Tải bản đầy đủ (.docx) (67 trang)

vấn đề nữ quyền trong tác phẩm Ếch của nhà văn Mạc Ngôn

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (334.99 KB, 67 trang )

ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM

NGUYỄN THỊ NGỌT

VẤN ĐỀ NỮ QUYỀN TRONG TÁC PHẨM
“ẾCH” CỦA NHÀ VĂN MẠC NGÔN

KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP KHOA NGỮ VĂN

GVHD: TH.S Đặng Quyết Tiến

THÁI NGUYÊN 2016


PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, đời sống kinh tế - xã hội, đời sống tư
tưởng có nhiều thay đổi, đặc biệt nhà văn có sự thay đổi trong cách nhìn nhận về
cuộc sống, về con người trong đó có người phụ nữ - một nửa của nhân loại. Hơn
nữa, phụ nữ là biểu tượng cho đạo đức và vẻ đẹp bền vững của nghệ thuật và cuộc
sống. Cho nên tìm hiểu về người phụ nữ chính là khám phá vẻ đẹp của nghệ thuật
và sức sống của nhân loại. Trong khi đó nữ quyền là đấu tranh cho quyền của phụ
nữ, là các quyền lợi bình đẳng giới được khẳng định là dành cho phụ nữ và trẻ em
trong nhiều xã hội trên thế giới. Đồng thời, chủ nghĩa nữ quyền bao gồm các lý
thuyết xã hội khác nhau, giải thích nguyên nhân của việc phụ nữ bị áp bức trong xã
hội và phong trào là một lực lượng xã hội để thay đổi quan hệ giới nhằm nâng cao
địa vị của phụ nữ. Lúc này tiếng nói đòi quyền bình đẳng và quyền sống của người
phụ nữ được đề cao và chú trọng hơn. Chính vì lẽ đó mà phong trào nữ quyền ngày
càng được phát triển và lan rộng ra toàn thế giới.
Các quốc gia châu Á cũng nổi lên những hiện tượng văn học viết về người phụ


nữ như Nhật Bản có Yoshimoto Banana, Yamada Amy, Kanehara Hitomi, Ogawa
Yoko…Văn học Việt Nam đương đại cũng có nhiều nhà văn nổi trội như Phùng Lệ
Lí, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tư, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn
Huy Thiệp, Nguyễn Quang Thiều…Văn học đương đại Trung Quốc cũng không là
một ngoại lệ như Trương Khiết, Trương Kháng Kháng, Tàn Tuyết , Vương An Ức,
Trì Lợi, Diệp Văn Linh, Mạc Ngôn, Cao Hành Kiện, Vệ Tuệ...Thế hệ những nhà
văn này đã có những đóng góp rất lớn cho văn học nữ quyền và vị trí của họ cũng
được nhìn nhận một cách xứng đáng.
Mạc Ngôn là một trong những cây viết nổi tiếng trong dòng chảy văn học
Trung Quốc. Mạc Ngôn đã trở thành người thứ ba của Trung Hoa nhận được giải
Nobel (2012) sau Cao Hành Kiện (2000) và Lưu Hiểu Ba (2010). Ông viết về


nhiều vấn đề trong đời sống con người vô cùng thành công, trong đó có vấn đề về
nữ quyền. Đây là một đề tài hấp dẫn với nhiều khía cạnh khác nhau như quyền
bình đẳng, vị trí, vai trò của họ trong gia đình và xã hội. Với các tác phẩm như
“Báu vật của đời”, “Cao lương đỏ”, “Đàn hương hình” , “Cây tỏi nổi giận” ,
“Củ cải đỏ trong suốt”, “Rừng xanh lá đỏ”, “Tửu quốc” , “Châu chấu đỏ”, “Tổ
tiên có màng chân”, “Ếch”…đã mang lại cho Mạc Ngôn không ít thành công khi
ông dám bứt phá để viết về người phụ nữ vô cùng táo bạo. Trong hoàn cảnh khó
khăn, gian khổ những người phụ nữ trong tiểu thuyết của ông không chấp nhận
buông xuôi theo số phận mà họ mạnh mẽ, kiên cường đứng lên chống phá những
bất công ngang trái trong xã hội. Đó chính là cái hay, cái lạ và nét đẹp trong cách
thức thể hiện thế giới nhân vật nữ trong tiểu thuyết của ông.
“Ếch” là tiểu thuyết mới của Mạc Ngôn. Cuốn sách xoay quanh cuộc đời và
công việc của nhân vật chính – Vạn Tâm, một nữ bác sĩ chuyên đỡ đẻ ở khắp nông
thôn Cao Mật, phải chuyển sang nghề thắt ống dẫn tinh cho nam giới và nạo phá
thai. Qua đó thấy được một bức tranh xã hội sâu sắc ở Trung Quốc và phản ánh
được những tác động của chính sách kế hoạch hóa gia đình kéo dài hơn 30 năm tới
cuộc sống của người dân nước này. So với những tác phẩm khác của nhà văn thì

“Ếch” là một tác phẩm chưa được nghiên cứu nhiều trên tạp chí, báo mạng hay các
luận văn thạc sĩ. Hơn nữa, vấn đề nữ quyền trong tác phẩm này lại vô cùng độc đáo
và rõ nét. Là một đề tài mang đậm tư tưởng nhân văn, thiết nghĩ đã đến lúc phải có
một công trình nghiên cứu tập trung vào một tác phẩm cụ thể mà chúng tôi chọn
nghiên cứu tác phẩm “Ếch”.
Nghiên cứu vấn đề nữ quyền trong tác phẩm “Ếch” của Mạc Ngôn là một
vấn đề hay, đầy mới mẻ, hấp dẫn và có tính cấp thiết. Thông qua đó, ta không chỉ
có được kỹ năng nhìn nhận và đánh giá vấn đề một cách toàn diện, thấy rõ chân
dung nhà văn trong dòng văn học nữ tính mà còn thấy được vị trí, vai trò của người


phụ nữ ngày nay. Xuất phát từ thực tiễn đó, nghiên cứu vấn đề trên vừa có ý nghĩa
khoa học, vừa có ý nghĩa thực tiễn.
2. Lịch sử vấn đề
2.1 Vài nét về phê bình nữ quyền trên thế giới

Từ những năm 1970, ở những nước phương Tây như Anh, Mỹ, Đức, Pháp…
phê bình nữ quyền đã hình thành một hệ thống lý thuyết hoàn chỉnh, bao gồm
nhiều nhánh nghiên cứu theo các khuynh hướng khác nhau. Có thể kể đến một vài
công trình sau:
Năm 1979, cuốn “Sổ tay các khuynh hướng tiếp cận văn học” của các tác giả
Wilfred L. Guerin, Earle Labor, Morgan do Nxb. Oxford ấn hành được coi là công
trình nghiên cứu có giá trị khoa học cao. Công trình này đã trình bày cụ thể và chi
tiết về khuynh hướng phê bình nữ quyền trên các khía cạnh như:“khái niệm phê
bình nữ quyền; khái quát về lịch sử hình thành, phát triển; những chủ đề chính yếu
của phê bình nữ quyền; các khuynh hướng trọng yếu của phê bình nữ quyền (phê
bình nữ quyền Marxist, phê bình nữ quyền phân tâm học, phê bình nữ quyền thiểu
số); mối quan hệ giữa phê bình nữ quyền và những nghiên cứu về giới; những vấn
đề đáng chú ý và các giới hạn của phê bình nữ quyền…”[9]
Năm 1985, trong công trình “Lý thuyết phê bình nữ quyền mới”, Elaine Showalter

đã tập hợp toàn bộ các bài tiểu luận và các bài nghiên cứu theo hướng phê bình nữ
quyền ở Mỹ. Theo nghiên cứu công trình trên đã thể hiện một cách chi tiết về khuynh
hướng phê bình nữ quyền qua ba phần cụ thể:
Phần 1 - Những mục tiêu mà các nhà phê bình nữ quyền muốn hướng đến:
các vấn đề học thuật và điển phạm.
Phần 2 - Những khuynh hướng phê bình nữ quyền và nền văn hóa của nữ
giới.
Phần 3 - Sáng tác của các tác giả nữ và lý thuyết phê bình nữ quyền.[9]


