Tải bản đầy đủ (.pdf) (163 trang)

Hiện thực chiến tranh trong văn xuôi ở việt nam hiện đại qua ba tác phẩm tiêu biểu dấu chân người lính (nguyễn minh châu),đất trắng (nguyễn trọng oánh),nỗi buồn chiến tranh (bảo ninh)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (957.14 KB, 163 trang )

MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Trong văn học nhân loại, chiến tranh là một đề tài lớn. Điều này có thể
xem như một tất yếu bởi để phản ánh một cách chân thực và sinh động nhất hiện
thực cuộc sống, cuộc đấu tranh sinh tồn trong những hoàn cảnh lịch sử đặc biệt
quan trọng của mỗi quốc gia và của cả loài người, chiến tranh là một đề tài thường
trực có ý nghĩa trung tâm không thể thay thế. Soi chiếu vào lịch sử văn học của cả
phương Đông và phương Tây, ta có thể thấy sự hiện diện đậm nét và chi phối mạnh
mẽ của siêu đề tài này với hàng loạt những tác phẩm có giá trị. Văn học phương
Tây với rất nhiều những tác giả, tác phẩm tiêu biểu đã để lại cho nhân loại những
kiệt tác có thể coi là đã đạt đến đỉnh cao của văn học về đề tài chiến tranh như
Chiến tranh và hòa bình của Lep Tônxtôi, Sông Đông êm đềm của Sôlôkhốp, Mặt
trận phía Tây vẫn yên tĩnh, Một thời để yêu, Một thời để chết, Đêm Lisbone, Ba
người bạn, Khải hoàn môn… của E.M. Remarque. Văn học phương Đông cũng
không hề thua kém về thành tựu của mảng đề tài hiện thực chiến tranh với những
pho tiều thuyết chương hồi nổi tiếng có quy mô phản ánh hết sức rộng lớn, đồ sộ và
hoành tráng như Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Thủy hử của Thi Nại
Am trong văn học Trung Quốc.
1.2. Trong bối cảnh đó, văn học Việt Nam với tư cách là một bộ phận vận
động đương nhiên không thể nằm ngoài quỹ đạo của văn học nhân loại. Ngoài ra,
văn học Việt Nam còn gánh vác một sứ mệnh cao cả và vô cùng quan trọng, đó là
nhiệm vụ phải luôn song hành với với lịch sử dân tộc, với vận mệnh đất nước và
gắn liền với những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Chiến tranh đã, đang và sẽ còn
rất lâu nữa vẫn là một đề tài lớn của văn học Việt Nam, là nguồn mạch, cảm hứng
bất tận cho nhiều thế hệ nhà văn tìm tòi, thể nghiệm. Đó cũng là một hiện tượng rất
dễ lý giải, bởi chỉ tính riêng trong thế kỷ XX vừa qua, dân tộc Việt Nam đã có ngót
bốn mươi năm sống trong không khí của chiến tranh bom đạn. Nhìn xa hơn nữa về

1



quá khứ, chúng ta hẳn vẫn chưa quên một nghìn năm dân tộc Việt Nam bị phong
kiến phương Bắc đô hộ, gần một thế kỷ dưới ách cai trị của thực dân Pháp…
Không gì khác, chính văn học là tấm gương phản ánh một cách chân thực, sinh
động nhất cuộc chiến đấu hào hùng đánh đuổi giặc ngoại xâm và bảo vệ bờ cõi của
dân tộc Việt Nam. Đề tài chiến tranh trong văn học Việt Nam hình thành và phát
triển như một sự tất yếu, trưởng thành qua từng giai đoạn, thời kỳ của lịch sử và
văn học dân tộc.
Tuy nhiên, ở từng giai đoạn, mỗi chặng đường, đề tài chiến tranh lại được
khai thác, tiếp cận và phản ánh ở nhiều góc độ theo những cảm hứng khác nhau. Ba
mươi năm kháng chiến trường kỳ với hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống
Mỹ đã đem lại cho dân tộc Việt Nam độc lập tự do và đồng thời đem lại cho văn
học Việt Nam một nền văn học hiện đại viết về chiến tranh tương đối đồ sộ. Văn
học giai đoạn 1945- 1975 là giai đoạn văn học mang âm hưởng sử thi, với cảm
hứng chủ đạo là ngợi ca mà khi tiếp cận người ta thấy tầng tầng lớp lớp những sự
kiện lịch sử, những chiến công hiển hách, những chí khí oai hùng… Ở đó, có thể do
yêu cầu của lịch sử, những gì thuộc về con người thân phận dường như chưa được
đề cập đến, cũng có thể là né tránh, hoặc nếu có cũng chỉ lướt qua, khá mờ nhạt,
chưa định hình, rõ nét.
Một đất nước có chiến tranh, những người cầm bút sống và xúc cảm cùng
chiến tranh, nhìn và viết về chiến tranh đương nhiên sẽ có một dòng văn học viết về
chiến tranh. Tuy nhiến viết về chiến tranh, cảm nhận về chiến tranh khi cuộc chiến
đã lùi vào quá khứ hay việc phản ánh về cuộc sống và con người thời hậu chiến khi
người viết đã có một “độ lùi” cần thiết lại là vấn đề hoàn toàn khác. Văn học sau
năm 1975 đã chuyển sang một diện mạo mới, có thể gọi đó là giai đoạn văn học
mang cảm hứng thế sự, đời tư. Nếu trong chiến tranh, văn học viết về đề tài chiến
tranh ít nói đến mất mát hy sinh, ít nói về buồn vui của cuộc sống thường nhật, ít
quan tâm đến số phận con người thì những tác phẩm viết về đề tài này sau chiến
tranh đã có xu hướng viết về sự thật của đời sống, viết về sự ác liệt, gian khổ, thậm

2



chí cả những sai lầm, vấp ngã của người lính trước những cám dỗ thường nhât.
Cuộc sống thời hậu chiến bộn bề phức tạp làm thay đổi hệ quan niệm nghệ thuật về
đời sống xã hội và con người đòi hỏi các nhà văn phải có những sự cách tân mạnh
mẽ về nội dung cũng như hình thức để tạo dấu ấn, phong cách riêng. Sau chiến
tranh, với một độ lùi cần thiết, những tiểu thuyết viết về chiến tranh giai đoạn này
đã dần chuyển sang một âm điệu mới, không chỉ có hào hùng mà còn có cả bi
tráng, không chỉ ở chiến trường mà cả ở hậu phương, bên cạnh những con người
anh hùng còn có những con người mang số phận bi kịch, thất cơ lỡ vận…
1.3. Ba cuốn tiểu thuyết: Dấu chân người lính (Nguyễn Minh Châu), Đất
trắng (Nguyễn Trọng Oánh), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh) có thể coi là ba tác
phẩm xuất sắc, tiêu biểu, đánh dấu những mốc quan trọng trong quá trình vận động
của tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh trong văn học Việt Nam sau 1945. Dấu
chân người lính là tác phẩm tiêu biểu cho tiểu thuyết sử thi trong văn học cách
mạng (1945 – 1975). Đất trắng tiêu biểu cho tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh
giai đoạn mười năm đầu sau giải phóng, từng được giải thưởng của Bộ Quốc phòng
năm 1984 và Giải A của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1986. Nỗi buồn chiến tranh
được đánh giá là một tác phẩm đặc sắc với nhiều ý tưởng cách tân, tiêu biểu cho
tiểu thuyết Việt Nam sau Đổi mới (1986), từng được Hội Nhà văn Việt Nam trao
tặng giải Nhất về tiểu thuyết năm 1991. Cùng viết về đề tài chiến tranh, song cái
nhìn nghệ thuật và hiện thực chiến tranh trong mỗi tác phẩm lại có những cách tiếp
cận, phản ánh và thể hiện khác nhau. Đó có thể xem là quy luật vận động sự đổi
thay, phát triển tất yếu của văn học. Dẫu cảm hứng sử thi đang ngày càng phai nhạt,
song tự trong sâu thẳm ký ức dân tộc, chiến tranh vẫn là một bộ phận chính yếu
trong đời sống văn học, đề tài chiến tranh vẫn là một đề tài lớn chưa thể thay thế và
hứa hẹn nhiều bất ngờ trong tương lai. Xuất phát từ lý do đó, chúng tôi chọn đề tài
“Hiện thực chiến tranh trong văn xuôi Việt Nam hiện đại qua ba tác phẩm tiêu biểu:
Dấu chân người lính (Nguyễn Minh Châu), Đất trắng (Nguyễn Trọng Oánh), Nỗi
buồn chiến tranh (Bảo Ninh)” cho luận án Tiến sĩ của mình với mục đích làm rõ


