Tải bản đầy đủ (.pdf) (95 trang)

Đề tài quá khứ trong sáng tác của nguyễn tuân trước cách mạng

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (707.62 KB, 95 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
-----------------------------------------

PHẠM THỊ HỒNG NGỌC

ĐỀ TÀI QUÁ KHỨ TRONG SÁNG TÁC
CỦA NGUYỄN TUÂN TRƢỚC CÁCH MẠNG

LUẬN VĂN THẠC SĨ
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam

Hà Nội- 2015


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
------------------------------------------

PHẠM THỊ HỒNG NGỌC

ĐỀ TÀI QUÁ KHỨ TRONG SÁNG TÁC
CỦA NGUYỄN TUÂN TRƢỚC CÁCH MẠNG

Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Mã số: 60 22 01 21

Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. HÀ VĂN ĐỨC

Hà Nội- 2015



MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ............................................................................................................................ 3
1. Lí do chọn đề tài. ................................................................................................. 3
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề. .................................................................................. 4
2.1. Những bài báo, công trình nghiên cứu về Nguyễn Tuân nói chung ............. 4
2.2. Những bài báo, công trình nghiên cứu về đề tài quá khứ của Nguyễn Tuân 6
3. Mục đích, nhiệm vụ của đề tài. ..............................................................................8
4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu. .........................................................................10
4.1. Đối tượng. ................................................................................................... 10
4.2. Phạm vi nghiên cứu: ................................................................................... 10
5. Phương pháp nghiên cứu .........................................................................................8
6. Cấu trúc luận văn ............................................................................................... 11
NỘI DUNG ...................................................................................................................... 10
Chƣơng 1: Hành trình sáng tác và quan điểm nghệ thuật của Nguyễn Tuân
trƣớc Cách mạng tháng Tám năm 1945. ........................................................... 10
1.1. Hành trình sáng tác của Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám. .......... 10
1.2. Các đề tài chính trong các sáng tác của Nguyễn Tuân trước Cách mạng ...... 11
1.2.1. Đề tài về chủ nghĩa “xê dịch” .................................................................. 12
1.2.2. Đề tài viết về vẻ đẹp quá khứ. ................................................................. 16
1.2.3. Đề tài cuộc sống hưởng lạc ...................................................................... 18
1.3. Quan điểm nghệ thuật của Nguyễn Tuân ....................................................... 20
1.3.1. Quan niệm của Nguyễn Tuân về cái đẹp ................................................. 20
1.3.2. Quan niệm nghệ thuật .............................................................................. 22
1.3.3. Quan niệm nghệ thuật về con người: ....................................................... 25
Chƣơng 2: Bức tranh thiên nhiên, con ngƣời và cuộc sống ........................... 29
2.1. Lí tưởng hóa cuộc sống quá khứ: ................................................................... 29
2.1.1. Giới thuyết vấn đề.................................................................................... 31
2.1.2. Vẻ đẹp của những bức tranh thiên nhiên. ................................................ 31
2.1.3. Vẻ đẹp thể hiện trong lối sống sinh hoạt. ................................................ 34



2.1.3.1. Nghệ thuật ẩm thực ............................................................................ 34
2.1.3.2. Thú vui chơi tao nhã .......................................................................... 40
2.1.3.3. Lối ứng xử tinh tế .............................................................................. 41
2.1.3.4. Nét tài hoa nghề nghiệp .................................................................... 43
2.2. Những kiểu nhân vật tiêu biểu trong sáng tác về đề tài quá khứ của Nguyễn
Tuân trước Cách mạng .......................................................................................... 45
2.2.1. Giới thuyết vấn đề.................................................................................... 45
2.2.2. Những kiểu nhân vật trong sáng tác của Nguyễn Tuân trước Cách mạng47
2.2.2.1. Những nhà nho cuối mùa bi quan, chán nản trước thời cuộc. ........... 47
2.2.2.2. Những con người lãng tử thích cuộc sống giang hồ, xê dịch. ........... 52
2.2.2.3. Những con người nghệ sĩ tài hoa, tài tử. ........................................... 54
Chƣơng 3: Nghệ thuật thể hiện .......................................................................... 58
3.1. Thời gian và không gian nghệ thuật. .............................................................. 58
3.2. Tình huống truyện đặc sắc .............................................................................. 62
3.3. Ngôn ngữ và giọng điệu: ................................................................................ 65
3.3.1. Ngôn ngữ ................................................................................................. 65
3.3.1.1. Ngôn ngữ kiểu cách, trang trọng ....................................................... 66
3.3.1.2. Hệ thống từ láy phong phú và tinh tế ................................................ 70
3.3.1.3. Ngôn ngữ so sánh, giàu hình ảnh, âm thanh và nhạc điệu ................ 71
3.3.2. Giọng điệu: .............................................................................................. 72
3.3.2.1. Giọng điệu khinh bạc ......................................................................... 73
3.3.2.2. Giọng điệu trữ tình mang màu sắc hoài niệm .................................... 75
3.4. Kết cấu ............................................................................................................ 77
3.4.1. Kết cấu tự do, linh hoạt, phóng túng ....................................................... 78
3.4.2. Kết cấu lồng ghép .................................................................................... 79
3.5. Thủ pháp nghệ thuật tương phản, đối lập ....................................................... 82
KẾT LUẬN ...................................................................................................................... 87
TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................................................. 89



PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài.
Công cuộc hiện đại hóa văn học Việt Nam diễn ra từ đầu thế kỉ XX đến Cách
mạng tháng Tám năm 1945 đã tạo ra những chuyển biến mang tính bước ngoặt cho
nền văn học dân tộc, tạo đà cho văn học Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đạt được
những thành tựu rực rỡ. Trong khoảng thời gian gần nửa thế kỉ, nền văn học đã xuất
hiện một đội ngũ nhà văn đông đảo, có tài năng và tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị.
Một trong số đó là Nguyễn Tuân- một nhà văn lớn, có phong cách tài hoa, độc đáo.
Cho đến nay và mãi nhiều năm về sau nữa, chắc chắn không ai nghi ngờ vị trí hàng
đầu trong làng văn Việt Nam hiện đại của Nguyễn Tuân. Ông là “một trong mấy
nhà nhà văn lớn mở đường, đắp nền cho văn xuôi Việt Nam thế kỷ XX” (Nguyễn
Ðình Thi). Nói đến Nguyễn Tuân là nói đến một giá trị hiển nhiên, gợi nhắc một
vùng trời riêng, xôn xao thanh âm ngôn ngữ dân tộc. Sáng tác của ông tồn tại vừa
như những giá trị thẩm mỹ độc lập vừa gợi ý, kích thích tìm tòi, sáng tạo lên các giá
trị mới.
Trong hơn 50 năm cầm bút, với tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc, ông
đã để lại một di sản văn học đồ sộ, với nhiều thể loại từ tiểu thuyết, truyện ngắn,
phóng sự, tùy bút... làm phong phú, đa dạng cho nền văn học Việt Nam hiện đại.
Trên hành trình sáng tạo đầy nhọc nhằn nhưng cũng đầy vinh quang, Nguyễn Tuân
giống như một người “phu chữ” cần mẫn, kiên trì trên cánh đồng nghệ thuật để cho
ra đời những áng văn chương mà mỗi khi đọc nó, ta như được khai sáng về vẻ đẹp
của chữ nghĩa. Bởi vậy, văn của Nguyễn Tuân cũng rất kén độc giả, “chỉ người ưa
suy xét đọc Nguyễn Tuân mới thấy thú vị, vì văn Nguyễn Tuân không phải thứ văn
để người nông nổi thưởng thức” (Vũ Ngọc Phan).
Trước Cách mạng tháng Tám, sáng tác của Nguyễn Tuân tập trung ở ba đề tài
lớn: Đề tài xê dịch, giang hồ; đề tài viết về quá khứ và đề tài về cuộc sống hưởng
lạc. Dù viết về đề tài nào thì ở nơi mạch ngầm của các trang sách vẫn là lòng yêu
nước thiết tha, tinh thần dân tộc sâu sắc. Qua luận văn này, chúng tôi muốn tìm hiểu



