Tải bản đầy đủ (.pdf) (14 trang)

Ứng dụng mạng xã hội Facebook trong hoạt động thông tin - thư viện

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.34 MB, 14 trang )

Ứng dụng mạng xã hội Facebook trong hoạt động thông tin - thư viện

Ứng dụng mạng xã hội
Facebook trong hoạt động
thông tin - thư viện
Bởi:
Lê Thị Huyền Trang

CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ ỨNG DỤNG MẠNG XÃ HỘI
FACEBOOK
TRONG HOẠT ĐỘNG THÔNG TIN - THƯ VIỆN

1.1 Giới thiệu khái quát về mạng xã hội Facebook

Facebook là mạng xã hội ảo cho phép người sử dụng truy cập miễn phí với đầy đủ
các tính năng như chat, email, chia sẻ hình ảnh, kết nối bạn bè, quảng cáo… do
công ty Facebook, Inc điều hành và sở hữu tư nhân. Người sáng lập ra Facebook
là Mark Zuckerberg cùng với những người bạn của mình là Eduardo Saverin, Dustin
Moskovitz và Chris Hughes khi ông còn là sinh viên tại Đại học Harvard. Từ một sự án
nhỏ tại trường đại học của một sinh viên 19 tuổi, giờ đây Facebook đã trở thành một
tổ chức quyền lực về công nghệ với tầm ảnh hưởng vô cùng to lớn đến cuộc sống hiện
đại của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Lượng thành viên gia nhập cộng đồng mạng xã
hội Facebook trải dài trên nhiều thế hệ, nhiều vùng địa lý, nhiều ngôn ngữ, nhiều tầng
lớp và nhiều nền văn hóa khác nhau. Facebook đã và đang góp phần làm thay đổi cách
mọi người liên lạc và tương tác với nhau: từ cách các nhà chính khách làm chính chính
trị như việc tổng thống Obama thường xuyên sử dụng Facebook để trao đổi với người
dân đến cách các nhà kinh tế làm kinh tế như thay đổi cách marketing các sản phẩm,
thậm chí là cả cách các công ty hoạt động hay đơn giản hơn đó là cách những con người
bình thường giao tiếp với nhau thay vì gọi điện, viết thư hay gửi email, họ có thể thường
xuyên cập nhật Facebook để biết bạn bè của mình đang làm gì. Với sự phát triển mạnh
mẽ như vậy trong suốt tám năm qua, hiện nay Facebook là mạng xã hội đang sở hữu rất


nhiều những con số ấn tượng, cụ thể:

1/14


Ứng dụng mạng xã hội Facebook trong hoạt động thông tin - thư viện

* Về mức độ phổ biến:
- 700 triệu thành viên trên toàn thế giới, cứ 13 người có mặt trên trái đất thì có 1 người
trên Facebook (theo SocialBakers / Mashable 2011/05)
- Mỗi ngày có 700,000 người mới tham gia vào Facebook (theo DBA Worldwide)
- Facebook đã được dịch ra 75 ngôn ngữ, với khoảng 75% số người dùng thường xuyên
không phải là người Mỹ (theo Facebook Gobal Monitor do InsideFacebook.com)
- 35,3% dân số Mỹ đang sử dụng Facebook. Các quốc gia tiếp theo có số lượng người sử
dụng Facebook lớn nhất lần lượt là Canada, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Pháp, Canada,
Italia và Philippines (theo Facebook Gobal Monitor do InsideFacebook.com)
* Về mức độ sử dụng:
- Hơn 20% trong số 1,7 tỷ người trên mạng Internet dùng Facebook thường xuyên
(thống kê vào tháng 2 năm 2010).
- Người dùng trên khắp thế giới dành khoảng 8 tỷ phút hằng ngày trên Facebook (một
người trung bình dành gần một tiếng mỗi ngày trên trang web này)
- 35 triệu là số người sử dụng cập nhật trạng thái (status) mỗi ngày (theo Website
Monitoring Blog và Facebook press page)
- 3 tỷ là số bức ảnh được up lên Facebook mỗi tháng.
- 3.5 triệu là số sự kiện được tạo ra mỗi tháng trên Facebook.
* Sử dụng trong marketing:
- 99% các nhà bán lẻ trực tuyến có tài khoản Facebook
- Trên 3 triệu trang doanh nghiệp (business pages) đang hoạt động trên Facebook
- Facebook (với 23%) là công cụ social với giá trị sử dụng lớn thứ 2 đối với các nhà
marketing, chỉ đứng sau LinkedIn (26%) và cao hơn Twitter (17%) (theo Unisfair)

(Nguồn tổng hợp: Performance Indicators: Facebook)

