Tải bản đầy đủ (.doc) (20 trang)

So sánh Pháp luật La Mã và Bộ luật dân sự Việt Nam 2005 về Các quy định chung trong phần Nghĩa vụ.

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (156.01 KB, 20 trang )

A. Đặt vấn đề:
Trong hệ thống các chế định của pháp luật Dân sự, chế định “Nghĩa vụ” là
một trong những chế định cơ bản, quan trọng nhất. Tìm hiểu sâu hơn về chế định
này là một nhiệm vụ cấp bách đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay Quốc hội vừa
thông qua Dự thảo Bộ luật dân sự mới với nhiều thay đổi chỉnh lý bổ sung trên cơ
sở áp dụng học thuyết Vật quyền – trái quyền kinh điển của họ luật Civil law. Để
hiểu sâu hơn về chế định Nghĩa Vụ không gì hơn là đi vào tìm hiểu nguồn cội,
nơi khởi nguồn của chính học thuyết về vật quyền trái quyền – Pháp luật La Mã
cổ đại. Trong phạm vi bài viết dưới đây, chúng em sẽ đi vào so sánh đối chiếu
những điểm giống và khác nhau giữa Pháp luật La Mã và Bộ luật dân sự Việt
Nam 2005 về Các quy định chung trong phần Nghĩa vụ.


B. Nội dung:
I. So sánh quy định chung về nghĩa vụ của Luật La Mã và Bộ luật dân sự
Việt Nam 2005.
1. Về khái niệm “Nghĩa vụ” và đối tượng của nghĩa vụ:
Tư pháp La Mã đưa ra khái niệm “nghĩa vụ là sự ràng buộc pháp lý, theo
đó chúng ta buộc phải làm gì đó theo quy định của pháp luật nhà nước La Mã”.
Mục XIII Cuốn III Institutes of Justinian.
“Bản chất của quan hệ nghĩa vụ không phải mang lại cho chúng ta một vật
nhất định nào đó hay một dịch quyền (servitude) nào đó, mà là để ràng buộc một
người khác với chúng ta, buộc người đó phải làm công việc gì đó hoặc phải
chuyển giao một cái gì đó cho chúng ta.”
Nghĩa vụ là một mối liên hệ pháp lý, theo đó một người buộc phải làm một
việc nhất định, phù hợp với nội dung của một quyền mà người khác được hưởng.
Nội dung chủ yếu của nghĩa vụ là việc một người ở trong tình trạng có trách
nhiệm đối với một người khác trong việc chuyển giao một vật hoặc thực hiện một
công việc gì đó.
Điều 280 Bộ luật dân sự 2005 quy định khái niệm “Nghĩa vụ dân sự là việc
mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả


tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc khác hoặc không được thực hiện
công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác”.
Điểm giống nhau:
- Nghĩa vụ được phát sinh từ một sự kiện làm hình thành một quan hệ và quan hệ
này chịu sự tác động của pháp luật, trong đó quyền và nghĩa vụ của các bên chủ
thể được pháp luật thừa nhận và đảm bảo thực hiện.
- Nghĩa vụ có đầy đủ 3 thành phần: chủ thể, khách thể và nội dung.
- Các bên chủ thể trong nghĩa vụ luôn được xác định cụ thể, bởi nghĩa vụ là mối
liên hệ giữa hai bên chủ thể, là những người đã được xác định cụ thể, họ có thể là
người có quyền, hoặc có thể là người có nghĩa vụ. Quyền yêu cầu của một chủ


thể nào đó cũng đồng nghĩa với nghĩa vụ thực hiện yêu cầu đó. (Tính dõi theo
nhân).
- Quy định trong cả Tư pháp La Mã và BLDS Việt Nam đều hướng tới thay đổi
(chứ không giữ nguyên) trạng thái quyền và nghĩa vụ của các bên. Đến khi quyền
được đáp ứng tức nghĩa vụ được thực hiện thì quan hệ trái quyền sẽ chấm dứt.
Điểm khác nhau:
- Trong khái niệm nghĩa vụ: Pháp luật Việt Nam định nghĩa “nghĩa vụ” là việc,
còn trong Tư pháp La mã nghĩa vụ được định nghĩa là mối liên hệ pháp lý (tie of
law). Sử dụng thuật ngữ như trong BLDS Việt Nam chưa thể hiện được bản chất
pháp lý của nghĩa vụ, tính ràng buộc chặt chẽ giữa trái chủ và người thụ trái.
- Về cách gọi tên các chủ thể: Tư pháp La mã hình dung mối quan hệ này là giữa
chủ nợ và con nợ, còn pháp luật Việt Nam sử dụng thuật ngữ bên có nghĩa vụ,
bên có quyền. Như vậy vô hình chung, chủ thể của nghĩa vụ trong tư pháp La Mã
là chủ thể cụ thể (tư pháp la mã không chấp nhận cơ chế thay đổi chủ thể thông
qua uỷ quyền) còn Việt Nam thì có.
- Về đối tượng của nghĩa vụ: Tại điều 280 BLDS 2005 có quy định: “Nghĩa vụ
dân sự là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể phải chuyển giao vật, chuyển
giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc khác hoặc không

được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác”.
Khi nghe như vậy ta sẽ hình dung đối tượng của nghĩa vụ là (1) việc chuyển giao
vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá (2) thực hiện công việc (3)
không thực hiện công việc – như thế là hợp lý. Tuy nhiên tại khoản 1 điều 282
BLDS 2005 lại quy định đối tượng của nghĩa vụ là tài sản, công việc phải thực
hiện hoặc không được thực hiện. Nếu quy định tài sản là đối tượng của nghĩa vụ
thì vô hình chung đã làm thay đổi bản chất đối nhân của nghĩa vụ, nghĩa vụ phải
là sự giàng buộc giữa chủ thể, điều mà trái chủ hướng tới phải là lợi ích thông
qua hành vi của người thụ trái chứ không phải bản thân tài sản đó. Tư pháp La
mã thì quy định rất rõ ràng cụ thể đối tượng là hành vi tích cực (phục vụ lợi ích
của trái chủ) của người thụ trái cụ thể là việc chuyển giao vật, thực hiện hoặc
không thực hiện một công việc.


