HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA
DẠY HỌC HÁN NÔM TẠI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐỊA PHƯƠNG
GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN
TRONG CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG HIỆN NAY
TS. Trịnh Ngọc Ánh
Trường ĐH Thủ đô Hà Nội
Tóm tắt: Khi văn hóa Việt Nam đang trong bước chuyển để hội nhập quốc tế
thì tri thức Hán Nôm chính là chiếc cầu nối để chúng ta có thể nối liền văn hóa dân tộc
giữa truyền thống và hiện đại. Vì vậy, dạy học Hán Nôm là vấn đề luôn cấp thiết, nhất
là ở các cơ sở đào tạo giáo viên các cấp. Ở bài viết này, chúng tôi xin trình bày một số
ý kiến xoay quanh vấn đề dạy học Hán Nôm ở các trường Đại học địa phương nhằm
góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trong các trường phổ thông hiện nay,
gồm: môn học Hán Nôm trong chương trình đào tạo giáo viên các ngành khoa học xã
hội tại các trường Đại học địa phương; dạy học Hán Nôm trong các trường Đại học địa
phương góp phần nâng cao chất lượng bài dạy của giáo viên phổ thông (bài dạy tác
phẩm văn học chữ Hán trong chương trình Ngữ văn phổ thông, bài dạy từ Hán Việt
trong chương trình Ngữ văn phổ thông và bài dạy Lịch sử địa phương trong chương
trình Lịch sử phổ thông).
Từ khóa: dạy học Hán Nôm, chương trình đào tạo, đại học địa phương, giáo
viên phổ thông, tác phẩm văn học chữ Hán, từ Hán Việt, lịch sử địa phương
Abstract: When culture of Vietnam is integrating, Sino-Nom is the connection
between traditional culture and modern one. For this reason, teaching Sino-Nom is
very important nowadays, especially in training centers for teachers. In this report,
there are opinions about teaching Sino-Nom in local universities improving highschool
teachers’ qualities include Sino-Nom teachers’ training course in local universities,
teaching Sino-Nom improving highschool teachers’ lectures’ quality (teaching Sino
pieces of literature, Sino-Vietnamese words or local history in Literature and History
lectures in highschool).
Key words: teaching Sino-Nom, training courses, local universities, highschool
teachers, Sino pieces of Literature, Sino-Vietnamese words, local history.
1. Mở đầu
Trường đại học địa phương (ĐHĐP) là tên gọi không chính thống, chưa có
trong các văn bản pháp quy dùng để chỉ các trường đại học trực thuộc tỉnh, thành phố.
23
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI
Trường ĐHĐP là cơ sở đào tạo và nghiên cứu đa ngành, đa trình độ, bao gồm các khoa
đào tạo, các trung tâm nghiên cứu, các trung tâm dịch vụ, các đơn vị có khả năng cấp
các loại chứng chỉ, bằng cấp chuyên môn, nghiệp vụ, nghề nghiệp. Trường ĐHĐP là
nơi cung cấp nguồn nhân lực tại chỗ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội và phát
triển kinh tế - xã hội của địa phương và các vùng phụ cận trên cơ sở tối ưu hóa điều
kiện học tập cho người học. Với các nhiệm vụ cơ bản như đào tạo nhân lực có trình độ
trung cấp, cao đẳng, đại học (một số trường đã và đang tiến tới đào tạo sau đại học),
đào tạo chuyển tiếp liên thông giúp chuyển đổi ngành nghề, đào tạo liện tục theo
hướng giáo dục thường xuyên, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tổ
chức dịch vụ đào tạo và khoa học công nghệ, trường ĐHĐP là chỗ dựa quan trọng
giúp địa phương thực hiện phát triển kinh tế - xã hội hòa nhập với cả nước trong sự
nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
2. Nội dung
Nhìn chung các trường ĐHĐP đều được thành lập trên cơ sở nâng cấp từ trường
Cao đẳng Sư phạm địa phương hoặc từ trường Cao đẳng Cộng đồng có sáp nhập thêm
một số cơ sở giáo dục chuyên nghiệp khác thuộc sự quản lý của chính quyền địa
phương. Cũng chính vì cơ chế thành lập như vậy nên hầu như các trường ĐHĐP đều
có các khoa sư phạm. Trong thời điểm hiện tại, các khoa sư phạm vẫn đang là những
đơn vị mũi nhọn của trường, là nơi đào tạo, cung cấp đội ngũ giáo viên các cấp, từ
mầm non cho đến trung học phổ thông cho địa phương đó.
2.1. Môn học Hán Nôm trong chương trình đào tạo giáo viên các ngành
khoa học xã hội tại các trường ĐHĐP
Trong chương trình đào tạo giáo viên THCS, THPT các ngành Xã hội, ở một số
trường ĐHĐP, phân môn Hán Nôm đã có được một vị trí nhất định. Phân môn Hán
Nôm chủ yếu được xếp vào khối kiến thức cơ sở ngành và khối kiến thức chuyên
ngành. Ở một số trường ĐHĐP, phân môn này còn được bố trí một số tín chỉ trong
khối kiến thức chuyên ngành nâng cao.
