Tải bản đầy đủ (.pdf) (104 trang)

Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết thiếu nhi của võ quảng ( qua quê nội và tảng sáng)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (973.84 KB, 104 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
-----------------------------------------------------

NGUYỄN THỊ TÂM

NGHỆ THUẬT TỰ SỰ
TRONG TRUYỆN THIẾU NHI CỦA VÕ QUẢNG
(QUA QUÊ NỘI VÀ TẢNG SÁNG)

LUẬN VĂN THẠC SĨ
Chuyên ngành: Lý luận văn học

Hà Nội - 2015


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
-----------------------------------------------------

NGUYỄN THỊ TÂM

NGHỆ THUẬT TỰ SỰ
TRONG TRUYỆN THIẾU NHI CỦA VÕ QUẢNG
(QUA QUÊ NỘI VÀ TẢNG SÁNG)

Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận văn học
Mã số: 60 22 01 20

Người hướng dẫn khoa học: TS. Diêu Thị Lan Phương


Hà Nội - 2015


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ........................................................................................................... 3
1. Lý do chọn đề tài ........................................................................................... 3
2. Lịch sử vấn đề ............................................................................................... 4
3. Mục đích, đối tượng, phạm vi nghiên cứu .................................................... 7
4. Phương pháp nghiên cứu............................................................................... 8
5. Cấu trúc luận văn .......................................................................................... 8
NỘI DUNG....................................................................................................... 9
Chương 1 KHÁI QUÁT VỀ NGHỆ THUẬT TỰ SỰ VÀ SÁNG TÁC
CỦA VÕ QUẢNG TRONG BỨC TRANH VĂN HỌC THIẾU NHI VIỆT
NAM ................................................................................................................. 9
1.1. Nghệ thuật tự sự ......................................................................................... 9
1.1.1. Khái niệm ................................................................................................ 9
1.1.2. Quá trình hình thành và phát triển của tự sự học................................. 10
1.1.3. Những đóng góp của tự sự học trong nghiên cứu văn học ................... 12
1.2. Khái quát về văn học thiếu nhi Việt Nam ................................................ 13
1.2.1. Khái niệm văn học thiếu nhi ................................................................. 13
1.2.2. Các giai đoạn phát triển của văn học thiếu nhi Việt Nam.................... 14
1.2.3. Đặc điểm của văn học thiếu nhi Việt Nam ............................................ 18
1.3. Hành trình sáng tác của Võ Quảng .......................................................... 21
1.3.1. Sơ lược tiểu sử ....................................................................................... 21
1.3.2. Sự nghiệp sáng tác của Võ Quảng ........................................................ 23
1.3.3. Vị trí của Quê nội và Tảng sáng trong đời văn Võ Quảng ................... 26
Chương 2 NGHỆ THUẬT TỔ CHỨC CỐT TRUYỆN VÀ XÂY DỰNG
NHÂN VẬT TRONG QUÊ NỘI VÀ TẢNG SÁNG.................................... 29
2.1. Nghệ thuật tổ chức cốt truyện trong Quê nội và Tảng sáng .................... 29
2.1.1. Cốt truyện trong “Quê nội” và “Tảng sáng”....................................... 33

1


2.1.2. Diễn biến cốt truyện trong Quê nội và Tảng sáng ................................ 37
2.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật ................................................................. 41
2.2.1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật qua ngoại hình, hành động .................. 43
2.2.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật qua ngôn ngữ đối thoại........................ 54
2.2.3. Nghệ thuật xây dựng nhân vật qua tính cách ....................................... 58
Chương 3 NGƯỜI KỂ CHUYỆN VÀ NGÔN NGỮ TRẦN THUẬT
TRONG QUÊ NỘI VÀ TẢNG SÁNG .......................................................... 62
3.1. Người kể chuyện trong Quê nội và Tảng sáng ........................................ 62
3.1.1 Ngôi kể.................................................................................................... 64
3.1.2 Điểm nhìn trần thuật .............................................................................. 66
3.1.3 Giọng điệu trần thuật ............................................................................. 68
3.1.3.1. Giọng hài hước hóm hỉnh................................................................... 70
3.1.3.2. Giọng trữ tình ấm áp .......................................................................... 74
3.1.3.3. Giọng trong sáng tươi vui .................................................................. 80
3.2. Ngôn ngữ trần thuật ................................................................................. 83
3.2.1. Ngôn ngữ giàu tính tạo hình ................................................................. 84
3.2.2. Ngôn ngữ giàu tính khẩu ngữ, phương ngữ .......................................... 87
3.2.3. Ngôn ngữ giàu chất thơ......................................................................... 90
KẾT LUẬN .................................................................................................... 96
TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................................ 98

2


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Tình hình nghiên cứu văn học thời gian qua có những đổi mới tích cực.

Tự sự học trở thành một lĩnh vực nghiên cứu đặc thù của lý luận văn học
được đông đảo các nhà khoa học trên thế giới quan tâm. Nghiên cứu tự sự học
không chỉ là nghiên cứu về cách thức kể chuyện sao cho hấp dẫn mà còn là
nghiên cứu về cách thức xây dựng những hình tượng nghệ thuật đặc sắc trong
mỗi tác phẩm văn học.
Văn học thiếu nhi là một bộ phận quan trọng trong nền văn học của mỗi
dân tộc và nhân loại. Nó có vai trò to lớn trong việc làm phong phú thêm đời
sống tinh thần trẻ thơ, góp phần bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm của các em. Bên
cạnh đó, văn học thiếu nhi còn đánh thức vẻ đẹp của ước mơ, khát vọng và cả
những hoài niệm trong sáng nhất của mỗi con người.
Ở nước ta, do những hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, cùng với nền văn học
hiện đại, bộ phận văn học dành cho thiếu nhi ra đời khá muộn. Tuy vậy, đội
ngũ tác giả chuyên sáng tác cho thiếu nhi ngày một tăng theo thời gian. Trước
có Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Ma Văn Kháng, Tô Hoài, Phạm Hổ,
Phùng Quán, Võ Quảng, Vũ Tú Nam. Nay có Nguyễn Nhật Ánh, Lý Lan,
Lưu Thị Lương, Nguyễn Ngọc Thuần… Các tác phẩm văn học cũng dần đạt
tới độ kết tinh nghệ thuật được nhiều bạn đọc nhỏ tuổi vô cùng yêu thích như
Dế Mèn phiêu lưu kí của Tô Hoài, Lá cờ thêu sáu chữ vàng của Nguyễn Huy
Tưởng, Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi, Tuổi thơ dữ dội của Phùng
Quán, Góc sân và khoảng trời của Trần Đăng Khoa, Kính vạn hoa của
Nguyễn Nhật Ánh…
Trong đề tài nghiên cứu của mình, tôi lựa chọn Võ Quảng cùng hai tác
phẩm Quê nội và Tảng sáng của ông để tìm hiểu là bởi:

3


- Thứ nhất: Võ Quảng là nhà văn thiếu nhi có nhiều tác phẩm hay,
phong phú về đề tài và thể loại. Dù là thơ hay truyện, ông đều có những thành
công riêng.

