Tải bản đầy đủ (.pdf) (11 trang)

SINH HỌAT VĂN HÓA DÂN GIAN XÃ NHƠN HẢI HUYỆN NINH HẢI TỈNH NINH THUẬN

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (214.63 KB, 11 trang )

SINH HỌAT VĂN HÓA DÂN GIAN XÃ NHƠN HẢI HUYỆN NINH HẢI
TỈNH NINH THUẬN
1. Nhơn Hải - đất và người
Năm 1693, chúa Nguyễn Phúc Chu chính thức đặt tên cho các địa danh từ Thuận
Hoá trở vào. Vùng đất thuộc dinh Bình Thuận, đạo Phan Rang được lập ra, qua hơn 300
năm lịch sử với nhiều lần tách - nhập, đến sau Cách mạng tháng Tám, xã Nhơn Hải trở
thành một đơn vị hành chính thuộc huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.
Nhơn Hải là một xã ven biển nằm cách thị xã Phan Rang 20km, cách trung tâm
huyện Ninh Hải 11km. Xã có 7 thôn là Mỹ Tường 1, Mỹ Tường 2, Khánh Nhơn 1, Khánh
Nhơn 2, Mỹ Phong, Mỹ Tân, Mỹ Hiệp. Là xã ven biển nên diện tích đất nông nghiệp chỉ
có 1025 ha trên tổng diện tích 3750 ha toàn xã. Diện tích đất đó lại chủ yếu là loại đất pha
cát nên không thích hợp trồng lúa, chủ yếu trồng hành tỏi, thuốc lá, ớt, bông v.v... là
những cây màu quen chịu hạn, không đòi hỏi nguồn nước tưới vốn hiếm hoi trên vùng
Ninh Thuận với đặc thù nóng hạn. Diện tích đồng muối khoảng 31 ha (gần 100 hộ dân
làm nghề này), trừ diện tích đất ở trong xã, còn lại là những cánh đồng cỏ và diện tích
mặt đầm (Đầm Vua), núi đồi v.v... phục vụ chăn nuôi gia súc như bò, cừu, dê và chăn
nuôi gia cầm; trại nuôi tôm giống, tôm thịt. Nghề đánh bắt hải sản khá phát triển với đội
tàu chủ yếu từ 10-90CV, trong đó có 5 chiếc công suất lớn phục vụ đánh bắt xa bờ từ 90150CV đã đưa hoạt động ngư nghiệp trở thành mũi nhọn kinh tế, đóng góp 20-25% tổng
nguồn thu/năm của xã. Nghề chế biến hải sản tương đối phát triển, nhiều hộ dân mở lò
hấp cá khô xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Đài Loan. Nhiều hộ làm nước nắm,
phơi mực v.v... cũng cho thu nhập khá.
Ngoài lực lượng làm nông nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, còn có một số ít
người gắn bó cuộc sống với lâm nghiệp, sống bằng nghề trồng rừng, khai thác sản phẩm
núi rừng như kiếm củi, mật ong v.v... và khai thác đá. Một bộ phận dân cư nữa làm các
nghề buôn bán nhỏ, phu hồ, thợ thủ công - mà có tiếng hơn cả là nghề đan võng bằng sợi
dứa được khách hàng ưa chuộng một thời (nay vẫn còn nhưng không phát triển vì sự
cạnh tranh của các loại võng dệt bằng chất liệu mới, giá rẻ từ thành phố nhập về). Nhìn
chung người dân xã Nhơn Hải tần tảo làm ăn, tuy cuộc sống chưa thực sự giàu có nhưng
trong xã số hộ khá giả chiếm số đông, chỉ còn 3% số hộ nghèo (được nhận trợ cấp của
chính quyền) do hoàn cảnh gia đình neo người (mẹ goá, con côi) hoặc bị bệnh tật kinh
niên (tâm thần) không đủ sức khoẻ lao động. Xã có 1 trường THCS, 3 trường tiểu học, 1


nhà mẫu giáo, có một lớp học mở buổi tối chống tái mù chữ cho lớp người trung niên,
cao tuổi ở địa phương là lực lượng không được đến trường trong thời kỳ chiến tranh
chống Mỹ. Trạm y tế xã và hội đông y liên kết trở thành lực lượng đông tây y kết hợp
chăm sóc sức khoẻ toàn dân.
Xã Nhơn Hải nằm ở phía đông của huyện, cũng là xã nằm sát ven biển, với Hòn Rồ, Hòn
Đỏ, Hòn Chông; sau lưng phía tây là CK 19 với các ngọn núi bao quanh như núi Ông
Kinh, Ông Thuẫn, Ông Câu, Ông Chống, Bà Chèo.., phía nam giáp xã Tri Hải, phía bắc
giáp xã Vĩnh Hải. Nhơn Hải là xã có núi, có đồng, có ruộng muối, mặt nước... rất đa