một phần trong những đóng góp quan trọng của ông. Đó là Đề tài quá khứ trong
sáng tác của Nguyễn Tuân trước Cách mạng.
Nguyễn Tuân là một nhà văn lớn, độc đáo và có cá tính mạnh nên từ trước đến
nay có nhiều công trình nghiên cứu và bài viết về Nguyễn Tuân. Ở đề tài viết về quá
khứ, nhiều nhà nghiên cứu đã có những bài viết khá sâu sắc, giúp người đọc khám
phá giá trị ẩn tàng trong từng trang viết của nhà văn. Tuy nhiên, đó chỉ là những bài
viết đơn lẻ, chưa thành hệ thống, chúng tôi nhận thấy chưa có công trình nào đi sâu
nghiên cứu về đề tài quá khứ trong sáng tác của Nguyễn Tuân trước Cách mạng.
Bản thân tôi luôn hứng thú, say sưa và yêu mến những trang viết tài hoa của ông. Đi
sâu tìm hiểu về đề tài này, tôi có cơ hội bổ sung, trau dồi kiến thức về Nguyễn Tuân
thêm phong phú, vững vàng; có thêm hiểu biết về vẻ đẹp văn hóa tinh thần của một
thời đã xa, thêm trân trọng và giữ gìn vẻ đẹp đó trong thời đại mới, cũng như mang
lại cái nhìn rộng mở hơn khi giảng dạy các tác phẩm của ông trong nhà trường.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề.
Kể từ khi xuất hiện trên văn đàn, văn chương và con người Nguyễn Tuân luôn
trở thành đề tài gây sự chú ý cho người đọc nói chung và cho các nhà nghiên cứu
nói riêng. Đã có rất nhiều công trình đi sâu nghiên cứu về cuộc đời, con người và
sáng tác của ông
2.1. Những bài báo, công trình nghiên cứu về Nguyễn Tuân nói chung
Những bài viết nghiên cứu về cuộc đời và tác phẩm nói chung: Có thể nói
người tiên phong đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu này chính là Nguyễn Đăng
Mạnh. Ông cũng là người nghiên cứu về Nguyễn Tuân một cách khá toàn diện và
sâu sắc. Từ bài tiểu luận in ở đầu Tuyển tập Nguyễn Tuân (2 tập, năm 19841986) và bài giới thiệu trong Toàn tập Nguyễn Tuân (1988), bên cạnh đó ông còn
có bài viết Nguyễn Tuân- một phong cách độc đáo và tài hoa, Nguyễn Đăng
Mạnh đã giúp người đọc có sự nhìn nhận khách quan về nhà văn. Ông đã phân tích
một cách sâu sắc, thấu đáo sự nghiệp, quan điểm, phong cách nghệ thuật, đặc trưng
thể loại của nhà văn Nguyễn Tuân. Nhà nghiên cứu đã nhấn mạnh đến nét nổi bật ở
nhà văn Nguyễn Tuân đó là cá tính Ngông: “Nguyễn Tuân bước vào nghề văn như



để chơi ngông với thiên hạ. Về căn bản đó là phản ứng của chủ nghĩa cá nhận kiêu
ngạo ở một thanh niên trí thức giàu sức sống nhưng bế tắc (…). Nhu cầu chơi
ngông buộc Nguyễn Tuân phải đẩy mọi cái thông thường tới cái cực đoan, thậm chí
tới mức trở thành những kỳ thuyết, nghịch thuyết” [34, tr. 288]. Nhà nghiên cứu còn
nhấn mạnh đến đến cái tôi của nhà văn Nguyễn Tuân như một yếu tố có tính quyết
định tới phong cách riêng của nhà văn. Ngoài ra, Nguyễn Đăng Mạnh còn có những
nhận xét rất sâu sắc về ngôn ngữ của nhà văn Nguyễn Tuân: “Nguyễn Tuân có một
kho từ vựng hết sức phong phú… Không chỉ tích lũy những từ sẵn có, ông luôn luôn
có ý thức sáng tạo từ mới và cách dùng từ mới…”. Nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ
cũng đánh giá cao về Nguyễn Tuân. Qua quá trình Lột xác đầy trăn trở của Nguyễn
Tuân sau Cách mạng, Phan Cự Đệ cũng đưa ra lý giải một cách sâu sắc: “Sau Cách
mạng nhà văn không đối lập hai yếu tố thẩm mĩ và xã hội nhưng anh vẫn nắm bắt
nhanh những mặt đẹp, nhạy cảm với cuộc sống mới từ góc độ thẩm mĩ”. Từ đó,
người ta thấy Nguyễn Tuân và văn chương của ông là một mảnh đất màu mỡ, đầy bí
ẩn mời gọi các nhà nghiên cứu đến tìm tòi và khám phá. Rất nhiều bài viết và công
trình nghiên cứu của nhiều tác giả khác ra đời: Nhà văn Nguyễn Tuân, Nguyễn
Tuân- huyền thoại một thời của Vương Trí Nhàn; Nguyễn Tuân, ngƣời săn tìm
cái đẹp của Nguyễn Trung Thành. Quan niệm về cái đẹp của Nguyễn Tuân trong
sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Thị Thanh Minh, Nguyễn Tuân và cái đẹp của
Hà Văn Đức. Những bài viết của các tác giả kể trên đều đi sâu vào quan niệm thẩm
mỹ của Nguyễn Tuân để phát hiện ra cái đẹp qua các tác phẩm của nhà văn ở cả hai
giai đoạn sáng tác. Bên cạnh đó là những bài viết ghi lại hồi ức, kỷ niệm về Nguyễn
Tuân của gia đình, bạn bè nhà văn. Đó là những tư liệu quý giá giúp ta hiểu thêm về
tài năng và nhân cách nhà văn.
Nhắc đến Nguyễn Tuân không thể không nói tới thể loại tùy bút. Ở đây, có thể
kể ra những bài nghiên cứu tiêu biểu: Nguyễn Tuân trong tùy bút của Phong Lê;
Nguyễn Đăng Mạnh có bài Thể tài tùy bút của Nguyễn Tuân (Trích trong lời giới
thiệu cuốn Tuyển tập Nguyễn Tuân. Những bài viết này làm rõ mối quan hệ giữa

chủ thể văn tùy bút với sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật và dấu ấn độc đáo cũng như


sở trường của nhà văn Nguyễn Tuân. Nguyễn Đăng Mạnh đã khẳng định “cá tính
và phong cách của Nguyễn Tuân tự tìm đến thể tài tùy bút như là một tất yếu. Trong
văn học, có lẽ đây là thể tài chủ quan nhất và tự do nhất” . Nhà nghiên cứu Hà Văn
Đức có bài Tùy bút Nguyễn Tuân sau Cách mạng tháng Tám (Một số đặc điểm
thể loại) in trong tập Năm mƣơi năm văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng
Tám (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 1996) đã đưa ra nhiều đánh giá và nhận định
sâu sắc về những đặc điểm của tùy bút Nguyễn Tuân xét về mặt thể loại.
2.2. Những bài báo, công trình nghiên cứu về đề tài quá khứ của Nguyễn Tuân.
Nhà văn Thạch Lam trong bài Đọc lại Vang bóng một thời (in trên tạp chí
Ngày nay, số 212, ngày 15 Juin 1940) đã phát hiện ra mảng đề tài quá khứ trong
sáng tác của Nguyễn Tuân ngay khi ông xuất hiện trên văn đàn. Thạch Lam cho
rằng: “Có lẽ thu nhặt và kể lại những truyện, việc ngày xưa là một việc đáng chú ý,
nhưng mà dễ. Nhưng phải yêu mến dĩ vãng, phải tiếc thương và muốn vớt lại những
vẻ đẹp đã qua, mới có thể làm sống lại cả một thời xưa được. Vì cái ý ấy, Nguyễn
Tuân cũng đáng cho chúng ta cảm ơn rồi. Tác phẩm của ông lại có một giá trị sáng
tác và văn chương đặt ông vào địa vị một nhà văn cho chúng ta nhiều hy vọng.
Vang bóng một thời là một sản phẩm đáng quý, đánh dấu bước đường trở lại tìm
những cái đẹp xưa mà các nhà văn ta thường xao nhãng” [24, tr. 91]. Thạch Lam
đã tỏ ra rất tinh tế khi phát hiện ra giá trị sáng tác và văn chương của Nguyễn Tuân
ngay từ buổi ban đầu. Năm 1971, Phan Cự Đệ trong bài viết Đọc lại Vang bóng
một thời của Nguyễn Tuân đã lần đầu tiên đề cập đến hệ thống nhân vật trong tập
truyện Vang bóng một thời. Còn Nguyễn Đăng Mạnh khi đánh giá về truyện ngắn
Nguyễn Tuân trước Cách mạng đã phát hiện ra “chất mĩ học hoài cựu”. Ông cho
rằng nhà văn đã biết dựng lại cái cổ xưa bằng khả năng của bút pháp, kỹ thuật hiện
đại. Khi nghiên cứu mối liên hệ giữa tiểu sử và tác phẩm, ông chỉ ra “Nguyễn Tuân
đã sống Vang bóng một thời trước khi viết Vang bóng một thời” [34, tr. 260]. Tiếp
nối những người đi trước, nhà nghiên cứu Hà Văn Đức đã có một bài viết sâu sắc,

công phu và toàn diện về sáng tác của Nguyễn Tuân trước Cách mạng ở Chương
XII của Giáo trình Văn học Việt Nam (1900- 1945), NXB Giáo dục, 1998. Ông