2. Về căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ.
Điểm giống nhau:
- Thứ nhất, mặc dù cách thức thể hiện có chút khác biệt nhưng về nội dung, pháp
luật La Mã và Việt Nam đều coi hợp đồng, thực hiện công việc không có ủy
quyền, được lợi từ tài sản không có căn cứ và hành vi trái pháp luật là các căn cứ
cơ bản làm phát sinh nghĩa vụ, trong đó, hợp đồng được xem là căn cứ quan
trọng và chủ yếu.
- Thứ hai, có thể nhận thấy rằng cả pháp luật La Mã và pháp luật Việt Nam có xu
hướng thừa nhận các căn cứ phát sinh nghĩa vụ đều xuất phát từ hai nguồn chính
bao gồm:
+ Các giao dịch, thỏa thuận, bày tỏ ý chí của chủ thể của quan hệ pháp luật
nhằm tạo ra các hệ quả pháp lý, phát sinh nghĩa vụ. Theo pháp luật Việt Nam:
hợp đồng dân sự, hành vi pháp lý đơn phương; theo pháp luật La Mã: hợp đồng
và các quan hệ như từ hợp đồng.
+ Các sự kiện pháp lý xác lập nghĩa vụ ngoài ý muốn của người thực hiện
các hành vi đó, các sự kiện này dẫn đến sự ràng buộc chủ thể của quan hệ pháp

luật vào một nghĩa vụ và độc lập với ý chí của chủ thể đó. Theo pháp luật Việt
Nam, các nhóm căn cứ này bao gồm: thực hiện công việc không có ủy quyền;
chiếm hữu, sử dụng tài sản hoặc được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật;
gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật; theo pháp luật La Mã bao gồm hành vi vi
phạm pháp luật và hành vi như từ vi phạm.
Điểm khác nhau:
- Các căn cứ phát sinh nghĩa vụ theo pháp luật Việt Nam được xây dựng theo
hướng liệt kê các căn cứ cụ thể. Theo đó, tại điều 281 BLDS 2005 quy định các
căn cứ phát sinh nghĩa vụ dân sự bao gồm: - Hợp đồng dân sự; - Hành vi pháp lý
đơn phương; - Thực hiện công việc không có ủy quyền; - Chiếm hữu, sử dụng tài
sản hoặc được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật; - Gây thiệt hại do hành vi
trái pháp luật; và những căn cứ khác do pháp luật quy định.


Trong khi đó, pháp luật La Mã xây dựng các căn cứ phát sinh nghĩa vụ
theo hướng phân nhóm nghĩa vụ. Cách thức phân nhóm này được các luật gia La
Mã cổ đại xem là phân loại căn bản (summa divisio). Cụ thể, nghĩa vụ theo pháp
luật La Mã phát sinh từ 4 căn cứ gồm
+ Nghĩa vụ từ hợp đồng (obligatio ex contractu) bao gồm toàn bộ các
nghĩa vụ được tạo lập một cách tự nguyện từ sự thoả thuận của hai hoặc nhiều
người.
+ Nghĩa vụ như từ hợp đồng (obligatio ex quasi contractu) là thuật ngữ để
chỉ những loại nghĩa vụ không phát sinh từ hợp đồng nhưng về tính chất và nội
dung thì giống như giữa các bên có một hợp đồng, các loại nghĩa vụ này có thể là
thực hiện công việc của người khác không có sự ủy quyền và được lợi tài sản
không có căn cứ.
+ Nghĩa vụ từ vi phạm pháp luật (obligatio ex delictu) là nghĩa vụ phát sinh
nếu một người có hành vi cố ý gây thiệt hại cho người khác về tài sản tính mạng,
sức khỏe, danh dự, nhân phẩm thì có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại và khắc
phục những hậu quả do hành vi của mình gây ra.

+ Nghĩa vụ như từ vi phạm (obligatio ex quasi delictu) là nghĩa vụ phát sinh
khi một người có hành vi hoặc tài sản gây thiệt hại về tính mạng, tài sản, sức
khỏe của người khác, ngoài sự kiểm soát của người này. Nghĩa vụ này có thể phát
sinh từ hành vi vô ý do sơ suất hoặc thiếu thận trọng gây thiệt hại cho người
khác.
3. Quy định về nguyên tắc chung trong quan hệ nghĩa vụ
Điểm khác nhau:
Thứ nhất, Tư pháp La Mã cho rằng quan hệ nghĩa vụ phải do chính các chủ
thể của quan hệ thực hiện, còn trong pháp luật Việt Nam có chế định đại diện
theo uỷ quyền xác lập quan hệ dân sự và thực hiện nghĩa vụ dân sự thông qua
người thứ ba.
Thứ hai, Tư pháp La Mã quy định các quan hệ nghĩa vụ phải gắn liền với
lợi ích của các chủ thể của nó. Do đó các hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba
đều không được công nhận. Trong pháp luật Việt Nam, các quan hệ nghĩa vụ


không nhất thiết phải gắn với lợi ích của các chủ thể trong quan hệ mà nó có thể
phục vụ cho bất cứ mục đích gì mà trái chủ yêu cầu (miễn là không trái pháp luật,
trái đạo đức xã hộ) kể cả phục vụ cho lợi ích một người khác không phải trái chủ.
Ví dụ như trường hợp hai bên chủ thể giao kết hợp đồng vì lợi ích của người thứ
ba (người thứ ba là người thụ hưởng) là hợp đồng mà các bên giao kết hợp đồng
đều phải thực hiện nghĩa vụ và người thứ ba được hưởng lợi ích từ việc thực hiện
nghĩa vụ đó.
Thứ ba, Tư pháp La Mã quy định chỉ khi nào chủ thể quyền cũng có lợi ích
bên cạnh lợi ích của người thứ ba thì khi đó hợp đồng mới được coi là có giá trị
pháp lý. Bộ luật dân sự Việt Nam không quy định mối quan hệ về lợi ích giữa
chủ thể quyền với người thứ ba là điều kiện để một hợp đồng có giá trị pháp lý.
Quy định của Luật dân sự Việt Nam về hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba
không hề quy định chủ thể quyền phải có lợi ích bên cạnh lợi ích của người thứ
ba.