Đặc biệt, cuốn sách này đã liệt kê hơn 300 công trình nghiên cứu có giá trị trong
lĩnh vực phê bình nữ quyền trên thế giới. Đây hoàn toàn là một cuốn sách có giá trị
khoa học lớn, một kho tàng khổng lồ của những công trình nghiên cứu về nữ
quyền.
Ngoài ra, trong cuốn “Từ điển thuật ngữ phê bình và thuật ngữ văn học”
được xuất bản năm 1990, tái bản lần thứ hai có chỉnh sửa, bổ sung vào năm 2003,
đã trình bày khá kĩ lưỡng về những vấn đề như “khái niệm và các đặc trưng cơ
bản của lý thuyết phê bình nữ quyền; so sánh phê bình nữ quyền với phê bình
giới.”[9]
Điểm qua một số công trình nghiên cứu ở nước ngoài chúng ta có thể thấy
khuynh hướng phê bình nữ quyền đã thực sự phát triển mạnh mẽ từ nửa cuối thế kỷ
XX trên thế giới. Điều đó cho thấy sự quan tâm lớn của số đông các nhà văn, nhà
thơ, nhà nghiên cứu trên thế giới dành cho vấn đề vừa mang tính khoa học vừa
mang tính thực tiễn. Cho tới thời điểm này, các nhà nghiên cứu nữ quyền luận đã
và đang xây dựng được một hệ thống lí luận tương đối vững chắc. Vì thế, phê bình
nữ quyền là một hướng đi giàu triển vọng. Đây cũng chính là một trong những lý
do khiến chúng tôi lựa chọn đề tài về vấn đề nữ quyền.
2.2.

Phê bình nữ quyền ở Việt Nam

Trên thế giới, phê bình nữ quyền đã và đang phát triển rất mạnh mẽ. Nếu như

ở các nước phương Tây, khuynh hướng phê bình nữ quyền đã sớm diễn ra sôi nổi
ngay từ nửa cuối thế kỷ trước thì ở Việt Nam cho đến thời điểm này, đây vẫn là
một hướng đi mới chưa thực sự được chú ý. Lý do nào khiến cho các nhà văn chưa
thực sự quan tâm đến vấn đề này? Phải chăng là do văn hóa, phong tục, tư tưởng,
lối sống vẫn còn lạc hậu? Bởi vậy, theo quan sát chúng tôi thấy các nhà nghiên cứu
mới chỉ dừng lại ở việc giới thiệu một số nội dung liên quan đến sáng tác của
những cây bút nữ chứ chưa tiếp cận tác phẩm dưới góc nhìn nữ quyền luận. Tuy
nhiên, trong khi nhận định về sáng tác của những cây bút nữ, các nhà nghiên cứu


cũng đã chạm đến một số vấn đề có liên quan đến phê bình nữ quyền. Nhìn lại một
vài công trình nghiên cứu chúng ta có thể thấy, phê bình nữ quyền đã xuất hiện ở
nước ta nhưng chưa thực sự phát triển. Cụ thể là:
Năm 1990, bài viết “Nhìn lại vấn đề giải phóng phụ nữ trong tiểu thuyết
“Tự lực văn đoàn” (Tạp chí Văn học, số 5), nhà nghiên cứu Trương Chính đã thể
hiện những kiến giải của mình về ý thức nữ quyền trong tiểu thuyết của Tự lực văn
đoàn. Bài viết chủ yếu nhìn nhận vấn đề nữ quyền trên phương diện nội dung tư
tưởng.[9]
Năm 2006, trong bài viết tham dự Hội thảo Quốc tế về văn học tại Viện Văn
học có nhan đề “Vấn đề phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn học Việt Nam
đương đại”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Điệp đã giới thiệu khái quát về vấn đề
phái tính trong văn học ở từng giai đoạn và đưa ra những nhìn nhận ban đầu về
vấn đề tính nữ trong văn học Việt Nam. Tác giả đã chỉ ra những khoảng trống
trong phê bình nữ quyền ở Việt Nam hiện nay.[9]
Trên báo điện tử Vietnamnet, nhà phê bình Vương Trí Nhàn có bài viết
“Văn học sex: chấp nhận để tìm cách đổi khác”[9], nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
cũng có bài viết “Tính dục trong văn học hôm nay và Dục tính và những ranh giới
mong manh”[9]. Các bài viết này cũng đã động chạm đến vấn đề nữ quyền nhưng

chưa thật triệt để.
Năm 2006, đề tài khoa học “Sự thức tỉnh của người phụ nữ trong văn học
Nam Bộ đầu thế kỷ XX”[9] của Lê Ngọc Phương – Đại học Khoa học Xã hội và
Nhân văn TP. HCM đã lý giải sự ra đời của ý thức nữ quyền của nữ giới nước ta
theo bối cảnh lịch sử - xã hội cụ thể và phân tích những cây bút nữ nổi bật trong
thời kỳ này cả về phương diện nội dung tư tưởng cũng như nghệ thuật thể hiện.
Năm 2007, luận văn thạc sĩ của Cao Hạnh Thủy trường Đại học Khoa
học Xã hội Nhân văn TP. HCM với đề tài “Hồ Xuân Hương – tiếp cận quan
điểm giới tính” [9]. Đề tài này đã vận dụng lý thuyết về giới để xem xét Hồ


Xuân Hương từ cuộc đời đến thơ ca. Đi theo hướng tiếp cận này, tác giả đã
động chạm đến một số vấn đề liên quan đến nữ quyền nhưng chủ yếu vẫn là
trên quan điểm giới.
Năm 2008, luận văn thạc sĩ của Hồ Khánh Vân trường Đại học Khoa học
Xã hội Nhân văn TP. HCM với đề tài “Từ lý thuyết phê bình nữ quyền nghiên cứu
một số tác phẩm văn xuôi của các tác giả nữ Việt Nam từ năm 1990 đến nay” là
một công trình khoa học nghiêm túc, có giá trị. Tuy nhiên, ở đây “tác giả chủ yếu
vận dụng lý thuyết phê bình nữ quyền để nghiên cứu các tác phẩm truyện ngắn, kí,
ít đề cập đến tiểu thuyết – đặc biệt là tiểu thuyết thế kỷ XXI”[9].
Điểm qua một số công trình nghiên cứu chúng ta có thể thấy rằng, lý thuyết
nữ quyền đã được giới thiệu và vận dụng vào nghiên cứu văn học Việt Nam. Tuy
nhiên, trong giới hạn khảo sát, chúng ta có thể khẳng định rằng cho đến thời điểm
này, số lượng những công trình tiếp cận dưới góc nhìn nữ quyền luận còn rất hạn
chế. Đây chính là hướng mở cho những đề tài nghiên cứu mới như chúng tôi có
nhiều triển vọng, hứa hẹn mang đến những phát hiện mới mẻ.
2.3. Vấn đề nữ quyền trong sáng tác của Mạc Ngôn
Văn học Trung Quốc đã được dịch khá nhiều ở Việt Nam, nhưng những tác
phẩm của Mạc Ngôn vẫn chưa thực sự được phổ biến. Sau đây là một số ý kiến
trong các công trình nghiên cứu có liên quan đến vấn đề nữ quyền trong sáng tác

của Mạc Ngôn mà chúng tôi tham khảo được.
Trong lời giới thiệu về quyển “Báu vật của đời “của nhà xuất bản Văn nghệ
Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2001 do Trần Đình Hiến dịch có nêu sơ lược về nội
dung của tác phẩm Báu vật của đời. Trong lời giới thiệu về cuốn sách tác giả có
viết: “Báu vật của đời khái quát cả một giai đoạn lịch sử hiện đại đầy bi tráng
của đất nước Trung Hoa thông qua số phận của các thế hệ trong gia đình
Thượng Quan. Từ những số phận khác nhau, lịch sử được tiếp cận dưới nhiều góc
độ, tạo nên sức sống, sức thuyết phục nghệ thuật của tác phẩm” [11]. Qua đó cuốn


