Tải bản đầy đủ (.doc) (24 trang)

Sông trong tác phẩm của nguyễn ngọc tư (khảo qua tiểu thuyết và một số truyện ngắn tiêu biểu )

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (193.48 KB, 24 trang )

A. PHẦN MỞ ĐẦU
I. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
1. Trên con đường phát triển của văn xuôi Việt Nam đương đại, Nguyễn
Ngọc Tư nổi lên như một hiện tượng. Dù tuổi đời và tuổi nghề còn trẻ,
Nguyễn Ngọc Tư vẫn mạnh dạn thể hiện mình với nhiều thể loại văn học
khác nhau từ thơ, tản văn đến truyện ngắn, tiểu thuyết. Dù ở thể loại nào,
nhà văn cũng mong muốn các tác phẩm của mình mang hơi thở của đời sống
hiện thực, phản ánh chân thực những niềm vui nỗi buồn, những đau khổ bi
kịch của con người hiện đại. Những câu chuyện trong văn của chị lắm khi
quá gần gũi, thân quen, nhưng khi người khác điềm nhiên bước qua thì chị
lại để tâm quan sát và không ngừng trăn trở.
Không phải ngẫu nhiên mà khi nhắc đến Nguyễn Ngọc Tư là người ta nhớ
tới một miền sông nước. Bởi lẽ, viết về sông nước miền Tây từ lâu đã trở
thành “thương hiệu” của Nguyễn Ngọc Tư. Sông nước như một đề tài máu
thịt, xuất hiện thường trực trong các tác phẩm của Tư. Bằng chứng là hầu
như không có một tác phẩm nào từ tản văn, truyện ngắn đến tiểu thuyết mà
ta không bắt gặp ở đó một con sông, con rạch, một dòng nước âm thầm
xuyên suốt từ đầu đến cuối trang văn. Dòng sông, con nước ấy thay lời nhà
văn kể về những vùng miền nơi nó đã đi qua, kể chuyện đời của những con
người mà nó gặp. Có lẽ do Nguyễn Ngọc Tư sinh trưởng tại vùng Đầm Dơi,
Cà Mau, nơi có mạng lưới sông ngòi chằng chịt nên sông nước từ lâu đã ảnh
hưởng mạnh mẽ đến tâm hồn nhạy cảm của chị, trở thành nguồn cảm hứng
vô tận cho chị
2. Việc nghiên cứu về Nguyễn Ngọc Tư và các tác phẩm của chị không hẳn
là đề tài quá mới mẻ. Tuy nhiên bất cứ một hiện tượng nào cũng có nhiều
hướng suy nghĩ , tiếp cận. Một tác giả văn học, đặc biệt lại là một tác giả nữ
đang được dư luận chú ý và gặt hái nhiều thành công thì chắc chắn sẽ còn


nhiều những vấn đề mới mẻ đang chờ đợi được khám phá. Trong sự khảo sát
còn nhiều hạn chế cả chúng tôi , các bài nghiên cứu về văn Nguyễn Ngọc Tư


không ít nhưng đa phần mới chỉ hướng tới những đặc điểm về mặt hình thức
( đặc biệt là giọng văn Nam Bộ, ngôn ngữ Nam Bộ đậm nét…) hoặc bề nổi
về mặt nội dung như thế giới nhân vật, số phận con người… mà dường như
“bỏ quên” biểu tượng đã gắn chặt với trang văn của chị “ sông”. Vì thế, đề
tài “Sông trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư (khảo qua tiểu thuyết và
một số truyện ngắn tiêu biểu )” của chúng tôi sẽ mạnh dạn đi sâu vào tìm
hiểu vấn đề này một cách toàn diện và có hệ thống trên cơ sở tiếp thu những
tài liệu nghiên cứu trước đó.
3.Chọn đề tài “Sông trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư (khảo qua tiểu
thuyết và một số truyện ngắn tiêu biểu )” viết mong muốn được tiếp cận
thế giới tâm tư, tình cảm của nhà văn thông qua một biêu tượng mang tính
mẫu gốc: Sông. Đồng thời đó cũng là cách để hiểu sâu hơn nữa sức sáng tạo
và khả năng lao động nghệ thuật của một nhà văn trẻ, từ đó góp phần khẳng
định những đóng góp quan trọng và vị trí của tác giả Nguyễn Ngọc Tư đối
với quá trình phát triển của văn học Việt Nam đương đại. Hy vọng, đề tài sẽ
có ý nghĩa nhất định cho công tác nghiên cứu, giảng dạy văn học Việt Nam
nói chung và trường hợp tác giả Nguyễn Ngọc Tư nói riêng ở các trường
Phổ thông và Đại học.
II. LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU VẤN ĐỀ
Là một trong số ít những hiện tượng văn học đương đại gây được sự chú ý
của dư luận, Nguyễn Ngọc Tư dù còn trẻ nhưng đã tạo lập được một vị trí
riêng không trộn lẫn trong dòng văn học Việt Nam nói chung và văn học
Nam Bộ nói riêng. Hầu như tác phẩm nào của chị từ khi mới ra mắt cũng
đều gây ra những xao động nhất địn trên văn đàn và được cả giới nghiên cứu


lẫn người đọc quan tâm săn đón. Khảo các bài nghiên cứu và phê bình về
Nguyễn Ngọc Tư, chúng tôi xin tạm chia làm hai nhóm dưới đây:
1. Những công trình, bài viết nghiên cứu chung về nhà văn Nguyễn
Ngọc Tư và các tác phẩm đã xuất bản của chị.

Viết về Nguyễn Ngọc Tư tiêu biểu và sớm nhất, có thể kể đến bài viết
“Nguyễn Ngọc Tư- đặc sản miền Nam” của GS. Trần Hữu Dũng. Trong bài
viết này, ông đã xem xét tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư trên cả hai phương
diện nội dung và nghệ thuật, từ đó đi tới khẳng định sự thành công của nữ
nhà văn là ở ngòi bút giản dị, chân thật. Rất dễ để đồng tình với nhà phê
bình khi mà hiện nay nhiều nhà văn trẻ cố gắng thể hiện mình ở những
hướng đi mới mẻ ( sử dụng bút pháp mới, mô tả một xã hội mới, những con
người mới... ) thì Nguyễn Ngọc Tư lại một mình lặng lẽ trung thành với
những điều xưa cũ. Chị đưa ta vào những khung cảnh rất thường của đời
sống, rồi tự mỗi người khi soi vào trong tác phẩm, lại ngẫm ra rất nhiều
điều. Một thành công nữa phải kể đến của Nguyễn Ngọc Tư mà GS. Trần
Hữu Dũng đề cập đến trong bài viết là chất giọng Nam Bộ đặc trưng, đặc
biệt là tài năng của nữ nhà văn trong việc sử dụng phương ngữ miền Nam
với tần số dày đặc. Sử dụng nhiều, nhưng lại đúng lúc đúng chỗ, khiến người
đọc không nhàm chán, mà chỉ thấy sự mộc mạc, giản dị quá đỗi trong từng
câu chữ. Phải là một tâm hồn tinh tế và nhạy cảm mới ghi nhận được một số
lượng lớn lời ăn tiếng nói người Nam Bộ và đưa nó vào trong trang viết của
mình một cách tự nhiên như Nguyễn Ngọc Tư.
Ở một hướng tiếp cận tương tự, bài viết “Nguyễn Ngọc Tư- nhà văn trẻ Nam
bộ” đăng trên báo Văn nghệ sông Cửu Long ( số ra ngày 13/04/2006) của tác
giả Huỳnh Công Tín cũng chú ý đến không gian Nam Bộ, chất Nam Bộ bao
trùm lên tất cả các trang viết của chị. Có một không gian Nam Bộ với những
loại cây, tên gọi nghe quen, dân dã: mắm, đước, sú, vẹt, bần, tra, tràm, choại,