- Thứ hai: Sáng tác của Võ Quảng luôn hướng các em thiếu nhi đến
những mối quan hệ tốt đẹp trong cuộc sống. Mỗi tác phẩm của ông là một
món ăn tinh thần bổ ích, bồi dưỡng tâm hồn thiếu nhi vươn tới cái đẹp của lí
tưởng, của tình yêu con người và tình yêu thiên nhiên.
- Thứ ba: Truyện của Võ Quảng có cách tự sự hấp dẫn, độc đáo, mang
phong cách và dấu ấn riêng của nhà văn. Quê nội và Tảng sáng là hai tác
phẩm ưu tú trong hành trình sáng tác văn học của Võ Quảng. Nhà văn đã tạo
ra được một giọng nói chân thật, hồn nhiên, có hơi thở và có sự sống làm cho
cả thiếu nhi và người lớn thích thú khi đọc.
Vì những lí do trên, chúng tôi lựa chọn nghiên cứu đề tài Nghệ thuật tự
sự trong truyện thiếu nhi của Võ Quảng (qua Quê nội và Tảng sáng) với
mong muốn góp một phần nhỏ bé vào công việc nghiên cứu văn học thiếu nhi
nói chung, truyện Võ Quảng nói riêng.
2. Lịch sử vấn đề
Các sáng tác văn, thơ của Võ Quảng từ lâu đã trở thành món ăn tinh
thần không thể thiếu đối với các em thiếu nhi. Qua những vần thơ trong sáng
và những trang tiểu thuyết dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ đã làm nên tên tuổi một
nhà văn của riêng thiếu nhi Việt Nam. Theo tìm hiểu của chúng tôi, kể từ
những năm đầu thập niên 80 của thế kỉ XX cho đến nay, đã có khá nhiều bài
viết đề cập đến sáng tác của Võ Quảng nói chung và hai tác phẩm Quê nội và
Tảng sáng nói riêng. Vì thế, ở luận văn của mình, chúng tôi chỉ điểm qua
những công trình tiêu biểu, có liên quan mật thiết đến đề tài để thuận tiện cho
quá trình nghiên cứu.

4


2.1. Những nhận xét về sự nghiệp, tài năng của Võ Quảng
Trong cuốn Truyện viết cho thiếu nhi dưới chế độ mới, Vân Thanh đã
dành hẳn một phần trong chương 3 của cuốn sách để biểu dương Võ Quảng

như một đại diện tiêu biểu nhất lúc bấy giờ, chuyên sáng tác cho thiếu nhi
cùng với Nguyễn Huy Tưởng và Tô Hoài. Ở đó, tác giả đã có cái nhìn tổng
lược về toàn bộ chặng đường sáng tác của Võ Quảng, từ những tác phẩm thơ
đến những sáng tác văn xuôi của ông. Vân Thanh nhận định về thành công
trong sáng tác của Võ Quảng là do nhà văn “nắm chắc được phương hướng
giáo dục của Đảng, am hiểu cuộc sống và tâm lý thiếu nhi, biết dày công lao
động nghệ thuật, không bao giờ chịu bằng lòng với mình, luôn cố gắng đi tìm
một cách viết độc đáo” [47, tr. 160].
Ở bài viết Tác phẩm và con người Võ Quảng, Đoàn Giỏi nhấn mạnh về
tính nhân đạo, tinh thần nhân văn cao đẹp trong sáng tác của Võ Quảng. Đó
chính là tình yêu con người, tình yêu thiên nhiên và ý thức trách nhiệm của
việc giáo dục trẻ thơ bằng văn học. Đoàn Giỏi đã nhận định: “Võ Quảng rất
có ý thức về tính giáo dục và tinh thần sư phạm trên từng trang văn. Cách
chọn từ ngữ ở mỗi câu, mỗi mẩu đối thoại đều có sự cân nhắc, nghiên cứu,
chọn lọc. Tác giả tỏ ra rất có trách nhiệm đối với việc giáo dục các em” [45,
tr. 447].
Trong bài Nhà văn Võ Quảng và vấn đề giáo dục thiếu nhi, Nguyễn Thị
Nhất khẳng định: “Dưới ngòi bút của Võ Quảng, thế giới chung quanh như
bừng sáng lên, rực rỡ hơn. Cỏ cây, mây trời, muông thú, cho đến những đồ
vật như cái mai, cái chổi, chiếc bồ tre, cũng trở nên sống động, cũng có tâm
hồn có tình cảm, có ước mơ, có suy tư, đôi khi có cả một triết lí rõ rệt về lý do
tồn tại của bản thân mình” [54, tr.466].
Cuốn Võ Quảng - con người, tác phẩm do chính vợ củaVõ Quảng,
đồng thời cũng là một nhà nghiên cứu, dịch thuật văn học là bà Phương Thảo
5


biên soạn, đã tập hợp khá đầy đủ các bài viết giúp người đọc hình dung về
cuộc đời và sự nghiệp của ông.
Nhà văn Inadimonia của Nga trong khi giới thiệu Quê nội năm 1978 đã

nhận định “Võ Quảng là một trong những nhà thơ, nhà văn được thiếu nhi
Việt Nam yêu thích nhất” [54, tr. 513].
Có thể thấy rằng, khi nhận xét về sự nghiệp văn học của Võ Quảng, các
nhà nghiên cứu, phê bình văn học luôn dành cho ông những lời khen ngợi.
Đồng thời, họ cũng đánh giá rất cao tài năng của ông qua những sáng tác dành
cho nhiếu nhi trong nền văn học Việt Nam đương đại.
2.2. Những nhận xét về hai tác phẩm Quê nội và Tảng sáng
Trong cuốn Tuyển tập Võ Quảng (NXB Hội nhà văn, 2008) nhà văn Võ
Gia Trị đã dành hẳn phần cuối của cuốn sách để tập hợp một số phát biểu của
các nhà văn, nhà phê bình nghiên cứu xung quanh hai sáng tác này của Võ
Quảng. Đó là:
- Trần Thanh Địch trong bài viết Võ Quảng đánh giá: “Quê nội cũng
như Tảng sáng âm thầm như một mùi hương gây mê, có sức hấp dẫn và
quyến rũ lạ lùng… bạn đọc người lớn cũng như trẻ em. Có là cục đá thì mới
không xúc động xao xuyến với những trang tả cảnh đồng bào ta gọi nhau đi
học buổi tối, những trang bà Hiến học đánh vần, những trang chấm phá hình
dáng về cây sung qua buổi chiều vàng… và bao nhiêu chi tiết ngắn dài qua
từng chương sách” [54, tr. 489-493].
- Vũ Tú Nam trong bài Tài năng miêu tả của Võ Quảng nhận định: “Võ
Quảng nặng tình nghĩa với “Quê nội” đã giúp nhà văn mô tả thiên nhiên và
con người không phải chỉ bằng chữ nghĩa mà bằng cả trái tim, bằng kỉ niệm
bồi hồi và nỗi nhớ. Nhịp điệu và âm sắc trong thơ văn Võ Quảng là tiếng vang
trong trẻo của tâm hồn vừa đầm ấm vừa đôn hậu, vừa ngộ nghĩnh vui tươi, rất