sách này cũng được đánh giá rất cao và “Báu vật của đời là một trong những tác
phẩm được đánh giá là xuất sắc nhất của văn học Trung Quốc hiện đại”.[11]
Năm 2007, trong quyển “Cao lương đỏ” của nhà xuất bản Lao động Hà Nội,
dịch giả Lê Huy Tiêu có viết: “Truyện của Mạc Ngôn vẫn có cốt truyện theo
kiểu truyền thống, nhưng cái hấp dẫn người đọc là ở cảm giác mới lạ. Cảm
giác mới lạ này mang đậm sắc thái chủ quan của tác giả. Cái chết thường
mang lại cảm giác đau thương sợ hãi, nhưng cái chết của người đàn bà dưới
ngòi bút của Mạc Ngôn lại mang cho người đọc cảm giác tự do, giải thoát và
khoái lạc! Nhân vật trong Cao lương đỏ ngang tàng, khí phách, phóng túng, tự
do, dám phá bỏ mọi ràng buộc của lễ giáo phong tục để đến với sự giải phóng
cá tính.”[11]
Bài viết “Những tác phẩm đáng đọc nhất của Mạc Ngôn” của Hồ Bích Ngọc
có đề cập đến nội dung một số tác phẩm của Mạc Ngôn như: “Về tác phẩm Cao
lương đỏ những nhân vật trong truyện hiện ra đầy cá tính, khí phách, sống
ngang tàn, lạc quan như những ngọn cao lương thẳng tắp vút lên trên bầu trời
Cao Mật. Cây tỏi nổi giận cho thấy người nông dân vốn bình thường hiền lành,
nhẫn nhịn tựa như cây rừng cây tỏi nhỏ bé, nhưng “con giun xéo lắm cũng vằn”,
một khi đã bị dồn nén quá sức chịu đựng, họ sẵn sàng vùng lên phản kháng như vũ
bão. Ở tiểu thuyết Báu vật của đời thì đem lại cái nhìn khái quát về giai đoạn lịch
sử hiện đại của Trung Quốc, vẫn lấy bối cảnh chính là huyện Cao Mật, Mạc Ngôn

đã đưa tới cho người đọc những mảng sáng - tối, khuất - tỏ của lịch sử Trung
Quốc trong vòng 100 năm.”[11]
Trong bài viết “Tình yêu và nhu cầu giải tỏa trong tiểu thuyết” Mạc
Ngôn của Nguyễn Thị Vũ Hoài có đề cập đến những tính cách, biểu hiện của các
nhân vật trong tiểu thuyết của Mạc Ngôn. Đó là “Thật khó tìm ra những
thoáng e lệ, thẹn thùng của các nhân vật đang yêu ở tiểu thuyết Mạc Ngôn. Họ
yêu và họ hành động một cách mạnh mẽ để bộc lộ tình cảm của mình” hay “Những


mối quan hệ nam nữ trong tiểu thuyết Mạc Ngôn còn gắn với tình nghĩa”.[11]
Đồng thời Nguyễn Thị Vũ Hoài còn nhận định “Giới nữ trong tiểu thuyết Mạc
Ngôn đã gián tiếp lên tiếng chống lại những thân phận tùng thuộc, chờ đợi. Họ
vạch mặt những quyền lực đàn áp của định chế chính trị, của xã hội, của đồng lõa
phái nam.”[11]
Mạc Ngôn được giới thiệu đến độc giả Việt Nam qua cuốn “Mạc Ngôn và
những lời tự bạch “[15] và “Chuyện văn chuyện đời” của dịch giả Nguyễn Thị
Thại. Cuốn sách là tập hợp những bài phỏng vấn nhà văn qua đó tác giả trình bày
những quan niệm của mình về sáng tác văn học cũng như những thủ pháp nghệ
thuật tiêu biểu đem đến cho người đọc một cái nhìn tương đối phong phú về sáng
tác của Mạc Ngôn trong đó có viết về vấn đề nữ quyền.
Trên đây là một số ý kiến về vấn đề nữ quyền trong một số tác phẩm của
Mạc Ngôn. Qua tham khảo chúng tôi thấy vấn đề nữ quyền trong sáng tác của Mạc
Ngôn đã được khám phá trên nhiều bình diện. Với việc nghiên cứu chi tiết về vấn
đề nữ quyền trong tác phẩm “Ếch”, một tác phẩm cụ thể sẽ góp phần làm phong
phú thêm vốn hiểu biết về sáng tác của Mạc Ngôn về vấn đề nữ quyền, về quyền
bình đẳng giới tính của xã hội Trung Quốc nói riêng và nhân loại nói chung.
3.

Mục đích và phạm vi nghiên cứu


3.1 Mục đích

Hiện tại ở Việt Nam chưa có một công trình nào nghiên cứu chuyên sâu
về tác phẩm “Ếch” của Mạc Ngôn. Có chăng chỉ là những công trình nghiên
cứu về “Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết của Mạc Ngôn”[5]. Thông qua việc
khảo sát, tìm hiểu, nghiên cứu đề tài, chúng tôi muốn đưa ra một cái nhìn cơ
bản, khái quát về lý thuyết văn học nữ quyền cũng như sự quan tâm của văn
học đến người phụ nữ. Đồng thời chúng tôi đi vào việc lý giải số phận, những
nỗi đau, mất mát mà họ phải chịu đựng trong xã hội đương đại Trung Quốc.
Cụ thể người viết sẽ đi sâu vào tìm hiểu nguyên nhân ở nhiều góc độ như: bản


thân nhân vật, gia đình, xã hội...Từ đó thấy được vấn đề nữ quyền trong tác
phẩm“Ếch” của Mạc Ngôn cũng như vị trí của Mạc Ngôn trong dòng văn học
nữ quyền Trung Quốc đương đại. Qua việc thực hiện đề tài này, chúng tôi hy
vọng sẽ góp phần tiếng nói vào việc nghiên cứu Mạc Ngôn để thêm một lần
nữa có thể khẳng định tài năng của nhà văn vùng đất Cao Mật.
3.2 Phạm vi nghiên cứu

Luận văn sẽ tập trung khảo sát tập truyện ngắn “ Ếch” của Mạc Ngôn do tác
giả Nguyên Trần dịch, Nhà xuất bản văn học, 2010.
4.

Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện đề tài này, chúng tôi sử dụng một số phương pháp nghiên cứu

chính sau:
4.1 Phương pháp tiếp cận tác phẩm từ góc nhìn văn hóa -xã hội

Từ góc nhìn văn hóa- xã hội, chúng tôi tiến hành nghiên cứu tiểu thuyết

“Ếch” trong mối liên hệ mật thiết với hoàn cảnh văn hóa, xã hội Trung Hoa. Dưới
góc nhìn này, chúng ta sẽ lý giải được tại sao các nhân vật lại hành động, cư xử
như vậy, đặc biệt vấn đề nữ quyền cũng thể hiện rất rõ trong tương quan so sánh
với văn hóa- xã hội Trung Quốc.
4.2 Phương pháp phê bình tiểu sử

Sử dụng phương pháp phê bình tiểu sử để thấy được sự tác động qua lại giữa
cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Mạc Ngôn, làm sáng tỏ những căn cứ để lý giải
quan điểm về vấn đề viết văn cũng như vấn đề nữ quyền trong tiểu thuyết “Ếch”.
Ngoài ra những phương pháp trên, chúng tôi còn sử dụng một số thao tác sau:
Thao tác thống kê- phân loại sẽ giúp chúng tôi trong quá trình khảo sát, phân
loại các đặc điểm về nội dung, các nhân vật và các phương thức biểu hiện của vấn
đề nữ quyền luận trong tác phẩm “ Ếch” của Mạc Ngôn.
Thao tác phân tích – tổng hợp sẽ giúp chúng tôi vừa đi sâu vào đặc điểm về vấn
đề nữ quyền của Mạc Ngôn, vừa tổng hợp kết quả cho các luận điểm của luận văn.