3


diện mạo, khuynh hướng, giá trị hiện thực cũng như những cách tân về thi pháp
trong ba tác phẩm tiêu biểu nhất của văn xuôi Việt Nam hiện đại viết về chiến tranh
chống Mỹ.
2. Đối tƣợng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là vấn đề hiện thực chiến tranh trong văn
xuôi Việt Nam hiện đại. Xác định đối tượng nghiên cứu như vậy, đề tài của chúng
tôi hướng tới cái nhìn tổng quan về vấn đề hiện thực chiến tranh bao hàm phương
thức phản ánh và giá trị hiện thực trong văn xuôi Việt Nam hiện đại thời chống Mỹ.
Tuy nhiên, chúng tôi chỉ lựa chọn nghiên cứu trường hợp là ba tác phẩm Dấu chân
người lính, Đất trắng và Nỗi buồn chiến tranh để qua đó nhìn nhận các bước vận
động và phát triển của thể tài chiến tranh trong dòng chảy của văn xuôi Việt Nam
nửa cuối thế kỷ XX. Lựa chọn tiểu thuyết thay vì truyện ngắn đại diện cho văn xuôi
vì chúng tôi cho rằng, tiểu thuyết là thể loại nòng cốt, tiêu biểu hơn cho những biến
động trong đời sống của một nền văn học.
3. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu của luận án là ba tiểu thuyết Dấu chân người lính
(1972), Đất trắng (1979; 1984), Nỗi buồn chiến tranh (1990). Bên cạnh đó, chúng
tôi cũng tiến hành khảo sát những tiểu thuyết, truyện ngắn, tiểu luận và trả lời
phỏng vấn của ba tác giả Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Trọng Oánh, Bảo Ninh để
hỗ trợ cho quá trình nghiên cứu.
Ngoài ra, để có cái nhìn tổng quan, những tiểu thuyết của những tác giả khác
viết về đề tài chiến tranh trước và sau 1975 cũng là những tư liệu tham khảo hữu
ích cho tác giả trong việc triển khai luận án.
4. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Khái quát diện mạo, khuynh hướng của tiểu thuyết về đề tài chiến tranh
trong văn xuôi hiện đại Việt Nam, chỉ ra những ảnh hưởng, tác động từ môi trường


4


sinh thái, lịch sử văn hóa… chi phối đến sự phản ánh hiện thực chiến tranh trong
từng tác phẩm.
- Luận án thông qua ba tác phẩm cụ thể là Dấu chân người lính, Đất trắng
và Nỗi buồn chiến tranh để phân tích, lý giải sự vận động, những tiếp biến và đổi
thay để hướng tới cái mới và cái khác trong hành trình sáng tạo của các nhà văn
trước cùng một đề tài.
- Luận án tìm hiểu những đặc trưng thi pháp của các tiểu thuyết này để thấy
được sự vận động và những cách tân thể loại trong cách thức tái tạo hiện thực chiến
tranh.
- Từ đó, luận án khẳng định vai trò, vị trí và những đóng góp của Nguyễn
Minh Châu, Nguyễn Trọng Oánh và Bảo Ninh vào thành tựu của văn xuôi chiến
tranh cùng tiến trình hiện đại hóa tiểu thuyết Việt Nam hiện đại và đương đại.
5. Phƣơng pháp nghiên cứu
Để tìm hiểu hiện thực chiến tranh trong văn xuôi Việt Nam hiện đại qua ba
tác phẩm Dấu chân người lính (Nguyễn Minh Châu), Đất trắng (Nguyễn Trọng
Oánh), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), chúng tôi sử dụng nhiều phương pháp và
cách tiếp cận khác nhau để có thể soi chiếu đối tượng từ nhiều góc độ. Phương
pháp chủ đạo được sử dụng xuyên suốt luận án là phương pháp tiếp cận hệ thống.
Như Khravechenco đã chỉ ra thì một đặc điểm quan trọng của phương pháp phân
tích hệ thống là việc khám phá những liên hệ bên trong của một tổng thể nhất định
các hiện tượng, các liên hệ của từng thành tố trong các hiện tượng xã hội khác
nhau, là sự nghiên cứu thống nhất về cấu trúc của chúng, ở đó luôn phải xem xét
mỗi thành tố trong mối liên hệ phối thuộc lẫn nhau không thể tách biệt.
Bên cạnh đó, chúng tôi sử dụng phương pháp nghiên cứu loại hình và cấu
trúc loại hình để giải mã cấu trúc của loại hình tác phẩm văn học viết về chiến
tranh. Chúng tôi cũng sử dụng phương pháp nghiên cứu trường hợp khi lựa chọn

tác phẩm cụ thể để tìm hiểu hiện thực chiến tranh trong văn xuôi Việt Nam hiện

5


đại, từ những trường hợp cụ thể có ý nghĩa tiêu biểu cho từng giai đoạn để khái
quát được những vấn đề mang tính hệ thống.
Ở từng vấn đề, chúng tôi kết hợp các phương pháp và các cách tiếp cận:
- Phương pháp so sánh lịch sử: Khi nghiên cứu mối quan hệ giữa đời sống
thể loại với cơ sở xã hội mà nó phát sinh và phát triển, sự tác động của xã hội tới
tiến trình phát triển của thể loại.
- Phương pháp tiếp cận thi pháp học: Khi muốn nghiên cứu về sự tiến hóa
của các phương thức, phương tiện chiếm lĩnh thế giới bằng hình tượng, sự hoạt
động chức năng xã hội- thẩm mỹ của chúng, nghiên cứu số phận của các khám phá
nghệ thuật.
- Phương pháp phân tích tác phẩm: Khi muốn tìm hiểu các yếu tố của văn
bản tác phẩm thông qua việc phục nguyên lại đời sống văn hóa của một thời đại
nhất định, dùng nó để lý giải các vấn đề văn học, đặc biệt là các quan niệm về văn
học và sáng tác văn chương.
- Phương pháp nghiên cứu loại thể: là một đề tài nghiên cứu về thể loại văn
học, đây là phương pháp quan trọng để chúng tôi tìm ra những đặc trưng về mặt thi
pháp của thể loại.
Ngoài ra, chúng tôi vận dụng các thao tác thông thường như: phân tích, đối
chiếu, thống kê, phân loại, mô hình hóa, khảo sát văn bản…
6. Đóng góp của luận án
- Luận án cung cấp cái nhìn hệ thống về vấn đề hiện thực chiến tranh trong
văn học Việt Nam 1945 đến hết thế kỷ XX.
- Luận án với ba tác phẩm cụ thể Dấu chân người lính, Đất trắng và Nỗi
buồn chiến tranh đã nhìn nhận sự vận động của vấn đề hiện thực chiến tranh, lý
giải nguyên nhân cũng như kết quả của những biến đổi từ nhiều góc độ, hướng tới

việc khẳng định các giá trị bền vững thông qua các hiện tượng tiêu biểu đã lựa
chọn.

6


- Luận án lý giải sự vận động và phát triển của vấn đề hiện thực chiến tranh
song hành cùng quá trình hiện đại hóa tiểu thuyết Việt Nam hiện đại.
7. Cấu trúc của luận án
Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, nội dung chính của luận án được triển khai
thành bốn chương:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu
Chương 2: Sự vận động của đề tài chiến tranh trong tiểu thuyết Việt Nam
hiện đại từ 1945 đến cuối thế kỷ XX
Chương 3: Các góc tiếp cận hiện thực chiến tranh trong ba tiểu thuyết Dấu
chân người lính, Đất trắng và Nỗi buồn chiến tranh
Chương 4: Thi pháp tiểu thuyết chiến tranh qua Dấu chân người lính, Đất
trắng và Nỗi buồn chiến tranh

