giả Penriduk, Prianak Bunnak, viết cuốn “Lịch sử Thái Lan”, do
NXB Awkxon Churơnthắt, Bangkok, Thái Lan ấn hành năm 1983. Cuốn sách
này được học giả Trịnh Diệu Thìn dịch sang tiếng Việt, trong đó có đề cập đến
nội dung lịch sử vùng Đông Bắc Thái Lan, sự xuất hiện của người Việt ở khu
vực này.
Năm 1998, tác giả Pussadee Chandavimol viết công trình Người Việt ở
Thái Lan (พัศดี จันดาวิมน (1998), คน เวียดนาม ใน ประเทศ ไทย สานักงาน กองทุน สนับสนุน การ วิจยั ,
ภาษาไทย).
Sau
đó,

cuốn
sách
được
NXB
Trẻ
dịch sang tiếng Việt. Nội dung đề cập đến quá trình hình thành cộng đồng, đời
sống kinh tế chủ yếu của cộng đồng người Việt sinh sống tại khu vực quanh Thủ


7
đô Bangkok. Tác giả chỉ tập trung nghiên cứu về đời sống của cộng đồng người
Việt di cư từ trước đây (người Việt cũ - duôn càu) đang sinh sống ở Thủ đô
Bangkok.
Học giả Lea Dilokdhyarat có bài “Người Việt sang Thái từ bao giờ” đăng
trên Tạp chí Văn hóa xã hội, số 1, 9/2000 (Tạp chí của người Việt Nam ở Thái
Lan xuất bản) cũng đã khái quát lịch sử hình thành cộng đồng người Việt Nam
trên đất Thái Lan đến cuối thế kỷ XX.
Năm 2001, Thawi Swangpanyakoon (Tổng biên tập tạp chí Việt học, Viện
Ngôn ngữ, Trường Đại học Mahiidol Salaya, Thái Lan) với bài viết “Lịch sử 16
chùa An Nam tông ở Thái Lan”, trên tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 4
khẳng định: cách đây hơn 200 năm, tại Vương quốc Xiêm đã có những ngôi
chùa Việt đầu tiên được lập để phục vụ cộng đồng người Việt Nam sinh sống tại
đây và được đông đảo người Thái biết đến như là những ngôi chùa của
Annamnikai hay An Nam tông. Đặc biệt, An Nam tông luôn nhận được những
sự bảo trợ của các đời vua Thái Lan và sự quan tâm kính trọng của nhân dân
Thái Lan. [131, tr.81 - 84].
Tiến sĩ Thanaya Thip Sriphana công bố bài viết, “25 năm thiết lập quan
hệ ngoại giao Thái Lan - Việt Nam” trên tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 6
(2001). Bài viết đã đề cập đến lược sử hình thành mối quan hệ ngoại giao giữa
hai nước Việt Nam - Thái Lan trước khi thiết lập mối quan hệ chính thức, đồng

thời điểm lại những dấu mốc quan trọng trong 25 năm kể từ khi Thái Lan và
Việt Nam thiết lập mối quan hệ ngoại giao năm 1976 [128, tr.77-79].
Năm 2002, học giả Ngamphit Satsanguon, Khoa Chính trị Trường Đại
học Chulalongkorn xuất bản công trình Trường hợp nghiên cứu gia đình người
Việt (น ้าพิศ สัตว์ สงวน (2002), กรณีศกึ ษา วิจยั ของ ครอบครัว คน เวียดนาม, ภาควิชา การเมือง มหาวิทยาลัย
จุฬาลงกรณ์)
đi
sâu
vào
phân
tích
mối
quan
hệ
gia đình, huyết thống, dòng họ, cấu trúc gia đình người Việt ở vùng Sam Sen
(Sảm Sển), Quận Dusite Thủ đô Bangkok. Đây là cộng đồng người Việt theo đạo
Thiên Chúa được hình thành từ rất sớm và hiện vẫn đang còn bảo lưu rất nhiều
nét văn hóa của người Việt.