quao, ô rô, dừa nước…, với những vàm, kinh, rạch, xẻo, tắt chằng chịt, mà
tên gọi cũng gợi trí tò mò, tìm hiểu ở người đọc: vàm Cỏ Xước, Vàm Mắm,
kinh Cỏ Chác, kinh Mười Hai, kinh Thợ Rèn, Rạch Mũi, Rạch Ráng, Rạch
Ruộng, Xẻo Mê, Xẻo Rô, Lung Lớn, Gò Cây Quao…, hay những tên ấp, tên
làng, tên chợ nhiều chất Nam Bộ: xóm Xẻo, xóm Rạch, xóm Kinh Cụt, xóm

Miễu, chợ Ba Bảy Chín, Cái Nước, Trảng Cò, Đất Cháy, Mút Cà Tha...
Nguyễn Ngọc Tư không phải nhà văn miền Nam đầu tiên đưa không gian
miệt vườn Nam Bộ vào tác phẩm của mình, trước chị còn có các tên tuổi đã
thành công như Sơn Nam, Đoàn Giỏi, Bình Nguyên Lộc... Nhưng đất và
người Nam Bộ vẫn là một nét đặc trưng tiêu biểu, khiến người ta mặc định
cho rằng Nguyễn Ngọc Tư có tài năng viết về những đề tài ấy, và chị là một
thứ “ của hiếm” trong dòng văn học Nam Bộ.
Yêu mến Nguyễn Ngọc Tư, bỏ ra nhiều tâm huyết trong việc bình giá tác
phẩm của chị phải kể đến nhà phê bình Nguyễn Trọng Bình- một trong số
những nhà nghiên cứu có nhiều bài viết về Nguyễn Ngọc Tư nhất. Có thể
tạm kể như: Phong cách truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư nhìn từ phương diện
nghệ thuật về con người; Đặc trưng ngôn ngữ truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư;
Phong cách truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư nhìn từ phương diện nội dung tự
sự; Những dạng tình huống thường gặp trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư;
Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư từ góc nhìn văn hóa; Nguyễn Ngọc Tư và
hành trình “trở về”... Nổi bật trong số ấy phải kể đến bài viết “Truyện ngắn
Nguyễn Ngọc Tư từ góc nhìn văn hóa”( nguồn: viet-studies.info), Nguyễn
Trọng Bình cho rằng các tác phẩm của chị Tư đã cung cấp những tri thức
văn hóa về vùng quê sông nước Cửu Long rất bổ ích. Ông khẳng định quan
niệm nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Tư được hình thành trước hết là ở văn
hóa làng quê Nam Bộ với nguồn gốc sâu xa là những yếu tố văn hóa đặc
trưng của mảnh đất và con người nơi đây. Trong truyện Nguyễn Ngọc Tư,


những dấu ấn văn hóa đi vào một cách tự nhiên. Nhân vật dù có khi “quê
mùa”, thô kệch” nhưng họ là những con người thẳng thắn, bộc trực, phóng
khoáng, có gì nói nấy, nghĩ sao làm vậy. Họ yêu thích nghệ thuật cải lương,
vì mảnh đất này là cái nôi của những bài ca vọng cổ, nên cuộc sống sinh
hoạt của con người luôn gắn liền với những cuộc hát hò vui chơi , đờn ca tài
tử. Người nghệ sĩ vì thế cũng thường xuất hiện trong truyện, có khi là những

nhân vật chính. Cuộc sống lao động được tái hiện phần lớn là những cuộc
làm ăn long đong trên sống nước, kênh rạch, buôn bán trên chợ nổi…
Nguyễn Ngọc Tư là con đẻ của mảnh đất Cửu Long, viết về quê hương như
một cách thức giới thiệu và quảng bá vốn văn hóa vùng miền. Bên cạnh đó,
không chỉ đề cập đến những nét văn hóa tiêu biểu của vùng đất Nam bộ,
Nguyễn Ngọc Tư còn đưa vào trong tác phẩm của mình những mảng tối như
trình độ giáo dục , dân trí thấp. Và nó chính là một trong những nguyên nhân
dẫn đến số phận bi kịch, nghèo nàn của rất nhiều nhân vật. Đằng sau những
trang viết của chị, người ta thấy một tấm lòng nặng tình với quê hương, một
ý thức giữ gìn và trân trọng vẻ đẹp văn hóa.
Cũng đi vào nghiên cứu tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư nhưng tác giả Phạm
Thái Lê trong bài viết “Hình tượng con người cô đơn trong tuyện ngắn
Nguyễn Ngọc Tư” đăng trên “Tạp chí Văn nghệ quân đội”( tháng 2/2009) lại
đưa ra một hướng nghiên cứu khác. Tác giả chỉ ra một mô típ thường thấy
trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư là “người nghệ sĩ cô đơn [11;1]”.
Người nghệ sĩ thường đi trong một hành trình đơn độc để tìm mục đích của
mình, chạy trốn khỏi thực tại vô vọng, bất chấp và đánh đổi tất cả. Cuối bài
viết, Phạm Thái Lê đưa ra kết luận: “ Cũng là đề cập đến nỗi cô đơn của con
người, nhưng chúng tôi nhận thấy quan niệm của Nguyễn Ngọc Tư rất khác.
Cô đơn luôn là nỗi đau, là bi kịch tinh thần lớn nhất của con người. Nhưng
đọc Nguyễn Ngọc Tư, chúng ta cảm nhận rất rõ sự cô đơn mà không thấy bi


quan tuyệt vọng. Nhân vật của chị tự ý thức về sự cô đơn. Họ chấp nhận bởi
họ tìm thấy trong nỗi đau ấy một lẽ sống. Và, từ trong nỗi đau ấy, họ vươn
lên làm người. Cô đơn trong quan niệm của Nguyễn Ngọc Tư là động lực
của cái Thiện, cái Đẹp[11;2].”
Đặc biệt tháng 8 năm 2005, tác phẩm Cánh đồng bất tận ra mắt bạn đọc.
Tên tuổi Nguyễn Ngọc Tư một lần nữa khuấy động đời sống văn học. Cánh
đồng bất tận trở thành hiện tượng đáng chú ý bậc nhất của văn học năm đó,