dạng, đó là tiền đề cho người dân nhiều cơ hội để tồn tại và phát triển trong quá trình
thích nghi, chinh phục, khai thác tự nhiên phục vụ cuộc sống con người. Xóm làng trù
mật của 3.380 hộ dân với 16.907 nhân khẩu (số liệu thống kê năm 1998), chỉ có 3 hộ gia
đình người Hoa làm nghề buôn bán nhỏ nên có thể nói Nhơn Hải là xã khá điển hình cho
văn hóa làng Việt ven biển Nam Trung Bộ. Nguồn gốc dân cư khá thuần nhất, tuy chưa
tìm được những văn bản ghi chính xác thành phần cư dân của xã nhưng gốc gác lâu đời
từ vùng Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên theo đường biển đến định cư lâu đời vẫn được
nhân dân khẳng định đinh ninh. Truyền ngôn về vùng đất này thủ thỉ với ta rằng vào một
ngày đẹp trời, sóng nước êm ả, trên ghe kia có 9 người - hay 9 gia đình từ vùng ngoài cặp
vô bến Hòn Đỏ. Họ cất lán dựng trại rồi từ đó, xóm làng dần trù phú sinh sôi. Cái trại bé
nhỏ khiêm nhường ấy được người xưa đặt tên là Cửu hữu - tức là chín người (gia đình) là
bạn bè, bằng hữu để cùng khai phá vùng đất mới trên tinh thần tương thân tương ái.
Những vị này về sau được con cháu tôn làm thành hoàng bổn cảnh, thờ phụng tại đình
làng. Ngày nay, địa danh Xóm Trại thuộc thôn Mỹ Hiệp được nhân dân cho biết đó là
dấu vết của cái trại xưa kia.
Xã Nhơn Hải có 7 ngôi chùa, nổi tiếng hơn cả chùa Thiên Tràng toạ lạc trên Núi
Một. Hai ngôi đình trong xã là Khánh Nhơn và Mỹ Tường đều có tiếng trong vùng. Đình
Khánh Nhơn thờ thành hoàng bổn cảnh. Trước kia đình có sắc phong nhưng nay đã bị
mất hoàn toàn. Cùng nằm trong cụm di tích đình Khánh Nhơn còn có miếu lăng Bà, nhà
thờ Tổ sư tiên sư, nhà đòn đám. Thông thường miếu lăng Bà là nơi thờ bà Ngũ Hành

nương nương, bà Thiên Hậu, Bà Thuỷ... song ở đây đối tượng thờ phụng lại là Bà Trưng
Trắc và Trưng Nhị - Hai Bà Trưng ngự trên khám chính giữa lăng. Hai bên khám chính là
ban thờ tả hữu bộ hạ. Về miếu lăng Bà ở cụm di tích đình Khánh Nhơn, hiện nay chưa có
manh mối tư liệu để khẳng định hoặc phác dựng ra con đường tín ngưỡng thờ phụng Hai
Bà Trưng vì lý do gì mà lại xuất hiện ở vùng đất đầy nắng gió Ninh Thuận. Chắc đây chỉ
là lớp văn hóa muộn được chồng lấp lên những lớp văn hóa có từ trước?(1). Chỉ biết rằng
dạng kiến trúc đình cùng nằm trong khuôn viên với miếu, chứng tỏ đình được dựng sau
khi đã có miếu thờ, bởi lẽ: “việc xây dựng đình trên phần đất của miếu chứng tỏ khi dựng
miếu các vị tiền bối đã chọn kỹ và thuật “Phong, thuỷ” luôn được áp dụng triệt để trong
xây cất... Muốn làng yên ổn, sung túc, thì đình phải được xây dựng trên đất ấy”(2). Trong
tổng số 48 ngôi đình ở toàn tỉnh Ninh Thuận, Khánh Nhơn là ngôi đình có phần kiến trúc
đầy đủ các hạng mục của ngôi đình tiêu biểu. Toà chánh điện phát triển theo trục dọc bao
gồm: Nhà võ ca, tiền đường/tế, nhà ghè (ống muống), nhà hậu tẩm.
Đình Mỹ Tường còn có tên là đình Cổ Hữu, là ngôi đình thứ hai trong xã, được
người dân đồng nghĩa với ngôi miếu thờ “Thổ công, hà bá” từ những ngày đầu khi các vị
tiền bối đặt chân lên mảnh đất này. Năm tháng qua đi, từ tranh tre nứa lá, bàn tay con
người tạo dựng khiến ngôi đình ngày càng to đẹp hơn. Năm 1820 - Minh Mạng nguyên
niên, đình được sắc phong Hạ đẳng chi thần. Năm 1888-Thành Thái thứ nhất, được sắc
phong Trung đẳng chi thần. Năm 1916 - Khải Định thứ nhất, được sắc phong Thượng
đẳng chi thần(3). Trong vòng gần 100 năm, đình Mỹ Tường được nhà nước phong kiến
sắc phong ba lần cho vị thần thành hoàng làng, đình được trùng tu nhiều lần nên ngày
càng to đẹp, như câu ca:
Thùng thình, thùng thình như ngôi đình Cổ Hữu.


Đến năm 1946, khi giặc Pháp chiếm đóng Mỹ Tường, chúng đã san phẳng ngôi
đình lịch sử này. Mãi đến năm 1960, mặc dù đất nước vẫn còn chiến tranh chia cắt, nhân
dân Mỹ Tường đã cùng nhau góp của góp công, phục dựng lại ngôi đình trên nền cũ. Cho
dù không đồ sộ, uy nghi như trước kia nhưng đó là nơi để bà con có thể hương khói thờ
phụng chư vị thánh thần và những người con trung hiếu của quê hương đã vì mảnh đất