1.2 Các đặc tính cơ bản của mạng xã hội Facebook đáp ứng yêu cầu của hoạt động thông
tin - thư viện

2/14


Ứng dụng mạng xã hội Facebook trong hoạt động thông tin - thư viện

Facebook có đầy đủ các đặc tính để đáp ứng những yêu cầu của hoạt động thông tin thư
viện như cung cấp thông tin và tư vấn cho người dùng tin, hỗ trợ người dùng tin tra cứu
trực tuyến thông qua mạng xã hội facebook, hỗ trợ hoạt động marketing của thư viện
như nghiên cứu người dùng tin, quảng bá sản phẩm và dịch vụ hay quảng bá hình ảnh
của thư viện. Cụ thể:
* Tính kết nối
Điều quan trọng nhất của một mạng xã hội chính là sự liên kết các thành viên của nó
- Đây cũng chính là điểm mạnh của mạng xã hội Facebook. Sự kết nối các thành viên
trong Facebook rất chặt chẽ với một cơ chế chuẩn, ít khuyết điểm, hoạt động ổn định.
Người sử dụng có thể dễ dàng tìm kiếm cũng như kết bạn với những người mà trước đó
không hề quen biết thông qua những mối quan hệ chung như bạn bè, trường học, nơi ở.
Và khi đã thiết lập quan hệ bạn bè, người sử dụng có thể nắm bắt kịp thời tất cả những
thông tin mới được cập nhật của bạn mình như việc thay đổi hình ảnh đại diện, hoặc
đăng tải thêm những hình ảnh mới lên Facebook, cập nhật trạng thái, thay đổi mối quan
hệ… Với những tính năng nổi trội như vậy, người sử dụng Faecbook có thể dễ dàng theo
dõi hoạt động của bạn bè và có thể kết bạn được với nhiều người hơn trên Facebook.
Với tính kết nối mạnh mẽ như vậy, Facebook đã đáp ứng được một trong những yêu cầu
cấp thiết của hoạt động thông tin – thư viện là tiếp cận tối đa số lượng người dùng tin
nhằm nghiên cứu nhu cầu và phổ biến thông tin cũng như hỗ trợ cho người dùng tin. Với
việc tạo lập một trang Facebook cá nhân cho thư viện, các cán bộ thư viện có thể xây

dựng một không gian riêng dành cho những người dùng tin để họ có thể dễ dàng nắm
bắt những thông tin mới của thư viện, bên cạnh đó họ cũng có thể làm quen, kết bạn và
chia sẻ với các cán bộ thư viện cũng như với những người dùng tin khác. Thông qua đó,
các cán bộ thư viện có thể dễ dàng nghiên cứu cũng như nắm bắt kịp thời nhu cầu tin của
người dùng tin và người dùng tin cũng có thể chia sẻ, góp ý để giúp thư viện hoàn thiện
tốt hơn – Điều này đã thỏa mãn được sự tương tác hai chiều giữa người cung cấp là các
cán bộ thư viện với người sử dụng các sản phẩm là dịch vụ thư viện là người dùng tin.
Không chỉ vậy, với khả năng kết nối mạnh mẽ, Facebook chính là một trong các công
cụ quảng bá hình ảnh, giới thiệu nguồn lực thông tin, phương châm hoạt động và những
thành tích đạt được hữu hiệu cho bất cứ cơ quan thông tin – thư viện nào muốn tạo dựng
một hình ảnh đẹp tới tất cả những người dùng tin trên khắp mọi nơi (không giới hạn về
không gian địa lý).
* Tính thân thiện
Điểm nối bật thứ hai khiến các cán bộ thư viện lựa chọn mạng xã hội Facebook chính là
tính thân thiện, đơn giản với người sử dụng. Các nhà lập trình của Facebook luôn hiểu
rõ người sử dụng của họ muốn và cần gì. Công nghệ của họ không quá vượt trội, kỳ diệu
nếu so sánh với những gì Apple hay Microsoft đã làm được, nhưng chúng lại luôn đáp
ứng được đủ nhu cầu của người dùng: tốt, hoạt động ổn định và chắc chắn. Không cần

3/14


Ứng dụng mạng xã hội Facebook trong hoạt động thông tin - thư viện

phải hiểu quá rõ về công nghệ, hay mất quá nhiều thời gian để tìm hiểu, người dùng vẫn
có thể trải nghiệm Facebook với đầu đủ tính năng.
Chính sự đơn giản và dễ sử dụng này, đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí
cho các cơ quan thông tin - thư viện. Khác với việc tạo lập và duy trì một trang web
hay xây dựng một cổng thông tin điện tử là điều mà ít cán bộ thư viện có thể tự làm, họ
thường phải thuê các chuyên gia về công nghệ thông tin và mất khoản kinh phí không