Thứ tư, Thời kỳ đầu Tư pháp La Mã quy định việc thay đổi chủ thể quyền
và chủ thể nghĩa vụ trong quan hệ nghĩa vụ về nguyên tắc là không được công
nhận. Còn trong pháp luật Việt Nam thì lại thừa nhận việc thay đổi chủ thể quyền
và chủ thể nghĩa vụ thông qua chế định Chuyển giao quyền yêu cầu (Điều 309)
và chuyển giao nghĩa vụ dân sự (Điều 315).
4. Quy định về nguyên tắc thực hiện nghĩa vụ
Điều 283, Bộ luật dân sự 2005 quy định về nguyên tắc thực hiện nghĩa vụ
dân sự như sau “Bên có nghĩa vụ dân sự phải thực hiện nghĩa vụ của mình một
cách trung thực, theo tinh thần hợp tác, đúng cam kết, không trái pháp luật, đạo
đức xã hội”
Như vậy, các nguyên tắc thực hiện nghĩa vụ dân sự được thể hiện:
+ Các bên chủ thể thực hiện nghĩa vụ một cách trung thực: Các bên phải đảm
bảo tính trung thực khi thực hiện nghĩa vụ, không lừa dối nhau, nghĩa vụ đã thỏa
thuận như thế nào thì cần phải thực hiện đúng như vậy. Các bên phải nói rõ cho
nhau về tình trạng và đặc tính của đối tượng, nếu che giấu khuyết tật của vật là


đối tượng của nghĩa vụ, nhằm mục đích tư lợi, gây thiệt hại cho bên kia thì phải
bồi thường
+ Thực hiện nghĩa vụ theo tinh thần các bên hợp tác lẫn nhau: Trong thời gian
thực hiện nghĩa vụ, các bên hợp tác, tương trợ, giúp đỡ nhau, cung cấp thông tin
cho nhau nhằm đảm bảo nghĩa vụ được thực hiện một cách tốt nhất, đảm bảo
quyền lợi cho bên có nghĩa vụ. Người có quyền phải tạo mọi điều kiện cho người
có nghĩa vụ để họ khắc phục được khó khăn nhằm thực hiện đầy đủ và nghiêm
chỉnh các nghĩa vụ của mình. Bên có nghĩa vụ không được lấy nguyên cơ khó
khăn khách quan của nghĩa vụ để không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ
nghĩa vụ.
+ Phải thực hiện nghĩa vụ theo đúng cam kết: Nguyên tắc này đòi hỏi các bên
phải thực hiện đúng những điều khoản mà mình đã cam kết đồng thời cho phép
mỗi bên có quyền yêu cầu bên kia thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của họ. Nghĩa

vụ đã cam kết cần được thực hiện một cách đầy đủ, đúng theo yêu cầu, mục tiêu
đã thỏa thuận.
+ Thực hiện nghĩa vụ không được trái pháp luật: Nguyên tắc này đòi hỏi hai bên
phải tôn trọng lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng và quyền lợi hợp pháp của
người khác. Việc thực hiện không trái quy định của pháp luật thể hiện sự tôn
trọng, thực hiện pháp luật của các bên chủ thể đồng thời những rủi ro do việc
thực hiện trái pháp luật gây ra.
+ Việc thực hiện nghĩa vụ cũng không được trái đạo đức xã hội. Bởi vì đạo đức
là cơ sở xã hội của pháp luật. Nghĩa là trong quá trình thực hiện nghĩa vụ dân sự,
các bên luôn bảo đảm giữ gìn và phát huy phong tục, tập quán tốt đẹp của dân
tộc, đoàn kết, tương thân, tương ái, mỗi người vì cộng đồng, cộng đồng vì mỗi
người.
+ Thực hiện nghĩa vụ dân sự không được trái đạo đưc xã hội: Đạo đức là cơ sở xã
hội của pháp luật, nghĩa là trong quá trình thực hiện nghĩa vụ dân sự, các bên
luôn bảo đảm giữ gìn và phát huy phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc, đoàn
kết, tương thân, tương ái, mỗi người vì cộng đồng, cộng đồng vì mỗi người. Pháp
luật được xây dựng dựa theo đạo đức xã hội nhằm đảm bảo tính khả thi, thực thi


pháp luật của người dân. Và đạo đức xã hội được nâng cao thành ý chí nhà nước
thông qua các quy định của pháp luật. Vì vậy, các bên chủ thể đảm bảo thực hiện
nghĩa vụ không trái đạo đức xã hội nhằm đảm bảo quyền lợi phát sinh sau khi
thực hiện xong nghĩa vụ sẽ được xã hội công nhận.
Trong tư pháp La Mã nguyên tắc trọng tâm của việc thực hiện nghĩa vụ là
đúng đối tượng, đúng thời hạn, đúng thời điểm:
+ Đối tượng của nghĩa vụ là việc giao tài sản hoặc một công việc phải làm hoặc
không được làm. Khi đối tượng là một vật đặc định thì phải đúng vật đó. Khi đối
tượng là vật cùng loại mà không có sự thỏa thuận về chất lượng thì phải giao vật
với chất lượng trung bình.
+ Thời hạn của nghĩa vụ do các bên thỏa thuận, nếu các bên không thỏa thuận về

