Tải bản đầy đủ (.pdf) (175 trang)

ĐÁNH GIÁ về bảo vệ độc lập dân tộc của VIỆT NAM TRƯỚC mối đe dọa AN NINH PHI TRUYỀN THỐNG từ năm 2001 đến 2015 và KINH NGHIỆM đối với các nước ĐANG PHÁT TRIỂN

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.2 MB, 175 trang )

6
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN
Do vị trí và tầm quan trọng của vấn đề nên việc nghiên cứu về đấu
tranh bảo vệ độc lập dân tộc, về ANPTT, cũng như mối đe dọa của ANPTT
đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, khu vực và trên thế giới là
chủ đề thu hút sự chú ý của nhiều nhà chính trị, nhiều nhà khoa học trong và
ngoài nước. Mặc dù các cách tiếp cận và góc độ nghiên cứu khác nhau, song
các công trình nghiên cứu đã phác họa được bức tranh tổng thể về vấn đề
quan trọng và phức tạp này. Các kết quả nghiên cứu đó là cơ sở cứ liệu, căn
cứ quan trọng để tác giả tập hợp nguồn tư liệu, kế thừa và tiếp tục nghiên cứu
làm rõ nội dung của luận án.
1.1. NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN ĐÃ ĐƯỢC NGHIÊN CỨU

1.1.1. Các công trình nghiên cứu của các tác giả trong nước
- Về sách:
+ Cuốn sách: "Xu hướng phát triển kinh tế thế giới hiện nay và tác động
đối với an ninh trật tự ở Việt Nam" của Nguyễn Văn Ngừng [111] đã tập trung
nghiên cứu, tìm hiểu đặc điểm chủ yếu của nền kinh tế thế giới và xu hướng vận
động trong thời gian tới; từ đó đánh giá những tác động của nó đối với kinh tế
Việt Nam và những ảnh hưởng đối với an ninh ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, tác
giả đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh quốc gia và
giữ gìn trật tự an toàn xã hội dưới tác động mạnh mẽ của toàn cầu hóa.
+ Cuốn sách: "Chủ nghĩa khủng bố và chính sách đối ngoại của Mỹ" của
PaulPillar [114] đã đưa ra một số quan điểm về chủ nghĩa khủng bố, phân
tích, đánh gia chính sách đối ngoại hai mặt của Mỹ và việc chính quyền Mỹ lợi
dụng chống khủng bố để lôi kéo đồng minh, thực hiện âm mưu bá chủ thế giới.
+ Cuốn sách: "Chiến lược phòng thủ quốc gia chống vũ khí sinh học"
của Anthony H.Cordosman [34] đã phân tích việc sản xuất vũ khí sinh học và



7
chiến lược phòng thủ quốc gia bằng vũ khí sinh học của Mỹ và một số nước
khác, vũ khí này có thể rơi vào tay các tổ chức khủng bố.
+ Cuốn sách: "Bàn về an ninh phi truyền thống" của Lục Trung Vĩ [187]
đã trình bày nhân tố an ninh quốc gia phi truyền thống thuộc các phạm trù: an
ninh kinh tế, an ninh chính trị và an ninh xã hội. Trong đó, những vấn đề như
an ninh tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh khoa học kỹ thuật, an ninh môi
trường sinh thái đã ít nhiều liên quan đến an ninh kinh tế. Những vấn đề chủ
nghĩa chia rẽ dân tộc, chủ nghĩa tôn giáo cực đoan và chủ nghĩa khủng bố
thuộc về an ninh chính trị nhiều hơn. Những vấn đề như bệnh dịch truyền
nhiễm, buôn lậu ma tuý, an ninh dân số, cướp biển, hoạt động phạm tội có tổ
chức về cơ bản thuộc vấn đề an ninh xã hội. Những hoạt động phạm tội như
phổ biến vũ khí hạt nhân, rửa tiền, tấn công vào mạng tin học trên mức độ khác
nhau mang đặc điểm hoạt động tội phạm xuyên quốc gia.
+ Cuốn sách "Độc lập dân tộc của các nước đang phát triển trong xu
thế toàn cầu hoá" của Thái Văn Long [100] đã đề cập tới những nhân tố tác
động, nội dung bảo vệ ĐLDT của các nước đang phát triển trước nguy cơ,
thách thức do toàn cầu hoá gây nên, và đặt ra những vấn đề đối với Việt Nam.
+ Cuốn sách: "An ninh kinh tế thời kỳ hội nhập và gia nhập WTO" của
Nguyễn Xuân Yêm [190] đã cho rằng vấn đề an ninh kinh tế chiếm một vị trí
trung tâm trong lĩnh vực an ninh quốc tế và ANQG hiện nay và sẽ chỉ đạo
hướng đi của an ninh quốc tế trong thế kỷ XXI cũng như việc chế định chiến
lược an ninh của các nước. Tác giả hiểu an ninh kinh tế trên hai bình diện
quốc gia và quốc tế; vấn đề an ninh kinh tế trên bình diện quốc tế là sự kéo
dài của an ninh kinh tế ở bình diện quốc gia.
+ Cuốn sách: "Phòng chống buôn bán người" của Trung tâm Nghiên cứu
và ứng dụng Khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và vị thành niên [150] đã
cho thấy bức tranh buôn bán người, đặc biệt là buôn bán phụ nữ trẻ em, cả
môi giới hôn nhân bất hợp pháp tác động đến quyền của phụ nữ trẻ em.



8
+ Cuốn sách: "Chủ quyền quốc gia dân tộc trong xu thế toàn cầu hoá và
vấn đề đặt ra với Việt Nam" của Phan Văn Rân - Nguyễn Hoàng Giáp [121] đã
đưa ra quan niệm về chủ quyền quốc gia dân tộc, những nội dung đảm bảo chủ
quyền quốc gia dân tộc trong xu thế toàn cầu hóa và rút ra những vấn đề mang
tính định hướng trong đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
+ Cuốn sách: "Hội nhập quốc tế và những vẩn đề đặt ra cho công tác
bảo vệ an ninh quốc gia" của Nguyễn Văn Hưởng [85] đã cho rằng, nội dung
của ANQG sẽ phải mang tính tổng hợp cao, không chỉ là ANTT (an ninh
chính trị và an ninh quân sự) mà cả ANPTT (an ninh kinh tế, văn hóa, xã hội,
thông tin, môi trường...). Ranh giới giữa ANTT và ANPTT không phải là
tuyệt đối mà có thể tác động lẫn nhau.
+ Cuốn sách: "Quốc phòng an ninh trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa
xã hội ở Việt Nam" của Nguyễn Vĩnh Thắng [131] đã tập trung làm rõ cơ sở
lý luận và thực tiễn, trình bày có hệ thống quan điểm cơ bản của Đảng Cộng
sản Việt Nam về quốc phòng, an ninh trong thời kỳ quá độ lên CNXH.
+ Cuốn sách "Hội nhập kinh tế quốc tế: Những vấn đề đặt ra đối với
công tác công an" của Phạm Ngọc Hiền [64] đã trình bày khá nhiều nghiên
cứu ở một số nước trên thế giới về ANPTT, đặc biệt là ở Mỹ, Nhật Bản và
Trung Quốc; nêu lên những vấn đề đặt ra đối với công tác công an trong đối
phó với các mối đe dọa ANPTT và hợp tác quốc tế về vấn đề này.
+ Cuốn sách "Độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong bối
cảnh mới" của Nguyễn Xuân Thắng [132] đã làm rõ mối quan hệ giữa độc lập,
tự chủ và hội nhập quốc tế; kinh nghiệm xử lý mối quan hệ này của một số quốc
gia trên thế giới; sự tiến triển trong nhận thức và kết quả thực tiễn xử lý mối
quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế của Việt Nam; đề xuất những
định hướng chủ yếu và các giải pháp về xử lý mối quan hệ này đến năm 2020.
+ Cuốn sách "Hỏi - đáp về bảo vệ an ninh quốc gia trong bối cảnh toàn

cầu hóa và hội nhập quốc tế" của Phạm Ngọc Hiền [65] đã nhận thức rõ về an
ninh và bảo vệ an ninh quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc


9
tế; tác động của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đối với ANQG
Việt Nam; quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ ANQG trong bối
cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
+ Cuốn sách: "Một số vấn đề chính trị quốc tế trong giai đoạn hiện nay"
của Nguyễn Hoàng Giáp [58] đã đề cập tới những vấn đề chính trị quốc tế đang
được thế giới quan tâm, về mối quan hệ giữa các nước lớn, quan hệ giữa các
nước phát triển với các nước đang phát triển, hay quan hệ giữa các tổ chức quốc
tế với các nước phát triển và với các nước đang phát triển; về một số vấn đề
nóng hiện nay như: vấn đề toàn cầu hóa, vấn đề dân chủ, tiến bộ xã hội trong
chính trị quốc tế và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, vấn đề khoảng cách
giàu nghèo giữa các nước, vấn đề ĐLDT, chủ quyền quốc gia, trật tự thế giới
mới trong đời sống chính trị thế giới cũng như thực tế ở khu vực Đông Á...
+ Cuốn sách: "An ninh môi trường" của Nguyễn Đình Hòe, Nguyễn
Ngọc Sinh [75] đã trình bày tương đối rõ về lý luận và thực tiễn liên quan đến
vấn đề an ninh môi trường.
+ Cuốn sách: "Sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam với cuộc đấu tranh bảo vệ
độc lập dân tộc của các nước đang phát triển sau chiến tranh lạnh" của
Nguyễn Hữu Toàn [141] đã phân tích quá trình thực hiện đường lối đổi mới
và kinh nghiệm bảo vệ ĐLDT của Việt Nam; đóng góp của Việt Nam trong
bảo vệ ĐLDT của các nước đang phát triển sau chiến tranh lạnh; đồng thời, đề
xuất chủ trương, nội dung, giải pháp tăng cường hiệu quả ĐLDT của Việt
Nam và các nước đang phát triển đến 2020.
+ Cuốn sách "Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới" của Bế
Xuân Trường, Nguyễn Bá Dương [154] đã giúp cho cán bộ, chiến sĩ trong lực
lượng vũ trang và nhân dân cả nước nhìn nhận rõ hơn bản chất khoa học, cách

mạng, tính đúng đắn, sáng tạo của đường lối đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc được Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định trong những năm đổi mới.
Qua đó, luận chứng rõ hơn một số vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.


10
- Bài viết trên tạp chí:
+ Bài viết: "Nhận dạng chủ nghĩa khủng bố" của Hoàng Mạnh Chiến
[31] đã đề cập đến quan niệm của Mỹ về chủ nghĩa khủng bố và liên quan tới
luật pháp Việt Nam.
+ Bài viết: "Về khái niệm khủng bố và tội phạm khủng bố" của Hoàng
Kông Tư [163] đã đề cập khái niệm, luật pháp điều chỉnh tội phạm khủng bố
của một số nước và Việt Nam.
+ Bài viết: "Tác động của nhân tố an ninh phi truyền thống đối với văn
hóa và con người ở một số nước Đông Á" của Lê Văn Cương [35] đã cho rằng
từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, đối đầu quân sự trên quy mô toàn cầu không
còn, song nguy cơ đe dọa trực tiếp đến sự phát triển, ổn định chính trị và an
ninh xã hội, an ninh con người xuất phát từ những nhân tố phi quân sự lại càng
gay gắt. Các nhân tố đó là chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa khủng bố, an
ninh tài chính tiền tệ, năng lượng, an ninh khoa học - kỹ thuật, hiệu ứng nhà
kính với sự nóng lên của trái đất và mất cân bằng sinh thái, buôn lậu ma túy,
dịch bệnh truyền nhiễm, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, rửa tiền, tấn công
mạng, di dân bất hợp pháp, bùng nổ dân số, cạn kiệt nguồn nước, cướp biển,...
Các nhân tố ANPTT nói trên hầu hết đã tồn tại trong thời kỳ đối đầu Đông Tây (1946 - 1991), một số đã có trước đây hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn
năm (như hoạt động khủng bố, chủ nghĩa dân tộc, tôn giáo cực đoan, tội phạm
có tổ chức). Tác giả cho rằng toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của
khoa học công nghệ làm cho các vấn đề thuộc ANPTT có điều kiện phát triển
dưới biểu hiện mới, quy mô ngày càng lớn, tính chất ngày càng gay gắt và gây
hậu quả ngày càng khó lường cho an ninh toàn cầu, an ninh quốc tế, an ninh

khu vực, an ninh quốc gia, an ninh xã hội và an ninh con người.
+ Bài viết: "Tiếp cận thách thức an ninh phi truyền thống" của Nguyễn
Vũ Tùng [162] đã tiếp cận quan niệm ANPTT dưới góc độ là thách thức, cho
rằng cần được hiểu trong bối cảnh so sánh với ANTT; ANPTT nổi lên trước
hết như một sự phê phán đối với cách tiếp cận ANTT. Sự phê phán này được


11
tiến hành cả từ lý luận và thực tiễn. Đồng thời, ANTT và ANPTT không hoàn
toàn có tính loại trừ nhau, bởi xét từ góc độ chung nhất, nếu ANQG được đảm
bảo thì an ninh của người dân sống trong quốc gia đó mới được đảm bảo.
Ngược lại, nếu một nước đảm bảo được quyền sống, quyền phát triển mọi mặt
của người dân, thì sức mạnh tổng hợp của nước đó được tăng cường và ngày
càng có khả năng bảo vệ an ninh và vị thế của mình trên trường quốc tế.
+ Bài viết: "An ninh phi truyền thống và một số vấn đề Việt Nam cần
quan tâm" của Hải Minh [105] đã cho rằng, sự thay đổi nhanh với tốc độ
nhiều khi không còn kiểm soát được của thế giới hiện đại đặt tất cả các quốc
gia, trong đó có Việt Nam trước thách thức an ninh hoàn toàn mới.
+ Bài viết: "Biến đổi khí hậu toàn cầu và tác động tới an ninh, quốc
phòng" của Đỗ Quốc Tuân [155] đã cho rằng, nhân loại đang phải đối mặt với
những vấn đề thời sự toàn cầu hiện nay như phát triển bền vững, khủng hoảng
tài chính và tín dụng, chiến tranh và xung đột vũ trang, đói nghèo, biến đổi
khí hậu... Biến đổi khí hậu có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ
yếu là do tác động chủ quan của chính con người, dẫn đến những ảnh hưởng
sâu rộng tới toàn bộ hành tinh cũng như mọi mặt đời sống xã hội con người.
+ Bài viết: "Những nội dung cơ bản của công tác bảo vệ an ninh quốc gia
theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI" của Tô Lâm [92] đã khẳng
định tại Đại hội XI, Đảng Cộng sản Việt Nam bổ sung vào nghị quyết về mục
tiêu, nhiệm vụ của an ninh, quốc phòng là sẵn sàng ứng phó các mối đe dọa
ANPTT (khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao, vũ khí

hủy diệt hàng loạt, thảm họa môi trường, biến đổi khí hậu, tài chính - tiền tệ...).
+ Bài viết: "An ninh phi truyền thống - vấn đề mang tính toàn cầu" của
Nguyễn Mạnh Hưởng [84] đã cho rằng, trong lịch sử của mình, chưa có khi
nào nhân loại đạt được những bước tiến dài trên con đường phát triển như
ngày nay, nhưng cũng chưa bao giờ con người phải đối mặt với những nguy
cơ đe dọa đến chính sự tồn vong của mình như bây giờ. Cạn kiệt tài nguyên,
biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thảm họa thiên tai, dịch bệnh, khủng