đồng quan điểm với các nhà nghiên cứu khác khi chỉ ra ba mảng đề tài lớn trong
sáng tác của Nguyễn Tuân trước Cách mạng: đề tài xê dịch, đề tài quá khứ và đề tài
về cuộc sống trụy lạc. Khi nhận định về mảng đề tài quá khứ, nhà nghiên cứu cho
rằng: “Thất vọng trước hiện tại, Nguyễn Tuân lại quay ra tìm kiếm một con đường
khác- con đường tìm về quá khứ, tìm kiếm trong quá khứ những gì có thể mang lại
đôi chút hơi ấm, soi rọi ít nhiều tia nắng và niềm tin cho cuộc sống đang lạnh lẽo,
tối tăm” [8, tr. 605]. Nhận xét về những giá trị tích cực nhất trong sáng tác Nguyễn
Tuân trước Cách mạng tháng Tám, ông khẳng định: Đó là tinh thần dân tộc biểu
hiện qua việc khai thác và gìn giữ cái đẹp truyền thống, trong đó phải kể đến sự gắn
bó, trân trọng tiếng mẹ đẻ của nhà văn. Nghiên cứu Nguyễn Tuân theo hướng thi
pháp học có bài viết Chất thơ trong Vang bóng một thời trong cuốn Thi pháp
hiện đại (2000) của Đỗ Đức Hiểu. Ông đã cho rằng ở Vang bóng một thời có ba
motif: motif buổi chiều máu, motif sương mờ, motif liêu trai; và chỉ ra: “Vang bóng
là chất thơ bao trùm ba motif trên; một thời chỉ rõ một thời kỳ lịch sử cụ thể, lúc
giao thời. Nguyễn Tuân, con người lãng tử, khí phách, độc lập ấy đã nhìn sâu vào
lịch sử bằng con mắt nghệ sĩ, tìm thấy một phương diện cái đẹp, cái hào hùng và
cái thuần khiết của tâm hồn trong buổi giao thời nhập nhoạng, một thời kỳ lịch sử
bị bạo lực vi phạm thô bạo” [18, tr. 34]. Từ motif ông đi vào tìm hiểu không gianthời gian, nhân vật và ngôn ngữ của tác phẩm để đưa ra những luận giải, khái quát
rất tinh tế. Có thể thấy, những nghiên cứu của các tác giả kể trên đã đi tìm hiểu đề
tài quá khứ trong sáng tác của Nguyễn Tuân trước Cách mạng để phát hiện ra giá trị
nhân văn cùng bút pháp nghệ thuật đặc trưng của nhà văn. Kế thừa những phát hiện
của các nhà nghiên cứu đi trước, cùng sự hứng thú với những giá trị văn hóa cổ
truyền của dân tộc mà ngày nay đã mai một được miêu tả trong những sáng tác của
Nguyễn Tuân trước Cách mạng, trong luận văn này chúng tôi đi sâu tìm hiểu vẻ đẹp
quá khứ trong tập truyện ngắn Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân.
Nhìn chung, lịch sử nghiên cứu những vấn đề về Nguyễn Tuân cho đến nay đã

quá nửa thế kỷ. Trong khoảng thời gian đó, nhiều ý kiến trái chiều, người khen khen
không ngớt, người chê, chê không tiếc lời nhưng cùng với thời gian, vị trí và giá trị


văn chương của Nguyễn Tuân trên văn đàn ngày càng được khẳng định vững vàng.
Sự độc đáo, một “cái tôi ngông ngạo” của nhà văn ngày nào bị “ném đá” thì nay lại
trở thành niềm say mê, hứng thú với lớp hậu thế. Di sản văn chương của ông trở
thành mảnh đất mỡ màu, được nhiều nhà nghiên cứu “canh tác” và gặt hái được
những thành tựu to lớn. Công trình của các nhà nghiên cứu trên đã góp phần làm
sáng tỏ nhiều vấn đề trong sáng tác của Nguyễn Tuân và có nhận định chính xác về
những đóng góp của nhà văn với nền văn học dân tộc. Đồng thời, công trình của các
nhà nghiên cứu cũng gợi mở đề tài cho các thế hệ sinh viên, học viên cao học
chuyên ngành Ngữ văn trên con đường khởi đầu nghiên cứu khoa học.
3. Mục đích, nhiệm vụ của đề tài.
Trong luận văn này, chúng tôi tập trung nghiên cứu, phân tích, lý giải Đề tài
quá khứ trong sáng tác của Nguyễn Tuân trƣớc Cách mạng. Đây là một đề tài
rất lý thú và hấp dẫn song cũng đầy thử thách. Song với niềm say mê đặc biệt với
nhà văn, chúng tôi góp phần làm nổi rõ thành công của Nguyễn Tuân ở cả hai
phương diện nội dung, nghệ thuật và cả hạn chế trong sáng tác của ông trước Cách
mạng.
4. Đối tƣợng, phạm vi nghiên cứu.
4.1. Đối tƣợng:
Các đề tài sáng tác của Nguyễn Tuân rất đa dạng nhưng ở luận văn này chúng
tôi nghiên cứu tìm hiểu những đóng góp của Nguyễn Tuân ở đề tài viết về quá khứ
trong những sáng tác của ông trước Cách mạng. Ở đề tài này, chúng tôi nhận thấy
nhà văn đã thể hiện một cách tài hoa, nghệ sĩ và phô diễn một pho hiểu biết sâu sắc
về vẻ đẹp của một thời đã xa nay dần phai loãng trước sự tấn công ào ạt của văn hóa
phương Tây, sự nô dịch văn hóa trong chính sách cai trị của thực dân Pháp cùng
những biến động của lịch sử. Những tác phẩm của ông như những thước phim tư
liệu quý tái hiện cho thế hệ sau hiểu biết rõ hơn về đời sống của ông cha ta trong

quá khứ.
4.2. Phạm vi nghiên cứu:


Dẫu biết khuôn khổ của một luận văn có những giới hạn nhất định về dung
lượng nhưng chúng tôi vẫn cố gắng khảo sát để bước đầu có một cái nhìn toàn diện
và sâu sắc hơn về toàn bộ những sáng tác của Nguyễn Tuân trước Cách mạng, đặc
biệt là tập truyện ngắn Vang bóng một thời.
5. Phƣơng pháp nghiên cứu
Luận văn kế thừa thành tựu của những công trình nghiên cứu đi trước, kết hợp
sử dụng các phương pháp nghiên cứu chính sau:
- Phương pháp hệ thống: nhằm nghiên cứu những sáng tác trước Cách mạng của
nhà văn Nguyễn Tuân theo một hệ thống từ hành trình sáng tác, quan điểm nghệ
thuật, các đề tài chính và những đặc sắc nghệ thuật.
- Phương pháp phân tích- tổng hợp: nhằm tìm hiểu đặc sắc về nghệ thuật trong các
sáng tác của nhà văn Nguyễn Tuân từ chi tiết, cụ thể đến khái quát giúp cho việc
nghiên cứu có sức thuyết phục cao.
- Phương pháp so sánh: được tiến hành ở một số nét tiêu biểu về nghệ thuật sáng tác
trong các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Tuân với các nhà văn, nhà thơ khác để tìm
ra nét riêng độc đáo của nhà văn này.
- Phương pháp loại hình: nhằm để khảo sát và phân loại sáng tác của Nguyễn Tuân
trước Cách mạng, giúp người nghiên cứu nắm bắt các hiện tượng trong mối quan hệ
tổng thể, bao quát; đồng thời phát hiện nét độc đáo, khác biệt, từ đó đánh giá được
những đóng góp và của Nguyễn Tuân vào quá trình hiện đại hóa văn học và thành
tựu của ông trong nền văn học Việt Nam.
6. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung chính của luận văn được triển khai trong
ba chương:
Chương 1: Hành trình sáng tác và quan điểm nghệ thuật của Nguyễn Tuân trước
Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Chương 2: Những cảm hứng lớn trong đề tài viết về quá khứ của Nguyễn Tuân
trước Cách mạng.
Chương 3: Những đặc sắc nghệ thuật.