Chương trình đào tạo SP Ngữ văn (cả hệ Cao đẳng và hệ Đại học) của Trường
Đại học Sài Gòn đều dành 4 tín chỉ cho môn Hán Nôm. Chương trình đào tạo SP Ngữ
văn (hệ Đại học) của Đại học Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) và Đại học Cần Thơ dành
cho môn Hán Nôm 6 tín chỉ và thêm 2 tín chỉ tự chọn cho môn Từ Hán Việt với việc
giảng dạy Ngữ văn ở trường THPT. Chương trình đào tạo SP Ngữ văn của Đại học
Đồng Nai dành cho môn Hán Nôm với số tín chỉ là 9 và cũng thêm 2 tín chỉ tự chọn
cho môn Từ Hán Việt với việc giảng dạy Ngữ văn ở trường THPT. Trong chương trình
24
HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA
đào tạo liên thông từ Cao đằng lên Đại học ngành SP Ngữ văn, trường Đại học Đồng
Nai cũng bố trí 3 tín chỉ cho môn Hán Nôm. Đáng tiếc là, ngành học cũng rất cần phải
được học Hán Nôm là ngành SP Lịch sử, thì hầu như trong chương trình đào tạo của
các trường ĐHĐP khác mà chúng tôi đã khảo sát đều không có môn Hán Nôm, chỉ có
Đại học Cần thơ dành cho SP Lịch sử (hệ Đại học) 2 tín chỉ tự chọn học phần Hán
Nôm căn bản.
Với những lợi thế hơn hẳn các trường ĐHĐP khác, như nằm ngay giữa thủ đô
của cả nước, nơi có cơ sở đào tạo chuyên ngành Hán Nôm lớn nhất nước là Khoa Văn
học, trường ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, nơi có Viện Nghiên cứu Hán
Nôm, tổ chức thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cơ sở bảo quản, lưu trữ
và nghiên cứu các di sản Hán Nôm (gồm các thư tịch và tư liệu viết bằng chữ Hán, chữ
Nôm) lớn nhất nước, có giảng viên cơ hữu trình độ cao chuyên ngành Hán Nôm,
trường Đại học Thủ đô Hà Nội lâu nay đã và đang dành cho môn Hán Nôm một vị thế
quan trọng. Trước đây, môn Hán Nôm được bố trí 7 tín chỉ trong chương trình đào tạo
SP Ngữ văn và SP Lịch sử (hệ Cao đẳng). Trong thời gian gần đây, do yêu cầu giảm
tải chương trình đào tạo, nên số tín chỉ dành cho môn Hán Nôm rút xuống còn 5 tín chỉ
(cả với ngành SP Ngữ văn và SP Lịch sử, hệ Cao đẳng) và 2 tín chỉ tự chọn dành cho
môn học Dạy học từ ngữ Hán Việt ở trường THCS (dành cho SP Ngữ văn, hệ Cao
đẳng). Trong chương trình đào tạo SP Ngữ văn và SP Lịch sử hệ Đại học mà trường
Đại học Thủ đô Hà Nội vừa xây dựng và đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt,
môn Hán Nôm được bố trí 8 tín chỉ (với cả hai ngành). Ngoài ra, ngành SP Ngữ văn
còn xây dựng thêm các chuyên đề gần với môn Hán Nôm trong khối kiến thức chuyên
ngành tự chọn, như Văn bản Hán văn cổ điển Trung Hoa (3 tín chỉ), Thơ chữ Hán
trong văn học trung đại Việt Nam (3 tín chỉ), Dạy học từ Hán Việt ở trường phổ thông
(3 tín chỉ). Qua việc dành cho môn Hán Nôm thời lượng đáng kể trong chương trình
đào tạo SP Ngữ văn và SP Lịch sử (hệ Cao đẳng và Đại học), có thể thấy, các thế hệ
lãnh đạo của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã có một tầm nhìn chiến lược trong
công tác đào tạo giáo viên phổ thông khối Xã hội.
2.2. Dạy học Hán Nôm trong các trường ĐHĐP góp phần nâng cao chất
lượng bài dạy của giáo viên phổ thông
2.2.1. Nâng cao chất lượng các bài dạy tác phẩm văn học chữ Hán trong
chương trình Ngữ văn ở phổ thông
Trong chương trình Ngữ văn phổ thông, có không ít những tác phẩm văn học
Trung Quốc, tác phẩm văn học Việt Nam trung đại viết bằng chữ Hán và chắc chắn
25
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI
không thể thiếu một số bài thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh. Việc có tri thức Hán Nôm
góp một phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng các bài dạy cụ thể đó, cũng như
các bài dạy về các tác phẩm văn học Trung Quốc, văn học Việt Nam trung đại và thơ
chữ Hán Hồ Chí Minh nói chung.
Với các tác phẩm thơ chữ Hán, trình tự của phần Văn bản (trong SGK Ngữ văn
THCS) là: Phiên âm, Dịch nghĩa (kèm theo phần chú giải từ ngữ), Dịch thơ và Chú
thích. Căn cứ vào phần dịch nghĩa, chú thích và chú giải, giáo viên có thể cung cấp
những kiến thức cơ bản về thể thơ, nội dung, ý nghĩa của bài thơ đó, nhưng bài giảng
sẽ thú vị hơn nhiều nếu như giáo viên vận dụng những tri thức Hán Nôm vào bài dạy,
từ đó khai thác triệt để ý nghĩa của một số từ ngữ được coi là “nhãn tự” của bài thơ.