12
bố, tội phạm xuyên quốc gia... đang đặt ra những yêu cầu bức thiết phải có sự
nỗ lực chung của cả cộng đồng quốc tế để đối phó, vì sự an nguy của mỗi
quốc gia dân tộc cũng như của toàn nhân loại.
+ Bài viết: "Nhận dạng một số nguy cơ gây mất ổn định an ninh quốc gia
có nguyên nhân từ mất an ninh kinh tế" của Bùi Minh Tuyên [159] đã cho
rằng, trước đây sức mạnh của quốc gia là sự khẳng định bằng sức mạnh quân
sự; ngày nay lại được đánh giá bằng sức mạnh kinh tế. Tác giả phân tích một số
nguy cơ mất ổn định bắt nguồn từ mất an ninh kinh tế, an ninh nội bộ ở Việt
Nam, như tình trạng mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ ở các ban, ngành Trung
ương đến địa phương; những bất cập trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô
và nguy cơ từ việc chuyển dịch sở hữu tài sản Nhà nước thành tư nhân.
+ Bài viết: "An ninh môi trường ở khu vực Đông Nam Á" của Đỗ Tiến
Dũng [42] đã cho rằng, vấn đề an ninh môi trường không chỉ mang tính quốc
gia mà còn mang tính khu vực và toàn cầu. Theo tác giả, thách thức an ninh
môi trường ở Đông Nam Á ngày càng nghiêm trọng, do đó bảo đảm an ninh
môi trường đòi hỏi chú trọng tìm kiếm một phương thức phát triển hợp lý dựa
trên cơ sở thống nhất lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, kết hợp tăng trưởng
kinh tế với bảo tồn thiên nhiên.
+ Bài viết: "Đấu tranh quốc phòng, bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam
xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới" của Nguyễn Đình Chiến [30] đã cho

rằng, các thách thức ANPTT mang tính toàn cầu như thảm họa môi trường,
dịch bệnh, biến đổi khí hậu, khủng bố, các loại tội phạm xuyên quốc gia; tập
đoàn kinh tế nước ngoài lợi dụng hỗ trợ nhân đạo, liên kết, liên doanh, đầu tư
kinh tế, để chi phối, khống chế nền kinh tế, làm tổn hại đến định hướng
XHCN của nền kinh tế thị trường, phá hoại tài nguyên, môi trường gây mất
ổn định ở nước ta.
+ Bài viết: "Ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống mang
tính toàn cầu" của Tô Lâm [93] đã phân tích quan điểm, chủ trương của
Đảng, Nhà nước ta về phòng, chống nguy cơ đe dọa ANPTT; nêu ra các giải
pháp phòng ngừa, đối phó.


13
+ Bài viết: "Quan điểm của Việt Nam về một số thách thức ANPTT hiện
nay" của Nguyễn Thị Thúy Hà [61] đã trình bày những quan điểm của Đảng
và Nhà nước Việt Nam về ANPTT cũng như những giải pháp nhằm ứng phó
hiệu quả với các nguy cơ này.
+ Bài viết: "Tư duy mới về an ninh quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa
và hội nhập quốc tế" của Đặng Văn Hiếu [69] đã cho rằng, cần phải đổi mới
tư duy về ANQG nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, trong đó đánh giá
đúng tính chất phức tạp của ANPTT đối với nước ta; trên cơ sở đó, nêu ra một
số nhiệm vụ trọng tâm đối với Đảng, Nhà nước và lực lượng Công an nhân
dân trong giai đoạn hiện nay.
- Bài báo:
+ Bài viết: "Tội phạm mạng đe dọa an ninh năng lượng toàn cầu" của
Thủy Hoàng [74] đã thông tin về việc các chuyên gia Liên hợp quốc và nhiều
công ty năng lượng hàng đầu thế giới cảnh báo tội phạm mạng đã trở thành
mối đe dọa mới và lớn nhất đối với ngành công nghiệp năng lượng và an ninh
năng lượng toàn cầu.
+ Bài viết: "Châu Á trước những thách thức an ninh năng lượng và

lương thực" của Song Phương [115] đã dự báo sự phát triển quá nóng tại các
quốc gia châu Á đi kèm với nhu cầu về năng lượng và lương thực tăng cao.
Giải quyết bài toán này cần nỗ lực chung của toàn khu vực, mọi hành động
đơn phương đều bị coi là nguy hiểm.
+ Bài viết: "Chính sách năng lượng mới của Mỹ" của Nguyễn Thông
[133] đã coi trọng việc khai thác, tiết kiệm năng lượng và phát triển các
nguồn năng lượng kiểu mới, thoát khỏi sự phụ thuộc vào các nguồn năng
lượng truyền thống.
+ Bài viết: "Vấn đề an ninh năng lượng ở Đông Á: Thực trạng và giải
pháp" của Hoàng Minh Hằng [62] đã cho rằng, năng lượng có một vai trò hết
sức quan trọng, nó không chỉ cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn làm cho


14
kinh tế và xã hội phát triển. Mỗi quốc gia dù giàu hay nghèo đều coi việc đảm
bảo nguồn năng lượng là tiền đề cần thiết cho sự phát triển bền vững của mình.
Đông Á hiện là một trong những khu vực có mức cầu về năng lượng lớn trên
thế giới. Trong tương lai, mức cầu này sẽ còn tăng hơn cùng với sự phát triển
mạnh mẽ của các nền kinh tế trong khu vực. Vì vậy, đảm bảo an ninh năng
lượng đang ngày càng trở thành nhiệm vụ cấp bách đối với toàn khu vực.
- Đề tài, luận văn, luận án:
+ Đề tài: "Các vấn đề an ninh phi truyền thống ở Đông Nam Á: Tác động
đối với ASEAN và Việt Nam" của Nguyễn Phương Bình [15] đã đề cập đến
những cách tiếp cận khác nhau về ANPTT; những thách thức ANPTT ở Đông
Nam Á cũng như quan điểm hợp tác của ASEAN và Việt Nam về ANPTT.
+ Đề tài: "Mối đe dọa đối với an ninh phi truyền thống và tác động của
nó đến quan hệ quốc tế hiện nay" của Hồ Châu [29] đã phân tích các mối đe
đọa ANPTT tác động đến quan hệ quốc tế và kinh nghiệm của Việt Nam
trong việc giải quyết các vấn đề ANPTT.
1.1.2. Các công trình nghiên cứu tiêu biểu của các tác giả nước ngoài

- Về sách:
+ Cuốn: "Khía cạnh môi trường đối với vấn đề an ninh" (The
environmental dimension to security issues) của Norman Myers [204] đã
chứng minh sự bần cùng hóa môi trường là nguyên nhân chính cho sự căng
thẳng và xung đột giữa các quốc gia. Tác giả cho rằng, các khái niệm an ninh
phải bao gồm thước đo của sự ổn định môi trường; sự tồn tại của chúng ta
không chỉ phụ thuộc vào sự cân bằng quân sự, mà còn là sự hợp tác toàn cầu
để đảm bảo một môi trường sinh thái bền vững.
+ Cuốn: "Đụng độ giữa các nền văn minh” (The Clash Of Civilizations)
của Samuel Hungtington [207] là một công trình nghiên cứu về học thuyết
chính trị - đối ngoại. Theo tác giả, sau chiến tranh lạnh, thế giới chuyển sang
một hệ thống với chủ thể là các nền văn minh khác nhau, khó có thể tránh
khỏi việc đụng độ nhau. Tác giả chia thế giới thành 2 nền văn minh là văn


15
minh phương Tây và văn minh không phải phương Tây; đưa ra kết luận là nền
dân chủ phương Tây sẽ phải đối mặt với chủ nghĩa cực đoan, trào lưu chính
thống của các nền văn minh khác và phải chuẩn bị sẵn sàng trước thách thức
mới của lịch sử. Công trình này mang tính “học thuyết” phù hợp với quan
điểm đối ngoại của Chính quyền Mỹ. Vì vậy, Tổng thống Mỹ G.Bush lúc đó đã
sử dụng để diễn thuyết nguyên nhân khủng bố; tiến hành cuộc chiến chống
khủng bố là “khách quan”, là “sứ mệnh” của Mỹ; việc Mỹ và phương Tây viện
trợ dân chủ, nhân quyền cho các nước có khủng bố là nhằm giải quyết mâu
thuẫn giữa các nền văn minh, từ đó giải quyết triệt để chủ nghĩa khủng bố.
+ Cuốn: "Môi trường và quan hệ quốc tế" (Environment & International
Relations) (1996) của Vogler, John, Mark F,Imber [213] đã nêu lên những
vấn đề chung về an ninh môi trường; kinh tế chính trị quốc tế và thay đổi môi
trường toàn cầu; lý thuyết về thực thể mới, chủ nghĩa thể chế mới và công ước
thay đổi khí hậu.