7


CHƢƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
1.1. Tình hình nghiên cứu về hiện thực chiến tranh trong văn xuôi
những năm chống Mỹ cứu nƣớc và tiểu thuyết Dấu chân người lính của
Nguyễn Minh Châu
1.1.1. Ngày 5 tháng 8 năm 1964 là một thời khắc quan trọng trong lịch sử
dân tộc Việt Nam khi bầu trời xuất hiện những tốp máy bay mang bom phá hoại và
những tiếng súng chống Mỹ đầu tiên nổ ra trên miền Bắc, cả nước lại bước vào một
cuộc trường chinh mới gian khổ nhưng vĩ đại. Lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng

cách mạng, ý thức tự tôn dân tộc, lòng quả cảm, đức hi sinh, sức mạnh quật khởi
của tinh thần đoàn kết dân tộc lại một lần nữa được tiếp tục trỗi dậy mạnh mẽ. Hòa
trong khí thế ấy, hàng triệu con tim thanh niên Việt Nam đã đi theo tiếng gọi thiêng
liêng của Tổ quốc, từ biệt gia đình, gác bút nghiên băng mình vào tuyến lửa. Trong
vô vàn những trái tim sôi sục đầy nhiệt huyết ấy có không ít chiến binh là những
nhà văn, bên cạnh nhiệm vụ cầm súng chiến đấu còn gánh vác một trọng trách cao
cả, đó là cổ vũ, động viên chiến sĩ bằng ngòi bút và trang văn của mình.
Chính bởi trọng trách thiêng liêng ấy mà trong những năm kháng chiến
chống Mỹ, văn học luôn xuất hiện ở vị trí mũi nhọn chiến đấu, luôn bám sát và
phục vụ nhiệm vụ chính trị. Những nhà văn đồng thời là những người lính, họ sống
và chiến đấu ở tất cả các mặt trận, các chiến dịch, họ viết bằng những cảm xúc hết
sức chân thật và trẻ trung, hào hứng với mong nuốn tái hiện thật chi tiết, đầy đủ
những diễn biến của cuộc chiến. Chính vì vậy các tác phẩm văn học nói chung và
tiểu thuyết nói riêng giai đoạn này đều tập trung phản ánh, khắc họa những diễn
biến cực kỳ mau lẹ của cuộc kháng chiến, khoảng cách cố hữu giữa sự kiện lịch sử
và văn học được thu hẹp một cách tối đa.
Với một vai trò, chức năng gần như duy nhất, “trùng khít” như vậy, lẽ đương
nhiên tiểu thuyết chiến tranh của giai đoạn này đều tập trung phản ánh một phạm vi
hiện thực cách mạng rộng lớn với tầng tầng lớp lớp những sự kiện, với muôn vàn
biến cố lớn lao mang tầm vóc sử thi của đời sống dân tộc. Cảm hứng chủ đạo bao
8


trùm lên các tác phầm không thể có gì khác ngoài sự ca ngợi chủ nghĩa anh hùng
cách mạng, khẳng định và biểu dương khí thế hừng hực niềm tin chiến thắng của
quân và dân ta trên khắp mọi miền Tổ quốc. Bên cạnh đó, tiểu thuyết chiến tranh
thời kỳ này còn là những bản cáo trạng đanh thép, lên án mạnh mẽ cuộc chiến tranh
xâm lược phi nghĩa, vạch rõ bộ mặt dã man, độc ác, tàn bạo và hèn nhát của kẻ thù.
Chính vì thế, nhiều tiểu thuyết giai đoạn này mang dáng dấp của thể loại kí sự,
nặng về “tả” và “kể”. Tuy nhiên, cũng phải ghi nhận một thành tựu nổi bật nhất của

tiểu thuyết chiến tranh giai đoạn này, đó là nghệ thuật xây dựng nhân vật- cụ thể là
những nhân vật được coi là điển hình. Thành tựu này thể hiện sự phát triển, mở
rộng dung lượng phản ánh khi lần đầu tiên nhân vật người lính chống Mỹ được đặt
trong bối cảnh rộng lớn của đất nước, gắn hậu phương với chiến trường, gắn số
phận một người với nhiều người, lớp già và lớp trẻ… Đó là thời điểm đáng nhớ của
văn xuôi cách mạng khi hình tượng người lính, người chiến sĩ giải phóng quân
mang trên vai mình trọng trách lớn lao của lịch sử dân tộc được khắc họa như
những nhân vật chính của thời đại, ở vào vị trí trung tâm xoáy động của cả một thời
kỳ lịch sử mà không đơn thuần chỉ ở nơi chiến trường. Với kiểu nhân vật người
lính, các tác giả tiểu thuyết thời kỳ này đã xây dựng thành công nhiều hình tượng
cá nhân điển hình, bên cạnh những điển hình tập thể, những hình tượng nhân vật
“đám đông”.
Bối cảnh lịch sử- xã hội, hiện thực cuộc sống chiến đấu đã trở thành mảnh
đất màu mỡ để văn học nói chung và tiểu thuyết chiến tranh nói riêng giai đoạn
chống Mỹ cứu nước kế thừa những thành quả có tính chất nền tảng, tiền đề của văn
xuôi thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1945- 1954, tiếp tục phát triển và gặt hái
được những thành tựu to lớn. Đã có rất nhiều bài viết và công trình nghiên cứu về
văn xuôi nói chung, tiểu thuyết nói riêng viết về chiến tranh trong giai đoạn chống
Mỹ cứu nước. Điều dễ nhận thấy nhất là hầu như tất cả các bài viết, các công trình
nghiên cứu đều thống nhất một quan điểm rằng, mảng văn xuôi nói chung và văn
xuôi viết về đề tài chiến tranh trước 1975 mang đậm tính chất sử thi và cảm hứng

9


lãng mạn; đã xây dựng được những hình tượng nhân vật anh hùng tiêu biểu cho thế
hệ, cho dân tộc; đã hoàn thành xuất sắc vai trò, chức năng của văn học thời kỳ này
trong việc cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội, nhân dân. Nhà nghiên
cứu Nguyễn Đăng Mạnh đã khẳng định: “Ra đời và phát triển trong không khí lịch
sử đó, văn học giai đoạn 1945- 1975 là văn học của những sự kiện lịch sử, của số

phận toàn dân, của chủ nghĩa anh hùng. Nhân vật trung tâm của nó là những con
người đại diện cho giai cấp dân tộc, thời đại và kết tinh một cách chói lọi những
phẩm chất cao quý của cộng đồng” [140, tr. 61]. Đề cập đến nghệ thuật xây dựng
nhân vật với những cá nhân điển hình, Đinh Xuân Dũng nhận định: "chưa bao giờ
trong văn học của chúng ta lại xuất hiện nhiều đến thế những điển hình cao đẹp
sáng ngời chất lý tưởng của con người mới, con người anh hùng trong chiến tranh"
và "mỗi điển hình văn học tích cực là một đại diện chung cho cả một dân tộc hay
một tầng lớp, một thế hệ những người cầm súng" [36, tr. 49]. Sau khi khảo sát một
loạt tiểu thuyết mở đầu cho giai đoạn văn học mới (1945 – 1975), cùng chung quan
điểm và tinh thần ghi nhận ấy, nhà nghiên cứu Lê Thành Nghị đã khẳng định: trong
các tiểu thuyết này, "nhân vật anh hùng của cuộc kháng chiến hiện ra sau một bút
pháp vừa thực vừa ảo – một thứ "chủ nghĩa hiện thực" rắn rỏi mà mượt mà, tỉnh táo
mà say mê trào dâng sau ngọn bút" [140, tr. 166].
So sánh với tiểu thuyết chiến tranh giai đoạn kháng chiến chống Pháp, tiểu
thuyết chiến tranh thời chống Mỹ đã có những chuyển biến tích cực trên mọi
phương diện, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế nhất định. Các nhà nghiên cứu đã
chỉ ra không ít những hạn chế của văn xuôi viết về đề tài chiến tranh giai đoạn này.
Đó là cách nhìn nhận một chiều: thuận lợi nhiều hơn khó khăn, chiến thắng nhiều
hơn thất bại, thành tích nhiều hơn tổn thất… cách phản ánh hiện thực cuộc chiến, thể
hiện con người và cuộc sống còn giản đơn, xuôi chiều, phiến diện, công thức. Nhà
nghiên cứu Lê Thành Nghị cho rằng: "Nhìn chung, vẫn thiếu một số phận điển hình
tiêu biểu trọn vẹn của một cuộc đời cụ thể. Hình như cả một giai đoạn, tiểu thuyết
nặng về ký họa các hình ảnh, gương mặt, chân dung mà thiếu đào sâu một cách hệ

10


thống số phận, tính cách, lịch sử của nhân vật" [140, tr. 169, 170]. Với một đúc kết
mang tầm khái quát, tác giả Trần Đình Sử đã có nhận định chân xác hơn rằng: “Văn
học Việt Nam 40 năm qua chưa có nhiều thành công về mặt hình tượng tính cách.