6


gần với bạn đọc thiếu nhi” [54, tr. 459]. Đi sâu hơn vào thế giới nghệ thuật,
nhà văn còn nhận xét văn miêu tả của Võ Quảng gọn, động, rất gần với thơ.
- Vương Trí Nhàn trong bài Chất hài hước trong sáng tác văn xuôi của

Võ Quảng nhận xét: “Chất hài trong Quê nội và Tảng sáng gắn liền với hai
nhân vật chính trong tập sách là Cục và Cù Lao và tập thể các bạn nhỏ tuổi ở
Hòa Phước” và “chúng ta cần rất nhiều tác phẩm văn học biết cười như Quê
nội và Tảng sáng” [54, tr. 480-482].
Trong lời nói đầu bản dịch Quê nội sang tiếp Pháp, nhà văn Alice Kahn
khẳng định: “Đây là một loại Tom Sawyer của Việt Nam”, “Cục và Cù Lao
đã đưa lại cho người Pháp sự hiểu biết nhiều hơn về một nước Việt Nam hầu
như còn hoàn toàn xa lạ” [54, tr. 511].
Tính đến nay đã có khá nhiều bài viết về Võ Quảng cũng như những
nhận xét về hai tác phẩm Quê nội và Tảng sáng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của
chúng tôi, chưa có một công trình nào nghiên cứu về nghệ thuật tự sự trong
truyện thiếu nhi của ông. Trên cơ sở tiếp nhận các ý kiến đánh giá của những
học giả đi trước, chúng tôi coi đây là những gợi ý bổ ích trong quá trình
nghiên cứu luận văn này.
3. Mục đích, đối tượng, phạm vi nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
- Luận văn tìm hiểu nghệ thuật tự sự trong truyện thiếu nhi Võ Quảng
nhằm rút ra phong cách tự sự độc đáo của nhà văn.
- Khai thác, tiếp cận những bình diện mới trong nghệ thuật tự sự để
thấy được vai trò chúng trong việc tạo nên giá trị tác phẩm.
- Đánh giá những đóng góp của nhà văn trong nền văn học thiếu nhi
nước nhà.

7


3.2. Đối tượng nghiên cứu
Luận văn đi sâu nghiên cứu nghệ thuật tự sự trong truyện thiếu nhi của
Võ Quảng ở các khía cạnh cốt truyện, nhân vật, người kể chuyện, ngôn ngữ
và giọng điệu.

3.2. Phạm vi nghiên cứu
Sáng tác của Võ Quảng khá phong phú với nhiều thể loại (truyện ngắn,
tiểu thuyết, thơ, truyện đồng thoại…). Với mục đích và khuôn khổ của đề tài,
luận văn tập trung chủ yếu vào khảo sát hai tác phẩm Quê nội và Tảng sáng in
trong “Tuyển tập Võ Quảng” (Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2008).
4. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện đề tài này, chúng tôi sử dụng phối hợp các phương pháp
nghiên cứu sau đây:
- Phương pháp tiếp cận thi pháp học
- Phương pháp tự sự học
- Phương pháp nghiên cứu lịch sử - xã hội
Kết hợp với đó là các thao tác so sánh, đối chiếu, phân tích, tổng hợp
để đạt được kết quả nghiên cứu tốt nhất.
5. Cấu trúc luận văn
Ngoài Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, nội dung luận văn chia
thành 3 chương:
- Chương 1: Khái quát về nghệ thuật tự sự và sáng tác của Võ Quảng
trong bức tranh văn học thiếu nhi Việt Nam
- Chương 2: Nghệ thuật tổ chức cốt truyện và xây dựng nhân vật trong
“Quê nội” và “Tảng sáng”
- Chương 3: Người kể chuyện và ngôn ngữ trần thuật trong “Quê nội”
và “Tảng sáng”

8


NỘI DUNG
Chương 1
KHÁI QUÁT VỀ NGHỆ THUẬT TỰ SỰ VÀ SÁNG TÁC CỦA VÕ
QUẢNG TRONG BỨC TRANH VĂN HỌC THIẾU NHI VIỆT NAM

1.1. Nghệ thuật tự sự
1.1.1. Khái niệm
Tên gọi Tự sự học - Narratology/ Narratologie do nhà nghiên cứu Pháp
gốc Bungari T.Todorov đề xuất năm 1969 trong sách Ngữ pháp “Câu chuyện
mười ngày”. Kể từ đó, lí luận tự sự đã trở thành một vấn đề chủ yếu của
nghiên cứu văn học.
J.H.Miller, nhà giải cấu trúc Mĩ (1993) cho rằng: “Tự sự là cách để ta
đưa các sự việc vào một trật tự, và từ trật tự ấy mà chúng có một ý nghĩa. Tự
sự là cách tạo nghĩa cho sự kiện, biến cố” [44, tr.12]. Còn Jonathan Culler
(1998) lại nhận định: “Tự sự là phương thức chủ yếu để con người hiểu biết
sự vật” [44, tr.12]. Ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu cũng đưa ra những cách
hiểu khác nhau về tự sự. Đặng Anh Đào cho rằng: “Tự sự là một khái niệm rất
rộng và có thể xét ở hai bình diện. Bình diện thứ nhất: Tự sự như sự đồng
nghĩa với “câu chuyện kể” đối lập với miêu tả. Bình diện thứ hai: Tự sự được
xem xét theo hành động kể chuyện” [44, tr.170]. Trần Đình Sử thì khẳng
định: “Tự sự là hệ thống những sự kiện, cách thức tổ chức sự kiện, các mô típ
truyện, sự phân loại các mô típ, diễn ngôn, lời kể với những người kể, điểm
nhìn, thời, thức” [44, tr.8]. Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “Tự sự là một
phương thức tái hiện đời sống trong toàn bộ tính khách quan của nó. Tác
phẩm tự sự phản ánh hiện thực qua bức tranh mở rộng của đời sống trong
không gian, thời gian, qua các sự kiện, biến cố xảy ra trong cuộc đời của con
người. Tác phẩm tự sự bao giờ cũng có cốt truyện, gắn với cốt truyện là một
hệ thống nhân vật được khắc họa đầy đủ, nhiều mặt hơn hẳn nhân vật trữ tình,
9


kịch” [15, tr. 317]. Tựu chung lại, nội dung của nghệ thuật tự sự là nghiên cứu
cấu trúc của văn bản tự sự và các vấn đề liên quan.
1.1.2. Quá trình hình thành và phát triển của tự sự học
Tự sự học đã có từ thời Platon, Aristote. Giai đoạn đó người ta chia tự