+ Cuốn: "Sách trắng Quốc phòng" của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc
[80] đã chỉ ra rằng những mối đe dọa ANPTT như tội phạm xuyên quốc gia,
môi trường xấu đi, ma túy ngày một nổi bật, đặc biệt là chủ nghĩa khủng bố
đã cấu thành uy hiếp đối với an ninh khu vực và quốc tế.
+ Cuốn: "An ninh quốc tế trong thời đại toàn cầu hóa" của Vương Dật
Châu [28] đã phân tích dưới nhiều góc độ từ triết học đến kinh tế, chính trị,
ngoại giao, tạo nên bức tranh tổng thể về an ninh quốc tế trong thời đại toàn
cầu hóa; đã phân tích nội hàm của quan niệm ANPTT, đồng thời có sự phân
biệt giữa ANPTT với ANTT. Những đánh giá và nhận định trên lĩnh vực an
ninh quốc tế cũng như ảnh hưởng của nó đến độc lập và phát triển có giá trị
tham khảo đối với Việt Nam.
+ Cuốn: "Định nghĩa đe dọa an ninh phi truyền thống" (Defining nontraditional security threats) của Saurabh Chaudhuri [209] đã lý giải khá sâu
sắc về mối đe dọa ANPTT khi cho rằng, sau chiến tranh lạnh với sự tác động
của toàn cầu hóa, đã mở ra những khía cạnh mới của an ninh. Bản chất của


16
các mối đe dọa an ninh không ngừng thay đổi và việc đảm bảo an ninh vượt
ra ngoài khuôn khổ nhà nước và an ninh quân sự. Với sự sụp đổ của mô hình
CNXH ở Liên Xô và các nước Đông Âu, môi trường quốc tế có sự chuyển
đổi, làm cho chiến lược an ninh toàn cầu cũng thay đổi theo, chuyển trọng
tâm từ sức mạnh quân sự - yếu tố quyết định chính trật tự thế giới trước đây
đến ANPTT với nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Theo tác
giả, kết thúc chiến tranh lạnh đã đánh dấu sự thay đổi trong nghiên cứu, phân
tích về an ninh thế giới từ khuôn khổ truyền thống sang phi truyền thống.
+ Cuốn: "Cộng đồng Đông Á và an ninh phi truyền thống- Một đề xuất từ
Trung Quốc" (East Asia Community and Nontraditional Security) của Wang
Yong [215] đã phân tích những yếu tố tác động đến sự xuất hiện ANPTT, tác
giả đã đưa ra 5 lĩnh vực thuộc nội hàm của khái niệm ANPTT ở Trung Quốc
hiện nay: Một là, vấn đề an ninh liên quan đến phát triển bền vững, bao gồm

bảo vệ môi trường, phát triển tài nguyên, môi trường sinh thái toàn cầu và kiểm
soát phòng chống dịch bệnh; Hai là, mối đe dọa đến sự ổn định an ninh khu
vực và quốc tế, bao gồm an ninh kinh tế, an sinh xã hội, quyền con người và
người tị nạn; Ba là, tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, bao gồm cả buôn người
và buôn bán ma túy; Bốn là, tổ chức tồn tại ngoài nhà nước thách thức trật tự
quốc tế, lớn nhất là sự đe dọa của chủ nghĩa khủng bố quốc tế; Năm là, vấn đề
an ninh gây ra bởi phát triển công nghệ và toàn cầu hóa, bao gồm cả an ninh
mạng, an ninh thông tin và an ninh kỹ thuật di truyền. Đồng với quan điểm
trên, nhà nghiên cứu Yong đã đưa ra luận điểm của mình về ANPTT trong
công trình An ninh phi truyền thống và Trung Quốc (2007). Tác giả đã đi sâu
cắt nghĩa nguồn gốc và bản chất của ANPTT xuất phát từ chính các mâu thuẫn
trong xã hội, các mâu thuẫn giữa con người với giới tự nhiên, nhất là tình trạng
người bóc lột người vẫn chưa bị xỏa bỏ, tình trạng dân tộc này chèn ép dân tộc
khác vẫn chưa được khắc phục, bản tính tước đoạt tự nhiên vẫn chưa được loại
trừ, tính nhân bản của con người chưa được khơi dậy. Điều đó đã dẫn tới tình
trạng nghèo đói và xung đột, khai thác tài nguyên kiệt quệ, buôn bán PNTE,


17
ma túy. Do đó, tác giả cho rằng ANPTT luôn mang trong nó bản chất chính trị
- xã hội và kinh tế - xã hội mà muốn giải quyết tận gốc phải bắt đầu từ các cải
biến chính trị - xã hội và kinh tế - xã hội ở từng quốc gia, còn giải pháp hợp tác
quốc tế chỉ là ứng phó với tình huống đã xảy ra và trù liệu các kịch bản trong
tương lai. Tất nhiên, trong khi nhấn mạnh đến bản chất kinh tế - xã hội và
chính trị - xã hội, tác giả cũng không phủ nhận những biến đổi mang tính tự
nhiên của sinh giới, của xã hội đặt ra những mâu thuẫn mới mà loài người phải
giải quyết như dịch bệnh, thay đổi môi trường.
+ Cuốn: "Bàn về an ninh phi truyền thống" của Lục Trung Vĩ [187] đã
trình bày nhân tố an ninh quốc gia phi truyền thống thuộc các phạm trù: an
ninh kinh tế, an ninh chính trị và an ninh xã hội. Trong đó, những vấn đề như

an ninh tiền tệ, an ninh năng lượng, khoa học kỹ thuật, an ninh môi trường
sinh thái đã ít nhiều liên quan đến an ninh kinh tế. Những vấn đề chủ nghĩa
chia rẽ dân tộc, chủ nghĩa tôn giáo cực đoan và chủ nghĩa khủng bố thuộc về
an ninh chính trị nhiều hơn. Những vấn đề như bệnh dịch truyền nhiễm, buôn
lậu ma tuý, an ninh dân số, cướp biển, hoạt động phạm tội có tổ chức về cơ
bản thuộc vấn đề an ninh xã hội. Những hoạt động phạm tội như phổ biến vũ
khí hạt nhân, rửa tiền, tấn công mạng tin học trên mức độ khác nhau mang
đặc điểm hoạt động tội phạm xuyên quốc gia. Hàm ý của ANPTT có thể biểu
đạt là vấn đề xuyên quốc gia do nhân tố phi chính trị, quân sự gây ra, trực tiếp
ảnh hưởng, thậm chí uy hiếp tới sự phát triển, ổn định và an ninh của mỗi
quốc gia, khu vực và toàn cầu.
+ Cuốn: "Định nghĩa an ninh phi truyền thống và ảnh hưởng của nó đối
với Trung Quốc" (Defining Non - Traditional Security and Its Implications for
China ) của Yizhou Wang [217] đã cho rằng, thế giới ngày càng nhiều mối đe
dọa ANPTT trên nhiều lĩnh vực khác nhau, ví dụ như khủng hoảng tài chính,
tội phạm mạng, thoái hóa môi trường sinh thái, buôn bán ma túy, vũ khí hạt
nhân, chính sách khủng bố mới và thậm chí là cả SARS. Theo tác giả, việc ưu
tiên giải quyết hoặc giảm bớt các mối đe dọa ANPTT là rất khó khăn vì các


18
quốc gia còn quá nhiều các nhu cầu khác trong khi nguồn lực còn hạn chế.
Tác giả gợi ý các nghiên cứu về ANPTT phải dựa trên các khái niệm và ý
thức hệ mới, kết hợp các quan điểm mới. Đặc biệt, chúng ta cần phải xây
dựng mối quan hệ tương đối cân bằng và hài hòa giữa “an ninh quốc gia” và
“an ninh phi quốc gia” (an ninh toàn cầu, an ninh khu vực và an ninh giữa các
vùng trong một quốc gia ở các cấp độ khác nhau).
+ Cuốn: "Cộng đồng an ninh trong bối cảnh an ninh phi truyền thống"
(Security Community in the Context of Nontraditional Security) của Wang
Jiangli [214] đã đưa ra một khía cạnh lý thuyết khác khi trình bày các cộng

