Tải bản đầy đủ (.docx) (4 trang)

cảm nhận về mùa xuân dưới góc nhìn mỹ học

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (87.51 KB, 4 trang )

Cảm nhận về mùa xuân dưới góc nhìn mỹ học
Thời gian trôi đi như sương khói. Sương khói như một thứ bùa chú vô hình
bao trùm lên tất thảy, lặng lẽ mà đầy ám ảnh. Nỗi ám ảnh mang tên thời gian với
đầy đủ cái cao cả, cái đẹp, cái hài, cái bi của thiên nhiên và của con người như các
nhà mỹ học nhiều lần nhắc đến.
Theo quan điểm của các nhà mỹ học, cái cao cả là những sự vật sự việc, hiện
tượng mang tầm vóc phi thường, to lớn. Cái đẹp là những cái phù hợp với quan
điểm của con người về sự hoàn thiện, hài hòa, cân xứng, phù hợp với ước mơ,
mong muốn của con người về những cái lý tưởng. Cái bi chính là cái đẹp, cái cao
cả, cái anh hùng được đặt trong tình huống xung đột với những thế lực đối kháng.
Cái hài với bản chất là cái xấu nhưng lại cố tỏ ra đẹp một cách giả tạo.
Ngày qua tháng lại, thoắt đã một năm. Trời đất không biết đã bao nhiêu tuổi
nhưng hễ xuân đến, tất cả lại tươi vui. Ngày tháng vẫn vậy, cần mẫn trôi đi theo cái
vòng tuần hoàn vốn có. Xuân – hạ - thu – đông. Rồi lại xuân. Như vậy chẳng phải
kỳ diệu lắm sao. Cũng như những cơn mưa phùn ướt thâm chiếc nón bà của những
ngày xưa ấy, khi chúng tan đi chỉ còn lại bầu trời sáng trong, thanh khiết. Tưởng đã
lãng quên. Nhưng bây giờ chúng trở lại, ướt nhẹp từng góc phố. Để ta biết, tháng
năm trở lại rồi,…
Bắc bộ, đầu giêng, ai đó nói mùa xuân đang tới?!
Trong ấn tượng của tôi, mùa xuân được báo hiệu bằng những cơn mưa phùn
rả rích, triền miên ngày này qua ngày khác tưởng như mang hết thảy thế gian mài
mòn thành nước mà nhỏ xuống. Ai đó yêu mưa khe khẽ ngâm:
“Tháng giêng mưa ngoài phố
Mưa như là sương thôi
Những bóng cây dáng khói
Như mộng du bên trời”
(Mưa tháng giêng – Nguyễn Việt Chiến)
Về phần mình, tôi cảm nhận mưa tháng giêng như một bước chuẩn bị cho sự
chuyển mình ngoạn mục của đất trời, như một sự ra oai của cái đẹp, cái cao cả đối
với nhân thế. Theo đó, mưa đã kiên trì dùng sự ẩm ướt của mình ươm mầm nhựa