5

Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo, nội dung luận văn gồm các

chương sau:
Chương 1:
NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
1.1 Tác giả và tác phẩm
1.1.1.Tác giả
1.1.2. Tác phẩm

1.2 Phê bình nữ quyền và quan niệm của Mạc Ngôn

1.2.1 Phê bình nữ quyền
1.2.2 Quan niệm của Mạc Ngôn
Chương 2:
VẤN ĐỀ NỮ QUYỀN TRONG TÁC PHẨM “ẾCH”
2.1. Chủ đề và sự lý giải chủ đề của tác phẩm
2.2. Nhân vật nữ


PHẦN NỘI DUNG
Chương 1:
NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
1.1.

Tác giả và tác phẩm

1.1.1. Vài nét về tác giả Mạc Ngôn

Mạc Ngôn (nghĩa là không nói), tên thật là Quản Mạc Nghiệp, sinh ngày 17
tháng 02 năm 1955 tại làng quê nghèo của huyện Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, Trung
Quốc. Đây chính là địa danh được nhà văn sử dụng hầu hết trong những sáng tác
của mình. Không cần phải đi đâu xa, lấy chính từ những chất liệu gần gũi với cuộc
đời ông, Mạc Ngôn vẫn cho ra đời nhiều tác phẩm hay và có giá trị. Ông xuất thân
trong một gia đình nông dân. Đặc biệt, nhà văn sống trong một gia đình có nhiều
thành viên như ông nội, bà nội, bố, mẹ, chú, thím, anh, chị,..Ở đó mỗi người có
một tính cách riêng và dấu ấn riêng. Cha của Mạc ngôn là một người trí thức mang
tư tưởng phong kiến nên dạy con rất nghiêm khắc, chặt chẽ, khuôn phép và ít được
tự do, thoải mái. Bởi vậy, tuổi thơ của ông luôn có cảm giác cô đơn và sống khép
mình. Chính trong hoàn cảnh ấy đã tạo nên một nhà văn Mạc Ngôn với tính cách
khá trầm và hướng nội.
Ông học chưa hết bậc tiểu học thì nghỉ. Cách mạng văn hóa (1966-1976) nổ

ra, ông đã tham gia viết báo cho tờ báo nhỏ “ Quả tật lê tạo phản” nên đã đắc tội
với thầy hiệu trưởng và bị đuổi khỏi trường khi đang học dở lớp năm. Tuổi thơ của
ông cũng vô cùng khó khăn khi ông không được đi học, phải đi chăn trâu, chăn dê
lang thang trên những cánh đồng trong khi các bạn cùng trang lứa được đi học.
Chính những năm tháng tuổi thơ đã ảnh hướng lớn tới những sáng tác của Mạc
Ngôn sau này.
Lớn lên, ông làm rất nhiều việc với những công việc vô cùng vất vả và gần
gũi với người nông dân nghèo khổ, từng làm công nhân hợp đồng ở nhà máy chế
biến bông,..Vì vậy mà ông thấu hiểu được nỗi khổ của người nghèo. Chính từ sự


thấu hiểu đó nên ông đã có quan niệm sáng tác là sáng tác cho dân và xem nỗi khổ
của họ như chính nỗi khổ của bản thân mình. Sau nhiều năm ông phải tham gia lao
động ở nông thôn, luôn bị đói khát và cô đơn. Nhưng vốn là người thông minh,
ham học hỏi và thích đọc sách cho nên ông vẫn không ngừng phấn đấu học tập để
rồi cuộc đời ông có sự chuyển biến lớn. Đó là ông nhập ngũ vào tháng 2 năm 1976.
Trong quá trình nhập ngũ, làm chiến sĩ, làm tiểu đội trưởng, làm giáo viên sau đó
chuyển sang làm sáng tác, Mạc Ngôn luôn tích cực học tập và rèn luyện. Đến ngày
1 tháng 9 năm 1984, ông được rời khỏi quân đội , trúng tuyển vào khoa Văn thuộc
Học viện nghệ thuật Quân Giải phóng, đến giảng đường đại học để thực hiên mơ
ước của mình. Năm 1985, tiểu thuyết đầu tay“ Củ cải đỏ trong suốt” của Mạc
Ngôn xuất bản và được dư luận chú ý. Mạc Ngôn tốt nghiệp khoa Văn Học viện
nghệ thuật Giải phóng quân (1984-1986). Sau đó ông xuất bản tác phẩm “ Cao
lương đỏ” và nhanh chóng xác định vị trí của mình trên văn đàn. Năm 1988, Mạc
Ngôn trúng tuyển vào lớp nghiên cứu sinh sáng tác tại học viện văn học Lỗ Tấn
thuộc trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh. Năm 1991, nhà văn tốt nghiệp với học vị
Thạc sĩ. Mạc Ngôn là một trong những cây bút xuất sắc của nền văn học Trung
Quốc được nhiều độc giả trong và ngoài nước biết đến. Hiện nay, ông là sáng tác
viên bậc một của Cục chính trị, Bộ Tổng tham mưu Quân Giải phóng Nhân dân
Trung Quốc.

Mặc dù đã từ giã làng quê đi làm thợ, đi lính nhưng do kí ức về tuổi thơ ở
nông thôn đã in sâu trong con người Mạc Ngôn nên ngôn ngữ trong các sáng tác
của ông vẫn đậm chất nông thôn. Chẳng hạn, ông có chen nhiều ca dao, thành ngữ,
có hơi hướng cổ thi, danh ngôn biền ngẫu, có nhiều câu lời hay ý đẹp, có thanh có
tục làm cho lời văn gần gũi với người dân nông thôn. Trong cuốn “Mạc Ngôn và
những lời tự bạch” , nhà văn đã từng nói “Tôi là một người xuất thân từ tầng lớp
hèn kém, tác phẩm của tôi chứa đầy quan điểm của thế tục. Nếu ai đó định tìm
thấy những điều tao nhã sang trọng trong tác phẩm của tôi, chắc chắn họ sẽ thất


vọng. Đó là điều không thể. Người thế nào thì nói lời thế ấy, cây nào thì quả ấy.
chim nào thì tiếng hót ấy. Tôi lớn lên từ đói rét cơ hàn, đã từng chứng kiến rất
nhiều cảnh khổ đau và bất công, trong lòng tôi tràn đầy sự cảm thông đối với nỗi
đau của nhân loại và sự phẫn nộ đối với bất công. Do đó tôi chỉ có thể viết ra
những tác phẩm như vậy…”[ 15]
Từ năm 1980, Mạc Ngôn bắt tay vào sáng tác. Có thể kể đến một vài tác
phẩm tiêu biểu của Mạc Ngôn như: “Củ cà rốt trong suốt”(1986), “Gia tộc cao
lương đỏ “(1987), “Bài ca ngồng tỏi thiên đường “(1988), “Mười ba bước”( 1989),
“Hoan lạc”(1989), “Bạch cẩu thiên thu giá”(1989), “Tửu quốc”(1993), “Báu vật
cuả đời”(1995), “ Truyện ngắn Mạc Ngôn” (2000), “Đàn hương hình”(2001), “Mĩ
nhân băng tuyết”(2001), …Mạc Ngôn hoạt động trong lĩnh vực báo chí, viết văn
chuyên nghiệp, viết kịch cho sân khấu. Ông đã xuất bản 11 tiểu thuyết, 20 truyện
dài, 24 truyện vừa, hơn 60 truyện ngắn và 5 tuyển tập những bài ký, phóng sự, tùy
bút..., tổng cộng trên 200 tác phẩm. Hầu hết các tác phẩm của ông đều có giá trị
cao và được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới như Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật,
Nga, Hàn, Hà Lan, Thụy Điển, Ba Lan, Việt Nam… Đồng thời ông cũng là người
đã đạt được nhiều giải thưởng văn học lớn như :
Giải tiểu thuyết toàn quốc lần thứ 4 (1987) cho tiểu thuyết “Cao lương đỏ”, tác
phẩm được chuyển thể thành bộ phim truyện nhựa cùng tên (đạo diễn Trương
Nghệ Mưu) đã đoạt giải Gấu Vàng tại LHP Berlin lần thứ 38;