suốt một thời gian dài tốn kém nhiều giấy mực của báo chí và các nhà phê
bình. Tác phẩm trở thành tâm điểm bàn luận của nhiều bài viết. Trong số
này, đáng chú ý là bài “ Chất thơ trong Cánh đồng bất tận”(báo Văn nghệ số
ra 12/08/2006) của PGS. TS Đào Duy Hiệp. Theo ông, dù Cánh đồng bất
tận là văn xuôi nhưng lại thấm đẫm chất thơ. Chất thơ ấy được thể hiện qua
“trong sự lặp lại ở các cấp độ từ ngữ, hình ảnh thấm tình người được diễn
đạt bằng một giọng văn dung dị, hiền lành [7;1]”. Tác giả chỉ ra rằng nỗi nhớ
xuyên suốt chiều dài tác phẩm, thường trực trong tâm hồn của mỗi nhân vật,
từ nỗi nhớ ấy Nguyễn Ngọc Tư vẽ nên những mảnh đời cô đơn, côi cút,
buồn bã, “biết bao nỗi nhớ: nhớ Má, nhớ lớp, nhớ em, nhớ chị, nhớ con người, nhớ bóng người, nhớ một đồng - loại, nhớ một người che chở,
nhớ đau nhớ đớn bàn chân xưa... như những lớp sóng cồn cào, trùng điệp,
lặp lại, vang xa, khắc khoải và day dứt...[7;1]” Còn những hình ảnh “cánh
đồng”, “dòng sông” cứ trở đi trở lại như chứng nhân cho nỗi nhớ khắc khoải,
u uất của những kiếp người tồn tại nơi ấy. Tiếng vang của Cánh đồng bất
tận mạnh mẽ đến nỗi đã khiến các đạo diễn lựa chọn nó để chuyển thể thành
tác phẩm điện ảnh và công chiếu rất thành công.
Ngoài ra còn có một số khóa luận tốt nghiệp và luận văn Thạc sĩ chuyên
ngành Văn cũng lấy đề tài ở tác phẩm Cánh đồng bất tận, như “ Nghệ thuật
tự sự trong tác phẩm Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư” ( Lâm Thị


Chân- Khóa luận tốt nghiệp, trường Đại học Cần Thơ năm 2012). Công trình
đi vào tìm hiểu nghệ thuật tự sự trong tác phẩm qua kết cấu trần thuật, điểm
nhìn và giọng điệu trần thuật, từ đó khẳng định sự thành công và tài năng
của Nguyễn Ngọc Tư. Khóa luận “ Hiện thực trong truyện ngắn Cánh đồng
bất tận của Nguyễn Ngọc Tư” ( Nguyễn Thị Đoan Trang, trường Đại học
Cần Thơ năm 2013) một lần nữa đề cập đến bức tranh cuộc sống và bi kịch
của những người dân miền Tây Nam Bộ dưới cái nhìn đầy ám ảnh.
Ngoài ra lấy tác phâm Nguyễn Ngọc Tư làm đối tượng nghiên cứu cũng là
lựa chọn của nhiều luận văn. Có thể điểm qua như: Đặc điểm truyện ngắn

Nguyễn Ngọc Tư (Nguyễn Thành Ngọc Bảo, luận văn thạc sĩ, trường Đại
học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh năm 2008), Thế giới biểu tượng trong
văn xuôi Nguyễn Ngọc Tư(Nguyễn Thị Ngọc Lan, luận văn thạc sĩ, trường
Đại học Đà Nẵng năm 2013) hay Nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Thị
Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tư và Đỗ Hoàng Diệu (Lê Thị Tuyết ,luận văn thạc
sỹ, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, năm 2010)…
Bên cạnh đó, còn phải kể đến một số bài viết ngắn bàn về nội dung và hình
thức trong văn xuôi Nguyễn Ngọc Tư như: Dạ Ngân với “Nguyễn Ngọc Tư
– điềm đạm mà thấu đáo” (Văn nghệ trẻ, số 15 năm 2004), Minh Thi với “
Nguyễn Ngọc Tư và những bộ mặt tâm trạng” (Lao động ,ngày 11/4/2004),
Thảo Vy và bài viết “Nỗi đau trong Cánh đồng bất tận”(Tạp chí văn hóa
Phật giáo, số 11 năm 2005)…
2. Những công trình, bài viết liên quan đến đề tài.
Như đã khẳng định, sông nước là không gian nghệ thuật quen thuộc thường
gặp trong truyện Nguyễn Ngọc Tư. Sông nước là mạch chảy xuyên suốt các
tác phẩm, nối kết những số phận, những mảnh đời. Vì thế khi đi vào nghiên
cứu về Nguyễn Ngọc Tư không thể nào bỏ qua dấu ấn này. Từ hải ngoại,
nhà nghiên cứu Thụy Khuê có bài viết “ Không gian sông nước trong truyện


ngắn của Nguyễn Ngọc Tư”(nguồn trích www.thuykhue.free.fr tháng
11/2006). Tác giả Thụy Khuê cho rằng, trong truyện của mình, Nguyễn
Ngọc Tư đã xây dựng được một không gian Nam bộ đặc trưng với ruộng
đồng sông nước, kênh rạch chằng chịt, với những mảnh đời nổi trôi theo
từng con nước, những số phận còn mất cùng những mùa lũ, cả những bi kịch
chôn vùi dưới đáy sông sâu. Bài viết đã bước đầu khẳng định được “ tinh
thần sông nước” cũng như không gian sông nước là điểm nổi bật trong tác
phẩm của Nguyễn Ngọc Tư. Tuy vậy, bài viết mới dừng lại ở việc khẳng
định, chứ chưa đi sâu vào phân tích cắt nghĩa sự thể hiện và ý nghĩa cũng
như dụng ý nghệ thuật của nhà văn khi đưa không gian sông nước vào các

truyện ngắn và tiểu thuyết của mình; những nhận xét cũng có phần tản mạn
và chưa thật sự phát hiện ra những cái mới, riêng, lạ của nhà văn này.
Năm 2012, tiểu thuyết mới nhất cuả Nguyễn Ngọc Tư là Sông khi ra mắt
được ví như một thiên truyện du kí đặc sắc, một hành trình đi tìm về bản ngã
của con người. Nhà phê bình Mai Anh Tuấn trong bài nghiên cứu “ Đọc tiểu
thuyết Sông của Nguyễn Ngọc Tư, khảo về sự biến mất”( nguồn:
tiasang.com), chỉ ra rằng, “nổi bật trong tiểu thuyết này là sự biến mất
[19;1]”. Con sông Di cứ từ từ nuốt dần những dãy nhà, cảnh vật, những cuộc
đời dọc bên dòng sông như một sự ám ảnh từ mỗi chương truyện. Nhân vật
như thể cũng phối hợp với cái trò chơi ngẫu hứng của sông Di. Đó là sự mất
tích của Bối, khiến Ân “ ngờ rằng Bối đang chơi trò mất tích đê được tìm”(tr
71),cũng như Ân chọn cách biến mất ở sông Di, cũng như chị San bỏ đi biệt
tích , để những người xung quanh nhớ về họ, để họ thực sự hiểu mình đang
tồn tại giữa cuộc sống bộn bề mà niềm yêu thương dường như đã bị che
khuất bởi sự giả dối của thói đời.
Cũng viết về tiểu thuyết Sông, tác giả Cao Việt Dũng trên Báo Thể thao văn
hóa số ra ngày 30/9/2012 có bài viết “ Sông và những cuộc bỏ đi”. Bằng một