8
Năm 2002, Trung tâm nghiên cứu về Việt Nam của Trường Đại học
Rajabat Sakon Nakhon công bố nghiên cứu mang tên “Chương trình thu thập
thông tin về dân số người Việt Nam tại tỉnh Sakon Nakhon và đặc điểm tộc
người Việt Nam tỉnh Sakon Nakhon. Đây là công trình khá hoàn chỉnh, đi sâu
vào nghiên cứu về cộng đồng người Việt Nam ở tỉnh Sakol Nakhon thuộc Đông
Bắc Thái Lan. Các tác giả đã thống kê tương đối đầy đủ về số lượng, giới tính,
địa bàn phân bố của cộng đồng dân cư thuộc tỉnh Sakon Nakhon.
Tác giả Thanyathip Sripana công bố bài viết “Bao giờ người Việt Nam
được nhập quốc tịch Thái” trên tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 4, 2003.

Bài viết đã phân tích những thuận lợi của người Việt trong suốt quá trình lịch sử
định cư trên đất Thái Lan, những khó khăn hiện nay trong việc nhập quốc tịch,
đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng sớm có các biện pháp để người Việt
được ổn định cuộc sống, cấp thẻ ngoại kiều, nhập quốc tịch.
Năm 2004, Trường Đại học Nakhon Phanom tổ chức Hội thảo về người
Việt ở Thái Lan. Tại đây, các học giả như Thanyathip Sripana, Trần Viết Thụ,
Vũ Đình Phú... có những bài viết về lịch sử hình thành cộng đồng người Việt ở
Đông Bắc Thái Lan, mong muốn được nhập quốc tịch và tình cảm của cộng
đồng đối với quê hương bản quán Việt Nam.
Học giả Nartha Nantachukra, khoa Lịch sử Trường Đại học Mahasarakham
xuất bản cuốn “Hồ Chí Minh ở Thái Lan” bằng tiếng Thái vào năm 2004. Cuốn
sách có 152 trang, trình bày các nội dung chủ yếu như: Tóm tắt sự ra đời dự án
Làng Hữu nghị Việt - Thái bản Nachok, tỉnh Nakhon Phanom; tiểu sử của Chủ
tịch Hồ Chí Minh; Ban May (Bản Mạy) và Nachok (Na Choọc); Hồ Chí Minh
với Thái Lan và đặc biệt, ở phần thứ 5 của cuốn sách đề cập đến quá trình di cư
của người Việt trong thời kì Chiến tranh thế giới thứ hai. Bên cạnh đó, cuốn sách
cũng bước đầu đề cập một cách sơ lược đến một số nội dung khác như: đời sống
kinh tế, xã hội, văn hóa của người Việt ở tỉnh Nakhon Phanom.
Một số cuốn sách, bài viết khác đã bước đầu nghiên cứu về cộng đồng
người Việt ở Thái Lan như bài “Ngôi làng hữu nghị Thái - Việt, Làng Nachok:
Quá khứ và hiện tại” của tác giả Artha Nantachukra Trường Đại học
Mahasarakham trình bày tại Hội thảo 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam -


9
Thái Lan do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tổ chức năm 2004, đã phân tích lịch
sử hình thành cộng đồng, đời sống văn hóa, xã hội, phong tục tập quán của cộng
đồng người Việt ở bản Nachok, tỉnh Nakhon Phanom. Công trình này nghiên
cứu trường hợp cụ thể là Làng Nachok của di dân người Việt sang Thái Lan từ
cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX.