mà hy sinh. Cho đến nay, nhất là thời điểm từ năm 2000, sau khi đình Mỹ Tường tổ chức
lễ khánh thành và ca diên, diện mạo một ngôi đình đã tương đối hoàn thiện nhờ tấm lòng
hướng về cội nguồn của nhân dân trong và ngoài xã thì những lễ nghi tập tục kính nhớ tổ
tiên, thành hoàng bản thổ - là lực lượng thiêng phù trợ cuộc sống nhân dân, bắt đầu đi
vào nề nếp và trở thành nét văn hóa tâm linh không thể thiếu trong các kỳ tế lễ.
Cũng giống như bao làng chài khác, xã Nhơn Hải có lăng thờ cá voi - cá ông ở làng
Mỹ Hiệp và Mỹ Tân. Lăng ông Nam Hải ở Mỹ Tân nằm sát biển, xây vào năm 1932 thời điểm ông lụy vào địa phận của làng. Bộ ngọc cốt của ông hiện nay vẫn trang trọng
cất giữ ở nơi tôn nghiêm nhất của lăng. Lễ cầu ngư ở Mỹ Tân được tổ chức 3 năm một
lần, trở thành địa chỉ văn hóa của ngành văn hóa thông tin tỉnh Ninh Thuận.
Tuy là làng Việt nhưng trên địa phận xã Nhơn Hải còn có những di tích thuộc văn
hóa người Chăm. Khu mộ Chăm ở Gò Sạn trên đường 702 và lăng ông Đỏ ở thôn Mỹ
Tường 1. Năm 1983 di tích Hòn Đỏ được khai quật lần đầu, năm 2000 được khai quật lại.
Di tích Hòn Đỏ là nơi thờ hoàng hậu Bia Sôi của người Chăm. Hằng năm vào khoảng
tháng 4 dương lịch, người Chăm thường đến lăng ông Đỏ làm lễ, sau đó làm lễ cầu đảo
tại Hòn Đỏ. Trong cụm di tích Hòn Đỏ còn có giếng cổ Chăm và những di vật bôn đá, mộ
chum, mảnh gốm Sa Huỳnh và những tô, chén, bình... tráng men Trung Quốc đã bị vỡ
vụn mà niên đại phổ biến ở thế kỷ X - XIII. Di tích Hòn Đỏ được các nhà khảo cổ kết
luận là nơi dừng chân để lấy nước ngọt cho các tàu buôn Trung Quốc(4) trên đường
buôn
bán
quốc
tế.
2. Vài nét về sinh hoạt văn hóa dân gian xã Nhơn Hải
Cũng như nhiều làng xã thuộc các tỉnh Nam Trung Bộ, Nam Bộ khác, lịch sử hình
thành vùng đất Nhơn Hải, cho đến nay vẫn chưa tìm được tài liệu ghi chính xác và đầy đủ
những điều mà hậu thế muốn biết về các vị tiền nhân. Do tình hình thiếu vắng của tư liệu
nên phương pháp phổ biến nhất vẫn là sự liên hệ tuyến tính theo thời gian (lịch đại) kết
hợp những hiện tượng, di tích đang hiện hữu (văn hóa vật thể và phi vật thể - theo lát cắt
đồng đại) để đối chiếu, so sánh để rồi nghĩ suy, phỏng đoán, phác dựng chân dung cuộc
sống thời xưa.

Mấy trăm năm sinh tồn trên vùng đất Nhơn Hải, ngư dân xã Nhơn Hải đã tiếp nối
truyền thống tâm linh của dân cư vùng biển là tín ngưỡng thờ cúng cá ông. Thờ cúng cá
ông với ước mong mùa cá bội thu, công việc lao động ngoài biển khơi gặp trời yên biển
lặng. Vả chăng, nếu sóng gió bất thường thì cũng được cá ông giải cứu. Do vậy, những lễ
nghi, kiêng kỵ dành cho cuộc tế lễ cá ông bao giờ cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt sự
thành kính, trang nghiêm. Ban quản lý lạch - tương đương với các vạn chài - chịu trách
nhiệm tổ chức lễ hội. Thông thường các ngư dân đánh cá theo mùa, theo con nước. Đánh
cá dài ngày thì bắt đầu rời bến từ 16 âm lịch, đến tận 11-12 tháng sau mới về. Đánh lưới


đăng thì có thể đánh bắt quanh năm. Người ta còn đánh lưới mấu, lưới rải, lưới gai hay
câu tuỳ theo từng tháng trong năm. Mỗi tháng có một ngày kỵ đi biển riêng mà các ngư
dân cần tuân thủ để đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân và cộng đồng toàn lạch. Khi
ra khơi, gặp thời tiết xấu, các ngư dân cần hết sức đề phòng trường hợp bão tố nổi lên,
bởi lúc đó, giữa bao la mây nước, tai hoạ có thể giáng xuống bất cứ lúc nào. Trường hợp
ghe, thuyền bị chìm, các ngư phủ phải cởi bỏ áo quần (tránh ô uế cho cá ông) với mong
muốn sẽ được ông đến giải cứu. Họ tâm niệm rằng ông luôn là thần hộ mạng, sẽ cứu họ
trong thời khắc gian nguy nhất - đó cũng là sứ mạng cao cả của ông - bởi lẽ nếu ông
không cứu được người thì ông phải chịu chết - tức là lụy - để sau đó oai linh ông sẽ tiếp
tục phò trợ cứu giúp cho dân. Người ta truyền nhau câu chuyện cứu người bị nạn bằng
cách ông bơi trước bão tố, người bị nạn sẽ được ông cuốn theo luồng nước phía sau ông
mà cập bờ an toàn.
Đối với ngư dân, ông Nam Hải, và Bà Thuỷ là phạm trù cặp đôi. Trong lễ hội tế ông
Nam Hải cầu ngư (thôn Mỹ Tân) nghi lễ rước kiệu buông vải đỏ nghinh Bà Thuỷ về lăng
ông là thủ tục trang trọng không thể thiếu, và người ta tin rằng, chỉ khi các thủ tục được
diễn ra trọn vẹn thì ước nguyện của ban lạch mới thành sự thực - tức là năm đó sẽ có mùa
cá bội thu. Trong lễ hội cầu ngư còn có múa hát bả trạo góp phần tạo không khí linh
thiêng mà vui nhộn giải trí cho người dân. Chỉ có điều đội bả trạo này được mời từ địa
phương khác đến.
Tổ chức hành chính trước Cách mạng tháng Tám vẫn còn có những chức Tiên chỉ,