Giải Văn học Liên hợp (Đài Loan);
Giải Văn học nước ngoài Laure Batailin (Pháp);
Giải Văn học quốc tế Nonino (Ý);
Giải thưởng lớn cho Văn hóa châu Á (Nhật);
Giải Hồng lâu mộng cho Tiểu thuyết Hoa ngữ thế giới (Hồng Kông);
Giải Văn học Hoa ngữ New York (Mỹ);
Giải nhất tiểu thuyết của Hội Nhà văn Trung Quốc cho Báu vật của đời (12/1995);


Huân chương Kỵ sĩ Nghệ thuật văn hóa Pháp (3/2004);
Tiến sĩ văn học danh dự do trường Đại học Công Khai Hồng Kông trao tặng
(12/2005);
Giải Mao Thuẫn 2011 cho “Ếch”;
Đặc biệt, ngày 11 tháng 10 năm 2012, giải Nobel văn học được trao cho Mạc
Ngôn, nhà văn có bút lực mạnh nhất Trung Quốc hiện nay, nhà văn thẳng thừng và
dấn thân với hơn 40 giải thưởng và danh hiệu. Chính vì lẽ đó, Mạc Ngôn đã được
chính quyền xem trọng như một danh nhân với nhiều hoạt động tôn vinh liên tục
diễn ra.
Trong nền văn học đương đại Trung Quốc, Mạc Ngôn cùng với Vương Mông,
Giả Bình Ao, Trương Hiền Lượng, Phùng Ký Tài, Lục Văn Phu, Trương Tử Long,
Cao Hiểu Thanh, Hàn Thiếu Công…đã trở thành nhà tiểu thuyết có tên tuổi với
nhiều tác phẩm có giá trị lớn cũng như được bạn đọc trong và ngoài nước yêu mến.
1.1.2 Tác phẩm “Ếch”
Chủ nghĩa hậu hiện đại là trào lưu văn hóa nổi lên ở phương Tây vào sau
chiến tranh thế giới thứ hai. Cơn sốt hậu hiện đại đến Trung Quốc vào đầu những
năm 80. “Ếch” là một bộ tiểu thuyết rất mới của Mạc Ngôn. Cái mới lạ trong bộ
tiểu thuyết này thể hiện trên nhiều phương diện: nội dung, nghệ thuật, đặc biệt là
cách chuyển tải nội dung cốt truyện khác với cách dẫn chuyện trước đây mà nhà
văn thường sử dụng trong sáng tác của mình.
Cuối năm 2009, Mạc Ngôn trở lại văn đàn với tác phẩm “Ếch “do NXB Văn

nghệ Thượng Hải xuất bản. Khi vừa phát hành tại Trung Quốc, tác phẩm đã nhanh
chóng thu hút đông đảo độc giả Trung Quốc và dấy lên làn sóng tò mò háo hức của
độc giả nhiều nước vốn mê thích truyện Mạc Ngôn. Cuốn sách xoay quanh cuộc
đời và công việc của nhân vật chính – một nữ bác sĩ chuyên đỡ đẻ ở khắp nông
thôn Cao Mật, phải chuyển sang nghề thắt ống dẫn tinh cho nam giới và nạo phá
thai. Đây là một đề tài cực kỳ hiếm hoi trong văn học, được nhà văn Mạc Ngôn


miêu tả vô cùng khéo léo và đầy kịch tính. Cuốn sách như một bức tranh xã hội sâu
sắc ở Trung Quốc, phản ánh được những tác động của chính sách kế hoạch hóa gia
đình kéo dài hơn 30 năm tới cuộc sống của người dân nước này.
“Ếch”, nhan đề cần được giải mã, tên chữ Hán của tác phẩm là ( wa ) con
ếch, đồng âm với ( wa) đứa trẻ, đồng âm với (wa) nữ Oa. Con ếch là biểu tượng
tín ngưỡng phồn thực của dân tộc Choang Trung Quốc. Nó còn là biểu tượng cho
việc sinh đẻ nhiều và là biểu tượng cao quý của thần linh. Bởi vậy mỗi đứa trẻ sinh
ra đều đeo hình con ếch ở cổ để tượng trưng cho sức khỏe và sự may mắn. Vì thế
mà mới có đoạn nói rằng:” Tại sao vừa rời khỏi lòng mẹ, tiếng khóc của trẻ con
lại giống với tiếng kêu của loài ếch? Tại sao trong vòng tay của rất nhiều con búp
bê đất sét vùng Đông Bắc Cao Mật chúng ta lại ôm một con ếch? Tại sao thủy tổ
của loài người lại có tên là Nữ Oa?”,“ Tiếng ếch kêu giống tiếng khóc của hài nhi,
oán hận, rên rĩ…”[16;369]. Những câu chuyện mà Khoa Đẩu – Nòng Nọc kể thực
ra không liên quan đến con ếch thật trong đời sống. Nhan đề và ngụ ý nhan đề gợi
mở mang tính chất biểu trưng cho sinh mệnh của con người mà cụ thể là trẻ con
trong chính sách kế hoạch hóa gia đình ở đất nước Trung Hoa. Tiếng ếch kêu làm
bà cô sợ hãi cũng là tiếng khóc đòi mạng sống của những bào thai chưa chào đời.
Món thịt ếch cũng là ẩn dụ cho xã hội ăn thịt người, ăn thịt trẻ con. Công ty nuôi
ếch mà thực chất là công ty đẻ thuê, công ty sản suất trẻ. Con người được nhìn từ
góc độ đồng âm với “ếch” cũng chính là bút pháp một thăng một giáng được sử
dụng đắc lực, hiệu quả nhất trong tác phẩm này.
“Ếch” vừa là nhan đề nhưng cũng hàm chứa quan niệm của tác giả. Mạc

Ngôn thông qua nhân vật Tiểu sư tử để nói lên nguồn gốc của loài người nói chung
và người Trung quốc nói riêng. Theo giải thích, hình dạng của nòng nọc và tinh
trùng của người đàn ông hoàn toàn giống nhau, trứng của người đàn bà và trứng
ếch cũng chẳng khác nhau bao nhiêu, thai nhi được ba tháng trong bụng mẹ có một
cái đuôi dài hoàn toàn giống với loài ếch trong giai đoạn biến thái . Từ “con ếch”


và “em bé” đồng âm cũng đã chứng minh rằng “thủy tổ của loài người là một con
ếch mẹ, chứng minh rằng nhân loại do ếch tiến hóa mà thành. Do vậy mà luận
điểm cho rằng con người do vượn tiến hóa là hoàn toàn sai lầm…”[16;370]
Trong các bộ tiểu thuyết trước đó của Mạc Ngôn, người đọc thường bắt gặp
hình ảnh nông thôn Trung Quốc với cái nhìn bao quát rộng lớn từ phong cảnh đến
những khắc khoải trong mỗi người dân nơi đó qua nhiều thời khắc lịch sử khác
nhau. Con người trong sáng tác của Mạc Ngôn luôn mang một tâm trạng mâu
thuẫn đến tận cùng nhưng đều hướng về sự sống, sự bình yên trong cuộc đời. Đến
với “Ếch”, thông qua những bức thư mà nhân vật Khoa Đẩu gửi cho ngài Sugitani
Yoshihito, người đọc thấy rõ hơn cuộc chiến ngăn chặn gia tăng dân số xảy ra đã
lâu ở đất nước Vạn Lý Trường Thành để rồi thấy được vấn đề nữ quyền hiện lên vô
cùng rõ nét mà khó nhà văn nào có thể cầm bút viết hay được nó.
“Ếch” là một tác phẩm gồm 5 chương, riêng chương cuối cùng là một vở
kịch 9 màn. Bốn chương đầu được thể hiện dưới hình thức thư tín. Rõ ràng sự lồng
ghép trong tác phẩm “Ếch” phức tạp hơn nhiều so với những tác phẩm khác của
Mạc Ngôn. Tuyến truyện về cuộc đời bác sĩ Vạn Tâm được kể theo hình thức
truyện trong thư. Cái kết của tuyến truyện này lại là mở đầu cho tuyến truyện về
cuộc tranh giành đứa con trai giữa hai bà mẹ Tiểu sư tử và Trần Mi được viết bằng
thể loại kịch. Sự đan xen, giao thoa, kết hợp giữa các yếu tố tự sự trong các tiểu
thuyết xưa nay không hiếm. Nhưng cách viết như Mạc Ngôn trong “Ếch“ thì quả
thực rất mới lạ. Có thể rút ra công thức kết cấu riêng cho Ếch như sau: “Tiểu
thuyết = bốn thư + một kịch”[5;20]. Sự kết hợp ba trong một này đã dường như bẻ
đôi tác phẩm thành hai phần hoàn toàn tách biệt, nhưng lại bổ sung cho nhau thể