Năm 2006, Tiến sĩ Thanyathip Sripana và tác giả Trịnh Diệu Thìn công
bố cuốn “Việt kiều Thái Lan trong mối quan hệ Thái Lan - Việt Nam”. Cuốn
sách gồm 6 chương: Cuộc di cư của người Việt Nam vào Thái Lan; Phong trào
yêu nước của người Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX; Chính sách của
Chính phủ Thái Lan đối với Việt kiều; Cuộc hồi hương của Việt kiều; Đời sống
của Việt kiều Thái Lan và Việt kiều hồi hương; Việt kiều với mối quan hệ hai
nước. Các chương đã đề cập đến quá trình di cư của người Việt sang Thái Lan,
các phong trào yêu nước của Việt kiều; vai trò của người Việt trong mối quan hệ
Thái Lan - Việt Nam, các chính sách của Chính phủ Thái Lan đối với Việt kiều;
đời sống kinh tế - văn hóa, xã hội của người Việt ở Thái Lan,… Đây là công
trình quy mô về Việt kiều Thái Lan do tác giả đã tiếp cận được nhiều nguồn tài
liệu của cả hai nước.
Tác giả Sukprida Phanomdong trong “Hồ Chí Minh - Ông Tiên sống mãi”
(2006) tập trung viết về quá trình hoạt động của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh
ở Thái Lan, về những đóng góp của Người đối với cộng đồng người Việt ở đây
cũng như tình cảm của cộng đồng đối với Bác trước đây và hiện nay.
Trong luận án tiến sỹ với đề tài Quan hệ Thái Lan - Việt Nam (1996 2004), của Thananan Boonwanna (2008) khi đề cập đến mối quan hệ giữa hai
nước có nói đến chính sách của Chính phủ Thái Lan đối với Việt kiều.
Bên cạnh đó, có một số bộ phim tài liệu liên quan đến cộng đồng người
Việt ở Thái Lan do các Đài truyền hình ở Thái Lan sản xuất như như “Hồ Chí
Minh - Con người vĩ đại của dân tộc Việt Nam”; "Cộng đồng người Việt Nam
sinh sống tại Thái Lan"; "Linh hồn Việt Nam"… Các bộ phim này đều có những
đánh giá, nhận định về vai trò của cộng đồng người Việt ở Thái Lan, những chủ
trương, chính sách của chính quyền Thái Lan đối với người Việt, về những ngày
tháng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thái Lan…


10
1.1.2. Tình hình nghiên cứu ở các nước khác
Đã có nhiều học giả các nước như Nga, Pháp, Mỹ... nghiên cứu về Lịch sử

Thái Lan. Có thể kể đến một số công trình như: Lịch sử Thái Lan của tác giả
người Nga E.O. Berdin do NXB Khoa học, Moskva ấn hành năm 1973. Năm
2005, học giả Chris Baker, Pasuk Phongpaichit ở Đại học Cambridge xuất bản
cuốn Lịch sử Thái Lan (bản dịch của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á); học giả
Terwiel trong cuốn Lịch sử hiện đại Thái Lan 1767 - 1942 (A history of modern
Thailand 1767 - 1942, University of Queensland Press, London (1983)…
Nội dung về lịch sử Thái Lan cũng được đề cập đến trong cuốn Lịch sử
thế kỷ XX Đông Nam Á, Quyển 5: Nước Thái Lan của học giả người Pháp
Pierre Fistie do Lê Thành Khôi dịch sang tiếng Việt. Ngoài ra, còn có nhiều tác
giả nghiên cứu những vấn đề cụ thể hơn của Thái Lan như học giả Philipe
Courtine với luận án tiến sĩ “Các khu vực Trung Hoa và Ấn Độ ở Bangkok, một
tiểu luận về địa lý, đô thị và văn hóa”, Đại học Paris Sorbounne IV, năm
1992,… Nhìn chung, đây là những tài liệu chuyên khảo về lịch sử Thái Lan,
cho chúng ta những nhận thức chung về bối cảnh lịch sử của vấn đề đang
nghiên cứu.
Nội dung liên quan đến cộng đồng người Việt ở Thái Lan cũng thu hút
một số học giả nước ngoài nghiên cứu. Từ năm 1970, tác giả người Mỹ Perter
A.Poole trong công trình Người Việt ở Thái Lan (“The Vietnamese in Thailand
(A Historican Perspective, Cornell Uni.Press, Ithaca and London, 1970) đi sâu
vào việc phân tích một số chính sách của Chính phủ Thái Lan đối với người
Việt cũng như phản ứng của người Việt đối với những chính sách ấy. Năm
1994, học giả Philipe Courtine công bố bài viết “Cộng đồng người Việt ở
Trung Hoa, Bangkok - Một sự đồng hóa trăm năm” trên Tạp chí Nghiên cứu
Đông Nam Á, số 3...
Có thể thấy rằng, các tác giả nước ngoài, nhất là các học giả Thái Lan
đã thể hiện sự quan tâm của mình đến vấn đề cộng đồng người Việt ở Thái
Lan. Đặc biệt là những nội dung như quá trình hình thành cộng đồng, một số
chính sách của Chính phủ Thái Lan đối với người Việt, vai trò của người Việt
ở Thái Lan,…