chánh ban, phó ban, ban lý hương (ngũ hương), trưởng ấp ... làm các công việc hành
chính trong làng xã theo lệnh cấp trên ban xuống như thu thuế, bắt lính, phạt vạ... hay
cùng dân đứng ra tổ chức cúng tế, lễ hội trong làng dịp xuân, thu tại đình, miếu, lăng,
chùa v.v....
Việc cưới xin trong làng cũng tựa như bao làng Việt khác là bao gồm các thủ tục
như dạm ngõ, ăn hỏi, đám cưới. Vai trò người mai mối rất quan trọng vì họ là đường dây
thông tin giữa hai đàng trai và gái. Từ lúc tổ chức đám hỏi đến đám cưới phải mất thời
gian 3 năm. Trong thời gian này, chàng rể tương lai phải ở nhà vợ (về hình thức thôi),
anh ta ra vào nhà bố mẹ vợ tương lai tự nhiên như con cháu trong nhà, chỉ có điều tuyệt
đối không được đi qua, đi lại bằng cửa chính. Chẳng may chàng rể tương lai trót vi phạm
quy định này thì anh ta phải chịu nộp phạt 3 quan tiền. Trong thời gian chờ được chấp
nhận tổ chức đám cưới, anh này phải đi sêu bằng các loại hoa quả đầu mùa, ngày tết phải
biếu cha mẹ người yêu cái nọng heo để tỏ lòng kính trọng họ. Qua thời hạn 3 năm, nếu
chàng trai được bố mẹ bên nhà gái ưng thuận thì đám cưới sẽ diễn ra. Đồ dẫn cưới đem
đến cho nhà gái thường là đôi bông, cặp áo v.v... Tới lúc này hai họ và bà con xóm giềng
đều vui vẻ mừng đôi tân hôn và gia đình thông gia vì họ đã tìm chọn được chàng rể hiền,
dâu thảo.
Trường hợp trong thời gian thử thách 3 năm, nếu chàng trai không đáp ứng những
tiêu chuẩn do nhà gái đề ra hoặc ngược lại người con trai không còn ưng cô gái mình sẽ
lấy làm vợ nữa thì phải làm lễ phạt duyên. Trường hợp chàng trai không ưng cô gái thì
anh ta tuyên bố cắt đứt quá trình thử thách tại nhà gái, hai họ gặp gỡ bàn bạc chuyện phạt
duyên. Trường hợp cô gái không ưng chàng trai thì nhà gái bị phạt duyên rất nặng. Toàn


bộ chi phí từ lúc ông mai đánh tiếng đến thời điểm diễn ra lễ phạt duyên nhà gái phải chi
trả và thêm một phần tiền lớn nữa, thường gấp hai lần trở lên. Nhưng dù sao, nếu lễ phạt
duyên xảy ra thì sau đó cô gái rất khó lấy chồng.
Trong trường hợp một trong hai người chết hoặc bị bệnh v.v... thì không phải làm lễ
phạt duyên và đám cưới coi như bị huỷ bỏ. Nhà gái không chịu khoản bồi hoàn nào cho
nhà trai.

Việc tang trong xã cũng diễn ra trong niềm tiếc thương vô hạn của thân nhân và
làng xóm đối với người đã khuất. ở đây, khi trút hơi thở cuối cùng để trở về với tổ tiên,
gia đình đặt người chết nằm quay đầu hướng ra cửa. Sau đó, người chết được tắm rửa
nước lá thơm rồi liệm theo giờ đã chọn. Khái niệm trở về đất mẹ - thổ táng là hình thức
tang ma điển hình của người Việt và ở đây nhân dân cũng tuân thủ theo. Sau khi đặt
người chết vào quan tài, người ta thường lấy cát sạch, sành đãi thật kỹ, cho vào quan tài
rồi chèn quần áo người quá cố xung quanh cho chắc. Một số gia đình giàu có thì cầu kỳ
hơn, họ mua vải trắng, may thành từng túi nhỏ, đổ cát vào trong rồi chèn lên người chết.
Quan tài đặt ở gian chính giữa nhà, hương khói nghi ngút, bà con xóm giềng đến phúng
viếng chia buồn. Khi đưa đám, quan tài đi qua cửa chính nhà rồi xé rào ra đường chứ
không được phép đi qua cổng nhà. Trên đường ra nghĩa địa, đoàn đưa tang phải tránh
hướng chính của đình, miếu, chùa. Dẫn đầu đám tang là hai người đốt đuốc, tiếp theo là
người đi rắc tiền vàng, người đánh trống, đoàn cờ tam giác đủ màu (vàng, xanh, đỏ,
trắng, đen - cờ ngũ phương), đội múa Náp, rồi đến xe tang và tang quyến. Sau lễ chôn 3
ngày, bao giờ người ta cũng làm lễ mở cửa mả gồm có trái cây, một cây mía để nguyên
cả lá, tiền vàng hoá mã và một con gà con. Sau lễ cúng người ta thả gà đi. Sau 7 ngày thì
làm lễ cúng tuần, rồi cúng 49 ngày, 100 ngày, cúng giỗ đầu, cúng 24 tháng. Sau đó trở đi
thì đến ngày kỵ, làm giỗ như bình thường. Trong vòng 3 năm, tang quyến không được cắt
tóc, không được to tiếng, đánh lộn, không được làm nhà mới. Đám tang ở đây không tiến
hành cải táng, sau 24 tháng thì làm lễ giải phục - mang đồ tang ra mộ đốt đi, lễ này phải
do ông thầy cúng làm hộ.
Tuy là một xã không lớn lắm trong tỉnh Ninh Thuận, nhưng Nhơn Hải lại là xã có
nhiều làng còn lưu giữ những tục lệ, nghi lễ tiêu biểu cho đời sống tinh thần và tín
ngưỡng mang đậm tính chất làng Việt ven biển. Hiện nay, văn hóa làng vẫn còn đan xen
nhiều tập tục cũ và mới trong các ứng xử thường nhật. Thật khó khăn nếu cấm đoán
người dân không được nhờ người mai mối trong đám cưới, hoặc bắt buộc người con trai
phải đủ 3 năm ở rể thì mới cho lấy vợ hoặc không được cúng đầu thuyền mỗi khi ra khơi
vào lộng v.v... Rõ ràng văn hóa làng đã có những đổi thay khiến con người thích nghi với
nó một cách tự nhiên tương ứng. Song le, những vốn văn hóa của xã Nhơn Hải được
nhiều người biết đến đó chính là hình thức hát Chọc gái và múa Náp mà chúng tôi muốn