sự làm hai loại là: tự sự lịch sử và tự sự nghệ thuật. Đến thế kỉ V người ta
phân biệt: tự sự mô phỏng (không có sự can dự của người kể, như kịch), tự sự
giải thích (có kèm phân tích, bình luận) và tự sự hỗn hợp (như sử thi).
Tự sự học hiện đại manh nha từ cuối thế kỉ trước. Cho đến nay tự sự
học có thể chia thành ba thời kì:
+ Tự sự học trước cấu trúc chủ nghĩa: nghiên cứu các thành phần, chức
năng của tự sự. Các học giả tập trung vào nghiên cứu các yếu tố và đơn vị của
tự sự như cốt truyện, nhân vật, ngôn từ trần thuật, điểm nhìn… chia truyện
thành hai lớp là chất liệu và hình thức, mối quan hệ giữa tác giả và nhân vật,
ngôn ngữ trần thuật và tính đối thoại của nó. Có thể kể đến các công trình của
Percy Lubbock và K.Friedemann nghiên cứu các vấn đề điểm nhìn, dòng ý
thức (1921). B.Tomasepxki nghiên cứu các yếu tố và đơn vị của tự sự (1925),
V.Propp nghiên cứu cấu trúc và chức năng tự sự của truyện cổ tích (1928).
+ Tự sự học cấu trúc chủ nghĩa: đi tìm mô hình cho hình thức tự sự, mở
đầu với công trình Dẫn luận phân tích tác phẩm tự sự của R.Barthes năm
1968. Todorov có Ngữ pháp “Câu chuyện mười ngày”, tiếp theo là nghiên
cứu cấu trúc thần thoại của Claude Levi-Strauss và mô hình hành vi ngôn ngữ
của Roman Jakobson. Đặc điểm của lí thuyết tự sự cấu trúc chủ nghĩa là
nghiên cứu bản chất ngôn ngữ, bản chất ngữ pháp của tự sự, lấy ngôn ngữ học
làm hình mẫu, xem tự sự học là sự mở rộng của cú pháp học, còn trữ tình là
sự mở rộng của ẩn dụ. Các học giả đã góp phần làm sáng tỏ bản chất biểu đạt
và giao tiếp của tự sự. Todorov xem nhân vật như danh từ, tình tiết là động từ.
A.J.Greimas vận dụng sự đối lập trục liên kết và trục lựa chọn để nghiên cứu
10


cấu trúc tự sự. G.Genette tuyên bố “mỗi câu chuyện là sự mở rộng của một
câu - chủ yếu là vị ngữ động từ” [44, tr.14] và được R.Barthes tán thành quan
điểm đó.
+ Tự sự học hậu cấu trúc chủ nghĩa: gắn liền với kí hiệu học, nghiên

cứu các phương thức biểu đạt ý nghĩa khác nhau, lấy văn bản làm cơ sở. Ở
đây, hình thức tự sự là phương tiện biểu đạt ý nghĩa của tác phẩm. Tư tưởng
này gắn với việc phân tích ý thức hệ của M. Bakhtin. Các tác giả như
Iu.Lotman, B.Uspenski cũng theo hướng này. Pierre Macherey, nhà mácxít
Pháp cho rằng “bất cứ sự đồng nhất nào giữa phê bình văn học với ngôn ngữ
học đều thất bại bởi nó bỏ qua vai trò tác động của hình thái ý thức” [44,
tr.15]; còn Iu.Lotman cho rằng “thông tin ngôn ngữ là thông tin phi văn bản”
[44, tr.15], mà điểm xuất phát của văn bản lại chính là chỗ khiến nó trở thành
văn bản. Nếu văn bản trở về với ý nghĩa của ngôn ngữ học thì có nghĩa là sự
sụp đổ của văn hóa. Như thế lí thuyết tự sự phải gắn với chức năng nhận thức
và giao tiếp.
Tổng quan quá trình phát triển của lí thuyết tự sự, nhà lí luận tự sự Mĩ
Gerald Prince chia làm ba nhóm theo ba loại hình.
+ Nhóm một là những nhà tự sự học chịu ảnh hưởng của các nhà hình
thức chủ nghĩa Nga như V.Propp. Trong số này, Greimas làm nổi bật lôgic tự
sự, Todorov, Barthes, Remak, Norman Friedman, Northrop Frye, Etienne
Souriau thì lại chú ý tới cấu trúc của câu chuyện được kể, chức năng của biến
cố và quy luật tổ hợp, lôgic phát triển và loại hình cốt truyện.
+ Nhóm thứ hai thu hút nhiều nhà nghiên cứu nhất như Dolezel, Micke
Bal, G.Genette đã xem nguồn gốc của tự sự là dùng ngôn ngữ nói hay viết mà
biểu đạt, cho nên vai trò của người trần thuật được coi là quan trọng nhất. Họ
chú ý tới lớp ngôn từ của người trần thuật với các yếu tố cơ bản như điểm
nhìn, giọng điệu.
11


+ Nhóm thứ ba đại diện là Gerald Prince và Seymour Chatman. Họ coi
trọng phương pháp nghiên cứu tổng thể hay dung hợp. J.Culler cũng thuộc
phái này. Ông coi trọng cả cấu trúc sự kiện lẫn cấu trúc lời văn.
Tóm lại, mỗi giai đoạn ta nhận thấy sự thay đổi về hệ hình lí thuyết

cũng như các phương pháp nghiên cứu tự sự. Giai đoạn đầu tập trung nghiên
cứu cấu trúc của truyện, mối quan hệ của các sự kiện tạo nên truyện. Giai
đoạn thứ hai chủ yếu nghiên cứu diễn ngôn tự sự. Và giai đoạn thứ ba, mô
hình tự sự học lại hướng đến nghiên cứu liên ngành với các lĩnh vực khác có
liên quan.
1.1.3. Những đóng góp của tự sự học trong nghiên cứu văn học
+ Lí thuyết tự sự học hiện đại lần đầu tiên cho người ta thấy sự phức
tạp của cấu trúc tự sự. Tác giả là người ghi lại lời kể chứ không phải một
người kể. Người trần thuật là kẻ được sáng tạo ra để mang lời kể. Hành vi trần
thuật tạo ra sản phẩm là văn bản tự sự. Ngôi kể là yếu tố tạo thành tiếng nói,
giọng điệu.
+ Lí thuyết tự sự học hiện đại lần đầu tiên làm cho người trần thuật vô
hình được chú ý phân tích.
+ Lí thuyết tự sự học cũng chỉ ra kết cấu của các tầng bậc trần thuật.
Người trần thuật càng cao thì càng xuất hiện sau và nhiệm vụ của nó là giới
thiệu người trần thuật bậc thấp. Phân biệt trần thuật chính, trần thuật phụ, siêu
tự sự để gia tăng khả năng hư cấu cho tiểu thuyết. Tự sự càng phát triển thì
siêu tự sự cũng càng phát triển theo, xuất hiện các kiểu người trần thuật khác
nhau.
+ Lí thuyết tự sự cho thấy rõ sự biến dạng thời gian bằng các biện pháp
rút gọn, tỉnh lược, cảnh, kéo dài, dừng lại, lặp lại và các hình thức đổi thay
tính liên tục của sự kiện giúp chỉ ra cơ chế nghệ thuật của tự sự.