11
1.2. Tình hình nghiên cứu ở Việt Nam
1.2.1. Các công trình về lịch sử Thái Lan và Việt Nam liên quan đến
vấn cộng đồng người Việt ở Thái Lan
Trong quá trình nghiên cứu đề tài, chúng tôi tiếp cận các công trình liên
quan đến bối cảnh lịch sử tác động trực tiếp và gián tiếp đến sự hình thành và
những hoạt động của cộng đồng người Việt ở Thái Lan. Có thể kể đến một số
công trình như: Vũ Dương Ninh trong cuốn “Lịch sử Vương quốc Thái Lan”
(NXB Giáo dục, 1994) đề cập đến những nội dung cơ bản về lịch sử Thái Lan
từ thời sơ sử đến những năm đầu thập kỉ 90 của thế kỷ XX. Lê Văn Quang
trong cuốn “Lịch sử Vương quốc Thái Lan” (NXB TP. Hồ Chí Minh, 1995)
dưới hình thức thông sử đã đề cập đến lịch sử Thái Lan từ thời cổ đến những
năm 80 của thế kỷ XX. Học giả Nguyễn Khắc Viện với cuốn “Thái Lan - Một
số nét về chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa và lịch sử” (NXB Thông tin lí
luận, 1998) đã đề cập khái quát về Thái Lan với những nét chính như lịch sử,
kinh tế, xã hội...
Một số luận án tiến sĩ ở các trường Đại học trong nước đã đề cập đến nội
dung về lịch sử Thái Lan như: Luận án “Chính sách đối ngoại của Xiêm nửa
cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX” (2001) của Đào Minh Hồng, Trường Đại học Sư
phạm TP. Hồ Chí Minh; Luận án“Chính sách đối ngoại của Vương triều
Ayutthaya thế kỷ XIV - XVIII” (2011) của Trần Thị Nhẫn, Trường Đại học Sư
phạm Hà Nội; Luận án tiến sĩ “Quá trình hình phát triển kinh tế - xã hội Thái
Lan từ 1961 đến năm 1971” (2013) của Phạm Thị Thúy, Trường Đại học Sư
phạm Hà Nội đã đi sâu vào nghiên cứu một giai đoạn phát triển kinh tế, xã hội
cụ thể của đất nước Thái Lan cùng những đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá
trình phát triển đó…
Về nội dung lịch sử Việt Nam liên quan đến cộng đồng người Việt sang
Thái Lan, có nhiều công trình đề cập đến. Có thể kể ra như: Ủy ban Khoa học xã
hội Việt Nam, Lịch sử Việt Nam, tập 1 (1978), tập 2 (1989), NXB Khoa học xã

hội; Trần Huy Liệu (1956), Lịch sử 80 năm chống Pháp, NXB Văn - Sử - Địa;
Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật học Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phật học
Việt Nam, NXB Thuận Hóa; Luận án tiến sĩ sử học của Hoàng Khắc Nam


12
(2004), Quá trình phát triển quan hệ Việt Nam - Thái Lan (1976-2000), Trường
Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội…
1.2.2. Các công nghiên cứu về cộng đồng người Việt ở Thái Lan
Năm 1954, Phan Huấn với cuốn “Kiều bào ta ở Thái Lan hướng về Tổ
quốc” (NXB Sự thật) đã tập hợp những câu chuyện, những tấm gương cảm động
của người Việt Nam ở Thái Lan như chống chính sách bắt người, đòi được treo
cờ Tổ quốc, được treo ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhà, một số phong trào
dạy, học chữ Quốc ngữ,…
Năm 1978, Hoàng Văn Hoan chủ biên cuốn “Hoạt động cách mạng của
Việt kiều ở Thái Lan” (NXB Sự thật, Hà Nội, 1978). Đây là công trình do một
tập thể những nhà yêu nước cách mạng đã từng hoạt động ở Thái Lan biên soạn,
theo chủ trương của Đảng và Nhà nước ta. Năm 1975, sau khi đất nước hoàn
toàn giải phóng, đoàn đại biểu của Đảng bộ Việt kiều ở Thái Lan về nước báo
cáo công tác với Trung ương Đảng và Chính phủ. Đoàn đã đề nghị với Ban Bí
thư Trung ương Đảng tổ chức việc biên soạn tài liệu về hoạt động cách mạng
của Việt kiều ở Thái Lan. Tháng 10/1976, Ban Bí thư phân công ông Hoàng Văn
Hoan (Ủy viên Bộ Chính trị) chủ trì việc biên soạn này. Ngày 17/10/1976, một
hội nghị gồm hơn 30 người đã từng hoạt động cách mạng ở Thái Lan trong các
giai đoạn lịch sử khác nhau đã được triệu tập để trao đổi ý kiến cụ thể về việc
biên soạn. Cuốn sách gồm 5 phần trình bày quá trình hoạt động cách mạng của
Việt kiều ở Thái Lan qua các giai đoạn: từ cuối thế kỷ XIX đến đầu 1930; từ
1930 - 1938; từ 1938 - 1946; 1946 - 1951 và 1951 - 1975. Cuốn sách đã ghi lại
một cách chân thật và có hệ thống hoàn cảnh lịch sử và nội dung hoạt động cách
mạng của cán bộ và kiều bào ở Thái Lan trong suốt một thời gian dài từ cuối