Yếu tố cá tính chưa nổi bật, sự phân tích xã hội, phân tích tâm lý chưa được phát
triển đầy đặn. Còn ít có những hình tượng tầm cỡ cung cấp một mẫu mực thuyết
phục trọn vẹn về phương diện này” [141, tr. 93].
1.1.2. Nguyễn Minh Châu (1930 – 1989) là một trong những nhà văn lớn của
nền văn học Việt Nam hiện đại nửa sau thế kỷ XX. Trong hơn ba mươi năm cầm
bút, Nguyễn Minh Châu đã để lại cho đời 13 tập văn xuôi và 1 tập tiểu luận phê
bình. Có thể thấy: tác phẩm của Nguyễn Minh Châu không quá đồ sộ nhưng đa
dạng về thể loại, bao gồm cả truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, bút ký, phê
bình… Đánh giá về Nguyễn Minh Châu, các nhà phê bình, nghiên cứu từ trước đến
nay đều thừa nhận những tác phẩm của ông đã phản ánh được khí thế hào hùng và
phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam trong chiến đấu. Bên cạnh đó, khi đất
nước chuyển mình từ đời sống bất thường của ngày có giặc sang đời sống bình
thường, nhà văn không còn là người phát ngôn “nhân danh kinh nghiệm cộng
đồng” mà là “kinh nghiệm cá nhân”, Nguyễn Minh Châu đã thể hiện sâu sắc sự trăn
trở và khát vọng thức tỉnh lương tâm trong cảm hứng nhân văn mạnh mẽ. Đặc biệt,
sau 1986, Nguyễn Minh Châu đã hiện diện và được mệnh danh là một trong những
người tiên phong, “tinh anh”, “tài năng” và đầy bản lĩnh trong công cuộc đổi mới
nói chung và văn học nói riêng.
Tiểu thuyết Dấu chân người lính là một trong những tác phẩm tiêu biểu của
Nguyễn Minh Châu và cũng là một trong những tác phẩm có vị trí quan trọng trong
tiểu thuyết thể tài chiến tranh của văn học cách mạng Việt Nam (1945- 1975). Tác
phẩm đã đưa ông lên vị trí những nhà văn hàng đầu của cuộc kháng chiến chống
Mỹ. Dấu chân người lính viết về cuộc hành quân, bao vây và tiêu diệt địch ở vùng
đất Quảng Trị, kết quả của những lần đi theo bộ đội tham gia chiến đấu ở các mặt
trận Khe Sanh, Đường 9 Nam Lào của Nguyễn Minh Châu với tư cách phóng viên

11


tạp chí Văn nghệ Quân đội. Cuốn tiểu thuyết đã phản ánh hùng hồn và sinh động

khí thế sục sôi “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách
mạng qua vẻ đẹp người lính chiến đấu vì độc lập tự do của dân tộc. Dấu chân
người lính là sự kết hợp hài hoà đến mức lý tưởng chất sử thi và chất tiểu thuyết.
Ngay từ đầu, khi được trích đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân đội và sau khi xuất
bản, tác phẩm này đã trở thành cuốn sách gối đầu giường của thanh niên thế hệ
những thập niên 70 thế kỷ XX. Theo nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ: “Cuốn tiểu
thuyết đã miêu tả, với một sức hấp dẫn, cuộc trường chinh kỳ lạ trong lịch sử chống
ngoại xâm của dân tộc” [70, tr. 50]. Dấu chân người lính đánh dấu một chặng
đường quan trọng trên hành trình văn chương của Nguyễn Minh Châu đồng thời
mở ra một thời kỳ phát triển của dòng văn học chiến tranh cách mạng Việt Nam.
Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu ra đời vào năm 1972, giai đoạn
khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến, được mệnh danh là “bài ca người lính”, bản
anh hùng ca của chủ nghĩa anh hùng cách mạng cũng không nằm ngoài âm hưởng
đó. Có thể thấy chất sử thi và anh hùng ca vẫn là cảm hứng chủ đạo của tác phẩm
này. Người đọc như đắm mình trong cuộc chiến với khung cảnh rộng lớn và hào
hùng của hành trình “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của các binh đoàn chủ lực,
rồi những chiến dịch Khe Sanh - Tà Cơn long trời lở đất với những trận đánh ác liệt
trên vùng đất Quảng Trị- địa đầu giới tuyến. Tuy nhiên với Dấu chân người lính,
Nguyễn Minh Châu đã có sự kết hợp giữa thể tài sử thi (lịch sử dân tộc) và thể tài
tiểu thuyết (thế sự, đời tư) để tạo nên cuốn tiểu thuyết có khả năng bao quát một
hiện thực rộng lớn, thế nhưng cái quyết liệt, hùng tráng của cuộc chiến đấu vẫn
không át đi sắc thái trữ tình. Chất anh hùng ca và trữ tình, chất thơ và văn xuôi đan
chéo, chuyển hoá vào nhau đã dựng nên một cuộc sống chiến đấu đầy khốc liệt,
gian khổ nhưng vẫn không kém phần lãng mạn nên thơ. Và cũng nhờ đó bức tranh
hiện thực chiến tranh dường như đậm nét và sinh động hơn qua từng trang sách. Có
thể nói, với Dấu chân người lính, phong cách văn xuôi của Nguyễn Minh Châu
bước đầu được định hình, và điều quan trọng hơn đó là những dấu hiệu đổi mới

12



trong tác phẩm của ông đã manh nha cho một hướng tiếp cận đối với đề tài chiến
tranh trở thành một trong những sự lựa chọn của đa số những lớp nhà văn sau này.
Là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho nền văn học cách mạng Việt
Nam (1945 – 1975), từ khi ra đời đến nay, tiểu thuyết Dấu chân người lính của
Nguyễn Minh Châu đã thu hút được sự quan tâm, chú ý của nhiều nhà văn, nhà
nghiên cứu, nhà lý luận phê bình văn học và theo đó cũng đã có khá nhiều bài viết
và công trình nghiên cứu về tác phẩm này. Trung Dũng trong bài viết Đọc Dấu
chân người lính đã khẳng định đây là “một sáng tác văn học có tính chiến đấu phản
ánh một hiện thực cuộc sống còn đang nóng bỏng” [31]. Tiếp xúc với Dấu chân
người lính, Thiếu Mai nhận định: “Ở đây ta tiếp xúc với những người lính trẻ, ta
được tắm trong không khí hào hùng, lạc quan dệt bằng tinh thần dũng cảm và ý
thức hy sinh cao cả” [121]. Bên cạnh đó, hầu hết các bài viết và công trình nghiên
cứu đều khẳng định thành công nhất của Dấu chân người lính là việc đã xây dựng
được tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Theo Phan Cự Đệ, “cuốn tiểu
thuyết đã miêu tả, với một sức hấp dẫn, cuộc trường chinh kì lạ trong lịch sử chống
ngoại xâm của dân tộc” [70, tr. 57]. Song Thành cũng cho rằng, với Dấu chân
người lính, "ngòi bút Nguyễn Minh Châu đã lột tả được vẻ đẹp tinh thần phong phú
và đằng sau những khuôn mặt phong trần ấy, anh đã làm ánh lên những nét hào hoa
không phải là không có sức hấp dẫn, vẫy gọi đối với bạn đọc thanh niên" [91, tr.
130]. Trần Trọng Đăng Đàn tiếp tục khẳng định: "Với Dấu chân người lính,
Nguyễn Minh Châu đã góp một phần quan trọng vào việc đẩy những hình tượng
người anh hùng cách mạng trong văn học lên gần với những điển hình mà công
chúng đang chờ đợi" [70, tr. 66]. Cùng chung quan điểm này, nhà phê bình Ngô
Thảo nhận định: Mặc dầu còn có những thiếu sót nhưng "thành công của Nguyễn
Minh Châu vẫn là cơ bản, vững vàng. Chính là trên những thành tựu đó mà với
Dấu chân người lính, Nguyễn Minh Châu đã đóng góp vào văn học chống Mĩ một
tác phẩm xuất sắc viết về người lính" [91, tr. 135].