12


+ Lí thuyết tự sự đã nêu ra vấn đề góc nhìn với điểm nhìn, tiêu cự trần
thuật với mô hình trần thuật.
+ Lí thuyết tự sự học hiện đại đã nghiên cứu sâu về hành vi ngôn ngữ
tự sự và các hình thức của nó làm cho tự học gắn chặt với phong cách học tiểu

thuyết.
+ Tự sự học hiện đại cũng tiếp tục nghiên cứu cấu trúc của tình tiết,
đơn vị cơ bản của tự sự, các kiểu tổ hợp tình tiết, loại hình hóa cốt truyện.
Nghiên cứ tự sự học có một ý nghĩa văn hóa rất rộng lớn.Tự sự học
giúp hiểu rõ mọi hình thức tự sự, nghệ thuật và phi nghệ thuật. Nó mở ra khả
năng nghiên cứu truyền thống văn hóa trong mỗi nền văn học từ đó cho ta
nhìn lại các vấn đề văn học sử dân tộc một cách sâu sắc. Văn học Việt Nam
ngày càng nhiều những bài viết nghiên cứu dưới góc độ tự sự học đã chứng tỏ
vai trò, ý nghĩa lớn lao của tự sự học trong nghiên cứu văn học.
1.2. Khái quát về văn học thiếu nhi Việt Nam
1.2.1. Khái niệm văn học thiếu nhi
Theo Từ điển thuật ngữ văn học của Lê Bá Hán, văn học thiếu nhi theo
nghĩa hẹp gồm những tác phẩm văn học hoặc phổ cập khoa học dành riêng
cho thiếu nhi. Tuy vậy, khái niệm văn học thiếu nhi cũng thường bao gồm
một phạm vi rộng rãi những tác phẩm văn học thông thường (cho người lớn)
đã đi vào phạm vi đọc của thiếu nhi.
Bách khoa thư Văn học thiếu nhi Việt Nam quan niệm về văn học thiếu
nhi tường tận hơn, chi tiết hơn. Khái niệm văn học thiếu nhi được nhận diện ở
nhiều góc độ: chủ thể sáng tác, nhân vật trung tâm, mục đích sáng tác, đối
tượng tiếp nhận. Cụ thể:
- Mọi tác phẩm được nhà văn sáng tạo ra với mục đích giáo dục, bồi
dưỡng tâm hồn, tính cách cho thiếu nhi. Nhân vật trung tâm của nó là thiếu
nhi, và đôi khi cũng là người lớn, hoặc là một cơn gió, một loài vật, một đồ
13


vật, một cái cây… Tác giả của văn học thiếu nhi không chỉ là chính các em
mà cũng là các nhà văn thuộc mọi lứa tuổi.
- Những tác phẩm mà thiếu nhi thích thú tìm đọc. Bởi vì các em đã tìm
thấy trong đó cách nghĩ, cách cảm cùng những hành động gần gũi với cách

nghĩ cách cảm và cách hành động của chính các em, hơn thế, các em còn tìm
được ở trong đó một lời nhắc nhở, một sự răn dạy, với những nguồn động
viên khích lệ, những sự dẫn dắt ý nhị, bổ ích trong quá trình hoàn thiện tính
cách của mình. [50; tr. 23]
Như vậy, văn học thiếu nhi là những tác phẩm văn học mà nhân vật
trung tâm hoặc là thiếu nhi, hoặc là người lớn, hoặc là con người, hoặc là thế
giới tự nhiên… nhưng được nhìn bằng đôi mắt trẻ thơ, có nội dung gần gũi,
quen thuộc với vốn trải nghiệm của trẻ, được các em thích thú, say mê và có
tác dụng hoàn thiện đạo đức, tâm hồn cho trẻ.
1.2.2. Các giai đoạn phát triển của văn học thiếu nhi Việt Nam
1.2.2.1. Trước cách mạng tháng Tám
“Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, ở Việt Nam đã có sách viết
cho thiếu nhi nhưng hiện tượng đó chưa đủ để khẳng định có một nền văn học
cho thiếu nhi” (Vân Thanh). Dưới chế độ phong kiến, những sáng tác văn học
cho trẻ em chưa xuất hiện. Sang những năm đầu của thế kỉ XX, văn học cho
thiếu nhi chủ yếu có được từ 3 nguồn: truyện dịch của các nhà văn Pháp như
La Fontaine, Perault…; các sáng tác lãng mạn của nhóm Tự lực văn đoàn và
sáng tác của các nhà văn hiện thực phê phán. Trong đó, các loại sách như Hoa
hồng, Hoa mai, Hoa xuân… của nhóm Tự lực văn đoàn chỉ quan tâm phản
ánh sinh hoạt của trẻ em thành thị. Các tác phẩm như Từ ngày mẹ chết, Bài
học quét nhà, Một đám cưới, Bảy bông lúa lép của Nam Cao, Bữa no đòn của
Nguyễn Công Hoan, Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng… lại hướng đến
nỗi bất hạnh của trẻ em nghèo. Chú ý khai thác số phận trẻ thơ với những bi
14


kịch nhân sinh sâu sắc, các nhà văn hiện thực đã để lại trên trang viết những
cuộc đời thiếu thốn vật chất, trống vắng tinh thần và rất nặng gánh về tâm
hồn. Trong thời kì này đã xuất hiện một số truyện đồng thoại của Tô Hoài.
Trong các tác phẩm như: Đám cưới chuột, Võ sĩ Bọ Ngựa, Dế Mèn phiêu lưu

kí, tác giả đã mượn hình thức đồng thoại, mượn hình tượng con vật để chuyển
tải những vấn đề mang tính xã hội. Nhìn chung, trước cách mạng tháng Tám
chưa thực sự có phong trào sáng tác cho trẻ em nhưng những tác phẩm của
giai đoạn này đã đặt những nền móng đầu tiên cho văn học thiếu nhi nước
nhà.
1.2.2.2. Giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954)
Sau khi cách mạng tháng Tám thành công, Đảng và Nhà nước đã quan
tâm để phát triển văn học thiếu nhi. Dưới chế độ mới, những thành tựu đầu
tiên của văn học thiếu nhi đã được tạo lập. Thiếu sinh - tiền thân của báo
Thiếu niên tiền phong, ra số đầu tiên vào 1946. Từ đây, các em đã có tờ báo
dành riêng cho mình. Tiếp đó là sự ra đời của tờ Thiếu niên, Tuổi trẻ, Xung
phong, Măng non… và đặc biệt là sách Kim Đồng, một loại sách mà nhà xuất
bản Văn nghệ đã in riêng cho thiếu nhi. Đó là những vốn quý ban đầu của nền
văn học thiếu nhi non trẻ. Nhìn chung, số lượng tác phẩm văn học thời này
còn ít ỏi, nội dung đơn giản, chủ yếu là nêu những tấm gương thiếu nhi dũng
cảm trong kháng chiến và tố cáo tội ác kẻ thù còn hình thức thì thô sơ. Có thể
kể tên một số tác phẩm tiêu biểu như: Chiến sĩ canô của Nguyễn Huy Tưởng,
Hoa Sơn của Tô Hoài, Dưới chân cầu Mây của Nguyên Hồng…
1.2.2.3. Giai đoạn miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội (1955 – 1964)
Những năm tháng hòa bình trên miền Bắc đã tạo điều kiện cho văn học
thiếu nhi phát triển. Ngày 17 tháng 6 năm 1957, nhà xuất bản Kim Đồng được
thành lập. Đây là bước ngoặt lớn của văn học thiếu nhi nước nhà. Sự ra đời
của nhà xuất bản Kim Đồng là chỗ dựa tinh thần cho đội ngũ sáng tác. Từ
15