XIX đến năm 1975. Là tài liệu giúp cho các cơ quan quản lý Việt kiều, nghiên
cứu lịch sử Đảng và lịch sử dân tộc nguồn tài liệu tham khảo cần thiết. Tuy
nhiên, đây không phải là một tác phẩm thông sử, cũng không phải là một công
trình tổng kết chính trị đề cập đến một số sự kiện nội bộ mà trong điều kiện hiện
nay chưa thể phổ biến rộng rãi (ví dụ như: Vai trò của tổ chức Đảng ở Thái Lan).
Lê Quốc Sản với công trình “Chi đội Hải ngoại 4 (Chi đội Trần Phú)”
(NXB Tổng hợp, Đồng Tháp, 1989) đề cập đến hoạt động của Chi đội Việt kiều


13
yêu nước thành lập trên đất Thái Lan từ Chiến khu Sakol, Umke, Noong Hoi,
Thái Lan vượt sông Mekong qua Lào về nước tham gia chiến đấu chống Pháp
trong những năm 1947 - 1949.
Trần Trọng Đăng Đàn với công trình “Người Việt Nam ở nước ngoài”
(NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997) gồm 600 trang đã trình bày khái quát về
hoàn cảnh lịch sử mà người Việt Nam ra nước ngoài, hoạt động kinh tế, xã hội
của kiều bào trên toàn thế giới. Đặc biệt, cộng đồng người Việt ở Thái Lan được
tác giả dành gần 100 trang để phân tích về quá trình hình thành, các hoạt động
yêu nước trong những năm đầu thế kỷ XX.
Tác giả Trần Đình Riên với cuốn “Việt kiều Lào - Thái với quê hương”
(NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005) đề cập khá kỹ hoạt động của các tổ
chức cách mạng, các nhà yêu nước ở vùng Đông Bắc Thái Lan, Lào. Bên cạnh
đó, tác giả mô tả phần nào đời sống kinh tế, xã hội của cộng đồng người Việt ở
Thái Lan, và những hoạt động của họ hướng về quê hương đất nước.
Công trình “Người Việt ở Thái Lan 1910 - 1960” (2008) của nhiều tác giả
là những người đã từng hoạt động tại Thái Lan và nghiên cứu về Thái Lan do
Nguyễn Văn Khoan chủ biên có một số bài nổi bật như: “Kiều bào ta ở Thái Lan
hướng về Tổ quốc”; “Việt kiều ở Thái Lan trong những năm 1945 - 1947”; “Việt
kiều Thái Lan từ 1964 đến nay”; “Người Việt Nam ở Thái Lan: Cầu nối văn hóa
trong quan hệ Thái - Việt”; “Việt kiều trên đất Thái Lan”… Những bài viết trên

được trình bày dưới dạng ghi chép, hồi ký của những người đã hoạt động tại Thái
Lan. Nội dung chủ yếu đề cập đến các phong trào yêu nước. Trong cuốn tuyển tập
này, lĩnh vực đời sống kinh tế, văn hóa, tình đoàn kết hữu nghị, quan hệ ứng xử
của người Việt với nhân dân Thái vẫn chưa được nghiên cứu nhiều.
Trong cuốn sách “Việt kiều ở Lào, Thái Lan với các phong trào cứu quốc
thế kỷ XX” (2010), tác giả Nguyễn Văn Vinh đã dành 6 chương nói về Việt kiều
ở Thái Lan. Trong nội dung về cộng đồng người Việt ở Thái Lan, tác giả đề cập
đến vấn đề lịch sử hình thành, các đợt di cư của người Việt, chính sách của chính
phủ Thái Lan đối với người Việt qua từng giai đoạn lịch sử,…
Tác giả Đặng Văn Chương trong cuốn “Quan hệ Thái Lan - Việt Nam
cuối thế kỷ XVIII - giữa thế kỷ XIX” (NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2010) đề