13



Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được coi là thành công, các nhà nghiên cứu
cũng đã chỉ ra những hạn chế, thiếu sót nhất định trong Dấu chân người lính của
Nguyễn Minh Châu. Hà Minh Đức cho rằng: "Thiên hướng khai thác của Nguyễn
Minh Châu là thuận chiều và một chiều. Tuy có những tổn thất hi sinh nhất định
nhưng bộ mặt chiến trường còn thiếu cái ngổn ngang quyết liệt, đau đớn (...). Bộ
mặt kẻ thù cũng chưa được khắc họa rõ nét và thường miêu tả từ xa" [70, tr. 64].
Theo Phan Cự Đệ: “tác phẩm của anh chưa có những tư tưởng chủ đề lớn quán
xuyến toàn bộ cốt truyện và nhân vật. Chất liệu tốt nhưng khả năng tổ chức, khái
quát hóa còn yếu” [70, tr. 57]. Cụ thể hơn, Vương Trí Nhàn chỉ rõ: "Ngay từ những
mặt này- mặt bút pháp, bố cục, nói chung là những yếu tố hình thức, Dấu chân
người lính đã có gì đó không đều tay, toàn bộ không trọn vẹn, bởi các yếu tố không
thật hòa hợp. Từng mảng đậm nhạt không đều. Không đều về hình khối bên ngoài
cũng như về cấu trúc bên trong. Nhân vật đứt nối tùy tiện. Một đôi chỗ, thấy những
"vết hàn" khá rõ" [91, tr. 143].
1.2. Tình hình nghiên cứu về hiện thực chiến tranh trong văn xuôi sau
1975 và hai tiểu thuyết Đất trắng của Nguyễn Trọng Oánh, Nỗi buồn chiến
tranh của Bảo Ninh
1.2.1. Như đã trình bày ở trên, văn học Việt Nam sau 1975 đã chuyển sang
một diện mạo mới, đó là chặng đường của tiến trình hội nhập và đổi mới. Đời sống
văn học thời kỳ này ghi dấu sự bùng nổ đồng thời gặt hái được nhiều thành công cả
về lượng lẫn về chất của mảng văn xuôi và trở thành đối tượng được nhiều người
quan tâm nghiên cứu. Trong đó, một lần nữa mảng đề tài về chiến tranh của văn
xuôi nói chung và tiểu thuyết nói riêng lại vẫn thu hút được sự quan tâm nhất. Đây
cũng là điều dễ lý giải bởi chiến tranh đã không còn mang ý nghĩa đề tài một cách
thuần túy mà nó đã ăn sâu vào đời sống con người và thực sự là một phần máu thịt
của dân tộc suốt một thời gian dài. Tác giả Đinh Xuân Dũng đã có nhận xét có sức
khái quát về vấn đề này: “Đề tài chiến tranh trong văn học Việt Nam có độ dài
ngang với chính độ dài của lịch sử văn học dân tộc. Nếu tính từ truyền thuyết


14


Thánh Gióng, chúng ta có thể nghĩ rằng, đề tài chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ
quốc là nguồn chủ lực, là nguồn mạch phong phú nhất, không bao giờ vơi của văn
học Việt Nam từ khi hình thành đến nay” [36]. Khi đất nước có chiến tranh, cuộc
sống và con người sẽ chịu sự chi phối của quy luật chiến tranh là một điều tất yếu.
Tuy nhiên, sau 1975, khi đất nước đã hoàn toàn độc lập, văn học sáng tạo trong hòa
bình, đời sống và con người trở về với quy luật bình thường của cuộc sống thì vấn
đề đặt ra ở đây là văn học nói chung, tiểu thuyết nói riêng thời hậu chiến viết về
cuộc chiến có gì thay đổi, nhận diện quá khứ có gì khác trước? Đây chính là sự
biểu thị rõ rệt nhất những đổi mới và trưởng thành trong quan niệm thẩm mỹ, tư
duy nghệ thuật cũng như những cách tân trong thi pháp thể loại của các nhà văn.
Hòa chung xu thế đó, tiểu thuyết về đề tài chiến tranh và người lính cũng không
nằm ngoài lộ trình vận động chung đó của văn xuôi sau 1975.
Sau khi đánh giá, phân tích những phương diện cơ bản, thể hiện quy luật
phát triển của văn học, phần lớn các ý kiến nghiên cứu phê bình đều khẳng định đã
xuất hiện một số thành tựu cách tân trong văn xuôi Việt Nam sau 1975. Hà Xuân
Trường nhận định: “có sự đổi mới thực sự trong văn học”, “dư luận rộng rãi tập
trung đánh giá mặt tích cực của văn học, chủ yếu là văn xuôi trong những năm gần
đây. Chính mặt tích cực đó đại diện cho sự đổi mới của văn học” (Trả lời PV Lễ
tưởng niệm và hội thảo về Nguyễn Minh Châu, Văn nghệ Quân đội số 3/1994).
Theo nhà văn Nguyên Ngọc: “Tình hình sáng tác văn học hiện nay theo tôi có hai
mặt: một mặt, mặt chính là rất tốt. Sáng tác văn học của chúng ta đang hay dần lên.
Hình như sáng tác về đại thể đang chuyển lên một bình diện mới cao hơn, sâu sắc
hơn, văn học hơn, người hơn. Tính xã hội rất mạnh mẽ, nhiều khi đến gay gắt, tính
nhân văn ngày càng sâu, không dễ dãi” [127]. Nhà văn Nguyễn Quang Thân vô
cùng hứng khởi: “Chưa bao giờ văn xuôi phát triển mạnh như bây giờ… chưa bao
giờ nhà văn được thành thật như bây giờ” [69]. Nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến

đã tỏ ra hào hứng khi đánh giá về văn học từ 1975 đến 1990: “Điều đặc biệt quan
trọng là trong mười lăm năm qua, kinh nghiệm văn học của người sáng tác cũng

15


như công chúng văn học là một sự kinh nghiệm bừng tỉnh, rõ ràng là có một sự
thay đổi trong thị hiếu và nhu cầu văn học” [65]. Cũng vẫn là ý kiến của nhà văn
Nguyên Ngọc về đề tài chiến tranh, trong báo cáo Đôi nét về tình hình văn học và
công việc của những người cầm bút Việt Nam trong thời gian qua tại Hội nghị lần
thứ 19 những người lãnh đạo các hội nhà văn các nước xã hội chủ nghĩa tại Hà Nội
ngày 11, 12/3/1983 đã nhấn mạnh rằng: “Có thể thấy, một đặc điểm rõ rệt ở những
tác phẩm viết về đề tài đó xuất hiện mấy năm gần đây, ấy là xu hướng dựng lên
những bức tranh toàn cảnh bao quát một không gian hay một thời điểm quan trọng
nhất của chiến tranh hoặc cũng có khi cả một thế hệ đã cống hiến phần chủ yếu
nhất của cuộc đời mình cho cuộc chiến đấu mất còn của dân tộc. Cũng có những
tác giả, ngược lại, không triển khai tác phẩm của mình theo chiều rộng mà chú
trọng khai thác theo chiều sâu, trong khi miêu tả tập trung một sự kiện thoáng trông
không có gì to tát, vang dội thì tìm hiểu sự xung đột và chuyển hóa của các giai cấp
và tầng lớp xã hội, trong những chấn động xã hội ấy diễn ra cuộc vật lộn căng
thẳng của con người về tư tưởng và đạo đức. Và dù là một bức tranh toàn cảnh hay
đột phá vào chỉ một điểm tập trung, thì ở đây nhà văn đều muốn cuộc chiến đấu đã
qua mà tìm lấy và nhắn nhủ một điều tâm huyết, một bài học nào đấy về đạo đức,
về trách nhiệm, về ý nghĩa sự sống và cống hiến của con người hôm nay… ” [126].
Ý kiến này của nhà văn Nguyên Ngọc đã cho thấy yêu cầu thay đổi là một lẽ tất
yếu trong mối tương quan giữa cách viết cũ và lối viết mới, và điều quan trọng hơn
đó là sự manh nha của xu hướng nhận thức lại hiện thực chiến tranh.
Đồng nhất quan điểm về một sự đổi mới cần thiết cho văn học Việt Nam viết
về đề tài chiến tranh cách mạng sau 1975, Phan Cự Đệ đã nhận định: “Bây giờ, sau
khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đã kết thúc, trong những điều kiện mới, các nhà

tiểu thuyết đang đặt vấn đề nâng cao chất lượng hiện thực của những tác phẩm viết
về chiến tranh” [42]. Cũng với vấn đề này, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Long đã đề
cập và diễn giải một cách chi tiết hơn khi cho rằng: “Trong nhiều sáng tác gần đây,
bên cạnh ý nghĩa lịch sử của cuộc chiến tranh, đã thấy gia tăng sự chú ý của nhà