đây, đã xuất hiện những tác phẩm văn học có giá trị như: Đất rừng phương
Nam của Đoàn Giỏi, Hai làng Tà Pình và Động Hía của Bắc Thôn, Em bé bên
bờ sông Lai Vu của Vũ Cao, Cái Thăng của Võ Quảng, Vừ A Dính của Tô
Hoài… Đội ngũ sáng tác lẫn số lượng tác phẩm viết cho các em cũng đông

đảo hơn, phong phú hơn. Bên cạnh đề tài kháng chiến, đề tài lịch sử (Lá cờ
thêu sáu chữ vàng – Nguyễn Huy Tưởng, Sóng gió Bạch Đằng – An Cương,
Quận He khởi nghĩa – Hà Ân,…) các tác giả còn khai thác đề tài sinh hoạt,
lao động, học tập (Ngày công đầu tiên của cu Tí – Bùi Hiển, Những mẩu
chuyện về bé Ly – Bùi Minh Quốc, Đàn chim gáy – Tô Hoài…). Trong thời kì
này, đội ngũ nhà thơ viết cho các em rất hùng hậu, đặc biệt là Võ Quảng và
Phạm Hổ. Nhìn chung, thời kì này, văn học thiếu nhi Việt Nam đã phát triển
khá toàn diện và phong phú. Vào năm 1961, tuyển tập thơ văn cho thiếu nhi
lần đầu xuất bản. Đó là tín hiệu mừng, báo hiệu sự khởi sắc của văn học thiếu
nhi nước nhà.
1.2.2.4. Giai đoạn thời kì kháng chiến chống Mỹ (1965 – 1975)
Văn học thiếu nhi Việt Nam giai đoạn này phát triển mạnh với nhiều
cây bút tài năng và nhiều tác phẩm giá trị. Đề tài kháng chiến chống Pháp tiếp
tục được khai thác với Đội du kích thiếu niên Đình Bảng của Xuân Sách, Quê
nội của Võ Quảng, Kim Đồng của Tô Hoài. Đề tài kháng chiến chống Mỹ
được quan tâm phản ánh trong nhiều tác phẩm như: Những đứa con trong gia
đình (Nguyễn Thi), Chú bé Cả Xên (Minh Khoa), Em bé sông Yên (Vũ
Cận)… Những nhà văn như Hà Ân, Lê Vân, Nguyễn Hiền tiếp tục theo đuổi
đề tài lịch sử. Một số nhân vật và sự kiện lịch sử đã xuất hiện trong Bên bờ
Thiên Mạc, Trăng nước Chương Dương, Sát thát… Trở thành cảm hứng cho
rất nhiều sáng tác chính là cuộc sống sinh hoạt của trẻ em trên miền Bắc xã
hội chủ nghĩa. Chú bé sợ toán của Hải Hồ, Mái trường thân yêu của Lê Khắc
Hoan, Những tia nắng đầu tiên của Lê Phương Liên, Tập đoàn san hô của
16


Phan Thị Thanh Tú… là những tác phẩm đáng chú ý về mảng đề tài này.
Ngoài ra, còn có những tác phẩm tiêu biểu về mảng đề tài về nông thôn như:
Cơn bão số bốn (Nguyễn Quỳnh), Những cô tiên áo nâu (Hoàng Anh
Đường), Kể chuyện nông thôn (Nguyễn Kiên)… Nhận định về thành tựu của

mảng đề tài nông thôn trong 10 năm kháng chiến chống Mỹ, Lã Thị Bắc Lý
viết: “Có lẽ đây là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của mảng đề tài này vì ở
giai đoạn sau, khi nông thôn chuyển sang thời kì phát triển mới thì mảng đề
tài này cũng không phát triển”. Một đặc điểm đáng chú ý của văn học thiếu
nhi thời này đó là sự phát triển mạnh mẽ của loại truyện về người thật việc
thật của con người mới, thời đại mới. Đó là hồi ký Lớn lên nhờ cách mạng
của Phùng Thế Tài, tự truyện Những năm tháng không quên của Nguyễn
Ngọc Ký, truyện Hoa Xuân Tứ của Quang Huy… Ngoài ra, thể đồng thoại và
thơ cho thiếu nhi cũng tiếp tục phát triển. Đây là thời kì phát triển rực rỡ nhất
của mảng sách khoa học và đặc biệt là “những tiếng chim hoạ mi vút bay từ
trong lửa đạn” qua hiện tượng trẻ em làm thơ như Cẩm Thơ, Hoàng Hiếu
Nhân, Trần Đăng Khoa…
1.2.2.5. Giai đoạn sau 1975
Sau 1975 có tình trạng văn học thiếu nhi chưa được đánh giá đúng
mức. Dư luận còn hờ hững với bộ phận văn học này. Nhiều người cho rằng
viết cho thiếu nhi là viết tay trái, lấy ngắn nuôi dài, lấy ngoài nuôi trong, lấy
nhi đồng nuôi người lớn. “Tình hình trên khiến cho những người viết cho
thiếu nhi cảm thấy cô đơn như đi trong ngõ vắng”. Mười năm đầu sau chiến
tranh, văn học thiếu nhi đang trong giai đoạn “trăn trở, tìm tòi”. Nhưng kể từ
đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, văn học thiếu nhi đã có nhiều khởi sắc.
Đội ngũ sáng tác ngày càng đông đảo. Bên cạnh những cây bút cũ như Tô
Hoài, Phạm Hổ… đã xuất hiện nhiều cây bút trẻ, thậm chí rất trẻ về tuổi đời
và tuổi nghề. Đó là Nguyễn Nhật Ánh, Trần Thiên Hương, Lê Cảnh Nhạc,
17


Dương Thuấn, Nguyễn Hoàng Sơn, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Thị Châu
Giang, Hoàng Dạ Thi với những tác phẩm tiêu biểu như: Cho tôi xin một vé đi
tuổi thơ, Tôi là Bêtô, Đảo mộng mơ (Nguyễn Nhật Ánh), Bây giờ bạn ở đâu
(Trần Thiên Hương), Hương sữa đầu mùa (Lê Cảnh Nhạc), Dắt mùa thu vào