14
cập đến quan hệ Việt Nam - Xiêm qua các giai đoạn: 1782 - 1802; 1802 - 1833;
1834 - 1847. Đây là công trình được xuất bản dựa trên nội dung của luận án
“Quan hệ giữa triều đình Charki với chính quyền Nguyễn từ 1782 đến 1842” mà
tác giả đã bảo vệ tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2002. Tác giả khẳng
định, trong hơn 65 năm, có những bước phát triển thăng trầm, diễn biến phức
tạp, đa dạng: Khi thì hòa hiếu, khi thì đụng độ tranh chấp quyết liệt, thậm chí
xảy ra chiến tranh. Bối cảnh đó đã tác động lớn đến quá trình di dân và những
chuyển biến trong đời sống kinh tế, xã hội của cộng đồng người Việt ở Thái Lan.
Bên cạnh đó, một số cuốn hồi ký, tự thuật của những người đã từng hoạt
động ở Thái Lan đề cập đến những công lao và đóng góp của Việt kiều ở Thái
Lan đối với Tổ quốc gồm có: Lê Mạnh Trinh: “Cuộc vận động cứu quốc của
Việt kiều ở Thái Lan” (NXB Sự thật, Hà Nội, 1961); Công trình tập thể của các
cán bộ từng hoạt động ở Thái: “Hoạt động cách mạng của Việt kiều ở Thái
Lan”; Đông Tùng với hồi ký “Việt kiều ở Thái Lan trong sự nghiệp giải phóng
dân tộc”... Đây là những công trình được viết dưới dạng hồi ký, về những hoạt
động yêu nước của đồng bào và những người yêu nước trong các giai đoạn từ

1910 đến những năm 1975. Các công trình này đã thuật lại các hoạt động của
Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, của Nguyễn Ái Quốc và một số phong trào
hướng về Tổ quốc của đồng bào trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân
Pháp và đế quốc Mỹ.
Ngoài ra, có thể kể đến một số bài viết liên quan đến vấn đề này như:
“Thái Lan - địa bàn liên lạc của cách mạng Việt Nam” (Nguyễn Văn Khoan,
Nghiên cứu Đông Nam Á, 1996, số 2, tr.47-52); “Hoạt động của các nhà yêu
nước Việt Nam ở Xiêm (Thái Lan) đầu thế kỷ XX, sau khi phong trào Đông Du
thất bại” (Nguyễn Công Khanh, bài đăng trong cuốn 100 năm Phong trào Đông
Du và quan hệ Việt Nam - Nhật bản, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2005)…
Về nội dung liên quan đến các khu vực có người Việt sinh sống đông nhất
ở Thái Lan như vùng Đông Bắc, Thủ đô Bangkok,… có một tác giả nghiên cứu.
Có thể kể đến các bài viết như: “Đời sống kinh tế của cộng đồng người Việt ở
tỉnh Sacol Nakon - Thái Lan” (Nguyễn Hồng Quang, Nghiên cứu Đông Nam Á,
số 2/2004); “Có một phong trào gia đình học hiệu ở Nakhon Phanom” (Nguyễn


15
Công Khanh, Nghiên cứu Đông Nam Á, số 10/2009), “Quá trình bảo lưu và hội
nhập văn hóa của người Việt ở Đông Bắc Thái Lan”, (Nguyễn Hồng Quang,
Nghiên cứu Đông Nam Á số 5/2011), “Phật giáo trong cộng đồng người Việt ở
Thái Lan” (Nguyễn Công Khanh, Nghiên cứu Đông Nam Á, số 8/2013)… Đây
là những bài viết mang tính chuyên sâu về những vấn đề cụ thể trong lịch sử
cộng đồng người Việt ở Thái Lan, một số phong tục tập quán, một số vấn đề về
văn hóa, bảo lưu tiếng Việt cũng như có những nhận xét, đánh giá bước đầu về
quá trình phát triển của cộng đồng người Việt ở Thái Lan.
Bên cạnh những tác phẩm kể trên, còn có nhiều công trình nghiên cứu,
các đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Trường, Viện. Còn có một số luận văn thạc
sĩ của học viên cao học các trường đại học, học viện ở Hà Nội, Vinh, Huế, TP.
Hồ Chí Minh... liên quan đến cộng đồng người Việt ở Thái Lan.

