Tải bản đầy đủ (.doc) (7 trang)

Đây Thôn Vĩ Dạ Hàn Mặc Tử Ngữ Văn Lớp 11

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (109.02 KB, 7 trang )

Phạm Kiều Anh_11D1

ĐỀ CƯƠNG NGỮ VĂN HKII
Đây Thôn Vĩ Dạ
_Hàn Mặc Tử_
I. MỞ BÀI
Nhận định về Hàn Mặc Tử, Hoài Thanh đã viết: “ Một nguồn thơ dào dạt và lạ
lùng và vườn thơ Hàn rộng không bờ không bến, càng đi xa càng ớn lạnh.”.
Quả đúng là như vậy, Hàn Mặc Tử là hồn thơ có sức sáng tạo mãnh liệt nhất
trong phong trào Thơ mới, một trong ba đỉnh cao nhất của phong trào này. Và
hồn thơ mãnh liệt ấy đã để lại cho cuộc sống này những bài thơ vút lên vẻ đẹp
vô cùng tao nhã, trong trẻo đến lạ thường, tiêu biểu là bài thơ “ Đây thôn Vĩ
Dạ” rút từ tập Thơ điên(1938). Bài thơ mang khát vọng khắc khoải hướng tới
một cái đẹp cao khiết mà đầy bí ẩn, đồng thời cũng mang cảm xúc của tác giả
trước tình quê, tình người và tình đời.

II.THÂN BÀI
Khổ 1: Cảnh vườn thôn Vĩ với vẻ đẹp trong sáng, thanh khiết, tinh khôi
và niềm ước ao đắm say mãnh liệt của thi nhân
Câu thơ đầu tiên là một câu hỏi giản dị, tự nhiên nhưng chứa nhiều sắc thái.
Câu thơ với sáu thanh bằng liên tiếp và 1 thanh trắc ở cuối câu vút lên tạo ra
một âm điệu thật đặc biệt. Dường như đó là lời trách cứ day dứt mà nhẹ nhàng
hay có thể là một lời mời mọc giục giã mà tha thiết: “ Sao anh không về chơi
thôn Vĩ?”. Hai chữ “ không về” thể hiện rõ trạng thái sức khỏe của Hàn Mặc
Tử, nhà thơ không thể về thôn Vĩ bởi lúc này ông mang một căn bệnh nặng
phải xa lìa với con người. Hơn thế nữa chữ “ không về” còn thể hiện tình cảm


từ một phía của Hàn Mặc Tử đối với Hoàng Cúc, đó là dòng sông một bờ, lại
xuất phát từ phía bờ Hàn Mặc Tử. Trong thơ ông, ta thường thấy nhân vật trữ
tình phân tâm để thể hiện cảm xúc đầy uẩn khúc. Dường như đây cũng là lời


tự phân tâm của thi sĩ để hỏi chính mình, nhắc mình, trách mình về một việc
đáng ra phải làm từ lâu nhưng giờ đây không còn thực hiện được nữa. Nhà thơ
chỉ có thể trở về thôn Vĩ trong tâm tưởng của mình. Vì thế, mảnh đất xứ Huế
trong thơ Hàn Mặc Tử thật đẹp, thật trong trẻo. Bước chân vào mảnh vườn Vĩ
Dạ ta bắt gặp một màu nắng thật đặc biệt đó là “ nắng hàng cau”:
“ Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.”
Thơ mới thường đem đến cho người đọc những cấu tứ mới, thi liệu mới. Đó
là “nắng chang chang” của “ Mùa xuân chín” :
“ Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang.”
Ta cũng bắt gặp “ nắng trở chiều” trong thơ Xuân Diệu: “ Lả lả cành hoang
nắng trở chiều.” Còn ở đây ta lại bắt gặp hình ảnh “nắng hàng cau”. Trong
khu vườn ấy, có lẽ cau là loài cây cao hơn cả, trong đêm nó được tắm gội sạch
sẽ dưới sương, rồi từng tàu lá được gột rửa dưới ánh sáng của buổi bình minh.
Ta có cảm giác cả khu vườn như được hồi sinh sau buổi đêm.Vì là cây cao
trong vườn nên cau là cây đầu tiên đón nhận những tia nắng đầu tiên của buổi
sớm mai. Cây cau chẳng khác nào những chiếc thước khổng lồ được dựng sẵn
trong vườn để đo mực nắng. Nắng buổi sớm cứ chiếu xuống từng tàu lá cao,
rớt xuống đầy vườn theo từng đốt, từng đốt một. Ánh nắng khiến cả khu vườn
trở thành một viên ngọc xanh: “ Vườn ai mướt quá xanh như ngọc.” Câu thơ
gây một ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc, đặc biệt là từ “ mướt” và “ngọc”.
Ở đây là “mướt” chứ không phải là “mượt”. Từ “ mướt” thể hiện được sức
sống của khu vườn, non tơ đến mỡ màng, căng tràn sự sống. Tác giả đã có sự
so sánh vô cùng độc đáo: “ …xanh như ngọc.” Khu vườn hiện lên vừa có màu
sắc, vừa có ánh sáng. Nói đến vẻ đẹp ngôn từ ở câu thơ này ta không thể bỏ
qua được từ “quá”. Nó thể hiện rõ tình cảm của nhà thơ, tác giả không kìm