đồng an ninh trên phương diện chính trị, nhà nước và quốc tế, đồng thời đặt
nó trong bối cảnh mới khi thế giới đang phải ứng phó với mối đe dọa ANPTT.
+ Cuốn: "Mối liên hệ giữa kinh tế, an ninh và quan hệ quốc tế ở Đông Á"
(The Nexus of Economics, Security, and International Relations in East Asia)
của Avery Goldstein, Edward Mansflel [192] đã cho rằng, kinh tế và an ninh có
mối liên hệ với nhau chứ không phải là tách biệt và điều này có ảnh hưởng đến
quan hệ quốc tế ở Đông Á. Hai ông cho rằng bằng nhiều cách tiếp cận khác
nhau có thể giải thích sự năng động của khu vực Đông Á đã tác động đến kinh
tế chính trị và an ninh quốc tế và đánh giá độ bền vững của hòa bình và thịnh
vượng ở Đông Á.
- Bài viết trên tạp chí, báo mạng:
+ Bài: "Hội nghị Thượng đỉnh G7 là một tổ chức an ninh mới" của John
Kirton [89] đã cho rằng, sau chiến tranh thế giới thứ hai, đối với an ninh về cơ
bản có 3 mối đe dọa: mối đe dọa cũ, mối đe dọa mới và mối đe dọa đang xuất
hiện. Hiện nay, thế giới chủ yếu đối mặt với mối đe dọa mới và các mối đe
dọa đang xuất hiện. Trong trường hợp mối đe dọa cũ - ANTT, thì an ninh
quân sự là nền tảng với lực lượng vũ trang đóng vai trò chủ đạo. Còn trong
mối đe dọa mới và mối đe dọa đang xuất hiện, thì các yếu tố có tính phi quân
sự chi phối và lực lượng vũ trang đóng một vai trò tối thiểu.
+ Bài: "Quan hệ đối tác về công nghệ tái tạo: Lối thoát cho an ninh năng
lượng" (Technology Partnerships for Renewables: Key to Energy Security)


19
của tác giả Bertrand Fort, Francis X.Johnson [193] đã đưa ra cách tiếp cận
riêng để giải quyết an ninh năng lượng và an ninh môi trường. Đáng chú ý,
tác giả đã chỉ ra giải pháp công nghệ cho đảm bảo an ninh năng lượng, nhờ đó
mới có thể tận dụng được năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng
mới. Điều đó tạo nên ý nghĩa kép: vừa đảm bảo an ninh năng lượng, vừa đảm
bảo an ninh môi trường.

+ Bài: "Ba trụ cột bền vững của an ninh quốc gia trong thế giới xuyên
quốc gia" (The Three Pillars of Sustainable National Security in a
Transnational World) của Nayef Al-Rolhan [203] đã nhận định rằng, thế kỷ
XXI đòi hỏi phải có tư duy mới về ANQG. Các quốc gia hiện nay ngày càng
phụ thuộc vào nhau và phải đối mặt với các mối đe doạ an ninh từ nhiều
nguồn khác nhau; các mối đe dọa truyền thống mở đường cho các mối đe dọa
phi truyền thống. Theo tác giả, mối đe dọa ANPTT đã thể hiện vai trò ngày
càng lớn về an ninh, do sự suy giảm tương đối của các mối đe dọa ANTT,
một phần là do sự phụ thuộc, liên kết giữa các quốc gia dân tộc trong điều
kiện toàn cầu hóa ngày càng gia tăng.
+ Bài: "Mối đe dọa ANPTT ở châu Á: Đi tìm cách giải quyết của khu
vực" (Non-traditional security threats in Asia: Finding a regional way forward)
của Edidie Walsh [196] đã cho rằng các mối đe dọa ANPTT nổi lên ở châu Á
hiện nay như tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, cứu trợ thiên tai, an ninh thông
tin, dịch bệnh và sức khỏe cộng đồng - được xem là vấn đề cốt lõi của ANQG.
Do những biến đổi mạnh mẽ của tình hình thế giới trong quá trình toàn cầu hóa
mà các mối đe dọa ANPTT ngày càng trở nên quan trọng, đe dọa trực tiếp đến
sự ổn định, phát triển bền vững của các quốc gia và toàn nhân loại.
+ Bài: "Năng lượng và An ninh phi truyền thống ở châu Á" (Energy and
Non-Traditional Security (NTS) in Asia) của Mely Caballero-Anthony,
Youngho Chang, Nur Azha Putra [202] đã đề cập đến an ninh năng lượng, tư
duy chính sách truyền thống đã tập trung vào việc bảo đảm cung cấp mà
không chú trọng nhiều đến tác động kinh tế, xã hội và môi trường.


20
+ Bài: "Chiến tranh thông tin: một hình thức mới của chiến tranh nhân
dân" (information war: a new form of people's war) của Wei Jincheng [216]
đã cho rằng, thông tin là một “con dao hai lưỡi” trong thời đại thông tin.
Thông tin không chỉ là một tin tức mà như vũ khí dẫn đường chính xác và vũ

khí chiến tranh điện tử. Hãng Enst &Young công bố công trình An ninh thông
tin: nguy cơ mới mà nhiều người chưa sẵn sàng đối phó, cho rằng bước sang
thế kỷ XXI với sự phát triển ngày càng mạnh của kinh tế tri thức và hội nhập
kinh tế toàn cầu, an ninh thông tin có những sắc thái hoàn toàn mới với những
biểu hiện rất đa dạng, nếu không quan tâm đúng mức sẽ phải gánh chịu tổn
thất kinh tế không nhỏ.
+ Bài: "Những vấn đề an ninh phi truyền thống: An ninh hóa tội phạm
xuyên quốc gia trong khu vực châu Á" (Non-Traditional Security Issues:
Securitisation of Transnational Crime in Asia) của James Laki [197] đã phản ánh
thực trạng buôn lậu thuốc phiện và buôn người trong khu vực châu Á - Thái
Bình Dương, cũng như những ảnh hưởng tiêu cực của nó đối với khu vực…
1.2. NHỮNG VẤN ĐỂ LUẬN ÁN TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU

1.2.1. Những vấn đề liên quan đến luận án đã được giải quyết
Tổng quan các công trình nghiên cứu ở trong nước và ngoài nước nêu
trên đã cho thấy, liên quan đến đề tài luận án đã có khá nhiều công trình khoa
học nghiên cứu, đề cập với những góc độ và các cấp độ khác nhau, nhiều vấn
đề đã được giải quyết.
Một là, nghiên cứu lý luận chung về ANPTT thống với cách tiếp cận đa
diện về nội hàm khái niệm, luận giải bản chất, cấu trúc, tính chất, đặc điểm và
nhận dạng các dấu hiệu của an ninh phi truyền thống.
Tuy còn có sự khác nhau, đặc biệt là về nội hàm, nhưng các nghiên cứu,
về cơ bản, đã có sự thống nhất khi cho rằng, khái niệm ANPTT là khái niệm
mang tính chất “động”, cùng với thời gian, nội hàm của nó có thể còn được
mở rộng hơn. Do vậy, cách đặt vấn đề về mối đe dọa ANPTT của các quốc
gia, các khu vực và cộng đồng còn có sự khác nhau. Trong thời đại toàn cầu
hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, các mối quan hệ, các mặt của đời


21

sống xã hội ngày càng gắn bó chặt chẽ với nhau, thâm nhập, đan xen, tác
động và ảnh hưởng lẫn nhau. Vì thế, việc khuôn những vấn đề cụ thể nào đó
trong nội hàm của mối đe dọa ANPTT là mang ý nghĩa tương đối.
Các vấn đề cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường,
thảm họa thiên tai, dịch bệnh, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia… đang đặt
ra những yêu cầu bức thiết phải có sự nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế để
đối phó, là nội hàm cụ thể của mối đe dọa ANPTT, được nhiều công trình
nghiên cứu đề cập.
Hai là, vấn đề ANPTT được nghiên cứu từ góc độ là thách thức đe dọa,
với những hình thái biểu hiện cụ thể, ngày càng nguy hiểm, khó kiểm soát tới
ổn định và phát triển của từng quốc gia, từng khu vực và toàn nhân loại với
nhiều tình huống, biểu hiện và xu hướng mới cần được nhận diện để quản trị
một cách có hiệu quả.
Tính chất nguy hiểm của mối đe dọa ANPTT không chỉ biểu hiện ở
mức độ hủy hoại, sự tàn phá của nó đối với cuộc sống của con người, mà
còn đặt ra nhiều thách thức đối với sự ổn định xã hội, sự tồn vong của cả
cộng đồng, hiệu quả thực tế của hợp tác và hội nhập toàn cầu; thậm chí
còn làm nảy sinh các vấn đề về an ninh quân sự. Phạm vi tác động của
vấn đề ANPTT vượt ra khỏi biên giới lãnh thổ và lợi ích an ninh quốc gia
dân tộc của một nước.
Nhiều công trình đã chỉ rõ, những mối đe dọa ANPTT đối với Việt Nam
không chỉ từ các vấn đề trong nước, mà còn từ các vấn đề khu vực và thế giới,
đặc biệt là các vấn đề khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh biển, tội
phạm công nghệ cao. Nhiều công trình khẳng định rõ, yêu cầu đối phó với
mối đe dọa ANPTT hiện nay ở Việt Nam là phải trực tiếp phục vụ cho mục
tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Nhiệm vụ an ninh của
Việt Nam trong thời kỳ mới không chỉ là vấn đề giữ gìn an ninh, trật tự an
toàn xã hội, bảo đảm an ninh quốc gia, mà còn phải góp phần làm thất bại mọi
sự chống phá của các thế lực thù địch, bảo đảm sự ổn định, phát triển bền
vững của chế độ, sự bất khả xâm phạm, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh



22
thổ của Tổ quốc. Theo đó, phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, thực
hiện công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa
học công nghệ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe của nhân
dân, tăng cường quốc phòng và an ninh... là những vấn đề cơ bản tạo nền gốc
vững chắc cho việc đối phó với mối đe dọa ANPTT.
Ba là, nhiều công trình đã nêu lên những vấn đề cơ bản về bảo vệ ĐLDT
của Việt Nam trước mối đe dọa ANPTT. Các công trình đã nghiên cứu kết
hợp đánh giá thực trạng với tìm kiếm cơ chế, phương thức, mô hình và giải
pháp ở tầm quốc gia và quốc tế nhằm đối phó với mối đe dọa ANPTT và bảo
vệ ĐLDT trước các mối đe dọa này.
Những vấn đề lý luận và thực tiễn, lịch sử và kinh nghiệm về bảo vệ
ĐLDT của Việt Nam trước mối đe dọa ANPTT đã được thể hiện trên những
nét cơ bản trong một số công trình khoa học ở trong nước. Các vấn đề: giữ
vững định hướng phát triển; ổn định chính trị xã hội đất nước; bảo đảm lợi ích
quốc gia dân tộc; độc lập, tự chủ; chủ quyền, an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh
thổ; giữ vững sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội.. là những vấn đề được
khá nhiều công trình nghiên cứu đặt ra với tư cách là nội hàm của bảo vệ
ĐLDT trước mối đe dọa ANPTT, trong mối quan hệ gắn bó với mục tiêu,
nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới. Các công
trình đều khẳng định sự cần thiết phải bảo vệ ĐLDT trước mối đe dọa
ANPTT; đồng thời, tuy chưa hệ thống, nhưng đã bước đầu chỉ ra và phân tích
những quan điểm, yêu cầu, nội dung, hình thức, biện pháp Việt Nam thực hiện
bảo vệ ĐLDT trước mối đe dọa ANPTT trong thời gian từ năm 2001 đến nay.
Bốn là, nhiều công trình đã xác định, việc tăng cường hợp tác quốc tế và
khu vực, cùng nhau phối hợp hành động là xu thế và giải pháp quan trọng
nhằm đối phó với mối đe dọa ANPTT và bảo vệ ĐLDT trước các mối đe dọa
này trong giai đoạn hiện nay.

Trong thời gian tới, các mối quan hệ hợp tác này càng cần được nâng cao
hơn nữa cả về hiệu quả và tính thiết thực. Mở rộng quan hệ đối ngoại, tích cực
hợp tác cùng các nước, các tổ chức khu vực và quốc tế trong việc đối phó với


23
tình trạng biến đổi khí hậu; đẩy mạnh hợp tác với các nước và các tổ chức
quốc tế, các cơ quan an ninh của các nước trong vấn đề đấu tranh chống
khủng bố, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia; thiết lập hành lang pháp lý,
xây dựng cơ chế hợp tác với các nước trong khu vực và quốc tế, với các tổ
chức quốc tế có liên quan; chú trọng tăng cường quan hệ hợp tác với các nước
ASEAN trong đối phó với mối đe dọa ANPTT, đặc biệt trong phòng chống
tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, bảo đảm an ninh biển, đối phó với tình
trạng biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên, với các chương trình, kế hoạch
và cơ chế phù hợp... được xem xét là những vấn đề không chỉ nhằm mục đích
đối phó với các mối đe dọa ANPTT mà còn để góp phần vào việc bảo vệ
ĐLDT trước các mối đe dọa này.
Như vậy, mối đe dọa ANPTT và bảo vệ ĐLDT trước mối đe dọa đó là
vấn đề rất phong phú và phức tạp. Các vấn đề về khái niệm, nội dung, tính
chất, đặc điểm của mối đe dọa ANPTT và Việt Nam bảo vệ ĐLDT trước mối
đe dọa đó đã có khá nhiều công trình nghiên cứu đặt ra, làm rõ với các góc độ
và cấp độ khác nhau nhằm phục vụ cho những mục đích nghiên cứu cụ thể.
Đề tài luận án sẽ tiếp thu, kế thừa kết quả của các công trình trước, vận dụng
trong quá trình luận giải các nội dung và phát triển trong nghiên cứu đề tài
luận án, phục vụ cho việc làm rõ vấn đề Việt Nam bảo vệ ĐLDT trước mối đe
dọa ANPTT giai đoạn từ năm 2001 đến năm 2015.
1.2.2. Những vấn đề luận án tiếp tục nghiên cứu
Theo mục đích, nhiệm vụ, đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài
luận án, từ việc tổng quan tình hình nghiên cứu có liên quan cho thấy còn có
sự thiếu hụt trên nhiều vấn đề, mà luận án phải tiếp tục đi sâu giải quyết. Một

loạt vấn đề lý luận, thực tiễn về mối đe dọa ANPTT ở Việt Nam và Việt Nam
bảo vệ ĐLDT trước mối đe dọa đó từ năm 2001 đến năm 2015 cần được nhận
thức, nhận diện và thực hiện như thế nào, với những nội dung, giải pháp mang
tính đặc thù ra sao cho đến nay vẫn còn khá nhiều “khoảng trống”. Vấn đề
Việt Nam thực hiện bảo vệ ĐLDT trước mối đe dọa ANPTT từ năm 2001 đến


24
năm 2015 chưa có công trình nào đề cập trực tiếp, trực diện, chuyên sâu, có
hệ thống với tư cách là công trình khoa học độc lập.
Trên cơ sở kế thừa thành quả của các nhà khoa học trong nước và nước
ngoài, tác giả làm rõ công cuộc bảo vệ ĐLDT của Việt Nam trước mối đe dọa
ANPTT giai đoạn từ năm 2001 đến năm 2015 trên những vấn đề chính sau:
Thứ nhất, luận án tập trung làm rõ quan niệm về mối đe dọa ANPTT và
tác động của nó đến ĐLDT ở Việt Nam; cố gắng “khuôn” những vấn đề cụ
thể vào nội hàm của mối đe dọa ANPTT ở Việt Nam một cách hợp lý nhất, có
cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc. Phân tích thực trạng mối đe dọa ANPTT
ở Việt Nam từ năm 2001 đến năm 2015, trên từng nội dung của mối đe dọa
ANPTT, bao gồm cả việc nhận diện, làm rõ tính chất, đặc điểm, cũng như sự
phát triển của từng vấn đề ANPTT trong khoảng thời gian theo phạm vi
nghiên cứu của đề tài.
Thứ hai, luận án làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn Việt Nam bảo
vệ ĐLDT trước mối đe dọa ANPTT từ năm 2001 đến năm 2015. Trên cơ sở
lý luận chung về ĐLDT và bảo vệ ĐLDT, luận án xây dựng quan niệm bảo vệ
ĐLDT trước mối đe dọa ANPTT, với nội hàm xác định, phù hợp với thực tiễn
của Việt Nam và thế giới hiện nay. Luận án phân tích thực tiễn Việt Nam bảo
vệ ĐLDT trước mối đe dọa ANPTT từ năm 2001 đến năm 2015 trên cơ sở
những chủ trương và biện pháp hoạt động cụ thể, chủ yếu là của Trung ương,
trong bảo vệ ĐLDT trước mối đe dọa ANPTT.
Thứ ba, luận án đánh giá một cách toàn diện, có hệ thống những thành

tựu, hạn chế trong bảo vệ ĐLDT của Việt Nam trước mối đe dọa ANPTT từ
năm 2001 đến năm 2015, trên cơ sở khung lý luận và những nội dung đã trình
bày ở các phần trên. Luận án tìm kiếm cách thức kết hợp các giải pháp nhằm
ứng phó có hiệu quả đối với vấn đề an ninh phi truyền thống ở Việt Nam;
đồng thời rút ra một số kinh nghiệm không chỉ có ý nghĩa đối với Việt Nam
trong thời gian tới, mà quan trọng là đối với các nước đang phát triển trong
bảo vệ ĐLDT trước mối đe dọa ANPTT.