PHẦN NỘI DUNG
CHƢƠNG 1
HÀNH TRÌNH SÁNG TÁC VÀ QUAN ĐIỂM NGHỆ THUẬT
CỦA NGUYỄN TUÂN TRƢỚC CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945.
1.1. Hành trình sáng tác của Nguyễn Tuân trƣớc Cách mạng tháng Tám
Do chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Hán học, sáng tác của Nguyễn Tuân cho đến
trước năm 1937 hầu hết được viết theo bút pháp cổ điển. Những sáng tác buổi đầu
ấy chưa gây được tiếng vang. Tuy nhiên, có thể bắt gặp ở một số trang viết tiêu biểu
như Giang hồ hành (thơ), Vƣờn xuân lan tạ chủ (truyện ngắn) những tín hiệu của
một phong cách nghệ thuật lớn. Ðó là tinh thần hoài cựu, luôn chăm chút nhặt
nhạnh những vẻ đẹp xưa dù đã tàn tạ, cuối mùa; là hệ thống nhân vật tài hoa tài tử,
nhuốm chút ngông nghênh kiêu bạc; là lối văn cầu kỳ trúc trắc mà uyên bác hơn
người.
Ðến 1937, Nguyễn Tuân lại xuất hiện trên các báo với những truyện ngắn hiện
thực trào phúng, ở đó thường vỡ ra những tràng cười châm biếm thoải mái, đậm đà
phong vị dân gian (Ðánh mất ví, Một vụ bắt rƣợu lậu, Mƣời năm trời mới gặp
lại cố nhân). Tuy nhiên, do trào lưu hiện thực phê phán lúc bấy giờ đã phát triển rất
mạnh với nhiều tên tuổi lớn như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng,
Nam Cao,... cho nên thật không dễ dàng đối với Nguyễn Tuân trong việc tìm một vị
trí có hạng trên văn đàn. Vả chăng, có lẽ hơn ai hết, Nguyễn Tuân sớm nhận ra rằng
thể loại truyện ngắn vẫn chưa phù hợp với sở trường của mình.
Nguyễn Tuân chỉ thực sự được công nhận như một phong cách văn chương
độc đáo kể từ tùy bút - du ký Một chuyến đi (1938). Tác phẩm là tập hợp những
trang viết từ chuyến du lịch không mất tiền sang Hương Cảng để tham gia thực hiện
bộ phim Cánh đồng ma. Nét đặc sắc nhất ở Một chuyến đi chính là giọng điệu. Có

thể nói đến đây Nguyễn Tuân mới tìm được cách thể hiện giọng điệu riêng, một
giọng điệu hết sức phóng túng, linh hoạt đến kỳ ảo: “Khi thì trang nghiêm cổ kính,
khi thì đùa cợt bông phèng, khi thì thánh thót trầm bổng, khi thì xô bồ bừa bãi như
là ném ra trong một cơn say chếnh choáng, khinh bạc đấy, nhưng bao giờ cũng rất


đỗi tài hoa” [34, tr. 255]. Nhân vật chính trong tác phẩm là cái tôi ngông nghênh
kiêu bạc của nhà văn. Một cái tôi sau quá nhiều đắng cay tủi cực đã hầu như hoài
nghi tất cả, chỉ còn tin ở cái vốn tình cảm, ý nghĩ, cảm xúc sắc sảo và tinh tế của
mình tích lũy được trên bước đường xê dịch.
Một năm sau, 1939, với tập truyện Vang bóng một thời, Nguyễn Tuân đã
vươn đến đỉnh cao của sáng tạo nghệ thuật. Tác phẩm góp phần đưa nghệ thuật văn
xuôi Việt Nam phát triển thêm một bước mới trên con đường hiện đại hóa. Tác
phẩm được xem như một bảo tàng lưu giữ các giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc.
Từ sau Vang bóng một thời đến năm 1945, sáng tác của Nguyễn Tuân dần đi
vào ngõ cụt. Nếu như ở Thiếu quê hƣơng (1940), Chiếc lƣ đồng mắt cua (1941)
tuy mải mê với những lạc thú trần tục, cái Tôi vẫn còn đầy tự trọng và giữ được ý
thức về bản thân mình thì từ 1942, tình hình có khác đi. Vẫn cái Tôi ấy nhưng đã có
vẻ mất tự tin và niềm tin vào cuộc sống. Trong những năm đen tối này, đời sống
tinh thần của Nguyễn Tuân lâm vào tình trạng ngày càng khủng hoảng sâu sắc.
Những trang viết thưa dần. Bên cạnh những đề tài cũ (vẻ đẹp xưa, đời sống trụy
lạc), xuất hiện thêm các đề tài mới hướng về thế giới của yêu tinh, ma quỷ. Ngay
tiêu đề các tác phẩm Xác ngọc lam, Ðới roi, Rƣợu bệnh, Loạn âm cũng đủ nói lên
tình trạng bế tắc của ngòi bút Nguyễn Tuân thời kỳ này.
Dõi theo quá trình sáng tác của Nguyễn Tuân giai đoạn trước Cách mạng
tháng Tám, thật dễ nhận ra sự thay đổi rõ rệt về tư tưởng nghệ thuật, nhất là từ
Vang bóng một thời trở về sau. Ðiều này hoàn toàn có thể lý giải được nếu nhìn
vào quy luật của chủ nghĩa lãng mạn : bao giờ cũng khởi đầu thật ấn tượng bằng
việc khám phá và đề cao cái tôi cá nhân, để rồi sau giây phút choáng ngợp ấy tất cả
vụt trở nên nhỏ nhoi, trống vắng và buồn chán đến nao lòng. Dẫu sao, những trang

viết của Nguyễn Tuân vẫn luôn được đón nhận bằng thái độ trân trọng và thông cảm
sâu sắc bởi độc giả nhận ra ở đấy một tấm lòng chân thành, gắn bó tha thiết với quê
hương bằng biết bao sợi dây tình cảm tế nhị, cả trong những thời điểm khắc nghiệt
nhất.
1.2. Các đề tài chính trong các sáng tác của Nguyễn Tuân trƣớc Cách mạng


1.2.1. Đề tài giang hồ, xê dịch
Sự tiếp xúc với văn học phương Tây hồi đầu thế kỉ XX đã ảnh hưởng lớn đến
văn học Việt Nam. Nhiều trào lưu, chủ nghĩa có nguồn gốc từ phương Tây đã du
nhập vào nước ta và được các nhà văn, nhà thơ Việt Nam tiếp nhận nồng nhiệt. Chủ
nghĩa xê dịch của Nguyễn Tuân là một thứ lí thuyết vay mượn từ văn học phương
Tây mà các đại diện tiêu biểu là A. Gide, Pôn Môrăng, nhà triết học Đức Friedrich
Nietzsche…A. Gide (1869- 1951) là một trong những nhà văn xuất chúng nước
Pháp thế kỉ XX, từng đoạt giải Nobel Văn học năm 1947. Ông là người rất ham mê
du lịch khắp nơi trên thế giới. Câu nói nổi tiếng Pôn Môrăng đã được Nguyễn Tuân
lấy làm lời đề tựa cho tiểu thuyết Thiếu quê hƣơng của mình: “Ta chỉ muốn rằng
sau khi ta chết đi, người ta lột da ta để làm một chiếc va li”. Thêm vào đó, phong
trào dịch thuật phát triển đã tạo điều kiện cho lớp công chúng văn học thành thị,
trong đó có các nhà văn được biết đến các tiểu thuyết phiêu lưu giả tưởng của các
nhà văn phương Tây như: Robinson Crusoe của nhà văn Anh Daniel Defoe (16601731); Hai vạn dặm dƣới biển của nhà văn Pháp Jules Verne (xuất bản ở Pháp
năm 1870); các nhân vật trong tiểu thuyết của Satôbriăng du lịch sang châu
Mỹ…Còn ở phương Đông là tiểu thuyết Tây du ký của Ngô Thừa Ân (1506?1581), hình ảnh tài tử, lãng mạn của những thi nhân thích du lịch trong thơ ca đời
Đường như Lý Bạch (701- 762), Đỗ Phủ (712- 770); cùng với đó là ý thức về cái
“tôi”- con người cá nhân giữa cuộc đời trở thành những động lực mạnh mẽ thôi thúc
các nhà văn Việt Nam lên đường sau khi đọc xong và gửi gắm niềm đam mê trong
các tác phẩm của chính mình. Còn văn học Việt Nam, nhiều tác giả thích cuộc sống
lãng du và say mê thể hiện vẻ đẹp của non sông đất nước trong tác phẩm của mình
như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh, đặc biệt là
lối sống phóng túng của Tản Đà đã ảnh hưởng rất lớn tới sự hình thành tính cách và