16


văn đến việc trình bày con người trong biến diễn lịch sử. Nhiều tác phẩm đã đặc
biệt chú ý xây dựng những hoàn cảnh quyết liệt, đẩy xung đột phức tạp, đưa nhân
vật của mình vào những tình huống hết sức khó khăn, trình bày những diễn biến và
số phận không đơn giản của con người” [107].
Là người trực tiếp cầm bút hoạt động trong lĩnh vực sáng tác, nhà văn Hữu
Mai đã không ngần ngại chỉ ra những hạn chế, tồn tại của văn học viết về chiến
tranh trước đây. Ông cho rằng người viết hôm nay không được phép né tránh hiện
thực, cần phải nhìn thẳng vào sự thật để phản ánh khuôn mặt muôn hình muôn vẻ
của hiện thực chiến tranh. Trong bài Viết về đề tài chiến tranh giải phóng, nhà văn
Hữu Mai đã nhận định: “Bình diện viết về chiến tranh đã được mở rộng. Chúng ta
đã có điều kiện đi vào nhiều vấn đề trước đây do những yêu cầu của chiến thắng,
của giai đoạn lịch sử còn chưa đề cập tới”; “Một tầm nhìn mới của nhà văn là điều
kiện không thể thiếu để đào sâu những vấn đề triết học, đạo đức nâng cao khả năng
miêu tả biện chứng những mặt khác nhau của hiện thực chiến tranh: anh hùng và
hèn nhát, yêu thương và căm thù, trung thành và phản bội, ý thức trách nhiệm và
bản năng sợ chết của con người, chiến thắng và những hy sinh, mất mát, cái đẹp và
cái tàn phá, ác liệt của chiến tranh… ” [122]. Nguyễn Minh Châu- một nhà văn mà
tên tuổi đã gắn liền với những thành công ở thể loại tiểu thuyết sử thi trước 1975,
cũng là người vô cùng nhạy bén với xu hướng đổi mới cách tân và hết sức táo bạo
với những thể nghiệm văn xuôi hiện đại. Trong bài viết Viết về chiến tranh [21],
bên cạnh những nhận định về đặc điểm cơ bản của văn học 1945- 1975 trong việc
khai thác hình tượng người lính và hiện thực chiến tranh, ông đồng thời chỉ ra

những hạn chế “một chiều, theo hướng tích cực, những mặt xấu được giấu đi trong
trang sách” của văn học viết về chiến tranh của giai đoạn này, Nguyễn Minh Châu
đã đặt ra một vấn đề hết sức nhân bản. Đó là vấn đề thể hiện “con người” trong văn
học, ông kêu gọi những góc nhìn mới, chân thực hơn về chiến tranh, khai thác đề
tài chiến tranh dưới góc độ chiều sâu nhân văn, nhân bản. Có thể nói, Nguyễn Minh
Châu- “người mở đường tinh anh và tài năng”, là một trong những nhà văn có công

17


đầu trong thời điểm thay đổi mang tính bước ngoặt khi đặt ra vấn đề bức thiết, đầy
tính thời sự của nhu cầu đổi mới. Bài viết Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn
văn nghệ minh họa [20] là đỉnh điểm của sự bức xúc, gay gắt trong luận đề đổi mới
của Nguyễn Minh Châu với tư cách một nhà lý luận phê bình. Sự trở về nguyên lý:
Văn học là nhân học là nhận định của nhà văn Hồ Phương khi nhận xét về quá trình
vận động của văn học viết về chiến tranh sau 1975. Ông cho rằng văn học sau 1975
chủ yếu đi sâu khám phá và biểu hiện tâm hồn, tính cách, sức sống của con người
qua những số phận rất khác nhau trong muôn vàn sự kiện xảy ra trong cuộc sống.
“Để đi sâu vào số phận con người, không ít tác giả đã đi sâu viết về các bi kịch cá
nhân nằm trong bi kịch chung của dân tộc trong cuộc chiến. Qua những bi kịch ấy,
tính cách và bản ngã con người đã được bộc lộ rõ”, “càng đi sâu vào con người, văn
học ta càng gần tới bản chất cuộc sống, do đó tính nhân văn cũng cao hơn” [70].
Nhà văn Xuân Thiều trong bài viết Mấy suy nghĩ về mảng văn học chiến tranh cách
mạng [176] đã phân tích tương đối bao quát và sâu sắc những vấn đề của văn học
viết về đề tài chiến tranh trong tương quan với văn học trước và sau 1975. Ông
nhận định: “Nhân dân ta đã trải qua nửa thế kỷ chiến tranh, nên sự biến động xã hội
sẽ vô cùng lớn lao. Nó chi phối số phận từng con người, cả trong chiến tranh và
thời hậu chiến. Nó vẫn là một vấn đề lớn của con người Việt Nam không chỉ trong
qua khứ mà còn cả trong hiện tại và cả tương lai nữa”. Nhà văn Xuân Thiều cũng
đã vô cùng sâu sắc khi nhận xét về những tác phẩm của những tác giả đang cháy

hết mình cho công cuộc đổi mới: “Những tác phẩm viết về chiến tranh của họ đã
khác trước kia, ngòi bút của nhà văn đã dấn sâu đến tận cùng của hiện thực chiến
tranh, đào sâu vào tính cách Việt Nam, tâm hồn Việt Nam, phát hiện những vẻ đẹp
khác nhau, tái hiện lại khuôn mặt chiến tranh đúng như vốn có của nó”.
Một số vấn đề về sự thay đổi có tính chất bước ngoặt của văn xuôi sau 1975
đã được đề cập cụ thể hơn trong một số bài viết của các nhà nghiên cứu: Bích Thu,
Vũ Tuấn Anh, Tôn Phương Lan… đã phân tích sự vận động đổi mới theo từng
chặng và cho rằng văn học từ sau 1975 có thể chia thành hai giai đoạn; Từ 1975

18


đến 1986 văn học vẫn phát triển theo quán tính cũ, đầu những năm 80 văn học đã
có một số tín hiệu đổi mới nhưng phải từ 1986 trở đi văn học mới khởi sắc và đổi
mới ở nhiều lĩnh vực. Do có sự chuyển mình từ tư duy sử thi sang tư duy tiểu
thuyết; đề tài chiến tranh cách mạng, lịch sử và dân tộc dần dần nhường chỗ cho đề
tài thế sự- đời tư. Đó là quan điểm nhất quán được Bích Thu khẳng định trong bài
viết của mình. Ở bài Văn học đổi mới và phát triển [2], Vũ Tuấn Anh đã đưa ra
nhận định tính chất dân chủ hóa như một xu hướng vận động của văn học sau 1975
và chỉ ra rằng chủ nghĩa nhân đạo cộng sản và chủ nghĩa yêu nước là những thước
đo cơ bản nhằm đánh giá văn học suốt một thời gian dài được vận dụng một cách
uyển chuyển và mở rộng hơn, chủ nghĩa nhân văn cũng tạo ra một động lực mạnh
mẽ thúc đẩy những thể nghiệm nghệ thuật theo khuynh hướng dân chủ hóa. Ở một
tầng bậc khác, Tôn Phương Lan đã khái quát những vấn đề cần khai thác trong xu
thế mới viết về chiến tranh. Trong văn học trước 1975, hiện thực chiến tranh được
khắc họa chưa thực sự là hiện thực theo đúng nghĩa của nó, chiến tranh được nhìn
nhận đơn giản, thuần túy một chiều, một phía và mang đậm hào quang chiến thắng
mà không hề phản ánh hết những hy sinh mất mát, những khó khăn quyết liệt,
những sai lầm, vấp váp. Trong bài viết Chiến tranh trong các tác phẩm văn chương
được giải, Tôn Phương Lan đã nhận xét: “Văn học viết về đề tài chiến tranh trong

những năm chiến tranh ít nói về buồn vui của cuộc sống thường nhật, ít nói về
những đau thương, mất mát, hy sinh trên chiến trường, ít quan tâm đến số phận con
người mà tập trung quan tâm đến số phận đất nước. Sau chiến tranh, văn học viết
về đề tài này mới có xu hướng viết về sự thật của đời sống, viết về những khó khăn,
ác liệt, những sai lầm, vấp ngã, thiếu sót của người lính trong chiến tranh cũng như
trước sự cám dỗ của cuộc sống đời thường” [92].
Khẳng định văn học sau 1975 đã, đang bước vào một chặng đường mới với
nhiều thành tựu đáng ghi nhận và sẽ còn hứa hẹn rất nhiều những sự đóng góp,
khám phá mới là quan điểm chung của rất nhiều nhà lý luận phê bình. Nhận xét về
giai đoạn văn học 1975- 1985, Hà Xuân Trường đã khẳng định: “Nền văn học của