25
Tiểu kết chương 1
Tổng hợp tình hình của các công trình nghiên cứu liên quan cho thấy,
mối đe dọa ANPTT và bảo vệ ĐLDT trước mối đe dọa đó là vấn đề rất phong
phú và phức tạp. Các công trình nghiên cứu rất đa dạng cả về nội dung, hình
thức và cách tiếp cận. Đến nay, đã có khá nhiều công trình nghiên cứu, làm rõ
với các góc độ và cấp độ khác nhau nhằm phục vụ cho những mục đích
nghiên cứu cụ thể khác nhau về các vấn đề cơ bản mối đe dọa ANPTT và Việt
Nam bảo vệ ĐLDT trước mối đe dọa đó... Luận án sẽ tiếp thu, kế thừa kết quả
của các công trình trước, vận dụng và phát triển trong nghiên cứu, phục vụ
cho việc làm rõ các vấn đề theo chủ đề của đề tài luận án.
Tổng quan tình hình nghiên cứu, theo mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu,
cho thấy còn thiếu hụt trên nhiều vấn đề, mà luận án phải tiếp tục giải quyết.
Thứ nhất, luận án tập trung làm rõ quan niệm về mối đe dọa ANPTT và tác
động của nó đến ĐLDT ở Việt Nam. Thứ hai, luận án làm rõ một số vấn đề lý
luận và thực tiễn Việt Nam bảo vệ ĐLDT trước mối đe dọa ANPTT từ năm
2001 đến năm 2015. Thứ ba, luận án đánh giá một cách toàn diện, có hệ thống
những thành tựu, hạn chế trong bảo vệ ĐLDT của Việt Nam trước mối đe dọa
ANPTT từ năm 2001 đến năm 2015.
Luận án là công trình nghiên cứu độc lập, chuyên sâu, có hệ thống về
bảo vệ ĐLDT của Việt Nam trước mối đe dọa ANPTT trong giai đoạn lịch sử

từ năm 2001 đến 2015, khi Việt Nam thực hiện hội nhập quốc tế ngày càng
sâu rộng, mối đe dọa ANPTT đối với ĐLDT của Việt Nam trở nên phức tạp.


26
Chương 2
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TRẠNG
CỦA MỐI ĐE DỌA AN NINH PHI TRUYỀN THỐNG Ở VIỆT NAM
2.1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ MỐI ĐE DỌA AN NINH PHI TRUYỀN
THỐNG VÀ TÁC ĐỘNG CỦA NÓ ĐẾN ĐỘC LẬP DÂN TỘC

2.1.1. Mối đe dọa an ninh phi truyền thống
Muốn làm rõ vấn đề bảo vệ ĐLDT trước các mối đe dọa ANPTT, trước
hết phải nhận diện rõ ANPTT; đồng thời, làm rõ tác động của nó với tư cách
là các mối đe dọa, các mối nguy cơ đối với độc lập dân tộc.
2.1.1.1. Khái niệm về mối đe dọa an ninh phi truyền thống
An ninh là một khái niệm cơ bản thường được sử dụng trong ngôn ngữ
và thực tiễn chính trị quốc tế. An ninh là nhu cầu đầu tiên và thiết yếu của
mỗi con người, mỗi quốc gia và toàn nhân loại; đồng thời, an ninh cũng là
điều kiện cơ bản và quan trọng số một đảm bảo cho sự phát triển của mỗi
quốc gia. Do sự khác biệt về lịch sử chính trị, văn hóa cũng như cách nhìn,
cách tiếp cận và quan niệm giá trị khác nhau của mỗi nước mà khái niệm an
ninh được hiểu, được định nghĩa theo nhiều khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên,
hiểu theo nghĩa chung nhất của ngôn ngữ chính trị quốc tế, “An ninh” là khái
niệm dùng để chỉ “Trạng thái ổn định, an toàn, không có dấu hiệu nguy hiểm
đe dọa sự tồn tại và phát triển bình thường của cá nhân, của từng tổ chức,
của từng lĩnh vực hoạt động xã hội hoặc của toàn xã hội” [165, tr.25]. Mặt
khác, nội hàm của khái niệm an ninh không chỉ giới hạn ở tình trạng như đã
nêu, mà còn bao hàm cả những biện pháp để mang lại tình trạng đó, tức là
hành động để thực hiện an ninh. Cách hiểu về khái niệm an ninh như vậy

phản ánh nhu cầu và quan niệm chung của cộng đồng quốc tế đồng thời nó
bao hàm đầy đủ nội hàm của khái niệm an ninh trong giai đoạn hiện nay.
An ninh quốc gia (national security): An ninh quốc gia là sự ổn định và
phát triển bền vững của chế độ xã hội; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn
vẹn lãnh thổ và các lợi ích quan trọng khác của một quốc gia. Ở Việt Nam, an


27
ninh quốc gia là sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa
và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sự bất khả xâm phạm độc
lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc [117]. Trong quan
hệ quốc tế, khi phân loại khái niệm an ninh theo chủ thể quốc gia và yếu tố
thời gian người ta chia thành an ninh truyền thống (ANTT) và an ninh phi
truyền thống (ANPTT).
An ninh truyền thống (traditional security): lấy Nhà nước làm đơn vị
(quốc gia) và chủ yếu đề cập những quan hệ chính trị, tương quan sức mạnh
quân sự giữa các quốc gia. Các lợi ích đều phải đặt dưới lợi ích quốc gia. An
ninh truyền thống là để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền, thể chế và giá trị
của đất nước, trong đó cốt lõi là bảo vệ đất nước trước các mối đe dọa từ bên
ngoài bằng tấn công quân sự. Do đó, quốc gia là chủ thể duy nhất đảm bảo sự
sống còn của mình thông qua việc tăng cường quyền lực quốc gia bằng sức
mạnh quân sự và khả năng phòng thủ.
An ninh phi truyền thống (non-traditional security): xuất hiện khá lâu sau
khái niệm ANTT. Từ năm 90 thế kỷ XX, tức là sau khi Chiến tranh lạnh kết
thúc, các học giả trên thế giới mới đề xuất khái niệm này. Từ đó đến
nay, ANPTT trở thành mối quan tâm lớn của các quốc gia, dân tộc trên toàn thế
giới, là một trong những chủ đề quan trọng được các nhà khoa học nghiên cứu
và luôn là vấn đề nóng hổi được bàn luận trên nhiều diễn đàn khu vực, quốc tế,
cũng như trong nhiều nội dung của các quan hệ song phương và đa phương.
ANPTT là một quan niệm mới về một trạng thái an ninh khác với

ANTT, nó phản ánh sự thay đổi nhận thức của con người về an ninh và sự mở
rộng nội hàm khái niệm ANQG. Nếu ANTT coi ANQG là bảo vệ đất nước
các mối đe dọa hoặc tấn công bằng chính trị, quân sự từ bên ngoài và bên
trong thì ANPTT không chỉ bảo vệ chủ quyền quốc gia mà còn bảo vệ con
người, bảo vệ cộng đồng, nó mang tính xuyên quốc gia do những mối uy
hiếp, đe dọa của các nhân tố bên trong và bên ngoài đối với môi trường sinh
tồn và phát triển của cộng đồng xã hội và công dân của mỗi quốc gia trong
mối quan hệ chặt chẽ với khu vực và thế giới.