Chẳng hạn với bài Nam quốc sơn hà (SGK Ngữ văn 7), ngoài những từ ngữ mà
SGK chú thích (nhằm gợi ý giáo viên nhấn mạnh) như: Nam đế (vua Nam), thiên thư
(sách trời), giáo viên cần phải nhấn mạnh thêm các từ như quốc, cư… Về từ quốc, nếu
chỉ giải thích như SGK thôi thì chưa đủ (SGK chú giải quốc: nước). Cần phải căn cứ
vào ý nghĩa sâu xa của chữ quốc (國) thì mới có thể thấy hết cái hay, cái đẹp và ý đồ
sử dụng chữ quốc (國) trong bài thơ này của tác giả. Chữ quốc (國) vốn là từ để dùng
chỉ các vùng lãnh thổ mà vua thiên tử phân phong cho các vua chư hầu, thời Tây Chu
gọi là chư hầu quốc. Cuối thời Xuân Thu, nhà Chu mất dần địa vị bá chủ trong thiên
hạ, các nước chư hầu (quốc) đánh nhau tạo thành cục diện thất quốc tranh hùng (bảy
nước lớn Tần, Nguỵ, Yên, Hàn, Tề , Sở, Triệu tranh nhau ngôi bá chủ thiên hạ, nắm
quyền cai quản Trung Hoa đương thời). Sau đó, Tần Thủy Hoàng tiêu diệt các nước
khác, thống nhất thiên hạ, toàn bộ Trung Nguyên là một nước. Từ đó quốc là lớn nhất,
cả Trung Hoa gọi là quốc – Trung Quốc. Ngược dòng lịch sử cho thấy, phong kiến
phương Bắc chưa bao giờ công nhận nước ta với tư cách là một quốc, mặc dù đất nước
ta đã dành quyền tự chủ từ năm 938, sau trận đánh Bạch Đằng chói ngời lịch sử của
Ngô Vương. Khi Đinh Bộ Lĩnh sáng lập ra triều Đinh với đế hiệu là Đinh Tiên Hoàng,
quốc hiệu là Đại Cồ Việt thì chúng vẫn xem nước ta như là một quận của chúng nên
chỉ công nhận Đinh Bộ Lĩnh là Giao Chỉ quận vương. Như vậy Nam quốc trong bài
thơ được dùng với mục đích tạo thế ngang hàng, đối sánh với Bắc quốc. Sẽ thú vị hơn
nữa khi giáo viên biết phân tích ý nghĩa sâu xa của chữ quốc (國) bằng cách chiết tự
nó. Ở vào giai đoạn Giáp cốt văn, chữ quốc chưa đầy đủ các bộ phận như bây giờ, mà
được viết là 或 . (Chữ Quốc với tự dạng như vậy chúng ta vẫn bắt gặp trên những lá cờ
trong phim cổ trang Trung Quốc về giai đoạn trước Tần Thủy Hoàng). Với tự dạng或
thì chữ quốc biểu thị ý nghĩa: trong khoảng giới hạn không gian nhất định (二), có sự
26
HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA
tồn tại, sinh sống của con người (口) và được bảo vệ bằng vũ khí, giáo mác (戈). Sau,
chữ quốc có thêm bộ vi (囗) bao ở phía bên ngoài. Lúc này, chữ quốc mang đầy đủ ý
nghĩa của nó: trong vùng không gian nhất định, có sự tồn tại của con người, được bảo
vệ bởi vũ khí giáo mác và có sự toàn vẹn của lãnh thổ, biên giới. Chữ quốc (國) trong
Nam quốc sơn hà được dùng với tự dạng đầy đủ và chắc chắn phải mang dụng ý: nước
Nam là một quốc gia toàn vẹn về lãnh thổ.
Hay nếu có tri thức Hán Nôm sâu sắc hơn thì sẽ lý giải thấu đáo và dịch nghĩa
chuẩn xác hơn từ đế cũng ở ngay câu đầu bài Nam quốc sơn hà. Trong bối cảnh nhà
Lý đang phải đối đầu với cuộc xâm lược của Hoàng đế nhà Tống, kẻ tự nhận là bá chủ
thiên hạ, thì sử dụng từ đế là dụng ý lớn của tác giả. Từ đế được SGK giải thích là
“vua”. Giải thích như vậy không sai, và dịch nghĩa câu đầu bài thơ là “Sông núi nước
Nam vua nước Nam ở” cũng không hoàn toàn sai, nhưng không chuẩn xác và chưa
hay. Dịch giả quên rằng từ “vua” cùng được dịch nghĩa từ hai từ Hán là đế và vương,
nhưng ý nghĩa nội hàm của hai chữ Hán này lại không hoàn toàn giống nhau. Đế tức là
“Hoàng đế” (Hoàng đế Trung Hoa xưng đế với ý là thiên tử độc nhất trong thiên hạ),
còn vương là vua các nước chư hầu - tức bề tôi của đế và do Hoàng Đế Trung Hoa
phong cho. Theo đó, khi dịch Nam quốc sơn hà Nam Đế cư thành “Sông núi nước
Nam vua Nam ở” sẽ làm yếu hẳn cái ý tưởng vĩ đại của tác giả bài thơ. Rõ ràng, tác
giả có ý tưởng vĩ đại là khẳng định: nền độc lập của nước Nam do “hoàng đế nước
Nam” gây dựng đã thoát hẳn khỏi mối quan hệ “bá chủ - chư hầu” với nước Bắc, và
“hoàng đế nước Nam” đang có vị thế ngang hàng với “hoàng đế nước Bắc”.