sở thích xê dịch ở Nguyễn Tuân.
Trong dòng văn học lãng mạn Việt Nam 1930- 1945, giang hồ xê dịch còn trở
thành thứ “bệnh” của nhiều nhà văn, nhà thơ. Trong các nhà văn của nhóm Tự Lực
Văn Đoàn, Nhất Linh đã dành tình cảm ưu ái cho nhân vật Dũng- người khách


chinh phu có chí khí, gác tình riêng để dấn thân vào “cuộc đời phiêu lưu hoạt động”
trong tiểu thuyết luận đề Đoạn tuyệt và Đôi bạn. Thế Lữ (1907- 1989) là nhà thơ
Mới nổi danh trên văn đàn vào những năm 1930 với hình ảnh người khách chinh
phu đưa “gót lãng du” khắp “chốn hải hồ” trong Giây phút chạnh lòng(1937) và
các truyện ngắn kinh dị như Vàng và máu, truyện ngắn lãng mạn núi rừng như Gió
trăng ngàn, Trại Bồ Tùng Linh; hình ảnh li khách trong Tống biệt hành (1944)
của Thâm Tâm; hình ảnh người lãng tử giang hồ với những mùa xuân tha hương
trong thơ Nguyễn Bính; hình ảnh cậu bé đa cảm, chớm ôm mộng giang hồ trong bài
thơ Những ngày nghỉ học (1938) của Tế Hanh… Bên cạnh đó, các bạn văn cùng
thời với Nguyễn Tuân như Nam Cao, Tô Hoài cũng rất thích cuộc sống xê dịch, nửa
đêm nghe tiếng còi tàu hỏa đã gợi hứng lên đường. Chính những chuyến “giang hồ
vặt” này đã giúp các nhà văn, nhà thơ có nguồn tư liệu thực tế phong phú để phục
vụ công việc viết lách của mình. Khác với các nhà văn cùng thời, Nguyễn Tuân
giang hồ chỉ để chơi, đi không vì mục đích nào cả, đi chỉ là đi, đi không xác định
địa điểm trước. Trong những người ưa xê dịch, có lẽ Nguyễn Tuân là người đi xa
nhất, viết nhiều nhất, đam mê nhất. Sáng tác của ông mang tính chất điển hình, sâu
đậm, đỉnh cao hơn cả về chủ nghĩa xê dịch.
Không chỉ chịu ảnh hưởng của phương Tây và nền văn học phương Đông mà
sở thích này xuất phát từ chính Nguyễn Tuân bởi ông là người có cá tính độc đáo và
ý thức cá nhân phát triển cao. Ham mê xê dịch còn là một “gen trội” mà Nguyễn
Tuân được thừa hưởng từ gia đình khi ông nội và bố ông đều là những người có một
dĩ vãng “lang bạt kì hồ”. Là người tự do, phóng túng, ông quan niệm “đời là một
trường du hý”, sống là chơi mà viết cũng là chơi. Nếu nói “văn là người” thì điều
này rất đúng với Nguyễn Tuân. Ông viết văn như để chơi ngông với đời. Những gì

người khác cho là nghịch lí, nghịch thuyết thì ông đẩy nó lên thành chủ nghĩa tới
mức cực đoan. Ham du lịch, Nguyễn Tuân đã nâng niềm ham thích này thành lý
thuyết- “chủ nghĩa xê dịch”. Học theo chủ nghĩa xê dịch, nhà văn thể hiện khát khao
thích phiêu lưu, thèm khát những cảm giác mới lạ, những nẻo đường, những miền
đất mới, được gặp gỡ muôn mặt người trên con đường giang hồ mê mải. Những


điều này đã cùng gặp gỡ nhau nơi con người Nguyễn Tuân để rồi những trang viết
được thăng hoa qua ngòi bút của ông. Trước Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tuân
đã viết một loạt những tác phẩm thể hiện niềm đam mê cuộc sống giang hồ lãng du
của mình như Một chuyến đi (1938), Thiếu quê hƣơng (1943), Tùy bút I (1941),
Tùy bút II (1943)…
Là một nhà văn có cá tính mạnh mẽ, phóng túng, trước sự ngột ngạt của xã
hội thực dân nửa phong kiến “ối a ba phèng” đương thời, đi và viết với Nguyễn
Tuân là một sự giải thoát khỏi những bế tắc, chán chường trong cuộc sống. Đó cũng
là phản ứng của chủ nghĩa cá nhân kiêu ngạo ở một thanh niên trí thức giàu sức
sống nhưng không tìm được lối thoát. Hơn nữa, là nhà văn của những tính cách độc
đáo, những cảm giác mãnh liệt, Nguyễn Tuân không thích cái gì bằng phẳng, nhợt
nhạt, khuôn phép, yên ổn, cầu toàn. Với Nguyễn, đi là để “thay đổi thực đơn cho
giác quan”, hồ hưởng cho hết những sinh thú bất thình lình và những cảm xúc
không chờ đợi. Ông thích khám phá những phong cảnh tuyệt mĩ của gió bão, núi
cao, rừng thiêng, thác ghềnh dữ dội…
Trước Cách mạng, hình tượng những cơn gió được nói đến khá nhiều trong tác
phẩm của Nguyễn Tuân về đề tài xê dịch. Trong tiểu thuyết Thiếu quê hƣơng, hình
ảnh những cơn gió giục khách lên đường, khích lệ con người sống mạnh mẽ: “Có
những trận gió nó bảo người ta rằng cái lối sống câu dầm là một điều thất sách và
những hy vọng tự chế ra để giữ mình chỉ là một cách chết mòn. Tất cả, hoặc là
không có gì. Gió chỉ thổi một chiều” [34, tr. 423]. Đối với những con người lấy sự
đi lại làm mục đích của cuộc đời như Bạch, Vi, Sương, Hoàng,… thì những cơn gió
có một sức hấp dẫn kì lạ, khó có thể cưỡng lại được “cũng như mùi vị gió lúc này

trên sông mưa, khói tẩu thuốc buổi lữ hành này có một hương vị cuốn rũ” và “thấy
gió đã khởi, người ta liền lên đường”. Gió ở vùng mỏ Vàng Danh bị quẩn trong
vùng thung lũng, xung quanh là những ngọn núi bao vây nên muốn tìm con đường
để thoát, nên nó dữ tợn, phá phách và nổi loạn. Trong cái gió vùng mỏ ấy người ta
nhận ra chính con người “bất đắc chí” của Nguyễn Tuân. Có lúc gió là hình tượng
mà nhà văn gửi gắm tâm trạng cô đơn, buồn nản: “Gió sông rộng có cả sức tò mò


của một trận gió vàng. Mỗi đợt gió lọt vào khoang thuyền là một sự tọc mạch đến
chuyện riêng của lòng. Tôi trằn trọc, thèm muốn một tấm chăn đơn” (Cửa Đại).
Ngay cả những lúc bế tắc nhất, Nguyễn cũng xem gió như một người bạn tri âm,
chia sẻ khỏa lấp nỗi buồn: “Gió biển giục tôi nghĩ đến một việc gì nên làm ngay đi
kẻo lại muộn lỡ mất” (Võng ngô đồng). Gió Vàng Danh kết hợp với thứ gió giang
hồ kêu gọi người ta chống gậy lên đường, tạo thành một hệ thống các hình tượng về
gió trước Cách mạng của Nguyễn Tuân. Nó biểu hiện một trạng thái mất cân bằng,
bế tắc, quẩn quanh, một thái độ phá phách, nổi loạn với cái xã hội “ối a ba phèng”
lúc bấy giờ.
Cùng với hình tượng gió, Nguyễn Tuân cũng hay nói đến những con đường vô
định. Bút kí Một chuyến đi đã ghi lại những hình ảnh và cảm xúc của một kẻ lữ
hành nơi chân trời, góc bể, nơi lạ người lạ cảnh. Đi đã trở thành một lí tưởng, một
triết lí sống của Nguyễn Tuân. Chính vì vậy mà nhà văn nguyện được lăn mãi vỏ
mình trên con đường vô định: “Tôi sống với ngoài đường, với những con người đi
trên đường, với cái luân lí của người khách bộ hành” (Chiếc va li mới). Với
Nguyễn, bất kể là thứ đường gì, xê dịch bằng phương tiện gì, dẫu có phải ngồi trên
một chiếc hồ lô lăn đường cũng là một thứ cứu cánh tốt đẹp cho một tâm hồn cô
đơn, bất lực, quẩn quanh và bế tắc. Trong Thiếu quê hƣơng, nhân vật Bạch chỉ
luôn thèm muốn được đổi chỗ, được rong ruổi trên những con đường dài hun hút,
không có chỗ bắt đầu mà cũng chẳng có điểm kết thúc. Họ tha lê cái đầu rỗng tuếch,
cái thân tàn tạ trên đường đời, cái phẫn uất ngàn năm không gột rửa, chỉ biết lấy xê
dịch làm cứu cánh.