nhỏ cho điều đó thì với Facebook, vấn đề này đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Các cán
bộ thư viện hoàn toàn có thể tự tạo lập một tài khoản, dễ dàng kết nối với những người
dùng tin của họ. Bên cạnh đó, họ còn có thể dễ dàng sử dụng các tính năng của Facebook
như: sửa các thông tin hay cập nhật thông tin mới dưới các dạng ghi chú (Notes) hoặc
tạo và thông báo các sự kiện (Events) với những thao tác đơn giản. Không chỉ vậy, cũng
với những thao tác tìm kiếm và kết bạn đơn giản, người dùng tin có thể dễ dàng tìm thấy
và kết nối với trang Facebook cá nhân của thư viện. Chính sự thân thiện và dễ sử dụng
là điểm chung khiến cán bộ thư viện và người dùng tin có thể dễ dàng tìm thấy và tương
tác với nhau.
* Tính tiết kiệm
Một lý do quan trọng khác khiến Facebook trở thành sự lựa chọn hoàn hảo cho các cán
bộ thư viện chính là sự tiết kiệm. Tất cả chúng ta đều có thể dễ dàng sở hữu một tài
khoản Facebook với đầy đủ các tính năng mà không phải trả bất kỳ một chi phí sử dụng
nào. Thay vì mất một khoản chi phí không nhỏ cho việc duy trì sever khi tạo lập một
website hay mất một lượng kinh phí cho việc truyền bá thông tin thông qua các website
truyền thông khác, các cán bộ thư viện hoàn toàn có thể lập một tài khoản Facebook
ở dạng cá nhân hay nhóm để quảng bá cho hình ảnh thư viện, tương tác và hỗ trợ nhu
cầu của người dùng tin. Với sự kết nối mạnh mẽ giữa những người sử dụng, mức độ lan
truyền thông tin rộng và nhanh và một chi chí bỏ ra gần như là miễn phí, các cán bộ
thư viện sẽ nhanh chóng tìm được những đối tượng người dùng tin mục tiêu của mình.
Điều này thực sự quan trọng vì khác với những lĩnh vực kinh doanh khác, thông tin –
thư viện là lĩnh vực nhận được sự tài trợ chủ yếu của nhà nước với cơ chế hoạt động phi
lợi nhuận, vì thế việc tiết kiệm mà vẫn hiệu quả là điều rất quan trọng.

1.3 Các tính năng cơ bản của mạng xã hội Facebook đáp ứng yêu cầu của hoạt động thông
tin – thư viện

Để sử dụng mạng xã hội Facebook như một công cụ phục vụ hoạt động thông tin – thư
viện, các cán bộ thư viện cần phải hiểu rõ các tính năng của từng thành phần chính của
Facebook như: Thông tin cá nhân (Profile), Tường (Wall), Đăng tải hình ảnh và video

(Upload Pictures and Video), Tạo lập sự kiện (Events), Tạo lập nhóm (Fanpage) và Tạo
ứng dụng (Applications). Các thành phần này đều có khả năng được sử dụng như một

4/14


Ứng dụng mạng xã hội Facebook trong hoạt động thông tin - thư viện

công cụ để thực hiện các nhiệm vụ thông tin – thư viện như nghiên cứu và hỗ trợ nhu
cầu của người dùng, tạo dựng sản phẩm và dịch vụ thông tin, xây dựng chiến lược hoạt
động và quảng bá hình ảnh, sản phẩm. Cụ thể:
* Thông tin cá nhân (Profile) - Tạo dựng thương hiệu
“Thông tin cá nhân” là điều phân biệt Facebook của cá nhân/nhóm này với những cá
nhân/nhóm khác. Trong lĩnh vực marketing, thương hiệu là một điều rất quan trọng mà
“thông tin cá nhân” chính là đại diện cho thương hiệu đó. “Thông tin cá nhân” cho phép
những người truy cập Facebook khác biết về những thông tin cá nhân như tên tuổi, trình
độ học vấn, giới thiệu bản thân ... Tuy nhiên, không phải cá nhân nào sử dụng Facebook
cũng có quyền truy cập vào “thông tin cá nhân” của người khác, người sử dụng có thể
cài đặt quyền cho phép truy cập.
Để sử dụng mạng xã hội Facebook như một công cụ hỗ trợ hoạt động thông tin – thư
viện, việc thiết lập một “thông tin cá nhân” ấn tượng cho trang Facebook là điều cần chú
trọng đầu tiên. Yêu cầu quan trọng nhất khi thiết lập “thông tin cá nhân” là trình bày
ngắn gọn mà vẫn đầy đủ và dễ tiếp nhận, để mang thông điệp đại diện cho trung tâm
thông tin – thư viện đó đến với người dùng tin. Đó có thể là những thông tin khái quát
về lịch sử hình thành, giới thiệu về cơ sở vật chất và nguồn lực thông tin, đội ngũ cán
bộ, các sản phẩm và dịch vụ của Trung tâm. Thông qua đó, người dùng tin có thể dễ
dàng xác định được những thông tin cơ bản mà họ cần biết, phản hồi những thông tin
cần biết thêm. Đây cũng được coi là một công cụ hữu hiệu để trung tâm thông tin – thư
viện nhận diện nhóm đối tượng người dùng tin chính của mình và là dấu hiệu đầu tiên
để người dùng tin định hình về trung tâm đó hay nói cách khác là ấn tượng đầu tiên của