Khi giới thiệu về các tác giả văn học Việt Nam trung đại, chắc chắn các giáo
viên phổ thông không thể bỏ qua tên hiệu của họ. Đó là tên chữ Hán do họ tự đặt nhằm
gửi gắm tâm tư tình cảm, biểu lộ chí hướng, hoài bão, triết lý sống, sở thích, hoặc ghi
nhớ về quê hương, bản quán, hoặc để chỉ nơi sinh hoạt trí thức. Để chỉ nơi sinh hoạt trí
thức nên Nguyễn Trãi lấy hiệu là Ức Trai (phòng suy tư), Nguyễn Du lấy hiệu là
Thanh Hiên (hiên nhà thanh cao). Để biểu lộ triết lý sống theo tư tưởng Lão Trang,
tránh xa công danh, tìm vui thú nơi điền viên thôn dã nên Chu Văn An lấy hiệu là Tiều
Ẩn, tức “người kiếm củi ở ẩn”, Phạm Đình Hổ, tác giả của Vũ trung tùy bút lấy hiệu là
Đông Dã Tiều, tức “người kiếm củi ở cánh đồng phía đông”. Để biểu lộ ý tưởng lúc
nào cũng hoài niệm về tổ quốc nên Phan Bội Châu lấy hiệu là Sào Nam, do đặt theo
điển tích Việt điểu sào nam chi (con chim Việt làm tổ ở cành phía nam). Những tri
27
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI
thức này sẽ được giáo viên tìm hiểu và lĩnh hội một cách nhanh chóng, đầy sự hứng
thú nếu như họ đã được trang bị sẵn một chút tri thức Hán Nôm cơ bản.
2.2.2. Nâng cao chất lượng các bài dạy từ Hán Việt trong chương trình Ngữ
văn ở phổ thông
Đối với giáo viên phổ thông, nhất là giáo viên THCS, các bài dạy về từ Hán
Việt và có liên quan đến từ Hán Việt là những bài dạy khó, khó từ xác định khái niệm
từ Hán Việt cho đến nhận diện từ Hán Việt và khó cả ở sử dụng từ Hán Việt.
Mặc dù khái niệm “từ Hán Việt” đã rất tường minh (từ gốc Hán đọc theo âm
Hán Việt), nhưng vẫn nhiều giáo viên nhầm lẫn và đánh đồng “từ Hán Việt” với “từ
gốc Hán”. Từ gốc Hán là tất cả những từ mượn từ tiếng Hán qua sự tiếp xúc ngôn ngữ
Hán và Việt (bao gồm những từ gốc Hán đọc theo âm Hán Việt, những từ gốc Hán đọc
theo âm Tiền Hán Việt (bùa, mùa, mù,…), những từ gốc Hán đọc theo âm Hán Việt
Việt hóa (chè, gần, ghế, gan, đục, đìa, …) và cả những từ gốc Hán du nhập qua con
đường khẩu ngữ vùng biên (mì chính, ca la thầu, lạp xưởng, …). Rõ ràng từ gốc Hán
và từ Hán Việt không phải là một, từ gốc Hán rộng hơn từ Hán Việt, từ Hán Việt nằm
trọn trong từ gốc Hán, chỉ là một bộ phận của từ gốc Hán. Từ Hán Việt chắc chắn là từ
gốc Hán, còn từ gốc Hán có thể là từ Hán Việt (nếu như từ gốc Hán đó được phát âm
theo cách đọc Hán Việt), cũng có thể không là từ Hán Việt (nếu như từ gốc Hán đó
đọc theo âm Tiền Hán Việt, Hán Việt Việt hóa hoặc được du nhập qua con đường
khẩu ngữ vùng biên).
Nhận diện từ Hán Việt là một việc rất khó, không chỉ khó với học sinh mà khó
cả với giáo viên. Để nhận diện được một từ có phải là từ Hán Việt hay không phải là
từ Hán Việt, phải nắm chắc một số tiêu chí để nhận diện, như tiêu chí về ngữ âm (âm
đầu, phần vần), về ý nghĩa, về cấu tạo từ, về ngữ cảm. Chắc chắn khi đó sẽ không thể
nhầm lẫm mà cho rằng các từ kí gửi, hao mòn, ca hát, hiểm nghèo, thanh vắng, ca
ngợi, cướp đoạt, đói khổ, nhà giáo, thâm sâu, tầu hoả, tầu thuỷ, kẻ địch, người bệnh,...
là từ Hán Việt.
Việc sử dụng từ Hán Việt sao cho đúng, cho hay trong khi dạy – học cũng như
trong cuộc sống hàng ngày cũng không phải là điều đơn giản. Trong thời kỳ hội nhập
toàn cầu hóa hiện nay, dùng sai từ Hán Việt và lạm dụng từ Hán Việt là hiện tượng
phổ biến và đáng báo động. Sai do không hiểu đúng nghĩa của các yếu tố trong từ.
