KHAY TRÀ THỜI NGUYỄN
Từ ngàn xưa, ông cha ta đã xem uống trà là thú vui thanh đạm, tinh tế.
Uống trà khởi nguồn từ các chùa chiền, sau đó nhanh chóng được sự sủng ái,
đón nhận của tầng lớp nho giáo, sĩ phu, các gia đình quyền quý và tầng lớp
trung lưu... Lâu dần cách thưởng thức trà đó đã làm nên một nét văn hóa độc
đáo của người Việt. Pha cho mình cũng như pha trà mời khách, người ta phải
để vào đấy nhiều công phu, những công phu đó đã trở nên lễ nghi. Để có một
chén trà ngon, thì bộ đồ pha trà đóng một vai trò rất quan trọng bởi người uống
trà rất chú ý đến nghệ thuật thưởng thức trà với nhiều loại trà cụ cần thiết, sao
cho người uống cũng có thể cảm nhận và thể nghiệm về trà giống như các thiền
sư. Trà cụ,công cụ để pha trà, cũng rất cầu kỳ và cũng có sự biến chuyển qua
các thời đại, nói chung là đẹp hơn, thanh hơn lúc đầu. Mỗi bộ trà cụ thường có:
ấm, lồng, chuyên, chén tống, chén quân, dĩa dầm, khay, bình đựng trà, hỏa lò,
ấm đun nước bằng đồng cùng một số dụng cụ khác như thìa xúc trà, kẹp lấy bã
trà. Trà cụ được chế tạo bằng nhiều chất liệu khác nhau như gốm sứ, đất nung,
kim loại, thủy tinh, gỗ..., riêng trà cụ dùng để xúc trà, lấy bã trà đều bằng tre
khô hoặc gỗ thơm.
Thời Nguyễn, nghệ thuật uống trà, vốn được coi là cung cách của người
quý phái, càng được ưa chuộng hơn trong đời sống cung đình như một bằng
chứng của sự giàu sang quyền quý. Nghệ thuật thưởng thức trà khá phức tạp,
phải hội đủ hàng chục yếu tố, trong đó nhất thiết phải có đầy đủ dụng cụ để pha
trà. Các bộ trà cụ thời Nguyễn rất phong phú về kiểu dáng, đa dạng về chất liệu
như gốm sứ, đất nung, thủy tinh, ngà voi, đá, đồng, bạc, gỗ. Trà cụ bằng gỗ có
số lượng không nhiều song lại chiếm vị trí khá đặc biệt trong nhóm trà cụ thời
Nguyễn bởi sự có mặt của những chiếc khay gỗ quý với đủ loại hình dạng khác
nhau. Đó là những chiếc khay làm bằng gỗ trắc khảm xà cừ, gỗ mun chạm nổi,
chạm lọng, cao hơn một chút nữa là khay gỗ thành bằng ngà voi, khay gỗ bọc
đồi mồi. Phổ biến trong nhóm khay trà thời Nguyễn là khay lá lan và khay
thành đứng. Theo cách phân loại của giới thưởng trà thì khay lá lan là loại
khay nhỏ, chân thấp, thành gọt “bo măng”, để vừa một bộ trà xinh (1). Loại
khay này thường là khay hình vuông. Bên cạnh khay lá lan là loại khay thành
đứng hay còn gọi khay chân cao thường có hình chữ nhật. Đây là loại khay lớn
hơn khay lá lan, có cấu tạo cầu kỳ với chân cao, thành cao. Về chế tác,
loại khay chân cao, dù là chân quỳ haygiò nai, trông sắc sảo và quý phái hơn
song có chút bất lợi trong sử dụng so với lá lan do khay kích cỡ bề thế hơn.
Trên thực tế, xét về kiểu dáng, khay gỗ thời Nguyễn hiện còn lưu giữ tại Huế
có 3 nhóm chính: khay chữ nhật, khay vuông và khay có hình dáng đặc biệt.