góc nhìn thấu cảm, tác giả nhấn mạnh, sự bỏ đi đã trở thành nội dung cốt lõi
của cả cuốn tiểu thuyết. Sông giống như một bức trang được ghép lại từ
nhiều mảnh mà mỗi mảnh ghép lại là một cuộc bỏ đi khác nhau, làm nên
tổng thể một bức tranh của sự biến mất. Và để những cuộc bỏ đi của nhân
vật thêm phần ấn tượng và ám ảnh với người đọc, Nguyễn Ngọc Tư đã cất
công xây dựng nên một không gian huyền ảo, mơ hồ “ cái hiện thực trong
sông không hoàn toàn là hiện thực nhưng chưa bước hẳn sang bên kia lằn
ranh ngăn cách với cái kỳ ảo, cái kỳ ảo vẫn neo đậu đậm đà vào hiện thực,
nên độ chênh thì có , nhưng bầu không khí mà cuốn tiểu thuyết tạo ra dường
như là một cái gì đó từa tựa sự thật…[5;1]”. Tuy nhiên bài viết như tiêu đề
đã ghi chỉ dừng lại ở việc đề cập đến nội dung chính của tiểu thuyết là sự bỏ

đi và hiện thực mờ ảo trong tác phẩm chứ chưa có sự đào sâu vào hình tượng
sông Di- hình tượng chủ đạo của cuốn tiểu thuyết.
Dù đã có không ít bài nghiên cứu về Nguyễn Ngọc Tư, nhưng có một thực tế
là việc nghiên cứu còn chưa hệ thống. Các bài viết đa số đều chỉ đăng trên
các báo, tạp chí chuyên ngành dưới dạng bài ngắn, chưa có công trình nào
được tập hợp, in thành sách hay một chuyên luận. Có nhiều bài viết là những
bài tranh luận,ý kiến trái chiều chứ chưa có giá trị khoa học thật sự.
Các vấn đề về nhân vật, chất trữ tình trong truyện ngắn, cảm hứng nhân văn,
không gian và văn hóa Nam bộ, phương ngữ Nam Bộ, ngôn ngữ và lời thoại
nhân vật trong tác phẩm Nguyễn Ngọc Tư đều đã được bàn đến trong những
bài viết nêu trên. Tuy nhiên, qua khảo sát chúng tôi thấy chưa có công trình
nào nghiên cứu đầy đủ, hệ thống về sông nước trong tác phẩm của Nguyễn
Ngọc Tư như một biểu tượng mang tính đa nghĩa. Vì vậy, chúng tôi đã chọn
đề tài này một lần nữa hy vọng góp một cái nhìn mang tính xuyên suốt và
đầy đủ hơn về mảng văn vốn dĩ vẫn được xem là một nỗi niềm thường trực
của tác giả.


III. NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU
Căn cứ vào lí do chọn đề tài người viết xác định nhiệm vụ của khóa luận như
sau:
- Tiếp cận ở góc độ gần một chủ đề mang tính biểu trưng trong tiểu thuyết
và một số truyện ngắn tiêu biểu của Nguyễn Ngọc Tư “Sông” từ đó lật giở
những thông điệp mà nhà văn chuyển tải.
- Thấy được những nỗ lực của Nguyễn Ngọc Tư trong việc xác lập một
phong cách riêng qua những nét đặc sắc về nghệ thuật biểu hiện.
IV. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU:
1. Đối tượng:
- Với đề tài Sông trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư ( khảo qua tiểu
thuyết và một số truyện ngắn tiêu biểu), đối tượng nghiên cứu mà khóa

luận hướng tới là hình tượng Sông cùng những ý nghĩa biểu trưng của nó
trong một số tác phẩm tiêu biểu của nhà văn .
2. Phạm vi nghiên cứu:
Từ đối tượng nghiên cứu của đề tài, chúng tôi xác định phạm vi của khóa
luận là một số tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, cụ thể:
-Tập truyện ngắn Giao thừa ( 2003), Nhà xuất bản Trẻ, Thành phố Hồ Chí
Minh
-Tập truyện ngắn Cánh đồng bất tận ( 2005), Nhà xuất bản Trẻ, Thành phố
Hồ Chí Minh
-Tập truyện ngắn Gió lẻ và 9 câu chuyện khác(2008), Nhà xuất bản Trẻ,
Thành phố Hồ Chí Minh
-Tiểu thuyết Sông (2012), Nhà xuất bản Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh
V. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Trong quá tình thực hiện đề tài, chúng tôi phối hợp sử dụng một số phương
pháp sau:


1. Phương pháp phân tích tác giả, tác phẩm văn học:
Với phương pháp này, chúng tôi tiến hành phân tích tiểu sử, sự nghiệp của
tác giả Nguyễn Ngọc Tư, tìm những yếu tố có ảnh hưởng, chi phối đến hoạt
động sáng tác của nhà văn. Đồng thời tập hợp những ý kiến của những
người đi trước để phân tích các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư, tìm ra ý
nghĩa hình tượng sông nước thể hiện trong tác phẩm
2. Phương pháp so sánh văn học
Đây là phương pháp cần thiết giúp chúng tôi nhìn thấy điểm tương đồng và
khác biệt của Nguyễn Ngọc Tư so với các nhà văn Nam Bộ trước và cùng
thời, cũng như sự nhất quán về chủ đề ở một loạt các tác phẩm của chị.
3. Phương pháp tiếp cận hệ thống
Để tránh cái nhìn phiến diện trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi chú ý tiếp
cận vấn đề trong tính chỉnh thể, hệ thống. Soi chiếu các tác phẩm từ nhiều

điểm nhìn khác nhau, đặt các tác phẩm trong hệ thống sáng tác của bản thân
tác giả Nguyễn Ngọc Tư cũng như sáng tác của các tác giả tiêu biểu ở những
giai đoạn trước và cùng thời.
VI. CẤU TRÚC KHÓA LUẬN
Khóa luận của chúng tôi gồm trang, được triển khai thành 3 phần, trừ phần
Mở đầu và phần Kết luận, phần Nội dung gồm 3 chương:
Chương I: Sông trong văn hóa- văn học, từ quá khứ đến hiện tại ( những vấn
đề nhận thức chung)
Chương II: Dòng sông của phép ẩn dụ tâm hồn trong văn chương Nguyễn
Ngọc Tư ( khảo qua tiểu thuyết và một số truyện ngắn tiêu biểu)
Chương III: Nghệ thuật viết như một phương tiện chuyển tải nội dung


B. PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: SÔNG TRONG VĂN HÓA- VĂN HỌC, TỪ QUÁ KHỨ
ĐẾN HIỆN TẠI ( NHỮNG VẤN ĐỀ NHẬN THỨC CHUNG)
1. Sông- biểu tượng văn hóa nguyên thủy
Mỗi biểu tượng văn hóa chứa trong nó những giá trị cổ xưa của nền văn hóa
nhân loại. Biểu tượng văn hóa chính là sự mã hóa các giá trị tinh thần của
loài người theo thời gian. Một biểu tượng văn hóa luôn được đặt trong sự
khám phá và tìm tòi của con người, khiến cho nó có xuất phát điểm ban đầu
là một vài ý nghĩa cố định, dần dần được phát triển thêm những nét nghĩa
biểu trưng mới. Đồng thời theo thời gian, cùng với việc sản sinh thêm những
ý nghĩa mới, biểu tượng đi vào đời sống văn hóa và để lại dấu ấn trong
phong tục, tập quá, tín ngưỡng, nghi lễ, văn học… tóm lại là các phạm trù
của nền văn hóa.
Trong bề dày văn hóa nhân loại, nước cùng với các yếu tố tự nhiên như đất,
khí, lửa… được coi là một trong những biểu tượng cổ xưa nhất và mang
nhiều giá trị về mặt văn hóa, tâm linh. Còn nhớ, triết gia Thales quan niệm
rằng toàn bộ thế giới của chúng ta được bắt nguồn từ nước. Sông nước là

khởi nguồn của sự sống nên từ lâu sông nước đã ăn sâu vào tâm thức của
con người, trở thành một biểu tượng mang tính thiêng liêng “ những ý nghĩa
tượng trưng của nước có thể quy về ba chủ đề chiếm ưu thế: nguồn sống,
phương tiện thanh tẩy, trung tâm tái sinh [1;709].” Mọi nền văn minh cổ đại
lớn trên thế giới đều phát tích từ những con sông . Chính vì sông nước là
nguồn sống tự nhiên quan trọng bậc nhất nên con người nảy sinh sự sùng bái
đối với sông nước “Nước còn là nguồn gốc và phương tiện chuyển tải sự
sống, là hình tượng của hơi thở sự sống… [1;710]”. Sông nước không chỉ là
một biểu tượng văn hóa mang ý nghĩa của nguồn sống mà trở thành một biểu
tượng của quyền năng, mang sức mạnh khiến con người phải tôn sùng.


2. Sông nước trong tri nhận của người Việt Nam.
2.1.

Sông nước – nét văn hóa đặc trưng của người Việt

Giống như nhiều dân tộc ở châu Á, người Việt Nam coi sông nước chính là
khởi nguyên của sự sống, quyết định đến mọi mặt trong đời sống con người.
Sông nước trở thành yếu tố quan trọng hàng đầu trong cuộc sống của cộng
đồng dân tộc, không chỉ cuộc sống vật chất mà còn giữ vị trí thiết yếu cả
trong đời sống văn hóa.
Sông nước với người Việt Nam trước hết chính là môi trường sống và cũng
là môi trường lao động sản xuất. Nước Việt Nam có hàng nghìn con sông
lớn nhỏ khác nhau . Sông nước tồn tại cùng với con người. Theo giáo sư
Trần Ngọc Thêm trong cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam thì văn hóa gốc nông
nghiệp và địa hình có nhiều sông ngòi đã ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa
sinh hoạt của người Việt từ ngàn xưa. Từ nguyên thủy, người Việt cổ đã biết
tìm đến những lưu vực con sông lớn để xây dựng cuộc sống, lập nên những
xóm làng trù phú men theo sông. Sông nước không chỉ trở thành môi trường

sống, mà còn là môi trường lao động sản xuất của người Việt từ xưa đến
nay. Sông không chỉ là căn cứ để lựa chọn nơi sinh sống mà còn là điều kiện
tiên quyết của lao động sản xuất. Việt Nam là quốc gia nằm trong khu vực
Đông Nam Á, nơi có nhiều các dòng sông lớn như sông Dương Tử, sông
Hồng, sông Mê Kông… với những đồng bằng phù sa màu mỡ thuận lợi để
hình thành nền nông nghiệp lúa nước. Sông nước dồi dào khiến cây cối xanh
tươi, mùa màng sung túc. Sự hiện hữu của sông nước thể hiện sự tồn tại của
sự sống. Cùng với việc cung cấp nguồn nước để phát triển nông nghiệp,
sông còn là môi trường thuận lợi phục vụ cho nghề chài lưới đánh bắt thủy
sản của người dân Việt
Hệ thống sông ngòi dày đặc từ Bắc vào Nam tạo nên mạng lưới giao thông
đường thủy đặc trưng của văn hóa dân tộc, đặc biệt phát triển ở miền Nam.


Từ đây, những phương tiện thuyền, ghe, xuồng, bè đã trở thành quen thuộc
và ghi một dấu ấn đậm nét vào văn hóa vùng.
Sông nước cũng ảnh hưởng đến cả đời sống tâm linh của người Việt từ cổ
xưa. Nghi lễ thủy táng và việc sử dụng quan tài hình thuyền để chôn cất
người chết mang đậm dấu ấn sông nước. Khi con người còn sống, sông trở
thành nguồn gốc của sự sống, cung cấp môi trường sống và sinh hoạt. Đến
khi chết đi, sông mở ra đón nhận, trở thành nơi an ủi linh hồn mà con người
muốn trở về.
2.2.

Ứng xử văn hóa với sông nước của người Việt Nam

Người Việt Nam là cư dân gốc nông nghiệp. Một đặc điểm lớn trong cách
sống và cách ứng xử của cư dân nông nghiệp với tự nhiên nói chung là họ
luôn tôn trọng tự nhiên. Người dân ý thức được cuộc sống của mình phải
phụ thuộc vào tự nhiêntrong đó sông nước được coi là yếu tố quan trọng bậc

nhất ( nhất nước, nhìn phân, tam cần, tứ giống), cho nên từ xa xưa người
Việt đã có ý thức tôn trọng, sống hòa hợp, gắn bó với song nước thay vì có
suy nghĩ đàn áp, chiếm lĩnh, làm chủ. Họ ý thức rất rõ, sông nước ngoài việc
mang lại nguồn sống thì cũng có thể trở thành mối hiểm họa khôn lường đối
với con người. Một cơn thịnh nộ của sông mang theo lũ lụt quét sạch hoa
màu có thể xóa sổ cả một làng xóm. Sông nước mang đến sự sống thì cũng
đồng thời có thể hủy diệt tất cả. Những tai họa bất ngờ khủng khiếp ấy khiến
con người sợ hãi trước sức mạnh và sự khó lường của tự nhiên. Vì thế mà
người Việt bên cạnh việc ứng phó bằng cách đắp đê, xây đập…ngăn lũ ở
phía bắc thì bao giờ cũng giữ tâm thế phục tùng thuận theo và tôn sùng sông
nước ở phía Nam.
Cần sông nhưng cũng sợ sông ( Hà Bá) nên trong tín ngưỡng nguyên thủy
của mình, người Việt có tục cầu mưa, thờ Thủy thần (Hà Bá, cá ông, thờ
rắn...). Người dân Việt cổ thờ Thủy thần với ước vọng cầu mong sông nước