hiện mối quan hệ biện chứng trong tư duy lôgic của tác giả. Phần một là bốn lá thư
dưới góc nhìn của Khoa Đẩu kể về thân thế truyền kì của cô, nữ bác sĩ phụ khoa
Vạn Tâm. Đồng thời lấy thân thế của cô làm đầu mối triển khai một cách chân thực
và sâu sắc vấn đề lịch sử của Trung Quốc mà cho đến nay vẫn mang tính thời sự.


Đó là chính sách sinh đẻ có kế hoạch. Lịch sử xã hội được triển khai qua lịch sử cá
nhân, các bước thăng trầm trong cuộc đời của cá nhân cũng chính là cái gương
phản ánh những biến chuyển của xã hội. Phần hai là một vở kịch chín màn, là sự
tiếp nối, bổ sung làm cho phần một đạt đến sự thăng hoa nghệ thuật. Vở kịch là sự
tiếp thu, học hỏi nghệ thuật gián cách từ vở kịch “Vòng phấn Kapkazơ” của
Becton Brech. Trong bài viết “Ếch- cá tính sáng tạo- Mạc Ngôn”, Nguyễn Thị Hà
đã nhận định rằng: “Cũng là sự kiện hai người mẹ tranh nhau một đứa bé nhưng
bối cảnh và mục đích sáng tạo lại hoàn toàn khác nhau. Thực ra “cái vòng phấn”
là một mô típ vốn rất quen thuộc trong văn học dân gian nhiều nước Châu Á, đặc
biệt là trong truyện cổ Trung Hoa và Kinh thánh. Nó tượng trưng cho sự công
bằng và khách quan khi sử kiện, đến Becton Brech thì hình ảnh “cái vòng phấn”
đã bị lạ hóa đi nhiều. Quan tòa Azdak đã sử cho Grusa, mẹ nuôi thắng kiện vì
quan niệm về quyền sở hữu tập thể, một vật phải thuộc về người làm cho nó ngày
một thêm hoàn hảo. Trẻ em thuộc về những tấm lòng nhân hậu, để chúng trưởng
thành trong mối yêu thương”[6]. Cụ thể trong tác phẩm “Ếch”, trong màn xử kiện
của Cao Mộng Cửu phải tìm ra giữa Tiểu sư tử và Trần Mi ai là mẹ của đứa bé trai
kia? Cuối cùng, Cao Mộng Cửu đưa ra cách xử lý, cả hai sẽ đồng thời xông lên, ai
cướp được thì đứa bé sẽ thuộc về người ấy. Sau đó, Trần Mi và Tiểu sư tử đồng
loạt lao đến, cùng chộp lấy đứa bé và kéo mạnh. Đứa bé khóc thét lên. Trần Mi đã
đoạt được đứa bé và ôm gọn trong lòng. Thế nhưng quan xử kiện lại quyết định
đứa con là của Tiểu sư tử bởi khi giành giật đứa bé, Trần Mi “ không hề tỏ ra nhẹ
tay, không nghĩ nó sẽ bị đau, điều đó chứng minh ngươi không hề có tình thương
gì với nó”.[16,tr.551]. Ngược lại, Tiểu sư tử “vừa nghe thấy đứa bé khóc, bà ấy đã
buông tay vì sợ đứa bé sẽ bị thương”[16;551]

Như vậy, Mạc Ngôn đã dùng hình thức gián cách trong gián cách, kịch trong
kịch để tố khổ xã hội, hạ bệ quan phụ mẫu – những người đại diện thi hành chính
sách pháp luật. Điều mà ông muốn nói chính là ”cái phi lí trong cuộc đời, cuộc


sống hiện thực hóa ra chỉ là một vở kịch lớn chứa đựng rất nhiều vở kịch nhỏ, con
người đối xử với nhau hóa ra chỉ là đóng kịch. Sự kết hợp giữa thể loại thư mang
đặc trưng riêng tư, tự do ngôn luận, có thể mở rộng trường liên tưởng, chuyển đổi
chủ đề, chuyển cảnh liên tục, đang kể việc này có thể nhảy cóc sang việc khác; với
kịch gián cách, phi lí giúp người đọc không đồng nhất mình với nhân vật kịch mà
tìm cách làm cho họ luôn giữ khoảng cách và đối lập với hành động kịch, không
muốn đem đến cho người xem những xúc động ủy mị mà muốn xóa bỏ những ảo
tưởng gợi cho độc giả những suy nghĩ phê phán mang tính chất phản tư hiện thực
xã hội.”[6]
Kết cấu tác phẩm này nhà văn không tuân theo một quy tắc cụ thể nào như
những tiểu thuyết trước đây của mình. Ban đầu là sự liên kết của những bức thư
mà trong nó thực tại và hư ảo, đôi lúc là kì ảo, mộng mị nối tiếp nhau chuyển tải
suy nghĩ của Khoa Đẩu, xong lại có lúc chuyển hướng đột ngột sang suy nghĩ,
hành động của một nhân vật hoàn toàn mới. Kết thúc tác phẩm hoàn toàn trái với
suy nghĩ của người đọc. Nó không phải là hồi kết của một bức thư như dự đoán mà
mở đầu cho một vở kịch mới.
Trong “Ếch”, mỗi văn bản dưới dạng bức thư là một liên văn bản, những bức
thư tiếp theo nó, có mặt trong nó ở các cấp độ khác nhau dưới những hình thái ít
nhiều nhận thấy được văn hóa của người Trung Quốc trước đó và văn hóa thực tại
xung quanh. Người đọc cảm nhận được tâm trạng của con người đang tự dằn vặt,
hối hận và kinh hoàng sau những gì đã trải qua... Hầu hết những bức thư được gửi
đi đều không có hồi âm một cách cụ thể, nó khiến người đọc hiểu như không hề có
sự đối thoại trong tác phẩm mặc dù đôi lúc tự bản thân nhân vật cố tình để cho
người đọc hiểu rằng anh ta không hề độc thoại”Thưa tiên sinh, ngài đã tốn rất
nhiều thời gian quý báu nén lòng đọc những gì tôi viết trong hai tháng qua. Không

những thế, ngài còn có những lời động viên quý báu khiến tôi vô cùng cảm động
nhưng không khỏi áy náy trong lòng”[16;468]. Song cuối cùng tâm lý của nhân vật