thời hạn thì thời hạn được xác định từ thời điểm người có quyền yêu cầu người
có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ.
+ Địa điểm thực hiện nghĩa vụ do các bên thỏa thuận , trong trường hợp các bên
không thỏa thuận về địa điểm thì địa điểm thực hiện nghĩa vụ là nơi cư trú của
người có quyền.
5. Về Căn cứ chấm dứt nghĩa vụ:
Trong Luật La Mã có 3 căn cứ chấm dứt nghĩa vụ:
+ Chấm dứt nghĩa vụ theo ý chí của các bên: Nghĩa vụ được chấm dứt dựa
theo mong muốn, nguyện vọng và hành động của các bên. Theo đó nghĩa vụ sẽ
chấm dứt khi: bên có nghĩa vụ có thể thực hiện và hoàn thành nghĩa vụ đối với
bên có quyền; bên có quyền miễn cho bên có nghĩa vụ không phải thực hiện
nghĩa vụ nữa; các bên thoả thuận thay nghĩa vụ đã có bằng nghĩa vụ khác, nghĩa
vụ mới độc lập so với nghĩa vụ cũ chứ không kế thừa nghĩa vụ cũ; các bên thoả
thuận chấm dứt nghĩa vụ…
+ Buộc phải chấm dứt nghĩa vụ: Có những sự kiện xảy ra khiến cho nghĩa
vụ phải chấm dứt cho dù người có quyền yêu cầu và người có nghĩa vụ có mong
muốn hay không, đó là: người có quyền và người có nghĩa vụ hoà nhập làm một;
người có quyền hoặc người có nghĩa vụ chết trong điều kiện quyền, nghĩa vụ gắn
với chính nhân thân người đó; đối tượng của nghĩa vụ là vật đặc định không còn,


nghĩa vụ chấm dứt do không còn khả năng thực hiện; thời hiệu cho việc thực hiện
nghĩa vụ đã kết thúc…
+ Bù trừ nghĩa vụ: Bù trừ nghĩa vụ được hiểu như là việc cân đối nợ, để có
thể tiến hành thực hiện nghĩa vụ bằng quyền, được áp dụng trong trường hợp hai
bên đồng thời có quyền và nghĩa vụ đối với nhau, bên này vừa có quyền vừa có
nghĩa vụ đối với bên kia và ngược lại.
Điều 374 Bộ luật Dân sự năm 2005 của nước ta quy định các căn cứ chấm
dứt nghĩa vụ dân sự bao gồm:
1. Nghĩa vụ được hoàn thành;

2. Theo thoả thuận của các bên;
3. Bên có quyền miễn việc thực hiện nghĩa vụ;
4. Nghĩa vụ được thay thế bằng nghĩa vụ dân sự khác;
5. Nghĩa vụ được bù trừ;
6. Bên có quyền và bên có nghĩa vụ hoà nhập làm một;
7. Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự đã hết;
8. Bên có nghĩa vụ là cá nhân chết hoặc là pháp nhân, chủ thể khác chấm
dứt mà nghĩa vụ phải do chính cá nhân, pháp nhân, chủ thể đó thực hiện;
9. Bên có quyền là cá nhân chết mà quyền yêu cầu không thuộc di sản thừa
kế hoặc là pháp nhân, chủ thể khác chấm dứt mà quyền yêu cầu không được
chuyển giao cho pháp nhân khác, chủ thể khác;
10. Vật đặc định là đối tượng của nghĩa vụ dân sự không còn và được tha
thế bằng nghĩa vụ khác.
11. Các trường hợp khác do luật quy định.
Như vậy ta nhận thấy Bộ luật dân sự hiện hành đã kế thừa và bao quát hết
các căn cứ chấm dứt nghĩa vụ dân sự đã được quy định tại Luật La Mã. Đây đều
là những trường hợp cơ bản nhất có thể dẫn đến việc chấm dứt nghĩa vụ dân sự.
Dựa trên nền tảng đó, các luật chuyên ngành sẽ xây dựng các căn cứ cụ thể hơn
liên quan đến chấm dứt nghĩa vụ dân sự.
Tuy nhiên cần phải nói thêm việc bù trừ nghĩa vụ. Theo pháp luật Việt
Nam thì việc bù trừ nghĩa vụ có thể được thực hiện giữa hai nghĩa vụ không cùng


loại (nghĩa vụ giao vật có thể được định giá bằng tiền và bù trừ với nghĩa vụ giao
tiền) còn Tư pháp La Mã thì không cho phép.
6. Quy định về trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ và chậm tiếp nhận
thực hiện nghĩa vụ
6.1. Về chậm thực hiện nghĩa vụ
Bộ luật dân sự 2005 quy định tại khoản 1 Điều 286: “Chậm thực hiện nghĩa
vụ dân sự là nghĩa vụ vẫn chưa được thực hiện hoặc chỉ được thực hiện một phần