đề cập sâu hơn bởi lẽ cả tỉnh Ninh Thuận, đến thời điểm hiện nay mới tìm được duy nhất
ở Nhơn Hải mà thôi.
3. Múa Náp
Múa Náp còn gọi là múa siêu được múa ở đình trong kỳ lễ hội. Múa Náp tại nhà
trong các đám hiếu được gọi là múa lang. Múa Náp ở Nhơn Hải có từ bao giờ không ai


còn nhớ, chỉ biết cụ già ngoài 80 tuổi đều nói rằng đã thấy có từ khi họ còn bé. Múa Náp
biên chế theo đội gồm toàn giai đinh độ tuổi thanh niên từ 15 đến 30. Múa Náp phải tuân
thủ theo lệ cổ truyền lại. Đội múa Náp muốn đi biểu diễn phải làm các thủ tục cúng tổ sư
tại nhà ông thủ chỉ. Thủ chỉ là người đứng đầu đội múa Náp, chăm lo rèn cặp và trông
nom ban thờ tổ sư. Do ban thờ tổ sư di chuyển theo chức danh thủ chỉ nên khám thờ gỗ
tương đối đơn sơ. Lễ cúng tổ sư, tiên sư nghề múa Náp tổ chức vào ngày 29 tháng 3 âm
lịch hằng năm. Vào ngày này tất cả thành viên trong đội múa Náp đều phải tề tựu tại nhà
thủ chỉ để lễ vái. Trong năm, vào ngày lễ hội trong làng hay có đám hiếu, trước khi múa
Náp, toàn đội phải làm lễ trước ban thờ tổ sư tiên sư, đồ dâng cúng có trà, rượu, nước, có
khi cả hoa quả theo mùa. Chức thủ chỉ do tập thể đội múa Náp bình bầu theo phiên chế 5
năm một lần. Người được vinh dự làm thủ chỉ có thể trực tiếp tham gia múa Náp cùng
toàn đội trong vai trò người nắm lệnh - là nhân vật quan trọng điều khiển gần như toàn bộ
nội dung của diễn trình múa. Tuy nhiên thủ chỉ cũng không cần thiết đảm đương vai trò
này mà có thể giao cho thành viên khác trong đội thay thế. Biên chế đội múa Náp thường
khoảng hơn chục người. Khi biểu diễn theo đội hình số chẵn, thường 8 người chia làm
hai hàng. Người múa Náp đầu chít khăn đội mũ, mặc quần áo rộng, lưng cuốn đai, nai nịt
gọn gàng, chân cuốn sà cạp, đi giày vải bó chân. Đạo cụ múa Náp là đoạn Náp dài
khoảng 100 cm. Phần lưỡi rộng khoảng 10cm, dài chừng 40cm, còn lại là phần cán tròn
đường kính vừa một chét tay. Cái Náp làm bằng gỗ có hình thức tựa chiếc đao nhưng cán
ngắn hơn một chút. Múa Náp có chừng 20 bài là: Bái tổ, ba thoi, đá đầu, tỳ trên, tỳ dưới,
nhảy ngựa, tạ hàng ngang, tạ hàng xuôi, miếng sấn, miếng đổi, đánh cán, đánh lưỡi,
miếng tiếp, tứ trụ, sĩ vàng, vàng thủ công, trụ bụng, trụ rún (rốn), sắp mặt, sắp lưng, ra
lưng, nhảy trái... là những động tác múa được gọi nôm na dân dã cho dễ nhớ, dễ thuộc.