phố (Nguyễn Hoàng Sơn), Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, Một thiên nằm
mộng, Giăng giăng tơ nhện (Nguyễn Ngọc Thuần), Con chuồn chuồn đẹp
nhất (Cao Xuân Sơn)… Thời kì này, thể loại tự truyện rất phát triển với
những tác phẩm giá trị như: Tuổi thơ im lặng (Duy Khán), Tuổi thơ dữ dội
(Phùng Quán), Dòng sông thơ ấu (Nguyễn Quang Sáng), Miền xanh thẳm
(Trần Hoài Dương)… Chính sách “cởi trói” của đại hội Đảng tạo điều kiện
cho các tác giả mở rộng hệ thống đề tài. Các sáng tác thời này không chỉ quan
tâm đến những đề tài truyền thống mà còn hướng đến đề tài miền núi (Chú bé
thổi kèn – Quách Liêu, Đường về với Mẹ Chữ - Vi Hồng, Đồi sói hú –
Nguyễn Quỳnh…), đề tài về sinh hoạt, tâm lí thường nhật của trẻ (Kính vạn
hoa – Nguyễn Nhật Ánh). Văn học thiếu nhi sau 75 cũng có nhiều đổi mới về
cách khám phá hiện thực cũng như quan niệm nghệ thuật về con người. Các
tác giả tiếp cận cuộc sống với cái nhìn đa chiều và nhìn nhận con người với tư
cách là một chỉnh thể phức tạp về tâm lí và tính cách. Đây là một đặc điểm
mới của văn học thiếu nhi sau đổi mới.
1.2.3. Đặc điểm của văn học thiếu nhi Việt Nam
Văn học thiếu nhi Việt Nam có sự đóng góp tâm lực của rất nhiều thế
hệ nhà văn, trong đó có cả những cây bút nhí. Từ sự đa dạng của chủ thể sáng
tác, văn học thiếu nhi Việt Nam phát triển với sự phong phú về đề tài, thể loại
và phong cách nghệ thuật. Sự đa dạng và phong phú đó đồng hành cùng văn
học thiếu nhi từ văn học dân gian đến văn học viết. Nói đến văn học dân gian
là nói đến sự phong phú của hệ thống thể loại tự sự và hệ thống thể loại trữ
tình với những câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn, truyền thuyết, thần thoại, truyện
18


cười; với những bài đồng dao, những câu hát ru, những bài vè, câu đố… Văn
học viết chứng kiến sự góp mặt của thơ trữ tình, truyện thơ, truyện ngắn,
truyện dài, tiểu thuyết, tự truyện... Trong số đó, truyện thơ với tư cách là
những tác phẩm tự sự bằng thơ trở thành thể loại mang tính trung gian, lưỡng

hợp. Sự kết hợp giữa tự sự và trữ tình là một lợi thế của truyện thơ trong vệc
phản ánh hiện thực và biểu đạt xúc cảm. “Bằng hình thức kể có cốt truyện,
nhà thơ có điều kiện đi sâu vào những tình tiết, những sự kiện, những khía
cạnh khác nhau của một xung đột xã hội, do đó truyện thơ có khả năng phản
ánh những mặt phong phú của đời sống xã hội” (Hà Minh Đức). Phù Đổng
Thiên Vương của Huy Cận, Chuyện em bé cười ra đồng tiền của Tế Hanh,
Ông Trạng thả diều của Nguyễn Bùi Vợi, Chuyện chú Rùa biết bay của
Nguyễn Hoàng Sơn… là những tác phẩm đã phát huy tốt khả năng “cố kết”
thể loại.
Cùng với thời gian, phạm vi hiện thực phản ánh trong văn học thiếu nhi
càng được mở rộng. Bên cạnh những đề tài truyền thống như đề tài lịch sử,
kháng chiến, đề tài về những năm tháng xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền
Bắc… văn học thiếu nhi tìm đến với những đề tài mới gắn liền với cuộc sống
mới, con người mới. Các nhà văn chú ý khai thác trẻ em trong nhiều mối quan
hệ: gia đình, nhà trường, đất nước... Những xúc cảm đầu đời của trẻ, những
mặt trái của cuộc sống mới cũng đi vào văn học thiếu nhi. Điều đó thể hiện rất
rõ trong những sáng tác của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh như: Kính vạn hoa,
Chuyện xứ Langbiang, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Đảo mộng mơ… Ngay
cả thơ – một thể loại trữ tình vốn dĩ chỉ chuyên chở những xúc cảm thi vị, bay
bổng cũng trở thành nơi chất chứa những nỗi buồn của trẻ thơ trước bi kịch
gia đình. Tuổi thơ – cánh diều của Trần Hồng là một ví dụ:
“Cho em bay với… diều ơi!
Bố em bỏ mẹ em rồi… còn đâu!
19


Lớp chín, càng chín nỗi đau
Bữa cơm nhai đắng ngọn rau mẹ trồng
Nỗi thương, nỗi nhớ bềnh bồng
Diều như con mắt mẹ trông, mẹ chờ…

Gió đừng làm đứt dây tơ
Cho em sống trọn tuổi thơ - cánh diều”.
Đứng trước hệ thống đề tài trên, các tác giả bằng tài năng của mình đã
tạo ra sự mới mẻ cho tác phẩm. Phong cách nghệ thuật của người sáng tác góp
phần làm nên sự phong phú về sắc thái biểu đạt. Chúng ta dễ dàng nhận diện
ra đâu là thơ của Võ Quảng, Phạm Hổ, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hoàng Sơn,
Cao Xuân Sơn; đâu là truyện của Tô Hoài, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc
Thuần, Quế Hương… Vì vậy, dù văn học thiếu nhi có khai thác những vùng
thẩm mĩ quen thuộc thì mỗi một tác phẩm vẫn có sức hút, có khả năng “mời
gọi” riêng của mình.
Dù vận động với tính chất phong phú, đa sắc màu như vậy nhưng văn
học thiếu nhi Việt Nam cũng rất thống nhất về tư tưởng, phương pháp sáng
tác. Chức năng giáo dục của văn học thiếu nhi luôn được các tác giả đặt lên
hàng đầu. Tô Hoài khẳng định: “Nội dung một tác phẩm văn học viết cho
thiếu nhi bao giờ cũng quán triệt vấn đề xây dựng đức tính con người. Nói thì
thừa, cần nhắc lại và thật giản dị, một tác phẩm chân chính có giá trị đối với
tuổi thơ là một tác phẩm tham dự mạnh mẽ vào sự nghiệp nên người của bạn
đọc ấy”. Tuy nhiên, các nhà văn không muốn mình là người thuyết giáo, đưa
ra những bài học giáo huấn khô khan, cứng nhắc cho các em. Nghệ thuật giáo
dục là điều được các tác giả quan tâm thực hiện thường xuyên. Các tác giả, dù
là trẻ em hay nhà văn lớn tuổi, họ đều "nhìn con người, nhìn cuộc đời bụi bặm
của chúng ta bằng con mắt trong veo và ngơ ngác của con trẻ...". Vì thế, các
tác phẩm của họ đã trở thành những thế giới nghệ thuật non trẻ, tinh khôi, ngộ
20


nghĩnh, đáng yêu. Điều đó đúng với tinh thần mà tác giả Quang Huy đã phát
biểu: “Thơ cho thiếu nhi bao giờ cũng phải vui tươi, ngộ nghĩnh. Đằng sau
những câu phải giấu những nụ cười. Các em không phải là những ông cụ non,
không chấp nhận những bài thơ khô khan, nghiêm nghị quá mức. Mỗi bài thơ