sống trong vạn vật để một ngày bỗng chốc nở bung ra, dùng sức mạnh của mình
thoát khỏi thần băng giá, đón mùa xuân trở về.
Mùa xuân đến, không thấy đâu “Trời lóe nắng, chợ vào đầy những
nắng/Đầy những người chen chúc họp mồ hôi” (chợ mùa hè – Anh Thơ) , không
phải “Với áo mơ phai dệt lá vàng’) như mùa thu trong “đây mùa thu tới” của Xuân
Diệu, cũng không thấy “Cơn gió đêm đông lạnh thắt lòng/Áo choàng đủ ấm vẫn
hoài mong"(Gió mùa đông – Đoàn Minh Hợp) mà là:
“Đã thấy xuân về với gió đông
Với trên màu má gái chưa chồng
Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn trời, đôi mắt trong”
(Xuân về - Nguyễn Bính)
Mùa xuân đến, mang theo cái gì đó thật tinh khôi, nhẹ nhàng. Lá non xanh,
chồi lộc mới ấp sẵn sương đêm khẽ khàng nở bung ra, e ấp, chúm chím mà đầy
kiêu hãnh giữa đất trời. Hơi ấm mùa xuân chạm vào vạn vật, xua đi cái lạnh giá
cuối đông để tất cả cùng say đắm trong phút giao tình của mẹ thiên nhiên giữa màu
xanh vĩnh hằng cỏ lá. Ở cõi trần, người ta khoan thai, nhẹ nhàng đi dạo, tay bắt mặt
mừng với tháng giêng để những biến động, những muộn phiền, những sầu muộn
thinh lặng nghỉ lại trong quá khứ.
Pháo hoa nở rộ, bầu trời chói sáng, ai đó chúc nhau câu bình an!
Tết đến rồi. Ngày mới, tháng mới, năm mới trao tặng tình yêu, niềm tin và
hy vọng cho cuộc đời. Cùng với quy luật của thời gian, của tạo hóa xoay vần, tờ
lịch cũ và dòng đời cũ chuyển tiếp sang tờ lịch mới, dòng đời mới. Vũ trụ đóng lại
rồi mở ra trong phút giao thừa theo trật tự có từ thuở xa xưa. Cõi người, ta bâng
khuâng nói lời tạm biệt năm cũ, đón mừng năm mới. Gió mưa xuân hòa quyện với
suối reo thác đổ, hợp thành bản giao hưởng tống cựu nghinh tân bất hủ của đất trời,
hát lên bản tình ca thiên nhiên bất tận. Hôm qua sương phủ khói vương, hôm nay
nắng vàng khắp chốn. Hôm qua nỗi buồn vô lượng, hôm nay niềm vui ngát hương,
hôm qua cây lá ủ ê, hôm nay đào mai nở rộ. Những tháng giêng cứ trôi theo dòng

đời: “Và non nước, và cây, và cỏ rạng. Cho chếnh choáng mùi hương, cho đã đầy
ánh sáng. Cho no nê thanh sắc của trời tươi”(Vội vàng – Xuân Diệu)


Nhân lúc cảnh xuân, trời xuân, đất trời giao hợp, người người gác lại bộn bề
công việc, trở về sau những tháng ngày đi xa, cùng người thân nhìn lại quá khứ,
hướng đến tương lai; sà vào vòng tay mẹ, nhận lời chúc từ ba, thắp một nén nhang
trên bàn thờ tổ tiên, lặng mình tưởng nhớ người đã khuất, cảm nhận hơi ấm chỉ có
ở gia đình, cắt miếng bánh chưng xanh, nghe vài câu hát cổ, xem chương trình cuối
năm hay bước đến chùa nghe tiếng chuông văng vẳng giữa nghi ngút khói hương
để thanh tâm trở lại. Khi ấy, ta thăm hỏi nhau, quan tâm nhau, trao cho nhau ánh
sáng của niềm tin, vui mừng nhận phong bao lì xì đỏ rực để quên đi tuổi thực mà
tự cho phép bản thân nghĩ rằng “mình vẫn còn bé lắm”,…
Ai đó không thể về, lòng xôn xao nỗi những nỗi nhớ nhung, hoài niệm. Nhớ
câu nói của mẹ, nhớ ánh mắt của ba, nhớ tiếng cười thời thơ dại để rồi đang bâng
khuâng mường tượng cha mẹ ở nơi nao trên mái tóc, làn da đã nhuốm màu năm
tháng có đang nhớ đến người phương xa bỗng thấy hốc mắt nhòe đi vì hơi nước…
“về nhà” – ước mong lớn nhất mùa đoàn viên. Nhà! Chỉ một con chữ đơn giản vậy
thôi mà mỗi lần nhắc đến là một lần không ngăn nổi nỗi chênh chao.
Thuở bé thơ, nhà là nơi có vòng tay của ba, có tình yêu của mẹ. Ngày ấy, ba
là trời rộng và mẹ là mặt đất bao la. Cả thế giới vĩnh hằng ấy dường như chỉ có
mình con. Ở nơi ấy, vĩnh viễn chỉ có sự bình yên. Thế rồi bỗng một ngày, con phát
hiện mình phải lớn lên. Con tách mình khỏi vòng tay ba mẹ, học cách để trưởng
thành. Con đi tới một nơi xa xôi lắm. Ở chốn xa xăm ấy, lòng con càng thêm rộn
ràng mỗi dịp xuân về. Đó là những ngày đông khi mặt trời tắt nắng, ngồi co ro
trong phòng trọ ướt lạnh, thiếp đi trong tiếng gió lùa, mênh mang trong giấc mộng
chập chờn mà cảm nhận: “mưa rơi ướt ở trong lòng khắc khoải, mưa đêm nay rơi
vỡ một khung trời” rồi thầm mong hơi ấm chốn quê nhà. Đó là khi lang thang trên
con đường xa lạ, thấy chăng đèn kết hoa, con bỗng nhớ con đường thân thuộc mòn
dấu chân trên mỗi nẻo đi về. Là những chiều mưa ướt từng kỷ niệm, là những đêm