Chắc rằng ở Bình Thuận - nơi cũng có múa Náp thì tên gọi của những miếng - bài múa
không như trên.
Múa Náp biểu diễn các động tác múa nhanh, gọn, chắc, dứt khoát mà gợi sự dẻo dai
bền bỉ. Có lẽ những thế võ này được cha ông truyền lại từ vùng đất Bình Định nổi tiếng
với truyền thống võ Tây Sơn. Phải chăng đây chính là hình ảnh người dân mở đất dũng
cảm đương đầu với thiên nhiên hoang sơ ở miền quê mới, khi nạn giặc dã và thú dữ luôn
cận kề đe doạ đời sống của họ? Sức khoẻ, sự mưu trí gan dạ chắc chắn phải trở thành một
phẩm chất của người dân khi khai phá vùng đất mới. Có lẽ những bài múa Náp chính là
sự kết hợp giữa nhu cầu rèn luyện sức khoẻ và nhu cầu giải trí văn nghệ xen lẫn nhu cầu
tâm linh. Trong kỳ lễ hội làng, múa Náp bao giờ cũng được thực hiện ở đình trước khi tế
lễ. Trong kỳ tang ma, sự xuất hiện của đội múa Náp có ý nghĩa tiễn đưa người quá cố một
cách trang trọng. Triết lý sinh ly tử biệt ở thời điểm đánh dấu sự cắt chia giữa những
người trong gia đình với người thân mất đi trong niềm tiếc nuối được đội múa Náp - bằng
hành động múa - đã khơi gợi và an ủi cả gia đình và cộng đồng làng xã. Múa Náp thực
hiện lúc nhập quan, múa tiễn đưa vào sáng, trưa, tối, múa tiễn ra đồng và múa khi hạ
huyệt. Hoạt động của đội múa Náp gần như phi kinh tế, các thành viên trong đội, từ xưa
đến nay, không bao giờ đòi hỏi thù lao của gia chủ (trong dịp đám tang) hay của làng
(trong dịp lễ hội). Họ coi việc biểu diễn múa Náp trước toàn thể cộng đồng là niềm vinh
dự, tự hào của mỗi thành viên trong đội. Bởi lẽ bản thân họ vốn là những người nông dân,
ngư dân hằng ngày lam lũ trên đồng ruộng hoặc ngoài xa khơi. Họ cũng bình thường như
bao người trong làng, nhưng khi được tham gia múa Náp, dường như những cá nhân nhỏ
bé đó đã lớn lên, đã thức dậy trong tâm khảm điều cao cả, thiêng liêng nào đó, khi họ biết


rằng, mình đang thực hiện một hành động có tính nối dòng văn hóa truyền thống từ thời
ông cha để lại. Cần nói thêm rằng, khi đất nước còn nạn giặc dã, chính những bài múa
Náp đã góp phần không nhỏ vào những thắng lợi của quân và dân của xã Nhơn Hải.
Thậm chí, một thời gian múa Náp bị giặc cấm đoán, nhưng hình thức luyện quân này vẫn
đều đặn được duy trì một cách bí mật qua các thế hệ.
4. Hát Chọc gái

Hát Chọc gái - theo truyền tụng đã có từ khi mới lập làng. Khởi đầu khi nghe thấy
tiếng thậm thịch giã gạo, xay lúa vào ban đêm của các cô gái, các chàng trai đến tuổi cập
kê bèn rủ nhau tìm đến đánh tiếng. Lời đối lời, giọng đối giọng, người hát với người nghe
đồng cảm, đồng lòng hơn. Tối qua, sáng lại, lực lượng tham gia hò hát đối đáp trong đêm
giã gạo dần bổ sung tăng thêm về số lượng, họ tập trung thành từng nhóm, hát hò thủng
đêm tới sáng mới thôi.
Hát Chọc gái ngày càng trở nên hấp dẫn và trở thành nhu cầu văn hóa trong đời
sống tinh thần nam nữ thanh niên thời xưa. Chính điều đó đã làm nội dung những cuộc
hát Chọc gái ngày càng phong phú. Khi hát, người trong cuộc thường lấy các tích như
Kiều Nguyệt Nga, Hạ Nam đàn, Lục Vân Tiên, Thoại Khanh Châu Tuấn, Ngũ Bình
Tây... để khép, mở, dãi bày tâm trạng với bạn tình. Thường thì những người tham gia
cuộc hát phải có độ tuổi cập kê 15 trở lên. Đàn ông có vợ, gái goá có chồng cũng được
nhập cuộc hát. Còn những cô gái đã có chồng tuyệt đối không được tham gia - đó là quy
ước của tất cả các cuộc hát Chọc gái.
Theo lời những vị cao niên, các cuộc hát Chọc gái thường diễn ra theo các chặng
(còn gọi là màn): Chào hỏi, chọc gái, tâm tình. Những đêm hát ngày xưa ấy không chỉ
đơn thuần là sinh hoạt văn hóa mà nhiều đôi nam thanh nữ tú đã nên vợ nên chồng, để
hôm nay, trên sân hát, với sự góp mặt của họ (đã ở tuổi thất thập cổ lai hy) là điều minh
chứng cho sinh hoạt hát Chọc gái - một nét văn hóa riêng chỉ thấy có ở thôn Mỹ Tường 2.
Hiện nay, theo định kỳ hằng tháng, cứ đến tối hôm rằm, các cụ lại gặp nhau để sinh hoạt
ca hát, còn lực lượng thanh niên thì dự thính để học hỏi với hy vọng sẽ thay thế vị trí của
các cụ trong một ngày không xa.
Trở lại sân hát diễn ra tại nhà ông Phạm Ngọc Sang (5), khi vào cuộc chia thành hai
bên nam, nữ riêng biệt. Một người đại diện bên nam cất lời trước, thường mở đầu là: ơ
xin mời mấy bạn hò lên. Câu hát gợi vừa dứt thì tất cả bên nam cùng đế theo: hò ơ... ớ...
ơ... hờ, rồi đại diện bên nam lại tiếp tục hát. Lời ca thường là câu thơ hoặc đoạn thơ ở thể
thơ lục bát hay lục bát biến thể. Sau khi người đại diện hát hết một ý thì tất cả tốp lại trào
lên lời hát đế: ơ... ơ...hờ. Đến lượt bên nữ hát đáp lại và câu mở đầu thường là: Cô phèng
mời các chị hò lên. Câu hát kết thúc liền được phái nữ đế theo: ơ...ơ... hờ. Kết thúc một ý
đối lại lời hát bên nam cũng là tiếng đế ơ...ơ... hờ của chị em. Cứ như vậy, mở đầu bên

nam hát, tiếp theo bên nữ và qua màn chào hỏi, cuộc hát như nồng say hơn qua những
câu hát tâm tình. Bên nam hát, bên nữ nghe ngóng chú ý tìm đúng ý, tứ để đối lại. Có lẽ
chỉ ở màn Chọc gái mới thấy khả năng linh hoạt trong ứng tác thơ ca của những người
trong cuộc, và màn tâm tình là chỗ thể hiện rõ nhất mức độ nông - sâu trong tâm hồn của
họ.