nén được cảm xúc của mình trước vẻ đẹp của khu vườn thôn Vĩ. Người đọc
có thể dễ dàng nhận ra rằng từ “ai” được lặp lại đến bốn lần trong bài thơ:

“Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Ai biết tình ai có đậm đà?”
Rõ ràng đại từ phiếm chỉ “ai” là dụng ý nghệ thuật của của Hàn Mặc Tử, chữ
“ai” làm cho khu vườn tuyệt đẹp kia trở nên thật chơi vơi, trống vắng và
không xác định. Nếu ba câu thơ trên nhà thơ vẽ lên khu vườn thôn Vĩ ở tầm
khái quát: ngước lên trên ta bắt gặp nắng hàng cau- thứ nắng thanh khiết, tinh
khôi, nhìn xuống dưới ta lại bắt gặp một khu vườn xanh non đến mỡ màng thì
đến câu thơ cuối khép lại chỉ còn khuôn mặt chữ điền thấp thoáng, ẩn hiện sau
cành lá trúc:
“ Lá trúc chen ngang mặt chữ điền.”
Đây là lối miêu tả theo hướng cách điệu hóa, gợi vẻ đẹp phúc hậu, trang trọng
khiến ta nhớ đến câu ca dao về con người xứ Huế:
“Mặt em vuông tựa chữ điền
Da em thì trắng áo đen mặc ngoài
Lòng em có đất có trời
Có câu nhân nghĩa, có lời thủy chung.”
Cảnh xứ Huế thì thanh khiết, tinh khôi, người Huế lại thực thà nhân hậu, đó
chảng phải là những lời mời mọc những đứa con xa trở về chơi thôn Vĩ:
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”
Khổ 2: Cảnh sông nước xứ Huế chập chờn hư ảo và nỗi khắc khoải, mong
ngóng lo âu của thi sĩ
Đến khổ thơ hai ta nhận thấy sự chuyển biến của giọng thơ: bâng khuâng, u
uất, hình ảnh thơ vận động từ thực sang ảo. từ hữu lí sang phi lí, tạo ra một thế
giới hoàn toàn khác, một thế giới của riêng Hàn Mặc Tử:
“ Gió theo lối gió, mây đường mây


Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay.”
Mây, gió ngàn đời nay vẫn khăng khít, gắn bó, bởi gió có thổi thì mây mới
bay. Giờ đây hai hình ảnh tưởng chừng không thể tách rời ấy lại chia lìa, li
tán: “Gió theo lối gió, mây đường mây.” những thi liệu quen thuộc trong thơ
ca trung đại. Câu thơ ngắt đôi nhịp 4/3 với dấu phẩy tách biệt rõ ràng hai vế
tựa như sự chia phôi đầy ngang trái. Cảm xúc chia phôi càng được thể hiện rõ
qua lối điệp khép kín. Mỗi hình ảnh bị khép kín trong một khuôn nhịp riêng
biệt, sự chia phôi đã hiện hữu ngay cả trong những thứ vốn không thể chia
tách như “gió” với “mây” . Cảm giác chia lìa, rời bỏ cứ đậm nét dần: gió đi
đường gió, mây đi đường mây. Thẳm sâu trong tâm hồn thi nhân phải chăng là
nỗi buồn của sự chia li, nỗi buồn của sự rời bỏ, xa cách cuộc đời. Vì thế, Hàn
Mặc Tử nhìn đâu cũng thấy sự chia lìa. Từ cảm nhận đó, nhà thơ nhìn nước và
hoa bắp cũng có nét khác:
“ Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”