Khoa Đẩu vẫn diễn ra một chiều gần như chỉ là những lời độc thoại của chính nhân
vật. Bức thư này nối tiếp bức thư kia như những báo cáo về tâm sinh lý của người
dân Trung Quốc trong công cuộc đấu tranh giảm dân số một thời người ta cố giấu
kín nay được kể ra một cách rõ ràng đến bất ngờ. Lời giới thiệu ở bức thư đầu tiên
với tiên sinh Sugitani Yoshihito, tác giả đã mong muốn gửi gắm mục đích sáng tác
của mình qua tác phẩm “Ngài đã nói trong trái tim và khối óc của ngài đã có hình
tượng một nữ bác sĩ cùng với chiếc xe đạp lao băng băng trên mặt sông đã kết
băng, hình tượng một nữ bác sĩ sau lưng đeo hòm thuốc, tay che dù, ống quần sắn
cao cùng với bầy cóc nhái kết đoàn kết đôi lầm lũi về phía trước, hình tượng một
nữ bác sĩ đang bế những hài nhi, tay dính đầy máu nhưng miệng cười rất tươi...
Ngài nói có lúc hình tượng ấy lại dung hòa thành một thể thống nhất nhưng cũng
có lúc lại phân ly, chẳng khác nào những bức điêu khắc độc lập. Ngài động viên
những người yêu thích văn học trong huyện chúng tôi rằng từ những tài liệu sống
động về người cô ấy của tôi, chúng tôi có thể viết được”[16;7-8] . Mạc Ngôn đã
hài hòa những yếu tố đặc sắc nhất của hai thể loại chính là thư và kịch, đôi chỗ còn
đan cài ngôn ngữ điện ảnh để diễn đạt ý tưởng của mình.
Đến tác phẩm “Ếch đã có sự thay đổi từ ngôn ngữ cuồng hoan hóa, cảm
giác hóa, từ lối viết khoa trương, khuyếch đại của những tác phẩm trước để trở lại
với ngôn ngữ đời thường, dung dị, mộc mạc”[6]. Tuy nhiên thủ pháp thăng cách và
giáng cách vẫn được Mạc Ngôn sử dụng một cách triệt để, vẫn với một thăng một
giáng Mạc Ngôn đã phơi bày bộ mặt giả dối của xã hội mà đại diện là những công
ty nuôi ếch nhưng thực chất là công ty đẻ thuê.
Thiết nghĩ ngôn ngữ của những bức thư là ý nghĩ, tâm sự rất thực, là nỗi ám
ảnh của Khoa Đẩu về Vạn Tâm, về Vương Nhân Mỹ, Tiểu sư tử...nó còn phản ánh
một sự thật trần trụi của xã hội Trung Quốc trong một giai đoạn lịch sử nhất định
mà chưa một tác phẩm văn chương nào gõ cửa, hay không đủ sức để biến nó thành

một tác phẩm văn học. Thông qua màn kịch ấy các nhân vật được tự quyền quyết


định thêm lí do dẫn đến hành động của chính họ. Tuy nhiên người đọc lại thêm bất
ngờ khi trong lá thư cuối cùng Khoa Đẩu đã tự thú nhận “Trong vở kịch này, hình
tượng cô tôi trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng nhất của cốt truyện, tuy
những sự kiện trong vở kịch hầu như chưa hề phát sinh trong cuộc sống hiện thực
mà chỉ phát sinh trong lòng tôi. Do vậy mà tôi nghĩ nó vô cùng chân thực”[16;468]
“Ếch” cũng là những thử nghiệm mới trong việc đắp nặn hình tượng nhân
vật. Nhân vật chính trong tác phẩm được xây dựng từ nguyên mẫu trong hiện thực,
chính là cô của Mạc Ngôn. Xây dựng Vạn Tâm, một bác sĩ phụ sản nổi tiếng của
vùng Cao Mật trong quan hệ mâu thuẫn mà thống nhất. Một mặt cô được đề cập
đến như bồ tát sống, như thiên sứ của sự sống. Mặt khác cô lại bị coi là tội nhân, là
ác quỷ, là kẻ sát nhân máu lạnh. Cô là tổ hợp tính cách phức tạp, là thứ “con lai
tạp chủng” mà nội tâm tác giả đã vật lộn để sáng tạo ra. Cô vừa là nguyên mẫu
trong hiện thực, vừa là hư cấu nhân vật trong tiểu thuyết. Vậy phải làm thế nào để
điều hòa được mối quan hệ giữa văn hóa, luân lí đạo đức, quan hệ tình thân và sáng
tạo nghệ thuật? Lấy chất liệu từ hiện thực nhưng Mạc Ngôn đã không bị văn hóa
hiện thực cùng những luân lí đạo đức rườm rà chi phối, bị biến thành nô lệ của
hiện thực. Qua đấu tranh và tích hợp nhiều nguyên mẫu vào hình tượng nhân vật
khiến nhân vật cô dưới ngòi bút của ông vô cùng sống động, vừa hiện thực vừa
mang tính chất huyền thoại. Cuối tác phẩm cô hiện lên như một kẻ chiến bại
sau những ngày chiến thắng oanh liệt. Bàn tay nhuộm đỏ máu của cô đã biến
cô từ một người không biết sợ bất cứ thứ gì thành một tâm hồn mềm yếu đến
tiếng ếch cũng sợ. Sự ăn năn, hối hận của cô cũng rất cứng cỏi bởi quan niệm
phải sống để nếm trải nỗi đau mài mòn, gặm nhấm tâm hồn. Quyết định gắn bó
đời mình với nghệ nhân Hách Đại Thủ nặn ra những con búp bê bằng đất sét
cũng chính là một hình thức để chuộc tội. Nhưng mỗi đứa trẻ, mỗi con người
chỉ có một linh hồn, một khi linh hồn đã bị hủy diệt thì làm thế nào để chuộc
tội” Mỗi đứa trẻ đều chỉ có một, duy nhất, không thể thay thế, không có sinh



mệnh lần thứ hai. Có phải một khi tay đã vấy máu thì vĩnh viễn không bao giờ
rửa sạch? Có phải một linh hồn bị cảm giác tội lỗi chế ngự thì vĩnh viễn không
bao giờ được giải thoát?”[16;7] . Tất cả các nhân vật trong tiểu thuyết này đều
chìm trong cảm giác tội lỗi và cố tìm cách để chuộc lỗi cho chính mình .
“Ếch” là sáng tác thuộc dòng văn học vết thương mang ý nghĩa phản tư về
chính trị, luân lí, văn hóa, nhân cách…với ý nghĩa sâu sắc. Cách mạng văn hóa,
lịch sử đã đi không trở lại, nhưng nỗi đau, vết thương nó để lại còn làm con người
trăn trở và suy tư. Mạc Ngôn đã chứng tỏ được bản lĩnh của mình khi tìm được
một cách tiếp cận phù hợp để nhìn nhận, suy tư về vấn đề nữ quyền, một vấn đề
nhạy cảm của xã hội mà không bị rơi vào trạng thái cực đoan.
1.2 .Phê bình nữ quyền và quan niệm của Mạc Ngôn
1.2.1 Phê bình nữ quyền
1.2.1.1 Khái niệm
Chủ nghĩa nữ quyền xuất hiện là do sự bất bình đẳng về giới. Lý do vì nữ tính
từ xưa đến nay luôn bị áp bức về chính trị và luôn bị xã hội chèn ép, nhấn chìm.
Bên cạnh đó, về kinh tế họ phải cam chịu nghèo khổ, về văn hóa họ bị nam tính
tước đoạt (đàn bà con gái ít được đi học), về tư tưởng tình cảm họ bị rơi vào trạng
thái đè nén, ngay cả trong vấn đề hôn nhân – gia đình cũng không có quyền định
đoạt hạnh phúc cho mình. Chính vì lẽ đó mà những năm gần đây, vấn đề “nữ
quyền” được nói đến khá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt
là xuất hiện ồ ạt trong văn chương nghệ thuật. Vậy thế nào là “nữ quyền”?
“Khái niệm nữ quyền (Feminism, women’s right) gắn liền với hoạt động
chính trị và xã hội, sinh ra từ ý thức về sự bình đẳng trên phương diện giới. Nói
một cách khái quát, khái niệm này chỉ quyền lợi về chính trị và xã hội của người
phụ nữ. Thông qua những hoạt động đấu tranh chính trị và xã hội, giới nữ đòi lại
những lợi ích chính đáng của mình để đạt đến sự bình đẳng với nam giới”[3].
Ngoài ra, theo cách hiểu thông dụng nhất nữ quyền chính là sự bình đẳng của phụ