Hát Chọc gái được người dân giải thích một cách khá hồn nhiên, đơn giản. Chọc
nghĩa là tán tỉnh, chính tán tỉnh theo kiểu hát vui văn nghệ này, nhiều đôi trai gái đã nên
duyên. Thực ra, hát Chọc gái là một hình thức sinh hoạt ca hát giao duyên, đối đáp hay
hát huê tình ở nhiều nơi mà thôi.
ở thôn Mỹ Tường, do đặc điểm làng biển ít đất ruộng, không thích hợp trồng lúa nước
nên họ thường xuyên phải mua gạo từ nơi khác về. Hoạt động xay lúa hay giã gạo, do vậy
cũng được quan tâm đặc biệt. Đó cũng là lý do riêng để hát Chọc gái có một môi trường
diễn xướng đặc thù chăng? Dầu sao, trong lịch sử, việc kết hợp môi trường lao động với
các sinh hoạt vui chơi giải trí hay văn nghệ là một quy luật mang tính phổ quát.
Với góc tiếp cận từ khoa học về âm nhạc, hát Chọc gái ở Mỹ Tường được xem là
loại hình âm nhạc dân gian.
Dựa vào tiêu chí cách trình bày, cách bố cục âm nhạc và lời ca theo các phương
thức khác nhau, nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian thường chia dân ca Việt Nam ra
ba dạng cấu trúc chính là: cấu trúc nguyên sơ, cấu trúc làn điệu, và cấu trúc ca khúc dân
gian (hay cấu trúc ổn định). nếu lấy ba loại cấu trúc trên làm chuẩn mực để soi xét, thì
giai điệu âm nhạc của hát Chọc gái được vận động trên thang 4 âm. Nếu tính từ âm thấp
đến âm cao để mà ghi chúng trên 5 dòng kẻ theo cách ghi âm và theo cách đọc của âm
nhạc châu Âu (tất nhiên dùng cách ghi này chỉ là sự áng chừng, chứ tần số âm thanh thực
tế không hoàn toàn đúng như vậy), thì thang âm của nó sẽ là: Đồ - Rê - Sol - La (tạm gọi
là nốt 1, 2, 5, 6).
Mặc dù chỉ có 4 âm nhưng nó kết hợp với nhau vừa biến hóa vừa quan hệ trong mối
tương hỗ chính - phụ, điều này đã dung nạp tất cả các lời thơ và tính biểu cảm của nó
cũng được bộc lộ rõ nét. Trên tuyến vận động của giai điệu, nhịp điệu bắt đầu nảy sinh

những giá trị trường độ đối lập nhau, tạo ra sự hấp dẫn với người hát, người nghe.
Tuỳ thuộc vào ý, tứ của người hát mà đoạn nhạc có thể dài ngắn khác nhau, nhưng
trong mỗi trổ của hát Chọc gái, chúng ta có thể nhận thấy có ba phần rõ rệt: Phần mở,
phần thân và phần kết.
Phần mở
Có hai vế đó là hát gợi và hát đế (ở đây tôi dùng chữ gợi chứ không phải là xường
hay gọi; đế chứ không phải là xô, đáp). Hát gợi thường với các từ: Cô phèng mời các chị
hò lên, hay Khoan khoan mời bạn hò lên chỉ để mở đầu cho bên nữ hoặc bên nam khi
luân phiên nhau hát. Khi vừa chấm dứt thì mọi người đế theo các hư từ ơ ờ hay ơ hơ ờ...
Thường thì từ đầu của gợi rơi vào nốt thứ 5 và kết thúc cũng ở nốt 5. Hát đế là nét
nhạc bắt đầu từ nốt 6 rồi kết thúc ở nốt 1. Phần mở vừa có chức năng độc lập là một phần
riêng biệt vừa có chức năng liên kết bó bện giữa các trổ với nhau. ở phương diện khác,
phần mở vừa có tính dẫn vào vừa có tính đóng lại.
Phần thân


Là phần chính, mang chức năng kể, mọi ý nghĩa tình cảm được tích đọng ở đây. Để
dẫn vào phần thân người hát cũng hay dùng hư từ: ơ chứ... ở cao độ của nốt 5 hoặc nốt 6,
không thấy bắt đầu bằng cao độ từ nốt 1 hoặc nốt 2. Hư từ có chức năng dẫn để vào phần
thân.
Phần kết
Khi mấy từ cuối của phần thân được hát chậm lại thì cả tốp hát đế theo. Nét nhạc
này là lấy lại toàn bộ vế thứ 2 của phần mở.
Xin đưa ra dẫn chứng chặng (màn) tâm tình do bên nam hát để minh họa cho cấu
trúc của một trổ hát.
Phần mở
Vế 1: Xin mời các bạn hò lên
Vế 2: ơ.. hơ...ơ.... hờ....
Phần thân
(Ơ chứ) trước đèn xem truyện tây Minh

Gẫm cười hai chữ nhân tình thiết tha
Ta thương nàng chờ đợi mẹ cha
Tỷ như anh Vân Tiên lúc trước gặp chị Nguyệt Nga
Giữa đường cùng nhau than thở, thở than
Rồi mà xa cách hai đằng biệt ly
Bậu hồi về xứ bậu ta hội quy đồng thành
Cất tiếng kêu xin hỡi tình khanh
Xin em giữ dạ sắt cầm đừng sai
Anh xin giữ áo lâu dài
Nào ai có dỗ em cũng đừng sai tấm lòng
Phần kết
ơ hơ ơ...