Từ “ buồn thiu” là từ ngữ cực tả nỗi buồn ở mức độ cao nhất. Từ “lay” chỉ
chuyển động rất nhẹ, khẽ, đặt trong hoàn cảnh này lại càng làm không gian trở
nên u buồn, tịch liêu. Một nỗi buồn bao phủ từ gió mây xuống dòng nước từ
bầu trời xuống mặt đất. Nhịp thơ thật chậm rãi hòa thêm nỗi buồn và cảnh đã
gợi ra cái lững lờ, êm ả của sông Hương. Và đây cũng là điệu hồn xứ Huế,
trầm mặc, u buồn tự ngàn đời. Bức tranh thiên nhiên thật đẹp. thật thơ mộng
nhưng lại nhuốm vẻ buồn hiu hắt, mặc cảm mang một dự cảm về hạnh phúc
chia xa.
Bỗng chốc “dòng nước buồn thiu” lại biến thành dòng sông trăng với con
thuyền chở đầy ánh trăng. Câu hỏi tu từ: “Có chở trăng về kịp tối nay?” gợi
lên bao ngỡ ngàng bâng khuâng trước cảnh hư ảo xa xăm của dòng sông.
Dường như, giữa sông trăng và bến sông trăng có khoảng cách xa vời vợi.
Hình tượng thơ mơ màng, chập chờn, mộng mị, lai láng khiến người đọc có



cảm giác như lạc vào một thế giới khác. Nhà thơ nhận ra rằng hạnh phúc đang
dần trôi đi, câu thơ chứa đựng niềm mong ước khẩn thiết về cái đẹp nhiệm
màu về tình yêu và hạnh phúc. Con sông trăng vốn là một hình khá quen
thuộc trong thơ ca:
“ Gió trăng chở một thuyền đầy
Của kho vô tận biết ngày nào vơi.”
( Thuật hứng_ Nguyễn Trãi)

Những hình ảnh trên mang vẻ đẹp huyền ảo của con người thênh thênh, phơi
phới. Còn với Hàn Mặc Tử, hình ảnh ấy lại gắn với sự hối thúc một lời khẩn
cầu đầy lo âu. Điều đó dồn vào chữ “kịp” của không gian và “tối nay” của
thời gian. Chữ “kịp” thể hiện cảm nhận của nhà thơ về sự ngắn ngủi, gấp rút
của thời gian. Từng giờ, từng khắc trôi quá ít ỏi, cuộc chia lìa vĩnh viễn đang
đến rất gần. Vì vậy, chữ “kịp” mang đầy hi vọng nhưng cũng mang niềm
khoắc khoải đau thương. Nếu không kịp trong thời gian ngắn ngủi “tối nay”
thì thi sĩ vĩnh viễn sống trong cô đơn, đau buồn. Thời gian ngắn ngủi như thế
mà thuyền vẫn điềm nhiên “đậu bến sông trăng” vậy nên hi vọng chỉ thêm
tuyệt vọng mà thôi. Nỗi đau thương đã chiếm lĩnh cả khổ thơ, từ hình ảnh
thiên nhiên chia li biến một câu hỏi tưởng như hi vọng mà lại đầy vô vọng,
tưởng cụ thể “ tối nay” mà lại rất mơ hồ “ai”.
Khổ 3: Niềm hoài nghi của tác giả về tình người xứ Huế
Ở khổ cuối cùng, tác giả không còn nhìn cảnh nữa mà dõi vào lòng mình:
“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”
Tố Hữu đã từng viết về thiếu nữ Huế:
“ Cô gái thẫn thờ vê áo mỏng
Nghiêng nghiêng vành nón dáng chờ ai?