Hình tượng nhân vật hay những hình ảnh trở đi trở lại trong văn Nguyễn Tuân
chính là lăng kính phản ánh chính con người ông. Hình ảnh chàng Nguyễn trước
Cách mạng có phần nào đó sống vô trách nhiệm, kiêu bạc, chán chường, không lối
thoát trước cuộc đời. Tuy nhiên, trong cách phản ứng có phần tiêu cực của người
thanh niên có cá tính mạnh mẽ ấy, ta cũng nhận ra tình yêu đất nước thầm kín, là lời
bày tỏ tấm lòng gắn bó tha thiết với cảnh sắc và phong vị đất nước bằng một ngòi
bút đầy trìu mến, yêu thương và tài hoa, tình yêu của một thế hệ nghệ sĩ sống giữa


quê hương mà vẫn thấy mình thiếu quê hương. Không chỉ thế, Nguyễn Tuân đã
thực sự sống xê dịch trước khi viết về xê dịch. Những quan niệm về xê dịch của nhà
văn cũng không giống thái độ mục đích du lịch thông thường mà thực sự đã trở
thành một hệ thống tư tưởng, lý thuyết chủ nghĩa độc đáo. Sở thích lãng du, thậm
chí dám vượt biên giới để tìm kiếm và trải nghiệm những cảm giác khác lạ của nhà
văn đã thắp lên ngọn lửa sự sống đang lụi tàn trong tâm hồn không ít thanh niên tâm
huyết với đất nước mà bất lực trước thời cuộc đương thời.
1.2.2. Đề tài viết về vẻ đẹp quá khứ
Chủ nghĩa lãng mạn thường biểu hiện ở sự chối bỏ thực tại, vượt lên thực tại
buồn chán, bế tắc, hoặc hướng về tương lai hay ngoảnh lại quá khứ, hoặc khao khát,
bay bổng với hiện tại được mộng ảo hóa. Trong khi văn học Việt Nam 1930- 1945
phân hóa thành nhiều xu hướng, nhiều dòng văn học với những đề tài, chủ đề khác
nhau thì dòng văn học lãng mạn xuất hiện đề tài viết về quá khứ. Đề tài viết về quá
khứ nằm trong phong trào phục cổ, phong trào suy tôn Khổng giáo và bảo tồn quốc
túy mà Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, các tạp chí Nam phong, Đông Dương tạp
chí và Nhà xuất bản Alechxandre de Rhodes của thực dân Pháp phát động. Trở về
quá khứ cũng là một trong những con đường thoát ly của chủ nghĩa lãng mạn. Bên
cạnh đó, ta thấy lúc này ý thức cá nhân phát triển, các nhà văn, nhà thơ thất vọng
trước cuộc sống hiện tại ngột ngạt, bế tắc nên có xu hướng trở về quá khứ.
Người ta trở về quá khứ với nhiều tâm trạng phức tạp. Huy Thông muốn tìm
trong lịch sử một giấc mộng anh hùng (Hạng Vũ, Kinh Kha). Chế Lan Viên quay về

quá khứ để nhớ tiếc một dân tộc điêu tàn (Trên đƣờng về, Chiến tƣợng). Vũ Đình
Liên trở về xu hướng hoài cổ mong tìm lại chút “hồn xưa” của dân tộc. Thế Lữ đã
mượn lời của con hổ trong vườn Bách Thú để thể hiện sự khác biệt giữa quá khứ và
hiện tại trong bài thơ Nhớ rừng. Huy Cận trở về với nét Đẹp xƣa với chút buồn
man mác. Nguyễn Nhược Pháp tươi tắn và hồn nhiên hướng về Ngày xƣa với bao
huyền thoại đẹp đẽ. Ngay cả thi sĩ Xuân Diệu- một người luôn nghĩ đến cuộc đời
hiện tại, cũng có lúc chán nản với “cuộc thế ao tù” lại trở về “chiêu hồn sương quá


khứ”. Còn nhà văn Ngô Tất Tố lại trở về quá khứ bằng việc tái hiện chế độ khoa cử
phong kiến qua tiểu thuyết Lều chõng.
Cũng nằm trong khuynh hướng phục cổ, Nguyễn Tuân không giống với các nhà
văn, nhà thơ khác, ông trở về quá khứ theo cách của riêng mình. Nhà văn không tìm
thấy cái đẹp hiện hữu trong cuộc đời, nên đã trở về quá khứ, với cội nguồn dân tộc.
Là nhà văn thuộc khuynh hướng lãng mạn hoài niệm, ông chắt chiu, gạn lọc tất cả
những gì là tinh hoa trong quá khứ để thể hiện trong tác phẩm của mình. Có lẽ, sống
giữa thời cuộc Tây Tàu nhố nhăng, Nguyễn Tuân đã nhận thức được rằng một cá
nhân mình không thể phủ định được thực tại để hướng tới tương lai tốt đẹp, bởi vậy
ông phải vin vào quá khứ vàng son của dân tộc để sống và để nhấm nháp dư vị của
một thời không bao giờ trở lại. Các tác phẩm viết về đề tài quá khứ của Nguyễn
Tuân đăng rải rác trên các tạp chí Tao đàn, Tiểu thuyết thứ bảy, Thanh nghị và hai
tập tùy bút Tùy bút I và Tùy bút II nhưng tập trung đậm nét hơn cả vẫn là trong
tập truyện ngắn Vang bóng một thời- tác phẩm được tặng giải thưởng của Nhà
xuất bản Alechxandre de Rhodes- một nhà xuất bản có khuynh hướng phục cổ của
thực dân Pháp.
Có thể nói trong Vang bóng một thời, Nguyễn Tuân dường như cố quên đi
cái hiện thực mà ông đang sống, cái hiện thực mà theo ông đầy những xấu xa, bon
chen, đố kỵ. Ông thực sự say sưa tỉa tót, tô đậm thêm cái nét xưa đã mờ nhạt, nét vẻ
của những ngày đã qua, một thời đã tàn. Nguyễn Tuân cũng hiểu rằng, cái thời đó
đã qua và không bao giờ trở lại nữa, vì vậy ông không khỏi biểu lộ niềm tiếc nuối

của mình. Tuy nhiên, Nguyễn Tuân viết về thời đã qua không phải vì muốn khôi
phục lại thời phong kiến suy tàn mà thực chất là phản ứng của ông trước hiện tại
nhố nhăng mà ông đang sống. Việc làm sống lại cái đẹp xưa, Nguyễn Tuân đã thể
hiện một cách giữ thiên lương, tỏ thái độ bất hợp tác với thực dân, một lòng thiết
tha với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Giữa làn sóng Âu hóa mạnh
mẽ, thái độ đó của Nguyễn Tuân thật đáng trân trọng.


1.2.3. Đề tài cuộc sống hƣởng lạc
Chủ nghĩa lãng mạn thường thoát ly hiện thực. Họ thoát ly bằng nhiều con
đường khác nhau: trốn vào tình yêu, trốn vào quá khứ và trốn vào trụy lạc để quên
lãng, để tìm những cảm giác lạ. Trong sáng tác của Nguyễn Tuân, đan xen với chủ
đề giang hồ xê dịch là chủ đề về cuộc sống hưởng lạc. Bản thân cuộc sống giang hồ
phần nào đã gợi lên trong những trang viết của Nguyễn Tuân một cuộc sống phóng
túng, chơi bời ở những tiệm rượu, tiệm hút, nhà chứa, xóm cô đầu. Hai chủ đề này
vì thế có mối quan hệ khăng khít, bổ sung cho nhau.
Trước Nguyễn Tuân, văn học Việt Nam có không ít cây bút đề cập đến đề tài
này. Vũ Trọng Phụng đã phơi bày cuộc sống bỉ ổi, đồi bại của tầng lớp thượng lưu
trong xã hội nhố nhăng trong tiểu thuyết trào phúng Số đỏ (1936). Nguyễn Công
Hoan, Nguyên Hồng… mô tả cuộc sống trụy lạc như một tệ nạn xã hội cần phê
phán. Còn các cây bút văn xuôi lãng mạn như: Nhất Linh, Khái Hưng… đi ra ngoài
quỹ đạo phê phán xã hội khi viết về đề tài này để hướng đến sự đề cao tự do, giải
phóng cá nhân và đề cao giá trị ẩn chứa bên trong những gì bị cho là nhơ nhuốc tận
cùng. Không chỉ trong văn xuôi, thơ ca lãng mạn giai đoạn 1930- 1945 cũng có
nhiều thi sĩ viết về đề tài này. Năm 1939, trong Tinh huyết, Bích Khê có lúc thi vị
hóa và thanh khiết hóa cái đẹp nhục thể (Tranh lõa thể), có lúc diễn tả những cảm
giác điên cuồng, ngất ngư trong khoái lạc. Trong thơ Thế Lữ cũng nói đến “khói
huyền lên” và Lưu Trọng Lư, ngoài Mộng và Tình lại thêm “Quẩy theo với rượu
một vừng giai nhân”. Đến Vũ Hoàng Chương thì rượu, thuốc phiện và gái giang hồ
đã trở thành đề tài thú vị của thi ca! Thơ ông nói nhiều đến cái say: say rượu, say