xốn xang đến mất ngủ khi sắp được trở về… Là những bình yên trong nhộn nhịp
xuân sang,…
Thuở ấu thơ, mỗi lần xuân sang là mỗi lần ta chìm trong hạnh phúc, sướng
vui. Mừng vì kỳ nghỉ lễ kéo dài, vui vì những ngày du xuân khắp chốn, hạnh phúc
khi quây quần bên gia đình, nhận những lời chúc phúc cùng những phong bao lỳ xì
còn đỏ hơn nhành đào ngoài kia. Năm tháng nào qua đi, người ta rồi cũng phải lớn
lên. Đến một ngày, ta bỗng nhận ra tuổi trẻ của mình được đánh đổi bằng chính
tuổi xuân của ba mẹ. Khi ấy thì than ôi, mái tóc cha đã bạc, khóe mắt mẹ hằn nếp
nhăn, tấm lưng ngoại đã còng theo những tháng năm dãi dầu gió sương và nội…
“Giờ chỉ còn là một nấm cỏ thôi”(Đò lèn – Nguyễn Duy). Khi ấy, ta không mong


xuân nữa. Dù vẫn vui khi pháo hoa bừng sáng, trời đất rộn ràng, vẫn tưng bừng sửa
sang sắm tết, vẫn cười vui bên mâm cỗ tất niên nhưng vu vơ đâu đó vẫn có những
khoảng trống chẳng thể lấp đầy,…
Sau tất cả, tôi cảm nhận tháng giêng như cưu mang một sức mạnh vô hình,
sức mạnh khiến cho con người ta nhận ra cái đẹp, cái cao cả của thiên nhiên và đâu
đó có cả cái bi, cái hài do chính con người tạo ra. là sức mạnh khiến cho con người
nhận ra mình đang dần trưởng thành, tạo thành sức bật cho những ai đang ngủ
quên trong quá khứ, đắm mình trong sầu muộn riêng tư hay những khắc thoáng
buồn chỉ vì bỗng thấy đời bớt vui,…Để rồi, có những phút chênh vênh, tôi từng
nghĩ có khi nào tạo hóa mang tháng giêng đến, kéo mùa xuân sang đều đặn hằng
năm là để khiến cho con người ta dừng lại một chút để nhìn về quá khứ, nhìn lại
những điều đã qua hay trót lỡ đánh rơi trên tấp nập đường đời để ta tỉnh ngộ,
trưởng thành, có thêm sức sống, thêm niền tin và động lực để tiến bước trên con
đường đầy rẫy những gian nan?!!!
VŨ THỊ HIỀN – 1405QTND
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.


Lê Văn Dương, Lê Đình Lục, Lê Hồng Vân (2007), Mỹ học đại cương Giáo trình đại học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, trang 162 – 178.



×