Ven bờ sông phẳng con đò mộng
Lả lướt đi về trong gió mai.”

Thơ Tố Hữu mộng mà không ảo còn thơ Hàn Mặc Tử lại gắn mộng với ảo.
Một thế giới đầy hư ảo tràn ngập khổ thơ. Đầu tiên, đó là cái ảo của một giấc
mộng: “ Mơ… đường xa.” Ở đây, giấc mơ ấy bị cắt đôi bằng dấu phẩy ở giữa
câu thơ. “Mơ” là hành động của chủ thể ngóng đợi đau đáu. “Khách đường
xa” là khách thể. Phép điệp vòng đã đẩy bóng “ khách” xa dần, xa dần. Và sắc
áo trắng của người thiếu nữ cũng là một cái ảo tiếp theo. Hàn Mặc Tử vốn tôn
thờ những vẻ đẹp tinh khôi, luôn hướng tới vẻ đẹp tuyệt đích, vậy nên thi sĩ
rất sành tả sắc trắng với những cảm nhận rất đặc biệt:
“ Ống quần co xắn lên đầu gối
Da thịt, trời ơi! Trắng rợn người.”
( Nụ cười)
“ Dọc bờ sông trắng, nắng chang chang.”
( Mùa xuân chín)

Hình ảnh người con gái xứ Huế xuất hiện trực diện bằng tiếng “em” rất mơ hồ
mơ hồ tới mức thấy áo nhưng lại “nhìn không ra”. “Em” gần gũi mà quá đỗi
xa vời. Gần gũi vì đây là hình ảnh hoài niệm thường trực trong cõi lòng thi
nhân, xa vời giữa hai người là khoảng cách về thời gian. Màu áo trắng là màu
áo dài nữ sinh Huế và cũng là màu gợi về sự tinh khiết sáng trong rất phù hợp
với hình ảnh cô gái trong mộng tưởng. Nó chiếm toàn bộ không gian, làm lập
loà cả thị giác tới mức “nhìn không ra”. Ở đây, tất cả đều chìm vào ảo ảnh, chỉ
còn lại sự băn khoăn day dứt tâm hồn thi nhân với một câu hỏi buông vào hư
không:
“Ai biết tình ai có đậm đà?”

Đại từ “ai” vừa mang tính cụ thể, vừa phiếm chỉ: một lần nữa xuất hiện hai lần

ở câu thơ cuối như khoảng cách đầy thắc mắc, dằn vặt trong tâm hồn con
người. Liệu tình yêu của “em” có đậm đà, bền chặt chăng hay cũng bảng lảng


như khói sương sông Hương đất Huế? Đây là câu hỏi của trái tim và đó cũng
là câu hỏi muôn thuở của tất cả những người đang yêu càng thiết tha, càng day
dứt, dằn vặt.

III.KẾT BÀI
Xưa nay thường có bao áng thơ ca hướng về xứ Huế mộng mơ. Nguyễn Bính
khi đi qua Huế cũng để lại một bài thơ về mảnh đất này:
“Cầu cong như chiếc lược ngà
Sông dài mái tóc cung nga buông hờ
Đôi bờ đôi cánh tay vua
Cung nga úp mặt làm thơ thất tình.”

Nét riêng của Hàn Mặc Tử là đã làm sống dậy hai xứ Huế: một xứ Huế thơ
mông của chung mọi người và một xứ Huế khắc khoải trong nỗi niềm riêng
của Hàn Mặc Tử. Dường như thi sĩ muốn hướng tới cái đẹp của tình đời,
tình người cao khiết và thánh thiện. Cái đẹp là bí ẩn, cuộc đời lại cuốn hút ta
ở sự bí ẩn ấy, ở nhưng câu hỏi không lời đáp. Hàn Mặc Tử mải mê đuổi theo
nhuengx câu hỏi ở phía cuộc đời, người đọc đọc đuổi theo những câu hỏi từ
phía bài thơ. Cuộc ú tim kiếm tìm này sẽ kéo dài tuổi thọ của bài thơ ra mãi.



×