hiền hòa, mùa màng tươi tốt bội thu, đánh bắt được nhiều sản vật dưới sông,
tránh được những tai ương do sông nước gây nên...Các lễ hội và nghi thức
văn hóa gắn liền với sông nước diễn ra khắp các nơi trên đất Việt là những
truyền thống tinh hoa được chắt lọc từ thế hệ này qua thế hệ khác của một
cộng đồng cư dân sinh sống, làm ăn dựa vào sông nước. Một trong những lễ
hội lâu đời và phổ biến nhất của người Việt là lễ hội đua thuyền, diễn ra nằm
cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no, sức khỏe dồi dào;
thể hiện tinh thần đoàn kết và truyền thống cộng đồng dân tộc. Ngoài ra, có
thể kể đến Lễ rước nước- nghi thức tâm linh của cư dân vùng đồng bằng
sông Hồng, mang đậm dấu ấn tôn thờ sông nước của người Việt từ xa xưa.
Lễ rước nước là nghi thức tâm linh đặc sắc biểu hiện tín ngưỡng cầu nước
của cư dân sống với nền văn minh lúa nước, cũng là một nghi thức thờ thần
sông. Gần như tất cả các hoạt động trong Lễ rước nước như múa rồng, rước
cá, chèo thuyền, rước nước... đều liên quan đến sông nước. Thông qua lễ hội

này, nhân dân muốn cầu xin một năm mưa thuận gió hòa để cày cấy thuận
lợi, mùa màng tốt tươi, con dân được hưởng ấm no. Không chỉ trong những
nghi lễ tâm linh mang tính tập thể, cộng đồng mà cả trong tập tục thờ cúng ơ
mỗi gia đình cũng thể hiện dấu ấn của tín ngưỡng thờ nước. Trên bàn thờ gia
tiên của người Việt Nam có thể thiếu rượu chứ không bao giờ được thiếu
mấy chén nước sạch.
Suốt cả dải đất Việt Nam gần như hiếm có một địa phương nào lại không có
ít nhất một nghi lễ tâm linh liên quan đến tín ngưỡng thờ sông nước. Như
vậy có thể thấy, xuất phát từ điều kiện địa lý tự nhiên, môi trường sống và
môi trường lao động, kết hợp với quan niệm “ vạn vật hữu linh”, tôn thờ
nước đã tạo nên một tín ngưỡng vô cùng đặc trưng trong bề dày văn hóa dân
tộc.


3.Sông nước trong văn học Việt Nam
Văn học là một bộ phận của văn hóa nhưng đồng thời văn học cũng là
phương tiên để lưu trữ và truyền tải. Văn học tiếp nhận những giá trị văn hóa
của một dân tộc, một cộng đồng, một tập thể đã tồn tại từ lâu và thể hiện nó
ra bằng các hình tượng nghệ thuật. Cùng với đó, nhà văn với tư cách là
người sáng tạo nên tác phẩm cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thể
hiện đặc trưng văn hóa dân tộc vào trong tác phẩm văn chương. Nhà văn đặt
bút viết cũng phải phù hợp và thỏa mãn sự tiếp nhận của cộng đồng mình.
Vì thế, văn học chính là sự phản ánh của văn hóa. Và với tư cách là một bộ
phận của văn hóa, nền văn học nước nhà cũng chịu ảnh hưởng và mang
trong mình những dấu ấn của sông nước trong một hành trình dài xuyên suốt
cả trong văn học dân gian, cho tới văn học trung đại và sau này là văn học
hiện đại.
3.1 Văn học dân gian
Đến với văn học dân gian là tìm đến với đời sống tâm hồn mộc mạc, chất
phác của nhân dân. Nhân dân luôn đưa vào trong văn học dân gian những gì

tiêu biểu, quen thuộc, gần gũi nhất của đời sống. Và với đặc trưng là người
dân nông nghiệp gắn bó với sông nước thì tất yếu sông nước sẽ trở thành
một ngữ liệu quen thuộc trong văn học dân gian mang nhiều ý niệm, chứa
đựng những giá trị sâu sắc.
Ngay ở thể loại cổ xưa nhất của văn học dân gian là thần thoại đã có sự xuất
hiện của sông nước. Mỗi một dân tộc có một hệ thống thần thoại riêng của
mình nhưng không dân tộc nào lại không có những câu chuyện thần thoại về
các vị thần sáng tạo ra thế giới tự nhiên : thần Mặt trời, thần Đất, thần Núi,
thần Gió, thần Mưa và Nước, thần Sông. Hình ảnh của thủy tổ Lạc Long
Quân (trong thần thoại Con Rồng cháu Tiên) vốn nòi ồng cai quản vùng
sông nước đã in đậm trong tiềm thức của người Việt cổ, trở thành một biểu


tượng tô tem giáo bất tử. . Đến thần thoại về Sơn Tinh Thủy Tinh, tác giả
dân gian vẫn thể hiện hình ảnh của nước nhưng ở một góc độ khác. Và cho
dù cuối cùng, trong cuộc đấu trí, đấu sức đất- nước, Sơn thần đã thắng thì
Thủy thần vẫn không hề nao núng suốt hàng ngàn năm nay. Để cho con
người luôn phải tìm cách “chế hóa” qua lại với nước từ thời thượng cổ đến
tận giờ.Trong truyền thuyết về Chử Đồng Tử, sông lại xuất hiện với tư cách
của chứng nhân cho mỗi lương duyên kì lạ mà đẹp đẽ giữa cậu bé bến sông
nghèo với một cô công chúa.
Trong ca dao, dân ca, sông thường được nhắc đến như một biểu tượng của
quê hương xứ sở. Sông là hiện thân của tự nhiên rộng lớn, choáng ngợp nên
các tác giả dân gian thường lấy những đặc điểm bề ngoài của sông: dài,
rộng, lớn, sâu… để gợi lên những ý nghĩa biểu trưng về sự xa cách, vô tận,
về cái lớn lao, bền vững, vĩnh cửu… Sông nước trở thành dòng trôi chảy vô
định, vô tận của thời gian (Sông cạn đá mòn)
Đứng trước sông, con người cảm thấy mình trở nên nhỏ bé, phụ thuộc. Tầm
vóc lớn lao của sông được làm cơ sở, thước đo chứng minh cho sự bền
vững: (Biển cạn, sông cạn, lòng qua không cạn / Núi lở non mòn, nghĩa bạn

không quên)
Sông hiện diện trong tình yêu đôi lứa như một kiểu trở ngại để thử thách
lòng người.(Ước gì sông rộng một gang /Bắc cầu dải yếm cho chàng sang
chơi ; Yêu nhau mấy núi cũng trèo / Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua;
Sông dài cá lội biệt tăm / Phải duyên chồng vợ ngàn năm cũng chờ)
Sông nước còn gợi lên những ý niệm về cuộc đời, về kiếp người (Sông có
khúc, người có lúc ; Khúc sông chật hẹp khôn tuỳ / Lo cho thân bậu sá gì
thân qua)
Sông là nhân chứng cho những khúc ngoặt, đoạn rẽ của cuộc đời con người
(Vai mang khăn gói sang sông / Mẹ kêu em dạ, thương chồng phải theo)