Chính vì thế, lâu nay nhiều người cứ dùng từ “khuyến mại”, trong khi chính xác phải
là “khuyến mãi” (khuyến: khích lệ; mại: bán; mãi: mua; khuyến mãi: khích lệ mua); cứ
dùng từ “mãn tính”, trong khi từ đúng phải là “mạn tính” (mãn: đầy, thừa; mạn: chậm
28
HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA
chạp, thong thả; tính: tính chất; mạn tính: bệnh phát triển chậm, thời gian lâu, khó
chữa); cứ dùng từ “hợp chủng quốc”, trong khi từ dùng chính xác phải là “hợp chúng
quốc” (hợp: gộp; chủng: giống (người); chúng: đông, nhiều; hợp chúng quốc: nước lớn
do nhiều nước nhỏ hợp lại); cứ dùng cụm từ rất trùng lặp, rất thừa là “giảm thiểu đến
mức tối đa tai nạn giao thông”, trong khi đó “giảm thiểu” tức là “làm cho ít đi cho đến
mức ít nhất”; cứ dùng thông điệp “Hiến máu cứu người – Một nghĩa cử cao đẹp” một
cách trùng lặp bởi nội hàm ý nghĩa của từ “nghĩa cử” trong thông điệp này đã bao hàm
ý nghĩa “cao đẹp”, … Sai do không phân biệt văn phạm Hán Việt với văn phạm tiếng
Việt, từ đó dẫn đến tình trạng người Việt cố tình tạo ra những từ ghép một yếu tố Hán
Việt với một yếu tố thuần Việt một cách khiên cưỡng, như “quốc giỗ” (chỉ giỗ tổ Hùng
Vương), “thấp điểm” (trong các cụm từ “giao thông giờ thấp điểm”, “dùng điện giờ
thấp điểm” để đối sánh với các cụm từ “giao thông giờ cao điểm”, “dùng điện giờ cao
điểm”), “ẩm độ” (chỉ độ ẩm ướt). Lạm dụng từ Hán Việt là bởi người Việt mắc bệnh
sính dùng từ Hán Việt, cho rằng phải dùng nhiều Hán Việt thì bài viết, câu nói mới
sang, mới thanh tao, mới thể hiện trình độ học vấn cao, … Có lẽ cũng bởi “quá ý thức”
về sắc thái sang trọng của từ Hán Việt, nên một số người còn không ngần ngại tạo ra
những từ Hán Việt lạ lùng, khiến người đọc, người nghe phải ngỡ ngàng, lúng túng,
như từ “bỉ tiện” (quê mùa, thô lỗ và hèn mọn), “bí nhiệm” (huyền bí và mầu nhiệm),
“đào bồi” (đào tạo và bồi dưỡng), “căn cốt” (căn bản và cốt yếu), “ngã nhân” (bản thân
mình), “tái tục” (tiếp nối lại lần nữa), “thụ thác” (nhận ủy thác), …
Để khắc phục tình trạng nhầm lẫn về khái niệm, mơ hồ về nhận diện, dùng sai
và lạm dụng từ Hán Việt (không chỉ ở học sinh hay ở người dân không có trình độ học
vấn cao mà ở cả giáo viên) chắc chắn cần đến vai trò của tri thức Hán Nôm được trang
bị khi ngồi trên ghế nhà trường, nhất là các nhà trường Sư phạm. Nhà nghiên cứu văn
học Lại Nguyên Ân nhắc nhở xa xôi rằng: "...vốn xưa cổ điển nếu không được tiếp xúc
khi ngồi trên ghế nhà trường thì khi trưởng thành... nhiều người sẽ không có dịp tiếp
xúc và không biết nói là gì. Và đó là lỗ hổng văn hoá của họ..." (Báo Văn nghệ số 42,
ngày 18/10/1997). Giáo sư Nguyễn Lân xác định vai trò của chữ Hán rõ ràng hơn: Một
điều cần chú ý hơn nữa là ngay trong tiếng Việt hiện nay có bao nhiêu từ vốn là Hán
tự bị người ta xuyên tạc, làm sai cả ý nghĩa, ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng
Việt... phải làm thế nào cho thanh thiếu niên ta phải biết chữ Hán thì mới dùng đúng
tiếng Việt”. (Báo Đại đoàn kết, số 28, ngày 7/4/1997). PGS Hoàng Trọng Phiến cũng
đồng quan điểm: "Chúng ta cần phải can thiệp với các nhà quản lý giáo dục đưa ngay
việc dạy Hán tự một cách có tính chiến lược, có bài bản và theo các quy phạm nghiêm
29
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI
ngặt, bằng một phương pháp dạy hiện đại, việc này nhằm các yêu cầu sau: a) Cung
cấp vốn Hán tự để học sinh tiếp thu nền ngữ văn, để họ không lãng quên nền văn học
của ông cha. b) Tạo cho sinh viên ngày nay khả năng sáng tạo đúng từ Hán Việt mới;
c) Có vốn cần thiết Hán tự sẽ dễ dàng học tiếng Nhật, tiếng Triều Tiên và cả tiếng Hán
hiện đại". (Kỷ yếu Hội thảo 25 năm ngành Hán Nôm). Rõ ràng, dạy học Hán Nôm,
nhất là trong các trường Sư phạm, bắt đầu là dạy chữ Hán, chữ Nôm, văn bản Hán
Nôm nhưng mục đích sâu xa của môn học là tiếng Việt, là ngôn ngữ. Dạy học Hán
Nôm chính là dạy học ngôn ngữ tiếng Việt từ ngọn nguồn thông qua văn tự cổ Hán
Nôm. Dạy học Hán Nôm để dùng đúng, dùng hay từ Hán Việt (và cả từ Việt cổ) cũng
chính là để thực hiện chí nguyện của ngành giáo dục và toàn dân: giữ gìn sự trong
sáng của tiếng Việt, làm cho tiếng Việt ngày càng giàu đẹp hơn, góp phần xây dựng
nền văn hóa Việt Nam tiên tiến giàu bản sắc dân tộc.
2.2.3. Nâng cao chất lượng các bài dạy Lịch sử địa phương trong chương
trình Lịch sử ở phổ thông
Lịch sử địa phương và lịch sử dân tộc có mối quan hệ biện chứng không thể
tách rời. Tri thức lịch sử địa phương là biểu hiện cụ thể, sinh động, đa dạng của lịch sử
dân tộc. Lịch sử địa phương là bộ phận cấu thành của lịch sử dân tộc. Nói cách khác,
lịch sử dân tộc được xây dựng trên nền tảng lịch sử địa phương và được khái quát,
được tổng hợp ở mức độ cao.
Trong chương trình Lịch sử ở trường phổ thông các cấp đều dành một lượng
thời gian cho các bài học về lịch sử địa phương. Việc dạy học lịch sử địa phương góp
phần giúp giáo viên thực hiện mục tiêu giáo dục ở trường phổ thông, lý luận đi đôi với
thực hành, gắn liền nhà trường với xã hội, giáo dục sâu sắc lòng tự hào truyền thống
địa phương, giáo dục ý thức bảo vệ, giữ gìn các di tích lịch sử, di sản văn hóa địa
phương, vun đắp tình yêu quê hương, xứ sở.