(nét nhạc ở vế thứ 2 của phần mở)
Tiếp tục một người bên nữ hát đối lại, rồi lại đến một người bên nam, cứ thế thay
nhau hát, các công đoạn đều diễn ra như trên. Có chăng đó là khổ thơ ngắn, dài, ý nghĩa
sâu thẳm hay hời hợt trong nội dung đề cập ở mức độ khác nhau.
Thang âm của hát chọc gái chỉ có 4 nốt nhạc, trong cái vốn ít ỏi ấy mà các nghệ
nhân đã tạo được giai điệu âm nhạc nghe không hề nhàm chán, nhiều cung bậc tình cảm
được thể hiện, đó chính là tính sáng tạo của các nghệ sĩ dân gian.
Múa Náp và hát Chọc gái bị đứt đoạn một khoảng thời gian dài do đất nước có
chiến tranh, dầu vậy, khi có cơ hội phục hồi thì thực sự nó đã có chỗ đứng trong đại đa số
công chúng. Văn hóa dân gian vốn là dòng văn hóa chủ lưu trong đời sống nhân dân lao
động ở nông thôn Việt Nam vẫn phát huy những thế mạnh mà không phải sự cắt nghĩa
rạch ròi bao giờ cũng lý giải nổi. Mỗi làng quê Việt, dù trong muôn điểm giống nhau, vẫn
có những nét chấm phá riêng của từng làng mà sự gia giảm, độ chênh đậm nhạt, thêm hay
bớt từng nét văn hóa có lẽ chính là chọn lọc khôn ngoan của cha ông qua nhiều thế hệ để
lại cho con cháu hôm nay. Cũng là làng ven biển, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo cũng
giống như bao ngôi làng khác, tức là có chùa thờ Phật, lăng ông thờ cá voi, có đình thờ

thành hoàng v.v... nhưng tại sao múa Náp và hát Chọc gái lại tồn tại mà hò hát bả trạo ở
lăng cá ông lại phải mời từ nơi khác về biểu diễn trong dịp xuân thu cúng tế? và nhiều
điều khác tương tự là những câu hỏi ta có quyền đặt ra để tiếp tục câu trả lời về quá trình
tích luỹ, đào thải và phát huy vốn văn hóa do người xưa truyền lại. Chỉ biết rằng, ở Nhơn
Hải, nếu không có múa Náp, không có hát Chọc gái là những sinh hoạt văn hóa dân gian
điển hình thì chắc chắn cuộc sống tinh thần của người dân sẽ thiếu hụt nhiều lắm. Ngày
nay, khi những điều kiện về xã hội và kinh tế được cải thiện nhiều lần, hò hát Chọc gái
và múa Náp càng có cơ hội để phát huy, phát triển thế mạnh trong cộng đồng dân cư ven
biển duyên hải miền Nam Trung Bộ - nơi nắng và gió bốn mùa không thiếu bao giờ./.
Đăng Nghị-Lan Oanh

1. Thực ra tín ngưỡng Hai Bà Trưng chỉ xuất hiện đậm đặc ở vùng Phú Thọ, Vĩnh
Phúc, Hà Nội, Hà Tây, rồi lan toả ra các tỉnh, Hà Nam, Thái Bình, Hưng Yên, Hải
Phòng... Sau này, khi những di tích được xác định ở vùng đất Nam Bộ thờ phụng Hai Bà
Trưng thì đều là những lớp văn hóa muộn gán ghép lên những tầng tín ngưỡng có trước
đó. Chẳng hạn trường hợp đền thờ Hai Bà Trưng hiện nay ở thành phố Hồ Chí Minh
chính là đền thờ Mẫu Liễu Hạnh - tín ngưỡng Tứ phủ. Việc thờ phụng Hai Bà Trưng ở
đây mới chỉ xuất hiện sau năm 1975.
2. Nguyễn Anh Tùng, Về đình ở Ninh Thuận, tạp chí VHNT, số 9-2001, tr.22-24.
3. Nguyễn Hữu Phước, Lược sử đình Mỹ Tường, tài liệu chép tay - tác giả là người
địa phương. Những sắc phong này vẫn còn giữ được đến năm 1965; nhờ các cuộc tế lễ,
khi làm thủ tục khai sắc thần mà nhân dân mới biết đình làng mình được các vua Nguyễn
phong tặng như trên. Đến giai đoạn 1975, sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, đình
Mỹ Tường được trưng dụng một thời gian để làm trụ sở hợp tác xã. Hợp tác xã bầu ra ban


bảo toàn để các cụ cao niên chăm lo đình chùa miếu mạo. Sau một thời gian, ban này tự
giải tán nên đình bị thất lạc hầu hết các đồ tế tự, trong đó có các sắc phong, không rõ bị
đánh cắp hay bị đốt phá nhưng nay đều không còn nữa.
4. Xem bài Những phát hiện khảo cổ mới ở Ninh Thuận, tạp chí VHNT, số 9-2001,

tr.19-21.
5. Xin chân thành cám ơn UBND xã Nhơn Hải và các anh Lê Anh Dũng - Bí thư
xã, Trần Đồng Linh - cán bộ phụ trách văn hóa, các cụ Lê Thành Trinh - 80 tuổi, Nguyễn
Xuân Châu - 80 tuổi, Đỗ Thành Xinh - 72 tuổi, Nguyễn Dương Lan - 77 tuổi, Đỗ Phối 82 tuổi, Phạm Ngọc Sang - 70 tuổi, Cao Thị Tược - 80 tuổi ở xã Nhơn Hải đã giúp chúng
tôi các tư liệu cần thiết trong quá trình thực tế tại địa phương vào tháng 09-2001.



×