khi thời hạn thực hiện nghĩa vụ đã hết.” Luật la mã định nghĩa: Để nghĩa vụ bị
coi là chậm thực hiện, các điều kiện cần thiết là: nghĩa vụ phải đến hạn và người
có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ mà không có lý do chính đáng
Giống nhau:
- Có thể nhận thấy, trong khái niệm chậm thực hiện nghĩa vụ theo quy định
của cả pháp luật VN và La mã đều có những điểm tương đồng đó là việc chưa
thực hiện nghĩa vụ khi đến hạn.
- Về hậu quả pháp lý do chậm thực hiện nghĩa vụ, cả pháp luật la mã và
pháp luật VN đều quy định người có nghĩa vụ phải gánh chịu mọi thiệt hại xảy ra
cho chủ nợ do việc chậm thực hiện nghĩa vụ gây ra. Bên có nghĩa vụ sẽ chịu rủi
ro về tài sản từ thời điểm chậm thực hiện nghĩa vụ. (5 Điều 490 BLDS 2005)
Ngoài ra, bên thực hiện nghĩa vụ phải trả lãi cho khoảng thời gian chậm trả, quy
định này đượ (khoản 2 Điều 305).
Khác nhau:
-Theo BLDS 2005 quy định ngay cả khi thực hiện một phần nghĩa vụ thì
vẫn là chậm thực hiện nghĩa vụ, những theo pháp luật La mã thì quy định là
không thực hiện nghĩa vụ mới là chậm thực hiện.
- Pháp luật La mã đã bổ sung thêm điều kiện chậm thực hiện nghĩa vụ là
“không có lý do chính đáng”, trong khi đó, BLDS 2005 lại không quy định vấn
đề này.
- Theo quy định trong Luật la mã, mọi rủi ro về tài sản từ thời điểm chậm
thực hiện nghĩa vụ đều do con nợ gánh chịu, trong khi đó, theo BLDS 2005, con
nợ sẽ không phải chịu rủi ro trong trường hợp do lỗi của bên chủ nợ.


- Theo quy định trong Luật la mã, sau thời điểm chậm thực hiện nếu như giá
trị tài sản nợ giảm sút thì món nợ vẫn giữ nguyên giá trị ban đầu đối với con nợ,
tuy nhiên, trong BLDS 2005 không quy định như thế, mà thay vào đó là quy định
về trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với giá trị tài sản giảm sút (trừ hao mòn tự
nhiên). Ví dụ, theo quy định tại khoản 1 Điều 490 BLDS 2005: “Bên thuê phải

trả lại tài sản thuê trong tình trạng như khi nhận, trừ hao mòn tự nhiên hoặc theo
đúng như tình trạng đã thoả thuận; nếu giá trị của tài sản thuê bị giảm sút so với
tình trạng khi nhận thì bên cho thuê có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ
hao mòn tự nhiên.”
- Luật la mã quy định nếu giá trị của tài sản tăng lên thì con nợ phải gánh
chịu phần tăng lên thêm đó, tuy nhiên, BLDS 2005 không quy định vấn đề này,
dẫn đến hiện nay còn nhiều tranh chấp xảy ra
6.2. Chậm tiếp nhận bàn giao
Khoản 1 Điều 288 BLDS 2005 quy định: “Chậm tiếp nhận việc thực hiện
nghĩa vụ dân sự là khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ đã
thực hiện theo thoả thuận nhưng bên có quyền không tiếp nhận việc thực hiện
nghĩa vụ đó. Theo pháp luật la mã quy định: “người có quyền ở trong tình trạng
chậm thực hiện hoặc chậm tiếp nhận nghĩa vụ trong trường hợp từ chối tiếp nhận
việc thực hiện nghĩa vụ tại nơi và tại địa điểm đã được thỏa thuận”.
Giống nhau:
- Cả pháp luật VN cũng như La mã đều có cách hiểu như nhau đối với việc
chậm tiếp nhận nghĩa vụ, đó là đều quy định khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ
mà bên có quyền không nhận hoặc từ chối nhận.
- Pháp luật La mã quy định chủ nợ chậm nhận phải chịu mọi chi phí bảo

quản tài sản cho khoảng thời gian chậm nhận bàn giao, BLDS 2005 quy định
“Trong trường hợp chậm tiếp nhận đối tượng của nghĩa vụ là tài sản thì bên có
nghĩa vụ phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo quản tài sản và có quyền
yêu cầu thanh toán chi phí hợp lý.”
Khác nhau:


- BLDS 2005 không quy định địa điểm nhận nghĩa vụ nhưng pháp luật La
mã lại quy định tại nơi và địa điểm đã được thỏa thuận. Như vậy, dường như
pháp luật La mã đã quy định cụ thể hơn so với pháp luật VN và cũng chặt chẽ

hơn.
- BLDS 2005 quy định tại Điều 306 về trách nhiệm dân sự do chậm tiếp
nhận việc thực hiện nghĩa vụ dân sự: “Bên có quyền chậm tiếp nhận việc thực
hiện nghĩa vụ dân sự làm phát sinh thiệt hại cho bên có nghĩa vụ thì phải bồi
thường thiệt hại cho người đó và phải chịu mọi rủi ro xảy ra kể từ thời điểm chậm
tiếp nhận, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”
- Luật la mã quy định: từ thời điểm chậm nhận bàn giao con nợ chỉ phải chịu
trách nhiệm do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý nặng, tuy nhiên BLDS 2005 quy định rõ tại
Điều 308 “Người không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự thì
phải chịu trách nhiệm dân sự khi có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý“
- Luật la mã quy định nếu như món nợ có tính lãi thì lãi suất đó không được
tính cho thời gian chậm nhận bàn giao, tuy nhiên BLDS 2005 không quy định về
về vấn đề này, dẫn đến thực tế, có trường hợp chủ nợ cố tình kéo dài thời gian
nhận tiền để tính lãi suất. Rõ ràng, Luật la mã đã có tiến bộ hơn so với pháp luật
VN.
- Luật la mã còn quy định: con nợ có thể bàn giao món nợ đó cho nhà thờ và
được giải thoát khỏi nghĩa vụ, bởi lẽ La mã là một quốc gia coi nhà thờ là nơi
linh thiêng, nơi sinh ra, nơi bao dung cho con người, chở che cho những lỗi lầm
cũng như giúp con người giải thoát khỏi mọi nỗi khổ trong cuộc sống. Chính vì
vậy, khi con nợ bàn giao món nợ cho nhà thờ là được giải thoát khỏi nghĩa vụ.
Việt Nam không quy định vấn đề này, nghĩa vụ chỉ được bàn giao cho người
khác chứ không bàn giao cho nhà thờ.
- BLDS 2005 quy định: “ Đối với tài sản có nguy cơ bị hư hỏng thì bên có
nghĩa vụ có quyền bán tài sản đó và trả cho bên có quyền khoản tiền thu được từ
việc bán tài sản sau khi trừ đi chi phí hợp lý để bảo quản và bán tài sản đó.”,
trong khi đó pháp luật La mã không quy định vấn đề này. Theo nhóm tôi, quy