người dùng tin đối với trung tâm thông tin – thư viện đó thông qua trang Facebook.
* Tường (Wall) – Công cụ đặc lực hỗ trợ điều tra nhu cầu của người dùng tin thông
qua đó tạo ra các sản phẩm phù hợp và cung cấp thông tin ngắn gọn tới người dùng
tin
“Tường” không chỉ là nơi hiển thị những hoạt động cá nhân của người sở hữu Facebook
như thay đổi thông tin cá nhân, cập nhật trạng thái hay đăng tải thêm hình ảnh mà còn là
nơi trao đổi thông tin với những người bạn của họ. Hay nói cách khác, trên Facebook nơi mà sự tương tác giữa người với người diễn ra mạnh nhất chính là trên “tường”. Nhận
thấy được tầm quan trọng của việc kết nối bạn bè thông qua “tường”, các nhà quản trị
Facebook luôn không ngừng nâng cấp các tính năng như: tag (tính năng đánh dấu, giúp
thông báo tới những người có liên quan tới nội dung được đánh dấu đó), like (tính năng
đánh dấu “thích”, giúp thể hiện thái độ đồng ý hay yêu thích tới nội dung được “like”)
… nhằm hỗ trợ cho quá trình trao đổi và chia sẻ thông tin diễn ra nhanh và hiệu quả hơn.
Trong lĩnh vực thông tin - thư viện , thư viện có rất nhiều hoạt động, sản phẩm và dịch vụ
được tổ chức nhằm phục vụ người dùng tin và thông qua chức năng “tường”, Facebook

5/14


Ứng dụng mạng xã hội Facebook trong hoạt động thông tin - thư viện

chính là công cụ thông báo cũng như nhận những phản hồi từ phía người dùng tin nhanh
chóng và hiệu quả cho các cán bộ thư viện. Vì thế, những thông tin được đăng tải trên
“tường” cần trình bày rõ ràng và luôn cập nhật những thông tin liên quan tới thư viện
thường xuyên và đều đặn để tạo điều kiện cho người dùng tin tiếp nhận thông tin dễ
dàng và có những phản hồi kịp thời. Ngoài ra, không chỉ thụ động đăng thông tin và
đợi người dùng tin phản hồi, cơ quan thông tin – thư viện cũng nên tận dụng chức năng
này để đặt ra những câu hỏi nhằm chủ động nghiên cứu những sản phẩn hay dịch vụ mà
người dùng tin đang mong muốn để hướng tới đáp ứng những nhu cầu đó thông qua sự
hỗ trợ của tính năng “tạo bảng hỏi” khi đăng bài trên “tường”. Nếu như sự tương tác
giữa trung tâm và người dùng tin diễn ra càng thường xuyên và liên tục thì trung tâm

sẽ càng hiểu hơn nhu cầu của người dùng tin để có những chính sách phù hợp và người
dùng tin sẽ ngày càng được đáp ứng tốt hơn những nhu cầu của mình – Đây chính là
một trong những nhiệm vụ thông tin – thư viện quan trọng. Tuy nhiên, tính năng này lại
có một nhược điểm là rất khó để kiểm soát thông tin khi mà đa số mọi người đều có thể
đăng thông tin lên tường Facebook của người khác; chính vì thế rất dễ dẫn đến nhiều
thông tin bị sai lệch hay không chính xác gây nhiễu thông tin cho người dùng tin.
* Đăng tải hình ảnh và video (Upload pictures and videos) - Quảng bá hình ảnh và
giới thiệu sản phẩm, dịch vụ thông tin
Cũng như các mạng xã hội khác, Facebook không chỉ cho phép người sử dụng trao đổi
và chia sẻ thông tin thông qua cách thức cập nhật trạng thái mà còn cho phép người sử
dụng có thể chia sẻ hình ảnh hay video thông qua việc tạo album ảnh và đăng tải video.
Đây là một tính năng được người sử dụng đặc biệt quan tâm và yêu thích, nó cũng chính
là điểm mạnh cần được các nhà marketing chú trọng khai thác.
Trong lĩnh vực thông tin – thư viện, tính năng này cũng cần được chú trọng. Tính năng
này sẽ hỗ trợ đặc lực việc quảng bá hình ảnh của trung tâm bằng cách tạo lập hay đăng
tải video có nội dung giới thiệu về trung tâm. Bên cạnh đó, Facebook còn cho phép các
cán bộ thư viện đăng tải những hình ảnh hay video về những sản phẩm hay dịch vụ của
trung tâm, đặc biệt là những sản phẩm thông tin mới - Đó không chỉ là cách tốt nhất để
quảng bá những sản phẩm thông tin của trung tâm mà còn là công cụ để trung tâm thu
nhận những ý kiến đóng góp, phản hồi của người dùng tin.
* Viết ghi chú (Notes) - Phổ biến thông tin, quảng bá hình ảnh và nhận phản hồi từ
phía người dùng tin
“Viết ghi chú” là một phần quan trọng của Facebook, nó có chức năng như một trang
blog (nhật ký) cá nhân, giúp ghi chép lại những sự kiện, những thông tin mà chủ nhân
của Facebook muốn chia sẻ. Nó khác với việc cập nhật status (trạng thái) ở độ dài dung
lượng số từ cho phép.