không thể là lời giáo huấn sống sượng và lột bỏ hết mọi say đắm, hồn nhiên dí
dỏm của đời sống tuổi nhỏ”. Với tâm huyết dành cho thiếu nhi, các tác giả đã
tạo ra những sáng tác phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí của trẻ. Dung lượng
tác phẩm ngắn gọn, sự giản dị trong sáng và giàu tính nhạc của ngôn từ, sự có
mặt của yếu tố hài hước… đó là biểu hiện của sự thấu hiểu đối tượng tiếp
nhận của các nhà văn.
1.3. Hành trình sáng tác của Võ Quảng
1.3.1. Sơ lược tiểu sử
1.3.1.1. Quê hương
Xứ Quảng - vùng đất bao gồm Quảng Nam - Đà Nẵng, nằm ở phía
Nam đèo Hải Vân đến dốc Sỏi, là cầu nối của hai miền đất nước, nhưng đồng
thời như tên gọi của nó, cũng là vùng đất mở rộng tầm nhìn về phương Nam
của Tổ Quốc. Thiên nhiên nơi đây vừa khắc nghiệt nhưng cũng vừa đa dạng
phong phú, làm cho cây cỏ xanh tươi và làm nên sức sống đủ cho dân cư nảy
nở.
Từ những năm tháng tuổi thơ, miền quê ấy đã gieo vào lòng Võ Quảng
một tình yêu thiên nhiên, cây cỏ. Đất Đại Hòa khá trù phú bởi vùng này là ngã
ba sông, nơi hai dòng Thu Bồn và Vu Gia gặp nhau, hàng năm bồi đắp thành
nương bãi và khi nước lên, phù sa lại tràn trề mặt ruộng. Dọc bờ sông mía,
bắp mọc kín mít. Đến mùa, những lò đường nhà khói bốc lên mùi đường
thơm phức… Đặc biệt là làng Hoà Phước, nơi tắm mát tuổi thơ, nơi ghi dấu
bao kỉ niệm sâu sắc trong cuộc đời của nhà văn. Cả vùng đất Đại Lộc được
ôm ấp bởi hai dòng sông lớn nên trở thành đầu mối giao lưu giữa vùng núi và
21


đồng bằng. Giao thông trên bến dưới thuyền rất tấp nập. Ở đây còn có hát hò
khoan, hò giã gạ, hò đạp nước, hát bài chòi. Những vẻ đẹp cả về tự nhiên và
tài sản văn hóa của vùng quê ấy đã sớm thấm đượm trong tâm hồn Võ Quảng
từ thuở ấu thơ. Một điều rất thú vị là cảnh vật và con người quê hương hiện

lên trong trang viết của Võ Quảng với những hình ảnh mang nét đặc trưng
riêng không lẫn với bất cứ vùng quê nào khác. Nó như được viết lên bằng tất
cả niềm xúc động của nhà văn.
Những trang viết về cảnh vật và con người Quảng Nam của Võ Quảng
giúp bạn đọc khám phá, phát hiện ra vẻ đẹp chung quanh mình, cái đẹp của
thiên nhiên, cái đẹp của cuộc sống phong phú. Quê hương dưới ngòi bút của
ông như bừng sáng rực rỡ hơn, từ cỏ cây hoa lá đến chim muông. Tất cả đều
trở nên sống động, có tâm hồn, tình cảm, có ước mơ, có suy tư và đôi khi có
cả một triết lý về cuộc sống. Qua những trang văn, ta cảm nhận được hình
bóng của một miền quê và tình yêu quê hương rất sâu sắc trong con người Võ
Quảng.
1.3.1.2. Cuộc đời
Võ Quảng sinh năm 1920 trong một gia đình nhà Nho trung lưu ở xã
Đại Hòa, huyện Đại Lộc, bên dòng sông Thu Bồn, Quảng Nam - Đà Nẵng.
Năm 15 tuổi, Võ Quảng được theo học trường Quốc học Huế. Tại đây,
ông đã được tiếp xúc với sách báo tiến bộ và chính những quyển sách ấy đã
thắp lên ngọn lửa cách mạng ở một số học sinh trường Quốc học. Ở tuổi 16,
Võ Quảng gia nhập tổ chức Thanh niên Dân Chủ. Đến năm 17 tuổi Võ Quảng
tham gia cách mạng và bị bắt giam ở nhà lao Thừa Phủ. Từ nơi đây đã ghi dấu
bao kỉ niệm một thời học sinh sôi nổi, khao khát đổi thay của ông. Sau khi trải
qua các nhà lao ở Huế, Hội An, Vĩnh Điện với điều kiện giam cầm tàn khốc,
Võ Quảng bị đưa về quản thúc vô thời hạn tại Hội An, sau đó ở quê nhà, cấm
mọi liên hệ với người ngoài. Thời gian này Võ Quảng đọc rất nhiều sách từ
22


văn học, triết học đến lịch sử. Tất cả vốn đọc và sự từng trải ở tuổi 20 của ông
kết tinh vào văn thơ như một phản quang cuộc đời với bản lề là Cách mạng
Tháng Tám năm 1945.
Sau Cách mạng, Võ Quảng được cử làm ủy viên Tư pháp thành phố Đà

Nẵng, rồi được cử vào chức Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến
thành phố Đà Nẵng khi quân Pháp tái chiếm Nam Bộ. Từ năm 1947-1954,
ông giữ chức Hội thẩm chính trị tòa án quân sự miền Nam Việt Nam. Thời
gian này ông đã có những sáng tác dành cho thiếu nhi. Sau hiệp định Giơnevơ
năm 1954, Võ Quảng tập kết ra bắc. Cũng từ đó ông từ chối con đường hoạt
động chính trị đầy thuận lợi và triển vọng đối với mình để đi theo nghề viết
văn, sáng tác những tác phẩm hồn nhiên, trong sáng cho thiếu nhi. Năm 1965
ông trở thành Hội viên hội nhà văn Việt Nam rồi được phân công làm Chủ
tịch Hội đồng Văn học Thiếu nhi - Hội nhà văn Việt Nam.
Mấy chục năm cầm bút, sáng tác của Võ Quảng chủ yếu tập trung viết
cho thiếu nhi. Với những gì đã cống hiến, Võ Quảng xứng đáng được nhà
nước tặng thưởng Huân chương Độc lập, Huân chương kháng chiến chống
Pháp và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2007) cùng nhiều huy
chương, giải thưởng của các tổ chức, đoàn thể khác trong và ngoài nước.
1.3.2. Sự nghiệp sáng tác của Võ Quảng
Võ Quảng vừa làm thơ, sáng tác truyện và vừa viết tiểu luận, phê bình
xung quanh sáng tác về thiếu nhi nên mỗi tác phẩm của ông đều có một sự hài
hòa nhất định. Ông quan niệm: “Thơ văn cho thiếu nhi không nhằm mục đích
nào khác là giáo dục, uốn nắn các em trở thành những công dân tốt. Một sáng
tác cho thiếu nhi luôn phải mang tính chất nghệ thuật”. Từ quan niệm ấy, ngòi
bút của Võ Quảng đã tạo được một bản lĩnh, một cá tính riêng, có lúc gọn ghẽ
súc tích, có lúc hồn nhiên tươi vui, đi vào lòng người.
1.3.2.1. Thơ
23


×