định này của BLDS 2005 là hợp lý, tránh những trường hợp nếu có rủi ro xảy ra
nếu tài sản bị hư hỏng lại dẫn đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

7. Trách nhiệm do không thực hiện nghĩa vụ:
Giống nhau:
- Thứ nhất, Trong Luật La Mã cũng như Luật dân sự Việt Nam hiện hành
thì yếu tố lỗi luôn là căn cứ để xác định trách nhiệm dân sự. Luật La Mã quy
định: “con nợ chỉ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu như thiệt hại do
lỗi của mình gây ra”, “người có nghĩa vụ chỉ chịu trách nhiệm trong trường hợp
anh ta có lỗi (culpa) trong việc vi phạm hợp đồng”. Theo Giáo trình Luật dân sự
La Mã (Matxcơva, 1996) thì khái niệm lỗi nói chung (culpa) thường được hiểu là
việc không tuân theo cách xử sự mà pháp luật yêu cầu, do đó sẽ không có lỗi nếu
mọi yêu cầu đã được tuân thủ. Bộ luật dân sự Việt Nam năm 2005 (sửa đổi, bổ
sung năm 2011) cũng tiếp cận theo hướng này khi quy định: “Người không thực
hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự thì phải chịu trách nhiệm dân sự
khi có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có
quy định khác” (Điều 308). Mặc dù lỗi là căn cứ để xác định trách nhiệm dân sự
khi không thực hiện nghĩa vụ nhưng quy định tại Điều 308 cũng đã để ngỏ trường
hợp trách nhiệm vẫn phát sinh khi không có lỗi hay nói cách khác lỗi không phải
là yếu tố luôn bắt buộc trong mọi trường hợp khi xác định trách nhiệm dân sự.
Điều này cũng giống Luật La Mã khi mà trong Luật La Mã cũng có quy định về
một số trường hợp hết sức đặc biệt mà khi đó trách nhiệm vẫn phát sinh mặc dù
thiệt hại xảy ra không do lỗi của con nợ (thiệt hại do rủi ro) như: chủ tàu thuyền
phải chịu trách nhiệm đối với tài sản của hành khách ngay cả khi không có lỗi. Thứ hai, việc quy kết trách nhiệm dân sự dựa trên nguyên tắc suy đoán lỗi
của người vi phạm. Để được miễn trách nhiệm, người vi phạm có nghĩa vụ chứng
minh mình không có lỗi hoặc việc họ không thể thực hiện được nghĩa vụ là do có
sự kiện bất khả kháng xảy ra. Trong Bộ luật dân sự Việt Nam năm 2005, nguyên
tắc này được thể hiện qua quy định tại Khoản 3 Điều 302: “Bên có nghĩa vụ
không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực
hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền”.


Khác nhau:

- Về phân loại lỗi
+Luật La Mã: Lỗi không được xác định theo trạng thái tâm lý của người
có nghĩa vụ đối với hành vi của mình và hậu quả của hành vi ấy mà căn cứ vào
thái độ cũng như sự tận tâm của người có nghĩa vụ đối với công việc và những
nghĩa vụ mà họ phải thực hiện. Cụ thể: Lỗi cố ý (dolus): Người có nghĩa vụ bị coi
là có lỗi cố ý khi có những hành vi mang tính chủ đích (dưới dạng cố tình hành
động hoặc cố tình không hành động) nhằm gây thiệt hại cho người có quyền (ví
dụ như người đang nắm giữ vật cố ý làm hỏng vật với mục đích gây thiệt hại cho
chủ sở hữu vật đó). Lỗi vô ý: gồm lỗi vô ý nặng (culpa lata) và lỗi vô ý nhẹ
(culpa levis). Lỗi vô ý nặng xảy ra khi người đó không nhìn thấy trước được
những hậu quả mà một người bình thường đều có thể nhận thấy trước được. Lỗi
vô ý nhẹ xảy ra khi một người mà mức độ quan tâm, thái độ chú ý đến công việc
không bằng một người chủ sở hữu tốt (chẳng hạn, nếu một ai đó không có kinh
nghiệm thực hiện mà nhận nhiệm vụ thì yếu tố không có kinh nghiệm được liệt
kê vào phạm trù khinh xuất hay không thận trọng ở mức nhẹ).
+ Luật dân sự Việt Nam hiện hành: Lỗi luôn là một phạm trù tâm lý vì nó
được biểu hiện thông qua trạng thái tâm lý và mức độ nhận thức của con người
đối với hành vi của họ và hậu quả của những hành vi đó. Cụ thể, theo Luật dân sự
Việt Nam 2005 thì: Cố ý gây thiệt hại là trường hợp một người nhận thức rõ hành
vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn
hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra.Vô ý gây thiệt hại
là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây
thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy
trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ
không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.
-Về căn cứ để không phải chịu trách nhiệm
Luật La Mã: Bất khả kháng – vis maior, được hiểu là những tình huống do
thiên tai gây ra không thể lường trước được và không thể khắc phục được. Bộ
luật dân sự Việt Nam hiện hành: Điều 161 Bộ luật dân sự quy định như sau: “Sự
kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước



được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết
và khả năng cho phép”. Như vậy, theo quy định của Bộ luật dân sự Việt Nam
hiện hành thì phạm vi của sự kiện bất khả kháng rộng hơn quy định trong Luật La
Mã; theo đó sự kiện bất khả kháng không chỉ là thiên tai mà còn có thể là những
hiện tượng xã hội như chiến tranh, bạo loạn, đảo chính, đình công, cấm vận, thay
đổi chính sách của chính phủ…..
8. Quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được hiểu là khi một người vi
phạm nghĩa vụ pháp lý của mình gây tổn hại cho người khác thì chính người đó
phải chịu bất lợi do hành vi của mình gây ra. Sự gánh chịu một hậu quả bất lợi
bằng việc bù đắp tổn thất cho người khác được hiểu là bồi thường thiệt hại.
- Căn cứ bồi thường thiệt hại: Theo quy định của Luật La mã, việc bồi
thường thiệt hại có thể pháp sinh từ nhiều căn cứ khác nhau như (i) Khi có hành
vi vi phạm pháp luật; (ii) Khi không thực hiện hợp đồng đã giao kết; (iii) Khi có
thỏa thuận đặc biệt về việc bồi thường thiệt hại nếu xảy ra sự biến nào đó gây
thiệt hại. Pháp luật Việt Nam cũng có sự phân định rõ các căn cứ để xác định bồi
thường thiệt hại được phân thành (i) trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp
đồng; (ii) trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trong đó, trách
nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng là loại trách nhiệm dân sự mà theo đó
người có hành vi vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng gây ra thiệt hại cho người khác
thì phải chịu trách nhiệm bồi thường những tổn thất mà mình gây ra. Trách nhiệm
bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được hiểu là một loại trách nhiệm dân sự mà
khi người nào có hành vi vi phạm nghĩa vụ do pháp luật quy định ngoài hợp đồng
xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì phải bồi thường
thiệt hại do mình gây ra.
- Xác định thiệt hại: Theo quy định của Luật La mã xác định, thiệt hại thực
tế gồm sự mất mát, giảm sút, hư hỏng và những lợi nhuận bị mất. các luật gia La
mã cũng có đề cập đến những thiệt hại về tinh thần. Thiệt hại bao gồm: thiệt hại

trực tiếp (damnum emergens) và lợi tức đáng ra thu được (lucrum cessans). Thiệt
hại phải mang tính trực tiếp. Các thiệt hại gián tiếp không phải bồi thường


Theo pháp luật Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều 307 BLDS “1. Trách
nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất,
trách nhiệm bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần.”
Như vậy ta có thể thấy, việc xác định thiệt hại ở đây cả luật La mã và pháp luật
Việt Nam xác định bao gồm cả những thiệt hại về vật chất, mà còn cả những thiệt
hại về tinh thần.
- Trách nhiệm bồi thường
Theo quy định của Luật La mã, việc bồi thường thiệt hại được tính theo giá
trung bình của tài sản đó. Mọi quan hệ nhân thân của người bị thiệt hại đều không
được tính đến. Trong khoản bồi thường thiệt hại không được tính đến những thiệt
hại mà do sự bất cẩn của người bị thiệt hại gây ra.
Quy định của pháp luật Việt Nam xác định trách nhiệm bồi thường thiệt
hại về vật chất là trách nhiệm bù đắp tổn thất vật chất thực tế, tính được thành
tiền do bên vi phạm gây ra, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn
chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
Người gây thiệt hại về tinh thần cho người khác do xâm phạm đến tính mạng, sức
khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó thì ngoài việc chấm dứt hành vi
vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền để bù
đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại. Trong đó, bồi thường thiệt hại
ngoài hợp đồng về nguyên tắc là người gây thiệt hại phải bồi thường toàn bộ thiệt
hại xảy ra. Thiệt hại chỉ có thể được giảm trong một trường hợp đặc biệt đó là
người gây thiệt hại có lỗi vô ý và thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế
trước mắt và lâu dài của họ.
II/ Một số nhận xét, đánh giá và kiến nghị hoàn thiện pháp luật về nghĩa vụ
trong pháp luật Việt Nam
Qua những phân tích trên có thể thấy rằng, Chế định trái quyền nói chung

và hệ thống các quy định chung về nghĩa vụ của pháp luật La Mã mặc dù tồn tại
hơn 1500 năm trước nhưng đã rất phát triển. Trong bộ luật dân sự hiện hành của
chúng ta, chế định nghĩa vụ là một trong những chế định quan trọng nhất do đó
việc tìm hiểu về nơi khởi nguồn và bắt đầu của học thuyết vật quyền trái quyền