6/14



Ứng dụng mạng xã hội Facebook trong hoạt động thông tin - thư viện

Đối với các trung tâm thông tin – thư viện, “viết ghi chú” chính là một công cụ để truyền
đạt những thông tin quan trọng đến với người dùng tin vì nó khắc phục được nhược
điểm của tính năng “tường”. Những thông tin trong tính năng “viết ghi chú” chỉ có thể
do chủ nhân của Facebook đó đăng tải – Điều này sẽ tránh được sự nhiễu thông tin hay
đưa ra những thông tin sai lệch cho người dùng tin. Các trung tâm thông tin thư viện có
thể dùng tính năng này như một kênh thông tin chính thống để phổ biến và tiếp nhận ý
kiến phản hồi. Đây là điểm mà hầu hết các trang web hiện nay chưa làm được. Những
thông tin đăng tải trên website thường ở dạng tĩnh, người dùng tin chỉ có thể đọc mà
không thể phản hồi hay bày tỏ quan điểm vì thế những thông tin này sẽ chỉ mang tính
thông báo hay thông tin mà không đảm bảo được yêu cầu quan trọng nhất là tìm hiểu
nhu cầu của người dùng tin trong hoạt động thông tin – thư viện.
* Tạo lập sự kiện (Events) – Giúp người dùng tin kịp thời nắm bắt những sự kiện sẽ
được diễn ra tại thư viện và đăng ký tham gia
Tạo lập sự kiện là một tính năng thu hút được nhiều sự chú ý ngay từ khi mới được giới
thiệu trong cộng đồng Facebook. Khác với tính năng “tường” hay “viết ghi chú”, những
thông tin mới được đưa ra ở đây là những thông tin về các sự kiện sắp được diễn ra như
tên sự kiện, thời gian, địa điểm và cho phép mời bạn bè một cách nhanh chóng và tiện
lợi. Những đối tượng khách mời cũng có thể dễ dàng phản hồi là sẽ tham gia hay không
chỉ bằng một cú kích chuột. Thông qua đó, giúp người tổ chức sự kiện dễ dàng nắm bắt
được tình hình lượng người tham gia, nhân những ý kiến phản hồi, góp ý để có những
sự điều chỉnh hợp lý.
Trong lĩnh vực thông tin – thư viện, đối với bất cứ thư viện nào, hàng năm đều có từ
một đến nhiều những hoạt động được tổ chức. Đó có thể là các hội chợ sách, triển lãm,
hội thảo trao đổi kinh nghiệm, các cuộc thi tuyên truyền giới thiệu sách … Vì thế việc
sự dụng tính năng “tạo lập sự kiện” sẽ giúp các thư viện dễ dàng thông báo và gửi lời
mời tới người dùng tin, thuận tiện nắm bắt lượng người dùng tin sẽ tham gia, nhận ý
kiến phản hồi trước và cả sau sự kiện để có những điều chỉnh và rút kinh nghiệm cho lần
tổ chức sau. Đây là một tính năng quan trọng mà khi ứng dụng mạng xã hội Facebook

trong lĩnh vực thông tin – thư viện, các cán bộ thư viện nên chú ý và tận dụng.
* Tạo ứng dụng (Applications) – Nghiên cứu và hỗ trợ nhu cần của người dùng tin
Trên nền tảng lập trình của Facebook, người dùng tin có thể tự tạo lập những ứng dụng
để phục vụ cho những nhu cầu khác nhau của mình. Các nhà kinh doanh thường tạo lập
các ứng dụng như những trò chơi trắc nghiệm để thu hút nhiều người dùng Facebook
khác – họ có thể là những khách hàng tiềm năng biết và truy cập vào trang Facebook cá
nhân của doanh nghiệp thông qua hình thức “like” trang để sử dụng ứng dụng. Đây là
hình thức phổ biến để thu hút khách hàng và tiếp thị, quảng bá sản phẩm và thương hiệu
thông qua mạng xã hội Facebook với tính năng “tạo ứng dụng”.