Sông nước mang nhiều triết lý, kinh nghiệm sống đáng để con người phải
suy ngẫm ( Nước chảy đá mòn ; Uống nước nhớ nguồn ; Sông sâu còn có kẻ
dò/ Lòng người nham hiểm ai đo cho cùng ); thể hiện đạo đức và cách ứng
xử (Thác trong hơn sông đục ; Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo )
Từ không gian sông, những câu hò điệu lý cất lên cao vút:
“ Hò ơ ai về sông nước miền Tây
Cò bay thẳng cánh ruộng đồng bao la
Người ơi xin hãy ghé qua, thăm vùng sông nước
Hò ơ thăm vùng sông nước
Hiền hòa mến yêu…”
( Hò miền Tây sông nước)
Cùng gần giống với hò là những điệu lý dân gian mượt mà, vần điệu với lời
ca giàu chất trữ tình, mang nỗi niềm hoài niệm tình yêu,quê hương, dòng
sông bến nước con đò làng quê thân thuộc.
“ Sông dài còn chảy xuôi theo dòng
Mà sao vắng em tôi biết tìm nơi đâu
Dòng sông còn chứa chan ân tình
Nay dang dở tình đầu ta còn ngóng đợi ai…”

( Lý bông dừa)
Sông nước là đề tài muôn thuở cho các tác giả dân gian sáng tác nên những
điệu hò, điệu lí lưu truyền qua bao nhiêu thế hệ. Những bài hò, điệu lí về
sông bao giờ cũng thể hiện một tình yêu quê hương xứ sở dạt dào, sâu sắc,
làm cho nỗi nhớ quê hương càng thêm khắc khoải
2.2 Văn học trung đại
Không chỉ trong văn học dân gian, đến thời kì của văn học trung đại, sông
nước càng được thể hiện một cách đậm nét. Một đặc điểm lớn của văn học
trung đại đó là ưa dùng những hình ảnh ước lệ tượng trưng . Vẻ đẹp chuẩn


mực phải là vẻ đẹp lớn lao, được sánh ngang hàng cùng với thiên nhiên vũ
trụ. Vì thế sông đi vào trong thơ văn trung đại, trở thành một biểu tượng
mang nhiều tầng ý nghĩa cùng với các hình ảnh thiên nhiên quen thuộc như
trăng, gió, núi, rừng…
Trong Chuyện người con gái Nam Xương, Nguyễn Dữ đã mượn hình ảnh
sông làm minh chứng cho tấm lòng trinh bạch của nàng Vũ Thị Thiết. Bị
chồng nghi ngờ sự thủy chung, trong nỗi ê chề tuyệt vọng, nàng không còn
cách nào khác mà gieo mình xuống sông Hoàng Giang để rửa nỗi oan nhục.
Hành động trẫm mình xuống sông là hành động quyết liệt của lí trí khi mà
nàng không thể sống với nỗi nhục nhã oan khuất. Lời than của nàng trước
trời cao sông thẳm là lời nguyện xin thần sông chứng giám cho đức hạnh của
mình. Dòng sông cũng đã giúp người thiếu phụ tái sinh. Nàng được minh
oan, được sống một cuộc đời mới dẫu rằng mãi mãi chẳng thể trở về trần
gian với chồng con.
Ai đã một lần đọc Truyện Kiều ắt hẳn đều sẽ không quên được ám ảnh về
con sông mang tên Tiền Đường trở đi trở lại đeo bám suốt cuộc đời chìm nôi
của nhân vật chính- Thúy Kiều
“ Sông Tiền Đường sẽ hẹn hò về sau”
“Hỏi ra mới biết rằng sông Tiền Đường”

“ Tiền Đường thả một bè lau cứu người”
“ Lân la tìm thú bên sông Tiền Đường”
“ Sông Tiền Đường đó ấy mồ hồng nhan”
“ Lâm Truy buổi trước, Tiền Đường buổi sau”
Sông Tiền Đường trở thành nơi mang đến ám ảnh về cõi chết, là nơi mà
Đạm Tiên- người kĩ nữ mệnh bạc hẹn “gặp” Kiều; cũng là nơi Thúy Kiều
lựa chọn để giải thoát khỏi cuộc đời đau khổ. Tiền Đường là dòng sông định
mệnh của đời Kiều. Cuối tác phẩm, dòng sông như một bản lề khép lại


quãng đời lưu lạc trước của Thúy Kiều, đồng thời mở ra một cuộc đời mới
của nàng với cuộc đoàn tụ cùng gia quyến. Tuy nhiên Tiền Đường có thể
còn xa. Có những dòng sông đã chảy suốt bao đời trên đất Việt, qua những
biến thiên của lịch sử, chứng kiến những hưng phế của các triều đại, trở
thành nơi lưu danh tên tuổi của anh hùng muôn đời. Con sông “ tự cổ huyết
do hồng” Bạch Đằng, cửa bển Thần Phù chảy qua những khúc quanh co của
lịch sử, đi vào thơ văn của nhiều tác giả trung đại với tất cả vẻ lộng lẫy và
hào hùng như (Bạch Đằng giang phú, Quá Thần Phù hải khẩu…) Sông trở
thành hình ảnh biểu trưng cho quê hương, đất nước; biểu trưng cho cả một
dân tộc kiên cường đã trải qua cả một chặng đường dài lịch sử dựng nước và
giữ nước. Các tác giả ca ngợi sông đẹp đẽ, tráng lệ cũng chính là ca ngợi đất
nước và con người Việt Nam kiêu hùng, anh dũng vậy. Sông chảy mãi như
chứng nhân lịch sử nhắc nhở con người nghĩ về quá khứ oanh liệt của dân
tộc
“ Cố quốc quy tâm lạc nhạn biên
Thu phong nhất diệp hải môn thuyền
Kình phun lãng hống lôi nam bắc
Sóc ủng sơn liên ngọc hậu tiền…”
( Nguyễn Trãi, Thần Phù hải khẩu)
Như vậy có thể thấy, không chỉ ở văn học dân gian, sông nước còn xuất hiện

thường trực trong các tác phẩm văn chương trung đại. Trong đó, hình ảnh
con sông hiện lên mang nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, những nét nghĩa chủ yếu
là để thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước tha thiết, lòng tự
hào về lịch sử dân tộc.
2.3 Văn học hiện đại
Đến văn học hiện đại, sự giải phóng sự sáng tạo của người cầm bút đem đến
cho văn học nước nhà những tác phẩm mới mẻ, độc đáo có khi lạ lẫm.Nếu


các thi nhân xưa viết về thiên nhiên, trong đó có sông như là để ca ngợi cái
đẹp thoát tục, lớn lao thì các tác giả hiện đại hướng ngòi bút về sông núi,
cảnh sắc thiên nhiên là để bày tỏ nỗi lòng yêu tha thiết Tổ quốc, đau đáu cho
vận mệnh nước nhà . Hình ảnh dòng sông cứ chảy thao thiết vào các bài thơ,
trang văn như một dấu ấn không thể bị quên lãng. Sông vẫn là nguồn cảm
hứng không bao giờ vơi cạn của các nhà văn, nhà thơ. Đặc biệt trong giai
đoạn lịch sử cả dân tộc bị đế quốc thực dân âm mưu thôn tính, sông đã trở
thành cảm hứng chủ đạo trong mạch nguồn thơ yêu nước bấy giờ. Các tác
giả đau đáu với vận mệnh nước nhà. Họ viết về thiên nhiên của đất nước,
trong đó nổi bật là sông nước với một tâm thế là ca ngợi vẻ đẹp quê hương,
qua đó để bày tỏ niềm tự hào về Tổ quốc giàu đẹp và tình yêu đất nước
mãnh liệt.
Song bên cạnh xu thế chung là ngợi ca thiên nhiên sông nước, qua đó bày tỏ
tình yêu với non sông gấm vóc, mỗi một tác giả lại khám phá ra hình ảnh
dòng sông quê hương ở những điểm nhìn khác nhau với cá tính sáng tạo
riêng biệt. Chính vì thế, hình ảnh dòng sông quê hương hiện ra với những
nét đẹp riêng rất đa dạng, nhiều diện mạo khác nhau.
Viết về con sông quê hương ở trong tình cảnh chiến tranh khốc liệt, trong
bài thơ Bên kia sông Đuống, nhà thơ Hoàng Cầm đã bày tỏ
“ Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng

Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”
“ Đứng bên này sông sao nuối tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay…”
Con sông quê hương là hình ảnh hiện thân cho đất nước: đẹp đẽ trong lịch
sử, đau thương trong hiện tại. Con sông quê hương với nhà thơ đã trở thành


một phần gắn bó máu thịt, giống như chính thân thể. Sông trở thành một
thực thể cũng có tâm hồn, cũng đang tồn tại thân thiết và gần gũi. Sông gợi
nhắc đến quê hương xứ sở, mang trong mình nỗi đau của đất nước, con
người ( Huy Cận, Tràng giang)
Quê hương có vô vàn hình ảnh để gợi nhắc con người nhớ về nó: cây đa, bến
nước, mái đình... nhưng dòng sông vẫn là một trong những hình ảnh tiêu
biểu nhất hiện hữu trong tâm trí mỗi người con xa quê khi nghĩ đến quê
hương. Dòng sông quê hương là dòng sông tắm mát tuổi thơ, nuôi dưỡng
tâm hồn con người ( Tế Hanh, Nhớ con sông quê hương)
Không chỉ trong thơ ca trữ tình, sông nước còn là nguồn cảm hứng cho các
nhà văn sáng tạo nên những truyện ngắn, tiểu thuyết, ký… đặc sắc. Cũng
như trong thơ ca, dòng sông vẫn là hình ảnh thu nhỏ của đất nước, là nguồn
cảm hứng, là hình tượng nghệ thuật để các tác giả viết nên những bài ca ca
ngợi, bày tỏ tình yêu với Tổ quốc. Các tác giả thổi hồn vào dòng nước vô tri,
biến dòng sông từ một thực thể tự nhiên vô hồn tĩnh lặng trở nên một thực
thể sống có cảm xúc. Người lái đò sông Đà là bút ký đặc sắc của Nguyễn
Tuân. Bằng tình yêu thiên nhiên đất nước kết hợp với ngôn từ độc đáo, tài
hoa, Nguyễn Tuân đã tái hiện lên một con sông Đà thật hùng vĩ mà cũng thật
trữ tình. Nó không còn là một hình ảnh thiên nhiên đẹp đẽ đơn thuần, mà đã
trở thành một con người gây thương nhớ cho bất kì ai từng gặp qua nó.
Dòng sông không chỉ tồn tại ở bản đồ địa lý đất nước mà sông đã đi vào văn
chương nghệ thuật. Sông Đà của Nguyễn Tuân, sông Đuống cuả Hoàng

Cầm, sông Trà Bồng của Tế Hanh, sông Hương của Hoàng Phủ Ngọc
Tường…
Sau năm 1975, đặc biệt từ năm 1986 trở lại đây, sự thức tỉnh ý thức cá nhân
ngày càng được thể hiện đậm nét trong văn học. Các nhà văn đi vào khai
thác những vấn đề mới mẻ, mang đậm hơi thở của cuộc sống hiện thực.


Sông nước vẫn được đề cập đến như một hình tượng nghệ thuật trong tác
phẩm nhưng chứa đựng thêm những ý nghĩa mới cho phù hợp với cách viết
mới của nhà văn, cũng như sự tiếp nhận từ phía độc giả.
Nguyễn Huy Thiệp có thể được coi là một cây bút tiêu biểu của văn học Việt
Nam sau đổi mới với rất nhiều tác phẩm thành công, gây được tiếng vang
như: Tướng về hưu, Con gái thủy thần, Chảy đi sông ơi, Trương Chi,
Sang sông,… Các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp bao giờ cũng có nhiều
những biểu tượng như đồng quê, cái chết, biển, mưa…Dòng sông cũng là
một biểu tượng thường thấy trong các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp.
Dòng sông của Nguyễn Huy Thiệp thấm đẫm cảm quan của tôn giáo, cụ thể
là Phật giáo khi gợi ra những ý nghĩ về dòng đời và triết lí vô thường “sắc
sắc, không không.” Dòng sông còn mang đến ý nghĩ về sức mạnh tái sinh,
siêu thoát. Nhân vật tôi trong tác phẩm Chảy đi sông ơi sau khi ngã xuống
sông rồi được vớt lên đã thấy tâm hồn của mình thực sự dễ chịu, con người
như được gột rửa sạch sẽ. Đưa sông vào trong tác phẩm của mình để thông
qua đó, Nguyễn Huy Thiệp muốn mang đến cho người đọc những triết lí,
chiêm nghiệm sâu xa.
Có thể khẳng định rằng, hình ảnh sông nước trong văn học Việt Nam từ xưa
đến nay luôn là một hình tượng quen thuộc, chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa
khác nhau. Viết về sông như một cách để nhà văn bày tỏ tâm sự, quan niệm,
nỗi niềm về sự đời; cũng như thể hiện tài năng, gửi gắm dụng ý nghệ thuật…
của mình. Còn với người đọc, thông qua hình tượng sông mà người đọc có
thể rung cảm, tiếp nhận những giá trị, thông điệp mà nhà văn đang muốn

truyền tải. Trên con đường phát triển của văn học Việt Nam từ buổi ban đầu
với văn học dân gian cho đến nền văn học đương đại bây giờ, chúng ta có
thể khẳng định sông nước chưa bao giờ đánh mất vị trí của mình. Hình
tượng nghệ thuật dẫu rằng là một sự sáng tạo của nhà văn và ngày càng có


nhiều hình tượng nghệ thuật độc đáo, mới mẻ nhưng sông vẫn luôn chiếm
một vị trí nhất định không thể bị soán ngôi trong văn học.
Sông nước từ lâu đã không chỉ có vai trò như một biểu tượng, một giá trị
văn hóa nguyên thủy mà nó đã đi sâu vào trong tiềm thức của mỗi con người
Việt Nam. Sông đã hóa thân thành hình ảnh dung dị, thân thuộc của quê
hương xứ sở, trở thành một phần tồn tại không thể tách rời trong cuộc sống
của người Việt Nam. Sông đi vào trong văn hóa, trở thành một dấu ấn đặc
trưng trong bề dày văn hóa dân tộc. Sông vào trong văn học, trở thành một
hình tượng nghệ thuật xuyên suốt nổi bật. Và sông không ngừng chảy, luôn
song hành cùng tiến trình phát triển của văn hóa- văn học Việt Nam, trở
thành đối tượng khám phá chưa bao giờ là xưa cũ khi luôn tồn tại, bồi đắp
những ý nghĩa tiềm ẩn mới mẻ.



×