chính là cách tốt nhất để hoàn thiện chế định trái quyền trong bộ luật của chúng
ta.
Qua sự so sánh trên, thật khó thể nói pháp luật nào tân tiến hơn, bởi lẽ
pháp luật là yếu tố thuộc về thượng tầng xã hội là sự phản ánh tương đối điều
kiện kinh tế xã hội. Mặc dù xã hội La mã đã tồn tại cách đây rất lâu, nhưng do
nằm ở vị trí giao thương quan trọng của thế giới, đời sống kinh tế thương mại sôi
động nên pháp luật nói chung và pháp luật dân sự phát triển là điều dễ hiểu. Còn
nước ta mặc dù là quốc gia đương đại, nhưng cũng mới chuyển biến từ một quốc
gia nông nghiệp phong kiến nửa thuộc địa sang hình thái cộng hoà hiện đại được
ngót ngét 100 năm, không kể thời điểm chúng ta chính thức xây dựng nền kinh tế
thị trường từ năm 1992, do đó hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật dân sự
nói riêng còn sơ sài cũng là điều dễ hiểu.
Trong hệ thống các quy định chung về nghĩa vụ (hay trái quyền), Pháp luật
cổ La Mã có phần ưu trội hơn Pháp luật nước ta về các quy định cơ bản cụ thể
như: Quy định về khái niệm nghĩa vụ, Quy định về đối tượng của nghĩa vụ, các
căn cứ chấm dứt và phát sinh nghĩa vụ. Có thể nói do là cái nôi của tư tưởng Vật
quyền, trái quyền cho nên các quy định cơ bản về trái quyền của Luật La Mã đi
rất đúng trọng tâm và quy định đúng về bản chất của trái quyền (nghĩa vụ) là
quyền đối nhân, chứ không sa vào lẫn lộn với quyền đối vật. Quy định của pháp
luật Việt Nam về khái niệm nghĩa vụ, đối tượng của nghĩa vụ, căn cứ chấm dứt
và phát sinh nghĩa vụ nói chung còn một số hạn chế cả về mặt dùng từ, kỹ thuật
lập pháp cũng như nội dung pháp lý, ví dụ như: Trong khái niệm về nghĩa vụ lại
coi nghĩa vụ là một “việc” – từ “việc” ở đây không thể hiện được bản chất của
nghĩa vụ, tốt hơn là nên dùng từ “sự ràng buộc pháp lý” hoặc “quan hệ pháp lý

giữa người có quyền và người có nghĩa vụ”. Hay như quy định về đối tượng của
nghĩa vụ, theo quan điểm của nhóm tài sản không phải đối tượng của nghĩa vụ
mà đối tượng của nghĩa vụ phải là hành vi chuyển giao tài sản, hành vi thực hiện
công việc và hành vi không thực hiện công việc. Hay như việc phân định các căn
cứ phát sinh nghĩa vụ cần cô đọng hơn, có thể phân thành 02 nhóm là căn cứ phát
sinh trên cơ sở hợp đồng, căn cứ phát sinh ngoài hợp đồng trong căn cứ phát sinh


ngoài hợp đồng lại chia ra thành căn cứ phát sinh ngoài hợp đồng do gây thiệt
hại, căn cứ phát sinh ngoài hợp đồng không phải do gây thiệt hại.
Về các nguyên tắc chung của nghĩa vụ thì pháp luật Việt Nam hiện hành
quy định cũng khá hợp lý. Pháp luật Việt Nam cho phép uỷ quyền thực hiện
nghĩa vụ, chuyển giao quyền yêu cầu, chuyển giao nghĩa vụ, và có cơ chế đại
diện để tham gia xác lập nghĩa vụ. Trong khi Luật La Mã lại giới hạn chỉ có các
chủ thể của quan hệ nghĩa vụ mới được trực tiếp thực hiện nghĩa vụ, việc chuyển
giao thay đổi chủ thể là rất khó khăn và hạn chế. Luật La Mã quy định như vậy
cũng không phải là không có lý, bởi lẽ để đảm bảo cho quan hệ nghĩa vụ được
thực sự tuân thủ và tôn trọng cần ràng buộc các chủ thể, nếu để cho chủ thể
chuyển giao thay đổi, uỷ thác việc thực hiện nghĩa vụ dễ dẫn tới những hành vi
trốn tránh, né tránh việc thực hiện nghĩa vụ. Pháp luật Việt Nam quy định những
cơ chế đại diện, uỷ quyền, chuyển giao trong quan hệ nghĩa vụ cũng là để phù
hợp với đời sống xã hội hiện đại, khi mà các quan hệ dân sự diễn ra dày đặc và
đan cài, thì việc nghĩa vụ được thực hiện nhanh chóng là rất cần thiết, ngoài ra
việc đặt ra các cơ chế nêu trên cũng là tạo ra biện pháp giải quyết những vướng
mắc khi quan hệ nghĩa vụ lâm vào bế tắc.
Về trách nhiệm dân sự khi không thực hiện nghĩa vụ, chậm thực hiện nghĩa
vụ và gây thiệt hại thì về cơ bản pháp luật Việt Nam cũng khá giống pháp luật La
Mã. Pháp luật Việt Nam thậm chí trong chế định bồi thường thiệt hại (cả trong
hợp đồng và ngoài hợp đồng) còn rất tích cực ở chỗ buộc người gây thiệt hại phải
bồi thường cả những thiệt hại gián tiếp gây ra bởi sự vi phạm, cụ thể tại hướng

dẫn tại Nghị quyết 01/2004 của HĐTP TANDTC hướng dẫn về áp dụng các quy
định của BLDS về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có quy định rõ: tại mục II
điều 1 tiết 1.3,1.4 có quy định kể cả khoản chi phí đi lại, ăn ở cho người chăm sóc
người bị hại cũng phải thanh toán, kể cả khoản tiền mà người bị hại có nghĩa vụ
cấp dưỡng cho người khác cũng phải thanh toán (A là bố phải cấp dưỡng cho C,
A bị B gây tai nạn, B phải chi trả khoản tiền cấp dưỡng cho C tới năm C 18 tuổi).
C. KẾT LUẬN.


Qua những phân tích về sự giống và khác nhau giữa pháp luật La Mã và
Luật Dân sự Việt Nam về các quy định chung trong quan hệ nghĩa vụ, có thể thấy
Pháp luật Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Hi vọng rằng trong thời gian tới,
những hạn chế đó sẽ được hoàn thiện khắc phục để tạo ra một hành lang pháp lý
toàn diện cho đời sống dân sự.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Bộ luật dân sự Việt Nam năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2011).
2. PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện, “Giáo trình Luật La Mã”, NXB. Chính trị
Quốc gia, 2009.
3. PGS.TS Bùi Đăng Hiếu, Tài liệu Chuyên đề cao học “Trái quyền trong tư
pháp La Mã”.
4. Cuốn III Institutes of Justinian.



×