Đề tài cấp Bộ “Quá trình hình thành, phát triển và vai trò của người Việt
ở Thái Lan trong lịch sử” của Trường Đại học Vinh do Nguyễn Công Khanh
chủ trì, năm 2009. Công trình có 3 chương, đề cập đến một số vấn đề như: các
đợt di cư của người Việt ở Thái Lan; đời sống vật chất và tinh thần của cộng
đồng Việt kiều ở Thái Lan; Đóng góp của cộng đồng người Việt ở Thái Lan đối
với Tổ quốc Việt Nam; Đóng góp của người Việt ở Thái Lan đối với sự phát
triển quan hệ hữu nghị và giao lưu văn hóa Việt Nam - Thái Lan.
Đề tài nghiên cứu “Cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan dưới góc độ
văn hóa” của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại
giao, do Phạm Hải Bằng làm chủ nhiệm là một trong những đề tài nghiên cứu
trực tiếp đến góc độ văn hóa của cộng đồng người Việt ở Thái Lan. Đề tài này
được chia làm 3 phần: Giới thiệu một số nét chính về đất nước Thái Lan; lịch sử
cộng đồng người Việt tại Thái Lan; nhận xét và kiến nghị.
Công trình khoa học đề tài cấp Nhà nước do Vũ Hào Quang, Trường Đại
học Khoa học xã hội và Nhân văn làm chủ nhiệm, năm 2010: “Những đặc trưng
cơ bản về con người và văn hóa của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài
hiện nay”. Quý I/2015, đề tài này được công bố thành sách chuyên khảo với
nhan đề “Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Những nét văn hóa đặc
trưng” (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội). Đây là đề tài nghiên cứu về người Việt


16
Nam ở nước ngoài, trong đó chương 3 đề cập đến người Việt ở Thái Lan.
Chương này có một số đóng góp vào việc nghiên cứu văn hóa, gia đình, cũng
như những phong tục tập quán của người Việt ở Thái Lan. Mặc dù vậy, công
trình chưa nghiên cứu lịch sử hình thành, quá trình định cư, sự phân bố của
người Việt và đặc biệt là chưa đề cập nhiều đến đời sống kinh tế, xã hội của
cộng đồng người Việt ở Thái Lan hiện nay.
Luận án tiến sĩ nhân học “Đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng
người Việt ở Đông Bắc Thái Lan - Trường hợp tỉnh Sakol Nakhon” (2013) của

Nguyễn Hồng Quang, Viện Khoa học xã hội - Viện Hàn lâm khoa học xã hội
Việt Nam đã đi sâu vào nghiên cứu đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng
người Việt ở tỉnh Sakol Nakhon trong đó chú ý đến các phong tục tập quán
truyền thống như việc đi lại, nhà ở, tang ma, cưới hỏi và vấn đề tiếp biến văn hóa
của cộng đồng.
Luận văn thạc sĩ “Cộng đồng Việt kiều ở Đông Bắc Thái Lan: Quá trình
hình thành, đời sống vật chất và tinh thần, những đóng góp đối với Tổ quốc Việt
Nam” của Bùi Hồng Thanh (Trường Đại học Vinh, 2006) nghiên cứu về lịch sử
hình thành và những đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở vùng Đông Bắc
Thái Lan. Luận văn thạc sĩ của Nguyễn Mai Phương (Trường Đại học Vinh,
2010) nghiên cứu về đề tài “Giao lưu văn hóa Việt - Thái”, ngoài nội dung
chính là mối quan hệ giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia, đề tài có đề cập đến
một số đặc trưng văn hóa của người Việt ở Thái Lan.
Một trong những nội dung được nhiều học giả chú ý nghiên cứu là hoạt
động yêu nước của người Việt ở Thái Lan, có rất nhiều công trình đề cập đến
hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà yêu nước như Phan Bội Châu,
Đặng Thúc Hứa, Đặng Quỳnh Anh,… Năm 1999, tác giả Trần Ngọc Danh viết
cuốn “Bác Hồ ở Thái Lan” ghi chép lại những câu chuyện về hoạt động của Bác
Hồ ở Thái Lan và những ảnh hưởng của Người đến cộng đồng người Việt Nam
ở đây. Các bài viết: Bác Hồ ở Thái Lan của Nghiêm Đình Vỳ tại Hội thảo khoa
học “25 năm quan hệ Việt Nam - Thái Lan” (2001), “Hồ Chí Minh người đặt
viên gạch xây dựng tình hữu nghị Việt Nam - Thái Lan hôm nay” của Ngô Vĩnh
Bao (Tạp chí Xưa & Nay, số 217, 2004)…