7/14


Ứng dụng mạng xã hội Facebook trong hoạt động thông tin - thư viện

Trong lĩnh vực thông tin – thư viện, bên cạnh việc có thể áp dụng hình thức như trên
để tạo hứng thú và thu hút người dùng tin, cán bộ thư viện hoàn toàn có thể sử dụng
tính năng này một cách đa dạng hơn bằng việc tạo lập các bảng hỏi trực tuyến để khảo
sát và nắm bắt kịp thời những nhu cầu ngày càng phong phú của người dùng tin hay hỗ
trợ nhu cầu tra cứu trực tuyến của người dùng tin bên cạnh việc tra cứu trực tuyến trên
OPAC thông qua tính năng “tạo ứng dụng” của Facebook. Điều này chắc chắn sẽ mang
tới nhiều lợi ích và sự tiện lợi cho người dùng tin cũng như cán bộ thư viện, tuy nhiên
nó đòi hỏi một trình độ hiểu biết sâu sắc hơn về nền tảng lập trình của Facebook – Đó
là điều mà các cán bộ thư viện cần có nếu muốn ứng dụng Facebook một cách toàn diện
và hiệu quả nhất.
* Tạo lập trang (Fanpage) – Cho phép mở rộng phạm vi kết bạn và thiết lập mối quan
hệ mật thiết hơn với người sử dụng
Các doanh nghiệp lớn thường tạo ra những trang dành riêng cho người “hâm mộ”, hay
nói đơn giản là những người quan tâm tới họ, cho phép họ có thể làm mọi thứ như cập
nhật thông tin, theo dõi sự kiện, và phản hồi ý kiến, bày tỏ quan điểm. Khi đã trở thành

“fan” hâm mộ, chủ nhân của những trang web này có thể gửi tin nhắn tới bất cứ ai trong
hệ thống “fan” của doanh nghiệp, tạo thành một kênh quảng bá rất hiệu quả cho tên hiệu
doanh nghiệp. Vì thế yêu cầu khi tạo lập Fanpage là cần tạo sự thân thiện với người sử
dụng để thiết lập mối quan hệ mật thiết hơn với người sử dụng.
Đặc biệt, khi sử dụng Facebook với mục đích thương mại hay marketing đứng tên một
tổ chức công ty, cần lưu ý Facebook chỉ chấp nhận sự tồn tại của nó dưới dạng một trang
Fanpage chứ không phải trang cá nhân. Vì thế việc tạo lập một Fanpage hay còn gọi là
tạo nhóm người hâm mộ là điều vô cùng quan trọng. Mặc dù các trung tâm thông tin
– thư viện hầu hết đều là các tổ chức phi lợi nhuận nhưng đối với mục đích marketing
thì việc tạo lập trang Fanpage cũng là điều nên lưu ý vì những tính năng vượt trội của
trang Facebook nhóm này như: không giới hạn số thành viên, mức độ phổ biến thông tin
nhanh hơn khi mà người dùng tin có thể dễ dàng cập nhật các thông tin mới mà không
cần phải được tag hay là phải tìm kiếm trên tính năng New feed (cập nhật tin tức mới)


1.4 Một số bài học kinh nghiệm của nước ngoài trong việc ứng dụng mạng xã hội
Facebook trong hoạt động thông tin – thư viện

Trong những năm gần đây, việc ứng dụng mạng xã hội Facebook vào hoạt động trong
lĩnh vực thông tin - thư viện đã phổ biến ở nhiều thư viện lớn trên thế giới như Thư
viện đại học Yale (Mỹ), Thư viện đại học Staffordshire (Anh), Thư viện công cộng
Vancouver (Columbia), State Library of Queensland (Úc). Với những chiến lược ứng
dụng hiệu quả, mạng xã hội Facebook đã trở thành một công cụ hỗ trợ đắc lực cho các

8/14


Ứng dụng mạng xã hội Facebook trong hoạt động thông tin - thư viện

hoạt động của những thư viện trên – Đây chính là những bài học kinh nghiệm mà các