Hình thức dạy học hữu hiệu nhất đối với môn lịch sử địa phương có lẽ là tổ chức
mời các nhân chứng lịch sử, các nhân vật lịch sử (là người của địa phương) đến kể cho
học sinh nghe những câu chuyện liên quan đến lịch sử cách mạng địa phương; tổ chức
cho học sinh đi học tập tại các bảo tàng lịch sử, các di tích lịch sử, di tích văn hóa, các
nhà truyền thống cách mạng của địa phương; tổ chức cho học sinh sưu tầm tư liệu, tranh
ảnh, hiện vật có liên quan đến lịch sử địa phương, nhân vật lịch sử của địa phương; tổ
chức cho học sinh đi viếng nghĩa trang liệt sĩ, các tượng đài liệt sĩ, viếng mộ các nhân
vật lịch sử, nhà tưởng niệm các nhân vật lịch sử,…
30
HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA
Môn học Lịch sử địa phương cấp THCS được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội rất
quan tâm, thể hiện ở việc Sở đã ban hành cuốn Lịch sử Hà Nội (Sách dùng cho học sinh
lớp 6,7,8,9). Cuốn sách trình bày những nét sơ lược nhất về lịch sử Hà Nội, gồm 4 phần
kiến thức lịch sử: Hà Nội thời kỳ Tiền Thăng Long (Lớp 6), Thăng Long từ thời Lý đến
thời Tây Sơn (Lớp 7), Thăng Long – Hà Nội từ 1802 đến năm 1918 (Lớp 8) và Hà Nội
từ 1919 đến nay (Lớp 9). Trong hầu hết phần kiến thức lịch sử mà cuốn sách trình bày,
ngoài những kiến thức chung về Thăng Long – Hà Nội từng thời kỳ, từng giai đoạn, còn
có các bài đọc thêm giới thiệu về các nhân vật tiêu biểu của từng thời kỳ, từng giai đoạn
đó. Như: Người khai sáng kinh thành Thăng Long (tức Lý Công Uẩn – thời Lý), Lý
Thường Kiệt (thời Lý), Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn (thời Trần), Chu Văn An
(thời Trần), Nguyễn Trãi (Thời Lê Sơ), Ngô Thì Nhậm (Thời Tây Sơn), Nguyễn Tri
Phương, Hoàng Diệu, Nguyễn Văn Siêu (Giai đoạn 1802 – 1918), Đỗ Ngọc Du, Nguyễn
Phong Sắc (Giai đoạn từ 1919 đến nay).
Trong Lời nói đầu, các tác giả cuốn sách cũng thể hiện định hướng dạy học
Lịch sử địa phương cho giáo viên và học sinh THCS là: “sưu tầm thêm tư liệu để hiểu
sâu hơn về những sự kiện lớn lịch sử Hà Nội”, “chú ý sưu tầm thêm những tư liệu liên
quan đến lịch sử xã, phường và quận, huyện” để có thêm niềm vui, thêm nhiều điều bổ
ích cho cuộc sống và thêm yêu Hà Nội.
Với chương trình và định hướng như vậy, giáo viên THCS ở Hà Nội sẽ có
nhiều thuận lợi khi dạy môn học này. Với những giáo viên trẻ mới tốt nghiệp CĐSP
Hà Nội ngành Lịch sử những năm gần đây, thuận lợi đó nhân lên gấp bội, vì họ được
trang bị vốn tri thức Hán Nôm cơ bản đủ để có thể giảng dạy tốt lịch sử Hà Nội các
giai đoạn Tiền Thăng Long, từ thời Lý đến thời Tây Sơn và từ 1802 đến 1919. Thư
tịch, tư liệu về lịch sử Thăng Long – Hà Nội các giai đoạn đó đều là các thư tịch, tư
liệu viết bằng chữ Hán, chữ Nôm. Trong nội dung môn học Hán Nôm, sinh viên SP
Lịch sử đã được học các tác phẩm lịch sử viết bằng chữ Hán, chữ Nôm (chủ yếu học
trên bản scan sách cổ) như: Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử
thông giám cương mục, Đại Nam quốc sử diễn ca, … Họ được học về các thể loại văn
bản Hán Nôm cổ như thần tích, sắc phong, hương ước, hoành phi, câu đối, văn bia,…
Họ còn được đi thực tế tại một số di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của Hà Nội, như
Văn Miếu – Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn. Một số sinh viên còn làm khóa luận tốt
nghiệp với các đề tài liên quan đến nhân vật lịch sử của địa phương, như: Khảo sát
hoành phi, câu đối tại cụm di tích lịch sử thờ Lý Nam Đế, huyện Hoài Đức, Hà Nội;
Khảo sát di sản Hán Nôm tại khu di tích đền Giang Xá, Trạm Trôi, Hoài Đức, Hà
31
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI
Nội;… Vậy nên họ vô cùng thuận lợi khi dạy các bài lịch sử Hà Nội dưới hình thức
hoạt động tham quan học tập tại các di tích lịch sử văn hóa, cụ thể là tại đền thờ các
nhân vật lịch sử được học trong cuốn Lịch sử Hà Nội. Những nhân vật lịch sử này đều
là những vị có công lao lớn đối với nước, với dân và được nhân dân Hà Nội lập đền
thờ phụng. Lý Thường Kiệt được thờ phụng tại đình Phúc Xá (làng Bắc Biên, phường
Ngọc Thụy, quận Long Biên), đình Nam Đồng (phường Nam Đồng, quận Đống Đa),
đền Thiên Tiên (phố Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm), đền Cơ Xá (phố Nguyễn Huy Tự,
phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng). Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn được
thờ phụng tại đền Ngọc Sơn (quận Hoàn Kiếm). Chu Văn An được thờ phụng tại Khu
nhà Thái học (Văn Miếu – Quốc Tử Giám), đình Huỳnh Cung (xã Tam Hiệp, huyện
Thanh Trì), đình Nội (thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì). Nguyễn Trãi được
thờ phụng tại đền Khuyến Lương (phường Trần Phú, quận Hoàng Mai), đền Ông Khai
Quốc (làng Nhị Khê, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì). Ngô Thì Nhậm hiện được an táng
và thờ phụng tại quê nhà, làng Tả Thanh Oai, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì.
Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu đều được thờ phụng tại đền Trung Liệt (gò Đống
Đa, quận Đống Đa và Vọng Lâu (Bắc Môn, Khu Hoàng Thành Thăng Long). Nguyễn
Văn Siêu được thờ phụng tại nhà thờ ông ở làng Kim Lũ, phường Đại Kim, quận
Hoàng Mai.
Chu Văn An là ông tổ của nền Nho học Việt Nam. Cụ được thờ phụng tại Khu
nhà Thái học trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám và tại quê hương thôn Văn, xã Thanh
Liệt, Thanh Trì. Giáo viên dạy Lịch sử địa phương của trường THCS Thanh Liệt và
các trường THCS trong vùng có thể cho học sinh đi tham quan học tập tại Văn Miếu –
Quốc Tử Giám và đình thờ Chu Văn An để học sinh có những hiểu biết sâu sắc hơn về
Chu Văn An.
Đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám, sau khi giới thiệu với học sinh về kiến trúc
tổng thể của Văn Miếu – Quốc Tử Giám, từng khu vực của khu di tích, giáo viên dẫn
học sinh đến trước ban thờ Chu Văn An ở tầng 1 khu nhà Thái học. Tại đây, giáo viên
và học sinh làm lễ dâng hương và báo công. Sau đó, giáo viên giới thiệu tượng thờ, bài
vị thờ Chu Văn An, bộ hoành phi, câu đối thờ cụ, gồm:
Hoành phi: 傳經正學Truyền kinh chính học, ca ngợi cụ Chu Văn An là người
đầu tiên truyền dạy kinh sách (Tứ thư, Ngũ kinh) và làm đúng đắn lại đạo Học (đạo
Nho)
Đôi câu đối:
32
HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA
博於史,窮於經,聖道渊源開後學
行以禮,藏以義,賢人風節紹先儒
Bác ư sử, cùng ư kinh, thánh đạo uyên nguyên khai hậu học
Hành dĩ lễ, tàng dĩ nghĩa, hiền nhân phong tiết thiệu tiên nho
Ca ngợi cụ Chu Văn An là người:
Hiểu rộng (uyên bác) về sử, tìm hiểu tận cùng (cùng cứu) về kinh, đạo của
thánh sâu rộng mở ra nền học thuật sau này
Hành xử theo lễ, ẩn tàng theo nghĩa, phong tiết (phong cốt tiết tháo) của bậc
hiền nhân nối tiếp theo các bậc tiên nho)
Đến đình Nội thờ Chu Văn An, giáo viên cho học sinh chuẩn bị bài và thảo luận
theo những vấn đề: Vị trí của đình Nội thờ Chu Văn An? Giới thiệu kiến trúc chung
của khu đình? Chu Văn An là ai? Ngoài thờ Chu Văn An, đình còn thờ phụng nhân vật
nào? Họ là những người như thế nào? Đền thờ Chu Văn An hiện còn lưu giữ được
những di vật gì? Đình thờ Chu Văn An được công nhận di tích lịch sử văn hóa vào
năm nào? Lễ hội đền thờ Chu Văn An được tổ chức vào thời gian nào? Có những hoạt
động gì? Cảm nhận của em khi được đến tham quan học tập tại đền Chu Văn An?
Để có thể dẫn dắt học sinh trả lời câu hỏi và thảo luận có kết quả tốt, giáo viên
phải tự trang bị những tri thức cơ bản về di tích và nhân vật được thờ phụng tại đình
Nội thờ Chu Văn An, gồm:
- Đình thờ Chu Văn An (đình Nội) tọa lạc tại thôn Văn, xã Thanh Liệt, Huyện
Thanh Trì, trên một khu đất cao ráo bên dòng sông Tô Lịch.
- Đình có kiến trúc hình chữ Công (工) với 3 nếp nhà, gồm Tiền tế, Phương
đình và Hậu cung. Tiền tế rộng 5 gian, xây kiểu tượng hồi bít đốc, các bộ vi làm kiểu
vòm bán nguyệt. Hậu cung gồm 3 gian nhỏ, vi làm kiểu “chồng giường giá chiêng”,
chạm khắc hình tứ linh, tứ quý. Trong Hậu cung có xây bệ, trên đặt long án và bài vị
thờ Chu Văn An, Chu Đình Bảo, Lý Trần Thản.
- Trước kia đình Chu Văn An được xây dựng trên khu đất chật hẹp, vốn là đất
nền của một ngôi đền cổ cũng ở đất Thanh Liệt. Đến thời Tự Đức (1848 – 1833), đình
được di chuyển về vị trí hiện nay để xây dựng lại to hơn, có sân đình, thủy đình trên ao
bán nguyệt. Khi mở rộng đường bờ sông Tô Lịch đã lấn mất sân đình và tách rời ao bán
nguyệt cùng với thủy đình, ảnh hưởng đến cảnh quan của đình.