tình, say nhạc, say thơ. Cái say của Vũ Hoàng Chương là cái say trong bến bờ siêu
thực, nơi mọi ràng buộc của lý trí và hiện thực trơ lì, đen tối không bén mảng đến.
Cái say ấy làm sống dậy bản năng sáng tạo và thiên tính nghệ thuật thi ca vĩnh hằng.
Tất cả những trạng thái say sưa, điên đảo đó là sự nổi loạn của tâm hồn uất ức, chán
ngán với thời cuộc.
Viết về đề tài thuốc phiện, cô đầu, Nguyễn Tuân khác với các nhà văn hiện
thực và có phần đồng cảm với các nhà văn, nhà thơ lãng mạn. Nhưng nếu các nhà


văn, nhà thơ lãng mạn thi vị hóa thú vui hưởng lạc, hoặc thể hiện trạng thái thăng
hoa của cảm xúc để đến gần hơn với thi ca thì Nguyễn Tuân viết về thuốc phiện và
cô đầu như một lời thú tội về quãng đời “phóng túng hình hài”, chơi bời, lêu lổng
của nhà văn. Các tác phẩm: Chiếc lƣ đồng mắt cua, Ngọn đèn dầu lạc, Tàn đèn
dầu lạc… là những tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Tuân về đề tài này.
Chiếc lƣ đồng mắt cua (1941) là một tập tùy bút có tiếng vang không kém gì
Vang bóng một thời. Ở đây, sự trụy lạc, sa đọa, muốn được hưởng mọi hương vị,
màu sắc trần thế cùng những thèm khát phi lý, phi đạo đức: “Chỉ thèm chơi… Chơi
cảnh, chơi người. Cảnh bất cứ chỗ nào của thiên nhiên. Người, bất cứ là ai, bất cứ
hạng nào, chơi xong rồi bỏ có định giữ gìn đâu mà phải lựa chọn” không hẳn là
một thái độ sống vị kỷ, vô trách nhiệm, phá phách, thiếu lương tâm. Qua những
biểu hiện bên ngoài, ta nhận ra cái cốt lõi bên trong: tâm trạng khủng hoảng cực độ
của một thanh niên trí thức bất mãn với xã hội, muốn “nổi loạn”, muốn chống đối
nhưng hèn yếu, bất lực vì “Thiếu quê hương”, không có lý tưởng cao đẹp. Nhân vật
Tôi lao mình vào cái trò truy hoan tửu sắc nhằm tiêu sầu, hoang phí thời gian, tự
mình “quấy ngầu ngày tháng của mình lên” để lấp đi cái trống rỗng, nhạt nhẽo, vô
vị của tâm hồn. Nội dung tác phẩm vì thế đậm nét tiêu cực. Nó không ca ngợi cuộc
sống trụy lạc nhưng ở đây tác giả chưa thể hiện một thái độ phê phán nghiêm khắc
lối sống vô trách nhiệm, buông thả theo những ham muốn cá nhân ích kỷ. Điều này
không có nghĩa là tác phẩm hoàn toàn vô giá trị. Bên cạnh mặt trái của cuộc đời lăn
lóc, đàng điếm ô nhục ta vẫn bắt gặp những trang viết toát lên chất khoáng đạt, bay

bổng, trong trẻo của những tâm hồn, những con người tài hoa, tài tử bị xô đẩy vào
con đường cùng nhưng vẫn ý thức được mình, được người. Căm ghét xã hội trưởng
giả, tầng lớp con buôn ngu dốt, bất tài chỉ biết có tiền, họ nâng đỡ, an ủi nhau trên
đôi cánh nghệ thuật, vui với lời ca, điệu hát cho qua ngày đoạn tháng và tẩy rửa vết
nhơ nhớp của hình hài:. “Một giọng hát hay và run run là một bài kệ ngâm lên để
rửa hết tội lỗi trong đời Tâm; trước cái thuần túy của đàn hát, nàng và tôi đang
cùng nói chung một thứ tiếng của tâm hồn” (Chiếc lƣ đồng mắt cua)


Ngoài Chiếc lƣ đồng mắt cua, chủ đề viết về cuộc sống hưởng lạc còn xuyên
suốt hai thiên phóng sự: Ngọn đèn dầu lạc (1939) và Tàn đèn dầu lạc (1941). Hai
thiên phóng sự này đã miêu tả cụ thể tình cảnh và tâm trạng của những người
nghiện thuốc phiện đến mức không làm chủ được bản thân để rồi rơi vào tình cảnh
khốn cùng, sống cuộc đời cô đơn, buồn tẻ. Tuy vậy, qua các tác phẩm ta vẫn nhận
ra những người này dù có thời sa chân vào cô đầu, thuốc phiện nhưng chưa hoàn
toàn mất hết nhân cách. Bởi lẽ, mỗi khi nhìn lại, họ tự thẹn với mình, đau đớn, xót
xa khi thấy mình trở nên đồi bại.
Có thể nói, viết về đề tài cuộc sống hưởng lạc là một cách để lãng quên hiện
thực đen tối, cũng là để tìm những cảm giác nồng cháy mới lạ của một con người ưa
xê dịch như Nguyễn Tuân. Những tác phẩm của ông ở đề tài này cho thấy sự bế tắc,
chán nản của một thế hệ thanh niên chưa tìm thấy lối thoát cho hiện tại, đằng sau
đó là khao khát đổi thay để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Phải chăng, chính điều này đã
thúc đẩy người nghệ sĩ Nguyễn Tuân sớm đến với Cách mạng và có những tác
phẩm ngợi ca cuộc sống, chiến đấu, lao động của quân và dân trong thời đại mới.
1.3. Quan điểm nghệ thuật của Nguyễn Tuân
1.3.1. Quan niệm của Nguyễn Tuân về cái đẹp
Socrate (469?- 399. TCN)- nhà triết học Hy Lạp cổ đại, người được mệnh danh
là bậc thầy về truy vấn, đề cao lí trí và sự thật từng phát biểu quan niệm của mình
về cái đẹp qua mệnh đề: “Tất cả cái đẹp đều phải hợp lý”. Tsecnưsepxki (18281889)- nhà dân chủ cách mạng Nga, người phát ngôn cho quan điểm mỹ học duy
vật trước Mác từng viết: “Cái đẹp là cuộc sống. Một sinh thể đẹp là qua chúng, ta

nhìn thấy cuộc sống hoặc làm cho chúng ta nghĩ đến cuộc sống”. Còn đại văn hào
Nga Phê-đo Mi-khai-lô-vích Đốt-xtôi-ép-xki (1821-1881) trong tiểu thuyết Thằng
ngốc (1868) đã thể hiện quan điểm thẩm mỹ của mình qua một câu nói mang đậm
chất nhân văn “Cái đẹp cứu rỗi thế giới”. Trên tinh thần ấy mà M.Goóc-ki (18681936), nhà văn lớn nước Nga nói: Bẩm sinh con người là một nghệ sĩ. Chỉ có con
người, vị chúa tể của muôn loài mới biết coi cái đẹp là phương tiện, là mục đích
cũng là nội dung của cuộc sống. Như vậy, mỗi người mỗi thời đại và ở những đất