cơ quan thông tin – thư viện của Việt Nam nên học hỏi nếu muốn đạt được hiệu quả cao
trong việc ứng dụng mạng xã hội Facebook. Cụ thể:
Với nỗ lực xây dựng một hình ảnh thân thiện, gần gũi và dễ tiếp cận nhất với người dùng
tin, các thư viện lớn trên thế giới gần như đã tận dụng tối đa tính năng “tạo lập trang
Fanpage” thay vì sử dụng các trang Facebook cá nhân. Ưu điểm của việc “tạo lập trang
Fanpage” là người dùng tin có thể dễ dàng tương tác và theo dõi các thông tin, hình ảnh
được tăng tải trên Facebook của thư viện chỉ bằng một thao tác kích vào nút “like” ở đầu
trang thay vì phải tốn thêm thời gian đợi đăng ký kết bạn và chờ được chấp nhận. Điều
nay không chỉ tạo sự tiện lợi và thân thiện cho người dùng tin mà nó còn là công cụ phổ
biến và truyền bá trang Facebook của thư viện một cách nhanh chóng nhờ đặc tính liên
kết và lan truyền của Facebook. Cụ thể hơn, khi bạn đăng ký làm người hâm mộ của thư
viện thì trên trang Facebook cá nhân của bạn sẽ hiển thị một thông báo về điều này và
bạn bè của bạn cũng sẽ nhanh chóng biết được điều đó, trong số bạn bè của bạn sẽ có
một số người cảm thấy hứng thú, truy cập và cũng trở thành người hâm mộ - Đó chính
là sự tận dụng tối đa đặc tính lan tryền của mạng xã hội Facebook. Mặc dù có nhiều ưu
điểm như vậy nhưng việc “tạo lập trang Fanpage” vẫn có những hạn chế nhất định như
khó kiểm soát những thông tin được đăng tải trên “tường” từ những người dùng tin. Bên
cạnh đó, việc tất cả mọi người đều có thể dễ dàng truy cập và tương tác với Facebook
của thư viện sẽ dẫn đến khó kiểm soát và khó nắm bắt được đâu mới là đối tượng người
dùng tin mục tiêu của thư viện. Tuy nhiên, hình thức sử dụng trang Fanpage thay vì sử
dụng các Facebook cá nhân vẫn được coi là một kinh nghiệm quý giá, nên được cân
nhắc cẩn thận.

9/14


Ứng dụng mạng xã hội Facebook trong hoạt động thông tin - thư viện

Hình 1.1: Trang Facebook (Fanpage) của Thư viện Đại học Yale (Mỹ)
Không chỉ cân nhắc kỹ càng những thông tin được đăng tải trên Facebook của thư viện

mà ngay cả những hình ảnh, video cũng nên được tính toán một cách cẩn thận – Đây là
một bài học kinh nghiệm được rút ra từ những thư viện lớn trên thế giới đã ứng dụng
mạng xã hổi Facebook hiệu quả. Cụ thể, bên cạnh việc đăng tải những hình ảnh về các
hoạt động và sản phẩm của thư viện, những hình ảnh về thư viện nên được đặc biệt chú
ý. Việc các thư viện lớn trên thế giới đăng tải lên Facebook những hình ảnh về thư viện
khá đầy đủ dưới mọi góc độ hay những video hướng dẫn sử dụng thư viện không chỉ
tạo được điểm nhấn, gây ấn tượng với người dùng tin mà còn tạo cảm giác thân quen và
thân thiện cho người dùng tin. Mỗi khi truy cập vào trang Facebook của thư viện, người
dùng tin sẽ có cảm giác đang được trải nghiệm và ở trong chính thư viện đó – Đây là
một hiệu ứng phổ biến nhưng không phải thư viện nào cũng nhận ra và nếu đã nhận ra
và chú ý tới thì sẽ tạo được một sức hút rất hơn cho trang Facebook của thư viện.

10/14


Ứng dụng mạng xã hội Facebook trong hoạt động thông tin - thư viện

Hình 1.2: Album ảnh giới thiệu toàn cảnh về thư viện trên trang Facebook
của Thư viện Đại học Yale
Việc tương tác giữa người dùng tin và cán bộ thư viện là sợi dây nối kết và là một trong
những yếu tố quyết định tới sự phát triển của trang Facebook của thư viện. Nhận thấy
được những điều này, các thư viện lớn trên thế giới đã sử dụng Facebook như một địa
chỉ để cung cấp và tổ chức dịch vụ tư vấn, trả lời thắc mắc trực tuyến hữu ích với người
dùng tin. Điều này đã nhận được những phản hồi rất tích cực từ phía người dùng tin bởi
nó không chỉ tạo sự tiện lợi tối ưu mà còn khuyến kích vai trò của người dùng tin đối với
thư viện. Những người dùng tin không chỉ đăng tải những thắc mắc của mình mà còn
có thể hỗ trợ và cung cấp thông tin cho những người dùng tin khác – Điều này đã làm
tăng sự tương tác giữa những người dùng tin với nhau và làm tăng hiệu quả ứng dụng
Facebook trong hoạt động thông tin – thư viện.
Một tính năng quan trọng mà được hầu hết các thư viện lớn trên thế giới có ứng dụng