17
Trên đây là những công trình nghiên cứu cơ bản nhất về cộng đồng người
Việt ở Thái Lan và những vấn đề liên quan. Các nhà nghiên nước ngoài và Việt
Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc nghiên cứu về lịch sử Thái Lan nói
chung và lịch sử cộng đồng người Việt Nam ở Thái Lan nói riêng. Các công

trình trên đã đề cập đến quá trình hình thành, phát triển của cộng đồng người
Việt ở Thái Lan, một cộng đồng có quá trình hình thành, phát triển gắn với lịch
sử của hai đất nước Việt Nam - Thái Lan. Trong số các công trình nói trên, có
một số công trình mang tính giá trị khoa học và độ tin cậy khá cao, được nhiều
nhà nghiên cứu về Việt kiều Thái Lan sử dụng để tham khảo. Đây là những
những nguồn tư liệu quý giá, có ý nghĩa với tác giả trong quá trình nghiên cứu
và hoàn thành luận án.
1.3. Những vấn đề tồn tại và những vấn đề luận án tập trung giải quyết
1.3.1. Những vấn đề tồn tại
- Có rất nhiều công trình nghiên cứu dừng lại ở dạng hồi ký, nhật ký của
nhiều thành phần khác nhau như giáo viên, bộ đội, cán bộ nghỉ hưu... đây là
những người trực tiếp gắn bó với cộng đồng ở những khu vực, những địa phương
khác nhau. Những tài liệu này mới chỉ điểm qua quá trình hình thành, phát triển,
những kỉ niệm vui buồn của người Việt ở một địa phương cụ thể mà chưa có sự
khái quát, tổng hợp cao để trở thành những tài liệu khoa học phục vụ quá trình
phát triển kinh tế, xã hội và bảo tồn văn hóa truyền thống Việt ở Thái Lan.
- Bên cạnh đó, còn có một số vấn đề vẫn chưa được nghiên cứu nhiều
như: lịch sử hình thành cộng đồng, sự phát triển của cộng đồng sau mỗi đợt di
cư; ảnh hưởng của những biến động chính trị của đất nước Thái Lan đến đời
sống kinh tế, văn hóa - xã hội của cộng đồng người Việt.
- Các công trình nghiên cứu của những tác giả nêu trên đều là những công
trình nghiên cứu về một số vấn đề khác nhau của người Việt ở Thái Lan, chưa có
một công trình khoa học lịch sử nào nghiên cứu toàn diện, tổng thể về người
Việt ở Thái Lan trên các phương diện: lịch sử, kinh tế, văn hóa xã hội của cộng
đồng, mối quan hệ Việt Nam - Thái Lan,...
1.3.2. Những vấn đề luận án tập trung giải quyết
- Bên cạnh việc kế thừa những kết quả của các công trình, những tác giả


18

đi trước, luận án sẽ bổ khuyết những điểm còn thiếu hụt trong việc nghiên cứu
lịch sử cộng đồng người Việt ở Thái Lan nhằm dựng lên một bức tranh toàn
cảnh về cộng đồng này với các khía cạnh như: quá trình hình thành, phát triển,
những hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội và đóng góp của cộng đồng
người Việt đối với Việt Nam và Thái Lan trong thời gian chủ yếu từ đầu thế kỷ
XVII đến đầu thế kỷ XXI.
Đề tài cũng tìm hiểu các vấn đề khác nhau của cộng đồng người Việt ở
Thái Lan như truyền thống văn hóa, tôn giáo, ngôn ngữ, tâm tư nguyện vọng của
bà con,… Từ đó, đưa ra các kiến nghị với cơ quan hữu quan trong việc thực hiện
chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài.


×