nước khác nhau nhưng tất cả họ gặp nhau ở một điểm là đề cao cái đẹp và cho rằng
cái đẹp phải là cái có ích.
Văn học Việt Nam giai đoạn 1930- 1945 được hiện đại hóa mạnh mẽ. Các
luồng tư tưởng mới từ phương Tây du nhập vào nước ta và ảnh hưởng lớn tới tư
tưởng và quan niệm của các nhà văn, nhà thơ thời kì này. Khái Hưng (1896- 1947)một trong những cây bút chủ lực của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, đã lặp lại quan niệm
nghệ thuật là vô tư lợi, là không cần phục vụ một mục đích nào cả của Theophile
Gautier (1811- 1872)- một nhà thơ, nhà viết kịch, tiểu thuyết gia, nhà báo và nhà
phê bình văn học người Pháp trong cuốn tiểu thuyết Đẹp (1941). Còn nhà thơ Thế
Lữ tự ví mình như người khách bộ hành phiêu lãng xuôi ngược trần gian để vui chơi
và kiếm tìm vẻ Đẹp trong Cây đàn muôn điệu
...“Tôi chỉ là một khách tình si
Ham vẻ Đẹp có muôn hình, muôn thể”
Như vậy, Khái Hưng, Thế Lữ... đều đề cao cái đẹp gắn với tiềm thức và trực giác,
cái đẹp bản năng.
Là một nhà văn lãng mạn, lại xuất hiện muộn trên văn đàn nửa đầu thế kỷ XX,
Nguyễn Tuân chịu ảnh hưởng của những người đi trước và tư tưởng của những tác
giả, triết gia phương Tây. Bên cạnh đó, ông là người có cá tính mạnh mẽ và ý thức
rõ về cái tôi của mình nên quan niệm về cái đẹp của ông mang tính chủ quan rất rõ.
Với Nguyễn Tuân, cái đẹp chỉ nhằm thỏa mãn, đáp ứng những khoái cảm thẩm mỹ
của cá nhân. Ông thường được biết đến như một nhà văn có quan điểm duy mỹ, chủ
trương “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Ông chủ trương cái đẹp không có nội dung xã
hội, không có nội dung giai cấp và thời đại. Đối với Nguyễn Tuân, văn chương và

nghệ thuật đứng trên mọi thiện, ác ở đời. Ông tách rời cái đẹp khỏi cái có ích, đề
cao một cái đẹp thuần túy, không vụ lợi. Tư tưởng này được Nguyễn Tuân bộc lộ
qua nhiều tác phẩm trước Cách mạng, mà rõ nhất là Vang bóng một thời, Thiếu
quê hƣơng, Chiếc lƣ đồng mắt cua, Tóc chị Hoài...
Có thể nói, quan niệm về cái đẹp của Nguyễn Tuân mang màu sắc chủ quan và
có phần cực đoan rất rõ. Ông rất coi trọng cảm giác của con người cá nhân hơn là


lô- gic mỹ học và đạo đức thông thường của cuộc sống. Chủ nghĩa duy mỹ mà ta
quan niệm ở Nguyễn Tuân không phải bộc lộ yếu tố tiêu cực mà theo Lại Nguyên
Ân trong Từ điển thuật ngữ văn học là: “Tinh thần duy mỹ ở Nguyễn Tuân chỉ bộc
lộ ở thời hậu lãng mạn, khi năng lực tự phản xạ vốn có ở chủ nghĩa lãng mạn thời
đầu bị yếu đi; lối miêu tả mang tính trò chơi nghệ thuật đối với thực tại thay cho xu
hướng không tưởng của cách trình bày thực tại theo quan điểm tự do và nhân văn
chủ nghĩa” [2, tr. 97]. Như vậy, quan niệm về cái đẹp của Nguyễn Tuân đã phần
nào phản ánh ý thức về cái tôi của người nghệ sĩ và hướng tới giá trị nhân văn cao
đẹp.
1.3.2. Quan niệm nghệ thuật
Những năm 1930- 1945 là giai đoạn văn học Việt Nam phát triển rất mạnh và
phân hóa làm nhiều dòng, nhiều xu hướng khác nhau. Ban đầu, dòng văn học lãng
mạn thống trị trên văn đàn, các nhà văn bước vào văn chương đều sáng tác văn học
lãng mạn. Nhưng đến 1936- 1939, văn học hiện thực phát triển mạnh và chiếm ưu
thế trên văn đàn. Trong đời sống văn học lúc này xuất hiện cuộc tranh luận giữa hai
phái “nghệ thuật vị nghệ thuật” (do Hoài Thanh đứng đầu) và “nghệ thuật vị nhân
sinh” (do Hải Triều đứng đầu) kéo dài dai dẳng từ 1935- 1939. Từ sau 1940 trở đi,
đời sống xã hội Việt Nam đầy biến động kéo theo những biến động trong văn học.
Giai đoạn này, văn học lãng mạn đi vào thời kỳ bế tắc và suy thoái. Tiêu biểu là hai
nhà thơ Đinh Hùng và Vũ Hoàng Chương ca ngợi rượu và thuốc phiện. Đây cũng
chính là thời kỳ mà Nguyễn Tuân đến với văn chương nghệ thuật. Nguyễn Tuân đến
với văn chương khi cuộc tranh luận giữa hai trường phái nghệ thuật đã ngã ngũ và

ngả về phía “vị nhân sinh”. Sự xuất hiện của Nguyễn Tuân ở giai đoạn văn học lãng
mạn đang đi vào thoái trào có phần đem đến cho văn chương một sinh khí mới
nhưng cũng không phủ nhận ông chịu ảnh hưởng của văn học lãng mạn thời kỳ
khủng hoảng. Điều này thể hiện ở việc chọn quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật làm
quan điểm sáng tác. Nếu Nam Cao quan niệm: “Nghệ thuật không thể là ánh trăng
lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật chỉ có thể là những tiếng đau
khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than” (Trăng sáng) thì Nguyễn Tuân có nhiều


điểm gặp gỡ với Thạch Lam và các nhà văn Tự Lực Văn Đoàn khi quan niệm: Văn
chương là văn chương, văn chương chỉ vì nghệ thuật, vì cái Đẹp mà thôi. Đó là
nghề viết, trong sự tận tụy hết mình, dốc cạn mình - để đến với cái đẹp, đúng như
một quan niệm văn chương của Hoài Thanh: “Tìm cái đẹp trong tự nhiên là nghệ
thuật. Tìm cái đẹp trong nghệ thuật là phê bình” (Tiểu thuyết thứ bảy, số 35,
26/1/1935). Dĩ nhiên đây là cái đẹp trong quan niệm của mỹ học, chứ không phải ở
bất cứ lĩnh vực nào khác, như chính trị, hoặc luân lý, đạo đức; và dĩ nhiên là muốn
tới cái đẹp thì phải loại bỏ cái xấu, cũng như cái ác, cái bất lương; và với Nguyễn
Tuân trước 1945 thì đó là bọn người bất tài, mà hợm hĩnh về tiền của, quyền lực; là
đám “con buôn quen sống với đủ thứ hàng họ và buôn Tần, bán Sở”. Nguyễn Tuân
căm ghét bọn người này, coi họ là những kẻ “ngồi xổm lên nghệ thuật”. Ông lên án
“những cuộc tàn sát thi ca của những ông lãnh binh sính làm thơ”. Ông cũng thất
vọng bao nhiêu khi một người bạn tri kỷ của mình trước đây say mê văn chương là
thế, mỗi lần nhìn mưa rơi lại “buồn rúm cả người, tưởng chết ngay được dưới cuốn
sách mở” [34, tr. 506]. Thế rồi con người mơ mộng ấy đã bị cuốn vào guồng quay
tiền bạc để thấy mỗi lần mưa là lại mừng ra mặt vì đó là cơ hội đánh hàng không bị
phát hiện. Mưa bây giờ không phải là của riêng tứ thơ nữa mà mưa lại ra tiền.
Nguyễn Tuân là nhà văn chú trọng vào những sự trải nghiệm chủ quan của
bản thân. Ở ông luôn có cuộc đấu tranh thầm lặng trong nội tâm để chống lại sự vô
nghĩa của cuộc sống và việc sử dụng sự giải trí để tránh khỏi nỗi buồn chán, thất
vọng. Khi phải lựa chọn giữa trách nhiệm xã hội với tự do của bản thân, ông thiên

về sự lựa chọn tự do cá nhân với ý thức về giá trị tồn tại thực sự của con người.
Điều này, thể hiện qua thế giới nhân vật trong những sáng tác của Nguyễn trước
Cách mạng. Đó là những người nghệ sĩ tài hoa, tài tử hay những con người thích
cuộc sống giang hồ, xê dịch.
Nguyễn Tuân tán thành chủ trương nghệ thuật đứng lên trên mọi mối quan hệ
hiện thực, dẫn đến tách rời nghệ thuật khỏi ngọn nguồn của nó là cuộc sống và lao
động. Nghệ thuật biến thành nơi tái hiện những cảm giác chủ quan của nhà nghệ sĩ
và tạo nên những vẻ đẹp thuần túy không có gốc rễ ở cuộc đời. Chìm sâu vào quan


×