19


chúng ta đang vươn tới. Mười năm qua là mười năm thử thách đối với bản chất xã
hội chủ nghĩa của nền văn học nước ta”. Những tác phẩm văn học bước đầu manh
nha cho một dòng văn học đổi mới chính là minh chứng cho sự vượt qua “mười
năm thử thách” ấy. Phan Cự Đệ tin tưởng: “Văn xuôi chúng ta đang bước vào một
chặng đường mới với những thành tựu đáng phấn khởi. Nó đang tập trung giải
quyết hàng loạt vấn đề mới của chủ nghĩa xã hội trong chặng đường đầu tiên của
thời kỳ quá độ, đồng thời trang trải món nợ tinh thần đối với hai cuộc chiến tranh vĩ
đại của dân tộc. Văn xuôi cũng đang có những tìm tòi, khám phá đáng kể, đáng
khích lệ những đóng góp mới về mặt thể loại và phong cách thể hiện”, (Mấy vấn đề
lí luận văn xuôi hiện nay- Tạp chí Văn học, số 5-1986). Trong Mấy ghi nhận về sự
đổi mới của tư duy nghệ thuật và hình tượng con người trong văn học ta thập kỷ
qua, Trần Đình Sử đã tổng kết: “Nhìn chung có thể khẳng định được là nền văn học
nước ta thập kỉ vừa qua đánh dấu sự biến đổi đáng kể của tư duy văn học và đang ở
vào thời kỳ mới, thời kỳ hứa hẹn một sự khám phá và tái hiện hình tượng con
người nhiều mặt trong tất cả chiều sâu phong phú của nó”. Đinh Xuân Dũng đã có
những phân tích mang tính lý luận, khái quát khá toàn diện và sâu sắc sự thay đổi

trong cảm nhận về chiến tranh của các nhà văn ở một tâm thế mới: “Khuynh hướng
chính của sự phát triển, mặc dầu trải qua không ít khó khăn, nhiều nhà văn trong số
những người nhiều năm viết về chiến tranh trong chiến tranh, đã bứt lên, tự đổi mới
chính mình, đặc biệt các nhà văn hình thành vào cuối thời kỳ chống Mỹ, đã cho ra
đời những tác phẩm thực sự đổi mới, đáp ứng nhu cầu xã hội và minh chứng cho
một nhu cầu xã hội không thể né tránh của mảng văn học viết về chiến tranh sau
chiến tranh. Đó là sự đào sâu mới, đó là khả năng phân tích bình giá và mổ xẻ hiện
thực đa chiều của chiến tranh, đó là sự phân tích mối quan hệ cực kỳ phức tạp giữa
số phận từng con người với biến cố chiến tranh, đó là năng lực khám phá và đặt ra
những vấn đề nóng bỏng nhất trong chiến tranh và sau chiến tranh do tác động dai
dẳng của chiến tranh trong đời sống của từng cá nhân và toàn xã hội” [33].

20


1.2.2. Nguyễn Trọng Oánh (1929 – 1993) là một trong những cây bút trưởng
thành và gắn liền sự nghiệp sáng tác văn học của mình với đời sống quân ngũ và
chiến trường. Ông mở đầu hành trình văn chương bằng thể loại thơ tuy không nhiều
và chủ yếu là sáng tác trong thời kỳ trước 1975. Đóng góp lớn nhất của Nguyễn
Trọng Oánh là bộ tiểu thuyết 2 tập Đất trắng (Tập 1, 1979; Tập 2, 1984). Tác phẩm
là sự khắc hoạ hiện thực chiến trường vùng ven Sài Gòn sau cuộc tổng tiến công và
nổi dậy sau tết Mậu Thân 1968, thời điểm khốc liệt, cam go, đầy thử thách của
cuộc kháng chiến chống Mỹ, Trung đoàn 16 với nhiệm vụ tiếp tục tử thủ, chiến đấu
“một mất một còn” với kẻ thù quyết giành lại địa bàn, giành lại nhân dân dù chịu
nhiều tổn thất, hy sinh. Tác phẩm đã nhận Giải thưởng của Bộ Quốc phòng và Hội
Nhà văn Việt Nam năm 1984.
Có thể khẳng định, với Đất trắng, Nguyễn Trọng Oánh đã khai mở cho một sự
đổi mới cách nhìn, cách tiếp cận và phản ánh hiện thực chiến tranh. Bên cạnh việc
tái tạo bộ mặt chiến trường qua từng trận đối đầu khốc liệt, Nguyễn Trọng Oánh
còn đi sâu khai thác “cuộc chiến” trong lòng mỗi con người tham chiến ở tầng sâu

nhân cách. Bộ tiểu thuyết đã lột tả trung thực, đa chiều và toàn diện hiện thực cuộc
chiến. Qua Đất trắng, hiện thực chiến tranh đã được tái dựng, hiện hữu với tất cả sự
tàn sát dữ dội, sự đau thương chất ngất, lòng dũng cảm kiên cường và cả sự phản
bội. Đó có thể xem là sự lựa chọn can đảm trong lối viết của Nguyễn Trọng Oánh,
đưa tác phẩm trở thành một sự kiện của mảng văn học viết về chiến tranh, thậm chí
là một “nghi án” trong đời sống văn học đương thời và đỉnh điểm là Đất trắng bị
thu hồi ngay chính trên quê hương tác giả. Tuy nhiên, sự vinh danh, vị thế Đất
trắng trong dòng chảy của văn học chiến tranh cách mạng và trong ký ức của cộng
đồng tiếp nhận đã nói lên tất cả giá trị của bộ tiểu thuyết để đời cho cả một sự
nghiệp của Nguyễn Trọng Oánh.
Đất trắng của Nguyễn Trọng Oánh xuất hiện năm 1979- nghĩa là chỉ bốn năm
sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng- dường như đã gợi mở những suy nghĩ mới
cho tiểu thuyết về đề tài chiến tranh giai đoạn này. Hiện thực chiến tranh trong Đất

21


trắng được tái hiện khá chân thực và đầy đủ từ những khó khăn gian khổ cho đến
những thương vong, mất mát hy sinh, thậm chí là cả sự phản bội… Người đọc cảm
nhận rõ nét hơn bao giờ hết sự dữ dội của cuộc chiến đấu, sự thiệt hại nặng nề của
quân đội ta và đặc biệt là cái giá của chiến công và chiến thắng cuối cùng. Đất
trắng vượt lên trên tất cả những tác phẩm viết về chiến tranh cùng thời bởi cái nền
hiện thực cực kỳ nghiệt ngã ấy.
Nhà phê bình Đặng Quốc Nhật đã nhận xét về Đất trắng: “Đất trắng gợi ra
cho chúng ta những suy nghĩ mới cho tiểu thuyết về đề tài chiến tranh lúc này. Ở
đây người đọc thấy được sự dữ dội của cuộc chiến đấu giữa ta và địch, những thiệt
hại nặng nề của ta, những vùng đất trắng, sự chịu đựng đến mức ghê gớm, cái giá
của chiến thắng và chiến công cuối cùng”. Nhà nghiên cứu Trần Duy Thanh ghi
nhận: “Đất trắng nằm trong số tiểu thuyết viết về chiến tranh xuất hiện sau chiến
tranh đã có chặng đường dài một thập kỷ. Một thử thách với tác giả cũng như nhiều

cây bút khác là: yêu cầu của bạn đọc khắt khe hơn; không thể miêu tả chiến tranh
một cách dễ dãi, toàn những chuyện ngọt ngào, suôn sẻ. Và ai cũng thấy là tiểu
thuyết với đề tài chiến tranh sau 1975 đã có những khởi sắc”, [165].
Đánh giá về Đất trắng, Ngô Văn Phú đã coi đây là bộ tiểu thuyết viết về chủ
đề chiến tranh với những biểu hiện táo bạo và mới mẻ: “Đất trắng đã mở đầu cho
lối viết mới, suy nghĩ mới cho tiểu thuyết chiến tranh, sau ngày toàn thắng. Hiện
thực chiến tranh được đề cập ở mức độ quyết liệt, đến một thời điểm mà cuộc chiến
đấu chính nghĩa của ta gặp khó khăn không tưởng tượng nổi. và chính trong một
không gian, thời gian cụ thể ấy, phẩm chất của con người mới được tôi luyện, cái
chân cái giả mới bộc lộ rõ ràng” [153, tr. 19]. Và có lẽ những tâm sự của nhà văn
Nguyễn Trọng Oánh về tiểu thuyết Đất trắng đã nói lên tất cả: “Tôi nói chuyện với
người hôm nay bằng câu chuyện của hôm qua… Nói về quá khứ một cách nghiêm
túc và trung thực thì không sợ không có điều gì để nói với hôm nay”.
Vẫn ở mảng đề tài chiến tranh, văn học Việt Nam sau 1986 đã có những
bước đột phá ấn tượng. Đón nhận luồng không khí đổi mới của đất nước và thời đại

22


các nhà văn trong giai đoạn này đã có những góc nhìn, góc nghĩ, và phương cách
thể hiện vừa mang đậm dấu ấn cá nhân, vừa chất chứa tính nhân văn sâu sắc. Với
họ đề tài chiến tranh không chỉ là sự giải tỏa của ký ức trong quá khứ, nó phải gắn
liền với cuộc sống muôn mặt để hướng tới đối thoại và đồng cảm với những người
cùng thời. Sự cách tân đó là hoàn toàn phù hợp với sự phát triển của văn học cũng
như nhu cầu đổi mới, khát vọng dân chủ trong xã hội, và có thể thấy rằng, một
hướng tiếp cận mới về hiện thực chiến tranh đã được hình thành. Chiến tranh đã
được nhìn sâu từ bản chất, hiện thực chiến tranh được khắc họa từ số phận cá nhân,
chiến tranh được tái dựng trong bối cảnh, yêu cầu của cuộc sống thời bình Và có lẽ
sẽ không ai có thể phủ nhận rằng tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh là
đỉnh cao của dòng văn học viết về chiến tranh thời kỳ đổi mới.