Khay chữ nhật
Đa số được chế tạo theo dạng thành đứng có 4 chân quỳ cao, đáy thắt,
diềm đế hình kỷ hà hay tam sơn cách điệu. Dạng khay này trông rất bề thế,
chắc chắn bởi 4 góc khay được bịt bạc hoặc đồng một cách cẩn thận, dưới các
chân khay cấu tạo dạng chân quỳ chạm nổi mặt hổ phù luôn nẹp thêm một
khung gỗ chạy bao quanh. Loại khay chữ nhật được chế tạo kiểu lá lan có 4
chân thấp hình thước thợ chiếm số lượng rất ít.
Đa phần những chiếc khay thành đứng đều được trang trí toàn thân: lòng
khay, thành trong và thành ngoài, viền đáy, diềm đế bằng kỹ thuật khảm cẩn xà
cừ. Mặt trong và ngoài của thành khay thường trang trí dây hoa lá, cây lá hóa tứ
linh, tứ thời, hoặc các con vật trong tứ linh. Viền đế thường trang trí dây lá, các
vật trong bát bửu. Diềm đế được chế tạo dạng hồi văn kỷ hà, chính giữa trang
trí mặt hổ phù cách điệu. Lòng khay chính là điểm nhấn đáng chú ý nhất của
mỗi chiếc khay. Đây là nơi người thợ để tâm trí thể hiện những đề tài hoa thú,
phong cảnh nhân vật rất khác nhau, tạo nên mảng trang trí chính cho toàn bộ
chiếc khay. Lòng khay thường trang trí theo dạng ô hộc, đề tài hoa văn chính
được thể hiện trong một khung hình chữ nhật hoặc một vòng tròn chính giữa, 4
góc có 4 đề tài phụ.
Một số khay chân cao còn lại được trang trí bằng kỹ thuật chạm nổi và
chạm lọng ở thành và diềm đế. Khay chạm lọng thường thể hiện dây hoa lá cúc
hóa rồng ở 4 mặt thành, diềm khay chạm nổi dây lá và văn kỷ hà. Khay chạm
nổi được thể hiện đề tài lưỡng long chầu chữ thọ dạng mai thọ cách điệu ở 4
mặt thành, diềm trang trí hồi văn kỷ hà. Cá biệt trong nhóm khay thành đứng có
1 chiếc khay khung bằng gỗ, thành được chế tạo bằng ngà voi chạm lọng lưỡng
long chầu nhật một cách tinh tế, sắc sảo.
Khay vuông
Chiếm số lượng khá nhiều trong đó khay lá lan chân thấp hình thước thợ
chiếm đa số. Dạng khay này trông thanh mảnh và trang trí đơn giản hơn khay
thành đứng song cũng không kém phần chắc chắn nhờ 4 góc đều có bịt kim loại
vàng, bạc hoặc đồng chạy thẳng từ miệng đến chân đế. Bên cạnh khay lá
lan chiếm đa số, loại khay vuông thời Nguyễn cũng có một số ít khay được chế
tạo dạng thành đứng, chân quỳ cao, dưới chân gắn với một khung gỗ. Điểm
nhấn trong phần cấu tạo của khay lá lan nằm ở phần diềm đế. Khác với khay
thành đứng, đường diềm đế của khay lá lan được uốn lượn rất công phu. Chúng
ta có thể bắt gặp ở nhóm khay này những đường diềm đa dạng, từ đường ngang
đơn giản nhất đến đường diềm hình tam sơn, kỷ hà cách điệu; hình sóng nước,
uốn lượn theo nhiều hình dây lá khác nhau... tạo nên sự mềm mại, uyển chuyển,
giảm thiểu tối đa nét cứng cỏi của kiểu chân thẳng hình thước thợ.
Thông thường khay lá lan chỉ trang trí phần thành khay và diềm đế bằng
kỹ thuật khảm xà cừ hoặc chạm lọng nên đề tài trang trí ít phong phú
bằng khay thành đứng. Lòng khay để trơn hoặc sơn đỏ. Khay lá lan khảm xà cừ
thường trang trí tứ thời, hoa quả thực vật ở 4 mặt thành ngoài, diềm đế chạy
dây lá xen kẽ văn kỷ hà. Đối với khay chạm lọng, chúng ta dễ dàng bắt gặp đề
tài dây hoa lá cúc hóa lưỡng long chầu mặt hổ phù cách điệu trên thành khay và
dây lá uốn lượn mềm mại tạo nên diềm khay.