nữ trên mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội và giáo dục.“Khái niệm nữ quyền ở cấp độ
rộng là quyền lợi của người phụ nữ trong thế tương quan với nam giới để đạt được
cái gọi là nam nữ bình quyền. Ở cấp độ hẹp thì nữ quyền có mối liên quan với các
khái niệm như “giới tính”, “phái tính” trong văn học. Nếu như giới tính, phái tính
là những công cụ để khu biệt đặc tính giữa hai phái (nam/nữ) thì khái niệm nữ
quyền không chỉ dừng lại ở đó mà mục đích của nó hướng tới sự bình quyền của
nam nữ, đồng thời tạo ra hệ quy chuẩn riêng của nữ giới.”[7;11]
Khái niệm “Phê bình nữ quyền” là một trường phái phê bình văn học thoát
thai từ phong trào chính trị xã hội, phát triển mạnh mẽ vào giữa thế kỷ XX, chủ
trương xác lập một nền mỹ học, lý luận văn học và sáng tác văn học riêng cho nữ
giới”[3].
Có thể nói, ý thức khẳng định vai trò và quyền lợi của người phụ nữ đã
được manh nha từ rất lâu, nhưng nữ quyền với tư cách là một khái niệm chỉ xuất
hiện chính thức khi Chủ nghĩa nữ quyền (Nữ quyền luận) ra đời. Với ý nghĩa đó,
nữ quyền là sản phẩm của cả một quá trình hình thành, phát triển lâu dài và luôn
luôn được bổ sung những khía cạnh từ nội hàm giá trị của nó.
1.2.1.2 Phê bình nữ quyền trong văn học
Văn học nữ quyền nói chung là khái niệm chỉ dòng văn học viết về phái nữ
của cả nam nữ tác giả. Tuy nhiên, ở mỗi thời kỳ văn học nó lại được thể hiện
khác nhau. Trước thời kỳ hiện đại, văn học nữ quyền viết về người phụ nữ
nhưng toàn bộ phẩm chất, giá trị cũng như đời sống tinh thần và thể xác của họ
luôn được nhìn bằng đôi mắt nam quyền. Sau này, văn học nữ quyền mới thực
sự xuất hiện theo đúng nghĩa của nó khi gắn liền với quyền sống cơ bản, với
thế giới quan và đi sâu vào thế giới phức tạp của người phụ nữ.
Văn học nữ quyền được biểu hiện trên hai phương diện đó là phê bình văn
học nữ quyền và sáng tác văn chương của những nhà văn.


Virginia Woolf (1882 – 1941), là nhà văn nữ nổi tiếng người Anh, bà được

đánh giá là một trong những nhân vật văn học hiện đại lừng danh nhất thế kỉ XX.
Trong các sáng tác của bà, tác phẩm luận văn “Một căn phòng riêng” (A Room of
One’s Own, 1929) được coi như sách vỡ lòng của phê bình nữ quyền khi bà đã nói
rằng:“Một người phụ nữ phải có tiền và một căn phòng của riêng mình nếu cô ta
muốn viết văn...”[3]. Với quan niệm như vậy, tác giả đã cho ta thấy được tầm quan
trọng của nữ quyền. Đó là “có hai vấn đề được đưa ra trong khái niệm:“tiền” và “
một căn phòng riêng. Đây được xem như là một sự độc lập về mặt vật chất, tài
chính và tinh thần của một người phụ nữ “nếu cô ta muốn viết văn”, muốn tìm đến
sự sáng tạo trong nghệ thuật. Bà không bao giờ chấp nhận một thế đứng nữ quyền,
nhưng bà liên tiếp xem xét những vấn đề đối diện những người viết nữ. Bà tin rằng
phụ nữ đã luôn đương đầu với những trở ngại xã hội và kinh tế đối với những
tham vọng văn học của họ.”[3]
Elaine Showalter ( 1941 -) là một nhà phê bình văn học, nhà văn nữ quyền
người Mỹ, bà là một trong những người sáng lập học viện phê bình văn học nữ
quyền ở Hoa Kỳ. Bà đã viết tác phẩm “Một nền văn chương của chính mình” (A
Literature of Their Own, 1986), trong tác phẩm nhà văn nêu lên quan điểm: “Phụ
nữ gạt bỏ cả việc phòng the lẫn việc chống đối – cả hai đều là hình thức lệ thuộc –
và hướng kinh nghiệm nữ như nguồn lực của một nền nghệ thuật tự trị, mở rộng
phân tích văn hóa nữ quyền thành hình thức và kỹ thuật văn chương”.[3]
Phê bình văn học nữ quyền theo Annis Pratt cho rằng :”phê bình nữ quyền
luận nhắm đến bốn mục tiêu chính: một là cố gắng phát hiện và tái phát hiện các
tác phẩm văn học của phụ nữ; hai là phân tích và đánh giá các khía cạnh hình
thức văn bản của các tác phẩm ấy; ba là tìm hiểu xem những tác phẩm ấy đã phản
ánh quan hệ nam nữ ra sao; bốn là mô tả những sự phát triển của các yếu tố liên
quan đến huyền thoại và tâm lý liên quan đến người phụ nữ trong văn học”[7;19].
Elaine Showalter có bổ sung thêm nhiệm vụ của văn học nữ quyền đó là “xác lập


cái khung lý thuyết và mỹ học riêng để phân tích các tác phẩm văn học của phụ
nữ, để phát triển những mô hình phê bình dựa trên kinh nghiệm riêng của phụ nữ

hơn là chỉ tiếp nhận những mô hình và lý thuyết do nam giới dựng lên”[7;19].
Bên cạnh đó, sáng tác văn học nữ quyền là những tác phẩm văn học thể hiện
vấn đề nữ quyền, mang cảm hứng nữ quyền thông qua việc lấy người phụ nữ làm
đối tượng trung tâm của văn học; đề cao vẻ đẹp hình thể và tâm hồn của người phụ
nữ; đòi quyền sống, quyền được hưởng tự do, hạnh phúc của người phụ nữ; phản
ánh và lên án tình trạng mất bình quyền nam nữ; lấy cái nhìn của phụ nữ làm căn
cứ nhìn nhận và đánh giá hiện thưc.
Chủ nghĩa nữ quyền nói chung và văn học nữ quyền nói riêng đã nhanh chóng
lan tỏa từ phương Tây sang phương Đông vốn còn lạc hậu về tư tưởng.
Một trong những nền văn hóa lớn của Châu Á, Trung Quốc là quốc gia được
mệnh danh là cái nôi văn minh của Phương Đông cổ đại với một nền tư tưởng và
triết học lớn được xếp vào loại nhất nhì khu vực cũng như trên thế giới và cũng là
đất nước có nền văn hóa, văn học vô cùng phát triển. Tuy nhiên, tư tưởng phong
kiến mà đặc biệt là Nho giáo đã thống trị và tồn tại lâu dài ở đất nước Trung
Hoa. Chính tư tưởng đó đã nảy sinh ra nhiều chính sách khắc nghiệt và tàn bạo
dành cho người phụ nữ. Song dưới ảnh hưởng của phong trào nữ quyền đang
lan rộng ra toàn thế giới, nền chính trị, văn hóa, xã hội và đặc biệt là văn học
Trung Quốc nói riêng đã bắt đầu sôi nổi với một loạt các tác phẩm: “Điên
cuồng như Vệ Tuệ”, “Quạ đen”, “Búp bê Bắc Kinh”… của những cây bút như
Vệ Tuệ, Xuân Thụ, Cửu Đan…Tất cả như một cuộc đột phá về đạo đức đối với
những chuẩn mực đạo đức đậm màu sắc phong kiến Trung Quốc xưa, đồng thời
phô bày những đổi thay, rạn nứt của xã hội hiện đại.
Ở Việt Nam, vấn đề nữ quyền được quan tâm từ khá sớm, ngay từ những
năm đầu thế kỷ XX. Năm 1907 trên Đăng cổ tùng báo đã có mục“Nhời đàn bà
như một diễn đàn của phụ nữ” [2] và cho đến năm 1920 thì như nhận xét của nhà


×