33
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI
- Chu Văn An, tự là Linh Triệt, hiệu là Tiều Ẩn, là người có công lớn trong việc
truyền bá, giáo dục tư tưởng Nho học vào Việt Nam. Thời vua Trần Minh Tông, ông
được mời vào Quốc Tử Giám giữ chức Tư nghiệp (tức Hiệu phó phụ trách chuyên
môn). Ông là một trong số ít bậc hiền nho được thờ phụng tại Văn Miếu – Quốc Tử
Giám.
- Ngoài thờ Chu Văn An, đình Nội còn thờ phụng Chu Đình Bảo và Lý Trần
Thản. Chu Đình Bảo là tằng tôn (cháu bốn đời) của Chu Văn An, đỗ Đệ tam giáp đồng
tiến sĩ xuất thân khoa thi Giáp Thìn (1484). Lý Trần Thản đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ
xuất thân khoa Kỷ Sửu (1769).
- Đình Chu Văn An hiện lưu giữ được một số di vật quý như: hai bức y môn,
cửa võng, 04 hoành phi, 04 đôi câu đối, 01 đỉnh đồng, 05 đạo sắc phong thời Lê –
Nguyễn, 01 cuốn thần phả ghi tiểu sử Chu Văn An, 06 bia đá, 01 bộ kiệu, 01 khám
thờ. Do đã được trang bị kiến thức Hán Nôm từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường
CĐSP Hà Nội (nay là Đại học Thủ đô Hà Nội), nên ở vấn đề này, giáo viên có thể
khiến học sinh thích thú nếu như tự mình đọc các bức hoành phi, các đôi câu đối, đọc
niên hiệu của các đạo sắc phong cùng nội dung cơ bản của từng đạo sắc, đọc tên các
tấm bia và phân tích hoa văn trên trán bia cũng như nội dung cơ bản của bài văn bia và
niên đại của tấm bia.
- Đình Nội thờ Chu Văn An được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích lịch
sử cấp Quốc gia vào ngày 21 – 1 – 1989.
- Hằng năm, vào những ngày đầu xuân, tại đình thờ Chu Văn An thường tổ
chức lễ Khai bút đầu xuân. Buổi lễ có sự tham dự của các nhà lãnh đạo Bộ Giáo dục
và Đào tạo, lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội, lãnh đạo huyện Thanh Trì và lãnh đạo
ngành Giáo dục – Đào tạo thủ đô và đông đảo người dân.
- Thấy tự hào được là người con của vùng đất đầy truyền thống hiếu học, khoa
bảng. Càng thấy yêu quê hương, xứ sở và thấy có trách nhiệm gìn giữ những di sản, di
tích cha ông để lại và xây dựng quê hương ngày càng phát triển tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên, vẫn có một điều đáng tiếc là từ ngày 1 tháng 8 năm 2008, toàn bộ tỉnh
Hà Tây cũ, toàn bộ huyện của Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương
Sơn của tỉnh Hòa Bình đã được sát nhập về Hà Nội, khiến cho Hà Nội trở thành một
trong những đô thị lớn nhất thế giới, nhưng nội dung cuốn Lịch sử Hà Nội vẫn chỉ đề
cập đến những vấn đề, những sự kiện, những nhân vật lịch sử của Hà Nội cũ mà chưa
bổ sung những vấn đề, những sự kiện, những nhân vật lịch sử của vùng Hà Nội mới
mở rộng. Có thể kể tên một số nhân vật lịch sử vùng Hà Nội mở rộng như Lý Nam Đế,
34
HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA
Lý Phục Man, Ngô Quyền, Tô Hiến Thành, Đặng Tiến Đông,… Mong rằng trong
những lần tái bản tới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng như các tác giả sẽ lưu
ý đến vấn đề bổ sung nội dung để cuốn sách được hoàn thiện hơn.
3. Kết luận
Trên cơ sở khảo sát môn Hán Nôm trong chương trình đào tạo giáo viên các
ngành khoa học xã hội tại các trường ĐHĐP nói chung và trường Đại học Thủ đô Hà
Nội nói riêng, chúng tôi đã trình bày một vài suy nghĩ về vấn đề dạy học Hán Nôm tại
các trường ĐHĐP nhằm góp phần nâng cao chất lượng bài dạy thuộc môn Ngữ văn và
Lịch sử, qua đó nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trong các trường phổ thông
hiện nay. Chúng tôi cũng mong muốn rằng các trường ĐHĐP cũng như các trường Đại
học nói chung sẽ chú trọng hơn nữa đến môn Hán Nôm, bởi vì khi văn hóa dân tộc
trong bước chuyển mình hội nhập quốc tế, thì tri thức Hán Nôm chính là chiếc cầu nối
để chúng ta có thể nối liền văn hóa Việt Nam giữa truyền thống và hiện đại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Nguyễn Tài Cẩn, Nguồn gốc và quá trình hình thành từ Hán Việt, Nxb KHXH,
Hà Nội 1997
Trịnh Khắc Mạnh (chủ biên), Hán Nôm học trong nhà trường, Nxb Khoa học
Xã hội, 2008
Lý Lạc Nghị, Tìm về cội nguồn chữ Hán (Dịch giả: Nguyễn Văn Đổng), Nxb
Thế giới, 1997
Đặng Đức Siêu, Chữ viết trong các nền văn hóa, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1982
Trần Thị Thanh, Vài suy nghĩ về vấn đề trang bị từ Hán Việt cho học sinh, sinh
viên trong các trường phổ thông và đại học, Tạp chí Sông Hương, số 164 – 10 - 2002
Phạm Văn Hà (chủ biên), Lịch sử Hà Nội (Sách dùng cho học sinh lớp 6,7,8,9),
Nxb Hà Nội, 2015
35