Nổi bật trong nhóm khay lá lan là số ít khay khung gỗ, thành và diềm đế
được chế tạo bằng ngà voi chạm lọng trông rất mềm mại và tinh xảo. Thành
khay chạm lưỡng long chầu hổ phù cách điệu hoặc song phụng chầu bầu lửa,
diềm đế chạm dây lá. Bốn góc của khay ngà được bọc bằng vàng tôn thêm vẻ
cao sang, quyền quý. Đây là những chiếc khay ngà hiếm hoi của thời Nguyễn
còn lưu giữ được tại Bảo tàng CVCĐ Huế. Đặc biệt, khay lá lan còn có chiếc
khay quý hiếm, thành trong và ngoài đều được bọc bằng đồi mồi trông rất lạ
mắt.
Khay có hình dáng đặc biệt
Ngoài hai loại khay chính là lá lan và chân cao, khay trà thời Nguyễn còn
có một số được chế tạo kiểu dáng rất đặc biệt theo kiểu các khối hình học được
uốn nắn lại cho mềm mại, hoặc mô phỏng hình hoa quả thực vật tạo nên sự
giao hòa giữa con người với thiên nhiên. Loại khay đặc biệt này chiếm số
lượng rất ít trong nhóm khay gỗ, song mỗi cái lại được chế tác theo một hình
dạng khác biệt, góp phần tạo nên sự đa dạng về kiểu dáng và phong cách tạo
hình cho nhóm khay gỗ thời Nguyễn.
Khay hình chữ nhật cách điệu: là chiếc khay hình chữ nhật được người
thợ vát tròn 4 góc, chân hình bậc cấp. Khay được trang trí bằng kỹ thuật khảm
cẩn xà cừ ở mặt thành ngoài với các đề tài trang trí khá lạ mắt: hồi văn ô trám
xen kẽ các bông hoa và văn cánh sẻ. Vành miệng trang trí hồi văn cánh sẻ, văn
khắc vạch. Thành trong và lòng khay được sơn mài màu nâu.
Khay hình tứ giác biến thể: là loại khay vốn có dạng vuông được người
thợ uốn 4 góc vanh tròn vào phía trong theo hình cánh cung tạo thành một
chiếc khay hình tứ giác biến thể trông rất lạ mắt. Thành và chân khay khảm cẩn
xà cừ hồi văn hình học, ô trám, cánh hoa. Kỹ thuật chế tác và phong cách thể
hiện của chiếc khay này tương tự khay chữ nhật cách điệu.
Khay hình ôval: Bao quanh miệng khay là đường gờ nổi khắc hình đốt
trúc. Lòng khay khảm xà cừ hình bó hoa hồng xen kẽ với cành trúc, chim và
bướm.
Khay hình chiếc lá: Được tạo dáng hình ngọn lá chạm nổi nho sóc, hoa và
lá trông rất sống động. Đầu khay cũng là đầu ngọn lá chạm thủng hình cuống lá
có 4 nhánh, 1 nhánh nối với chiếc lá nhỏ, 1 nhánh nối với chiếc lá lớn tạo thành
khay, 1 nhánh nối với bông hoa cùng con sóc nằm sát ngay đầu cuống lá, 1
nhánh chạy xuống mặt dưới của khay tỏa ra tạo thành cành nho với 3 nụ hoa
làm 3 chân khay. Lòng khay lõm, góc cuối ngọn lá chạm thủng một lỗ nhỏ. Từ
lỗ thủng đó có một con sóc chui từ dưới lên, nằm đối diện với con sóc ở đầu
cuống lá.
Khay hình trái đào: Được tạo dáng hình trái đào. Mặt khay lõm chạm nổi
hình dây lá nho sóc, dơi, quả đào và bông hoa nhiều cánh. Đáy khay chạm nổi
một cành hoa lá có 3 nụ hoa kết hợp với 2 ngọn lá tạo thành chân khay.
Một vài nhận xét
Về chất liệu: Khay không chỉ được chế tạo đơn thuần bằng gỗ mà còn có
sự kết hợp với ngà, đồi mồi tạo nên sự đa dạng, quý giá và sang trọng cho một
số khay trà. Tuy phong phú về chất liệu song khay gỗ nằm trong bộ đồ trà thời
Nguyễn đặc biệt không có loại khay sơn son thếp vàng.