Bảo Ninh (1952) được xem là một trong những gương mặt tiêu biểu của văn
học Việt Nam thời kỳ đổi mới tuy bước vào nghiệp văn khá muộn và trầm lắng. Đã
từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên tại mặt trận B3, sau khi rời
quân ngũ, Bảo Ninh đã tiếp tục học tập và làm một công việc ít liên quan đến văn
chương. Tuy nhiên, như một sắp đặt của số phận, từ 1984 đến 1986, Bảo Ninh theo
học trường viết văn Nguyễn Du và bắt đầu sự nghiệp bằng những truyện ngắn. Tuy
được đánh giá là một trong những cây bút “có duyên với truyện ngắn”, nhưng phải
sau sự ra đời của Nỗi buồn chiến tranh - cuốn tiểu thuyết đầu tay và duy nhất của
Bảo Ninh tính đến thời điểm hôm nay - tên tuổi của ông mới thực sự gây chú ý,
được dư luận trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm.
Nỗi buồn chiến tranh là một tác phẩm có số phận khác thường. Trong lần
xuất bản đầu tiên năm 1990, cuốn sách ra mắt bạn đọc với tên gọi Thân phận của
tình yêu, một cái tên đã thu hẹp diện phản ánh và làm giảm nhiều ý nghĩa đặt ra từ
tác phẩm. Được biết tiêu đề này do Nhà xuất bản Hội Nhà văn đặt. Một năm sau
đó, tác phẩm được tái bản với đúng tên gọi ban đầu của tác giả: Nỗi buồn chiến
tranh. Năm 1991, cuốn tiểu thuyết được trao tặng Giải thưởng Hội Nhà văn Việt
Nam, được đông đảo bạn đọc nồng nhiệt đón nhận và nhanh chóng trở thành một

23


hiện tượng của văn học thời kỳ đổi mới, rộng ra là văn học Việt Nam hiện đại nửa
cuối thế kỷ XX. Nỗi buồn chiến tranh được đánh giá là một tiểu thuyết có lối viết
mới và khác so với những tác phẩm cùng thời. Đó là sự khai thác chiến tranh ở tận
cùng bi thảm, tận cùng bất tuyệt. Bảo Ninh đã miêu tả chiến tranh không phải là
một bài ca chiến trận hào hùng mà là khám phá số phận con người và nỗi niềm cá
nhân. Chiến tranh không chỉ có sự khốc liệt nơi chiến trường mà còn là những ám
ảnh nặng nề, những nỗi đau không thể xoa dịu, kết tụ, trở thành “chấn thương tinh
thần”, “hội chứng chiến tranh” ở người lính thời hậu chiến - những con người vừa
trở về từ chiến thắng vinh quang. Nhà văn Nguyên Ngọc đã khẳng định: “Xét về

mặt nghệ thuật, đó là thành tựu cao nhất của văn học đổi mới” [138]. Bên cạnh đó,
Nỗi buồn chiến tranh cũng tạo nên làn sóng mạnh từ dư luận quốc tế. The
Guardian, một tờ báo Anh đã nhận định: “Một cuốn tiểu thuyết không thể đặt
xuống. Bất kỳ nhà chính trị hoặc nhà hoạch định chính sách nào của Mỹ cũng cần
nên đọc cuốn sách này. Nó lẽ ra phải được giải Pulitzer, nhưng đã không được. Nó
quá hấp dẫn để xứng được thế” [14]. Dennis Mansker, thành viên của hội cựu binh
vì hoà bình và hội cựu binh Việt Nam chống chiến tranh, tác giả cuốn sách Abad
Attitudu: A Novel from the Vietnam War đã hết sức kinh ngạc khi được đọc Nỗi
buồn chiến tranh: “Đây là một bức tranh trung thực và tàn nhẫn đến kinh ngạc. Đã
đến lúc thế giới phải thức tỉnh trước nỗi đau mang tính phổ quát của những người
lính ở mọi bên xung đột và cuốn sách này là nên đọc đối với những ai chọn nghề
“binh nghiệp”” [131]. Có thể khẳng định, cùng với những cách tân đồng bộ, mạnh
mẽ về nội dung cảm hứng, hình thức và thi pháp, qua Nỗi buồn chiến tranh Bảo
Ninh đã đưa văn học Việt Nam hội nhập với không khí phát triển theo chiều hướng
hiện đại và hậu hiện đại của văn học toàn cầu.
Với Nỗi buồn chiến tranh Bảo Ninh đã xác lập một cách nhìn mới, một
phương cách thể hiện mới về hiện thực chiến tranh. Hiện thực chiến tranh trong Nỗi
buồn chiến tranh được biểu hiện qua những hồi ức bị cắt vụn, qua rất nhiều những
cái chết, qua sự tổn hại của nhân tính, qua một mối tình đau khổ với những vết

24


thương mãi mãi không lành, qua sự tự thú, sám hối… Tất cả đã gợi nên sức mạnh
hủy diệt của chiến tranh. Đó thực sự là một cuốn tiểu thuyết của chiến tranh, về
chiến tranh, vừa là “nỗi thống khổ đớn đau”, vừa là đỉnh “vinh quang hạnh phúc”
của cả một dân tộc.
Cùng với Nguyễn Trọng Oánh, nhà văn Bảo Ninh với tiểu thuyết Nỗi buồn
chiến tranh thực sự trở thành một “điểm nhấn”, một hiện tượng đặc biệt thu hút sự
quan tâm của đông đảo người viết, kể cả giới sáng tác lẫn nghiên cứu phê bình.

Đánh giá về Nỗi buồn chiến tranh nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng: “Đây là một
cuốn sách nghiền ngẫm về hiện thực- hiện thực chiến tranh và hậu chiến” [138, tr.
6- 14]. Đỗ Đức Hiểu trong Thi pháp hiện đại [67] đã viết: “Trong văn học mấy
chục năm nay, có thể Thân phận của tình yêu (tên gọi khác của Nỗi buồn chiến
tranh) là cuốn tiểu thuyết hay về tình yêu, quyển tiểu thuyết về tình yêu xót thương
nhất” và ông cho rằng “Nỗi buồn chiến tranh thể hiện một điểm nhìn mới về cuộc
chiến tranh kéo dài ba mươi lăm năm”.
Nét đổi mới đặc sắc của Nỗi buồn chiến tranh không chỉ bộc lộ ở chiều sâu
tư tưởng tư duy nghệ thuật mà còn là những cách tân theo chiều hướng hiện đại,
hậu hiện đại của thi pháp thể loại. Đó là nỗi đau, nỗi mất mát, nỗi ám ảnh kinh
hoàng của người lính về sự tàn khốc của chiến tranh. Vượt lên trên nỗi đau thể xác
là nỗi đau tinh thần, và gọi đúng tên của nó là “hội chứng chiến tranh”. Về vấn đề
này Trần Đình Sử cho rằng: “Văn học nói nhiều đến tính chính nghĩa, tính anh
hùng, tính cách mạng nhưng chưa có gì đáng kể về tính tàn bạo, tính hủy diệt, bi
thảm của nó, những tính chất không chỉ thể hiện ở cái chết nơi chiến trận, mà còn
mở rộng thành cái chết nơi tâm hồn…” [138, tr. 6- 14]. Nguyễn Đăng Điệp lại nhìn
thấy sự mới mẻ trong cách viết và tiếp cận hiện thực của Bảo Ninh qua kỹ thuật
dòng ý thức: "Cho dù viết nhiều về chiến tranh nhưng xét đến cùng tinh huyết của
Bảo Ninh kết tụ trong cuốn tiểu thuyết để đời của ông: Thân phận của tình yêu.
Toàn bộ tác phẩm là niềm khắc khoải không nguôi của một người lính bước ra từ
cuộc chiến khắc nghiệt ấy. Vì thế, nó trung thực đến tận đáy..." [164- tr. 399].

25


×