mạng xã hội Facebook quan tâm chính là việc tạo lập các ứng dụng trên nền tảng lập
trình “Facebook Flatform”. Một trong số những ứng dụng nổi trội nhất chính là “máy
tìm CiteMe” và mục lục trực tuyến WorldCat – the OCLC (Online Union Catalog) được
tích hợp ngay trên Facebook. Có thể nói đây là một trong những ứng dụng hữu ích nhất
mà các thư viện lớn trên thế giới đã ứng dụng để phục vụ người dùng tin thông qua mạng
xã hội Facebook. Với ứng dụng này, người dùng tin có thể tìm kiếm những thông tin
chi tiết về các tài liệu thông qua nhan đề, tác giả ở các định dạng khác nhau. Bên cạnh
đó, cán bộ thư viện cũng có thể dễ dàng điều tra, khảo sát, đặt câu hỏi thông qua việc sử

11/14


Ứng dụng mạng xã hội Facebook trong hoạt động thông tin - thư viện

dụng ứng dụng tạo lập bảng hỏi của Facebook để thu hút người dùng tin cũng như nắm
bắt nhu cầu, đánh giá của họ về các sản phẩm và dịch vụ của thư viện hay về các vấn đề
liên quan tới thư viện như cách thức phục vụ, cơ sở vật chất, nguồn lực thông tin…

Hình 1.3: Ứng dụng máy tìm CiteMe và WorldCat trên Facebook
Ngoài ra việc cung cấp các đường link liên kết tới các trang web hay các trang Facebook
khác có liên quan là điều mà các thư viện lớn trên thế giới rất chú trọng bởi vì mặc dù
có đặc tính liên kết, lan truyền và phổ biến thông tin nhanh chóng nhưng những thông
tin đăng tải trên Facebook cũng có những hạn chế nhất định. Ví dụ như những thông tin
đăng tải lên Facebook không thể đăng tải dưới hình thức xem kẽ văn bản và hình ảnh
như những thông tin được đăng tải trên các trang web. Vì vậy, việc dẫn các đường link
liên kết rộng rãi không chỉ hỗ trợ người dùng tin dễ dàng tiếp cận các nguồn tin khác của
thư viện mà còn là phương thức khắc phục những hạn chế của thông tin đăng tải trên
mạng xã hội Facebook.

12/14



Ứng dụng mạng xã hội Facebook trong hoạt động thông tin - thư viện

Hình 1.4: Trích dẫn đường link kết nối với các trang web liên quan
trên Facebook của Thư viện Đại học Yale

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bùi Thanh Thủy (2012). “Nghiên cứu ứng dụng marketing hỗn hợp trong hoạt động
thông tin – thư viện các trường đại học Việt Nam”, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Văn
hóa Hà Nội
2. Bế Quỳnh Trang (2008). “Chiến lược marketing của Thư viện Đại học Yale (Hoa Kỳ)
qua mạng xã hội Facebook”, Đề tài nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Khoa học Xã
hội và Nhân văn
3. Christie Koontz (2004). “The Marketing Mix: The 4P Recipe for Customer
Satisfaction”, Marketing Library Services, Vol.18, No.1
4. Dương Hữu Hạnh (2000). “Các nguyên tắc Marketing”, NXB Thống kê
5. Hoàng Thị Thu Hương (2009). “Web 2.0 với thư viện trường đại học”, Trung tâm
Thông tin – Thư viện Đại học FPT

13/14


Ứng dụng mạng xã hội Facebook trong hoạt động thông tin - thư viện

6. ITC News (2011). “Facebook là mạng xã hội số 1 ở Việt Nam”, NetCitizens Việt
Nam 2011
7. Ngô Xuân Bình (2001). “Marketing lý thuyết và vận dụng”, NXB Khoa học Xã hội
8. Nguyễn Hữu Nghĩa (2007). “Tiếp thị thư viện qua mạng Internet”, Tạp chí thư viện
Việt Nam, Số 2, tr.29-33

9. Phan Thị Thu Nga (2005). “Chiến lược marketing đối với hoạt động TT-TV”, Bản tin
Thư viện – Công nghệ thông tin, số 3, tr. 15-20
10. Phạm Thị Bích Ngọc (2010). “Hoạt động Marketing tại Cục Thông tin Khoa học và
Công nghệ Quốc gia”, Khóa luận tốt nghiệp
11. Philip Kotler (2007). “Marketing căn bản”, NXB Lao động – Xã hội, HN
12. Philip Kolter (2006). “Quản trị Marketing”, NXB Thống Kê, Hà Nội
13. Trần Mạnh Tuấn (2005). “Marketing trong hoạt động thông tin thư viện”, NXB
Quốc gia Hà Nội
14. Vũ Quỳnh Nhung (2011). “Tiếp thi và quảng bá các dịch vụ Thư viện”, Trung tâm
Thông tin – Thư viện Học viện Ngân Hàng

14/14



×