Về kiểu dáng và phong cách tạo hình: Dòng cổ ngoạn này không chỉ
phong phú về chất liệu, mà còn đa dạng về kiểu dáng từ vuông, ôval đến chữ
nhật, hình quả đào hoặc theo hình chiếc lá... Thế của chúng có lúc kêu vó
nai đến yêu kiều, khi lại gọi chân quỳ - dạ cá thật vững chãi… Đa số khay trà
thời Nguyễn không chỉ được coi là đồ dùng trong sinh hoạt mà được coi là
những tác phẩm nghệ thuật khá thú vị. Giới thưởng trà có đến cả trăm mỹ từ
như: lá lan, trúc quân tử, công hầu khanh tướng… chỉ để gọi một chiếc khay
nơi bàn trà. Đủ thấy, khay trà chiếm một vị trí như thế nào trong đời sống cung
đình cũng như dưới nếp nhà xưa của cha ông chúng ta.
Về hoa văn trang trí: Kỹ thuật chạm nổi và chạm lọng thường thể hiện
các đề tài trang trí cây lá hoa quả. Riêng đối với kỹ thuật khảm cẩn xà cừ thì
người thợ đã sử dụng rất nhiều đề tài trang trí phong phú trên các khay gỗ.
Những đề tài đó có thể phân biệt thành các dạng chủ yếu gồm động vật, hoa
thảo và nhân vật. Nhóm đề tài động vật được thể hiện dưới dạng tứ linh, lưỡng
long, ngư long hý thủy, song phụng, đoàn phượng nhật bình... Nhóm đề tài hoa
thảo vô cùng biến hóa với 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông, còn gọi tứ thời hay tứ
bình. Dưới bàn tay người thợ khảm tài hoa, tứ bình thể hiện vô số những khung
cảnh dung dị trong đời sống tự nhiên, khi thì một khóm sen, khi lại vài ngọn lau
lao xao tiếng nhạn, khi lại nhành trúc uyển chuyển, nhánh lan mềm mại... Thật
là thiên hình vạn trạng không sao kể hết. Phong cảnh nhân vật không nhiều, thể
hiện các tích cổ xưa như thu phong điếu nguyệt.
Khi nói về văn hóa trà Việt chúng ta không thể không đề cập đến những
chiếc khay gỗ, món trà cụ không thể thiếu vắng trong bộ đồ trà. Khay trà cho
chúng ta biết về những món trà cụ được sử dụng trong các buổi thưởng trà xưa
của vua quan triều Nguyễn; thấy được một phần đời sống cung đình cùng những
nét đẹp tao nhã trong nghệ thuật thưởng trà của ông cha ta ngày xưa. Dưới góc
nhìn văn hóa và giá trị sử dụng, những chiếc khay trà thời Nguyễn chính là những
mẫu vật cụ thể, góp phần thiết thực vào việc phục dựng, phát huy những buổi
thưởng trà xưa, nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt nói chung, của
cung đình Nguyễn nói riêng.
Người Việt Nam coi uống trà là một tập tục tao nhã, để thưởng thức một
thú vui, giúp cho tâm hồn thanh cao, an tĩnh. Nghệ thuật và nghi thức uống trà
khá cầu kỳ và phức tạp. Khay trà, bộ trà cụ là những thứ đồ dùng khá đặc biệt,
được biết đến nhiều trong những ngôi nhà cổ.Khay trà còn là cách gọi tắt cho
cả bộ đồ uống trà. Ngày nay, khay trà đã trở nên cổ cổ, là lạ, hiếm nhà còn giữ
được một chiếc khay trà đúng cổ để phô diễn vẻ đẹp xưa. Cũng khó tin rằng,
một trong những bài học luân lý đầu tiên của lũ trẻ hồi nửa cuối thế kỷ trước
chỉ là lau chiếc khay trà mỗi sáng cho ông bà trước khi cắp sách tới trường.
Như một nét giáo huấn thấm sâu, chiếc khay trà bé nhỏ đã thành nơi thể hiện
lòng thành kính bình dị nhưng rất đỗi sâu sắc