28
Sự xuất hiện ANPTT không làm phai nhạt và biệt lập với ANTT vì hai
vấn đề này luôn đan xen nhau và có thể chuyền hóa lẫn nhau trong điều kiện
nhất định. Trong thế giới hiện đại, an ninh của mỗi quốc gia vừa bao hàm an
ninh chính trị, quân sự truyền thống và đang đối mặt với nhiều thách thức phi
truyền thống như kinh tế, văn hóa, xã hội, thông tin, môi trường, tài nguyên,
chủ nghĩa khủng bố, v.v… Từ đó ANQG được bổ xung những nội dung mới,
tạo ra những thay đổi mang tính lịch sử trên những bình diện sau:
Thứ nhất, tranh chấp quyền lực, lãnh thổ truyền thống đang từng bước
chuyển hóa thành tranh chấp các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các nguồn
lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, tranh chấp quyền lực cứng và
quyền lực mềm để mở rộng không gian ảnh hưởng phục vụ cho lợi ích quốc
gia, dân tộc.
Thứ hai, tận dụng ưu thế đi trước, có trình độ khoa học công nghệ cao,
nắm giữ các nguồn lực kinh tế to lớn, các cường quốc phương Tây luôn chủ
động sử dụng các thủ đoạn, cơ hội làm sâu sắc thêm mâu thuẫn, trầm trọng
thêm những khó khăn nhằm đẩy nhanh việc cải tạo tiến tới lật đổ các quốc gia
có chế độ chính trị khác nhằm thu hút các quốc gia đó vào khu vực ảnh hưởng
của mình.
Thứ ba, tiến trình toàn cầu hóa không ngừng gia tăng và sự phát triển

như vũ bão của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin đã tạo ra
cơ hội phát triển mới của các quốc gia dân tộc, đồng thời cũng xuất hiện
những nguy cơ rất dễ đổ vỡ trong xã hội hiện đại. Nguy cơ mất an ninh mạng,
sự phát triển nhanh chóng của các thứ vũ khí thông minh có sức mạnh hủy
diệt, ô nhiễm môi trường trái đất và xung quanh trái đất, sự khốc liệt của thiên
tai, dịch bệnh hầu như đang tăng lên hàng ngày, sự băng hoại đạo đức hay rối
loạn tâm lý, khủng hoảng niềm tin của giới trẻ do mất gốc về văn hóa hoặc áp
lực quá nặng nề của cuộc sống vv… đang đẩy nhân loại đến ranh giới ngày
càng mỏng manh an toàn và rủi ro.
Thứ tư, chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, tôn giáo cực
đoan ngày càng phát triển và luôn thực hiện các hoạt động chống phá xã hội


29
bằng các thủ đoạn bạo lực và nhiều thủ đoạn tinh vi khác. Đây chính là những
uy hiếp nghiêm trọng đối với anh ninh của mọi quốc gia.
Thứ năm, càng phát triển, càng tác động vào thiên nhiên với mục đích
cải tạo nó, hầu như con người càng dấn sâu vào vòng luẩn quẩn và gánh chịu
ngày càng nặng nề sự trả thù của thiên nhiên đúng như Ph.Ăngghen đã cảnh
báo. Trên thực tế, con người đang đối mặt những nguy cơ từ chính sự “phát
triển” của mình, đó là sự cạn kiệt tài nguyên, nhiệt độ trái đất tăng lên, nước
biển dâng, môi trường sống sấu đi, dịch bệnh đối với con người, cây trồng và
vật nuôi… ngày càng nặng nề phức tạp.
Thứ sáu, trong tiến trình toàn cầu hóa, khi “biên giới cứng” giữa các
quốc gia hầu như bị phá vỡ mà “ biên giới mềm” chưa thể tạo thành hàng rào
an ninh hiệu quả cao, an ninh của các quốc gia dân tộc trở nên phức tạp khó
lường do sự tác động của các yếu tố từ bên ngoài và nằm ngoài sự mong đợi
cũng như vượt qua sự cảnh giác, đề phòng của con người. Điều này cũng có
nghĩa là áp lực ngày càng lớn, nguy cơ ngày càng cao đối với an ninh quốc gia.
Đến nay, việc nhận thức và xác định khái niệm, cũng như nội dung vấn

đề ANPTT vẫn chưa có sự thống nhất.
- Mỹ và Phương Tây quan niệm ANPTT:
Ở Mỹ, từ sau Chiến tranh lạnh với sự phát triển của các lý thuyết triết
học, học thuyết chính trị và hoàn cảnh cụ thể về sự biến chuyển của khu vực
cũng như thế giới như học thuyết quyền lực mềm và quyền lực cứng, quyền
lực thông minh được phát triển ở Mỹ từ thời tổng thống Bill Clinton(quyền
lực mềm), George Bush (quyền lực cứng), B. Ôbama (quyền lực thông minh),
được vận dụng để phát triển chính thức thành học thuyết cho An Ninh Quốc
gia Hoa Kỳ. Trong bối cảnh những tranh chấp quốc tế, chủ nghĩa khủng bố
diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu cùng những diễn biến tác động từ
trong ngoài lãnh thổ quốc gia về biến đổi khí hậu, an ninh, quốc phòng, kinh
tế, chính trị, xã hội, văn hóa.... Mối đe dọa an ninh không chỉ kẻ thù truyền
thống như các nước khác, mà còn các tổ chức phi chính phủ bạo lực, các tập
đoàn ma túy, các tập đoàn đa quốc gia và các tổ chức phi chính phủ, một số


30
đột biến bao gồm thiên tai và các sự kiện gây thiệt hại môi trường nghiêm
trọng. Do đó, để đảm bảo nguồn lực tối ưu cho quốc gia và giải quyết những
tranh chấp, biến cố của quốc gia hay củng cố hình ảnh quốc gia trước cộng
đồng thế giới một số nước đã thành lập và củng cố hội đồng (ủy ban) quốc gia
đánh dấu tầm quan trọng của nó là cơ quan tham mưu cố vấn cao nhất cho
lãnh đạo của quốc gia đó về tình hình trong nước xu hướng của khu vực và
thế giới phối hợp hiệu quả với các cơ quan khác.
Ở Phương Tây: Có nhiều nhận thức khác nhau về ANPTT nhưng một số
học giả phương Tây cho rằng khái niệm an ninh trước đây được giải thích
theo nghĩa quá hẹp; theo cách suy nghĩ truyền thống, khách thể của nó cần
được đảm bảo an ninh là quốc gia (nhà nước); an ninh chỉ liên quan đến việc
bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ lợi ích quốc gia hoặc những giá trị cơ bản của quốc
gia; phương tiện trước tiên được sử dụng là duy trì lực lượng quân sự; sự an

toàn của con người ít được quan tâm tới. Từ cách tiếp cận và lý giải đó các
học giả có xu hướng coi ANPTT là an ninh con người.
Theo Liên Hiệp Quốc, ANPTT bao gồm an ninh con người (cá nhân) và
an ninh cộng đồng. Trong báo cáo “Phát triển con người” năm 1994 của Liên
Hiệp Quốc (được đa phần các học giả và nghị sĩ Châu Âu đồng thuận) các
mối đe dọa an ninh con người bao gồm: thất nghiệp, nghiện ngập, tội ác, ô
nhiễm, vi phạm nhân quyền, lo lắng về chiến tranh và bạo lực có tổ chức, v.v.
Báo cáo này định nghĩa an ninh con người là “sự an toàn của con người trước
những mối đe doạ kinh niên như nghèo đói, bệnh tật và đàn áp, và những sự
cố bất ngờ, bất lợi trong đời sống hàng ngày” [211, tr.23]. Báo cáo cũng đưa
ra 7 nội dung chủ yếu của an ninh con người, gồm: (1) an ninh kinh tế; (2) an
ninh lương thực; (3) an ninh sức khoẻ; (4) an ninh môi trường; (5) an ninh cá
nhân; (6) an ninh cộng đồng; và (7) an ninh chính trị.
Trên cơ sở định nghĩa và những nội dung trên, Báo cáo đã nêu ra những
đặc tính cơ bản của an ninh con người là: (1) an ninh con người là mối quan
tâm chung; (2) các nội dung của an ninh con người quan hệ mật thiết và phụ
thuộc lẫn nhau; (3) an ninh con người được đảm bảo dễ dàng bằng biện pháp


×